Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 10/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế làm chủ tịch HĐ xét tặng danh hiệu 'Thầy thuốc Nhân dân'; Lần đầu cấp cứu thành công trường hợp bệnh tim khó; Bộ Y tế ủng hộ phương án hiến máu tự nguyện; Hiến máu bắt buộc chỉ là giả định!; Đồng Nai công bố dịch Zika tại xã Vĩnh Thanh; ...

Bộ trưởng Y tế làm chủ tịch HĐ xét tặng danh hiệu 'Thầy thuốc Nhân dân'

http://daidoanket.vn/tin-tuc/bo-truong-y-te-lam-chu-tich-hd-xet-tang-danh-hieu-thay-thuoc-nhan-dan-355549

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 12.

Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 12 (Hội đồng) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Ông Nguyễn Viết Tiến, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Y tế (Phó Chủ tịch thường trực); bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hội đồng có 15 ủy viên là đại diện các Bộ, cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.

Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 12.

 

Bộ Y tế ủng hộ phương án hiến máu tự nguyện

http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-y-te-ung-ho-phuong-an-hien-mau-tu-nguyen-

Ngày 9/1, Bộ Y tế cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn nhu cầu sử dụng máu, tình hình hiến máu tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc theo phương án hiến máu tình nguyện.

Trước đó, trong dự thảo luật, có hai giải pháp được đưa ra để xin ý kiến.

Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Theo Bộ Y tế, cơ quan này ủng hộ phương án hai và đang xây dựng dự thảo theo phương án này.

Vì nếu theo giải pháp một, không nói về vấn đề tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi so với giải pháp 2 (sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ) mà còn gây tình trạng lãng phí, xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu đơn vị máu.

Trong khi đó, nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hàng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ và quan trọng nhất là nguồn máu đảm bảo điều trị. Vì thế Bộ Y tế lựa chọn phương án hai để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém.

“Hiện nay Bộ Y tế xây dựng dự thảo theo giải pháp 2, “Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội”, Bộ Y tế cho biết.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển, nhu cầu máu dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm.

Với dân số Việt Nam là 90 triệu dân, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu. Trong khi đó, hiện nay nguồn máu thu được chủ yếu là hiến máu tình nguyện và đã đạt được mốc 1,2 đơn vị máu năm 2016 (đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu).

Được biết chiều nay (9/1), đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) sẽ lý giải thêm các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn phương án hiến máu phù hợp.

 

Hiến máu bắt buộc chỉ là giả định!

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hien-mau-bat-buoc-chi-la-gia-dinh-20170109221446605.htm

Chia sẻ với báo chí trước thông tin Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định trong dự thảo Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu năm 1 lần. Đây chỉ là giả định để cho thấy hiến máu tình nguyện là tối ưu.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 9/1, dù phủ nhận việc Bộ Y tế đề xuất hiến máu bắt buộc mỗi năm một lần, nhưng ông Quang thừa nhận: “Cách viết của chúng tôi cũng làm cho người đọc hiểu nhầm, đáng lẽ phương án 2 phải chuyển lên phương án 1, chứng minh giả định ở phương án 2 và từ đó lập luận để thấy phương án 1 là khả thi nhất”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, để xây dựng Luật về máu và tế bào gốc phải dựa trên bằng chứng khoa học.

 “Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc”, ông Quang nói.

Ông Quang lý giải thêm, không thể bắt buộc hiến máu vì nó liên quan đến quyền con người. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. “Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn, quá lãng phí. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

Ngoài ra, nếu hiến máu bắt buộc thì một năm tiêu tốn 4.180 tỷ, trong khi hiến máu tình nguyện như hiện nay với 18,2 triệu người hiến máu thì chỉ tiêu tốn 2.000 tỷ.

Bộ Y tế cũng tham khảo luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc.

“Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, lại tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2016 toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu.

Nếu chiếu theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi quốc gia chỉ cần 2% dân số hiến máu tình nguyện thì lượng máu đủ nhu cầu điều trị. Hiện tại, Việt Nam còn thiếu tỉ lệ 0,48% dân số hiến máu. Trong khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện đang lan rộng trong thanh thiếu niên, nhiều tầng lớp người dân. Nếu đẩy mạnh thêm kinh phí cho tuyên truyền, thúc đẩy hiến máu tình nguyện, khi nào đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân”, ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, sau khi xem xét về khía cạnh quyền con trong Hiến pháp, tham khảo luật pháp quốc tế, nguồn và nhu cầu về máu, kinh tế và xét về hình thức đang thực hiện thành công trên thực tiễn, so sánh với giả định hiến máu bắt buộc tốn kém và nhiều bất cập, Bộ Y tế lựa chọn phương án khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, hội nhập quốc tế là duy trì hiến máu tình nguyện hiến máu tình nguyện.

Hiện nay, để thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện. Mục tiêu đặt ra sẽ đạt được 2% dân số tham gia hiến máu thì sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị cho những bệnh nhân cần máu.

 

Vì sao có thông tin quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc?

http://www.vietnamplus.vn/vi-sao-co-thong-tin-quy-dinh-hien-mau-la-nghia-vu-bat-buoc/424667.vnp

Liên quan đến  những thông tin về việc Bộ Y tế có đưa ra nội dung khảo sát về Quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, sáng 9/1 đại diện Bộ Y tế cho phóng viên VietnamPlus biết: Đây là nội dung nằm trong tiến hành khảo sát đánh giá để xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc trình Quốc hội xem xét và phê duyệt.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển, nhu cầu máu dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy mỗi năm với dân số 90 triệu dân (Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2014), Việt Nam cần khoảng 1, 8 triệu đơn vị máu. 

Thống kê của Bộ Y tế năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu (đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu), vì vậy, để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này.

Cụ thể, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục được tình trạng thiếu máu để phục vụ cho hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong báo cáo đánh giá tác động, khi tiến hành khảo sát đánh giá, có hai giải pháp để xin ý kiến gồm có hai giải pháp.

Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu.

Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Kết quả khảo sát, đánh giá tác động cho thấy: Cả hai giải pháp đều không có tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ bảo hiểm y tế với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định và nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sự dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Theo Bộ Y tế, nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên tỷ 217 đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân.

Bên cạnh đó, nếu sử dụng giải pháp 1 thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu (theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới thì một năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu và nếu quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì sẽ có 46 triệu đơn máu/năm). 

Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi cho với việc sử dụng giải pháp 2.

Từ những phân tích trên, Bộ Y tế chọn giải pháp 2 “Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội. 

Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội. Việc này, đã đưa vào dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, trình quốc hội năm 2017.

Máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay./.

 

Đồng Nai công bố dịch Zika tại xã Vĩnh Thanh

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/1/446366/

Ngày 9-1, Ban chỉ đạo phòng chống và loại trừ các bệnh dịch tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp khẩn và quyết định công bố dịch Zika trên địa bàn xã Vĩnh Thanh thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, từ cuối tháng 12-2016 đến đầu tháng 1-2017, ngành y tế tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tại đây có 4 trường hợp nhiễm vi rút Zika, nên cần công bố dịch để cảnh báo người dân và tập trung nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lan rộng.

Trước đó, ngày 13-12, bệnh nhân N.T.L. (24 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Thanh) bị sốt nhẹ, nổi ban toàn thân kèm theo ngứa nên bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Q.2 (TPHCM) và được lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur. Ngày 26-12, Viện Pasteur cho biết bệnh nhân L. bị dương tính với vi rút Zika.

Ngay trong ngày 26-12, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai lập tức tiến hành điều tra xác minh tại ấp Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Thanh) và phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Ngoài ra còn phát hiện thêm 1 trường hợp ở ấp Sơn Hà (xã Vĩnh Thanh) cũng nhiễm vi rút Zika.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 9-1, toàn tỉnh có 6 ca nhiễm vi rút Zika, riêng tại xã Vĩnh Thanh có đến 4 ca.

 

Bệnh do biến chủng của vi sinh vật khó lường trước trong năm 2017

http://www.vietnamplus.vn/benh-do-bien-chung-cua-vi-sinh-vat-kho-luong-truoc-trong-nam-2017/424598.vnp

Năm 2016 đã xảy ra một số dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam có đáp ứng tốt, từ giám sát, chống dịch cho tới huy động lực lượng giải quyết.

Nhìn nhận lại “bức tranh” toàn cảnh về tình hình dịch bệnh trong năm 2016 và dự báo trong năm 2017, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

Bùng phát mạnh dịch do virus Zika

- Nhìn lại năm 2016, ông có đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh trong năm qua?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Hiện nay, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp ở trên thế giới như dịch Ebola, MERS-CoV từ những năm trước đây nhưng năm vừa qua vẫn ghi nhận tại nhiều nước như Tây Phi, Trung Đông.

Dịch cúm gia cầm vẫn tồn tại ở nhiều nước châu Âu, và trên toàn thế giới. Riêng dịch cúm AH7N9 vẫn lưu hành ở Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là tình hình dịch bệnh do virus Zika năm qua bùng phát rất mạnh trong năm 2016 gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ em.

Việt Nam không nằm ngoài bối cảnh tình hình dịch bệnh chung đó. Bởi hiện nay tình hình đi lại, giao lưu quốc tế giữa Việt Nam và các nước rất phổ biến. Dịch bệnh trong vòng 24 giờ có thể xuất hiện từ quốc gia này tới quốc gia khác.

Riêng về dịch Zika truyền bởi muỗi vằn - loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, trong khi loại muỗi này rất phổ biến tại Việt Nam. Việt Nam lưu hành muỗi sốt xuất huyết.

- Theo ông dịch bệnh do virus Zika gây ra liệu có đáng lo ngại với Việt Nam trong năm nay?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Trong thời gian qua chúng ta đã phát hiện ra một số tỉnh có chẩn đoán ca bệnh nhiễm virus Zika. Đặc biệt trong thời gian gần đây số ca mắc bệnh có tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh với trên 200 ca.

Chúng tôi nhận định, trong năm tới, dịch bệnh do virus Zika sẽ tăng kể cả số địa phương và số ca bệnh tăng. Với virus Zika, chúng tôi xác định nó sẽ trở thành bệnh dịch lưu hành, bởi nó có nguồn bệnh, vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi sốt xuất huyết. Vì vậy, bệnh này lưu hành như bệnh sốt xuất huyết.

Trong thời điểm này chúng ta không quan ngại lắm về số bệnh nhân nhiễm virus Zika vì phần lớn các ca bệnh nhẹ và không gây tử vong. Nhưng đặc biệt chúng ta quan ngại tới các bà mẹ mang thai, nó có thể liên quan tới chứng đầu nhỏ.

Lo ngại bệnh do biến chủng của vi sinh vật

- Ông có dự báo như thế nào về tình hình dịch bệnh trong năm 2017?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Năm 2016, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam có đáp ứng tốt trong các khâu như giám sát dịch, chống dịch và huy động lực lượng.

Năm 2017, ngành y tế đã đưa ra một số nhận định như các bệnh dịch mới nổi có thể tiếp tục bùng phát trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là các bệnh liên quan tới sự biến chủng của vi sinh vật khó có thể lường trước được. Chẳng hạn như chủng cúm và một số bệnh lưu hành theo chu kỳ một vài năm lại tăng lên.

Bên cạnh đó, các bệnh trên động vật có thể lan sang người mà trước kia chỉ tồn tại bệnh đó ở trên động vật. Nguyên nhân là do con người hiện nay tiếp xúc với động vật hoang dã nhiều hơn, đi vào rừng nhiều hơn, do vậy lây nhiễm bệnh từ động vật.

Một số bệnh liên quan tới vắcxin tiêm chủng có nguy cơ lây lan mạnh, nguy hiểm chúng ta đã có vắcxin nên có thể khống chế được. Tôi cũng lưu ý, với nhóm bệnh này, nếu như ở đâu đó vùng nào đó không tập trung tiêm chủng tốt thì có thể xảy ra nhiều trường hợp mắc bệnh.

- Trong năm 2017 này, ông có thể chia sẻ, ngành y tế có biện pháp gì để đẩy mạnh hơn công tác phòng chống dịch bệnh?

Phó giáo sư Trần Đắc Phu: Do dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy ngành y tế đã phải lên nhiều kịch bản khác nhau để đề phòng các tình huống xảy ra bất kỳ lúc nào để ứng phó kịp thời.

Công tác dịch bệnh chúng tôi vẫn xác định đây là công việc luôn luôn đòi hỏi phải giám sát tốt. Chúng tôi đã lên kế hoạch những bệnh nào có thể xảy ra, những bệnh nào có thể tập trung ở vùng nào để có kế hoạch giám sát trọng điểm, giám sát thường xuyên trong cả hệ thống.

Toàn bộ ngành y tế dự phòng đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong năm 2017 để đáp ứng nhanh. Nếu dịch xảy ra không đáp ứng nhanh dịch sẽ bung ra. Bên cạnh đó là công tác đảm bảo đủ hóa chất, nhân lực, năng lực...

Chúng tôi xác định, không rơi vào tình trạng bị động, bởi để dịch bùng ra diện rộng việc khống chế sẽ rất khó. Thứ hai là phải có được đội lưu động phòng chống dịch từ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới ở bất kỳ khi nào.

 

Ông Đinh La Thăng yêu cầu sắm xe mổ đục thủy tinh thể di động 

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170109/ong-dinh-la-thang-yeu-cau-sam-xe-mo-duc-thuy-tinh-the-di-dong/1249483.html

Tại cuộc làm việc sáng nay ở Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP.HCM), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra yêu cầu này với giám đốc Sở Y tế.

Trao đổi với giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, ông Đinh La Thăng nói ông đi nhiều nơi trong cả nước và ở cả TP.HCM thấy có nhiều người dân bị đục thủy tinh thể (cườm mắt), có nhu cầu phải mổ.

Ông Thăng cho rằng Sở Y tế TP.HCM cần sắm xe chuyên dụng để đến tận nơi mổ đục thủy tinh thể cho người dân TP và các tỉnh thành khác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

“Các tỉnh lo chi phí để mổ còn TP.HCM sẽ miễn phí toàn bộ phí di chuyển xe cộ, khấu hao trang thiết bị, bác sĩ...” - Bí thư Đinh La Thăng nói.

Trước yêu cầu này của Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Tấn Bỉnh đã trả lời là hoàn toàn có thể thực hiện sớm được. Một xe chuyên dụng như vậy theo ông Bỉnh cần đầu tư khoảng 4 tỷ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết Sở Y tế sẽ sớm thực hiện đề án mà Bí thư Thành ủy giao. Chiếc xe chuyên dụng này theo ông Bỉnh còn có thể thực hiện việc khám chữa bệnh, phẫu thuật với một số chứng bệnh khác chứ không chỉ là mổ đục thủy tinh thể.

 

Sở Y tế TP.HCM cảnh báo việc mạo danh thanh tra sở

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/so-y-te-tphcm-canh-bao-viec-mao-danh-thanh-tra-so-676689.html

Chiều 9-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa qua Sở nhận được một số thông tin về việc cá nhân tự xưng là nhân viên của thanh tra Sở Y tế đến và yêu cầu các cơ sở đóng một khoản chi phí để không bị thanh tra.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định thanh tra của sở không liên hệ với các cơ sở yêu cầu đóng chi phí để không bị thanh tra hoặc bán sách báo, tài liệu.

Bên cạnh đó, tất cả cán bộ, công chức của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM khi đến các đơn vị làm việc phải có tên trong quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc công văn hoặc giấy giới thiệu do lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế ký. Công văn, giấy giới thiệu ghi rõ họ tên, chức danh của cán bộ đến làm việc, nội dung làm việc và thời hạn.

Sở Y tế TP.HCM lưu ý: Khi phát hiện những trường hợp tự xưng cán bộ Thanh tra Sở Y tế nhưng không có quyết định thanh tra, kiểm tra, cũng không có công văn hoặc giấy giới thiệu của thanh tra Sở Y tế thì báo qua số điện thoại 08.39309672 để Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý.

 

Tạm ngưng phòng khám tư nhân tiêm thuốc bé gái tử vong

http://nld.com.vn/suc-khoe/tam-ngung-phong-kham-tu-nhan-tiem-thuoc-be-gai-tu-vong-20170109181526225.htm

 (NLĐO)- Ngoài yêu cầu tạm ngưng hoạt động, tái kiểm tra, đánh giá các điều kiện hoạt động của phòng khám tư nhân Phúc An, Sở Y tế TP HCM đang lập hội đồng chuyên môn làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến trường hợp bệnh nhi Võ Thị Huỳnh Như (13 tuổi, ngụ Tiền Giang) tử vong sau khi tiêm tại phòng khám tư nhân tại huyện Củ Chi (Báo Người Lao Động đã thông tin ngày 6-1), Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã kiểm tra đột xuất phòng khám đa khoa Phúc An.

Đoàn kiểm tra đã niêm phong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Phúc An và hồ sơ bệnh án của những bệnh viện đã tham gia tiếp nhận điều trị cấp cứu khi bệnh nhi trở nặng (gồm Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy).

Đoàn đã yêu cầu phòng khám tạm ngưng hoạt động từ ngày 6 đến 13-1, để sở tái kiểm tra, đánh giá các điều kiện hoạt động của phòng khám sau khi đã được thẩm định và cấp phép hoạt động. Đồng thời, Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế họp hội đồng chuyên môn để kết luận về nguyên nhân tử vong của bệnh nhi, có hay không sai sót của phòng khám và xử lý đúng theo luật định.

Được biết, Phòng khám Đa khoa Phúc An thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Phúc An (huyện Củ Chi), được Sở Y tế cấp phép hoạt động từ ngày 2-6-2016, tại số 201 Tỉnh lộ 15, tổ 7, ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi.

Trước đó, ngày 4-1, bé Võ Thị Huỳnh Như được đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc An vì có biểu hiện mẩn ngứa, nổi nốt đỏ hai bên đùi và sốt nhẹ sau khi ăn thịt bò. Tại đây, bé Huỳnh Như được tiêm một loại thuốc chưa rõ tên. Sau 10 phút, bé bị tím tái, hôn mê sâu, được chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á rồi lên Bệnh viện Nhi đồng 1 và tiếp đó là Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, sáng 5-1, bé Như đã tử vong với kết luận là viêm cơ tim – choáng tim.

 

Lần đầu cấp cứu thành công trường hợp bệnh tim khó

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lan-dau-cap-cuu-thanh-cong-truong-hop-benh-tim-kho-20170109161723022.htm

Lần đầu tiên một ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp ST được các bác sĩ Ninh Thuận cấp cứu thành công. Ngày 9-1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu thành công một trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp ST. Bệnh nhân là Nguyễn Văn Lùn (SN 1963, ở phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Đây là ca bệnh tim khó được cứu chữa thành công đầu tiên tại tỉnh này

Bệnh nhân Lùn nhập viện trong tình trạng đau tức ngực trái dữ dội, khó thở, người vật vã. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp vùng sau dưới tâm thất phải nên quyết định đặt stent tái thông mạch vành. Sau 30 phút cấp cứu, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hiện sức khỏe đang tiến triển khá tốt.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang