Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 11/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân; Yên Bái: Không để người dân bị ốm đau, bệnh tật sau mưa lũ; Khen thưởng đột xuất ê kíp cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung; Hơn 54.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên toàn quốc; Mổ gấp cứu sống bé trai bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ nhờ "báo động đỏ"; Nối bàn chân gần đứt lìa cho bé trai 2 tuổi; ...

 

Tăng cường truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân

http://phapluatxahoi.vn/tang-cuong-truyen-thong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-cho-nguoi-dan-106993.html

Tại công văn số 1208/CĐ-BYT ngày 9-11 về việc triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chỉ đạo công tác phòng chổng dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ở những nơi bão đã đi qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu sở Y tế các tỉnh, TP ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và các tình khu vực Tây Nguyên cùng các đơn vị như Vụ Kế hoạch-Tài Chính, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược, Văn phòng Bộ… khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau cơn bão số 12.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Chủ động triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa bão, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua; đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

Hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, úng lụt, sạt lở đất gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Xây dựng kế hoạch ứng phó với áp thâp nhiệt đới đang hướng về biển Đông ảnh hưởng đến nước ta.

Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung và Tây Nguyên chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa, bão gây ra.

Cục Y tế Dự phòng và Cục Quản lý Môi trường Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, TP trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sau mưa, bão; tăng cường truyền thông các khuyến cáo hướng dẫn nhân dân vùng bão, lũ trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện.

Cục An toàn thực phẩm tăng cường chỉ đạo các Chi Cục vệ sinh an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; truyền thông cho người dân sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn.

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của mưa, bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão, đặc biệt các đối tượng dễ tổn thương; các đội cấp cứu cơ động ứng trực, sẵn sàng cơ động hỗ trợ, ứng cứu khi có lệnh…

Cũng trong ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 về lĩnh vực y tế tại tỉnh Phú Yên.

Báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên cho biết, cơn bão số 12 đã gây ra nhiều thiệt hại cho tỉnh Phú Yên. Riêng về ngành y tế dự kiến thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Hiện có 19 trạm y tế xã bị cô lập và nhiều trạm y tế bị ngập một phần, 30 trạm y tế bị tốc mái, đổ sập tường rào, một số bệnh viện hư hỏng hệ thống xử lý chất thải rắn, một số công trình y tế bị tốc mái, bay cửa sổ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ chia sẻ với mất mát và thiệt hại của người dân tỉnh Phú Yên do ảnh hưởng của bão số 12.

Bộ trưởng cũng biểu dương cán bộ y tế của tỉnh Phú Yên đã nỗ lực trong điều kiện mưa bão để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong dịp này, Bộ Y tế trao tặng 100 triệu đồng từ nguồn quỹ đóng góp của cán bộ viên chức cơ quan Bộ Y tế để chia sẻ với ngành y tế Phú Yên khắc phục hậu quả bão lụt.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác đã đến thăm và thị sát trực tiếp tại trạm y tế xã An Định, huyện Tuy An, Thừa Thiên-Huế.

Đây là trạm y tế bị ngập sâu 3m trong nước lũ. Bộ trưởng đã động viên cán bộ y tế của trạm tiếp tục nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn bước đầu trong điều kiện mọi cơ sở vật chất gần như hư hỏng hoàn toàn vì bão lũ. Bộ trưởng tặng bộ máy tính cho trạm và cho biết Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm y tế An Định mới hai tầng khang trang.

 

Yên Bái: Không để người dân bị ốm đau, bệnh tật sau mưa lũ

http://daidoanket.vn/tin-tuc/dan-toc/yen-bai-khong-de-nguoi-dan-bi-om-dau-benh-tat-sau-mua-lu-385386

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn mới đây đã đi thị sát, kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái; thăm hỏi, tặng quà người dân bị thiệt hại do thiên tai.

Đến thăm, động viên và tặng quà các y, bác sỹ, nhân viên của Trạm Y tế xã Hát Lừu (Trạm Tấu), Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, các y, bác sỹ đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt công tác khám,  chữa bệnh cho người dân; đặc biệt, đã kịp thời cấp cứu những người bị nạn trong đợt mưa lũ vừa qua. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị đội ngũ cán bộ của các cơ sở y tế tiếp tục làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác cũng đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 5 nạn nhân bị thương trong đợt mưa lũ ngày 11-10 đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu và Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ; tặng 20 triệu đồng cho Trạm Y tế xã Hát Lừu, tặng 1 máy xét nghiệm sinh hóa tự động trị giá trên 100 triệu đồng cho Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu;  tặng 1 máy đo loãng xương đa vị trí cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ là hai địa phương của tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong trận mưa lũ ngày 11-10 vừa qua. Riêng tại Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, mưa lũ đã làm hư hỏng nhà kho, nhà để xe, khu tập thể và cơ sở điều trị Methadone. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng 15 bộ máy tính, 1 máy photocopy, 4 máy in, 5 tủ lạnh, 10 cơ số thuốc... của Trung  tâm; tổng thiệt hại trên 570 triệu đồng.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng báo cáo về một số khó khăn mà ngành y tế tỉnh đang gặp phải, nhất là hệ thống y tế cơ sở. Hiện, Yên Bái có trên 47 trạm y tế xã cần xây dựng mới, trên 68 trạm y tế xã cần tu sửa, nâng cấp; 135 trạm y tế xã cần đầu tư trang thiết bị; hệ thống bệnh viện đa khoa đã sử dụng hết công suất, thiếu giường bệnh, trang thiết bị kỹ thuật cao còn thiếu...

Đồng thời Tỉnh Yên Bái mong muốn Bộ Y tế tiếp tục tạo điều kiện trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa; xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn trong ngành y tế...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả mà ngành Y tế Yên Bái đạt được trong thời gian qua, đặc biệt đã có các giải pháp kịp thời xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ.

Bộ trưởng Y tế mong muốn các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua, không để người dân bị đói, ốm đau, bệnh tật. Các cơ sở y tế tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút và tại các khu vực bị sạt lở, lũ quét, khôi phục cơ sở khám chữa bệnh bị thiệt hại; hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà, tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra; khẩn trương khắc phục công trình bị hư hỏng, nhất là các cơ sở y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý tỉnh tiếp tục rà soát đúng thực trạng các trạm y tế xã nhằm đáp ứng tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; tăng chỉ tiêu giường bệnh, chú trọng công tác đào tạo nguồn và thu hút nhân lực, nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân... 

 

Tiếp cận ngoại khoa và cập nhật về ung thư

http://cand.com.vn/y-te/Tiep-can-ngoai-khoa-va-cap-nhat-ve-ung-thu-465898/

Trong 2 ngày 8 và 9-11-2017, tại Hải Phòng, Trường Đại học Y dược Hải Phòng phối hợp với Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp, Hội các bệnh ngoại lai Pháp và Hội ung thư Việt Nam tổ chức hội nghị “Tiếp cận ngoại khoa tại các nước nhiệt đới và cập nhật về ung thư”.

Đây là một trong những chủ đề quốc tế trong lĩnh vực y học. Tham dự hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế về y học.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng trình bày các nghiên cứu về dịch tễ học ung thư các cơ quan (phổi, vú, thực quản, khoang miệng, vòm, dạ dày, gan, trực tràng, buồng trứng, tiền liệt tuyến, thận, bàng quang…) và các tiến bộ mới, các chương trình chẩn đoán và điều trị ung thư các cơ quan nói trên; đề xuất các giải pháp triển khai phòng mổ tiêu chuẩn tại các vùng khó khăn, hải đảo, trên tàu biển và phát triển y học từ xa (telemedicine)…

Giáo sư Yves Buisson, Chủ tịch Hội bệnh ngoại lai Pháp cho hay, không chỉ tại các nước nhiệt đới, mà tại các nước có thu nhập trung bình, việc tiếp cận ngoại khoa cũng có ý nghĩa lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật của người dân…

Riêng về bệnh ung thư, trên thế giới, hàng năm có hơn 14 triệu người mắc ung thư và hơn 8 triệu người chết vì căn bệnh này. Theo dự báo, trong 20 năm tới, con số này sẽ lên tới 30 triệu người mắc và 20 triệu người tử vong trên toàn cầu vì căn bệnh nguy hiểm này, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm cũng phát sinh khoảng 170-180 nghìn người mắc ung thư mới và một nửa trong số đó tử vong vì ung thư. Riêng tại Hải Phòng, số bệnh nhân ung thư phát sinh mới hằng năm vào khoảng 4.000 đến 5.000 người. Nhưng số bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế theo ghi nhận chỉ chiếm khoảng 60-70% trong số đó…

 

Khen thưởng đột xuất ê kíp cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/khen-thuong-dot-xuat-e-kip-cuu-song-san-phu-bi-vo-tu-cung/321631.vgp

https://www.baomoi.com/bo-truong-bo-y-te-khen-thuong-kip-truc-toi-gian-thu-tuc-cuu-song-me-con-san-phu-bi-vo-tu-cung/r/23900781.epi

https://laodong.vn/suc-khoe/bo-truong-bo-y-te-khen-thuong-kip-truc-toi-gian-thu-tuc-cuu-song-me-con-san-phu-bi-vo-tu-cung-575371.ldo

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ca-phau-thuat-than-toc-cuu-song-me-con-thai-phuvo-tu-cung-nguy-kich-20171110181026837.htm

http://www.sggp.org.vn/hy-huu-cuu-song-me-con-san-phu-bi-vo-tu-cung-rat-nguy-kich-481578.html

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bo-y-te-trao-bang-khen-cho-ekip-cuu-2-me-con-nguy-kich-738853.html

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34673902-cuu-thanh-cong-me-con-san-phu-bi-vo-tu-cung.html

https://saostar.vn/xa-hoi/khen-thuong-y-bac-si-cuu-song-san-phu-9x-bi-vo-tu-cung-khi-mang-thai-tuan-37-1774597.html

http://anninhthudo.vn/doi-song/cuu-song-me-con-san-phu-vo-tu-cung-trong-dem-benh-vien-thach-that-duoc-khen/747623.antd

http://cand.com.vn/y-te/Trao-bang-khen-cho-cac-bac-si-tuyen-huyen-cuu-song-me-con-san-phu-mot-cach-ngoan-muc-466003/

https://www.vietnamplus.vn/khen-thuong-kip-mo-cuu-song-me-con-san-phu-trong-11-phut/474780.vnp

http://phunuvietnam.vn/khoe/khen-thuong-kip-mo-cuu-song-me-con-san-phu-vo-tu-cung-post35148.html

http://infonet.vn/bo-y-te-khen-thuong-y-bac-si-ca-mo-4-khong-cuu-san-phu-vo-tu-cung-post243778.info

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/882532/khen-thuong-benh-vien-cuu-song-me-con-san-phu-bi-vo-tu-cung-

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể các bác sỹ của BVĐK Thạch Thất, Hà Nội có thành tích cứu sản phụ bị vỡ tử cung nguy hiểm.

Ngày 10/11, Bộ Y tế trao quyết định tặng bằng khen cho tập thể và 6 cá nhân của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thạch Thất, Hà Nội có thành tích mổ cấp cứu thành công cho sản phụ Nguyễn Thị Tuyết bị vỡ tử cung ở tuần thai 37.

Theo đó, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết 22 tuổi, mang thai lần đầu 37 tuần, nhập viện trong tình trạng tử cung bị vỡ, ổ bụng ngập máu và nước ối, may mắn thai nhi vẫn còn cử động và được các bác sỹ cứu thành công. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn khâu thành công đường vỡ tử cung cho sản phụ mà không phải cắt bỏ tử cung - đây là kỹ thuật khó với các bác sĩ tuyến huyện.

Theo các bác sĩ, có một điểm rất may mắn nữa là nhà sản phụ gần bệnh viện, chỉ chậm vài phút có lẽ sẽ khó cứu cả hai mẹ con.

BS. Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện cho biết, dự kiến 3-4 ngày nữa, hai mẹ con có thể xuất viện.

Nằm trong phòng hậu phẫu, BVĐKhuyện Thạch Thất, sản phụ Tuyết vẫn còn bàng hoàng sau ca mổ cấp cứu vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Chị cho biết, tối 6/11 vừa ăn cơm xong, còn rửa bát, chỉ thấy đau nhẹ ở bụng. Mẹ chồng thấy con dâu đau bụng, thai tụt xuống nên giục vào viện ngay dù thai phụ trẻ không hề nghĩ mình chuyển dạ. Dự kiến ngày sinh của sản phụ là cuối tháng 11.

Theo các chuyên gia y tế, vỡ tử cung khi có thai là một tình trạng hiếm gặp, nhưng đặc biệt nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả người mẹ và thai nhi. Chẩn đoán xác định thường rất khó, nhưng lại đòi hỏi phải xử trí nhanh và dứt khoát. Nguyên nhân vỡ thường liên quan đến tiền sử mổ đẻ cũ, có nạo hút thai trước đó, chấn thương do tai nạn hoặc do bị bạo hành, tử cung bé hơn bình thường hay còn gọi là nhi tính. Những trường hợp thai to, ngôi ngang, hay do tự ý dùng thuốc đặt âm đạo để đẻ đúng ngày đúng giờ cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ.

 

Hơn 54.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên toàn quốc

http://vtv.vn/cuoc-song-thuong-ngay/hon-54000-truong-hop-mac-benh-tay-chan-mieng-tren-toan-quoc-20171110182433013.htm

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng trong cả nước vượt hơn 54.000 trường hợp.

Tại ĐBSCL, bệnh tay chân miệng tại đang bước vào chu kỳ đỉnh dịch lần thứ hai trong năm. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 lượt bệnh nhân, chủ yếu là trẻ từ 2 - 9 tuổi.

Bệnh tay chân miệng có nhiều triệu chứng giống như sốt phát ban, dị ứng… dễ gây nhầm lẫn cho việc chẩn đoán ban đầu. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, nhiều chủng virus có độc lực cao phát triển làm bệnh dễ biến chứng dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp... rất nguy hiểm cho trẻ.

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng, cần lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

 

Mổ gấp cứu sống bé trai bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ nhờ "báo động đỏ"

http://nld.com.vn/suc-khoe/10-giay-mo-cuu-kip-be-trai-bi-day-ron-that-co-4-vong-20171110191216102.htm

http://infonet.vn/mo-gap-cuu-song-be-trai-bi-day-ron-quan-4-vong-quanh-co-nho-bao-dong-do-post244204.info

Chiều 10/11, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đã thông tin về một ca mổ khẩn cấp cứu sống bé trai bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ nhờ quy trình báo động đỏ nội viện.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, sản phụ V.T.T.Đ. (22 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) nhập viện khi thai được 38 tuần, đau bụng, cổ tử cung mở nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nhiều. Sản phụ được nằm viện theo dõi chờ sinh.

“Sản phụ khám thai, làm các xét nghiệm, theo dõi thai kỳ đầy đủ và khá kỹ. Thai kỳ bình thường. Kỳ khám thai gần nhất có ghi nhận thai nhi bị dây rốn quấn cổ”, bác sĩ Trang nói.

Khoảng 21 giờ 45 phút (ngày 8/11), khi nghe tim thai, nữ hộ sinh thấy nhịp đạp chậm (chỉ 65 lần/phút, trong khi nhịp tim thai bình thường khoảng 120-160 lần/phút). Ngay lập tức, nữ hộ sinh đã “báo động đỏ” cho bác sĩ trực.

ThS.BS Hồ Viết Thắng, Phó khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, chống độc (trưởng ca trực) đánh giá đây là trường hợp tối khẩn. “Phải mổ bắt em bé ra liền mới cứu được. Không chỉ phải mổ nhanh nhất để cứu em bé mà phải để em bé khi được mổ ra có khỏe mạnh, có tình trạng sức khỏe tốt nhất nữa”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Vì vậy, các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh đã cấp tốc chuẩn bị cho ca mổ. Chính bác sĩ Thắng đã trực tiếp mổ khẩn ca này.

Phòng mổ, bác sĩ được chuẩn bị ngay lập tức. Sản phụ được đẩy từ phòng khám đến phòng mổ một cách tốc độ. Khi vừa đến phòng mổ thì các bác sĩ và mọi thứ đã sẵn sàng.

Từ khi nữ hộ sinh phát hiện tim thai có vấn đề cho đến khi em bé được bắt an toàn ra khỏi bụng mẹ chỉ mất 10 phút và chỉ trong khoảng 10 giây từ lúc rạch da, bác sĩ đã bắt được bé trai nặng 3kg. BS Trang nhận định, đây là trường hợp tối khẩn, ca mổ được thực hiện với tốc độ ngay cấp kỳ.

Em bé chào đời với dây rốn quấn đến 4 vòng quanh cổ, chiều dài dây rốn khoảng 80 cm. Đây chính là nguyên nhân làm tim thai suy, vì thai nhi không nhận được đủ lượng máu nuôi từ mẹ qua dây rốn.

Sau khi chào đời, em bé được chăm sóc đặc biệt, đến hôm nay đã hoàn toàn khỏe mạnh. Sức khỏe sản phụ cũng ổn định.

“Thai nhi bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ là trường hợp không nhiều. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp sinh mổ, có đến 2/3 trường hợp em bé bị dây rốn quấn cổ vẫn có thể sinh thường”, BS Trang cho biết.

BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhắc nhở, thai phụ nếu siêu âm ghi nhận thai bị dây rốn quấn cổ cũng không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh theo dõi và đánh giá đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ, đồng thời, thai phụ cần tự theo dõi, đếm cử động thai (thai máy) theo chỉ dẫn của bác sĩ

 

Cứu sống bệnh nhân bị tổn thương động mạch cảnh sau mở khí quản

https://laodong.vn/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-bi-ton-thuong-dong-mach-canh-sau-mo-khi-quan-575454.ldo

Bệnh nhân cấp cứu vào BV Việt Đức, Hà Nội trong tình trạng máu chảy nhiều tại vị trí mở khí quản và đã được các bác sỹ nhanh chóng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu.

Ngày 10.11, BV Việt Đức, Hà Nội cho biết, bệnh nhi L.T.T (14 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nhận thấy tổn thương gây chảy máu có thể do quá trình mở khí quản và mức độ phức tạp của tổn thương, kíp phẫu thuật tiến hành mở nửa trên xương ức kiểm tra.

TS.BS Phạm Hữu Lư – Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) - trực tiếp phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân chia sẻ: “Bệnh nhân có tiên lượng nặng do sốc mất máu, thời gian tổn thương mạch cảnh lâu và bệnh lý toàn thân nặng (viêm màng não). Đây là một trường hợp mở khí quản khó do bệnh nhân là trẻ em, thể trạng béo, cổ ngắn nên có thể dễ tổn thương các thành phần xung quanh khi mở khí quản nếu không chú ý nhất là những bác sỹ trẻ ít kinh nghiệm”.

Bệnh nhân L.T.T bị viêm màng não đang điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Sau 2 tuần thở máy qua ống nội khí quản, bệnh nhân có chỉ định mở khí quản.

Theo nhân viên y tế chuyển bệnh nhân đến cấp cứu cho biết: “Bệnh nhân T bị viêm màng não, hôn mê và đang được điều trị tại bệnh viện. Sau khi mở khí quản 24h, tại vị trí mở có máu chảy nhiều và bệnh viện chúng tôi đã tiến hành hồi sức, truyền máu và mổ nhét gạc cầm máu tạm thời sau đó chuyển thẳng bệnh nhân đến BV Việt Đức”.

Sau khi được các bác sỹ BV Việt Đức mổ cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được nằm theo dõi, điều trị tại BV.

 

Nối bàn chân gần đứt lìa cho bé trai 2 tuổi

https://laodong.vn/suc-khoe/noi-ban-chan-gan-dut-lia-cho-be-trai-2-tuoi-575326.ldo

Trong lúc chơi đùa, bé N.N.D, 2 tuổi, ở Hà Nội, vô tình bị máy làm miến của gia đình cứa đứt lìa bàn chân phải.

Ngày 10.11, BS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình nhi – Bệnh viện Nhi Trung ương  cho biết: BV vừa tiếp nhận, điều trị cho trường hợp trên.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, ngày 24.10, trong lúc người nhà không để ý, bé D. trèo lên máy làm miến của gia đình để nghịch và không may bị máy cứa gần đứt lìa bàn chân phải. Sau tai nạn, bé được người nhà cấp tốc đưa vào Bệnh viện Quân y 103 sơ cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốc chấn thương, bàn chân phải gần đứt lìa, mất nhiều máu, đứt xương, đứt động mạch, đứt dây thần kinh gân cơ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật nối bàn chân phải cho bé D. ngay trong sáng cùng ngày.

BS Hoàng Hải Đức cho biết: “Ca mổ kéo dài hơn 2 tiếng ngay trong buổi sáng với sự phối hợp xử lý đồng bộ của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương – Chỉnh hình nhi, Gây mê hồi sức. Trong quá trình phẫu thuật, êkíp đã tiến hành mổ cố định xương bàn chân phải và nối gân, mạch máu cho cháu bé. Ngay sau ca phẫu thuật, bàn chân bệnh nhi đã hồng ấm trở lại”.

Sau hơn 2 tuần phẫu thuật, phần xương được cố định của bệnh nhi không có dấu hiệu nhiễm trùng, cơ phần bàn chân phải được nuôi dưỡng tốt. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt, các bác sĩ đã chỉ định cho xuất viện.

Theo các bác sĩ, chấn thương khi có đứt lìa một phần cơ thể có thể gặp trong tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt, do thiên tai, chiến tranh… Các thương tổn đứt lìa thường gặp là ngón tay, ngón chân, một phần chi trên hoặc chi dưới, tai, mũi… đều có thể phẫu thuật nối liền với tỉ lệ thành công lên đến trên 80%, với điều kiện các bộ phận chi đứt lìa được bảo quản đúng cách, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời. Vì vậy, trong trường hợp gia đình có người chẳng may bị tai nạn, người nhà lưu ý:

- Cầm máu bằng cách băng ép tạo lực ép trực tiếp vào vết thương để cầm máu và kết hợp với nâng cao vùng bị tổn thương.

- Rửa phần chi đứt rời bằng nước sạch hoặc nước muối Nacl 0,9% nếu như vết cắt bẩn và có nguy cơ ô nhiễm, loại bỏ dị vật như đất, sỏi đá.

- Gói phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi ni lon hoặc túi nhựa được đóng kín, sau đó đặt túi ni lon vào trong nước đá lạnh.

- Chuyển tới cơ sở y tế cơ sở điều trị chuyên khoa nơi gần nhất để việc khâu nối có cơ hội thành công.

 

Hút thuốc khi đang đổ xăng, nam thanh niên bị thiêu sống

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hut-thuoc-khi-dang-do-xang-nam-thanh-nien-bi-thieu-song-20171110145019869.htm

Trong lúc đổ xăng, miệng vẫn “phì phèo” thuốc lá, nam thanh niên đã bị ngọn lửa phực lên trùm kín cơ thể. Tại bệnh viện bác sĩ xác định lửa xăng đã gây bỏng trên diện tích hơn 50% cơ thể khiến sinh mạng nạn nhân nguy nan.

Ngày 10/11, thông tin từ khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, tại đây vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị bỏng lửa xăng rất nặng. Nạn nhân là nam thanh niên T.V.P. (22 tuổi, ngụ tại An Giang) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng cơ thể bị cháy loang lổ.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, buổi sáng trước khi tai nạn xảy ra V.P. chuẩn bị đi làm thì phát hiện xe bị hết xăng, không nổ máy được. Anh đã mượn xe của người bạn trong cùng khu trọ đi mua xăng, do không có chai nên 1 lít xăng được đựng tạm trong bọc ni lông.

Vốn đã nghiện thuốc lá nhiều năm qua nên theo thói quen, nam thanh niên vẫn phì phèo điếu thuốc trong khi trút bịch xăng vào bình chứa nhiên liệu của xe. Bịch xăng vừa đổ được một phần thì bất ngờ ngọn lửa phực lên, tá hỏa, V.P. giật mình lùi lại thì bị xăng tạt vào người, ngay lập tức cả cơ thể nạn nhân thành ngọn đuốc sống.

Khi mọi người dập được lửa thì nạn nhân đã bị cháy loang lổ, áo quần chạy nhựa, dính bết vào cơ thể, nhiều vùng da bị tuột. Sau khi sơ cứu tại bệnh viện địa phương, nạn nhân phải chuyển đến Chợ Rẫy để điều trị chuyên khoa sâu.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định nạn nhân bị bỏng 50% rải rác toàn thân, trong đó có 17% bỏng sâu (độ III), theo dõi bỏng hô hấp. Hiện bệnh nhân đã qua được giai đoạn sốc bỏng nhưng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Nếu may mắn qua được nguy kịch, người bệnh sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ di chứng sẹo lồi, sẹo co rút, ảnh hưởng tiêu cực đến vận động và chất lượng cuộc sống.

Bỏng là tai nạn đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của người bị nạn. Nhiều vụ tai nạn thương tâm do những bất cẩn khi sử dụng xăng, gas, bếp cồn đã khiến không ít người phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, cần phải đặc biệt lưu ý đến an toàn của bản thân và mọi người trước những nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, tránh mọi rủi ro có thể xảy đến.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền - Phương pháp hữu hiệu xóa sổ bệnh phong

http://vtv.vn/cuoc-song-thuong-ngay/day-manh-tuyen-truyen-phuong-phap-huu-hieu-xoa-so-benh-phong-20171110164840716.htm

Bệnh phong tuy rất khó lây và sự kỳ thị không còn quá nặng nề nhưng để xóa sổ căn bệnh này một trong những giải pháp quan trọng vẫn là tuyên truyền.

Phát hiện mắc bệnh phong cách đây 3 năm với những triệu chứng điển hình như tổn thương ngoài da, anh Lê Đình Tân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chỉ cần điều trị tại nhà. Mới đây, vì có phản ứng phong nên anh mới phải nhập viện để điều trị.

Trái ngược với suy nghĩ của mọi người về sự e ngại của người bị bệnh phong, anh Tân rất cởi mở khi chia sẻ: "Dù mắc bệnh nhưng tôi vẫn thấy may mắn vì bệnh phong có thể điều trị khỏi không giống các loại bệnh khác".

Theo các bác sỹ, bệnh phong có thể chữa khỏi, lại khó lây nên những người xung quanh tiếp xúc thường xuyên cũng không thể bị lây bệnh. Thậm chí, ngay cả khi chăm sóc bệnh nhân phong nặng, chẳng may tay có vết xước chỉ cần rửa bằng xà phòng là đã loại bỏ hết vi khuẩn phong xâm nhập.

Hiện những xóm người bị bệnh phong cũng như nỗi đau của người bệnh vì thái độ ghẻ lạnh của xã hội đã lùi vào dĩ vãng bởi qua tuyên truyền, cộng đồng đã nhận thức về bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Nếu người mắc phong được phát hiện và uống thuốc đặc trị ngay lập tức vi khuẩn gây bệnh không còn khả năng lây bệnh. Dự kiến, Việt Nam sẽ không còn căn bệnh này vào năm 2030.

 

Con suýt mù mắt, hôn mê... vì cha mẹ tự điều trị bệnh

http://danviet.vn/tin-tuc/con-suyt-mu-mat-hon-me-vi-cha-me-tu-dieu-tri-benh-821327.html

Nhỏ sữa mẹ vào mắt con khiến con bị thủng giác mạc; cho con uống thuốc tiểu đường khiến con hôn mê… là những sai lầm khủng khiếp về chữa trị bệnh của nhiều người làm cha làm mẹ...

Nhỏ sữa vào mắt để trị ghèn, phù nề

Ngày 10.11, lãnh đạo Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, bé Đinh Phương Thảo (16 ngày tuổi, ở xã Mường Bang, huyện Phù Yên, Sơn La) nhập viện hôm 5.11 trong tình trạng mắt bị nhiễm trùng nặng. Bác sĩ chẩn đoán bé Thảo có nguy cơ bị loét thủng giác mạc 2 mắt.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Hương - khoa mắt Trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư), bệnh nhi Thảo vào viện trong tình trạng mắt không thể tự mở, có dấu hiệu loét, thủng giác mạc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng loét thủng giác mạc của bệnh nhi Thảo là do nhiễm trùng nặng, gia đình không hiểu biết đã dùng phương pháp điều trị dân gian nhỏ sữa mẹ vào mắt cho con làm tình trạng bệnh diễn biến nặng rất nhanh.

Theo chị Đinh Thị Sinh (mẹ của bệnh nhi Thảo), bé Thảo sinh ra hoàn toàn bình thường, bú sữa mẹ tốt, 2 ngày đầu bé mở mắt được. Tới ngày thứ 3, chị Sinh thấy mắt con có nhiều rỉ nên nhờ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Phù Yên khám. Bác sĩ kê cho bé 2 lọ nước muối sinh lý và một lọ thuốc điều trị đau mắt cho bé.

Sau 7 ngày chị Sinh nhỏ thuốc mắt cho con, thấy mắt con sưng phù nề có nhiều rỉ, không mở được, lúc này chị Sinh được mọi người mách nhỏ sữa mẹ vào mắt con sẽ giúp khỏi. Nghe theo thời mọi người, chị Sinh hàng ngày nhỏ 3-4 giọt sữa vào mắt con. Sau vài ngày, thấy mắt con sưng to, chảy mủ, chị mới đưa con đến Bệnh viện Mắt T.Ư.

Theo bác sĩ Hương, bệnh nhi Thảo được chuyển tới Bệnh viện Nhi T.Ư để phối hợp điều trị tai, mắt và theo dõi tình trạng toàn thân. Bệnh nhi  yếu, cân nặng chỉ 2,5kg và mới chỉ 16 ngày tuổi nên việc điều trị cho bệnh nhi không chỉ về mắt mà còn phải điều trị phối hợp toàn thân. Bác sĩ Hương cho rằng tiên lượng bệnh của bệnh nhi rất dè dặt.

Trước đó, ngày 7.11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đã điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi bị hôn mê, rối loạn tri giác do mẹ cho uống thuốc điều trị hạ đường huyết tùy tiện. Khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện đường huyết bệnh nhi đã hạ xuống khá thấp, chỉ còn 30 mg/dl. Bệnh nhi được chích ngay một mũi đường và cho uống sữa. 30 phút sau, bé gái dần hồi tỉnh, tri giác ổn định.

Người mẹ cho biết, bản thân chị bị tiểu đường nhiều năm nên có sẵn máy đo đường huyết ở nhà. Chị đã đo thử đường huyết cho con và thấy đường huyết của con cao. Do đó, chị đã tự ý bẻ nửa viên thuốc điều trị tiểu đường cho con gái uống.

Đừng tự tiện điều trị cho con

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhỏ sữa mẹ điều trị đau mắt là một phương pháp phản khoa học. Rất nhiều bệnh nhi sau khi được nhỏ sữa mẹ vào mắt thị bệnh đã tiến triển rất nặng và nhanh, do sữa là môi trường nhiều dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nặng lên.

TS Nguyễn Xuân Tịnh - quyền trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư) cũng khẳng định, nhỏ sữa mẹ vào mắt để chữa rỉ cho trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực tế trẻ khỏi đau mắt là do miễn dịch của cơ thể khỏe lên chứ không liên quan tới nhỏ sữa vào mắt.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng do cha mẹ, người thân cho các bé uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Cuối tháng 6.2017, bệnh nhi Bùi Anh D được chuyển đến viện. Theo lời người nhà, trẻ có tiền sử bị viêm da cơ địa từ lúc 1 tháng tuổi và đã được khám, điều trị theo đơn của bác sĩ tư nhân. Mặc dù được dùng cả thuốc bôi và uống theo đơn nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại nên gia đình đã chuyển sang dùng thuốc đông y dạng thuốc cam đã 24 ngày. Cách 2 ngày trước khi vào viện, trẻ nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút, 5-6 cơn trong 2 ngày.

Qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ của khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Ma)i đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Các bác sĩ đã cho bệnh nhi được lọc chì, ổn định sức khoẻ. Tuy nhiên những di chứng do ngộ độc chì có nguy cơ sẽ kéo dài.

Theo các chuyên gia y tế, chì là một chất cực độc, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể sẽ theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa… gây các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói…. Để tự thải trừ chì ra khỏi cơ thể đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề do không kiểm soát được

 

Tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm” tại Hà Nam

http://viettimes.vn/tap-huan-nang-cao-nang-luc-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tai-ha-nam-145466.html

Đây là lớp tập huấn thứ 3 được Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh tổ chức tại 3 huyện với với 426 học viên tham dự; theo kế hoạch, từ ngày 08-10/11/2017 sẽ tổ chức tiếp 03 lớp tập huấn trên địa bàn 03 huyện/thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 813/KH-BCĐ ngày 18/10/2017 của Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Hà Nam về việc tổ chức các lớp tập huấn "Nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm" đối với Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tuyến huyện, xã năm 2017, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Hà Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm" đối với Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm huyện và 23 xã/thị trấn trên địa bàn huyện.

Về dự và chỉ đạo lớp tập huấn có ông Trần Viết Huệ - Phó Giám đốc Sở Y tế, Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh; Tham dự lớp tập huấn có Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm (Sở Y tế), Lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 175 đại biểu là Trưởng, phó và thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm huyện và 23 xã/thị trấn trên địa bàn huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện của 03 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương phố biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với tuyến tỉnh, huyện, xã; vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân nhân, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Lê Thị Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lý Nhân tổng kết và giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo của huyện và 23 xã/thị trấn huyện Lý Nhân tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương trong thời gian tới.

 

Quảng Trị: Phát động tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017

http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201711/quang-tri-phat-dong-thang-hanh-dong-quoc-gia-phong-chong-hivaids-nam-2017-2861215/

Ngày 10/11, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV, AIDS năm 2017 (từ 10/11/2017 – 10/12/2017) với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm – Hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020”.

Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hướng đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội, hay nói tổng quát hơn, đại dịch HIV/AIDS đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển của đất nước, tương lại và giống nòi. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được Việt Nam khẳng định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài với sự tham gia của toàn xã hội.

Tại tỉnh Quảng Trị, trong suốt hơn 20 năm đương đầu với đại dịch này, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Quảng Trị đã kiềm chế được tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,035%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS (là 0,3%).

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2017, số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 198 người (số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 11 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 37 bà mẹ); trong đó: có 62 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số bệnh nhân tử vong do AIDS toàn tỉnh tính đến thời điểm trên là 93 người.

Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Mai Thức ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong những năm qua.

Từ đó, để khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, cũng như giảm tác động tiêu cực của đại dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thời gian tới ông Mai Thức đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương  cần tăng cường giới thiệu, quảng bá về lợi ích của xét nghiệm HIV, tiếp cận sớm với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Kiện toàn hệ thống các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn toàn tỉnh, các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các Trung tâm Y tế cấp huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực, các phòng khám, phòng xét nghiệm tư nhân có khả năng thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Người nhiễm HIV và gia đình hãy tham gia bảo hiểm y tế, tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS…

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế, UBND huyện Vĩnh Linh đã trao quà ủng hộ cho người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

 

Sau gây mê, một bệnh nhân đau ruột thừa tử vong

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-benh-nhan-dau-ruot-thua-tu-vong-sau-gay-me-20171110092347391.htm

Vừa được các bác sĩ tiến hành gây mê, khi chuẩn bị phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bệnh nhân bị sốc phản vệ và tử vong sau đó.

Trao đổi với Dân Trí sáng nay (10/11), một lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, Sở đã nhận được báo cáo ban đầu về vụ bệnh nhân tử vong do sock phản vệ khi đang tiến hành phẫu thuật cắt dạ dày bằng phương pháp nội soi tại bệnh bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Sở cũng đang yêu cấu bệnh viện tiến hành kiểm thảo tử vong và gửi báo cáo nhanh bằng văn bản về Sở.

Theo bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng), vào sáng ngày 9/11, ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1974, trú tại thôn 13, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) vào đăng ký khám bệnh tại bệnh viện. 10h sáng cùng ngày, sau khi thăm khám ông Sơn được các bác sĩ chuyển vào khoa Ngoại của bệnh viện.

Tại Khoa, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt ruột thừa cho bệnh nhân Sơn bằng phương pháp mổ nội soi.

Bệnh nhân Sơn sau đó được chuyển đi gây mê. Tuy nhiên, khi gây mê xong và chuẩn bị phẫu thuật thì kíp phẫu thuật phát hiện huyết áp của bệnh nhân Sơn tụt nhanh dẫn đến bệnh nhân rơi vào tình trạng tim ngừng đập.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ nên tích cực hồi sức cấp cứu và điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, đến khoảng hơn 14h cùng ngày, sau hơn 2 tiêng cấp cứu tích cực, bệnh nhân Sơn đã tử vong do bị sốc phản vệ quá nặng.

Cũng theo bệnh viện, hiện đơn vị đang hoàn tất các qui trình để báo cáo Sở Y tế, đồng thời phối hợp với cơ quan công an làm rõ nguyên nhân.

 

Tưởng ngủ say, ai ngờ bị hôn mê sâu

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tuong-ngu-say-ai-ngo-bi-hon-me-sau-738742.html

BV Nhân dân 115, TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp hôn mê sâu do hạ đường huyết kéo dài, tình trạng bệnh nhân không được cải thiện sau điều trị.

Sáng 10-11, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết BV này vừa tiếp nhận một trường hợp hôn mê sâu do hạ đường huyết kéo dài. Điều đáng quan tâm tình trạng bệnh nhân không được cải thiện sau điều trị.

Bệnh nhân là bà HYV (78 tuổi, ở TP.HCM), mắc đái tháo đường đã lâu. Cách đây bốn tháng, bà V. té ngã và gãy kín cổ xương đùi trái, được điều trị bảo tồn. Sau đó, do đi lại khó khăn nên bà V. không đến BV mà tiếp tục sử dụng các toa thuốc trước đó mua uống. Vào thời điểm này, bà V. mất ngủ thường xuyên.

Cách nay hai tuần, bà V. phải vào BV địa phương vì cơn đau thắt ngực và được cho toa thuốc mới. Vài ngày sau, bà V. có biểu hiện ngồi không vững và ngủ gà. Cho rằng bà V. ngủ “bù” sau thời gian dài mất ngủ nên gia đình không đánh thức.

Hơn một ngày sau, bà V. vẫn ngủ li bì nên người nhà lay gọi. Do bà V. không tỉnh nên gia đình nhanh chóng đưa vào BV Nhân dân 115. Tại đây, các BS chẩn đoán bà V. bị hôn mê sâu, đường huyết mao mạch rất thấp, các chức năng sinh tồn khác trong giới hạn cho phép.

Các BS xử trí truyền tĩnh mạch dung dịch Glucose ưu trương và nâng mức đường máu. Tuy nhiên sau năm ngày điều trị, bà V. vẫn hôn mê sâu cho dù mức glucose trong máu đã bình thường.

ThS-BS Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, cho biết đây là trường hợp hôn mê hạ đường huyết nặng ở người đái tháo đường. Do phát hiện quá trễ (24 giờ sau khởi phát) nên người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê không hồi phục dù đã nâng mức glucose máu về bình thường.

“Người bệnh và thân nhân cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Đồng thời phải biết nhận định các triệu chứng hạ đường huyết để xử trí ban đầu. Trong trường hợp người bệnh đái tháo đường có biểu hiện ngủ li bì thì nên đánh thức để tránh rơi vào tình trạng hôn mê sâu” - BS Khoa lưu ý.

 

Hỗ trợ giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Bắc Giang

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34674802-ho-tro-giam-ti-le-tre-suy-dinh-duong-o-bac-giang.html

Hơn 2.000 trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh Bắc Giang đã được nhận hỗ trợ từ Chương trình cải thiện dinh dưỡng do Viện Dinh Dưỡng Quốc gia phối hợp với Amway thực hiện trong hai năm 2015- 2016.

Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chương trình còn truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho phụ huynh và giáo viên các trường tại các xã miền núi có nhiều trẻ suy dinh dưỡng và dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Giang.

Đây là năm thứ 3 Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia phối hợp cùng Amway thực hiện dự án Nutrilite Power of 5 này.

Sau Bắc Giang, năm nay chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện tại tỉnh Lào Cai. Theo đó, khoảng hơn 2000 trẻ em thiếu dinh dưỡng tại tỉnh sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.

Ông Leo Boon Wang, Tổng Giám Đốc Amway Việt Nam cho biết: “Kết quả đạt được trong 2 năm vừa qua là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình nhân văn này." Ông cũng khẳng định với sự phối hợp của đội ngũ chuyên gia từ Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, chương trình Nutrilite Power of 5 sẽ ngày càng được lan rộng hơn ở những địa phương còn khó khăn và tăng thêm số trẻ được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng đúng cách”.

 

Cần nâng mức khuyến nghị bổ sung canxi cho trẻ em

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34672202-can-nang-muc-khuyen-nghi-bo-sung-canxi-cho-tre-em.html

Đó là quan điểm của TS.BS Trương Hồng Sơn. Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khi chia sẻ về thực trạng khuyến nghị bổ sung canxi cho trẻ của Việt Nam hiện nay đang thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Sáng 10-11, Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Dinh dưỡng Nutricare đã tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh dưỡng cho trẻ em 2-6 tuổi” với sự tham gia của các Nhà khoa học, các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành y khoa nhằm trao đổi, cung cấp các thông tin khoa học cập nhật hữu ích về thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em từ 2- 6 tuổi.

Cần bổ sung canxi cao hơn cho trẻ em Việt

Theo phân tích, ở giai đoạn 2 đến 6 tuổi, trẻ sẽ tăng khoảng 8,5 kg và 28,5 cm nếu được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Đây cũng là giai đoạn hình thành các thói quen tốt về lựa chọn thực phẩm, tập luyện thể dục/ vận động - những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá thể khi trưởng thành.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, Việt Nam cần đưa ra mức khuyến nghị bổ sung canxi cao hơn, để tạo ra những đỉnh xương cao hơn hiện nay. Áp dụng theo tiêu chuẩn của nước Anh, mức bổ sung canxi cho người Việt Nam được khuyến nghị là 500-600mg/ngày, cao hơn một số nước ở châu Âu. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với rất nhiều nước trên thế giới. Thí dụ, tại Mỹ, người ta khuyến nghị bổ sung canxi cho trẻ 2-3 tuổi là 700 mg/ngày, từ 5-7 tuổi là bổ sung hơn 1.000 mg/ngày. Khi đưa ra mức khuyến nghị cao hơn, sẽ tạo ra mật độ xương, đỉnh xương cao hơn.

“Hiện nay, phụ nữ Việt Nam sau tuổi 45 có nguy cơ loãng xương rất cao. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng có khuyến nghị phụ nữ đến tuổi này uống sữa có bổ sung canxi và coi đây là giải pháp tốt. Nhưng đó chỉ là giải pháp phòng chống loãng xương, giảm mật độ xương. Do đó, chúng tôi đề nghị đẩy đỉnh xương của Việt Nam (vốn thấp so với thế giới) cao nhất là ở độ tuổi 20-25 để từ giai đoạn này, người Việt chú trọng đến bổ sung cho xương từ sớm” - BS Sơn cho biết.

Hiện nay, nhiều bà mẹ tự ý bổ sung canxi không có sự tư vấn kỹ càng của các chuyên gia dinh dưỡng. Trong khi, ma trận thuốc canxi lại đang làm người tiêu dùng bị loạn, chưa kể, một số thuốc canxi lại có lượng bổ sung rất lớn. Do đó, bổ sung như thế nào, giai đoạn nào với liều lượng ra sao, rất cần có sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo BS Sơn, cách bổ sung canxi an toàn nhất là bổ sung bằng thức ăn. Với trẻ em, khi bổ sung canxi phải theo chỉ định của bác sĩ để không quá liều, không làm ảnh hưởng đến hấp thụ các vi chất khác trong cơ thể. "Theo tôi, bổ sung đa vi chất tốt hơn đơn vi chất, đề phòng các vấn đề thiếu hụt khi có một chất tăng đột biến” - BS Sơn nói.

Theo khuyến nghị của thế giới, người lớn bổ sung canxi không quá 500 mg/lần, không quá hai lần/ngày. Nếu sử dụng liều canxi lớn, sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu hoặc khi canxi bổ sung nhiều quá đến mô mềm, đến mạch máu làm ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý về mạch, gây sỏi thận.

Cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng và béo phì

TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết, giai đoạn phát triển 2-6 tuổi của trẻ em hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng đang còn tồn tại thì vấn đề thừa cân cũng đã tăng nhanh, tạo ra gánh nặng kép về dinh dưỡng.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 2 – 5 chưa đa dạng. Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid < 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số Canxi/Photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (vitamin A, Fe, Zn,…). Ngoài ra, khẩu phần của trẻ có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, khu vực và mức kinh tế.

TS. BS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tình trạng thừa cân béo phì ở tuổi học đường đáng báo động. Theo một điều tra trên 500 trẻ béo phì cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở tuổi 6-10 khá cao. Đái tháo đường cũng đang bị trẻ hóa nhanh chóng, cá biệt có bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi. Các nước giải khát có ga được lứa tuổi này ưa chuộng thực chất cung cấp vượt quá 10% so với nhu cầu năng lượng của trẻ em. 20% trẻ có vấn đề giấc ngủ (theo một nghiên cứu của Mỹ) mà các bậc phụ huynh không biết.

Độ tuổi 2-6 tuổi cũng là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm). Trẻ trong độ tuổi này đặc biệt dễ mắc nhiều bệnh như còi xương, thiếu máu, nhiễm giun sán, tiêu chảy,…Do đó, PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị, trẻ cần được bổ sung thêm rau xanh, trái cây, ngũ cốc, bánh mỳ, sữa, sữa chua, phô mai, thịt, cá, trứng… với các khẩu phần tiêu chuẩn nhất định. Bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, cần rèn luyện cho trẻ 2-6 tuổi có chế độ luyện tập hợp lý như: Hoạt động thể chất ít chất 60 phút/ngày thông qua hình thức đi bộ, bơi lội, ném bóng,…; hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ xem TV, nghịch điện thoại, máy vi tính (dưới hai tiếng/ngày); nên để trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn…

Đối với trẻ suy dinh dưỡng, biếng ăn, có thể sử dụng sản phẩm có đậm độ năng lượng, dinh dưỡng cao theo công thức F75 và F100 của Tổ chức Y tế thế giới và một số chất bổ sung giàu acid amine, chất béo, vitamin và chất khoáng.

TS Trương Hồng Sơn bày tỏ, Việt Nam cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng. Ngoài chăm sóc dinh dưỡng, cũng cần quan tâm đến vấn đề rèn luyện thể chất, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ nhỏ. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất là nền tảng của sức khỏe, và cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Nhằm cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam, đến nay, nhiều chính sách, chương trình/dự án đã và đang được thực hiện, tiêu biểu như Dự án Bữa ăn học đường cung cấp thực đơn cân đối, hợp lý, đa dạng cho trẻ; Chương trình Sữa học đường nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hằng ngày.

 

Công nghệ khiến hoa quả nhập từ Trung Quốc về Việt Nam hạt mốc xanh nhưng vỏ vẫn tươi

http://dantri.com.vn/suc-khoe/cong-nghe-khien-hoa-qua-nhap-tu-trung-quoc-ve-viet-nam-hat-moc-xanh-nhung-vo-van-tuoi-20171111050442258.htm

Dưới tác dụng của thuốc chỉ sau hai ngày những trái chuối được ủ trong túi đã chín đều màu. Nếu không được kiểm soát, những tạp chất trong thuốc là những chất gây độc, gây ngộ độc thần kinh.

Hoa quả hạt mốc xanh nhưng vỏ vẫn tươi ngon

Hoa quả được nhập từ vùng biên về Việt Nam tràn lan trên thị trường với giá chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với hoa quả trong siêu thị, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này thì ai cũng biết, thế nhưng người tiêu dùng vẫn cứ ‘nhắm mắt cho qua’ vì cũng ‘chẳng biết đâu mà lần’.

Để những trái hoa quả có thể tươi lâu đến tận vài tháng trong khi bên trong ruột, hạt đã mốc xanh thì các thương lái phải sử dụng chất bảo quản. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có đến hàng nghìn loại chất bảo quản, không biết đâu mà lường.

PGS-TS Phạm Xuân Đà cho biết tình trạng rau quả Trung Quốc nghi chứa hóa chất bảo quản độc hại đã xuất hiện từ rất lâu, cơ quan chức năng nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng không phát hiện gì bất thường vì không đủ phương tiện và căn cứ để đọc tên hóa chất ấy. Hiện nay, có đến 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản rau quả được sử dụng nhưng labo trong nước chỉ có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại.

Đối với rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc, táo là một trong những loại khiến người tiêu dùng lo ngại hơn cả. Táo Trung Quốc vốn “đẹp mã”, ăn giòn, ngọt nhưng là loại trái cây tù mù về chất lượng nhất. Nhiều người đã từng mua phải loại táo kém chất lượng này cho biết, “Nhiều quả khi bổ ra thì hạt đã mốc xanh hoặc mục thối, trong khi vỏ ngoài vẫn trơn láng, ruột giòn tươi".

Hóa chất lạ ủ dấm hoa quả vẫn được thương lái Việt Nam không màng lợi nhuận mua về sử dụng, đồng nghĩa với việc không chỉ lợi ích mà sức khỏe của chính những người tiêu dùng đang bị đe dọa. Bởi hoa quả ngâm thuốc với nồng độ cao, bảo quản được nhiều ngày không chỉ mất chất dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều độc tố gây ung thư.

Loại thuốc nào đang được ‘phù phép’

Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng phát hiện một mẫu lê nhập từ Trung Quốc chứa dư lượng thuốc trừ sâu Endosulfan. Đây là hóa chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên Hiệp Quốc bởi độc tính cao, có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.

PGS.TS. Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cũng thừa nhận: “Để thí nghiệm, tôi đã mua quả lê Trung Quốc để ở phòng làm việc, đến nay hơn 5 tháng cũng chưa hỏng. Tuy nhiên, để kiểm nghiệm quả lê này được dùng chất gì để bảo quản mà vẫn tươi mới là điều rất khó khăn, vì trang thiết bị còn lạc hậu có nhiều chất không thể phát hiện được”.

Qua tìm hiểu, các tiểu thương cho hay, chỉ cần sử dụng một loại thuốc lạ ngâm với hoa quả vừa có thể khiến hoa quả chín đều màu vừa có thể bảo quản được hoa quả trong nhiều ngày. Loại thuốc này dạng nước được đựng trong một lọ nhựa màu trắng, trên bao bì lọ thuốc in nhiều tiếng Trung Quốc và cảnh báo nguy hiểm.

Cách làm khá đơn giản, chỉ việc hòa dung dịch vào nước, thả hoa quả xanh vào hỗn hợp trên 1 lúc rồi vớt ra cho vào tải, một hai hôm là hoa quả chín vàng.

Đây là một chất hóa học có tên là ethephon. Chất này có khả năng kích thích sinh trưởng thúc quả chín nhanh, thực chất không gây hại nhiều đến sức khỏe của người sử dụng.

PGS. TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN cho biết: "Ethephon là một dẫn xuất của axit photphoric. Theo FBA, ethephon là chất không độc".

Dưới tác dụng của thuốc chỉ sau hai ngày những trái chuối được ủ trong túi đã chín đều màu. Mặc dù, bản thân ethephon an toàn nhưng đối với các loại thuốc trôi nổi không qua kiểm định nào thì rất khó kiểm soát lượng tồn dư các tạp chất có trong nó.

PGS Trần Hồng Côn chia sẻ thêm: "Nếu không được kiểm soát, những tạp chất trong thuốc là những chất gây độc, gây ngộ độc thần kinh".

Tình trạng hoa quả kém chất lượng, được ủ thuốc vẫn cứ tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang trước việc lựa chọn mua gì, ăn gì hôm nay. Thậm chí các loại hoa quả này còn bị trà trộn với các loại hoa quả ‘xịn’ nên đôi khi người tiêu dùng vẫn ‘tiền mất tật mang’, mất tiền thật mua hàng giả.

 

Đột phá: Đẩy lùi lão hóa trong tế bào người

http://dantri.com.vn/suc-khoe/dot-pha-day-lui-lao-hoa-trong-te-bao-nguoi-20171110102036789.htm

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMC Cell Biology cho thấy có thể trẻ hóa những tế bào già nua của người bằng những chất tương tự như resveratrol, một chất có trong rượu vang đỏ và sôcôla đen.

Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Exeter và Brighton, Vương quốc Anh.

Lorna Harries, giáo sư về di truyền học phân tử tại Đại học Exeter, dẫn đầu các nhà nghiên cứu, và tác giả đầu tiên của bài báo là Tiến sĩ Eva Latorre, một cộng sự nghiên cứu tại cùng một viện.

Trước đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Exeter, đã nhận thấy rằng các yếu tố cắt nối (splicing factors - một loại protein) có khuynh hướng mất hoạt động khi chúng ta già đi.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã thêm những "resveralogue" – những chất tương tự resveratrol vào tế bào người và thấy rằng chúng tái hoạt hóa những yếu tố cắt nối, nhờ đó các tế bào già không chỉ biểu hiện trẻ hơn, mà chúng còn phân chia trở lại như những tế bào trẻ.

TS Latorre nói: "Khi tôi nhìn thấy một số tế bào trên đĩa nuôi cấy trẻ hóa, tôi đã không thể tin được. Những tế bào già này trông giống như tế bào trẻ. Thật là một điều kỳ diệu. Tôi đã làm lại thí nghiệm này nhiều lần và trong mỗi trường hợp, các tế bào đều trẻ hóa. Tôi rất phấn khởi vì ý nghĩa và tiềm năng của nghiên cứu này.

Resveratrol là chất có trong lạc (đậu phộng), nho, rượu vang đỏ, sôcôla đen, và một số quả mọng.

Yếu tố cắt nối ARN thông tin (mRNA) là gì?

Để hiểu rõ hơn về nội dung của những phát hiện mới, GS. Harries đã giải thích về yếu tố cắt nối mRNA là gì.

"Thông tin trong các gen của chúng ta được chứa đựng trong ADN", bà nói. "Tất cả các tế bào trong cơ thể đều mang những gen như nhau, nhưng không phải tất cả các gen đều hoạt động ở tất cả các tế bào. Đó là một trong những điều khiến tế bào thận trở thành tế bào thận và tế bào tim trở thành tế bào tim".

"Khi cần đến một gen nào đó," bà tiếp tục, "nó sẽ được “bật” và tạo ra một thông điệp ban đầu gọi là ARN, chứa các chỉ dẫn cho công việc của gen. Điều thú vị là hầu hết các gen đều có thể tạo ra không chỉ một thông điệp".

"Thông điệp ban đầu được tạo thành từ những “viên gạch” có thể được giữ lại hoặc bỏ ra để thành những thông điệp khác nhau. "Việc bao gồm hoặc loại bỏ những “viên gạch” này được thực hiện nhờ một quá trình gọi là cắt nối ARN thông tin, theo đó những “viên gạch” khác nhau được ghép nối với nhau khi cần thiết"

"Nó giống như một quyển sách công thức nấu ăn, nơi bạn có thể làm bánh xốp vani hoặc bánh sô cô la, tùy vào việc bạn có thêm sôcôla hay không!" bà ví dụ.

“Trước đây chúng tôi đã phát hiện ra rằng những protein quyết định xem liệu một “viên gạch” nào đó được ở lại hay bị bỏ đi (gọi là các yếu tố cắt nối) là những thứ thay đổi nhiều nhất khi chúng ta già đi.

Người cao tuổi có thể sống khỏe mạnh suốt đời

GS. Harries giải thích: "Các phát hiện chứng minh rằng khi bạn điều trị những tế bào già bằng các phân tử phục hồi mức yếu tố cắt nối, thì những tế bào đó lấy lại một số đặc điểm của tế bào trẻ.

"Chúng có thể phát triển, và các telomeres của chúng – phần mũ trên các đầu nhiễm sắc thể sẽ ngắn đi khi chúng ta già - bây giờ lại dài hơn, như ở tế bào trẻ."

"Chúng tôi đã khá ngạc nhiên bởi mức độ của những phát hiện này”. Hiệu ứng trẻ hóa kéo dài nhiều tuần, cũng rất đáng phấn khởi.

Khám phá này có thể sớm cải thiện sức khoẻ của người cao tuổi. GS. Harries giải thích: "Đây là bước đầu tiên trong cố gắng giúp người cao tuổi sống với tuổi thọ bình thường, nhưng khoẻ mạnh suốt đời.

GS. Richard Faragher, đồng tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Brighton, đưa ra nhận xét: "Khi khả năng của chúng ta biến những kiến thức mới về cơ chế lão hóa thành các loại thuốc và hướng dẫn lối sống bị hạn chế bởi tình trạng thiếu kinh phí mãn tính, thì người cao tuổi đang phải hưởng sự chăm sóc yếu ớt bởi một nền khoa học tự mãn. Họ cần hành động thực tế để hồi phục sức khỏe và cần điều đó từ lâu rồi".

GS Harries cũng chia sẻ một phần kế hoạch của các nhà nghiên cứu trong tương lai. "Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem những thay đổi về mức độ yếu tố cắt nối (nguyên nhân) đã cứu tế bào như thếnào. Chúng tôi đang có nhiều sự chuẩn bị cho lĩnh vực này!"

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang