Hà Nội sẽ hoàn thành lập sổ theo dõi sức khoẻ toàn dân vào tháng 9-2017
Sau khi được PhóThủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trực tiếp lắng nghe và giải quyết các khó khănvướng mắc, ngành y tế Thủ đô cam kết sẽ hoàn thành ngay việc khám bệnh, lập sổtheo dõi sức khoẻ của tất cả người dân Thủ đô trong tháng 9-2017. Các trung tâm y tế cơ sở sẽ là hạt nhân của chương trình mang tính lịch sử này.
Sáng 9-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, kiểm tra công tác khám chữa bệnh ở Trạm y tế phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và làm việc với ngành y tế Hà Nội để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ cho tất cả người dân Thủ đô. Đi cùng đoàn còn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam.
Y tế cơ sở là hạt nhân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua nhiều lần đi khảo sát thực tế, y bác sỹ ở cơ sở đều chia sẻ tâm tư rằng, muốn được làm nhiều việc hơn và ai cũng biết về nguyên lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh" và phải làm tốt từ cơ sở, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là giải pháp lâu dài để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Nhấn mạnh mục đích cuối cùng là tất cả người dân đều được lập hồ sơ, tư vấn, khám chữa bệnh, sau đó khám định kỳ hàng năm, Phó Thủ tướng lưu ý, ê kíp y bác sỹ ở trung tâm y tế cơ sở chính mà mô hình của Bác sỹ Gia đình phục vụ nhân dân. “Tất cả người dân được theo dõi sức khoẻ, khám bệnh là ước mơ của toàn dân cũng là mong muốn của các y bác sỹ ngành y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện quyết liệt việc này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn thành phố hiện có 584 trạm y tế xã phường. Trong đó, 560 trạm đã đạt chuẩn quốc gia. Đến 30-6, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế.
Để triển khai việc triển khai khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khoẻ cho tất cả người dân Chủ tịch UBND TP khẳng định, Hà Nội sẽ hoàn thành sớm bởi lợi thế đã có dữ liệu dân cư thường xuyên được cập nhật, chỉ cần mở thêm trường thông tin về sức khỏe. Với việc nối mạng toàn hệ thống, sau này người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống.Mỗi người có có một mã số riêng, bác sỹ chỉ mở được các thông tin cá nhân được nếu người bệnh đồng ý để đảm bảo tính bảo mật.
Chủ tịch UBND TP cũng đề xuất kết nối gần 3.000 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập vào mạng chung, tiến tới quản lý chung toàn thành phố. Bác sỹ kê đơn mới được mua thuốc để khắc phục tình trạng 75% người dân vẫn tự mua thuốc không cần đơn như hiện nay dẫn đến thực trạng khó quản lý giá, chất lượng thuốc và tình trạng kháng thuốc.
Kiến nghị của Chủ tịch UBDN TP về việc sẽ giao cơ chế tự chủ cho các trạm y tế cơ sở để chủ động về cơ cấu tổ chức, nhân sự, kêu gọi thêm đầu tư, Phó Thủ tướng đánh giá đây là cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cấp cơ sở. Cụ thể về cách làm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận huyện tại các trung tâm y tế xã, phường. Các bác sỹ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ.Trung bình một ngày ở một trung tâm sẽ khám được từ 300 đến 500 người. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân trong tháng 9 tới đây.
Rà soát, điều chỉnh các quy định
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp hỏi chuyện các cán bộ Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm cũng như Trung tâm y tế phường Tây Mỗ. Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng rằng, nếu giao nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi sức khoẻ từng người dân cho trạm y tế cơ sở thì có thực hiện được không? Trưởng trạm Y tế xã Tây Mỗ khẳng định sẽ làm tốt và mong muốn được triển khai sớm. Các y bác sỹ cấp cơ sở cũng phản ánh nhiều khó khăn trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cũng như cần thiết ban hành danh mục các bệnh được khám chữa ở cấp cơ sở cũng như danh mục được thanh toán BHYT; cấp thuốc BHYT ở ngay cơ sở để thuận tiện cho người dân…
Về phản ánh liên quan đến những khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế khi khám bệnh vì vướng mắc giữa chứng chỉ hành nghề và chứng nhận, Trưởng Trạm y tế xã Tây Mỗ cho biết mình được đào tạo siêu âm 3 tháng ở bệnh viện Xanh Pôn, sau đó được cấp chứng nhận. Nhưng thực tế khi siêu âm ở cơ sở không được thanh toán vì yêu cầu phải có chứng chỉ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, vì sao lại phân biệt giữa chứng chỉ và chứng nhận? Đề nghị các bộ, sở ngành cần cầu thị, không đổ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nói thêm: "Rất vô lý khi cùng một bác sỹ, khám ở chỗ này thì được thanh toán, chỗ kia thì không. Chúng ta cần rà soát điều chỉnh lại các quy định cho phù hợp thực tế, không nên máy móc, làm khó cơ sở”.
Một trong những vấn đề quan trọng là kinh phí để thực hiện chương trình quan trọng này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đã gửi dự thảo dự toán kinh phí đến Bộ Y tế, Bộ Tài chính để xin ý kiến, dự kiến sẽ có 5.000 tỷ đồng để triển khai trên toàn quốc. Với mức kinh phí Hà Nội khái toán là 3.000 đồng/người cho việc lập sổ, 3.000 đồng/người cho các vật tư tiêu hao.Các y bác sỹ chỉ nhận tiền bồi dưỡng.Đại diện BHXH Việt Nam hoan nghênh và đánh giá nếu tỉnh thành nào cũng như Thủ đô, kinh phí cho công tác này sẽ được đảm bảo.
Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi người dân sẽ được lập sổ khám chữa bệnh với các thông tin cơ bản: chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sản; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm. Riêng ở Hà Nội, Phó Thủ tướng đề nghị cân nhắc huy động thêm nguồn lực xã hội hoá làm thêm các chỉ số quan trọng khác.
Phấn khởi và tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành công việc lịch sử này trong tháng 9-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, việc cần làm tiếp theo là cần đào tạo, tập huấn để các cán bộ y tế cơ sở còn có thể tư vấn sức khoẻ theo đặc điểm riêng của mỗi người dân. “Như vậy người dân sẽ càng tin tưởng hơn, góp phần tăng tỷ lệ tham gia BHYT bới những lợi ích thiết thực”, Phó Thủ tướng khẳng định...
Đồng ý để Hà Nội triển khai tầm soát ung thư tiêu hoá
Cho biết, Hà Nội đã trang bị xong máy móc, tập huấn cán bộ... Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép Thủ đô triển khai tầm soát ung thư tiêu hóa với khoảng 2,35 triệu người từ 40 tuổi trở lên ở Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá. Về kinh phí thực hiện chương trình này, Hà Nội đề xuất được sử dụng nguồn kết dư từ BHXH.Trong lúc chờ Chính phủ, Quốc hội xem xét, Hà Nội sẽ huy động nguồn xã hội hoá để thực hiện. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh, ủng hộ và đồng ý để Hà Nội triển khai ngay bởi theo Phó Thủ tướng việc tầm soát ung thư sẽ giúp nâng cao khả năng chữa bệnh cứu người…
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra các viện thuộc hệ thống Y tế dự phòng
Sáng 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn kiểm tra đến một số viện thuộc hệ thống Y tế dự phòng.
Cùng đi với đoàn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu và các cục, vụ liên quan. Đoàn tiến hành gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Dinh dưỡng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương. Các viện đã báo cáo trước đoàn kiểm tra những kết quả cũng như thực trạng mà viện đang gặp phải. Cụ thể, tại Việt Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng ương, đại diện viện cho biết, trong năm 2016 công suất sử dụng giường bệnh đạt 96,8%; khám bệnh cho 11.503 lượt người; điều trị nội trú cho 1.208 bệnh nhân sán lá gan, sán não, ấu trùng sán lợn, sán dây, giun đũa chó mèo, giun móc, sốt rét...; xét nghiệm trên 151.900 mẫu. Tương tự, báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng chỉ ra vấn đề về thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý như thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng đường máu và các bệnh mạn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư... đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong… Đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị này trong năm 2016 khi đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, trong thời gian tới, các viện cần chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt cần quán triệt đến từng nhân viên trong viện tác phong ứng xử của người cán bộ y tế. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các viện song song với việc chữa bệnh cần chủ động trong công tác truyền thông để người dân có kiến thức, có kỹ năng phòng ngừa bệnh tật.
32 địa phương phát hiện bệnh nhiễm sán lá gan nhỏ
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/862033/32-dia-phuong-phat-hien-benh-nhiem-san-la-gan-nho-
http://vtv.vn/suc-khoe/benh-san-la-gan-xuat-hien-tai-nhieu-dia-phuong-20170209094040992.htm
http://thanhnien.vn/suc-khoe/benh-san-la-gan-xuat-hien-tai-32-tinh-thanh-789596.html
Ngày 8-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thị sát và làm việc với Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp & môi trường và Viện Dinh dưỡng quốc gia về công tác y tế dự phòng.
Các nghiên cứu gần đây của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho thấy, do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng. Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất, bệnh sán truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán phổi, ấu trùng sán lợn…). Riêng bệnh sán lá gan nhỏ (gây tổn thương gan, xơ gan...) được phát hiện tại 32 tỉnh, thành phố, trong đó chiếm tỷ lệ cao ở một số địa phương như: Nam Định (chiếm 34,8%), Hòa Bình (32,7%), Hà Nội (27,7%)...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, 4 viện trên cần phải tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhất là chú trọng công tác truyền thông để người dân có kiến thức, kỹ năng phòng bệnh.
Bé 2 tuổi chết oan do chuyển viện chậm?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/be-2-tuoi-chet-oan-do-chuyen-vien-cham-20170209092811269.htm
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/be-2-tuoi-chet-oan-do-chuyen-vien-cham-20170209082457774.htm
Thấy con sốt và co giật nên cha mẹ bé Nguyên xin chuyển viện chung với một bệnh nhân khác nhưng không được, dẫn đến tử vong.
Sáng 9/2, tin từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết nơi đây đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ cái chết của bé Trịnh Thị Trúc Nguyên (2 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
Trước đó vào khoảng 18h30 phút ngày 26/1, vợ chồng anh Trịnh Trí Trung (34 tuổi, ngụ ấp Xây Đá, thị trấn Châu Thành) đưa con gái đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành khám vì bé Nguyên nôn ói. Tại đây, bác sĩ C.M.T. (phó khoa nội) khám và nhận định bệnh nhi chướng bụng, cần siêu âm để chấn đoán chính xác nhưng không có bác sĩ trực siêu âm.
Khi bé Nguyên sốt 39 độ C và co giật thì bác sĩ T. đưa vào phòng cấp cứu, dùng thuốc đặt hậu môn, truyền dịch và hướng dẫn vợ chồng anh Trung lau mát cho bé. Đến gần 21h cùng ngày, bé Nguyên không hạ sốt, tiếp tục co giật. Lúc này, bác sĩ T. mới làm thủ tục chuyển viện nhưng bé Nguyên tử vong trên đường đi cấp cứu.
Chị Sơn Thị Kịnh (vợ anh Trung) cho biết lúc mới vào trung tâm y tế, bác sĩ T. nhận định bé Nguyên tắc ruột nhưng không làm thủ tục chuyển viện gấp lên tuyến trên để cấp cứu. Bác sĩ này nói Trung tâm không có máy siêu âm nên kêu vợ chồng anh Trung tự đưa con lên tỉnh.
"Thấy con sốt cao và co giật, tôi gọi bác sĩ xin chuyển viện chung xe cấp cứu với một bệnh nhân khác nhưng không được. Khi xe cấp cứu quay về chở con tôi thì đã muộn", chị Kịnh nói trong nước mắt.
"Lúc đó Trung tâm có một ca nhồi máu cơ tim cấp nên bác sĩ T. tập trung ca này. Về góc độ chuyên môn, trung tâm thấy bác sĩ T. xử lý trường hợp của bé Nguyên là phù hợp do lúc mới vào bé chưa sốt. Tuy nhiên, bệnh sau đó diễn biến nhanh, trở tay không kịp", một lãnh đạo của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho biết.
Gia tăng số ca mắc quai bị tại Khánh Hòa
http://vtv.vn/suc-khoe/gia-tang-so-ca-mac-quai-bi-tai-khanh-hoa-20170209164517251.htm
Tại tỉnh Khánh Hòa, số ca mắc bệnh quai bị đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều trường hợp bị biến chứng sang viêm tinh hoàn.
Từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 24 trường hợp mắc bệnh quai bị, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, gần 50% số ca bị biến chứng viêm tinh hoàn.Hiện tại, các ngành chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân số ca mắc quai bị gia tăng.
Các bác sĩ khuyến cáo, quai bị là bệnh lây qua các đường tiếp xúc thông thường nên rất dễ lây lan trong cộng đồng, dễ bùng phát thành dịch. Đối tượng mắc đa phần là trẻ em. Do vậy, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa vaccine. Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt cao, nôn mửa, đau và sưng tấy vùng dưới tai, cần đưa trẻ đến bác sỹ để kịp thời chữa trị.
Kon Tum: Phát hiện 17 ca bệnh thủy đậu
http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/kon-tum-phat-hien-17-ca-benh-thuy-dau-1119383.tpo
Ngày 9/2, ông Đào Duy Khánh- giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết: Sau Tết nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát hiện 17 ca mắc bệnh thủy đậu, tại các huyện Kon Rẫy, Đăk Hà và Đăk Glei.
Đây là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter, dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Loại virus này có thể sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu ngay cả khi đã bong ra.
Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.
Cảnh báo nguy cơ bội nhiễm thủy đậu từ người lớn sang trẻ em
http://nld.com.vn/suc-khoe/benh-thuy-dau-vao-mua-20170209213344835.htm
http://cand.com.vn/y-te/Benh-thuy-dau-dang-tan-cong-ca-tre-em-va-nguoi-lon-427657/
Bệnh thủy đậu đang vào mùa với số ca mắc tăng mạnh trong cả nước. Đáng chú ý, có nhiều trẻ dưới 3 tháng tuổi bị lây bệnh từ mẹ, gây nguy cơ bội nhiễm.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số ca mắc thủy đậu phải điều trị nội trú là 24 trường hợp, trong đó, đặc biệt có một trẻ 20 ngày tuổi bị lây bệnh từ mẹ. Ngoài trường hợp này, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những em bé dưới 3 tháng tuổi bị lây bệnh thủy đậu từ người lớn, trong đó, không ít trường hợp đã tiêm ngừa một liều vaccine.
Cảnh báo của ngành y tế tập trung vào khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp của căn bệnh, đồng thời dễ gây biến chứng bội nhiễm dẫn đến nhiễm trùng da, máu, xương, khớp, viêm phổi, viêm não nếu không được điều trị kịp thời. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, vaccine phòng ngừa thủy đậu sẽ không phát huy miễn dịch tối đa khi không tiêm nhắc đầy đủ.
Lần đầu tiên Việt Nam xác định được loại viêm não... giống bệnh tâm thần
Bệnh nhân là chị N.T.L. (26 tuổi, nhà ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Trước khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì 5 cơ sở y tế trước đó đều khẳng định chị bị tâm thần!
Loại viêm não không gây sốt, nôn ói!
Ngay khi bác sĩ gọi vô trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, bà Lê Thị Mót mới có cơ hội đưa mắt nhìn con đang nằm hôn mê ở phòng cách ly của khoa nhiễm Việt – Anh.
Vẻ mặt thất thần sau hơn 2 tháng rong ruổi nuôi con, bà Mót kể: “Giữa tháng 11/2016, tôi đang đi gặt lúa thuê ở Đồng Tháp thì nghe con rể báo L. bị rối loạn tâm thần. Hoảng quá, gia đình đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng phòng khám, bệnh viện nào cũng khẳng định mắc bệnh tâm thần”.
Trước hai tuần phát bệnh, L. bỗng dưng bị nhức đầu, hành vi không kiểm soát được, hay cắn lưỡi. Đặc biệt, lúc nào, L. cũng nhai nhóp nhép dù miệng không có thức ăn, lại nói nhảm một mình; thậm chí ảo tưởng, ảo thanh nghe ai đó nói chuyện với mình…
Gia đình chồng cũng nghĩ có lẽ chị bị tâm thần, thế nhưng với một chút hoài nghi của người mẹ, bà Mót dìu con gái đến các phòng khám, bệnh viện ở tỉnh Tiền Giang nhưng đều được bác sĩ giải thích: “L. đã bị tâm thần”.
Dành dụm ít đồng, bà lại dìu con gái lên Sài Gòn điều trị. Cuối cùng bà tìm đến một bệnh viện tuyến cuối rất nổi tiếng tại TP.HCM nhưng sau khi chụp CT sọ não, các bác sĩ khẳng định: “Não vẫn bình thường, bệnh nhân đã bị tâm thần, nên sớm đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị”.
Hết cách, bà Mót lại đưa con về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang.Vô tình, khi nhập viện thì chị L. lên cơn co giật, suy hô hấp, bắt đầu hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.Ngay khi nhập viện, các bác sĩ nghi bệnh nhân đã mắc bệnh viêm não tự miễn – một dạng rất hiếm gặp.
Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, Quyền trưởng khoa Nhiễm Việt – Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang ghi nhận bệnh nhân đã mắc viêm não tự miễn.
Ngay sau đó, bệnh viện đã đưa các phương pháp điều trị của thế giới như: chích corticoid, thay huyết tương, tiêm immunoglobin… nhưng bệnh nhân vẫn không khỏi.
Các bác sĩ đã nghi ngờ trong cơ thể bệnh nhân có thể còn mầm mống gây ra bệnh nhưng chưa được phát hiện.Cuối cùng, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) đã nhận ra nguyên nhân khiến chị bị viêm não chính là khối u ở buồng trứng bên phải, với chiều dài hơn 6cm.
Dễ nói người bệnh bị tâm thần
Bác sĩ Phạm Kiều Nguyệt Oanh, Phó khoa Nhiễm Việt – Anh, người trực tiếp điều trị cho chị L. nhớ lại: “Nếu những bệnh viêm não khác thì có biểu hiện nôn ói, sốt cao… ngay lúc đầu; nhưng bệnh viêm não tự miễn như chị L. lại không có biểu hiện này. Ngược lại, bệnh nhân lại có biểu hiện tâm thần, ảo thanh, ảo giác nên nhiều bác sĩ sẽ nhầm lẫn bỏ qua.Và thường khuyên người bệnh điều trị tâm thần”.
Tính đến thời điểm hiện nay, sau 2 năm phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (Anh) thì ca của chị L. là ca thứ 13 bị viêm não tự miễn được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện ra.
Tuy nhiên, các ca trước đây hầu hết là các ca hồi cứu, mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại bệnh viện được đem ra xét nghiệm.Riêng ca của chị L. là ca đầu tiên nhập viện đã được chẩn đoán ngay từ đầu. Và đặc biệt đây là ca đầu tiên của Việt Nam được chẩn đoán viêm não do u buồng trứng gây ra.
Đúng sáng mùng 7 Tết nguyên đán năm nay, chị L. được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ cắt khối u và buồng trứng bên phải. Hiện khối u này đang chờ kết quả giải phẫu bệnh xem có phải u quái hay không.
Hiện chị L. đang được đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, dùng thuốc chống loạn động, chống co giật và được nuôi ăn qua ống.Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết, người mắc bệnh viêm não tự miễn thường phải nằm viện điều trị kéo dài 6 – 12 tháng, chi phí lại rất cao, ít nhất là 90 triệu đồng cho 3 tháng.
Ngồi kế bên, mẹ của chị L. bặm môi kể: “Hơn 2 tháng mắc bệnh mà cũng hết hơn 200 triệu đồng rồi, gồm viện phí, mua tã, chi phí đi lại… Vợ chồng nó cũng làm thuê, bữa có bữa không, lại nuôi con nhỏ 3 tuổi. Cũng may bên chồng góp được 80 triệu đồng, còn lại tôi vay bà con, chòm xóm”.
Nói xong bà Mót khóc: “Tôi cũng tính hết rồi, còn 5 công đất, nếu bí quá thì bán hết lo cho con, chứ tôi cũng cả đời đi làm thuê cắt dưa hấu, cắt lúa… thì lấy đâu ra tiền trả nợ. Ngày nào làm từ sáng sớm đến tối mới được 80.000 đồng”. Để tiết kiệm viện phí, bà phải “ngủ lang” ở nhà chờ bệnh viện từ tháng này sang tháng khác.
Bệnh xảy ra chủ yếu ở phụ nữ
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Mai – người chuyên nghiên cứu về bệnh viêm não tự miễn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: Ở tất cả các bệnh viêm não nói chung, chỉ có viêm não do nhiễm trùng tìm được nguyên nhân, còn hơn 60% bệnh viêm não hiện nay không tìm được yếu tố gây bệnh, trong đó có viêm não tự miễn.
Viêm não tự miễn là tự cơ thể sinh ra kháng thể, rồi chúng gắn kết vô các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não. Người bị viêm não tự miễn là bệnh hiếm, người bệnh có triệu chứng: lo âu, la hét, sợ hãi, tay múa máy và tự cắn lưỡi… thông thường bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.
Trong các kháng thể gây bệnh thì hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mới tìm ra được kháng thể NMDA.Kháng thể này gắn kết vô các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não.
Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới phát hiện ra kháng thể NMDA gây viêm não tự miễn vào năm 2005. Bệnh viêm não tự miễn do kháng thể NMDA gây ra thường gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Hiện cơ chế sinh ra kháng thể NMDA vẫn chưa rõ, nhưng y học ghi nhận phụ nữ bị bướu buồng trứng dễ sản sinh ra kháng thể NMDA.
Trước đây, nếu viêm não tự miễn chưa tìm được nguyên nhân thì bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng của bệnh. Ví dụ, nếu bệnh nhân co giật thì sử dụng thuốc chống co giật, bị suy hô hấp thì dùng máy thở…
Người bệnh phải nằm điều trị dai dẳng từ 6 - 12 tháng. Bệnh xảy ra chủ yếu ở phụ nữ, nhưng ở Việt Nam do mới làm được kỹ thuật này, nên số ca phát hiện mới có 13 ca chưa đủ nói phụ nữ mắc nhiều hay ít, vì có 5 ca bệnh là nam giới.
Khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu
http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/khuyen-cao-tiem-vaccine-phong-benh-thuy-dau-20170209142326524.htm
Bệnh thủy đậu đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn cả ở người lớn.
Đáng chú ý theo các bác sĩ, một trong những lý do khiến bệnh dễ lây lan là do hiện nay, nhiều người chưa tiêm vaccine phòng thủy đậu.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện E, nơi đang tiếp nhận nhiều ca bệnh thủy đậu, ngoài đối tượng trẻ em, người lớn cũng cần đi tiêm vaccine phòng thủy đậu hoặc tiêm nhắc lại nếu đã tiêm mũi đầu.
Ngoài ra, mọi người cần tiêm phòng thủy đậu sớm trước khi mùa dịch bắt đầu để hạn chế tốt nhất nguy cơ nhiễm bệnh, bởi cũng như các loại vaccine khác, vaccine thủy đậu cần có thời gian ít nhất là 1-2 tuần để có thể phát huy tác dụng.Hơn nữa trong mùa dịch, nguy cơ tiếp xúc với người mang mầm bệnh là rất cao.
Cẩn trọng dịch bệnh gia cầm bùng phát!
http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/can-trong-dich-benh-gia-cam-bung-phat-357651
Thời tiết thất thường, cộng với nhiều hoạt động của người dân trong giai đoạn thu hoạch lúa Đông xuân như thả vịt chạy đồng ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tiềm ẩn nguy cơ nhiều ổ dịch bệnh gia cầm xuất hiện…
Còn nhớ cuối tháng 1/2017 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang đã phát hiện và tiêu hủy hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.
Theo như ông Thành, toàn bộ số gà này được ông mua từ tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi con đạt trọng lượng hơn 1kg. Mặc dù ông Thành đã tự mua thuốc về tiêm ngừa và điều trị bệnh, nhưng tất cả đều không khỏi mà chết dần, ước tính thiệt hại ban đầu hơn 12 triệu đồng.
Đa số những đàn gia cầm bị bệnh đều có xuất xứ con giống không rõ ràng, ngành chức năng đã khuyến cáo nhiều nhưng nhiều hộ dân đã bỏ qua, vì vậy nhiều gia đình trắng tay vì dịch bệnh. Sau Hậu Giang vài ngày thì ngành Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà 1.700 con, nuôi được hơn 1 tháng tuổi của hộ ông Võ Thanh Tùng ở ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, Bạc Liêu. Sau khi số gà có biểu hiện bất thường và chết dần, ông Tùng đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, kết quả là đàn gà của gia đình ông Tùng đã dương tính cúm A H5N1.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù các cơ quan chức năng đều cam kết các ổ dịch đã được xử lý dứt điểm không chỉ trọng phạm vi bùng phát bệnh mà còn xử lý rộng rãi trên địa bàn. Tuy nhiên theo khuyến cáo của cán bộ thú y các tỉnh, hàng năm các vụ thu hoạch lúa và nhất là vụ Đông xuân, người dân vùng ĐBSCL có thói quen thả nuôi vịt chạy đồng, hàng trăm ngàn con vịt được thả trôi nổi tự do không được kiểm soát, thậm chí không được kiểm nghiệm, con giống cũng không được kiểm soát chặt, đây sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh gia cầm có thể bùng phát trên diện rộng…
Theo báo cáo sơ bộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tổng đàn gia cầm lên tới hơn 2 triệu con. Các đàn vịt hàng nghìn con chạy từ xã, huyện này sang xã, huyện này khác, rất khó kiểm soát.
Đáng lo ngại là khi xảy ra các bệnh thông thường trên gia cầm nhiều người dân vô tư vứt ra đồng ruộng, thậm chí là dục xuống một số tuyến kênh, rạch không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, không khí mà nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao…
Ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: mặc dù ổ dịch gia cầm của Hậu Giang đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y tỉnh không thể lơ là trong công tác giám sát, tích cực phòng chống dịch bệnh.
Đối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…
Theo cơ quan chuyên môn, virus cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây sang người qua các con đường như: mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, hoặc không rõ nguồn gốc; do ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được nấu chín kỹ; do vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi gia cầm không dùng đồ bảo hộ.
Triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói. Đặc biệt bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt.Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.
Hà Nội báo cáo Thủ tướng vụ ‘xúc xích có chất ung thư’
http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/ha-noi-bao-cao-thu-tuong-vu-xuc-xich-co-chat-ung-thu-357621
Thừa nhận một số cán bộ Đội Quản lý thị trường số 14 có thiếu sót, sai phạm về nghiệp vụ, TP Hà Nội đã “phê bình, rút kinh nghiệm”, điều động sang làm nơi khác.
Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo kết quả xử lý vụ việc Đội quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xúc xích nhãn hiệu Viet Foods.
“Một số công chức quản lý thị trường có thiếu sót, sai phạm về nghiệp vụ, hồ sơ thủ tục; đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa có kết quả kiểm nghiệm, chưa lập biên bản và quyết định xử phạt, hoàn thiện hồ sơ vụ việc theo quy định pháp luật”, báo cáo nêu.
Những cá nhân có thiếu sót, sai phạm gồm: Đội trưởng Quản lý thị trường số 14 Hoàng Đại Nghĩa; 2 đội phó là các ông Lê Việt Phương và Lê Đức Thanh; ông Phạm Anh Tuấn, kiểm soát viên thị trường và bà Tống Vân Huyền, kiểm soát viên thị trường, Đội Quản lý thị trường số 14.
Chi cục Quản lý thị trường đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với công chức Đội Quản lý thị trường số 14.“Các công chức liên quan đã nghiêm túc tự kiểm điểm, nhận rõ sai phạm của mình và xin được phê bình, rút kinh nghiệm”, báo cáo nêu.
Ngày 20/9/2016, Hội đồng kỷ luật Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội họp, bỏ phiếu với kết quả: không đề xuất kỷ luật và kiến nghị hình thức phê bình, rút kinh nghiệm trước toàn lực lượng quản lý thị trường Hà Nội. Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Quản lý thị trường số 14 sau đó được điều động sang làm Đội trưởng Quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm).
Theo UBND TP Hà Nội, quá trình kiểm điểm, Hội đồng kỷ luật, Chi bộ và tập thể lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xem xét việc ông Hoàng Đại Nghĩa đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ông Nghĩa xin phép đi khám chữa bệnh tại Pháp vào tháng 9-10/2016; vào Bệnh viện Hữu Nghị được chẩn đoán ung thư phổi thùy dưới và phẫu thuật cắt thùy phổi, nạo vét hạch và điều trị từ ngày 21/10/2016.
Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Công Thương ngày 24/10/2016 và kết luận: Quá trình xem xét, kiểm điểm ông Hoàng Đại Nghĩa được Chi cục Quản lý thị trường tiến hành nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND thành phố và lãnh đạo Sở Công Thương.
UBND TP Hà Nội đánh giá một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc sử dụng chất Natri Nitrat INS 251 (chất 251) trong thực phẩm xúc xích, thẩm quyền cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với xúc xích có chứa chất 251 còn bất cập dẫn đến việc Đội Quản lý thị trường số 14 lúng túng khi xử lý vụ việc.
Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, xử lý bất cập trong các quy định liên quan đến việc sử dụng chất 251 trong xúc xích; việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xúc xích có chứa chất 251 để công dân, doanh nghiệp dễ thực hiện, cơ quan quản lý tuân thủ.
Trước đó ngày 19/5/2016, Thủ tướng nhận được đơn kêu cứu của Viet Foods về việc Đội quản lý thị trường số 14 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) lạm quyền, tùy tiện kiểm tra, tạm giữ 2,2 tấn xúc xích do nghi vấn chứa chất cấm gây ung thư. Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng Bộ Y tế và UBND Hà Nội kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Viet Foods.
Sau khi xem xét báo cáo của các bộ, ngành liên quan, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND Hà Nội chỉ đạo xử nghiêm các đơn vị, cá nhân tại Đội quản lý thị trường số 14 theo đúng pháp luật.
Cuối tháng 4/2016, theo phản ánh của bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan - Phó tổng giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Việt (Viet Foods), việc lô hàng 2,2 tấn xúc xích Viet Foods của công ty bị Đội 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ và phạt hành chính vì nghi có chứa chất gây ung thư đã khiến công ty đứng bên bờ vực phá sản. "Sự việc khiến công ty bị thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có những khách hàng nợ cả tỷ đồng cũng té nước theo mưa không chịu thanh toán tiền mua hàng", bà Loan cho biết.
Bà Loan cũng cho rằng tới nay, dù công ty đã được minh oan, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trả lại số hàng tịch thu, nhưng việc khắc phục hậu quả khá nặng nề. Việc thông tin ra thị trường khi chưa có kết luận chính xác từ đơn vị có thẩm quyền khiến không chỉ công ty mà nhiều doanh nghiệp liên quan khác trong ngành cũng bị tác động, giảm doanh số nghiêm trọng.
Ngộ độc nấm, cả gia đình 9 người chỉ còn 1 người sống sót
http://khampha.vn/suc-khoe/ngo-doc-nam-ca-gia-dinh-9-nguoi-chi-con-1-nguoi-song-sot-c11a496468.html
http://suckhoedoisong.vn/ngo-doc-nam-ca-gia-dinh-9-nguoi-chi-con-1-nguoi-song-sot-n127864.html
http://cand.com.vn/y-te/Than-trong-keo-bi-ngo-doc-trong-mua-nam-427763/
TS.BS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) đã từng chứng kiến và cấp cứu rất nhiều trường hợp ngộ độc nấm, trong đó có những gia đình 9 người bị ngộ độc, thì có tới 8 người tử vong.
Ngày 9/2, tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai diễn ra buổi chia sẻ thông tin về công tác phòng chống ngộ độc nấm cho các cơ quan báo chí.
Tại buổi gặp này, BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách trung tâm chia sẻ: “Sở dĩ có buổi gặp này là vì chúng tôi - những người làm bác sĩ không muốn chứng kiến những vụ ngộ độc do nấm đau lòng như những năm trước. Hơn nữa, chúng ta cần phải đi trước một bước để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi biết để đề phòng, chứ như mọi năm chỉ đến khi có ca ngộ độc thì mới tuyên truyền là quá muộn”.
Cũng tại buổi chia sẻ thông tin này, TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm chống độc) cho rằng đây là thời điểm bắt đầu ấm lên, và xuất hiện những cơn mưa, vì thế các loại nấm rừng phát triển rất mạnh. Đó chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc nấm nếu người dân đi rừng, hái những loại nấm này về ăn.
Theo TS Dũng, tỷ lệ tử vong do nấm độc thường rất cao (khoảng trên 50% ca nhập viện), thường hay xảy ra với đồng bào dân tộc miền núi như: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang...
“Tôi còn nhớ mãi một ca ngộ độc nấm ở xã Quang Vinh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng xảy ra cách đây vài năm về trước. Cả gia đình có 9 người bị ngộ độc nấm thì có đến 8 người tử vong. Hay ca ngộ độc nấm ở Thái Nguyên hồi năm 2014 cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người dân khi sử dụng các loại nấm hoang, nấm dại ở trong rừng”, TS Nguyên chia sẻ.
Đối với những trường hợp bị ngộ độc nấm, TS Dũng cho biết, họ thường có những dấu hiệu về đường tiêu hóa, sau khi ăn bị nôn, ỉa chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn.Ngộ độc các loại nấm này chỉ cần truyền dịch sẽ khỏi.
“Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng lại rất nguy hiểm, dễ mất mạng. Bởi vì triệu chứng của nó thường mơ hồ, có đi ngoài, nôn nhưng tự cầm sau đó. Khi các triệu chứng quay lại có thể gây tổn thương gan, thận suy đa tạng và tử vong. Đã từng có gia đình 5 người tại Thái Nguyên cả nhà nhập viện tỉnh táo. Nhưng sau đó vài giờ đã có những tổn thương gan”, TS Dũng nói.
Về việc phân biệt các loại nấm độc, TS Dũng cho rằng, ngay cả các bác sĩ cũng rất khó có thể phân biệt được đâu là nấm độc và đâu là nấm không có độc tố. Vì nấm độc cũng có nón, thân, dễ giống như nấm không độc. Thậm chí có một số loại nấm độc tán trắng có hình dáng màu trắng trông rất đẹp và rất ngon.
“Những loại nấm gây ngộ độc nặng thường có chất amatoxin. Khi người bệnh ăn phải, nếu sau 6h mới xuất hiện triệu chứng thì rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời”, TS Dũng cảnh báo.
Bởi vậy, để tránh ngộ độc người dân tuyệt đối không nên ăn nấm lạ, không ăn các loại nấm hái trên rừng, trên đồng ruộng. Đầu xuân mọi người thường đi du lịch nhiều, vì vậy không nên mua nấm rừng về ăn, ngay cả khi loại nấm đó được giới thiệu là nấm hương rừng...
Xử lý khi bị ngộ độc nấm
- Khi bị ngộ độc nấm cần gây nôn sau đó uống nhiều nước, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh táo sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.
- Gây nôn bệnh nhân bằng cách cho uống nước dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi gây nôn gay lập tức.
- Cho bệnh nhân ngộ độc uống than hoạt tính.
- Sau khi sơ cứu bệnh nhân xong nên đứa bệnh nhân tới bệnh viện và mang theo loại nấm đã từng ăn.
Hà Tĩnh: Xử phạt và tiêu hủy nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng
Sáng ngày 08/02/2017, Đoàn Kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh đã tiếp tục ra quân tổ chức kiểm tra và ký cam kết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Khu di tích chùa Hương Tích thuộc Xã Thiên Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh.
Tại đây Đoàn đã phối hợp với UBND huyện Can Lộc, Ban quản lý Khu di tích chùa Hương Tích ký cam kết về đảm bảo công tác ATVSTP và phổ biến một số nội dung liên quan đến công tác đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trong khu vực khu di tích. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện anh Phùng Văn Tuấn sinh năm 1983 sống tại tỉnh Nam Định kinh doanh một số dược liệu, thực phẩm trên đường vào chùa gồm: Rễ Hoàng sâm 15,6 Kg; hạt Sơn thù 7,7 kg; củ Bạch truật 6kg; lá Hoàng Sâm 0,6 kg với tổng giá trị trên 2 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng không hề xuất trình được bất kì một loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hang nói trên. Đoàn đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng trên và tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Trước đó Đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại khu di tích Đền Củi (Đền Ông Hoàng Mười) thuộc xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tại đây đoàn đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất Đặc sản Bánh ngũ cốc củ mài công nghệ Sài Gòn tại thôn 2 xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh không đảm bảo VSATTP, trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, bao bì đóng gói thực phẩm không đúng theo quy định, đoàn đã tiến hành lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở nói trên.
Đoàn đã phát hiện bà Nguyễn Thị Lan sinh năm 1960 tại Thái Hồng - Thái Thụy - Thái Bình kinh doanh một số Dược liệu, thực phẩm trên đường gồm: Hồi hoa bách hợp 20kg; Hồng sâm: 50,2kg; Thiên Ma: 44,5kg; Mộc linh: 7kg; một bao hạt màu đen 5kg không rõ tên; các loại lá khác: 2kg với tổng trọng lượng là 128,7kg và có giá trị trên 4 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng không hề xuất trình được bất kì một loại giấy tờ nào chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ số hàng nói trên do đó Đoàn đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng và tiến hành thiêu hủy tại UBND xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh theo quy định.
Việt Nam chuyển giao công nghệ hội chẩn trực tuyến cho bệnh viện Campuchia
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/vien-quan-y-175-giup-campuchia-he-thong-hoi-chan-tu-xa-681408.html
Hệ thống thiết bị y khoa trực tuyến cho phép các bác sĩ Việt Nam thăm khám, hội chẩn từ xa và hỗ trợ chuyên môn kịp thời trong những ca phẫu thuật khó tại Campuchia.
Ngày 9/2, Bệnh viện Quân y 175 đã chuyển giao hệ thống y học từ xa cho Bệnh viện Quân đội Hoàng gia Campuchia Preah Ket Mealea.Hệ thống Telemedicine dựa trên công nghệ hội nghị truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong khám chữa bệnh từ xa. Nhờ đó, các bác sĩ tại Bệnh viện 175 TP HCM có thể kết nối trực tiếp với phẫu trường Bệnh viện Preah Ket Mealea qua hình ảnh, âm thanh. Bác sĩ ở 2 đầu cầu có thể trao đổi thông tin và hội chẩn để thống nhất phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Thiếu tướng Đỗ Năng Tĩnh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết chương trình chuyển giao hệ thống Telemedicine nằm trong chương trình hợp tác giữa 2 Bộ Quốc phòng Việt Nam và Campuchia.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 đánh giá hệ thống Telemedicine tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ trong việc hội chẩn và cấp cứu những ca bệnh khó. Thời gian qua nhiều bệnh nhân nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo Trường Sa, Phú Quốc đã được cứu sống kịp thời nhờ có thiết bị này.
Bệnh viện E chính thức ‘đón’ bệnh nhân điều trị nội trú
http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-e-chinh-thuc-don-benh-nhan-dieu-tri-noi-tru-357631
Từ ngày 8/2, Khoa Nội Nhi tổng hợp của BV E Trung ương chính thức đưa vào hoạt động 40 giường bệnh.
BV có thể thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu cho trẻ từ sơ sinh đến 15 tuổi với các trang thiết bị cấp cứu hiện đại để điều trị các bệnh cấp và mãn tính như hô hấp, tiêu hóa, thận tiết niệu, các bệnh máu, tim mạch, cơ, xương khớp, thần kinh, nhiễm trùng...
Đội ngũ bác sĩ ở đây gồm những BSCK nhi, BSCKI, BS nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao.
TS.BS Lương Thị Thu Hiền- Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho hay, những ngày qua, thời tiết thất thường nên số trẻ từ sơ sinh đến 15 tuổi, mắc các bệnh lý đường hô hấp như: cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do rotavirus... tới khám tại Phòng khám Nhi rất đông.
“Để giúp trẻ phòng tránh các căn bệnh này, chúng tôi phối hợp với Phòng Tiêm chủng của bệnh viện tổ chức khám kiểm tra sức khoẻ và tiêm các loại vaccine như Pentaxim (5 trong 1: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt - Hib), Influvac (phòng cúm mùa), MMR II (Sởi - Quai bị - Rubella), Varivax (phòng thủy đậu)…”, BS Hiền cho biết.
Bệnh viện tuyến huyện: Phẫu thuật thành công hai ca chấn thương sọ não nặng
Ngày 9/2,BSCKII Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, các bác sĩ liên khoa Ngoại thần kinh, gây mê, hồi sức của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công 02 trường hợp bị chấn thương sọ não nặng.
Bệnh nhân L.V.T, 30 tuổi ( ở Đông Sang – Mộc Châu), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, Glasgow 7 điểm. Người nhà cho biết bệnh nhân bị ngã xe đập đầu từ đêm hôm trước. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, kiểm soát hô hấp, hồi sức tích cực.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh phải, đè đẩy đường giữa gây chèn ép não mạnh. Nhận thấy đây là trường hợp tối cấp cứu, bệnh nhân chắc chắn tử vong nếu chuyển tuyến trên. Một cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra giữa Ban giám đốc, BS Gây mê và BS Ngoại thần kinh đã quyết định phẫu thuật ngay tại BVĐK huyện Mộc Châu.
Ca phẫu thuật được tiến hành trong hơn 2 giờ, các tổn thương đã được xử lý tốt.Sau mổ 12 giờ bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt.Sau 5 ngày, bệnh nhân hoàn toàn ổn định.Dự kiến sẽ ra viện trong 2 ngày tới.
Trường hợp thứ 2, bệnh nhân H.V.M 53 tuổi ( Lóng Sập – Mộc Châu) cũng vào viện trong trạng thái hôn mê sâu, Glasgow 6 – 7 điểm. Kết quả chụp CT Scan có hình ảnh tụ máu dưới màng cứng bán cầu trái, đè đẩy đường giữa 2 cm. Bệnh nhân đã được bác sĩ tiến hành mở rộng sọ, lấy máu tụ, giải ép não, vá trùng màng cứng. Kết quả chụp CT sọ não kiểm tra sau mổ 03 giờ cho thấy tổn thương sọ não tương đối ổn định.
Được biết, đến nay, BV đã cứu sống nhiều trường hợp chấn thương sọ não, ngoài ra còn cứu sống những ca bệnh tai biến mạch máu não, giãn não thất cấp bằng kỹ thuật dẫn lưu não thất ra ngoài… góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Giảm thiểu chi phí cho người bệnh.
BVĐK Hà Tĩnh: Kịp thời cứu sống hai mẹ con sản phụ bị tai biến sản giật
Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi) ở xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị sản giật ở tuần 32 của thai kỳ.
Theo Anh Nguyễn Văn Minh chồng của sản phụ Thúy cho biết: Vào lúc 14 giờ ngày 24/1/2017, đang ở nhà sinh hoạt bình thường, tự nhiên vợ anh lên cơn co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, tứ chi co giật… ngay lập tức anh cùng người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh cấp cứu. Tại đây sau khi thăm khám các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thành phố đã cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để cấp cứu. Ngay sau khi tiếp nhận, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo Khoa Sản, Cấp cứu chống độc, Hồi sức tích cực và khoa Tim mạch tiến hành hội chẩn. Sau khi hội chẩn các bác sỹ chẩn đoán sản phụ bị suy hô hấp, phù phổi cấp, biến chứng rau bong non, sản giật đồng thời chuyển thẳng nhà mổ, mổ cấp cứu.
Do có sự chuẩn bị chu đáo cùng với sự quyết đoán của các y bác sỹ nên ca mổ diễn ra thuận lợi, bé trai nặng 1,7kg, do sinh non tháng nên cháu bé được chuyển Khoa Nhi để cấp cứu và điều trị, còn sản phụ Thúy qua cơn nguy kịch và được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị hỗ trợ sau mổ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh người trực tiếp phẫu thuật cứu sống sản phụ Thúy và cháu bé cho biết: “Đây là thành công lớn khi kịp thời cấp cứu và cứu sống được cả mẹ và con. Vì sản giật là một biến chứng cấp tính của tiền sản giật nặng, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé như xuất huyết não, hôn mê, hoặc tiến triển thành biến chứng nặng hơn ở mẹ, biến chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu ở thai phụ) hoặc nhau bong non làm em bé suy thai và chết”.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, đến nay 2 mẹ con sản phụ Thúy đã ổn định và được xuất viện về nhà. Ngay sau khi về nhà gia đình sản phụ cũng đã viết thư cảm ơn Ban Giám đốc Bệnh viện, cảm ơn đội ngũ y, bác sỹ của Khoa Sản và Khoa nhi đã kịp thời cứu sống và tận tình chăm sóc 2 mẹ con sản phụ Thúy.
Đồng Nai: Hiếm gặp: Toàn bộ lá gan nằm ngoài ổ bụng khi vừa chào đời
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/be-trai-so-sinh-co-la-gan-ngoai-o-bung-681287.html
Dân trí Toàn bộ lá gan của bé trai mới sinh nằm ngoài ổ bụng, gan bị thoát ra ngoài qua cuống rốn. Theo các bác sĩ, đây là căn bệnh rất hiếm gặp.
Ngày 9/2, đại diện bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết các bác sĩ của bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho bé trai sơ sinh có gan nằm ngoài ổ bụng rất hiếm gặp.
Trước đó, ngày 2/2, bệnh viện tiếp nhận bé trai H.M.H. (mới sinh, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng có một khối thoát vị hình cầu to cỡ trái cam sành, đường kính 10cm, màu thâm tím nằm giữa bụng. Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm tầm soát dị tật, hội chẩn và quyết định phẫu thuật cho bé.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, trưởng khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Toàn bộ lá gan của bệnh nhi nằm ngoài ổ bụng, gan bị thoát ra ngoài qua cuống rốn. Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách gan khỏi các dây dính, thu gọn các tạng như ruột, dạ dày, vòm hoành… còn lại trong ổ bụng lấy khoảng trống để đưa gan về đúng vị trí. Hiện bệnh nhi khỏe mạnh, tim mạnh ổn, ăn uống tốt và có thể xuất viện trong một tuần tới”.
Cũng theo bác sĩ Tầm, thoát vị gan là căn bệnh rất hiếm gặp, đây là ca thứ 2 trong vòng 25 năm qua Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị.