Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 14/ 3/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh ho gà; Kiểm toán Nhà nước: 54 tỷ đồng bảo hiểm y tế cấp trùng thẻ năm 2015; Một trẻ 45 ngày tuổi tử vong do mắc bệnh ho gà; Thông tin mới nhất vụ 9 sinh viên ngộ độc rượu; 7 sinh viên bị giảm thị lực, tổn thương não do ngộ độc rượu methanol; ...

 

Chuẩn bị liên thông các kết quả xét nghiệm khám bệnh

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/chuan-bi-lien-thong-cac-ket-qua-xet-nghiem-kham-benh/300565.vgp

http://www.baohaiquan.vn/pages/nam-2018-se-lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-cac-benh-vien-hang-dac-biet.aspx

Ngày 13/3, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện hạng I và tương đương rà soát, lập kế hoạch thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.

Yêu cầu này nhằm thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, thực hiện theo Công văn số 1154/VPCP-KGVX ngày 13/2/2017 của Văn phòng Chính phủ về lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.

Cụ thể, lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ được thực hiện trước ngày 1/7/2017; bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1/1/2018. Đến năm 2025, sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

Tại hội thảo tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm y học do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/3, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết hiện cả nước có 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 492 bệnh viện tỉnh, 629 bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện ngành và hơn 30.000 cơ sở y tế ngoài công lập.

Ở các cơ sở y tế có tình trạng việc xét nghiệm gần như là sự chỉ định tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh của các bác sĩ trong khi họ bỏ qua khám lâm sàng vì lý do quá đông bệnh nhân; nhiều bác sĩ cho rằng khi bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên thì tình trạng bệnh đã khác nên phải làm lại các xét nghiệm.

“Tôi cho rằng đó là những lý do chống chế vì chúng ta phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là công nhận các xét nghiệm trên cơ sở bảo đảm chính xác, chất lượng”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, từ năm 2011 đến nay, số lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tăng nhanh qua các năm, trung bình từ 15-20%.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết hiện nay chất lượng các phòng xét nghiệm trong cả nước chưa đồng đều, thậm chí có nhiều trường hợp đi khám, mỗi phòng xét nghiệm lại cho kết quả khác nhau. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng bệnh nhân vừa xét nghiệm tại bệnh viện này nhưng đến bệnh viện khác lại bị yêu cầu làm lại xét nghiệm.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sẽ được thực hiện thông qua 3 trung tâm kiểm nghiệm chất lượng xét nghiệm ở 3 vùng miền trên cả nước. Từ đó, sẽ khắc phục được tình trạng người bệnh bị yêu cầu làm lại nhiều xét nghiệm trùng nhau khi chuyển cơ sở y tế.

Bộ Y tế đang dự thảo tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên cả nước. Theo dự thảo này, các phòng xét nghiệm sẽ được đánh giá 5 mức: Chưa xếp mức, mức 1, 2, 3 và 4 với các nội dung như bảo dưỡng, hiệu chỉnh trang thiết bị, thực hiện nội kiểm, ngoại kiểm...

Nếu chưa được xếp mức thì phòng xét nghiệm đó có thể bị tạm dừng xét nghiệm và phải khắc phục lại những điểm yếu để được hoạt động trở lại. Dự thảo dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 3/2017.

 

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh ho gà

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bo-y-te-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-benh-ho-ga-688511.html

http://www.baogiaothong.vn/tre-tu-vong-vi-ho-ga-bo-y-te-chi-dao-khan-d191990.html

http://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-phat-hien-va-dieu-tri-ho-ga-602445.vov

Trước tình hình số người mắc bệnh ho gà ngày càng gia tăng, ngày 13-3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh sớm.

 Trong những tháng đầu năm 2017, trên cả nước đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do ho gà. Chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị hơn 50 bệnh nhi mắc ho gà, trong đó có năm ca tử vong.

Người bệnh mắc ho gà đang có chiều hướng gia tăng, bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới ba tháng tuổi chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, phải thở bằng máy.

Do vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã gửi công văn yêu cầu Giám đốc các BV trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị giảm tử vong và phòng chống lây nhiễm bệnh ho gà tại các bệnh viện (đặc biệt là các bệnh nhi ở các tỉnh phía Bắc ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu).

Cùng với đó, công văn của Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện cần lưu ý các trường hợp đến khám, nếu có nghi ngờ về mặt lâm sàng cần chỉ định xét nghiệm kịp thời. Cách ly những người mắc bệnh ho gà và nghi ngờ mắc ho gà tại khu vực riêng biệt điều trị nội trú. Cùng với đó là chuyển tuyến an toàn, kịp thời với những trường hợp bệnh diễn biến nặng.

 

Một trẻ 45 ngày tuổi tử vong do mắc bệnh ho gà

http://vov.vn/xa-hoi/mot-tre-45-ngay-tuoi-tu-vong-do-mac-benh-ho-ga-602542.vov

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tại địa phương đã xảy ra 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc bệnh ho gà.

Trong số 11 trường hợp mắc bệnh ho gà từ 45 ngày đến 11 tuổi nghi mắc bệnh ho gà được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, có 1 bệnh nhân mới 45 ngày tuổi bị nặng, đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Đến ngày 10/3, bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh nhân này chưa đến tuổi tiêm vắc xin Quinvaxem (vắc xin phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib).

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 13/3 chưa có  thêm bệnh nhân nào mắc bệnh ho gà. Do thời tiết miền Bắc đang ẩm ướt nên virus cúm tồn tại trong môi trường lâu hơn.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh mũi, miệng, mắt. Nếu có điều kiện, nên tiêm phòng vắc xin cúm.

 

7 sinh viên bị giảm thị lực, tổn thương não do ngộ độc rượu methanol

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/864279/7-sinh-vien-bi-giam-thi-luc-ton-thuong-nao-do-ngo-doc-ruou-methanol

http://laodong.com.vn/xa-hoi/mot-so-sinh-vien-ngo-doc-ruou-co-dau-hieu-ton-thuong-nao-giam-thi-luc-646187.bld

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-nhom-sinh-vien-ngo-doc-ruou-4-nguoi-anh-huong-thi-luc-3-nguoi-ton-thuong-nao-201703131642418.htm

Theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, tính đến sáng 13-3, tại Trung tâm chống độc còn 6 sinh viên cần ở lại để theo dõi và điều trị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp).

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, trong vụ sinh viên ngộ độc tập thể sau liên hoan mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, có 9 bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm Chống độc. Ngoài ra, một số bạn khác trong nhóm liên hoan có đến lấy máu xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính nên đã được cho về và theo dõi. Tất cả 9 bệnh nhân đều cùng quê Gia Lai.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khi được điều trị tích cực, lọc máu, giải độc, hồi sức, sức khoẻ của các bệnh nhân này đều tiến triển tốt. Tuy nhiên, có 4 bệnh nhân bị giảm thị lực, 3 bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não sẽ tiếp tục được làm các thăm dò để kiểm tra và đánh giá.

 

Xuất hiện liên tục nhiều ca thương hàn

http://thanhnien.vn/suc-khoe/xuat-hien-lien-tuc-nhieu-ca-thuong-han-814553.html

Ngày 12.3, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong 2 - 3 tuần qua, BV tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp trẻ em bị thương hàn (do trực trùng Salmonella typhi), tất cả đều ở tỉnh chuyển lên.

Các bé nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài và điều trị khá phức tạp, phải dùng kháng sinh mạnh từ 10 - 14 ngày. Còn tại địa bàn TP.HCM, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cũng cho biết từ đầu năm 2017 đến nay có 3 trường hợp mắc bệnh thương hàn.

Về nguyên nhân nhiễm vi trùng này, bác sĩ Khanh cho rằng thường do ăn, uống thức ăn không đảm bảo vệ sinh, hoặc thức ăn bị nhiễm vi trùng bởi người chế biến bị nhiễm bệnh thương hàn mà không có biểu hiện bên ngoài. Về triệu chứng, người bệnh thường sốt cao dần, sốt kéo dài, tiêu chảy hay táo bón, đau bụng, biếng ăn, có khi vài tuần kiểm tra mới biết thương hàn.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo phòng ngừa bệnh thương hàn bằng cách ăn uống vệ sinh, tiêm vắc xin phòng ngừa (trẻ từ 3 tuổi trở lên). Tuy nhiên, vắc xin chỉ bảo vệ được khoảng 90% và có liệu lực trong vòng 3 năm, sau đó phải tiêm lại.

 

 Khám bảo hiểm y tế có thể không cần đến thẻ

http://thanhnien.vn/suc-khoe/kham-bao-hiem-y-te-co-the-khong-can-den-the-814609.html

Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và luật Bảo hiểm y tế (BHYT), dự kiến hiệu lực thi hành từ 1.6.2017, người tham gia BHYT khi đến khám, chữa bệnh (KCB) phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa xuất trình thẻ BHYT thì có thể cung cấp số định danh cá nhân và xuất trình một trong các loại giấy tờ còn giá trị hiệu lực như: thẻ căn cước công dân; CMND (bao gồm cả chứng minh quân đội); hộ chiếu; thẻ học sinh, sinh viên, học viên (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm CMND) hoặc các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp, xác nhận.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay: “Mã số định danh là mã riêng cho từng cá nhân, gắn với người đó suốt đời. Do đó, khi đi khám, trong trường hợp chưa xuất trình được thẻ BHYT thì có mã số định danh và một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh đã có thể được đảm bảo quyền lợi”.

Theo ông Sơn, trong năm 2017, BHXH sẽ thông báo đến mỗi người có thẻ BHYT mã số định danh của mình. Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được thông báo thông qua chính quyền xã/phường. Mã số này cũng được lưu trên hệ thống máy tính của cơ quan BHXH. Hệ thống mạng của BHXH liên thông với các cơ sở điều trị có thể tra được khi người bệnh thông báo mã định danh.

“Mã số định danh không chỉ kiểm soát việc cấp trùng thẻ mà còn hỗ trợ trong khi đăng ký khám BHYT. Hiện tại, BHXH VN đã có mã số định danh cho 76 triệu thẻ BHYT, trong đó đã đồng bộ được 67 triệu thẻ. Số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017. Những người tham gia BHYT hộ gia đình cũng được cấp mã số định danh riêng”, ông Sơn cho hay.

Theo ban soạn thảo dự thảo, trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT, vẫn được hưởng quyền lợi nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.

Thông tuyến, thêm quyền lợi

Theo Bộ Y tế, từ 1.1.2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở y tế là trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại các cơ sở y tế này trên cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến.

Theo lộ trình, việc áp dụng quy định về thông tuyến tỉnh chung trên cả nước sẽ thực hiện từ 1.1.2021 với trường hợp điều trị nội trú. Riêng đối tượng là người dân tộc thiểu số và người nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, hiện đã được KCB thông tuyến tại các cơ sở tuyến huyện và điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. Như vậy, các đối tượng này được áp dụng quy định về thông tuyến sớm hơn và ở tất cả các tuyến.

Trong động thái khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký công văn gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ và các bệnh viện hạng 1 yêu cầu rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, việc liên thông kết quả xét nghiệm áp dụng với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1.7, áp dụng với bệnh viện hạng 1 và tương đương trước ngày 1.1.2018. Bộ Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm, đặc biệt lưu ý chấn chỉnh các đơn vị xét nghiệm đặt tại các khoa khám bệnh, phòng bệnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm. Các bệnh viện thuộc diện trên thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện trước khi làm xét nghiệm cho bệnh nhân; đồng thời lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình quy định, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30.3.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, với việc thực hiện thông tuyến BHYT, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 là 76% dân số, đến nay đã đạt 81,7%. Số lượt KCB BHYT tăng. Năm 2015 có 130 triệu lượt với tần suất KCB trung bình là 1,85 lần/người/năm. Năm 2016, có 148 triệu lượt người và tần suất 1,89 lần/người/năm.

 

Đừng để người dân chỉ có bệnh mới đến khám!

http://dantri.com.vn/suc-khoe/dung-de-nguoi-dan-chi-co-benh-moi-den-kham-20170313094917602.htm

“Vấn đề người dân quan tâm là tại sao cán bộ huyện, xã không có bệnh cũng được đi khám sức khỏe, mới có triệu chứng bệnh đã được tư vấn ăn gì, uống gì. Trong khi những người vùng quê đã có bệnh là nặng, người già xem việc mờ mắt là bình thường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.

“Đừng để người dân chỉ có bệnh mới đến khám” là tinh thần chung toát lên từ buổi làm việc của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, các bộ ngành với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, cán bộ y tế và nhân dân xã Đức Minh về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực trạng hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh vào ngày 12/3.

Hạ tầng đã có…

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ông Ong Thế Viên cho biết: hiện cả 230 Trạm y tế xã (TYT) trong tỉnh đã có máy siêu âm và đặc biệt có máy tính kết nối mạng để thanh quyết toán với cơ quan Bảo hiểm y tế hằng ngày. Một số trạm đã có thêm máy xét nghiệm sinh hóa cơ bản, điện tim, ghế làm răng....

Về tổ chức quản lý và điều trị ngoại trú, cấp thuốc hàng tháng cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, Bắc Giang được đánh giá là một trong những tỉnh làm tốt, như quản lý 100% cấp phát thuốc cho bệnh nhân động kinh, tâm thần; bệnh tăng huyết áp là gần 90% (203 trạm) và sẽ triển khai thí điểm quản lý bệnh nhân đái tháo đường tại 15 TYT xã trong năm 2017 (đã có 6 TYT xã triển khai năm 2016).

Ghi nhận điều này, Phó Thủ tướng đánh giá TYT xã Minh Đức (Bắc Giang) là Trạm Y tế tốt so với toàn quốc vì khám tới 6.000 lượt/năm, thay vì chỉ vài chục lượt/năm ở nhiều TYT khác.

Trong khi đó, báo cáo với Phó thủ tướng về hạ tầng viễn thông, đại diện một tập đoàn công nghệ hàng đầu khẳng định, hiện Việt Nam đang có mạng 4G lớn nhất và tốt nhất thế giới. Và trong giai đoạn 2017-2020, tập đoàn này sẽ thực hiện mục tiêu xóa mù internet, trang bị máy smartphone với giá rẻ cho người dân cũng như xây dựng hệ tri thức về nông lâm nghiệp, y tế; miễn phí mạng khi người dân truy cập thông tin về giáo dục sức khỏe.

… chỉ thiếu chính sách phù hợp?

Mặc dù cơ sở vật chất khang trang, hạ tầng viễn thông đồng bộ là vậy nhưng ngay tại 1 TYT được đánh giá là tốt như TYT xã Đức Minh, một cán bộ y tế trẻ đã thẳng thắn bày tỏ: Chúng tôi có năng lực, muốn phục vụ nhân dân càng nhiều càng tốt nhưng không thể vì quá mức BHYT chi là bị xuất toán nên chúng tôi chỉ biết “bó tay”.

Khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi về khó khăn nhất hiện nay của Trạm, Bác sĩ Hoàng Văn Tuân, Trạm Trưởng cũng cho rằng nhiều bệnh trạm hoàn toàn có thể chữa được nhưng do các dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán còn thấp nên người dân lên tuyến huyện thay vì đến TYT xã.

Trong khi đó tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, ông Ong Đức Viên, khẳng định: “Thực tế nhiều người dân rất muốn được cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… ngay tại xã để đỡ mất công lên bệnh viện huyện cách đó 30-40 km.

Vậy nhưng do kinh phí dành cho hoạt động khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại y tế tuyến xã rất hạn hẹp, đặc biệt, với mức chi không quá 20% quỹ đã không thể khuyến khích được việc phát triển và cung cấp y tế có chất lượng cho người dân".

Theo đó, ông Viên đề xuất: Cần có cơ chế mới về tài chính để triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã tránh tình trạng “dù cơ sở có, cán bộ có nhưng không làm được”.

Đây cũng là vấn đề được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm. Ngay trong chuyến thăm TYT xã Minh Đức, Phó thủ tướng đã hỏi rất kỹ người dân, cán bộ y tế trạm và cả các lãnh đạo ngành về nội dung này.

Phó thủ tướng đặt vấn đề tại hội nghị: Vì sao chủ trương đưa việc quản lý các bệnh mãn tính về địa phương đã có từ cách đây 10 năm mà đến nay chưa thể nhân rộng? Trong khi đó, nhóm đối tượng này (bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường đường, tim mạch…- PV) chiếm 70% tổng chi phí BHYT.

“Chúng ta đầu tư cho y tế xã cũng rất khang trang nhưng triển khai khó khăn thế. Bởi luật, chính sách BHYT đã không chi cho việc phòng bệnh. Rồi hạn mức chi thấp nên dù xây trạm rất khang trang, có máy móc, có bác sĩ nhưng người dân không đến…”, Phó Thủ tướng nhận định.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đề nghị được triển khai ngay kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân tại TYT xã sau khi biết về chủ trương và quá trình thực hiện thí điểm chủ trương lớn này tại Phú Thọ, Bắc Ninh và hiện đang triển khai thí điểm tại Hà Nội.

Ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải (ảnh trên) chia sẻ rất thật: “Đến bản thân tôi còn không biết nhóm máu của mình là gì”. Theo ông Bùi Văn Hải, với người dân, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa (đi khám không cần thẻ), với cán bộ y tế, cần tạo điều kiện hết sức, “làm được gì thì cho làm”, chứ không nên đưa ra các quy định, gây ra những rào cản không đáng có.

“Nếu được giao thêm công việc thăm khám định kỳ, chăm sóc, tư vấn sức khỏe ban đầu cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn có thể đảm nhận được. Mỗi người dân được theo sức khỏe sát hơn... Không chỉ là thêm việc, thêm thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn mà người dân sẽ tin tưởng hơn, đến với trạm nhiều hơn”, bác sĩ Hoàng Văn Tuân khẳng định với Phó Thủ tướng.

Trên thực tế, trao đổi với chúng tôi, những người dân đến khám tại Trạm Y tế xã Đức Minh cũng đều bày tỏ mong muốn được khám gần nhà với chất lượng dịch vụ y tế tốt và đặc biệt ủng hộ việc khám bệnh định kỳ.

Đưa con nhỏ đến khám hô hấp, chị Vũ Thị Hằng (36 tuổi, thôn Chùa) cho biết chị thường đến TYT xã Minh Đức do hay bị tiền đình, con cái hay ốm vặt. Nhưng riêng bố chồng chị thì ít khi đi khám và thường tự mua thuốc uống. Vậy nên nếu có chương trình khám sức khỏe định kỳ, gia đình sẽ bớt lo lắng về tình hình sức khỏe của ông.

Trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và mong muốn của người dân xã Minh Đức, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam hoàn toàn ủng hộ và lưu ý Tỉnh cần tham khảo kinh nghiệm, cách làm của các tỉnh thành.

Phó Thủ Tướng cũng lưu ý việc lập hồ sơ, bệnh án, sổ y bạ điện tử là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước (y tế, bảo hiểm xã hội) và phải làm rất thận trọng, lâu dài, với nhiều giải pháp kỹ thuật phức tạp để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ nhằm phục vụ cho việc quản lý mô hình bệnh tật.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ý nghĩa lớn hơn của Kế hoạch Quản lý sức khỏe toàn dân này không chỉ là sổ khám bệnh điện tử (biết được quá trình bệnh tật của cá nhân như thế nào) mà là để những người dân chưa bao giờ đi khám được biết về tình hình sức khỏe của mình, nếu phát hiện ra bệnh sẽ được tư vấn và điều trị sớm, điều trị khỏi… thay vì chỉ đến viện khi bệnh đã nặng cũng như xem chuyện mờ mắt ở tuổi già là bình thườg.

 

Trường ĐH Y dược TP.HCM tăng 160 chỉ tiêu tuyển sinh

http://thanhnien.vn/giao-duc/truong-dh-y-duoc-tphcm-tang-160-chi-tieu-tuyen-sinh-814837.html

Theo đó, trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bằng tổ hợp 3 môn: toán, hóa và sinh.

Đáng chú ý, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhiều ngành trong năm nay. Theo đó, chỉ tiêu của trường tăng thêm 160 so với năm ngoái (từ 1.600 lên 1.760 chỉ tiêu).

Trong số này có 5 ngành chỉ tiêu giữ mức ổn định như năm ngoái gồm: y đa khoa 400, răng hàm mặt 100, y học cổ truyền và điều dưỡng đa khoa 150, điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh 80.

Các ngành còn lại chỉ tiêu đều tăng ở mức khác nhau. Đáng chú ý, ngành dược học tăng từ 320 lên 380. Các ngành còn lại tăng từ 10-20 chỉ tiêu.

 

Niêm phong 15.565 lít rượu không rõ nguồn gốc

http://thanhnien.vn/suc-khoe/niem-phong-15565-lit-ruou-khong-ro-nguon-goc-814613.html

Báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội cho biết sau gần 2 tuần kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn toàn TP, đến chiều 12.3, cơ quan chức năng đã niêm phong tổng cộng 15.565 lít rượu, 172 chai rượu các loại cùng 4,9 kg men rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Hiện còn 7/24 bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol trên địa bàn Hà Nội vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai từ 26.2 - 11.3 đang tiếp tục phải điều trị, 15 bệnh nhân khác đã ra viện, 2 bệnh nhân tử vong.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Sở Công thương, Công an TP và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ quyết liệt tổ chức điều tra truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu liên quan đến các trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chuyển điều tra, truy tố các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Trong khi đó, tối 12.3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội cho biết 5/43 mẫu rượu được cơ quan chức năng xét nghiệm có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép. Trong đó, 1 mẫu rượu lấy tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính (Q.Thanh Xuân), 2 mẫu lấy tại cửa hàng cơm (số 1 phố Trung Liệt, Q.Đống Đa) và cơm Vĩnh Thành (số 95 khu giãn dân Mỗ Lao, Q.Hà Đông), 2 mẫu lấy tại quán cơm số 38 phố Chùa Láng (Q.Đống Đa).

 

Tin mới nhất vụ thai phụ chết não sau khi khám ở Phòng khám 168 Hà Nội

 http://vietq.vn/tin-moi-nhat-vu-thai-phu-chet-nao-sau-khi-kham-phu-khoa-o-ha-noi-d117029.html

http://plo.vn/xa-hoi/yeu-cau-trieu-tap-bs-trung-quoc-vu-thai-phu-chet-nao-688513.html

Liên quan đến việc thai phụ chết não sau khi khám phụ khoa ở Phòng khám 168 Hà Nội, chiều nay Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tai biến.

Báo Kinh tế & Đô thị đưa tin, chiều 13/3, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tai biến đối với bệnh nhân Trần Thị Thu Trang sau khi điều trị phụ khoa tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (huyện Thanh Trì).

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ gia đình bệnh nhân Thu Trang trong quá trình chăm sóc, điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Phòng khám 168 Hà Nội có thông báo, hướng dẫn và chuyển người bệnh đang điều trị tại Phòng khám tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội cần phối hợp với các cơ quan chức năng để triệu tập và yêu cầu bác sĩ Zheng Zu Rong báo cáo, tường trình chi tiết quá trình khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Trang, cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông về trường hợp tai biến nêu trên.

Báo Vnexpress đưa tin, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự việc xảy ra tại Phòng khám 168 Hà Nội khiến thai phụ bị tai biến dẫn tới hôn mê sâu. Trong 3 năm qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các sai phạm nhưng phòng khám này vẫn tồn tại và hoạt động cho đến nay. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra, xử lý vụ việc, báo cáo trước ngày 14/3.

Báo Gia đình và Xã hội đưa tin, trưa 13/3, chị Trần Thị Thu Hằng, người nhà nạn nhân Trang, cho biết, sáng nay (13/3) sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ BV Bạch Mai (Hà Nội) thông báo tình hình chị Trang và thai nhi diễn biến rất xấu. Vì vậy, BV thông báo tin này cho gia đình và có chỉ định đình chỉ thai nghén. Đến trưa ngày 13/3, các bác sĩ khoa Sản đã tới phòng điều trị của bệnh nhân Trang.

Chị Hằng chia sẻ rằng, dù chưa biết diễn biến cụ thể như thế nào nhưng gia đình chị cũng đã chuẩn bị tâm lý cho những tình huống xấu nhất.

Trước đó, báo Người Lao động đưa tin, vào lúc 16h ngày 5/3, chị Trần Thị Thu Trang có đến khám phụ khoa tại Phòng khám 168 Hà Nội. Bệnh nhân được bác sĩ Trịnh Túc Vinh (người Trung Quốc) khám, chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, có thai 21 tuần. Đến 17h cùng ngày, phòng khám tiến hành điều trị các bước: rửa âm đạo bằng dung dịch NaCl (0,9%), khí dung bằng dung dịch Nacl (0,9%) pha với Gentamycin và Dexamethasone (một loại thuốc kháng sinh thế hệ cũ và thuốc kháng viêm). Tuy nhiên, sau khoảng 3 phút thực hiện các thao tác này, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, kèm theo co cứng người, co giật.

Sau khi xảy ra sự cố, bệnh nhân được tiêm thuốc an thần chống co giật rồi chuyển lên Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, bệnh nhân được xác định đã rơi vào tình trạng hôn mê, chết não. Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên theo nhận định của các bác sĩ, tỉ lệ sống của bệnh nhân chỉ khoảng 1%.

 

Đã xác định nguyên nhân bé gái tử vong sau khi tiêm vaccine

http://www.baogiaothong.vn/da-xac-dinh-nguyen-nhan-be-gai-tu-vong-sau-khi-tiem-vaccine-

Chiều 13/3, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, liên quan đến trường hợp cháu bé 4 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine tại Trạm Y tế xã San Thàng, Tp. Lai Châu hôm 5/3 vừa qua, đã có kết quả điều tra, xác minh nguyên nhân tử vong ban đầu.

Theo đó, Hội đồng Tư vấn chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Lai Châu đã nghiên cứu, đánh giá tất cả 5 nhóm nguyên nhân gây tai biến gồm: Chất lượng vaccine, thực hành tiêm chủng, yếu tố tâm lý, trùng hợp ngẫu hiên với các bệnh lý khác và tai biến do phản ứng của cơ thể với vaccine tiêm chủng. Kết luận, nạn nhân tử vong chưa rõ rõ nguyên nhân và không loại trừ khả năng bắt nguồn từ sốc phản vệ do vaccine. Tuy nhiên, để kết luận chính xác nguyên nhân này cần phải tiến hành mổ tử thi để điều tra ,nhưng gia đình nạn nhân đã từ chối cho mổ tử thi.

Vẫn theo ông Đối, thông tin từ ngành Y tế địa phương cho biết, cháu bé tử vong có tiền sử sinh non (cháu được sinh ra khi mới 28 tuần tuổi), do đó cân nặng và điều kiện sức khỏe của cháu cũng không được như những đứa trẻ sinh bình thường khác (cháu bé chỉ nặng 1,3kg và gia đình phải nuôi trong lồng ấp hơn 2 tháng mới cho về nhà). Trước khi xảy ra sự việc khoảng 1 tháng, cháu bé cũng được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã San Thàng để tiêm vaccine nhưng không tiêm được vì chưa đủ tiêu chuẩn. Đến hôm tiêm 5/3 vừa qua, thể trạng cháu đã đạt 5,3kg và được khám sàng lọc đủ tiêu chuẩn.

Trước đó, như báo Giao thông đã đưa tin, sáng 5/3, bé gái Nguyễn Thị Thảo Hương (4 tháng tuổi, trú tại bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, Tp. Lai Châu, tỉnh Lai Châu) được đưa đến Trạm Y tế xã San Thàng tiêm vaccine phòng bệnh Lao BCG. Đến 15h cùng ngày, cháu có biểu hiện bất thường về sức khỏe, người lạnh, mặt tím tái, hoạt động yếu ớt. Gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong.

 

Kiểm toán Nhà nước: 54 tỷ đồng bảo hiểm y tế cấp trùng thẻ năm 2015

http://www.vietnamplus.vn/kiem-toan-nha-nuoc-54-ty-dong-bao-hiem-y-te-cap-trung-the-nam-2015/435387.vnp

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong thực hiện dự toán thu - chi của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế vẫn xảy ra với số lượng khá lớn.

Dù vậy, tại buổi tọa đàm trực tuyến về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, tình trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế qua các năm đã giảm đáng kể.

Thống kê cho thấy, năm 2013, số thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014, số thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng là 160.912; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015, số thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng là 116.096; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.

Ông Phạm Lương Sơn cho hay, việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế tập trung chủ yếu ở nhóm các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế. Nguyên nhân cấp trùng thẻ là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau.

Theo ông Sơn: “Chẳng hạn như có trường hợp vừa có thẻ thuộc nhóm người có công với cách mạng, vừa ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Với việc có nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ là không thể tránh khỏi.”

Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ bảo hiểm y tế và triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo danh sách thống kê hộ gia đình, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cấp số định danh cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo hướng người tham gia bảo hiểm y tế chỉ được cấp một số định danh duy nhất. Khi phát hành thẻ bảo hiểm y tế, dữ liệu cấp thẻ được rà soát trên cơ sở dữ liệu chung do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý để bảo đảm một người chỉ được cấp 1 thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Một người cho dù có được cấp nhiều thẻ bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ bảo hiểm y tế nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang