Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 17/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; Lần đầu tiên áp dụng thành công mổ nội soi u hốc mắt qua đường mũi tại Việt Nam; “Thầy pháp” dùng roi dâu đánh hai chị em ruột suýt chết để đuổi ma; Hà Nội: Cẩn trọng với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch; Đề xuất bãi bỏ 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; Ca ghép tế bào gốc không cùng huyết thống thành công đầu tiên tại Việt Nam; ...

 

Nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/34720302-nang-cao-suc-khoe-nhan-dan-la-su-nghiep-cua-toan-dang-toan-dan.html

Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, duy trì nòi giống của dân tộc. Nghị quyết Hội nghị T.Ư sáu, khóa XII đã chỉ ra nhiều giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Nghị quyết số 20-NQ/T.Ư của Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII đã nêu bật những kết quả đạt được sau 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII với những kết quả nổi bật. Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn đời sống và xu thế của thời đại. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, đủ khả năng triển khai hiệu quả phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tiếp nhận các dịch vụ y tế cũng như ứng phó kịp thời thiên tai, thảm họa. Các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô; y tế dự phòng được tăng cường, đã kiểm soát và phòng, chống tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được củng cố, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái tháo đường tại cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên… Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt hơn 73,1 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển; là điểm sáng trong việc đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ; Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật ghép tạng, ghép tế bào gốc, ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật…

Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tăng. Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, hướng tới BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính y tế hướng tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, chuyển dần việc đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT, Nhà nước chỉ bao cấp cho người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, người trong diện chính sách… và hỗ trợ một phần kinh phí cho người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, do một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp xu thế thế giới và tình hình mới trong nước, nhất là nhu cầu cần được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng, cũng như trình độ dân trí được nâng lên, giao thông đi lại thuận tiện, trình độ khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển, do vậy người dân đã quan tâm đến sức khỏe của mình. Trong khi đó, mô hình bệnh tật có sự thay đổi cơ bản, từ các bệnh truyền nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích. Mặt khác, tốc độ già hóa dân số đòi hỏi phải đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe để đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật và thích ứng với già hóa dân số. Nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn; các hành vi, lối sống có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, các tệ nạn ma túy, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh và sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài ra, nước ta đang hội nhập với quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, giao thông thuận lợi đòi hỏi các cơ sở y tế phải được quy hoạch lại theo khu vực, cụm dân cư, đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, phương thức quản trị của các đơn vị y tế công lập để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghị quyết 20 đã nhấn mạnh, một trong những giải pháp rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để triển khai được các nội dung cụ thể của giải pháp này, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất trong nhận thức, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, các tổ chức đảng cần xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình; tổ chức lấy ý kiến, thảo luận dân chủ trong cán bộ, đảng viên, chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, Chính phủ, Quốc hội rà soát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực thi Nghị quyết từ trung ương đến cơ sở. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng và đưa các chỉ tiêu về y tế được nêu tại Nghị quyết vào các kế hoạch, chương trình hành động, chiến lược, đề án phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết. Các chi bộ cần đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thành một trong những nội dung sinh hoạt định kỳ. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương; gắn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân với các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền và giáo dục các tầng lớp xã hội, đến cộng đồng dân cư, đến từng gia đình và người dân để họ tích cực, chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của các loại hình nhằm tuyên truyền và đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Thông tin báo chí cũng góp phần xây dựng và điều chỉnh nghị quyết phù hợp tình hình và điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống từ thông tin báo chí, các cơ quan lãnh đạo, quản lý đã xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.

 

Bé 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

https://laodong.vn/suc-khoe/be-2-thang-tuoi-tu-vong-sau-khi-tiem-tai-benh-vien-san-nhi-bac-ninh-576538.ldo

Sự việc xảy ra tại Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Ninh chiều 16.11. Theo phản ánh của người nhà, bệnh nhi 2 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc tại BV. Người nhà cho rằng, bác sĩ đã tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhi và đã không cố tình giấu giếm.

Cũng theo người nhà bệnh nhi, khi nhân viên y tế vừa rút kim hoàn tất việc tiêm cho bệnh nhi thì bé có biểu hiện co rút, nguy kịch. Mặc dù đã được cấp cứu nhưng bé không qua khỏi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, người nhà bức xúc đã vây quanh khu bệnh nhi đang điều trị của BV yêu cầu làm rõ nguyên nhân khiến bé tử vong.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Lao Động, BS Lê Văn Nam, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh xác nhận đúng là sự việc trên xảy ra tại BV chiều nay (16.11).

Theo BS Nam, bệnh nhi 2 tháng tuổi vào viện điều trị đến nay đã được 14 ngày. Bệnh nhi được xác định viêm phổi nặng phải điều trị tích cực. Do bệnh khá nặng, bệnh nhi được chỉ định tiêm thuốc Percef (Ceftriaxon) – thuốc do Châu Âu sản xuất. Bệnh nhi được tiêm bằng máy (do còn quá nhỏ), hơn nữa, BV Sản Nhi Bắc Ninh đã thực hiện tiêm bằng máy cho tất cả bệnh nhi đến điều trị tại đây để đảm bảo an toàn, chính xác.

“Thuốc bệnh nhi sử dụng tiêm là thuốc đã được tiêm trong những ngày qua, vẫn thuốc đó, lô đó”, BS Nam khẳng định.

Sau khi thực hiện mũi tiêm vào đầu giờ chiều ngày 16.11, bệnh nhi có biểu hiện bất thường. Ngay lập tức, BV đã gọi điện mời chuyên gia của BV Nhi Trung ương về. Tuy nhiên, bệnh nhi đã không qua khỏi.

Thời điểm này, BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh; đồng thời, mời công an tỉnh Bắc Ninh vào làm việc, giám định pháp y. BV cũng đã mời Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc làm việc.

Cũng theo BS Nam, hiện toàn bộ lô, vỏ thuốc thực hiện tiêm cho bệnh nhi đã được niêm phong. Thuốc sử dụng tiêm cũng được lưu tại BV. Kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự việc, BV sẽ chờ kết quả của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân khiến bệnh nhi tử vong nghĩ nhiều tới sốc phản vệ.

Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh cũng lấy làm tiếc về sự việc đã xảy ra: “Đây là điều không ai mong muốn. Thời điểm này, phía gia đình bệnh nhi đang rất bức xúc. Điều này là dễ hiểu. Bên cạnh việc mời cơ quan chức năng vào làm việc, BV cũng đã thăm hỏi, động viên người nhà bệnh nhi, đồng thời giải thích cho người nhà hiểu”.

Sự việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.

 

Hà Tĩnh: Hàng chục người thân mang thi thể sản phụ đặt giữa sân bệnh viện

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hang-chuc-nguoi-than-mang-thi-the-san-phu-dat-giua-san-benh-vien-20171116084553746.htm

Cho rằng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân có liên quan đến cái chết bất thường của sản phụ Hồ Thị H (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), người nhà đã mang thi thể sản phụ đặt giữa sân bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

Vào 16h chiều ngày hôm qua (15/11) hàng chục người nhà sản phụ Hồ Thị H (Sn 1982, khối 7 thị trấn Xuân An, Hà Tĩnh) đã đưa thi thể sản phụ tới và đặt ngay giữa sân BV huyện Nghi Xuân.

“Chúng tôi đề nghị phía bệnh viện phải ra đối chất để làm rõ về cái chết bất thường này. Họ phải có trách nhiệm trước cái chết đối với vợ tôi”, anh Trần Anh Đức (chồng của sản phụ H.) nói.

Theo người nhà của nạn nhân cho biết: Khoảng 9h sáng ngày 15/11, chị H. được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân để sinh con lần 3.

Trước thời điểm nhập viện, sản phụ chỉ đau bụng nhẹ, sức khỏe bình thường. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, phía Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân đã tiến hành mổ lấy thai theo yêu cầu.

Khi bác sĩ kíp mổ đưa cháu bé ra ngoài, đã đồng thời thông báo cho phía gia đình biết về tình trạng hết sức nguy kịch, xuất huyết nặng của sản phụ, buộc cắt bỏ tử cung để cầm máu.

Thấy tình trạng sản phụ H. không cải thiện, hết sức nguy kịch, khoảng 12h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân đã chuyển chị H. ra Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An nhưng chị H. đã tử vong ngay sau đó.

Cho rằng cái chết của sản phụ H. là quá bất thường, lỗi là do kíp mổ sinh của Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân nên phía gia đình sản phụ đã thuê xe, đưa thi thể sản phụ về đặt ngay giữa sân bệnh viện này.

Tới khoảng 19h cùng ngày, người nhà sản phụ và bệnh viện đã làm một biên bản thỏa thuận thống nhất hướng xử lý vụ việc. Trong đó, số tiền hỗ trợ là 200 triệu đồng, bệnh viện đưa trước 30 triệu đồng, còn lại 170 triệu đồng sẽ được thanh toán vào ngày 20/11.

Lúc này gia đình mới đưa thi thể chị H. về quê mai táng, cháu bé cũng được đưa về nhà chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Thanh Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cho biết: Hiện vẫn chưa thể làm rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của sản phụ. Phía bệnh viện cũng đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra lại quy trình tiếp nhận và xử lý.

“Chúng tôi đã đồng ý hỗ trợ ban đầu số tiền 30 triệu đồng gọi là tiền mai táng phí cho phía gia đình sản phụ vì hoàn cảnh sản phụ hết sức khó khăn. Số tiền hỗ trợ là tiền quyên góp của cán bộ bệnh viện.

Đây chỉ mới là thỏa thuận tạm thời, hai bên sẽ có một cuộc làm việc khác để tìm hướng giải quyết dứt điểm về vụ việc này”, ông Sơn cho biết thêm.

 

“Thầy pháp” dùng roi dâu đánh hai chị em ruột suýt chết để đuổi ma

http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/thay-phap-dung-roi-dau-danh-hai-chi-em-ruot-suyt-chet-de-duoi-ma-a209662.html

http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/tru-ta-ma-hai-chi-em-ruot-bi-thay-phap-danh-bam-dap-phai-nhap-vien-cap-cuu_47787.html

Theo lời người nhà, “thầy pháp” đã sắm 27 cây roi, cứ đánh gãy cây này thì lại dùng cây khác để đánh khiến hai người phụ nữ bầm tím, sưng nề, ngất xỉu...

Chiều ngày 16/11, Bác sĩ Vũ Dzuy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân là chị em ruột, sống ở Bình Dương cùng nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cả 2 bệnh nhân đều có rất nhiều vết bầm tím trên người.

Người nhà cho biết, cách đây 1 tháng, chị N.T.Th (47 tuổi) có biểu hiện thường xuyên nói nhảm, tự xưng là hồn ma của ông bà. Thấy vậy, gia đình đã mời một "thầy pháp" từ Đắk Lắk xuống nhà để làm phép trừ tà cho chị N.T.Th.

Vào ngày 14/11, "thầy pháp" xuống nhà riêng của vợ chồng chị N.T.Th để làm phép. Theo người nhà, mỗi lần làm phép, “thầy” dùng một cây roi bằng cây dâu tằm rất to để đánh liên tiếp vào người chị Th. Mỗi lần làm phép này diễn ra từ 1-1,5 giờ đồng hồ. Tuy chị Th. bị bầm tím khắp người, nhưng “thầy” vẫn tiếp tục làm phép cho chị Th thêm 1 lần vào ngày 15/11. Sau đó, khi chị Th. gần ngất xỉu, “thầy” phán rằng ma đã từ chị T.T.Th nhập sang cô em gái là N.T.N (34 tuổi). Do vậy, thầy đã tiến hành làm phép luôn cho chị N.T.N.

Sau khi được thầy làm phép, 17 giờ cùng ngày, cả hai chị em bị mệt, khó thở. Đến lúc này gia đình mới tá hỏa đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã sơ cứu, chăm sóc ban đầu, trước tình trang thương tích nguy cơ đe dọa tính mạng cả hai bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Anh N.N.Cường, chồng chị N.T.N cho biết, mỗi lần làm phép, “thầy” đuổi hết người nhà ra ngoài. “Thầy” sắm 27 cây roi, cứ đánh gãy cây này thì lại dùng cây khác để đánh.

Theo BS Vũ Dzuy, bệnh nhân Th. chuyển đến trong tình trạng rất nặng với chẩn đoán đa chấn thương. Trong đó, nguy hiểm nhất là chấn thương vùng cổ có tụ máu lớn gây suy hô hấp, hôn mê sâu. Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, chuyển lên khoa Hồi sức Tích cực. Người em gái của Th. là chị N. bị bầm máu toàn thân với chẩn đoán suy thận cấp. Bệnh nhân đã tỉnh, được chuyển đến khoa Nội thận điều trị.

 

Hà Nội: Cẩn trọng với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/ha-noi-can-trong-voi-nguy-co-benh-soi-lan-thanh-dich_t114c9n127060

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Thủ đô đã cơ bản được khống chế khi có tới 5.042/5.243 ổ dịch đã trải qua 14 ngày không ghi nhận thêm ca bệnh mắc mới. Hà Nội cũng đã trải qua 11 tuần liên tiếp ghi nhận số ca mắc SXH liên tục giảm. Mừng là vậy nhưng người dân Thủ đô lại đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh sởi lan thành dịch do tiêm phòng không đầy đủ.

Bệnh SXH cơ bản được khống chế

Mặc dù dịch SXH đã giảm mạnh nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng cũng như người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch. Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh giám sát và triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống SXH. Người dân vẫn cần thường xuyên vệ sinh nơi ở, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt và tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế, chính quyền trong các hoạt động phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 36.345 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Trong tuần từ ngày 6 đến 12/11, Hà Nội ghi nhận 490 trường hợp mắc SXH; cụ thể, 19 quận, huyện có số mắc giảm và 11 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước. Như vậy, dịch bệnh SXH có xu hướng giảm mạnh.

Sởi có nguy cơ lan thành dịch

Tuy nhiên, số ca bệnh sởi đang tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Tuần qua ghi nhận thêm 10 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 189, trong đó 63 trường hợp dương tính với sởi (tăng 61 ca so với năm 2016) và 1 ca tử vong.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa Đông - Xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Cũng theo ông Hạnh, trên địa bàn Hà Nội, khu vực xuất hiện bệnh nhân sởi năm nay rất rộng, rải rác tại 53 xã, phường của 24/30 quận, huyện, thị xã. Theo chu kỳ, dịch sởi xuất hiện từ 3 đến 5 năm/lần. Do vậy, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, nguy cơ dịch sởi sẽ quay lại sau vụ dịch năm 2014 khiến hơn 140 trẻ tử vong.

Còn theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số bệnh nhân mắc sởi rải rác tại 24 quận, huyện và có xu hướng tăng trong các tuần gần đây với trung bình là 4-5 bệnh nhân/tuần. Trong số các trường hợp mắc sởi có 30% chưa đến tuổi tiêm chủng, 70% đã đến tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Điều đáng nói là rất nhiều trẻ mắc sởi do chưa tiêm phòng như Bệnh viện Saint Paul gần đây ghi nhận 17 ca mắc sởi đều do chưa tiêm vaccine, trong đó một số trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Còn Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 2 tháng gần đây mỗi tháng tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng cũng chưa đến tuổi tiêm phòng.

Kịp thời cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc sởi

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn gửi các đơn vị trong và ngoài công lập thuộc ngành Y tế Hà Nội yêu cầu tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi theo quy định của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế để chủ động trong công tác khám và điều trị cho người bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác khám và điều trị bệnh sởi; tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi cho trẻ để phòng bệnh.

Ngay tại khoa khám bệnh cần tổ chức khám, sàng lọc, phát hiện kịp thời, cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc sởi hoặc xác định mắc sởi theo đúng quy trình, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Do vậy, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố đối với trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hằng tuần cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng bệnh sởi thay vì 1 tháng/lần như hiện nay.

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tiêm vaccine đầy đủ

Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi, hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vaccine sởi -rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, vì thế không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ…

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Bảo đảm nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 

Đơn giản hóa thủ tục hành chính khám chữa bệnh: Tiết kiệm 300 tỷ/năm

http://phunuvietnam.vn/khoe/don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-kham-chua-benh-tiet-kiem-300-tynam-post35387.html

"Chỉ riêng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, mỗi năm đã tiết kiệm hơn 300 tỷ đồng", Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thông tin.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế chiều ngày 15/11.

Theo ông Quang, vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nằm trong Đề án tổng thể cải cách TTHC Nhà nước để xây dựng quốc gia vững mạnh có hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật. Sau đó, thực hiện xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hoạt động vì lợi ích của nhân dân cũng như doanh nghiệp.

Đối với ngành y, Bộ Y tế cũng đã có đề án kiểm soát TTHC. Ngay từ năm 2010, Bộ đã đơn giản 227 TTHC. Theo đánh giá của Chính phủ, nhờ việc đơn giản 227 TTHC trên, người dân, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng/năm. Hàng năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ vẫn thường xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC. Tuy nhiên, TTHC trong y tế khá nhiều, nên Bộ đưa ra nhóm thủ tục trọng tâm, trọng điểm liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Từ năm 2015, Bộ đã rà soát 2 nhóm TTHC mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh của người dân và thủ tục khám bệnh và chữa bệnh. Với việc đơn giản hóa thủ tục như vậy, theo đánh giá mỗi năm tiết kiệm được 300 tỷ đồng/năm liên quan đến nhóm thủ tục của khám, chữa bệnh.

Cũng theo ông Quang, năm 2017, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết rà soát 17 TTHC, chủ yếu liên quan đến các giấy tờ của công dân, dân cư, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Một số lĩnh vực thuộc về kiểm soát TTHC nói chung, trong đó có việc xây dựng các văn bản thì Bộ cũng tổ chức đánh giá tác động của văn bản luật và dưới luật; tiếp nhận các kiến nghị về TTHC; tổ chức kiểm tra thường xuyên thực hiện ở các địa phương.

Ông Quang cho biết, hiện có 564 thủ tục hành chính, chia ra 11 lĩnh vực thuộc ngành y tế như khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, trang thiết bị y tế; giám định y khoa… Trong đó có những thủ tục do Bộ Y tế thực hiện, còn lại những thủ tục do địa phương triển khai (Sở Y tế).

Hiện nay, việc xử lý, giải quyết TTHC trong ngành y có sự phân cấp rõ ràng. Cụ thể, trong số 564 TTHC có 288 thủ tục là TƯ thực hiện, còn lại là địa phương triển khai. Ví như lĩnh vực giám định y khoa có 61 thủ tục thì chỉ có 1 thủ tục do Bộ Y tế thực hiện, còn 60 thủ tục giao cho địa phương tổ chức. Hay những lĩnh vực liên quan đến y tế dự phòng có 97 thủ tục thì 55 thủ tục là Bộ cung cấp, còn lại là giao cho địa phương; Khám bệnh chữa bệnh có 149 thủ tục thì Bộ chỉ làm 62 thủ tục, còn lại 87 thủ tục giao cho địa phương.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang triển khai cơ chế 1 cửa Quốc gia. Trong đó, có liên thông cơ chế Hải quan một cửa quốc gia. Hiện tại, Bộ đã kết nối được 5 lĩnh vực, gồm an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh qua cổng 1 cửa quốc gia. “Dự kiến, trong năm 2018, sẽ hoàn thành trên phạm vi toàn quốc cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 lĩnh vực thuộc Bộ Y tế”, ông Quang cho hay.

Cũng theo ông Quang, những thủ tục một cửa quốc gia Bộ đang thực hiện dưới hình thực dịch vụ công cấp độ 4. Ví như lĩnh vực y tế dự phòng 6 thủ tục; an toàn thực phẩm là 5 thủ tục; trang thiết bị là 9 thủ tục hành chính. Dự kiến, đến năm 2020, các vấn đề liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu thì được quá cảnh thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công cấp độ 4 và thu phí điện tử.

 

Đề xuất bãi bỏ 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

https://laodong.vn/suc-khoe/de-xuat-bai-bo-5-thu-tuc-hanh-chinh-trong-linh-vuc-an-toan-thuc-pham-576421.ldo

Bộ Y tế đang đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia đăng ký sản xuất, kinh doanh.

Ngày 15.11, thông tin với báo ch,í bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế: cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong quản lý ATTP.

Theo đó, 5 nhóm thủ tục hành chính đề xuất Chính phủ gồm: Điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016; Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Quảng cáo thực phẩm và xác nhận kiến thức về ATTP.

Cũng theo bà Nga, theo đề xuất sẽ bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện với cơ sở kinh doanh thực phẩm; bãi bỏ 8 điều kiện với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bãi bỏ điều kiện đối với cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; bãi bỏ 9 điều kiện đối với sản xuất kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

So với Nghị định số 38/2012, dự thảo Nghị định sửa đổi đã lược bỏ bớt các thủ tục hồ sơ không cần thiết.

Bộ Y tế cũng đề xuất chỉ kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng; đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu; được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương…

"Như vậy, 95% các lô hàng nhập khẩu sẽ không cần kiểm tra hồ sơ”, bà Nga thông tin. Với các sản phẩm kiểm tra thông thường, thời gian kiểm tra hồ sơ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày.

Theo kế hoạch, tháng 12, Bộ Y tế trình CP Nghị định 38 sửa đổi, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp "than" Nghị định này rườm ra, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.

 

Ổ dịch tiêu chảy ở mái ấm Đức Quang đã làm 2 bé tử vong

http://vov.vn/xa-hoi/o-dich-tieu-chay-o-mai-am-duc-quang-da-lam-2-be-tu-vong-696400.vov

Tại ổ dịch tiêu chảy xảy ra ở mái ấm Đức Quang, thuộc chùa Vạn Đức tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã có 2 trường hợp trẻ bị tử vong.

Liên quan đến ổ dịch tiêu chảy xảy ra ở mái ấm Đức Quang, thuộc chùa Vạn Đức tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre mà VOV đã thông tin; đến nay, đã có 2 trường hợp trẻ bị tử vong. Cả 2 em đều là trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại chùa Vạn Đức và được nuôi dạy tại mái Ấm Đức Quang. Hai trẻ này tử vong do bị bệnh tiêu chảy nặng và nhiễm trùng máu.

Như vậy, đến nay, tại mái ấm Đức Quang đã có 38 trong tổng số hơn 100 trẻ bị nhiễm các bệnh: tiêu chảy, sốt phát ban, bệnh sởi... Các bệnh nhân này đã được đưa đến điều trị tại các bệnh viện. Trong số này có 4 em còn nhiễm bệnh đang nằm viện để được điều trị. 

Ngày 16/11, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre, Trung tâm Y tế huyện Bình Đại tiếp tục đến mái ấm Đức Quang lấy mẫu kiểm nghiệm và hỗ trợ mái ấm Đức Quang thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và lấy mẫu xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Hương, Phó Giám đốc Mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức, chia sẻ: "Sức khỏe của các em đang dần ổn định, chỉ gọi là tạm thôi chứ môi trường sống tập thể của các em đã có khả năng lây nhiễm chéo rồi, nhưng cơ thể có đề kháng nên chưa bộc lộ bệnh. Hiện tại thầy trụ trì cũng đang nhờ các ngành, đoàn thể, trung tâm y tế xuống hỗ trợ khử khuẩn, diệt trùng, cách ngừa cho các em có khả năng lây bệnh. Đối với các em mới đi bệnh viện về cũng cách ly 1 tuần rồi mới cho sinh hoạt chung lại với các em khác"./.

 

Cần Thơ: Ca tử vong vì tay chân miệng đầu tiên tính từ đầu năm 2016

http://phunuvietnam.vn/khoe/can-tho-ca-tu-vong-vi-tay-chan-mieng-dau-tien-tinh-tu-dau-nam-2016-post35426.html

Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên trong mùa dịch tay chân miệng năm nay.

Được biết, bệnh nhân là bé T.M.T (7 tháng tuổi, ngụ tại khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Đầu tháng 11, gia đình phát hiện bé T. bị bệnh đã đưa đến bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để khám và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi thấy bệnh tiến triển nặng, gia đình hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện Đa khoa Ô Môn kiểm tra. Dù được bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm, gia đình lại tiếp tục đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.

Bệnh nhi được Bệnh viện quận Ô Môn chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV, phải đặt nội khí quản thở máy. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và thực hiện các phương pháp điều trị theo đúng quy trình.

Sau 3 ngày điều trị, bé diễn biến khá nên được cai máy thở, chuyển sang thở ôxy qua mũi, nhưng gia đình vẫn yêu cầu được chuyển lên tuyến trên điều trị. Sau khi chuyển lên TPHCM điều trị, bệnh tình của bé lại đột ngột trở nặng, dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa, bé đã tử vong vào tối 8/11.

Cơ quan y tế TP Cần Thơ đã phối hợp với địa phương tìm đến gia đình bé để chia buồn, đồng thời tiến hành các biện pháp phòng dịch lây lan ở cộng đồng. Được biết, trường hợp bé T. có nguồn lây chưa rõ ràng vì bé còn nhỏ chưa đi học, ít tiếp xúc với bên ngoài. Đây là thời điểm dịch tay chân miệng đang có những diễn biến đáng lo ngại, vì dự báo đỉnh dịch có thể xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tại Cần Thơ đã ghi nhận 842 ca mắc tay châm miệng, tăng 47 ca so với cùng kỳ 2016.

Trong đó các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là: Ninh Kiều 191 ca, Phong Điền 121 ca, Ô Môn 113 ca. Trường hợp bé T là ca tử vong đầu tiên vì tay chân miệng tại Cần Thơ tính từ đầu năm 2016 đến giờ.

Tại các tỉnh lân cận, bệnh tay chân miệng đang cao đỉnh điểm, Đồng Tháp trên 5.600 ca (tăng trên 90%), Cà Mau trên 1.800 ca (tăng 100%), Trà Vinh gần 1.700 ca, Vĩnh Long và An Giang mỗi tỉnh ghi nhận khoảng 2.000 ca... Theo trung tâm y tế dự phòng các địa phương, số ca bệnh tăng cao và nhiều trường hợp dấu hiệu không rõ ràng nên khó khăn trong việc nhận biết để điều trị sớm.

Theo giới chuyên môn, bệnh tay chân miệng do 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây nên, khi mắc bệnh, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Bệnh lây lan rất nhanh và chủ yếu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khi trẻ bị mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Thông thường, khi trẻ nhiễm bệnh, chân, tay, miệng sẽ bắt đầu xuất hiện các mụn nước, khoảng 7-10 ngày, các mụn nước sẽ khô lại và đóng vảy. Với trẻ mắc bệnh, phụ huynh vẫn nên tắm gội cho con bình thường để đảm bảo vệ sinh, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với thể trạng của bé. Đồng thời, nên cách ly trẻ với những bé khác để tránh lây nhiễm, nếu bé đang đi học, bố mẹ nên cho bé nghỉ ở nhà để chăm sóc tốt hơn. Phụ huynh cần theo dõi sát sao diễn biến bệnh, nếu bé có biểu hiện bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế kiểm tra và điều trị ngay.

 

Sốt xuất huyết giảm, bệnh sởi "lên ngôi'

https://laodong.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-giam-benh-soi-len-ngoi-576453.ldo

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội giảm liên tục trong 7 tuần qua nhưng số ca mắc sởi có dấu hiệu nhích lên. Bệnh sởi cần được khống chế, tránh xảy ra dịch sởi như năm 2014.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, SXH tại Hà Nội đã giảm 80%, tức từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày. Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận).

Tuy nhiên, bệnh sởi tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng. Tại hội thảo về phòng, chống bệnh sởi chiều 15.11, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 63 ca mắc dương tính với virus sởi, 1 ca tử vong. Nếu những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1- 2 ca/tháng thì từ tháng 9.2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc sởi. Năm nay, dịch sởi đang có diễn biến phức tạp, phân bố dịch sởi năm 2017 tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.

TS Cảm khuyến cáo, chu kỳ dịch sởi tại Việt Nam rút ngắn lại khoảng 4 – 5 năm, trước đây là 9 – 10 năm. Nhiều người đặt vấn đề, liệu virus sởi có bị biến chủng hay không. Từ 2013 - 2015, virus sởi chưa có sự đột biến.

"Điều đáng lo ngại là dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong vòng 5 năm gần đây, vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1 – 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi", TS Cảm cho hay.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. 

"Mặc dù dịch SXH giảm mạnh, nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng cũng như người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch. Dù bệnh sởi chưa bùng phát mạnh nhưng nếu lơ là dịch có thể bùng phát. Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi dù ở mức cao nhưng không thể đạt 100%. Hàng năm, ngoài 97-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ", TS Cảm cảnh báo.

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đang triển khai các đợt tiêm vét vaccine sởi để bảo đảm các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa dịch bệnh.

 

Ca ghép tế bào gốc không cùng huyết thống thành công đầu tiên tại Việt Nam

http://toquoc.vn/Thoi_su/ca-ghep-te-bao-goc-khong-cung-huyet-thong-thanh-cong-dau-tien-tai-viet-nam-263801.html

Ngày 16/11, các bác sỹ Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vào ngày 15/5, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Q.D.A, sinh năm 1992, ngụ tại tỉnh Cà Mau, được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML). Đối với bệnh lý huyết học ác tính này, phương pháp duy nhất để điều trị hiệu quả và có thể hết bệnh là dị ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho khỏe mạnh.

Cũng theo bác sỹ Dũng thì do không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp với kháng nguyên hòa hợp tổ chức (HLA) với bệnh nhân nên các bác sỹ Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã liên hệ với Trung tâm Tzu Chi (Đài Loan, Trung Quốc) để tìm người hiến tế bào gốc phù hợp.

Đến ngày 14/7, Trung tâm Tzu Chi thông báo đã tìm được ứng cử viên hiến tế bào gốc có kháng nguyên hòa hợp tổ chức phù hợp hoàn toàn với người bệnh. Đến cuối tháng 9/2017, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Q.D.A.

Diễn tiến cuộc ghép được theo dõi sát bởi đội ngũ chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm ghép tế bào gốc tạo máu của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, người bệnh đã bước sang ngày thứ 57 của quá trình ghép, sức khỏe dần ổn định, kết quả xét nghiệm xác định tỉ lệ mọc mảnh ghép cho thấy 100% tế bào là của người hiến tặng tế bào gốc.

Theo bác sĩ Phù Chí Dũng, đây là ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam và là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp.

 

Cắt bỏ u xơ tử cung nặng gần 3kg, cứu sống nữ bệnh nhân

https://laodong.vn/suc-khoe/cat-bo-u-xo-tu-cung-nang-gan-3kg-cuu-song-nu-benh-nhan-576502.ldo

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công một khối u xơ tử cung nặng 2,8kg trong người một nữ bệnh nhân.

Chiều 16.11, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn, thông tin, bệnh viện vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công một khối u xơ tử cung nặng 2,8 kg trong người bệnh nhân.

Trước đó, khoảng 8 giờ, ngày 14.11, bà Mai thị N. (49 tuổi), trú xã Điện An, thị xã Điện Bàn đến khám ở khoa phụ sản của bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức. Sau khi qua thăm khám, chụp phim, các bác sĩ đã khuyên bà N. nên mổ vì khối u quá lớn. Đến ngày 15.11, sau hơn 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ khoa phụ sản của bệnh viện đã cắt bỏ thành công khối u xơ tử cung có trọng lượng 2,8 kg. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân N. đang dần hồi phục.

 

Gần 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hiến máu tình nguyện

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/883025/gan-500-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-tham-gia-hien-mau-tinh-nguyen

Ngày 16-11, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội hiến máu tình nguyện” năm 2017.

Ngày hội đã thu hút gần 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối các cơ quan thành phố, trong đó nòng cốt là đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia hiến máu và thu được gần 400 đơn vị máu.

Phát biểu tại ngày hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Phùng Khải Lợi cho biết: Với tinh thần “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, qua 5 năm tuyên truyền, phát động và triển khai thực hiện thường niên, “Ngày hội hiến máu tình nguyện” đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên các cơ quan, đơn vị trong khối tham gia hiến máu, thu được gần 22 nghìn đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Số lượng người đăng ký hiến máu và số đơn vị máu được tiếp nhận năm sau luôn cao hơn năm trước. Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi hiến máu của cán bộ, đảng viên trong khối, góp phần tích cực cùng cộng đồng khắc phục tình trạng khan hiếm máu.

Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tham gia hiến máu; tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện, tạo sự lan tỏa sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên khối các cơ quan thành phố.

 

Thai nhi 39 tuần suýt tử vong vì dây rốn quấn cổ nhiều vòng

http://phunuvietnam.vn/nhat-ky-benh-vien/thai-nhi-39-tuan-suyt-tu-vong-vi-day-ron-quan-co-nhieu-vong-post35439.html

Trong khi theo dõi sản phụ chờ sinh, bác sĩ phát hiện nhịp tim thai rất thấp nên phẫu thuật gấp. Kíp mổ phát hiện dây rau xoắn rất chặt, nhiều vòng liên tiếp và sát nhau, nếu chậm 10 phút nữa thì thai nhi sẽ tử vong ngay trong bụng mẹ.

Ngày 16//11, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thanh – Phó giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, BV vừa cứu sống thai nhi 39 tuần bị suy thai cấp do dây rốn xoắn tím nhiều vòng.

Trước đó, sản phụ Trần Thị Nhu (27 tuổi, xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) mang thai tuần thứ 39 và đến BV chờ sinh. Khi theo dõi cơn co tử cung và monitoring tim thai, nhân viên y tế phát hiện có một nhịp tim thai rất thấp, chỉ khoảng 70-80 nhịp/phút. Các bác sĩ nhận định rây rốn của thai nhi có bất thường nên hội chẩn gấp quyết định mổ cấp cứu.

Trong quá trình mổ, kíp thực hiện phát hiện dây rau xoắn rất chặt, nhiều vòng liên tiếp và sát nhau, đoạn xoắn liên tục dài khoảng 40cm và vị trí dây rốn bị xoắn lại tiếp xúc ngay sát bụng thai nhi. Khi mổ lấy thai, đoạn xoắn chặt đã bị tím ngắt lại, máu và không khí không thể lưu thông.

Theo bác sĩ Thanh, dây rau xoắn và dây rau quấn cổ không phải là trường hợp hiếm gặp nhưng thông thường chỉ với 5cm/vòng xoắn thì vẫn có thể đảm bảo em bé được cung cấp dinh dưỡng và oxy đầy đủ. Với trường hợp này, nếu không kịp thời được phẫu thuật thì chỉ khoảng 10 phút nữa là em bé có thể bị suy hô hấp, dẫn tới tử vong trong bụng mẹ.

 Sau hơn 1 tiếng thực hiện, các bác sĩ đã lấy ra em bé nặng 3,2kg. Hiện tại, tình trạng cả 2 mẹ con sản phụ ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện vào ngày mai.

Những trường hợp sa dây rau, dây rau xoắn, dây rau thắt nút thường khó có thể chẩn đoán được trước sinh. Thông thường trước sinh muốn phát hiện thì phải sử dụng siêu âm doppler động mạch rốn hay động mạch não em bé và kết hợp monitoring theo dõi nhịp tim thai liên tục mới phát hiện ra được. Nhưng ở những tháng cuối của thai kì thì ít có chỉ định doppler thai.

Bác sĩ Thanh cho biết thêm, về cơ bản, những trường hợp này đều xảy ra khá bất ngờ và nếu không kịp thời xử trí sẽ trở thành tai nạn nghề nghiệp. Để xử trí những trường hợp suy thai cấp do xoắn dây rốn nhiều vòng như trường hợp bệnh nhân Trần Thị Nhu thì đội ngũ y bác sĩ đóng vai trò quan trọng. Với BV Sản Nhi Bắc Ninh, nhân viên y tế, y bác sĩ đã được trải qua nhiều lớp tập huấn, trang bị kiến thức, chuyển giao kỹ thuật của các BV tuyến trên nên rất tự tin với chuyên môn. Ngoài ra, hệ thống máy móc, trang thiết bị của BV cũng được đầu tư hiện đại, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho các ca phẫu thuật.

 

Lần đầu tiên áp dụng thành công mổ nội soi u hốc mắt qua đường mũi tại Việt Nam

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/34730502-lan-dau-tien-ap-dung-thanh-cong-mo-noi-soi-u-hoc-mat-qua-duong-mui-tai-viet-nam.html

Thông tin từ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, lần đầu tiên một nữ bệnh nhân được các bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh I – Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thực hiện phẫu thuật nội soi u hốc mắt qua đường mũi. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng thành công tại Việt Nam.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh cho biết, khoảng 5 tháng trước, chị N.T.M.T (42 tuổi) thấy có mắt trái có biểu hiệu mắt sưng đau nhức, nước mắt chảy nhiều và giảm thị lực. Bệnh nhân đã đi mổ Glucom nhưng không thấy thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân T đã được giới thiệu xuống khám tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.

Qua thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân N.T.M.T. bị u hốc mắt trái, kích thước 21x17x23mm, khối gây đè đẩy các cơ vận nhãn, nhãn cầu và dây thần kinh thị giác vào trong làm lồi nhãn cầu trái độ I. Các bác sỹ khoa Phẫu thuật Thần kinh I đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật nội soi cắt u hốc mắt cho bệnh nhân qua đường mũi.

Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, “Bằng phương pháp mổ nội soi cắt u hốc mắt qua đường mũi, chúng tôi cùng GS Janakiram Trichy Narayanan – Bệnh viện Royal Pearl đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u cho bệnh nhân. Chỉ năm giờ sau mổ, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, tỉnh táo và tiếp xúc tốt”.

Trước đây, người bị u hốc mắt phải trải qua phẫu thuật mở nắp sọ (trán hoặc keyhole), đường mổ lớn, thời gian mổ kéo dài, nguy cơ tai biến rất cao. PGS Đồng Văn Hệ cho biết, nhờ ứng dụng phẫu thuật nội soi qua đường tự nhiên của cơ thể là lỗ mũi giúp ca phẫu thuật nhẹ nhàng, không đau, không để lại sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.

Thành công của kỹ thuật mới này mở ra thêm nhiều cơ hội cho các bệnh nhân không may bị bệnh u hốc mắt.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang