Bệnh nhi nhập viện tăng vì viêm đường hô hấp, thủy đậu…
http://anninhthudo.vn/doi-song/benh-nhi-nhap-vien-tang-vi-viem-duong-ho-hap-thuy-dau/717870.antd
Thời tiết đông xuân hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, cúm, tay chân miệng, sởi… phát triển mạnh.
ảnh 1Từ Tết Nguyên đán đến nay, Bệnh viện E tiếp nhận một số trường hợp người lớn bị lây thủy đậu từ trẻ. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng con số thống kê được của ngành Y tế dự phòng thành phố, đã có 161 ca mắc thủy đậu, hàng chục ca liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay. Trên cả nước đã ghi nhận gần 2.100 ca mắc tay chân miệng.
Mấy ngày gần đây, thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi đột ngột, đang nóng lại chuyển lạnh khiến số trẻ đổ bệnh phải vào viện khám, điều trị tăng vọt. Theo ghi nhận của phóng viên tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này, lượng bệnh nhi vào điều trị rất đông, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số các trẻ nhập viện thời điểm này, bệnh thường gặp nhất là viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích, sự thay đổi thời tiết từ nóng chuyển lạnh đột ngột như mấy ngày qua là điều kiện lý tưởng cho virus gây bệnh phát triển, tấn công vào hệ hô hấp của trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng chưa hoàn thiện. Nhiều trẻ ban đầu chỉ xuất hiện triệu chứng như chảy mũi, sốt nhẹ, ho, các bậc cha mẹ thường tự mua thuốc về điều trị cho con. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh tiến triển rất nhanh, khi xuất hiện triệu chứng khó thở, thở rít, đưa đến viện thì đã bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng.
“Tính trên toàn thành phố, tháng 1 và đầu tháng 2-2017, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc bệnh thủy đậu”. TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, một sai lầm mà nhiều phụ huynh, thậm chí cả nhân viên y tế đôi khi cũng mắc phải là cho trẻ dùng xen kẽ các loại thuốc hạ sốt, phổ biến nhất là paracetamol và ibuprofen. Trên thực tế, việc dùng xen kẽ các loại thuốc để hạ sốt nhanh cho trẻ như vậy có khả năng gây ngộ độc cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, hiện tượng trẻ bị hắt hơi, sổ mũi trong điều kiện thời tiết thay đổi như hiện nay là rất thường gặp, các bậc phụ huynh không nên cứ thấy trẻ hắt hơi sổ mũi là đưa đi viện ngay mà có thể chăm sóc cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé cảm ho trên 1 tuần, sốt cao khó hạ trên 2 ngày hay có các triệu chứng tiến triển nặng như khó thở, li bì, co giật… thì nên đi khám. Đặc biệt cần chú ý nếu trẻ co giật, cha mẹ cần bế nghiêng người trẻ để các đờm dãi chảy ra ngoài, tránh trường hợp trẻ bị sặc, đồng thời không được day, vuốt trẻ, luôn giữ đầu trẻ thẳng, không được gập đầu để trẻ thở tốt.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu, thậm chí có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Tuy đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não…
Thông thường tháng 3-4 hàng năm là cao điểm của bệnh thủy đậu ở miền Bắc, vì thế số ca mắc thủy đậu trong thời gian tới được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Để phòng bệnh này, TS. Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cha mẹ nếu có con mắc bệnh thì nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn; bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ; khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh.
Cùng với thủy đậu, thời điểm này, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng đang gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thông thường sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, còn tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc dịch bệnh này cũng thường gia tăng mạnh nhất vào các tháng 3 và 5.
Để đề phòng dịch tay chân miệng bùng phát vào cao điểm vụ dịch như hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp như: Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Báo động ngộ độc tập thể, “chết chùm” vì ăn nấm mọc hoang
http://danviet.vn/tin-tuc/bao-dong-ngo-doc-tap-the-chet-chum-vi-an-nam-moc-hoang-744601.html
Từ tháng 3 đến tháng 5 thường là “mùa ngộ độc nấm” với việc nhiều người - đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bị ngộ độc, tỷ lệ tử vong lớn. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đồng bào không nên ăn bất cứ loại nấm mọc hoang dại nào để tránh ngộ độc.
TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai), từng nghiên cứu về tình hình ngộ độc nấm tại Việt Nam những năm gần đây, chia sẻ, ông không thể quên được ca ngộ độc nấm tại gia đình người Mông ở xã Quang Vinh (Trà Lĩnh, Cao Bằng) khiến cả nhà 9 người mắc, 8 người tử vong vào năm 2004. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: Nếu chẳng may sau ăn nấm hoang và xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy người dân nên gây nôn (móc họng) để đào thải hết nấm đã ăn trong dạ dày. Sau đó nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi đi nhớ kiếm mẫu nấm đã ăn để bác sĩ kịp thời nhận biết. Khi các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy hết thì cũng không nên chủ quan cho rằng đã hết ngộ độc. Đối với các trường hợp có triệu chứng ngộ độc muộn (6 giờ sau ăn trở lên) thì có khả năng bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng, do đó nên đưa thẳng lên bệnh viện tuyến tỉnh để có phương tiệu điều trị hồi sức tích cực.
“Nấm thường được lấy về chế biến cho cả nhà, cả họ ăn, do đó các ca ngộ độc thường 5-7 người mắc, thậm chí vài chục người. Tỷ lệ tử vong cũng rất cao, rất nhiều gia đình gần chục người nhưng chết quá nửa, thậm chí chết gần hết vì ngộ độc nấm” – TS Dũng cho biết. Năm 2014, tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cũng xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm khiến cả nhà 5 người đều bị ngộ độc, 4 người tử vong. Tháng 4.2016, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân (trú tại xã Bình An, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) bị ngộ độc nấm. Anh này cùng 4 người bạn khác đã hái nấm về nấu ăn, đến đêm cả 5 người đều bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, phải đi viện cấp cứu. Rất may cả 5 người đều qua khỏi.
Theo TS Dũng, tình trạng ăn phải nấm độc diễn ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hoà Bình, Lai Châu, Kon Tum, Nghệ An... Người bị ngộ độc thường là đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi cao. Mùa thường hay xảy ra ngộ độc vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, khi mưa xuống, nấm mọc nhiều.
“Người dân sống sát đồi, núi, nên chỉ cần đi ra sau nhà là thấy nấm mọc trắng xoá. Các loài nấm này thường có mùi thơm, vị ngọt nên rất thu hút sự để ý và cả khẩu vị của người dân. Ngoài ra, trong quá trình đi thực địa, chúng tôi thấy các gia đình bị ngộ độc nấm thường rất nghèo. Do khó khăn nên người dân càng dễ hái nấm về ăn, chủ quan cho rằng đã phân biệt được nấm độc và nấm ăn được” – TS Dũng nhận định.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2003 - 2011, tại một số tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai đã có 142 vụ ngộ độc thực vật, đa số là nấm độc, khiến 241 người mắc, 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc nấm, ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã có 90 vụ khiến 340 người mắc, trong đó 55 người tử vong. Từ năm 2010 - 2015 Hòa Bình xảy ra 5 vụ ngộ độc do ăn nấm làm 68 người mắc, trong đó có 3 người tử vong.
TS Dũng cũng cho biết, theo khảo sát của ông và đồng nghiệp, ở Cao Bằng từ năm 2003 -2009 đã có 29 vụ ngộ độc nấm, khiến 81 người mắc, 17 người tử vong. Dân tộc có nhiều người ngộ độc nấm nhất là Nùng, sau đó đến Tày, Mông, Dao. Tại địa bàn này cũng có 13 loài nấm độc mà người dân hay nhầm lẫn lấy về để ăn.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, triệu chứng của ngộ độc nấm thường là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, hoa mắt, khó thở, đau đầu, tím tái. Đối với các loài nấm có độc tính không cao thì bệnh nhân chỉ đau bụng, tiêu chảy, nếu được điều trị hết triệu chứng thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Các nấm có độc tố nhẹ này cũng thường phát tác sau ăn 15-30 phút.
“Tuy nhiên, ở một số loài nấm có amatoxin - chất độc đầu bảng, như nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón… thường xuất hiện triệu chứng ngộ độc rất muộn, sau 6 giờ, 12 giờ, thậm chí có người ăn nấm đến ngày hôm sau mới có triệu chứng ngộ độc. Độc tố amatoxin có trong nấm cực độc, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, hôn mê gan, bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh vì suy đa phủ tạng” – TS Dũng cho biết.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, đáng sợ nhất là với các loại nấm có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy muộn nhưng sau đó lại tự cầm nên bệnh nhân và ngay cả các bác sĩ cũng đã cho rằng “hết ngộ độc”. Tuy nhiên sau đó người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong. “Do đó, nếu bị ngộ độc nấm, người dân nên cầm theo nấm đã ăn để bác sĩ nhận biết, đánh giá được mức độ ngộ độc và có cách xử trí kịp thời”- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
TS Dũng cũng cho biết, người dân không nên “ăn thử” xem có ngộ độc hay không vì đối với các loại nấm có độc tố amatoxin thì chỉ ăn 1-2 cọng nấm là có thể bị ngộ độc.
Còn 4 học sinh chưa thể xuất viện vì ngộ độc thực phẩm nặng
http://www.baogiaothong.vn/con-4-hoc-sinh-chua-the-xuat-vien-vi-ngo-doc-thuc-pham-nang-d187878.html
Khoảng 15h30 ngày 10/2, BVĐK tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh tiểu học đến cấp cứu, nghi do ngộ độc thực phẩm. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã có đến 74 ca. Trước đó, chiều 10/2, hơn 100 học sinh đang theo học tại các trường Tiểu học A, thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ), trường Tiểu học Chu Văn An (phường 8, TP. Vĩnh Long) và trường Tiểu học Trương Định (phường 5, TP.Vĩnh Long) sau khi dùng suất cơm trưa thì có dấu hiệu bị nôn, đau bụng và tiêu chảy. Thông tin ban đầu cho biết, có khoảng 60 em đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Hồ, riêng những trường hợp nặng được cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Ngoài ra, bệnh viện Đa khoa thành phố Vĩnh Long, bệnh viện Y dược Cổ truyền thành phố Vĩnh Long cũng tiếp nhận.
Các trường hợp nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, trùng hợp là đều lấy suất cơm của một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Nguyễn Huệ, Phường 2, TP. Vĩnh Long làm chủ. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, khoảng 15h30 ngày 10/2 đã tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh tiểu học đến cấp cứu, nghi do ngộ độc thực phẩm. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã có đến 74 ca. Bác sĩ CKII Phan Văn Năm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, khoảng 15h30, bệnh viện tiếp nhận nhiều học sinh tiểu học đến cấp cứu. Phần lớn các cháu đều có chung dấu hiệu là đau bụng, ói nhiều lần, ngoài ra một số trẻ bị sốt nhẹ và tiêu chảy. Bệnh viện đã điều động và tập hợp động lực lượng các y, bác sĩ tích cực cấp cứu và điều trị cho các cháu. Theo chẩn đoán ban đầu, các em bị ngộ độc thực phẩm. Khoảng 19h cùng ngày, sức khỏe của nhiều cháu đã cơ bản ổn định. Đến 12h đêm, đã có 34 cháu được xuất viện trong đêm.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông thì sáng 11/2, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long có khoảng 25-30 học sinh đã dần dần hồi phục và được cho phép về nhà. Bác sĩ Năm cũng cho biết thêm, hiện vẫn còn 10 trường hợp còn đang tiếp tục điều trị, trong đó có 4 ca nặng cần được điều trị tích cực, dự đoán từ 1-2 ngày sau mới xuất viện được. Qua điều trị, trong 4 trường hợp nặng trên có 2 ca tiêu ra máu, 2 ca còn lại ói nhiều lần. Theo chẩn đoán, các em bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm trùng đường tiêu hóa khá nặng, liên quan đến thức ăn.
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm gửi lên Viện y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh để xác định nguyên nhân.
Bình Thuận: Cứu sống người đàn ông bị dao cưa cấm vào trán
http://www.baogiaothong.vn/binh-thuan-cuu-song-nguoi-dan-ong-bi-dao-cua-cam-vao-tran-d187956.html
Ngày 12/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng khi bị một phần của dao cưa cấm vào trán.
Bệnh nhân là ông Lê Văn Hà (53 tuổi, xã Tân Phúc, Hàm Tân), nhập viện lúc 10 giờ ngày 11/2. Theo người nhà, trong lúc cưa đá granit, ông Hà bị đĩa cưa vỡ văng găm vào trán giữa. Người nhà sau đó để nguyên dị vật dài khoảng 7cm đưa bệnh nhân đến cấp cứu. Qua chẩn đoán, bệnh nhân bị dị vật xuyên thấu não gây vỡ lún xương sọ, xoang trán, tổn thương não nặng…
Sau 2 giờ các bác sĩ tích cực cứu chữa, phẫu thuật để lấy dị vật ra, hiện tại bệnh nhân có thể tự thở, sinh hiệu ổn định, tri giác cải thiện và hiện nằm điều trị tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
Bộ Y tế khuyến cáo: Bệnh tay - chân - miệng đang lan rộng
http://baophapluat.vn/lam-dep/bo-y-te-khuyen-cao-benh-tay-chan-mieng-dang-lan-rong-319062.html
Trước tình hình bệnh tay -chân - miệng đang ngày càng gia tăng số ca mắc trên cả nước, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe cho con trẻ nhằm tránh dịch bệnh lây lan và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết tính đến nay đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng tại 57 tỉnh, thành phố. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Dù không ghi nhận sự xuất hiện của các ổ dịch trong cộng đồng và trong trường học, nhưng do bệnh tay - chân - miệng đang lưu hành trên diện tương đối rộng nên nhiều người lo ngại nếu gặp điều kiện thuận lợi nguy cơ bệnh tăng cao có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay - chân - miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, dễ lây lan vì trẻ có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Đây là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Nguyên nhân gây bệnh là do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng. Một hoặc hai ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má. Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên mông hoặc ở cơ quan sinh dục.
Người bị bệnh tay - chân - miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nếu bố mẹ phát hiện trễ và không điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể để lại biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Trước sự gia tăng số ca mắc bệnh tay - chân - miệng, nhiều trường, đặc biệt là các trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiến hành nhiều biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh cho các bé. Các trường mầm non đã sử dụng dung dịch cloramin để tẩy rửa lớp học, dụng cụ dạy học, đồ chơi, bếp ăn rồi đổ dung dịch đó xuống cống để diệt muỗi. Ngoài ra, để phòng bệnh, các trường cũng lưu ý phụ huynh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh cho mình và cho các bé, giữ vệ sinh để đảm bảo vệ sinh chung cho trẻ em.
Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh tay - chân - miệng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chị Nguyễn Hòa Bình (32 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân) chia sẻ:
“Tầm này năm ngoái cháu thứ hai nhà tôi, mới được 2 tuổi cũng bị bệnh tay - chân - miệng. Ban đầu, cháu nổi các mụn nước nhỏ ở ngón tay, bàn tay, sau đó trong miệng cũng xuất hiện các vết đỏ như phỏng rộp. Sau khi biết cháu đã mắc bệnh tay - chân - miệng, tôi chịu khó vệ sinh sạch sẽ cho cháu bằng cách cho cháu súc miệng nước muối, rơ lưỡi hàng ngày, tay chân cũng được rửa bằng xà phòng luôn giữ sạch sẽ.
Nhờ vậy, sau vài ngày tình trạng bệnh của cháu đã đỡ và không phải ở lại bệnh viện để điều trị. Năm nay, để đề phòng dịch bệnh, tôi chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa mà ngày trước các bác sĩ đã dặn trước cho yên tâm”.
Theo các chuyên gia y tế, cho đến nay căn bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Người đàn ông phải nhập viện vì dùng cọng cỏ “câu” sỏi niệu
http://laodong.com.vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-phai-nhap-vien-vi-dung-cong-co-cau-soi-nieu-637495.bld
Thấy đau buốt, bệnh nhân đã dùng cọng cỏ để “câu” viên sỏi đang mắc trong đường tiểu. Khi đã lấy được viên sỏi thì không may, cọng cỏ bị kẹt lại khiến bệnh nhân tiểu ra máu và phải nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Nhật Đông, Khoa Ngoại, Bệnh viện An Bình cho biết, mới đây một bệnh nhân nam 31 tuổi đến khám vì tiểu ra máu. Trước ngày nhập viện, bệnh nhân tiểu khó, cảm giác gắt buốt đường niệu và thấy có một vật thể rắn nghi sỏi niệu ở lỗ sáo nên bệnh nhân đã tự lấy cọng cỏ chọc vào để “lấy sỏi”. Bệnh nhân cho biết đã lấy được 1 phần sỏi nhưng cọng cỏ bị đẩy vào sâu bên trong niệu đạo nên không thể lấy ra được nữa. Sau đó bệnh nhân tiểu máu vài lần và đến khám tại bệnh viện An Bình.
Qua khám và siêu âm bụng chậu tại bệnh viện An Bình, các bác sĩ không còn thấy sỏi trong bàng quang hay niệu đạo nhưng phát hiện 1 dị vật mỏng đi từ niệu đạo vào trong bàng quang dài 2 cm. Cùng ngày nhập viện để theo dõi, bệnh nhân đã đi tiểu ra cọng cỏ. Siêu âm kiểm tra lại sau đó không còn thấy dị vật nữa.
Các bác sĩ cho biết, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp cấp cứu vì tổn thương hay có dị vật ở niệu đạo, bàng quang, bộ phận sinh dục, vùng chậu. Nguyên nhân khá thường gặp là do thủ dâm, do tò mò khám phá cơ thể ở các trẻ nhỏ… Tuy nhiên, trường hợp của bệnh nhân trên không phải thường gặp. Bởi đường niệu đạo của nam khá phức tạp, dài khoảng 16-18 cm . Do vậy, việc có một vật thể lạ, ngắn được đưa vào đến bàng quang ở nam giới là rất hiếm.
TP.Hồ Chí Minh: Nỗ lực “lột xác” ngành y tế
http://laodong.com.vn/y-te/tpho-chi-minh-no-luc-lot-xac-nganh-y-te-637470.bld
Với mong muốn nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành chấm điểm chất lượng khám-chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn TP và công khai kết quả với người dân. Bên cạnh đó, TPHCM đã “truy lùng” các mô hình hay và hiệu quả tại các bệnh viện để “ươm giống” nhân rộng cho toàn bệnh viện của TPHCM.
Ngày 10.2, Sở Y tế TPHCM đã công bố kết quả đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM theo Bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Trước khi tiến hành cuộc khảo sát, kiểm tra này, Bộ Y tế cũng đã ban hành 83 tiêu chí chất lượng cụ thể, để các bệnh viện thực hiện. Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là lấy người bệnh là trung tâm, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Theo Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, với điểm tối đa là 5 điểm. Kết quả kiểm tra cho thấy có sự chênh lệch rõ rệt về chất lượng giữa các khối bệnh viện và các nhóm tiêu chí. Các bệnh viện thành phố tập trung trong mức 3-4 điểm. Trong khi đó các bệnh viện quận, huyện tập trung ở mức 2,5-3,5 điểm. Các bệnh viện tư nhân có điểm số từ 1,5-4 điểm. Top 10 bệnh viện được điểm cao về chất lượng khám-chữa bệnh đa phần là các bệnh viện của TP, bệnh viện công. Trong khi đó, top 10 bệnh viện có điểm thấp nhất đa phần rơi vào các bệnh viện thẩm mỹ, bệnh viện tư.
Ngay trong ngày, kết quả này đã được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử để người dân được biết. Sở Y tế TPHCM cho biết, ngoài các bệnh viện, kế hoạch trong năm 2017, sở sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng tất cả các phòng khám đa khoa, chuyên khoa (sản phụ khoa, thẩm mỹ, răng hàm mặt...). Sau khi đánh giá sẽ tiếp tục công khai kết quả. Việc công khai kết quả “chấm điểm” chất lượng khám-chữa bệnh của các bệnh viện nhằm giúp người dân sẽ có thêm thông tin tham khảo về nơi khám-chữa bệnh và lựa chọn khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu với UBND TP chuyển 44 bệnh viện tự chủ tài chính một phần sang tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động. Như vậy, sẽ có tổng cộng 53/55 bệnh viện của TP tự chủ toàn bộ (trừ Bệnh viện Nhân Ái và Khu điều trị phong Bến Sắn). Việc để bệnh viện tự chủ tài chính, bắt buộc các bệnh viện phải nỗ lực cải thiện chất lượng khám-chữa bệnh để thu hút bệnh nhân. Bệnh viện nào không chủ động thay đổi sẽ tự “giết” mình.
Bên cạnh công bố này, ngày 10.2, Sở Y tế TPHCM cũng tiến hành công bố giải thưởng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Giải thưởng này dành cho các mô hình khám-chữa bệnh hay đến từ các bệnh viện. Các sản phẩm đăng ký tham dự giải thưởng phải mang tính sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, có thể nhân rộng. Nội dung của sản phẩm phải hướng đến 1 trong 5 mục tiêu chất lượng là an toàn hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn, người bệnh hài lòng hơn.
Trong số 115 sản phẩm đến từ 35 bệnh viện, mô hình quy trình báo động đỏ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM được trao giải cao nhất. Đây là quy trình nhằm rút ngắn thời gian cấp cứu, cho phép huy động nhiều chuyên khoa của bệnh viện, thậm chí là từ nhiều bệnh viện nhằm cứu sống các trường hợp nguy kịch.
Theo TS-BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - trong 8 năm áp dụng, quy trình báo động đỏ đã cứu sống ít nhất 30 bệnh nhân nguy kịch. Mới đây nhất, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phối hợp kịp thời với bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất để cứu sống 1 em bé 5 tuổi bị thủng tim phổi vì thanh sắt hàng rào đâm. Đây là một quy trình không tốn thêm nhân lực lẫn kinh phí mà có tính lan tỏa, nhiều bệnh viện đã áp dụng và ngày càng nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Ngoài quy trình báo động đỏ, nhiều mô hình hay đến từ các bệnh viện đã được Sở Y tế TPHCM “truy lùng” và được trao giải như: Phòng an toàn sinh học cấp 3 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh tại trạm y tế phường của Bệnh viện quận Thủ Đức, trạm vệ tinh cấp cứu có định vị GPS, phẫu thuật robot cho người lớn ở Bệnh viện Bình Dân, mô hình kê đơn thuốc qua hệ thống công nghệ thông tin nhằm tránh sai sót của Bệnh viện Nhi đồng 1, giám sát sử dụng kháng sinh của Bệnh viện Chợ Rẫy...
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - sở sẽ giới thiệu và tạo điều kiện cho các bệnh viện trong địa bàn TPHCM áp dụng những mô hình này. Mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng khám-chữa bệnh nhằm giúp bệnh nhân “khỏe” hơn khi đi khám bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế còn cho biết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trạm cấp cứu vệ tinh cho các bệnh viện. Hiện nay, TPHCM có 23 trạm cấp cứu vệ tinh và đang hoạt động rất hiệu quả, giúp ích cho người bệnh với phương châm “cái gì có lợi cho bệnh nhân thì làm”.
Hy hữu: Con hóc hạt lạc, bố mẹ tưởng bị viêm phế quản
http://www.nguoiduatin.vn/hy-huu-con-hoc-hat-lac-bo-me-tuong-bi-viem-phe-quan-a315130.html
Cách đây 1 tháng, cháu T. có biểu hiện sốt, ho thành cơn, khò khè. Tiến hành nội soi, bác sĩ bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh hoảng hốt khi thấy lạc nằm giữa thanh môn của bé. Theo thông tin từ khoa Nội Nhi, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, đơn vị đã tiếp nhận bé Nguyễn Minh T. (3 tuổi, trú tại khu 4, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bé vào viện trong tình trạng ho, khò khè, quấy khóc, ho nhiều, uống thuốc không đỡ. Kết quả nội soi phế quản khiến bác sĩ và người nhà tá hỏa khi thấy có hạt lạc nằm giữa thanh môn của bé. Gia đình bệnh nhân cho hay, cách đây 1 tháng, cháu T. có biểu hiện sốt, ho thành cơn, khò khè, khản tiếng. Bé được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phế quản nhưng không đỡ nên gia đình chuyển bé đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh khám và điều trị. Kết quả nội soi phế quản khiến bác sĩ và người nhà hoảng hốt khi thấy có hạt lạc nằm giữa thanh môn của bé. BS Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện, đồng thời là Trưởng kíp phẫu thuật cho biết: “Do dị vật tròn và di động, lại ở lâu trong đường thở, nên các bác sĩ quyết định nội soi phế quản gắp dị vật cho bé. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công”.
BS Hùng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc khi cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Bởi vậy, phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: Hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra. Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu để cứu sống trẻ. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người
Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hoá, chủ yếu là từ lợn.
Biểu hiện của bệnh: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp,... Bệnh dễ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Không hẳn trẻ ngứa là dị ứng!
http://nld.com.vn/suc-khoe/khong-han-tre-ngua-la-di-ung-20170212203230476.htm
Kết quả thống kê từ chương trình tư vấn sức khỏe miễn phí suốt năm 2016 dành cho trẻ kém sức đề kháng cho thấy nhiều bậc phụ huynh khổ tâm vì con em than ngứa ngáy suốt ngày. Dữ liệu thống kê cho thấy: 80% đã điều trị lâu dài bằng nhiều loại thuốc kháng sinh; trên 70% là nạn nhân của bội nhiễm đường hô hấp tái phát; 90% có dấu hiệu thiếu canxi và magiê như đổ mồ hôi trộm, hiếu động, cáu kỉnh; 80% có dấu hiệu thiếu kẽm vì thường bị lở môi, lở miệng.
Nỗi lo rất hợp tình vì trẻ chắc chắn khó lòng học giỏi, ăn ngon, ngủ yên nếu chất lượng cuộc sống của mình chao đảo liên hồi vì sáng ngứa chỗ này, tối đến lại mất ngủ vì gãi suốt đêm!
Đáng lo là nhiều trẻ hễ ngứa là bị nhồi thuốc chống dị ứng cho dù thuốc tuy có làm giảm ngứa ngắn hạn nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đó là chưa kể tình trạng trẻ ngầy ngật vì thuốc, lệ thuộc thuốc theo kiểu vừa ngưng thuốc lại ngứa, ngứa nặng hơn và lâu hơn. Không dưới 40% trẻ thậm chí biếng ăn đến độ chẳng khác nào suy dinh dưỡng vì đã dùng thuốc quá lâu.
Đáng tiếc, thậm chí đáng trách, nếu lúc nào cũng nhìn chuyện ngứa ngáy của trẻ với định kiến là dị ứng. Đúng là thầy thuốc phải chẩn đoán chính xác để loại trừ nguyên nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa ngáy không xuất hiện khi trẻ tiếp xúc bệnh nguyên nào đó - chẳng hạn phấn hoa, bụi, hương liệu trong xà phòng, thực phẩm không an toàn - mà phát tán mỗi khi trẻ xuất hiện cảm xúc vì bị la rầy, khi mệt nhoài sau giờ học thêm hay khi nhiệt độ thay đổi đột ngột… thì thường do nguyên nhân khác.
Chuyện gì cũng có lý do. May cho trẻ là chuyên gia về bệnh do stress ở Munich - CHLB Đức đã phát hiện nguyên nhân của hội chứng được đặt tên “dị ứng giả” là do cơ thể hao hụt 2 khoáng tố cần thiết để ổn định dẫn truyền thần kinh ngoài da. Đó là canxi và kẽm. Cảm thụ thần kinh dưới da trở nên quá nhạy cảm khi có kích ứng từ cảm xúc, nhiệt độ, mồ hôi… nếu thiếu 2 khoáng tố này. Trẻ căng thẳng do học thêm nhiều môn, lo sợ vì thầy cô quá khó, rối loạn tiêu hóa bởi phải ăn quá nhanh… đều là miếng mồi ngon của tình trạng ngứa ngáy lung tung.
Một cuộc nghiên cứu lâm sàng đã được tiến hành trên 50 trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 12. Trong đó, các em được cung cấp canxi để trấn an hệ thần kinh, magiê để tăng sức chịu đựng stress, kẽm để mài nhọn sức đề kháng, sắt để tăng cường năng lượng và tập thể sinh tố B để tối ưu hóa biến dưỡng chất đường. Kết quả cho thấy tình trạng gọi là dị ứng được cải thiện thấy rõ, trẻ không chỉ hết ngứa mà còn ăn ngon hơn, ngủ yên hơn và học giỏi hơn. Vậy thì, với cha mẹ còn điều gì vui hơn?
Hàng loạt mỹ phẩm “có vấn đề” bị thu hồi
http://suckhoedoisong.vn/hang-loat-my-pham-co-van-de-bi-thu-hoi-n127984.html
Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành và thu hồi hàng loạt mỹ phẩm do có “vấn đề”, cụ thể:
- 6 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH Lulanjina, TP. Hồ Chí Minh sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (Lulanjina - kem dưỡng da se khít lỗ chân lông, lulanjina - kem làm mờ vết nám, lulanjina - sữa rửa mặt...) do mỹ phẩm lưu thông có tên sản phẩm, công thức sản phẩm, tính năng sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố, địa chỉ nhà sản xuất ghi trên nhãn và hồ sơ công bố không đúng với địa chỉ cơ sở sản xuất hiện tại.
- 3 sản phẩm mỹ phẩm (mặt nạ trắng da - elisees UV whitening hydrating mask, kem dưỡng da ban đêm - elisees UV whitening nourissing night cream, Pan FCM) do Công ty TNHH liên doanh Pan Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường do có thành phần công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
- 19 sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp (tinh chất bồ kết dưỡng tóc, tinh dầu dừa dưỡng da, dưỡng tóc, tinh chất dưa leo trắng da, giảm mụn, bột cám gạo trắng da chống lão hóa, bột nghệ vàng giảm mụn tàn nhang, bột ngâm chân hoa cúc giảm nứt da chân...) của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Kim Quan, tỉnh Hậu Giang sản xuất do cơ sở sản xuất đã không đáp ứng các điều kiện về sản xuất mỹ phẩm, không thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (CGMP-ASEAN).
Điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm vụ "hơn 200 học sinh ngộ độc"
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long tiếp tục cấp cứu, điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc, đối với bệnh nhân có biểu hiện xấu cần chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, tối ngày 10/02/2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã tiếp nhận và điều trị hơn 200 học sinh của 03 trường: Trường tiểu học A thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ), Trường tiểu học Chu Văn An và Trường tiều học Trương Định (thành phố Vĩnh Long) có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa (cơ sở Vĩnh Xương, địa chỉ 47/1, Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Vĩnh Long cung cấp suất ăn sẵn).
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long tiếp tục cấp cứu, điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc, đối với bệnh nhân có biểu hiện xấu cần chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Đình chỉ hoạt động và tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở cung cấp suất ăn sẵn gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định.
Đồng thời, công khai kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học như vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi… để nâng cao trách nhiệm, lương tâm của người kinh doanh thực phẩm, người chế biến thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căng tin của trường học, quán ăn, thức ăn đường phố khu vực phụ cận trường học.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học về điều kiện an toàn thực phẩm. Kiên quyết không để cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các trường học trên địa bàn.
Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát mạnh tại Hà Nội
http://suckhoedoisong.vn/benh-dau-mat-do-dang-bung-phat-manh-tai-ha-noi--n127955.html
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.
Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng sau Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo BS Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay. Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên bác sỹ Hoàng Anh Minh khuyến cáo, người bị bệnh này cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Khi bị đau mắt đỏ với diễn biến nặng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm, khám và điều trị kịp thời
Làm gì khi bị đau mắt đỏ?
“Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chứa thành phần cóoc-ti-cô-ít. Nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sỹ nhãn khoa thì có thể gây những biến chúng có thể dẫn đến mất thị lực”- BS Hoàng Minh Anh nói
Theo đó, BS Hoàng Minh Anh hướng dẫn cách chăm sóc mắt khi bị đau mắt đỏ theo các bước dưới đây đến cộng đồng:
- Rửa mắt bằng muối sinh lý 5 – 6 lần mỗi ngày
Hãy “rửa mắt”, chứ không “nhỏ mắt” bằng muối sinh lý, tuy nhiên cần chú ý, nguyên tắc là rửa bên mắt bị đau nhẹ trước, mắt nặng sau. Khi rửa, cần dùng gạc (giấy sạch) hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy ra dính xuống giường, đệm vì nó mang theo vi rút, dễ lây bệnh cho người khác. Rửa sạch hai mắt xong, dung gạc sạch lau khô dử mắt và hãy đi rửa tay xà phòng thật sạch, nhỏ thuốc.
“Việc rửa mắt sẽ dễ hơn nếu có người hỗ trợ. Đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc mắt đau mắt đỏ, giảm tiết dử, dính mắt do dử. Đại đa số bệnh nhân chỉ cần thực hiện rửa mắt mỗi ngày sau 7 – 10 ngày là khỏi mà không phải dùng thêm loại thuốc nào”- BS Minh Anh nói.
- Hãy để cho mắt nghỉ ngơi
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên nghỉ làm, nghỉ học vừa để không lây lan cho người khác, vừa để mắt nghỉ ngơi. Đối với người bị đau mắt đỏ, khi phải đi ngoài đường, nhìn lâu vào ti vi, ipad, điện thoại hoặc đọc sách… sẽ thấy mắt chói, chảy nước mắt.
- Không được xông lá trầu khi đau mắt đỏ
Đại đa số các trường hợp đau mắt đỏ chỉ cần rửa vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày là bệnh tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày thứ 3 – 4 ngày, mắt sẽ không còn tiết dử, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng mắt trầm trọng hơn bởi sự nôn nóng trong điều trị. Nghỉ học, nghỉ làm vài ba ngày là sốt ruột, nên nhiều người tìm mọi cách, kết hợp đủ đông – tây y nhưng mắt không đỡ đỏ, ngược lại trầm trọng hơn. Điển hình nhất là xông lá trầu không và tiêm kháng sinh vào mắt khiến mắt càng sung nề, khó chịu hơn.
Các bác sĩ cũng lưu ý, với đau mắt đỏ, kháng sinh không phải là quan trọng nhất, chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ, quan trọng nhất vẫn là rửa muối sinh lý vệ sinh mắt. Vì thế, đừng quá nôn nóng, cần thời gian nhất định là 7 – 10 để loại bỏ vi-rút khỏi cơ thể. Nếu thấy diễn biến nặng lên hãy đi khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
Gia tăng sốt rét kháng thuốc
http://thanhnien.vn/suc-khoe/gia-tang-sot-ret-khang-thuoc-790580.html
PGS-TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, cho biết tại VN số bệnh nhân mắc sốt rét vẫn ở mức cao, hằng năm ghi nhận khoảng 30.000 ca, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính.
Sốt rét lưu hành ở vùng rừng núi, vùng sâu, xa, vùng biên giới; một số tỉnh vẫn duy trì ký sinh trùng sốt rét cao trong nhiều năm như: Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ước tính, hiện có hơn 30 triệu người sống trong vùng sốt rét có nguy cơ trở lại và vùng có bệnh sốt rét đang lưu hành.
Đáng lo ngại, sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở 5 tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác do di dân giữa các địa phương (người dân đi làm thuê theo thời vụ, tập quán đi rừng, ngủ rẫy, người dân trở về từ vùng có sốt rét kháng thuốc lưu hành). Sốt rét kháng thuốc khiến việc điều trị rất khó khăn (kéo dài ngày điều trị, tăng nguy cơ tử vong).
TS Ngô Đức Thắng, Trưởng khoa Dịch tễ sốt rét (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư), cho biết thêm có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là do sử dụng thuốc sốt rét bừa bãi, uống thuốc không đủ liều lượng và không đúng thời gian quy định. Vấn đề ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc được quan tâm nhất hiện nay là P.falciparum đã kháng thuốc phối hợp có artemisinin hoặc dẫn xuất (ACT). Tỷ lệ sốt rét kháng thuốc đang tăng trong những năm gần đây. Năm 2009, VN đã phát hiện ký sinh trùng gây sốt rét (P.falciparum) kháng thuốc sốt rét (artesunat) tại H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước: hiệu lực điều trị khỏi chỉ đạt 85,4%. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi đó đã kiểm định, công nhận và khuyến cáo VN cần thực hiện ngay kế hoạch ngăn chặn sốt rét kháng thuốc artesunat tại Bình Phước.
Nghiên cứu mới công bố trên chuyên san The Lancet Infectious Diseasescho thấy các siêu khuẩn sốt rét đang hoành hành ở Đông Nam Á có thể vô hiệu hóa hàng loạt phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay bằng artemisinin và piperaquine.
Báo cáo nghiên cứu khoa học và báo cáo giám sát sốt rét kháng thuốc của các viện: Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư; Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn; Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong những năm 2007 - 2012 đã cho thấy, tỷ lệ ký sinh trùng dương tính ngày D3 (vẫn còn ký sinh trùng sốt rét sau 3 ngày điều trị theo phác đồ) đối với thuốc sốt rét (artesunat) tại một số tỉnh có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, tại Bình Phước, tỷ lệ ký sinh trùng dương tính ngày D3 sau điều trị artesunat là 13% (năm 2009) tăng lên 25% (năm 2012). Tỷ lệ này là 22% với các bệnh nhân điều trị bằng thuốc phối hợp dihydroartemisinin - piperaquin.
Tại Đắk Nông, tỷ lệ ký sinh trùng dương tính ngày D3 sau điều trị artesunat là 8,7% (năm 2010) tăng lên 26,7% (năm 2011); Sau điều trị bằng thuốc phối hợp dihydroartemisinin - piperaquin, tỷ lệ còn ký sinh trùng sốt rét lên đến 26,1%.
Tại Gia Lai, tỷ lệ ký sinh trùng dương tính ngày D3 sau điều trị artesunat là 2,6% (năm 2009) đã tăng lên 32% năm 2011. Còn tại Quảng Nam năm 2012, tỷ lệ ký sinh trùng dương tính ngày D3 sau điều trị bằng thuốc phối hợp dihydroartemisinin - piperaquin là 22,1%.
Muỗi là thứ gây phiền hà nhất mà ai cũng cảm thấy khó chịu và luôn tìm kiếm những cách đuổi chúng đi.
Đáng lưu ý, nghiên cứu mới nhất trong năm 2016 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư tại Bình Phước cho thấy, thuốc phối hợp dihydroartemisinin - piperaquin đã giảm mạnh hiệu lực điều trị bệnh nhân sốt rét nhiễm P.falciparum với tỷ lệ thất bại điều trị lên tới 62,96%.
Nguyên liệu kháng sinh sản xuất thuốc thú y: 90% nhập từ Trung Quốc
Hiện nay có hơn 11.000 sản phẩm thuốc thú y được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có gần 4.000 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu. Nhưng có tới 90% số lượng nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y đã đang được nhập về từ Trung Quốc.
Như PLVN đã thông tin, tình trạng lạm dụng kháng sinh và thuốc thú y trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đang là vấn đề nghiêm trọng của ngành nông nghiệp. Nhiều bằng chứng cho thấy, các nhà nhập khẩu trong nước sau khi được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh về đã cố tình tuồn ra thị trường bán thu lợi bất chính.
Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty lớn chuyên nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh và đã đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty do vi phạm trong việc bán nguyên liệu sai đối tượng.
Đáng lưu ý, tìm hiểu của PLVN cho thấy, trong 3 năm từ 2014-2016 đã có 101 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Cục Thú y là đơn vị đã cấp giấy phép nhập khẩu 145 loại nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Đáng chú ý, số lượng nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y được nhập khẩu về từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Đức nhưng chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm hơn 90%.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cảm thấy lo ngại bởi qua thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều hành vi sai phạm của hàng loạt doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo ông Dũng, một số DN sau khi nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh về trong nước đã bán cho những tổ chức, cá nhân không có chức năng sản xuất thuốc thú y, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh để thu lời. Hoặc các công ty chưa đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, nhưng vẫn cố tình mua lại nguyên liệu kháng sinh về sản xuất trái phép các sản phẩm thuốc thú y.
Thậm chí, các công ty nhập khẩu kháng sinh dưới dạng thức ăn chăn nuôi và bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà máy này tự ý bổ sung kháng sinh vào các sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhưng không công bố thành phần, chủng loại kháng sinh, dẫn đến hệ lụy nhờn kháng sinh…
Quản lý vẫn chặt chẽ?
Cục Thú y, Bộ NN&PTNT mặc dù xác nhận, trong năm 2016, căn cứ đề nghị của Thanh tra Bộ NN&PTNT và Thanh tra Cục Thú y, Cục này mới tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 tháng đến 12 tháng đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích. Nhưng ông Đàm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thú ý vẫn khẳng định rằng: Để quản lý nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y đã được Cục Thú y thực hiện một cách chặt chẽ (?).
Theo ông Thanh, trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y; yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu lần trước, khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo thì mới xem xét giải quyết.
Ông Thanh cũng nói rằng, trong giấy phép nhập khẩu nguyên liệu ghi rõ đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT ban hành; không bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng.
“Cục sẽ tiếp tục tổ chức, chỉ đạo và giám sát các đơn vị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sản xuất thuốc thú y đã được Bộ NN&PTNT ký ban hành. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y được phép sử dụng trong chăn nuôi nhưng cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức truy xuất nguồn gốc nguyên nhân gây tồn dư hóa chất, kháng sinh đối với các lô hàng bị các thị trường cảnh báo. Cung cấp thông tin chính xác tên, địa chỉ các cơ sở cung cấp, bán kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y ngoài danh mục cho Cục Thú y làm căn cứ kiểm tra và xử lý vi phạm”- ông Thanh đề xuất.
Ngoài ra, Cục này xác nhận, tới thời điểm hiện nay đã có 60 DN sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP (GMP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất-PV). Và đang có hơn 11.000 sản phẩm thuốc thú y được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có gần 4000 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu.
Tầm soát ung thư: Nam giới và nữ giới cần tiến hành lúc nào?
Tầm soát ung thư là kỹ thuật giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư. Vậy với nam và nữ giới cần thực hiện tầm soát vào thời điểm nào? Khi môi trường đang ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn vẫn len lỏi vào bữa ăn các gia đình thì nguy cơ con người mắc những bệnh hiểm nghèo ngày càng cao trong đó có ung thư. Việc tầm soát ung thư sẽ là cách để các bạn phát hiện sớm căn bệnh này.
Nhưng ở thời điểm nào thì con người cần thực hiện những việc này? Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, GS. TS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho hay: “Mỗi con người, độ tuổi của mỗi người tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc ung thư. Chính vì vậy, khi tầm soát sẽ chỉ tập trung thực hiện tầm soát ung thư ở lứa tuổi cao. Còn giới trẻ ít khi áp dụng biện pháp này”.
Nếu quý vị đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, hay đang cần tư vấn về căn bệnh này hoặc có tấm gương nghị lực vượt qua ung thư, hãy chia sẻ với chúng tôi qua Email: Banbientap@i-com.vn hoặc hotline: 0914926900.
Mỗi loại ung thư có một phương pháp tầm soát khác nhau, không có phương pháp nào có thể tầm soát được tất cả các loại ung thư ở trên người.
Theo GS. Nguyễn Bá Đức, đối với phụ nữ, có hai loại ung thư thường gặp đó là ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng lớn. Với phụ nữ sau 40 tuổi cần tiến hành tầm soát mỗi năm 1 lần. Để phòng ung thư cổ tử cung cần tầm soát từng năm sau khi kết hôn.Ngoài việc thực hiện tầm soát để có thể phát hiện ra ung thư vú, GS. Nguyễn Bá Đức cho rằng, chị em nên tự khám ngực cho mình để phát hiện các u, khối lạ. Các chị em nên thực hiện mỗi tháng một lần. Nếu có biểu hiện lạ cần phải đi gặp bác sĩ ngay lập tức.
“Phụ nữ nên coi việc tự khám sức khỏe cho mình (đặc biệt là kiểm tra ngực) là việc làm thường xuyên mỗi tháng. Bởi vì, khi việc này đã được thực hiện đều đặn thì chỉ một dấu hiệu nhỏ cũng sẽ được nhận ra. Nhưng nếu việc tự thăm khám không được làm đều đặn sẽ khó có thể phát hiện ra sự khác biệt. Điều này khiến bệnh nhân phát hiện bệnh muộn hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị sau này”, GS. Đức chia sẻ.
Đối với căn bệnh ung thư cổ tử cung, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 1 năm 1 lần. Ở các nước phát triển trên thế giới, sau khi kết hôn, hầu hết những phụ nữ đều đi khám phụ khoa 1 năm một lần để tầm soát ung thư cổ tử cung.
Theo chuyên gia Bá Đức, ở nam giới, nhất là những người có nguy cơ cao như: thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào cần đi tầm suất ung thư khoang miệng, ung thư vòm họng, ung thư phổi.
Những người có tiền sử về dạ dày như đau bụng âm ỉ kéo dài, điều trị thuốc kháng sinh không đỡ thì nên tiến hành nội soi, những người thường xuyên rối loạn tiêu hóa phải đi nội soi đại trực tràng. “Thấy xuất hiện cục u nổi trên người, có nhiều nốt ruồi to lên, nhanh, bất thường hay ho dai dẳng kéo dài hay tức ngực; rối loạn tiêu hóa; ra kinh nguyệt bất thường (chảy máu ở đường sinh dục hay đường tiêu hóa), dịch màu hồng chảy ra từ đầu núm vú; tự nhiên cơ thể sụt cân nhanh; nuốt khó hoặc nghẹn… cần phải đến gặp bác sĩ để thăm khám", chuyên gia Bá Đức nhấn mạnh.
Theo đúng nguyên tắc sinh trưởng của con người, khi đến độ tuổi sau 40 và 50 tuổi, mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ ở các phòng khám chuyên khoa 1 năm 1 lần.
Ở độ tuổi này, nam giới có nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng… Ngoài ra khi tuổi cao hơn còn có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Loại ung thư này hầu hết gặp ở người cao tuổi (trên 50 tuổi thường bị), những người trẻ rất ít bị bệnh này. GS. Đức phân tích, đây là một tuyến về hệ thống đường sinh dục tiết niệu ở nam. Khi cơ thể già đi, nội tiêt rối loạn thì ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra. Khi tuổi càng cao, các tế bào trong cơ thể nhân lên càng bị sai lạc nhiều nên dễ phát sinh ra những tế bào lạ, tế bào ung thư. Do đó, với người trên 40 tuổi phải đi tầm soát thường xuyên và cẩn thận. Trong bài viết tiếp theo Emdep.vn sẽ giải đáp cho quý độc giả các thắc mắc liên quan đến ung thư, tầm soát ung thư. Kính mong độc giả đón đọc.
Nghịch pháo tự chế, cậu bé 16 tuổi bị hỏng mắt
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tin-moi-nghich-phao-tu-che-cau-be-16-tuoi-bi-hong-mat-356033.html
BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận vẫn đang tích cực điều trị cho một bệnh nhân bị hỏng mắt trái và phỏng nặng do nghịch pháo tự chế.
Hôm nay 12/2, BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận vẫn đang tích cực điều trị cho em Lê Quốc Hiếu (16 tuổi, ở phường Đức Long, thành phố Phan Thiết) bị hỏng mắt trái và phỏng nặng do nghịch pháo tự chế.
Sáng qua khi ra biển Đồi Dương chơi, có người cho em Lê Quốc Hiếu 1 quả pháo tự chế. Hiếu châm ngòi đốt, quăng đi, nhưng không thấy pháo nổ. Hiếu chạy tới, lấy tay lượm lên xem thì pháo phát nổ văng vào mặt. Em bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa Bình Thuận.
Lê Quốc Hiếu đang nằm điều trị tại khoa Chấn thương Chỉnh hỉnh, BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Tại đây, các bác sĩ xác định mắt trái của nạn nhân bị hư hỏng hoàn toàn cần phải loại bỏ. Ngoài ra, vụ tai nạn còn khiến cho bàn tay trái và chân phải của hiếu bị bỏng nặng, ăn sâu vào trong xương, có nguy cơ hoại tử. Gia đình đang xoay sở để đưa Hiếu vào TP.HCM chữa trị.
Chị Lê Thị Ngọc Phương chăm sóc em trai mình tại bệnh viện cho biết: Gia đình chỉ có hai chị em. Chị Phương phụ bán gia vị cho người quen ở chợ Bi Đài. Ba làm nghề biển, mẹ nội trợ, hoàn cảnh rất khó khăn. Đầu năm không may xảy ra tai nạn, gia đình cũng không biết chạy vạy ở đâu để đưa Hiếu vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị.
Mổ tim cho bệnh nhân HIV
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/mo-tim-cho-benh-nhan-hiv-682045.html
Các bác sĩ của BV Chợ Rẫy vừa thực hiện ca mổ tim đặc biệt cho một bệnh nhân HIV. Đứng trước nhiều nguy cơ lây nhiễm, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vẫn quyết định thực hiện ca mổ tim cho bệnh nhân, vì nếu không tiến hành ca mổ, bệnh nhân sẽ tử vong do tình trạng hở van tim quá nặng.
BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, kể lại: Vào đầu tháng 1, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (47 tuổi, Tây Ninh) được chuyển đến khoa trong thể trạng khó thở, ho ra máu, viêm phổi, sốt 39 độ kèm theo tình trạng hở van hai lá nặng. BS cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Do thể trạng quá yếu, bệnh nhân được test nhanh HIV và cho kết quả dương tính.
Mặc dù biết việc thực hiện ca mổ tim cho người bị HIV có rất nhiều nguy cơ, cả phía kíp mổ lẫn người bệnh nhưng đội ngũ BS khoa Hồi sức Phẫu thuật tim vẫn quyết định sẽ mổ cho bệnh nhân.
Các BS tư vấn cặn kẽ ưu điểm, nhược điểm của việc phẫu thuật và không phẫu thuật như thế nào để bệnh nhân và gia đình cùng hiểu. Sau đó, BS gửi kết quả đến Viện Pasteur kiểm tra lại lần nữa. Trong thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng, bệnh nhân được chăm sóc khắc phục viêm phổi trước khi phẫu thuật tim.
“Gần 13 ngày chờ đợi, đến ngày 17-1 mới có kết quả xác định dương tính với HIV. Gia đình và cả bệnh nhân đều sốc nên chúng tôi phải cho thêm vài ngày để suy nghĩ. Đến ngày 23-1, bệnh nhân mới đồng ý lên bàn mổ để thay van tim” - BS An kể.
Đây là trường hợp đầu tiên mổ tim cho bệnh nhân HIV và là trường hợp hiếm hoi duy nhất tình trạng hở van tim rất nặng cần được giải quyết càng sớm càng tốt. “Lúc này tình trạng cấp bách là giải quyết bệnh tim ngay cho bệnh nhân. Vì vậy suốt quá trình chờ đợi, tôi cố gắng làm sao cho gia đình hiểu rằng HIV vẫn có thể giải quyết về lâu dài được nhưng bệnh tim nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ chết” - BS Nguyễn Thị Thanh Hà, BS điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Đ., chia sẻ.
Việc mổ cho bệnh nhân HIV với các BS đã rất đáng trân trọng nhưng hành động xung phong trực tiếp mổ của một BS nội trú năm hai đang thực tập có lẽ còn đáng trân trọng hơn. Quyết định ở lại BV trực Tết, BS Lê Kim Cao (sinh năm 1991, Phú Yên), hiện là BS nội trú thực tập tại BV Chợ Rẫy, là một trong ba thành viên của kíp mổ hôm đó. Nhớ lại ngày vào làm phẫu thuật, với một chút tâm trạng lo lắng, BS Kim Cao bày tỏ: “Lúc đó BS An trưởng khoa nói vì đây là trường hợp đặc biệt nên dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không chỉ định người mổ như thông thường. Mình thấy có hai anh BS đồng ý mổ rồi nên mình cũng xung phong vào phẫu thuật. Lúc đó cũng không lo lắng gì nhiều, chỉ nghĩ bệnh nhân đang cần mình, trách nhiệm của một BS phải làm nên mình xin vào phẫu thuật thôi” - BS Cao kể lại. Khi được hỏi về nỗi lo lắng lây nhiễm khi tiếp xúc dao kéo với bệnh nhân HIV, BS Kim Cao chia sẻ: “Thực sự lúc đó mình không lo lắng quá nhiều, vì đã quyết định vào phẫu thuật thì phải làm hết mình. Khi đó mình chỉ nghĩ nếu lỡ không may kim chọc vào tay hay dao cắt trúng thì mình điều trị phơi nhiễm vẫn được. Chứ ai cũng sợ, không chịu mổ thì bệnh nhân sẽ không còn cơ hội. Quả thật ở giảng đường tụi mình đã được học về trường hợp này nhưng khi gặp trong thực tế là chuyện hoàn toàn khác. Mình nghĩ phải trải qua thực tế thì mới học hỏi được kinh nghiệm” - BS Lê Kim Cao tâm sự.
Theo BS An, khoa đặt yêu cầu các BS xem đây là một ca mổ bình thường, không kỳ thị. Vấn đề chính là phải chuẩn bị các trang thiết bị phẫu thuật riêng, quần áo riêng và chế độ chăm sóc riêng. Đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và người làm phẫu thuật.
Sau mổ hai tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. “Vấn đề còn lại bây giờ là điều trị HIV, may là bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu nên cơ hội chữa trị vẫn còn rất nhiều” - BS An cho biết.
Hàng triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm ở Ấn Độ
http://danviet.vn/y-te/hang-trieu-nguoi-chet-vi-o-nhiem-khong-khi-moi-nam-o-an-do-744864.html
Trong bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Anil Madhav Dave nêu ra một vấn đề đáng lo ngại của chính phủ nước này khi có tới 1,2 triệu người chết mỗi năm trong đó nguyên nhân hàng đầu là do ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây là kết quả rút ra từ cuộc khảo sát Global Burden of Disease (GBD), một chương trình nghiên cứu toàn cầu về các nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong ở mọi quốc gia trên thế giới của nhóm chuyên gia môi trường Greenpeace. Theo đó, ước tính có 3.283 người Ấn Độ tử vong mỗi ngày(tương đương gần 1,2 triệu người mỗi năm) do các yếu tố liên quan đến ô nhiễm không khí như bụi, bào tử nấm mốc, asen, chì, niken và crom, vốn là những chất gây ung thư. Không có bất kỳ thành phố nào ở miền bắc Ấn Độ và gần như toàn đất nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng không khí. Đặc biệt, một nghiên cứu năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới còn liệt Thủ đô Delhi vào danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới với một loạt tác nhân như bụi đường, khí thải giao thông, khí thải công nghiệp và việc đốt rơm rạ của người dân. Bộ trưởng Môi trường Anil Madhav Dave cho biết, các tác hại của ô nhiễm không khí là “một biểu hiện tổng hợp của các yếu tố bao gồm thói quen ăn uống, thói quen nghề nghiệp, tình trạng kinh tế-xã hội, lịch sử y học, miễn dịch, di truyền… của cá nhân”. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc hít thở thường xuyên các chất ô nhiễm có thể tăng nguy cơ đông máu, gây tổn hại đến lượng oxy trong máu và viêm mô thần kinh. “Ô nhiễm không khí mang lại những nguy cơ sức khỏe liên quan đến nhiều loại bệnh tật”, Bộ trưởng nói thêm. Tuy chậm hơn so với các nước láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề của không khí độc hại nhưng 2 năm qua, Ấn Độ đã tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh chất lượng không khí như sử dụng nhiên liệu sạch, nâng cao tiêu chuẩn về khí thải các phương tiện tham gia giao thông cũng như sử dụng công nghệ sản xuất mới nhằm hạn chế lượng khí thải từ các nhà máy. Không chỉ ở Ấn Độ, ô nhiễm không khí đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu trong đó người nghèo, người già và trẻ em là những đối tượng phải chịu nhiều gánh nặng nhất. Một báo cáo từ Unicef chỉ ra rằng chất lượng không khí kém là một trong những nguyên nhân gây nên 600.000 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới mỗi năm.
Cứu sống bé trai có 4 chân, 2 cơ quan sinh dục
Bé trai người Ấn Độ bị khuyết tật bẩm sinh hiếm gặp khiến bé có 4 chân và 2 dương vật đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ những bộ phận thừa thành công.
Đài truyền hình CNN ngày 10/2 cho biết, khuyết tật của bé trai sinh ngày 21/1 tại một trung tâm y tế ở làng Puladinni, bang Karnataka (Ấn Độ) được giới y khoa gọi là polymelia.
Bé sinh ra với tình trạng thừa chân và dương vật đã được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện Narayana Health City tại thành phố Bangalore, bang Karnataka cùng mẹ. Quãng đường 320km đến bệnh viện khiến bé bị mất nước và cần thở oxy ngay. Vào tuần trước, bé trai sơ sinh đã được các bác sĩ ở bệnh viện Narayana Health City phẫu thuật cắt bỏ các bộ phận thừa trên cơ thể. Cuộc phẫu thuật kéo dài suốt 5 giờ đồng hộ với đội ngũ 20 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên.
Bác sĩ Sanjay Rao tại khoa nhi ở bệnh viện Narayana Health City, người thực hiện ca phẫu thuật cho bé trai cho biết, đây là ca phẫu thuật phức tạp. Nhiều công việc phải được tiến hành trước khi phẫu thuật nhằm xác định được cấu trúc nào dính liền giữa cơ thể chính của bé trai với cơ thể kí sinh không đầy đủ. Các mạch máu cũng được xác định để kiểm soát tình trạng mất máu.
Hiện nay, bé trai đang hồi phục và sẽ được cho xuất viện vào tuần sau. Toàn bộ những dịch vụ tiếp theo gồm phẫu thuật chỉnh hình hoặc thẩm mỹ sẽ được bệnh viện Narayana Health City thực hiện miễn phí.Polymelia là một dạng rối loạn gen do các bất thường ở nhiễm sắc thể hoặc các tác nhân môi trường. Trẻ mắc chứng polymelia khi sinh ra sẽ bị một dạng khuyết tật khiến trẻ có thêm nhiều tay, chân hoặc các cơ quan khác nhưng không lành lặn.
Chứng polymelia có thể xuất hiện khi phôi thai phát triển thành cặp song sinh dính liền nhau rồi một trong 2 em bé ngưng phát triển, nhưng vẫn tiếp tục phát triển các tay chân hay cơ quan trên cơ thể của em bé còn lại. Bác sĩ Sanjay Rao cho biết đây chính là nguyên nhân khiến bé trai ở Bangalore có đến 4 chân và 2 dương vật.
Thử nghiệm thành công điều trị ung thư bằng vàng
http://baophapluat.vn/thuoc/thu-nghiem-thanh-cong-dieu-tri-ung-thu-bang-vang-319098.html
Các nhà khoa học Ai Cập đã thử nghiệm thành công điều trị ung thư bằng vàng ở động vật, mở ra nhiều hy vọng sống cho con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu ngày 3/1 trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia gia Ai Cập, Giáo sư Mostafa al-Sayed, trưởng nhóm nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư bằng vàng, nhấn mạnh rằng phương pháp điều trị mới này đã cho kết quả khả quan.
Giáo sư Ahmed Abdoun, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết thêm nhóm đã xác định được hiệu quả của việc điều trị ung thư vú và da bằng các phân tử vàng trên động vật như chó và mèo, cũng như điều trị các khối u ác tính trên ngựa. Theo giáo sư Abdoun, kết quả thử nghiệm cho thấy việc điều trị ung thư bằng các phân tử vàng không gây hại đến tính di truyền của cơ thể động vật hoặc có thể dẫn đến các dị tật về thể chất.
Các thí nghiệm được tiến hành trên 30 con chó, 9 con mèo và 2 con ngựa đang mang trong mình các khối u ác tính. Các con vật này được kiểm tra lâm sàng bằng cách xác định nhiệt độ cơ thể, kích cỡ các khối u, cũng như được tiến hành xét nghiệm sinh thiết máu và mô khối u để xác định các giai đoạn ung thư.
Theo phương pháp đặc biệt này, các phân tử vàng (có kích cỡ 50 nanomet) được đưa vào khối u 10 phút trước khi tia laser được sử dụng để tương tác với các phân tử vàng trong khối u. Tình trạng bệnh sẽ có cải thiện tích cực trong khoảng thời từ 5-32 ngày.
Giáo sư Abdoun cho biết thêm kết quả điều trị số động vật nói trên đạt từ 62-87%, tùy thuộc vào từng loại khối u. Đặc biệt, phương pháp điều trị ung thư sử dụng phân tử vàng không gây tác dụng phụ đối với các chức năng của gan và thận. Ai Cập hiện được xem là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng các phân tử vàng.