Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 19/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp phòng tránh dịch bệnh bạch hầu; Bắt quả tang cơ sở bán hoóc môn chuyển giới chui; Xử lý ổ dịch bạch hầu khiến một học sinh tử vong ở Quảng Nam; Cảnh giác bệnh trẻ dễ gặp dịp Tết; 4 người thiệt mạng do ngộ độc rượu

Bộ Y tế ra khuyến cáo khẩn cấp phòng tránh dịch bệnh bạch hầu

http://www.vietnamplus.vn/bo-y-te-ra-khuyen-cao-khan-cap-phong-tranh-dich-benh-bach-hau/426486.vnp

http://danviet.vn/y-te/2-hoc-sinh-tu-vong-do-bach-hau-bo-y-te-ra-khuyen-cao-khan-cap-739424.html

Sau khi hai học sinh tại Quảng Nam tử vong vì bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo khẩn cấp để phòng, tránh dịch bệnh này.Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắcxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắcxin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế

Lịch tiêm chủng vắcxin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

 

Xử lý ổ dịch bạch hầu khiến một học sinh tử vong ở Quảng Nam

http://www.vietnamplus.vn/xu-ly-o-dich-bach-hau-khien-mot-hoc-sinh-tu-vong-o-quang-nam/426350.vnp

Ngày 17/1, Sở Y tế Quảng Nam phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang cùng các đơn vị chức năng tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho giáo viên, học sinh trường Trung học phổ thông Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) sau khi phát hiện một học sinh của trường mắc bệnh bạch hầu tử vong.

Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết ngay sau khi một học sinh trường Trung học phổ thông Tây Giang tử vong do mắc bệnh bạch hầu, Sở Y tế Quảng Nam đã có báo cáo nhanh về Viện Pasteur Nha Trang và chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn, đồng thời tổ chức các biện pháp khoanh vùng, cách ly tại các khu vực như gia đình của năm trường hợp có các biểu hiện bệnh bạch hầu, khu điều trị tại Trung tâm Y tế Tây Giang, trường Trung học phổ thông huyện Tây Giang, trường Dân tộc nội trú huyện Tây Giang.

Trước đó, vào ngày 10/1, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin năm trường hợp là học sinh trường Trung học phổ thông Tây Giang nghi mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng như sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.

Ngoài ra, tám trường hợp có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu do tiếp xúc gần với các trường hợp nghi mắc bạch hầu. Sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Theo ngành Y tế tỉnh Quảng Nam, trong các trường hợp nói trên, có một trường hợp đã tử vong trước thời điểm cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, một trường hợp khác có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu hiện đã tử vong.

Tây Giang là huyện miền núi cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, có hơn 90% là đồng bào dân tộc ít người sinh sống./.

 

Cảnh giác bệnh trẻ dễ gặp dịp Tết

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/canh-giac-benh-tre-de-gap-dip-tet-3528345.html

Nền nhiệt mùa Tết khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, các bệnh lý tiêu hóa tăng 20-25% so thông thường.

Thời điểm giao mùa với những thay đổi đột ngột về thời tiết và khí hậu khiến nhiều tác nhân gây bệnh bùng phát. Số trẻ đến khám tại các bệnh viện, trung tâm y tế thường tăng vọt. Các bệnh hay gặp là cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phế quản, hen suyễn, tiêu hóa.

Nguyên nhân trẻ dễ mắc bệnh mùa Tết

- Trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi sức đề kháng còn yếu kém vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công.

- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ nhiễm bệnh cao trong khi chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh.

- Trẻ thường xuyên sống trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… khi có một bạn nhỏ bị bệnh sẽ dễ lây lan các bạn khác.

- Độ ẩm trong không khí thấp và nhiệt độ môi trường không cao, đặc trưng là khí hậu lạnh ẩm tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, virus đường hô hấp phát triển mạnh và gây bệnh.

- Việc ăn uống và bảo quản thức ăn ngày Tết không tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm làm phát sinh nhiều bệnh lý đường tiêu hóa.

Một số bệnh thường gặp thời khắc giao mùa và dịp Tết ở trẻ

- Nhóm bệnh về đường hô hấp.

Nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm trời lạnh đã khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp… ảnh hưởng sức khỏe và việc ăn uống. Bệnh có thể do tác nhân là virus hoặc vi khuẩn gây ra.

Viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản… Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể gây hiểm nguy cho sức khỏe của trẻ.

Bệnh cúm rất thường gặp trong mùa lạnh, khả năng trẻ bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm. Nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng.

Bệnh hen suyễn rất thường gặp vào thời khắc giao mùa, trẻ có tiền căn dị ứng và hen suyễn sẽ rất dễ lên cơn hen khi thời tiết trở lạnh đột ngột.

- Nhóm bệnh về đường tiêu hóa rất thường gặp.

Rối loạn tiêu hóa: Ăn bánh kẹo, uống nước ngọt nhiều hoặc trái cây chưng Tết có thể làm trẻ cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. Biều hiện thường gặp là trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, đôi khi bị đau bụng dữ dội và hay gặp ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn. Ngoài ra trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường làm trẻ phải đi tiểu nhiều và mất nước.

Tiêu chảy cấp: Thường do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu… Bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli, Shigella. Triệu chứng gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.

Ngộ độc thức ăn: Là tình trạng bệnh lý thường gặp dịp Tết, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng thường gặp là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1-6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn này.

Phòng ngừa các bệnh ở trẻ em lúc giao mùa và dịp Tết

Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ những ngày Tết, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.

Giữ vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá, khói công nghiệp.

Tạo cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua tay - miệng.

Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là những trẻ có tiền căn, tiền sử về dị ứng và hen suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, đội thêm mũ hoặc quấn thêm chăn, mền ấm.

Chế biến thức ăn ngày Tết cho trẻ cần tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa đến bác sĩ khám để chữa trị kịp thời và có lời khuyên hữu ích giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn trong thời gian bệnh.

Tiêm chủng đầy đủ các mũi văcxin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.

 

Tuổi Trẻ giành giải nhất báo chí phòng chống tác hại thuốc lá

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170118/tuoi-tre-gianh-giai-nhat-bao-chi-phong-chong-tac-hai-thuoc-la/1254367.html

Báo Tuổi Trẻ giành bốn giải thưởng, trong đó có giải nhất ở thể loại báo in trong cuộc thi do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức với tác phẩm “Trôi nổi thuốc lá điện tử” của tác giả Ngọc Khải.

Tác phẩm "Trôi nổi thuốc lá điện tử" của tác giả Ngọc Khải cảnh báo về một thú chơi mới với tên gọi “thuốc lá điện tử” có những tác hại khôn lường song đang "mê hoặc" một số người trẻ Sài Gòn hiện nay.

Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ còn giành ba giải ba với các tác phẩm “Làm sao bỏ thuốc lá” (thể loại báo in, nhóm tác giả Lan Anh- Ngọc Loan), “Lo ngại cơn sốt hút Vape” (tác giải Vĩnh Hà- Lan Anh- Thân Hoàng- Văn Tiên) và “Phạt hút thuốc lá bao giờ mới nghiêm” (nhóm tác giả Võ Hương- Trà My- Mạnh Khang) ở thể loại báo điện tử.

Đây là cuộc thi do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức và thu hút hơn 200 tác phẩm báo chí các thể loại truyền hình, phát thanh, báo in và báo điện tử tham dự.

Phát biểu tại Lễ trao giải tổ chức sáng nay 18-1, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết báo chí đã đồng hành và hỗ trợ rất hữu hiệu cho công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá.

Tuy nhiên, VN vẫn đang có tới 15,6 triệu người hút thuốc và rất cần thêm những nỗ lực, trong đó có nỗ lực về truyền thông để giảm thêm số người hút thuốc, hạn chế tác hại của thuốc lá.

 

Chú ý những bệnh trong dịp tết

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170118/chu-y-nhung-benh-trong-dip-tet/1254052.html

Theo ThS.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trong những ngày giáp tết, những ngày tết, các bậc cha mẹ bận rộn, đi chúc tết nên không chú ý nhiều việc ăn uống của trẻ trong dịp tết. Chưa kể, ngày tết nhiều gia đình mua thực phẩm về trữ lạnh, chế biến sẵn nhiều món ăn cất trong tủ lạnh. Nếu bảo quản thức ăn ngày tết không tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm phát sinh các bệnh lý về đường tiêu hóa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trẻ em ngày tết.

Bệnh về đường tiêu hóa tăng

Theo các số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh, số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn... vào dịp tết thường tăng cao hơn ngày thường từ 20% - 25%.

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là trong những ngày tết trẻ ăn nhiều bánh kẹo, uống nước ngọt thoải mái... Trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu đôi khi bị đau bụng dữ dội. Ngoài ra, trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường nên trẻ phải đi tiểu nhiều, mất nước.

Những ngày tết, trẻ có thể ăn phải những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu... dễ bị tiêu chảy cấp.

Ngộ độc thức ăn ở trẻ cũng rất thường gặp trong dịp tết. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn bị nhiễm khuẩn hoặc thực phẩm tươi sống.

Thạc sĩ Đinh Thạc khuyên các bậc cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, kể cả trong những ngày tết để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp. Nên giữ vệ sinh trong ăn uống vào ngày tết và không nên ăn đồ ăn đã được chế biến quá hai ngày...

Người lớn cũng dễ bệnh

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng dễ đổ bệnh trong dịp tết. Nhiều người quan niệm làm ăn quanh năm chỉ có những ngày tết nghỉ ngơi, gặp mặt những người thân nên ăn uống thỏa thích.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho rằng ngay cả khi uống những loại rượu đạt chất lượng nhưng uống quá nhiều cũng vẫn gây ra tình trạng ngộ độc rượu, gây viêm gan, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày cấp tính...

Cách vui chơi tết quá đà như liên tục thức khuya trong những ngày tết cũng làm không ít người bị suy nhược thần kinh, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, không làm việc được khi đã hết ngày nghỉ tết.

Theo thạc sĩ Đinh Thạc, những ngày gần đây thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng nóng, lúc mưa lạnh khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị virút, vi khuẩn tấn công. Trẻ có thể mắc bệnh viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, cúm, bệnh hen suyễn…

 

Cứu nguy chuyện… thở

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170118/cuu-nguy-chuyen-tho/1254058.html

Hà Nội, TP.HCM liệu có thể nối gót Bắc Kinh về ô nhiễm không khí? Sức khỏe người dân có bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước nạn ô nhiễm?

Chỉ số ô nhiễm không khí tính trên nồng độ bụi mịn trung bình ở Hà Nội trong năm 2016 cao hơn gấp đôi so với giới hạn nồng độ PM 2.5 trong không khí theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Green ID (đơn vị đồng tổ chức hội thảo ô nhiễm không khí với sức khỏe cộng đồng tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội) cho biết PM 2.5 nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, có thể lắng đọng và thẩm thấu vào nhu mô phổi, hấp thụ vào máu, từ đó gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hà Nội, TP.HCM đều ô nhiễm không khí

Theo khảo sát do Green ID thực hiện năm 2016 tại Hà Nội và TP.HCM, nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2016 là 50,5, 123 ngày có chỉ số ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn quốc gia, 282 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

TP.HCM tuy có chỉ số bụi PM 2.5 thấp hơn, trung bình 2016 là 28,3, nhưng cũng có đến 14 ngày trong năm vượt quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, 175 ngày vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Qua phân tích các thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng trong năm 2016, 7/8 giai đoạn được phân tích có nguồn gây ô nhiễm chủ yếu từ phía đông Hà Nội, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn được xác định từ dữ liệu vệ tinh có thể là nguồn "đóng góp" chủ yếu. So sánh về nồng độ PM 2.5 được đánh giá là loại bụi mịn nguy hại, Hà Nội năm 2016 cao hơn Quảng Châu, Trung Quốc (31,4).

Về các nguồn gây ô nhiễm, nhóm khảo sát cho rằng các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ xây dựng và công nghiệp, từ việc đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, một phần là ô nhiễm từ các nước láng giềng theo gió bay vào VN, trong đó có Hà Nội. Trong số này, nguồn phát thải từ nhiệt điện than được đánh giá là một trong những nguồn ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Tại VN, một khảo sát thực hiện cuối năm 2016 trên 1.400 người dân, trong đó có trên 86% là người dưới 40 tuổi, trên 70% trong số này cho biết bản thân họ và con cái có vấn đề liên quan đến hô hấp, một tỉ lệ rất lớn người được hỏi cho biết khu vực họ sống có nhiều khói bụi và họ rất quan tâm đến chất lượng không khí.

Đã đến lúc nghĩ đến không khí sạch

Theo TS Đỗ Mạnh Cường, phó trưởng phòng sức khỏe môi trường, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, một khảo sát nhanh của chính ông và các đồng nghiệp cho thấy người dân đeo khẩu trang cả ngoài đường, khi ngồi ngoài công viên, trong trường học và kể cả lúc trời mưa.

Theo ông Cường, mỗi ngày mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở, khác với thực phẩm và nước có thể lựa chọn, làm sạch, khó chọn được không khí để thở và làm sạch không khí.

Hiện tại VN có rất ít nghiên cứu liên quan đến tác động của chất lượng không khí tới sức khỏe. Trong khi ngoài PM 2.5, trong không khí còn nhiều chất độc hại khác có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như PM 10, khí CO, SO2...

Ông Cường cũng khuyến cáo do hiện nay người dân phun hóa chất bảo vệ thực vật dạng phun sương, dễ bay hơi trong không khí, ảnh hưởng không chỉ tại các vùng nông nghiệp mà cả các khu vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Giảm khí thải và đặc biệt là cần tính toán khi phát triển nhiệt điện than là việc mà giới chuyên môn đang khuyến cáo.

 

"Người Việt không thể có hệ miễn dịch hơn 5 lần công dân nước khác"

http://www.vietnamplus.vn/nguoi-viet-khong-the-co-he-mien-dich-hon-5-lan-cong-dan-nuoc-khac/426311.vnp

Chất lượng không khí ở Việt Nam trong tình trạng báo động​. Hiện, có một tỷ lệ lớn dân số Việt Nam đang bị phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam.

Tiến sỹ Đỗ Mạnh Cường - Phó trưởng phòng Sức khỏe cộng đồng, Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thẳng thắn: “Hiện nay, bất kỳ ở đâu chúng ta cũng dễ gặp hình ảnh người dân đeo khẩu trang rất phổ biến và trong cả bốn mùa. Từ việc ngồi chờ xe bus, ngồi trong công viên, đi bệnh viện bệnh viện hay khi ra đường trời mưa… Chúng ta có khả năng lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, nước sạch nhưng không có khả năng lựa chọn không khí sạch?”

Ô nhiễm tại Hà Nội: Chủ yếu từ khu công nghiệp?

Tại hội thảo ô nhiễm không khí - Những nguy cơ với sức khỏe, diễn ra ngày 17/1, tại Hà Nội, Báo cáo do Tổ chức phi chính phủ GreenID thực hiện sau khi rà soát, phân tích các số liệu, tập trung vào chỉ số AQI và PM2.5 tại 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo được thực hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – những nơi, chiếm 18% dân số của cả nước.

Báo cáo phân tích những dữ liệu sẵn có để đưa ra bức tranh về chất lượng không khí tại Việt Nam trong năm 2016, tập trung phân tích dữ liệu AQI và PM 2.5 tại 2 thành phố trên, sử dụng số liệu từ chương trình Airnow của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Kết quả cho thấy, lượng bụi PM2.5 trung bình năm ở Hà Nội lên tới 50,5 µg/m3, gấp gần 2 lần Thành phố Hồ Chí Minh và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 µg/m3.

Lượng bụi PM2.5 trung bình năm 2016 ở Thành phố Hồ Chí Minh là 28,23 µg/m3, cao hơn một chút so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia là 25 µg/m3.

Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích, các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam được xác định gồm: Các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, ô nhiễm xuyên biên giới.

Bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, trong các thời điểm Hà Nội bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, có 7/8 thời điểm chịu tác động của hướng gió chủ đạo từ phía Đông.

Như vậy, có nghĩa là ô nhiễm tại Hà Nội không phải do nội đô mà từ các nguồn bên ngoài, đặc biệt nguồn từ các khu công nghiệp lớn.

Một người cần 10.000 lít không khí thở mỗi ngày

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe khá lớn, đặc biệt là với trẻ em vì có tốc độ thở gấp 2 lần người lớn. Chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư.

Bụi PM2.5 là tác nhân ô nhiễm quan trọng nhất về mặt sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi. Ảnh hưởng đến sức khỏe tùy theo thành phần, tính chất (hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… ) của bụi mịn (nhiễm độc, ung thư, hen…).

Tiến sỹ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe cộng đồng, Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, một ngày con người cần 10.000 lít không khi để thở. Ô nhiễm không khí là khi thành phần của không khí bị thay đổi, chất độc hại thải vào môi trường vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường.

Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe trong trường hợp nhẹ có thể gây chóng mặt, ngứa mắt. Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong. Trường hợp mãn tính có thể gây ra viêm phổi, phế quản mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, tim mạch; viêm da, kích ứng da…

Tiến sỹ Cường chỉ rõ, không khí qua cơ thể mỗi người có gây bệnh hay không phụ thuộc miễn dịch, chức năng đào thải cơ thể. Đặc biệt, nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai - có thể gây ảnh hưởng bào thai, trẻ em, người có bệnh sẵn…

Những người khỏe mạnh, chức năng thông khí phổi lớn có thể đào thải phần lớn chất gây ô nhiễm từ ngoài vào.

Trong trường hợp nếu bản thân người dân có bệnh hô hấp sẵn thì khả năng đào thải kém hơn, cơ thể hấp thu chất ô nhiễm trong không khí cao hơn. Đó là lý do chính khiến người bị bệnh mãn tính dễ ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Bàn về công tác quản lý chất lượng không khí, đại diện GreenID cho rằng, tiêu chuẩn quốc gia về phát thải không khí của Việt Nam cho phép vẫn ở mức cao nên cần được cập nhật để kiểm soát phát thải tốt hơn. Song song đó cần ban hành luật không khí sạch, điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, tăng mật độ hệ thống quan trắc.

Ô nhiễm không khí hiện là một vấn đề phức tạp đặt ra nhiều thách thức kép trong công tác quản lý và giảm thiểu tác động. Các chất gây ô nhiễm được thải ra từ các hoạt động của con người và cả từ các nguồn tự nhiên.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng tình nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn cũng như các địa phương khác trên cả nước cần nhanh chóng giảm các nguồn gây ô nhiễm nhân tạo từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện năng, đốt rác thải, xây dựng, giao thông và đun nấu.

“Cơ thể người Việt Nam không có hệ thống miễn dịch cao gấp 5 lần công dân các nước khác, do đó đòi hỏi chúng ta phải sống trong môi trường đảm bảo hơn để hệ miễn dịch không làm việc quá sức. Hành động khẩn cấp là cắt giảm nguồn phát thải, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ năng lượng sạch, đảm bảo an ninh năng lượng,” bà Khanh chia sẻ./.

 

4 người thiệt mạng do ngộ độc rượu

 

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/4-nguoi-thiet-mang-do-ngo-doc-ruou-3529982.html

Trong 5 ngày, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có 4 bệnh nhân tử vong vì ngộ độc rượu, trong đó 3 người có lượng methanol - cồn công nghiệp trong máu cao.

Các bệnh nhân là nam 40-50 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não... 3 trường hợp xác định có hàm lượng methanol cao trong máu. Các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện 198 (Hà Nội) cấp cứu sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cứ vào dịp trước và sau Tết, tình trạng bệnh nhân ngộ độc rượu lại tăng. Ngày nào Trung tâm cũng có ít nhất 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện.

Những năm qua tình trạng ngộ độc methanol có xu hướng tăng. Methanol xuất hiện với nồng độ cao trong máu do người bệnh uống phải rượu pha cồn công nghiệp hoặc pha riêng cồn công nghiệp với nước. Rượu tự nấu có ít methanol và không thể gây ngộ độc. Khi methanol trong máu lên đến 20mg/dl, người bệnh có nguy cơ bị tổn thương thần kinh.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đều rất nguy hiểm, nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Sau 1-2 ngày uống rượu có methanol, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong, nếu không phải chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…

Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân không nên uống rượu hoặc uống có chừng mực, lựa chọn loại có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi uống nếu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.

Khi ngộ độc methanol cần giải độc càng sớm càng tốt do chất độc chưa tấn công não, thần kinh, cơ quan nội tạng...

 

Bắt quả tang cơ sở bán hoóc môn chuyển giới chui

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bat-qua-tang-co-so-ban-hooc-mon-chuyen-gioi-chui-20170118110848632.htm

Bất ngờ ập vào kiểm tra một cơ sở trên địa bàn quận 11, cơ quan chức năng bắt quả tang hành vi mua bán hormone chuyển giới bất hợp pháp. Đoàn thanh tra đã niêm phong, thu giữ 20 lọ dung dịch, và 3 ống tiêm phục vụ điều tra, xử lý.

Thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TPHCM (ngày 18/1) cho hay, đơn vị này vừa phối hợp với Công an Quận 11, và ngành y tế địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa chỉ 186 Bình Thới, phường 14, quận 11 để làm rõ thông tin về việc mua bán hormone chuyển giới bất hợp pháp.

Tại thời điểm thanh tra, đoàn ghi nhận nam thanh niên Nguyễn Văn M. (ngụ tại quận 9, TPHCM) đang thực hiện giao dịch để mua một số loại hoóc môn phục vụ việc chuyển giới. Làm việc với thanh tra, thanh niên trên cho biết, do có nhu cầu chuyển từ nam sang nữ nhưng không đủ điều kiện ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới, nghe giới thiệu của bạn bè Văn M. tìm đến để mua hoóc môn về tự chích tại nhà.

Khai nhận trước cơ quan chức năng, ông Trương Văn T. (chủ cơ sở) cho biết, thấy nhu cầu sử dụng hoóc môn chuyển giới ngày càng nhiều nên ông đã mua sản phẩm này từ nước Thái Lan về bán lại với giá từ 130.000 đồng/2 lọ.

Các loại hoóc môn chuyển giới (nếu có) hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bước đầu, đoàn thanh tra xác định cơ sở trên đã vi phạm về việc chưa có chứng chỉ đủ điều kiện kinh doanh, sử dụng và kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc. Đoàn thanh tra tiến hành niêm phong và thu giữ 10 lọ dung dịch được ghi nhãn là Proluton Depot và 10 lọ khác ghi nhãn Oestradiol Benzoate cùng 3 ống kim tiêm đã sử dụng để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang