TPHCM: Phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm vi rút Zika
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-them-5-truong-hop-nhiem-vi-rut-zika-20161111120252038.htm
Vừa có thêm 5 trường hợp mắc vi rút Zika được ghi nhận trên địa bàn thành phố nâng tổng số bệnh nhân lên 34 ca. Ngành y tế cảnh báo, vi rút Zika đang lưu hành, nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Ngày 11/11, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, tính đến 21 giờ ngày 10/11, trên địa bàn ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với vi rút Zika. Những ca bệnh mới mắc được xác định tại quận 2 (1 ca) Bình Thanh (3 ca) và Thủ Đức (1 ca). Trong đó quận Thủ Đức là quận mới xuất hiện ca bệnh, nâng tổng số quận huyện trên địa bàn thành phố ghi nhận bệnh Zika lên 12/24.
Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo nguy cơ vi rút Zika lưu hành và bùng phát trên diện rộng là rất cao. Dù vậy, ngành y tế vẫn chưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi đến những nơi có ca bệnh.
Cùng với Zika, bệnh sốt xuất huyết tuần qua trên địa bàn cũng đang gia tăng, tổng số ca bệnh phải nhập viện trong tuần là 602 trường hợp, tăng 8% so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, số người mắc sốt xuất huyết đã tăng lên 15.874 ca (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước).
Để chủ động phòng bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch khẩn về việc tăng cường phòng chống bệnh Zika và sốt xuất huyết. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch và cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm kể cả cán bộ, ban ngành địa phương lơ là trong phòng chống dịch.
Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo người dân ngoài việc hợp tác với ngành y tế cần khẩn trương thực hiện các giải pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng hành động đơn giản là tìm và diệt muỗi, diệt lăng quăng thực hiện vệ sinh môi trường, ngủ mùng thường xuyên, mặc áo dài tay, bôi kem chống muỗi... để hạn chế nguy cơ bị muỗi chích.
Người dân nói chung và phụ nữ đang mang thai nói riêng nếu thấy có biểu hiện, sốt nhẹ 37,80C đến 38,50C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược hoặc có kèm theo triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc, ngứa cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
Quận Bình Thạnh nhiều ca nhiễm Zika nhất TP.HCM
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161111/quan-binh-thanh-nhieu-ca-nhiem-zika-nhat-tphcm/1217503.html
TTO - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết tính đến hết ngày 10-11, TP có 34 ca nhiễm virút Zika, trong đó có 5 trường hợp mới được phát hiện.
Trong 5 ca mới này có 3 ca ở Q. Bình Thạnh, 1 ca ở Q.2 và 1 ca ở Q. Thủ Đức.
Đến nay, TP đã có 12/24 quận huyện ghi nhận ca bệnh do virút Zika. Q. Bình Thạnh là quận có số ca nhiễm virut Zika cao nhất (7 ca).
Theo Trung tâm Y tế dự phòng, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh, tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virút Zika.
Bệnh tay chân miệng tăng nhanh ở Khánh Hòa
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161111/benh-tay-chan-mieng-tang-nhanh-o-khanh-hoa/1217425.html
TTO - Chiều 10-11, BS Nguyễn Đông, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, cho biết cùng với số người bệnh sốt xuất huyết, từ tháng 8-2016 đến nay số người bị bệnh tay chân miệng vào điều trị tại bệnh viện rất đông. Trong đó có một số ca bị bệnh rất nặng.
Vào tuần trước toàn bộ khu điều trị cách ly của bệnh viện đã phải kê thêm giường và dành cho người bệnh. Hiện tại số bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa còn 19 ca, đã giảm được một nửa, nhưng theo BS Đông thì nỗi lo với bệnh tay chân miệng trên địa bàn chưa hết, vì khả năng bệnh này còn gia tăng trở lại.
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đến nay cả tỉnh đã có hơn 713 ca mắc bệnh tay chân miệng. Riêng tháng 10-2016 số ca mắc đã tăng gấp 4,3 lần số ca mắc bệnh này trong tháng 9 và số ca mắc cũng tăng nhanh.
Hiện ở Khánh Hòa đã có 2 ca dương tính Zika, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng đều gia tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo Sở Y tế, cả hai bệnh dịch vừa nêu đều đang có xu hướng tăng số ca mắc mới trong thời gian tới ở địa bàn tỉnh.
Vụ hai mẹ con sản phụ tử vong bất thường: Bộ Y tế đề nghị làm rõ thông tin
Trước thông tin báo chí phản ánh về trường hợp thai phụ tử vong bất thường sau khi vào phòng đẻ, ngày 11/11 Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế Yên Bái tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân tử vong.
Theo thông tin phản ánh, trước đó, khoảng 4h30 phút chiều 8/11 anh Vũ Văn Được (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái) đưa vợ là chị Phạm Thị Hiền đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái làm thủ tục nhập viện, chờ sinh.
Sau 4 tiếng nhập viện chờ sinh, bác sĩ có yêu cầu gia đình đi mua 4 lọ thuốc, sau đó sản phụ được tiêm hai lọ thuốc này. Sau tiêm khoảng 30 phút chị Hiền được bác sĩ gọi khám lại, cho truyền và vào phòng đẻ theo dõi.
40 phút sau, bác sĩ yêu cầu chồng thai phụ cầm tã sang phòng sinh. Thế nhưng khi ngồi trước phòng chờ sinh, anh Điền liên tục nghe bác sĩ gọi “Hiền ơi mở mắt ra".
Theo trình bày của anh Được, anh thấy các bác sĩ chạy vào cấp cứu cho vợ sau hơn 1 tiếng thì mời anh vào phòng trực, thông báo tình hình vợ diễn biến xấu.
Trước tình trạng của vợ, anh Được đã ký cam kết để yêu cầu chuyển bệnh nhân lên bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, khi xe đi được nửa đường thì bác sĩ đi theo xe cho biết tình trạng xấu, nhưng anh Được vẫn quyết tâm đưa vợ đi.
Đến bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Hiền được cấp cứu khoảng 40 phút, các bác sĩ nỗ lực hết sức nhưng hai mẹ con đã không qua khỏi.
Sau ca tử vong này, đại diện Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết đã nắm được sự việc. Theo báo cáo ban đầu từ bệnh viện, nhiều khả năng sản phụ bị thuyên tắc mạch ối. Cũng theo lãnh đạo này, khi hai mẹ con sản phụ được chuyển đến BV Bạch Mai, tại đây các bác sĩ cũng chẩn đoán sản phụ bị thuyên tắc mạch ối.
Trước ca tử vong này, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 8077/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế Yên Bái đề nghị làm rõ thông tin phản ánh về trường hợp tử vong của sản phụ Phạm Thị Hiền.
Bộ Y tế yêu cầu sở Y tế Yên Bái khẩn trương xác minh thông tin, tổ chức họp hội đồng chuyên môn đánh giá về nguyên nhân tử vong; kiểm thảo về quá trình tiếp đón, chăm sóc, theo dõi, xử trí đối với sản phụ, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc này về Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em trước ngày 17/11/2016.
5. 95% bệnh nhân phẫu thuật phải dùng kháng sinh kéo dài
Nhân loại đang phải đối mặt với nguy cơ không còn thuốc điều trị trong tương lai bởi tình trạng kháng kháng sinh ở hiện tại. Có tới 95% bệnh nhân phẫu thuật phải sử dụng kháng sinh kéo dài, hơn 52% bệnh nhân bị chỉ định kháng sinh không hợp lý.
Từ năm 2011 Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng báo động nguy cơ kháng thuốc trên toàn cầu. Trước thực tế nhày càng gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh, với mức độ trung bình là hơn 50%, một số loại đặc biệt bị kháng lên tới hơn 90%, cuối năm 2015 Bộ Y tế Việt Nam đã phát động cuộc chiến đẩy lùi thảm họa này.
Tại buổi Hội nghị Khoa học Kỹ thuật tổ chức ngày 11/11, PGS.TS Lê Thị Anh Thư chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: Kháng kháng sinh xảy ra là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong quá trình điều trị cho người bệnh. Tình trạng kháng kháng sinh xảy ra trên toàn cầu nhưng đặc biệt nguy hiểm tại các nước đang phát triển với tỷ lệ thuốc bị kháng rất cao.
Riêng tại Việt Nam, số liệu khảo sát tại 16 bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và bệnh viện nhi cho thấy, có tới 60% bệnh nhân nội trú được chỉ định sử dụng kháng sinh, trên 52% bệnh nhân bị chỉ định sử dụng kháng sinh không hợp lý 95% bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài ít nhất 5 đến 7 ngày sau phẫu thuật đây là hệ quả từ việc sử dụng kháng sinh không hợp lý từ trước nên khả năng đáp ứng với thuốc không cao. Chi phí cho kháng sinh chiếm tới 45% trên tổng chi phí trong quá trình điều trị cho người bệnh.
Phân tích chuyên môn của PGS Anh Thư chỉ ra, sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm gia tăng kháng kháng sinh, giảm hiệu quả của thuốc, giảm hiệu quả điều trị, tăng chi phí y tế. Sử dụng kháng sinh sai gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong tử vong cho bệnh nhân. Hiện nay, các bệnh viện vẫn chưa chú trọng đến sử dụng kháng sinh trong dự phòng mà chủ yếu dùng trong và sau phẫu thuật khiến tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ kháng kháng sinh cho người bệnh, PGS Anh Thư khuyến cáo, các bác sĩ mỗi khi đứng trước quyết định nên cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh hay không, trước hết cần phải tính đến phương án hạn chế đến mức tối đa. Nếu buộc phải chỉ định cho người bệnh thì nên dùng kháng sinh đúng bệnh, đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thời gian. Mặt khác, ngành y tế cần tăng cường đào tạo kiến thức chuyên môn về sử dụng kháng sinh hợp lý cho các bác sĩ để rút ngắn thời gian điều trị. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ giám sát, quản lý chất lượng để tránh tình trạng lạm dụng mà phải hướng tới sử dụng hợp lý kháng sinh.
Kháng sinh là loại thuốc bắt buộc phải kê toa, tuy nhiên Việt Nam còn buông lỏn quản lý,chưa triệt để thực hiện quy định này, các loại kháng sinh phổ biến có thể tìm mua được ở bất kỳ nhà thuốc nào. Ngoài việc đề xuất Bộ Y tế sớm có giải pháp chặn đứng tình trạng trên, PGS Anh Thư khuyến cáo cộng đồng, tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh và sử dụng kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp phải sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ chỉ định điều trị uống đúng liều lượng và đủ số thuốc được kê toa để hạn chế tối đa tình trạng lờn thuốc.
UNICEF: 1,4 triệu trẻ em tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy mỗi năm
Ngày 11/11, theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bệnh viêm phổi và tiêu chảy gây tử vong cho 1,4 triệu trẻ em mỗi năm, phần lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Đặc biệt, tử vong trẻ em vẫn diễn ra cho dù hai căn bệnh này phần lớn là có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp đơn giản, có hiệu quả cao với chi phí thấp như nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tiêm chủng, chăm sóc y tế ban đầu có chất lượng và giảm ô nhiễm không khí tại hộ gia đình.
Những kết quả trên được nêu lên trong báo cáo mới của UNICEF được công bố hôm nay (11/11) tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP22, diễn ra tại Morocco. Báo cáo có tiêu đề “Một là quá nhiều: Chấm dứt tử vong ở trẻ em do viêm phổi và tiêu chảy.”
Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất cho trẻ dưới 5 tuổi, lấy đi tính mạng của gần một triệu trẻ em trong năm 2015 (nghĩa là cứ khoảng 35 giây lại có một em bị tử vong).
Số trẻ tử vong do bệnh viêm phổi nhiều hơn con số tử vong do các bệnh sốt rét, lao, sởi và AIDS cộng lại. Khoảng một nửa số trẻ em bị tử vong do viêm phổi đều liên quan đến ô nhiễm không khí.
Vì vậy, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lưu tâm đến điều này trong các thảo luận về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Hội nghị COP22.
Bà Fatoumata Ndiaye - Phó Giám đốc Điều hành UNCIEF nhấn mạnh: “Chúng ta thấy rõ là ô nhiễm không khí liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em vì nó gây ra các bệnh viêm phổi và các bệnh viêm đường hô hấp khác.”
Vị đại diện của UNCIEF chỉ rõ, hai tỷ trẻ em đang sống ở các khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quốc tế là điều đáng lo ngại. Bởi khu vực có không khí ngoài trời bị ô nhiễm có thể gây bệnh tật và tử vong cho nhiều người.
Giống như viêm phổi, tiêu chảy ở trẻ em trong một chừng mực nào đó cũng liên quan đến đến lượng mưa ít gây ra bởi biến đổi khí hậu. Lượng nước sạch giảm làm cho trẻ em đứng trước nguy cơ cao hơn bị các bệnh tiêu chảy cũng như làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thể chất và nhận thức của trẻ.
Theo thống kê của UNICEF, gần 34 triệu trẻ em bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy từ năm 2.000. UNICEF ước tính, nếu không có sự đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa và điều trị cơ bản, sẽ có thêm 24 triệu trẻ em nữa bị tử vong vì viêm phổi và tiêu chảy cho đến năm 2030./.
Hàng chục bệnh nhân nhập viện mỗi ngày do kiến ba khoang
Hiện đang là thời điểm kiến ba khoang phát triển rất mạnh. Bệnh viện Da liễu Trung ương có ngày tiếp nhận 50-60 bệnh nhân đến khám và điều trị do bị dính nọc độc của kiến ba khoang.
Ths.BS Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian vừa qua bệnh viện gặp rất nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do các loại côn trùng, trong đó chủ yếu là kiến ba khoang tấn công.
Theo BS Vinh, mỗi ngày khoa tiếp nhận vài chục bệnh nhân đến khám, những ngày cao điểm con số này có thể lên tới 50-60 bệnh nhân. Đa số các trường hợp đến khám đều đã có vết thương khu trú ở mặt, tay hoặc cổ. Thậm chí có những trường hợp nặng vết thương lan rộng, bị bội nhiễm da, sốt cao phải nhập viện điều trị.
Trước tình trạng bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang gia tăng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo giúp người dân phòng tránh loại côn trùng này. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sở dĩ kiến ba khoang gây bỏng da, viêm da đối với con người là vì trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
PGS Phu cho biết, khi bị kiến ba khoang tấn công, thường sẽ xuất hiện một số biểu hiện lâm sàng như: tổn thương cơ bản có dạng rát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
Thông thường viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Đặc biệt thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
Sau khi bị kiến ba khoang tấn công khoảng 6 đến 8 giờ, cơ thể sẽ xuất ban đỏ, dát đỏ. Sau 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình, sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại dát thâm và rất lâu mới hết vết thâm đó.
Thanh Hóa: Bắt giữ nửa tấn nội tạng trâu bò không rõ nguồn gốc
Công an huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ một đối tượng đang có hành vi vận chuyển 5 tạ nội tạng trâu bò không rõ nguồn gốc xuất xứ trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, ngày 11/11, Công an huyện Ngọc Lặc đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1969, ở xã Yên Lạc, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đang vận chuyển nội tạng trâu bò đi tiêu thụ.
Tại chỗ, lực lượng Công an phát hiện có 5 tạ nội tạng trâu bò. Khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra, đối tượng Nguyễn Văn Thành đã không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ gì liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ số nội tạng nói trên.
Ngay sau đó, Công an huyện Ngoc Lặc đã lập biên bản tịch thu số nội tạng nói trên và phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số tang vật theo qui định của pháp luật.
Bác sĩ khổ vì sửa sai cho thầy lang
http://suckhoedoisong.vn/bac-si-kho-vi-sua-sai-cho-thay-lang-n124759.html
SKĐS - Có bệnh thì vái tứ phương”, tuy nhiên, nhiều người chỉ vì nhẹ dạ đã nghe lời đồn đại, rỉ tai chữa bệnh theo những lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột và cách chữa bệnh...
“Có bệnh thì vái tứ phương”, tuy nhiên, nhiều người chỉ vì nhẹ dạ đã nghe lời đồn đại, rỉ tai chữa bệnh theo những lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột và cách chữa bệnh “chẳng giống ai” như chữa bướu cổ bằng lá cây của thầy lang hay chữa ung thư vú bằng gạo lứt, uống nước lã... để “tiền mất tật mang” rồi sau đó bệnh quá nặng mới tìm đến bệnh viện để mong được bác sĩ “sửa sai”.
Cấp cứu vì chữa bướu cổ bằng đắp lá cây
Mới đây, BVĐK tỉnh Sơn La đã tiếp nhận bệnh nhân Lò Thị D., (51 tuổi ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Sơn La) nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn vùng cổ. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, bà D. bị bướu cổ, được người quen giới thiệu đi khám thầy lang chữa bằng lá cây và tiêm thuốc vào vùng cổ. Sau khoảng 5 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt, đau, tấy đỏ vùng cổ, khoảng vài ngày tiếp theo bệnh nhân sốt cao, khó thở. Bà D. được gia đình đưa xuống BV huyện Thuận Châu khám sau đó được chuyển tới BV tỉnh. BS. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, khó thở, viêm tấy lan tỏa toàn bộ vùng cổ do chèn ép của ổ viêm tấy, cổ bạnh to ra. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu. Trên xét nghiệm công thức máu bạch cầu tăng cao, siêu âm có vùng tăng giảm tỉ trọng, kèm khí toàn bộ phía trước, hai bên cổ, do đang giai đoạn áp-xe hóa, khí vùng cổ... Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng nặng, viêm tấy lan tỏa vùng cổ sau đắp lá cây, tiêm vùng cổ (không rõ loại thuốc, lá cây
Xác định đây là trường hợp biến chứng nặng, áp-xe lan tỏa vùng cổ sau tiêm thuốc, đắp thuốc điều trị bướu cổ. Bệnh nhân được hội chẩn Ban giám đốc và được hồi sức tích cực, thở ôxy, phối hợp dùng kháng sinh liều cao... Sau đó, qua kiểm tra toàn diện đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng chức năng gan, thận... diễn biến ổn định hơn về toàn trạng, viêm tấy lan tỏa được khống chế, ổ áp-xe khu trú hơn, bệnh nhân đã được đưa lên nhà mổ, rạch, tháo mủ, làm sạch ổ áp-xe lớn vùng cổ...
Sức tàn, lực kiệt vì chữa ung thư bằng ăn gạo lứt, uống nước lã
Khoa Cấp cứu hồi sức, BV K cơ sở 3 tiếp nhận bệnh nhân N. bị ung thư vú nhưng đã di căn toàn thân. Theo lời kể của người nhà, chị N. được phát hiện ung thư vú cách đây 10 tháng, lúc ấy khối u rất nhỏ. Các bác sĩ khuyên nhưng chị N. không mổ mà về nhà điều trị. Suốt 10 tháng chị N. chỉ ngồi thiền, uống nước lã và ăn gạo lứt. Tuy nhiên, trong 10 tháng ở nhà tự điều trị, căn bệnh của chị N. ngày càng tiến triển, sức khỏe suy kiệt. Mặc dù vậy, gia đình vẫn tin vào cách chữa này và chỉ đến khi da xanh, chân phù, cơn đau hành hạ chị mới đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh của chị rất đáng thương không thể giúp được gì ngoài tiêm giảm đau vì bệnh đã ở giai đoạn quá muộn, khối u to không thể mổ được, bệnh lại di căn xa.
Một bệnh nhân ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện ung thư vú, nhưng lại sợ đụng dao kéo nên không muốn phẫu thuật, bác sĩ cũng đến tận nhà thuyết phục chị vẫn không nghe. Đến khi vào viện với thân tàn, lực kiệt và cầu cứu bác sĩ “bây giờ bác sĩ nói gì tôi cũng nghe theo”. Tuy nhiên, lúc này bác sĩ cũng chỉ động viên bệnh nhân vì đã quá muộn, vượt quá sự phát triển và can thiệp của y học. “Đây thực sự là điều đáng tiếc cho bệnh nhân, vì nếu bệnh nhân tin tưởng vào các bác sĩ từ đầu thì thêm cơ hội sống. Bởi hiện nay bệnh nhân ung thư vú vẫn là bệnh ung thư có tiên lượng tốt nhất nếu được điều trị đúng.
Vì đâu nên nỗi?
Trao đổi với phóng viên, BS. Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Sơn La cho biết, bướu cổ luôn là nỗi lo của mọi người, ở các vùng miền khác nhau, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết về bệnh tật còn nhiều hạn chế. Hơn nữa nhiều người chưa nhận thức hết, nghĩ rằng mổ sẽ đau. Hoặc nhiều người lại sợ là u ác tính, ung thư. BS. Việt chia sẻ thêm, biết rằng không phải tất cả bướu cổ đều phải mổ, nhưng nếu bệnh nhân được khám, tư vấn đúng cơ sở thì phát hiện bệnh sớm, với từng trường hợp bệnh cụ thể như nang giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu cổ địa phương, thiếu iod, Basedow... sẽ được tư vấn dùng thuốc nội tiết, dùng iod, phẫu thuật hay các biện pháp điều trị khác.
Điều trị qua một số thầy lang, các thuốc, phương pháp chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí gây tử vong.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ThS. Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV K cơ sở 3 cũng cho biết, anh thường xuyên gặp bệnh nhân bị suy đa phủ tạng do ung thư uống thuốc Nam trong quá trình điều trị. Cũng theo ThS. Nghĩa, bệnh nhân tìm đến các bài thuốc này, thuốc kia cũng là do chưa được tư vấn tâm lý nhiều khi được chẩn đoán ung thư. Hầu như khi phát hiện ung thư ai cũng rất hoang mang, nếu được bác sĩ chuyên ngành ung bướu tư vấn kỹ, giúp họ tin tưởng vào y học hiện đại sẽ rất tốt. Mặt khác, theo ThS. Nghĩa, việc uống thuốc Nam cũng được nhưng chỉ dành cho những bệnh nhân đã ở giai đoạn quá muộn, y học hiện đại không giúp được gì cho họ thì họ có thể uống thuốc Nam, thuốc Bắc như một cách động viên tinh thần, giúp người bệnh nghĩ rằng họ vẫn đang được điều trị bệnh mà không phải nằm chờ cái chết. Cảm giác nằm chờ cái chết của bệnh nhân ung thư thực sự kinh khủng, lúc đó bác sĩ sẽ tư vấn cho họ. Còn trường hợp của đại đa số bệnh nhân mà y học còn can thiệp được thì không nên điều trị thêm thuốc lá, thuốc Nam mà chỉ cần họ có niềm tin vào bác sĩ sẽ tốt hơn.
Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau 2018
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/quy-bhyt-co-nguy-co-mat-can-doi-sau-2018-664688.html
Ngày 11-11, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội thảo về bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện 15 tỉnh, TP trong cả nước.
38 địa phương bội chi quỹ BHYT
Tại hội thảo, BHXH Việt Nam cho hay đến hết tháng 6-2016, số người tham gia BHYT là 72,81 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm 70%-90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện.
Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỉ đồng.Dự kiến năm 2016, quỹ BHYT sẽ bội chi trên 7.000 tỉ đồng. Nếu không có điều chỉnh, quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018.
Theo ông Phạm Văn Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, thực tế về mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT của Quảng Nam trong những năm vừa qua và đặc biệt trong chín tháng đầu năm 2016 là bài toán khó trong vấn đề quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng cho rằng có hiện tượng trục lợi trong quỹ BHYT.Công tác giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị nhiều bất cập về nguồn nhân lực và năng lực của giám định viên còn hạn chế.
Công - tư: Bên trọng, bên khinh
ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho hay trong suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận những người thực thi công vụ còn có sự phân biệt, đối xử đối với y tế tư nhân. Nhiều người vẫn còn quan niệm: Y tế tư nhân là lĩnh vực “kinh doanh bệnh tật”, chỉ vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy. Từ quan điểm lệch lạc đó dẫn đến việc xây dựng, ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách không phù hợp.Thậm chí một số chính sách lại trở thành rào cản cho sự phát triển của khối y tế này.
Ông Đệ cho rằng về bản chất, mối quan hệ giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là... quan hệ đối tác. “Tuy nhiên, do đồng thời là cơ quan quản lý quỹ BHYT nên mối quan hệ giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trở thành quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nếu không có những chế tài đủ mạnh để giám sát chặt chẽ quỹ BHYT, rất dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho” - ông Đệ nhấn mạnh.
Theo ông Đệ, khoảng 41% giám định BHYT không được đào tạo về lĩnh vực y tế đang gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho y tế tư. Nhiều vấn đề chuyên sâu về y tế, nhân viên giám định không hiểu biết đầy đủ dẫn đến việc xuất toán sai, không hợp lý, gây bức xúc cho bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện.Thậm chí có chỉ đạo “ngầm” của cơ quan BHXH đối với nhân viên giám định về chỉ tiêu xuất toán.
Đặc biệt, cùng một lỗi vi phạm, thậm chí vi phạm nhẹ hơn so với cơ sở khám chữa bệnh nhà nước nhưng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân luôn bị xử lý nặng hơn. Theo ông Đệ, kết quả kiểm tra cho thấy sự chênh lệch chi phí sai quy định giữa cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại Thanh Hóa rất lớn (khoảng 47,2 tỉ đồng/bảy bệnh viện công so với khoảng 10,6 tỉ đồng/bảy bệnh viện tư). Việc yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cam kết mức trần khám chữa bệnh bình quân là một dạng “giấy phép con” cần loại bỏ.
Trên 40% doanh nghiệp trốn đóng BHYT
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết tới đây Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cùng các đơn vị liên quan sẽ làm việc với Thanh Hóa để làm rõ một số nội dung ông Đệ phản ánh.
Tính đến ngày 30-6, số nợ BHYT là hơn 2.966 tỉ đồng, trong đó nợ đọng từ các doanh nghiệp hơn 1.448 tỉ đồng, tương đương 50,2% tổng số nợ. Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết hiện có 1 triệu lượt thẻ BHYT được cấp trùng trong đợt rà soát vừa qua.
Người Việt tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/nguoi-viet-tieu-thu-bia-dung-dau-dong-nam-a-664591.html
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Góp ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”, do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, tổ chức sáng 11-11, tại Hà Nội.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chỉ trong năm năm (2011-2015), tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24-64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%.
Từ năm 2005-2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi (từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người). Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ ba châu Á.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gánh nặng bệnh tật toàn cầu, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ năm trong tổng số 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ rối loạn trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam. Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng rượu bia của người lớn như bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bị bỏ mặc, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình…
Ngoài ra, chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị sáu loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam trong đó có năm bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới hơn 25.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.
Để kịp thời ngăn chặn “nạn dịch” rượu bia và những hệ lụy của nó tới đời sống kinh tế-xã hội và các thế hệ sau, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng luật năm 2017 của Quốc hội. Cùng với đó là nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia…
Cứu sống anh em sinh non bị suy hô hấp nặng
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuu-song-anh-em-sinh-non-bi-suy-ho-hap-nang-664614.html
Cụ thể, ngày 4-10, BV Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân VTMX chuyển dạ sinh non thai 32 tuần. Sản phụ nhanh chóng được các y, bác sĩ cấp cứu và phẫu thuật hai bé trai song sinh. Bé thứ nhất nặng 1.800 g và bé thứ hai nặng 1.850 g.
Ngay khi chào đời, hai bé có tình trạng suy hô hấp nặng, toàn thân tím tái, thở yếu, không đều, phổi thông khí kém. Các bé được các bác sĩ khoa Sơ sinh đặt nội khí quản, thở máy thông số máy cao, chụp X-quang chẩn đoán bệnh màng trong giai đoạn 3 và 4. Các bác sĩ đã thực hiện các bước điều trị suy hô hấp sơ sinh cho hai bé kết hợp thực hiện “da kề da” với mẹ.
Sau 35 ngày được điều trị, chăm sóc tận tình, hai bé đã xuất viện, bú mẹ giỏi, tăng cân tốt trên 2.100 g, khám ROP (tầm soát bệnh võng mạc) bình thường. Về sau, hai bé sẽ được tiếp tục tái khám theo chương trình khám ngoại trú Kangaroo.
Trong những trường hợp sinh non có rất nhiều yếu tố nguy cơ cho bé, đặc biệt là vấn đề thiếu chất trưởng thành phổi (surfactant). Trong trường hợp này cả hai bé đều thiếu rất nhiều và đã được điều trị surfactant ngoại sinh rất sớm, giúp phổi bé ổn định nhanh chóng và giúp cai máy thở sớm hơn.
Cần Thơ: Cứu sống bé sơ sinh ngưng tim, ngưng thở
http://suckhoedoisong.vn/can-thocuu-song-be-so-sinh-ngung-tim-ngung-tho-n124746.html
SKĐS - Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của BV vừa cứu sống trường hợp bé sơ sinh ngưng tim, ngưng thở, mắc nhiều bệnh lý phức tạp.
Cháu bé là con sản phụ Ng.Thị Cẩm Quyên sinh năm 1989 ngụ tại Đồng Tháp, chị Quyên nhập viện trong tình trạng suy thai, thai 37 tuần 1 ngày. Các bác sĩ ngay khi tiếp nhận đã tiến hành mổ cấp cứu để cứu bé, cháu bé chào đời là một bé trai nặng 2900 gram. Tuy nhiên, sau sinh bé không khóc, không phản xạ và ngưng thở.
Ê kip bác sĩ khoa Sơ sinh lập tức thực hiện hồi sức cho bé bằng cách đặt nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản. Sau một thời gian hồi sức tích cực, bé đã hồng hào hơn và được chuyển lên khoa Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.
Dù bé đã được thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch kèm truyền kháng sinh nhưng suốt 2 ngày đầu sức khỏe của bé không ổn định. Bé được chẩn đoán viêm phổi hít, bệnh não thiếu oxy giai đoạn 2. Các bác sĩ đã cho bé thực hiện kiểm tra tổng quát và xét nghiệm lại. Kết luận bé bị viêm phổi hít, bệnh não thiếu oxy giai đoạn 2, suy gan, suy thận và rối loạn điện giải.
Với tình trạng nguy kịch, sức khỏe của bé luôn được các bác sĩ theo dõi sát sao, bé tiếp tục được thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch và đổi thuốc kháng sinh suốt 5 ngày sau sinh. Đến ngày 30/10/2016, bé đã được cho ngưng thở máy. Hiện sức khoẻ của bệnh nhi đang tiến triển tốt, có thể tự thở, các bác sĩ vẫn duy trì cho bé truyền kháng sinh và thực hiện da kề da để giúp ổn định thân nhiệt và hô hấp cho bé.
Trước đó, Bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ cũng đã tiếp nhận và điều trị thành công cho cặp song sinh sinh non bị suy hô hấp nặng là con của sản phụ T. M. Xuyên.
Ngay khi chào đời 2 bé có tình trạng suy hô hấp nặng, toàn thân tím tái, thở yếu, không đều, phổi thông khí kém. Ngay lập tức bé được các bác sĩ khoa Sơ Sinh đặt nội khí quản, thở máy thông số máy cao, chụp XQ chẩn đoán bệnh màng trong giai đoạn III và IV ngay lập tức bơm Surfactant sau đó chuyển sang thở NCPAP sớm kết hợp thực hiện “da kề da” với mẹ.
Sau 35 ngày bé được điều trị, chăm sóc tận tình, bé đã xuất viện: bú mẹ giỏi, tăng cân tốt trên 2.100 gram, khám tầm soát bệnh võng mạc (ROP) bình thường. Và tiếp tục tái khám theo chương trình khám ngoại trú Kangaroo.
Bệnh viện Chợ Rẫy: Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị đâm thấu tim
(PL+) - Do vết thương bị đâm thấu ngực, thấu tim bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, mạch bằng 0, huyết áp bằng 0, phát hiện có dịch màng tim… các bác sĩ bệnh viện Chợ rẫy đã khẩn trương tiến hành phẫu thuật ca mổ đặc biệt và thành công ngoài mong đợi.
Vào hồi 18h38 ngày 9/10 bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhân một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân Lê Quốc Trung, 22 tuổi, trú tại xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc, Long An bị một vật sắc nhọn đâm thấu vùng ngực.
Bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, sốc khá nặng, mạch bằng 0, huyết áp 0, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm, xét nghiệm phát hiện bệnh nhân có dịch màng tim, nếu không kịp thời phẫu thuật sẻ rất nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.
Xác định vùng bệnh các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật. Ca mổ do bác sĩ Hà Thanh Bình, phó trưởng Khoa Ngoại lồng ngực và bác sĩ Lâm Xuân Nhật cùng ê kíp mổ tiến hành phẫu thuật.
Các bác sĩ đã phải dùng cưa điện xẻ một đường lớn trước vùng ngực tách đôi xương ức ra để vào phần tim và tại vùng tim phát hiện có nhiều vết máu đọng vùng trước tim. Vào phần tim, phía trong rãnh nhị thất các bác sĩ đã lấy ra một khối máu đông khoảng 20gram và 20gram máu loãng không đông. Kiểm tra kỹ trước và sau tim bình thường các bác sĩ đã tiến hành khâu lại bằng loại chỉ đặc biệt.
Chia sẽ với báo chí tại phòng 7B1 khoa ngoại lồng ngực, bác sĩ Hà Thanh Bình người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là ca mổ đặc biệt, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốc khá nặng, mạch bằng không, huyết áp không, có dịch màng tim nếu không kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Thông thường trong trường hợp bệnh nhân mạch bằng không, huyết áp không thì khoảng 10-15 phút nếu không cứu chữa kịp thời có thể bệnh nhân đã chết. Bác sĩ Bình cho biết thêm, mặc dù thời điểm nhập viện có rất đông bệnh nhân, rất khó khăn trong việc di chuyển đến phòng mổ, do ca mổ đặc biệt nghiêm trọng nên không thể chậm rãi. Đây là một ca mổ khó, tuy nhiên với những tâm huyết các bác sĩ tại bệnh viện Chợ rẫy đã phẫu thuật thành công “thần kỳ” ca mổ này.
Theo đó, vào chiều ngày 9/11 do xẩy ra mâu thuẩn với 2 người cùng quê tên Hòa và Thuận. Trong lúc xảy ra mâu thuẩn Trung đã bị một trong hai người dùng một vật nhọn, nghi là dao đâm vào vùng ngực, sau khi bị đâm khoảng 5-10 giây thì bị ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện đa khoa Cần Giuộc , Huyện Cần Giuộc, Long An để cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu kịp thời xử lý cầm máu, hồi sức tích cực, đặt nội khí quản và chuyển gấp lên bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM để tiến hành phẫu thuật. Do xử lý tốt công tác sơ cứu ở bệnh viện tuyến dưới nên đã giữ lại được tính mạng cho bênh nhân trung.
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, hoàn toàn tĩnh táo và có thể nói chuyện, dự kiến khoảng 1 tuần nữa có thể xuất viện.
Phẫu thuật thành công ca thoát vị hoành bẩm sinh cho trẻ 1 ngày tuổi
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bé gái sơ sinh Trưởng Thị Lan (dân tộc Dao, ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) bị thoát vị hoành bẩm sinh phức tạp.
Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 2/11 , khi trẻ mới được 1 ngày tuổi.
Đến nay, sau hơn một tuần được phẫu thuật, bé Lan hồi phục rất tích cực, bé đã hoàn toàn cai được máy thở, được dừng các thuốc vận mạch, tỉnh táo, phản xạ tốt, ăn tốt.
Trước đó, ở tuần thai thứ 34, mẹ của bé Lan đã được Khoa Chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bé bị thoát vị hoành bẩm sinh.
Bé được sinh tại bệnh viện Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh. Khi sinh ra, bé có phản xạ sơ sinh yếu, phổi hai bên thông khí kém nên đã được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT cho thấy toàn bộ dạ dày và lá lách của bé nằm trên lồng ngực, không có cơ hoành ngăn lại và đẩy lên cao hơn so với bình thường, chèn ép vào phổi khiến thể tích phổi của bé dưới 1/3 thông thường.
Các bác sỹ chẩn đoán bé bị thoát vị hoành bẩm sinh bên trái, một phần dạ dày và lách chui qua cơ hoành lên lồng ngực trái gây hoại tử... Nếu không kịp thời được mổ để sắp xếp lại vị trí, nguy cơ tử vong rất cao. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sỹ chỉ định phẫu thuật mổ cấp cứu ngay cho bé.
Trong quá trình mổ, do lỗ thoát vị hoành rộng, một phần dạ dày và lá lách đã bị hoại tử, một phần đứt rời khỏi tổ chức xung quanh, các bác sỹ đã phải cắt toàn bộ dạ dày và lá lách của bé, sau đó nối thẳng phần ruột non với thực quản cho bé.
Theo các bác sỹ, đây là bệnh nhi bị thoát vị hoành có nhiều biến chứng nặng. Ca phẫu thuật được thực hiện trong hơn 3 giờ đồng hồ./.
Phẫu thuật nội soi điều trị sỏi san hô hiếm gặp
http://suckhoedoisong.vn/phau-thuat-noi-soi-dieu-tri-soi-san-ho-hiem-gap-n124742.html
SKĐS - Mới đây, Khoa Tiết niệu BV.Đại học Y Dược TP.HCM (BV.ĐHYD) tiếp nhận bệnh nhân Võ Thị S., 59 tuổi, ngụ tại TP.HCM, nhập viện vì đau hông trái kéo dài nhiều năm. bệnh nhân s. bị sỏi san hô ở thận và đài thận.
Người bệnh đã biết mình có viên sỏi rất lớn ở thận trái từ 5 - 6 năm nay nhưng không dám điều trị vì khi đi khám ở các bệnh viện khác, người bệnh đều được chỉ định mổ hở lấy sỏi, thậm chí có nơi còn yêu cầu cắt bỏ thận có sỏi.Người bệnh cảm thấy rất sợ và chần chừ điều trị. Khi đến BV.ĐHYD, sau khi thăm khám và chụp CT - scan, các bác sĩ Khoa Tiết niệu phát hiện người bệnh bị sỏi san hô kích thước 74mm x 48mm, chiếm hết toàn bộ thận và các đài thận. Đây là 1 trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp. Tên gọi sỏi san hô là do viên sỏi lấp đầy toàn bộ các nhánh đài thận, nhìn như một tảng san hô dưới biển. Nếu không điều trị sỏi sẽ tàn phá làm mất chức năng thận. Không những thế, sỏi còn có thể gây ra những đợt nhiễm trùng thận tái đi tái lại, đôi khi nhiễm trùng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Trước đây, khi phẫu thuật nội soi niệu chưa phát triển, những trường hợp sỏi san hô như thế này đều phải mổ hở lấy sỏi, thậm chí phải cắt bỏ thận. Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi trong những trường hợp này cũng có nhiều tai biến như chảy máu sau mổ, xì rò nước tiểu, tổn thương nhu mô thận gây ảnh hưởng chức năng thận...
Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật nội soi (PTNS) tại BV. ĐHYD phát triển nhanh, mạnh, chuyên sâu trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Điển hình trong trường hợp này, nhờ áp dụng PTNS, các viên sỏi san hô vẫn có thể được lấy ra khỏi thận chỉ với 1 vết mổ nhỏ khoảng 10mm vùng hông lưng, đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như ít sang chấn, ít mất máu, ít ảnh hưởng đến chức năng thận, ít đau và hồi phục nhanh sau mổ. Tuy nhiên, vì khối lượng sỏi rất lớn nên PTNS lấy sỏi san hô phải tiến hành nhiều lần do trong 1 lần nội soi không thể lấy hết toàn bộ sỏi.
Sau khi tư vấn, người bệnh chấp nhận thực hiện PTNS lấy sỏi qua da. Phẫu thuật viên tạo 1 đường hầm nhỏ xuyên từ ngoài da vào trong thận để tán sỏi và gắp vụn sỏi ra ngoài. Sau phẫu thuật, người bệnh nằm viện 1 - 2 ngày, sau đó về nhà nghỉ ngơi vài ngày rồi lại trở lại bệnh viện để tiếp tục nội soi gắp sỏi. Sau 4 lần nội soi gắp sỏi, người bệnh đã sạch gần 98% sỏi, chỉ còn 1 mảnh vụn sỏi 5mm còn sót lại.Vụn sỏi này sẽ tiếp tục được tán sỏi ngoài cơ thể cho sạch hết, không cần phẫu thuật. Ca phẫu thuật không cần truyền máu, người bệnh xuất viện khỏe mạnh.
PTNS lấy sỏi thận qua da đã được thực hiện tại BV. ĐHYD từ năm 2004. Cho đến nay khoa Tiết niệu của bệnh viện đã thực hiện hàng ngàn trường hợp PTNS lấy sỏi thận qua da nhưng những trường hợp sỏi san hô lớn phức tạp như trường hợp này thì hiếm gặp, không quá 10 trường hợp mỗi năm. PTNS lấy sỏi thận qua da hiện nay đã triển khai ở một số bệnh viện trong nước nhưng PTNS lấy sỏi qua da điều trị sỏi san hô thì chỉ có thể thực hiện ở một vài đơn vị chuyên sâu.
Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ sỏi thận của châu Á, nguyên nhân có thể do khí hậu nhiệt đới nên khả năng mất nước trong cơ thể cao, làm tăng sự cô đặc nước tiểu, các tinh thể canxi dễ lắng đọng trong nước tiểu hình thành sỏi. Phẫu thuật điều trị sỏi niệu luôn chiếm 60 - 70% khối lượng công việc của mọi khoa tiết niệu trong nước.
Sỏi niệu gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. Độ tuổi thường gặp nhất từ 40 - 70 tuổi. Triệu chứng nổi bật là đau tức vùng hông lưng, tiểu máu. Tuy nhiên khoảng 30% trường hợp sỏi thận diễn tiến âm thầm không triệu chứng đặc hiệu. Người bệnh chỉ phát hiện được khi sỏi đã gây các biến chứng như mủ thận, suy thận, sốc nhiễm trùng… Để phát hiện sớm sỏi niệu người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Siêu âm bụng là phương tiện tầm soát giúp phát hiện sớm sỏi niệu tốt nhất. Biện pháp duy nhất để phòng ngừa sỏi niệu là nên uống nhiều nước, trung bình mỗi ngày nên uống từ 1.500 - 2.000ml nước.
Sắp thử nghiệm điều trị virus Zika trên người
http://news.zing.vn/sap-thu-nghiem-dieu-tri-virus-zika-tren-nguoi-post696895.html
Các nhà khoa học Mỹ tiết lộ họ đã xác định một kháng thể trong máu của con người giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị nhiễm virus Zika.
Theo Fox News, phương pháp điều trị này có nguồn gốc từ kháng thể lấy trong máu của những người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm virus Zika. Kết quả thử nghiệm được thực hiện trên những con chuột mang thai cho thấy nồng độ virus trong chuột mẹ đã giảm và có thể bảo vệ chuột con khỏi sự tàn phá của virus.
"Đây là bằng chứng đầu tiên chứng minh những người nhiễm virus Zika khi mang thai có thể điều trị để bảo vệ bào thai đang phát triển, ít nhất là ở chuột", tiến sĩ Michael Diamond, Đại học Y Washington (Mỹ), cho biết.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra 29 kháng thể Zika cụ thể được lấy từ các tế bào máu trắng của bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm virus Zika gây ra bởi các chủng virus ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Họ tìm thấy một kháng thể, gọi là ZIKV-117, có thể vô hiệu hóa tất cả các chủng virus Zika. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kháng thể này ở những con chuột mang thai một ngày trước và một ngày sau khi nhiễm virus Zika.
"Kháng thể làm giảm virus ở người mẹ và bảo vệ nhau thai và thai nhi", tiến sĩ James Crowe ở Đại học Y khoa Vanderbilt cho biết. Nhóm nghiên cứu tin rằng công trình nghiên cứu này đã sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm trên người trong vòng từ 9 đến 12 tháng tới.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (Mỹ), tài trợ cho nghiên cứu, cảnh báo không phải mọi thứ hiệu quả cho chuột có thể hoạt động tốt trên con người. Tuy nhiên, ông cũng cho biết: "Thực tế, bạn đã nhận được kết quả tích cực trên chuột, đây là động lực khá tốt cho các bước nghiên cứu tiếp theo".