Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ ‘bác sĩ đòi chi đủ hoa hồng’
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bo-y-te-yeu-cau-lam-ro-vu-bac-si-doi-chi-du-hoa-hong-682866.html
http://dantri.com.vn/suc-khoe/kiem-tra-thong-tin-bac-si-moc-noi-voi-cong-ty-duoc-nhan-hoa-hong-2017021521534491.htm
Ngày 15-2, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị xác minh thông tin “bác sĩ đòi chi đủ hoa hồng”.
Trước đó, vào ngày 13-2, báo Tuổi Trẻ có phản ánh về một bác sĩ của BV quận 5, TP.HCM móc nối với công ty dược nhận “hoa hồng” và kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc cho bệnh nhân.
Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo BV quận 5 khẩn trương xác minh sự việc nêu trên. Đơn vị này cũng yêu cầu nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho các cơ quan truyền thông, đồng thời báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 22-2.
Các nạn nhân ở Lai Châu bị ngộ độc methanol trong rượu
Chiều ngày 15-2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15-2 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, ba mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/lít cồn 1000; 556.000 mg/lít cồn 1000 và 475.000 mg/lít cồn 1000.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 1000. Đồng thời các mẫu máu của nạn nhân được gửi về Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm cho thấy 8 trong số 10 mẫu có nồng độ methanol trong máu rất cao, đây là tình trạng ngộ độc rất nặng. Với kết quả nêu trên ngành y tế xác định các nạn nhân đều bị ngộ độc methanol trong rượu và tiếp tục tập trung vào điều trị tích cực theo hướng này.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, đến cuối giờ chiều ngày 15-2 xác định có 40 người bị ngộ độc (gồm bảy người đã chết và 33 người phải nhập viện cấp cứu, theo dõi), tăng hai người nhập viện so với trước đó. Do Bệnh viện đa khoa Lai Châu quá tải cho nên có ba nạn nhân được đưa sang Bệnh viện đa khoa Lào Cai để chạy thận.
★ Ngày 15-2, thừa ủy quyền của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã chuyển đến gia đình các nạn nhân có người chết trong vụ ngộ độc phần quà thăm hỏi, mỗi suất trị giá ba triệu đồng/gia đình.
★ Ngày 15-2, Bệnh viện Bạch Mai đã lập đoàn công tác lên giúp Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu chẩn đoán và điều trị cho các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm. Đoàn công tác gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên thuộc các lĩnh vực chống độc, thần kinh, thận nhân tạo, tiêu hóa, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... mang theo nhiều trang, thiết bị, thuốc men.
★ Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Hà Giang cho biết, tại xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cỗ cưới.
Trưa ngày 13-2, gia đình ông Hoàng Văn Kim, thôn 3, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì làm 25 mâm cỗ cưới cho con để mời khách. Sau khi ăn cỗ, đến hơn 12 giờ cùng ngày, ông Lèng Seo Sằm, cùng trú tại địa phương bị các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: Đau đầu, hoa mắt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, người mỏi mệt. Nhiều người cùng ăn cỗ cưới xuất hiện triệu chứng như trên. Tính đến 22 giờ ngày 15-2, đã có tổng cộng 81 người có triệu chứng bị ngộ độc phải đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị, trong đó có 66 người điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoàng Su Phì, 15 người tại Trạm y tế xã Đản Ván.
Tỉnh Hà Giang chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành y tế xử lý cấp cứu, điều trị theo phác đồ, không để xảy ra chết người, đồng thời điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Kiểm soát chặt thuốc diệt cỏ
http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32078502-kiem-soat-chat-thuoc-diet-co.html
Một người bệnh trông vẫn còn rất tỉnh táo, nhưng bác sĩ bảo vẫn chưa biết thế nào; trường hợp khác mới khó thở đã xếp vào mức nặng chuẩn bị phải lo hậu sự…, đó là thực trạng của phần lớn những trường hợp vào cấp cứu, điều trị ngộ độc Paraquat tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian qua. Các bác sĩ ở đây cho biết, Paraquat được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng tại Việt Nam với vai trò một loại thuốc diệt cỏ, nhưng nhiều người đã sử dụng chất này làm “độc chiêu” tự tử vì chán nản, bức xúc hoặc giận dỗi, mâu thuẫn gia đình, có những trường hợp cùng quẫn do những áp lực của cuộc sống...
Thống kê cho thấy, tỷ lệ người bệnh ngộ độc Paraquat dẫn đến tử vong rất cao, lên tới từ 70 đến 90%. Phần lớn người bệnh tử vong sau 3 đến 10 ngày, thậm chí có trường hợp tử vong sau ba tháng ngộ độc do xơ phổi, suy hô hấp. Còn những trường hợp được cứu sống, chi phí điều trị rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị, nhưng sau khi được cứu sống, người bệnh vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng do tác hại của loại hóa chất này.
Trước đây, có nhiều ca tự tử bằng thuốc diệt chuột, nhưng sau khi thuốc này bị cấm thì số ca tự tử bằng thuốc này đã giảm. Tương tự, khi Bộ Y tế có chính sách kiểm soát chặt chẽ thuốc ngủ, cấm bán thuốc ngủ nếu không có đơn thuốc thì các ca tự tử bằng thuốc ngủ cũng giảm… Vì thế, số ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ có chứa Paraquat lại có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng năm 2016, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 450 ca ngộ độc Paraquat, trong đó 70% số người bệnh tử vong. Ước tính, trong cả nước, mỗi năm số người chết do ngộ độc Paraquat lên tới khoảng 1.000 người.
Từ kinh nghiệm điều trị các bác sĩ cho rằng, nếu sớm cấm thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Paraquat thì cơ hội cứu sống được nhiều người càng cao. Dẫu biết rằng rất có thể không có Paraquat thì một số người dại dột vẫn sẽ tìm các cách khác. Song, với các loại thuốc khác, tỷ lệ cứu sống người bệnh cao hơn, còn với độc chất Paraquat thì gần như “vô phương cứu chữa”. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định loại bỏ toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được đánh giá là sẽ cứu sống được nhiều người, đồng thời góp phần giúp các bác sĩ thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên Paraquat.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm
Thực hiện chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội (QH) khóa XIV, ngày 15-2 tại Hà Nội, Đoàn giám sát của QH có cuộc làm việc với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công thương về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số ủy ban của QH; các bộ, ngành, đơn vị hữu quan và các thành viên Đoàn giám sát.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011- 2016, những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý ATTP trong tình hình mới và đề xuất những kiến nghị, giải pháp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, kết quả giám sát liên tục từ năm 2011 đến tháng 10-2016 cho thấy, cả nước ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%); do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hóa chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân.
Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP, đại diện các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Điều kiện vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như trong khâu bảo quản, sơ chế, giết mổ chưa đáp ứng quy định vệ sinh ATTP. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp. Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng đối tượng gây ra lại không bị xử phạt một cách nghiêm khắc... Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao. Bên cạnh đó, theo một số đại biểu, việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương còn hình thức, dàn trải, chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu ý kiến kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ vai trò của bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp huyện, xã. Nhiều vi phạm xảy ra trong thời gian qua chính quyền không nắm được, cho thấy năng lực có vấn đề hoặc do thiếu trách nhiệm hoặc do hiện tượng bao che... Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trong lĩnh vực này.
Báo động tình trạng viêm tụy cấp sau Tết
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bao-dong-tinh-trang-viem-tuy-cap-sau-tet-682654.html
Sau một kỳ nghỉ Tết dài, chế độ ăn uống không điều độ cũng như việc sử dụng bia rượu nhiều làm gia tăng các ca nhập viện cấp cứu do viêm tụy cấp.
Ngày 15-2, thông tin từ BV ĐH Y Dược cho biết BV vừa tiếp nhận hai trường hợp bị viêm tụy cấp nặng sau khi uống rượu.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân tên Lê Hoàng K. (45 tuổi, ngụ Vĩnh Long). Ông K. nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội một ngày sau khi uống bia. Kèm theo đó là mệt nhiều, khó thở, không ăn uống được. Ông K. được bác sĩ chẩn đoán bị viêm tụy cấp nặng kèm theo suy thận, suy hô hấp phải điều trị tại khoa Hồi sức tích cực BV ĐH Y Dược TP.HCM để chạy thận và lọc máu.
Tiếp đó là trường hợp của anh Nguyễn Minh H. (34 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội sau khi uống rượu một ngày. Sau khi thăm khám, anh H. được bác sĩ chẩn đoán bị viêm tụy cấp, hoại tử một phần tụy. Anh được cho nhịn ăn uống, bù nước, điện giải và chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Theo ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh, khoa Nội tiêu hóa BV ĐH Y Dược, tụy là cơ quan có chức năng tiết ra dịch tụy (hay còn gọi là dịch tiêu hóa) giúp tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, tụy còn tiết ra một số hormone, quan trọng nhất trong đó là tiết ra insulin, nếu không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là sau khi uống bia rượu 1-3 ngày, người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Một số trường hợp người bệnh chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày.
Viêm tụy cấp thường gặp ở những người uống rượu thường xuyên. Hai nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu, bia và sỏi mật. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp.
Cũng theo BS Minh, sau một kỳ nghỉ Tết dài, chế độ ăn uống không điều độ cũng như việc sử dụng bia, rượu nhiều đã làm gia tăng các ca nhập viện cấp cứu. Trong đó, các ca bệnh liên quan đến rượu bia tại khoa Nội tiêu hóa BV ĐH Y Dược chiếm khoảng 50%, chủ yếu các bệnh thường gặp như viêm tụy cấp, tiếp đó là viêm gan và viêm dạ dày... Theo thống kê sau Tết tại khoa Nội tiêu hóa BV ĐH Y Dược, cứ 20 người bệnh nhập viện thì có đến bảy người bệnh bị viêm tụy cấp, chiếm 1/3 số lượng người bệnh tại khoa.
"Khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên thì người bệnh phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám tư. Cách điều trị cho người bệnh bị viêm tụy cấp là cho nhịn ăn uống, truyền dịch để đảm bảo cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cho người bệnh, sau đó mới cho người bệnh ăn lại từ từ. Đồng thời, để phòng tránh bệnh cần sử dụng rượu bia ở mức độ chừng mực, nếu người bệnh đã bị viêm tụy cấp do rượu bia thì nên tránh không tiếp tục uống vì sẽ có khả năng tái phát, lần sau sẽ nặng hơn những lần trước", BS Quốc Minh khuyến cáo.
Đẻ trên băng ca vì tưởng bị bệnh đường ruột
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/de-tren-bang-ca-vi-tuong-bi-benh-duong-ruot-682690.html
Y., một cô gái trạc 20 tuổi ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, mang thai đến tận ngày sắp sinh mà vẫn không hay biết.
“Cô Y. được người thân đưa vô BV Nhân dân 115 (TP.HCM) trong tình trạng đau bụng dữ dội, mồ hôi lấm tấm trên trán. Khi bác sĩ hỏi thăm, cô xoa xoa bụng rồi nói do có tiền căn bệnh đường ruột nên ăn không tiêu khiến bụng to hơn bình thường một ít” - BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 kể lại.
Đẻ trên băng ca
Với kinh nghiệm lâu năm, các bác sĩ quả quyết Y. đang mang thai. Quả thật, kết quả siêu âm cho thấy thai nhi trong bụng cô gái đã đủ ngày đủ tháng. “Khi biết mình mang thai, Y. chưng hửng. Cô cho biết không hề có biểu hiện ốm nghén, cũng chẳng thèm chua hoặc ngọt. Cô còn nói đã có bạn trai, hai người cũng đã “gần gũi” đôi lần nhưng chỉ “bên ngoài” nên không thể có thai” - BS Sóng kể.
Theo BS Sóng, một số người sống gần nhà thấy Y. có biểu hiện mang thai nên khuyên đi khám. Tuy nhiên, cô này khăng khăng bụng hơi bự là do chứng đau đường ruột gây ra nên bỏ ngoài tai. Cô nói thêm hiện sống với cha nhưng cha luôn bận bịu việc đồng áng nên thiếu quan tâm.
Do không có khoa Sản nên BV Nhân dân 115 tiến hành thủ tục chuyển cô gái đến BV Hùng Vương (TP.HCM). Hồ sơ lập chưa xong thì cô gái đã sinh con ngay trên băng ca. Tiếng khóc oe oe của đứa bé nặng 2,4 kg khiến bác sĩ, điều dưỡng và những người có mặt trong khoa Cấp cứu ngỡ ngàng. Cả hai mẹ con được chuyển qua BV Hùng Vương để tiếp tục được chăm sóc.
Thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản
BS Nguyễn Ngọc Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc mang thai tới ngày sinh nở mà không hay biết thỉnh thoảng vẫn xảy ra với các cô gái trẻ ở nông thôn. Nguyên nhân do nhiều phụ nữ đến tuổi trưởng thành nhưng thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS.
Theo BS Thông, không ít cô gái nghĩ rằng gần gũi bên ngoài sẽ không mang thai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mang thai ngoài ý muốn mà cô gái không biết.
Dấu hiệu đầu tiên của người mang thai là mất kinh. Sau đó, những thay đổi trên cơ thể dần xuất hiện như ngực lớn, nhủ hoa sậm, bụng to… “Do không được tiếp cận các kiến thức về chăm sóc SKSS, không ý thức mình đang mang thai nên nhiều cô gái cho rằng những biểu hiện nói trên là do cơ thể mập ra. Thậm chí để che bớt sự “mập”, nhiều cô mặc quần áo bó sát” - BS Thông cho biết.
“Mang thai mà không biết còn dẫn đến nhiều nguy cơ. Do nghĩ không mang thai nên dễ xảy ra thực trạng sử dụng thuốc cấm người mang thai. Điều này chắc chắn không tốt cho cả mẹ lẫn thai nhi” - BS Thông lưu ý thêm.
Tăng giáo dục kiến thức về chăm sóc SKSS
Truyền thông, giáo dục kiến thức chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh là cần thiết để tránh mang thai ngoài ý muốn.
Đối với khu vực vùng sâu vùng xa, phụ nữ trong độ tuổi mang thai ít có cơ hội nắm bắt kiến thức về chăm sóc SKSS. Do vậy, y tế cơ sở cần có những hoạt động để tiếp cận và truyền thông, giáo dục những kiến thức cần thiết. Bên cạnh đó, gia đình và người thân cần quan tâm nhiều đến con cái trong độ tuổi sinh sản để kịp thời phát hiện những bất thường trên cơ thể và có hướng xử lý phù hợp.
Mê ăn gỏi cá, coi chừng 'rước' sán vào người
http://plo.vn/an-sach-song-khoe/me-an-goi-ca-coi-chung-ruoc-san-vao-nguoi-682795.html
Sán lá gan nhỏ có thể khiến người bị bệnh thấy đau vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón, toàn thân phát ban, nổi mẩn kèm thiếu máu, vàng da, viêm gan cổ trướng...
Khảo sát mới đây của Bộ Y tế cho thấy nhiều người ở khu vực phía Bắc bị bệnh sán lá gan nhỏ, trong khi khu vực phía Nam rất hiếm bị bệnh này. Đây là thông tin được BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết.
Theo BS Mẫn, ăn gỏi cá sống hoặc cá nấu chưa chín kỹ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sán lá gan nhỏ. Sán này có trong các loại cá đồng như chép, rô, trôi, mè, diếc... “Khi ăn thức ăn có chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ (đang ở giai đoạn có khả năng gây nhiễm), ấu trùng sẽ theo thức ăn xuống dạ dày và tá tràng. Sau đó, ấu trùng chui lên đường mật và khu trú tại các nhánh dẫn mật trong gan. Vài tháng sau ấu trùng phát triển thành sán lá gan nhỏ trưởng thành và có thể tồn tại trong gan từ 20 năm đến 25 năm” - BS Mẫn nói.
Khi đã vào được cơ thể người, trứng của sán lá gan nhỏ được tạo ra và theo đường dẫn mật đi xuống ruột, sau đó được thải ra môi trường theo phân. Một số loài ốc ăn trứng này và trứng phát triển thành ấu trùng đuôi (vĩ trùng), sau đó nó rời khỏi ốc tìm đến các loài cá nước ngọt, cá đồng nói trên để phát triển thành nang ấu trùng nằm trong các thớ thịt cá. "Điều này lý giải vì sao những người có thói quen ăn cá sống (gỏi cá) hoặc cá nấu chưa chín rất dễ bị bệnh sán lá gan nhỏ” - BS Mẫn giải thích.
Cũng theo BS Mẫn, sán lá gan nhỏ ký sinh ở các ống mật nhỏ trong gan. Khi có quá nhiều sán, chúng phá hủy nhu mô gan và ký sinh ở tổ chức gan. Sán này thường bám chặt vào ống mật và sống bằng cách thẩm thấu các chất dinh dưỡng từ dịch mật của vật chủ. Do sán bám chặt vào ống mật để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan tỏa và thoái hóa mỡ. Độc tố do sán tiết ra có thể gây dị ứng, thiếu máu.
“Trong trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ với số lượng ít thì không có triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, nếu nhiễm sán lá gan nhỏ với số lượng nhiều thì người bệnh có các biểu hiện chán ăn, đau vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón... Bên cạnh đó, toàn thân người bệnh có thể phát ban, nổi mẩn. Trong trường hợp nặng người bệnh đau vùng gan nhiều hơn kèm thiếu máu, vàng da, viêm gan cổ trướng” - BS Mẫn nói.
Ba tỉnh thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe
Bộ Y tế vừa họp đánh giá tiến độ việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ. Tại cuộc họp, 3 địa phương đã báo cáo tiến độ việc khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và đề xuất những kiến nghị với Bộ Y tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm những xét nghiệm gì (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…); siêu âm và khám, chuyên khoa cho những đối tượng nào để thống nhất trong việc khám và quản lý hồ sơ. Từ đó tính ra chi phí đối với từng hồ sơ quản lý để dự trù kinh phí và nguồn lực thực hiện.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý sức khỏe của người dân ban đầu toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế...
Ba người trong gia đình hôn mê do đốt than sưởi ấm
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ba-nguoi-trong-gia-dinh-hon-me-do-dot-than-suoi-am-1121375.tpo
Ba thành viên trong gia đình chị Hà đốt than củi để sưởi ấm cho ấm. Tuy nhiên, khi người hàng xóm phát hiện thì cả ba người đã rơi vào tình trạng hôn mê, nguy hiểm tính mạng.
Tối 15/2, thông tin từ Bệnh viện ĐK Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị 3 nạn nhân bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO), trong đó có một bé sơ sinh 15 ngày tuổi.
Theo đó, vào 6 giờ ngày 14/02, thấy thời tiết chuyển lạnh nên chồng của bệnh nhân Phan Thị Thu Hà (SN 1990, trú tại xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đã đốt than củi để 'xông' cho sản phụ cũng như sưởi ấm cả nhà. Đặc biệt, con chị Hà mới được 15 ngày tuổi.
Tại trong phòng kín của gia đình, chị Hà nằm trên chõng tre ngủ còn mẹ chồng ấp cháu ngủ trên giường. Diện tích phòng kín, lò than cháy âm ỉ, liên tục sản sinh khí CO đã khiến cả 3 thành viên bị nhiễm độc.
Đến 11 giờ cùng ngày, người hàng xóm sang chơi, mở cửa phòng, phát hiện chị Hà cùng mẹ chồng đã rơi vào tình trạng khó thở, lơ mơ, đau đầu, vật vã, da niêm mạc kém hồng. Cả 3 bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện ĐK Nghệ An.
Ngay lập tức, các bác sỹ đã đưa chị Hà và mẹ chồng điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực Chống độc. Còn bé 15 ngày tuổi được chuyển theo dõi toàn trạng tại Tổ Sơ sinh thuộc khoa Sản.
Qua xét nghiệm khí máu cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số Oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Bác sỹ đã khẩn trương hỗ trợ hô hấp, cho bệnh nhân thở Oxy cao áp, truyền dịch. Rất may mắn là 3 bệnh nhân được phát hiện sớm nên chưa bị nhiễm độc khí CO quá nặng. Sau quá trình cấp cứu, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.
Bệnh viện ĐK Nghệ An đã có khuyến cáo: Bước vào những ngày giá rét, người dân cần đặc biệt phải thận trọng với các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, than củi. Than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra một loại khí cực độc là carbon monoxide (CO), rất nguy hiểm, thậm chí làm cả nhà tử vong.
Nạn nhân khi hít phải khí này nặng thì bị tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng thần kinh - tâm thần. Khí CO là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích cho nên khi bị ngộ độc, nạn nhân thường không biết. Cho đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì bản thân họ không còn khả năng gọi cấp cứu được nữa.
Trong trường hợp phát hiện ra nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi; cần khẩn trương mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt. Đồng thời nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Tiêm bổ sung văcxin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ 6-15 tuổi
Ngoài tiêm miễn phí văcxin phòng viêm não Nhật Bản như thường lệ cho trẻ 1-2 tuổi, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiêm bổ sung cho trẻ 6-15 tuổi tại những vùng nguy cơ cao.
Trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 1.000 ca viêm não do virus, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10%. Gần 60% ca được ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc. Lứa tuổi mắc chủ yếu là 1-10 tuổi; đa phần không rõ tiền sử tiêm chủng. Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7.
Để chủ động phòng bệnh, trong năm 2017-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai đợt tiêm bổ sung văcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi ở các huyện có nguy cơ cao. Trẻ được tiêm 3 mũi. Đợt tiêm này dự kiến thực hiện tại 28 huyện của 16 tỉnh thành trên cả nước, phó giáo sư Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết tại hội nghị phòng chống dịch khu vực miền Bắc do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/2 tại Hà Nội.
Các huyện có nguy cơ cao là nơi có tỷ lệ tiêm văcxin viêm não Nhật Bản dưới 80% hoặc tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao hay có tử vong. Trẻ được tiêm trong đợt này là bé chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm. Ước tính có khoảng gần 180.000 được tiêm đợt này. Đợt tiêm này nhằm củng cố miễn dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, trẻ 1-2 tuổi vẫn được tiêm miễn phí theo lịch hàng tháng như hiện nay.
Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm văcxin mũi một lúc một tuổi; mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ưu điểm vượt trội của phẫu thuật nội soi khớp vai tại Hệ thống Vinmec
Với hệ thống phòng mổ hiện đại, các phẫu thuật viên được đào tạo bài bản, phần lớn các bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi khớp vai – một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong chấn thương chỉnh hình hiện nay.
Vinmec Nha Trang – bệnh viện đầu tiên tại Khánh Hòa mổ nội soi khớp vai
Vừa trải qua một ca mổ chữa bệnh khớp vai tay bên phải nhưng ông Đào Tú (53 tuổi, sống tại Nha Trang) đã có một cái Tết vui vẻ. Các cơn đau nhức vai hành hạ ông hơn 1 năm qua đã được các bác sĩ bệnh viện Vinmec Nha Trang xử lý dứt điểm bằng phương pháp mổ nội soi.
Đầu năm 2016, ông Tú thường xuyên bị hành hạ bởi các cơn đau vai bên phải, khiến cơ thể suy nhược. Đã thăm khám ở nhiều bệnh viện tại TPHCM nhưng bệnh của ông Tú vẫn không dứt điểm. Tại Vinmec Nha Trang, ông được khám và chẩn đoán hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai và đã được các bác sỹ quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi khớp để điều trị dứt điểm và được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật từ Quỹ Thiện tâm.
Nội soi khớp là loại phương pháp can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn, nhưng khá phức tạp, đòi hỏi tay nghề của phẫu thuật viên phải rất cao, đặc biệt là nội soi khớp vai. Bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang – phẫu thuật viên chính ca mổ cho hay: “Hội chứng chèn ép dưới mỏm cùng vai là một căn bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên. Phẫu thuật nội soi khớp vai sẽ nới rộng khoảng cách giữa mỏm cùng và gân chóp xoay bằng cách làm sạch các tổn thương thoái hoá, các chồi xương và một phần của mỏm cùng vai”. Với vết sẹo mổ rất nhỏ, sau 1 ngày, ông Tú đã được xuất viện và hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Đến nay, sau 8 tuần mổ, ông đã có thể sinh hoạt và làm việc bình thường mà không có bất kỳ trở ngại nào.
Thành công ngay từ ca bệnh đầu tiên này, Vinmec Nha Trang là bệnh viện đầu tiên tại Khánh Hòa thực hiện phẫu thuật nội soi khớp vai. Trong Hệ thống Y tế Vinmec, Vinmec Nha Trang cùng với Vinmec Times City (Hà Nội) và Vinmec Central Park (TPHCM) đã đồng loạt triển khai kỹ thuật này.
Nội soi khớp vai: Điều trị dứt điểm, phục hồi nhanh
Bác sĩ Vũ Song Linh – phẫu thuật viên đã thực hiện các ca nội soi khớp vai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết: “Phẫu thuật nội soi khớp vai có thể áp dụng điều trị với cả các bệnh lý khớp và chấn thương thể thao. Tuy nhiên, do tổn thương khớp vai không trực tiếp ảnh hưởng ngay đến việc đi lại như tổn thương gối và háng nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan. Đến khi đau nhiều, người bệnh mới đến bác sĩ nên giảm chất lượng cuộc sống và năng suất lao động, một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị lâu dài”.
Mổ nội soi khớp vai có ưu điểm về thẩm mỹ, rút ngắn thời gian nằm viện chỉ khoảng 1- 2 ngày, bác sĩ có thể quan sát toàn bộ thành phần trong khớp vai, đánh giá được tổn thương và xử lý ngay thông qua nội soi. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao vì khớp vai vốn phức tạp về cấu trúc, phẫu trường hẹp. Bên cạnh đó cần phải có một sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh và gây mê...
Các bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec đều được đầu tư hệ thống phòng mổ nội soi hiện đại đáp ứng yêu cầu các ca mổ phức tạp hiện nay. Ứng dụng phẫu thuật nội soi khớp vai đã trở thành một phẫu thuật thường quy điều trị các bệnh như các bệnh lý chóp xoay, trật khớp vai tái diễn, viêm khớp vai, thoái hóa khớp, các chấn thương khớp vai trong thể thao... Phát huy thế mạnh về các trang thiết bị phẫu thuật hiện đại, các phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình tại Vinmec có thể thực hiện hầu hết các phẫu thuật nội soi khớp vai nói trên do đã được đào tạo bài bản từ nước ngoài, đồng thời luôn cập nhật kiến thức và nâng cao tay nghề với các chuyên gia.
Làm rõ nguyên nhân bé trai 7 tháng tuổi tử vong sau 15 phút vào viện
Bé được nhập viện trong tình trạng sốt, nôn nhiều lần trong ngày, đi ngoài phân lỏng. Sau khoảng 15 phút, do sốc mất nước, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nên cháu đã tử vong
Ngày 15/2, ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nghệ An cho biết, đã có báo cáo về việc bé trai 7 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho Bộ Y tế và UBND tỉnh Nghệ An.
Theo đó, nạn nhân là bé Võ Hoài N. (7 tháng tuổi), trú tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Bé được nhập viện vào khoảng 6h30 ngày 5/2, trong tình trạng sốt, nôn nhiều lần trong ngày, đi ngoài phân lỏng. Gia đình đã cho uống thuốc nhưng bệnh không đỡ, đến ngày thứ 2 thì đưa bé đến viện.
Theo hồ sơ bệnh án: Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhi có biểu hiện lâm sàng như mắt lờ đờ, da xanh, mắt trũng sâu, sốt 40 độ C, dấu hiệu mất nước nặng. Không lấy được ven; mạch, tim đập không đều, phổi thông khí kém, bụng chướng và gan lách không to.
Hồ sơ cũng ghi rõ: Sau nhiều lần không lấy được ven, bệnh nhi được cho uống ozon, đặt ống truyền nước vào dạ dày. Tiếp đó, bác sỹ cho bệnh nhi thở oxy và bóp bóng. Lúc này, bé đã lịm đi, được chỉ đạo nhồi tim và tiêm 2 mũi thuốc. Tuy nhiên, sau 15 phút cấp cứu không có kết quả, bé được xác định tử vong vào lúc 7h cùng ngày.
Trước sự việc xảy ra, anh Võ Văn Hạnh, 36 tuổi, bố bé N., đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí về việc con trai 7 tháng tuổi tử vong nghi do bệnh viện tắc trách.
Liên quan đến việc này, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu, trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về trường hợp này, Sở Y tế tỉnh Nghệ An cần sớm họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc để có kết luận và hướng giải quyết.
Trước đó, theo kết quả họp Hội đồng chuyên môn bệnh viện vào ngày 6/2 xác định, nguyên nhân tử vong của bé N. là do shock nhiễm trùng, nhiễm độc, tiêu chảy cấp mất nước mức độ nặng.
Sau khi trẻ tử vong, bệnh viện đã tổ chức cuộc họp, phân tích và thảo luận với gia đình. Tại đây, gia đình đã viết đơn từ chối khám nghiệm tử thi và đưa thi thể cháu về quê mai táng.
Bé gái sinh ra vẫn còn nguyên trong bọc nước ối
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/be-gai-sinh-ra-van-con-nguyen-trong-boc-nuoc-oi-1121374.tpo
Thai nhi mới 28 tuần tuổi nhưng sản phụ có dấu hiệu đẻ non. Khi em bé ra đời vẫn còn nguyên trong bọc nước ối, điều kỳ diệu là sức khỏe em bé đang dần tiến triển tốt.
Tối 15/2, thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, khoa sản của bệnh viện vừa đỡ đẻ thành công một ca sinh non, thai nhi 28 tuần tuổi, ngôi ngược trong bọc nước ối vẫn chưa bị vỡ.
Trước đó, vào chiều 10/2, sản phụ Lô Thị Tuyết Sinh (SN 1990, trú tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An) được chuyển đến Bệnh viện Sản -Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội.
Ngay lập tức, các bác sỹ tiến hành siêu âm thì phát hiện cổ tử cung mở 2cm, ngôi ngược và có khả năng sinh non, thai nhi mới chỉ khoảng 1.000gr. Đến 0h (ngày 14/2), sản phụ Sinh đẻ ra một bọc ối.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Chung – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp là người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ cho biết: “Bọc ối vẫn còn nguyên vẹn chưa bị vỡ, cháu bé nằm cuộn tròn cơ thể trong bọc ối đó. Tôi và chị Đinh Thị Hồng Tâm (Điều dưỡng trưởng) đã đỡ đẻ thành công ca sinh khó gặp này”.
Sáng 15/2, sức khỏe của sản phụ Sinh đang dần hồi phục và đã được xuất viện. Còn bé gái đang nằm trong lồng ấp thở máy NCPAP, truyền dịch tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để theo dõi, sức khỏe đang tiến triển tốt.
Được biết, sản phụ Sinh đẻ con lần thứ 6, mà trước đó, 4 lần sản phụ đều sinh non ở tháng thứ 6, thứ 7. Về ca sinh này, các bác sỹ chuyên ngành cho biết, tỉ lệ em bé ra đời trong bọc nước ối còn nguyên vẹn chỉ chiếm tỉ lệ 1/80.000.
Đề phòng đau mắt đỏ bùng phát thành dịch
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/de-phong-dau-mat-do-bung-phat-thanh-dich-2924563-b.html
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương mỗi ngày có khoảng 150 - 200 bệnh nhân tới khám vì đau mắt đỏ. Theo các chuyên gia y tế, đây là hiện tượng khá lạ bởi đau mắt đỏ thường bùng phát thành dịch vào mùa hè. Do vậy các chuyên gia cảnh báo người dân, đặc biệt là các trường học cần chủ động phòng dịch, tránh việc bùng phát thành dịch lớn.
Bất thường!
Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng sau Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bác sỹ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, những ngày vừa qua lượng bệnh nhân đến khám với triệu chứng đau mắt đỏ tăng nhanh, thậm chí có ngày lên đến 168 trường hợp. Bệnh nhân đau đến khám sống tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Cũng theo vị bác sỹ này, năm nay dịch xuất hiện khá sớm và bất thường, do vậy người dân, đặc biệt là các trường học, cơ quan, văn phòng, nơi tập trung đông người cần chú ý các biện pháp phòng dịch.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Mắt Trung ương ngày 13/2 cho thấy, rất nhiều bệnh nhân đến khám với triệu chứng đau mắt đỏ. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội đưa con đi khám với các triệu chứng mắt sưng đỏ, nhiều gỉ mắt, hơi sốt nhẹ. Theo lời chị Hòa, cuối tuần qua gia đình đưa cháu đi công viên Cầu Giấy chơi, khi tối về cháu bảo mắt hơi đau, có gỉ, gia đình liền lấy nước muối sinh lý để rửa mắt cho cháu nhưng đến sáng tình trạng bệnh không cải thiện, do vậy gia đình phải đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Trung ương để khám.
Trước tình hình dịch diễn biến bất thường, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khả năng đau mắt phát triển thành dịch, do đó, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình ổ dịch viêm kết mạc cấp trên địa bàn quản lý, đặc biệt chú trọng trong các nhà trẻ, trường học. Các đơn vị điều trị tăng cường nhân lực, thuốc, vật tư đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân; chú trọng phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện do đây là bệnh rất dễ lây lan trong môi trường không thông thoáng, tiếp xúc gần, dùng chung dụng cụ, đồ vật. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc phục vụ cho tiếp nhận khám và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh đau mắt.
Không nóng vội trong điều trị đau mắt đỏ
Nói về bệnh đau mắt đỏ, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo, đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người.
Theo các chuyên gia y tế, đại đa số các trường hợp đau mắt đỏ chỉ cần rửa vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày là bệnh tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau 3 - 4 ngày, mắt sẽ không còn tiết dử, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt. Tuy nhiên theo bác sỹ Hoàng Cương, trên thực tế, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng mắt trầm trọng hơn bởi sự nôn nóng trong điều trị, khi kết hợp cả Đông y và Tây y trong điều trị những mong bệnh nhanh khỏi, đặc biệt nhất là việc xông lá trầu không và tiêm kháng sinh vào mắt khiến mắt càng sưng nề, khó chịu hơn.
Các bác sỹ cũng lưu ý, với đau mắt đỏ, kháng sinh không phải là quan trọng nhất, chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ. Theo các chuyên gia y tế, khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chứa thành phần corticoid. Nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa, thuốc có thể gây những biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.
Về phía Bộ Y tế, theo ông Trần Đắc Phu, cơ quan này đã có văn bản khuyến cáo người dân phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, người dân thực hiện tốt các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
An toàn thực phẩm liệu có đến “giới hạn đỏ”?
http://vneconomy.vn/thoi-su/an-toan-thuc-pham-lieu-co-den-gioi-han-do-2017021502343112.htm
Việt Nam đang xuất khẩu đến những đối tác rất khó tính, như vậy thì thực phẩm có đến mức mất an toàn...
“Các bộ đều nói ban hành văn bản đầy đủ, tiêu chuẩn định mức có cả, kiểm tra thường xuyên, nhưng vì sao tình hình an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương vẫn ở mức báo động, nhiều nơi đã đến “giới hạn đỏ”. Vậy trách nhiệm các bộ thế nào?”.
Câu hỏi này được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra tại buổi làm việc của đoàn giám sát với các bộ về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, sáng 15/2.
Ba bộ có trách nhiệm trả lời câu hỏi của ông Hiển gồm: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Đây là các bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Hồi âm đầu tiên đến từ Bộ trưởng Bộ Y tế - cơ quan đang giữ vị trí “nhạc trưởng” quản lý an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trước khi trả lời thẳng câu hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tiến đề cập đến một sự việc nghiêm trọng vừa xảy ra ở Lai Châu. Một người chết do uống phải rượu không an toàn, sau đó nhiều người đên đưa đám lại uống đúng cái rượu đó, nhiều người đi cấp cứu và 6 người nữa đã chết.
“Cái này phải đưa về xử lý hình sự”, bà Tiến nói.
Liên hệ đến câu hỏi của Phó chủ tịch, Bộ trưởng Tiến nói, đương nhiên để xảy ra tình trạng “báo động đỏ” của an toàn vệ sinh thực phẩm, thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về ba bộ, nhưng như vụ việc nêu trên thì chính quyền địa phương nơi sản xuất rượu, và cả công an xã đó nữa, cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng, nếu sửa luật, nếu xã hội hoá được, thực hiện được các giải pháp theo đề xuất của các bộ thì cũng chỉ có thể từ “báo động đỏ” sang “báo động vàng”, chứ để “xanh” được thì rất khó.
Bà Tiến cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến “báo động đỏ” của an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, và Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi cần phải quan tâm sâu sắc hơn tới điều này, chứ “để chết người thì còn nói chuyện gì nữa”.
Cũng hồi âm câu hỏi của ông Hiển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, an toàn thực phẩm còn do rất nhiều nguyên nhân và cần được xử lý từ gốc của vấn đề. Trong tình hình sản xuất nhỏ như hiện nay, cả nước có tới 78 triệu mảnh ruộng manh mún, thì còn cần phải có thời gian.
Nhưng Bộ trưởng cũng thông tin một con số được cho là lạc quan, đó là hiện Việt Nam xuất khẩu nông sản đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị 32,1 tỷ USD, và vào toàn thị trường cao cấp.
Dẫn lại con số này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặt lại vấn đề: Việt Nam đang xuất khẩu đến những đối tác rất khó tính, như vậy thì thực phẩm có đến mức mất an toàn như Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhận xét hay không?
Theo ông Khánh thì nếu có sự việc chết 7 người như ví dụ Bộ trưởng Tiến nêu, thì cần phải báo động cho địa bàn đó, còn nếu đánh giá tình hình chung của cả nước thì cần khách quan hơn.
“Vì nếu là “báo động đỏ” thì không thể xuất khẩu đến 32,1 tỷ USD nông sản, lớn đến thế được”, ông nói.
Qua thực tế giám sát, ông Khánh nhận xét, nếu ở đâu chính quyền địa phương quan tâm sâu sát thì tình hình sẽ rất khác. Vì thế, cơ sở giết mổ ở Đồng Nai có sự khác biệt rất lớn với các nơi khác, hay an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ không phải nơi nào cũng như nhau.
“Như vậy lỗi có phải ở ba bộ ở Trung ương, nếu lỗi ở ba bộ thì cả 63 tỉnh thành đều không làm được chứ?”, ông Khánh đặt vấn đề.
Ông Khánh cũng đồng tình là chế tài còn nhẹ, và cần suy nghĩ lại về câu chuyện này.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng bản chất những yếu kém trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm không nằm ở chế tài không đủ mạnh, vì Bộ luật Hình sự có nhiều quy định khá nghiêm khắc. Bản chất câu chuyện nằm ở người được giao thẩm quyền không làm hết trách nhiệm.
Ông Bộ kể rằng, khi giám sát ở xã, hỏi một số cán bộ thì họ bảo họ biết rõ địa chỉ vi phạm, nhưng không dám xử lý, vì xử thì mai về làng ăn cỗ họ còn ngồi được với ai nữa. “Vấn đề là người có thực quyền không làm và cứ trì trệ như thế suốt, phải giải mã việc này nếu không thì tình hình cứ thế thôi”, ông Bộ nhấn mạnh.
“Ăn cỗ là việc cá nhân, anh nhận tiền thuế của dân mà lại lo chuyện ăn cỗ, nếu anh thiên về tình cảm như thế thì đừng làm cán bộ nữa cho nó rõ ràng rành mạch”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói khi kết luận buổi làm việc.
Đáp lại phản biện của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh về nhận định tình hình, ông Hiển cho rằng phải “nhìn thẳng vào sự thật, không bôi đen cũng không tô hồng, thấy rõ khuyết điểm mới có thể khắc phục được”.
Nhắc lại đánh giá ban đầu là tình hình thì báo động, còn chạm “ranh giới đỏ” thì có nhiều địa phương và một số lĩnh vực, ông Hiển nói, câu hỏi hiện nay bao nhiêu phần trăm hàng hoá, sản phẩm đã được kiểm soát của ông chưa được bộ nào trả lời. Mà có trả lời thì mới khẳng định được là có sạch hay không.
Cũng theo ông, chính vì chưa có câu trả lời cho câu hỏi trên, nên cũng có thể xuất khẩu thì sạch còn trong nhà thì xài những thứ không sạch.
Diễn biến bệnh thủy đậu và tay chân miệng "làm nóng" cộng đồng mạng
Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, trong tuần từ 7-13/2, dịch bệnh tay chân miệng và thủy đậu là các dịch bệnh thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và truyền thông trong tuần.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 7-13/2, có 56 lượt đăng tải thông tin liên quan đến chủ đề này trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Những bài viết này thu hút gần 400 lượt tương tác và nhiều bình luận về phòng bệnh nói trên, trong đó bệnh tay chân miệng được quan tâm nhiều nhất.
Báo điện tử VietnamPlus (cùng với baomoi.com, anninhthudo.vn, sức khỏe đời sống, bnews.vn là 5 trang tin tức, báo điện tử đăng tải nhiều nhất về các nội dung trên.
Tay chân miệng có ở tất cả các địa phương
Ngày 15/2, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh tay chân miệng hiện nay đã trở thành bệnh lưu hành, xuất hiện ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Nhìn lại quá khứ, trong năm 2012, số trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng rất nặng, với tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh đã giảm đi, số ca mắc bệnh nặng cũng giảm đi. Bên cạnh đó, việc cấp cứu điều trị đã tốt hơn.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2-5 và từ tháng 9-12.
Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam.
Từ đầu năm đến đầu tháng Hai, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tình hình mắc bệnh tay chân miệng tại một số nước trong khu vực châu Á trong năm 2016: Trung Quốc có hơn 2,1 triệu người, Singapore gần 40.000 ca mắc, Nhật Bản: gần 62.000 ca mắc, Việt Nam: 50.000 người.
Trong năm 2016, trên toàn quốc có hơn 50.000 ca mắc, giảm 16% so với 2015, số ca tử vong giảm hơn so với năm 2015.
10 địa phương có số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cao nhất trong cả nước trong năm 2016 gồm: Thành Phố Hồ Chí Minh (hơn 17.000 trường hợp), Gia Lai (hơn 12.000 trường hợp), Đắc Lắc (hơn 10.000 trường hợp), tiếp đó là Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bến Tre.
Chưa có vắcxin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Phân tích về công tác điều trị bệnh tay chân miệng, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, đến nay bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên mặc dù hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Vì vậy, người dân không nên chủ quan mà cần nắm tốt công tác phòng bệnh.
Nhân viên y tế trả lại bệnh nhân 5 triệu đồng đánh rơi
Nhặt được ví đựng 5 triệu đồng, chị Phạm Thị Hương nhân viên khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, báo với lãnh đạo và phát loa truyền thanh tìm người đánh rơi.
Sáng 14/2, trong lúc dọn vệ sinh khu vực, chị Hương nhặt được một chiếc ví ở hành lang, bên trong ví có 5 triệu đồng. Chị trình báo lãnh đạo, thông báo lên loa truyền thanh của bệnh viện tìm người đánh rơi.
Bà Nguyễn Thị Chiến 67 tuổi, trú xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, nghe thông báo đã đến nhận là chủ nhân chiếc ví. Bà Chiến cho hay đến bệnh viện khám bệnh đã sơ ý đánh rơi ví.
''Tôi rất cảm ơn chị Hương đã trả lại ví. Đây là số tiền tôi tích góp được trong dịp Tết, hiện dùng để trang trải chi phí chữa bệnh'', bà Chiến nói.
Bác sĩ Hoàng Song Hào, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, chị Hương là một nhân viên nhiệt tình, tận tâm, được mọi người yêu mến. ''Bệnh viện sẽ tuyên dương hành động đẹp của chị Hương'', bác sĩ Hào nói.
Nguy cơ virus cúm gia cầm H7N9 lây lan mạnh tại Trung Quốc
http://www.vietnamplus.vn/nguy-co-virus-cum-gia-cam-h7n9-lay-lan-manh-tai-trung-quoc/430830.vnp
Chính quyền Trung Quốc cho biết đã có 79 người tử vong do virus cúm gia cầm H7N9 trên cả nước trong tháng Một vừa qua, làm dấy lên lo ngại đây sẽ là đợt lây lan virus tồi tệ nhất ở nước này.
Theo số liệu do Ủy ban Kế hoạch Gia đình và Sức khỏe quốc gia công bố chiều 14/2, số người tử vong trong tháng Một vừa qua do H7N9 cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số người tử vong do virus này lên 100 người kể từ tháng 10/2016.
Những số liệu mới nhất trên càng khiến dư luận lo ngại về nguy cơ tái bùng phát những đợt khủng hoảng dịch tại nước này như đợt bùng phát dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) vào năm 2002.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, ngày 15/2 cho biết mọi hoạt động giao dịch gia cầm sống tại thành phố sẽ tạm dừng trong 2 tuần do lo ngại dịch cúm gia cầm H7N9.
Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 16 đến 28/2 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này tới con người. Tất cả các chợ gia cầm được yêu cầu dọn dẹp và khử trùng hoàn toàn.
Dịch cúm gia cầm H7N9 đã xuất hiện tại một số tỉnh thành trên khắp Trung Quốc trong năm nay.
Quảng Châu và một số khu vực lân cận đã ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh trên người.
Theo các chuyên gia, tháng Hai và Ba tới là giai đoạn quan trọng để ngăn chặn virus H7N9 lây lan.
Một số tỉnh như Tứ Xuyên, Hunan và Chiết Giang cũng đã đưa ra các biện pháp đối phó với loại virus gây chết người này với việc tạm dừng giao dịch gia cầm sống.
Trường hợp virus H7N9 lây nhiễm sang người tại Trung Quốc được biết đến đầu tiên vào tháng 3/2013.
Chủng virus này thường bùng phát trong khoảng thời gian mùa Đông và mùa Xuân hàng năm./.