Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 14/11/ 2016

  • |
T5g.org.vn - Huế: Cứu sống bệnh nhân vỡ túi giả phình mạch máu não hiếm gặp trong y khoa; Nửa số ca ung thư là do thuốc lá; Hạn chế bất lợi khi dùng thuốc ở người cao tuổi; Cứu bệnh nhân bị đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng

Huế: Cứu sống bệnh nhân vỡ túi giả phình mạch máu não hiếm gặp trong y khoa

http://baophapluat.vn/song-khoe/hue-cuu-song-benh-nhan-vo-tui-gia-phinh-mach-mau-nao-hiem-gap-trong-y-khoa-304967.html

Ngày 13/11, thông tin từ Khoa Nội tiết – Nội thần kinh Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: các bác sỹ vừa cứu sống một trường hợp vỡ túi giả phình mạch máu não do tai nạn giao thông. Theo các bác sĩ thì đây là trường hợp hiếm gặp trong y khoa.

Huế: Cứu sống bệnh nhân vỡ túi giả phình mạch máu não hiếm gặp trong y khoa

Chú thích ảnh: Bệnh nhân Liêm sức khỏe dần hồi phục sau ca phẫu thuật, can thiệp

Trước đó, giữa tháng 5/2016, anh Phạm Thanh Liêm (22 tuổi, trú Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê, mất máu, chấn thương sọ não do bị tai nạn giao thông

Sau khi được điều trị gần 2 tháng, bệnh nhân được xuất viện và trở về nhà; sau đó gia đình đưa bệnh nhân vào khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu trong tình trạng chảy máu mũi, miệng không cầm được. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có thể bị chảy máu não.

Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp cho ra bệnh nhân bị dò trực tiếp động mạch cạnh xoang hang trái, có túi giả phình lớn trong hang xoang trái, với kích thước trên 20mm và cần có biện pháp can thiệp (stent) ngay vào mạch máu não. Nhưng dụng cụ này không có ở Việt Nam, các bác sĩ đã liên hệ, và đặt dụng cụ ở Singapore.

Trong quá trình chờ dụng cụ can thiệp, ngày 24/10, bất ngờ túi giả phình từ trong não bệnh nhân bị vỡ, gây xuất huyết mạnh, giảm đồng tử, máu không cầm được. Y bác sĩ trong ê kíp và khoa Nội tiết – Thần kinh Hô hấp đã được huy động bệnh nhân được truyền 3500ml.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa hồi sức, cấp cứu. Y, bác sĩ đã hội chẩn cho bệnh nhân và đi đến quyết định, lựa chọn phương án tiến hành can thiệp cho bệnh nhân, tránh tình trạng vỡ túi giả phình lần 2.

Sau khi trao đổi với người nhà bệnh nhân vì việc can thiệp này có thể sẽ khiến bệnh nhân bị liệt nửa người nhưng sẽ tránh khỏi tử vong, ê kíp thực hiện thử nghiệm phương án và tiến hành “tắc động mạch cạnh trong bên trái” cho bệnh nhân.

Quá trình được tiến hành thành công và điều đặc biệt hy hữu không để lại di chứng về thần kinh cho bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Lan Hương, Trưởng khoa Nội tiết – Thần kinh Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Tuy việc hệ tuần hoàn nối sau can thiệp tắc động mạch trái cho bệnh nhân đã được tiên lượng từ trước, nhưng đó là điều hy hữu, ít gặp trong các trường hợp tương tự đã từng xảy ra, ca phẫu thuật, can thiệp thành công ngoài mong đợi”

Theo các bác sĩ thì đến nay sức khỏe bệnh nhân Liêm đang dần hồi phục.

 

Hạn chế bất lợi khi dùng thuốc ở người cao tuổi

http://suckhoedoisong.vn/han-che-bat-loi-khi-dung-thuoc-o-nguoi-cao-tuoi-n23961.html

Một nghiên cứu Viện Lão khoa cho biết, trung bình một người cao tuổi mắc gần 3 bệnh nên trong điều trị có khi phải sử dụng nhiều thuốc một lúc và chủ yếu là các bệnh mạn tính, phải sử dụng thuốc lâu dài...

Một nghiên cứu Viện Lão khoa cho biết, trung bình một người cao tuổi mắc gần 3 bệnh nên trong điều trị có khi phải sử dụng nhiều thuốc một lúc và chủ yếu là các bệnh mạn tính, phải sử dụng thuốc lâu dài... Vì vậy, dùng thuốc ở lứa tuổi này cần hết sức thận trọng để tránh sự tương tác thuốc và những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.

Các bệnh hay gặp nhất ở người cao tuổi là tim mạch (tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, suy tĩnh mạch mạn tính), bệnh xương khớp (loãng xương, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa), nội tiết chuyển hóa (đái tháo đường typ 2), tâm thần kinh (sa sút trí tuệ, trầm cảm, Parkinson), bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, ung thư và các rối loạn về thị giác, thính giác... Do vậy, khi đi khám bệnh người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về những bệnh mà mình mắc phải và những thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng hay các tác dụng phụ của thuốc mà mình gặp phải... để bác sĩ cân nhắc, lựa chọn thuốc dùng cho phù hợp. Bác sĩ cần hỏi kỹ bệnh nhân về các thông tin trên. Tránh cho thuốc khi chưa có chẩn đoán bệnh hoặc khi còn phân vân giữa lợi và hại khi dùng thuốc.

Người cao tuổi phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Sau mỗi đợt điều trị cần kiểm tra lại bệnh nhân để xem hiệu quả điều trị của thuốc đến đâu, các tác dụng phụ của thuốc... để điều chỉnh thuốc và liều dùng cho phù hợp.

Đối với người cao tuổi, khi dùng thuốc nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó nếu cần thì tăng dần liều cho đến liều điều trị thích hợp. Đơn thuốc phải thích hợp với từng trường hợp cụ thể, có tính đến sức chịu đựng của bệnh nhân và các bệnh khác kèm theo. Nếu có một thuốc có thể điều trị hai bệnh một lúc thì nên chọn thuốc đó, cần giải thích rõ về mục tiêu điều trị, các tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình dùng thuốc.

Do bệnh ở người cao tuổi thường là bệnh mạn tính nên chỉ định dùng thuốc có khi kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Việc dùng thuốc từng đợt dài hay ngắn tùy thuộc vào bệnh, tùy loại thuốc hoặc tùy kết quả chữa bệnh. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của thầy thuốc về liều lượng, số lần uống trong ngày và thời gian dùng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị và hạn chế thấp nhất các tai biến do thuốc gây ra. Người bệnh cũng cần biết phát hiện các bất thường có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc, thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý kịp thời, thích hợp...

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm, ở người già do có hiện tượng đau xương khớp khiến cho người cao tuổi ngại vận động nên nhiều khi ngại dậy để uống thuốc mà uống thuốc trong tư thế nằm làm cho thuốc không xuống tới dạ dày kết hợp với lượng nước uống ít nên thuốc đọng lại ở thực quản gây loét (với một số thuốc), gây sỏi thận (như các sulfamid kháng khuẩn)... Vì vậy không nên uống thuốc ở tư thế này và cần uống thuốc ở tư thế ngồi cùng với nhiều nước.

 

Cứu bệnh nhân bị đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng

http://thanhnien.vn/doi-song/cuu-benh-nhan-bi-dam-xuyen-gan-thung-dong-mach-chu-bung-764692.html

Chiều 12.11, bác sĩ Huỳnh Công Trứ, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, cho biết nơi đây vừa cứu sống bệnh nhân bị dao đâm xuyên gan, thủng động mạch chủ bụng, nguy cơ tử vong cao.

Đó là anh N.V.H (25 tuổi, ngụ H.Chợ Mới, An Giang), nhập viện lúc 8 giờ ngày 11.11 trong tình trạng sốc mất máu nặng, ngưng tim, ngưng thở.

Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu tối khẩn cấp, đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch và xoa bóp tim; đồng thời kẹp cầm máu, khống chế vị trí rách, cột động mạch bị đứt, khâu vết rách động mạch chủ, khâu gan, hút ra hơn 2 lít máu.

Bệnh nhân đã được truyền 6 đơn vị máu (250 ml/đơn vị), dịch truyền và dịch cao phân tử khác.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiếp xúc được với người nhà và đang tiếp tục theo dõi điều trị.

 

Bác sĩ nói về bệnh của người tự cắt chân: "Họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh"

http://kenh14.vn/bac-si-noi-ve-benh-cua-nguoi-tu-cat-chan-ho-cung-bi-am-anh-muon-cat-chi-nguoi-ben-canh-20161113151545008.chn

Bệnh nhân bị rối loạn nhận dạng cơ thể thường gặp ở độ tuổi thanh niên đến trung niên, nhưng ngày nay bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi 14 đến 15.

Về việc, anh P.D.K (công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, tỉnh Tiền Giang) tự chốt cửa phòng rồi cắt chân của mình ngày 10/11, Đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân tự cắt chân là do anh K. mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể cộng với việc có sử dụng ma túy đá gây ảo giác.

Giải thích cho hành động của mình, anh K. cho rằng bản thân bị bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT), bệnh này khiến anh muốn cắt rời tay chân của mình. Chính anh K. đã phát hiện căn bệnh trên từ nhỏ, nhưng không nói cho ai biết.

Đến khi vào học tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, anh K. tự tìm hiểu căn bệnh của mình thông qua mạng Internet để tìm cách chữa trị nhưng không tìm ra cách. Cách duy nhất mà anh K. biết được là phải loại bỏ phần nhận dạng não bộ xem là phần dư thừa (đối với K. là phần dưới chân trái từ đầu gối trở xuống).

Hành động tự cắt chân của anh K. đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người bàn tán và cho rằng đây là bệnh lạ, hiếm gặp.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Tuấn Khương – Bác sĩ Chuyên khoa Nội thần kinh của BV Chợ Rẫy TPHCM cho hay, bệnh rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT) không phải hiếm gặp. Ngược lại, bệnh này ngày càng phổ biến trong xã hội, nhất là với người 15 tuổi.

Bác sĩ Khương cho biết, bệnh RLDNCT là bệnh liên quan đến thần kinh chức năng, chứ không phải thần kinh thực thể. Bệnh xuất hiện khi một người chịu nhiều yếu tố tác động như: áp lực đám đông, áp lực công việc, trạng thái thần kinh không vững… ảnh hưởng đến tâm lý.

"Bệnh RLNDCT thường gặp ở lứa tuổi từ 15 đến 40 tuổi và ngày càng phổ biến. Nhất là ở lứa tuổi 14 đến 15, giai đoạn này các em có những biến chuyển lớn về thể chất và tâm lý.

Ở khoa thần kinh của bệnh viện, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị bệnh này. Riêng phòng cấp cứu thì mỗi ca trực có khoảng 2 trường hợp. Thông thường người bệnh vào đây thường giả liệt, giả co giật hay giả những bệnh khác.

Ngoài việc người bệnh muốn cắt chi của mình, người bệnh cũng muốn tự vẫn. Thậm chí, họ cũng bị ám ảnh muốn cắt chi người bên cạnh. Nhưng đa số các bệnh nhân bị bệnh này thường chỉ dừng lại ở việc ảo tưởng, ảo giác là chi của họ thừa thãi mà thôi chứ rất hiếm người tự cắt chi.

Trường hợp bệnh nhân ở Cần Thơ tự cắt chân mình thì phải làm các xét nghiệm xem anh ta có sử dụng chất kích thích dẫn đến kích động, ảo tưởng nặng hay không chứ thực ra bệnh này chỉ gây nên ám ảnh cơ thể dư thừa, chứ không đến nỗi bệnh nhân tự cắt tay chân mình", bác sĩ Khương nói.

Theo bác sĩ Khương, đôi khi các bác sĩ điều trị cũng có thể nhầm lẫn bệnh RLNDCT với bệnh khác, vì những biểu hiện lâm sàng và cách bệnh nhân trả lời khi khai thác bệnh.

Khi thấy nghi ngờ, hoặc kết quả xét nghiệm không giống như biểu hiện bệnh, bác sĩ phải chủ động khai thác bệnh sử, tiếp xúc với gia đình bệnh nhân, phán đoán qua thực thể bệnh, làm các xét nghiệm để biết chắc chắn bệnh nhân có bị RLNDCT hay không.

Trong chẩn đoán RLNDCT cần chẩn đoán phân biệt với rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn thần kinh tim, giả bệnh và tâm thần phân liệt. Cũng có thể rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm là các tổn thương phối hợp với RLNDCT. Chính vì thế, chẩn đoán bệnh RLNDCT là một việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khai thác bệnh sử, triệu chứng một cách thận trọng.

Bệnh RLNDCT nguy hiểm ở chỗ bệnh ít có biểu hiện lâm sàng, trong khi người bệnh liên tục bị những ám ảnh thừa thãi, chán ghét các bộ phận trên cơ thể và ngày càng stress nặng.

Thế nên, khi những ám ảnh về các bộ phận cơ thể xuất hiện, người bệnh cần phải tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia y tế… để được tư vấn, điều trị, giải tỏa tâm lý sớm. Tránh tình trạng tâm lý bị đè nén dẫn đến những ám ảnh nặng nề gây tổn hại đến bản thân và người xung quanh.

Bệnh Rối loạn nhận dạng cơ thể (RLNDCT) là chứng bệnh mà người mắc phải bị ám ảnh bởi những bộ phận trên cơ thể mình, nhất là các chi. RLNDCT được ví như một chứng rối loạn nhận dạng giới tính và cũng có thể là sự rối loạn tâm thần.Người mắc bệnh này vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, nhưng do áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh khiến họ bị stress, trầm cảm... dẫn đến không tự tin về chính mình.Người mắc chứng RLNDCT luôn có cảm giác những bộ phận trên cơ thể như tay hay chân là bộ phận thừa. Họ bị ám ảnh và luôn có ý nghĩ phải cắt chính một phần cơ thể của mình, nhưng rất hiếm khi xảy ra tình huống này (trừ khi bệnh nhân sử dụng chất kích thích gây ảo giác mạnh).Theo văn y thế giới, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tự cho rằng có nhiều bộ phận trên cơ thể mình là vô dụng và cắt bỏ (nhiều nhất là các chi).

Nhà khoa học thần kinh người Mỹ Vilayanur Ramachandran gần đây đã khám phá ra nguyên nhân của chứng bệnh này là: bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc bệnh bị thiếu mất một phần nào đó.Hiện tại bệnh RLNDCT không có phương pháp điều trị. Tuy nhiên, những người đang bị ám ảnh về cơ thể mình có sự dư thừa hay có cảm thấy chúng... vô dụng thì nên tự cứu mình bằng cách đến gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý,... để được tư vấn và điều trị đúng cách.Khi phát hiện bệnh nhân đã tự ý cắt bộ phận trên cơ thể mình thì người phát hiện nên đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Thời gian vàng để nối lại các bộ phận bị cắt rời cơ thể là 6 tiếng.

 

“Người làm khoa học cần sự tôn vinh, không phải vì tiền bạc, chức tước”

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-lam-khoa-hoc-can-su-ton-vinh-khong-phai-vi-tien-bac-chuc-tuoc-20161112091537212.htm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ là một giám khảo đã có nhiều năm tham gia chấm giải Nhân tài đất Việt. Năm nay, ông quyết định “đổi ghế” từ vị trí giám khảo sang thành ứng viên dự giải vì cảm nhận sự thú vị, ý nghĩa của giải thưởng…

- Là một thành viên Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã từng nhiều mùa giải tham gia chấm Nhân tài đất Việt (lĩnh vực Y dược), ông đánh giá thế nào về giải thưởng thường niên được Dân trí tổ chức này?

- Tôi may mắn được mời chấm giải Nhân tài đất Việt (NTĐV) một vài lần. Lúc đầu tôi thấy có cảm giác như chấm một giải thưởng cấp nhà nước nhưng về sau tôi mới chợt nhận ra giá trị lớn từ giải thưởng của một cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm và có ý thức nhân rộng những hoạt động nghiên cứu, những mô hình làm khoa học. Cơ quan có uy tín đứng ra tổ chức để đánh giá, nhìn nhận, tôn vinh tài năng, nhân tài. Vì thế tôi cảm thấy giải thưởng này rất có ý nghĩa.

Tôi cũng phải nói luôn là nhìn chung các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu từng được nhận giải thưởng đều cảm thấy rất vinh dự, đều đánh giá đây là giải thưởng thực chất, uy tín, có giá trị. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi có những nhà khoa học rất thành danh nhận giải thưởng.

Như năm ngoái, giải nhất về lĩnh vực y dược được trao cho PGS.TS Nguyễn Văn Thạch - Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức với công trình nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Khi được giải, anh Thạch đã gọi điện cho tôi chia sẻ là anh hết sức tự hào, hết sức vui khi nhận được giải thưởng này. Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy ý nghĩa của giải thưởng.

GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá, giải thưởng Nhân tài đất Việt những năm qua đã làm trọn sứ mệnh là tôn vinh và nhân rộng những giá trị cao đẹp, chân chính của khoa học cho cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá, giải thưởng Nhân tài đất Việt những năm qua đã làm trọn sứ mệnh là tôn vinh và nhân rộng những giá trị cao đẹp, chân chính của khoa học cho cộng đồng.

- Vậy mùa giải năm nay, lý do gì ông quyết định đổi vị trí từ giám khảo chấm Nhân tài đất Việt sang thành một ứng viên tham gia dự giải?

- Vì tôi cảm thấy rất thú vị với giải thưởng này. Và khi đã tham gia chấm giải rồi thì mới định lượng được tiêu chí, mức độ yêu cầu của giải thưởng mà tôi thấy ở Viện tôi có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có tầm cỡ tương đương. Sang năm chúng tôi sẽ lại gửi một hồ sơ công trình khác nữa. Ngồi chấm thì tôi tự cảm thấy, với đề tài như bên Viện mình làm, gửi dự giải sẽ có khả năng “trúng” nên tôi đã động viên anh em cùng tham gia.

- Được biết, công trình của ông dự giải năm nay là một nghiên cứu ứng dụng về công nghệ tế bào gốc. Năm ngoái, trên cương vị giám khảo, ông đã chấm một công trình nghiên cứu về ghép tế bào gốc của Đại học Y dược Huế nhưng rất tiếc công trình đó không đạt được giải cao. Vậy năm nay, ông có tự tin với công trình của Viện mình khi đề tài cũng là về công nghệ tế bào gốc?

- Năm ngoái, công trình của ĐH Y dược Huế là ứng dụng ghép tế bào gốc để điều trị ung thư vú và u xơ tử cung. Tôi cho là công trình hết sức ý nghĩa nhưng lại chưa đạt giải, tôi cho là do việc chuẩn bị hồ sơ chưa ổn nên chưa thuyết phục được hội đồng. Còn công trình của chúng tôi làm năm nay, tôi khẳng định giá trị ở sự mới mẻ, mang lại hiệu quả rất cao cho xã hội. Chúng tôi xây dựng một ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để điều trị các bệnh máu.

- Là một thành viên hội đồng chấm giải nhiều năm, như vậy, có thể thấy, ông đã cảm nhận được sự nghiêm túc trong bình xét, cũng như không khí rất “găng” để tìm được công trình đóng góp xứng đáng. Ông tự tin tham gia “cuộc đua” năm nay khi đã hiểu rõ cách thức xét duyệt giải thưởng như thế?

- Đúng thế, hội đồng làm việc nghiêm túc lắm. Và tôi thấy cần phải làm như thế.

Công trình tham gia giải năm nay, tôi nói thật, về mô hình ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn ở Việt Nam thì chúng tôi không phải người đầu tiên làm, đã nhiều nơi như Viện Nhi TƯ, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Meko Stem ở TPHCM, Bệnh viện Huyết học và truyền máu TPHCM. Nhưng ngân hàng chúng tôi xây dựng có điểm mới mà tôi đã học từ Nhật Bản đưa về - đó là ngân hàng của cộng đồng.

Điều đó có nghĩa chúng tôi đi xin máu dây rốn của các sản phụ sinh nở hàng ngày chứ không phải là hướng vào những người chủ động nộp tiền gửi và lưu giữ mẫu máu cuống rốn để sử dụng cho con cái mình sau này khi cần. Chúng tôi kêu gọi các sản phụ hiến rồi đưa về xử lý máu dây rốn đó, lữu trữ bảo quản để phục vụ cho cộng đồng.

Hiện tại trung bình tại Việt Nam, mỗi đêm có 120-150 ca sinh nở mà như vậy mỗi ngày chỉ cần chọn 2 mẫu để lưu giữ là ổn. Như vậy, chúng tôi thường chỉ cần chọn từ 2 mẫu bánh nhau tuyệt vời nhất về mặt thể tích để đưa vào ngân hàng máu cuống rốn.

Chúng tôi cũng cải tiến công nghệ xử lý tế bào gốc nên tiến tới thu gom được, tập hợp được nhiều tế bào gốc hơn. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành xét nghiệm HLA với độ phân giải cao.

Với 3 điều kiện như thế, chúng tôi đã xây dựng được một ngân hàng cộng đồng phong phú, có ý nghĩa với cộng đồng.

- Được biết nhu cầu của bệnh nhân cần được điều trị, ghép tế bào gốc ở Việt Nam hiện rất lớn mà người bệnh nếu có điều kiện thì mới sang Singapore, sang Nhật thực hiện được. Với việc xây dựng ngân hàng của ông, triển vọng điều trị từ kỹ thuật này ở trong nước thế nào?

- Khả năng điều trị được mở rộng rất nhiều. Tôi xin kể câu chuyện này. Năm 2010 Viện Huyết học và Truyền máu TƯ được sự cho phép của Bộ Y tế tổ chức hội nghị đầu tiên về ghép tế bào gốc. Khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bây giờ (lúc đó đang là Thứ trưởng) có hỏi tôi là kỹ thuật ghép tế bào gốc giờ khó ở điểm nào mà việc triển khai thực hiện “lẹt đẹt” thế? Có phải bị thiếu tiền không, do thiếu thuốc, do chưa nắm được kỹ thuật? Tôi đều trả lời là không. Cái khó nhất là không có tế bào, không có nguồn để ghép. Chị Tiến tiếp tục hỏi vậy có cách nào giải quyết. Tôi nói Viện mình đang tìm cách nhưng thấy khó, nan giải.

Sau đó, nói thật là chúng tôi quyết định qua Nhật học công nghệ (nơi đầu tiên trên thế giới xây dựng ngân hàng tế bào gốc cộng đồng). Khi về áp dụng để xây dựng ngân hàng của mình thì chúng tôi thấy tỷ lệ phù hợp để ghép đạt tới 97%, nghĩa là hầu hết những người bệnh cần đều có thể tìm được mẫu tế bào gốc tương thích để điều trị cấy ghép. Tỷ lệ như vậy là lớn lắm, mừng lắm, rất có ý nghĩa với cộng đồng.

- Tham gia giải thưởng NTĐV lần này, hẳn là ông cũng mong đợi công trình của mình được ghi nhận. Ý nghĩa của giải thưởng, nếu có, đối với ông và những người cùng làm việc?

- Giải thưởng, nếu đạt được, có ý nghĩa rất to lớn với chúng tôi. Nó khẳng định được một công trình, một kỹ thuật mà cán bộ y bác sĩ Viện huyết học và truyền máu của Việt Nam mình làm được, được xã hội thừa nhận, các nhà khoa học thừa nhận. Đó là phần thưởng về sự ghi nhận, tôn vinh mà đôi khi với những người làm khoa học chúng tôi, làm việc không phải chỉ vì tiền bạc, vì chức tước mà còn vì danh dự, vì sự ghi nhận của xã hội như thế. Đó cũng sẽ là động lực để chúng tôi tiếp bước, là sự động viên cho anh em. Từ khi tham gia, anh em có vẻ hào hứng, hăng hái lắm.

Khi làm các giải thưởng, tôi nghĩ mục đích chính là để tôn vinh và nhân rộng giá trị cho cộng đồng và tôi cho rằng, trong những năm qua Nhân tài đất Việt đã làm được điều đó.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông có được kết quả như kỳ vọng!

 

Ngày Hội hiến máu nhân đạo - Festival trái tim nhân ái năm 2016

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=381488

http://daidoanket.vn/suc-khoe/ngay-hoi-hien-mau-nhan-dao---festival-trai-tim-nhan-ai/134178

Ngày Hội hiến máu nhân đạo - Festival trái tim nhân ái năm 2016 đã khai mạc ngày 13.11, tại Hà Nội.

Hoạt động do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh xảy ra vào dịp cuối năm, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Tại lễ míttinh hưởng ứng ngày hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Đoàn Văn Thái cho biết đây là hoạt động thường niên của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Công ty Prudential Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình tình nguyện hiến máu nhân đạo.

Năm nay, Ngày hội hiến máu nhân đạo được tổ chức từ ngày 6.11-20.12 tại Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam với mục tiêu tiếp nhận 7.000 đơn vị máu. Hiện Ngày hội đã đi qua một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Kiên Giang; đã thu được gần 2.100 đơn vị máu.

Tham gia Ngày Hội hiến máu nhân đạo tại Hà Nội có gần 750 tình nguyện viên của câu lạc bộ 25 trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của cơ quan Trung ương Hội, Công ty Prudential chi nhánh Hà Nội. Ban tổ chức mong muốn sẽ tiếp nhận tối thiểu 400 đơn vị máu tại Ngày hội.

Năm 2015, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu quy đổi; trong đó, gần 97% là từ những người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,4% dân số hiến máu. Lượng máu thu được đã góp phần cứu chữa cho hàng trăm nghìn người bệnh; góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy lượng máu tiếp nhận được những năm gần đây ngày càng tăng nhưng mới đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị khoảng 70% người bệnh (theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới thì hàng năm Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu). Tình trạng thiếu máu vẫn còn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố, đặc biệt vào dịp Tết và dịp Hè hàng năm.

 

Cẩn trọng với thịt cóc

 http://daidoanket.vn/suc-khoe/can-trong-voi-thit-coc/134113

Lâu nay, nhiều thầy thuốc Đông y thường khuyên dùng thịt cóc như một món ăn bổ dưỡng giúp trẻ em ăn mau lớn, thông minh. Tuy nhiên, các bộ phận như da, dưới da, trứng, gan, ruột của cóc lại rất độc, vì có chứa nọc độc và một số hợp chất hữu cơ khác. Khi ăn thịt cóc mà những chất này chưa được loại bỏ hoàn toàn có thể gây ngộ độc cấp khiến ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.

Mới đây nhất là vụ 3 mẹ con chị Bùi Thị Thu Hiền (31 tuổi), ngụ ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tử vong vì ăn cháo cóc. Theo người nhà chị Hiền, ngày 7/11, chị Hiền mua thịt cóc từ một người bán dạo về nấu cháo. Đến 17h cùng ngày, chị Hiền và hai con của chị là Nguyễn Ngọc Bảo Nguyên (7 tuổi) và Nguyễn Ngọc Phương Uyên (11 tháng tuổi) cùng ăn cháo.

Vài tiếng sau khi ăn, 3 mẹ con chị Hiền có biểu hiện nôn ói, khó thở. Đến 22h cùng ngày, gia đình đã đưa 3 mẹ con chị Hiền đến Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng nên sau đó, cả 3 mẹ con đã tử vong.

Theo bác sĩ Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành súc ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó cả 3 bệnh nhân đều tử vong do nhập viện quá muộn, độc tố của cóc đã ngấm vào người.

Trước đó, ngày 14/7, một bệnh nhân nam (27 tuổi, Hà Nội) nhập viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu do nuốt mật cóc để chữa bệnh viêm gan B nhưng đã tử vong do ngộ độc mật cóc. BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân này có tiền sử viêm gan B, nghe lời đồn thổi nuốt mật cóc có thể chữa được viêm gan B nên đã liều mình sử dụng. Sau khi nuốt, bệnh nhân đã bị hôn mê bất tỉnh và phải nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị suy gan, suy hô hấp và tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, mật động vật nào cũng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ thì sẽ gây kích thích tim mạch, làm các vết thương nội hoại tử dẫn đến nhiễm trùng. Nếu hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Đó là chưa kể các loại vi khuẩn gây hại khác như tụ cầu khuẩn vàng, các loại virus, giun sán gây bệnh có trong máu động vật thông qua mật cũng rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường ruột. Cũng theo bác sĩ Cấp, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một vài trường hợp hôn mê, tử vong vì nghe lời đồn thổi, nuốt mật cóc chữa ung thư.

Trước đó, tối 18/5, ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, bệnh viện đã không cứu được cháu Trần Nguyễn Hoài Nam (4 tuổi, ngụ khóm 4, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp ) do ngộ độc thịt cóc.

Cụ thể, chiều ngày 16/5, ông Trần Văn Sơn Em (ngụ khóm 4, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp ) đi soi và bắt được 7 con cóc cùng vài con ếch nhái.

Sáng ngày 17/5, bà Nguyễn Thị Kim Loan (vợ ông Em) bắt vài con cóc nhái làm thịt và chế biến món kho sả ớt cho gia đình gồm 9 thành viên cùng ăn. Ăn xong, các thành viên trong gia đình vẫn sinh hoạt bình thường. Đến chiều ngày 17/5, chị Loan tiếp tục làm thịt 4 con cóc chế biến món khổ qua xào cho 9 thành viên trong gia đình cùng ăn.

Ăn xong bé Trần Nguyễn Hoài Nam (4 tuổi) bị nôn và nôn ngày càng nhiều. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp điều trị nhưng khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày bé Nam tử vong. Bệnh viện chẩn đoán do ngộ độc.

Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều đạm và kẽm, nhưng chứa bufotoxine – một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng, có thể gây chết người trong thời gian cực ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh. Nọc cóc còn có tetrodotoxin, giống như chất độc ở cá nóc và nhiều chất độc khác làm co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm... Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận, vô niệu... Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng. Người bị ngộ độc có thể thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt và sinh ra ảo giác, co giật.

Theo GS.TS. Nguyễn Bá Đức -Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gan và mật cóc rất độc, có thể gây tử vong. Cần thận trọng vì trong quá trình chế biến, độc tố từ gan, mật, da cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc. Về thông tin chữa bệnh của thịt cóc, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong Đông y chưa từng đề cập tới việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh viêm gan B, chỉ có vài bài thuốc có sử dụng một lượng rất nhỏ chất độc từ mật, gan cóc (liều lượng được tính toán để không gây ngộ độc) phối hợp với các vị khác để chữa một số bệnh.

Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên uống hay nuốt sống mật bất kỳ con vật nào. Nếu vô tình uống phải thì cần lưu ý những triệu chứng ngộ độc thường gặp là rối loạn tiêu hoá, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy; đi tiểu ít, có khi vô niệu. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị phù não, phù phổi cấp, co giật toàn thân, thậm chí có thể tiến đến hôn mê rồi tử vong.

Còn PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn… vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ. Thịt bò hoàn toàn có lượng đạm tương đương với thịt cóc. Cha mẹ hoàn toàn có thể dùng các loại thực phẩm này thay vì thịt cóc, lại an toàn cao hơn. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm hơn. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan.  

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, thời gian biểu hiện các triệu chứng ngộ đọc là từ khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn thịt cóc. Ngoài các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thông thường như buồn nôn, nôn, đau bụng, hoa mắt chóng mặt, thì chất bufotenin trong thịt cóc làm người bệnh xuất hiện các hội chứng tim mạch và rối loạn thần kinh - tâm thần. Ngộ độc thịt cóc thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, mửa, đau và chướng bụng, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp, sau đó dẫn đến truỵ mạch. Lúc này, cần nhanh chóng tiến hành gây nôn cho nạn nhân (cho nạn nhân nằm nghiêng rồi móc họng hoặc nạn nhân tự làm) để loại bỏ độc tố trong cơ thể.

Có thể cho nạn nhân uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố còn trong cơ thể.

Sau đó phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu để các bác sĩ tiến hành các biện pháp đào thải độc tố chuyên nghiệp cũng như điều trị triệt để các triệu chứng đi kèm.

 

Mỹ phát triển liệu pháp chữa bệnh hồng cầu hình liềm

http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1998914/my-phat-trien-lieu-phap-chua-benh-hong-cau-hinh-liem

Một nhóm các nhà khoa học Stanford (Mỹ) đã và đang có những bước tiến lớn trong việc nghiên cứu cách chữa trị cho bệnh hồng cầu hình liềm. Dự kiến những thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành vào đầu năm 2018.

Theo Engadget, bệnh hồng cầu hình liềm là tình trạng các tế bào hồng cầu trong máu không có hình dạng tròn mà thay vào đó có dạng hình lưỡi liềm. Điều này sẽ khiến các tế bào máu không linh hoạt, lưu thông khó khăn và làm tắc nghẽn mạch máu dẫn đến việc thiếu oxi ở các bộ phận trên cơ thể. Hiện nay chưa có cách chữa đặc hiệu cho bệnh hồng cầu hình liềm này.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng CRISPR để sửa chữa các gen đột biến gây bệnh trong các tế bào gốc được lấy từ bệnh nhân. Kỹ thuật CRISPR giúp các nhà nghiên cứu cắt ra đoạn gen lỗi và thay thế bằng các chuỗi DNA bình thường. Điều này sẽ giúp ngăn cản tế bào máu chuyển thành các tế bào hình liềm nhỏ - mà có xu hướng làm tắc nghẽn mạch máu và gây tổn thương nội tạng.

Trong thử nghiệm của mình, các nhà khoa học tiêm các tế bào gốc được sửa chữa vào những chú chuột nhỏ và chúng vẫn còn sống, phát triển mạnh thậm chí sau 16 tuần. Điều này rất quan trọng bởi vì các tế bào hồng cầu hình liềm thường có xu hướng chết chỉ sau 10 ngày, dẫn đến thiếu máu trên khắp cơ thể.

Mặc dù thử nghiệm thành công, các nhà khoa học vẫn phải đảm bảo rằng các liệu pháp gen mà họ đang phát triển hoàn toàn an toàn. Họ cần phải tìm ra những phản ứng miễn dịch không lường trước và tìm ra những biện pháp để đảm bảo không bao giờ chỉnh sửa sai các đoạn DNA lỗi.

Liệu pháp này sẽ mất một khoảng thời gian trước khi có thể được sử dụng trên quy mô lớn. Stanford hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để mở rộng quy mô nghiên cứu này.

Với sự phát triển không ngừng của y học, những căn bệnh nguy hiểm như rối loạn tế bào hồng cầu hình liềm sẽ sớm trở thành dĩ vàng.

 

Nửa số ca ung thư là do thuốc lá

http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nua-so-ca-ung-thu-la-do-thuoc-la-c7a467172.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-khong-hut-thuoc-van-bi-ung-thu-phoi-20161113142605317.htm

Thuốc lá có thể gây ung thư phổi, miệng, cổ họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, thận, tuyến tụy, gan, bàng quang, cổ tử cung, đại tràng, trực tràng và một loại bệnh bạch cầu.

Hầu hết chúng ta ai cũng có thể nói thuốc lá có hại cho sức khỏe. Nó là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật. Ngày 11.11, Business Insider dẫn một báo cáo của CDC Vital Signs (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh - Centers for Disease Control and Prevention) làm rõ thuốc lá thật sự độc hại đến như thế nào.

Theo báo cáo này, sử dụng thuốc lá có liên quan đến 40% các trường hợp mắc bệnh ung thư tại Mỹ.

Điều đó có nghĩa rằng, mặc dù tỉ lệ hút thuốc lá giảm ở nước này nhưng đã có khoảng 660.000 người được chẩn đoán bị ung thư liên quan đến thuốc lá mỗi năm tính từ năm 2009 đến năm 2013. Mỗi năm đó, có khoảng 343.000 chết vì một trong những bệnh ung thư.

Thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi mà còn có thể gây ung thư miệng, cổ họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, thận, tuyến tụy, gan, bàng quang, cổ tử cung, đại tràng, trực tràng và một loại bệnh bạch cầu.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Tom Frieden, gửi một thông cáo báo chí đến Business Insider tiết lộ: “Có hơn 36 triệu người hút thuốc lá tại Mỹ. Đáng buồn thay, gần nửa số đó có thể chết sớm vì các bệnh liên quan đền thuốc lá, trong đó 6 triệu người ra đi vì ung thư, trừ khi chúng ta thực hiện các chương trình giúp người nghiện bỏ thuốc lá”.

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh CDC thì việc bỏ thuốc ở bất cứ thời điểm nào cũng giúp giảm nguy cơ ung thư đáng kể. Nhưng điều quan trọng là phải biết rằng thuốc lá làm thay đổi DNA của con người và vài thay đổi sẽ là vĩnh viễn.

Nhà lý thuyết sinh vật học Ludmil Alexandrov, tác giả chính của nghiên cứu kiểm tra thuốc lá tác động đền DNA như thế nào, phát biểu trên The Guardian: “Nếu bạn hút 4 - 5 gói trong cả cuộc đời thì nó không được coi là quá nhiều, nhưng bạn vẫn sẽ chịu các đột biến ở mọi tế bào trong phổi và những thay đổi này là vĩnh viễn, không thể loại bỏ được”.

Ông nói thêm: “Có rất nhiều thứ phục hồi lại khi bạn ngưng hút thuốc nhưng những đột biến đặc biệt trong tế bào phổi thì như những vết sẹo vậy”.

Thực ra, không có mức độ “an toàn” cho việc hút thuốc. Nhưng việc thay đổi hành vi là điều hoàn toàn đáng làm. Các báo cáo mới cho thấy tỉ lệ hút thuốc giảm kể từ năm 1990, có nghĩa là chúng ta đã tránh được cái chết sớm của 1,3 triệu người do ung thư vì liên quan đến thuốc lá.

Tiến sĩ Lisa Richardson, Giám đốc Bộ phận phòng chống ung thư của CDC nói: “Khi các quốc gia đầu tư vào các chương trình kiểm soát ung thư toàn diện, bao gồm cả kiểm soát thuốc lá, chúng ta sẽ thấy lợi ích lớn hơn cho mọi người”.

Lias Richardson cho rằng: “Chúng ta đã đạt được các tiến bộ nhưng công việc thật sự vẫn chưa xong” bởi người ta vẫn hút thuốc và bị bệnh vì hút thuốc.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang