Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 19/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão số 10; Đồng Tháp: Báo động tình trạng tử vong do sốt xuất huyết; ĐBSCL: Nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; Ác mộng "muỗi" của người Hà Nội; Hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng ở Đác Lắc; ...

 

Bộ Y tế quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão số 10

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/bo-y-te-quyen-gop-ung-ho-dong-bao-mien-trung-bi-anh-huong-do-bao-so-10-518131

http://toquoc.vn/y-te/truong-dai-dien-to-chuc-y-te-the-gioi-tham-gia-ung-ho-dong-bao-mien-trung-254556.html

Ngày 18-9, cơ quan Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động, kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động của Bộ Y tế quyên góp ủng hộ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 10 gây ra.

Phát huy truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, đồng thời chia sẻ những thiệt hại nghiêm trọng mà đồng bào các tỉnh miền Trung phải gánh chịu do hậu quả bão số 10 gây ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Y tế đã tham gia ủng hộ ít nhất một ngày lương góp phần giúp đỡ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão số 10 gây ra tại các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả, dần khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã vào miền Trung tháp tùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ khảo sát, chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục hậu quả bão lũ.

Về công tác đảm bảo y tế liên quan đến bão số 10, từ ngày 13-9 đến 15-9, Bộ Y tế đã liên tiếp có 3 công điện khẩn chỉ đạo ngành y tế các tỉnh trong vùng ảnh hưởng bão chủ động đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và thu dung người bệnh trong mưa bão; đồng thời lên phương án chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống bão lụt, phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ… Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã vận động các nhà hảo tâm tặng trang thiết bị cho một số đơn vị y tế bị thiệt hại do bão lũ của các tỉnh miền Trung, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

 

Đồng Tháp: Báo động tình trạng tử vong do sốt xuất huyết

http://antt.vn/dong-thap-bao-dong-tinh-trang-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-209539.htm

Tại Đồng Tháp, tính đến đầu tháng 9, 3/2.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã tử vong. Đáng lo ngại khi dịch bệnh đã xuất hiện tại 12/12 huyện của tỉnh.

Đây là thông tin được ngành y tế tỉnh Đồng Tháp đưa ra vào ngày 18/9.

Trên báo Công an nhân dân, Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, các địa phương có ca mắc bệnh cao là TP Cao Lãnh (443 ca), huyện Lấp Vò (356 ca), huyện Thanh Bình (261 ca) và huyện Cao Lãnh (234 ca).

Báo Lao Động đưa tin, qua giám sát thực tế tại Khu dân cư ấp Bình Thuận, xã Bình Thành, đoàn nhận định chỉ số muỗi và lăng quăng tại khu vực này hiện rất cao, nhất là chỉ số muỗi cao gấp 5 lần mức cảnh báo.

Tại Cần Thơ, toàn TP ghi nhận 790 ca mắc SXH, tăng hơn 66% so với cùng kỳ. Dù chưa có ca SXH nào tử vong nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: Ninh Kiều, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn, Cái Răng…

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, ban ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời tiến hành thành lập tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết, duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca bệnh.

 

ĐBSCL: Nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

https://laodong.vn/y-te/dbscl-nhieu-truong-hop-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-565218.ldo

Trong tổng số hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận 3 ca tử vong. Đáng lo hơn, dịch bệnh đã xuất hiện tại 12/12 huyện của tỉnh…

Ngày 18.9, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến đầu tháng 9, tỉnh này đã ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 3 ca tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện tại 12/12 huyện của tỉnh.

Tại huyện Thanh Bình, từ đầu năm đến nay, ngành y tế ghi nhận trên 300 trường hợp mắc SXH, với 125 ổ dịch, tăng trên 93% so với cùng kỳ năm 2016. Qua giám sát thực tế tại Khu dân cư ấp Bình Thuận, xã Bình Thành, đoàn nhận định chỉ số muỗi và lăng quăng tại khu vực này hiện rất cao, nhất là chỉ số muỗi cao gấp 5 lần mức cảnh báo.

Còn tại Cần Thơ, tính đến nay, toàn TP ghi nhận 790 ca mắc SXH, tăng hơn 66% so với cùng kỳ. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết gây ra nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đang bùng phát trên diện rộng, trong đó, số ca sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: Ninh Kiều, Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn, Cái Răng….   

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng tránh. Cụ thể là phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết; thành lập tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết, duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca bệnh…

 

Ác mộng "muỗi" của người Hà Nội

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/ac-mong-muoi-cua-nguoi-ha-noi_t114c9n124474

Trong hai tháng 7-8, Hà Nội trong tâm dịch sốt xuất huyết với tốc độ lan nhanh gấp 700 lần so với trước, cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.

Mới mổ đẻ được 13 ngày, chị bị sốt cao đùng đùng. Chỉ một lần xét nghiệm, chị dương tính với sốt xuất huyết. Con ở nhà bà nuôi, còn chị tay xách nách mang vào Bệnh viện Bạch Mai. "Đau đớn vì vết mổ chưa lành, ngực thì căng tức sữa, thế mà con muỗi vẫn không tha", chị nói. Cứ mỗi lần ngắt cơn sốt, chị Hương lại tranh thủ vắt sữa ra để duy trì dòng sữa, ra viện còn có sữa cho con bú.

Bệnh nhân ấy nói, cuộc đời chị chưa bao giờ thấy khổ sở đến thế.

Ông Kình 75 tuổi nằm giường kế bên giường chị Hương. Ông là bệnh nhân cao tuổi nhất mắc sốt xuất huyết ở đây. Ngày 5/9, ông bỗng ngất lăn ra đất. Vợ con hoảng sợ gọi 115 đưa ông đến khoa Tim mạch. Sàng lọc mãi không ra bệnh, đến ngày thứ 2, nữ y tá thấy chân ông có vết đốm đỏ. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm sốt xuất huyết và kết quả dương tính. Hai ngày sau, ông được chuyển về khoa Truyền nhiễm để điều trị cho đúng bệnh. Trong những câu chuyện của mình, ông Kình vẫn nói đi nói lại "nhà tôi được phun thuốc hai lần rồi mà vẫn có muỗi".

Con muỗi, trở thành hiện thân của một cơn ác mộng với người dân thủ đô.

Bây giờ, nhắc đến sốt xuất huyết, người Hà Nội ai cũng sợ. Ở trên là những người vẫn đang nằm viện, họ sợ đã đành. Còn những người đã khỏi, khi hỏi lại vẫn còn ám ảnh.

Tháng 7, dịch sốt xuất huyết bùng phát cả nước. Trong vòng hai tháng sau, Hà Nội trở thành tâm điểm của dịch với gần 25.000 người mắc bệnh. Đây cũng là nơi có tốc độ tăng số ca bệnh nhanh nhất cả nước. 12 quận, huyện ở mức báo động đỏ, ghi nhận hơn 2.000 ổ dịch, với bảy trường hợp tử vong.

Đặc biệt, các năm trước thành phố chỉ ghi nhận hai type virus D1, D2 gây sốt xuất huyết, năm nay xuất hiện thêm cả type D3, D4.

Đỉnh điểm có ngày khoảng 2.000 bệnh nhân Hà Nội nhập viện. Các bệnh viện tại thủ đô quá tái, bệnh nhân tăng gấp bốn lần năm ngoái. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 7, có ngày lên đến 1.000 người. Bệnh viện quá tải, y bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ.

Gia đình chị Oanh lâm vào một kịch bản không hiếm thấy trong những ngày này: Cả nhà mắc sốt xuất huyết, không còn người khỏe để chăm người ốm, người này đỡ lại tới người kia nằm viện.

Đầu tiên là cậu con trai năm tuổi dương tính với sốt xuất huyết. Sau đó thì thằng anh tám tuổi nhiễm bệnh. Con vừa khỏi sốt xuất huyết được hai ngày thì đến lượt chồng, rồi tiếp tới chị Oanh.

Nhà chị Hải (Đống Đa) có bốn người thì cả chồng và hai con gái đều bị sốt xuất huyết. Chị chăm con nằm viện, còn hai bố con tự đưa nhau vào viện lấy máu. Cuộc sống yên ả bỗng xáo trộn, nhọc nhằn.

Giữa tháng 8, kết quả giám sát thấy mức độ muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết dày đặc tại Hà Nội. Tại nhiều khu vực ở thủ đô, mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cao gấp 3-3,5 lần so bình thường. Người Hà Nội lũ lượt đi khám. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết xin nhập bốn bệnh viện không nơi nào nhận.

Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua ông và các bác sĩ, y tá cảm thấy sợ sốt xuất huyết đến thế.

Suốt hai tháng qua, bệnh nhân ra vào viện la liệt, một cái giường nhỏ phải nằm ghép ba ghép bốn, các bác sĩ làm việc luôn chân tay, không có ngày nghỉ. Tháng 6 khoa tiếp nhận 48 trường hợp một ngày. Đến tháng 8, con số lên tới 800 ca.

Bệnh nhân sốt xuất huyết bình thường nhập viện điều trị vài ngày có thể về, nhưng không ít người nguy kịch. Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết trên nền bệnh như tiểu đường, huyết áp, rối loạn đông máu... rất dễ biến chứng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, bắt buộc phải thở máy, hồi sức. Mới đây, một sinh viên Đại học Luật bị sốt xuất huyết di chứng viêm não phải thở máy, nằm hồi sức tích cực. Hay một bà bầu 39 tuần cũng mắc sốt xuất huyết, sau đó lại bị viêm phổi nặng. Bệnh nhân phải chuyển sang khoa Hồi sức nằm để bác sĩ theo dõi sức khỏe cả mẹ lẫn con.

Bệnh viện quá tải vì dịch sốt xuất huyết

Có những bệnh nhân, bác sĩ nhìn kẹp nhiệt độ lên tới 43 độ, trong khi số trên nhiệt kế chỉ tối đa đến 42 độ.

Hai tháng vừa qua, khoa tiếp nhận hơn 100 bà bầu mắc sốt xuất huyết. Người bệnh bình thường mắc sốt xuất huyết đã mệt mỏi, lo lắng, với bà bầu, nỗi lo đó lại tăng lên gấp bội. Những bà bầu bị hiếm muộn, làm thụ tinh nhân tạo thì đứng ngồi không yên. Những ca như thế, bác sĩ rất áp lực, ngoài việc điều trị, họ còn phải làm công tác tư tưởng giúp bệnh nhân an tâm chữa bệnh.

Từ khi dịch sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện phải huy động nhiều y bác sĩ túc trực nên tất cả nhân viên y tế đều được lệnh không được nghỉ buổi nào kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí "không được ốm đau trừ khi bệnh nặng".

Nhưng những y lệnh cũng không ngăn cản được căn bệnh tấn công chính các hộ vệ áo trắng.

Cả khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai có vài chục nhân lực, nhưng đến hơn 10 bác sĩ, y tá thay nhau mắc sốt xuất huyết.

Sáng sớm 1/8, đang họp giao ban, bác sĩ Cường nhận được tin nhắn từ bác sĩ Trang: "Em bị sốt xuất huyết, em xin phép không trực được".

Các kíp trực đã được sắp xếp, bác sĩ Trang nghỉ đột xuất làm đảo lộn hết cả. Bác sĩ Trang không nhập viện mà tự điều trị bệnh tại nhà vì lúc ấy khoa đã quá tải. Con gái chị cũng bị sốt xuất huyết, chồng thì đi công tác nên hai mẹ con ở nhà tự chăm nhau. Ba ngày sau, cả khoa đã thấy bác sĩ Trang vật vờ đi làm.

“Bệnh nhân ốm được bác sĩ chăm mà khi bác sĩ ốm, đồng nghiệp lại chẳng đến được”, bác sĩ Cường nói.

Trong những câu chuyện của bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Sốt xuất huyết thật sự đáng sợ. Nó càn quét sức khỏe của cả bệnh nhân và bác sĩ. Hai tháng nay, hôm nào chị cũng đi làm từ 6h sáng đến 8h tối.

"Không biết bão ở đâu nữa chứ bão ở ngay cái nhà này rồi. Hôm nào cũng 10h đêm mới được ăn cơm tối", chồng chị Trà phàn nàn với vợ.

Đợt chống dịch sốt xuất huyết lần này, chị Trà bị sụt hai kg. Không chỉ có chị mà tất cả các cán bộ nhân viên trong khoa đều bị sụt cân, căng thẳng, mất ngủ. Điển hình như bác sĩ Tý, công tác tại Bệnh viện Đức Giang, đang học bác sĩ chuyên khoa II tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Tý tham gia trực tại Khoa truyền nhiễm trong đợt dịch này, sau một tháng đã giảm 13 kg.

Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh Nguyễn Thúy Mai thâm niên 25 năm làm việc, đánh giá chưa bao giờ dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội lớn như lần này. Các đồng nghiệp cùng chị Mai đang làm việc hết sức từ 6h sáng đến 6h tối, các ca kíp thay nhau trực tăng cường 24/24 giờ. "Người bệnh đến viện đều sốt cao, có người ngất xỉu, chúng tôi phải nhanh chóng giải quyết tránh ùn tắc", nữ điều dưỡng trưởng cho biết.

Đông bệnh nhân, áp lực công việc nhiều song áp lực tinh thần người bệnh gây ra khi phải lo lắng chờ đợi khám quá lâu khiến các y bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều bệnh nhân cáu gắt, chửi mắng, có cả những lời mạt sát kiểu "Chị có đi học không?" hay "Người nhà chị nằm viện thì có phải nằm ghép không, sao bắt tôi nằm ghép?"...

Hà Nội đã có bảy bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết.

Cả tháng qua, bác sĩ Khiêm làm việc tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gần như trực hàng ngày và không có ngày nghỉ. Đến nay, dù dịch sốt xuất huyết đã đi ngang, song công việc vẫn bận rộn như bình thường. Năm nào cũng vậy, cứ mùa sốt xuất huyết đi qua, bác sĩ Khiêm lại thấy nao lòng. Đặc biệt là năm nay, khi Hà Nội trong tâm dịch sốt xuất huyết và bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong mà không thể làm gì hơn.

Người thứ sáu ở Hà Nội ra đi vì sốt xuất huyết đặc biệt khiến bác sĩ Khiêm "bất lực, giận bản thân". Đó là người phụ nữ 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng, rối loạn đông máu do sốt xuất huyết, tình trạng rất nặng. Chị còn quá trẻ lại góa chồng, chỉ có cậu con trai mới học lớp 10 túc trực chăm sóc mẹ. Các bác sĩ cố tìm mọi cách cứu bệnh nhân, áp dụng mọi biện pháp hồi sức tích cực, chạy thận, lọc máu liên tục, mục đích điều trị duy trì giúp bệnh nhân qua giai đoạn cấp của bệnh sau đó có thể hồi phục.

"Chi phí điều trị lớn, tỷ lệ thành công thấp, gia đình xin dừng điều trị nhưng nếu buông xuôi thì rất đơn giản. Chúng tôi nghĩ bệnh nhân vẫn có cơ hội dù thấp nên cố gắng làm mọi cách để níu kéo chữa cho bệnh nhân", bác sĩ Khiêm nhớ lại. Có thời điểm sức khỏe của bệnh nhân triển triển rõ rệt, đội ngũ y bác sĩ mừng rỡ. Nhưng rồi sức khỏe diễn biến xấu trở lại, 18 ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân qua đời. Lúc đưa người xấu số đi, bác sĩ Khiêm cứ nặng lòng ưu tư mãi.

Không chỉ khoa hồi sức tích cực mà tất cả khoa phòng khác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đều tham gia khám chữa bệnh nhân sốt xuất huyết.

Nhiều cuộc tranh cãi xảy ra khi Hà Nội tập trung chống dịch nhưng vẫn không hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá Hà Nội phòng chống dịch quyết liệt song chưa triệt để, chưa hiệu quả. Đặc biệt, lý do khiến sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt là do người dân vẫn thờ ơ với dịch. Nhiều trường hợp cán bộ y tế đi phun thuốc diệt muỗi nhưng bị dân từ chối hay cố tình không cho phun.

Đến nay, Hà Nội đã chi khoảng 23 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch nhưng vẫn "vỡ trận". Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài ra, hơn 20 tỉnh thành đã chi viện cho Hà Nội hàng chục máy công suất lớn để phun diệt muỗi.

Những ngày qua, sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế dự báo số bệnh nhân sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao bởi miền Bắc chính thức bước vào thời kỳ cao điểm mùa dịch, từ tháng 9 đến tháng 11. Nhiều khả năng, năm 2017 trở thành năm có nhiều ca sốt xuất huyết nhất trong thập kỷ.

 

Hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng ở Đác Lắc

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34123002-hon-1-000-truong-hop-mac-benh-tay-chan-mieng-o-dac-lac.html

Chiều 18-9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 1.042 trường hợp mắc bệnh tay-chân- miệng. Các trường hợp mắc bệnh tập trung nhiều nhất tại TP Buôn Ma Thuột với 283 trường hợp, huyện Cư M’gar 143 trường hợp, Buôn Đôn 113 trường hợp...

Đáng chú ý, kể từ khi học sinh nhập học vào cuối tháng 8 đến nay, các trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn cũng tăng nhanh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay-chân-miệng, Sở Y tế Đác Lắc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng đến người dân, trong đó chú trọng đến đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ dưới năm tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng tại các địa phương, trường học; đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch. Các đơn vị trong ngành y tế tại các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng tại trường mầm non, nhà trẻ, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình...

Sở Y tế tỉnh Đác Lắc cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh bảo đảm cơ sở vật chất, tổ chức tốt công tác thu dung và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các tai biến nặng và tử vong do bệnh tay-chân-miệng; thực hiện tốt việc cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường tại khoa, phòng điều trị, xử lý vật dụng, chất thải của bệnh nhân nhằm tránh lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.

 

Không vào "hang cọp" sao "bắt" được... Vàng

http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-vao-hang-cop-sao-bat-duoc-vang/741692.antd

Trong báo chí, điều tra luôn là mảng làm nên tên tuổi, thương hiệu tờ báo và thu hút nhiều bạn đọc nhất. Để làm nên một phóng sự điều tra thành công cần đòi hỏi sự sáng tạo và cả dấn thân mạo hiểm, hy sinh của người thực hiện…

Đó cũng là những điều tạo nên sự thành công của ê kíp phóng viên trẻ Truyền hình An ninh ATV khi đoạt Huy chương Vàng của Liên hoan Truyền hình CAND lần thứ XI.

4 lần xâm nhập để được "hành xác" 35 phút

Thực trạng phòng khám không phép, bác sỹ hành nghề "chui", coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh gây bức xúc trong thời gian qua; cùng với  nhiều vấn đề cần bàn xung quanh hoạt động của phòng khám tư như công tác quản lý, nguyên nhân dẫn đến hậu quả đau lòng, thậm chí chết người... đã thôi thúc nhóm phóng viên trẻ Truyền hình An ninh ATV, Báo An ninh Thủ đô với tâm huyết làm nghề và trách nhiệm xã hội, quyết tâm bóc trần những sai phạm nghiêm trọng, đưa hiện thực ra ánh sáng.

Qua quá trình điều tra tại một số phòng khám sai phạm, kỷ niệm mà có lẽ cả ê kíp làm phóng sự sẽ không thể quên trong suốt chặng đường tác nghiệp đó là lần xâm nhập vào một phòng khám đa khoa trên địa bàn quận Hà Đông. Để có thể thu thập được thông tin, ghi hình sai phạm của phòng khám này, nhóm phóng viên đã phải đóng vai là các bệnh nhân đến khám.

Sau khi thu nhận toàn bộ phản ánh từ người dân sống xung quanh phòng khám, nắm được quy luật hoạt động, ê kíp 4 phóng viên Truyền hình An ninh ATV đã thâm nhập thực tế. Hai quay phim đi cùng hai nữ phóng viên trong vai bệnh nhân đã được trực tiếp các bác sỹ mà theo lời giới thiệu của các y tá ở đây là bác sỹ người Đài Loan (Trung Quốc) thăm khám phụ khoa.

Các bác sỹ nước ngoài khoác áo blouse trắng nhưng không hề có tên hay biển hiệu, đương nhiên là không biết tiếng Việt. Họ chỉ ngồi đó như một tấm bình phong, như một cái mác "bác sỹ nước ngoài" chứ không trò chuyện hay tư vấn cho bệnh nhân. Người tư vấn điều trị cho bệnh nhân lại là… phiên dịch viên.

Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ các thiết bị chuyên dụng để ghi lại hình ảnh nhưng phải đến lần thứ 4, nhóm phóng viên mới tiếp cận, thu thập thông tin, ghi hình thành công, bởi phòng khám này giăng đầy "mắt thần" camera an ninh, cùng đội bảo vệ dày kín và các bác sỹ Trung Quốc thì rất cảnh giác, nhiều chiêu trò đối phó và liên tục theo dõi từng cử chỉ, hành động của ê kíp phóng viên.

Sau 35 phút chấp nhận để cho các bác sỹ Trung Quốc "hành xác", hai nữ phóng viên hết sức bàng hoàng khi nhận kết quả khám bệnh với đủ loại bệnh phụ khoa. Đơn thuốc, hay các phiếu chỉ định xét nghiệm, không hề có bác sỹ ký. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ sau 5 phút, hai nữ phóng viên đã nhận được kết quả xét nghiệm. Và hai kết quả giống nhau đến 100%...

Suýt bị đánh vì... "lộ bài"

Sau khi hoàn thành "mật vụ", cả nhóm "phím" nhau rút quân, về trước cửa sảnh chính của phòng khám. Vừa gặp nhau, cả ê kíp mừng vui vì chiến công là những thước phim ghi lại toàn bộ quy trình khám bệnh sai phạm của phòng khám này. Đang kiểm tra lại "chiến công" của mình, cả nhóm bất ngờ phát hiện một toán bảo vệ chạy ào ra, hùng hổ tiến thẳng về phía mình. Cả nhóm thấy sự đã lộ, hô nhau: "Chạy..." rồi cười vang "Hẹn gặp lại nhé!".

Đem những bằng chứng này đến các cơ quan chức năng, và đúng như lời chào, vài ngày sau, cả ê kíp lại được gặp lại các bác sỹ Trung Quốc tại phòng khám này nhưng lần này nhóm đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố. Bị bất ngờ kiểm tra, các sai phạm tại đây diễn ra y như những gì phóng viên phản ánh, ghi hình được.

Ngay lúc này, những bác sỹ Trung Quốc đã khám phụ khoa cho hai nữ phóng viên hôm trước đã cởi áo blouse ra, và khai gian rằng họ không phải bác sỹ, chỉ là bệnh nhân đến khám. Một số người khác thì bỏ trốn khỏi phòng khám, tuy nhiên với những chứng cứ do nhóm phóng viên Truyền hình An ninh ATV cung cấp, họ đã phải thừa nhận và chịu xử phạt.

Có người hỏi chúng tôi, vì sao cả ê kíp còn trẻ như vậy, lại dám dấn thân vào "hang cọp" để làm "chuột bạch" cho những kẻ kinh doanh trên sức khỏe bệnh nhân? Có người nói, "các em không sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo sau vụ sản phụ tử vong chỉ vì khám phụ khoa ở phòng khám 168 Hà Nội hay sao?".

Nhóm chúng tôi chỉ cười và khẳng định, đó chính là bản lĩnh, cái chất riêng của phóng viên An ninh Thủ đô. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với mong ước của những nhà báo trẻ, đó là ngăn chặn những hành vi vô nhân đạo, lừa dối, kiếm lời từ nỗi đau bệnh tật của người dân. Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để làm nên tác phẩm của mình.

Và tác phẩm phóng sự điều tra "Sự thật phía sau tấm biển quảng cáo phòng khám tư nhân" đã ra đời, ghi lại toàn bộ quá trình tác nghiệp. Và thật bất ngờ, khi mang tác phẩm đi dự thi Liên hoan Truyền hình CAND lần thứ XI, phóng sự này đã đoạt Huy chương Vàng, là tác phẩm được hội đồng Ban Giám khảo đánh giá nằm trong số tác phẩm dự thi ấn tượng, suất sắc nhất. Đây cũng chính là niềm vinh dự, là phần thưởng xứng đáng nhất cho những phóng viên trẻ An ninh Thủ đô.

 

VKSND TP HCM báo cáo vụ án VN Pharma

http://nld.com.vn/phap-luat/vksnd-tp-hcm-bao-cao-vu-an-vn-pharma-2017091822552497.htm

Nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo VKSND Tối cao, VKSND TP HCM đã có công văn báo cáo toàn bộ diễn biến và kết quả phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma) và đồng phạm.

Theo đó, ngoài kháng cáo kêu oan và kháng cáo xin giảm án của các bị cáo thì vụ án chưa bị kháng nghị về mức án và tội danh. TAND Cấp cao tại TP HCM xác nhận bị cáo Nguyễn Minh Hùng có đơn kháng cáo xin giảm án và xem xét lại vụ án, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) có đơn kháng cáo kêu oan và nộp tiền thu lợi bất chính, các bị cáo khác cũng có đơn kháng cáo xin giảm án.

Trước đó, sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 25-8, TAND TP HCM đã tuyên Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội "Buôn lậu". Bảy bị cáo khác lãnh từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 5 năm tù về các tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Ngoài mức án này, HĐXX TAND TP HCM còn kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan; kiến nghị điều tra việc chi hoa hồng cho bác sĩ, trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, nếu đủ căn cứ xử lý thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2013, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo cấp dưới nhập 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư nhãn mác Công ty Helix Canada về kho. Theo Kết luận Giám định số 31/KLGĐ-BYT thì lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng chữa bệnh cho người.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến 2014, Nguyễn Minh Hùng còn chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ để chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, giả con dấu và chữ ký của giám đốc, nhân viên Công ty Helix Canada để Công ty CP Pharma đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược; làm giả hợp đồng mua bán thuốc với một công ty ở Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc. Trị giá hàng buôn lậu là hơn 5 tỉ đồng.

 

Sau vụ VN Pharma: Cục Quản lý Dược lên tiếng về thuốc giả

http://vtc.vn/sau-vu-vn-pharma-cuc-quan-ly-duoc-len-tieng-ve-thuoc-gia-d350875.html

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang tung hoành hỗn loạn thị trường, sau vụ VN Pharma với nhiều thông tin trái chiều bủa vây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có công văn trả lời Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về vấn đề nóng này.

Vụ VN Pharma nhập thuốc ung thư H-Capital đến thời điểm này vẫn là điểm nóng âm ỉ của dư luận. Nhiều người cho rằng, VN Pharma bị phanh phui giả hồ sơ nhập thuốc ung thư, lãnh đạo công ty này bị xử lý, chỉ là một phần nổi được phát hiện trên tảng băng chìm, với nhiều góc khuất của ngành Dược.

Mới đây, sau một khoảng thời gian im lặng, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng, phúc đáp dư luận về một số vấn đề quan tâm.

Theo đó, công văn số 13761/QLD-TTa gửi Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC của Cục quản lý Dược, trả lời về tình hình thuốc giả ở nước ta hiện này cho biết: "Hiện nay, cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng hiện đại thuốc giả ngày càng tinh vi hơn, bằng cảm quan rất khó phát hiện vì có những thuốc giả được làm như thật. Thậm chí, tem chống hàng giả trên sản phẩm cũng bị làm giả.

Vì lý do đó, có nhiều trường hợp thuốc giả chỉ phát hiện được sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc. Hoặc chỉ khi nhà sản xuất thuốc so sánh trực tiếp mẫu thuốc thật với mẫu thuốc giả mới phát hiện ra".

Cũng theo đại diện Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng thấp thế giới. Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam đã giảm đáng kể từ trên 7% năm 1990 xuống còn dưới 0.1% trong những năm 2010 đến nay.

Để có được kết quả đó từ năm 2001, Chính phủ đã thành lập Ban thường trực phòng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả 127. Ban này được đổi tên thành Ban 389 vào năm 2014 với sự tham gia của Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan và các Bộ quản lý chuyên ngành trong đó có Bộ Y tế để thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời nghiêm khắc các cá nhân cơ sở kinh doanh sản xuất thuốc vi phạm.

Ban 389, Bộ Y tế sẽ truy tận gốc các vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiến hành xử phạt nghiêm khắc các cơ sở kinh doanh mua bán không có hóa đơn chứng từ tạo khe hở cho thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành.

Bộ cũng rất mạnh tay tước giấy phép, tịch thu tiêu hủy sản phẩm, chuyển cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý hình sự khi cần thiết.

Không chỉ kiểm soát ban đầu, Bộ Y tế còn tăng cường giám sát, kiểm nghiệm đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, các điều kiện sản xuất trước khi được pháp đưa ra thị trường lưu hành. Tất cả phải đạt yêu cầu, tiêu chuẩn mới được phép lưu thông.

"Ngành Dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải được kiểm tra cấp phép trước. Tất cả các loại thuốc khi lưu thông phân phối trên thị trường đều phải được phép lưu hành của Bộ Y tế và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Các doanh nghiệp Dược để được sản xuất, kinh doanh thuốc buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, thiết bị, con người hệ thống và phải được cấp phép cũng như chịu thanh tra, kiểm tra thường xuyên", Cục Dược khẳng định.

Video: Thuốc trị ung thư H-Capita là hàng giả, không dùng cho người

Được biết, để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, ngăn chặn sản xuất buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp.

Phối hợp với các cơ quan Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Thanh tra các cấp và nhiều đơn vị khác tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sản xuất buôn bán thuốc giả, nhập lậu thuốc không rõ nguồn gốc, mua bán hóa đơn chứng từ và không tuân thủ các quy chế chuyên môn.

Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống kiểm nghiệm với việc nâng cấp 3 Viện kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, 7 trung tâm kiểm nghiệm thuốc đạt chuẩn GLP và nhiều cấp khác đều phải đạt chuẩn...

Tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý Dược các nước để giải quyết tận gốc vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tình trạng nhập lậu thuốc, thuốc không rõ nguồn gốc lưu hành.

Phối hợp với cơ quan truyền thông kịp thời thông tin cho người dân về thuốc giả, thuốc kém chất lượng....

 

Bãi bỏ Quyết định 50/QĐ-TTg và Quyết định 818/QĐ-BYT: Không phải bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành

http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-bo-quyet-dinh-50-qd-ttg-va-quyet-dinh-818-qd-byt-khong-bo-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx

Liên quan đến việc mới đây một số văn bản kiểm tra chuyên ngành đã được bãi bỏ như: Quyết định 818/QĐ-BYT năm 2017 của Bộ Y tế, Quyết định 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số thông tin cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc những mặt hàng trong các danh mục này không phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, cách hiểu đó là chưa chính xác.

Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng được căn cứ trên Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999 và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Danh mục này cũng là căn cứ để kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó chỉ định các tổ chức kỹ thuật là cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Và tại Điều 71 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hủy bỏ hiệu lực của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999 và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004. Các nội dung quy định liên quan đến Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã được thể hiện tại Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nghị định hướng dẫn Luật này.

Theo quy định tại Luật này, hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp (đánh giá chất lượng như thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm định) đã được tách bạch.

Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ quan quản lý nhà nước được phân công trách nhiệm kiểm tra (cơ quan kiểm tra) thực hiện; việc đánh giá sự phù hợp do tổ chức đánh giá sự phù hợp (các tổ chức thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định có thể là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ) thực hiện.

Như vậy, căn cứ pháp lý ban hành Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg là Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999 và Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đến nay đã hết hiệu lực.

Theo ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc kiểm tra chất lượng được thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn (không thực hiện theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Cụ thể, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhóm 2 (Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do các bộ, ngành công bố và quy định phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan thì doanh nghiệp phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng để được thông quan hàng hóa.

Tương tự, việc bãi bỏ Quyết định 818/QĐ-BYT của Bộ Y tế về ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã số HS cũng là do đã hết hiệu lực.

Ông Ngô Minh Hải cho biết, hiện tại, đối với danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2016/TT-BYT ngày 4/11/2016.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra an toàn thực phẩm nêu tại Thông tư 40/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, Quyết định 4069/QĐ-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định 3648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương thì ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, doanh nghiệp phải nộp/xuất trình Giấy thông báo đạt/miễn kiểm tra an toàn thực phẩm để hoàn tất việc thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu hàng hóa NK thuộc diện phải có giấy phép, kiểm tra chuyên ngành khác thì vẫn phải đáp ứng đồng thời yêu cầu này khi làm thủ tục thông quan.

 

Mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe

http://bnews.vn/muc-phat-vi-pham-an-toan-thuc-pham-chua-du-suc-ran-de/57268.html

Việc xử lý (phạt hành chính) các vụ vi phạm được phát hiện còn quá nhẹ (mỗi cơ sở vi phạm chỉ phạt từ 2 - 5 triệu đồng.

Ngày 18/9, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của Trung ương do ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh về công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2017, theo Quyết định số 4046/QĐ-BYT ngày 8/9/2017 của Bộ Y tế.

Đoàn đã đến kiểm tra thực tế việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm tại 3 cơ sở: Sản xuất bánh trung thu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và Thương mại Phúc An (khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh); sản xuất trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh); cửa hàng bán bánh trung thu trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Tây Ninh, ông Đỗ Hữu Tuấn đánh giá cao Ban Chỉ đạo của tỉnh đã tích cực triển khai và thực hiện đợt kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, việc xử lý (phạt hành chính) các vụ vi phạm được phát hiện còn quá nhẹ (mỗi cơ sở vi phạm chỉ phạt từ 2 - 5 triệu đồng), nên chưa đủ sức răn đe người vi phạm.

Theo ông Tuấn, trong các khung hình phạt về xử lý hành chính, Quốc hội và Chính phủ yêu cầu khung hình phạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm phải áp dụng mức cao nhất, kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện và Giấy an toàn thực phẩm hoặc có thể xử lý hình sự đối với các trường vi phạm nghiêm trọng.

Có như vậy mới cải thiện được việc chấp hành nghiêm việc bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đại diện Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đợt kiểm tra theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương; tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn tố giác của quần chúng, trong đó tập trung kiểm tra về bao bì, nhãn mác, đặc biệt là hạn sử dụng của sản phẩm bánh trung thu.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp liên quan đến các cơ sở cung cấp nguyên liệu ở ngoài tỉnh có vấn đề, cần báo ngay cho Cục an toàn thực phẩm hoặc các chi cục của địa phương để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, lấy mẫu, xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Điều, Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Tây Ninh cho biết, thực hiện kế hoạch số 902/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 18/8/2017 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương về triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2017, từ ngày 11-15/9, ba đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (do Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan) đã tiến hành 40 đợt kiểm tra tại 50 cơ sở (chủ yếu sản xuất và bán bánh trung thu) tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh.

Đoàn phát hiện 20 cơ sở vi phạm chủ yếu là không có hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, sản xuất sản phẩm không đúng với tiêu chuẩn công bố... Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 7 cơ sở, phạt 3 cơ sở với số tiền 11,5 triệu đồng.

Riêng các huyện, thành phố kiểm tra 84 cơ sở, phát hiện 29 cơ sở vi phạm; đã nhắc nhở 21 cơ sở, phạt 5 cơ sở với tổng số tiền 10,3 triệu đồng.

 

VAFI đề xuất chuyển bệnh viện công thành doanh nghiệp công ích

http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vafi-de-xuat-chuyen-benh-vien-cong-thanh-doanh-nghiep-cong-ich-672778.vov

http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/kien-nghi-co-phan-hoa-benh-vien-cong-niem-yet-tren-san-chung-khoan_t114c1068n124480

Sau khi cổ phần, các bệnh viện sẽ thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và tạo ra cơ chế công khai minh bạch.

Trong đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống Bệnh viện công lập gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay hầu như toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế đơn vị hành chính sự nghiêp có thu, bị chia thành nhiều cấp quản lý từ Bộ Y tế, Sở Y tế… nên cơ chế quản lý vận hành là không chuyên nghiệp và đang mang nặng tính hành chính.

Chính vì vậy, VAFI đề xuất hệ thống các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập gồm 3 giai đoạn. Trong đó có việc chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Đặc biệt, VAFI quan tâm đến công tác cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành cũng như các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau khi cổ phần, các bệnh viện sẽ thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Từ đó làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bệnh viện dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán.

“Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ) xuống tận cấp huyện”, VAFI nhận định.

Theo phân tích của VAFI, cuộc cách mạng trong lĩnh vực dịch vụ y tế nếu được tiến hành như đề xuất sẽ giải quyết được hết những hạn chế tiêu cực hiện nay. Các bệnh viện sẽ chuyển được cơ chế hoạt động của doanh nghiệp từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hình thành các Tập đoàn mạnh về y tế, trong khi nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tuyệt đối.

Tuy nhiên, để thực hiện được từng bước các tiến trình này và để kiểm soát tuyệt đối các hoạt động của bệnh viện, để đảm bảo chính sách an sinh của nhà nước, VAFI tính toán cổ phần chi phối của nhà nước phải nắm trên 65%.

“Cần phải xác định cho các nhà đầu tư biết, đầu tư vào bệnh viện không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận, hệ thống bệnh viện công lập sẽ hoạt động vì mục tiêu công ích như cơ chế doanh nghiệp công ích và nhà đầu tư chỉ hưởng lợi nhuận định mức như trong lĩnh vực điện, nước”, VAFI lưu ý.

VAFI cũng lưu ý, để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng sau khi bệnh viện cổ phần hóa, để thực hiện cơ chế đặc thù trong cổ phần hóa bệnh viện công lập, nhà đầu tư không tính giá trị thương hiệu bệnh viện theo cơ chế thị trường.

Bởi vì nếu tính thì sẽ làm giá trị bệnh viện lên rất cao, từ đó sẽ làm tăng chi phí khấu hao trực tiếp hoặc sẽ phải tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lên cao, đồng thời làm mất đi cơ hội tăng thu nhập một cách chính đáng cho người lao động. Nếu thu nhập của đội ngũ y bác sỹ không theo cơ chế thị trường thì chắc chắn rằng tình trạng tiêu cực phong bì vẫn còn tồn tại dài lâu.

“Để đảm bảo minh bạch trong việc bán cổ phần, tiến trình bán cổ phần phải thông qua thị trường chứng khoán. Giá khởi điểm được xác định theo giá sổ sách. Nếu định giá bệnh viện công lập theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực ngoài bệnh viện thì tiến trình cổ phần hóa bệnh viện công lập sẽ thất bại”, VAFI khẳng định./.

Kiến nghị cổ phần hóa hàng loạt bệnh viện đầu ngành

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị cải tổ hệ thống bệnh viện công lập trong bối cảnh hệ thống này đang tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực từ nhiều năm nay mà chưa tìm ra phương thức giải quyết.

Chỉ ra những tồn tại trong hệ thống bệnh viện công lập hiện nay, VAFI nêu rõ suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, thậm chí gấp đôi so với khu vực tư nhân.

Chất lượng xây dựng công trình, chất lượng máy móc thiết bị… kém, ảnh hưởng rất lớn tới giá viện phí và lãng phí tới sự bao cấp vốn lớn của Nhà nước.

Thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch khiến giá thuốc mua đầu vào rất đắt, thuốc vào bệnh viện thì phải qua nhiều tầng lớp trung gian.

Trong khi đó, chất lượng phục vụ khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập còn bất cập bởi cơ chế quản lý, đề bạt còn tiêu cực.

“Hệ thống bệnh viện Nhà nước đang chiếm khoảng 90%, vận hành theo cơ chế quan liêu, bao cấp dẫn đến nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đơn cử như vụ VN Pharma, nếu giải quyết được 100 vụ VN pharma thì lại có hàng trăm VN pharma xuất hiện nhưng có thể hoạt động dưới hình thức khéo léo tinh vi hơn”, VAFI nhấn mạnh.

Theo đó, VAFI đề xuất cuộc cách mạng cải tổ trong ngành y tế. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có hội đồng quản trị từ 3 đến 5 thành viên (tùy quy mô bệnh viện) và có ban kiểm soát.

Đồng thời phải công khai báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động từng quý, từng năm như các doanh nghiệp nhà nước khác, phải công khai đầy đủ thông tin những lần tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế; Công khai tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Giai đoạn 2, VAFI đề xuất cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện K, Phụ sản trung ương, bệnh viện Chợ Rẫy… và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp tạo điều kiện dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán.

Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất cả nước, tự bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn phát triển quy mô doanh nghiệp, từ đó họ đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế cho hợp nhất, sáp nhập nhiều bệnh viện tỉnh, huyện và như vậy toàn bộ các bệnh viện yếu tại các tuyến địa phương sẽ được nhanh chóng nâng cấp.

 

Nhiều bài viết quảng cáo thực phẩm chức năng điều trị ung thư, Công ty Hưng Thắng vẫn "chối bay chối biến"!

http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/kien-nghi-co-phan-hoa-hang-loat-benh-vien-dau-nganh-71772.html

Mặc dù trong nhiều đoạn video quảng cáo nói rõ Vidatox là "sản phẩm điều trị ung thư", tuy nhiên, khi làm việc với PV, đại diện Công ty đã phủ nhận.

Liên quan đến bài viết Công ty Cổ phần Thương mại & Xuất nhập khẩu Hưng Thắng (sau đây gọi tắt là Công ty Hưng Thắng) quảng cáo thực phẩm chức năng thành sản phẩm điều trị ung thư, PV Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với đại diện đơn vị này.

Nói về việc sử dụng những cụm từ dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng rằng đây là sản phẩm điều trị ung thư, bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng phòng Marketing, Công ty Hưng Thắng: “Đối với thuật ngữ sản phẩm điều trị ung thư chúng tôi không bao giờ dùng. Cụm từ chúng tôi dùng là hỗ trợ điều trị ung thư và chúng tôi có tất cả những giấy tờ theo quy định của pháp luật. Quy định về việc quảng cáo, giấy tờ quảng cáo và được phép quảng cáo như thế nào chúng tôi đều có."

Khi PV yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu khoa học chứng minh có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư như đã quảng cáo, bà Nhung cho rằng khi đưa ra sản phẩm ra thị trường, chúng tôi cũng phải có những tài liệu lâm sàng. Thông tin này công bố trên toàn thế giới chứ không phải trên thị trường Việt Nam. Thông tin cung cấp dựa trên tài liệu khoa học của các nhà khoa học Cu Ba.

Còn về cung cấp tài liệu thì ông Vũ Phương Đức, Nhân viên phòng Marketing cho biết, không phải thẩm quyền của mình và phải xin ý kiến lãnh đạo nên hiện giờ không cung cấp.

Mặc dù đại diện Công ty "chối bay" và khẳng định không bao giờ sử dụng thuật ngữ dễ gây hiểu nhầm như điều trị ung thư, nhưng trên web Vidatox của công ty lại thể hiện rõ ràng.

Cụ thể, trong video của bài viết “Mai Phương Thúy cùng bà ngoại chia sẻ bí quyết chiến thắng căn bệnh ung thư”, nói về bà Thanh được cho là bà ngoại Hoa hậu Mai Phương Thúy thì lại khẳng định: “Nhưng phép màu đã đến với bà Thanh và gia đình khi biết đến Vidatox Plus, một sản phẩm điều trị ung thư chiết xuất từ Nọc độc Bọ Cạp xanh do các nhà khoa học ở Cu Ba điều chế…

…Chắc chắn Vidatox plus là một cánh cửa mới, mở ra cho các bệnh nhân đang khắc khoải chống chọi từng ngày, từng giờ với căn bệnh ung thư quái ác và tiếp thêm cho họ niềm tin và hi vọng trong cuộc sống”, theo đoạn video clip gắn kèm trong bài viết.

 Ngoài ra, đoạn clip nói về trường hợp ông Nguyễn Siển ở Phú Xuyên, Hà Nội cũng khẳng định: Vidatox là một sản phẩm điều trị ung thư do Viện điều chế dược phẩm Labiofam - Cu Ba sản xuất được chiết xuất từ Nọc độc Bọ cạp xanh, một loại Bọ cạp đặc chủng của Cu Ba.

“Từ một người bị liệt tứ chi phải nằm một chỗ, sau khi sử dụng Vidatox giờ ông Xiển đã có thể tự đi lại và sinh hoạt cá nhân được. bởi theo các bác sĩ, nọc độc Bọ cạp có trong Vidatox không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn chứa nhiều hợp chất rất quý báu, có thể giúp cơ thể phục hồi sức lực, tăng sức đề kháng để chống chọi với bệnh ung thư và một số căn bệnh khác”, bài viết khẳng định.

Ngoài ra, trên website còn đăng tải hàng loạt những chia sẻ của người bệnh cho rằng sản phẩm đã giúp họ “hồi sinh”, “chiến thắng ung thư”, “điều trị”, “từ cõi chết trở về”,... nhờ uống Vidatox Plus.

Thông tư số 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lí của Bộ Y tế nêu rõ:

Điều 7. Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm

2. Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và các nội dung sau đây:

c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh;

d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.

 Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 

Ngừng lưu hành dịch truyền nghi nhiễm bệnh bò điên

http://www.thesaigontimes.vn/164746/ngung-luu-hanh-dich-truyen-nghi-nhiem-benh-bo-dien.html

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tam-dung-nhap-khau-su-dung-3-lo-sinh-pham-y-te-nghi-nhiem-benh-bo-dien-518135

http://www.nguoiduatin.vn/bo-y-te-yeu-cau-tam-dung-sinh-pham-y-te-nghi-nhiem-benh-bo-dien-a339403.html

Ngày 18-9, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, bộ vừa cho ngưng lưu hành một số sinh phẩm do nghi nhiễm bệnh bò điên Creutzfeld-Jakob. Đó là sản phẩm sinh phẩm Human Albumin 20%.

Số sinh phẩm do nghi nhiễm bệnh bò điên Creutzfeld-Jakob bao gồm ba lô sinh phẩm (200g/l, lọ 50 ml) được Cục Quản lý dược tạm ngưng mua bán và sử dụng trên toàn quốc là các lô 29610616, 29700916, 29590616 đã được nhập vào Việt Nam. Các lô thuốc trên do Công ty Human BioPlazma Manufacturing and Trading Limited Liability Company, Hungary sản xuất và Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 - CPC 1 phân phối.

Theo chỉ định được ghi trên nhãn thuốc, Human Albumin 20% là dạng dịch truyền dùng để phục hồi và duy trì lượng máu lưu thông khi có thiếu hụt thể tích, hay khi sử dụng một chất keo được xem là phù hợp. Có thể truyền trực tiếp Human Albumin 20% vào người theo đường tĩnh mạch, hay có thể pha loãng với dung dịch đẳng trương (như glucose 5% hoặc sodium chloride 0,9%).

Nguyên nhân của việc lưu hành các sản phẩm sinh học trên là do trước đó, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có thông báo từ cơ quan chức năng của Ý và Hungary khuyến cáo các sinh phẩm có chứa nguồn gốc máu và huyết tương của công ty Human BioPlazma Manufacturing and Trading Limited Liability Company, Hungary có nguy cơ bệnh bò điên.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM tăng cường theo dõi và xử trí các phản ứng có hại nếu có, gửi về Trung tâm quốc gia về theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Đồng thời, các tỉnh, thành cần siết chặt quản lý và ngừng lưu hành các lô hàng kể trên.

 

Lô thuốc nghi nhiễm bệnh bò điên đã đi đâu?

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/lo-thuoc-nghi-nhiem-benh-bo-dien-da-di-dau-727755.html

Nhân viên của công ty Bình Việt Đức khẳng định họ là đại diện của nhà sản xuất sinh phẩm y tế Human Albumin tại Việt Nam

Ngày 18-9, nhân viện công ty TNHH Bình Việt Đức (trụ sở tại 62/36 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) đại diện cho nhà sản xuất sinh phẩm y tế Human Albumin 20%, đơn vị đã gửi công văn cảnh bảo cho Cục quản lý Dược cho biết, công ty Bình Việt Đức sẽ chỉ trao đổi cung cấp thông tin về chất lượng thuốc, công dụng cũng như lí do khiến họ gửi công văn cảnh bảo cho Cục quản lý Dược về 3 lô thuốc nghi nhiễm bệnh bò điên Creutzfeld-Jakob.

Còn mọi thông tin về lô sinh phẩm, số liệu về lô thuốc này công ty đã báo cáo cho Cục quản lý Dược Việt Nam, do đó phía công ty sẽ không cung cấp thông tin về số lượng sản phẩm y tế đã được nhập vào Việt Nam trong thời gian qua.

Nhân viên của công ty Bình Việt Đức khẳng định họ là đại diện của nhà sản xuất sinh phẩm y tế Human Albumin tại Việt Nam. Trong thời gian qua, họ là nhà cung cấp sản phẩm này cho các cơ sở y tế tại Việt Nam. Một số công ty khác cũng nhận phân phối sản phẩm Human Albumin.

Về mức độ nguy hiểm và tác hại của thuốc nghi nhiễm bò điên, theo thông báo từ Cục Quản lý Dược, Cục quản lý Dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường theo dõi, phát hiện và xử lý các trường hợp xảy ra có hại của các thuốc nêu trên (nếu có). Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế và đơn vị kinh doanh dược phẩm tạm ngừng việc mua, bán và sử dụng trên phạm vi toàn quốc các lô sinh phẩm y tế Human Albumin 20%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1, việc phát hiện các phản ứng có hại của thuốc (ADR) đối với bò điên Creutzfeld-Jakob là điều gần như rất khó. Nguyễn nhân là vì loại thuốc này thời gian ủ bệnh rất lâu, có khi hàng chục năm. Có nghĩa là chẳng may trẻ em được truyền dịch Human Albumin có nhiễm bệnh thì mãi đến khi trở thành người lớn, bệnh mới có biểu hiện ra bên ngoài.

Bác sĩ Khanh cũng cho biết BV Nhi đồng 1 không sử dụng loại dịch truyền Human Albumin của công ty Human BioPlazma Kft. (Hungary) sản xuất.

Theo thông tin trên website của công ty Bình Việt Đức, Human Albumin 20% là dịch truyền được chỉ định “phục hồi và duy trì lượng máu lưu thông khi có thiếu hụt thể tích”.

Theo thông tin đăng ký với Cục quản lý Dược Việt Nam, Công ty Human BioPlazma Manufacturing and Trading Limited Liability Company có trụ sở tại H-2100, Godollo, Tancsics Mihaly ut 82/A, Hungary.

 

Bảo vệ nhân viên y tế - góc nhìn từ Kuwait năm 1961 đến nay

http://tapchimattran.vn/the-gioi/bao-ve-nhan-vien-y-te-goc-nhin-tu-kuwait-9806.html

Chưa bao giờ các bác sỹ, nhân viên y tế ở các bệnh viện lại lo lắng về tình trạng bị người nhà bệnh nhân tấn công như hiện nay. Cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này đang là câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý cũng như toàn xã hội.

Nếu tra cứu Google từ khóa “tấn công bác sỹ”, ta sẽ có ngay hơn 1,6 triệu kết quả, còn tra cứu cụm từ “hành hung bác sỹ”, cho thấy có hơn 2,2 triệu kết quả. Các vụ việc xảy ra ở nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình…, với số lượng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Các bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, bên cạnh việc phải tận tâm khám chữa bệnh, chịu sự quá tải bệnh nhân, đối mặt với sự căng thẳng, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh, còn phải đối mặt với các loại tội phạm và những người quá khích.

Làm thế nào để các các bác sỹ, nhân viên y tế có thể chuyên tâm phục vụ bệnh nhân, hoàn thành sứ mệnh "lương y như từ mẫu"? Trả lời câu hỏi này, có thể tham khảo từ mô hình Cảnh sát Bệnh viện (Hospital Police), một kinh nghiệm từ nước Kuwait xa xôi.

Ở Kuwait – một quốc gia tại Trung Đông với chỉ 3,8 - 4 triệu dân, các bệnh viện công ở đây thường xuyên quá tải, một phần do chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện công rất thấp, được bao cấp phần lớn từ nhà nước.

Khám chữa tại trạm xá chỉ mất 1 Dinar Kuwait - KD (tương đương 75.000 đồng), 2 KD ở bệnh viện (tương đương 150.000 đồng), mọi thuốc men được miễn phí trong khi thu nhập bình quân đầu người của Kuwait vào khoảng 50.000 USD/năm. Còn chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện tư rất đắt (riêng tiền khám sơ bộ tính theo tiền Việt Nam khoảng 1 – 1,3 triệu đồng), chưa tính tiền thuốc, chụp chiếu...

Để bảo đảm cho các bác sỹ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường an toàn, luật pháp Kuwait quy định phạt tiền 500 KD (khoảng 1.650 USD) hoặc phạt tù 2 tháng đối với những người có hành vi xúc phạm bác sỹ, nhân viên y tế trong giờ làm việc. Tức là chỉ cần có lời nói xúc phạm thôi thì người vi phạm đã có thể bị phạt tù.

Ông Mohammad Al Merza, Tổng cục Cảnh sát điều tra (Bộ Nội vụ Kuwait) cho biết, bệnh viện công cấp tỉnh và cấp trung ương ở Kuwait đều có văn phòng cảnh sát. Toàn bộ lực lượng cảnh sát thuộc quản lý, chỉ đạo của Bộ Nội vụ, các bệnh viện sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất và phối hợp công tác.

Văn phòng cảnh sát thường được đặt ở sảnh chính, ngay cạnh nơi đăng ký, tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi văn phòng cảnh sát tại bệnh viện bao gồm 2 lực lượng, một là cảnh sát bảo vệ, hai là điều tra viên. Mỗi ngày làm việc 3 ca, 8 tiếng 1 ca, đảm bảo thường trực 24/24.

Lực lượng cảnh sát bảo vệ có nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ bệnh viện, bác sỹ, nhằm ngăn ngừa, phát hiện và có mặt kịp thời khi có yêu cầu của bác sỹ, bệnh nhân, phối hợp với lực lượng cảnh sát tổng chỉ huy khi cần thiết.

Đồng thời, lực lượng cảnh sát bảo vệ sẽ kiểm tra bệnh nhân khi có nghi ngờ vi phạm pháp luật, ví dụ say rượu, vi phạm luật giao thông, đánh nhau, sử dụng ma túy…

Trước đây, mọi trường hợp đến bệnh viện đều được khám, chữa trị. Sau khi điều trị, nếu bác sỹ nghi ngờ trường hợp nào có dấu hiệu của tội phạm sẽ thông báo cho cảnh sát kiểm tra, ghi nhận, xử lý. Trường hợp xác định được là có yếu tố vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự… Điều tra viên căn cứ vào bệnh án của các bệnh nhân có thể tự quyết định sẽ kiểm tra làm rõ thêm các trường hợp khả nghi.

Gần đây, để tránh trường hợp bệnh nhân vi phạm pháp luật sau khi được chữa trị thì bỏ trốn nên trừ cấp cứu, các trường hợp khác mà bác sỹ nghi ngờ chỉ được chữa trị sau khi hoàn thành hồ sơ, có ý kiến của cảnh sát điều tra.

Một câu hỏi đáng lưu tâm là liệu có nguy cơ lạm quyền gây khó dễ cho bệnh nhân? Thực tế không xảy ra mối lo ngại này vì trong tình trạng khẩn cấp, điều tra viên phải có chuyên môn cao, lương tâm nghề nghiệp và cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các kết luận sai của mình nếu ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người bệnh, nhất là khi hệ thống pháp luật của Kuwait có vai trò rất lớn của luật sư, tòa án. Bên cạnh đó, nếu các bệnh viện không hài lòng với cảnh sát điều tra nào có thể phản ánh với Bộ Nội vụ và Bộ Y tế để kiểm tra, chấn chỉnh.

Mô hình cảnh sát bệnh viện có ở một số nước, tuy nhiên, duy chỉ Kuwait mới đặt văn phòng cảnh sát trong bệnh viện, đến nay đã được 41 năm. Việc đặt văn phòng cảnh sát tại bệnh viện, nơi mà các bằng chứng của nhiều loại tội phạm phơi bày, có tính chính xác cao, có giá trị pháp lý hỗ trợ điều tra tiếp hoặc là bằng chứng kết tội, tạo sự răn đe, góp phần tạo sự yên 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang