Đình chỉ bác sỹ cắt tử cung khâu nhầm niệu quản
VOV.VN - Bác sỹ thực hiện phẫu thuận cắt tử cung khâu nhầm niệu quản bị đình chỉ phẫu thuật 3 tháng.
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa vừa có quyết định đình chỉ hành nghề phẫu thuật đối với ông Ngô Công Nghiêm công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống (Thanh Hóa).
Lý do đình chỉ, vì chuyên môn hạn chế dẫn đến tai biến “mổ cắt tử cung khâu nhầm niệu quản” tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống.
Trước đó, theo đơn trình bày của anh Trần Văn Hiền (chồng thai phụ Nguyễn Thị Oanh, cùng trú tại thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống), ngày 23/6, chị Nguyễn Thị Oanh (SN 1976) đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống để sinh con.
Đến khoảng 23h cùng ngày, các bác sỹ thông báo phải mổ đẻ, gia đình đồng ý. Trong quá trình mổ, do máu ra nhiều, để cầm máu, các bác sỹ phải cắt bỏ tử cung nếu không sản phụ sẽ tử vong.
Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung, chị Oanh có dấu hiệu tê liệt hoàn toàn về tiết niệu và dẫn tới ứ niệu phù nề. Nghĩ có chuyện chẳng lành, gia đình và bệnh viện đã chuyển sản phụ Oanh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu.
Sau khi cấp cứu, các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình là chị Oanh đã bị khâu phần niệu quản trước đó. Chị Oanh bị vô niệu do khâu cắt vào niệu quản 2 bên sau phẫu thuật cắt tử cung ngày thứ 8.
Lúc này gia đình chị Oanh mới biết chuyện và rất đau lòng vì Bệnh viện huyện Nông Cống khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung đã khâu nhầm niệu quản bệnh nhân.
Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân Oanh hiện đã xuất viện nhưng sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn.
Sau khi xác định cụ thể, Giám đốc Sở Y tế ông Trịnh Hữu Hùng đã ra quyết định đình chỉ hành nghề phẫu thuật 3 tháng đối với bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ Oanh.
Ông Ngô Công Nghiêm trong thời gian bị đình chỉ 3 tháng yêu cầu tham gia lớp đào tạo nâng cao kỹ thuật mổ cắt tử cung tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa./.
http://vov.vn/tin-24h/dinh-chi-bac-sy-cat-tu-cung-khau-nham-nieu-quan-538543.vov
Vụ bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Hương Trà: Công an triệu tập bác sĩ và điều dưỡng
(CAO) Ngày 9-8, cơ quan CSĐT công an thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết đang điều tra về việc một nữ bệnh nhân tử vong bất thường tại Bệnh viện thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Theo đó, công an tiến hành triệu tập một nữ điều dưỡng và một nam bác sĩ đang công tác tại khoa Nội nhi, Bệnh viện thị xã Hương Trà để lấy lời khai, làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Phạm Thị Chi (31 tuổi, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Sáng cùng ngày, ban giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Trà đến nhà nạn nhân để viếng đám tang, thăm hỏi gia đình.
Như Báo Điện tử Công an TP.HCM đưa tin, trước đó, chiều 4-8, chị Chi được gia đình đưa chị đến Bệnh viện đa khoa thị xã Hương Trà để điều trị với triệu chứng đau vai gáy. Sáng sớm 6-8, chị Chi mỏi mệt, đau cổ. Bác sĩ kiểm tra, nói không sao và tiêm một mũi, đồng thời cho chị uống 2 viên thuốc.
Đến khoảng 12 giờ 30, chị Chi nằm yên, không nói gì, người tím tái và tiểu trong quần, một giờ sau thì tử vong. Đến chiều tối, người nhà bệnh nhân cùng người dân tập trung rất đông tại bệnh viện để yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Chi.
Yêu cầu trạm y tế đóng cửa giải trình
(PL)- Bộ Y tế ngày 9-8 đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo Trạm Y tế xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) báo cáo giải trình việc đóng cửa không phục vụ dân.
Bộ cũng yêu cầu rà soát tình hình hoạt động của toàn bộ trạm y tế xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Theo báo Lao Động, vào trưa 7-8, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra đột xuất Trạm Y tế xã Cư Êbur thì trạm y tế này đóng cửa không hoạt động. Phó Thủ tướng hỏi những người dân sinh sống quanh khu vực thì được biết trạm này nghỉ làm việc từ thứ Sáu đến Chủ nhật. Khi Phó Thủ tướng mở cửa sổ thì thấy bên trong trạm y tế có nhiều trang thiết bị y tế bám bụi, lâu ngày không sử dụng.
Được biết hoạt động tại các trạm y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước là phải duy trì 24/24 giờ để phục vụ người dân. Nếu ngoài giờ hành chính hoặc vào ngày nghỉ, các cơ sở khám, chữa bệnh đều phải duy trì các kíp trực để sẵn sàng cứu chữa người bệnh.
http://plo.vn/suc-khoe/yeu-cau-tram-y-te-dong-cua-giai-trinh-645830.html
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160809/bo-y-te-chi-dao-tram-y-te-xa-dong-cua-giai-trinh/1151965.html
Vụ tuyển gần 4.000 lao động không báo cáo: Nhiều người chưa được nhận lương
Sau khi sai phạm tuyển dụng bị phanh phui, nhiều người lao động được tuyển dụng theo các Quyết định không đúng của ông Hoàng Sỹ Bình đang chịu cảnh nợ lương. Nợ lương từ đầu năm đến nay tại các trạm y tế của huyện Đông Sơn là gần 900 triệu đồng.
Trong giai đoan 2011-2015, việc tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động (CC, VC, HĐLĐ), bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng, khoa tại Sở Y tế Thanh Hóa và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc có nhiều sai phạm.
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra, tập thể lãnh đạo Sở Y tế chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chị đạo việc bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động; năm 2014, 2015, Sở Y tế không chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc tuyển dụng lao động theo quy định.
Hàng năm đơn vị này không thực hiện việc lập quy hoạch, rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo trưởng, phó phòng các khoa phòng. Nhiều viên chức được bổ nhiệm trong khi chưa đủ tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hoàng Sỹ Bình - Nguyên Giám đốc Sở Y tế, ban hành nhiều Quyết định không đúng dẫn đến trong nhiều năm ngành y tế đã áp dụng văn bản để tự ý tuyển dụng LĐHĐ với số lượng rất lớn là 3.721 người không báo cáo UBND tỉnh và chưa được Chủ tịch tỉnh cho phép; ban hành văn bản chấn chỉnh về nhu cầu bằng cấp đối với việc bổ nhiệm các chức danh Trưởng, phó các khoa, phòng không đúng quy định của UBND tỉnh.
Tiếp nhận 9 viên chức về làm việc tại Sở, trong đó tự chuyển 7 viên chức sang ngạch công chức (4 trường hợp đã bổ nhiệm phó trưởng phòng), không báo cáo UBND tỉnh; bổ nhiệm tại Sở thừa 4 chức danh phó trưởng phòng.
Việc làm của lãnh đạo Sở Y tế kéo dài trong nhiều năm liền, tuy nhiên Trưởng phòng tổ chức cán bộ và một số cán bộ trực tiếp tham mưu có khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu để xảy ra các sai phạm trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động đã nêu trên. Giám đốc các bệnh viện, Trung tâm Y tế có các thiếu sót, vi phạm đã nêu trên.
Trong khi đó, Sở Nội vụ đã đồng ý cho Giám đốc Sở Y tế ban hành quy định về tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động của ngành Y tế, trong khi văn bản này sai thẩm quyền, không đúng quy định; chưa thực hiện trích tổng hợp danh mục vị trí việc làm của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc trình UBND tỉnh xem xét.
Theo đánh giá thì nguyên nhân là do quá tải giường bệnh tại các bệnh viện; yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao; các bệnh viện và Trung tâm Y tế đều có nhu cầu bổ sung về bác sỹ, y tá, hộ lý...
Đồng thời Sở Y tế đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động, tập thể lãnh đạo Sở chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm, thiếu dân chủ để Giám đốc Sở quyết định những việc trái thẩm quyền dẫn đến các thiếu sót, sai phạm.
Giám đốc các bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trưởng phòng tổ chức của các đơn vị này chịu trách nhiệm về thiếu sót, vi phạm. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm về việc đã không thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, hướng dẫn Sở Y tế và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động của ngành Y tế trong phạm vi chuyên môn thuộc thẩm quyền.
Từ đó, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, Giám đốc Sở Y tế chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm; hủy bỏ các quyết định, văn bản trái pháp luật; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế và các cán bộ có liên quan; Giám đốc các bệnh viện và Trung tâm y tế cũng như các cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với số công chức, viên chứ, hợp đồng lao động do Giám đốc Sở và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, HĐLĐ không đúng.
Sở Nội vụ phải kiểm điểm tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền trong việc tham mưu ban hành văn bản 690 để Sở Y tế ban hành văn bản sai quy định và chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức, hợp đồng lao động tại Sở Y tế.
Qua tìm hiểu, nhiều cán bộ Y xã trên địa bàn huyện Đông Sơn nhiều tháng nay không được trả lương, phụ cấp. Tình trạng này khiến người lao động gặp không ít khó khăn và có tâm lý hoang mang, lo lắng.Trường hợp anh Nguyễn Văn Thông (SN 1989, quê xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) được Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành. Thế nhưng, từ tháng 12/2015 đến nay anh Thông chưa được nhận lương từ phía cơ quan chủ quản. Anh đã kiến nghị cấp trên nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Không chỉ anh Thông mà tại huyện Đông Sơn có tới 17 trường hợp khác đã được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, làm việc tại các Trạm Y tế xã nhưng từ 12/2015 đến nay chưa được nhận lương. Xuất phát điểm Hợp đồng lao động không xác định thời hạn của những người lao động này này đều được sự đồng ý bằng văn bản của ông Hoàng Sỹ Bình - Nguyên Giám đốc Sở Y tế.
Trước tình trạng trên, Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn đã tổ chức đối thoại giữa ban Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn với 18 cán bộ Y tế xã tuyển dụng năm 2014, 2015. Theo đó, từ tháng 1 đến nay, 18 cán bộ Y tế xã nêu trên chưa có lương. Hiện nay đơn vị đang thực hiện dự toán năm 2016 và đang chi trả chế độ từ tháng 1 đến nay cho 18 cán bộ Y tế xã: BHXH, BHYT, BHTN, 2% phí công đoàn.
Tuy nhiên, tổng số kinh phí còn thiếu để chi trả lương tháng 12/2015 và năm 2016 cho 18 cán bộ Y tế xã là 889 triệu đồng.
Được biết, người ký quyết định tuyển dụng các Hợp đồng lao động về công tác tại các Trạm Y tế trên địa bàn huyện Đông Sơn là ông Trần Huy Quang - Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn. Hiện nay, ông Quang đã được điều chuyển về làm Chánh văn phòng Sở Y tế.
Bản thân ông Lê Văn Khiết - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y đã được ông Hoàng Sỹ Bình - Giám đốc Sở Y tế ký quyết định bổ nhiệm thay ông Quang làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Sơn. Việc bổ nhiệm này trái với công văn số 7369/UBND-THKL của Chủ tịch tỉnh về việc tạm dừng tuyển dụng, tiếp nhận viên chức, HHĐLĐ và bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng …
TP.HCM: Sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao
(HQ Online)- Theo thống kê của ngành y tế dự phòng TP.HCM, trong những tuần từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2016, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám và phải nhập viện đang gia tăng cao với khoảng 200 ca/ tuần.
Ghi nhận ngày 8-8 tại Khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 và Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, do lượng bệnh nhân nhập viện đông, chúng tôi thấy rất nhiều bệnh nhân và người nhà phải nằm dọc các hành lang của khoa. Trong phòng bệnh nhiều bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 người bệnh/giường.
Nằm ở hành lang Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn chia sẻ: “Con tôi bị sốt xuất huyết, nằm ở bệnh viện huyện Hóc Môn được mấy ngày thì bệnh viện chuyển lên Nhi đồng 1. Do bị nặng nên cháu nằm ở phòng hồi sức được hơn nửa tháng nay. Giờ tình trạng đỡ hơn bác sĩ cho chuyển xuống phòng bệnh nhưng phòng bệnh đông quá nên tạm thời tôi cho cháu nằm hành lang để chờ xếp phòng”.
Tương tự, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số ca đến khám và nhập viện điều trị cũng đang gia tăng. Theo số liệu thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, trong tháng 7, có 440 trường hợp bệnh nhi đến khám liên quan đến sốt xuất huyết và 273 trường hợp phải nhập viện điều trị. Chỉ trong mấy ngày đầu tháng 8 (từ ngày 1-8 đến ngày 7-8), bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 142 bệnh nhi đến khám sốt xuất huyết, trong đó có 88 ca nhập viện điều trị. Trong khi đó, vào tháng 6 bệnh viện chỉ ghi nhận có 282 bệnh nhi đến khám và 125 trường hợp nhập viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong những tuần gần đây số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng nhanh. Hiện trong khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhi, trong đó 30 ca bệnh nhân từ các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Nông. Số bệnh nhân bị nặng đang nằm điều trị tại khoa khoảng 4 - 5 ca. Số ca nặng vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát được bệnh.
"Theo diễn biến này, có khả năng từ giờ đến cuối năm số ca bệnh sẽ còn tăng cao hơn nữa và có những diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân nặng chuyển từ các tỉnh lên điều trị", bác sĩ Nam cho biết thêm.
Theo báo cáo của Trung Tâm Y tế Dự Phòng TP.HCM, từ ngày 29-7 đến ngày 4-8, thành phố ghi nhận 256 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 20% so với tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 9.301 ca, tăng 54% so với cùng kỳ 2015, trong đó có 2 ca tử vong. Các quận huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng báo động so với trung bình 4 tuần trước gồm có quận 7, quận 9, Tân Bình, Phú Nhuận, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Tân.
Dự báo trong tháng 8 và những tháng tiếp theo, bệnh sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng khi thời tiết khi đi sâu vào mùa mưa. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình, nơi làm việc để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như: thực hiện các biện pháp như dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà. Tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay. Mở cửa nhà và hợp tác với chính quyền, Y tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương.
Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, khi có các biểu hiện như sốt trên 2 ngày, chảy máu chân răng, ói, tiêu chảy người dân phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm và điều trị. Đặc biệt, không nên tự mua thuốc điều trị khiến bệnh nặng thêm, khó điều trị.
PGS – TS Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo, dịch sốt xuất huyết là căn bệnh của thế kỷ 21. Bệnh đang lưu hành trên 128 quốc gia với 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Mỗi năm, toàn thế giới có hơn 300 triệu người bị sốt xuất huyết, đặc biệt 75% gánh nặng bệnh rơi vào khu vực châu Á Thái Bình Dương. Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, viêm não, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sôi nảy nở ở bể chứa nước sạch như giếng khơi, bình bông, nước mưa đọng.
http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-tang-cao.aspx
Bé sơ sinh bị gãy xương đùi là sự cố y khoa ngoài ý muốn
(Tổ Quốc) - Đây là kết luận từ Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh An Giang về trường hợp bác sĩ mổ đẻ làm gãy xương đùi bé sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Nhật Tân.
Bên cạnh đó, kết luận còn cho biết: Bác sỹ phẩu thuật đã phát hiện ra sự cố và giải quyết kịp thời; đã mời bác sỹ Ngoại khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đến để hội chẩn ngay tại phòng mổ, chỉ định chụp X-quang thẳng nghiêng xương đùi trái; kịp thời chuyển bé lên tuyến trên theo yêu cầu của người nhà cháu bé và bố trí bác sỹ đi kèm để chăm sóc bé tốt nhất.
Trước đó, sản phụ H. (41 tuổi, An Giang) đến Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân để sinh. Sản phụ được chỉ định mổ. Nhưng sau khi mổ, em bé bị gãy đùi trái và bác sĩ trả lời là do bị dị tật bẩm sinh. Theo yêu cầu của gia đình, bé được chiếu chụp và phát hiện bị gãy đùi trái. Sau đó gia đình cũng để nghị chuyển bé sang Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM) để điều trị.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, đây là một ca sinh khó thực hiện phẫu thuật và rất ít gặp do thai phụ lớn tuổi (41 tuổi) sinh lần thứ 3, thai được 38 tuần tuổi, ngôi ngang, thiểu ối nặng. Với ca sinh khó thực hiện phẫu thuật này, việc mổ bắt con khi ngôi thai nằm ngang thì có nguy cơ cao rơi vào 2 khả năng: một là bắt con nhanh sẽ bị gãy tay hoặc chân, còn nếu bắt con chậm thì em bé có thể tử vong.
Qua sự việc này, phía bệnh viện cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm nhất là trong tiên lượng hết những khó khăn khi xử lý những trường hợp ngôi thai nằm ngang như thời điểm mổ, phương pháp mổ, đường rạch tử cung.
Cùng với đó, Sở Y tế An Giang nhận định, phía Bệnh viện đa khoa Nhật Tân, nhất là thái độ, ứng xử của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cũng cần phải rút kinh nghiệm. Phải giải thích rõ, kỹ cho phía người nhà bệnh nhân hiểu, tránh hiểu lầm, bức xúc.
Được biết, em bé sau khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị, gia đình bé đã xin chuyển về tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nhật Tân. Sức khỏe của bé đang phục hồi tốt.
http://toquoc.vn/y-te/be-so-sinh-bi-gay-xuong-dui-la-su-co-y-khoa-ngoai-y-muon-205339.html
Bình Phước: Cả hệ thống y tế vào cuộc đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu
Ngày 9-8, bác sỹ Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống y tế bằng nhiều biện pháp phòng ngừa hiệu quả nên hiện nay tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và kiểm soát chặt chẽ. Từ ngày 20-7 đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh bạch hầu mới.
“Hiện, ngành y tế đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nếu không có tình huống mới, bất thường thì trong thời gian tới Trung tâm sẽ tham mưu Sở Y tế trình Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công bố hết dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh” – bác sỹ Sáu nói.
Cũng theo bác sỹ Sáu, hầu hết các ca mắc, nghi mắc bệnh bạch hầu được điều trị đến nay sức khỏe đã ổn định và xuất viện trở về nhà. Hiện nay chỉ còn 2 bệnh nhân bạch hầu đang được điều trị tại bệnh viện (1 tại TP.HCM và 1 tại Bình Phước).
“Các bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ tại bệnh viện, sau khi sức khỏe ổn định trở về nhà sẽ không có khả năng lây lan ra cộng đồng” – bác sỹ Sáu khẳng định.
Trước đó, tỉnh ghi nhận 11 ca bệnh bạch hầu, trong số đó có 3 ca tử vong và 52 ca được theo dõi.
Bốn xã gồm: Thuận Lợi, Thuận Phú, Đồng Tiến và Tân Lợi thuộc huyện Đồng Phú có người mắc bệnh bạch hầu.
Ngày 15-7, UBND tỉnh Bình Phước đã ký quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu (qui mô cấp huyện Đồng Phú) trên địa bàn tỉnh nhằm tránh dịch bệnh lây lan sau khi có 3 người trẻ tử vong.
http://cand.com.vn/y-te/Binh-Phuoc-Ca-he-thong-y-te-vao-cuoc-day-lui-dich-benh-bach-hau-403484/
Bệnh nhân viêm não mô cầu đầu tiên ở Nghệ An
Lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An xác nhận một bé trai 7 tuổi, trú xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, là ca viêm não mô cầu đầu tiên trên địa bàn.
Chiều 7/8, bé trai Hồ Hữu Trung Kiên than mệt mỏi, đau đầu và sốt cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Đến đêm, bé trong trạng thái lơ mơ, không tỉnh táo. Sáng hôm sau gia đình cho bé nhập viện Sản Nhi Nghệ An.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn và buồn nôn, trạng thái lơ mơ, tiểu tiện không tự chủ, đặc biệt có các ban xuất huyết tập trung ở bụng, lưng. Bệnh diễn tiến nhanh, chỉ trong vòng vài giờ, các nốt ban xuất huyết hoại tử xuất hiện nhiều. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị viêm màng não do não mô cầu thể tối cấp, tiên lượng nặng.
Bệnh nhân được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây cho người khác. Bé cũng được điều trị tích cực, sử dụng thuốc chống phù não, bồi nước điện giải, cấy dịch não tủy, cấy máu, dịch họng. Hiện tình trạng bệnh nhi có tiến triển hơn hôm qua.
Đây là ca viêm não mô cầu đầu tiên của Nghệ An trong năm nay. Bệnh viện đã thông báo cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An để các đơn vị khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh.
Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng đồng hồ nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn gồm có 4 nhóm chính là A, B, C và D. Viêm não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu, nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ.
Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự viêm não, màng não do virus thông thường khác.
Trong 5 năm qua cả nước có 610 trường hợp viêm não mô cầu, trong đó 25 ca tử vong. Năm 2015 cả nước có 102 ca bệnh, 4 người tử vong. Số ca bệnh không nhiều, nhưng viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. Bệnh nhân thậm chí có tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh.
Bệnh về đường hô hấp bùng phát, trẻ ồ ạt nhập viện
Mới bắt đầu vào "mùa bệnh" nhưng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp ồ ạt nhập viện, Khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), nơi có số lượng giường bệnh nhiều nhất bệnh viện này cũng phải “phất cờ trắng”, cầu cứu các khoa khác để cùng chung tay cứu chữa bệnh nhi.
Huy động tổng lực để chữa bệnh hô hấp
Với gần 200 giường bệnh, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 được xem là khoa có nhiều giường bệnh nhất, nhưng trong những ngày qua đã không còn giường trống. Nhiều giường bệnh có đến 2-3 bệnh nhi nằm chung, thậm chí có gường 4- 5 bệnh nhi nằm ngang để đủ chỗ.
Dù thời tiết hiện nay ở TP.HCM có mưa, tiết trời cũng khá dịu nhưng trong căn phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp có nhiều quạt máy hoạt động liên tục nhưng các phụ huynh phải đưa quạt tay lên quạt liên tục cho trẻ.
Chị H. (ngụ ở Hóc Môn) phân bua: “Con tui mới 6 tháng tuổi, cháu bị viêm phổi nhưng vào đây nằm chung đến 4 trẻ/giường nên các cháu phải nằm ngang mới đủ chỗ. Dù thời tiết không nóng nhưng nằm kiểu này chật chội, phụ huynh nuôi trẻ đông đúc nên khá nóng bức, không quạt không chịu nổi đâu”.
Chị H. cho biết nhiều trẻ không có giường nằm phải nằm la liệt ở hành lang nhưng mấy hôm nay thời tiết Sài Gòn thường xuyên mưa, các bà mẹ ôm trẻ chạy vào phòng trú mưa gây nên tình trạng xô bồ, chật chội, nhếch nhác....
Mặc dù vậy, số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp vẫn còn khá đông, hiện có khoảng 450 trẻ đang điều trị tại đây. Trong khi đó mỗi ngày lại có thêm 100 trẻ mắc các bệnh hô hấp mới nhập viện, đẩy tình trạng quá tải càng thêm quá tải.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp cho biết lãnh đạo khoa đã xin ý kiến Ban Giám đốc bệnh viện đưa các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phổi phế quản, hen suyễn sang điều trị ở các Khoa Nội tổng quát 1, Nội tổng quát 2, thậm chí đưa sang cả khoa sốt xuất huyết để điều trị....
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Nếu so với tháng trước, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp điều trị nội trú tại bệnh viện này tăng khoảng 10 - 20%. Hiện số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại khoa hô hấp của bệnh viện này khoảng 400 trẻ.
Theo bác sĩ Tuấn, thường các bệnh về đường hô hấp trong năm bắt đầu bước vào mùa là tháng 8 và tăng dần vào tháng 9, 10. Đây là thời điểm mùa mưa ở các tỉnh phía nam, khi mưa đến nhiệt độ giảm, độ ẩm tăng, là điều kiện thuận lợi để lây lan vi rút gây các bệnh về đường hô hấp.
“Mới bắt đầu vào mùa của các bệnh về đường hô hấp, nhưng số bệnh nhi nhập viện đã tăng mạnh, nếu tình trạng này kéo dài khi bước vào đỉnh của bệnh thì nguy cơ sẽ bùng phát thành dịch”, bác sĩ Tuấn lo lắng.
Người nhà bệnh nhi chưa tin tuyến dưới
Ông Tuấn cho rằng tình trạng bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp ồ ạt nhập viện có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân chủ quan là do gia đình bệnh nhi không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới, hoặc có thói quen thích lên tuyến trên.
Thực tế hiện nay, các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có trên 60% bệnh nhi đến từ các tỉnh thành khác, trong đó có những bệnh về đường hô hấp mà các bệnh viện tuyến tỉnh có thể điều trị được.
Trẻ mắc bệnh hô hấp mới đầu thường ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt... (triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên). Khoảng 80% trẻ mắc bệnh tự khỏi trong vòng 10 đến 14 ngày; số còn lại có thể bị viêm đường hô hấp dưới như: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi.
Để phòng ngừa trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là đang bước vào mùa của dịch bệnh này, bác sĩ Tuấn khuyến cáo các bậc phụ huynh khi sử dụng thiết bị lạnh nên để vừa đủ mát, để xa trẻ.
Thời điểm này thời tiết ở các tỉnh phía Nam diễn biến thất thường, có lúc nóng, có lúc lạnh, nhất là vào sáng sớm nên hạn chế cho trẻ ra đường, nếu cần thiết phải ra đường thì che chắn kín, mặc áo đủ ấm để tránh gió lùa.
Ngoài ra, tuy là bệnh hô hấp, nhưng đường lây chủ yếu qua đường tay nhiễm bẩn của người chăm sóc. Do đó, việc rửa tay sạch chính là liều vắc xin phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp tốt nhất. Việc rửa tay sạch sẽ góp phần làm giảm thiểu 2 bệnh phải nhập viện nhiều và gây tử vong cao là viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Đặc biệt bác sĩ Tuấn cảnh báo một loại vi rút gây bệnh về đường hô hấp rất nguy hiểm là vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Vi rút này rất dễ lây cho mọi người, cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc.
Người lớn mắc loại vi rút này chỉ cảm ho thông thường, nhưng nếu lây cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi thì 90% sẽ bị bệnh viêm tiểu phế quản, tuổi càng nhỏ càng nặng. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị nhiễm phải loại vi rút này thì khả năng phải nhập viện và thở oxy là rất cao.
Đối với trẻ em khi nhiễm loại vi rút này, trong 1-2 ngày đầu thường bị sốt nhẹ, ho khan, sổ mũi. Từ ngày thứ 3 trở đi, bệnh sẽ thể hiện rất rõ với 3 triệu chứng chính: ho nhiều, thở khò khè hay khó thở. Những trường hợp này, nếu được chăm sóc tốt thì có 70% sẽ tự khỏi, không cần thiết phải nhập viện.
“Riêng những trường hợp trẻ ngủ li bì khó đánh thức, bỏ bú hoặc bú kém (với trẻ dưới 3 tháng); không uống nước, nôn tất cả thức ăn, co giật, khó thở… phải đưa đến nhập viện ngay”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/benh-ve-duong-ho-hap-bung-phat-tre-o-at-nhap-vien-40050.html
Sốt xuất huyết tăng nhanh và nguy cơ bùng phát bệnh do Virus Zika
Tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika đều là loài muỗi Vằn. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ…
Zika là chủng virus lưu hành ở khu vực châu Phi, tuy nhiên gần đây bùng phát thành dịch và lây lan các châu lục khác. Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết có từ lâu và phổ biến ở nước ta. Biểu hiện của 2 bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu… So với sốt xuất huyết thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày thứ 2 có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam; nặng hơn có thể chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc, nguy cở tử vong rất cao. Hiện nay nước ta đã xuất hiện đủ cả 04 tuýp của bệnh sốt xuất huyết DEN-1, DEN-2, DEN-3 & DEN-4
Tuy nhiên, bệnh do virus Zika nguy hiểm gây biến chứng dẫn đến tật đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh do lây từ bà mẹ trong kỳ mang thai. Về khả năng tử vong, trên thế giới hầu như chưa ghi nhận trường hợp chết nào do virus này tuy nhiên sốt xuất huyết thì ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, tính đến tháng 8/2016, đã ghi nhận 49.049 trường hợp mắc tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 trường hợp tử vong.
Cùng với sự phát triển mạnh của loại muỗi vằn, đây cũng là muỗi truyền vi rút Zika , đồng thời hiện nay sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh này nên dễ có nguy cơ vi rút Zika có thể xâm nhập và lan truyền.
Công tác truyền thông, cảnh báo và hướng dẫn người dân có kiến thức và phương pháp phòng bệnh hiệu quả là vô cùng quan trọng để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Với mục tiêu đó, Chuỗi chuyên đề sức khỏe “Phòng ngừa và xử trí bệnh SXH & Virus Zika” năm 2016 (và là năm thứ 6 liên tiếp) đang được tổ chức với sự phối hợp giữa nhãn hàng JUMBO VAPE – Chất lượng Nhật Bản của Công ty TNHH Fumakilla Việt Nam với Hội LHPN các tỉnh thành trên toàn quốc đã đi qua hầu hết các “điểm nóng” về bệnh SXH.
Trong Buổi chuyên đề được tổ chức tại TX. Hồng Ngự - Đồng Tháp, chú Nguyễn Văn Phúc, cán bộ hưu trí nhận định, “Chuỗi hội thảo là hoạt động thiết thực cùng ngành y tế, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc tuyên truyền, ngăn chặn dịch bệnh. Hội thảo cũng khích lệ ý thức người dân chung tay, góp sức trong tham gia thực hiện các biện pháp thiết thực: Thường xuyên vệ sinh nơi ở, ngủ mùng, khơi thông cống rãnh, xử lý nơi ao tù nước đọng, diệt lăng quăng, đậy nắp lu, phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường... góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh SXH”.
http://khampha.vn/thong-tin-doanh-nghiep/sot-xuat-huyet-tang-nhanh-va-nguy-co-bung-phat-benh-do-virus-zika-c41a434629.html
Sợ nhà vệ sinh trường bẩn, con nhịn tiểu, nhịn luôn cả uống nước
Nhiều phụ huynh thực sự lo lắng trước thực tế con nhịn tiểu ở trường, thậm chí nhịn luôn cả uống nước chỉ bởi khiếp đảm nhà vệ sinh ở trường quá bẩn và hôi thối.
Nói về chuyện con sợ vào nhà vệ sinh của trường vì quá bẩn, chị Lê Vân (Vĩnh Phúc) cho biết, không ít lần chị thấy cảnh con “nhịn” tiểu và chỉ đợi về đến nhà là lao ngay vào nhà vệ sinh giải quyết. “Con giải thích nhà vệ sinh của trường quá bẩn, con không dám đi ở đó”, chị Vân chia sẻ.
Chị Nguyễn Hoa (Hà Nội) kể: “Lần nào đi họp phụ huynh cho con, mình cũng cố tình đi vào khu vực vệ sinh xem sao. Khu nhà vệ sinh của các giáo viên thì không đến nỗi nhưng lượn đến chỗ vệ sinh của các con thì thôi rồi, bẩn đến nỗi không dám bước vào luôn. Nhìn chỗ bồn rửa tay thôi cũng thấy chắc phải đến cả tháng không có người cọ rửa”.
Quá kinh hãi, chị Hoa gặng hỏi việc đi vệ sinh của con ở trường ra làm sao thì mới biết con cũng có cách khắc phục. “Hoá ra con cũng biết lén lên khu nhà vệ sinh các giáo viên để đi. Trường con mình học “tiêu chuẩn thành phố” mà còn thế này, không biết các trường khác thì như thế nào nữa”, chị Hoa bức xúc.
Chị Trần Hạnh (Ninh Bình) chia sẻ: “Con mình đi học thì không dám đi vệ sinh. Mình thắc sao lại không dám đi thì con trả lời nhà vệ sinh trường con bẩn kinh lắm. Con mỗi lần bước vào là thấy buồn nôn. Giấy vệ sinh thì không có. Vậy mà hàng tháng tôi vẫn phải phải nộp tiền dọn vệ sinh, giấy vệ sinh cho con”.
Sợ đến nỗi nhịn luôn cả uống nước
Có cô con gái học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, chị Lê Thúy Ngân bức xúc: “Mỗi năm chúng tôi đều phải đóng tiền vệ sinh cho trường thuê người dọn vệ sinh, thậm chí đóng cả tiền mua giấy nhưng vẫn rất bẩn”.
Chị Ngân biết được điều này khi một lần tình cờ dẫn con vào nhà vệ sinh của trường nhưng cô con gái chả dám đi và kêu bẩn.
Nghe con nói vậy, chị vào tận nơi xem thì mới hiểu rằng tại sao con lại sợ đến vậy. “Bệ vệ sinh mốc xì mốc xịt, hoen ố, nhà thì hôi hám. Nghe bảo nhà trường mỗi tháng trả lương thuê người dọn vệ sinh nhưng chả biết có dọn hay không. Họp phụ huynh tôi có phản ánh lại nhưng chả ăn thua, rồi đâu lại vào đấy”, chị Ngân kể.
Chính vì điều này, mà ở lớp, con gái chị rất lười uống nước bởi sợ uống nhiều sẽ phải đi vệ sinh. “Con lười uống nước đến nỗi có đợt còn bị đi tiểu buốt. Quá nguy hiểm và tôi thêm việc phải nhắc cháu uống nước thường xuyên”.
Chị Ngân cho rằng, việc nhà vệ sinh trở thành một nơi đáng sợ trong mắt trẻ nhỏ phần lớn do các giáo viên thiếu trách nhiệm.
“Tất nhiên có thể một phần do học sinh ý thức kém. Nhưng suy cho cùng vẫn do nhà trường và các giáo viên bởi phải có trách nhiệm đôn đốc việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong trường, hơn nữa là giáo dục các em lối sống vệ sinh, sạch sẽ”, chị Ngân nói.
Nhiều hệ lụy nguy hiểm
Về điều này, Bác sỹ, Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Lan Hải cho rằng có nhiều lý do khiến các học sinh ngại phải dùng nhà vệ sinh ở trường.
“Ấn tượng đầu tiên là bẩn kinh khủng như thiếu nước dội, không có giấy, khai thối và mỗi lần phải “đi” là một lần các em bị khủng bố các giác quan. Cùng đó là không gian chật chội, thiếu ánh sáng và ít được quét dọn. Ngoài ra còn các yếu tố thiếu an toàn như cửa lung lay, hỏng chốt, thậm chí bị mất cánh cửa, sàn trơn trượt dễ ngã,… Và gần đây còn thêm một mối lo ngại là sợ kẻ xấu nấp sẵn trong đó gây hại”, bác sỹ Lan Hải nêu thực tế.
Theo bác sỹ Lan Hải, việc các em nín tiểu và nhịn đi vệ sinh sẽ gây hại về mặt sức khỏe như dẫn tới tâm lý khó chịu, ức chế gây mất tập trung học tập. Về lâu dài có thể dẫn đến các bệnh lý giãn bàng quang, sỏi tiết niệu, táo bón. “Ngoài ra, cơ thể có cơ chế hoạt động thần kinh rất tinh vi để nhắc nhở loại bỏ chất thải bằng phản xạ mót đi tiêu, tiểu. Nếu trẻ thường xuyên lờ đi sẽ khiến cơ chế này không còn nhạy nữa. Nhịn vệ sinh khiến “bình tiểu” căng lên còn chèn ép “hàng xóm” là cơ quan sinh dục, khiến cơ thể các em bị căng thẳng”, bác sỹ Lan Hải cảnh báo.
Bên cạnh đó, theo bác sỹ Lan Hải, nếu trẻ cố tình nhịn uống nước thì cơ thể sẽ tự giác tận dụng nước từ chất thải trong ruột già để tái sử dụng (khoảng 400ml mỗi ngày) khiến da xỉn màu, phân khô gây táo bón, gây trĩ. Về lâu dài, tính khí cũng trở nên bực dọc và dễ cáu gắt.
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/319928/so-nha-ve-sinh-truong-ban-con-nhin-tieu-nhin-luon-ca-uong-nuoc.html
Lập Bệnh viện Dã chiến để tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Sáng 9/8, khóa huấn luyện đầu tiên tiền triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc diễn ra tại Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM).
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết trong 3 tháng, 70 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Dã chiến cấp 2 được huấn luyện thông qua các bài giảng về gìn giữ hòa bình. Đây là các nhân viên y tế được lựa chọn từ Bệnh viện Quân y 175 và một số bệnh viện khác, được giảng dạy bởi những chuyên gia Australia, Trung Quốc, Pháp và Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế.
Theo đại tá Phụng, Liên Hợp Quốc đánh giá cao sự tham gia của Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại phái bộ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Đến nay Việt Nam đã cử 12 lượt sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Trung Phi, với nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự.
Bệnh viện dã chiến gồm các cấp 1, 2 và 3, cao nhất là cấp 1. Bệnh viện dã chiến đặt tại Bệnh viện 175 thuộc cấp 2 và là bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Việt Nam phục vụ nhu cầu huấn luyện nhân viên y tế tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận kinh doanh thuốc đối với cơ sở bán lẻ thuốc
Nghị định 102/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh thuốc vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với cơ sở bán lẻ thuốc.
Cụ thể, cơ sở bán lẻ thuốc được Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc khi đáp ứng các điều kiện:
1- Chủ cơ sở bán lẻ thuốc phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với từng hình thức tổ chức kinh doanh của cơ sở bán lẻ thuốc.
2- Cơ sở bán lẻ thuốc, trừ cơ sở bán lẻ dược liệu, phải đáp ứng các điều kiện:
- Phải có địa điểm cố định, riêng biệt; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm và có biển hiệu theo quy định.
- Địa điểm bán lẻ phải được xây dựng chắc chắn, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải dễ làm vệ sinh, đủ ánh sáng nhưng không để thuốc bị tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời; bảo đảm duy trì điều kiện bảo quản ghi trên nhãn thuốc.
- Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, phải có khu vực để trưng bày, bảo quản thuốc và khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng thuốc với người bán lẻ.
- Phải bố trí thêm diện tích cho những hoạt động khác: Khu vực pha chế theo đơn nếu có tổ chức pha chế theo đơn; khu vực ra lẻ các thuốc không còn bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc để bán lẻ trực tiếp cho người bệnh; nơi rửa tay cho người bán lẻ và người mua thuốc; khu vực tư vấn riêng cho bệnh nhân và ghế cho người mua thuốc trong thời gian chờ đợi.
- Phải có tủ, giá, kệ bảo quản thuốc đáp ứng yêu cầu về điều kiện bảo quản thuốc, yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn đối với thuốc.
- Trường hợp kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế thì phải có khu vực riêng, không bày bán cùng với thuốc và không gây ảnh hưởng đến thuốc.
Cơ sở bán buôn thuốc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc khi đáp ứng các điều kiện:
1- Người quản lý chuyên môn về dược phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với từng hình thức tổ chức kinh doanh của cơ sở bán buôn thuốc.
2- Cơ sở bán buôn thuốc phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có số lượng nhân sự, có trình độ và được đánh giá phù hợp với công việc được giao.
- Nhà kho, hệ thống phụ trợ phải được thiết kế, xây dựng, sử dụng và bảo dưỡng phù hợp với mục đích bảo quản và quy mô sử dụng, đảm bảo bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn thuốc; có khu vực riêng để bảo quản có trật tự các loại sản phẩm khác nhau; khu vực tiếp nhận, cấp phát phải có khả năng bảo vệ thuốc khỏi các điều kiện thời tiết bất lợi; các khu vực bảo quản liên quan phải có biển hiệu thích hợp, rõ ràng.
- Thiết bị bảo quản và thiết bị vận chuyển phải được trang bị, bố trí, thiết kế, đánh giá, thẩm định, sử dụng và bảo dưỡng phù hợp với mục đích sử dụng, đảm bảo điều kiện bảo quản và các hoạt động bảo quản;
- Kho bảo quản phải trang bị hệ thống phát điện dự phòng cho hoạt động của kho lạnh.
- Có phương tiện vận chuyển thuốc bảo đảm điều kiện bảo quản, yêu cầu về an ninh, an toàn đối với thuốc do cơ sở kinh doanh.
- Có hệ thống quản lý chất lượng, hồ sơ tài liệu, các hướng dẫn, quy trình bao trùm cho các hoạt động được thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế là thành viên BCĐ phòng, chống khủng bố quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban.
Các thành viên gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác an ninh (thành viên thường trực).
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống khủng bố trong phạm vi cả nước; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, triển khai, phối hợp liên ngành thực hiện công tác phòng, chống khủng bố.
Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác phòng, chống khủng bố; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phương án xử lý các tình huống, cơ chế chỉ đạo, chỉ huy xử lý các tình huống khủng bố.
Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vụ khủng bố trong trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách gọi là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia.
Tập huấn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên y tế
(CAO) Từ ngày 9 đến 11-8-2016, tại TP.HCM, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn năm 2016.
Đến dự có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết, sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và y tế nói riêng, góp phần chăm sóc sức khỏe cho con người.
Hội nghị tập huấn chuyên môn năm 2016 sẽ cập nhật những kiến thức, kỹ năng chăm sóc người bệnh được thế giới triển khai nhằm nâng cao hơn nữa chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Được biết, hiện cả nước có khoảng 1.200 cán bộ, nhân viên y tế tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thời gian qua được thực hiện một cách chuyên nghiệp, mang tính khoa học, giúp nhiều ca bệnh nan y được phát hiện sớm, điều trị tích cực, mang lại kết quả tốt.
Kết quả đạt được trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ ở Trung ương và ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.
Tư nhân được thành lập ngân hàng mô
Ngoài trực thuộc cơ sở y tế công lập, tư nhân cũng có thể thành lập ngân hàng mô nếu đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép hoạt động, cơ sở vật chất và nhân lực của Bộ Y tế.
Đây là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị định 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô.
Cụ thể tại Nghị định mới này nêu rõ, ngân hàng mô được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng một số điều kiện như: có quyết định thành lập ngân hàng mô; hoặc ngân hàng mô có tên trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế đối với ngân hàng mô của nhà nước; giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư nhân.
Bên cạnh đó, ngân hàng mô tư nhân cũng cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu, như phải có buồng kỹ thuật có diện tích tối thiểu 12 m2 để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và cung ứng mô; phòng xét nghiệm có diện tích tối thiểu là 12 m2. Riêng ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì việc xét nghiệm có thể sử dụng chung với bộ phận xét nghiệm của cơ sở y tế.
Khu vực hành chính tổng hợp, quản lý hồ sơ, tư vấn phải có diện tích tối thiểu là 12 m2. Cơ sở phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ làm vệ sinh; bảo đảm xử lý rác thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chuyên môn.
Về nhân lực tối thiểu, Nghị định yêu cầu người quản lý chuyên môn ngân hàng mô phải đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; một bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hai kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành y, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; một nhân viên hành chính.
Đối với ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì nhân lực có thể kiêm nhiệm, riêng kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng phải làm việc chuyên trách. Đồng thời, ngân hàng mô phải có đủ trang thiết bị theo danh mục quy định.
Nghị định cũng quy định điều kiện riêng để cấp giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc (ngân hàng mô chỉ hoạt động về giác mạc).
Cụ thể, về cơ sở vật chất, ngoài điều kiện như đối với cơ sở vật chất ngân hàng mô nêu trên, thì ngân hàng giác mạc phải có đủ trang thiết bị quy định; người lấy giác mạc phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về lấy và bảo quản, vận chuyển giác mạc.
Việc hiến mô, tạng của nhiều người chết não đã cứu sống thêm nhiều người cần được ghép tạng
Theo Nghị định mới, nếu ngân hàng mô đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30-6-2017.
Từ 1-7-2017, ngân hàng mô phải được cấp giấy phép hoạt động theo các điều kiện, thủ tục quy định tại nghị định này
Có thể nói việc cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô nhằm thể hiện tinh thần xã hội hóa lĩnh vực y tế và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức. Vấn đề này cũng phù hợp với nội dung trong nghị định là khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, hợp tác trong việc nghiên cứu, hiến, lấy, ghép, lưu trữ, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người.
Hiện nay nếu cộng đồng muốn đăng ký hiến mô thì có thể liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất, hoặc liên hệ với Trung tâm điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người hoặc trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-Bệnh viện Mắt Trung ương; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- Viện Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc Mekophar để đăng ký nguyện vọng hiến mô của mình.
http://suckhoedoisong.vn/tu-nhan-duoc-thanh-lap-ngan-hang-mo-n120820.html
Sàng lọc suy dinh dưỡng sớm, giảm hậu quả bệnh tật
Suy dinh dưỡng ở người bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, tăng chi phí y tế, tăng nguy cơ tử vong,... song chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy việc tổ chức sàng lọc dinh dưỡng sớm cho người bệnh cần được triển khai.
TS.BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay: “Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất, năng lượng... cần thiết để đáp ứng nhu cầu duy trì sức khỏe, bảo đảm hoạt động chức năng của các cơ quan, hỗ trợ tế bào, mô tăng trưởng”.
Khi mắc bệnh, người bệnh thường có tâm lý bất an, buồn chán, không muốn ăn hoặc ăn không ngon miệng, ăn ít, chức năng tiêu hóa suy yếu, không hấp thu được dinh dưỡng nên không đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Thực tế trên gây ra tình trạng mất cân bằng trong cung cấp dinh dưỡng và năng lượng so với nhu cầu của cơ thể tại các tế bào nhằm đảm bảo sự phát triển, duy trì hoạt động các chức năng chuyên biệt của chúng.
Ước tính, tại Việt Nam tỷ lệ bệnh nhân bị suy dinh dưỡng đến khám và điều trị ở các bệnh viện chiếm từ 30% đến 60%, suy dinh dưỡng trong cộng đồng khoảng 6%. Không chỉ riêng Việt Nam, suy dinh dưỡng ở người bệnh đang là vấn đề toàn cầu, ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh nhân bị suy kiệt trong quá trình điều trị và suy kiệt sau điều trị cũng chiếm từ 20% đến 50%.
Cũng theo TS BS. Lâm Vĩnh Niên, bất kỳ loại bệnh nào, bệnh nhân cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Ảnh hưởng trực tiếp của vấn đề dinh dưỡng không đảm bảo sẽ tác động tiêu cực lên việc điều trị, tăng nguy cơ tử vong lên 2 lần, tăng 3 lần thời gian nằm viện, tăng 3 lần nguy cơ nhiễm trùng, tăng chi phí chăm sóc của bệnh viện, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải bệnh viện, tăng tỷ lệ tái nhập viện sau điều trị, tăng sự lệ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân vào gia đình và xã hội.
PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đang tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 7.000 người đến khám, điều trị ngoại trú. Hiện, việc tầm soát dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu vi chất dinh dưỡng mà còn là thừa cân, béo phì. Tầm soát dinh dưỡng sớm, can thiệp đúng lúc có thể đảo ngược hậu quả, giúp giảm nguy cơ tử vong, nhiễm trùng bệnh viện, giảm từ 10% đến 15% chi phí điều trị, giảm trung bình khoảng 3 ngày nằm viện, từ đó giảm quá tải bệnh viện...
Cũng theo PGS TS BS. Trương Quang Bình, vấn đề dinh dưỡng nội trú tại các bệnh viện đang từng bước được quan tâm nhưng dinh dưỡng ngoại chưa được quan tâm đúng mức. Muốn ngăn chặn những tác động xấu từ tình trạng suy dinh dưỡng thì các giải pháp phòng và điều trị không chỉ tập trung tại bệnh viện mà còn phải mở rộng ra cộng đồng để đáp ứng nhu cầu khám sàng lọc, cung cấp các phương pháp điều trị, hỗ trợ thực đơn bữa ăn hợp lý, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân.
Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cộng đồng, ngày 8/8 bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa bệnh viện và Công ty Abbott trong việc thực hiện sàng lọc tỷ lệ suy dinh dưỡng sớm cho người bệnh. Theo đó, bắt đầu từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2017, hai bên sẽ phối hợp thực hiện sàng lọc sớm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng khi nhập viện; bệnh nhân trong quá trình điều trị tại khoa lâm sàng; bệnh nhân ngoại trú; thăm khám dinh dưỡng cho cộng đồng.
Sau khảo sát, các bác sĩ khoa Dinh dưỡng của bệnh viện sẽ đưa ra những đánh giá, tư vấn chế độ dinh dưỡng sớm và hợp lý nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Cụ thể, người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện được đo chỉ số cơ thể (BMI) để xác định tình trạng dinh dưỡng. Dựa trên kết quả đó, mỗi tháng một lần, Bệnh viện sẽ tổ chức các chương trình khám và tư vấn miễn phí về suy dinh dưỡng và chế độ ăn phù hợp cho người bệnh bị suy dinh dưỡng. Chương trình này cũng mở rộng tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng miễn phí cho thân nhân và những người có quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng trong cộng đồng.
BVĐK tỉnh Quảng Trị triển khai kỹ thuật nội soi can thiệp tiêm keo sinh học
(Cadn.com.vn) - QUẢNG TRỊ - Ngày 8-8, BVĐK tỉnh Quảng Trị tiếp nhận kỹ thuật nội soi can thiệp tiêm keo sinh học điều trị xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch trướng phình vị ở người bệnh xơ gan, ung thư gan từ các bác sĩ chuyên về nội soi của BVT.Ư Huế chuyển giao. Đây là kỹ thuật chuyên sâu tiên tiến hàng đầu hiện nay trong điều trị chảy máu tiêu hóa do giãn tĩnh mạch phình vị ở người bệnh xơ gan có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Quang Vinh - phụ trách nội soi của khoa Nội Tổng hợp, BVĐK tỉnh Quảng Trị cho biết: Nội soi tiêm keo sinh học được thực hiện với những người bệnh xơ gan có biến chứng chảy máu tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch trướng phình vị cần được tiến hành tại chỗ mà trước đây thường phải chuyển tuyến trên. Vì thế, kỹ thuật mới này giúp người dân của tỉnh có điều kiện tiếp cận kỹ thuật cao trong điều trị xơ gan và ung thư gan; đồng thời nâng cao năng lực cũng như chất lượng khám chữa bệnh của BVĐK tỉnh.
http://cadn.com.vn/news/119_152827_bvdk-ti-nh-qua-ng-tri-trie-n-khai-ky-thua-t-no-i-s.aspx
Bố mẹ cặp sơ sinh dính liền ở Hà Giang gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Y tế
Dù không thể cứu được hai con do bị dính liền, nhưng hai vợ chồng anh Thiệp, chị Thẩy vô cùng xúc động trước tình cảm và sự nỗ lực của ngành y tế, cộng đồng và nhất là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau khoảng 15 ngày, hai trẻ sơ sinh dính liền ở Hà Giang tử vong, chị Phàn Thị Thẩy và chồng là anh Bàn Văn Thiệp, (thường trú tại thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) bố mẹ của cặp song sinh dính liền đã viết thư gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng các nhà báo và các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ những gánh nặng về kinh tế, cũng như mất mát mà gia đình vừa phải trả qua.
Trong lá thư, anh Thiệp, chị Thẩy viết: "Cháu tên Phàn Thị Thẩy, 20 tuổi, nhà cháu ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, Huyện Vị Xuyên, Hà Giang, cháu là dân tộc Dao. Tháng 7/2016, cháu ra BVĐK huyện Vị Xuyên, được các y bác sĩ mổ cho cháu, cứu cháu và hai con của cháu. Hai con của cháu bị dị dạng dính vào nhau.
Các bác sĩ cùng Bộ trưởng, cùng xã hội giúp đỡ đưa con cháu về Hà Nội chữa bệnh. Do bệnh hiểm nghèo các con cháu đã mất. Mấy ngày nay ở quê cháu, nhân dân ca ngợi Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ nhiều lắm. Cháu thì không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn mọi người. Nhân dân ở quê cháu chỉ mong Bộ trưởng và các y bác sĩ làm tốt hơn nữa và mong có nhiều người tốt.
Cháu cảm ơn nhiều lắm, vì Bộ trưởng ở xa quá, nếu mà Bộ trưởng ở gần thì cháu và gia đình đã mang con gà, rượu đến cảm ơn Bộ trưởng".
Dù lá thư còn nhiều lỗi chính tả, nhưng những tình cảm, cảm xúc và sự chân thật được vợ chồng anh Thiệp, chị Thẩy gửi gắm rất nhiều đối với người đứng đầu ngành y tế.
Chia sẻ với phóng viên chiều ngày 9/8, anh Bàn Văn Thiệp cho biết: “Lá thư là do vợ tôi và tôi cùng suy nghĩ và viết, vợ chồng tôi nghĩ sao viết vậy, viết xong là gửi chứ cũng chẳng nhờ ai đọc lại cả.
Thật sự tôi rất ngưỡng mộ tấm lòng, sự nhân hậu và ân cần của Bộ trưởng Bộ Y tế, hôm viết thư (ngày 7/8), tôi bẫy được hai con gà rừng, lúc đó tôi cứ nghĩ mãi không biết làm cách nào để gửi xuống biếu Bộ trưởng”.
Về sức khỏe hiện tại của vợ, anh Thiệp cho biết, vợ anh đã ổn định, được đưa đi khám lại và không vấn đề gì, nhưng do nỗi đau mất liền một lúc hai đứa con nên gia đình vẫn không thể nguôi ngoai.
“Tôi sẽ sống thật tốt để chăm vợ, con và là chỗ dựa cho vợ con tôi. Chẳng biết khi nào xuống Hà Nội nữa, nhưng nếu xuống nhất định tôi sẽ mang quà xuống biếu Bộ trưởng”, anh Thiệp nói.
Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên (Hà Giang) đã tiếp nhận và đỡ đẻ thành công cho sản phụ Phàn Thị Thẩy với thai sinh đôi và có dính liền bụng. Do gia đình khó khăn nên các bác sĩ đã đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người để gia đình đưa cháu xuống Hà Nội chữa trị. Sau khi điều trị ở Hà Nội khoảng 2 tuần, do bệnh nặng gia đình đã xin hai cháu về nhà, và tử vong trên đường về nhà.
http://khampha.vn/suc-khoe/bo-hai-tre-so-sinh-dinh-lien-o-ha-giang-muon-tang-ga-de-cam-on-bo-truong-c11a434824.html
Cần Thơ: Cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh do đờ tử cung
Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công sản phụ bị băng huyết sau sinh do đờ tử cung. Hiện tại sản phụ đang hồi phục và nằm điều trị tại khoa Sản bệnh của Bệnh viện.
Trước đó, sản phụ P. T. K. X. sinh năm 1989 ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ được mổ lấy thai với chẩn đoán con lần 2,thai 36 tuần, đau vết mổ cũ, tăng huyết áp thai kỳ, thiếu máu nặng.
10 giờ sau mổ,sản phụ ra huyết âm đạo nhiều, tử cung co kém, huyết áp tụt. Các bác sĩ trực tiến hành hội chẩnvà nhanh chóng phẫu thuật cắt tử cung để cầm máu.
E-kíp phẫu thuật do Bác sĩ Chuyên khoa II Quách Hoàng Bảy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TPCT làm phẫu thuật viên chính cùng với BSCK II Đỗ Thị Minh Nguyệt - khoa Cấp cứu;BSCK I Vũ Đăng Khoa - Phó Trưởng khoa Sản bệnh, cùng với các bác sĩ và điều dưỡng phụ hồi sức phẫu thuật... Trong quá trình phấu thuật bệnh nhân được truyền tổng cộng 10 đơn vị hồng cầu lắng, 4 đơn vị tiểu cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh.
Sản phụ X đang được theo dõi tại BV Phụ sản thành phố Cần Thơ (ảnh BVCC)
BS. Quách Hoàng Bẩy, phẫu thuật viên chính cho biết, Phẫu thuật cắt tử cung trong tình trạng bệnh nặng là phẫu thuật khó, yêu cầu phẫu thuật viên, e-kíp gây mê phải có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, xử lý nhanh và kịp thời.
Nhờ xử trí nhanh và kịp thời của e-kíp phẫu thuật, bệnh nhân X đã qua cơn nguy kịch. Đến nay,tình trạng sản phụ này đã khá hơn, tiến triển tốt, được tiếp tục theo dõi tại khoa Sản bệnh cùng với con của mình - bé gái cân nặng 2.600g.
Băng huyết sau khi sinh là 1 trong 5 tai biến sản khoa, có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân nếu không được đều trị kịp thời. Những sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh như sinh con nhiều lần, thai to, đa ối, đa thai … nên theo dõi thai kỳ và sinh tại bệnh viện chuyên khoa để có thể được bác sĩ tư vấn cụ thể và theo dõi sát tình hình trong suốt qua trình mang thai.
http://suckhoedoisong.vn/can-tho-cuu-song-san-phu-bang-huyet-sau-sinh-do-do-tu-cung-n120811.html