600 lương y đi làm giúp việc vì không được cấp chứng nhận
Dù trình độ tay nghề cao hay thấp, 600 người hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền được chuẩn hóa sau năm 2004 đều không có chứng nhận lương y, phải đi làm giúp việc tại các phòng mạch.
Đó là thông tin được lương y Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y, TPHCM nêu lên tại buổi thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Viện Y Dược học Dân tộc, TPHCM.
Cụ thể, trước đây những người tham gia khám chữa bệnh trong lĩnh vực y học cổ truyền đều được cấp cưhngs nhận lương y sau khi trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kết hợp với Hội Đông y và Viện Y Dược học Dân tộc chuẩn hóa. Tuy nhiên, từ năm 2004 các quy định về đào tạo cũng như những thay đổi trong hoạt động quản lý khám chữa bệnh khiến những người dù đã được chuẩn hóa nhưng vẫn không được chứng nhận lương y nên không đủ điều kiện xin cấp chứng chỉ hành nghề. Cộng dồn trong những năm qua, số người này đã lên tới hơn 600 người.
Lương y Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y thành phố cho rằng, đây là một sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực khám chữa bệnh y học cổ truyền. Những người đã được chuẩn hóa đều có đủ năng lực tham gia khám bệnh, kê toa, bốc thuốc nhưng do không được cấp chứng chỉ hành nghề nên trên không đủ điều kiện khám chữa bệnh, phải đi làm giúp việc trong các phòng mạch.
Lý giải cho vấn đề trên, PGS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng: Bên cạnh những thay đổi theo cơ chế quản lý về y học cổ truyền thì khái niệm “lương y” với những người mới được chuẩn hóa từ bản chất đã sai. Tất cả mọi người hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền đều gọi là lương y thì không ổn. Bởi lương y phải là người thầy thuốc rất giỏi có y đức, y thuật.
Nếu phải thừa nhận khái niệm mang tính lịch sử thì việc cấp chứng nhận lương y cũng cần xem xét lại. Bởi không ít cơ sở trên cả nước chỉ thực hiện chuẩn hóa hoặc đào tạo qua loa để thu tiền, năng lực chuyên môn của những người được đào tạo rất hạn chế.
Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao quyền cho Sở Y tế TPHCM phối hợp với Hội Đông y lập Hội đồng để xét duyệt, cấp chứng nhận lương y cho những đối tượng nêu trên nếu đã đủ các điều kiện theo quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị ngành Đông y thành phố cần triển khai các giải pháp nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho cộng đồng trên cơ sở kết hợp giữa đông y và tây y, tiến tới mỗi cơ sở khám chữa bệnh đều có phòng chẩn trị đông y sử dụng dược liệu tự nhiên hoặc điều trị bệnh bằng những liệu pháp xoa bóp, ấn huyệt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành y tế thành phố có giải pháp để các lương y tham gia vào việc khám chữa bệnh cho người dân tại các trạm y tế xã phường; lương y tham gia vào mô hình bác sĩ gia đình, tạo cơ hội cho người dân được thụ hưởng những tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, đồng thời nâng cao năng lực y tế dự phòng, cải thiện chất lượng chuyên môn của y tế tuyến cơ sở.
Bệnh nhi tử vong tại TP HCM âm tính với não mô cầu
Kết quả xét nghiệm ban đầu mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hôm nay xác định bệnh nhi 30 tháng tuổi ở quận 8 âm tính với viêm não mô cầu. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác Sở Y tế đã chuyển mẫu bệnh phẩm sang Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm.
Ngày 17/2, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM xác nhận, trên địa bàn thành phố vừa có một ca bệnh tử vong nghi do nhiễm não mô cầu. Trước đó, ngày 10/2 bệnh nhi 30 tháng tuổi này nhập viện điều trị với các biểu hiện đau đầu, sốt cao, nổi ban....Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 đã thực hiện báo cáo nhanh gửi đến Sở Y tế xin ý kiến chỉ đạo về công tác khoanh vùng dịch đồng thời tuyên truyền phòng chống bệnh não mô cầu cho người dân quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Sở Y tế TPHCM cũng lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả test nhanh tại bệnh viện Nhi Đồng 1 âm tính nhưng để có kết quả chuẩn xác nhất về bệnh Sở Y tế đã gửi mẫu xét nghiệm đến Viện Pasteur.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết việc thăm khám lâm sàng cho thấy bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nổi ban nên nghi ngờ bị não mô cầu nhưng chưa xác định.
Bác sĩ Khanh cho biết, não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidisgây ra. Đây là loại vi khuẩn thường trú ở vùng hầu họng khi có điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ vì ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. “Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi”- bác sĩ Khanh cảnh báo đồng thời vi khuẩn não mô cầu có thể tấn công vào bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh.
Theo các chuyên gia khi dấu hiệu và triệu chứng dễ nhận biết của bệnh tùy thuộc vi khuẩn xâm chiếm vào cơ quan nào của cơ thể như hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, hệ tiết niệu sinh dục, máu, da…
Tuy nhiên, hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện đặc hiệu sốt cao đột ngột 39oC đến 40oC; đau đầu dữ dội, nhất là vùng trán và sau gáy; cổ cứng; nhiễm trùng huyết, xuất hiện tử ban, nguy cơ tử vong cao.
Hiện viêm não mô cầu đã có vắc xin chủng ngừa, do đó để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng nên chủ động chích ngừa để phòng bệnh; giữ vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, súc miệng, rửa mũi bằng nước muối. Cả người lớn và trẻ em khi có biểu hiện nhiễm bệnh, cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp.
Xuất hiện các ca bệnh có trong tiêm chủng: Bộ Y tế lên tiếng
http://www.nguoiduatin.vn/xuat-hien-cac-ca-benh-co-trong-tiem-chung-bo-y-te-len-tieng-a315711.html
Thời gian gần đây, nhiều ca bệnh liên quan tới ho gà, thủy đậu, quai bị... xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em khiến không ít người lo lắng.
Trước vấn đề này, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế).
Thưa Cục trưởng, cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã xuất hiện các ca bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng như ho gà, thủy đậu... Tại sao chúng ta tiêm phòng, tuyên truyền nhưng vẫn có những ca bệnh như vậy?
Trước tiên chúng ta thấy những bệnh có vacxin là thành tựu rất lớn và Việt Nam đã làm tốt chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều bệnh có vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm đi rất nhiều.
Tới thời điểm này chúng ta vẫn giữ vững được thành quả thanh toán bại liệt, mặc dù bại liệt có ở 1 số nước khu vực Trung đông; chúng ta vẫn giữ vững được thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh...
Các bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm đi rất nhiều. Tuy vậy vẫn còn một số bệnh như ho gà hay vừa qua, có số mắc một vài trường hợp về bạch hầu tại Bình Phước, Quảng Nam.
Chúng tôi nhận định rằng, có thể xảy ra những bệnh này vì chưa phải chúng ta đã loại trừ và thanh toán. Khi chưa thanh toán và loại trừ chúng ta vẫn ghi nhận các trường hợp xảy ra.
Để làm tốt vấn đề này chúng ta phải đạt được tiêm chủng quy mô 90 – 95% trên tất cả các xã phường chứ không phải quy mô tỉnh, huyện để nói rằng chúng ta không còn những vùng không tiêm chủng.
Gám đốc các sở Y tế phải biết trong tỉnh mình những vùng nào có tỉ lệ tiêm phòng thấp, chúng ta phải can thiệp. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo, áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ tiêm chủng tại các khu vực đó.
Về cơ bản với vấn đề quy mô chúng ta đã giải quyết được ở tuyến huyện, tỉnh, còn quy mô xã phường chúng ta ưu tiên tập trung cho vùng sâu, vùng xa.
Như vậy ở đây không phải sự bất thường mà là thách thức cần giải quyết vì thành quả chúng ta vẫn duy trì tốt.
Thực tế cuối năm 2015, đầu năm 2016 chúng ta phải đối mặt với câu chuyện người dân không tin vào vacxin Quinvaxem và nhiều người không đi tiêm hoặc tiêm không đúng lịch, tiêm muộn. Đây có phải là nguyên nhân mà ho gà, viêm gan B, viêm não... có thể quay trở lại trong thời gian tới?
Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình có sự ưu tiên, ưu tiên những bệnh nào lây lan mạnh, ưu tiên những bệnh nào có số ca tử vong cao...
Chúng ta đã chứng kiến dịch sởi năm 2014, 2015 nhưng sau khi chúng ta tổ chức tốt chiến dịch tiêm vacxin sởi-rubella cho hơn 20 triệu trẻ em thì đến cuối năm 2015, đầu 2016, đặc biệt chúng ta không còn ca bệnh nào. Giá trị của tiêm chủng là như vậy.
Vừa qua cũng phải xác nhận ngoài phản ứng của vacxin Quinvaxem, vacxin có thành phần ho gà toàn tế bào và sự khan hiếm của một số vacxin dịch vụ mà có thành phần ho gà vô bào thì cũng chứng kiến một số bệnh dịch nhưng đặc biệt ho gà tăng cao.
Trong năm 2016, bộ Y tế đã tập trung giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, chúng tôi tập huấn cho toàn hệ thống cán bộ, bác sĩ lâm sàng cũng như hệ thống tiêm chủng. Làm tốt công tác này đảm bảo an toàn nhưng đặc biệt tập huấn những vấn đề cấp cứu sau tiêm.
Thứ hai, làm tốt tuyên truyền ích lợi của tiêm chủng. Thứ ba, với vacxin dịch vụ, ở một số tỉnh có nhu cầu cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp đầy đủ. Như vậy tỉ lệ vacxin trong đó có các vacxin có thành phần tương đương tỉ lệ tiêm chủng cao. Năm 2016 và thời gian gần đây, các bệnh liên quan tới Quinvaxem không bùng phát hay tăng cao.
Từ năm 2016 tới nay, chúng ta thấy quai bị xuất hiện ở cả người lớn, trẻ em, số ca mắc chưa bùng phát cao nhưng đã rải rác, mà bệnh này cũng có vacxin dự phòng. Vậy ông giải thích thế nào về vấn đề này?
Chúng tôi cũng theo dõi, thứ nhất, quai bị là bệnh lây lan và có vacxin nhưng chưa phải là bệnh mà có vacxin đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Quai bị lây qua đường hô hấp, chỉ giải quyết được khúc mắc khi có chuyện tiêm vacxin nhưng việc tiêm chủng chỉ tập trung giải quyết cho những đối tượng đi tiêm dịch vụ, ở thành phố lớn nơi người dân có điều kiện kinh tế.
Hiện nay chúng ta giám sát tốt hơn, không phải số ca mắc tăng lên và người mắc bệnh chịu khó đi đến những cơ sở y tế để được điều trị tốt hơn.
Theo thống kê theo dõi chúng tôi biết rằng, trước đây cứ đến mùa nào là dịch bệnh đó nổi lên. Ví dụ các bệnh liên quan tới quai bị, cúm... vào mùa lại có tình trạng người dân nằm hết bệnh xá, trạm y tế. Nhưng lúc đó chúng ta chưa thống kê được như ngày nay.
Rõ ràng hiện nay phải xác định người dân có bệnh cần tới cơ sở y tế để theo dõi, nhờ đó sự giám sát của ngành y tế cũng tốt hơn.
Việt Nam cảnh báo cúm gia cầm tiến sát biên giới
Ngày 17-2, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành, cho biết dịch cúm gia cầm H7N9 đang diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh thành ở Trung Quốc...
Đã có 340 trường hợp mắc, tử vong khoảng 40%, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ 2013 trong vòng 2 tháng qua, đặc biệt trong số 13 tỉnh thành có dịch ở Trung Quốc có Quảng Đông và Quảng Tây là nơi có du lịch và giao lưu thương mại nhiều với VN.
Ông Long cũng cảnh báo Tổ chức Thú Y thế giới (OIE) cho biết có một số vụ dịch cúm H5N1 rải rác tại tỉnh Svayrieng (Campuchia), là tỉnh có chung đường biên giới với VN.
Vì vậy Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành tăng cường thu giữ gia cầm nhập lậu, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để xảy ra hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch và không rõ nguồn gốc trên địa bàn, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Tại các cửa khẩu cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, ngành nông nghiệp giám sát dịch bệnh chủ động trên đàn gia cầm.
Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, chỉ sử dụng thịt/sản phẩm gia cầm đã nấu chín. Khi có tiếp với gia cầm và chất thải gia cầm cần có bảo hộ và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.
Năm 2016, 6 phụ nữ có thai nhiễm Zika bỏ thai, thai lưu
Ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhận xét như vậy tại hội nghị tăng cường công tác chống dịch khu vực phía Nam, được Bộ Y tế tổ chức tại Viện Pasteur TP. HCM ngày 16-2.
Theo ông Long, hai dịch bệnh này là sốt xuất huyết và Zika. Nhiều khu vực bệnh sốt xuất huyết tăng thì Zika cũng tăng theo.
6 phụ nữ có thai nhiễm Zika bỏ thai, thai lưu
Cũng tại hội nghị này, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết từ tháng 3-2016 đến nay, tại khu vực phía Nam có 227 ca nhiễm bệnh do virút Zika. TP.HCM có số ca mắc nhiều nhất với 207 ca, sau đó đến Đồng Nai (7 ca), Bình Dương (6 ca), Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước, Lâm Đồng đều có 1 ca.
Trong năm 2016, khu vực phía Nam có 41 thai phụ bị nhiễm virút Zika, trong đó 6 trường hợp phải bỏ thai hoặc thai lưu, 9 trường hợp đã sinh con và 26 trường hợp đang được theo dõi. Tuy nhiên, những tỉnh chưa phát hiện có ca nhiễm cũng nên củng cố hệ thống giám sát vì Zika tất yếu sẽ có mặt ở khắp nơi.
Trong quá trình thực tế lấy mẫu giám sát, các chuyên gia có nhận định rằng khi nào bệnh sốt xuất huyết tăng thì số mẫu lấy để giám sát Zika cũng tăng theo.
Nguy hiểm vì ít có biểu hiện lâm sàng
Theo PGS Phan Trọng Lân, 80% các ca bệnh do virút Zika không có biểu hiện lâm sàng nên nguồn bệnh, sự lây lan của bệnh rất dễ dàng. Do vậy không chỉ bảo vệ những người chưa mắc mà cần bảo vệ cả những người đã mắc để không bị lây lan. Bệnh do virút Zika gây dị tật thai nhi.
PGS Phan Trọng Lân dự báo sẽ gia tăng bệnh do virút Zika trong năm 2017 ở các tỉnh khu vực phía Nam. Nếu không có kế hoạch ứng phó dịch bệnh do virút Zika từ đầu năm sẽ có khả năng bùng phát dịch.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng phải luôn cảnh giác, đề phòng với những dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Khu vực phía Nam cần tập trung phòng chống những dịch bệnh đang hiện hữu như sốt xuất huyết, Zika, tay chân miệng.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch năm 2017, trình UBND phê duyệt, xây dựng kịch bản trong phòng chống dịch bệnh khi có ca bệnh, nhiều ca bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc trị, văcxin phòng ngừa nên các đơn vị cần đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế để giảm số ca tử vong xuống đến mức thấp nhất.
Số người sốt xuất huyết ở Tây nguyên tăng gần 5 lần
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cho biết số ca mắc bệnh sốt xuất huyết của 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum trong năm 2016 là 32.457 ca, tăng gấp 4,8 lần so với số ca mắc bệnh sốt xuất huyết của 4 tỉnh này trong năm 2015.
Nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Tây nguyên là do trong năm 2016 Tây nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino. Khi nhiệt độ tăng đã tạo điều kiện cho muỗi, bọ gậy và lăng quăng phát triển. Ngoài ra có thể do tích tụ các ca bệnh rải rác từ nhiều năm trước...
Bệnh Zika tiếp tục lây lan, khó kiểm soát
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có thêm 13 trường hợp mới mắc Zika nâng tổng số bệnh nhân lên 219. Căn bệnh trên rất khó kiểm soát, đang là thách thức lâu dài đối với ngành y tế.
12 tỉnh thành bị Zika tấn công
Đó là vấn đề nổi cộm về dịch bệnh truyền nhiễm được PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ra trong Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017 (ngày 16/2)
Theo đó, năm 2016 dịch Zika là mối đe dọa lớn tại khu vực các tỉnh phía Nam và một phần Miền Trung – Tây Nguyên. Đến nay, trên cả nước đã có 219 trường hợp nhiễm Zika tại 12 tỉnh, thành (13 ca trong 2 tháng đầu năm 2017). Ít nhất 1 bệnh nhi ngụ tại Đắk Lắk đã được xác định bị tật đầu nhỏ do vi rút Zika gây ra. TPHCM đang là điểm nóng của căn bệnh này với 199 người đã được xác định dương tính.
Kết quả giám sát dịch Zika năm 2016 đã ghi nhận 41 thai phụ mắc Zika. Trong đó, đã có 6 ca bỏ thai, 9 ca sinh sống, 26 ca đang được theo dõi. Bệnh có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng trong năm 2017 nếu không có kế hoạch giám sát, ứng phó, không kiểm soát được véc tơ truyền bệnh.
Cục Y tế Dự phòng cũng cảnh báo, về nguy cơ kết hợp giữa hai loại bệnh do muỗi Asdes là sốt xuất huyết và Zika trong cùng một ổ dịch. Từ thực tế khảo sát đã nghi nhận trong ổ dịch sốt xuất huyết có muỗi dương tính với vi rút Zika. Loại bệnh này đang có những diễn biến rất khó lường, những hiểu biết về Zika còn hạn chế nên bệnh vẫn là thách thức lớn đối với y tế toàn cầu.
Khó kiểm soát được véc tơ truyền bệnh
Phân tích chuyên môn của PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur, TPHCM chỉ ra: Hầu hết trường hợp mắc Zika đều là bệnh nhẹ, với những biểu hiện đặc trưng không rõ ràng, chỉ 20% có triệu chứng, 80% không có triệu chứng. Mặt khác, bệnh có thể lây truyền khi chưa có biểu hiện rõ ràng nên công tác phát hiện, dự phòng rất khó khăn.
Từ những hiểu biết ban đầu về 2 đường lây truyền của bệnh là muỗi và mẹ lây sang con, đến nay đã khám phá thêm 2 đường lây truyền khác là quan hệ tình dục và truyền máu. Ngoài tật đầu nhỏ, một số trẻ sinh ra với cơ thể bình thường, tuy nhiên mắc Zika bẩm sinh khiến trẻ bị chậm phát triển. Các nghiên cứu về sự nguy hiểm của Zika đang tiếp tục được triển khai ở nhiều nước, nguy cơ về nguy hiểm khác của bệnh có thể chưa dừng lại.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, vi rút Zika đang lưu hành trên diện rộng tại Việt Nam. Hiện, công tác dự phòng, tầm soát bệnh đang được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, ở các tỉnh thành khác những phương án tầm soát, phát hiện bệnh chưa được triển khai đồng bộ nên nguy cơ ca bệnh xuất hiện và lây lan trong cộng đồng ở mức cao.
Khẳng định, những người mắc bệnh không có biểu hiện lâm sàng thì rất khó phát hiện nếu không tiến hành xét nghiệm. PGS Phan Trọng Lân đề nghị Bộ Y tế cần có các giải pháp giám sát tích cực, đề phòng nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng có thể xảy ra. Theo PGS Trọng Lân, cuộc chiến với Zika chỉ mang lại hiệu quả khi huy động được cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống, xử lý ổ dịch khi phát hiện, truyền thông để người dân hiểu về bệnh, có giải pháp tự phòng bệnh... Việc giám sát y tế công cộng là khâu then chốt với sự kết hợp của cả hệ thống y tế công lập và tư nhân trên cơ sở lồng ghép giám sát 3 tác nhân gồm: sốt xuất huyết, Chik và Zika cho những đối tượng có biểu hiện sốt phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp. Theo dõi, chăm sóc tốt sức khỏe cho phụ nữ mang thai, có giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động bởi Zika.
Để chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ tiến hành các nghiên cứu liên quan đến bản chất bệnh Zika, kỹ thuật chẩn đoán bệnh, điều trị biến chứng để hạn chế tối đa những nguy hiểm do bệnh gây ra. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ có những giải pháp tăng cường kinh phí, năng lực chuyên môn cho các địa phương trong công tác phòng chống Zika và bệnh truyền nhiễm khác.
Dịch thủy đậu bùng phát với tốc độ lây lan nhanh
Thời điểm này, bệnh thủy đậu không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà người lớn cũng liên tiếp có người nhập viện.
Bệnh thủy đậu, hay nhiều địa phương còn gọi là bệnh trái rạ, gây ra bởi vi rút Varicella Zoster. Thời điểm đầu mùa hè, thời tiết nồm ẩm là thời điểm lý tưởng cho vi rút này phát triển và gây bệnh. 90% ca nhiễm bệnh là trẻ em. Các biểu hiện thường thấy ở người mắc thủy đậu đó là: sốt cao, toàn thân đau mỏi, mụn nước (thậm chí mụn có chứa mủ) xuất hiện ở mặt và cổ rồi lan đi toàn cơ thể.
Thủy đậu là căn bệnh rất phổ biến, không quá nghiêm trọng, bệnh nhân thường được kê thuốc điều trị tại nhà. Chính vì vậy, không ít người bệnh chủ quan, xem nhẹ quá trình phòng bệnh, chữa bệnh khiến bệnh trở nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cục Y tế dự phòng cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng qua, dịch bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 57 tỉnh, thành phố. Cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý, hiện đã có 1 trường hợp trẻ tử vong.
Đầu tháng 1/2017, một ổ dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện tại khu chế xuất Tân Thuận, chỉ riêng 1 công ty trong khu chế xuất này đã có trên 30 ca bệnh.
Ổ dịch thứ hai xuất hiện cùng thời điểm tại một cao ốc ở khu vực quận Tân Bình, tiếp đó, Thủy đậu cũng nhanh chóng lan đến nhiều công ty khác trên địa bàn TP HCM, báo Pháp luật Việt Nam đưa tin.
Một ngân hàng có trụ sở tại đường Cách mạng Tháng 8 có đến 5 nhân viên mắc thủy đậu, một công ty phát hành sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần 10 nhân viên phải nghỉ cũng do mắc thủy đậu.
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhiều công ty đã phải dán thông báo về việc phòng ngừa bệnh dịch này đến toàn thể nhân viên, và nhờ đến Trung tâm y tế dự phòng vệ sinh toàn bộ văn phòng.
Hiện tại, hai bệnh viện (BV) Nhi lớn ở TP.HCM là BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc thủy đậu là trẻ em. BV Nhi đồng 1 hiện ghi nhận gần 30 trường hợp điều trị nội trú. Nhiều trường hợp không thống kê được vì trẻ lớn bị mắc bệnh, gia đình tự để ở nhà điều trị mà không nhập viện.
Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, tình hình bệnh thủy đậu đang khá phức tạp, số ca mắc bệnh đang ra tăng nhanh. Đáng nói, không chỉ có trẻ em mắc căn bệnh này nhưng gần đây xuất hiện không ít số ca bệnh là người lớn nhập viện. Theo quan sát của phóng viên, tất cả những bệnh nhân nhập viện do thủy đậu do bôi thuốc nên mặt đều xanh như đổ mực.
Với tình trạng lây lan nhanh, nhiều người dân vô cùng hoang mang và lo lắng. Căn bệnh không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ em, người lớn và đặc biệt là những phụ nữ đang mang bầu.
Đối với thai phụ có nguy cơ bị biến chứng sang viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Tìm thêm độc chất dẫn đến vụ ngộ độc nghiêm trọng ở Lai Châu
Thông tin từ Sở Y tế Lai Châu cho hay trong số 49 người bị ngộ độc ở Lai Châu có một số người là phụ nữ và trẻ em, trong đó có cháu mới 7 tuổi và không uống rượu trong bữa ăn nhưng cũng có dấu hiệu bị ngộ độc.
Vụ ngộ độc xảy ra ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu từ 10 đến 16-2, có 8 người đã tử vong. Cơ quan chức năng đang tìm kiếm thêm các nguyên nhân (ngoài rượu chứa methanol hàm lượng cao) dẫn đến vụ ngộ độc nghiêm trọng này.
Được biết trong bữa ăn tại đám ma các ngày 11,12,13 tháng 2, các nạn nhân đã ăn cơm, thịt, đậu phụ, rau cải, một số người có uống rượu và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất. Theo các bác sỹ, nạn nhân cho biết họ uống rượu theo bát, mỗi người uống từ 1 đến vài bát.
Ông Đỗ Văn Giang, GĐ Bệnh viện đa khoa Lai Châu cũng cho biết có 8/10 bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện có hàm lượng methanol trong máu rất cao.
Thông thường hàm lượng methanol từ 20 mg/dl máu trở lên đã là ngộ độc, từ 40 mg/dl trở lên là ngộ độc rất nặng, nhưng bệnh nhân có hàm lượng methanol cao nhất trong số các trường hợp kể trên có hàm lượng methanol trong máu lên đến 326 mg/dl.
Ngày 17-2, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hoàn tất đợt hỗ trợ cho Lai Châu cấp cứu nạn nhân của vụ ngộ độc. Theo ông Mai Trọng Khoa, PGĐ Bệnh viện Bạch Mai kiêm trưởng đoàn công tác, tất cả những người bị ngộ độc được chuyển tới bệnh viện đều được cứu sống.
* Có thêm nạn nhân ngộ độc nhập viện
Ngày 17-2, đã có thêm một nạn nhân bị ngộ độc rượu vào viện ở Lai Châu. Đây là một nam giới và không dự các bữa cơm cùng 49 nạn nhân trước, nhưng ông này đã mua rượu cùng cửa hàng đã cung cấp rượu gây ngộ độc. Nạn nhân này bị ngộ độc rất nặng, có tổn thương não và được chỉ định cấp cứu ngay trong đêm. Đây là nạn nhân thứ 50 trong vụ ngộ độc.
Thực phẩm trong chợ Rạch Ông thiếu an toàn
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/thuc-pham-trong-cho-rach-ong-thieu-an-toan-683394.html
Nếu không mạnh tay xử lý thì tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ sẽ rất khó được cải thiện.
“Tôi nghe tiểu thương kinh doanh trong chợ Rạch Ông (quận 8, TP.HCM) nói do biết trước hôm nay HĐND TP.HCM giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ nên có sự chuẩn bị và mọi việc mới “đỡ” như vầy. Nếu đi giám sát đột xuất thì tình hình càng ghê hơn”. Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, nêu vấn đề trên trong buổi khảo sát vào sáng 17-2.
Bẩn và không nguồn gốc
Theo ông Bình, mặc dù có sự chuẩn bị trước nhưng chợ vẫn còn dơ, lối đi đọng nước. Không chỉ vậy, một số mặt hàng để gần mặt đất nên bùn sình văng lên. Nhiều sạp kinh doanh ngành hàng ăn uống sơ chế không đảm bảo khi người bán dùng tay trần bốc thức ăn.
“Nhiều sạp bán phụ gia thực phẩm nhưng không có nhãn mác. Chưa hết, tôi xem hóa đơn nhập hàng vào chợ của một sạp chỉ thấy liệt kê các mặt hàng, không ghi nơi cung cấp. Do vậy, nếu xảy ra sự cố thì khó truy xuất nguồn gốc” - ông Bình thông tin thêm.
Bà Nguyễn Thị Tố Trâm, Trưởng ban Bạn đọc - Công tác xã hội báo Người Lao Động, thắc mắc: “Trong chợ có vài sạp bán thịt heo truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, tem đã được kích hoạt dữ liệu sẵn và chỉ dán lên cục thịt khách hàng chọn mua. Vậy liệu có xảy ra thực trạng tráo thịt?”.
“Tôi thấy một chị chiên đậu hủ trong chảo dầu đen và thực sự lo ngại sức khỏe cho người ăn phải miếng đậu hủ này. Tôi hỏi thì chị này nói dầu đen của ngày hôm trước để lắng lại một ít rồi sử dụng cho ngày hôm sau. Ban quản lý chợ có khi nào xét nghiệm mẫu dầu đen này chưa?” - bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nói.
Không nộp phạt
Ông Trần Ngọc Phát, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Tân Kiểng (đơn vị quản lý chợ Rạch Ông), cho biết tiểu thương kinh doanh thịt heo khai thịt được mua ở chợ đầu mối Bình Điền và ở những chợ khác. Tuy nhiên, ban quản lý chợ không nắm chính xác thịt họ mua từ đâu. Ngoài ra, đa phần hàng khô, tạp hóa kinh doanh trong chợ không nhãn hiệu. Hỏi thì họ nói mua chỗ này, chỗ nọ… “Do kinh doanh nhỏ lẻ nên hầu hết hàng hóa không chứng từ, hóa đơn. Muốn có hóa đơn thì phải chịu thuế giá trị gia tăng, buộc tiểu thương phải tăng giá bán. Điều này tiểu thương không ai muốn” - ông Phát nói.
Ông Phát cho biết thêm có lần địa phương ra quyết định phạt năm hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống không đảm bảo điều kiện ATVSTP tổng cộng 350.000 đồng (70.000 đồng/hộ). Nhưng năm hộ này không đóng phạt và vẫn tiếp tục kinh doanh.
“Để cải thiện tình trạng vi phạm ATVSTP trong chợ Rạch Ông, tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền hỗ trợ ban quản lý nâng cấp chợ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý tiểu thương không chấp hành các điều kiện về ATVSTP” - ông Phát đề xuất.
Sài Gòn Co.op chưa thông tin nhà cung cấp vi phạm cho cơ quan quản lý
Chiều 17-2, cũng tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM tại Siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, nhiều ý kiến thắc mắc về quy trình kiểm soát nguồn hàng nhằm đảm bảo VSATTP khi đến tay người tiêu dùng. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) cho biết luôn chọn nhà cung cấp đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nhà nước, kiểm soát hàng hóa đầu vào và truy xuất nguồn gốc...
Đối với những mặt hàng nông sản như rau củ quả, thịt gia cầm, gia súc, Sài Gòn Co.op ưu tiên chọn hàng hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, GlobalG.A.P. Bên cạnh việc test mẫu ngẫu nhiên, năm vừa qua đơn vị đã xây dựng và đưa vào trung tâm kiểm nghiệm với đầu tư trang thiết bị, nhân sự gần 3,5 tỉ đồng để kiểm soát chất lượng hàng hóa bằng cách test nhanh 100% mẫu hàng tươi sống.
Đối với nguồn hàng được test có dấu hiệu vi phạm thì sẽ bị lập tức ngưng đưa hàng vào siêu thị, đem đi tiêu hủy và lấy mẫu đem ra ngoài phân tích sâu. Nếu vi phạm thì nhà cung cấp sẽ bị ngưng đưa hàng vào siêu thị trong vòng ba tháng, kể cả các mặt hàng khác không vi phạm. Tuy nhiên, đại diện Sài Gòn Co.op cũng thừa nhận thông tin nhà cung cấp vi phạm chỉ là nội bộ, hai bên tự xử lý với nhau chứ chưa thông báo cho cơ quan quản lý với mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thay đổi.
Sắp tới, ban quản lý chợ Rạch Ông cần quyết liệt yêu cầu tiểu thương kinh doanh thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Liên quan đến những bất cập trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc thịt heo, HĐND TP sẽ làm việc với Sở Công Thương TP.HCM để tìm biện pháp tháo gỡ.
Vụ ngộ độc 8 người tử vong: Nhiều phụ nữ, trẻ em không uống rượu cũng cấp cứu
Cơ quan chức năng nghi ngờ, vụ ngộ độc cỗ đám ma khiến 8 người tử vong tại Lai Châu không chỉ có do rượu. Vì trong số bệnh nhân phải đi viện cấp cứu, có phụ nữ, trẻ em không uống rượu vẫn bị ngộ độc.
Ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết, trong 49 bệnh nhân phải đến viện khám, cấp cứu đại đa số là nam giới, có uống rượu nhưng cũng có 6 phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu cũng bị ngộ độc.
Cụ thể, các bệnh nhân nữ Giàng Tả Mẩy (53 tuổi); Tô Si Son (25 tuổi); Phu A Gồ (27 tuổi); Nù Tả Mẩy (58 tuổi); bệnh nhi Hờ Ơ Seo (7 tuổi) khẳng định không uống rượu tại cỗ đám ma.
Các bệnh nhân này cũng cho biết, món ăn của người dân ăn trong những ngày đám tang ông Lèng gồm rau cải, đậu phụ, thịt lợn (thịt để từ dịp Tết) và rượu.
“Có cả trẻ em 7 tuổi, những phụ nữ này đều không uống rượu. Vì thế chưa thể khẳng định các bệnh nhân đều bị ngộ độc rượu methanol”, ông Linh nhận định.
Kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân là phụ nữ cũng cho thấy âm tính với methanol; có 8 mẫu có nồng độ Methanol trong máu cao hơn cho phép và 1 ca ở ngưỡng thấp 20mg/dL.
Đại diện đoàn công tác của BV Bạch Mai cho biết, qua thăm khám cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang được điều trị tại BV đa khoa Lào Cai, BV Đa khoa Lai Châu và Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho thấy các bệnh nhân nặng đã qua nguy kịch. Các bệnh nhân còn lại vẫn tiếp tục được theo dõi tại viện để theo dõi đề phòng xuất hiện những biến chứng muộn của ngộ độc.
Đến nay, số ca bị ảnh hưởng bởi vụ ngộ độc thực phẩm tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ lên đến 49 ca, trong đó 8 trường hợp tử vong (bao gồm cả trường hợp ông Phù Văn Lèng tử vong trước đó).
Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phù Văn Lèng (60 tuổi, ở bản Tả Chải) mời nhiều người trong xã Ma Ly Chải đến ăn cơm, uống rượu. Đến tối cùng ngày, ông Lèng có biểu hiện buồn nôn và tử vong. Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình tổ chức ma chay, nhiều người trong bản đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục địa phương.
Sau bữa cơm rượu tại đây nhiều người xuất hiện dấu hiện đau đầu, buồn nôn, giãn đồng tử và 7 người tử vong và 41 người khác phải nhập viện điều trị.
Bé sơ sinh nguy kịch do bị cắt rốn bằng dao lam
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/be-so-sinh-nguy-kich-do-bi-cat-ron-bang-dao-lam-826822.html
Thông tin một cháu bé sơ sinh nguy kịch do cắt rốn bằng dao lam xảy ra tại Đắk Lắc đang gây xôn xao dư luận và khiến Bộ y tế phải vào cuộc xác minh.
Thông tin từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế, ngày 15/2 vừa qua Vụ này vừa có công văn gửi Sở Y tế Đắc Lắc yêu cầu xác minh và báo cáo thông tin trường hợp em bé sơ sinh nguy kịch do bị cắt rốn bằng dao lam có nguy cơ tử vong do bị nhiễm trùng uốn ván.
Cháu bé sơ sinh không may trên hiện tại đã được 12 ngày tuổi. Cháu là con sản phụ H’Ngọc ở xã Yang Réh, H.Krông Bông, Đắc Lắc. Bé đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc và có nguy cơ tử vong do bị nhiễm trùng uốn ván nặng.
Được biết, đầu tháng 2/2017 em bé này chào đời tại nhà, do một bà đỡ địa phương tới đỡ đẻ. Sau khi sinh, bé đã được cắt rốn bằng dao lam.
Tuy nhiên 5 ngày sau khi sinh, bé có biểu hiện sốt cao liên tục, bỏ bú, rốn bị ướt, co giật nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện. Sau đó bệnh nhi này tiếp tục chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắc Lắc trong tình trạng co giật toàn thân, sốt đến 39,8 độ, phản xạ kém, bạch cầu trong máu tăng mạnh...
4 ngày sau đó tình trạng cháu bé vẫn không có tiến triển tốt, bé phải thở máy, theo chẩn đoán, bé suy hô hấp độ 4, uốn ván rốn, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da do nhiễm trùng rất nguy kịch.
Trước đó vào tháng 1/2017 từng có một trường hợp em bé sơ sinh tử vong do bị cắt rốn bằng cật nứa dẫn tới nhiễm trùng rốn, uốn ván, suy hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết tại Tuyên Quang.
Cảnh báo uốn ván sơ sinh gia tăng vì “mụ vườn đỡ đẻ”
Ngày 16-2, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk báo cáo chi tiết về thông tin thêm một trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván do “mụ vườn” cắt rốn, nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều bà mẹ tự sinh con tại nhà, được “mụ vườn” trực tiếp đỡ, bác sĩ Phạm Văn Lào - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk - khẳng định tình trạng này vẫn xảy ra ở một số xã vùng sâu vùng xa, đa số các trường hợp này là phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Cảnh báo gia tăng uốn ván sau sinh
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay đã có 3 trường hợp nhiễm trùng uốn ván. Trong kết quả điều tra ca bệnh sau khi nhiễm cho thấy cả 3 trường hợp này đều là phụ nữ dân tộc thiểu số, khi sinh không tới trạm y tế mà ở nhà đẻ và người trực tiếp đỡ là “mụ vườn”.
Trường hợp thứ nhất là bé trai con sản phụ H’Năn ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tử vong do uốn ván sau nhiều ngày được các bác sĩ tại khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cứu chữa.
Theo gia đình bé, trước khi sinh H’Năn không đi khám thai cũng không được tiêm chủng. Khi đẻ, "mụ vườn" đã dùng lưỡi dao lam (dao cạo) cắt rốn rồi quấn rốn bằng băng khô. Mấy ngày sau khi sinh thì con chị H’Năn có dấu hiệu sốt cao, co giật, được chuyển tới bệnh viện cấp cứu.
Trong ngày 2-2, Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk điều trị trẻ sơ sinh con của chị H’Ngọc với các triệu chứng sốt cao, co giật ở ngày thứ bảy. Cháu bé này cũng được xác định nhiễm trùng uốn ván.
Bác sĩ Lê Đình Nhân - phó khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk - cho biết tới chiều 16-2 cháu bé này vẫn phải thở máy, sức khỏe rất yếu.
“Người nhà nói với bác sĩ rằng mẹ bé không đi khám thai, cũng không được tiêm chủng, khi đẻ thì nằm ở nhà và được bà mụ dùng lưỡi dao lam cắt rốn. Đây chính là nguồn lây trùng uốn ván” - bác sĩ Nhân nói.
Thêm một trường hợp khác là cháu bé sơ sinh của chị H’Mươl Ênuôl ở xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) tử vong ngày 11-1 do nhiễm trùng uốn ván. Điều tra cho thấy cháu bé này cũng được "mụ vườn" đỡ đẻ, sau đó cắt rốn bằng lưỡi dao lam.
Cắt rốn bằng miểng sành, tre nứa
Ngoài việc cắt rốn bằng dao lam, bác sĩ Lê Đình Nhân cho biết nhiều ca uốn ván do được cắt rốn bằng... miểng sành thủy tinh, có trường hợp người dân tộc Mông thì cắt rốn cho con bằng miếng lồ ô, tre nứa.
Bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết hiện nay có khoảng 10% phụ nữ tại Đắk Lắk không được tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn ở độ tuổi sinh sản. Phần lớn diện này thuộc nhóm là học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cháu đã bỏ học, nhà ở những nơi heo hút, nhận thức chưa tốt, khi sinh đẻ thì sinh ở nhà hoặc nương rẫy trong những điều kiện hoàn toàn có thể nhiễm trùng uốn ván.
Theo bác sĩ Lê Đình Nhân, tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván chỉ ở mức 2%. “Tôi cho rằng để xảy ra các ca bệnh uốn ván rất đau lòng này ngoài ý thức của bà mẹ thì cũng có lỗi của y tế cơ sở. Hoặc là người ta nắm không hết các ca mang thai hoặc là chưa làm hết trách nhiệm” - bác sĩ Nhân nói.
Ngành y tế Đắk Lắk cho biết sẽ đẩy mạnh việc quản lý bà mẹ trẻ sơ sinh, tăng cường công tác tuyên truyền, trợ giúp chuyên môn cho đội ngũ những người trực tiếp đỡ đẻ để nâng cao nhận thức. Các y bác sĩ cũng khuyến cáo khi sinh đẻ bà mẹ cần tới trạm y tế xã phường nơi gần nhất, tuyệt đối không nên dùng các dụng cụ thủ công để cắt rốn cho trẻ.
Đừng để tử vong vì rượu
http://baochinhphu.vn/suc-khoe/dung-de-tu-vong-vi-ruou/298869.vgp
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, cho biết, trong rượu không được phép chứa cồn công nghiệp (methanol), mà chỉ được phép chứa cồn thực phẩm (ethylic) trong giới hạn cho phép.
Ngày 15/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân khiến 8 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia đối với 3 mẫu rượu được lấy tại đám cỗ cho thấy, hàm lượng methanol vượt hàng nghìn lần so với ngưỡng cho phép.
BS. Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu cũng cho biết, kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của 10 ca ngộ độc đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu do Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cung cấp cũng có tới 8 trường hợp có nồng độ methanol trong máu cao, thậm chí có trường hợp ca bệnh có nồng độ methanol trên 326 mg/dL, trong khi thông thường nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL được coi là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng.
Với những kết quả kiểm nghiệm này, Cục ATTP bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do các nạn nhân sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, theo quy định, trong rượu chỉ được phép chứa cồn thực phẩm (ethylic), còn methanol (một dạng cồn công nghiệp) không được phép có trong rượu. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một hàm lượng methanol tự nhiên sinh ra khi sản xuất rượu, nhưng với lượng rất thấp.
Vì vậy, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013) có quy định, hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ.
Với kết quả xét nghiệm ban đầu đối với các mẫu rượu trong vụ nghi ngộ độc tại Lai Châu có thể thấy, rượu này thành phần chính là methanol hòa với nước để tạo ra rượu và bán cho người tiêu dùng.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, rượu này uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh, thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.
“Người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp, các cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu truyền thống”, BS. Nguyên khuyến cáo.
Bà Trần Thị Trang cũng cho biết, nếu nhìn bằng mắt thường, ngửi hoặc nếm thì rất khó nhận biết rượu có chứa methanol hay không, vì vậy, người tiêu dùng nên mua những loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như: Tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với nam giới, nếu uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày đã được coi là lạm dụng rượu. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Mỗi đơn vị rượu tương đương: 1 lon bia 270-330 ml, hoặc 125 ml rượu vang, hoặc 40 ml rượu 40 độ.
Đối với phụ nữ mang thai, nếu uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Đắk Lắk: Ăn gỏi lợn, uống nước giếng, 16 người bị ngộ độc
http://www.vietnamplus.vn/dak-lak-an-goi-lon-uong-nuoc-gieng-16-nguoi-bi-ngo-doc/431163.vnp
Ngày 17/2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết nguyên nhân khiến 16 người ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) bị ngộ độc thực phẩm là do vi khuẩn E.coli có trong gỏi lợn và nước giếng mà người dân đã ăn, uống phải.
Trước đó, ngày 7/2, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiếp nhận 16 bệnh nhân tại buôn NaoA, xã Ea Tul, thành phố Buôn Ma Thuột, có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói.
Các bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm sau khi cùng ăn gỏi lợn, uống nước giếng.
Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy vi khuẩn E.coli có trong nước giếng mà các bệnh nhân uống cao gấp 120 lần bình thường; có trong gỏi lợn là 230.000 vi khuẩn/g thịt (bình thường không có). Đây là nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân bị ngộ độc.
Sở Y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi và lựa chọn, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh; dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa giếng nước, nhà ở; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, tránh để xảy ra các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đáng tiếc như trên./.
180.000 trẻ sẽ được chích ngừa viêm não Nhật Bản miễn phí
Theo ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế đã chấp thuận triển khai tiêm chủng miễn phí văcxin ngừa viêm não Nhật Bản cho 180.000 trẻ em 6-15 tuổi kể từ tháng 3 tới đây.
Dự kiến có 16 tỉnh thành triển khai chương trình này.
Theo ông Dương, 16 tỉnh thành này đều là các khu vực có nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản cao, hiện số mắc viêm não Nhật Bản đã giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên đây là thể viêm não nhiều biến chứng nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong và để lại di chứng suốt đời rất cao.
Các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và một số tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây nguyên rải rác có ca bệnh và nếu không tiêm phòng sẽ có nguy cơ trở thành dịch.
Với đợt tiêm chủng kể trên, ông Dương cho biết trẻ 6-15 tuổi chưa tiêm viêm não Nhật Bản, tiêm chưa đủ mũi hoặc không nhớ rõ về tiền sử tiêm chủng đang sống tại 28 huyện của 16 tỉnh sẽ được tiêm hoàn toàn miễn phí.
Cứu sống bệnh nhân vỡ sọ trán, vỡ thành bụng
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/cuu-song-benh-nhan-vo-so-tran-vo-thanh-bung-683283.html
BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vừa cứu sống nam bệnh nhân TC (32 tuổi, ở TP.HCM) bị vỡ sọ trán, vỡ thành bụng… do tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thông tin trên được TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á, cho biết chiều 17-2.
Trước đó, khuya 15-2, BV Đa khoa Xuyên Á tiếp nhận bệnh nhân C trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân hôn mê, máu đầu chảy đầm đìa, mặt bên phải biến dạng sưng húp. Cùng với đó, phần bụng của bệnh nhân bầm tím sưng to, máu chảy rỉ ở tay trái và chân trái…
Theo người nhà bệnh nhân, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do bệnh nhân C đang chạy xe máy trên đường thì va chạm với xe tải nên bị thương nặng.
Kết quả ảnh chụp CT 160 lát dựng 3D sọ não và bụng cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết ngoài màng cứng vùng trán, gãy gò má hai bên, vỡ sọ trán, vỡ hốc mắt phải. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn bị vỡ thành bụng, thoát vị ruột dưới da, dập vỡ gan và xuất huyết trong bụng, gãy hở xương bánh chè trái.
Lập tức, BS năm chuyên khoa (cấp cứu, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, ngoại cơ xương khớp và răng hàm mặt) được huy động để hội chẩn. Sau 25 phút hội chẩn, bệnh nhân được chuyển đến phòng phẫu thuật.
Tại đây, các BS tích cực hồi sức, gây mê nội khí quản cho bệnh nhân rồi tiến hành mở sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng, cầm máu não. Sau đó mở bụng thám sát khâu gan cầm máu, cắt lọc các vết thương và xử lý vùng gãy hở xương bánh chè trái.
Ca phẫu thuật kéo dài suốt bốn tiếng, bệnh nhân được truyền bốn đơn vị máu và hai đơn vị huyết tương. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và hồi phục tốt.
Khai trương Ngân hàng sữa mẹ thí điểm tại Đà Nẵng
http://vov.vn/xa-hoi/khai-truong-ngan-hang-sua-me-thi-diem-tai-da-nang-594656.vov
Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên tại Việt Nam được khai trương tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sáng nay (17/2).
Ngân hàng sữa mẹ được thành lập nhằm cung cấp sữa mẹ hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 đến 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm. Ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng sẽ thu thập, thanh trùng, xét nghiệm và bảo quản an toàn sữa mẹ từ những người hiến tặng và cung cấp cho nhóm trẻ có nhu cầu, đặc biệt là trẻ non tháng, nhẹ cân, hoặc bệnh lý.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: "Mong muốn của chúng tôi là đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Ngân hàng sữa mẹ một trong những điều kiện quan trọng để chúng ta có thể đẩy mạnh chương trình nuôi con bằng sữa mẹ một cách hoàn toàn cũng như tạo tất cả các điều kiện để cho những đứa trẻ được sinh ra do những điều kiện đặc biệt không nhận được nguồn sữa quý giá của chính bản thân mình có thể vẫn được nuôi con bằng sữa mẹ. Mở đầu chương trình đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp nuôi dưỡng trẻ, cứu sống những đứa trẻ rất tốt"./.
Khám miễn phí về dị tật tiết niệu - sinh dục cho trẻ em
Ngày 25/2, Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám sàng lọc - tư vấn miễn phí - siêu âm dành cho trẻ em mọi lứa tuổi nhằm phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh hệ sinh dục - tiết niệu và các dị tật khác.
Theo đó, trẻ em mọi lứa tuổi sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn và siêu âm miễn phí phát hiện các bệnh lý gồm các dị tật bẩm sinh hệ sinh dục, các dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu và các dị tật khác hệ tiêu hóa, vận động, các bệnh lý ung bướu trẻ em...
Khi đến khám, các gia đình mang theo các loại giấy tờ sau: Giấy tờ tuỳ thân của bố mẹ và/hoặc của trẻ. Phiếu khám bệnh, phiếu phẫu thuật, siêu âm, bệnh án… của các lần khám trước (nếu có); Thẻ bảo hiểm y tế; Giấy chứng nhận thuộc diện chính sách.
Gia đình thuộc diện chính sách, vùng sâu vùng xa sẽ được khoa hỗ trợ một phần kinh phí đi lại khi đưa trẻ đến khám.
Dị tật tiết niệu, sinh dục thường xuất hiện khi trẻ mới sinh ra và làm thay đổi hình dạng hoặc chức năng của một hoặc nhiều bộ phận trong hệ cơ quan này. Đặc điểm nổi bật của dị tật tiết niệu và sinh dục ở trẻ em là diễn biến nhanh, càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng và khả năng phục hồi sau mổ tốt hơn ở người lớn.
Để biết thêm thông tin, người dân liên hệ số điện thoại 0964917337; Email: nhivietduc@gmail.com. Đăng ký trực tiếp tại Văn phòng Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào ngày 25/2.
BV K: Triển khai nhiều kỹ thuật cao điều trị u não, u thần kinh
http://suckhoedoisong.vn/bv-k-trien-khai-nhieu-ky-thuat-cao-dieu-tri-u-nao-u-than-kinh-n128176.html
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 nhưng các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, BV K Trung ương – cơ sở 3 Tân Triều đã tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh phức tạp về các bệnh lý u não, u cột sống, u thần kinh cũng như nhiều bệnh lý về thần kinh khác; đồng thời có sự hợp tác chuyên sâu với các chuyên gia quốc tế.
Mới đây, đoàn chuyên gia Mỹ về u não từ Trung tâm y khoa Oschner, News Orleans đã đến làm việc tại BV. Hai bên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, cập nhật các kỹ thuật hiện đại, kiến thức y khoa mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý u não giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
Những ca bệnh thách thức phẫu thuật viên
Ca mổ sáng 16/2/2017 là một bệnh nhân (BN) mắc u não rất sâu, BN rối loạn thăng bằng, u vùng bán cầu tiểu não và liên quan đến rất nhiều dây thần kinh sọ não. ThS.BS Nguyễn Đức Liên, Phụ trách Khoa Ngoại thần kinh cho biết: Các bác sĩ đã sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại trong phẫu thuật như kính hiển vi phẫu thuật, dùng các máy kích thích thần kinh để dò chức năng thần kinh nhằm bảo vệ các dây thần kinh của BN sau mổ. Ngoài ra còn có thiết bị rất hiện đại máy hút u siêu âm làm giảm thiểu các động tác hút cơ học giảm các sang chấn cho người bệnh. Với trang thiết bị hiện đại và các chuyên gia có kinh nghiệm, ca mổ diễn ra khá suôn sẻ.
Trước đó, ngày 13/2, các bác sĩ cũng đã tiến hành phẫu thuật thành công cho BN Bùi Thị Phú, 54 tuổi, quê Hải Phòng bị bệnh u màng não ở vùng vận động. BN nhập viện trong tình trạng trí nhớ kém, liệt tay, chân yếu không đi lại được, kích thước khối u lớn khoảng 7cm nằm ở vùng vận động, vùng ngôn ngữ. Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật mổ dưới kính hiển vi hiện đại, dùng hệ thống thần kinh dẫn đường để xác định cấu trúc não quan trọng và vùng ranh giới nguy hiểm. Sau 4 ngày, tình trạng BN cải thiện, BN ngồi dậy được, tay cử động khỏe hơn, trí nhớ tốt, nhận biết và nói chuyện bình thường. Hiện BN đang được các bác sĩ hướng dẫn tập thay đổi tư thế, tập đi, tập các cơ phục hồi chức năng.
ThS. Liên cho biết, với bệnh lý u màng não như BN Phú, thì lựa chọn số 1 là phẫu thuật. Nếu lấy toàn bộ khối u kèm theo màng não bệnh lý thì có thể chữa khỏi cho BN. “Tùy thuộc vào vị trí khối u – nếu khối u liên quan đến vùng chức năng hoặc vị trí liên quan đến cấu trúc mạch não nguy hiểm, vị trí u ở sâu thì mặc dù là u lành tính nhưng việc đề ra chiến lược điều trị là thách thức với phẫu thuật viên. Do vậy cần phải hội chẩn với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm để đưa ra thái độ điều trị đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất so với trước điều trị”- ThS. Liên nói.
Một trường hợp khác, BN Trần Trung H, 9 tuổi, mổ u vùng giao thị giác – một trong những loại u khó nhất, là thách thức với các phẫu thuật viên và bác sĩ điều trị. Kết quả sinh thiết khối u cho thấy đây là u lành tính nhưng khối u đã chèn ép gây giãn não thất, trong khi chức năng thị lực còn tốt. Đây là ca bệnh khó đòi hỏi phải cân nhắc giữa biện pháp mổ lấy u, điều trị gamma knife, hay là điều trị hóa chất…?. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ trong BV và đoàn chuyên gia Mỹ, các bác sĩ xác định đây là u lành, diễn biến chậm, thị lực còn tốt nên đã quyết định điều trị tình trạng giãn não thất trước, sau đó chụp lại theo dõi tiếp sự phát triển và cho hướng điều trị tốt hơn.
Đảm bảo chất lượng cuộc sống sau mổ
ThS. Liên cho biết, hiện nay, Khoa Ngoại thần kinh đã triển khai, tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh khó về u não, u cột sống. Các bác sĩ ngoại thần kinh cũng phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ ung bướu thần kinh, các bác sĩ xạ trị, xạ phẫu nhằm nâng cao chất lượng điều trị và sự hài lòng cho BN. Việc điều trị được thực hiện theo phương thức đa mô thức, phối hợp hóa chất, xạ trị, xạ phẫu để làm tăng thời gian sống cũng như giảm tỉ lệ thương tật cho BN.
“Phẫu thuật u não có rất nhiều vấn đề đặt ra, ngoài lấy khối u các nhà phẫu thuật viên cần phải quan tâm đến vấn đề về mặt chức năng của BN để đảm bảo chất lượng cuộc sống sau mổ. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật u não phụ thuộc rất lớn vào bản chất u, do vậy điều trị u não có u lành chỉ cần một phẫu thuật; nhưng có u độ 3 độ 4 cần phối hợp các chuyên khoa về điều trị nội ung thư, điều trị hóa chất, xạ trị, tia xạ ung thư để làm tăng thời gian sống cho BN cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh”- ThS. Liên chia sẻ.
Hiện nay, BV K Trung ương đã triển khai thường quy mổ u não 100% dưới kính hiển vi, dùng hệ thống định vị thần kinh dẫn đường trong mổ để giúp nhà phẫu thuật biết chính xác bờ ranh giới u, do đó lấy tối đa được khối u. Ngoài ra giúp các nhà phẫu thuật định vị được chức năng để bảo vệ được cấu trúc trong mổ và giúp ích sau mổ BN tái hòa nhập cuộc sống sớm nhất.
Là một trong số các chuyên gia của đoàn chuyên gia Mỹ, GS.BS phẫu thuật thần kinh Bùi Quốc Cường đến từ Trung tâm y khoa Oschner cho hay, ông đã từng có nhiều năm làm việc tại Trung tâm y khoa Oschner và muốn trở về quê hương để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về các bệnh lý, trong đó có bệnh lý thần kinh với các bác sĩ Việt Nam. GS. Cường cho rằng, ca bệnh nào cũng rất quan trọng song đứng trước một ca bệnh khó, các bác sĩ hai bên sẽ cùng thảo luận chặt chẽ, mục tiêu là đưa ra được kết luận chuyên môn có tính chính xác nhất cho người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị.
"Chúng tôi đã thường xuyên trao đổi qua email các ca bệnh khó với các bác sĩ Việt Nam, và chúng tôi rất hi vọng được hợp tác dài lâu với các bác sĩ ung bướu thần kinh Việt Nam trong tương lai"- GS. Cường nói.
Sẽ tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 6 đến 15 tuổi
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, trong năm 2017-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai đợt tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản B cho gần 180 nghìn trẻ (từ 6 đến 15 tuổi) tại 28 huyện thuộc 16 tỉnh có nguy cơ cao về căn bệnh này. Trẻ được tiêm trong đợt này là những trường hợp chưa tiêm vắc xin hoặc không rõ về tiền sử tiêm (mỗi trẻ tiêm đủ 3 mũi).
Giám sát dịch tễ cho thấy, trong giai đoạn 1991-1995, số ca mắc viêm não Nhật Bản B chiếm 61,3% trong tổng số ca viêm não do vi rút. Tỷ lệ này hiện giảm xuống còn 10-15%, sau khi triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng mở rộng (được thực hiện từ năm 1997). Bệnh lý này gặp nhiều nhất vào tháng 6 và 7 hằng năm. Lứa tuổi mắc viêm não Nhật Bản B chủ yếu là 1-10, đa số trường hợp mắc là trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.
Phần mềm quản lý tiêm chủng chính thức được áp dụng từ đầu năm 2019
http://www.vietnamplus.vn/quan-ly-doi-tuong-tiem-chung-bang-pham-mem-tu-dau-nam-2019/430891.vnp
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng.
Theo dự thảo, việc quản lý đối tượng tiêm chủng sẽ được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Việc làm này nhằm hạn chế thấp nhất chuyện bỏ sót trẻ trong độ tuổi tiêm chủng bắt buộc.
Theo lộ trình, đến ngày 31/12/2018, cơ sở tiêm chủng phải hoàn thiện thí điểm phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng do Bộ Y tế cung cấp. Từ ngày 1/1/2019, cơ sở tiêm chủng phải triển khai chính thức phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng.
Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và dự kiến đến cuối năm 2018, các điểm tiêm chủng sẽ chính thức thực hiện.
Hiện nay, phần mềm trên đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh.
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, phần mềm tiêm chủng sẽ quản lý rõ ràng và chi tiết từng đối tượng tiêm chủng. Theo đó, mỗi người sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời với các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm.
Việc quản lý các đối tượng tiêm chủng bằng công nghệ thông tin sẽ giúp cán bộ tiêm các mũi vắcxin tiếp theo nắm rõ đối tượng đã được tiêm chủng hay chưa, thời gian và ở địa bàn nào trước đó nếu người này di chuyển nơi ở./.
Kỹ thuật chuyển gốc động mạch tại BV Nhi TW đã cứu sống hàng trăm trẻ bị tim bẩm sinh
Thông tin tại Hội nghị "Cập nhật trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim bẩm sinh phức tạp, bệnh lý van tim và loạn nhịp tim" diễn ra trong 2 ngày 16-17/2, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chuyển gốc động mạch là một phẫu thuật phức tạp nhưng là cơ hội cuối cùng để cứu trẻ mắc dị tật về tim bẩm sinh.
Theo TS Trường, với kỹ thuật khó này, hiện nay Trung tâm tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện được 263 trường hợp. Trong tổng số trẻ được phẫu thuật chuyển gốc động mạch, có 17 trường hợp (chiếm 6,5%) tử vong tại Bệnh viện, 5 trường hợp (1,9%) tử vong muộn. Các ca còn lại, theo dõi lâu dài sau phẫu thuật với thời gian từ 16,9 tháng – 27,3 tháng thì chỉ có 7 trường hợp phải mổ lại. Chuyển gốc động mạch là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng lại là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm.
Được biết, tại Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ "sửa chữa" thành công cho bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này hiện nay đã đạt được gần 92%. Trước năm 2010, phần lớn các cháu bé nhập viện với bệnh lý này đều tử vong do không có khả năng phẫu thuật hoặc phải ra nước ngoài để được phẫu thuật. Đây là thành công đáng khích lệ với tỷ lệ sống sót cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan (90%) mặc dù điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, trẻ bị dị tật chuyển gốc động mạch chiếm khoảng 5 - 7% số trẻ bị dị tật tim. Nếu không được phát hiện kịp thời, tỉ lệ tử vong là 30% trong tuần đầu sinh ra, 50% trong tháng đầu và 90% tử vong trong năm đầu tiên. Trong khi đó, việc điều trị nội khoa bằng thuốc chỉ đạt hiệu quả đến một lúc nào đó, thường là trước 45 ngày tuổi, còn sau đó, bệnh nhi bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật, trả gốc động mạch về đúng vị trí thì mới có thể duy trì tuần hoàn máu tốt nuôi dưỡng cơ thể. Điều này cho thấy kết quả phẫu thuật chuẩn gốc động mạch là khả quan. Các chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực trong chuyên ngành tim mạch trẻ em tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về kỹ thuật chuyển gốc động mạch.
Đây là hội nghị đầu tiên do Trung tâm tim mạch trẻ em- Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em đồng tổ chức đã thu hút được hơn 300 bác sỹ tim mạch từ các bệnh viện trên cả nước và cả các chuyên gia nước ngoài tới tham dự, trong đó có sự tham dự của hơn 10 báo cáo viên quốc tế là chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực trong chuyên ngành tim mạch trẻ em tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia . . . cùng với các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực phẫu thuật bệnh lý tim mạch và các bệnh tim bẩm sinh của Việt Nam.
Tại Hội nghị, giáo sư Lee Heung Jae, Shunji Sano, giáo sư Jun Tae-Gook. . . cũng như chuyên gia tim mạch trong cả nước sẽ chia sẻ và trình bày rất nhiều kinh nghiệm về các vấn đề có liên quan trực tiếp tới chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, các bệnh lý van tim cũng như phương pháp điều trị các rối loạn nhịp tim cho trẻ em.
Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung tâm Tim mạch trẻ em Bệnh viện Nhi Trung ương với các trung tâm đào tạo hàng đầu khu vực như Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản), chất lượng chẩn đoán cũng như điều trị cho các trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý van tim và các rối loạn nhịp tim tại Việt Nam chắc chắn sẽ được tăng cường và đảm bảo thành công hơn nữa…
Bệnh viện Xanh Pôn phẫu thuật thành công hộp sọ biến dạng hình thuyền
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vừa phẫu thuật thành công cho em bé 11 tháng tuổi bị dị dạng hộp sọ hiếm gặp bẩm sinh. Đây là ca phẫu thuật lớn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên ngành từ phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tạo hình đến gây mê, hồi sức.
Theo anh Cao Hoàn Thành, bố bệnh nhân cho biết, hiện cháu đang nằm điều trị tại phòng hồi sức, các bác sĩ cho biết, cháu đang hồi phục rất tốt và ca mổ rất thành công.
Bé dị dạng sọ não, bố mẹ tưởng thiếu vitamin D
Cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, bé Cao Tuệ Lam ở Hà Nội, sinh ra và lớn lên với niềm hy vọng và tình yêu thương của cha mẹ. Khi mới sinh ra, cha mẹ em – anh Thành và chị Thu thấy đầu con mình to hơn những đứa trẻ khác, nhưng anh chị chỉ nghĩ đơn giản, có thể trong quá trình sinh bé, đầu con bị méo và trẻ sơ sinh nào sinh ra cũng như vậy.
Nhưng chỉ sau vài tháng, bố mẹ bé ngày càng trở nên lo lắng khi thấy hộp sọ con mình chỉ phát triển về phía trước, trong khi 2 bên thái dương hóp lại. Chị Thu – mẹ bé chia sẻ: Ngoài cái đầu to hơn các em bé khác khoảng 4-5 cm, dô ra phía trước, cháu phát triển hoàn toàn bình thường, bé vẫn lên cân, không ốm đau, quấy khóc bao giờ. Khi cháu được 6 tháng tuổi, đầu cháu bắt đầu to hơn, tôi cảm thấy rất lo lắng, anh Cao Hoàn Thành cho biết. Lúc đó gia đình lại cho rằng bé bị thiếu vitamin D và đưa con vào Bệnh viện Xanh Pôn khám bệnh.
Tại đây các bác sĩ Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn phát hiện bé mắc một dị tật hiếm gặp ở vùng sọ não, gọi là đầu dị dạng hình thuyền, khiến cho hộp sọ bị biến dạng. Xương sọ sinh ra có nhiều lỗ hổng tập trung nhiều vùng đỉnh 2 bên, làm khớp dọc giữa không còn dẫn đến sự phát triển bất thường của hộp sọ, xương sọ không phát triển theo chiều ngang, mà lại phát triển mạnh theo chiều trước sau do cơ chế bù trừ của các đường khớp trán đỉnh ở trước và đỉnh chẩm ở sau đẫn đến dị dạng hộp sọ.
Trước khi phẫu thuật xương trán của bệnh nhân biến dạng nhiều, cong lồi nhiều ra trước kéo theo cả cung mày và trần ổ mắt, gây mất cân xứng với khuôn mặt, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Các bác sĩ cho biết, nếu để lâu, khi các đường khớp phía trước và phía sau không còn phát triển bù trừ được đủ, thể tích hộp sọ của cháu bé, có thể hẹp hơn bình thường sẽ gây tăng áp lực nội sọ.
Mặc dù có chỉ định phẫu thuật từ thời điểm đó, nhưng các bác sĩ muốn nâng cao thể trạng và cân nặng của cháu trước khi cháu phải trải qua một cuộc “đại phẫu phức tạp” như vậy. Ngay lập tức bé trở thành bệnh nhân theo dõi thường kỳ của bệnh viện.
Khi thông tin chuyên gia phẫu thuật tạo hình sọ mặt của Pháp là GS Pellerin sang làm việc tại bệnh viện, bé Lam được sắp xếp mổ ngay. Một ê kíp hùng hậu gồm các chuyên gia phẫu thuật tạo hình của Pháp, các y bác sĩ của Khoa phẫu thuật thần kinh và Khoa phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn đã cùng tiến hành ca phẫu thuật khó và hiếm.
Làm chủ kỹ thuật phẫu thuật tạo hình sọ não phức tạp
Theo Ths. BS Nguyễn Đình Hưng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn- người trực tiếp phẫu thuật cho bé Lam, cho biết, trường hợp cháu bé bị tổn thương luckenschadel skull – còn gọi là đầu dị dạng hình thuyền, do khớp đỉnh 2 bên dính nhau làm đường kính trước sau của hộp sọ kéo dài ra, trong khi đường kính ngang 2 bên hẹp lại. Mục đích của cuộc phẫu thuật là tạo hình, trả lại thẩm mỹ bình thường cho cháu bé, thứ 2 là mở rộng thể tích hộp sọ, giúp hộp sọ không chèn ép thêm vào não, để não của bé phát triển.
Vì đây là một ca đại phẫu phức tạp, thời gian mổ kéo dài, cháu bé còn quá nhỏ, phẫu thuật gần như phải mở toàn bộ hộp sọ xuống tận nền sọ, cắt toàn bộ cung mày, hốc mắt để tạo hình lại, nên bệnh nhân dễ bị mất máu. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 300ml máu.
BS Nguyễn Đình Hưng chia sẻ thêm, đây là một kỹ thuật có độ khó và rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của đa chuyên ngành từ phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tạo hình đến gây mê, hồi sức. Ca mổ này có kỹ thuật hoàn toàn giống với kỹ thuật mổ bên Pháp là đường mổ lớn, đi từ thái dương từ phải sang trái, gần như lột toàn bộ da dầu khỏi xương sọ, cưa xương tới tận hốc mắt, hốc mũi để sắp xếp lại.
Cũng theo BS Hưng, trẻ bị dị dạng sọ não như vậy nếu không được phẫu thuật, mặt cháu bé sẽ bị biến dạng, não sẽ không phát triển được do thể tích hộp sọ bị giới hạn, lâu dần sẽ gây tăng áp lực nội sọ, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ và các chức năng của hệ thần kinh, làm trẻ chậm phát triển trí tuệ. Với những trường hợp này tốt nhất phải phẫu thuật trước 1 tuổi, bởi nếu để muộn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của não trẻ.
Bệnh viện Xanh Pôn là một trong những bệnh viện đầu ngành của Hà Nội tuy nhiên đây là ca đầu tiên các bác sĩ bệnh viện tham gia với kỹ thuật mổ hộp sọ có diện tích lớn như vậy. Sau ca phẫu thuật này, các y bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn sẽ làm chủ hoàn toàn kỹ thuật phẫu thuật hộp sọ phức tạp giống như các nước tiên tiến đang áp dụng.
Về bệnh lý dị dạng sọ và dị dạng sọ mặt là bệnh lý bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ, có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, khiến cho 1 hoặc nhiều đường khớp ở hộp sọ không hoạt động hoặc đóng sớm bất thường, hậu quả gây nên các dạng biến dạng hộp sọ có thể kèm theo cả dị dạng sọ và mặt.
Cảnh báo dòng kháng sinh fluoroquinolone có nhiều tác dụng phụ
http://www.vietnamplus.vn/canh-bao-dong-khang-sinh-fluoroquinolone-co-nhieu-tac-dung-phu/431208.vnp
Bộ Y tế Canada vừa tăng cảnh báo đối với loại kháng sinh fluoroquinolone do có liên quan với nhiều tác dụng phụ kéo dài, hoặc gây mất năng lực cơ thể trong một số trường hợp hiếm gặp.
Nguồn tin từ cơ quan trên cho biết cảnh báo được áp dụng cho các loại kháng sinh fluoroquinolone dạng uống và tiêm, dùng trong việc điều trị nhiễm trùng hô hấp, đường tiết niệu và một số chứng bệnh khác.
Tên gọi phổ biến của các sản phẩm có chứa fluoroquinolone gồm Ciprofloxacin (Cipro), Moxifloxacin (Avelox), Levofloxacin, Norfloxacin và Ofloxacin.
Cách đây 9 năm, vào năm 2008, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế Canada cũng đã yêu cầu các hãng sản xuất thuốc fluoroquinolone phải ghi cảnh báo trên nhãn về khả năng thuốc có thể gây viêm gân hay thậm chí đứt gân của người sử dụng.
Những nghiên cứu mới cho thấy ngoài những tác dụng phụ nêu trên, dòng kháng sinh fluoroquinolone còn có thể gây tổn hại hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh trung ương (như chứng lo âu, chóng mặt hoặc rối loạn tiền đình).
Các phản ứng có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài tuần sau khi dùng fluoroquinolone với các triệu chứng như đau cơ, đau khớp, tê, ngứa hoặc rối loạn chức năng.
Hiện tại, Bộ Y tế Canada đang phối hợp với các hãng sản xuất đưa thêm thông tin về những tác dụng phụ nghiêm trọng này lên bao bì sản phẩm thuốc; đồng thời khuyến cáo người sử dụng nên thông báo với chuyên viên y tế trước khi dùng fluoroquinolone nếu từng gặp các triệu chứng như trên.
Bộ Y tế cũng cho biết các nhà chuyên môn sẽ tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác dụng của việc sử dụng kháng sinh fluoroquinolone./.
Mục sở thị công nghệ đông lạnh trứng siêu rẻ mới nhất
Lần đầu tiên, công chúng được tiếp cận với những hình ảnh bên trong khu vực đông lạnh trứng – công nghệ mang lại cơ hội bảo quản trứng an toàn 100% với giá chỉ bằng nửa so với các phương pháp cũ tại Mỹ.
Phương pháp trữ đông trứng bắt đầu xuất hiện từ năm 1986. Một trong những vấn đề gặp phải khi thực hiện phương pháp này là không giống như tinh trùng, khi “rã đông”, trứng bị chứa rất nhiều nước.
Điều này có nghĩa nếu quá trình này không được thực hiện một cách chính xác, các tinh thể đá sẽ gây nguy hại thậm chí làm chết trứng.
Do đó, chìa khóa mấu chốt thành công là sử dụng phương pháp “đông lạnh chậm” (từ năm 2009 đến nay). Theo đó, trứng sẽ được hạ xuống nhiệt độ -196oC trong nhiều giờ.
Ban đầu, người ta tin rằng kéo dài thời gian đông lạnh là cần thiết để trứng thích nghi với nhiệt độ mới. Tuy nhiên, ngày nay các nhà khoa học tin rằng càng nhiều thời gian, tinh thể sẽ càng có cơ hội hình thành.
Trong 8 năm qua, đã có những bước tiến đột phá trong phương pháp đông lạnh, giúp vượt qua thách thức trên – đó là phương pháp thủy tinh hóa.
Thủy tinh hóa là tên gọi thể hiện quá trình chuyển trứng sống thành trạng thái “như thủy tinh”.
Sự kết hợp của chất bảo quản lạnh và làm mát nhanh hơn (so với phương pháp đông lạnh chậm) sẽ làm giảm nguy cơ hình thành tinh thể nước đá nguy hiểm trong suốt quá trình đông trứng.
Các nghiên cứu chỉ rõ đông lạnh trứng theo phương pháp thủy tinh hóa sẽ mang lại tỷ lệ sống sau rã đông trứng tới 91%.
Còn phương pháp Cryotec được xem là mới nhất hiện nay do TS Kuwayama phát minh. Đây là phiên bản mới nhất của phương pháp thủy tinh hóa, đông lạnh trứng đến -196C trong vài phút. Mỗi quá trình đông lạnh và rã đông với phương pháp Cryotec cho tỉ lệ sống vượt trội.
Theo đó, khi trứng được lấy ra, sẽ được làm sạch và đưa vào lồng ấp vài giờ để trứng trưởng thành. Trứng sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem các tế bào đã hoàn thiện.
Chỉ khi trứng trưởng thành, quá trình đông lạnh mới bắt đầu. Trứng sẽ được đặt vào đĩa petri ở nhiệt độ phòng ít nhất 1 giờ trước khi đông lạnh. Cứ mỗi 15 phút, chúng sẽ được đặt vào các máy khác nhau để thu co lại. Trong khi đó, các chuyên gia sẽ chuẩn bị 1 hộp màu xanh chứa nitrogen lỏng -195oC.
Khi quá trình thu gọn trứng đạt yêu cầu, trứng sẽ được thu vào qua 1 cái ống có tên Cryotec. Ống này sẽ nhanh chóng được đưa vào hộp nitơ lỏng. Và tiếp tục được đưa vào 1 hộp có khả năng bảo quản 300 ống trứng.
Một cơ sở y tế ở Midtown (New York, Hoa Kỳ) đã ứng dụng công nghệ đông lạnh trứng mới nhất CRYOTEC với chi phí chỉ rẻ bằng một nửa so với các phương pháp cũ trong khi lại đảm bảo 100% tỷ lệ sống của ít nhất 12 quả trứng/bệnh nhân và hứa hẹn sẽ nhân rộng phương pháp này trên khắp nước Mỹ bởi hiện cứ 5 phụ nữ có 1 người sinh con sau tuổi 35. Trong khi khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm từ độ tuổi 35 và sẽ nhanh chóng suy giảm sau độ tuổi 40. Mặc dù vẫn còn trứng và còn khả năng thụ thai nhưng nguy cơ sảy thai cũng cao hơn.
Quá trình thực hiện đông lạnh trứng
1. Tham khảo ý kiến
Bệnh nhân cần trao đổi về mong muốn đông lạnh trứng với 1 chuyên gia sinh sản.
Bệnh nhân có thể quyết định ngay hoặc cần thêm thời gian.
2. Tiêm hoóc môn
Họ sẽ được tiêm hoóc môn AMH (Anti-Mullerian) – vốn được sản sinh từ buồng trứng, với hàm lượng cao trong 1 tuần để buồng trứng sản sinh nhiều trứng nhất có thể. .
Mức độ AMH là chỉ dấu khả năng sinh sản: Phụ nữ có mức độ hooc môn này cao sẽ sản xuất được nhiều trứng hơn.
Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ AMH và xác định lượng AMH cần tiêm.
3. Lấy trứng
Sau 10 ngày, các bác sĩ sẽ gây mê và lấy trứng thông qua ngả âm đạo.
4. Đông lạnh trứng
Bênh nhân sẽ ngay lập tức biết có bao nhiêu trứng đã được lấy thành công và bao nhiêu trứng có khả năng đông lạnh.
Chi phí cho lưu trữ 12 trứng lên tới 450$/năm tại Mỹ.
Phương pháp xét nghiệm HIV một tuần sau khi nhiễm
Thiết bị công nghệ này có khả năng phát hiện kháng nguyên p24, một protein có trong HIV, trong máu người chỉ sau một tuần sau khi nhiễm.
Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) ngày 16/2 thông báo cơ quan này đã được cấp bằng sáng chế cho phương pháp xét nghiệm HIV mới, cho phép chẩn đoán sớm các trường hợp nhiễm virus HIV chỉ sau một tuần sau khi có nguy cơ. Cho đến nay, đây là phương pháp xét nghiệm tiên tiến cho kết quả nhanh nhất và chi phí thấp.
Phương pháp xét nghiệm mới này được tiến hành thông qua một thiết bị cảm biến do các nhà khoa học CSIC phát triển. Thiết bị công nghệ này có khả năng phát hiện kháng nguyên p24, một protein có trong HIV, trong máu người. Tính ưu việt của phương pháp xét nghiệm này là cho kết quả nhanh chóng với tổng thời gian 4 giờ 45 phút cho 1 lần xét nghiệm.
Có thiết kế bằng một con chíp có kích cỡ như chiếc bánh gạo, thiết bị cảm biến được cấu thành từ cấu trúc vi cơ khí silicon và hạt nano vàng. Do được phát triển dựa trên công nghệ và nguyên liệu giá rẻ sẵn có, thiết bị xét nghiệm này có thể được lựa chọn để sử dụng rộng rãi như một phương pháp xét nghiệm tối ưu áp dụng tại các nước đang phát triển.
Hiện trên thế giới có nhiều phương pháp xét nghiệm HIV thông qua biện pháp phát hiện kháng nguyên, nhưng các phương pháp này chỉ được áp dụng sau 3 tuần sau khi có nguy cơ lây nhiễm và thời gian cho kết quả xét nghiệm lâu hơn. Các phương pháp xét nghiệm RNA hiện nay có thể phát hiện HIV sau 10 ngày sau khi có nguy cơ, nhưng chi phí cao.
Việc phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm HIV, virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch, sẽ giúp những người nhiễm bệnh không truyền virus nguy hiểm này cho người khác qua quan hệ tình dục.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), năm 2015 toàn thế giới có khoảng 36,7 triệu người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Riêng năm 2015, ước tính có 2,1 triệu ca nhiễm HIV mới. Đã có 35 triệu người trên toàn thế giới tử vong vì các bệnh do HIV gây ra, trong đó số ca tử vong trong năm 2015 là 1,1 triệu người.
Cụ bà 64 tuổi vẫn sinh đôi khỏe mạnh
http://giaoducthoidai.vn/chuyen-la/cu-ba-64-tuoi-van-sinh-doi-khoe-manh-2931787-l.html
Một phụ nữ U70 ở Tây Ban Nha là một trong những bà mẹ lớn tuổi nhất thế giới khi cho ra đời cặp song sinh khỏe mạnh hôm 14/2.
Hai đứa bé, một trai một gái, được cho là trong 'tình trạng sức khỏe hoàn hảo' sau khi cả hai chào đời bằng phương pháp mổ ở thành phố Burgos, phía bắc Tây Ban Nha, chiều 14/2. Bé gái nặng 2 kg trong khi cân nặng bé trai là 2,35 kg.
Theo Mirror, bà mẹ có tên viết tắt là M.I.A, sinh hạ cặp song sinh tại bệnh viện Recoletas. Trong đoạn video quay lại ca mổ được bệnh viện công bố hôm 15/2 cho thấy hai bé được đưa ra khỏi bụng mẹ.
Các báo cáo địa phương cho thấy bà mẹ 64 tuổi này đã sinh hạ con gái đầu cũng bằng phương pháp mổ từ 6 năm trước cũng tại cơ sở y tế nói trên. Tuy nhiên theo các nguồn tin của chính quyền Junta de Castilla và Leon thì năm 2014, các nhân viên xã hội đã được cử tới nhà để đưa bé gái đi sau khi nhận được các khiếu nại rằng đứa trẻ bị 'cô lập, không được ăn mặc tử tế, vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ và không được tới trường'. Hiện bé được một người họ hàng chăm sóc.
Trong khi đó bà mẹ 64 tuổi, đã nghỉ hưu và sống ở trị trấn nhỏ Palacios de la Sierra, mang thai cặp song sinh từ năm ngoái sau khi thụ tinh nhân tạo ở Mỹ.
'Bà M.I.A, 64 tuổi, sống ở tỉnh Burgos, vừa làm mẹ lần hai sau khi hạ sinh một cặp song sinh. Hai bé chào đời bằng phương pháp mổ. Cả sản phụ và hai con đều trong tình trạng sức khỏe rất tốt. Đây là một trường hợp đặc biệt không chỉ trong tỉnh mà còn trên khắp Tây Ban Nha, bởi bà ấy là một trong số rất ít phụ nữ trên 58 tuổi đã mang thai và sinh đôi khỏe mạnh.
Ca mổ diễn ra thành công tốt đẹp nhờ sự phối hợp ăn ý của đội ngũ y tế bệnh viện gồm hai bác sĩ sản khoa, hai bác sĩ nhi, hai y tá trưởng cùng nhiều y tá, hộ lý khác. Bệnh nhân đã đến Mỹ thụ tinh nhân tạo rồi mới về nước. Bà ấy tiếp tục chọn bệnh viện Recoletas, một bệnh viện tư nhân hàng đầu, nơi bà đã sinh con gái đầu lòng cách đây 6 năm, để vượt cạn', người phát ngôn bệnh viện Recoletas nói.
Tháng 10/2016, một phụ nữ Tây Ban Nha khác là Lina Alvarez, làm bác sĩ, cũng sinh hạ con gái khỏe mạnh ở tuổi 62. Đứa trẻ chào đời bằng phương pháp mổ tại một bệnh viện ở thành phố Lugo, vùng Galacia. Bà Alvarez mang thai đứa bé 10 năm sau khi mãn kinh nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Kỷ lục bà mẹ già nhất thế giới hiện nay thuộc về Daljinder Kaur, người Ấn Độ. Bà sinh con trai đầu lòng ở tuổi 70 vào năm 2015 sau hai năm kiên trì theo đuổi phương pháp thụ tinh nhân tạo.
3 người đàn ông trong gia đình cùng mắc 1 loại ung thư: Cảnh báo bệnh có gen di truyền
Câu chuyện dưới đây được xem là như một hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta, không chỉ riêng cánh mày râu về căn bệnh ung thư có tính di truyền từ người thân cùng huyết thống.
Ông Giles Cooper, 56 tuổi sống ở Conderton, Gloucestershire (Anh) được chẩn đoán mắc ung thư vú vào năm 2014. Điều đáng nói là căn bệnh này cũng đã từng "giết" 2 người thân của ông.
Bố của ông, Stephen đã qua đời ở tuổi 77 vì căn bệnh ung thư vú vào năm 2004. 2 năm sau đó, chú ruột là Christopher cũng tử vong vì căn bệnh này và ở độ tuổi tương tự.
"Bố tôi thuộc thế hệ "lười đi khám" và không quan tâm tới sức khỏe. Họ có thể chết trước khi đi khám bác sĩ. Và ông cũng vậy, phát hiện bị mắc ung thư thì đã quá muộn. Tôi thật sự không muốn nói với ông về điều này bởi cơ hội cứu sống ông rất ít.
Khi chú tôi qua đời, một hồi chuông cảnh báo đã bắt đầu rung lên. Và nó đã tác động tới tôi", ông Cooper kể lại.
Sau sự ra đi của 2 người thân, ông Cooper thường xuyên đi kiểm ra sức khỏe nhưng vào tháng 8.2014, ông phát hiện một khối u nhỏ. Bác sĩ chẩn đoán đó thực sự là ung thư xâm lấn và đã lan ra cả 2 vú.
"Thật may mắn vì bệnh được phát hiện sớm và có thể chữa trị được. Thành thật mà nói, tôi không hề nhận thức được về căn bệnh ung thư này từ bố và chú mình. Vì thế, tôi không hề chú ý gì đến những biểu hiện cảnh báo bệnh", ông Cooper cho biết thêm.
Vài tuần sau, ông đã phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú ở bệnh viện Cheltenham's Nuffield. Cuộc phẫu thuật đã khiến trên ngực ông xuất hiện một vết sẹo dài.
"Tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ 2 bên bởi vì tôi vẫn còn trẻ và không muốn đối mặt với vấn đề sức khỏe tương tự trong 5 hoặc 10 năm tới.
Bác sĩ phẫu thuật cho biết trong 20 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông ấy phẫu thuật cắt ngực cho một người đàn ông. Ung thư vú ở nam giới khá hiếm và tôi được thông báo là bệnh nhân trẻ nhất ở Anh thực hiện phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú.
Trong gia đình tôi, bố và chú đã tử vong vì ung thư vú. Giờ đến lượt tôi. Quả thật, trường hợp có đến 3 người đàn ông trong 1 gia đình bị ung thư vú chưa từng xảy ra trên thế giới".
Sau khi phẫu thuật, ông Cooper phải trải qua xạ trị bằng thuốc kháng estrogen Tamoxifen để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Ung thư vú có di truyền?
Điều khiến ông Giles Cooper cảm thấy hối hận nhất là khi kiểm tra gen ở chú Christopher, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có mang gen BRCA 1 và 2, vốn gây ung thư vú.
Phự nữ mang gen này có nguy cơ cao bị ung thư vú và ung thư buồng trứng. Còn đàn ông mang đột biến gen BRCA1 còn tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tụy hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
Những gen này có thể do di truyền từ người thân cùng huyết thống. Về cơ bản, yếu tố tiền sử gia đình chính là yếu tố nguy cơ cao nhất gây bệnh ung thư vú.
Với những gia đình có có 2 người thân trực hệ bị ung thư vú ở tuổi dưới 50, hoặc có 3 người bị ở tuổi dưới 60 hay có 4 người bị bất kỳ tuổi nào, những người thân có khả năng cao mang gen phát triển ung thư vú.
"Sau khi có kết quả của chú, các bác sĩ lại không yêu cầu tôi kiểm tra mà lại hướng về 2 chị gái của tôi (Julia và Alison không bị ung thư) vì nghĩ họ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn tôi.
Ngẫm lại, tôi rất muốn các bác sĩ yêu cầu tất cả chúng tôi đi sàng lọc hàng năm", ông Cooper cho biết.
Chính vì thế, sau khi ông Cooper bị chẩn đoán mắc bệnh, các bác sĩ cũng cho ông tiến hành kiểm tra di truyền để phát hiện sớm khả năng mắc bệnh của hai con ông, Freddie, 24 và Lottie, 22 tuổi.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên không ai có thể ngờ đàn ông cũng có thể mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Theo thống kê, mỗi năm ở Anh có khoảng 350 đàn ông mắc ung thư vú trong khi con số này ở phụ nữ là 55.000.
Dấu hiệu nhận biết ung thư vú ở nam giới
"Hiện nay, đàn ông có một suy nghĩ sai lầm là chỉ có phụ nữ mới mắc ung thư vú vì ngực của phụ nữ phát triển hơn nam giới. Và gia đình tôi là một minh chứng.
Đàn ông không nên chủ quan mà hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên, vì rất có thể bạn sẽ nằm trong số ít những người mắc phải căn bệnh khó ngờ tới này", ông Cooper khuyến cáo.
Những nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư vú
Đó là những người bị đột biến gen BRCA, hội chứng Klinefelter, rối loạn tinh hoàn, tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, hàm lượng estrogen cao có thể là kết quả của việc uống rượu, hút thuốc quá nhiều, ít vận động và béo phì.
Ngoài ra, nam giới có số lượng nhỏ các mô vú phi chức năng (mô vú không thể sản sinh sữa) tập trung ở khu vực ngay dưới núm vú trên thành ngực.
Giống như ung thư vú ở phụ nữ, ung thư vú ở nam giới là do sự phát triển không kiểm soát được của các tế bào bất thường của mô vú.
Các dấu hiệu và triệu chứng
- Lõm da quanh vùng vú
- Tấy đỏ bất thường ở vùng ngực
- Núm vú bị tụt hoặc ngược vào trong
- Khối u cứng, không đau nằm ở ngay dưới núm vú
- Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường từ núm vú
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú ở nam giới.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư vú sớm
- Kiểm tra vú.
- Kiểm tra dịch tiết núm vú.
- Chụp X-quang vú.
- Siêu âm.
Dịch cúm gia cầm H7N9 bùng phát ở Trung Quốc
http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/dich-cum-gia-cam-h7n9-bung-phat-o-trung-quoc
Tính đến ngày 16/2, số ca phát hiện nhiễm virus H7N9 tại Trung Quốc đã tăng đột biến, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Cúm gia cầm H7N9 đã được phát hiện tại 16 tỉnh/thành phố của Trung Quốc. Thống kê cho thấy số trường hợp nhiễm H7N9 tại Trung Quốc từ 1/1/2017 đến 14/2/2017 đã lên đến 192, trong đó 79 người đã tử vong - số người thiệt mạng lớn nhất do H7N9 từng được ghi nhận tại Trung Quốc trong vòng 3 năm qua, đồng thời nâng số người chết vì cúm gia cầm H7N9 từ tháng 10/2016 đến nay lên 100. Tỷ lệ tử vong do H7N9 vào tháng 1 năm nay cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thư Diệu Long - Phó Chủ nhiệm Trung tâm khống chế dịch Quốc gia Trung Quốc - cho biết: “Dịch cúm năm nay bộc phát do nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm yếu tố thời tiết, khiến dịch bệnh xuất hiện sớm hơn 1-2 tháng so với những năm trước. Ngoài ra, các vùng dịch đều là khu vực trọng điểm về việc tiêu thụ gia cầm, cùng với đó là thói quen sinh hoạt của người dân, khiến số trường hợp nhiễm bệnh tăng cao bất thường”.
Do lo ngại bệnh dịch, hàng loạt tỉnh thành lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam… đã phải ra lệnh đóng cửa nhiều chợ buôn bán gia cầm tươi sống. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân không mua bán gia cầm sống vì gia cầm và chất thải của chúng là một nguồn bệnh có nguy cơ cao.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa phát hiện chủng cúm gia cầm mới nào, cũng như trường hợp lây từ người sang người.
NBS News cho hay: người dân nước này đang rất lo sợ rằng dịch cúm gia cầm sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe tương tự như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002.
Văn phòng đại diện Trung Quốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một thông cáo cho biết: “Tình hình vẫn đang tiếp tục diễn biến, phía đối tác Trung Quốc của chúng tôi vẫn đang tích cực tiến hành điều tra. Vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vì sao số ca tử vong tăng cao bất thường. Tuy nhiên, sự thật là phần lớn số bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H7N9 là do tiếp xúc gia cầm mắc bệnh hoặc môi trường ô nhiễm, trong đó có các khu chợ buôn bán gia cầm”.
Shu Yuelong - quan chức cấp cao của Trung tâm Cúm Quốc gia Trung Quốc thông tin - cho hay: H7N9 lan truyền rất nhanh chóng và chủ yếu ảnh hưởng quanh khu vực đồng bằng sông Dương Tử và Quảng Đông giống như những năm trước. Ngoài Trung Quốc, dịch H7N9 cũng đã xuất hiện ở Hong Kong, khiến 4 người mắc bệnh và 2 trong số đó tử vong.
Trường hợp nhiễm virus H7N9 đầu tiên ở Trung Quốc được báo cáo vào tháng 3/2013, khiến 36 người thiệt mạng. Tháng 1/2017, giới chức ghi nhận 192 ca bệnh mới, tuy nhiên con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Một số nghiên cứu từ Đại học Minnesota (Mỹ) cho rằng chỉ trong mùa đông vừa qua, Trung Quốc đã có ít nhất 347 người mắc căn bệnh này.
Pháp điều tra về hoạt chất chống ung thư docétaxel
http://thanhnien.vn/the-gioi/phap-dieu-tra-ve-hoat-chat-chong-ung-thu-docetaxel-792228.html
Cơ quan An ninh y tế Pháp (ANSM) ngày 16.2 thông báo mở cuộc điều tra các loại thuốc có hoạt chất docétaxel chuyên trị ung thư.
Tờ Le Monde dẫn thông cáo của ANSM cho biết quyết định được đưa ra sau khi có ít nhất 3 bệnh nhân bị ung thư vú tử vong sau khi dùng hoạt chất này. Họ bị biến chứng dẫn đến viêm ruột hoại tử.
Hiện Pháp vẫn chưa đình chỉ lưu hành vì đang chờ kết luận điều tra để cân nhắc tính hiệu quả trong điều trị và nguy cơ tác dụng phụ của docétaxel lên bệnh nhân.
Docétaxel là hoạt chất chữa ung thư rất phổ biến tại Pháp, thường được chỉ định để điều trị ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, dạ dày… Thống kê của ANSM cho thấy docétaxel chiếm đến 50% thị phần thuốc chữa các loại bệnh này.
Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia (INCA) ở Brazil vừa công bố nghiên cứu mới cho thấy ung thư là nguyên nhân gây chết người hàng đầu trong số các ca tử vong do bệnh tật trong giới trẻ nước này, theo Tân Hoa xã.
87 người Trung Quốc thiệt mạng vì cúm gia cầm H7N9
Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm H7N9 khiến hàng chục người thiệt mạng, bao gồm cả việc cấm bán gia cầm sống.
Tân Hoa xã ngày 17-2 đưa tin một bà mẹ trẻ ở tỉnh Vân Nam thuộc tây nam Trung Quốc là nạn nhân mới nhất của dịch cúm gia cầm này.
Tuần trước cô con gái 3 tuổi của bà mẹ này đã qua đời vì cùng nguyên do. Cả gia đình 2 nạn nhân trên đã du lịch đến tỉnh Giang Tây để tham dự Lễ hội Mùa Xuân hôm 21-1 và đã tiếp xúc với gia cầm sống tại đây.
Trong tháng 1, tỉnh Chiết Giang có 35 ca nhiễm bệnh và 11 trường hợp tử vong. Đây là đợt dịch bệnh tồi tệ nhất xảy ra tại tỉnh này trong vòng 3 năm qua.
Nhiều trường hợp nhiễm cúm tương tự cũng xảy ra trên khắp Trung Quốc. Kể từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 269 người bị nhiễm cúm gia cầm H7N9, trong đó có 87 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm H7N9 xảy ra tại vùng đồng bằng châu thổ sông Trường Giang và Châu Giang của Trung Quốc.
Trước tình trạng dịch bệnh leo thang, các nhà chức trách y tế Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe quốc gia đang huấn luyện nhân viên trong khâu xét nghiệm và chẩn đoán sớm cũng như trong khâu điều trị các bệnh nhân nguy kịch.
Ủy ban cũng đã ra lệnh cấm bán gia cầm sống tại những khu vực có dịch H7N9, đồng thời khuyến cáo tháng 2, tháng 3 là cao điểm để kiểm soát dịch bệnh.