Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 14/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Người già và trẻ em nhập viện ở Sơn La gia tăng do rét đậm; Biến đổi khí hậu: 'Thủ phạm' gây dịch bệnh; Hiểm họa từ thẩm mỹ viện: Cơ quan quản lý nói gì?; Ca ghép gan đặc biệt với bệnh nhi 18 tháng tuổi...

Người già và trẻ em nhập viện ở Sơn La gia tăng do rét đậm

http://vov.vn/xa-hoi/nguoi-gia-va-tre-em-nhap-vien-o-son-la-gia-tang-do-ret-dam-458816.vov

Những ngày này, nhiệt độ giảm mạnh, thời tiết ở tỉnh Sơn La giá rét, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người già và trẻ em.

Trước tình hình bệnh nhân đến khám và nhập viện tăng, bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã có những phương án chủ động điều trị tích cực cho người già và trẻ em.

Từ đầu tháng 12 tới nay, có trên 4.000 lượt bệnh nhân tới khám tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, trong đó có gần 500 người phải nhập viện điều trị, tăng cao so với tháng trước. Hầu hết các bệnh nhân tới đây đều là người già, trẻ nhỏ, đều có những triệu chứng như: Ho, sốt, khó thở, hoặc đau nhức xương khớp. Anh Sùng A Xếnh, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn nói: “Triệu chứng ở nhà ho khò khè, xong là mặt lại bị tái xanh, cách 5 giây mặt cháu tái xanh 1lần. Đưa vào bệnh viện bác sĩ bảo viêm phổi nặng, dưới huyện bảo cấp cứu không được vì máy móc không đầy đủ thế là lên tỉnh”.

Do thời tiết thay đổi đột ngột và có nhiều sương muối, nên trẻ nhỏ ở miền núi Sơn La dễ bị mắc các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng cấp.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: Riêng tại khoa Nhi trong 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10 tới 20 trẻ nhỏ, tăng 30 – 50% so với ngày thường. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đưa ra lời khuyến cáo cho các gia đình: “Để phòng tránh các bệnh này cho các bé tại nhà, chúng tôi khuyến cáo gia đình, bố mẹ các cháu: Pphải giữ ấm cho các trẻ và cho ăn uống đầy đủ chất để các cháu có thể tăng cường sức đề kháng. Khi có triệu chứng bất thường ví dụ như ho, sốt, khó thở thì nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh ngay, để có biện pháp xử lý kịp thời cho các cháu”.

 Để chủ động và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh trong mùa đông, bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã dành những khu vực ưu tiên cho các đối tượng như: Trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi, phụ nữ có thai trên 6 tháng...

Ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: “Việc phòng chống lạnh cho bệnh nhân về mùa đông các khoa, phòng chúng tôi chỉ đạo: hệ thống cửa phải kín đáo, tránh gió; trong các buồng bệnh, một số khoa thì chúng tôi đã bố trí cho có thể xử dụng lò sưởi, đèn sưởi, rồi các cửa phòng được đóng kín để đảm bảo không bị gió lùa và không bị lạnh”.

Trong những ngày sắp tới, thời tiết Sơn La tiếp tục có mưa phùn và sương muối, nhiệt độ thấp nhất có lúc 14 độ C. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La sẵn sàng chủ động chăm sóc bệnh nhân khi đến khám, điều trị./.

Biến đổi khí hậu: 'Thủ phạm' gây dịch bệnh

http://petrotimes.vn/bien-doi-khi-hau-thu-pham-gay-dich-benh-358716.html

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đã làm thiệt hại không chỉ về kinh tế khi GDP giảm 1,5% (giai đoạn 2001-2010) mà còn kéo theo nhiều dịch bệnh, bệnh tật có diễn biến phức tạp do thiên tai, lũ lụt, hạn hán… liên miên xảy ra.

Tại cuộc họp báo mới đây, TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, biến đổi khí hậu là nguyên nhân của nhiều dịch bệnh bất thường, bệnh mới mà trước đó chưa từng có hoặc xảy ra ở khu vực vốn không bao giờ là “đất” của những dịch bệnh như vậy.

Theo TS Trương Đình Bắc, năm 2015 có thể nói là năm điển hình của những dịch bệnh do biến đổi khí hậu gây ra. Dịch Ebola ở châu Phi, dịch tả bùng phát ở Iraq và một số nước thuộc khu vực Trung Đông, bệnh cúm gia cầm ở người với chủng virus biến đổi phức tạp hơn - cúm A H7N9 (trước là cúm AH5N1). Dịch sốt xuất huyết xảy ra ở những quốc gia mà trong lịch sử chưa bao giờ có do không nằm trong vùng đất khí hậu nhiệt đới như Ai Cập, châu Âu. Hay ở Việt Nam, đến thời điểm này, khi gió mùa đông bắc đã tràn về, nếu so với mọi năm, dịch sốt xuất huyết không còn nguy cơ gia tăng thì năm nay, vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thậm chí, tháng 11 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã có thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong trên địa bàn thành phố lên 7 trường hợp. Ở Hà Nội, đến nay đã có hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 3 tuần đầu của tháng 11 đã có tới 30 bệnh nhân là “bà bầu” hoặc liên quan đến thai sản phải nhập viện do sốt xuất huyết. Còn trên cả nước sốt xuất huyết đã lan tới 53 tỉnh thành với gần 70.000 ca mắc, 34 ca tử vong, gấp nhiều lần so với mùa dịch năm ngoái.

Giữa “đỉnh điểm” của mùa dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chia sẻ: “Mỗi khi nghe tin gió mùa đông bắc về là tôi mừng lắm. Bởi trong thời tiết như vậy, muỗi dengue, loại muỗi vằn trắng đen truyền bệnh sốt xuất huyết khó có thể sinh sản nổi, làm cho dịch sẽ giảm xuống và chấm dứt”. Thế nhưng dường như đã không phải vậy, thời tiết đã trở lạnh mà dịch vẫn chưa kết thúc như quy luật vẫn thường xảy ra.

Nguyên nhân được các nhà y khoa giải thích, năm 2015, hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử và có sức tàn phá lớn nhất từ trước tới nay làm cho bầu khí quyển nóng lên, tác động tới nhiệt độ của Việt Nam khiến nóng ấm làm dịch sốt xuất huyết bùng phát và kéo dài hơn so với mọi năm.

TS Trương Đình Bắc giải thích: “Đỉnh” dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, thời điểm độ ẩm tăng cao. Thông thường có 2 “đỉnh” dịch đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử vào lúc này là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng hơn. Vì vậy, tình hình sốt xuất huyết ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp”.

Sốt xuất huyết dễ gây hội chứng sốc là nhiều triệu chứng hội tụ lại như suy giảm cơ thể, giảm tri giác, giảm nhiệt độ, nhất là ở đầu chi và giảm huyết áp. Khi đã bị sốc thì bệnh nhân sốt xuất huyết nguy cơ tử vong rất cao do không thể phục hồi cơ thể.

Cùng với sốt xuất huyết còn nhiều dịch bệnh khác diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, điển hình như chân - tay - miệng. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho biết, có 53.000 ca mắc ở trên 62 tỉnh thành, 6 người tử vong. Điều đáng nói là bệnh này bước đầu  diễn biến nhẹ nhưng về sau nếu biến chứng thì nguy cơ tử vong rất cao bởi virus biến chủng (EV71) từ virus đường ruột thành chủng gây viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… Chân tay miệng có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng phần lớn là ở trẻ em 3-5 tuổi. Bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp qua dịch từ nốt phỏng, vệ sinh cá nhân kém, thiếu nhà vệ sinh…

Tương tự, bệnh cúm gia cầm, cúm mùa cũng được nhận định chịu tác động rất lớn từ El Nino. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng cúm gia cầm, cả nước ghi nhận gần 130 trường hợp mắc, 64 ca tử vong. Đây là bệnh có tính truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus cúm tuýp A, một loại virus có đặc tính sinh bệnh cao, nặng, biến dị nhanh. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao là cúm “trú” ở gia cầm, chim mà virus cúm tuýp A có thể truyền sang người. Theo các chuyên gia y tế dự phòng, virus có thể truyền trực tiếp từ gia cầm, chim sang người. Nếu có nhiều người mắc thì làm tăng khả năng người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế phân tích: Trước tình hình các dịch bệnh trên cho thấy, có sự liên hệ mật thiết giữa các dịch bệnh với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng… Ngoài các bệnh chân tay miệng chịu tác động của ô nhiễm vệ sinh môi trường, thì nhiệt độ tăng, nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi… cũng tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn phát triển khiến bệnh sốt rét gia tăng, dịch bệnh đường tiêu hóa bùng phát bên cạnh các bệnh lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn…

Đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết, đã có một nghiên cứu về gánh nặng tăng nhiệt độ đối với con người được thực hiện tại Đà Nẵng trong  vòng 10 năm cho thấy, hiện tượng sóng nhiệt gia tăng với số ngày nắng nóng trên 35oC đã tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đặc biệt là cư dân đô thị. Các loại bệnh như: mất ngủ, ăn uống kém, da khô, nóng, khó thở, chóng mặt, nhức đầu ở người dân ghi nhận ngày một nhiều hơn. Nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến những người lao động ngoài trời, làm giảm năng suất công việc, khiến người lao động mất tập trung, tai nạn nghề nghiệp tăng.

Trước thực trạng trên, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng sẽ cam kết đóng góp một triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Song song với cam kết trên, các chuyên gia y tế Dự phòng cũng thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống dịch: Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới để từ đó xác định đường hướng phòng chống dịch trong nước; Chỉ đạo tích cực các hoạt động phòng chống trong toàn hệ thống y tế; Tổ chức các hoạt động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, điều tra, tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, khống chế không cho dịch lan rộng, kéo dài; Phố hợp với các ngành liên quan để tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; Tiêm vắc xin và chuẩn bị, thực hiện tốt công tác thu dung điều trị, cách ly bệnh nhân, phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm môi trường sống sạch sẽ, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ các mũi, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc dịch trong trường hợp không cần thiết, khi mắc triệu chứng của các bệnh như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, tay chân miệng (sốt, ho, tức ngực, nổi mụn phồng…) phải đến bệnh viện khám chữa bệnh ngay để phòng chống dịch bệnh.

Hiểm họa từ thẩm mỹ viện: Cơ quan quản lý nói gì?

http://vov.vn/tin-24h/hiem-hoa-tu-tham-my-vien-co-quan-quan-ly-noi-gi-458882.vov

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm những vi phạm đối với những nội quy, quy chế trong quá trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Liên quan đến bài viết “Hiểm họa từ thẩm mỹ viện”, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội để làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

PV: Thưa ông, hoạt động của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Cường: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 49 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và có 4 bệnh viện Đa khoa ngoài công lập có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Trong các buổi giao ban với các quận, huyện, chúng tôi đều yêu cầu kiểm tra các cơ sở này.

Tuy nhiên vào các tháng cuối năm, mật độ người dân có nhu cầu làm đẹp liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ sẽ nhiều lên. Do đó, chúng tôi đã có văn bản gửi phòng y tế các quận, huyện đề nghị tăng cường kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh mà có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong đó, yêu cầu xử lý nghiêm những vi phạm đối với những nội quy, quy chế trong quá trình thực hiện. Đặc biệt lưu ý các loại hình quảng cáo, nhất là quảng cáo trên các trang website của cơ sở.

Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý một số cơ sở đưa quảng cáo không đúng với nội dung được cơ quan y tế duyệt hoặc quảng cáo nhưng chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nên đã bị gỡ xuống.

PV: Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi được bơm sillicone và chất làm đầy tại các cơ sở không phép hoặc hoạt động quá phép. Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường: Trong Chỉ thị 10 của UBND thành phố đã quy định rất là rõ những cơ sở hành nghề không phép trách nhiệm thuộc về UBND các xã, phường, thị trấn và quận, huyện…

Thanh tra Sở Y tế phối hợp với phòng y tế các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo 100% các cơ sở  phẫu thuật thẩm mỹ thuộc phạm vi Sở Y tế quản lý…. Tuy nhiên ngoài những phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ còn lại một số các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện… Vướng mắc trong quản lý các cơ sở chăm sóc sắc đẹp thông thường là họ né tránh và sẽ có nhiều “chiêu” để đối phó với  hoạt động kiểm tra của đoàn kiểm tra.

Nhiều cơ sở liên kết với nhau, người nọ giới thiệu người kia qua điện thoại, hẹn địa điểm và giờ làm ở nhiều nơi khác nhau và thường xuyên thay đổi. Có những cơ sở, chúng tôi cũng phải phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố theo dõi về hoạt động như thế nào, cách thức, quy mô ra sao và phải 2 tháng sau mới lập được biên bản vi phạm và xử lý (khi đã có đầy đủ bằng chứng pháp lý).

Chúng tôi khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu làm đẹp nên đi đến các cơ sở y tế được cấp phép để đảm bảo sức khỏe cũng như về mặt kinh tế.

PV: Trong bối cảnh hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ đang diễn biến phức tạp dịp cuối năm người dân làm thế nào để phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường: Người dân có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ phải đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có uy tín. Tên và địa chỉ những cơ sở này đã được đăng công khai trên website của Sở Y tế.

Đối với các loại hình như: nâng ngực, nâng vú, thu gọn thành bụng, mông, đùi, căng da… người dân cần đến các bệnh viện để được các bác sĩ khám, chuẩn đoán và chỉ định để đảm bảo sức khỏe của mình.

Cách phân biệt các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ với các cơ sở thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp thông thường là các cơ sở, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đều phải có biển hiệu là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và có số giấy phép hoạt động của phòng y tế cấp, có tên bác sĩ phụ trách chuyên môn và có giờ làm việc.

Nếu trong quá trình đi khám có vấn đề gì cảm thấy chưa được thỏa đáng, cần thắc mắc đề nghị thông tin cho Sở Y tế Hà Nội qua số điện thoại đường dây nóng 043.3985765. Đường nóng này hoạt động 24/24 giờ để hướng dẫn cho người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Đường hóa học và chất tạo ngọt Trung Quốc có thể gây ung thư

http://viettimes.vn/viet-nam/doi-song/duong-hoa-hoc-va-chat-tao-ngot-trung-quoc-co-the-gay-ung-thu-28638.html

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tạp chất, kim loại nặng hay có hóa chất cấm sử dụng, rất nguy hại cho sức khỏe.

Liên quan đến vụ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP.HCM phối hợp QLTT phát hiện 5 tấn đường hóa học chất tạo ngọt chưa rõ nguồn gốc, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các phụ gia thực phẩm trong đó có chất tạo ngọt không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tạp chất, kim loại nặng hay có hóa chất cấm sử dụng, rất nguy hại cho sức khỏe.

Các chất ô nhiễm có thể gây hại cho dạ dày, gan do đây là nơi tiếp nhận, xử lý thực phẩm đưa vào. Đặc biệt, gan là “nhà máy hóa chất” của cơ thể nên nếu một chất bị đưa vào với liều quá mức có thể gây độc cho gan, tổn thương gan. Ngoài ra, nếu phụ gia không được kiểm soát chất lượng có thể nhiễm hóa chất, kim loại nặng, đưa vào cơ thể là tác nhân gây hại cho hệ thần kinh hoặc tăng nguy cơ ung thư.

“Các phụ gia thực phẩm trong đó có chất tạo ngọt trong danh mục cho phép, được lưu hành hợp pháp cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, hàm lượng theo khuyến cáo. Các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc tuyệt đối không sử dụng bởi hoàn toàn không kiểm soát được nguy cơ”, ông Phong khuyến cáo.

Chiều 12.12, thông tin thêm vụ phát hiện 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt của Công ty TNHH TM Việt - Nhật (gọi tắt là Công ty Việt - Nhật, trên đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú) chưa được cơ quan chức năng cấp phép, PC49 cho biết đã niêm phong số đường này, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý. Tại hiện trường, công an thu giữ hơn 100 kg bao bì loại ni lông, gắn 3 nhãn mác “lạ” (có in hình cây mía, cô gái…), in toàn chữ Trung Quốc nhưng không để xuất xứ cùng nhiều máy móc phục vụ cho việc sang chiết, đóng gói thủ công.

Bước đầu, PC49 xác định Công ty Việt - Nhật nhập chất tạo ngọt về, sang chiết qua bao bì ni lông, đóng gói với trọng lượng 500 gr, 1 kg, tung ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tại kho xưởng của Công ty Việt - Nhật, cơ quan chức năng còn phát hiện số lượng lớn can nhựa chứa hóa chất công nghiệp, màu đen.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết sau khi phát hiện Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông nhập quá 200 kg salbutamol so với đơn hàng được cơ quan quản lý phê duyệt và bán nguyên liệu này cho các công ty không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, Cục đã rà soát toàn bộ các doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol.

Tổng cộng có danh sách 16 đơn vị nhập khẩu salbutamol và Cục đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan đến các công ty này tới cơ quan công an phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, qua hậu kiểm, Cục phát hiện các sai phạm, tồn tại liên quan đến chất lượng thuốc, mỹ phẩm, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sử dụng thuốc và ở các lĩnh vực khác, đã xử phạt hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ.

Ông Đông cho biết thêm, salbutamol là nguyên liệu cần thiết trong sản xuất thuốc điều trị. Để phối hợp với Bộ Công an trong việc ngăn chặn nguy cơ nguyên liệu sản xuất thuốc này bị sử dụng sai mục đích, Cục đã có Công văn số 21590/QLD-KD ngày 20.11 yêu cầu tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu này. Cục sẽ tiếp tục xem xét cấp phép nhập khẩu nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hợp lệ khi có bằng chứng đảm bảo nguyên liệu nhập khẩu chỉ được sử dụng để sản xuất thuốc cho người.

Ung thư, không chỉ là gánh nặng y tế

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/ung-thu-khong-chi-la-ganh-nang-y-te/650072.antd

Không chỉ có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, tỉ lệ gia tăng chóng mặt (50% trong vòng 10 năm), Việt Nam còn là nước có tỉ lệ tử vong sau chẩn đoán ung thư rất cao (75%).

Nguyên nhân là do đa phần bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao trong khi khả năng cứu chữa rất ít dù các bác sĩ đã tích cực điều trị. Vì vậy, ở Việt Nam, ung thư không chỉ là gánh nặng y tế mà còn là gánh nặng rất lớn về kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Bộ Y tế thì sau 10 năm (2000-2010) số ca mắc ung thư ở Việt Nam đã tăng khoảng 50% (từ 68.810 ca lên 126.307 ca) và dự báo sẽ tăng thêm 50% vào năm 2020 với 190.000 ca mắc. Thống kê từ Nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (ACTION), được tiến hành tại 8 quốc gia với 9.513 bệnh nhân (Việt Nam chiếm 20% bệnh nhân) trong giai đoạn 2012-2014, cho thấy bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong cao lên đến 55% trong vòng 1 năm sau khi được chẩn đoán.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất được chỉ ra là do chẩn đoán muộn. Theo nghiên cứu gần 2.000 bệnh nhân ung thư tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thì chỉ 5% bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn 1, 19% ở giai đoạn 2, đây là những giai đoạn điều trị bệnh có hiệu quả, nhưng đáng tiếc tới 76% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 và 4. Nghiên cứu cũng cho thấy 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị.

Để phát hiện ung thư sớm, theo các chuyên gia y tế, người dân cần có ý thức khám sàng lọc, tối thiểu là 1-2 lần khám sàng lọc/năm ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh. Bởi khi đã có các biểu hiện như sờ thấy u, u đã di căn thì chi phí điều trị tăng cao mà bệnh vẫn không khỏi

Thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỉ lệ tử vong và thảm họa tài chính do ung thư. Ngoài ra, bệnh nhân thuộc diện không có Bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm. Bệnh nhân có Bảo hiểm y tế được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội sống còn cao và tỉ lệ gặp phải hệ lụy tài chính thấp do được miễn giảm một phần chi phí điều trị. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, việc giảm tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam còn rất nan giải.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn cho rằng Việt Nam chỉ có thể giảm tình trạng này nếu Bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc, phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Mai Trọng Khoa, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân và điều trị u bướu cho rằng sẽ rất khó để chi trả đại trà vì Quỹ bảo hiểm không chịu nổi. Nhưng có thể học tập mô hình một số quốc gia xung quanh, người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh ung thư; người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung thư cao... sẽ được bảo hiểm chi trả.

Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng sắp công bố một chương trình đặc biệt: có thể cung cấp miễn phí thuốc điều trị ung thư gan, thận thế hệ mới (thuốc nhắm đích) Nexavar cho người nghèo có chỉ định điều trị bằng thuốc này. Đây là thuốc điều trị có hiệu quả cho người bị ung thư gan, thận, nhưng giá thuốc quá cao nên rất ít bệnh nhân có thể tiếp cận được (trung bình mỗi bệnh nhân phải uống 4 viên/ngày và mỗi viên có giá trên 600.000 đồng, bệnh nhân có bảo hiểm được Bảo hiểm y tế tế chi trả 50%

 

Toàn bộ gói hỗ trợ này kéo dài trong 2 năm và trị giá 160 tỉ đồng. Ngoài Nexavar, hiện còn 1.500 người ung thư máu được dùng thuốc nhắm đích Glivec miễn phí và sắp tới sẽ có một số chương trình tương tự để cung cấp thuốc cho người nghèo.

Gần Tết, cẩn thận vào viện vì liên cầu lợn

http://anninhthudo.vn/khoe-dep/gan-tet-can-than-vao-vien-vi-lien-cau-lon/650077.antd

Mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm đang đến với những bữa tiệc dồn dập, kéo theo đó là nguy cơ hàng loạt dịch bệnh do gia súc, gia cầm không an toàn gây nên. Trong đó, một bệnh vô cùng nguy hiểm xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và thịt sống của nhiều người, đó là bệnh liên cầu khuẩn luôn có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm.

Giữa tháng 11-2015, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ở Ba Vì mắc liên cầu khuẩn lợn, nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày, phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu. Bệnh nhân T. (32 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) dù đã được điều trị tích cực nhưng đến nay tình trạng bệnh nhân vẫn hết sức nguy kịch, chưa thể tiên lượng được tình hình. Người nhà cho biết, trước đó anh T. cùng một nhóm bạn đã ăn thịt một con lợn sữa chết bởi cho rằng có thể lợn con chết do lợn mẹ đè phải.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì tính đến tháng 11-2015, cả nước đã có 82 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 10 ca tử vong. Riêng từ tháng 8 đến tháng 10-2015, cả nước đã có 5 ca tử vong, trong tổng số 32 ca mắc mới bệnh liên cầu khuẩn lợn. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn, 2 trong số đó đã tử vong là bệnh nhân ở Mỹ Đức và Hà Đông. Khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người, không thành dịch nhưng bệnh này chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân vì cuối năm, rất nhiều đám cưới hỏi, Tết, lễ hội. Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là 2 thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong (7% bệnh nhân tử vong). Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí điếc vĩnh viễn. Người mắc liên cầu khuẩn thường có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40-41 độ C), bệnh nhân xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở.

Bác sĩ Ngô Văn Tuyến, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng) cho biết: Nhiều người quan niệm lợn gia đình nuôi, không ăn chất tăng trọng là thịt lợn sạch, có thể ăn tiết canh. Nhưng thực tế, bất kể giống lợn nào, nuôi nấng ra sao thì vẫn có một tỷ lệ nhất định mang vi khuẩn liên cầu. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và chỉ gây bệnh ở những con lợn yếu. Với lợn nhiễm liên cầu khuẩn, trong máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.

Vì vậy, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn là tránh xa các món tiết canh, thức ăn chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín. Trong chăn nuôi, giết mổ cũng cần bảo hộ đặc biệt cẩn trọng vì vi khuẩn liên cầu rất dễ lây nếu tiếp xúc với vùng da bị thương.

Đắp lá cây chữa phỏng, bị nhiễm trùng

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151213/dap-la-cay-chua-phong-bi-nhiem-trung/1019740.html

Bệnh viện Chợ Rẫy vừa điều trị cho nạn nhân C.T.N. (37 tuổi, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) bị phỏng gas tứ chi và vùng mặt.

Sau khi bị phỏng lửa gas, bà N. đến lang băm đắp lá cây chữa phỏng khiến vết phỏng bị nhiễm trùng cả tay và chân. Khi thấy bà N. đau đớn, rên la và không thể chịu đựng được thì gia đình mới gọi xe cấp cứu đưa bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nằm trên giường bệnh, bà N. thều thào: “Sau 10 ngày được chuyển đến bệnh viện, tôi thấy đỡ đau hơn, bác sĩ điều trị đúng phương pháp và thường xuyên rửa vết thương, thoa thuốc lên vùng da nhiễm trùng. Biết vậy tôi không nghe lời xúi bậy để đến lang 
băm đắp lá cây”.

Một trường hợp khác là ông N.V.H. (45 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) bị phỏng pô xe, sau đó ông tự bôi kem đánh răng vào vết phỏng. Nhiều ngày sau đó vết phỏng có dấu hiệu lở loét, nhiễm trùng nặng; lúc này ông H. mới đến bệnh viện.

Bệnh viện Chợ Rẫy thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những người dân bị phỏng xăng, phỏng dầu, phỏng nước sôi tự điều trị theo cách “ông bà truyền lại”. Nhiều người đã thoa lòng trắng trứng, kem đánh răng, nước mắm, mỡ trăn, lá cây...

Tuy nhiên BS Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa bỏng - tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, khuyên khi bị phỏng phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng có lửa, không cho nạn nhân chạy vì càng chạy tiến triển phỏng càng nhanh. Dập lửa trên người nạn nhân bằng cách phủ mền, vải, đồng thời cởi bỏ quần áo bị cháy, vật trang sức ra khỏi người họ. Sau đó, cần làm mát cơ thể người bị phỏng bằng nước sạch có nhiệt độ từ 15 -200C hoặc chườm khăn ướt lên vết phỏng và thường xuyên thay khăn.

BS Trần Đoàn Đạo khuyến cáo: chú ý không được làm trợt loét vết phỏng, bóc bỏ vòng nốt phồng. Không nên làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa vết thương vào nước sạch, đắp vết phỏng bằng nước đá, đá lạnh; không ngâm rửa vết phỏng bằng nước ấm; không đắp các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, nước tương, lá cây... hoặc bất kỳ chất gì vào vùng phỏng khi chưa được làm sạch. Bởi vì làm như thế sẽ dễ làm nhiễm trùng vết phỏng và bỏ lỡ thời gian vàng đến bệnh viện để được điều trị sớm, đúng phương pháp.

Không chủ quan với bệnh bại liệt

http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-chu-quan-voi-benh-bai-liet.aspx

Theo đại diện Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc, song Việt Nam không chủ quan vì dịch bệnh này có thể quay lại bất cứ khi nào.

Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho thấy, nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó trên 95% trẻ em được uống vắc xin bại liệt, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000.

Tuy nhiên, đại diện Cục Y tế dự phòng cho rằng chúng ta không nên chủ quan dẫn tới bỏ bê việc tiêm chủng vì dịch bệnh có thể quay trở lại và bùng phát bất cứ lúc nào.

Trong năm 2014, thế giới đã ghi nhận sự lan truyền của vi rút bại liệt hoang dại từ 3 trong số 10 quốc gia hiện đang lưu hành bệnh. Đó là các quốc gia khu vực Trung Á, Trung Đông và Trung Phi. Sự bùng phát của bệnh bại liệt tại châu Á, châu Phi và Trung Đông trong thời gian vừa qua được đánh giá là “một sự kiện bất thường”.

Do đó, Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp, phản ứng mang tầm quốc tế, giữa các quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ bại liệt quay trở lại, lây lan mạnh trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, đại diện Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên cho trẻ đi uống vắc xin bại liệt OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.

Bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi bị nhiễm vào cơ thể, vi rút sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ mắc căn bệnh này.

Mỗi năm Việt Nam có gần 40.000 người tử vong do loãng xương

http://motthegioi.vn/suckhoe/tin-suc-khoe/moi-nam-viet-nam-co-gan-40000-nguoi-tu-vong-do-loang-xuong-266942.html

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết như vậy.

Theo ông Bắc, hiện Việt Nam có khoảng có 2,5 triệu người bị loãng xương (nữ giới chiếm 76%) và 150.000 trường hợp gãy xương do loãng xương. Trong số 150.000 trường hợp gãy xương do loãng xương có gần 40.000 người tử vong trong vòng 1 năm sau khi gãy xương khớp háng, chiếm khoảng 25%; số còn lại không thể tự đi lại, phải phụ thuộc vào người khác và bị những biến chứng khác như tim mạch, hô hấp.

Ngoài ra, căn bệnh loãng xương còn gây ra khá nhiều tốn kém trong điều trị. Ông Bắc cho biết, thống kê tại châu Âu cho thấy trong 4 triệu trường hợp gãy xương mới, chi phí điều trị lên đến 31,7 tỉ euro. Tại Mỹ, chi phí điều trị cho 12 triệu người trên 50 tuổi bị loãng xương, 40 triệu người có mật độ xương thấp và 2 triệu người gãy xương do loãng xương lên đến 17 tỉ USD.

Theo phân tích của ông Bắc, loãng xương là nguyên nhân đứng thứ 2 (sau tim mạch) gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Người 60 tuổi trở lên dễ bị loãng xương.

“Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân loãng xương sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong sau gãy xương do loãng xương cũng như giảm chi phí về bệnh tật cho xã hội”, ông Bắc chia sẻ.

Để giúp người dân có những kiến thức về căn bệnh loãng xương, góp phần chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh này, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn, khám bệnh và đo miễn phí mật độ khoáng xương cho bệnh nhân nữ từ 65 tuổi trở lên và nam từ 75 tuổi trở lên. Để đăng ký tham dự miễn phí, bệnh nhân có thể liên hệ qua điện thoại: (08) 39525356  - (08) 39525353.

Tiền Giang: 2 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết

http://vov.vn/xa-hoi/tien-giang-2-ca-tu-vong-do-benh-sot-xuat-huyet-459032.vov

Dù các ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương ở tỉnh Tiền Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cũng như áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết nhưng bệnh này vẫn gia tăng  đột biến. Đến trung tuần tháng 12/2014, toàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 130% so cùng kỳ năm 2014.

Đáng lưu ý là có 128 ca bệnh nặng và 2 trường hợp bệnh nặng phải chuyển tuyến trên và đã tử vong. Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, bệnh sốt xuất huyết tại địa phương này diễn biến rất phức tạp, xảy ra nhiều ngay cả trẻ trên 10 tuổi có rối loạn trong máu nhiều. Biện pháp cần thiết nhất để phòng chống bệnh sốt xuyết huyết ở địa phương vẫn là cần duy trì  công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Bác sĩ Nguyễn Thành Úc, Phó trưởng Kho Nhi- Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết năm nay tăng rất cao. Người dân phải làm vệ sinh nhà cửa, xung quanh môi trường sống để làm cho không có môi trường cho muỗi sinh sống, phát triển. Ngoài ra, bà con cần kiểm soát nguồn nước của mình không cho muỗi để như thả cá bảy màu. Bà con thấy cháu nào 2 ngày bị sốt trở lên thì nên đi khám ở cơ sở y tế gần nhất./.

Sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm 3 tuần/lần

http://daidoanket.vn/suc-khoe/se-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-3-tuanlan/79441

 

Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm cấp quận, huyện; xã, phường ngày 10/12 đang được nhiều người dân thành thị quan tâm.

Nhất là thời gian gần đây khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT bắt quả tang nhiều đối tượng tại TP HCM buôn bán chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng).

Người tiêu dùng không khỏi lo ngại khi chỉ một buổi kiểm tra tại công ty Seabird lực lượng chức năng đã phát hiện cả 17 loại hóa chất đựng trong nhiều thùng phuy, chai lọ, bao bì. Ngoài ra, có hàng ngàn bao bì các loại, trong đó có một số bao bì nhãn mác ghi giúp “siêu tăng trọng, tôm lớn nhanh”, “kích thích tôm lột xác”…Vì lợi nhuận người ta sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của hàng nghìn, hàng triệu người tiêu dùng và chính cả bản thân họ.

Nhiều bà nội trợ phàn nàn, ra chợ nhìn thấy thịt lợn đỏ au, rau xanh mơn mởn, cá tôm nhảy tanh tách mà rùng mình bởi chẳng biết trong đó đang tồn dư những chất cấm gì, có hại cho sức khỏe ra sao? Báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm 11 tháng năm 2015 của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, thành phố đã xử lý hành chính 10.041 cơ sở, phạt tiền 3.705 cơ sở với tổng số tiền hơn 20,1 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu thì Hà Nội phấn đấu đến đầu tháng 1-2016, sẽ triển khai đồng bộ lực lượng thanh tra ATTP tại 5 quận, huyện; 10 xã, phường. Tối thiểu một tuần, lực lượng thanh kiểm tra phải đi kiểm tra 3 lần. Đối với Chủ tịch UBND 10 xã, phường, thị trấn thí điểm thực hiện, mỗi tuần phải bảo đảm 1 lần đi kiểm tra trực tiếp. Tất cả các lần kiểm tra phải có báo cáo, biên bản.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, việc thanh, kiểm tra tập trung vào các nhóm chính là rau an toàn, thịt sạch, cơ sở giết mổ, chế biến, thức ăn đường phố, thức ăn chăn nuôi...

Người dân thành thị đang hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thực phẩm bẩn sẽ dần bị tẩy chay khỏi bữa cơm của mỗi gia đình. Thế nhưng, cũng không ít ý kiến lo ngại, xong xong với kiểm tra, xử phạt thì vẫn rất cần một giải pháp dài hơi, chứ không chỉ đến đợt, đến kỳ kiểm tra, xử lý rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy. 

Hà Giang: Cấp cứu thành công ca tai nạn lao động ngã từ độ cao 7m, hôn mê sâu

http://suckhoedoisong.vn/ha-giang-cap-cuu-thanh-cong-ca-tai-nan-lao-dong-nga-tu-do-cao-7m-hon-me-sau-n109626.html

 

Đây là trường hợp bị tai nạn lao động nặng ngã từ độ cao 7 m xuống nền cứng, khi vào việc trong tình trạng hôn mê sâu. Gọi hỏi không biết, không tự thở được phải hô hấp hỗ trợ bằng bóp bóng có đặt nội khí quản. Sau gần một tháng cấp cứu và điệu trị bệnh nhân đã được xuất viện

Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận bệnh nhân Trần Quang Trung 25 tuổi, thường trú tại tổ 1, thị trấn Vị Xuyên tỉnh Hà Giang hiện là công nhân của Chi nhánh Điện huyện Vị Xuyên, bị ngã từ độ cao 7 mét xuống nền cứng. Sau khi bị ngã, anh Trung được người nhà đưa vào BVĐK Vị Xuyên cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng nên ngay sau đó anh đã được chuyển lên BVĐK tỉnh Hà Giang.

Khi vào viện, anh Trung trong tình trạng hôn mê sâu. Gọi hỏi không biết, không tự thở được phải hô hấp hỗ trợ bằng bóp bóng có đặt ống nội khí quản. Ngay sau đó bệnh nhân được cho thở máy, hồi sức tích cực và được chẩn đoán bị sốc đa chấn thương gồm: Chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương lồng ngực gãy xương sườn làm tràn khí, tràn máu màng phổi và chấn thương ổ bụng. Ngay lập tức, tập thể Ban Giám đốc và các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực–Chống độc của BVĐK tỉnh đã hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất.

Đây là trường hợp bị tai nạn lao động rất nặng và nguy kịch, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân bị đa chấn thương, rất khó có khả năng cứu chữa, trong tình trạng này không có chỉ định chuyển lên tuyến trên bởi nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, trên đường đi sẽ làm bệnh nặng thêm và đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Sau gần một tháng được sự cấp cứu và chăm sóc tận tình của tập thể cán bộ khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, đặc biệt là sự quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất của Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang, sức khỏe của anh Trung đã hồi phục và đến chiều ngày 11.12.2015 anh đã được xuất viện.

Không để đường dây nóng y tế ngừng hoạt động

http://suckhoedoisong.vn/khong-de-duong-day-nong-y-te-ngung-hoat-dong-n109634.html

Nhằm xử lý thông tin của người dân về quy trình khám bệnh tại các BV, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV thiết lập đường dây nóng (ĐDN) y tế. Mặc dù ĐDN đã phát huy được hiệu quả trong việc tiếp nhận ý kiến của người dân về các tiêu cực của một số cán bộ và ngành y tế đã kiên quyết xử lý các sai phạm, tuy nhiên, qua kiểm tra mới đây, Văn phòng Bộ Y tế cũng phát hiện ĐDN của hơn 300 đơn vị, cơ sở y tế không hoạt động.

Kênh giám sát hiệu quả

Mới đây, qua ĐDN, Bộ Y tế nhận được ý kiến phản hồi từ gia đình sản phụ Nguyễn Thị Ái Vân (Quảng Bình) gọi điện đến ĐDN Bộ Y tế phản ánh tình trạng vòi vĩnh của cán bộ y tế Khoa Sản, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Phía gia đình cho rằng nếu không có “quà cảm ơn”, bác sĩ sẽ không quan tâm đến bệnh nhân, khi bệnh nhân kêu đau cũng không tới khám. Thông tin ngay sau đó được chuyển đến BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình. Ngay lập tức, BV đã thành lập tổ kiểm tra ý kiến phản hồi của gia đình sản phụ qua đường dây nóng của Bộ Y tế. Qua làm việc, tổ xác định có sự việc mẹ của sản phụ đã đưa một nữ hộ sinh 500.000 đồng tại phòng đẻ. BV đã quyết định điều chuyển nhân viên y tế này đến làm việc tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn không liên quan đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; cắt tiền lương tăng thêm 2 tháng. BV cũng đồng thời cắt tiền lương tăng thêm 1 tháng với 2 nữ hộ sinh khác. Cụ thể, gia đình có đưa lót tay cho một người 300.000 đồng (lót vào trong áo và tã của bé) và đưa 50.000 đồng cho nữ hộ sinh đưa bé đi tắm. Cả hai nữ hộ sinh này đều đã trả lại tiền cho người nhà và có xác nhận của gia đình. Dù vậy, vì chưa giải thích rõ nên người nhà hiểu lầm là “chê ít tiền không lấy”.

Cũng qua ĐDN, Bộ Y tế tiếp nhận cuộc gọi của người dân phản ánh về thái độ thờ ơ, không quan tâm đến người bệnh của một bác sĩ Khoa Nội cấp cứu - BVĐK Xanh Pôn; một cuộc gọi khác phản ánh về 2 kỹ thuật viên của BV K (cơ sở Quán Sứ) có hiện tượng vòi vĩnh, nhận hối lộ, thái độ không đúng mực với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Bác sĩ bị phản ánh của BVĐK Xanh Pôn sau đó đã nhận khuyết điểm trước bệnh viện và xin rút kinh nghiệm; 2 bác sĩ bị phản ánh ở BV K đã bị bệnh viện phê bình trước toàn khối.

Đặc biệt, cũng qua giải quyết ý kiến phản ánh từ ĐDN, giữa tháng 11 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định khen thưởng 2 tập thể và 3 cá nhân của BV Nhi Đồng 2 vì nhiệt tình, tận tâm, có trách nhiệm phối hợp xử lý giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Trừ thi đua đối với những đơn vị vi phạm

Hiệu quả của ĐDN y tế không phải bây giờ mới thể hiện rõ mà trong thời gian qua, ĐDN y tế đã trở thành kênh giám sát hiệu quả tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế. Thế nhưng, trong số 1.200 điện thoại mà Bộ Y tế đã trang bị cho các BV, khi kiểm tra trên hệ thống đột xuất, Văn phòng Bộ Y tế đã phát hiện có 304 số điện thoại ĐDN không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thống báo “không tồn tại”. Về việc sẽ xử lý với các đơn vị không trực ĐDN hoặc công bố số điện thoại ĐDN một cách hình thức, TS. Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi có kết quả này, Bộ Y tế đã gửi công văn đến Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và giám đốc các BV như: BV Thống Nhất, BV Mắt TW, BV Tâm thần TW 1, BV Bệnh Nhiệt đới TW, BV E, BV Phổi TW,

BV Y học cổ truyền TW, BV Phong và Da liễu TW Quy Hòa, BV Phong và Da liễu TW Quỳnh Lập, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực ĐDN, đồng thời các đơn vị phải báo cáo về Bộ Y tế việc xử lý những sai phạm này trước ngày 25/12/2015.

TS. Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết thêm, đối với các đơn vị sai phạm trong quy định về thực hiện trực ĐDN y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo phải thực hiện việc kỷ luật, trước hết áp dụng trong việc bình xét thi đua năm 2015 của Bộ đối với các cơ sở y tế này. Để ĐDN y tế hoạt động ngày càng hiệu quả, ngành y tế sẽ giám sát thường xuyên hơn nữa, nhắc nhở hơn nữa hoạt động của ĐDN y tế tại các bệnh viện.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 15/11/2015 Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng Công ty viễn thông Viettel triển khai hệ thống Tổng đài tự động trực ĐDN y tế 1900-9095 để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và thực hiện chuyển cuộc gọi của người dân đến các đơn vị xử lý theo 3 cấp trực lãnh đạo: BV, Sở Y tế và Bộ Y tế qua số điện thoại di động Viettel đã cấp cho từng đơn vị từ năm 2014. Để thống nhất trong toàn quốc và là tổng đài duy nhất, TS. Trường cho biết, bắt đầu từ năm 2016 chỉ có duy nhất một số điện thoại ĐDN y tế là 1900-9095 để người dân gọi.

Cảnh báo hành vi tự tử ở giới trẻ

http://suckhoedoisong.vn/canh-bao-hanh-vi-tu-tu-o-gioi-tre-n109635.html

Chỉ qua một vài vụ tự tử ở thanh thiếu niên từ đầu năm trở lại đây đủ khiến nhiều người, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ không khỏi day dứt. Điều đáng lo ngại là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này ngoài số ít trường hợp do bệnh lý thì đều bắt nguồn từ những nguyên do rất vu vơ, vụn vặt... bỗng trở thành vấn đề nan giải ở lứa tuổi này.

Tự tử vì những chuyện vụn vặt

Đầu tháng 5/2015, một nữ sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản ở Cà Mau cũng uống thuốc tự tử sau khi nghe tin bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm.

Ngày 6/10/2015, ở TP. Lạng Sơn, một học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An đã nhảy cầu tự vẫn vì bố mẹ mắng khi em điểm 2 môn toán.

Gần đây nhất là sáng ngày 28/11/2015, ngay sau giờ tan học, một nam sinh lớp 9 trường THCS Lý Tự Trọng ở Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh đã nhảy từ lầu 2 xuống sân trường sau khi nghe mẹ mắng trước mặt các bạn.

Thật đáng thương tâm cho các bậc cha mẹ, người thân phải chứng kiến con em mình tự hủy hoại mạng sống khi tương lai còn rất dài  phía trước.

Nghiên cứu nguyên nhân tự tử ở thanh thiếu niên thường cho thấy những yếu tố như di truyền, sinh hóa, các bệnh cơ thể trầm trọng hay các rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, lạm dụng rượu...

Còn một nguyên nhân đáng chú ý, theo các chuyên gia, lứa tuổi thanh thiếu niên thường gặp giai đoạn “khủng hoảng” tuổi dậy thì, có những sự thay đổi lớn về mặt thể chất cũng như tâm sinh lý. Bên cạnh sự phát triển về mặt tư duy và các mối quan hệ xã hội, thanh thiếu niên bộc lộ mong muốn được khẳng định bản thân, sự độc lập trong quan điểm, suy nghĩ về cuộc sống.

Nhiều tranh luận gay gắt trong cuộc sống đã diễn ra giữa bố mẹ và con cái khiến một số em biểu lộ sự bốc đồng, nóng nảy, dễ bị kích động không thể kiềm chế bản thân, số khác lại biểu lộ quá mức sự buồn bã, tự ti dẫn tới thất vọng về bản thân mà mất định hướng ở tương lai.

Theo các cuộc điều tra và nghiên cứu thì phần lớn các vụ tự tử của thanh thiếu niên là do bị kỷ luật, mất thể diện với bạn bè, tranh luận với bố mẹ, bố mẹ ly hôn, hay áp lực học tập quá lớn... Có thể dưới con mắt của người lớn, bị điểm kém hay bị trách mắng chỉ là bình thường nhưng các em cho rằng lòng tự tôn của mình bị “chà đạp” hay tự dằn vặt mình, cho rằng mình kém cỏi, thua kém chúng bạn. Ý nghĩa của hành vi tự tử lúc này là chạy trốn hiện thực, không muốn đối diện với xung quanh.

Thay lời kết

Đa số các vụ tự tử ở thanh thiếu niên có thể đề phòng được với cách xử sự tế nhị, khéo léo cũng như sự theo dõi sát sao, kịp thời của gia đình và nhà trường.

Cha mẹ nên tạo một bầu không khí vui vẻ, ấm áp trong gia đình. Cần nhận biết sớm các hành vi khác lạ tiềm ẩn ý tưởng tự sát hay kế hoạch tự sát. Người thân, đặc biệt là cha mẹ có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần của thanh thiếu niên trước những khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống.

Về phía nhà trường, bên cạnh việc răn đe hay kỷ luật, chúng ta nên động viên, khích lệ để các em khắc phục và sửa chữa. Điều này sẽ giúp tinh thần của thanh thiếu niên lạc quan và tin tưởng hơn vào cuộc sống.

Cuối cùng, xin được nhắn nhủ tới các bạn trẻ khi đang phải đối mặt với khó khăn: Trong cuộc sống, mỗi con người đều có những nỗi buồn, khó khăn riêng nhưng sẽ luôn có cách giải quyết để vượt qua. Trước hết cần khắc ghi sự quý giá của cuộc sống, hãy trân trọng và phấn đấu hết sức mình để không phải nuối tiếc.

Lặng thầm giành giật sự sống cho những em bé tí hon

http://petrotimes.vn/lang-tham-gianh-giat-su-song-cho-nhung-em-be-ti-hon-353321.html

Câu chuyện tôi đang muốn nói tới đây là câu chuyện kỳ diệu về hành trình giành giật sự sống cho những em bé tí hon sinh non khi chưa đầy 6 tháng tuổi thai và chỉ nặng nửa cân. Hai trường hợp đặc biệt ghi dấu ấn trong lịch sử chăm sóc sinh non Việt Nam từ trước tới nay đều được nuôi sống bắt đầu từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đó là bé Bùi Hiền Thục, sinh non ở tuần thai thứ 25 và trường hợp đặc biệt thứ 2 là cặp song sinh một nam, một nữ: Thiên Ân và Thiên Bảo, sinh non ở tuần thứ 24.

Năm 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương đã nuôi sống thành công trường hợp cháu bé Bùi Hiền Thục sinh non 25 tuần tuổi và nặng 500gr. Thành công của các thầy thuốc BV Phụ sản Trung ương cũng chính là điểm mốc ghi nhận công tác chăm sóc trẻ sinh non nước nhà sánh ngang với trình độ của thế giới.

Gặp lại bé Hiền Thục, thật sự tôi đã ngỡ ngàng. Không còn là hình ảnh em bé nhỏ như chiếc bơm tiêm ngày nào, giờ đây cô bé tí hon là cô bé bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu với nước da trắng và thích múa hát. Bé nặng 25kg, chị Ngọc, mẹ cháu cho biết, so với các bạn cùng lớp, Hiền Thục cao và bụ bẫm gần như nhất lớp.Tìm gặp BS Hà - Trưởng khoa Chăm sóc sinh non và là người trực tiếp điều trị cho bé Hiền Thục từ khi mới sinh. Hiện đã về nghỉ hưu nhưng trường hợp bé Hiền Thục là một trong những ca đặc biệt khiến bà không quên. Bà vẫn quen gọi cháu bằng cái tên quen thuộc: bé Gái, tên dân dã cho dễ nuôi.

BS Hà nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng khi đón bé vào khoa. Tiếp nhận bé từ phòng đẻ về, đọc trước hồ sơ bệnh án nhưng tôi và tập thể BS, y tá đã có những tiên lượng xấu về trường hợp này. Toàn thân cháu tím đen do xuất huyết dưới da. Nhịp tim và mạch chỉ 120 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 150 lần/phút. Trương lực cơ và phản xạ thì hầu như không có... nguy hiểm nhất là bé thở rất yếu ớt.

Khi điều trị cho bé, tôi nhớ nhất quãng thời gian cai “máy thở” cho bé. Chúng tôi không muốn để bé bị phụ thuộc quá nhiều vào máy. Cảm giác lần đầu tiên quyết định rút máy, tôi và các bác sĩ trong khoa hồi hộp theo dõi xem bé có thích nghi được không?

Ban đầu đã có biểu hiện ổn nhưng sau đó lại xuất hiện nguy cơ xấu nên lại phải cho cháu thở máy lại. Và rồi tiếp đó những lần thử cai về sau. Cũng may mắn là cháu đã vượt qua được tất cả.

Bé Hiền Thục xuất viện về nhà được 2 tuần, bé có những biểu hiện của chứng vàng da nặng. Cả người vàng ươm, nhìn bằng mắt thường cũng thấy và hay quấy khóc. Gia đình đưa cháu lên BV Nhi Trung ương khám. Với chị Ngọc, có lẽ đó là quãng thời gian gian nan nhất đối với gia đình trong hành trình nuôi bé Thục.

Ngày đưa bé lên viện, dòng người xếp hàng quá dài và con chị thì non nớt, yếu đuối, mới chỉ 2,5kg như một đứa trẻ sơ sinh. Chính các BS khám cho cháu ban đầu còn sửng sốt sau khi biết cháu sinh ra chỉ có 500gr và cũng có thoáng e ngại trước trường hợp này.

Sẽ không bao giờ chị Ngọc quên BS Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng khoa Gan mật BV Nhi Trung ương, người đã nhiệt tình chữa trị cho Hiền Thục và như một lần nữa sinh ra bé Thục. Sau khi khám, BS Hoa kết luận, cháu bị chứng vàng da ứ mật của trẻ sơ sinh. Nếu không điều trị, khả năng tử vong sẽ rất cao.

Hơn 2 tháng liền, bé Thục được chăm sóc đặc biệt của Khoa Gan mật. Chị Ngọc và gia đình lại tiếp tục những ngày tháng cách biệt con, mỗi ngày chỉ được vào thăm con 1 vài phút theo quy định của bệnh viện.

BS Hoa là người theo dõi và điều trị trực tiếp cho bé Thục. BS Hoa cho biết, hồi đó, Hiền Thục là một trong những bệnh nhân nằm điều trị lâu trong khoa. BS Hoa và khoa hồi đó gọi Hiền Thục bằng cái tên “Lavie” tức là bé như chai nước Lavie.

Trong suốt quãng thời gian từ sau đợt điều trị tới hiện tại, mỗi tháng, gia đình lại đưa Hiền Thục lên Khoa Gan mật BV Nhi Trung ương kiểm tra định kỳ chức năng gan. Lần nào, BS Hoa cũng trực tiếp khám cho bé.

Bệnh án hình ảnh của bé Thục luôn có trong máy tính. Tiếp xúc với người BS này, tôi cũng cảm nhận được sự cởi mở và ấm áp người mẹ của bé Thục mỗi lần nhắc tới BS Hoa đều ngời sáng với nụ cười rạng rỡ.

Câu chuyện kỳ diệu thứ 2 là câu chuyện về cặp song sinh một trai, một gái: Thiên Ân và Thiên Bảo, sinh non ở tuần thứ 24 với cân nặng của bé trai: 600gr, bé gái: 500gr. Lần đầu tiên Việt Nam nuôi sống thành công cặp song sinh trong ống nghiệm có cân nặng thấp và sinh non như vậy.

Thầy thuốc Ưu tú, BS Nhi khoa Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sinh non BV Phụ sản Trung ương, đồng thời là người điều trị, theo dõi trực tiếp cho hai bé song sinh này suốt từ khi sinh ra tới nay cho biết, mỗi tháng 1 lần, gia đình từ Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình vẫn đưa 2 bé tới viện tái khám sức khỏe định kỳ như chỉ định của BV.

Hiện nay, tính tới ngày 5-11, 2 bé đã tròn 7 tháng tuổi (tính từ khi được đưa ra khỏi bụng mẹ tới hiện tại). Thiên Ân nặng 7kg, cao 66cm và Thiên Bảo nặng 7,5kg, cao 66,5cm. Mỗi bé đã có 3 răng và biết ngồi. Các kết quả kiểm tra thính lực, thị lực đều bình thường, thần kinh bình thường.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của cặp song sinh, BS Lợi cho biết, tuy cặp song sinh này sinh non ở tuần thứ 24 (tương đương với 6 tháng tuổi thai) tức là bị sinh sớm trước 3 tháng nhưng những chỉ số phát triển của cặp song sinh này là hoàn toàn bình thường.

Điều lo ngại nhất đối với những ca sinh non này là bệnh lý não úng thủy nhưng điều này, tới hiện tại đã khẳng định chắc chắn, trẻ hoàn toàn bình thường, không bị bệnh lý này.

Với chị Hồ Thị Hải Yến, hai đứa con đúng là lộc của trời cho gia đình chị. Tất cả như một giấc mơ quá sức tưởng tượng và mong đợi. Chị cũng đã có một con trai. Khi cháu 7 tuổi, vợ chồng chị tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm và được kết quả là 2 cháu Thiên Ân, Thiên Bảo.

BS Nguyễn Ngọc Lợi nhớ lại rành rẽ tiến trình chăm sóc trường hợp song sinh đặc biệt trong cuộc đời thầy thuốc của ông: Hai bé được đưa về khoa trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, thở nấc, toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da và suy hô hấp nặng. Nhịp tim rời rạc, phản xạ rất yếu, phải tiến hành bơm thuốc chống nguy cơ xẹp phổi cho hai bé ngay trong những giờ đầu.

Sau đó, hai bé được thở máy trong 4 ngày liền, được rút ống nội khí quản rồi mới được thở qua đường mũi như bình thường. Sau 13 ngày, hai trẻ được thở oxy và khoảng 1 tháng sau sinh thì hai cháu đã thở khí trời.

Trong lời kể không giấu sự hoan hỷ, chị Yến cho biết, hai bé ăn rất tốt, đêm ngủ ngoan và trộm vía cũng không nóng sốt khi mọc răng. Ba chiếc răng cứ lặng lẽ mọc, tới khi mẹ sờ thấy mới biết 2 con đã có răng. Hai bé giờ đã ăn dặm được 2 tháng.

Sau khi các con được 6 tháng, chị cũng đã đi làm đúng theo quy định của Nhà nước. Chị là một chiến sĩ cảnh sát nên công việc khá bận rộn, chồng chị - anh Hà lại thường xuyên đi công tác xa tại Hải Phòng nên việc chăm sóc các bé phải nhờ tới bác và bà ngoại của các bé.

Từ sau khi sinh, bà ngoại ở cách nhà chị vài kilômét nhưng đã tới ở luôn để tiện làm bảo mẫu chăm sóc 2 bé 24/24 giờ. Thấy hai con phát triển như các trẻ bình thường, đã biết theo, biết hóng chuyện sớm, chị Yến vui lắm.

Được đặc cách mặc bộ quần áo sát khuẩn để vào khoa, tôi đã rất kinh ngạc khi nhìn những cháu bé sinh non nằm trong lồng ấp, mái đầu nhỏ xíu, có lẽ chỉ nhỉnh hơn chiếc bóng đèn tí chút, toàn thân xẹp lép, làn da tím đỏ, nhịp thở khó nhọc.

Khi nhìn những bàn chân, bàn tay non búng, mọng nước, tôi có cảm giác xót xa, tưởng như nếu chỉ đụng vào những làn da mỏng manh này sẽ lập tức khiến các con bật máu. Quanh mỗi cháu là các loại máy hỗ trợ: máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây truyền ăn xông... Càng nhìn mà càng thấy sự sống của các bé thật mong manh.

BS Nguyễn Ngọc Lợi cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ sinh non ngày càng nhiều. Những trường hợp thai nhi chỉ 25-26 tuần tuổi và cân nặng dưới 700-800gr đã được nuôi sống không còn là hy hữu. Ông cho biết, cũng nhiều trường hợp trẻ đẻ non nằm tại khoa là những trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Không ít bà mẹ khó khăn với 5-7 lần thụ tinh ống nghiệm mới giữ được thai đến tuần 27-28. Vì vậy, tất cả hy vọng của họ đều đặt vào tay các y, BS chúng tôi. Chuyện sinh mạng và hạnh phúc của nhiều con người nên chúng tôi chẳng thể xem nhẹ được.

Hôm đó, tôi đã được chứng kiến một ca cấp cứu của các BS cho một trẻ bị suy hô hấp. Một y tá phát hiện cháu bé có triệu chứng nguy kịch, chị chạy vội ra ngoài và gọi gấp 5 BS nữa vào phòng cấp cứu. Những gương mặt gấp gáp, những bàn tay vội vã.

Tôi không nhìn được nhiều mà chỉ thấy bóng áo trắng quây kín giường cháu bé. Rồi một lúc sau, vòng tròn áo blu giãn ra, 5 BS bước ra khỏi phòng, những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt mỗi người. Ca cấp cứu thành công. Các BS thở phào.

Các y, BS cho biết, những trường hợp cấp cứu như thế này không phải là ít trong ngày trực của các anh, các chị. Trẻ non tháng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn từ trong bụng mẹ, bệnh tim, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, vàng da, xuất huyết não… Vì vậy, chu trình chăm sóc trẻ phải tuân thủ theo phác đồ nghiêm ngặt và đòi hỏi sự kiên trì theo dõi sát sao.

Gian nan và kỳ công trong quá trình nuôi trẻ phải kể đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho các trẻ, bởi đây là điều quyết định để các bé có tồn tại được hay không. Theo BS Phương Anh, hệ tiêu hóa của trẻ đẻ non rất yếu, nhiều trẻ chưa hoàn thiện.

Vì vậy, trong 72 giờ đầu, thường phải áp dụng truyền chất dinh dưỡng qua đường cuống rốn (tức là truyền trực tiếp chất dinh dưỡng vào thành ruột trẻ giống như cách trẻ tiếp nhận dinh dưỡng ở trong bụng mẹ).

Theo lời kể của điều dưỡng Lê Thị Vân, công việc chăm sóc trẻ sinh non thực sự là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Không ít những trường hợp khiến các chị dở khóc, dở cười.

Nhiều gia đình rất mong tới ngày con được xuất viện nhưng đến hôm được đón con về, ôm con trên tay, lóng ngóng, lo sợ bị lọt tay, họ lại một mực xin các BS cho cháu được nằm thêm trong khoa bởi về nhà không biết sẽ chăm sóc như thế nào.

Các chị phải giải thích và hướng dẫn rất cặn kẽ cho gia đình. Bởi khi trẻ có đủ khả năng sinh tồn với môi trường bên ngoài thì trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và nhất là được ủ ấm bằng hơi mẹ sẽ là điều tốt nhất.

Tính tới ngày 5-11, cặp song sinh 24 tuần tròn 7 tháng tuổi (tính từ khi được đưa ra khỏi bụng mẹ tới hiện tại). Thiên Ân nặng 7kg, cao 66cm và  Thiên Bảo nặng 7,5kg, cao 66,5 cm

Các cô nhỏ từng giọt sữa hoặc bón từng thìa cho trẻ. Mỗi bữa chỉ cho trẻ ăn 1ml, 4 bữa/1 ngày. Có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên đã cho ăn sữa rồi lại trào ngược ra hết theo đờm dãi hoặc bụng trướng to. Và lại phải quay lại chu trình ăn qua xông.

Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể sống sót được hay không.

Cứu sống được các cháu đã quá khó khăn nhưng giữ gìn được đôi mắt cho các cháu cũng là thử thách lớn. Trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống và dưới 1,5kg có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh võng mạc. Nếu không khám và mổ điều trị kịp thời, trẻ sẽ vĩnh viễn hỏng mắt. BS Quốc Anh, bác sĩ chuyên khám và phẫu thuật bệnh võng mạc trẻ sinh non.

BS Quốc Anh cho biết: Có những trẻ không những phải mổ một lần mà còn mổ tới 2 lần mới giữ được đôi mắt. Cứu sống được trẻ mà không cho các cháu được nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì đó thực sự là điều thiệt thòi cho trẻ.

Bố của cháu Hiền Thục cũng kể lại với tôi: Hồi đó, tới thời điểm cháu Thục khám mắt, cháu sẽ được tiêm một loại thuốc mỗi lọ giá 10 triệu đồng vào mắt để không bị bệnh võng mạc. Nhưng để giảm chi phí cho gia đình của các cháu, các BS khuyên chúng tôi, các gia đình nên liên hệ với nhau, khoảng 3-4 cháu mới dùng hết 1 lọ thuốc rồi chia kinh phí cho đỡ tốn kém.

 “Tại sao các anh chị không chọn một công việc khác đỡ căng thẳng và vất vả để còn dành thời gian cho gia đình?”. Câu hỏi đó tôi đã hỏi y tá Nguyễn thị Luân.

Chị cười và nói: “Mình đã từng làm công tác chăm sóc cho nhiều đối tượng bệnh nhân như bệnh nhân suy thận, bệnh nhân điều trị ung thư và mình biết chăm sóc trẻ sinh non là công việc vô cùng vất vả. Đúng việc con mọn. Nhưng nếu cho lựa chọn lại một lần nữa chắc mình vẫn chọn nghề này”.

Chị Luận trải lòng: “Bệnh nhân của mình là những bệnh nhân đặc biệt: bé bỏng, yếu đuối. Các bệnh nhân khác khi nhập viện bao giờ cũng có người nhà ở bên chăm sóc, còn ở đây, tất cả sinh mạng của các cháu giao phó cho chúng tôi. 24/24 giờ chỉ BS, y tá với các con nên chúng tôi phải dốc lòng dốc sức chẳng được phép lơi là. Những hình hài tí hon vẫn đang còn cựa quậy, mạch vẫn đập và vẫn đang cất tiếng khóc oe oe, ai dám nỡ quay đi. Hững hờ sẽ là có tội”.

Ngoài sảnh của khoa, mùa đã chuyển sang thu. Nắng vàng ươm và rạng rỡ như nét mặt của nhiều ông bố, bà mẹ hân hoan đón những sinh linh bé bỏng về nhà sau một thời gian dài chăm sóc đặc biệt tại Khoa Chăm sóc sinh non của BV Phụ sản Trung ương…

Và, chắc chắn rồi, một năm sau, nhiều năm sau, những bé không may mắn này sẽ trưởng thành và sẽ vẫn quay lại, gặp những y, BS đã từng sinh ra các con một lần nữa để nói một lời cảm ơn từ trong tim.

Những công việc lặng lẽ thường ngày của các y, BS nơi đây thực sự xứng tên là những sự hy sinh thầm lặng mà cao quý.

Ca ghép gan đặc biệt với bệnh nhi 18 tháng tuổi

http://phapluattp.vn/suc-khoe/ca-ghep-gan-dac-biet-voi-benh-nhi-18-thang-tuoi-600055.html

Mới bốn tháng tuổi nhưng bệnh nhi đã được xác định xơ gan giai đoạn cuối, nếu không gép gan bé sẽ tử vong. Đến khi bé 18 tháng tuổi, ca ghép gan đã được tiến hành.

TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết BV vừa ghép gan thành công cho nữ bệnh nhi 18 tháng tuổi. Hiện sức khỏe của cả người cho gan lẫn người được ghép gan đều ổn định. 

Đây là ca ghép gan thứ chín tại BV Nhi đồng 2, tuy nhiên điểm đặc biệt của ca ghép này là người cho gan chính là cô ruột bệnh nhi, tám ca còn lại đều của bố mẹ cho. 

Theo TS-BS Định, bệnh nhi mắc chứng teo đường mật bẩm sinh và diễn biến nặng chỉ vài tháng sau sinh với các biểu hiện xanh xao, bụng trướng to, phát triển kém. Mới bốn tháng tuổi nhưng bé đã được xác định xơ gan giai đoạn cuối, nếu không gép gan bé sẽ tử vong.

Tuy vậy, mặc dù bố mẹ đồng ý ghép gan cứu con nhưng khi thử tính phù hợp của gan thì không tương thích. Một người cô của bé đã biết tin xin thử và rất may mắn gan của người cô tương hợp với cháu mình. Tuy nhiên, đến ngày ghép gan bệnh nhi lại bị khởi phát bệnh lao nên ca ghép gan phải dừng lại để bé trị lao.

Tuần trước, khi bệnh nhi ổn định, BV Nhi đồng 2 đã tiến hành phẫu thuật cắt ghép gan. Phần gan nặng 250 g cắt từ người cô đã được ghép vào cho cháu. Hiện người cô cho gan đã khỏe mạnh, còn cháu bé hồi phục tốt, chức năng gan trở lại bình thương, tuy nhiên bé vẫn đang được cách ly theo dõi chặt chẽ.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang