Thanh Hóa: Hơn 100 nghìn dân “bãi ngang” mòn mỏi chờ được cấp BHYT
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc người dân vùng bãi ngang được cấp thẻ BHYT miễn phí từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, đến nay hơn 100.000 người dân thuộc vùng bãi ngang ở Thanh Hóa vẫn chưa được cấp thẻ BHYT để hưởng quyền lợi theo chính sách.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 37 xã bãi ngang thuộc các huyện ven biển như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Đây đều là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc; Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015.
Tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Thông tư liên tích số 41/2014 của liên Bộ Y tế và Tài chính về hưỡng dẫn thực hiện Luật BHYT cũng nêu rõ: Người dân thuộc các xã bãi ngang sẽ được hưởng cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Chính sách, chủ trương, quy định là vậy nhưng đến thời điểm này (tháng 12/2015) khoảng 118.000 nghìn dân thuộc các xã bãi ngang của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có người dân nào được nhận được thẻ BHYT theo quy định. Một sắp qua đi, người dân nới đây đã gặp không ít khó khăn trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế. Chính sách người dân đáng ra phải được hưởng nhưng đã bị cấp trên “phớt lờ”.
Bà N.T.C (51 tuổi), thôn Hải Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết, cuối năm 2014 bà cùng mọi người trong gia đình được biết đến chính sách của nhà nước quy định, năm 2015 người dân bãi ngang sẽ được cấp miễn phí thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết tháng 12 bà cùng các thành viên trong gia đình vẫn chưa có ai được nhận thẻ BHYT theo quy định của Chính phủ.
“Đầu năm 2015 không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác rất phấn khỏi vì biết từ nay có thẻ BHYT của nhà nước cấp miễn phí để đi khám chữa bệnh. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu, người dân như chúng tôi cũng không biết hỏi ai”, bà C nói. Trong gia đình bà C, ngoài chồng có thẻ BHYT theo diện chính sách (thương binh) thì hiện vẫn còn 3 thành viên chưa có thẻ BHYT.
“Chờ không thấy có thẻ BHYT của nhà nước cấp, tôi nhiều lần đi mua BHYT tự nguyện để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh nhưng do luật sửa đổi, thủ tục rườm rà nên đến nay nhiều người trong gia đình vẫn chưa có thẻ BHYT. Nhiều lần tôi phải lên bệnh viện tỉnh khám bệnh rất tốn kém, mà thu nhập của gia đình lại chẳng được là bao”, bà C bùi ngùi.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: “Từ đầu năm đến nay xã chưa nhận được thông báo hay hướng dẫn nào về việc người dân trong xã được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí. Đến thời điểm này cũng chưa có người dân nào phản ánh về việc này với chính quyền địa phương”. Toàn xã Hoằng Trường hiện có 2.300 hộ với 10.500 khẩu, trừ các đối tượng chính sách được hưởng BHYT thì cả xã có gần 10.000 người hiện vẫn chưa có thẻ BHYT theo diện người dân bãi ngang mà Chính phủ quy định.
Không chỉ người dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa mà nhiều người dân các xã như: Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc… của huyện Hậu Lộc; hàng nghìn người dân vùng bãi ngang của huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được thẻ BHYT theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Đảng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết: “Đến thời điểm này (10/12) xã vẫn chưa cấp thẻ BHYT (dành cho người dân vùng bãi ngang) cho ai cả. Xã cũng biết đến chính sách nhưng vẫn chờ cấp trên triển khai. Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hội đồng nhân dân huyện nhiều người dân cũng đã có ý kiến kiến nghị, nhiều người dân cũng có đến xã hỏi, chúng tôi cũng đã có báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai”.
Cũng theo ông Đảng, toàn xã Hưng Lộc hiện có khoảng 2.812 hộ với 12.700 khẩu. Cả xã đã có khoảng 60% người dân được hưởng BHYT theo diện các đối tượng chính sách, hiện vẫn còn khoảng 6.000 dân chưa nhận được thẻ BHYT theo quy định dành cho người dân vùng bãi ngang của Chính phủ.
Ông Hoàng Quốc Hà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hậu Lộc cho hay, Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 phòng có nắm bắt được nên từ đầu năm 2015 đã chỉ đạo các xã tổng hợp số liệu, đối tượng để khi nào có chỉ đạo của cấp trên thì triển khai.
“Đến hết tháng 11/2015 chúng tôi vẫn chưa thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho bất cứ trường hợp nào. Cái này tự huyện cũng không thể tự ý làm được, mà phải chờ chỉ đạo của tỉnh hoặc các Sở. Chúng tôi cũng đã 2 lần làm văn bản gửi Sở LĐTB&XH để hỏi nhưng không được trả lời. Do vậy, người dân vùng bãi ngang của huyện đang chịu thiệt thòi, vì chính sách đã có nhưng người dân chưa được hưởng”, ông Hà nói. http://dantri.com.vn/suc-khoe/hon-100-nghin-dan-bai-ngang-mon-moi-cho-duoc-cap-bhyt-20151210133228786.htm
Đường dây nóng tại một số cơ sở y tế ‘không ai nghe máy’
Qua kiểm tra, Bộ Y tế phát hiện có 304 số điện thoại “đường dây nóng” gọi 3 lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thông báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn…
ộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc một số sở y tế các tỉnh và các BV Thống Nhất, Mắt TW, Tâm thần TW 1, Bệnh Nhiệt đới TW, E, Phổi TW, Y học cổ truyền TW, Phong và Da liễu TW Quy Hòa, Phong và Da liễu TW Quỳnh Lập, Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực máy điện thoại trực đường dây nóng.
Từ ngày 15/11, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Công ty viễn thông Viettel triển khai hệ thống Tổng đài tự động trực đường dây nóng 1900-9095 để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và thực hiện chuyển cuộc gọi của người dân đến các đơn vị xử lý theo 3 cấp trực lãnh đạo: Bệnh viện, Sở Y tế và Bộ Y tế qua số điện thoại di động Viettel đã cấp cho từng đơn vị từ năm 2014.
Để việc chuyển cuộc gọi từ tổng đài đến số điện thoại trực đường dây nóng của các đơn vị đảm bảo hiệu quả, trong thời gian từ ngày 24-27/10/2015, Bộ Y tế phân công cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất việc trực của các đơn vị.
Qua kiểm tra, đã phát hiện có 304 số điện thoại nhân viên gọi 3 lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thông báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”.
Trước tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế nói trên nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Bộ Y tế trước ngày 25/12 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, việc bỏ trực đường dây nóng cũng như từ chối nghe của các cơ sở y tế như vậy trước hết làm mất cơ hội phản ánh của người dân trước những vấn đề, vụ việc xảy ra cần trợ giúp, thứ nữa, đây thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm chưa cao của người trực.
Theo ông Trường, nhất định những tập thể, cá nhân mắc sai phạm này sẽ phải chịu xử lý cắt thi đua hàng tháng, thi đua năm và như thế “chúng tôi sẽ đánh vào cái dạ dày của họ” - ông Trường nhấn mạnh.
Nhân đây, ông cho biết thêm, từ sự hỗ trợ hợp tác của Viettel, bước sang năm 2016, toàn ngành sẽ chỉ công bố hiện diện duy nhất 1 số điện thoại đường dây nóng trên toàn quốc là 1900-9095. Các cuộc gọi đến số này sẽ được tổng đài chuyển cho nơi, người có chức năng cũng như địa bàn gần nhất giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, “giống cách điều hành các hệ thống khẩn cấp khác như 113 (công an), 115 (cấp cứu)... Và như thế, tại Bộ Y tế, chúng tôi cũng có thể biết được tình trạng hoạt động của các số điện thoại trực đường dây nóng của các cơ sở (vẫn được đăng ký, duy trì mặc dù không công khai).
Ông Trường cũng cho hay, sắp tới Viettel sẽ đưa vào ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng cũng như cuộc trao đổi giải quyết giữa người dân và người có trách nhiệm trực. Từ đó, có thể truy cứu lại bất kỳ cuộc gọi nào để làm rõ từng vụ việc, vấn đề (nếu cần thiết).
Được hỏi về hướng xử lý ra sao của ngành đối với những cuộc gọi sai chức năng đường dây nóng cũng như các cuộc gọi bịa đặt, vu khống, xúc phạm đến cán bộ ngành y tế, ông Trường cho hay: Viettel có giải pháp để chuyển những cuộc gọi sai chức năng, mục đích này sang một số điện thoại khác có tính cước phí tuỳ theo nhu cầu của người gọi (có báo trước mức tính phí này) và chuyển cơ quan chức năng những bản lưu ghi âm những cuộc gọi vi phạm pháp luật để họ xử lý theo thẩm quyền.
Với những thay đổi mang tính căn bản như vậy, ông Trường cho hay, nhất định hiệu quả từ đường dây nóng sẽ được nâng cao một bước đáng kể. http://daidoanket.vn/xa-hoi/duong-day-nong-tai-mot-so-co-so-y-te-khong-ai-nghe-may/79063
Bộ gọi, đường dây nóng của 366 bệnh viện lạnh tanh
Theo Bộ Y tế, có 304 số điện thoại đường dây nóng của các bệnh viện nhưng gọi 3 lần không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại báo không tồn tại, 40 số tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo tạm ngắt.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Sở Y tế và các Bệnh viện Thống Nhất, Mắt T.Ư, Tâm thần T.Ư 1, Bệnh nhiệt đới T.Ư, E, Phổi T.Ư, Y học cổ truyền T.Ư, Bệnh viện Phong và Da liễu T.Ư Quy Hòa, Bệnh viện phong và Da liễu T.Ư Quỳnh Lập, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực điện thoại đường dây nóng.
Theo Bộ Y tế, cuối tháng 10 vừa qua, Bộ đã phân công cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất các đường dây nóng của các bệnh viện, qua kiểm tra phát hiện như trên.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc xử lý các đơn vị, cá nhân có liên quan, báo cáo về Bộ Y tế chậm nhất trước 25-12-2015.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết qua mạng xã hội Facebook bà đã nhận được phản ánh của người bệnh về tình trạng “cò” bệnh viện tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Ngay ngày 10-12, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Mắt kiểm tra, xử lý tình trạng cò bệnh viện. http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151210/bo-goi-duong-day-nong-cua-366-benh-vien-lanh-tanh/1018405.html
Bộ Y tế 'bất lực' khi gọi vào đường dây nóng của 366 bệnh viện
Theo Bộ Y tế, có 304 số điện thoại đường dây nóng của các bệnh viện nhưng gọi 3 lần không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại báo không tồn tại, 40 số tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo tạm ngắt.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Sở Y tế và các Bệnh viện Thống Nhất, Mắt T.Ư, Tâm thần T.Ư 1, Bệnh nhiệt đới T.Ư, E, Phổi T.Ư, Y học cổ truyền T.Ư, Bệnh viện Phong và Da liễu T.Ư Quy Hòa, Bệnh viện phong và Da liễu T.Ư Quỳnh Lập, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực điện thoại đường dây nóng.
Theo Bộ Y tế, cuối tháng 10 vừa qua, Bộ đã phân công cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất các đường dây nóng của các bệnh viện, qua kiểm tra phát hiện như trên.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc xử lý các đơn vị, cá nhân có liên quan, báo cáo về Bộ Y tế chậm nhất trước 25-12-2015.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết qua mạng xã hội Facebook bà đã nhận được phản ánh của người bệnh về tình trạng “cò” bệnh viện tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Ngay ngày 10-12, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Mắt kiểm tra, xử lý tình trạng cò bệnh viện. http://vtc.vn/bo-y-te-bat-luc-khi-goi-vao-duong-day-nong-cua-366-benh-vien.321.585084.htm
Sẽ xử lý nếu không trực đường dây nóng y tế
Có 304 số điện thoại nhân viên gọi ba lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thống báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và một số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”.
Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường vừa có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, giám đốc một số BV trực thuộc Bộ đề nghị kểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực máy điện thoại trực đường dây nóng.
Theo ông Trường, để việc chuyển cuộc gọi từ tổng đài đến số điện thoại trực đường dây nóng của các đơn vị đảm bảo hiệu quả, trong thời gian từ ngày 24-10 đến ngày 27-10, Bộ Y tế đã phân công cán bộ gọi điện thoại kiểm tra đột xuất việc trực của các đơn vị.
Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều đơn vị không thực hiện nghiêm túc chế độ trực điện thoại đường dây nóng theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, có 304 số điện thoại nhân viên gọi ba lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thống báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và một số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”.
Các BV thuộc Bộ có đường dây nóng bị “nguội” là BV Thống Nhất (TP.HCM), BV Mắt Trung ương, BV Tâm thần Trung ương 1, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV E, BV Phổi Trung ương, BV Y học cổ truyền Trung ương, BV Phong và Da liễu Trung ương Tuy Hòa, BV Phong và Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí.
Trước tình trạng nêu trên, ông Trường cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý theo quy định. http://phapluattp.vn/suc-khoe/se-xu-ly-neu-khong-truc-duong-day-nong-y-te-599490.html
Bộ Y tế cảnh báo nạn bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) vừa yêu cầu các Sở Y tế cảnh giác với người bệnh về tình trạng nhiều vụ bắt cóc và buôn bán trẻ sơ sinh ngay trong bệnh viện.
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết thời gian qua, tại một số cơ sở y tế tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ kẻ xấu trà trộn vào viện bắt cóc trẻ sơ sinh với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có buôn bán trẻ.
Hiện Bộ chưa có thống kê chính thức, song ghi nhận đã có hàng chục vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ngay trong phòng hộ sinh. Điển hình như vụ Nguyễn Thị Bích Trâm giả dạng thân nhân lẻn vào Bệnh viện quận 7, TP HCM, bắt cóc bé trai mới sinh được một ngày. Điều tra cho thấy Trâm liên quan đến đường dây mua bán trẻ em cực lớn tại Sài Gòn, chỉ trong thời gian ngắn nhóm đối tương đã thực hiện trót lọt 20 vụ. Một trường hợp khác là Nguyễn Thị Lệ đã bị bắt và lãnh án 10 năm tù vì hành vi giả làm nhân viên y tế bắt cóc bé trai sơ sinh tại Bệnh viện phụ sản trung ương.
Một số chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng tại Việt Nam cho rằng để xảy ra tình trạng trên, phần lớn do lỗ hổng an ninh ở các cơ sở y tế. Hiện nay tại nhiều bệnh viện phụ sản, việc quản lý trẻ sơ sinh chưa được quan tâm đặc biệt, quy trình xuất viện chưa được kiểm soát chặt, dẫn đến người không phải thân nhân, không có giấy tờ vẫn có thể đưa trẻ ra khỏi phòng. Thực trạng này có nguyên nhân sâu xa từ vấn nạn quá tải, quy trình bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân còn nhiều bất cập, ngay cả nhân viên y tế cùng bệnh viện cũng không biết hết mặt nhau, chưa kể một lượng lớn sinh viên thực tập cũng mặc áo nhân viên... Đại diện Bộ cho rằng đây là cơ hội để kẻ gian len lỏi vào bắt cóc trẻ.
Hầu hết mô hình thiết kế bệnh viện phụ sản với phòng nội trú của bệnh nhi nằm phía trong, phòng bác sĩ và hộ lý ở ngay bên ngoài, nhưng không phải lúc nào các y bác sĩ cũng mở cửa để nhìn xem có gia đình nào bế trẻ đi đâu không. Trong khi đó ở một số bệnh viện đa khoa, phòng bác sĩ hộ lý và phòng nội trú của sản phụ cùng bé sơ sinh không gần nhau thì việc theo dõi trẻ càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ mỏng, tinh thần cảnh giác của người dân chưa cao, bệnh viện nhiều cổng ra vào, tình hình xã hội phức tạp gây không ít khó khăn cho công tác an ninh, khó phát hiện kẻ gian giả danh bác sĩ, y tá để lừa đảo người nhà, bệnh nhân.
Vụ trưởng Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em yêu cầu các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế bệnh viện. Các cơ sở y tế cần tăng cường công tác bảo vệ an ninh, phát hiện, phối hợp xử lý kịp thời các hành vi xâm hại trẻ sơ sinh. http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bo-y-te-canh-bao-nan-bat-coc-tre-so-sinh-o-benh-vien-3325509.html
Ung thư sẽ tăng mạnh ở Việt Nam trong 5 năm tới
Năm 2010 ở Việt Nam có hơn 126.000 ca ung thư mới phát hiện, ước tính trong năm 2020 sẽ có ít nhất gần 200.000 người mắc bệnh, dẫn đầu là ung thư phổi ở nam và ung thư vú ở nữ.
Gíao sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP HCM cho biết dù đã đầu tư nhiều cho việc phòng chống bệnh nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó 73% là các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh ung thư, tim mạch, phổi mạn tính và đái tháo đường.
Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng nhanh ở phần lớn các nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định đây là nạn dịch đã xảy ra trong hiện tại. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển. Hiện khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.
Tại các nước phát triển, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau tim mạch. Ở các nước đang phát triển, ung thư đứng hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng và tim mạch. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới toàn cầu. Ở nữ, ung thư vú là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu ở các nước đang phát triển. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở cả hai giới.
Năm 2010 ở Việt Nam có 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả hai giới, trong đó hơn 54.000 nữ và 72.000 nam. Ước tính trong năm 2020 sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mới mắc. Tỷ lệ mắc mới ung thư ở nam là 101.000 ca. Dẫn đầu là ung thư phổi, sau đó đến dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến... Tỷ lệ mắc mới ở nữ là 83.385 ca, nhiều nhất lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung, giáp trạng, buồng trứng...
Hiện tỷ lệ hiểu biết cơ bản đúng của người dân về ung thư còn rất thấp. Kết quả nghiên cứu gần đây tại 12 tỉnh thành cho thấy 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm muộn gì cũng thế. 35,8% người nghĩ ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết. Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2020 khoảng 70% người trưởng thành hiểu biết đúng về bệnh ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới xác định phòng ngừa là chiến lược dài lâu có hiệu quả kinh tế nhất để kiểm soát ung thư. Hiệp hội Quốc tế Phòng chống ung thư cho biết "có thể phòng ngừa 40% tất cả các ung thư". Phòng ngừa làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bớt đi số ca ung thư mới, từ đó giảm gánh nặng ung thư. Một số yếu tố nguy cơ cao gây ung thư theo WHO là:
- Khói thuốc lá.
- Tăng trọng hoặc béo phì.
- Ăn không lành, ít trái cây và rau củ.
- Thiếu vận động thân thể.
- Uống rượu nhiều.
- Nhiễm HPV theo đường tình dục.
- Nhiễm HBV và HCV.
- Bức xạ ion hóa và tia UV.
- Các ung thư nghề nghiệp.
- Ô nhiễm môi trường thành thị.
- Khói bụi trong nhà do nấu nướng với nhiên liệu rắn.
Các chuyên gia khuyến cáo cần làm giảm xuất độ ung thư bằng cách kiểm soát hoăc loại bỏ sự phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ hoặc gia tăng sự đề kháng cá nhân với các yếu tố nguy cơ này bằng văcxin hoặc hóa phòng ngừa. Việc tầm soát phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả điều trị bệnh. Cần xây dựng lối sống lành mạnh với dinh dưỡng và vận động hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng. http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu-se-tang-manh-o-viet-nam-trong-5-nam-toi-3324990.html
Mực giả nghi làm bằng cao su vừa bị bắt: Chỉ tiêu hủy sẽ không triệt để
Mực khô nghi giả vừa bị bắt tại Cà Mau, các chuyên gia cho rằng để triệt để giải quyết cần kiểm nghiệm mẫu mực đó.
Chiều 9/12, Công an TP. Cà Mau vừa tiếp nhận hồ sơ từ Công an phường 5 về vụ việc một đối tượng ở Sóc Trăng chở khô mực bán với giá cực rẻ, nghi được làm giả bằng cao su, với tang vật là nhiều ký mực khô.
Công an phát hiện Nguyễn Văn Lẹ (30 tuổi, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) chở khô mực với số lượng khá lớn từ Sóc Trăng về đường Hùng Vương (phường 5, TP Cà Mau) để bán dạo với giá không tới 300.000 đồng/kg.
Người dân ở đây cho biết giá mực Lẹ bán rẻ bằng nửa giá thị trường, nhìn thì ngon nhưng nướng lên thì không ăn được. Vì vậy, cơ quan công an đã mời Lẹ về phường kiểm tra và tạm giữ số hàng hóa của Lẹ để kiểm nghiệm.
Trao đổi với VTC News, PGS. TS. Hồ Phú Hà, trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho biết: "Để biết được đó có phải mực giả hay không, cần có xét nghiệm chứ không thể dựa vào cảm quan. Nếu muốn biết rõ, mực đó giả từ đâu, cần gửi đến cho chúng tôi mẫu. Chúng tôi sẽ phân tích và trả lời dựa trên những chứng cứ cụ thể".
Đồng quan điểm, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia thực phẩm cho rằng: Cách duy nhất để biết là mực giả hay không cần lấy mẫu đó đi kiểm tra. Nếu chỉ tịch thu rồi tiêu hủy thì không có ý nghĩa gì và làm như vậy không triệt để.
Trao đổi trên báo chí, một chuyên gia cho rằng, nếu người tiêu dùng vô tình ăn các loại thực phẩm làm giả từ nhựa và cao su. Sau một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, thần kinh không ổn định, và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày, ung thư, chảy máu dạ dày...
Loại nhựa tổng hợp làm ra những loại thực phẩm giả này cũng rất độc hại đối với cơ thể người, về lâu dài sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Ăn những chất độc này là một trong những yếu tố gây ra sai lệch, và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai sử dụng có thể bị ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai, sinh con quái thai, dị dạng.
Trước đó, thông tin mực nghi giả làm từ cao su cũng nhiều lần làm xôn xao dư luận. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo giải quyết.
Báo cáo kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mực khô trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, cho thấy: Kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng (kiểm nghiệm chỉ tiêu Protein và chỉ tiêu chất xơ) và an toàn sản phẩm (Chất bảo quản, phẩm màu kiềm, chỉ tiêu vi sinh) của mẫu mực khô xé sợi không phát hiện thấy mực “cao su”, “mực cenlulose” trên địa bàn tỉnh.
Mẫu sản phẩm kiểm nghiệm có nguồn gốc từ động vật, không có chất xơ, không chứa phẩm màu công nghiệp. Chất bảo quản sản phẩm trong danh mục và giới hạn cho phép; các chỉ tiêu vi sinh vật trong mẫu đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Tuy nhiên, khi đơn vị này kiểm tra 135 cơ sở, nhiều cơ sở không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mực. Bản thân ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục ATTP vẫn luôn cảnh báo: Mua sản phẩm cần có nhãn mác xuất xứ hàng hóa và mua ở nơi tin cậy. http://vtc.vn/muc-gia-nghi-lam-bang-cao-su-vua-bi-bat-chi-tieu-huy-se-khong-triet-de.649.584986.htm
Mực tẩy trắng, tôm tạo nạc tiềm ẩn nguy cơ ung thư
Cơ thể ra sau khi ăn phải mực tẩy hóa chất, tôm tươi tạo nạc, tôm khô tẩm phẩm màu? Làm thế nào để phân biệt, chọn lựa được hải sản an toàn... là câu hỏi người tiêu dùng quan tâm.
Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng chất tẩy rửa công nghiệp, không có trong danh mục phụ gia như nước giaven, sunfit, oxy già... để tẩy trắng mực, tôm. Đồng thời, họ chế thêm phẩm màu để biến tôm thối, hư hỏng thành tôm khô bắt mắt. Chưa kể, một số hộ chăn nuôi dùng chất cấm salbutamol để tăng trọng, tạo nạc. Tất cả những hóa chất này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Gây các bệnh về đường ruột, niêm mạc
PGS-TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm nhận định, sử dụng loại oxy già công nghiệp để tẩy trắng mực gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng vì chúng có các tạp chất, gây nên các bệnh khác nhau về đường ruột, thần kinh, niêm mạc… Trong trường hợp phải dùng đến oxy già tức là mực đã hư hỏng, ôi, kém chất lượng.
Chưa kể, nhiều cơ sở còn sử dụng những chất độc hại như nitorat để phù phép mực thối thành tươi ngon, trong khi hóa chất này tác dụng với axit amin của thịt và cơ thể sẽ tạo thành Nitrozamine - chất gây ung thư.
Đối với tôm, không chỉ sử dụng các chất tẩy rửa kể trên, trong quá trình sấy khô, để sản phẩm có màu vàng tươi, bền, đẹp, nhiều cơ sở sử dụng phẩm màu tổng hợp từ than đá đặc biệt nguy hại với cơ thể người.
Các chất như HT Brown, E105, E102… trong phẩm màu tổng hợp gây tăng động ở trẻ, dị ứng hoặc suy giảm chức năng sinh dục, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú...
Về salbutamol "siêu tăng trọng, tôm lớn nhanh”, PGS-TS Trần Đáng khẳng định, việc ăn phải các loại hải sản có chất cấm này ảnh hưởng rất xấu, gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, thậm chí, tích tụ lâu ngày có thể dẫn tới ung thư.
Cách nhận biết mực, tôm "ngậm" hóa chất
Theo PGS-TS Trần Đáng, người tiêu dùng có thể nhìn cảm quan để phân biệt mực tươi ngon và mực đã qua ngâm rửa hóa chất. Các loại mực được tẩy thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Mực ôi có màu xanh nhạt, thịt nhão, đầu không dính với thân, mùi rất tanh.
Đối với mực ống, người tiêu dùng nên chọn con to, thịt hơi hồng, đầu dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Mực nang nên chọn con to, thịt chắc, không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều toàn thân. Mực còn tươi sẽ có tính đàn hồi cao, khi xào nấu có hương thơm tự nhiên.
Đối với tôm khô, người tiêu dùng nên tìm tới những cơ sở uy tín, nắm bắt xuất xứ, nguồn gốc của tôm. Nếu vùng nuôi bị nhiễm kháng sinh và các chất độc hại, chính con tôm tươi cũng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tôm khô tự nhiên màu thường kém bắt mắt, có màu hồng ở phần đuôi tôm, phần bụng hơi trắng ngà. Tôm tẩm hóa chất có thể là màu cam hoặc đỏ cam đều khắp thân tôm, ngâm nước lạnh hoặc nước nóng một lúc sẽ phai màu. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/278193/muc-tay-trang-tom-tao-nac-tiem-an-nguy-co-ung-thu.html
Kỳ họp thứ 20 – HĐND TPHCM khóa VIII: 6 sở, ngành... đăng đàn, vẫn thấy “tắc” về vệ sinh an toàn thực phẩm
HĐND TPHCM đã dành hết phiên đầu tiên trong sáng 10/12 để yêu cầu tất cả các sở-ngành liên quan và 2 quận trả lời về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau gần 2 tiếng làm việc, Chủ tịch HĐND TP vẫn chưa hài lòng và cho là các giải pháp còn chung chung.
Vấn đề thực phẩm “bẩn” tràn lan đã được các đại biểu HĐND TP phản ánh ngay từ ngày đầu diễn ra kỳ họp thứ 20 và đến ngày làm việc thứ 3 (10/12), các đại biểu tiếp tục chất vấn các cơ quan chức năng về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Hưng Út bức xúc: “Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ công nhân, chợ tự phát… hết sức đáng báo động. Các ban ngành có biện pháp gì đảm bảo an toàn cho người dân hay không? Vấn đề an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến nòi giống chúng ta trong thời gian dài, đề nghị thành phố phải giải quyết ngay!”.
Trước yêu cầu đặt ra rất bức thiết của người dân và các đại biểu, Chủ tịch HĐND TPHCM đã dành hơn nửa thời gian trong phiên đầu tiên của sáng 10/12 cho các đơn vị liên quan trả lời chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm. Bà Quyết Tâm nói: “Tôi đề nghị Sở Công thương, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Y tế và 2 quận có đông chợ truyền thống là Thủ Đức và Bình Tân tập trung trả lời về vấn đề này”.
Phát biểu đầu tiên, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương, cũng thừa nhận tình hình này hết sức phức tạp và sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế tình hình trên.
Ông cho biết: “Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ bản phải có 2 việc cần làm. Thứ nhất là chúng tôi nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thực phẩm tốt, chất lượng tốt để đưa vào hệ thống phân phối. Hôm nay, Saigon co.op đã công bố 176 điểm bán với cam kết là điểm bán an toàn, đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh tìm kiếm nguồn cung, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các điểm phân phối cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu và thường xuyên thực hiện”.
Chủ tịch HĐND TP vẫn chưa hài lòng. Bà cho rằng: “Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mà các đại biểu và người dân rất quan tâm, các sở ngành cần có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề”.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, đi thẳng vào vấn đề: “Thực sự là công tác quản lý, xử lý thực phẩm kém an toàn còn rất nhiều bất cập. Sở cũng từng có rất nhiều văn bản góp ý gửi thành phố, Bộ Nông nghiệp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”.
Ông lấy ví dụ trong việc xử lý sai phạm trong chăn nuôi. Quy định chỉ xử phạt sai phạm, sở kiến nghị sửa quy định cho tịch thu thực phẩm không an toàn từ hành vi sai phạm nhưng rất lâu mới sửa, sửa rồi cũng nửa vời khi cho doanh nghiệp tự quyết là tiêu hủy hay cho doanh nghiệp giữ lại. Với cách xử lý nửa vời trên ông cho là không đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Phước Trung nói: “Tôi đề xuất Trung ương xử lý mạnh hơn, có quy định chế tài nặng hơn đối với hành vi sai phạm này để mang tính răn đe cao hơn”.
Đến phần trả lời của Chi cục Quản lý thị trường Phan Hoàng Chiến, ông loanh quanh bằng việc liệt kê các đơn vị tham gia công tác này và chủ trương chỉ đạo các đơn vị phải phối hợp với nhau thực hiện công tác này. Chủ tịch HĐND TP phải ngắt lời ông và yêu cầu ông đi thẳng vào vấn đề, những gì chi cục đã làm và sẽ làm, có vướng mắc gì không.
Lúc này, ông Chiến mới liệt kê ra công tác 1 năm qua của chi cục là đi kiểm tra được 680 vụ và phát hiện 1 số vụ thực phẩm nhập lậu, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời ông cũng cho biết để làm tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều đơn vị, sở ngành.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Ở ngành nào, sở nào cũng đặt vấn đề phối hợp các sở ngành. Chỉ còn Sở Y tế chưa phát biểu thôi. Vậy vấn đề phối hợp ra sao? Các đồng chí cần nói rõ!”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian qua, sở cũng đã phối hợp cùng các lực lượng tiến hành nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, quán ăn đường phố nên tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố đã giảm so với trước. Cụ thể là chỉ có 2,34 vụ trên 100.000 dân”.
Ông cũng đồng tình là nhà nước cần có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa, cứng rắn hơn đối với hành vi sản xuất, công bố rõ tên các doanh nghiệp sai phạm, buôn bán thực phẩm bẩn.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết trên địa bàn quận có 12 chợ truyền thống, 1 đầu mối và rất đông sinh viên, công nhân nên có nhiều chợ tự phát. Thời gian qua quận cũng tiến hành làm nhiều đợt kiểm tra nhưng thực sự là quá sức vì thiếu nhân lực. Ông Nhân cho rằng: “Cần có lực lượng độc lập kiểm tra vấn đề này vì chỉ có thanh tra y tế là không đủ sức”.
Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng đồng tình và đề nghị cần có thêm lực lượng để tiếp sức thêm các lực lượng chuyên ngành trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn chưa hài lòng: “Hầu hết các giải pháp của các sở ngành còn rất chung chung, đơn vị nào cũng nói thiếu sự phối hợp đồng bộ và thiếu nhân lực. Sau buổi làm việc này, tôi nghĩ UBND TP cần có các giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để giải quyết vấn đề này vì vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn và người dân rất bức xúc”. http://dantri.com.vn/xa-hoi/6-so-nganh-dang-dan-van-thay-tac-ve-ve-sinh-an-toa-n-thu-c-pha-m-20151210161625528.htm
42% vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa xác định được căn nguyên
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, có đến 42% vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa xác định được căn nguyên bằng các xét nghiệm.
Đây là thông tin được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế công bố tại Hội thảo: “Bảo đảm An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại trường học", vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ năm 2010 - 2015, cả nước xảy ra hơn 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến 1.400 người nhập viện. Các vụ ngộ độc thực phẩm trường học tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc (12 vụ) và ở vùng Đông Nam Bộ với (10 vụ).
Nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc theo Cục An toàn thực phẩm trên là do việc khó kiểm soát chất lượng an toàn của nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học. Bên cạnh đó là những nguyên nhân khách quan, trong đó, vi sinh vật được xác định là tác nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học với tỷ lệ 18/38 vụ. Sau đó là các nguyên nhân ngộ độc do độc tố tự nhiên, hóa chất.
Điều đáng nói là có đến 42% vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học chưa xác định được căn nguyên bằng các xét nghiệm.
Để hạn chế những vụ ngộ độc thực phẩm trường học xảy ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng: Trách nhiệm trước hết thuộc về hiệu trưởng nhà trường sau đó là cơ quan quản lý địa phương. Bên cạnh đó phụ huynh học sinh cũng phải có trách nhiệm giám sát các bữa ăn tại trường học.
“Chúng ta phải có sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế, giữa cơ quan chức năng với nhà trường và Ban phụ huynh học sinh” - Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long nói./. http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/42-vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-truong-hoc-chua-xac-dinh-duoc-can-nguyen-240466.html
60% nguyên nhân ngộ độc trong trường học là do nhiễm vi sinh vật
Theo Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, 60% nguyên nhân ngộ độc là do nhiễm vi sinh vật.
Tại các tỉnh phía Nam, 4 năm gần đây, số vụ ngộ độc trong trường học chỉ chiếm 4% trong tổng số các vụ ngộ độc. Tuy nhiên, trẻ em vốn có sức đề kháng yếu nên hậu quả để lại rất nặng nề. Để giảm thiểu các vụ ngộ độc từ các bếp ăn tập thể từ trường học, ngày 9/12, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với Sở Y tế các tỉnh phía Nam để cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Theo thống kê của ngành y tế, tại các tỉnh phía Nam, các vụ ngộ độc trong trường học xảy ra theo mùa là tháng 3, 4 và tháng 7,8 hàng năm do đây là thời điểm các vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh, dễ xảy ra ngộ độc. Trong khi đó, các bếp ăn tập thể và căn tin trong trường học lại không cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn để hoạt động.
Các chuyên gia cũng lưu ý: 100% các vụ ngộ độc thực phẩm biến chất đều liên quan tới Histamine trong hải sản như cá ngừ, cá thu, cá cờ. Trong khi đó, đây là một trong những sản phẩm có giá thành rẻ, chất lượng kém khi bảo quản không đúng quy trình. Điều này cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm các cơ sở bếp ăn trong trường học cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa từ các ngành chức năng vì trẻ em vốn có sức đề kháng yếu nên hậu quả để lại rất nặng nề khi xảy ra ngộ độc thức ăn. http://vtv.vn/suc-khoe/60-nguyen-nhan-ngo-doc-trong-truo-ng-ho-c-la-do-nhiem-vi-sinh-vat-20151210155422359.htm
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Không thể bỏ qua “”lứa tuổi vàng”!
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp thiết đặt ra gần đây khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định kinh tế khu vực và thế giới. Để tạo ra một thế hệ lao động phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ cho đất nước trong thời kỳ mới cần bắt đầu từ “lứa tuổi vàng”.
“Lứa tuổi vàng” – giai đoạn phát triển quan trọng nhất
Theo nghiên cứu, sự phát triển về trí tuệ và khả năng học tập của một con người được hình thành và phát triển hơn 50% ở những năm đầu đời, khoảng 30% tiếp theo được phát triển cho đến khi trẻ 8 tuổi, từ đó trí tuệ con người sẽ tiếp tục phát triển trong quá trình học tập và làm việc trong những năm kế tiếp.
Riêng về thể lực, khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Bởi vậy, lứa tuổi từ 0-12 tuổi được xem là “lứa tuổi vàng” quyết định rất lớn đến thể chất và trí tuệ của mỗi con người.
Dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở lứa tuổi quan trọng này đang trong tình trạng báo động. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như: vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Trí tuệ không hoàn toàn phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng nhưng đối với mỗi con người trong tình trạng sức khỏe tốt hay nói cách khác thể chất và thể lực tốt thì luôn luôn đem lại hiệu quả công việc tốt hơn”
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.
Hậu quả của thiếu vi chất ảnh hưởng đến tầm vóc và trí tuệ của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. PGS.TS Lê DanhTuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) chobiết: “Thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm thiếu vitamin A, iốt, sắt, kẽm là các vấn đề sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em, đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động của người Việt Nam và nhiều mặt kinh tế - xã hội”.
Trong rất nhiều các chính sách được ban hành nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, Chương trình Sữa học đường đang được xem là giải pháp hiệu quả sau những kết quả khả quan đạt được tại 3 tỉnh đi đầu triển khai gồm: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và Bắc Ninh.
Chương trình Sữa học đường cần được đẩy mạnh
Ở 3 địa phương triển khai Chương trình Sữa học đường đã chứng minh hiệu quả rõ rệt đối với sự phát triển thể chất của trẻ cũng như mang lại tác động xã hội tích cực.
Bà Trương Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đồng Nai - khẳng định: Chương trình Sữa học đường tác động tốt đến chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm thực hiện, số trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng ở nhà trẻ giảm 2,9% (còn 8,3%), ở trẻ mẫu giáo giảm 2,3% (còn 8,7%); số trẻ suy dinh dưỡng chiều cao ở nhà trẻ giảm 3,3% (còn 9 %), ở mẫu giáo 2,6% (còn 10,1%).
Ông Ngô Văn Liên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục &Đào tạo Bắc Ninh - cho biết: “Thể lực của trẻ em ở độ tuổi mầm non trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Chương trình được Đảng bộ và nhân dân địa phương rất quan tâm, tạo dư luận tốt và nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện của nhân dân và phụ huynh trong việc triển khai”.
Là đơn vị đồng hành tích cực cùng 3 tỉnh triển khai Chương trình Sữa học đường, ông Nguyễn Hồng Sinh - Giám đốc Kinh doanh toàn quốc (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk) - chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta phải cân bằng giữa việc phát triển kinh tế xã hội hiện tại và việc đầu tư cho phát triển nguồn lao động, nguồn nhân lực cho tương lai. Chúng ta nên dành một phần để hỗ trợ thêm các cháu có điều kiện được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ nhằm phục vụ định hướng phát triển lâu dài của đất nước”.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin Chính phủ về Phát triển thể chất người Việt gần đây, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến cũng khẳng định, Chương trình Sữa học đường rất quan trọng và cần được triển khai trên 63 tỉnh thành, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao thể lực và trí tuệ của người Việt nam, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong thời kỳ mới. http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-khong-the-bo-qua-lua-tuoi-vang-1507018-c.html
Đình chỉ lưu hành nhiều thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Mới đây, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát hiện nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng và đã yêu cầu đình chỉ lưu hành, đồng thời tiến hành thu hồi các lô thuốc trả lại cho cơ sở cung ứng.
Theo đó, Sở Y tế đã đình chỉ lưu hành 2 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đơn vị này đã có công văn gửi các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về việc đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với viên nén bao phim Nestoflox 200 (Ofloxacin tablets 200mg), lô sản xuất OXTS-03, ngày sản xuất 30/1/2015, hạn dùng 29/1/2018, số đăng ký VN-13026-11 do Công ty Nestor Pharmaceuticals Limited, India sản xuất.
Mẫu thuốc được lấy tại nhà thuốc Hy Vọng, địa chỉ 308 đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Thanh Hoá. Kiểm tra cho thấy, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hoà tan theo USP 34.
Đồng thời, căn cứ công văn của Cục quản lý dược, Bộ Y tế đối với thuốc bột pha hỗn dịch uống Auclanityl 281,25mg; lô sản xuất 541014, ngày sản xuất 20/10/2014, hạn dùng 20/10/2017; số đăng ký VD-12366, do Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco sản xuât, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tính chất, độ mịn và định lượng acid clavulanic.
Sở Y tế Thanh Hóa đã thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các lô thuốc nêu trên; yêu cầu nhà thuốc Hy Vọng khẩn trương lập hồ sơ thu hồi lô thuốc bị đình chỉ lưu hành nêu trên trả lại cơ sở cung ứng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên toàn tỉnh Thanh Hóa khẩn trương thu hồi các lô thuốc bị đình chỉ lưu hành nêu trên (nếu có) và trả lại cho cơ sở cung ứng. http://dantri.com.vn/suc-khoe/dinh-chi-luu-hanh-nhieu-thuoc-khong-dat-tieu-chuan-chat-luong-2015121010225696.htm
Hà Nội: Sở Y tế đình chỉ lưu hành 3 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đã ban hành 3 văn bản thông báo đình chỉ lưu hành 3 loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo đó, Sở Y tế thông báo đình chỉ lưu hành đối với: thuốc vitamin PP 500mg do mẫu thuốc lấy tại Cty TNHH TM dược phẩm Hưng Anh không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tạp chất liên quan tiêu chuẩn cơ sở; thuốc Ocutop (dung dịch nhỏ mắt Tobramycin USP) do mẫu lấy tại Cty TNHH dược phẩm Linh Kiệt không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Tobramycin; thuốc viên nén bao phim Zidcef-200 (Cefpodoxime proxetil tablets USP 200mg) do mẫu lấy tại nhà thuốc Dũng Loan (thành phố Quảng Ngãi) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.
Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Chi nhánh Cty Cổ phần XNK y tế TP.HCM - Yteco tại Hà Nội, Cty TNHH dược phẩm Linh Kiệt, Cty TNHH TM dược phẩm Hưng Anh, Cty Cổ phần dược phẩm Hà Tây gửi thông báo thu và thu hồi triệt để các lô thuốc không đảm bảo chất lượng nêu trên gửi báo cáo về Sở Y tế trước ngày 23.12.2015.
Ngoài ra, các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi các lô thuốc không đảm bảo chất lượng nêu trên. Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý, tiến hành thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có). http://laodong.com.vn/suc-khoe/ha-noi-so-y-te-dinh-chi-luu-hanh-3-loai-thuoc-khong-dat-tieu-chuan-405322.bld
Sự thật về thông tin “cần sa y tế”
Cần sa được xếp vào loại chất cấm, song trong thời gian gần đây, một loại “cần sa y tế” lại được rao bán một cách công khai trên mạng xã hội với khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh từ bệnh vẩy nến, giúp bào thai trong bụng mẹ có tính cách tươi vui đến cả bệnh nan y như ung thư...
Tác dụng như thần dược?
Thời gian gần đây, trên một trang facebook có tên “Cần sa y tế” dù mới xuất hiện nhưng đã thu hút một lượng lớn người theo dõi trang này với lượt thích trang lên tới hơn 7.000 người. Trang facebook lấy hình đại diện là cây cần sa, đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về tác dụng thần kỳ của cây cần sa có thể chữa tất cả các loại bệnh. Từ cai nghiện rượu tới vẩy nến... thậm chí chữa bệnh nan y như ung thư... Xin trích dẫn nguyên văn một đoạn trong bài viết Cần sa y tế có thể giúp như thế nào? trên trang này: “Việc điều trị ung thư máu, cũng giống như những căn bệnh ung thư khác, sẽ thường đòi hỏi vài liệu trình hóa trị hoặc xạ trị. Trong khi hóa trị, xạ trị là phương pháp “chính quy” được nhiều bác sĩ nói rằng là phương pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất được biết đến hiện nay và chúng có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ rất có hại. Thì vài nghiên cứu khuyến nghị rằng cần sa y tế có thể giúp giảm các tác dụng phụ rất độc hại từ các liệu pháp điều trị khắc nghiệt và đồng thời kích thích sự thèm ăn để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để chiến đấu với căn bệnh ung thư... Dù sử dụng cần sa y tế kết hợp để giảm tác dụng phụ từ hóa trị, hay dùng cần sa y tế như một liệu pháp điều trị chính yếu, đều có nhiều khả năng thúc đẩy tỷ lệ kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân và trong nhiều trường hợp, cứu sống họ”.
Cần sa được xếp vào loại chất cấm, song trong thời gian gần đây, một loại “cần sa y tế” lại được rao bán một cách công khai trên mạng xã hội với khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh từ bệnh vẩy nến, giúp bào thai trong bụng mẹ có tính cách tươi vui đến cả bệnh nan y như ung thư...
Ngoài ra, trang facebook này còn đưa nhiều trường hợp ví dụ đã dùng cần sa để chữa khỏi căn bệnh ung thư máu với những lời lẽ kêu gọi. Đó là đoạn viết trong bài Tinh dầu cần sa chữa khỏi ung thư máu cho 1 bé trai 3 tuổi, mặc dù bác sĩ nói cậu chỉ còn 48 tiếng sống. Trang mạng xã hội nói trên tràn ngập những câu hỏi và lời khuyên về cách dùng cần sa chữa bệnh. Dù ngay đầu trang mạng viết rõ trang này “Không buôn hay bán bất cứ một món đồ gì liên quan đến cần sa” nhưng trang này lại đưa ra nhiều địa chỉ để ai có nhu cầu có thể tự liên hệ mua cần sa.
Cần sa và dẫn chất cần sa không phải là thuốc chữa bệnh
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chưa cần bàn đến những vấn đề khác nhưng ngay từ tên gọi của trang facebook “Cần sa y tế” đã có vấn đề dễ gây hiểu lầm cho người dân. Vì cần sa hay thuốc phiện đều là các loại cây làm nên các chất gây nghiện và tâm thần. Những cây cần sa hiện ở Việt Nam cấm trồng vì gắn với Luật Phòng chống ma túy. Nhưng trang mạng này lại gắn thêm chữ y tế vào sau từ cần sa để gây sự mập mờ cho cộng đồng. Như vậy, có thể nói trang facebook này đã vi phạm một lúc 3 luật: Luật Phòng chống ma túy, Luật Dược, Luật Khám, chữa bệnh.
Bởi theo Luật Khám, chữa bệnh, bất kể một phương pháp chữa bệnh nào, dùng thuốc hay không dùng thuốc đều phải được Bộ Y tế thừa nhận và cho phép. Thứ hai, trang này vi phạm Luật Dược bởi Luật Dược quy định chỉ những loại thuốc được phép đăng ký lưu hành (trong đó có thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất) đều phải nằm trong danh mục được Nhà nước cho phép và đây là cơ chế quản lý đặc biệt. Nếu sử dụng sai thuốc này là sử dụng trái phép chất ma túy.
Hơn nữa, trang facebook này dù không nói rao bán sản phẩm nhưng lại giới thiệu địa chỉ những nơi bán. Như vậy là một hành vi quảng cáo sản phẩm cấm. Luật Quảng cáo quy định chỉ được phép quảng cáo các phương pháp chữa bệnh đã được phép và có xác nhận các cơ quan chức năng của Bộ Y tế. Nếu chưa được xác nhận thì không được quảng cáo. Nếu vi phạm, sẽ đối chiếu với các điều luật để xử lý.
Dưới góc độ của người chuyên nghiên cứu và điều trị ung thư, PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, cần sa và các dẫn chất của cần sa không phải là thuốc điều trị ung thư. Tuy có một số chế phẩm được chiết xuất từ cần sa có vận dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư nặng ở giai đoạn cuối để giảm đau, hạn chế triệu chứng như nôn, mệt mỏi nhưng cách dùng và liều lượng như thế nào thì cần có chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý, nếu sử dụng cần sa trong thời gian lâu dài sẽ gây ra hậu quả khó lường: gây nghiện, nôn, buồn nôn, các bệnh tim mạch, các biến chứng tiêu hóa. Các trường hợp dùng thuốc và đặc biệt thuốc gây nghiện thì cần có đơn của bác sĩ. Nếu sử dụng cần sa quá 7 ngày sẽ dẫn tới khả năng gây nghiện cao.
PGS.TS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo, người mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Điều quan trọng là không được bỏ dở liệu trình điều trị do các bác sĩ đưa ra để đi theo các cách chữa bệnh khác. Như vậy sẽ làm mất đi thời gian vàng điều trị bệnh và rút ngắn cuộc sống của người bệnh. Nếu đã bị ung thư thì cần điều trị bằng biện pháp chính thống. Việc kết hợp các phương pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh cụ thể và theo chỉ định của thầy thuốc. http://dantri.com.vn/suc-khoe/su-that-ve-thong-tin-can-sa-y-te-20151210073043501.htm
Lật tẩy thầy lang chữa bệnh bằng… nước lã
Ngày 9-12, Công an huyện An Phú, An Giang phối hợp với Công an xã Vĩnh Hội Đông tổ chức mật phục bắt quả tang Huỳnh Tấn Phát (30 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông) đang hành nghề mê tín dị đoan bằng cách lên đồng, rồi dùng nước lã chữa bệnh.
Tại cơ quan điều tra, Phát khai nhận đã hành nghề chữa bệnh theo cách này từ đầu tháng 9-2015 đến nay. Hằng ngày có 70-100 người đến trị bệnh với phương thức chủ yếu là dùng bông chấm nước huơ lên huơ xuống khắp người bệnh nhân, sau đó cho họ uống nước lã được múc từ sông lên.
Thượng úy Trương Văn Nguyên, Trưởng Công an xã Vĩnh Hội Đông, cho biết tại thời điểm phục kích bắt Phát thì tại nhà Phát còn có hai người giúp sức cho y chữa bệnh là bà Võ Thị Hiền (30 tuổi, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang) và ông Phan Văn Quới (34 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang).
"Hiền và Quới lên đồng rồi cho người bệnh uống nước lã và nói sẽ chữa hết bá bệnh nên tụ tập rất đông người ngoài địa phương. Chúng tôi đã mời hai người này lên làm việc và cho làm cam kết không tái phạm. Nếu không sẽ xử lý đúng pháp luật về hành nghề không giấy phép và mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự khu vực” - ông Nguyên nói.
Chiều tối cùng ngày, Thiếu tá Nguyễn Quang Kỳ, Đội An ninh của Công an huyện An Phú, cho biết đây là lần thứ hai Phát bị mời lên làm cam kết không hành nghề mê tín dị đoan. Trước kia, Phát theo học ngành công nghệ thông tin ở TP.HCM nhưng do hoàn cảnh riêng nên đã nghỉ học rồi về địa phương hành nghề mê tín dị đoan.
Công an huyện An Phú cũng cho biết trước đó cũng đã có nhiều đối tượng hành nghề mê tín dị đoan ở địa phương bị mời làm việc như vụ thầy Năm thổi hơi chữa bệnh ở xã Khánh Bình, Phước Hưng, Vĩnh Hậu… đa số đối tượng này đều có hình thức tương tự nhau là dùng nước lã chữa bệnh rồi lên đồng nhằm mê hoặc người dân. http://phapluattp.vn/suc-khoe/lat-tay-thay-lang-chua-benh-bang-nuoc-la-599462.html
Trung tâm Y học Gia đình tại Huế đi vào hoạt động
Ngày 10-12, Trường đại học (ĐH) Y Dược Huế (ĐH Huế) tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Y học Gia đình tại số 51 đường Nguyễn Huệ (TP Huế).
PGS.TS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam; đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cùng các chuyên gia đến từ ĐH Boston (Hoa Kỳ), ĐH Ghent (Vương quốc Bỉ); PGS.TS. Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và PGS.TS.Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế đến dự.
Sau hai năm thi công, xây dựng, Trung tâm Y học Gia đình đã hoàn thành, có quy mô bảy tầng, diện tích sàn 3.673m2 cùng các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hiện đại với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ không hoàn lại. Đây là một trung tâm đa chức năng, gồm: đào tạo, nghiên cứu Khoa học và khám chữa bệnh. Trung tâm cũng là nơi đào tạo bác sĩ gia đình cho khu vực miền trung – Tây Nguyên, được phát triển như một mô hình kiểu mẫu của hình thức kết hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc chuyên khoa.
Được sự cố vấn và hỗ trợ trực tiếp của Khoa Y học Gia đình thuộc ĐH Boston (Hoa Kỳ) và nhóm chuyên gia từ các ĐH thuộc Vương quốc Bỉ, Trung tâm Y học Gia đình đã xây dựng được một đội ngũ nhân lực các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, với các trang thiết bị hiện đại theo mô hình phòng khám của ĐH Boston. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần, các bác sĩ gia đình không chỉ quan tâm đến vấn đề bệnh tật mà còn quan tâm đến tâm lý, vấn đề xã hội, gia đình của bệnh nhân.
Tại lễ khánh thành, GS.TS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế đã tri ân những đóng góp, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và đưa Trung tâm Y học Gia đình đi vào hoạt động. Đây là Trung tâm Y học gia đình đầu tiên trong hệ thống đào tạo, chăm sóc sức khỏe ban đầu có uy mô tại khu vực miền trung – Tây Nguyên.
Được biết, từ năm 2007, Trường ĐH Y Dược Huế đã đào tạo một đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về Y học Gia đình, đến nay đã có 168 học viên tốt nghiệp thuộc các tỉnh trong khu vực miền trung như: Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Ngãi… cung ứng một lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho tuyến y tế cơ sở trong khu vực. http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/28214702-trung-tam-y-hoc-gia-dinh-tai-hue-di-vao-hoat-dong.html
http://phapluattp.vn/suc-khoe/hue-co-trung-tam-y-hoc-gia-dinh-599621.html
Nữ bệnh nhân mang khối u 3 kg trên mặt về Hà Nội chữa bệnh
(PLO)- Chiều 9-12, bà Triệu Mù Chài (70 tuổi, trú xóm Ta Cang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) - người phụ nữ mang khối u khổng lồ trên mặt - đã được đưa xuống BV Răng Hàm Mặt Trung ương để khám và có thể được phẫu thuật trong tuần tới.
BS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt BV Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết sau khi lấy chồng và có ba mặt con, đến năm 40 tuổi, dưới mắt bà Chài xuất hiện một cục u nhỏ. Theo thời gian, khối u cứ lớn dần và ba năm trở lại đây, khối u phát triển ngày càng to hơn. Do kinh tế gia đình khó khăn, bà Chài không có cơ hội được đi chữa bệnh.
Sáng 10-12, bác sĩ của BV cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực u bướu, sọ não đã hội chẩn bệnh cho bà Chài. Dựa trên các kết quả chiếu chụp và xét nghiệm, các bác sĩ nhận định khối u hơn 3 kg trên gương mặt bà Chài sẽ liên quan nhiều đến lĩnh vực chấn thương sọ não khi tiến hành phẫu thuật. Vì vậy, BV Răng Hàm Mặt Trung ương đã mời các chuyên gia đầu ngành về chấn thương sọ não của BV Việt Đức tham gia cuộc phẫu thuật.
Dự kiến sáng thứ Hai tuần tới sẽ có một cuộc hội chẩn lần cuối trước khi tiến hành phẫu thuật. http://phapluattp.vn/suc-khoe/nu-benh-nhan-mang-khoi-u-3-kg-tren-mat-ve-ha-noi-chua-benh-599570.html
Người có khối u như quả bóng sắp được phẫu thuật
Người đàn bà có khối u trên mặt căng như quả bóng chực nổ tung đã được đưa đến BV Răng hàm mặt chuẩn bị cho phẫu thuật.
Bà Triệu Mùi Chài - Tam Kim - Nguyên Bình - Cao Bằng đã được các nhà hảo tâm đưa xuống viện Răng Hàm Mặt Trung ương để khám và phẫu thuật khối u khổng lồ trên mặt.
Thông tin ban đầu cho biết, bà Chài bị thoát vị màng não kéo dài gây nên khối u trên. Khối u liên quan đến sọ não nên thứ 2 tuần tới, viện sẽ mời các chuyên gia về sọ não của BV Việt Đức sang hội chẩn trước khi tiến hành phẫu thuật cho bà Chài.
Dự kiến, các bác sỹ sẽ làm các xét nghiệm chi tiết để đánh giá tình trạng và sức khỏe bệnh nhân. Sau đó, sẽ tiến hành cắt bỏ khối u trên mặt. Đồng thời sẽ tiến hành ghép đoạn xương tạo hình lại gương mặt.
Trước đó, cuộc sống của bà bị xáo trộn hoàn toàn vào năm bà 40 tuổi, trên mặt bà xuất hiện một nốt mụn nhỏ bằng đầu ngón tay.
Nhà nghèo, không có điều kiện đi khám, hơn nữa bà cũng nghĩ đó là chỉ u nhọt bình thường nên bà chỉ dùng lá cây rừng đắp qua loa để chữa trị.
Nhưng nốt mụn đó không những không khỏi mà càng ngày càng to dần lên, càng ngày càng đau đớn hơn, và cho đến bây giờ, sau 20 năm, nó đã làm biến dạng hoàn toàn khuôn mặt bà.
Khối u có hình bầu dục, che gần kín mặt bà Chài, phá hỏng hoàn toàn mắt trái của bà, bịt kín luôn phần mũi và một nửa miệng khiến bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc hít thở, sinh hoạt, ăn uống.
Bà phải đi chầm chậm từng bước vì mắt bà chỉ nhìn được một bên, hơn nữa, bà lo sợ bất kỳ sự va chạm nào vào khối u sẽ khiến nó vỡ bung ra hoặc thay đổi dị dạng hơn thế này.
Trước đó, VTC News đã đưa tin về hoàn cảnh của bà Chài và kêu gọi ủng hộ. Độc giả trên cả nước đã ủng hộ bà Chài 34,6 triệu đồng. http://vtc.vn/nguoi-co-khoi-u-nhu-qua-bong-sap-duoc-phau-thuat.321.585054.htm
Khối sỏi to như quả trứng vịt sau 20 năm chữa thận bằng thuốc nam
Bị sỏi thận nhưng bệnh nhân chỉ tự ở nhà điều trị bằng thuốc nam. Đến khi đau dữ dội vùng thắt lưng, bệnh nhân đến BV và được phẫu thuật lấy ra khối sỏi thận có kích thước 5,1x5cm, to hơn quả trứng vịt.
Ngày 10/11, tin từ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh viện này vừa phẫu thuật cho bệnh nhân lấy khối sỏi thận kích thước lớn.
Trước đó, bệnh nhân Đặng Văn Ngọ (62 tuổi trú tại Mạch Tràng, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) được gia đình đưa đến BV Xanh Pôn trong tình trạng đau thắt lưng 2 bên. Đáng nói, bệnh nhân đã phát hiện sỏi thận cách đây 20 năm nhưng chỉ tự điều trị bằng thuốc nam ở nhà. Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau thắt lưng 2 bên dữ dội mới đi bệnh viện khám.
Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị sỏi thận trái với kích thước lớn và sỏi niệu quản phải nhưng chưa có biểu hiện suy thận. Với tình trạng sỏi thận này không thể tán hay can thiệp thông thường, bệnh nhân phải phẫu thuật lấy sỏi.
BS Nguyễn Hoàng Việt Tuấn, khoa Gây mê hồi sức cho biết, ngoài sỏi thận, bệnh nhân còn có nhiều bệnh lý kèm theo như các cơn đau thắt ngực không ổn định, viêm loét dạ dày... nên tiên lượng cuộc mổ sẽ khó khăn hơn, nguy cơ mất máu cao, có thể có diễn biến bất thường về tim mạch. Tuy nhiên, do có dự trù tốt, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân rút ống nội khí quản ngay sau mổ, chức năng tim mạch và hô hấp tốt.
“Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra sỏi có kích thước 5,1x5cm. Ngoài ra bác sĩ còn phát hiện thận nhu mô mỏng còn 7-8mm, đài bể thận giãn to do sỏi. Với tình trạng này, nếu không phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân bị suy thận và mất chức năng của thận cao”, BS Bùi Hoàng Thảo, khoa Tiết Niệu, người trực tiếp phẫu thuật cho biết.
BS Thảo cũng cảnh báo người bệnh không nên coi thường sỏi thận, vì nếu để lâu, sỏi thận có thể gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, do sỏi thận diễn biến rất âm thầm nên không dễ nhận biết. Vì thế, với người đã được chuẩn đoán sỏi thận nên đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời can thiệp, xử lý khi sỏi thận to lên. Hiện nay, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng dành cho phẫu thuật mổ lấy sỏi khá dễ dàng, an toàn.
Để phòng bệnh sỏi thận, cần có chế độ ăn uống cân đối, đặc biệt là cần phải uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Ngay cả khi không có cảm giác khát thì cũng nên chủ động uống nước không chỉ giúp phòng sỏi thận mà uống đủ nước còn rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra cần giữ gìn vệ sinh, phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiểu có thể gây viêm đường tiểu ngược dòng, gây ảnh hưởng đến thận. http://dantri.com.vn/suc-khoe/khoi-soi-to-nhu-qua-trung-vit-sau-20-nam-chua-than-bang-thuoc-nam-20151210195316433.htm
Mổ nội soi bướu gan khổng lồ cho bé 18 tháng tuổi
Chiều 10/12, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện thành công phương pháp mổ nội soi khối bướu gan kích thước lớn bằng quả cam sành cho bé gái 18 tháng tuổi Đ.M.A. (ngụ Tiền Giang).
Cách đây 2 tuần, bé A. nhập viện trong tình trạng bụng trương to, biếng ăn, mệt mỏi. Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang chẩn đoán em bé bị bướu gan. Gia đình đã đưa A. lên Bệnh viện Nhi đồng 1điều trị.
Ngày 8/12 vừa qua, ê kíp phẫu thuật tại đây đã tiến hành mổ nội soi cắt khối bướu khá lớn này cho em bé. “Phần bướu lớn cỡ quả cam sành tương đương với phần gan còn lại sau mổ. Kích thước khối bướu trên thực tế to hơn lúc xét nghiệm”, bác sĩ Hiếu nói.
Theo bác sĩ Hiếu, sở dĩ phải quyết định phẫu thuật vì nếu không tiến hành mổ kịp thời, nguy cơ bé A. tử vong là rất cao. Đặc biệt do biếng ăn, suy dinh dưỡng nên thể trạng em bé đang trong tuổi tập đi này khá yếu, bé chỉ nặng có 8,8 kg.
Vấn đề thứ hai, thông thường với các trường hợp tương tự, bác sĩ chỉ cần dùng phương pháp mổ hở truyền thống là có thể lấy khối bướu ra ngoài. “Tuy nhiên, chúng tôi quyết định thực hiện kỹ thuật khó hơn đó là mổ nội soi. Bởi mổ nội soi hạn chế được tình trạng chảy máu ồ ạt ở gan, tăng cơ hội sống cho bệnh nhi hơn là mổ hở.
Chúng ta biết, việc kiểm soát chảy máu ở ca này là rất quan trọng vì gan được xem như một hồ máu thứ hai sau tim, mỗi ngày có thể trao đổi khoảng 10 lít máu”, bác sĩ Hiếu giải thích cho chọn lựa của ê kíp. Trong khi đó, đối với một em bé 18 tháng tuổi chỉ cần mất từ 50 đến 100 cc máu đã có thể gây nguy hiểm đến tính mạng ngay trên bàn mổ.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, lựa chọn dũng cảm này đánh dấu lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca mổ nội soi bướu gan. Để lấy bướu ra khỏi cơ thể em bé bằng phương pháp nội soi, các bác sĩ phải cắt khối bướu lớn ra thành các mảnh nhỏ.
Hiện sức khỏe bé A. đã ổn định, có thể uống sữa và đang được chăm sóc hồi sức sau mổ. Việc xác định bướu lành hay ác tính vẫn còn đang chờ kết quả xét nghiệm để có hướng điều trị tiếp theo. http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/mo-noi-soi-buou-gan-khong-lo-cho-be-18-thang-tuoi-945714.tpo
TP.HCM: Lần đầu tiên mổ nội soi cho bệnh nhi 18 tháng tuổi
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối bướu trong gan của bệnh nhi 18 tháng tuổi. Đây là trường hợp mổ nội soi cắt bướu cho bệnh nhi nhỏ nhất đầu tiên mà bệnh viện thực hiện.
Theo hồ sơ bệnh án, bé gái Đ.M.A. (18 tháng tuổi, ngụ ở Tiền Giang) nhập viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng bụng to, biếng ăn. Kết quả siêu âm phát hiện có khối bướu to nằm tronggan của bé. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ khối bướu, bé có nguy cơ tử vong rất cao.
Ths. BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: Khối bướu này khá khó xử lý. Nếu mổ hở để lấy khối bướu, bệnh nhi sẽ rất nguy hiểm vì nguy cơ mất máu sẽ rất cao, đồng thời cũng kéo theo nhiều nguy cơ khác trong quá trình truyền máu cho bé.
“Vì gần như phải thay toàn bộ máu nên các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp nội soi. Đây cũng là trường hợp mổ nội soi cắt bướu cho bệnh nhi nhỏ nhất đầu tiên mà bệnh viện thực hiện”, ông Hiếu nói.
Sau gần 4 giờ phẫu thuật, khối bướu đã được cắt bỏ toàn bộ. Hiện sức khỏe của bé Đ.M.A đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. http://www21.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/tphcm-lan-dau-tien-mo-noi-soi-cho-benh-nhi-18-thang-tuoi-c62a755071.html
4 người bệnh nằm chung phòng sẽ tăng khả năng nhiễm bệnh cho nhau 20%
Lần tới khi đến bệnh viện, bạn nên cân nhắc chọn một phòng bệnh riêng cho mình. Một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Leeds, Vương Quốc Anh chỉ ra rằng chỉ cần chia sẻ phòng bệnh với 3 người khác, khả năng bạn lây nhiễm chéo những căn bệnh truyền nhiễm của họ sẽ tăng lên 20%.
Có một sự thật rằng đôi khi, bệnh viện không phải là nơi chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Theo một báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ, hàng năm, Mỹ có tới 722.000 bệnh nhân bị nhiễm thêm bệnh khi họ tới bệnh viện. Kết quả thống kê sơ bộ cho thấy lây nhiễm chéo là nguyên nhân của 75.000 trường hợp tử vong và khiến nhiều bệnh nhân kháng thuốc mỗi năm.
Trước thực trạng này, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Leeds đã kết hợp các dữ liệu của bệnh viện và mô phỏng máy tính để nghiên cứu cách mà bệnh truyền nhiễm lây lan chéo giữa các bệnh nhân trong bệnh viện. Phát hiện của họ được trình bày tại liên hoan British Science Festival, Bradford 2015 vừa qua.
Bệnh truyền nhiễm thường bị lây nhiễm thông qua vi khuẩn hoặc virus mà các bệnh nhân phát tán vào môi trường. Để có thể hiểu quá trình làm thế nào những mầm bệnh này di chuyển trong bệnh viện, các nhà khoa học phải nghiên cứu hệ thống thông gió và thói quen vệ sinh riêng của từng bệnh viện.
Họ cũng tiến hành quan sát 400 nhân viên y tế, chú ý và ghi lại từng hành vi của họ, những nơi và bề mặt mà họ chạm vào. Hai mẫu phòng bệnh được nghiên cứu, một phòng gồm 4 bệnh nhân và một phòng đơn. Các dữ liệu sau đó được kết hợp thành một mô hình phức tạp trên máy tính có thể dự đoán cách mà mầm bệnh lây lan chéo trong bệnh viện.
Giáo sư Cath Noakes đến từ Đại học Leeds cho biết “Khi ai đó họ, chúng ta có thể thấy những mầm bệnh phát tán như thế nào. Nơi mà chất dịch của họ bám xuống, bề mặt đó là một ổ bệnh. Và một nhân viên y tế có thể đến và chạm vào đó, họ sẽ mang nó tới các bề mặt khác. Vô tình khi chăm sóc các bệnh nhân khác, các nhân viên y tế khiến mầm bệnh lây lan”.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng một phòng bệnh 4 giường làm tăng thêm 20% khả năng lây nhiễm chéo so với bệnh nhân nằm phòng đơn. Mặc dù vậy, có thể con số chưa đủ thuyết phục nhiều người bệnh sử dụng phòng đơn khi đến bệnh viện.
Ai cũng biết rằng sử dụng chung phòng bệnh với các bệnh nhân khác là một biện pháp tiết kiệm chi phí chữa trị. Một số bệnh viện trong tình trạng quá tải cũng không thể cung cấp đủ phòng bệnh cho bệnh nhân. Thậm chí trong mùa bệnh truyền nhiễm, số lượng bệnh nhân trong một phòng còn vượt quá số giường bệnh sẵn có.
Các nhà khoa học cũng biết khả năng tất cả bệnh nhân sử dụng phòng bệnh đơn là khó trở nên khả thi. Họ chỉ hi vọng dữ liệu của mình sẽ trở thành một động lực giúp các bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt và cải tiến các quy trình vệ sinh diệt khuẩn hiệu quả hơn.
Dữ liệu trên cũng có thể được sử dụng làm nguồn tham khảo cho các kiến trúc sư thiết kế những phòng bệnh trong tương lai. Bên cạnh đó, nó cũng có thể được sử dụng để phát triển các mô hình khác ví dụ như đánh giá sự phát tán của mầm bệnh trên máy bay hoặc trong văn phòng. http://genk.vn/kham-pha/4-nguoi-benh-nam-chung-phong-se-tang-kha-nang-nhiem-benh-cho-nhau-20-2015120922273874.chn
Sản xuất thành công vắc-xin sốt xuất huyết sau 20 năm nghiên cứu
Đây được xem là bước đầu tiên trong việc tiến đến ngăn chặn căn bệnh nhiễm trùng do muỗi gây ra (sốt xuất huyết) đe dọa tính mạng hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.
Các nhà khoa học vừa mang một tin vui cho nhiều người trên thế giới khi lần đầu tiên công bố việc sản xuất thành công vắc-xin sốt xuất huyết tại Mexico. Đây được xem là bước đầu tiên trong việc tiến đến ngăn chặn căn bệnh nhiễm trùng do muỗi gây ra (sốt xuất huyết) đe dọa tính mạng hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Olivier Charmeil, người đứng đầu Sanofi (công ty nghiên cứu thành công loại vắc-xin này) thì Dengvaxia (tên vắc-xin) sẽ nhanh chóng được chấp thuận tại khu vực Mỹ La Tinh và Châu Á trong vài tuần tới. Loại thuốc mới này được cho là có khả năng ngăn chặn sự phát triển của 4 loại virus có khả năng gây ra bệnh sốt xuất huyết. Gần đây, dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều nước như Bồ Đào Nha, Pháp, Florida và Nhật Bản và có nguy cơ lan rộng ra nhiều nước (theo WHO: Tổ chức y tế thế giới).
Các số liệu thống kê cho thấy bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không giống như sốt rét, một bệnh truyền nhiễm cũng lây qua muỗi, sốt xuất huyết hầu như ảnh hưởng đến tất cả dân cư tại các vùng trên thế giới từ các khu đô thị giàu có đến những nước có mức thu nhập trung bình ở Mỹ La Tinh, Châu Á hay các nước nghèo Châu Phi. Điển hình là tại Sao Paulo, do tình trạng thiếu nước dùng, dân cư tại thành phố này thường dự trữ nước trong các chậu và xe tăng cũ, đây là môi trường lí tưởng cho việc sinh sôi và phát triển của muỗi, tác nhân gây ra hàng ngàn trường hợp sốt xuất huyết trong năm nay. Ở Hawaii, đã có 139 trường hợp được xác định bị sốt xuất huyết tại ổ dịch vừa bùng phát cách đây ít lâu, hầu hết trong số này là cư dân địa phương.
Dengvaxia là loại vắc-xin được nghiên cứu và phát triển trong 20 năm qua với số tiền lên tới 1,5 tỷ EUR, bao gồm các khoản đầu tư sản xuất. Hiện tại, Dengvaxia đang chờ được phê duyệt tại ít nhất 19 quốc gia khác nhau. Tại Mexico, loại thuốc này dự kiến sẽ được dùng cho những người có độ tuổi từ 9 đến 45 tại những vùng hay xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết.
Theo tính toán của các chuyên gia Bloomberg thì số tiền bán loại thuốc này có thể đạt đến 1,4 tỷ USD vào năm 2020. Sanofi cho biết: "Dengvaxia sẽ được bán ra với mức giá phải chăng, công bằng, hợp lý và bền vững". "Một số quốc gia có thể được phân phối loại thuốc này một cách miễn phí", Guillaume Leroy, Phó chủ tịch phụ trách mảng văc-xin của Sanofi cho biết. Dengvaxia cũng được khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ em dưới 9 tuổi vì hiệu quả sẽ kém hơn. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Charmeil cho biết: "Chúng tôi đang làm cho bệnh sốt xuất huyết có thể phòng ngừa, chúng tôi tự hào về điều này".
Người bị bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến các biến chứng gây tử vong. Bệnh có một số biểu hiện dễ nhận thấy như chảy máu nướu răng, nôn, thở nhanh và đau bụng dữ dội. Các số liệu thống kê gần đây khẳng định hàng năm có đến 390 triệu người nhiễm bệnh sốt xuất huyết (WHO). Đặc biệt, hơn 1% trong số này đã không được điều trị kịp thời, hiệu quả dẫn đến bị tử vong.
Cùng với việc nghiên cứu vắc-xin, nhiều công ty cũng đang triển khai nhiều hướng nghiên cứu khác nhằm đánh bại virus gây sốt xuất huyết. Trong đó, Oxitec Ltd đã đưa ra giải pháp làm biến đổi gen của muỗi đực khiến ấu trùng hoặc muỗi con chết sớm trước khi chúng có khả năng lây lan dịch bệnh http://genk.vn/kham-pha/san-xuat-thanh-cong-vac-xin-sot-xuat-huyet-sau-20-nam-nghien-cuu-20151210172940125.chn