Bộ Y tế đề nghị bãi bỏ quy định về hộ khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu.
Tại buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với các phóng viên về một số điểm mới tại Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới diễn ra vào chiều ngày 17/10, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho hay, Nghị quyết này đã chuyển hướng công tác dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề: quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số.
Tại buổi trao đổi, ông Tân thông báo, Bộ Y tế có đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.
"Tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu" - Ông Tân cho biết.
Trước câu hỏi có cho phép sinh 3 con ở nơi mức sinh thấp, ông Tân khẳng định, đó là quyền của người dân nên không có khống chế, không có yêu cầu người dân được sinh bao nhiêu con. Cụ thể, kể từ Nghị quyết dân số năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế người dân được sinh bao nhiêu con, trừ nhóm đối tượng Đảng viên. Trước năm 2008, từng địa phương ra quy định cụ thể với nhóm Đảng viên. Nhưng từ năm 2008, Trung ương đã có quy định 94, thống nhất hình thức kỷ luật, cụ thể nếu Đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, con thứ 4 bị khai trừ. Đến năm 2013, quy định này tiếp tục được nới lỏng, sinh con thứ 5 mới bị khai trừ.
Theo chia sẻ của ông Tân, Nghị quyết nói rõ sẽ tiếp tục có lộ trình, từng bước sửa đổi các quy định xử lý vi phạm về mức sinh với Đảng viên.
7 tỉnh vi phạm chính sách dân số khi phạt sinh con thứ 3
http://danviet.vn/tin-tuc/7-tinh-vi-pham-chinh-sach-dan-so-khi-phat-sinh-con-thu-3-814515.html
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) khẳng định, Việt Nam không có quy định nào khống chế việc số con của các cặp vợ chồng. Trong khi đó vẫn có 7 tỉnh có quy định xử phạt sinh con thứ 3.
Về băn khoăn của dư luận trong thời gian gần đây “sinh con thứ 3 có bị phạt hay không?”, ông Tân khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ có quy định khống chế số con của người dân. “Tất cả các chính sách dân số từ xưa đến nay đều nhằm mục tiêu vận động, tuyên truyền để người dân sinh 2 con để nuôi dạy con cho tốt, đồng thời hạn chế tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Do đó, không hề có quy định phạt khi người dân sinh 3, 4 con…” – ông Tân nói.
Theo ông Tân, chỉ trừ nhóm Đảng viên là có Nghị quyết để phạt khi Đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4. Cụ thể, năm 2008 Nghị quyết của Đảng quy định Đảng viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật, con thứ 4 bị khai trừ. Tuy nhiên đến năm 2013, Nghị quyết mới đã nới lỏng hơn. Theo đó, Đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 bị kỷ luật, con thứ 5 mới bị khai trừ. “Số Đảng viên vi phạm chính sách này không nhiều” – ông Tân nói.
Về việc có nên phạt Đảng viên sinh con thứ 3 hay không, trước đó, GS Nguyễn Đình Cử - chuyên gia dân số (Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng nên bỏ việc phạt sinh con thứ 3 với nhóm Đảng viên. “Các Đảng viên hiện còn đang trong độ tuổi sinh đẻ đều là thế hệ 8X, 9X. Họ là những người trẻ, đã rất “ngấm” với sự giáo dục chỉ sinh hai con để nuôi dạy con cho tốt. Đồng thời, thế hệ trẻ cũng có nhiều tham vọng, nỗ lực thăng tiến trong công việc, còn muốn dành thời gian cho các sở thích cá nhân, giải trí, vì thế họ không muốn sinh nhiều con.
“Cá nhân tôi từng hỏi nhiều bạn ở độ tuổi 8X, 9X thì họ đều cho biết không muốn sinh nhiều con. Do đó, việc hạn chế sinh đẻ với nhóm Đảng viên cũng không cần thiết” – GS Cử nói.
Ông Tân cho biết, theo rà soát, hiện có 7 tỉnh, thành phố đang thực hiện việc xử phạt người sinh từ con thứ 3 trở lên. Điều này là vi phạm pháp luật. Do đó, Tổng cục Dân số -KHHGĐ đang làm việc với Bộ Tư pháp để rà soát các địa phương có quy định xử phạt người dân sinh con thứ 3 để bãi bỏ. “Đây đều là các quy định vi phạm chính sách dân số cần phải bãi bỏ” – ông Tân nói. Tuy nhiên, ông Tân không công bố danh sách 7 tỉnh vi phạm.
Trước đó, báo Dân Việt đã nhiều lần phản ánh về việc phạt sinh con thứ 3 tại một số xã thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, nhiều hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên hơn 1 năm không làm được giấy khai sinh cho con. Còn một số gia đình ở thành phố Vinh (Nghệ An) sinh con thứ ba, khi đi làm giấy khai sinh cũng bị buộc đóng khoản phí “tự nguyện” 2 triệu đồng cho quỹ DS - KHHGĐ mới được nhận giấy khai sinh.
Ông Tân cho biết thêm, đối với các quy định xử phạt trong hương ước, dòng họ thì Bộ Y tế sẽ không can thiệp vì đây là những quy định do người dân tự nguyện cam kết với nhau.
Bệnh viện E đề xuất đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Hà Nội
Bệnh viện E vừa kiến nghị Bộ Y tế cho phép đổi tên thành Bệnh viện đa khoa trung ương Hà Nội do quy mô và chức năng đã thay đổi nên. Đây là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Giáo sư Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, 50 năm hình thành và phát triển, bệnh viện đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hiện BV có quy mô hơn 1.000 giường bệnh; đồng thời là một trong những cơ sở điều trị tuyến cuối với 4 trung tâm y tế chuyên sâu gồm: Tim mạch, Tiêu hóa, Cơ xương khớp và Ung bướu. Trong đó, Trung tâm Tim mạch là một trong những cơ sở hàng đầu cả nước, đã thực hiện thành công hơn 6.000 ca phẫu thuật, chủ yếu là phẫu thuật tim hở trong 7 năm qua. Trung bình mỗi năm các bác sỹ của Bệnh viện E khám và điều trị gần 300.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và hơn 20.000 bệnh nhân nội trú.
Trước đây, khi mới thành lập, bệnh viện là cơ sở y tế phục vụ cán bộ chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau giải phóng miền Nam, bệnh viện chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung cấp của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội và phục vụ thương binh các chiến trường biên giới phía Bắc.
Đến nay, quy mô và chức năng đã thay đổi nên Bệnh viện vừa kiến nghị Bộ Y tế cho phép đổi tên thành Bệnh viện đa khoa trung ương Hà Nội. Kiến nghị này đang được Bộ Y tế xem xét.
Cũng tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bệnh viện E (17.10.1967-17.10.2017) và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ, diễn ra chiều 17.10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: "Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu Bệnh viện E đã đạt được trong thời gian qua và ủng hộ bệnh viện trong việc đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đưa bệnh viện trở thành hạng đặc biệt và là cơ sở thực hành của các trường y, dược trong thời gian tới".
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, để thực hiện được nhiệm vụ này, bệnh viện cần mở rộng hợp tác, phát triển các lĩnh vực mới trong khám chữa bệnh như y học dự phòng, huyết học truyền máu, xạ trị ung bướu, điện quang can thiệp, phẫu thuật bằng robot, ghép tạng... trong tương lai gần.
“Vẽ” lượt khám chữa bệnh để trục lợi Bảo hiểm y tế
http://vov.vn/xa-hoi/ve-luot-kham-chua-benh-de-truc-loi-bao-hiem-y-te-684410.vov
Cơ quan bảo hiểm đưa ra các bằng chứng về việc BHYT bị trục lợi bằng nhiều mánh khóe.
Tại Hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế” mới diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, cơ quan bảo hiểm đã đưa ra nhiều bằng chứng về việc Bảo hiểm Y tế bị trục lợi bằng nhiều mánh khóe, còn ngành y tế cho rằng giám định viên cần phải có chứng chỉ hành nghề để tránh xuất toán vô lý tiền khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế của các cơ sở y tế. Đây là một trong nhiều bất cập chưa thống nhất giữa các cơ sở y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Theo ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế hiện nay việc giám định để thanh toán chi phí Bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như số lượng giám định viên hiện nay còn quá ít, với 2.300 người, trong đó mới chỉ có 50% có trình độ y dược. Trong khi đó, mỗi giám định viên phải giải quyết 5.000 hồ sơ mỗi tháng. Vì vậy, nếu không chuẩn mực về chuyên môn thì rất bất cập, dẫn đến sự không hiểu nhau giữa giám định viên và bác sĩ, giữa Bảo hiểm Xã hội và cơ sở y tế. Điển hình ở 1 huyện của Quảng Ninh, Bảo hiểm xã hội đã xuất toán 390 triệu vì lý do gửi lên tuyến trên khi bệnh còn nhẹ, gây bức xúc cho cơ sở.
Ngoài ra, việc giám định điện tử còn gây khó khăn cho khám chữa bệnh trong việc xác nhận thẻ; Quy tắc giám định do Bảo hiểm xã hội xây dựng nhưng ngành y tế không biết, việc đóng mở cổng tiếp nhận dữ liệu, việc sử dụng phần mềm giám định, cung cấp thông tin…ngành y tế cũng không biết, gây nên bất cập.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thừa nhận có những giám định viên kém về năng lực do lĩnh vực nào hiện nay cũng thiếu người, vì vậy cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và chuyên môn, làm công tác bảo hiểm phải làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ, không được chậm trễ trong việc tạm ứng hoặc chối từ những đề xuất hợp lý. Về quản lý quỹ, trong năm 2017 chỉ thu vào khoảng 80.000 tỷ, được phép chi chỉ 95% trong khi thực chi hết năm nay sẽ vào khoảng 85.000 tỷ.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, nhằm tăng quỹ bảo hiểm Y tế, hiện nay cần phải tập trung 4 giải pháp: phát triển đối tượng, nâng mệnh giá, huy động những nguồn đã có và có giải pháp về quản lý hiệu quả: "Từ năm 2018, Chính phủ cho phép bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với y tế tham mưu cho UBND các tỉnh sẽ khoán quỹ bảo hiểm. Nếu say này có tỉnh nào chi cao hơn sẽ phải báo cáo chính phủ xem xét".
Về phía Bảo hiểm xã hội đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân khiến cho quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bị bội chi với số lượng lớn. Hiện có 35 tỉnh có số chi khám chữa bệnh vượt trên 100% quỹ khám chữa bệnh, thậm chí còn 3 tháng nữa nhưng có những tỉnh đã chi trên 100%. Điển hình như Quảng Nam đã chi trên 200% trong 3 quý của năm.
Nguyên nhân chính làm gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế được cho là do giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; Không thực hiện đúng mực theo quy định; Thống kê thanh toán Dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập; Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; Tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị; Mua sắm sử dụng thuốc vật tư y tế chưa hợp lý; đặc biệt là trục lợi Bảo hiểm Y tế.
Ông Lê Văn Phúc – Phó Ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho rằng: Có một số cơ sở y tế đã tách nhỏ các dịch vụ, phẫu thuật để thanh toán thêm chi phí. Đặc biệt là việc chỉ định cho bệnh nhân nằm quá giờ đã khiến cho chi phí Bào hiểm y tế tăng lên rất nhiều. Đơn cử như mổ Phaco quy định nằm 2 ngày nhưng có những bệnh viện cho nằm đến 7,8 ngày.
Vấn đề trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế ngày càng nhiều. Trong 5 tháng đầu năm 2017, tại 46 tỉnh, thành phố đã có gần 2 ngàn 770 người đi khám từ 50 lần trở lên. Về phía nhân viên Y tế trục lợi bằng cách lấy lại dữ liệu thẻ của người đã chuyển đi chỗ khác để lập khống hồ sơ, rút ruột hàng chục triệu đồng. Đơn cử như tại Vĩnh Long, một bác sĩ đã lập khống 272 lượt khám chữa bệnh để đề nghị thanh toán trên 49 triệu đồng….
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm đã giải quyết cơ bản những tồn đọng mà Bảo hiểm Y tế chưa thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đưa ra những giải pháp về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giải pháp về tổ chức điều hành, giải pháp về kỹ thuật. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 105 để giải quyết nhiều vướng mắc trong vấn đề thanh toán, quản lý quỹ bảo hiểm, xử lý khó khăn vướng mắc hiện nay. Bộ Y tế cũng điều chỉnh thông tư về giá dịch vụ y tế để phù hợp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra sau đó thanh tra, xử lý nghiêm những vi phạm, về lạm dụng kỹ thuật, đặc biệt là trục lợi. Đồng thời xử lý vi phạm nếu cơ quan Bảo hiểm Xã hội từ chối những yêu cầu rất hợp lý của bệnh nhân và bệnh viện".
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết hiện đang cố gắng xây dựng đề án thay đổi công tác giám định. Trong năm 2018 phấn đấu 100% hồ sơ được thực hiện giám định điện tử để giám sát, tạo điều kiện cho việc thanh toán khám chữa bệnh thuận lợi và minh bạch.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa mưa lũ
Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Bước vào mùa mưa bão, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía bắc, duyên hải miền Trung. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ là sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:
Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
SCIC tiếp nhận quản lý vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp từ Bộ Y tế
SCIC nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 3 doanh nghiệp từ Bộ Y tế gồm Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed); Công ty cổ phần Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco); Công ty cổ phần Dược Khoa (DK pharma).
Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) và Bộ Y tế đã ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 3 doanh nghiệp từ Bộ Y tế về SCIC.
Đây là nội dung Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa về SCIC trong tiến trình đổi mới DNNN.
3 doanh nghiệp được chuyển giao gồm có:
1. Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam – CTCP (Vinamed). Được thành lập từ năm 1985 với nhiệm vụ sản xuất và cung ứng trang thiết bị y tế. Hiện nay Vinamed hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thiết bị và vật tư y tế, cung cấp giải pháp IT trong y tế, tư vấn và xây dựng các công trình y tế, và đầu tư vào các cơ sở y tế với vốn điều lệ là 88 tỷ đồng.Giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao về SCIC là 17,6 tỷ đồng.
2. Công ty cổ phần Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco). Được Bộ Y tế thành lập từ năm 2001, hiện nay Biopharco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng; sản xuất mỹ phẩm; bán buôn vắc xin và sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, thực phẩm với vốn điều lệ là 85,62 tỷ đồng. Giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao về SCIC là 12,4632 tỷ đồng;
3. Công ty cổ phần Dược Khoa (DK pharma). Được Bộ Y tế thành lập từ năm 2001, trực thuộc trường Đại học Dược Hà Nội. Hiện nay DK Pharma hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe với vốn điều lệ là 30,4 tỷ đồng. Giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao về SCIC là 1,8081 tỷ đồng.
Ngày mai, xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma
https://www.tienphong.vn/phap-luat/ngay-mai-xet-xu-phuc-tham-vu-an-vn-pharma-1199216.tpo
Sáng mai (19/10), TAND Cấp cao tại TPHCM sẽ đưa vụ án VN Pharma ra xét xử phúc thẩm. Đến thời điểm này, có 9 luật sư đăng ký tham gia tranh tụng tại toà. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 2 ngày 19-20/10, tại TAND TPHCM.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùngg (Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty VN Pharma) thông qua Võ Mạnh Cường (Giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C) làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251 ngàn USD. Bị cáo Phạm Văn Kiệt (giám đốc Cty Dược Sài Gòn) đã giúp sức qua hành vi sử dụng con dấu, chữ ký bất hợp pháp, giúp Cty VN Pharma nhập khẩu thuốc.
Cáo bị cáo Hùng, Cường, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Loan và Lê Thị Vũ Phương bị VKS buộc tội “Buôn lậu”; Bùi Ngọc Duy, Phạm Văn Thông và Phạm Anh Kiệt tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Tòa sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường – cùng 12 năm tù, cùng tội “Buôn lậu”. Cùng tội danh, Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 4 năm tù; Phan Cẩm Loan (nguyên phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù và nguyên kế toán trưởng VN Pharma là bị cáo Lê Thị Vũ Phương 3 năm tù.
Cáo còn lại bị bản án sơ thẩm tuyên phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tuyên phạt bị cáo Phạm Anh Kiệt 2 năm tù (cho hưởng án treo); Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) 1 năm 6 tháng tù và Hoàng Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù (cho hưởng án treo).
Bản án sơ thẩm cũng kiến nghị Bộ Công an và Viện KSND Tối cao xem xét hành vi của Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) và Hoàng Trúc Vi (nhân viên VN Pharma) vì có dấu hiệu sai phạm; kiến nghị làm rõ hành vi của một số cán bộ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) trong việc cấp phép cho VN Pharma để Cty này nhập trót lọt thuốc ung thư giả vào Việt Nam.
Sau bản án sơ thẩm, có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS Cấp cao tại TPHCM. Trong đó, đáng lưu ý là kháng nghị của VKS cho rằng, trong vụ VN Pharma, để nhập khẩu thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt các con dấu, giấy tờ giả (Giấy chứng nhận bán hàng tự do - FSC, Giấy chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt - GMP - của Bộ Y tế Canada, được hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada).
Kháng nghị cũng cho rằng, Cơ quan điều tra có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị xác minh Cty Helix Pharmaceuticals Inc, địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada (đây là Cty được khai là nhà sản xuất thuốc - PV) và Bộ Ngoại giao có công văn trả lời là Cty này không có thật. Bộ Công Thương cũng xác định mã số, mã vạch in trên võ hộp thuốc H-Capita 500mg không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Cũng theo bản kháng nghị, ngoài hồ sơ, con dấu giả, thì ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm hóa đơn hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi trước tiền hoa hồng cho bác sỹ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. Vì vậy, bản kháng nghị cho rằng hành vi của các bị cáo phải được xem xét đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, đảm bảo đúng bản chất vụ án, tội danh thì vụ án mới được xử lý đúng pháp luật.
Đáng lưu ý, theo kháng nghị, trong vụ án này Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng bàn bạc từ việc xây dựng hồ sơ đến nhập khẩu và tiêu thụ thuốc H-Capita 500mg. Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu, Cường cung cấp một loạt giấy tờ giả phía Canada, còn Hùng chỉ đạo thuộc cấp làm giả giấy tờ phía Việt Nam. Hành vi này theo kháng nghị là có dấu hiệu tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên cấp sơ thẩm đã không điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng liên quan tội danh này là bỏ lọt tội phạm.
Cũng theo kháng nghị, liên quan tới tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu…” mà cấp sơ thẩm “bỏ sót” không truy cứu, ngoài ông Hùng, Cường thì còn có Nguyễn Trí Nhật, Phan Cẩm Loan, Ngô Anh Quốc và Lê Thị Vũ Phương. Đối với Bùi Ngọc Duy, Phan Anh Kiệt và Phạm Văn Thông, cấp sơ thẩm cũng bỏ lọt tội những người này vì toàn bộ hồ sơ nhập khẩu giả và làm giả hồ sơ kỹ thuật của VN Pharma, cũng như mục đích phạm tội của ông Hùng, Cường thì Duy, Kiệt và Thông đều biết rõ. Vì vậy Hùng, Cường và Kiệt theo bản kháng nghị được nhìn nhận là có vai trò đồng phạm giúp sức cho Hùng và Cường.
Về giám định của Bộ Y tế trong vụ án, kháng nghị cho rằng có mâu thuẫn vì tại Quyết định 519/QĐ-BYT ngày 17/12/2014, Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định (HĐGĐ) lô hàng có nhãn mác H-Capita 500mg, với thành phần HĐGĐ gồm 10 thành viên, do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược làm Chủ tịch Hội đồng. Ông Đông vừa ở Cục Dược cấp phép lại vừa làm HĐGĐ là chưa bảo đảm tính khách quan vì Cục Quản lý Dược vừa là đơn vị cấp phép nhập khẩu, nhưng lại tham gia giám định chuyên môn.
Dù kết luận “Lô hàng có nhãn thuốc H-Capita 500mg chứa trên 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, tuy nhiên dù biết các đối tượng nhập về để trị bệnh ung thư cho người, nhưng cũng chính kết luận của Bộ Y tế lại cho rằng là thuốc kém chất lượng, mà không kết luận là thuốc giả.
Từ mâu thuẫn này của Bộ Y tế, kháng nghị cũng cho rằng cần phải trưng cầu giám định lại, với thành phần HĐGĐ khác để đảm bảo tính khách quan, làm chứng cứ cho việc xác định tội danh các bị cáo…
Bộ Y tế: Chưa bao giờ cấm người dân sinh nhiều con
http://doisongvietnam.vn/tran-tinh-ve-viec-chua-bao-gio-cam-nguoi-dan-sinh-nhieu-con-30699-3.html
Từ trước đến nay Việt Nam không có quy định khống chế người dân sinh số con cụ thể mà chỉ vận động.
Thời gian qua, nhiều người đang thực sự thắc mắc về việc có hay không việc nới lỏng quy định sinh con thứ 3 ở Việt Nam?
Theo ông guyễn Văn Tân – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dân số và KHH-GĐ (Bộ Y tế) cho biết, đến nay Việt Nam không có quy định pháp luật nào khống chế người dân sinh bao nhiêu con. Thế nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình sinh hai con, trừ nhóm đảng viên.
Từ 2008, Trung ương đã có quy định 94, thống nhất hình thức kỷ luật, cụ thể nếu đảng viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo; nếu sinh con thứ 4 bị khai trừ khỏi Đảng. Đến 2013, quy định này đã được nới lỏng hơn. Theo đó, nếu sinh con thứ 3 thì bị kỷ luật ở hình thức khiển trách; sinh con thứ 4 thì bị cảnh cáo và sinh con thứ 5 mới bị khai trừ.
Theo khảo sát mới nhất của ngành dân số với trên 700.000 người dân, kết quả 73% trả lời muốn sinh 2 con; 8,3% mong muốn đẻ 1 con; 9,3% ý kiến muốn sinh 3 con và hơn 8% muốn nhiều hơn 3 con. Đáng chú ý, trong khi mức sinh tăng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc thì ở miền Nam mức sinh có xu hướng tiếp tục giảm thấp, dưới mức sinh thay thế.
Ông Tân cho biết, trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có lộ trình từng bước sửa đổi quy định về xử lý vi phạm mức sinh đối với Đảng viên.
Trước mắt Việt Nam sẽ không thực hiện giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế để đảm bảo tới năm 2030, quy mô dân số đạt khoảng 104 triệu người.
Bộ Y tế tiếp tục vận động các cặp vợ chồng có 2 con nhưng vận động ít sinh ở vùng mức sinh cao, duy trì ở những nơi đạt mức sinh thay thế và vận động sinh thêm con ở vùng dưới mức sinh thay thế.
Liên quan đến việc mất cân bằng giới tính ở nước ta, ông Tân cho biết Việt Nam là nước có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh khá cao và ngày càng tăng nhanh. Theo đó, năm 2006, là 109 bé trai/100 bé gái nhưng đến 2012 đă tăng lên 112,3 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt năm 2013, tỷ lệ này lên mức 113,8/100 và hiện tại xấp xỉ 113 bé trai/bé gái. Theo dự báo, đến 2050, cả nước sẽ thiếu từ 2 triệu đến 4,3 triệu phụ nữ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh
Đó là một trong những chỉ đạo nổi bật tại Nghị quyết số 106/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 vừa được ban hành.
Nghị quyết nêu rõ, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình KT-XH 9 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thách thức: Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động, quyết liệt hành động, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.
Về phía ngành y tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung xử lý triệt để dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh. Kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thuốc, tích cực thực hiện các giải pháp giảm giá thuốc…
Bác sĩ Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng chống mù lòa
Bác sĩ Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế, được Tổ chức Quốc tế phòng chống mù lòa trao danh hiệu "Eye Health Heroes".
Bác sĩ Trường 55 tuổi, là một trong 15 người trên thế giới vừa được Tổ chức Quốc tế phòng chống mù lòa (IAPB) vinh danh là Anh hùng chống mù lòa và trao giải thưởng "Eye Health Heroes". Ông cũng là bác sĩ nhãn khoa đầu tiên công tác ở bệnh viện công lập Việt Nam nhận danh hiệu này.
Bác sĩ Trường từng giữ các cương vị Trưởng Trạm Mắt tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), Giám đốc Trung tâm Phòng chống mù lòa, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật xã hội. Khi Bệnh viện Mắt Huế được thành lập năm 2005, ông giữ nhiệm vụ giám đốc hơn 10 năm qua. Khi ấy Bệnh viện Mắt Huế chưa chữa trị được các bệnh về mắt cho trẻ em. Trẻ em bị bệnh mắt ở miền Trung đa số phải đi Hà Nội hay TP HCM điều trị nên chỉ con nhà giàu mới có điều kiện chữa bệnh.
"Nhiều em bị lác mắt, sụp mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở Quảng Bình, Hà Tĩnh được cha mẹ lặn lội đưa vào Huế chữa trị nhưng không được đành phải quay về. Lúc đó, tôi ước gì Bệnh viện Mắt Huế có đầy đủ cơ sở vật chất để có thể chữa trị cho các em", bác sĩ Trường chia sẻ.
Sau đó ông kết nối với nhiều tổ chức trong và ngoài nước nâng cao chất lượng chuyên môn, cơ sở vật chất của Bệnh viện Mắt Huế. Năm 2010, bác sĩ Trường thành lập trung tâm nhãn nhi chuyên điều trị, chăm sóc mắt cho trẻ em. Đây là trung tâm nhãn nhi đầu tiên ở miền Trung, hàng năm khám và phẫu thuật cho 200-250 trẻ em. Bệnh viện Mắt Huế cũng phối hợp các bệnh viện miền Trung khám mắt cho trẻ em và đưa về Huế phẫu thuật; đồng thời chuyển giao chuyên môn, phẫu thuật miễn phí đục thủy tinh thể cho người già vùng sâu...
Với những đóng góp trong việc chống mù lòa cho người dân các tỉnh miền Trung, bác sĩ Trường được IAPB vinh danh.
TPHCM: Hơn 16,4 nghìn người mắc sốt xuất huyết
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-hon-164-nghin-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-20171018194035811.htm
Tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp. Ngành Y tế cảnh báo, hiện đang là giai đoạn cao điểm mùa mưa, cộng đồng cần tăng cường các giải pháp bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã có 16.407 người mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, bệnh đã tăng 16% (năm 2016 là 14.160 ca). Hiện nay, TPHCM nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung đang bước vào cao điểm của mùa mưa, điều kiện thời tiết mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển trên diện rộng.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, ngành y tế thành phố đang triển khai các phương án phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay phòng chống sốt xuất huyết bằng các biện pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật chứa có thể là nơi muỗi sinh trưởng, phát triển, dùng bình xịt muỗi, nhang đuổi muỗi, ngủ mùng thường xuyên...
Tuy nhiên, một bộ phận trong cộng đồng dân cư có thái độ thờ ơ với công tác phòng chống dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những ổ muỗi làm phát sinh dịch bệnh. Để xử lý triệt để những hành vi thờ ơ bất hợp tác trong công tác phòng bệnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, trong 9 tháng qua, ngành y tế thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương các quận huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 164 trường hợp.
Sống lâu, nhưng phải khỏe
http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34440702-song-lau-nhung-phai-khoe.html
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đạt 73,4 tuổi, nhưng tuổi khỏe mạnh lại thấp hơn nhiều (64 tuổi). Như vậy trung bình mỗi người có gần 10 năm cuối đời sống không khỏe. Các chuyên gia đã chỉ ra mười vấn đề cần lưu ý trong chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam, đó là: đa bệnh lý; các bệnh phức tạp; biểu hiện không điển hình; dùng nhiều thuốc; hội chứng dễ tổn thương; hội chứng sa sút trí tuệ; ngã; suy dinh dưỡng; giảm khả năng vận động; giảm hoạt động chức năng. Trung bình mỗi NCT có ba bệnh mãn tính.
Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần giải quyết rất nhiều vấn đề để sống lâu và sống khỏe, tập trung nâng cao tuổi khỏe mạnh theo hướng tiệm cận tuổi thọ của người dân. Nâng cao sức khỏe của NCT phải trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc ban đầu; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hiện cả nước có khoảng 10,1 triệu NCT, tương đương khoảng 11% số dân, trong đó có khoảng hai triệu người hơn 80 tuổi. Dự báo số NCT sẽ tăng cao trong những năm tới. Ðến năm 2050, ước tính cả nước có 28 triệu NCT, chiếm khoảng 25% số dân. Vì vậy, mục tiêu già hóa khỏe mạnh là hết sức quan trọng, cần sự tham gia tích cực của nhiều bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền các cấp. Với đặc thù của Việt Nam, để chăm sóc sức khỏe NCT hiệu quả cần phát triển mô hình y học gia đình, đồng thời củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc NCT. Phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà cần tập trung vào các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường. Ðề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” đã được Bộ Y tế phê duyệt cần sớm được triển khai với những giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đề ra.
Khung phân tích của Tổ chức Y tế thế giới cũng đã chỉ rõ, các can thiệp nhằm mục tiêu già hóa khỏe mạnh có thể chia thành ba nhóm, trải suốt vòng đời. Theo đó, các can thiệp được chia thành ba nhóm như sau: Can thiệp về dịch vụ y tế (bao gồm các can thiệp cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, chẩn đoán sớm và kiểm soát bệnh mạn tính); can thiệp chăm sóc dài hạn (hỗ trợ NCT nâng cao năng lực, hành vi); can thiệp vào môi trường văn hóa, xã hội (bao gồm các can thiệp nhằm nâng cao năng lực, đẩy mạnh lối sống, hành vi lành mạnh cho sức khỏe một cách mạnh mẽ; hỗ trợ NCT loại bỏ những rào cản trong tham gia hoạt động kinh tế, xã hội). Ðây là những biện pháp có giá trị để Việt Nam tham khảo và vận dụng trong quá trình xây dựng các chính sách về chăm sóc sức khỏe NCT.
Nghĩa Lộ gồng mình phòng dịch sau lũ
http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34436002-nghia-lo-gong-minh-phong-dich-sau-lu.html
Trận lũ quét ngày 11-10 đi qua, nhưng nỗi lo về dịch bệnh bùng phát đang làm đau đầu ngành y tế và chính quyền cơ sở của tỉnh Yên Bái, khi Trung tâm y tế Nghĩa Lộ, đơn vị chủ lực trong phòng chống bệnh tật (một trong ba địa phương bị lũ quét tàn phá nặng nề nhất) hiện không có thiết bị làm việc, bởi toàn bộ tài sản đã hư hỏng do lũ tàn phá.
Căn phòng ở của Giàng A Dê, dân tộc Mông, điều dưỡng viên Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ nằm sát suối Nung, giờ còn trơ lại bức tường gạch nham nhở, phần mái và bức tường phía suối đã bị lũ cuốn phăng. Tấm ảnh đen trắng chụp hai vợ chồng Dê với dòng chữ “chúng mình mãi yêu nhau” đơn độc một mình trên tường, như ngơ ngác tìm chủ nhân đi đâu không thấy về.
Cùng bảy gia đình khác trong khuôn viên Trung tâm y tế bị mất hết tài sản do lũ về sáng sớm, mọi người chỉ kịp mở cửa, bế trẻ chạy lên phía đường cao, còn tài sản bị nước lũ cuốn trôi hết, Dơ thẫn thờ nói: “Hai vợ chồng em vừa bán được mảnh đất ở Mù Cang Chải được 70 triệu đồng, cất kỹ trong tủ gỗ, dự định mua một mảnh đất trong ngõ của thị xã để hợp lý hóa gia đình. Bây giờ lũ lấy mất sạch rồi, chẳng còn gì nữa, may mà được bệnh viện cho ở tạm phòng khách, được đồng nghiệp ủng hộ quần áo mặc, mọi việc bây giờ bắt đầu từ hai bàn tay trắng”.
Trung tâm y tế thị xã là nhà hai tầng, được xây dựng theo kiểu lắp ghép từ năm 1972, đến nay đủ 45 tuổi. Mái dột, đơn vị đang lên kế hoạch xin 70 triệu đồng từ ngân sách thị xã nhằm cải tạo lại cho đỡ nhếch nhác. Trận lũ đổ về ngập sâu hai mét, toàn bộ tài sản đang có ở tầng một bị hư hại hoàn toàn. Lo lắng nhất là năm tủ lạnh bảo quản vắc-xin, 15 bộ vi tính và toàn bộ hồ sơ cán bộ, hồ sơ sổ sách kế toán, cùng 168 bệnh án của bệnh nhân đang điều trị Methadoner bị bùn đất vùi lấp.
Giám đốc trung tâm Nguyễn Văn Khương lo lắng: Là đơn vị điều trị Methadoner, hàng ngày phát thuốc điều trị cho gần 200 người bệnh, tiêm dự phòng bệnh uốn ván, bệnh dại cho khu vực thị xã Nghĩa Lộ, cộng với việc quản lý phòng chống dịch sau lũ ở các xã phường, nay không còn gì trong tay đơn vị khó lòng hoàn thành được nhiệm vụ đã giao. Rất may, sau lũ được cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316 cùng thanh niên tình nguyện tham gia dọn vét bùn đất, phun rửa vệ sinh 20 phòng bị ngập, đến nay cơ bản ổn định có nơi làm việc.
Cử nhân Y tế cộng đồng Lâm Thị Hương luôn tay dùng máy xì khô các bệnh án bị ướt, miệng trao đổi với đồng nghiệp về cắt cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân thau rửa giếng nước ăn, chống tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết tại các vùng bị ngập úng. Chị Hương cho biết: “Cập nhật số liệu bệnh nhân và tình hình dịch bệnh hằng ngày, kịp thời báo cáo lên trên để xử lý là nguyên tắc của Trung tâm. Nay các máy tính, máy in bị hỏng, chúng tôi phải chạy sang đơn vị khác làm nhờ, thật bất tiện, không biết đến khi nào mới được bổ sung để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Trao đổi về vấn đề trên, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho hay: “Ngay khi lũ rút, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn đã trực tiếp có mặt chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra việc khắc phục thiên tai tại vùng lũ quét Yên Bái. Trước mắt, thông báo rộng rãi và chuyển gần 200 bệnh nhân điều trị Methadoner và tiêm phòng bệnh dại sang cơ sở tại huyện Văn Chấn (cách khoảng 13 km). Hỗ trợ 250 nghìn viên Cloramin B cùng nhiều hóa chất và máy phun tiêu độc khử trùng về vùng bị thiên tai nhằm phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị Bộ Y tế quan tâm các dự án khẩn cấp, sớm giúp Trung tâm y tế Nghĩa Lộ vượt qua khó khăn. Công đoàn ngành y tế tỉnh đã vận động đoàn viên ủng hộ ít nhất một ngày lương, ủng hộ giúp cán bộ công nhân viên vùng lũ”.
Xử phạt hàng loạt các phòng khám có yếu tố nước ngoài sai phạm
Từ đầu tháng 10 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử phạt nhiều phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Những vi phạm chủ yếu của các phòng khám này là cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép, quảng cáo khám chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn, thu giá khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết…
Cụ thể, công ty TNHH đầu tư y tế quốc tế Đông Á - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Baylor (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10) đã bị xử phạt 128 triệu đồng theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh với các vi phạm: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết. Trước đó, phòng khám này đã bị bệnh nhân tố thu 56,8 triệu đồng vì khám bệnh nam khoa và phòng khám này đã trả lại tiền cho bệnh nhân.
Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Thế Giới - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Một Thế Giới (646 - 648 Võ Văn Kiệt phường 1 quận 5) cũng đã bị xử phạt hơn 25 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định...
Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 3 Tháng 2 (1503 -1505 - 1507-1509 đường 3/2 phường 16 quận 11) bị xử phạt 33 triệu đồng với hành vi không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Thăng Long - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Thăng Long (575 Sư Vạn Hạnh phường 13 quận 10) bị xử phạt 8 triệu đồng vì thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá niêm yết. Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Nguyễn Trãi - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (277 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) bị xử phạt 700.000 đồng vì lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Đây là những phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc hoạt động từng bị rất nhiều bệnh nhân phản ánh và bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt với các vi phạm trên.
Bên cạnh đó, công ty TNHH Phòng khám đa khoa Lians MMC (lầu 2, số 35 đường Nội khu Hưng Phước 4, phường Tân Phong, quận 7) là phòng khám có bác sĩ người Hàn Quốc hoạt động cũng bị xử phạt hơn 59 triệu đồng với các vi phạm: Người nước ngoài trực tiếp khám chữa bệnh bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng; không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; không lập sổ khám bệnh theo quy định của pháp luật; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; không đảm đầy đủ số lượng và chất lượng cơ số thuốc cấp cứu.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn xử phạt 49 triệu đồng đối với bà Khổng Thị Khánh - chủ nhà thuốc của phòng khám này vì bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành và không thực hiện việc mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật.
Hơn 2.000 người hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng
https://laodong.vn/suc-khoe/hon-2000-nguoi-huong-ung-ngay-the-gioi-rua-tay-voi-xa-phong-570717.ldo
Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng với chủ đề “Giữ đôi bàn tay sạch vì thế hệ tương lai” ngày 15.10 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh: “Rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như vắc-xin hiệu quả, tiết kiệm mà lúc cũng có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe”.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng góp phần làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán… Đáng lưu ý, các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã hưởng ứng tích cực Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng, góp phần bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Trong đó, Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy đã đồng hành cùng Bộ Y tế, Bộ giáo dục và Đào tạo suốt nhiều năm trong hành trình “Xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 25 triệu người dân Việt Nam tính đến năm 2020”.
Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác chiến lược dài hạn để “Cải thiện vệ sinh và sức khỏe của người dân Việt Nam” và “Phát triển trường học Xanh – Sạch – Khỏe” trong giai đoạn 5 năm từ 2017 – 2022.
Ngoài ra, tiếp nối chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày “Thế giới rửa tay với xà phòng”, nhãn hàng Lifebuoy mang sân chơi khoa học Lifebuoy bạc đến các trường tiểu học với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị nhằm tạo thói quen rửa tay với xà phòng, góp phần bảo vệ sức khỏe.
Đề xuất hỗ trợ thuốc cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh điều trị cho người bệnh
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh để điều trị cho người bệnh.
Theo dự thảo, Chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh là chương trình hỗ trợ toàn bộ chi phí hoặc một phần chi phí nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh hiếm, bệnh mạn tính cần điều trị kéo dài, có chi phí lớn; giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.
Điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ thuốc được đề xuất như sau: Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực chuyên môn, nhân lực và trang thiết bị theo đúng yêu cầu của chương trình hỗ trợ thuốc. Đối với người bệnh, người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh phù hợp với phạm vi chỉ định và đối tượng áp dụng được chương trình cam kết hỗ trợ; được bác sỹ chỉ định điều trị, đồng ý tự nguyện tham gia và chấp nhận các điều kiện của chương trình hỗ trợ thuốc. Đối với cơ sở kinh doanh dược, đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý, đủ năng lực để cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng thuốc theo đúng tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận chính thức đã ký kết với cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Quy định thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Theo dự thảo, Chương trình hỗ trợ thuốc được tổ chức thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần tuân thủ tối thiểu các quy định sau: Người bệnh được cung cấp thông tin, tư vấn về chương trình hỗ trợ thuốc, về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia chương trình và tự nguyện đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ thuốc.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp phát thuốc căn cứ vào tình trạng của người bệnh. Khi chỉ định thuốc hỗ trợ, bác sĩ điều trị cần ghi rõ thuốc được lĩnh từ nguồn thuốc thương mại hay thuốc được lĩnh từ nguồn thuốc hỗ trợ của cơ sở kinh doanh dược.
Thuốc được lĩnh tại Khoa Dược hoặc bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao trách nhiệm cấp phát thuốc trong thỏa thuận đã ký kết. Khoa Dược hoặc bộ phận chuyên môn thực hiện việc kê đơn thuốc và lưu đơn thuốc theo quy định. Trường hợp không sử dụng hết số thuốc đã được cấp phát, người bệnh hoặc gia đình người bệnh phải hoàn trả số thuốc chưa sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ những trường hợp người bệnh tử vong mất dấu hoặc rủi ro mất cắp.
Định kỳ hàng quý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê, báo cáo tình hình cung ứng, sử dụng thuốc hỗ trợ cho Sở Y tế (đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Sở Y tế) hoặc Bộ Y tế (đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế).
Dự thảo nêu rõ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ghi nhận và báo cáo các phản ứng có hại liên quan đến thuốc trong chương trình cho Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.