Giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm tỷ lệ sử dụng các thuốc biệt dược gốc từ 47% xuống còn 30%. Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng bốn, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng. Đây là nội dung quan trọng trong công văn gửi Bộ Y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất về tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính Phủ.
Năm 2016, chi phí sử dụng thuốc biệt dược gốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là gần 8.226 tỷ đồng, bằng 26% tổng chi phí thuốc. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại bệnh viện tuyến Trung ương là 47% tổng chi phí thuốc tại các bệnh viện tuyến này; tuyến tỉnh 24% và tuyến huyện 7%. Chi phí thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền có 1-3 loại thuốc generic nhóm một thay thế trở lên là 2.982 tỷ đồng.
Theo TS. Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí của thuốc biệt dược gốc năm 2016, sau khi đã tách chi phí của các biệt dược gốc hết hạn bản quyền còn lại là gần 5.244 tỷ đồng, bằng 16% tổng chi thuốc. Tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược tương ứng tại tuyến Trung ương là 32%, tuyến tỉnh là 15% và tuyến huyện 4%.
Trong thời gian tới, danh mục thuốc biệt dược hết hạn bản quyền tiếp tục tăng lên, đồng thời một số thuốc biệt dược hiệu quả sử dụng không vượt trội so với thuốc nhóm một sẽ loại khỏi danh mục, thì chi phí thuốc biệt dược gốc tiếp tục giảm.
Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời nâng cao hiệu quả việc sử dụng và thanh toán thuốc bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 như sau: Đối với các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng và các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương hiện tại sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao, phải điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng tối đa bằng 30% tổng chi thuốc.
Các bệnh viện tuyến Trung ương còn lại có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 30%, sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng BDG không quá 30% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 30% tổng chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.
Đối với bệnh viện hạng một trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương: tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 25%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 25% tổng chi thuốc sẽ giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.
Các bệnh viện hạng hai trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương sẽ có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% so với tổng chi thuốc.
Bệnh viện hạng ba trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh tương đương có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi thuốc. Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hạng bốn, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá tỷ lệ đã thống nhất, đồng thời chỉ đạo việc kê đơn thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền bằng các thuốc generic nhóm một có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu tại các cơ sở y tế.
Tháng 4-2017, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 447/698 thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền, tức là các công ty dược khác có thể lấy công thức, quy trình đó để sản xuất mà không phải qua giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, được gọi là thuốc generic. Trong khi đó, một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, giá chênh lệch khá cao (có loại gấp đến tám lần) so với các nhóm thuốc nhóm một cùng chất, nồng độ, hàm lượng.
Từ đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không thanh toán đối với các trường hợp mua sắm, sử dụng thuốc ngoài danh mục đã thống nhất; Bộ Y tế chỉ đạo việc kê đơn thay thế các biệt dược gốc đã hết bản quyền bằng thuốc generic thuộc nhóm một.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá đối với các biệt dược gốc, có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng.
Thách thức trong triển khai đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi (NCT), dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu NCT. Sự chuyển đổi nhân khẩu này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cá nhân cộng đồng và đất nước.
Người cao tuổi và gánh nặng "bệnh tật kép"
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn dự báo trước đó là năm 2017. Với đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí…, nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hệ thống chính sách về NCT được ban hành và đang triển khai thực hiện; kinh tế - xã hội và hệ thống y tế phát triển là những thuận lợi để triển khai Ðề án chăm sóc NCT giai đoạn 2017-2025. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn. NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất khó khăn, đa số NCT hiện nay lại không có tích lũy vật chất. Bên cạnh đó, nhiều người đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mãn tính (bình quân mỗi NCT mắc ba bệnh), đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và chi phí điều trị lớn. Ðiều tra quốc gia về NCT Việt Nam năm 2011 cho thấy hơn 60% số NCT cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc.
Tình trạng NCT sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao. Số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe nhiều hạn chế, việc phải sống một mình là điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Người cao tuổi là nguồn lực của xã hội
Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng đã được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe NCT chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ, kỹ năng. Hiện cả nước chỉ có 49 trong số 63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, ba cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa. Khoa Lão vừa điều trị bệnh vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT cho nên không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý.
GS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, NCT thường mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp từ bảy đến 10 lần so với người trẻ tuổi. Theo GS Phạm Thắng, việc thành lập khoa Lão tại các bệnh viện là rất cần thiết bởi đặc điểm bệnh lý của NCT khác với các lứa tuổi khác vì cơ thể bị lão hóa dẫn đến có thể mắc nhiều bệnh cùng một lúc; dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ; rối loạn đi và ngã; giảm hoạt động chức năng; lú lẫn, trầm cảm; sử dụng nhiều thuốc; nguy cơ tai biến cao… đòi hỏi phải được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.
Ngày 30-12-2016 Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QÐ-BYT phê duyệt Ðề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ðề án do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Ðề án, kế hoạch hành động. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Do đó, hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho NCT cần được tiến hành toàn diện. Ðể làm được điều đó, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.
PGS, TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Cần nhận thức rằng NCT không phải là gánh nặng mà là một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Chăm sóc NCT là vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt.
Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22-3-2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1376/BYT-TCDS hướng dẫn kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2017, trong đó, giao chỉ tiêu cơ bản là 15% số NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế; tăng thêm 10% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm. Ngày 24-3-2017, Bộ Y tế tiếp tục gửi Công văn 1439/BYT-TCDS tới UBND các tỉnh, thành phố kèm theo hướng dẫn xây dựng Đề án, kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025.
Tháng 8 vừa qua, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án và ký Kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án với T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Dùng muỗi diệt muỗi ngăn sốt xuất huyết
http://www.sggp.org.vn/dung-muoi-diet-muoi-ngan-sot-xuat-huyet-466658.html
Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang bị dịch sốt xuất huyết (SXH) hoành hành khiến nhiều người mắc bệnh và tử vong.
Hiện nay việc phòng chống dịch SXH chủ yếu vẫn là diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi
Trước thực tế chưa có thuốc đặc trị và vaccine ngừa dịch bệnh nguy hiểm này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, thì phương pháp thả muỗi mang khuẩn Wolbachia vào môi trường dân cư nhằm ức chế sự phát triển của virus Dengue (truyền bệnh SXH) đang mở ra một hướng mới trong việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.
Dịch bệnh toàn cầu
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 tới nay, dịch SXH đã bùng phát và kéo dài nhiều tháng qua, diễn ra ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên, với số mắc được ghi nhận là trên 110.000 trường hợp, trong đó 26 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tăng gần 50%. Hà Nội là nơi có số người mắc dịch bệnh này cao nhất cả nước, với gần 25.000 người, trong đó 7 trường hợp tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đang hiện diện ở hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc hàng năm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết bệnh SXH lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti mang virus Dengue, là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay việc phòng chống dịch SXH gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là diệt lăng quăng nhằm kiểm soát muỗi truyền bệnh.
“Vũ khí” mới
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã cùng các nhà khoa học Úc nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti của địa phương mang vi khuẩn Wolbachia (muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tiếp đó, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm thả vào môi trường tại đảo Trí Nguyên trong 2 đợt là tháng 9-2013 và tháng 11-2014. Sau khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào môi trường, kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy, trong khi số người mắc SXH ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng ở đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch SXH nào.
Theo một số chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như: ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người, nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi mang khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây bệnh SXH, virus Zika và một số loại virus khác truyền bệnh qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền virus gây bệnh sang người. Ích lợi hơn, vi khuẩn Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung” nên duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng. Hơn nữa, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gien vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gien của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên.
Hiện nay, không chỉ có nước ta mà nhiều quốc gia khác như Australia, Indonesia, Brazil và Colombia cũng đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia vào môi trường tự nhiên, trong cộng đồng dân cư, với kết quả đạt được cho thấy đây là một phương pháp an toàn, hiệu quả. Muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe con người hay môi trường sinh thái, trong khi hiệu quả khống chế sự lan truyền của bệnh SXH nâng lên rõ rệt.
Kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về các mặt tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue của muỗi Wolbachia và sự ủng hộ của cộng đồng. Dự kiến vào cuối năm 2017, dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam” sẽ thí điểm thả muỗi Wolbachia tại một khu vực trên đất liền ở thành phố Nha Trang.
Lực lượng vũ trang Quân khu 7 nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết
Từ khi bùng phát dịch sốt xuất huyết đến nay, trong lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã có hàng chục quân nhân bị bệnh sốt xuất huyết phải vào các cơ sở y tế điều trị. Công tác phòng chống cũng như tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đã và đang được ngành Quân y Quân khu 7 triển khai một cách tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch sốt xuất huyết trong các đơn vị và trong cộng đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Điền - Trưởng phòng Quân y Quân khu 7 cho biết: “Trước tình hình bệnh dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật trên phạm vi cả nước, ngành Quân y Quân khu 7 đã chỉ đạo các bệnh viện và quân y các đơn vị chủ động tuyên truyền giáo dục về công tác phòng chống dịch, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống vệ sinh, khoa học, quán triệt đến toàn thể quân nhân trong đơn vị hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng chống những loại bệnh thường gặp nhằm chủ động phòng ngừa cho bản thân và gia đình tham gia phòng chống bệnh dịch cho cộng đồng.
Ngành Quân y cũng chỉ đạo các bệnh viện của Quân khu, bệnh xá các tỉnh, thành và đơn vị luôn bảo đảm đủ nhân lực, chuẩn bị sẵn phương tiện phòng chống lây nhiễm, trang thiết bị để cấp cứu, điều trị, các cơ số thuốc, dịch truyền, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết kịp thời và hiệu quả”.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của ngành Quân y Quân khu 7, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 7 đều triển khai đồng bộ các phương án phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể là tổ chức tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống sốt xuất huyết đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, tổ chức phát quang, nạo vét, khai thông cống rãnh không còn nơi cho muỗi sinh sôi nảy nở, diệt bộ gậy, phun thuốc diệt muỗi và nhúng mùng bằng dung dịch chuyên dụng để hạn chế đến mức thấp nhất những lây lan của dịch sốt xuất huyết trong cơ quan, đơn vị.
Trung tá Nguyễn Văn Thuấn - Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 5 cho biết: “Là đơn vị đông quân nên ngành Quân y Sư đoàn luôn chủ động trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, khuyến cáo chiến sĩ ngủ màn, mặc áo dài tay kể cả ban ngày. Các bệnh xá của Sư đoàn chủ động phân loại bệnh nhân, khi nghi ngờ cán bộ, chiến sĩ bị mắc bệnh thì tổ chức thăm khám, theo dõi điều trị kịp thời hiện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, những trường hợp nặng chuyển lên tuyến trên điều trị”.
Tại các bệnh viện của Quân khu 7 như Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Quân y 7B, Bệnh viện Quân dân y miền Đông... do có kinh nghiệm trong các đợt dịch bệnh trước nên công tác thu dung, điều trị diễn ra bình thường. Đại tá Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, gia liễu, Bệnh viện Quân y 7A cho biết: “Từ tháng 5 đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị gần 250 ca bệnh sốt xuất huyết (cả quân và dân), chúng tôi luôn cập nhật phác đồ điều trị mới nhất của Bộ Y tế, điều trị sốt xuất huyết quan trọng nhất là phải theo dõi diễn biến để có phương án giải quyết kịp thời”.
Đại tá, bác sĩ Trịnh Ngọc Chí - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y miền Đông cho biết thêm: “Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết bùng phát, Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo Khoa Nội tổng hợp triển khai các phương án để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết đến từ các quận và tỉnh, thành lân cận. Những ngày đông, bệnh viện tiếp nhận gần 50 ca sốt xuất huyết đến khám. Hiện tại bệnh viện đang có 36 bệnh nhân nằm điều trị. Nhìn chung bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị đúng phác đồ nên tiến triển tốt, chưa có bệnh nhân nào phải chuyển lên tuyến trên”.
Dịch sốt xuất huyết gia tăng ở Lào Cai
http://moitruong.net.vn/dich-sot-xuat-huyet-gia-tang-o-lao-cai/
Tính đến ngày 6/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 81 trường hợp bị sốt xuất huyết, phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết được phát hiện là bị lây trong quá trình học tập và lao động tại vùng dịch.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 6/9 trên địa bàn tỉnh có thêm 8 trường hợp nghi nhiễm bệnh sốt xuất huyết, nâng tổng số ca bệnh của tỉnh lên 81 trường hợp.
Trước đó, toàn tỉnh có 73 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 12 ca đang điều trị, số còn lại đã điều trị khỏi bệnh. Trong đó, có đến 88% ca bệnh sốt xuất huyết (64/73 ca) được phát hiện là bị lây trong quá trình học tập, lao động ở vùng có dịch (chủ yếu là Hà Nội), tính đến nay Lào Cai không có trường hợp diễn biến bệnh nặng hoặc tử vong.
Trước tình trạng dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng, cơ quan chuyên môn tỉnh Lào Cai và các địa phương đang tích cực giám sát dịch bệnh lây lan trên người, trong đó tập trung vào phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và công tác khám, chữa bệnh tại các tuyến, cơ sở y tế.
Riêng ngành y tế đã sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các huyện, thành phố, chuẩn bị tốt nhân lực, lượng thuốc, vật tư y tế… để phòng, chống dịch có hiệu quả nhất.
Bình Dương: Có 4.195 ca mắc sốt xuất huyết
http://moitruong.net.vn/binh-duong-co-4-195-ca-mac-sot-xuat-huyet/
Tính đến hết tháng 8/2017 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 4.195 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 1,59 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Báo Bình Dương đưa, sáng 7/9, Ban Văn hóa-Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp tổng kết công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo, đến hết tháng 8/2017, toàn tỉnh Bình Dương có 4.195 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 1,59 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, những dịch bệnh khác cũng tăng cao như: số ca mắc bệnh tay chân miệng 2.240 ca, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2016; 2 ca mắc bệnh Zika. Các bệnh truyền nhiễm khác như rubella, thương hàn, ho gà… đều tăng.
Về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, trong 7 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện 703 ổ dịch, xử lý 679 ổ dịch, đạt 96,5%.
Qua cuộc họp tổng kết, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh về việc phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh SXH với chiều hướng gia tăng bởi vậy các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; khảo sát, khoanh vùng địa phương có nguy cơ lây lan bệnh; tăng cường công tác kiểm tra giám sát.
Lại thêm các nạn nhân tử vong vì rượu có methanol: Cảnh báo từ bệnh viện
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/2-nguoi-chet-1-nguoi-nguy-kich-vi-ngo-doc-methanol-225230.html
http://vov.vn/xa-hoi/lien-tiep-3-ca-ngo-doc-ruou-methanol-2-nguoi-tu-vong-668966.vov
http://doanhnghiepvn.vn/2-nguoi-tu-vong-1-nguoi-tien-luong-xau-do-uong-ruou-methanol-d108215.html
http://khoe365.net.vn/ha-noi-lien-tiep-cac-truong-hop-tu-vong-do-ruou-methanol-p42947.html
http://dantri.com.vn/suc-khoe/2-nguoi-tu-vong-1-nguoi-nguy-kich-vi-uong-ruou-20170909081824776.htm
Chỉ trong 5 ngày vừa qua đã có liên tiếp 3 nạn nhân của rượu có methanol được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 2 người trong số đó đã tử vong (một người tử vong trước viện) vì hàm lượng methanol trong máu quá cao. Người còn lại, các bác sĩ đang nỗ lực cứu cũng trong tình trạng ”ngàn cân treo sợi tóc” vì tổn thương não nặng, hôn mê sâu. Trước đó, đã có nhiều trường hợp mất mạng chỉ vì ngộ độc rượu có methanol…
Chén rượu đoạt mạng
Chia sẻ thông tin với các phóng viên, ThS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 7/9, Trung tâm tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1974 đến từ Quận Thanh Xuân- Hà Nội. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể làm gì được bởi nữ bệnh nhân đã ngừng tim, tử vong trước khi vào viện.
“Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu của nữ bệnh nhân này lên tới 135,9 mg/dL, không thấy ethanol”- BS Nguyên cho biết
Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân rất hay uống rượu. Trước ngày tử vong, bệnh nhân có mua rượu uống tại một bách hoá gần nhà.
Cũng trong ngày 7/9, một bệnh nhân nam 49 tuổi ở Hải Dương cũng được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng, huyết áp tụt. Nồng độ methanol trong máu là 132,6 mg/dL. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Trước đó, ngày 4/9, một bệnh nhân khác ở Hà Nội cũng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng. Dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị, tuy nhiên, sau một ngày, bệnh nhân cũng tử vong.
Cách đó gần một tuần, vào cuối tháng 8/2017, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc methanol rất nặng. Bệnh nhân là anh Lê Văn T, sinh năm 1954, ở Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc Thanh Hóa. Được biết, do nghiện rượu nên anh T. mua cồn ở hiệu thuốc về uống thay rượu. Đó là cồn sát trùng loại 500 ml. Khi bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng, rất điển hình của ngộ độc methanol.
“Kết quả chụp phim cho thấy não của bệnh nhân bị phù, căng cả 2 bên. Dấu hiệu gợi ý nhu mô não tổn thương nặng và lan rộng cả 2 bên. Nồng độ methanol trong máu là 210 mg/dL (gấp nhiều lần so với nồng độ gây tử vong, khoảng 40 – 50 mg/dL đã là rất nặng). Bệnh nhân đã được cấp cứu, hồi sức, lọc máu thải độc, dùng các thuốc giải độc nhưng do đến muộn và não tổn thương quá nặng, tử vong cận kề nên gia đình xin về để mất tại nhà”- BS Nguyên kể lại.
Người dân vẫn coi thường mạng sống của mình
ThS Nguyễn Trung Nguyên, cho biết, ngoài những đợt cao điểm (mùa đông, cuối năm, lễ tết…) Trung tâm vẫn ghi nhận rải rác các ca ngộ độc rượu methanol. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu có hàm lượng methanol đã lên đến 48 ca- bằng số bệnh nhân của cả năm 2016
Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà ở các tỉnh khác như: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên… Số lượng bệnh nhân thực tế có thể nhiều hơn, vì xét nghiệm xác định methanol không phải nơi nào cũng làm được.
Tỷ lệ tử vong cao, lên đến 20-30%. Những trường hợp cứu được cũng hết sức vất vả, tốn kém, đa phần đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt, tổn thương não…chi phí lên đến hàng trăm triệu.
“Đặc biệt 5 ngày đầu tháng 9 này, Trung tâm liên tiếp 3 ca nặng vào viện, 2 người tử vong khiến chúng tôi thực sự đau lòng vì đã cảnh báo, tuyên truyền rất nhiều nhưng dường như người dân vẫn coi thường tính mạng của mình khi sẵn sàng uống rượu không đảm bảo, rồi mua cồn về pha với rượu để uống”- BS Nguyên nói.
Theo BS Nguyên, bản chất methanol là chất độc, được trà trộn vào rượu uống (rượu trắng). Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn. Hàng tiếng sau khi uống, thậm chí sau 2 ngày, người bệnh mới có biểu hiện mờ mắt, hôn mê, mệt mỏi; gia đình đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Nếu như biết ngộ độc methanol, bệnh nhân được đưa vào viện sớm, không đợi các dấu hiệu thì sẽ không có tổn thương não, di chứng mắt.
BS Nguyên cũng nhấn mạnh: Những tại nạn này đáng nhẽ hoàn toàn có thể tránh được, nếu quản lý tốt hoá chất methanol; thậm chí chỉ cần cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp thì sẽ không có chuyện pha methanol để làm rượu giả. Như thế sẽ ít xảy ra những câu chuyện thương tâm như thế này
Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng ngộ độc rượu do cồn công nghiệp methanol vẫn chưa cải thiện và vẫn có chiều hướng tăng. BS. Nguyên lo ngại nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp can thiệp cụ thể, nhiều khả năng trong mùa đông và xuân sắp tới, tình trạng ngộ độc và tử vong do cồn công nghiệp methanol ít nhất là không thay đổi, hoặc thậm chí có thể nặng nề hơn.
Phạt nặng doanh nghiệp sản xuất cồn nguy hại
http://www.sggp.org.vn/phat-nang-doanh-nghiep-san-xuat-con-nguy-hai-466656.html
Thanh tra Sở Y tế thành phố Hà Nội vừa quyết định xử phạt Công ty Đại Lợi (ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) số tiền 70 triệu đồng do sản xuất, kinh doanh sản phẩm cồn 90° và cồn 70° không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trên thị trường.
Trước đó, một nam bệnh nhân 45 tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau 4 ngày cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) do ngộ độc methanol.
Người nhà cho biết bệnh nhân đã uống cồn 90° hiệu “Dai Loi” thay rượu. Kết quả xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn “Dai Loi” mà bệnh nhân đã dùng cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol lên tới trên 80%, vượt mức cho phép khoảng 5.000 lần.
Ngay sau vụ việc này, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Đại Lợi, phát hiện các sản phẩm cồn 70° và 90° không có giấy phép sản xuất và lưu hành.
Ngoài việc xử phạt 70 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội còn yêu cầu doanh nghiệp này tiêu hủy hơn 2.800 lít cồn, trị giá hơn 128 triệu đồng.
Cảnh báo tình trạng trẻ em bị rắn cắn trong mùa mưa
http://khoe365.net.vn/canh-bao-tinh-trang-tre-em-bi-ran-can-trong-mua-mua-p42961.html
Trong tháng 8 vừa qua, mỗi tuần khoa Nhi - bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 2-3 trẻ em bị rắn cắn.
Cụ thể, ngày 27/8, bệnh nhi Nguyễn Duy Kh. ( 2 tuổi, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) khi đang đang chơi ngoài sân thì bị một con rắn dài khoảng 10cm, kích thước bằng ngón tay út, có vằn sọc vàng cắn vào ngón 2 bàn chân trái.
Bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tỉnh táo, bàn chân bên trái sưng nề nhiều, vị trí cắn ở ngón 2 chân trái có dấu hiệu hoại tử.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm và cho bệnh nhân dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Theo BS Nguyễn Hữu Hiếu - khoa Nhi, nhờ được đưa đến viện kịp thời và dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất nhanh chóng nên tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, vết hoại tử sưng nề không phát triển thêm và đang có dấu hiệu hồi phục rõ rệt.
Trường hợp thứ 2 là bé gái Nguyễn Thu H. (12 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) đang đứng trong nhà chải tóc thì bị con rắn bò vào cắn. Do trời tối, hoảng sợ nên bé không kịp quan sát con rắn.
Bé được đưa vào bệnh viện huyện để sơ cứu trước. Ngày 1/9, bé được đưa đến bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, chân bên phải – chỗ bị rắn cắn sưng nóng. Phần mu chân có vết hoại tử đen, khoảng 2-3 cm.
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định tiêm uốn ván và dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Hiện tại, tình trạng của cháu H. ổn định, vết hoại tử và sưng nề không lan rộng.
Theo các chuyên gia, thời tiết mưa nhiều là điều kiện thích hợp để rắn sinh sôi, phát triển và rất dễ bò vào nhà dân. Vì vậy, trong thời tiết này, người dân cần lưu ý dọn vệ sinh nơi ở, những nhà ở nơi ẩm thấp, nhiều cây cối cần đóng cử tránh rắn bò vào nhà.
Về việc sơ cứu khi bị rắn cắn, các bác sĩ lưu ý để tránh vết thương do rắn cắn lan rộng, nạn nhân không tự ý dùng các phương pháp như đắp lá. Cách làm này có thể gây biến chứng là hoại tử, suy hô hấp, chảy máu không cầm tại vết thương.
Bên cạnh đó, nạn nhân tuyệt đối không cố gắng hút nọc độc của rắn; Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn….
Khi bị rắn cắn, cần cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp. Biện pháp này được áp dụng với một số loại như rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường.
Chuyển mùa, nhiều trẻ dưới 1 tuổi viêm phổi nặng
Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường là một trong những nguyên nhân khiến số trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, phải nhập viện ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao trong hơn 1 tháng qua. Phòng cấp cứu của khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu tháng 9 liên tục quá tải vì số bệnh nhi bị viêm phổi phải thở máy không ngừng gia tăng.
Theo BS Nguyễn Hoàng Phong, tTưởng Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, dù phòng cấp cứu của khoa chỉ có 20 giường bệnh nhưng có những ngày có đến 30 trẻ phải cấp cứu, thở máy. Đặc biệt, số trẻ phải thở máy đa phần là bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi.
Lý giải về điều này, BS Nguyễn Hoàng Phong cho rằng, trẻ dưới 12 tháng tuổi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém hơn, do đó khi trẻ dễ sinh ra đờm nhớt và diễn tiến khó thở, suy hô hấp cũng đến nhanh hơn.
Hiện, tại khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 300 trẻ điều trị các bệnh hô hấp, trong đó có khoảng 30% là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 2, từ tháng 8 đến nay có gần 10.000 lượt trẻ đến khám ngoại trú do mắc các bệnh đường hô hấp và 4.514 trẻ phải nhập viện điều trị. Đa số trẻ phải nhập viện là do mắc các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.
Theo BS Nguyễn Hoàng Phong, thời tiết chuyển mùa là thời điểm các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, độc lực cao nên dẫn đến tình trạng nhiều trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 10, số trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp thường gia tăng.
BS Nguyễn Hoàng Phong khuyến cáo, các bệnh hô hấp do vi rút gây nên, lây lan nhanh chóng qua đường không khí. Thời tiết chuyển mùa là thời điểm trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh, nhất là đối với trẻ có sức đề kháng yếu. Do đó, phụ huynh cần có các biện pháp phòng tránh cho trẻ như giữ ấm cơ thể trẻ vào ban đêm, cho trẻ uống nước ấm, vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu ho, sổ mũi cần đưa trẻ đến các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh trường hợp để ở nhà tự điều trị, sử dụng thuốc tự mua bên ngoài dễ khiến bệnh diễn tiến nặng.
“Trẻ mắc bệnh hô hấp dễ diễn tiến nhanh thành viêm phổi và có thể có biến chứng như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi…khiến trẻ bị suy hô hấp, khó thở, nhiễm khuẩn toàn thân…rất nguy hiểm”, bác sỹ Nguyễn Hoàng Phong cảnh báo.
TPHCM: Bệnh viện tuyển dụng nhân lực không cần hộ khẩu
http://www.sggp.org.vn/tphcm-benh-vien-tuyen-dung-nhan-luc-khong-can-ho-khau-466717.html
Kể từ 1-11- 2017, các bệnh viện công lập tại TPHCM đã có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế không cần có hộ khẩu thường trú tại thành phố.
Trước đây, người tuyển dụng phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM khi ứng tuyển vào các vị trí tại các bệnh viện ở TPHCM. Việc này đã khiến cho công tác tuyển dụng nhân lực ở các bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng với Quyết định 43/2017/QĐ-UBND của UBND TPHCM về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra trước nay về tuyển công chức, viên chức trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp tại TPHCM, các bệnh viện có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế không cần có điều kiện hộ khẩu thường trú tại TPHCM.
Quyết định trên nêu ra nội dung về việc bãi bỏ văn bản, theo đó bãi bỏ Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 6 và nội dung “bản sao hộ khẩu thường trú” tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 của Quy định về tuyển dụng, chuyển công tác viên chức và xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 4 tháng 2 năm 2016 của UBND TPHCM.
Bên cạnh đó còn có nội dung bãi bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh” tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 của Quy định về tuyển dụng công chức và xếp lương khi bổ nhiệm ngạch ban hành kèm theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2012 của UBND TPHCM.
Tất cả các quyết định trên có hiệu lực từ tháng 11- 2017. Và việc bỏ yêu cầu “có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh” sẽ tạo điều kiện hơn cho các bệnh viện công lập trên địa bàn TPHCM chủ động và thu hút hơn trong việc tuyển dụng đội ngũ nhân viên y tế có năng lực, giải quyết được bài toán tuyển bác sĩ có hộ khẩu thường trú tại TPHCM.
Vụ cưa chân nghi chuyển viện chậm: Mời cơ quan chuyên môn làm rõ
Liên quan đến vụ “Bệnh viện bị tố chậm chuyển viện dẫn đến bệnh nhân bị cưa chân”, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, bệnh viện sẽ phối hợp vớ Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu mời cơ quan chuyên môn làm rõ diễn biến bệnh của bệnh nhân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Văn Dũng- Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) thị xã Giá Rai, cho biết, để làm rõ nguyên nhân dẫn đến anh Lý Thanh Trường bị cưa chân, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp cùng bệnh viện mời các cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá diễn biến tình trạng bệnh của anh Trường để có kết luận chính xác.
Theo bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của BVĐK thị xã Giá Rai chẩn đoán lúc ra viện, tình trạng bệnh của anh Trường là nhiễm trùng vết thương ở bàn chân trái, đái tháo đường túp 2. Còn theo bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của BVĐK tỉnh Bạc Liêu chẩn đoán lúc ra viện là bỏng nhiều vùng, viêm tĩnh mạch và viêm tắc tĩnh mạch nông ở chi dưới, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline.
Theo ông Dũng, khi anh Trường vào nhập viện điều trị tại BVĐK thị xã Giá Rai, ngoài theo dõi vết bỏng ở chân và trước dấu hiệu không ổn định của bệnh tiểu đường, bác sĩ cũng đã kiểm tra và điều trị tích cực tình trạng bệnh này bệnh nhân.
Ông Dũng cho biết, sau khi chuyển khỏi BVĐK thị xã Giá Rai, anh Trường còn được điều trị một thời gian ở BVĐK tỉnh Bạc Liêu (khoảng 8 ngày), tiếp đó là BVĐK Trung ương Cần Thơ (khoảng 5 ngày) rồi mới tiến hành cắt chân ngay tại BVĐK Trung ương Cần Thơ.
Theo ông Dũng, thời gian từ khi khám lần đầu và nằm điều trị ở bệnh viện Giá Rai cho đến khi anh Trường bị cắt chân ở Cần Thơ là gần một tháng, chứ không phải anh Trường bị cắt chân ngay sau khi rời khỏi bệnh viện Giá Rai.
Trong một diễn biến khác, gia đình anh Lý Thanh Trường đã có đơn yêu cầu bệnh viện bồi thường hơn 1 tỷ đồng sau khi sự việc xảy ra.
Gia đình anh Trường cho biết, trong buổi gặp thăm hỏi, chia sẻ với gia đình mới đây, lãnh đạo BVĐK thị xã Giá Rai cũng đã nhận một phần lỗi về phía bệnh viện. Gia đình anh đã hạ số tiền bồi thường xuống còn khoảng 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, phía BVĐK thị xã Giá Rai cho biết không thể bồi thường với số tiền này, mà chỉ có khả năng hỗ trợ hơn 100 triệu đồng.
Tiêm giảm béo - người vẫn béo lại mang thêm nhiều bệnh!
http://danviet.vn/gia-dinh/tiem-giam-beo-nguoi-van-beo-lai-mang-them-nhieu-benh-803259.html
http://tuoitre.vn/nguy-hiem-khi-tiem-thuoc-giam-beo-20170909104532804.htm
Sở Y tế Hà Nội vừa phát hiện Thẩm mỹ viện Rose (47 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) thực hiện dịch vụ tiêm giảm béo dù dịch vụ này không được phép thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ. Không ít khách hàng mất vài chục triệu mà béo vẫn hoàn béo.
Mất 18 triệu vẫn… béo
Bà V.T.A (65 tuổi, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, 65 tuổi) vẫn khá nặng nề sau hơn 2 tháng thực hiện tiêm giảm béo ở Thẩm mỹ viện (TMV) Rose. Bà T.A cho biết, bà nghe quảng cáo các dịch vụ làm đẹp hiệu quả ở TMV Rose nên tìm đến từ hai tháng trước. Khi đến, bà nghe nhân viên giới thiệu dịch vụ tiêm giảm béo, nếu tiêm vùng bụng thì chỉ cần tiêm 1 mũi là giảm từ 12-25cm bụng. Bà T.A nặng hơn 70kg, bụng to nên khá nặng nề, khó chịu. Nhân viên giới thiệu, nếu tiêm 1 mũi giá 3 triệu đồng, 2 mũi giá khuyến mại 5 triệu đồng nên bà đồng ý tiêm 2 mũi.
Sau khi tiêm, nhân viên lại khuyên, bà cần thực hiện “đánh mỡ bụng” để tăng hiệu quả của thuốc tiêm, giá mỗi lần đánh là 800.000 đồng, cần đánh 20 lượt mới có hiệu quả. Bà T.A đã đồng ý thực hiện, tổng cộng cả hai dịch vụ tiêm giảm béo và đánh mỡ bụng 20 lần, TMV Rose thu giá khuyến mại với bà là 17 triệu đồng.
“Tôi đã tiêm 2 mũi giảm béo. Nhân viên dùng thuốc từ xilanh bơm thẳng vào vùng bụng của tôi, sau 10 ngày tiêm thì bắt đầu đánh mỡ bụng. Tôi tiêm đủ 2 mũi và đánh bụng cũng đã gần hết liệu trình 20 lần. Tuy nhiên, gần 2 tháng rồi vòng bụng cũng chả giảm, đo kiểm tra vẫn to như cũ. Nhân viên TMV Rose vẫn cứ động viên tôi là “từ từ sẽ giảm” – bà T.A chia sẻ.
Trước đó, chiều 6.9, Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện TMV Rose quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi chuyên môn được cấp phép. Cụ thể như dịch vụ tiêm giảm béo. Ông Tô Tử Anh - Phó Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội - Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, đây là dịch vụ không được phép thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ.
Đoàn kiểm tra đã gọi điện ngẫu nhiên cho hai khách hàng theo số điện thoại lưu lại của TMV Rose thì một khách hàng đã được nhân viên tên S ở đây tiêm 2 mũi giảm béo vào vùng bụng với giá 5 triệu đồng nhưng chưa thấy hiệu quả. Tương tự, một khách hàng khác cũng thừa nhận đang thực hiện liệu trình tiêm giảm béo tại TMV này.
Ông Tử Anh khẳng định cơ sở TMV Rose đã hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép.
Bị cấm ở nhiều nước
Một bác sĩ thẩm mỹ chuyên thực hiện giảm béo cho phụ nữ chia sẻ, với kinh nghiệm thẩm mỹ của ông thì hiện chưa có thuốc tiêm giảm béo nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo bác sĩ này, lượng mỡ tích lũy trong cơ thể một thời gian dài, do đó, việc giảm cân cũng cần một thời gian điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập để tiêu hao mỡ. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý nhiều phụ nữ muốn giảm cân nhanh mà lại “không phải vận động”, nhiều trung tâm làm đẹp, TMV đã quảng cáo về các liệu pháp tiêm làm tan mỡ, với lời quảng cáo thần kỳ “chỉ cần tiêm là mỡ sẽ biến mất”.
Loại “thuốc” mà họ sử dụng ở đây có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) - một loại muối mật, dưới những cái tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.
Vị bác sĩ này cho biết, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi tiêm Lipostabil vào các mô mỡ, nó sẽ dần dần phá hủy những tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương và mỡ sẽ được đào thải ra ngoài qua đường tự nhiên như mồ hôi, tiêu, tiểu… Tuy nhiên, sau một thời gian, các bác sĩ nhận ra rằng bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh, nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc.
“Ngoài ra, các nghiên cứu này chỉ ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ còn giải giải phóng ra triglyceride chất béo ở dạng nhũ tương. Tuy nhiên, cơ chế đào thải của cơ thể sẽ khiến một số lượng lớn triglyceride ứ đọng, dẫn đến các hiện tượng như u mỡ tại chỗ, viêm mô tế bào, sẹo vĩnh viễn, đau nhức, thậm chí hoại tử da, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ” – bác sĩ này phân tích thêm.
Đại tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ - nguyên Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Giám đốc Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu thẩm mỹ Hoàng Tuấn cho hay, việc tiêm các thuốc giảm béo này có nhiều nguy cơ. “Thông thường, khi mỡ phân giải một phần sẽ đào thải qua đường tự nhiên, tuy nhiên, một phần mỡ sẽ “chạy thẳng” vào máu. Do đó, sẽ làm tăng nguy cơ mỡ trong máu, mỡ trong gan. Như vậy, có thể người tiêm thuốc giảm béo có thể sẽ tạm thời giảm béo nhưng có thể gặp nguy cơ sức khỏe về lâu dài.
Bệnh nhân người nước ngoài chây ỳ bám bệnh viện
http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-nhan-nguoi-nuoc-ngoai-chay-y-bam-benh-vien-20170909060531415.htm
Vào bệnh viện điều trị không trả tiền, ở bệnh viện đòi ăn món ngon, đến khi hết bệnh cũng không chịu về.
Ngoài công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM đang rất đau đầu với những trường hợp bệnh nhân người nước ngoài liên tục vào BV gây khó khăn, điều trị không trả tiền, bất hợp tác với điều dưỡng.
Đòi ăn đồ Tây, uống sữa!
Theo quy định, ngoại trừ các BV được cấp phép khám chữa bệnh cho người nước ngoài như Chợ Rẫy, Thống Nhất tại TP.HCM và các BV tư, các BV còn lại chỉ tiếp nhận bệnh nhân người nước ngoài trong các trường hợp cấp cứu.
Từ thực tế này, hiện nay các bệnh nhân người nước ngoài khi có bệnh, tai nạn hay cần điều trị đều tập trung vào BV Chợ Rẫy TP.HCM, gây không ít khó khăn cho các bác sĩ. Nhiều trường hợp bệnh nhân người nước ngoài đến cấp cứu, người thân đến yêu cầu, đòi hỏi bác sĩ, hạch sách đủ điều; không thỏa mãn họ lại gây rối, chửi bới. Còn nhiều trường hợp người bệnh vào BV một mình, không người thân thiết, vào BV điều trị cả tháng trời không trả viện phí, tử vong BV cũng phải bỏ tiền hỏa táng này nọ…
BS Trần Tuấn Khương, khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, cho biết lãnh đạo BV đang không biết làm cách nào với bệnh nhân Michaels (sinh năm 1948, quốc tịch Đức) kiên quyết ở BV, không chịu xuất viện dù đã được chữa hết bệnh.
Bệnh nhân này vào BV lần đầu từ ngày 11 đến 16/5 vì tắc động mạch đùi, sưng phù nề hai bên chân, bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái và cho bệnh nhân xuất viện. Sau đó bệnh nhân này tiếp tục vào điều trị thêm hai lần nữa. Sau khi kiểm tra, nhận thấy tình trạng bệnh nhân ổn, BV cho về nhưng bệnh nhân không về. Xin địa chỉ khách sạn, chỗ ở, thuê taxi đưa về nhưng rồi bệnh nhân vẫn tiếp tục quay lại.
“Những lần sau này BV thuê taxi, cho tiền đưa về nhưng khách sạn cũng không nhận nữa vì người này đã hết tiền. Đến lần này là lần thứ bảy, bệnh nhân nhập viện nhưng không trả tiền viện phí. Thậm chí người này còn gây khó khăn, chỉ thích ăn đồ Tây, ăn bơ, bò bít tết, uống sữa. Ông này nằm BV rất sang, có iPad, dùng WiFi chơi như nghỉ dưỡng, thế nhưng BV chúng tôi không có cách nào giải quyết vì không thể đuổi bệnh nhân của mình ra đường và bây giờ người này vẫn nằm ở khoa Cấp cứu trong khi tình trạng quá tải rất nhiều” - BS Khương nói.
Trường hợp ông Michaels không phải là cá biệt, hiện BV Chợ Rẫy vẫn đang điều trị cho ông Samwen, sinh năm 1948, quốc tịch Mỹ. Người này nhập viện vì người dân thấy gục bên đường, vào BV không giấy tờ tùy thân, chỉ có duy nhất quyển passport trong người, không thân nhân và không tiền bạc.
“Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị sỏi túi mật, tổn thương ruột non. Một thân một mình ở BV nhưng lại rất bất hợp tác, muốn chăm sóc cho người này phải mất 3-4 điều dưỡng. Cho uống thuốc, truyền dịch đã khó khăn, điều dưỡng còn phải làm nhiệm vụ thay tã, vệ sinh cá nhân cho những người này” - điều dưỡng Nguyễn Phương Đài, khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, nói.
Quỵt hơn 800 triệu đồng viện phí
Theo BS Nguyễn Hữu Long, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, BV đang gặp khó khăn là tất cả bệnh nhân người nước ngoài từ Khánh Hòa đến Cà Mau khi có bệnh đều chuyển vào BV Chợ Rẫy, đều trong tình trạng cấp cứu hoặc ở tuyến cuối. Họ đều cần mổ, hỗ trợ cấp cứu, thời gian hậu phẫu và điều trị kéo dài nhưng nhiều bệnh nhân trong số đó lại không có tiền hoặc đòi hỏi rất khó khăn.
Đặc biệt, một số bệnh nhân người nước ngoài đến BV điều trị xong ra về hoặc tử vong đều không trả lại tiền cho BV, có người tử vong BV còn phải bỏ tiền ra lo đám tang cho họ. Liên hệ với lãnh sự quán nước ngoài hay Sở Ngoại vụ năm lần bảy lượt đều không nhận được sự hỗ trợ.
“Khi thì lãnh sự quán trả lời nếu muốn họ hỗ trợ, bệnh nhân đó phải trình bày với lãnh sự quán nhưng người bệnh lại nói mình không cần, cứ chây ì ở BV. Có khi họ trả lời rằng nếu thấy khó khăn cứ đuổi bệnh nhân ra ngoài, thế nhưng bác sĩ chúng tôi không có quyền làm như vậy” - BS Long nói.
“Chỉ trong một tuần, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu ba trường hợp người nước ngoài. Người quốc tịch Nga thì hôn mê gan chết, liên hệ mãi mới có người thân chịu nhận xác đem về. Một người quốc tịch Mỹ điều trị không trả tiền, đến lúc chết không ai nhận xác, BV phải lo an táng rồi gửi vào chùa. Còn một người đã khỏe mạnh nhưng nằm mãi không chịu ra viện. Đến giờ, số tiền bệnh nhân người nước ngoài nợ BV đã lên đến hơn 800 triệu đồng” - BS Long nói thêm.
Chồng muốn có con trai, vợ dễ bị trầm cảm, bạo hành
http://anninhthudo.vn/doi-song/chong-muon-co-con-trai-vo-de-bi-tram-cam-bao-hanh/740746.antd
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế cho biết, dù pháp luật về dân số nghiêm cấm hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, khoảng 82-85% phụ nữ mang thai vẫn biết giới tính thai nhi trước khi sinh.
Ngày 8-9, Tổng cục DS-KHHGĐ đã thông báo kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng biết trước giới tính thai nhi ở nước ta ngày càng phổ biến và rất đáng báo động. Dù pháp luật về dân số nghiêm cấm hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, song dường như không mấy cặp vợ chồng để ý đến các quy định này.
Cách đây khoảng 10 năm (vào năm 2006), số phụ nữ ở nước ta biết trước giới tính thai nhi là 63,8% thì ở khảo sát mới đây, con số này đã tăng lên 83%, riêng ở khu vực thành thị là trên 85% và thực tế có thể còn cao hơn nữa.
Nguy cơ tăng tỷ lệ nạo phá thai
Với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật trong ngành y tế, việc siêu âm, xét nghiệm để biết trước giới tính thai nhi ngày càng trở nên dễ dàng hơn, sớm hơn. Dù chưa có số liệu cụ thể song các chuyên gia về dân số cũng thừa nhận, chính từ việc biết trước giới tính thai nhi, không ít cha mẹ đã quyết định bỏ thai là bé gái để chờ cơ hội sinh bé trai (đặc biệt là các trường hợp đã sinh con đầu là gái).
Không chỉ gây hậu quả về tinh thần, trầm cảm, hay ảnh hưởng sức khỏe mà trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo hành gia đình hay áp lực phải sinh bằng được con trai có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con…
Chính vì tâm lý phải có con trai đã khiến nhiều sinh linh vô tội không có cơ hội được cất tiếng khóc chào đời. Bác sĩ Mai Xuân Phương - Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai chẳng những là hành động đáng lên án mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai phụ. Trong tương lai gần, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến “thừa nam, thiếu nữ” trầm trọng, ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ dư gần 4 triệu nam giới.
Để ngăn chặn tình trạng này, hàng năm, Tổng cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế các địa phương đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra song hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Chẳng hạn, tại Hà Nội - địa phương có tỷ số giới tính luôn duy trì ở mức 114 trẻ trai mới có 100 trẻ gái trong vài năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi liên tục được tăng cường song cả năm cũng chỉ xử lý được 2-3 cơ sở vi phạm.
Áp lực sinh con trai còn rất nặng nề
Cũng liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho biết, áp lực phải sinh con trai chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Cụ thể, trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm, nhưng trong trường hợp gia đình đã có con gái thì người vợ có nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai lần 2 cao gần gấp đôi so với bình thường.
Đặc biệt, một số nghiên cứu về bạo hành gia đình cũng cho thấy, phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai. Không chỉ gây hậu quả về tinh thần, trầm cảm, hay ảnh hưởng sức khỏe mà trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo hành gia đình hay áp lực phải sinh bằng được con trai có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con…
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ thừa nhận, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức hàng đầu của công tác DS-KHHGĐ ở nước ta hiện nay. Tính trên cả nước, tổng số trẻ em sinh ra 6 tháng đầu năm 2017 là 484.946 trẻ, tăng 7.167 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số trẻ nam sinh ra là 257.727 trẻ, tăng 3.809 trẻ; số trẻ nữ sinh ra là 227.219 trẻ, tăng 3.358 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh tại thời điểm tháng 6-2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
Sốc: Bệnh đái tháo đường 'tấn công' cả trẻ sơ sinh
http://vietq.vn/benh-dai-thao-duong-tan-cong-ca-tre-so-sinh-cha-me-can-luu-y-d128912.html
Theo các chuyên gia, bệnh đái tháo đường ở trẻ đang có dấu hiệu gia tăng, một phần do ăn uống cũng như lối sống thiếu lành mạnh.
Theo tờ Hà Nội Mới, tiểu đường (đái tháo đường) ở trẻ em còn gọi là tiểu đường tuyp 1, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin. Insulin là loại hormone (hoóc-môn) cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng. Ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, lượng đường huyết tăng nhưng cơ thể không sử dụng được do thiếu hụt insulin.
Tiểu đường tuýp 1: tiểu đường phụ thuộc insulin, là loại tiểu đường chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1 cần điều trị bằng insuline thì mới có cơ hội sống.
Tiểu đường tuýp 2: thường gặp ở người lớn tuổi hơn (trên 40 tuổi) và thường gắn liền với tình trạng thừa cân. Những người này có khả năng sản xuất insulin nhưng insulin hoạt động không hiệu quả. Chế độ ăn và tập luyện có thể cải thiện đường huyết.
Theo vov.vn, các chuyên gia y tế cho hay, những năm gần đây trên thế giới, số lượng trẻ mắc tiểu đường đang có chiều hướng gia tăng khi sau 30 năm, con số mắc tiểu đường ở trẻ tăng gấp 3 lần. Và ở nước ta, số lượng trẻ mắc bệnh này cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.
Đái tháo đường thường gặp ở người lớn, một phần do tính chất di truyền, rối loạn tổng hợp insulin và liên quan đến yếu tố ăn uống, lười vận động, phải điều trị bằng thuốc và kết hợp điều chỉnh chế độ ăn, giảm cân. Tuy nhiên, đa phần trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta thường gắn liền với chứng thừa cân, béo phì, lối sống thiếu lành mạnh và thói quen ăn uống không điều độ.
Trước đây đái tháo đường thường xuất hiện ở độ tuổi sau 40. Nhưng hiện nay, bệnh này được phát hiện ở trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ sơ sinh.
Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, BV Nhi TW, hiện nay tỷ lệ mắc tiểu đường ngày càng tăng và biểu hiện tăng thấy rất rõ ở tuổi trưởng thành.
Trẻ em chủ yếu mắc tiểu đường tuýp 1, còn một tỷ lệ nhỏ là tiểu đường tuýp 2. Từ năm 2013 tới nay, con số tiểu đường tuýp 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì các cháu mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh tiểu đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi).
Dấu hiệu trẻ bị bệnh tiểu đường
Bác sĩ Vũ Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, với tiểu đường sơ sinh rất khó phát hiện triệu chứng, bởi các triệu chứng tiểu đường cổ điển như khát nước, tiểu nhiều thì thường không biểu hiện ở nhóm trẻ này.
Thông thường, khi thấy đứa bé tiểu tràn ra cả tã mới nghi ngờ. Ở trẻ lớn hơn, thấy tiểu nhiều, khát nước, tiểu dầm, sụt cân, hoặc đứa trẻ có biểu hiện như nôn, đau bụng, kèm thêm những bệnh thông thường và có thể có sốt… Hoặc trong quá trình chăm sóc trẻ, có thể phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, cha mẹ cần đưa con đến các chuyên gia y tế để khám và điều trị sớm.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra với người lớn tuổi và vẫn cho phép người bệnh sản sinh insulin, nhưng với một lượng rất nhỏ, không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì thế, bệnh nhân thường phải mất nhiều năm mới phát hiện ra bệnh.
Đối với trẻ nhỏ bị tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện những mảng đen trên da - là kết quả quá trình phản ứng của cơ thể với sự thiếu hụt insulin. Đây là một biến chứng do sự béo phì, sự kháng cự của cơ thể khi thiếu insulin, lượng cholesterol cao tạo nên. Ở những bé gái, bệnh thường kéo theo rối loạn hormone, nổi mụn trứng cá và u nang buồng trứng khi trưởng thành. Khi mắc bệnh, nguy cơ bị rút ngắn tuổi thọ ở các em rất cao, cho dù có hạn chế bằng cách dùng thuốc, giảm cân hay luyện tập.
Điều kỳ diệu của những ca mổ tim không phải cưa xương ức, mở lồng ngực
Nghe đến chữ ‘phẫu thuật tim’, nhiều người e ngại vì đó là ‘cuộc đại phẫu’. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ca mổ tim trong nước, không cần phải cưa, chẻ xương ức, mở ngực; chỉ nội soi với vết mổ nhỏ và hai ngày bình phục.
Vượt qua nỗi ám ảnh mổ tim
“Khi nghe đến hai từ phẫu thuật, tui sợ lắm. Trái tim của con người là cái quý giá nhất, phẫu thuật lỡ có gì là chết luôn nên tui không dám”, bà Lê Thị Hồng (67 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) chia sẻ.
Trước khi nhập viện một năm, bà bỗng dưng cảm thấy khó thở, tức ngực, ho nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị hở 3/4 van tim ba lá và được cho toa mua thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng khó thở của bà ngày càng trầm trọng, nhiều đêm không nằm được, phải ngồi thở dốc. Vì vậy, bà đã được chỉ định phẫu thuật tim.
Nghe đến chữ “phẫu thuật tim” bà chỉ muốn quay về. Được các bác sĩ đã giải thích cần phẫu thuật và hiện giờ mổ tim có thể mổ nội soi, chứ không phải cuộc “đại phẫu” cưa, cắt mở xương ức nữa, bà Hồng mới chịu lên bàn mổ.
Ca phẫu thuật diễn ra nhẹ nhàng, thành công. Chỉ hai ngày sau khi mổ tim, bà đã được xuất viện. Sau một tháng phẫu thuật bệnh nhân cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt, ăn uống và đi lại bình thường. Đó là điều trước kia bà không nghĩ tới.
Vài ngày sau, bà xuất viện với nụ cười tươi, cùng câu nói ấm lòng các y bác sĩ: “Nói thật, nếu không thực hiện phẫu thuật nội soi mà phải phẫu thuật hở thì tui không dám mổ vì tui đã lớn tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo nữa. Chân thành cảm ơn ê kíp bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Phẫu thuật tim mạch đã cứu sống tôi, còn người là còn tất cả”.
Qua thăm khám trong thai kỳ, các bác sĩ phát hiện em bé có dị tật tim và không thể chờ được phẫu thuật sau khi ra đời. Một ca mổ tim cho thai nhi đã được thực hiện ngay trong bụng mẹ.
Bệnh nhân N.V.T. (49 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị “lỗi” van động mạch chủ và bệnh van hai lá nặng hậu thấp. Anh được bác sĩ theo dõi và điều trị thuốc. Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh khó thở khi gắng sức, công việc bị ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật tim cho bệnh nhân.
Anh T. chia sẻ về quá trình điều trị bệnh của mình: “Khi đó, bác sĩ tư vấn là phẫu thuật tim nội soi điều trị bệnh van hai lá đã được thực hiện an toàn tại Bệnh viện ĐH Y Dược. Tuy nhiên phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý van hai lá kèm với van động mạch chủ (hai van) như bệnh tình của tôi thực hiện khó hơn, khả năng phải chuyển mổ hở cao hơn. Sau suy nghĩ kỹ, tôi vẫn quyết tâm được thử cơ hội mổ nội soi, chấp nhận khả năng phải chuyển mổ hở khi gặp khó khăn, tức sẽ mang trên mình hai sẹo mổ”.
Thế nhưng, kết quả, ca mổ nội soi đã diễn ra thành công. Người bệnh hồi phục tốt sau mổ, xuất viện với một vết sẹo mổ nhỏ ở ngực bên phải.
Anh T. được ghi nhận là người đầu tiên tại Việt Nam được mổ nội soi thay hai van.
Mổ tim không còn cần cưa, chẻ xương ức
"Mổ tim hở phải cưa hết xương ức của bệnh nhân làm đôi để mở lồng ngực. Với kỹ thuật mổ tim nội soi thì chỉ cần mổ một đường bên, không phải cưa đôi hết xương ức của bệnh nhân", Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thọ Tuấn Anh, Cố vấn Ban giám đốc, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, việc cưa, chẻ xương ức để mở ngực bệnh nhân, có ưu điểm dễ dàng bộc lộ tim, tiếp cận đến các cấu trúc bên trong như van tim, các thành tim để sửa chữa những khiếm khuyết, bệnh lý mà người bệnh mắc phải. Tuy nhiên, đường mở ngực giữa xương ức có nhược điểm là vết mổ lớn, đau nhiều, mất máu nhiều hơn, biến chứng cao hơn. Đặc biệt, mổ mở có biến chứng quan trọng là nhiễm trùng xương ức. Vì vậy, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy của bệnh nhân. Thời gian phục hồi lâu. Từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ chưa cao.
Kỹ thuật mới bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C có thể giúp chi phí để thực hiện một ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân được kéo giảm xuống hơn 1/2.
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược, Giám đốc Trung tâm tim mạch, trong khoảng hai thập niên trở lại đây, nhờ những thành quả của khoa học, phẫu thuật tim nội soi đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số lượng trung tâm áp dụng kĩ thuật này cũng như tỉ lệ người bệnh được mổ nội soi so với mổ hở không ngừng tăng cao, trong đó có Việt Nam.
Theo ghi nhận của Bệnh viện ĐH Y Dược, kỹ thuật mổ nội soi và ít xâm lấn tim mạch đã được ứng dụng tại bệnh viện này với 200 trường hợp phẫu thuật thành công, tỉ lệ tử vong rất thấp (dưới 1%), tỉ lệ tai biến và biến chứng thấp (dưới 5%).
Hiện kỹ thuật mổ tim nội soi đang được Bệnh viện ĐH Y Dược đào tạo, chuyển giao cho các bệnh viện khác.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện ĐH Y Dược, cho biết: Hiện phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch mà phẫu thuật tim hở thực hiện được. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim (van hai lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành…“Phẫu thuật tim nội soi giúp giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, giảm thời gian nằm viện. Vì vậy, ca mổ với bệnh nhân nhẹ nhàng hơn. Người bệnh cũng nhanh chóng trở về với cuộc sống và sinh hoạt thường ngày sau phẫu thuật. Đồng thời, vết mổ có tính thẩm mỹ cao”, bác sĩ Định đánh giá.
Bệnh tim mạch tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Qua tài liệu khảo sát nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, năm 2009 tỷ lệ là 25,4% và đến năm 2016 thì đang ở con số báo động là 46%.
Các bác sĩ đánh giá nguyên nhân có thể do sự tăng nhanh của các bệnh lý chuyển hoá (rối loạn lipid máu, đái tháo đường); các thói quen xấu (hút thuốc lá, ít vận động và tập thể dục) và ý thức điều trị lâu dài chưa cao (đặc biệt trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường).
Bác sĩ Định khuyến cáo nhằm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, người dân nên ngưng thuốc lá; không uống rượu, bia và chất có cồn; giảm ăn béo, ăn ngọt; có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý, lâu dài. Đặc biệt, bệnh nhân tim mạch cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn nhằm khống chế tốt huyết áp và đường huyết, tránh các biến chứng tim mạch nguy hiểm của các bệnh lý này.
Bệnh viện Quân y 175 phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân bị vết thương thủng tim
Ngày 9-9, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) thông tin, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhân bị vết thương thủng tim trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân là tên Luân (sinh năm 1998, ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), nhập viện lúc 1 giờ 23 phút ngày 6-9 trong tình trạng lơ mơ, tím tái, mạch bằng 0, huyết áp không đo được, nghe tiếng tim mờ khoảng 150 lần/phút, vết thương ngay cạnh mũi ức trái kích thước 2cm đang chảy máu. Qua siêu âm, hội chẩn, các bác sĩ nhận định có dịch máu màng ngoài tim, vết thương thủng thất phải kích thước 1,5 x 0,5cm, đang chảy máy, trong khoang màng tim có khoảng 500ml máu đông và không đông gây chèn ép tim cấp, nguy cơ tử vong cao.
Ngay lập tức, kíp trực kích hoạt quy trình báo động đỏ cho các khoa, phòng của bệnh viện như: Kíp phẫu thuật cấp cứu tim, kíp gây mê hồi sức, tiếp huyết… bệnh nhân được chuyển thẳng từ phòng cấp cứu vào phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu, mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp 80/40mmHg.
Sau 17 phút tính từ khi nhập viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật mở ngực để xử trí vết thương tim. Đặc biệt, thời gian vàng tính từ lúc mở ngực và khâu xong vết thương tim chỉ mất 2 phút đã quyết định đến tính mạng của bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang trong giai đoạn điều trị phục hồi.
Trong những năm qua, Bệnh viện Quân y 175 đã phẫu thuật thay van tim cho hơn 400 bệnh nhân bệnh lý van tim, bệnh mạch vành và cấp cứu thành công cho rất nhiều bệnh nhân vết thương tim trên địa bàn thành phố. Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Cù Xuân Thanh, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Luân là một điển hình minh chứng quy trình tổ chức, trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ của bệnh viện trong xử lý tối khẩn cấp về tim. Người dân khi phát hiện những nạn nhân có vết thương ở vùng ngực, nhất là ngực trái, tình trạng khó thở, cần nhanh chóng đưa người bị nạn vào bệnh viện để được can thiệp y tế kịp thời”.
Bác sĩ Huế hội chẩn với chuyên gia Paris để xạ trị cho bệnh nhi
Đó là cách mà các y, bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế đang áp dụng để thực hiện thành công các ca xạ trị cho bệnh nhi mắc bệnh ung thư.
Ngày 9.9, các y, bác sĩ thuộc Khoa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu và Khoa Gây mê hồi sức B của Bệnh viện T.Ư Huế đã phối hợp ứng dụng thành công trong ca xạ trị (lần xạ thứ 28) để tiêu diệt khối u ở vai cho một bệnh nhi 2 tuổi rưỡi mắc bệnh ung thư.
Trước đó, để chuẩn bị cho ca xạ trị, bác sĩ (BS) Phan Cảnh Duy, Phó khoa Xạ trị (Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện T.Ư Huế) đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các trung tâm lớn về điều trị ung thư nhi như Bệnh viện ung thư nhi St. Jude (Mỹ), Viện ung thư Curie tại Paris (Pháp), và Singapore… bằng cách gửi hình ảnh các khối u sau khi định vị và kế hoạch xạ trị tại Huế cho các chuyên gia. Trên cơ sở thảo luận qua messenger, các chuyên gia sẽ góp ý, tư vấn để các y, bác sĩ tại Huế thực hiện xạ trị chính xác, hiệu quả cho các bệnh nhi.
PGS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết một trong những lý do quan trọng quyết định thành công đó là phương thức làm việc Team work (làm việc theo nhóm, phối hợp nhịp nhàng giữa kíp xạ trị và gây mê, được chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc và các khoa phòng liên quan.
Một chiến sĩ PCCC trong vụ sập nhà Bình Tân bị gãy cột sống
Sau khi được Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, hiện sức khỏe hai chiến sĩ PCCC trong vụ sập nhà quận Bình Tân đã qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên một người bị gãy cột sống, nghi tổn thương tủy.
Ngày 9-9, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay tình hình sức khỏe hiện tại của hai bệnh nhân Bùi Văn Dũng (20 tuổi) và Phan Tấn Quốc (24 tuổi) khá ổn định, tiếp xúc bình thường, tiên lượng khá; tuy nhiên cần theo dõi lâu dài các chấn thương bên ngoài. Trước đó, vào lúc 3 giờ sáng ngày 8-9, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu cả hai anh trong tình trạng bị thương do nhà sập trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy ở quận Bình Tân.
Theo BS Lê Phước Đại, Khoa Cấp cứu, anh Dũng bị một vết thương gối phần mềm cẳng chân bên phải, xây xát nhiều nơi, đã được cấp cứu tại chỗ, mổ cắt lọc vết thương, hiện đang nằm trong phòng hồi sức.
Riêng anh Quốc thì bị nặng hơn với các chấn thương cột sống cổ, chấn thương thắt lưng. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Ngoại thần kinh tiếp tục theo dõi chấn thương cổ, cột sống bị gãy. Qua hình ảnh chụp phim, bệnh nhân được theo dõi sát do có nghi ngờ tổn thương tủy.
Giành lại sự sống cho hai mẹ con thai phụ 35 tuần bị hôn mê sâu
http://khoe365.net.vn/gianh-lai-su-song-cho-hai-me-con-thai-phu-35-tuan-bi-hon-me-sau-p42952.html
Ngày 8/9, BV Trung ương Huế cho biết, Khoa Hồi sức Tích cực phối hợp với Khoa Gây mê Hồi sức và Khoa Sản đã cứu sống một thai phụ bị hôn mê sâu khi đang mang thai 35 tuần tuổi.
Ngày 29/8, thai phụ Nguyễn Thị Mai (41 tuổi, trú tại Đức Xá, Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được chuyển từ bệnh viện Đa khoa Quảng Trị lên bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bị hôn mê sâu do rối loạn hạ đường huyết kéo dài vì suy tuyến giáp khi mang thai lần 3.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê sâu glasgore 3 điểm, mạch yếu, huyết áp thấp, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, các bác sĩ khoa Hồi sức Tích cực đã cho bệnh nhân dùng thuốc vận mạch dopamin và đặt nội quản thở máy và hồi sức tích cực.
Sáng 30/8, các bác tiến hành hội chẩn liên khoa giữa khoa Hồi sức Tích cực, khoa Sản, khoa Gây mê Hồi sức và quyết định mổ lấy thai cho bệnh nhân. Một bé gái được chào đời khỏe mạnh.
Ngày 4/9, sản phụ Mai được ngưng thuốc vận mạch, ngày 6/9 được rút nội quản. Đến ngày 7/9 bệnh nhân tỉnh táo, glasgore 15 điểm.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là ca đầu tiên chúng tôi gặp phải và các y bác sĩ đã cố gắng xử lý tình huống nhanh nhất. Kết quả thành công, bệnh viện đã cứu được cả 2 mẹ con. Hiện sức khỏe của 2 mẹ con sản phụ mai đã ổn định và đang được tiếp tục chăm sóc.
Ca bệnh lạ van tim bị vôi hóa
http://nld.com.vn/suc-khoe/ca-benh-la-van-tim-bi-voi-hoa-20170909131221075.htm
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa phát hiện và thay van tim nhân tạo cho một trường hợp bệnh lạ là van tim bị vôi hóa.
Ngày 9-9, Bệnh Viện Đa khoa Xuyên Á cho biết vừa phẫu thuật tim thay van hai lá và sửa van 3 lá cho bệnh nhân H.N.M. (48 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) bị bệnh lạ vôi hóa van tim. Trước đó, bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau ngực, khó thở, suy tim và đã điều trị nội khoa trong thời gian dài nhưng bệnh trạng không cải thiện.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tổn thương hẹp khít van hai lá xơ - vôi hoá, hở van ba lá nặng, tăng áp lực động mạch phổi nặng. Cho duy trì tuần hoàn ngoài cơ thể, các bác sĩ đã tiến hành thay van hai lá nhân tạo, đồng thời sửa chữa van ba lá bị hở nặng cho bệnh nhân.
Sau mổ bệnh nhân được theo dõi tích cực tại phòng hồi sức sau mổ tim với các thông số huyết động hoàn toàn ổn định, chức năng tim tốt, van tim nhân tạo hoạt động tốt sau mổ. Hiện sức khỏe ông M. phục hồi tốt và có thể trở lại với mọi sinh hoạt thường ngày sau vài ngày tới.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, van tim khi bị hẹp hoặc hở khiến máu đi qua van tim khó khăn sẽ gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy tim, loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
"Người dân nên khám sức khỏe định kỳ hoặc khi thấy có các triệu chứng như: có khối ở vùng bụng đập theo nhịp mạch; khi đang theo dõi phình động mạch chủ bụng mà có triệu chứng đau bụng nhiều; đau bụng xuất hiện đột ngột… thì nên đến bệnh viện để được phát hiện và điều trị kịp thời" - một chuyên gia lưu ý.
Bị xe nâng cán qua chân, người công nhân 3 lần lên bàn mổ
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân TP HCM vừa nhiều lần phẫu thuật để cứu bàn chân cho một công nhân bị tai nạn lao động thương tâm.
Sáng 9-9, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho biết nơi đây vừa thực hiện 3 lần phẫu thuật để cứu bàn chân cho một công nhân bị tai nạn lao động thương tâm. Bệnh nhân là ông L.H. (48 tuổi, ngụ TP HCM). Trước đó, ông H. nhập viện cấp cứu trong tình trạng vùng cổ chân phải dập nát, lộ hết xương vỡ, gân xương ra ngoài, đứt động mạch dẫn máu nuôi bàn chân. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc các mô cơ dập nát, lấy bỏ các mảnh xương vỡ vụn, nối ghép lại động mạch chày trước xuống động mạch mu chân, đặt khung cố định… cứu bàn chân cho bệnh nhân.
Theo BS Nguyễn Cao Viễn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115, đây là một trường hợp khó và phẫu thuật phức tạp do bị tổn thương quá nặng. Để giữ được bàn chân, anh công nhân này phải 3 lần lên bàn mổ vào các thời điểm khác nhau: Đợt 1 là cấp cứu cắt lọc, nối mạch máu nuôi chân; đợt 2 cắt bỏ toàn bộ phần da bị hoại tử và lần lên bàn mổ thứ 3 là lấy da cơ ở vùng lưng tự thân để che phủ gót và cổ chân, đồng thời nối ghép lại động mạch chày bị tắc do hoại tử da gây ra. "Hiện bàn chân dập nát của ông H. đã hồng hào và cử động nhẹ, vài tuần sau ông có thể đi đứng bình thường", BS Viễn thông tin.
Ông H. là công nhân của một công ty trên địa bàn quận 10, trong lúc làm việc đã bất cẩn để xe nâng hàng cán qua bàn chân.
Cụ bà nuốt chửng răng giả trong khi uống thuốc
http://dantri.com.vn/suc-khoe/cu-ba-nuot-chung-rang-gia-trong-khi-uong-thuoc-20170909040215863.htm
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa tiếp nhận, nội soi lấy dị vật là răng giả của chính 2 bệnh nhân tự nuốt vào.
Trước đó, ngày 5/9/2017, một cụ bà 71 tuổi ở Vũng Liêm, Vĩnh Long được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau nhiều ở cổ họng.
Tại đây người nhà cho biết, sáng sớm hôm đó, cụ bà dậy sớm và uống thuốc, vì thói quen ngửa cổ khi uống thuốc nên chiếc răng giả rơi vào hầu họng.
Sau khi nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân được thăm khám, có chỉ định phải nội soi thực quản – dạ dày để lấy dị vật. Sau 15 phút nội soi, bác sĩ đã lấy dị vật là một răng giả kích thước khoảng 0.5x2.5cm, một đầu có mấu sắt.
Trường hợp tương tự, một bệnh nhân tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ sau khi ăn phát hiện chiếc răng giả đã bị nuốt cùng với thức ăn. Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện khám. tại bệnh viện, bác sĩ nội soi lấy dị vật là một răng giả kích thước 1.5x3cm.
Hiện hai bệnh nhân sức khỏe đã ổn định, hẹn tái khám sau một tuần.
Bác sĩ Nguyễn Anh Kiệt, khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết, dị vật đường tiêu hóa thường gặp nhất là xương cá, răng giả, vỏ bao phim của vỉ thuốc, tăm,…
Bác sĩ Kiệt khuyến cáo người dân cần thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày để tránh trường hợp hóc dị vật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đường tiêu hóa và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.
Lội rừng hái thảo dược quý hiếm ngăn chặn biến chứng tiểu đường "không tái phát"
Hơn 50 năm lội rừng hái thảo dược trên núi Tản Viên chữa bệnh, lương y Triệu Thị Chính đã sáng tạo ra bài thuốc nổi tiếng chữa bệnh tiểu đường. Bài thuốc này đã thành độc quyền của gia tộc.
Những bệnh nhân khỏi bệnh nói gì
Trong tuần qua, chúng tôi nhận được lá thứ đầy niềm vui của chị Đặng Xuân Linh (ở Do Linh, Quảng Trị) cho biết, “Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, bị tiểu đường đã 7 năm nay, đường huyết khi đói thường khoảng 12-13mmol/l, thời gian trước mẹ tôi tiêm insuline ngày 3 lần, mỗi lần 5UI. Tuy vậy, sức khỏe của mẹ tôi ngày càng suy giảm, thường xuyên đau nhức khắp cơ thể, mệt mỏi kéo dài. Nhiều đêm ngủ chỉ cựa mình là tiểu ra quần mà không hay biết”.
Chị Linh thở dài rồi đưa các kết quả khám bệnh của mẹ chị cho chúng tôi xem, nói tiếp, “Tôi được một người bạn làm cùng cơ quan cũng bị tiểu đường, đang dùng thuốc của lương y Chính cho số điện thoại. Chị ấy uống được 3 tháng thấy đường huyết đã trở về mức 6-7mmol/l. Mong sao mẹ tôi cũng hợp thầy, hợp thuốc mà chóng khỏe lại”.
Cùng tâm trạng với chị Linh, anh Phạm Hải Chung (Thái Thụy, Thái Bình) cũng từng gọi điện cắt thuốc điều trị bệnh tiểu đường cho vợ. Anh tâm sự, “Vợ tôi là giáo viên tiểu học, cách đây hơn một năm vợ tôi phát hiện bị tiểu đường trong một lần kiểm tra sức khỏe. Vốn cơ thể yếu ớt nên mỗi lần đến bệnh viện cô ấy đều rất sợ. May sao trong một lần đi công tác tôi gặp được người bạn giới thiệu đến lương y chính, từ đó đều đặn cứ 1 tháng một lần tôi gọi điện lấy thuốc cho vợ. Đến nay cô ấy đã gần như khỏi bệnh ”.
Còn rất nhiều người gọi điện, viết thư cho lương y Chính thông báo bệnh tiểu đường đã giảm, hoặc khỏi một cách bất ngờ và kỳ diệu.
Lương y Chính cho biết, hơn nửa đời hoạt động trong lĩnh vực thuốc Nam, căn bệnh bà quan tâm nhất chính là tiểu đường. “Bởi đây là căn bệnh nan y rất khó chữa trị dứt điểm và ngày càng có xu hướng gia tăng ở nước ta. Hiện nay, số lượng người mắc phải căn bệnh này không hề nhỏ nhưng lại khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Nếu để lâu ngày không có phương pháp điều trị hợp lý, nó sẽ biến chứng theo chiều hướng rất nguy hiểm. Tây y đã có những loại thuốc điều trị đạt hiệu quả cao. Nhưng bệnh nhân điều trị bằng Tây y thường phải uống thuốc thường xuyên, khi dừng uống lượng đường sẽ tăng trở lại. Điều trị bằng Đông y có hạn chế là không cho kết quả tức thì nhưng các vị thuốc hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên nên tuyệt đối an toàn”.
Lương y Chính kể lại, những ngày đầu mới hành nghề, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường tìm đến bà nhờ bốc thuốc. Tuy nhiên bài thuốc trị chứng tiêu khát của gia đình bà lúc đó khá sơ sài, chưa được chú trọng bằng các căn bệnh khác. Với trăn trở về một căn bệnh “thời đại”, bà đã chuyên tâm dành thời gian nghiên cứu và cho ra đời bài thuốc trị tiểu đường. Bài thuốc này được nữ lương y vận dụng các kiến thức y khoa hiện đại, kinh nghiệm thực tiễn để phát triển từ “vốn” của ông cha để lại. “Người bệnh sau khi dùng bài thuốc này nếu có chế độ ăn uống, có thể an tâm về việc “làm yên” tiểu đường. Bệnh nhân của tôi chưa thấy có trường hợp nào tăng đường trở lại. Đây là bài thuốc được tôi nghiên cứu ra dựa trên những bài thuốc gia truyền trị chứng tiêu khát của gia đình. Tôi dám cam kết rằng bài thuốc này đã có hiệu quả với hàng trăm người bệnh”, lương y Chính cho biết.
Nhằm đảm bảo uy tín và hiệu quả chữa bệnh, nữ lương y núi Tản không ngại ngần cung cấp cho phóng viên các vị chính trong hai bài thuốc trị tiểu đường. Bài thứ nhất gồm các dược vị như sau: đảng sâm, thục địa, táo nhân, bạch thược, bạch truật, thục linh, hoài sơn, ngũ vị tử, sơn tra, huỳnh kỳ. Bài thứ hai gồm: nhãn nhục, nhục quế, viễn chí, hạt sen, đương quy, nhục khấu, cam thảo, xuyên khung, trần bì và hai quả táo đỏ.
Lương y Chính cho biết: “Tuy có sự khác nhau về thành phần dược vị được sử dụng trong bài thuốc này nhưng tác dụng của chúng không hề thay đổi. Sau khi đã có đầy đủ các dược liệu trên, người bệnh trộn lẫn rồi cho vào ấm sắc theo phương pháp: Nước thứ nhất lấy 9 phần, sau đó lấy hết nước vừa sắc được ra, đổ nước mới vào sắc đến khi còn khoảng 7 phần. Khi đã có nước thứ nhất và thứ hai, đem hòa chung lại với nhau, chia làm 2 phần. Uống vào buổi sáng và chiều trong ngày, sau bữa ăn 10 phút”.
Lương y Chính cho biết thêm: “Đây là cách sử dụng thông thường vì không phải người bệnh nào cũng giống nhau nên phải có sự linh hoạt trong cách sử dụng. Người nào bệnh nặng hơn, tôi kết hợp các bài thuốc lại với nhau và hướng dẫn liều lượng cũng như số lần uống cho phù hợp. Người bệnh bình thường chỉ cần uống khoảng 2 đến 3 tháng là sẽ thấy kết quả rõ rệt. Những người bị nặng hơn, mắc bệnh lâu ngày hơn thì thời gian công hiệu tất nhiên cũng sẽ dài hơn. Điều đặc biệt là trong quá trình điều trị, bài thuốc này không hề cho thấy tác dụng phụ nào.
Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng bổ cho lục phủ ngũ tạng, giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thuốc nếu đảm bảo tính đều đặn, thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống của người bệnh cũng góp phần không nhỏ đến hiệu quả của việc chữa trị. Người bệnh tiểu đường cần đặc biệt kiêng ăn thực phẩm ngọt, hạn chế ăn cơm và thay bằng các loại rau. Có như vậy lượng đường trong người mới giảm dần và tiến tới ổn định được. Sẽ tốt hơn nếu người bệnh duy trì được việc luyện tập thể dục điều độ”.
Lương y Chính chỉ bí quyết kiêng kị đẩy lùi tiểu đường
Bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng theo theo hướng dẫn. (Thời gian thực hiện từ 1 đến 3 tháng).
Sử dụng thang thuốc nam (Được hướng dẫn cụ thể từng trường hợp). Bài thuốc nam giúp cho bệnh nhân ổn định đường huyếtđể ngăn ngừa những biến chứng, đồng thời giúp đào thải độc tố trong tuyến tụy, cung cấp những dưỡng chất bổ sung cho tuyến tụy giúp tuyến tụy được hồi phụcvà hoạt động trở lại bình thường.
Trường hợp bệnh nhân ở xa không có điều kiện đến lấy, chúng tôi có thể chuyển phát thuốc, tài liệu hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, theo dõi đường huyết chặt chẽ.
Bệnh nhân tuân thủ lịch kiểm tra chỉ số đường huyết theo đề nghị của nhà thuốc (tùy với từng trường hợp).
Trường hợp bệnh nhân ở xa không có điều kiện đến lấy, chúng tôi có thể chuyển phát thuốc, tài liệu hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, bài tập thể dục, lịch theo dõi đường huyết theo đường chuyển phát nhanh.
Để chữa khỏi được bệnh tiểu đường đòi hỏi bệnh nhân phải chăm chỉ dùng thuốc cũng như điều chỉnh hoàn toàn chế độ ăn uống và phải thường xuyên tập luyện mới có thể có được kết quả tốt nhất.
“Danh y núi Tản” tìm được loại củ “to khủng khiếp” trong “sách đỏ” trị khỏi xương khớp
Lâu nay, lương y Bình nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh xương khớp. Từ ngày tìm được củ Dòm “khủng” bà lại càng trở nên nổi tiếng.
Những ngày vừa qua, giới chuyên môn Ba Vì và trên cả nước xôn xao chuyện lương y Triệu Thị Bình (ở bản Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) – người nắm giữ bài thuốc chữa các bệnh xương khớp công bố tìm được thứ củ kỳ dị nặng tới 15kg. Khi có được thông tin này, phóng viên Khoẻ 365 đã có mặt tại nhà lương y Bình để tận mắt chứng kiến loại củ kỳ dị bắt buộc phải có trong bài thuốc chữa các bệnh xương khớp mãn tính này. Và một sự thật khá bất ngờ là, trong vườn dược thảo của lương y Bình đã nhân giống rất nhiều thứ củ kỳ dị này. Điều này lý giải cho thắc mắc, tại sao cả trăm lang y bốc thuốc, nhưng bài thuốc của bà bao giờ cũng hiệu quả nhất ở “Tản Viên Sơn”.
Loại củ kỳ dị trong “sách đỏ” trị bệnh xương khớp
Ngày cuối tháng 2/2017, nhóm phóng viên lên Tản Viên Sơn tìm lương y Triệu Thị Bình để tìm hiểu về thứ củ kỳ dị có tên khoa học là củ Dòm, bổ sung vào “kho báu” thuốc nam lớn nhất nước Việt này. Trò chuyện với chúng tôi, bà kể, tính “truyền thừa” nghề thuốc của người Dao Ba Vì trước hết là để chữa bệnh cho bản thân mình, dân tộc mình, sau đó mới là chữa cho mọi người.
Lâu nay, lương y Bình nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh xương khớp. Từ ngày tìm được củ Dòm “khủng” bà lại càng trở nên nổi tiếng. Bởi ngày trước chỉ có người dân trong vùng đến chữa nhưng về sau, tiếng lành đồn xa nên người bệnh từ Nam ra Bắc đều tìm đến để nhờ bà chữa các bệnh về xương khớp, như thoát vị địa đệm, thoái hóa xương, gút... Thậm chí, có nhiều bệnh nhân là Việt kiều đang ở nước ngoài cũng gọi điện về đặt thuốc, gửi thư cảm ơn bà khi bệnh khỏi, sức khỏe tốt.
Bài thuốc của gia đình lương y Bình là sự hội tụ của nhiều vị thuốc quý trong dân gian, trong đó phải kể tới các thành phần chính như: Dây đau xương, dây đơn xương, hồng cốt nhân, thạch xương bồ (sản), hồng cốt nhân… Các cây thuốc trên sau khi thu hái về rửa sạch, băm nhỏ, nấu nước khoảng 2 đến 3 ngày, vớt bã, lọc lấy nước đem cô đặc thành cao.
Ngoài ra, trong bài thuốc của bà Bình có một loại đặc biệt dược ghi trong “sách đỏ”. Đó là củ dòm. Củ dòm nhìn bên ngoài hình dáng bầu dục như quả bóng bầu dục, chuyên chữa các bệnh về xương khớp. Củ này rất hiếm, nhưng bà đã nhân được giống và trồng tại vườn thuốc của gia đình khá nhiều. Chuyến đi rừng cách đây 1 tuần, bà Bình đã săn được củ Dòm quý hiếm mà không một lương y nào có được.
Theo lương y Bình, tác dụng của củ Dòm là rất đặc biệt, những người bị bệnh thoái hóa cột sống, lệch đĩa đệm thường được cắt thuốc theo thang. Một loại để bệnh nhân sắc lên uống, giúp cơ thể lưu thông khí huyết, gân cứng chắc. Loại nữa ngâm rượu bóp giúp cho người bệnh giảm đau. Kết hợp hai hình thức chữa trị này, người bệnh sẽ chóng khỏi.
Giúp nhiều người vượt qua “lưỡi hái tử thần”
Mới đây, gia đình lương y Bình tiếp nhận một bệnh nhân nữ (17 tuổi, Hà Nội) bị bại liệt nằm một chỗ. Sau khi xem thông tin bệnh án mà các bệnh viện kết luận, lương y Bình bốc thuốc cho cô gái vài thang. Ngay từ những ngày đầu uống thuốc, bệnh của cô gái có dấu hiệu thuyên giảm. Vừa uống thuốc, kết hợp luyện tập, chỉ 3 tháng sau, cô gái đã đứng vững hơn và dần di chuyển nhẹ. Gia đình cô vô cùng mừng rỡ…
Không ít bệnh nhân sau khi tìm đến lương y Bình chữa trị, đã công nhận rằng, bài thuốc của gia đình bà cực kỳ hiệu nghiệm, đã cứu bệnh nhân vượt qua “lưỡi hái tử thần”. Có người bị bệnh rất nặng, tưởng chừng bại liệt, bệnh viện trả về, nhưng khi gặp được bài thuốc xương khớp của lương y Bình thì đã hồi sinh kỳ diệu…
Lương y Bình khẳng định: “Đối với các loại bệnh viêm xương khớp, chỉ dùng phương pháp sắc thuốc uống. Bài thuốc chữa bệnh gồm 33 loại thuốc, tỉ mỉ, công phu. Đây là cách thông dụng nhất và dễ sử dụng. Tất cả các chứng bệnh có thể chữa trị được bằng thuốc Nam. Đối với những người dưới 45 tuổi, khỏi bệnh là chắc chắn.
Đối với những người ở độ tuổi cao hơn, phải chữa trị lâu dài. Bên cạnh đó, cần kết hợp với sự kiên trì của người bệnh thì việc chữa trị mới hiệu quả. Người bệnh sau khi dùng hai bài thuốc của tôi nếu có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp sẽ cực kỳ hiệu quả. Tôi dám cam kết rằng hai bài thuốc này đã có hiệu quả với hàng trăm người bệnh”.
Lương y Bình cho biết thêm: “Đối với những người trên 45 tuổi, thường có thể lực kém hơn, việc điều trị đòi hỏi phải tốn thời gian để các ngũ tạng có thể hồi phục dần. Tuy nhiên, nếu để lâu ngày không có phương pháp điều trị hợp lý, bệnh sẽ biến chứng theo chiều hướng rất nguy hiểm. Những bệnh nhân phát hiện sớm thì khả năng chữa trị khỏi càng cao”.
Theo lương y Bình, trong quá trình chữa trị bệnh nhân phải kiêng cữ theo hướng dẫn và uống thuốc đều đặn, kiên trì. Việc sắc thuốc uống rất đơn giản, các thang thuốc nên được đun trong ấm đất để thuốc không bị bay hơi, mất chất. Mỗi ngày đun 1 lần khoảng 1 – 1,5 lít nước, để sôi trong khoảng thời gian 10 phút, sau đó dùng uống cho cả ngày. Mỗi thang uống từ 2 – 3 ngày thì thay thang mới. Lương y Bình cho biết thêm, cũng như nhiều gia đình hành nghề thuốc Nam, gia đình bà còn nắm giữ bí quyết về bài thuốc độc đáo, vốn nổi tiếng của người Dao trên đỉnh Ba Vì.
Một mình hơn cả 100 lang y khác
Không chỉ được biết đến vì chữa hiệu quả các bệnh xương khớp, bài thuốc dân tộc Dao của lương y Triệu Thị Bình Vượng tỏ ra rất có hiệu quả với các loại bệnh thận nhưng hiệu quả nhất vẫn là viêm gan B, bệnh viêm cầu thận, suy thận nhẹ, hội chứng hư thận, sỏi gai... Thời gian điều trị một ca bệnh của bà phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh và cơ địa của người bệnh, trung bình khoảng 90 ngày là bệnh nhân sẽ khỏi. Khi khỏi thì bệnh nhân cần uống thêm 30 ngày để củng cố và đề phòng tái phát.
Bà Bình vẫn luôn trăn trở một nỗi niềm, đó là nguồn dược liệu quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Để gìn giữ nghề thuốc bao đời truyền lại, bà và những lương y trong vùng đã tìm cách trồng thuốc tại nhà, với nỗ lực của bà và các lương y bản Yên Sơn thì điều đó thật đáng quý trong việc gìn giữ và bảo tồn các bài thuốc gia truyền của dân tộc Dao.
Đem mẫu vật cử Dòm nặng 15 kg về Hà Nội để trao đổi PGS.TS Trần Văn Ơn – Chủ nhiệm bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội, ông cho biết: “Đây là vị thuốc hết sức quý trong thuốc Nam. Điều này giải mã rằng, bài thuốc chữa xương khớp của lương y Bình hiệu quả hơn cả 100 lương y khác mà báo chí nêu. Chỉ cần người bệnh kiên trì, sắc thuốc uống đều đặn, kết hợp với chế độ luyện tập, kiêng khem, thì bệnh tật thuyên giảm nhanh chóng. Điều đặc biệt là trong quá trình điều trị, hai bài thuốc này không hề cho thấy tác dụng phụ nào. Nó còn có tác dụng bổ cho lục phủ ngũ tạng, giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe. Việc sử dụng thuốc nếu đảm bảo tính đều đặn, thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, chế độ ăn uống của người bệnh cũng góp phần không nhỏ đến hiệu quả của quá trình chữa trị”, lương y Bình chia sẻ..
Ăn bánh dày cỗ cưới, hơn 70 người bị ngộ độc
http://dantri.com.vn/suc-khoe/an-banh-day-co-cuoi-hon-70-nguoi-bi-ngo-doc-20170909072731243.htm
Theo thông tin của chính quyền xã Na Hối, huyện Bắc Hà ( tỉnh Lào Cai), một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cưới của người dân địa phương ngày 7/9 đã làm cho 73 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có 43 người vào bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà điều trị, còn lại bà con tự chữa chạy tại gia đình.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc Chi cục Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai ( trực thuộc Sở Y tế Lào Cai) xác nhận thông tin trên và cho biết thêm: Nguyên nhân ban đầu được xác định các nạn nhân bị ngộ độc ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà ( tỉnh Lào Cai) do bà con ăn món bánh dày không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đã bị nhiễm khuẩn vi sinh gây ra ngộ độc cho người sử dụng.
Số bánh dày kể trên được nhà gái mua cho cả hai nhà trai và nhà gái dùng trong đám cưới tại một cơ sở sản xuất bánh tại Phú Lu, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) và nhà gái tổ chức ăn cưới vào buổi trưa ngày 7/ 8 và nhà trai tổ chức ăn cưới vào buổi chiều cùng ngày.
Kết quả kiểm tra sơ bộ những người bị ngộ độc do ăn bánh dày đám cưới ở xã Na Hối được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn vi sinh đường tiêu hóa chứ không phải nhiễm độc hóa chất.
Tình trạng ngộ độc ở thể nhẹ nên các bệnh nhân điều trị ở bệnh viện hoặc ở nhà đều đang hồi phục sức khỏe dần.
Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai đang phối hợp với Trung tâm y tế huyện Bắc Hà và cơ quan chức năng của huyện Bảo Thắng tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh dày cung cấp cho đám cưới ở xã Na Hối ngày 7/9 sử dụng và đã có hàng chục người bị ngộ độc phải vào bệnh viện điều trị.
Được biết cơ sở sản xuất bánh dày gây ngộ độc do ngành công thương quản lý và từ năm 2014 tới nay không được quản lý theo quy định.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết tình trạng ngộ độc thực phẩm ở tỉnh Lào Cai có xu hướng tăng, nguyên nhân chưa làm tốt công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng vì không có kinh phí hoạt động.
Bé gái 13 tuổi qua đời lập kỷ lục hiến tạng cứu sống 8 người
http://phununews.vn/doi-song/be-gai-13-tuoi-qua-doi-lap-ky-luc-hien-tang-cuu-song-8-nguoi-225181/
Jemima Layzell (Anh) qua đời hiến toàn bộ nội tạng của mình giúp cứu sống năm trẻ nhỏ và ba người lớn.
Jemina Layzel đột ngột qua đời do xuất huyết não. Gia đình làm theo nguyện vọng trước đó của cô bé là hiến toàn bộ nội tạng sau khi qua đời.
Sophy biết rằng con gái có nguyện vọng được hiến tạng trong một cuộc nói chuyện trước khi Jemina qua đời vài tuần. "Một người bạn của Jemina chết do tai nạn, gia đình cô bé đăng ký hiến tạng nhưng không được chấp thuận. Con gái tôi đến lúc đó mới biết đến chuyện hiến tạng", người mẹ kể lại.
Các tạng của Jemina bao gồm tim, tụy, gan, phổi, thận, giác mạc… đã được sử dụng để cứu mạng tám người trên khắp nước Anh, trong đó có năm trẻ nhỏ. Đây là con số hiến tạng kỷ lục được ghi nhận. Mô mắt của em cũng giúp phục hồi thị lực cho ba bệnh nhân.
Theo Bộ phận máu và Cấy ghép của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), 457 người đã chết trong khi chờ được phẫu thuật ghép tạng vào năm 2016, trong đó có 14 trẻ em. Ở Anh hiện còn 6.414 người trong danh sách chờ ghép tạng, bao gồm 176 trẻ nhỏ.
Bút thông minh hát hiện tế bào ung thư
http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/but-thong-minh-hat-hien-te-bao-ung-thu-3342737/
http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/but-than-phat-hien-ra-ung-thu-chi-trong-vai-not-nhac-33142.html
Các nhà khoa học của Đại học Texas đã sử dụng thử nghiệm bút có tên MasSpec để xác định được tế bào ung thư trong 10 giây.
BBC thông tin, cây bút này có thể được sử dụng để phát hiện các tế bào ung thư nhanh hơn gấp 150 lần so với công nghệ hiện tại và độ chính xác lên đến 96%.
Theo các nhà khoa học Mỹ, với các thiết bị chẩn đoán trước đây, có độ tin cậy chỉ trong khoảng 80 - 90%, bác sĩ phẫu thuật phải chờ ít nhất 30 phút mới có kết quả.
Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân và có thể làm cho thuốc gây tê giảm tác dụng...
Thử nghiệm đã thực hiện trên 253 mẫu mô người, bao gồm cả mô bình thường và mô ung thư các loại, bao gồm: vú, phổi, tuyến giáp và buồng trứng.
Thiết bị này có thể giúp các bác sĩ giải phẫu nhanh chóng xác định các mô bị ung thư để cắt bỏ và giữ lại các mô lành chung quanh, giúp việc phẫu thuật nhanh hơn, chính xác và an toàn hơn, đồng thời giảm nguy cơ tái phát ung thư.
Bà Livia Schiavinato Eberlin, giảng viên hóa học tại ĐH Texas ở Austin – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Nếu bạn hỏi chuyện một bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, một trong những điều đầu tiên họ sẽ nói là ‘tôi hy vọng các bác sĩ phẫu thuật đã lấy hết mô ung thư ra’”.
“Thật đau lòng khi điều đó [loại bỏ hoàn toàn ung thư -PV] không xảy ra. Nhưng công nghệ của chúng tôi có thể cải thiện to lớn tỷ lệ loại bỏ tới tận các mô ung thư cuối cùng trong phẫu thuật” - bà viết trên website của Đại học Texas.
Hoạt động của bút khá đơn giản. Các bác sĩ sẽ chạm bút vào khối u mà họ cần xác định là lành tính hay ác tính.
Một giọt dung dịch từ đầu bút sẽ được nhỏ ra. Các hóa chất bên trong tế bào sống sẽ tự di chuyển vào giọt này.
Sau đó, giọt nước này được phân tích bằng một công cụ gọi là máy đo quang phổ khối, có thể phân tích hàng ngàn phân tử và nhanh chóng gửi kết qua cho bác sĩ qua hệ thống vi tính.
Kết quả sẽ thông báo “bình thường” hay “ung thư” lên một màn hình cho bác sĩ xem.
Hiện nay, phân biệt giữa mô ung thư và mô thường bao gồm quá trình chậm và không đáng tin cậy được gọi phân tích giai đoạn đông lạnh.
Nó có thể gây rủi ro bởi vì nếu một bác sĩ không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào thư có thể cho phép u ác tái phát, nhưng loại bỏ đi quá nhiều tế bào lành cũng có thể gây ra tác động bất thiện.
Điều này có thể gây ra đau đớn và có thể gây ra tổn thương thần kinh đối với bệnh nhân ung thư, trong khi bệnh nhân tuyến giáp có thể mất khả năng nói.
James Suliburk, Trưởng Khoa giải phẫu nội tiết Đại học Y Baylor cho biết: “Bất kỳ khi nào có thể giúp bệnh nhân được phẫu thuật chính xác, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mới này”.
Nguyên tắc chẩn đoán của bút MasSpec dựa trên cơ chế: các tế bào sống, cho dù là tế bào thường hay tế bào ung thư, khi hoạt động đều tạo ra các phân tử nhỏ gọi là chất chuyển hóa.
Các phân tử này tham gia vào tất cả các quá trình quan trọng của cuộc sống tế bào - chẳng hạn như tạo ra năng lượng để tế bào phát triển và tăng sinh...
Nhưng mỗi loại tế bào ung thư lại tạo ra một tập hợp các chất chuyển hóa có bản chất sinh hóa khác nhau, được ví như các dấu vân tay, giúp cho bút MasSpec có thể phát hiện và phân biệt các tế bào ung thư với tế bào thường qua hình ảnh hiện trên với màn hình máy vi tính, môt cách rất nhanh chóng và chính xác.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới này trong các cuộc phẫu thuật ung thư vào năm 2018.
Bé 9 tuổi ngưng tim vì… ăn hot dog
http://khampha.vn/suc-khoe/be-9-tuoi-ngung-tim-vi-an-hot-dog-c11a567604.html
Cậu bé được xác định ngưng tim do một hội chứng tim mạch mang tên Brugada chứ không phải do mắc nghẹn.
Một cậu bé ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã đột ngột ngưng tim sau khi cắn một miếng lớn hot dog (bánh mì kẹp xúc xích). Rất may mắn, cậu được cấp cứu nhanh chóng và đã vượt qua cơn hiểm nghèo.
Thế nhưng, cũng nhờ tai nạn đó mà các bác sĩ phát hiện cậu mắc một rối loạn tim mạch hiếm gặp, và đã cấy vào cơ thể cậu bé một chiếc máy khử rung tim vì hội chứng ấy có thể khiến cậu ngưng tim thêm một hoặc nhiều lần nữa bất cứ khi nào cơ thể không chịu đựng được một loại kích thích nào đó.
Tiến sĩ Isa Ozylimaz, ở Bệnh viện Mehmet Akif Ersoy Thoracic and Cardiovascular Surgery Training and Research (Istanbul), cho biết trường hợp của cậu bé nêu trên đã được nghiên cứu. Giả thuyết cậu bị nghẹn được bác bỏ. Thay vào đó, họ tìm ra hành động cắn miếng lớn hot dog đã tạo ra một kích thích lên dây thần kinh số 10 (thần kinh phế vị), từ đó làm ngưng tim.
Dây thần kinh phế vị này là một dây thần kinh phó giao cảm lớn của cơ thể, những người bị ngất do thấy thứ gì đó đáng sợ (ví dụ như máu) hoặc bị chấn thương tình cảm chính là do dây thần kinh này bị kích thích.
Từ đó, các chuyên gia chẩn đoán ra cậu bé mắc hội chứng Brugada, mội hội chứng hiếm gặp về tim mạch được đặt theo họ ba anh em bác sĩ Pedro, Josep và Ramon Brugada (làm việc tại Bỉ và Tây Ban Nha). Brugada dẫn đến các vấn đề
về điện tim, tạo ra những nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến cái chết đột ngột vì những kích thích mà người bình thường hoàn toàn có thể chịu được. Hội chứng có các triệu chứng như đau ngực khi tập thể dục, khó thở, hay đánh trống ngực, dễ chóng mặt hoặc ngất.
Brugada là một tình trạng di truyền. Anh trai của cậu bé 9 tuổi nêu trên sau đó cũng được xác định mắc hội chứng này. Có thống kê cho rằng nó ảnh hưởng đến 1/10.000 người, tuy nhiên ở Mỹ người ta lại ghi nhận có đến 4/1.000 người Mỹ bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. Các nghiên cứu cũng cho thấy hội chứng Brugada gặp nhiều hơn ở những người gốc châu Á.
Các chuyên gia cũng trấn an rằng chúng ta không nên quá sợ Burgada, vì tình trạng nặng nề - ngưng tim chỉ vì cắn một miếng hot dog lớn - như cậu bé nêu trên là rất hiếm hoi.
Vì thói quen ăn thịt mỡ, người phụ nữ có hơn 800 viên sỏi trong túi mật
Do thói quen thích ăn thịt mỡ hằng ngày khiến túi mật trong cơ thể của một bà cụ 60 tuổi ở Trung Quốc chứa đến 800 viên sỏi đủ kích cỡ.
Mới đây, một bà cụ tên Fan, khoảng 60 tuổi đã phải đến một bệnh viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) để kiểm tra sau 2 tuần bị những cơn đau dạ dày hành hạ. Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện thấy trong túi mật của bà chứa đầy những viên sỏi.
Thông qua phẫu thuật, bác sĩ đã loại bỏ tổng cộng 806 viên sỏi khỏi túi mật của bà cụ này. Những viên sỏi nhỏ nhất có kích cỡ như hạt vừng, viên lớn hơn có kích cỡ như hạt nhãn.
Trao đổi với bác sĩ, bà cụ cho hay bà rất thích ăn thịt mỡ. Hầu như ngày nào bà cũng ăn nó. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sỏi mật hình thành.
Hiện bác sĩ yêu cầu bà Fan cắt bớt thức ăn chứa hàm lượng dầu mỡ và đường cao trong khẩu phần ăn hàng ngày, đồng thời không nên bỏ bữa sáng để đảm bảo sức khỏe.
Kinh dị ca phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang to như trứng đà điểu
Bị đau ở hông và gặp khó khăn khi đi tiểu, người đàn ông đã đi khám bác sĩ và phát hiện sự thật bất ngờ.
Một người đàn ông 64 tuổi sống ở California, Mỹ đã đến khám ở bệnh viện do bị đau bên hôm trái và khó đi tiểu. Sau khi chụp phim X-quang, các bác sĩ phát hiện ông ta có một viên sỏi với kích cỡ khổng lồ nằm trong bàng quang.
Nếu trong trường hợp bình thường, viên sỏi có kích thước nhỏ vừa, các bác sĩ có thể dùng thủ thuật, hay cho uống thuốc để sỏi tự ra nhưng trong trường hợp này, cần phải can thiệp khẩn cấp bằng phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật lấy viên sỏi ra, các bác sĩ đã đo được viên sỏi có kích thước 12 x 9,5 x 7,5 cm và có trọng lượng là 770g. Có thể nói nó đã chiếm lĩnh gần hết bàng quang của bệnh nhân.
Mặc dù rất ấn tượng nhưng đây chưa phải là viên sỏi bàng quang lớn nhất thế giới. Theo sách Kỉ lục thế giới Guinness ghi lại thì viên sỏi khủng nhất đã được lấy ra khỏi bàng quang của ông José de Castro da Silva, 62 tuổi, sống tại thành phố São Paulo, Brazil vào năm 2003. "Nhà vô địch" này có kích thước là 17,9 x 12,7 x 9,5cm và nặng 4,1 kg.
Trở lại với trường hợp của người đàn ông ban đầu, các bác sĩ còn phát hiện thấy một viên sỏi nhỏ hơn trong niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) bên trái của ông.
Trong quá khứ, cụ thể là hơn 10 năm trước, bệnh nhân đã từng bị ung thư bàng quang và phải cắt bỏ. Cái hiện giờ là bàng quang nhân tạo và đó cũng là nguyên nhân khiến các viên sỏi dễ có nguy cơ hình thành.
Được biết, sau cuộc phẫu thuật, người đàn ông trên còn tiếp tục được điều trị bằng laser để phá vỡ viên sỏi khác đang nằm trong niệu quản trái của mình.
Em bé sinh ra đã có 7 chiếc rang
Một đứa trẻ sơ sinh người Ấn Độ đã trở thành "người đầu tiên trên thế giới" được sinh ra với 7 chiếc răng miệng.
Bé Prayan Sharma đã được chuyển tới phòng chăm sóc chuyên sâu của bệnh viện ở Ahmedabad, bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, ngay sau khi chào đời vào ngày 30/6/2017. Cậu bé đã phải ở đó 10 ngày để chữa chứng nhiễm trùng và chưa ai phát hiện ra điều gì không ổn của bé.
Người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường của cháu bé là bà mẹ, cô Nikita - 31 tuổi, khi cố gắng cho con bú sữa. Cô đã nhận thấy con mình có tới 7 chiếc răng hoàn chỉnh ở hàm dưới của bé.
Bố của bé, anh Harish - 31 tuổi, nói: "Ngay khi chào đời, con trai tôi đã phải chuyển đến phòng ICU vì bị nhiễm trùng nên vợ tôi không thể cho con bú. Khi cuối cùng đón được cháu về, cho con bú sữa mẹ, lúc đó cô ấy mới phá hiện trong miệng con có cái gì đó. Khi nhìn rõ ràng, chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên bởi đến việc đứa trẻ mới sinh có 1 chiếc răng chúng tôi còn chưa nhìn thấy nữa là những 7 cái thế này."
Harish đã xin tư vấn của một nha sĩ nhi khoa và được khuyên là nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ. Sau đó, họ nhận thấy những chiếc răng của Prayan có dấu hiệu lung lay.
Để tránh nguy cơ những chiếc răng rơi ra và em bé có thể nuốt phải bị nghẹn hay nghẹt thở, các bác sĩ đã tiến hành nhổ hết chúng đi.
Tiến sĩ Meet Ramatri, một nha sĩ nhi khoa tại Trung tâm Chăm sóc Răng miệng Trẻ em ở Ahmedabad, cho biết không có lý do đặc biệt nào khiến trẻ sơ sinh lúc mới ra đời lại đã có răng cả.
Bé Prayan Sharma là trường hợp sơ sinh có 7 răng đầu tiên trên thế giới.
Ông nói: "Đây là trường hợp đầu tiên mà một đứa trẻ mới sinh có tới 7 chiếc răng... Chúng tôi đã phải gây tê cục bộ vì cháu bé còn quá nhỏ."
Trong lần đầu tiên, các bác sĩ đã nhổ được 4 chiếc răng và đến lần thứ hai thì lấy nốt 3 chiếc còn lại.
Theo Viện Y tế Quốc gia, trẻ sinh ra có răng là trường hợp hiếm gặp với tỷ lệ là 1:3000 và được gọi là răng sơ sinh.
Người ta cho rằng việc suy dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai có thể là một yếu tố gây nên tình trạng này, ngoài ra còn có điều kiện y tế và di truyền.
Đa số các trường hợp này cần thiết nhổ răng vì đề phòng chúng rơi ra gây nguy hiểm cho em bé do nuốt phải.