Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 12/01/2017

  • |
T5g.org.vn - Dự thảo Luật Dân số: Phải toát lên tinh thần nâng cao chất lượng dân số; Tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu heo tăng mạnh; Vi khuẩn kháng kháng sinh tiềm ẩn trong thực phẩm; Năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; ...

Dự thảo Luật Dân số: Phải toát lên tinh thần nâng cao chất lượng dân số

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/du-thao-luat-dan-so-phai-toat-len-tinh-than-nang-cao-chat-luong-dan-so-355669

Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng, trong đó một trong những phương án được đề xuất là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Như vậy có thể hiểu là các cặp vợ chồng tới đây có thể sinh con thoải mái theo ý muốn?

Lý giải về giả thiết mới này, Bộ Y tế cho rằng: Áp dụng quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con có những nhược điểm nhất định, liên quan đến chất lượng và số lượng nguồn nhân lực sau này. Với phương án mới được đề xuất nói trên, những nhược điểm này sẽ dễ khắc phục hơn.

Và Bộ “nghiêng” về phương án mới. Bởi vẫn theo lý giải của Bộ Y tế, với quy định chính sách theo phương án nêu trên là bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà VN là thành viên liên quan đến công tác dân số.

Như thế, liệu có đáng lo ngại về một viễn cảnh gia tăng dân số bùng phát và mất kiểm soát? Và như thế, bao nhiêu kết quả tuyên truyền, vận động người dân sinh có trách nhiệm sẽ theo sông, theo bể hết?

Để lại kiểm soát được mức sinh sẽ rất tốn kém chi phí cho việc tuyên truyền, vận động trong khi các nguyên nhân cũng như yếu tố có thể làm tăng mức sinh vẫn còn nguyên giá trị ở một nước chưa phát triển với tỷ lệ dân số nông thôn còn chiếm tới gần 70%.

Tại cuộc gặp mặt báo chí vào dịp cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Mục tiêu của chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là mức sinh đã giảm được một cách vững chắc.

Trong vài thập kỷ qua, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức sinh thay thế (chỉ còn 2,1 con năm 2015 và được giữ vững cho đến nay, trong khi vào những năm 1965-1969, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,8 con).

Bộ trưởng dự báo: Dân số nước ta sẽ tăng chậm lại và đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Điều đó khiến cho Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và thứ 14 trên thế giới.

Mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới (53 ngư ời/km2).Chính vì có những sự chuyển biến nói trên, ngày 4 tháng 1 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Trong đó nêu rõ: “Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số” và “Cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều.

Ở đây cần lưu ý: Chúng ta chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà nội dung KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới.

Ông Mai Xuân Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS - KHHGĐ cho hay, đang xảy ra hiện tượng phát triển dân số không đồng đều giữa các vùng, miền.

Có nơi mức sinh thấp, thậm chí rất thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, điển hình là ở TP HCM (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa-Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ).

Có nơi mức sinh cao như ở hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía bắc, một số tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có mức sinh cao từ 2,5 con/phụ nữ trở lên, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con/phụ nữ.

“Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta cần vận động các cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”- ông Phương cho hay.

Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục vận động cũng như đưa ra nhiều chính sách, chế tài khác để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, theo ông Phương. Tóm lại, chúng ta vẫn phải “đẻ có trách nhiệm, bất luận trong hoàn cảnh nào”- ông Phương nhấn mạnh.

Chính vì vậy, một cách ngắn gọn, Luật Dân số muốn viết gì thì cũng phải toát lên tinh thần “đẻ có trách nhiệm”.

 

Tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu heo tăng mạnh

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tu-vong-do-nhiem-khuan-lien-cau-heo-tang-manh-677140.html

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã cảnh báo như vậy tại hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân diễn ra sáng 11-1 tại Hà Nội.

Theo ông Phu, thời gian qua, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, số ca mắc và tử vong do bệnh liên cầu khuẩn tăng mạnh so với ngày thường vì đây là mùa lễ hội, tết nên nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao.

 Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh này bùng phát, thứ nhất do việc di chuyển đàn heo từ nơi này sang nơi khác diễn ra nhiều khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát được tình trạng nhiễm bệnh của heo. Ngoài ra, do người dân chưa bỏ được thói quen ăn sống không đảm bảo vệ sinh (tiết canh, gỏi…) nên đã bị lây truyền bệnh từ heo sang người.

Ông Phu cho biết liên cầu heo ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền từ động vật sang người. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa tạng dẫn đến tử vong.

 Trước ý kiến cho rằng trước đây Hà Nội cấm bán tiết canh nhưng giờ không cấm nữa, ông Phu chia sẻ: “Quan trọng là ý thức của mỗi người, vì cho dù có cấm bán nhưng họ cứ làm và ăn ở nhà thì sao mà cấm được. Tôi cho rằng đó là ý thức của chúng ta vì việc ăn gỏi, ăn tiết canh là việc chúng ta có thể quyết định được”.

 Ông Phu khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín, không sử dụng thịt heo có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

 Người bệnh khi có các biểu hiện như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ heo ốm, chết hoặc sản phẩm từ heo không bảo đảm vệ sinh… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Ăn tiết canh rồi uống rượu là diệt được liên cầu?

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/an-tiet-canh-roi-uong-ruou-la-diet-duoc-lien-cau-351427.html

Nhiều người nghĩ ăn tiết canh rồi uống rượu sẽ diệt được vi khuẩn liên cầu hoặc chỉ ăn lợn ốm mới mắc bệnh, tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Chia sẻ tại hội nghị Phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân sáng nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào dịp trước và sau Tết, các bệnh liên quan đến đường ăn uống như cúm gia cầm, liên cầu lợn, ngộ độc rượu là những nguy cơ lớn nhất.

Với liên cầu lợn, ông Phu cho biết trong năm qua cả nước có 90 trường hợp mắc, giảm 23 ca so với 2015, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Riêng Hà Nội có hơn 10 ca mắc, 1 trường hợp tử vong.

Theo ông Phu, đây là căn bệnh mắc không nhiều nhưng tỉ lệ các ca nặng có di chứng và tử vong rất cao. Song dù được tuyên truyền nhiều nhưng thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm thịt ngày lễ, tết của người Việt vẫn tăng cao.

Chưa kể hiện nay số lượng đàn gia súc không ngừng tăng, đồng nghĩa tỉ lệ cá thể mang liên cầu khuẩn ngày càng lớn, di chuyển thông thương Nam - Bắc ngày càng nhiều nên nguy cơ bùng phát, lây lan liên cầu lợn rất lớn.

"Bệnh này tỉ lệ tử vong rất lớn nhưng người Việt mình còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm. Nhiều người nghĩ ăn tiết canh vô tư rồi uống rượu thì sẽ không mắc bệnh vì rượu là axit, uống vào sẽ diệt được hết vi khuẩn liên cầu", ông Phu dẫn chứng.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng kể thêm, có người còn nghĩ chỉ ăn lợn ốm, lợn bệnh mới lo mắc liên cầu, còn ăn tiết canh lợn nhà, lợn cắp nách thì vô tư.

"Đây là sai lầm vô cùng lớn. Chúng ta đừng chết do thiếu hiểu biết vì trong một đàn lợn luôn có số lượng nhất định các cá thể mang bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy", ông Phu nhấn mạnh.

Ông đề xuất, với các sản phẩm tươi sống như tiết canh cần có các chế tài đủ mạnh để kiểm soát, có thể cấm bán.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có diễn biến cực kỳ nhanh gây suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ, giảm thính lực (chiếm 40%), 20% bị điếc vĩnh viễn và các di chứng thần kinh.

Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não. Thời gian điều trị 3-4 tuần, thậm chí kéo dài 2 tháng với chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Đáng lưu ý, liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh để phòng liên cầu lợn và các bệnh giun, sán khác.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

 

Vi khuẩn kháng kháng sinh tiềm ẩn trong thực phẩm

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/dau-dau-co-vai-thuong-xuyen-coi-chung-bi-benh-re-tuy-co-3526669.html

Khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều chủng E.coli được phân lập kháng với ít nhất 6 loại kháng sinh.

Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu từ dự án Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc trong chuỗi thực phẩm tại Việt Nam do Viện Dinh dưỡng công bố ngày 11/1 tại Hà Nội. Dự án do Nhật Bản hỗ trợ, được triển khai tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP HCM và Cần Thơ với sự tham gia của Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y tế công cộng TP HCM, Đại học Y dược khoa Thái Bình, Đại học Cần Thơ...

Theo bà Bùi Thị Mai Hương, khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng, kết quả nghiên cứu ban đầu từ dự án cho thấy thực trạng phổ biến vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm ở Việt Nam đã ở mức báo động. Cụ thể, hơn 60% người lành mang trùng nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Đây là hệ quả của việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và chăn nuôi tại Việt Nam. Kết quả này tương đồng với các nước Đông Nam Á.

Để đánh giá mức độ ô nhiễm vi khuẩn E.coli gây ngộ độc thực phẩm, nhóm nghiên cứu đã lấy 330 mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị và lò giết mổ tại TP HCM. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy E.coli sinh men ESBL (hủy tác dụng của kháng sinh) được phát hiện trong 150 mẫu, chiếm hơn 45%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao nhất ở thịt gà (gần 93%), sau đó là thịt lợn (khoảng 35%), thịt bò (34%), cá/tôm (29%).

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli sinh ESBL từ các mẫu thịt gà được lấy từ các lò giết mổ lên đến 100%. Nguyên nhân có thể ô nhiễm vi khuẩn trong quá trình giết mổ, sử dụng nước để làm sạch lông.

Điều tra này cũng cho thấy, có 342 chủng E.coli sinh ESBL phân lập từ 150 mẫu thực phẩm bị ô nhiễm. Trong đó, 276 chủng phân lập (chiếm 80%) kháng với ít nhất 6 loại thuốc kháng sinh.

Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ đa kháng của E.coli tại nước ta khoảng 20-25%, đứng hàng thứ 2 trong số các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm. Khuẩn E.coli bình thường kháng kháng sinh thế hệ thứ 3 là chính như ceftriaxone, cefuroxime... là thuốc chủ đạo ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Đôi khi cũng có trường hợp kháng cả nhóm kháng sinhcarbapenem - loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay.

Ngoài ra, nghiên cứu khoảng 400 mẫu thịt và hải sản chưa qua chế biến được lấy từ các lò giết mổ, chợ đầu mối và chợ bán lẻ TP HCM cũng cho thấy tỷ lệ rất cao nhiễm và kháng kháng sinh các chủng samonella (gây bệnh tiêu chảy). Cụ thể, tỷ lệ nhiễm samonella đã được phát hiện trong thịt lợn (gần 70%), gia cầm (hơn 65%), thịt bò (khoảng 58%), tôm (49%), cá nước ngọt nuôi (gần 37%).

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần nâng cao nhận thức về kháng thuốc trong cộng đồng và giữa nhân viên y tế. Đặc biệt, cần có thêm các nghiên cứu đề xác định rõ cơ chế lan truyền và đặc điểm dịch tễ theo vùng địa lý của vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hành động về kháng kháng sinh đã được phê duyệt và triển khai tuy nhiên hiệu quả chưa được bao nhiêu. Nhưng từ kết quả dự án một lần nữa đã báo động và cho thấy đến lúc cần phải quyết liệt hơn trong việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh.

Theo đó, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân và chủ động kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngành y tế sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, giám sát việc kê toa.

 

Năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp

http://www.vietnamplus.vn/nam-2017-tinh-hinh-dich-benh-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap/425123.vnp

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trong năm 2017, tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do sự giao lưu đi lại của người dân giữa các quốc gia, đô thị hóa rõ nét, biến đổi khí hậu và tập quán của người dân.

Sáng 11/1, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, phó giáo sư Trần Đắc Phu cho biết, thời tiết mùa Đông-Xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như bệnh tay chân miệng, sởi, bệnh sốt xuất huyết, Zika, cúm mùa, cúm gia cầm...

Đáng lưu ý, năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 110.800 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1,9% so với năm 2015 (108.800 trường hợp), trong đó có 36 trường hợp tử vong (giảm 18 trường hợp so với năm 2015). Đặc biệt, số trường hợp mắc tăng cao ở khu vực Tây Nguyên.

Về tình hình bệnh cúm, thống kê cho thấy, năm 2016, trên toàn quốc ghi nhận lưu hành của cúm A và cúm B, trong đó cúm A/H3 chiếm ưu thế. Đặc biệt, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6.

Trong các bệnh cúm thì cúm A/H3 chiếm 46%, cúm B chiếm 36%, cúm A/H1N1 chiếm 18%.

Về bệnh tay chân miệng, đại diện Bộ Y tế cho hay, đây là loại bệnh mà có số người mắc trên tỷ lệ 100.000 dân luôn ở mức cao nhất. Năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 50.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 16% so với năm 2015); trong đó có 1 trường hợp tử vong (giảm 4 trường hợp so với năm 2015).

Để phòng chống các loại dịch bệnh trong thời tiết Đông-Xuân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng để giám sát trọng điểm cúm và hội chứng viêm phổi cấp để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch để tổ chức cách ly, quản lý kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng./

 

22 ca tử vong do tai biến sau tiêm trong năm 2016

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170111/22-ca-tu-vong-do-tai-bien-sau-tiem-trong-nam-2016/1250674.html

Theo báo cáo sáng nay 11-1 của Bộ Y tế, trong năm 2016 đã có đến 22 ca tử vong sau tiêm chủng.

Trong số này, có 3 bé tử vong sau tiêm vắc xin BCG, 1 bé sau tiêm hai mũi viêm gan B và BCG, 5 bé sau tiêm vắc xin viêm gan B, 11 bé sau tiêm vắc xin Quinvaxem, 1 bé sau tiêm vắc xin sởi- rubella và 1 sau tiêm vắc xin viêm màng não do não mô cầu.

Ngoài ra, có một số trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin 5 và 6 trong 1 dịch vụ, nhưng Bộ Y tế cho biết đều cấp cứu kịp thời.

Cũng theo Bộ Y tế, qua đánh giá của các hội đồng chuyên môn thì các ca tử vong kể trên chủ yếu do bệnh sẵn có từ trước, không trường hợp nào tìm thấy mỗi liên quan với chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng.

Tuy nhiên kể từ 1-7-2016, nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đã có hiệu lực thực hiện, trong đó các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin dẫn đến tử vong hoặc di chứng không hồi phục đều được bồi thường.

Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện hồ sơ để tiến hành bồi thường cho trường hợp đầu tiên, là một em bé tử vong sau tiêm hồi cuối 2016.

Cũng theo Bộ Y tế, năm 2017 này VN sẽ nhập khẩu khoảng 800.000 đến 1 triệu liều vắc xin 5, 6 trong 1 dịch vụ, đủ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của loại vắc xin này cho trẻ em sinh năm 2017.

 

Bến Tre xử lý ổ dịch sau ghi nhận ca nhiễm virus Zika đầu tiên

http://www.vietnamplus.vn/ben-tre-xu-ly-o-dich-sau-ghi-nhan-ca-nhiem-virus-zika-dau-tien/425222.vnp

Trong hai ngày (10-11/1), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre đã khẩn trương ra kế hoạch điều tra dịch tễ học, xác định khu vực ổ dịch và tiến hành xử lý hóa chất, dập dịch xung quanh khu vực là nơi trường hợp nhiễm virus Zika sinh sống.

Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Dự kiến tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp xử lý nhằm dập dịch lần thứ hai vào ngày 17-18/1.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đỗ Tấn Hồng, khu vực cần xử lý nằm trên địa bàn xã Quới Sơn, giáp ranh khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành). Đây là nơi có nhiều nhà trọ, đông công nhân sinh sống nên khả năng bệnh lây lan rất cao.

Ngoài việc tiến hành dập dịch bằng hóa chất xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống, Trung tâm cũng sẽ giám sát các phòng khám tư nhân, chủ nhà trọ và y tế cơ quan của các công ty tại khu công nghiệp... phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

Trung tâm cũng điều tra, lập danh sách phụ nữ mang thai tại ổ dịch, hướng dẫn thai phụ khám, theo dõi sức khỏe thai định kỳ; tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết dấu hiệu của bệnh, các biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng.

Ngành y tế tỉnh Bến Tre cũng khuyến cáo người dân quanh khu vực nêu trên hết sức cảnh giác, ngăn ngừa muỗi đốt. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau cơ, sốt phát ban, người dân cần đến cơ sở y tế để được phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Bến Tre có ca nhiễm virus Zika đầu tiên vào ngày 6/1.

Bệnh nhân là T.T.M.D (sinh năm 1992, sinh sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), hiện mang thai 18 tuần.

Ngày 11/12/2016, bệnh nhân T.T.M.D khởi phát bệnh với các triệu chứng phát ban toàn thân, mệt mỏi, đau cơ ở 2 chân, sưng đau khớp ngón tay hai bên.

Sau 3 ngày không khỏi, bệnh nhân đã đến và được các bác sỹ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh điều trị nội trú, xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus Zika.

Sau khi được điều trị, bệnh nhân T.T.M.D đã được về nhà. Được biết, trong vòng 2 tuần trước khi phát bệnh, bệnh nhân và người trong gia đình bệnh nhân không rời khỏi nơi sinh sống./.

 

Bệnh lao kháng thuốc diễn biến phức tạp

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/benh-lao-khang-thuoc-dien-bien-phuc-tap-355671

Tại hội thảo “Tăng cường công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ” do Bộ Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa tổ chức, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn- Trưởng Văn phòng đại diện Chương trình chống lao quốc gia khu vực Tây Nam Bộ cho rằng công tác phòng chống lao ở khu vực Tây Nam Bộ đang đối mặt với với thách thức lớn khi tình hình lao kháng thuốc phức tạp và ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể mới trên 100.000 dân ở khu vực Tây Nam Bộ luôn duy trì ở mức cao. Trong 5 năm qua, tỷ lệ lao các thể ở khu vực Tây Nam Bộ luôn duy trì trong khoảng trung bình 141/100.000 dân. Tỷ lệ này gấp khoảng 1,3 lần so với tỷ lệ phát hiện lao các thể trên 100.000 dân của toàn quốc (trung bình 112/100.000 dân).

Công tác phòng chống lao khu vực Tây Nam Bộ gặp không ít khó khăn, thách thức: tình hình lao kháng thuốc diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng, tỷ lệ bỏ trị cao.

Tình hình dịch tễ bệnh lao, lao kháng thuốc còn nặng nề, số lượng bệnh nhân lao phát hiện hàng năm cao thứ 2 trong toàn quốc, chỉ sau khu vực Đông Nam Bộ.

Trung bình mỗi năm, các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ phát hiện khoảng 1.300 bệnh nhân lao kháng thuốc, chiếm 25% số lượng bệnh nhân của cả nước. Các tỉnh có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao như: An Giang 220 bệnh nhân; Đồng Tháp 150 bệnh nhân; Kiên Giang 130 bệnh nhân; Cần Thơ và Long An 100 bệnh nhân...

Trong khi đó, việc quản lý lao đa kháng thuốc lại thiếu kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh như Cà Mau, Vĩnh Long; các tỉnh, thành như: Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre thiếu thuốc và hóa chất trong phòng chống lao...

TS Nguyễn Đức Chính- Phó Trưởng Ban điều hành Dự án Phòng chống Lao quốc gia chỉ ra thực trạng ở khu vực Tây Nam Bộ, công tác phòng chống lao hiện cũng đang đối mặt với khó khăn như thiếu nhân lực làm công tác chống lao đã tồn tại ở nhiều địa phương.

Tình trạng lồng ghép cán bộ hoặc kiêm nhiệm nhiều việc ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của chương trình phòng chống lao của các tỉnh...

Để chương trình chống lao đạt hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống lao quốc gia cho rằng, công tác phòng chống lao cần phải được xem là nhiệm vụ của toàn xã hội, cần sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để áp dụng các giải pháp mới, công nghệ mới, thuốc mới... trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, tiến tới thanh toán bệnh lao tại Việt Nam. 

 

Thu hồi lô thuốc Anrodin kém chất lượng

www.sggp.org.vn/thuoc/2017/1/446574/

Sở Y tế TPHCM vừa ra thông báo gửi Cục Quản lý Dược, các đơn vị điều trị, phòng y tế các quận, huyện, thị xã về việc đình chỉ lưu hành thuốc viên nén Anrodin, hộp 10 vỉ x 10 viên, số lô 602025, hạn dùng 9-3-2019, SĐK: VD-17255-12, do công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược phẩm N.I.C sản xuất.

Qua kiểm nghiệm mẫu thuốc lấy tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược phẩm N.I.C, cho thấy: thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Natri benzoate theo tiêu chuẩn cơ sở. Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở y tế, kinh doanh khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên. Ngoài ra, đơn vị sản xuất cần thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc này và gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi thuốc về Phòng Nghiệp vụ Dược và Thanh tra Sở Y tế trước 7-2.

 

Bệnh viện tư đầu tiên thành công ghép tế bào gốc chữa tan máu bẩm sinh

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-tu-dau-tien-thanh-cong-ghep-te-bao-goc-chua-tan-mau-bam-sinh-355706

Những ngày đầu năm mới 2017, gia đình bé Phạm Quốc Bảo (3 tuổi, ở An Lão, Hải Phòng) vừa tổ chức lễ sinh nhật trọn vẹn nhất từ trước tới nay, khi bé vừa trải qua lần ghép tế bào gốc máu cuống rốn chữa bệnh tan máu bẩm sinh với kết quả bất ngờ tại bệnh viện Vinmec Times City. Hiện Vinmec là bệnh viện tư nhân đầu tiên và là một trong số ít bệnh viện ở Việt Nam ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn điều trị căn bệnh bẩm sinh hiểm nghèo này thành công.

Cơ may “hồi sinh”

Nhìn con chơi ngoan, ăn uống tốt và nhất là kết quả xét nghiệm máu sau 3 tháng ghép đã có các chỉ số xét nghiệm tủy gần như bình thường, da bé hồng hào và tóc đang mọc trở lại sau thời gian điều trị, anh Phạm Quốc Việt (bố bé Bảo) rất vui mừng. Đây là những ngày đầu tiên, hai vợ chồng anh yên tâm được về sức khỏe của con sau 3 năm thường xuyên cho con đi chữa bệnh.

Anh Việt chia sẻ: “Chúng tôi đã có những lúc nghĩ rằng cứ duy trì cho bé được đến đâu hay đến đó, dù biết là ngắn ngủi. Nhưng giờ thì cuộc sống của con như mở rộng trước mắt, khi cháu đã có thể phát triển bình thường như bao em bé khác”.

Kể từ khi bé phát hiện bệnh lúc 3 tháng, hàng tháng gia đình đều phải về đưa con về Hà Nội truyền máu và thải sắt với hy vọng kéo dài sự sống dù mong manh. Phương pháp truyền máu định kỳ có những nguy cơ nhiễm các virus CMV, viêm gan B, viêm gan C, hoặc thậm chí bé có thể bị suy tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không kịp truyền máu. Ngoài ra, chất lượng sống và tuổi thọ người bệnh cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Vì thế, hai vợ chồng anh vẫn hy vọng và không ngừng tìm kiếm một phương pháp chữa trị mới có thể chữa khỏi bệnh cho con.

Cơ may đã đến vào đầu năm 2016, khi tình cờ vợ anh khám thai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Tìm hiểu về tiền sử gia đình anh Việt, các bác sĩ Vinmec đã tư vấn về phương pháp điều trị còn rất mới ở Việt Nam là sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn của em Bảo ghép nếu hai anh em đạt chỉ số hòa hợp tốt.

Ngay lập tức, kế hoạch tiến hành cho ca ghép được Hội đồng khoa học với nhiều chuyên khoa: Sản, nhi, tế bào gốc – công nghệ gen Vinmec chuẩn bị lên phương án tỉ mỉ.

ThS Nguyễn Trọng Phúc, Trung tâm Tế bào gốc Vinmec, người trực tiếp thu thập và chuẩn bị sản phẩm tế bào gốc ghép cho bệnh nhân cho biết: “Do đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm tra mức độ phù hợp về gen của bệnh nhân với người cho là em ruột, nên các bác sỹ đã tách chiết được lượng tế bào gốc dồi dào, giúp cho quá trình mọc mảnh ghép của bệnh nhân thuận lợi”.

Triển vọng mới từ ghép tế bào gốc

Một trong những điều kiện tiên quyết để ca ghép thành công là các điều kiện chăm sóc sau ghép, đòi hỏi trang thiết bị tối tân và hiện đại. Để tránh các nguy cơ nhiễm trùng ngay sau ghép, các điều kiện chăm sóc bé tại khu vực cách ly của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cũng đều được thực hiện nghiệm ngặt: Các chế phẩm máu đều được chiếu tia xạ và lọc bạch cầu, thậm chí thức ăn của bé cũng phải chiếu tia cực tím để diệt mọi vi khuẩn. Trong thời gian sau ghép, bệnh nhi được điều trị dự phòng nấm, vi khuẩn và virus, kết hợp duy trì thuốc ức chế miễn dịch.

Sau 3 tuần ghép, kết quả xét nghiệm cho thấy, tủy ghép đã bắt đầu mọc và sinh máu. Trong đợt khám gần nhất, TS Dương Bá Trực – chuyên gia giàu kinh nghiệm về huyết học & truyền máu của Vinmec – người đã theo sát quá trình điều trị của bé Bảo kết luận: “Sau 6 tuần, các xét nghiệm tế bào máu của bé Bảo đã có kết quả như người bình thường. Bé không có các dấu hiệu thải ghép và biến chứng sau ghép, không có dấu hiệu tan máu, tủy hồi phục tốt. Đây là những dấu hiệu khẳng định ca ghép đã thành công hoàn toàn”.

GS - TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc – công nghệ gen Vinmec cho biết: “Hiện ở Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc Thalassemia và mang gen căn bệnh này. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn trong tư vấn, sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý người bệnh thì sự thành công của phương pháp ghép tế bào gốc chữa trị Thalassemia tại Vinmec hoàn toàn có thể mở ra triển vọng chữa trị triệt để căn bệnh này”.

Hiện nay ở Việt Nam, một số ngân hàng máu cuống rốn đã bắt đầu phát triển. Còn tại Vinmec, hiện đã có hơn 1.300 mẫu máu cuống rốn được lưu trữ và bảo quản theo chuẩn quốc tế; đồng thời Khu ghép tế bào gốc được trang bị hệ thống phòng vô trùng hiện đại tạo điều kiện tối ưu giúp cho các ca ghép thành công. 

 

TP.HCM: Hơn 200.000 người hiến máu năm 2017

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tphcm-hon-200000-nguoi-hien-mau-nam-2017-677186.html

UBND TP.HCM vừa có văn bản về việc tăng cường vận động hiến máu tình nguyện năm 2017.

UBND TP cho biết phong trào hiến máu tình nguyện của TP được duy trì trong những năm qua, là hoạt động xã hội mang ý nghĩ nhân đạo cao đẹp được đông đảo người dân, cán bộ, viên chức, sinh viên, lực lượng vũ trang ủng hộ.

Nhằm đảm bảo đủ máu an toàn cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại các BV trên địa bàn TP.HCM trong năm 2017, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể TP; UBND các quận, huyện; các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang… tăng cường vận động hiến máu tình nguyện trong đơn vị mình. Cụ thể, vận động ít nhất 30% cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên… hiến máu tình nguyện, phấn đấu đạt trên 220.000 lượt người hiến máu với 143.000 đơn vị máu trong năm 2017.

 

Phục hồi thần kỳ khi bị sẹo co rút tứ chi do bỏng xăng

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/kho-tin-nguoi-dan-ong-phuc-hoi-than-ky-khi-bi-co-rut-tu-chi-351417.html

Trải qua 7 lần phẫu thuật, kết hợp tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, anh Long đã phục hồi thần kỳ.

Gần 2 năm trước, anh Nguyễn Quang Long (31 tuổi, ngụ xã Đắc Hạ, huyện Đắc G-long, tỉnh Đắc Nông) không may bị bỏng xăng toàn thân độ 3.

5 tháng sau, anh được gia đình đưa tới Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) thăm khám trong tình trạng vùng mắt trái sưng nhiều và đau, nhiễm trùng cung mày, thể trạng gầy, và sinh hoạt tại giường.

Tiến hành chụp X-quang khớp gối, khớp khuỷu tay, các BS nhận thấy anh Long bị sẹo co rút, cứng khớp, bỏng, xuất phát từ di chứng sau khi bị bỏng xăng.

Các BS BV quận 2 sau đó đã hội chẩn liên chuyên khoa với khoa Tạo hình - thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy và các chuyên gia Gây mê hồi sức BV Đại học Y dược TP.HCM.

Trước di chứng nặng nề do bỏng gây ra cho bệnh nhân, từ tháng 3/2015 tới 11/2016, các BS đã phải thực hiện 7 lần phẫu thuật, ghép da giúp…

Sau các đợt điều trị, phẫu thuật và đặt khung kéo dài chi cũng như hơn 50 lần tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, hiện bệnh nhân đã đi lại, đạp xe và tự sinh hoạt cá nhân như một người bình thường.

Theo phía BV, số tiền trong gần 2 năm điều trị cho anh Long hết gần 100 triệu, đã được các mạnh thường quân ủng hộ.

BV quận 2 cũng đã miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở cho vợ chồng của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.

 

Cô gái bị mất 2,5 lít máu được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/co-gai-bi-mat-25-lit-mau-duoc-cuu-song-nho-quy-trinh-bao-dong-do-629227.bld

Một cô gái 23 tuổi được đưa đến Bệnh viện Quận 2 (TPHCM) trong tình trạng máu chảy ồ ạt do gãy xương chậu, rách vùng kín. Các bác sĩ bệnh viện này đã bật quy trình báo động đỏ, nhờ sự giúp sức của Bệnh viện Nhân dân Gia Định để hợp sức cứu sống cô gái.

Cô gái trẻ là N.T.T.A (nhà ở quận 2, TPHCM). Theo BS.CKII Phan Văn Đức - Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 2, vào ngày 26.10.2016, khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.A trong tình trạng rất nguy kịch sốc do mất máu quá nhiều. Các bác sĩ ước chừng bệnh nhân phải mất khoảng 2,5 lít máu vì vỡ xương chậu cả 2 bên. Vùng kín bao gồm âm đạo và âm hộ cũng rách nặng, vùng đùi có máu tụ. Người nhà cho biết T.A vừa mới bị tai nạn do xe container cán qua người.

Các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 đã khởi động quy trình báo động đỏ liên viện, gọi điện thoại cho các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhờ sự trợ giúp. Trong lúc chờ các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân đã được đẩy lên phòng mổ, các bác sĩ tiến hành gây mê, chuẩn bị sẵn lượng máu cần thiết cho ca mổ. Trong vòng chưa đầy 15 phút, các bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định có mặt, nhanh chóng bước vào phòng mổ, hợp sức cùng các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 phẫu thuật cầm máu thành công cho bệnh nhân.

Sau khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 tiếp tục phải giải quyết một vấn đề lớn ở bệnh nhân: Tai nạn khiến bệnh nhân bị loét toàn bộ da và cơ vùng mông lớn, nếu không khống chế tốt có thể dẫn đến hoại tử. Mặt khác, vùng kín của bệnh nhân bị rách nặng nên rất dễ bị nhiễm trùng tiểu dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Nhiều bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện quận 2 đã hội chẩn và đưa ra hướng điều trị cho cô gái. Bệnh nhân được khâu lại vùng kín, điều trị tích cực tránh nhiễm trùng huyết. Riêng vùng da mông có nguy cơ hoại tử, các bác sĩ đã tiến hành đặt áp lực âm nhằm giúp liền da cho bệnh nhân và nhiều lần thực hiện cấy ghép da.

Cô gái trẻ hồi phục nhanh chóng. Sau quá trình kiên trì tập vật lý trị liệu, T.A đã có thể đi lại được. BS Phan Văn Đức cho rằng, T.A là một trường hợp chấn thương mất máu nặng được cứu sống. Đây là kì tích của các bác sĩ hai bệnh viện lẫn nỗ lực đáng nể của cô gái trẻ.

 

Thay khớp háng cứu cụ bà 102 tuổi

http://nld.com.vn/suc-khoe/thay-khop-hang-cuu-cu-ba-102-tuoi-20170111180434624.htm

Một cụ bà bị tai nạn gãy xương háng phức tạp vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM phẫu thuật thay khớp thành công, giúp cụ thoát khỏi sự đau đớn.

Ngày 11-5, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho biết vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công cho cụ bà 102 tuổi, ngụ quận 5-TP HCM.

Trước đó, ngày 5-1, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, bị gãy xương phức tạp, gãy nhiều mảnh, di lệch lớn ở cổ xương đùi trái gây choáng mất máu. Sau khi thăm khám, hội chẩn, chuẩn bị chu đáo các xét nghiệm tiền phẫu và giải thích các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong và sau mổ cho gia đình, các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật cố định xương gãy và thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.

Cụ bà được mổ với kỹ thuật ít xâm lấn, không cắt cơ, hạn chế mất máu tối đa nhằm giúp sớm phục hồi chức năng sau mổ. Ca mổ hoàn tất trong 60 phút nhờ sự phối hợp tốt giữa các ê kíp gây mê hồi sức, phẫu thuật. Hiện chân trái cụ bà vận động được, tỉnh táo và bớt đau nhức.

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, trường hợp những người cao tuổi lỡ bị tai nạn gãy chân nếu không phẫu thuật thì người bệnh sẽ chịu đựng sự đau đớn, lở loét do nằm lâu, viêm phổi… dần dần suy kiệt và tử vong. Và với độ tuổi này nếu sự sống vẫn còn thì phải có chất lượng sống chứ không sống trong đau đớn… Nếu không phẫu thuật thì 90% sẽ bị tử vong.

Với sự tiến bộ của y học ngày nay không cho phép người thầy thuốc đứng nhìn người bệnh chết dần trong sự đau đớn mà phải thực hiện ngay mộtphương pháp phẫu thuật để cứu sống bệnh nhân cho dù người bệnh đã quá già, trên 100 tuổi.

Đến nay Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115 đã xây dựng chuẩn quy trình mổ thay khớp háng cho bệnh nhân cao tuổi và đã phẫu thuật thành công, cứu sống cho hàng trăm bệnh nhân trên 90 tuổi. Đây là ca trên 100 tuổi thứ 2 được bệnh viện phẫu thuật thành công và ca cao nhất là 103 tuổi.

 

Bệnh nhân phỏng xăng, nằm liệt giường đã đi lại bình thường

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170111/benh-nhan-phong-xang-nam-liet-giuong-da-di-lai-binh-thuong/1250659.html

Ngày 11-1, Bệnh viện Q.2 cho biết sau nhiều đợt điều trị, phẫu thuật, đặt khung kéo dài chi và hơn 50 lần lập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, bệnh nhân Phùng Thanh Liêm, 31 tuổi, ở Đắc Nông đã đi lại.

Đồng thời bệnh nhân cũng có thể sinh hoạt cá nhân như một người bình thường.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Đức, phó giám đốc Bệnh viện Q.2 kể, trong một lần các bác sĩ Bệnh viện Q.2 đi khám từ thiện, vợ của bệnh nhân Liêm đã nhờ các bác sĩ xuống tận nhà để khám cho Liêm vì Liêm bị phỏng xăng, mức độ phỏng 75%, co rút toàn thân, không đi lại được.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định sẽ nhận bệnh nhân về Bệnh viện Q.2 để điều trị.

TS.BS Phan Minh Hoàng, Bệnh viện Q.2, một trong những bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Liêm cho rằng bệnh nhân đi lại, sinh hoạt bình thường như hiện nay “là món quà của bệnh nhân dành cho đội ngũ y bác sĩ”.  Trong quá trình điều trị,  có những lúc bệnh nhân rất đau và có lúc đã muốn bỏ cuộc.

Bệnh nhân Phùng Thanh Liêm đã cảm ơn các bác sĩ  vì đã điều trị, động viên Liêm trong suốt quá trình điều trị.  Với Liêm, Bệnh viện Q.2 như là nơi sinh ra Liêm lần thứ hai.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Đức, tổng số tiền các mạnh thường quân ủng hộ cho bệnh nhân là gần 160 triệu đồng, trong đó tổng chi phí điều trị là gần 95 triệu đồng, số tiền còn lại bệnh viện đã giao lại cho hai vợ chồng Liêm.

 

Phẫu thuật khối u não rất lớn cho bệnh nhân

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170111/phau-thuat-khoi-u-nao-rat-lon-cho-benh-nhan/1250665.html

Ngày 11-1, các bác sĩ Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cùng với sự hỗ của các bác sĩ Ngoại thần kinh Chợ Rẫy đã phẫu thuật thành công lấy khối u não rất lớn...

Khối u nào này còn ở vị trí khó cho bà H.T.T., 51 tuổi, ngụ ở huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Trong quá trình bóc tách màng cứng ra khỏi nắp sọ, các bác sĩ thấy mô u xuyên thủng màng cứng, dính vào nắp sọ.

Sau khi mở nắp sọ, các bác sĩ tiến hành lấy u từng phần và lấy hết u khỏi não. Bệnh nhân được cầm máu, đặt lại nắp sọ và đóng da. Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ. Hiện bệnh nhân đang dần ổn định và được tiếp tục điều trị hồi sức tích cực.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân có khối u não rất lớn, gây chèn ép, có nguy cơ tụt não và tử vong rất cao. Khi phẫu thuật cũng có nhiều nguy cơ như chảy máu não, phù não, chưa kể vị trí khối u gần vùng trung khu vận động nên bệnh nhân rất dễ bị liệt nửa người.

Ê kip phẫu thuật gồm các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, ngoài ra còn có hệ thống gây mê hiện đại, các trang thiết bị chuyên dụng cho phẫu thuật não và máy hiển vi phẫu thuật điện tử.

Theo lời người nhà bệnh nhân, trước đó bà T. đang ở nhà bỗng bị lên cơn co giật, người gồng cứng và tím tái. Người nhà lập tức đưa bà đến Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu.

Tại đây, qua các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u não lớn khoảng 70x45x80mm tại vùng thái dương trái, đường giữa não bị đẩy lệch sang phải 6mm, gây thoát vị não. Bệnh nhân được nhanh chóng điều trị ổn định thể trạng và lên kế hoạch phẫu thuật.

 

Thuốc làm tan chảy tế bào ung thư bắt đầu bán trên thị trường

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/thuoc-lam-tan-chay-te-bao-ung-thu-bat-dau-ban-tren-thi-truong-351292.html

Một loại thuốc có thể làm “tan chảy” tế bào đã được chứng nhận điều trị ở Australia, Thông tấn ABC đưa tin hôm 10/1.

Thuốc Venetoclax sẽ được bán trên thị trường với tên gọi Venclexta đã được Cục Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) chứng nhận điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Thuốc cũng được chứng nhận sử dụng ở Mỹ từ cuối năm 2016, sẽ giúp bệnh nhân không cần điều trị tiêu chuẩn hoặc bất kỳ liệu pháp nào khác.

Andrew Roberts, một giáo sư huyết học công tác tại bệnh viện Hoàng gia Melbourn cho biết thuốc cũng kết với một số phương pháp điều trị được chứng nhận để điều trị các loại bệnh ung thư máu khác. “Nghiên cứu đang được tiến hành chỉ ra rằng thuốc này rất thích hợp để chống lại các loại bệnh ung thư khác, vì vậy, sự khởi đầu này là một bước ngoặt lớn”, ông Robert chia sẻ.

Venetoclax hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của protein BCL-2 cho phép tế bào ung thư sinh trưởng, một giải pháp mà các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã dày công nghiên cứu trong hơn 30 năm qua.

Doug Hilton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học Walter và Eliza Hall cho biết chứng nhận rất quan trọng đối với bệnh nhân có lựa chọn điều trị bị hạn chế. “Như một mũi tên độc, thuốc Venetoclax nhắm thẳng mục tiêu ở trung tâm protein BCL-2”, ông Hilton cho Thông tấn ABC biết. “Những người dân Australia mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính bây giờ có thể hưởng lợi từ một loại thuốc như Venetoclax”, ông cho biết thêm.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang