8 sự kiện y tế đáng nhớ năm 2016
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/8-su-kien-y-te-dang-nho-nam-2016-3515558.html
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục tại vị dù không phải ủy viên Trung ương, ca ghép tạng xuyên Việt, dịch Zika xuất hiện... đáng quan tâm năm 2016.
1. Bộ trưởng Y tế tiếp tục tại vị
Tại Đại hội Đảng 12 diễn ra vào tháng 1, ngành y tế có hai đề cử Ủy viên Trung ương là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. Cả hai không trúng cử. Đây là ngành duy nhất không có đại diện trong Trung ương khóa mới.
Ngày 8/4, theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm là những người đến tuổi nghỉ chế độ, không tái cử vào Trung ương khóa 12 hoặc đã nhận nhiệm vụ mới. Riêng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không nằm trong danh sách này. Ngày 27/7, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được đề nghị vào vị trí hiện nay. Bà là thành viên Chính phủ duy nhất không phải Ủy viên Trung ương Đảng và cũng là thành viên nữ duy nhất.
Từng giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, bà Tiến sau đó làm Viện trưởng Pasteur TP HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược TP HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết… Từ tháng 8/2011, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực tạo sự thay đổi đáng kể trong ngành y tế, đặc biệt trong vấn đề giảm tải, thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, lập đường dây nóng, nâng cao chất lượng y tế cơ sở… Dù vậy ngành vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều bệnh viện vẫn còn quá tải nhất là chuyên khoa ung thư, tim mạch, dịch bệnh…
2. Lùm xùm trong bổ nhiệm giám đốc các bệnh viện
Năm qua ngành y tế nhận được rất nhiều phản ánh liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự, đơn thư tố cáo, nội bộ không đoàn kết khiến nhiều bệnh viện khuyết chức danh lãnh đạo trong thời gian dài. Tình trạng này xảy ra tại một số đơn vị như các bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Đức, Hữu Nghị.
Các đơn vị này không thống nhất được bầu ai làm giám đốc. Ví dụ Bệnh viện Việt Đức thiếu giám đốc suốt thời gian dài vì hai ứng viên phó giám đốc có số phiếu tương đương nhau để có thể giữ chức vụ giám đốc. Bệnh viện phải đề nghị Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc viện, trong khi Bộ Y tế chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thi tuyển cấp trưởng các đơn vị sự nghiệp.
Sau khi Chính phủ cho phép Bộ bổ nhiệm lãnh đạo viện, Bộ có phương án chọn Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, quy hoạch một Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Phó Giám đốc ứng viên Việt Đức còn lại làm Giám đốc Việt Đức. Tuy nhiên sau đó Phó Giám đốc Việt Đức được điều động sang Bệnh viện Hữu nghị đã viết tâm thư mong muốn ở lại viện. Bộ buộc phải bổ nhiệm một người khác làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị. Hiện Bệnh viện Việt Đức vẫn chỉ có phó giám đốc phụ trách.
3. Dịch bệnh Zika
Năm 2016, dịch Zika bùng phát tại các nước châu Mỹ, chỉ riêng Brazil đã báo cáo hơn 4.000 trường hợp trẻ sinh ra với hội chứng đầu nhỏ từ các bà mẹ nhiễm virus này khi mang thai. Số ca mắc tăng lên theo cấp số nhân. Khi đó Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika.
Sau nhiều lo ngại, dịch bệnh Zika cũng xuất hiện và lan nhanh ở Đông Nam Á, trong đó phải kể đến Thái Lan, Singapore. Việt Nam cũng ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên tại TP HCM và Khánh Hòa vào đầu tháng 4. Gần 140 người mắc bệnh Zika tại TP HCM, trong khi một số tỉnh thành khác chỉ 1-2 ca. Theo Bộ Y tế hiện virus này tiềm ẩn trong cộng đồng, không phải xâm nhập từ bên ngoài. Những nơi nào tập trung nhiều muỗi Aedes và bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch Zika rất lớn.
So với sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên nó nguy hiểm với thai phụ vì có thể gây dị tật đầu nhỏ, nhất là trong 3 tháng đầu. Tháng 10 Bộ Y tế khẳng định em bé bị đầu nhỏ ở Đăk Lăk "nhiều khả năng do virus Zika" và là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam mang dị tật này liên quan đến virus Zika. Virus Zika truyền qua muỗi, vì thế biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là tránh muỗi đốt.
4. Nhiều y bác sĩ quyên góp tiền cứu bệnh nhân gây xúc động cộng đồng
Hai bé sinh đôi dính liền cần chuyển gấp từ Hà Giang về Hà Nội để bàn phương án mổ tách mà gia đình nghèo không có tiền, sáng 14/7 bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên cùng một số đồng nghiệp quyết định mặc áo blouse trắng ra chợ in tấm phông to về tình cảnh của hai bé để kêu gọi người dân xung quanh quyên góp.
Khám cho cô bé Minh Anh mắc hội chứng Aperts và nhiều tháng sau bé không trở lại điều trị theo lịch hẹn, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh rao trên Facebook nhờ chuyển lời xin mổ đến gia đình. Nhờ cộng đồng mạng lan tỏa, sau 2 giờ chia sẻ thông tin, bác sĩ và gia đình đã kết nối. Sau bài viết trên VnExpress.net, một mạnh thường quân tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật. Từ đây nhiều bệnh nhân khó khăn mắc Aperts từ Hải Phòng, Ninh Thuận... đã liên hệ bác sĩ và được hỗ trợ phẫu thuật trả lại bàn tay xinh xắn.
Tối thứ 7 hàng tuần, các y bác sĩ từ nhiều bệnh viện TP HCM tụ về quán cà phê cùng cất cao giọng hát trong đêm nhạc Blouse trắng. Chương trình nằm trong hoạt động quyên góp gây quỹ "Dĩa cơm trên tường", khơi nguồn từ câu chuyện "Ly cà phê trên tường" tại thành phố Venice, Italy. Ở đó người nghèo muốn uống cà phê nếu không có tiền có thể vào quán lấy mảnh giấy dán trên tường có giá trị như số tiền mua một ly cà phê. Các bác sĩ Sài Gòn đã biến ý tưởng ly cà phê thành dĩa cơm người Việt vì bệnh nhân nghèo cần cơm hơn, nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng.
5. Ghép tạng xuyên Việt
Chiều 25/4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thông báo nam thanh niên 20 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não, gia đình đồng ý hiến tạng và chỉ 2 bệnh nhân ở Hà Nội tương thích với các thông số tạng được hiến. 5h sáng ngày 26/4, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức từ Hà Nội bay vào TP HCM để nhận tạng. Ngay khi tạng được chuyển lên máy bay, kíp phẫu thuật tại Việt Đức đã mở lồng ngực và ổ bụng của 2 bệnh nhân để sẵn sàng thực hiện ghép lập tức lúc tạng về. Nam bệnh nhân được ghép quả tim của chàng trai, năm nay 64 tuổi từng bị suy tim, đặt stent 9 lần, thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Người nhận khối gan hiến tặng lâu nay suy gan giai đoạn cuối, 54 tuổi.
Nguồn tạng chủ yếu ở nước ta hiện nay là từ người cho sống, chiếm đến 95%. Việc ghép từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện mỗi năm Việt Nam có 10.000 ca tai nạn giao thông, nếu 1/10 số này hiến tạng thì rất nhiều người sẽ được cứu sống và người Việt không cần phải ra nước ngoài điều trị.
6. Lần đầu sử dụng robot phẫu thuật cho người lớn
Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) sáng 10/12 khánh thành hệ thống phẫu thuật robot trên người lớn đầu tiên Việt Nam. Với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, tầm nhìn phóng đại 12 lần, các phẫu thuật viên có thể điều khiển cánh tay robot quay 540 độ, di chuyển tự do ở 6 góc độ. Đây là điều mà bàn tay con người không thể thực hiện được, giúp phẫu thuật ở những vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, khắc phục hạn chế của mổ mở, nội soi.
Chi phí cho một ca mổ nội soi bằng robot khoảng 80-100 triệu đồng. Điều này mang đến cơ hội tiếp cận điều trị công nghệ cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều lần ra nước ngoài điều trị.
7. Tăng giá dịch vụ y tế
Năm 2016 ngành y tế có 2 lần điều chỉnh giá viện phí và áp dụng cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Từ ngày 1/3, liên Bộ điều chỉnh giá của gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, trong đó tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Riêng 9 bệnh viện trực thuộc Bộ tính luôn cả lương bác sĩ. Mức tăng bình quân khoảng 30%.
Đợt điều chỉnh viện phí thứ 2 là vào tháng 8 và tháng 11 tại những tỉnh thành có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 85% và trên 80%. Mức giá viện phí lần này được tính thêm tiền lương. Các tỉnh còn lại sẽ được áp dụng mức giá này vào năm 2017.
Trong năm 2017 Bộ Y tế sẽ tính phương án điều chỉnh giá khám bữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện gần 80% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, 20% chưa tham gia trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Để giảm bớt gánh nặng cho nhóm này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tham gia bảo hiểm y tế.
8. Sai sót y khoa hiếm gặp
Năm 2016 ngành y tế xảy ra một số sai sót có thể được coi là hiếm như mổ nhầm chân, tay. Một bệnh nhi 6 tuổi ở Hà Tĩnh vào Bệnh viện 115 Nghệ An để mổ để rút đinh cố định tay sau tai nạn ngã gãy tay. Tuy nhiên thay vì mổ tay phải, bác sĩ lại mổ nhầm tay trái. Tiếp đó một bệnh nhân nam 37 tuổi ở Hà Nội bị liệt thần kinh chày trước nên chân trái đi tập tễnh, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức mổ nhầm chân phải. Tương tự tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa, trong khi mổ cắt tử cung cấp cứu sản phụ bị băng huyết, phẫu thuật viên đã cắt nhầm luôn cả niệu quản.
Bộ Y tế cũng ra văn bản chấn chỉnh hoạt động phẫu thuật tại các bệnh viện sau nhiều sự cố mổ nhầm.
Lập 5 đoàn kiểm tra các bệnh viện trung ương
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/444233/
Ngày 18-12, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã quyết định lập 5 đoàn kiểm tra tại 37 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế theo Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ban hành trước đó.
Việc kiểm tra các bệnh viện sẽ được bắt đầu từ ngày 19-12-2016 đến trước ngày 10-1-2017. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện. Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện và xếp loại chất lượng hoạt động và dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, thang điểm đánh giá theo bộ 83 tiêu chí này là từ 1 đến 5 điểm, tương ứng từ kém đến rất tốt. Trong thang điểm 5 thì mức điểm 3 là khá, làm cho người bệnh hài lòng, mức 4 là tốt, mức 5 là rất tốt. Tuy nhiên, thang điểm đưa ra không yêu cầu các bệnh viện phải đạt ngay mà soi vào đó để có sự cải tiến, hoàn thiện từng bước để đạt mục đích cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh.
Trước đó, kể từ năm năm 2013 đến 31-1-2016, đã có gần 1.300 bệnh viện trên toàn quốc (chiếm 98,6%) đã tự đánh giá theo “Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” với kết quả điểm trung bình của bệnh viện tuyến Trung ương là 3,5; tuyến tỉnh thành là 2,8; tuyến quận/huyện là 2,6. Các bệnh viện ngoài công lập có kết quả đánh giá là 2,9.
TP HCM: Tiếp tục ghi nhận 6 ca nhiễm Zika trong hai ngày
http://www.phapluatplus.vn/tp-hcm-tiep-tuc-ghi-nhan-6-ca-nhiem-zika-trong-hai-ngay-d31856.html
Tính đến 8h ngày 18/12, TP HCM ghi nhận 139 ca nhiễm Zika. Trong số 139 ca nhiễm được xác định có 83 trường hợp đã qua 28 ngày theo dõi.
Trong số 23 quận, huyện có bệnh nhân nhiễm virus Zika, Bình Thạnh dẫn đầu với 26 trường hợp. Tiếp theo là quận 2 với 18 ca, quận 12 ghi nhận 13 ca nhiễm, Thủ Đức ghi nhận 12 ca nhiễm, Tân Phú với 11 ca nhiễm, quận 9 với 10 ca.
Quận Tân Bình, Gò Vấp ghi nhận 6 ca nhiễm, các quận 1, Phú Nhuận ghi nhận 5 ca, các quận 3, 10, Hóc Môn ghi nhận 3 ca, các quận 4, 5, 7, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Tân ghi nhận 2 ca và quận 6, 11 ghi nhận một bệnh nhân.
Như vậy tính đến 8h ngày 18/12/2016 thành phố Hồ Chí Minh đã có 139 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định, trong đó có 18 thai phụ đang được theo dõi theo quy định.
Ngành y tế TP HCM đang khẩn trương triển khai phun xịt hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy và tuyên truyền người dân chung tay phòng chống dịch.
Ngành y tế khuyến cáo mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần chủ động phòng chống muỗi đốt, tăng cường diệt loăng quăng bọ gậy, muỗi tại nơi sinh sống và làm việc, sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục.
Nếu xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika, người bệnh có thể đến các bệnh viện tại TP HCM và các cơ sở y tế trên cả nước để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika.
Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận 13 thai phụ nhiễm Zika
http://danviet.vn/tin-tuc/benh-vien-tu-du-da-tiep-nhan-13-thai-phu-nhiem-zika-731951.html
“Số ca mắc đang tăng nhanh chóng. Dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch”, PGS.TS. Phan Trọng Lân cho hay.
ThS.BS Phan Thanh Bình, Phó Trưởng Khoa Điều hành Khoa Chăm sóc Trước sinh, BV Từ Dũ cho biết, cho đến chiều 19/12, Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận 13 trường hợp phụ nữ đang mang thai được xác định nhiễm virus Zika. Trong số đó có 1 trường hợp đã bỏ thai, 1 trường hợp đã sinh con. Cháu bé chào đời may mắn không bị tật đầu nhỏ nhưng có biểu hiện suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Bình, khi phát hiện nhiễm Zika trong lúc mang thai tại TP.HCM, thai phụ sẽ được khám thai và tư vấn tại đơn vị tiền sản thuộc khoa Chăm sóc trước sinh tại Bệnh viện Từ Dũ.
Phó Trưởng Khoa Điều hành Khoa Chăm sóc Trước sinh, BV Từ Dũ cũng cho biết, virus Zika có thể gây ảnh hưởng suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sớm của thai kỳ <12 tuần thì có ảnh hưởng dị tật cao hơn, tỷ lệ gây dị tật chung nhỏ hơn 20%.
Khi đã được chuẩn đoán nhiễm Zika trong thai kỳ cần khai thai và theo dõi tại một khoa sản có đơn vị tiền sản. Việc khám định kỳ theo hẹn sẽ giúp phát hiện sớm các dị tật.
Trước thông tin, có nên sàng lọc virus Zika trước khi mang thai hay không, bác sĩ Bình cho rằng, sàng lọc virus Zika trước mang thai hiện nay chưa cần thiết. Tuy vậy, có thể khám sức khỏe tiền hôn nhân cả hai vợ chồng trước mang thai tại khoa Chăm sóc trước sinh ở Bệnh viện Từ Dũ.
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, dịch bệnh do virus Zika TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gia tăng và diễn biến phức tạp. (Đã có 6 tỉnh thành có người mắc Zika trong đó chủ yếu là TP.HCM). Đáng lo ngại, hiện thành phố đã có nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika.
“Giai đoạn gần đây, số ca mắc đang tăng nhanh chóng. Dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch”, PGS.TS. Phan Trọng Lân cho hay.
Do đó, để đầy lùi dịch Zika, một trong những giải pháp quan trọng là người dân cần chủ động theo dõi và thực hiện theo các hướng dẫn từ cơ quan chức năng.
“Cuối năm nhiệt độ giảm nhưng vẫn phải kiểm soát thật chặt, không thể một sớm một chiều có thể đẩy lùi được virus Zika”, ông Lân nói.
Ông Lân cũng cảnh báo, tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm virus Zika. Về mặt lý thuyết, một khi nhiễm virus Zika thì sẽ không có nguy cơ nhiễm thêm lần nữa. Tuy nhiên, bản chất của virus cần được đánh giá trên bằng chứng khoa học, lý luận và thực tiễn.Tại TP.HCM, phụ nữ mang thai có thể đến 30 bệnh viện tại TP.HCM để lấy máu xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí. Các mẫu máu từ bệnh viện được chuyển tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.
TP.HCM: Chỉ còn 1 quận chưa có người nhiễm virus Zika
http://infonet.vn/tphcm-chi-con-1-quan-chua-co-nguoi-nhiem-virus-zika-post216648.info
Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, số ca mắc Zika đã lan đến 23/24 quận huyện của thành phố.
Tính đến 8h ngày 18/12, toàn thành phố đã có 136 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định, trong đó có 18 thai phụ đang được theo dõi theo quy định. Trong số 139 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định có 83 trường hợp đã qua 28 ngày theo dõi.
Như vậy, số trường hợp nhiễm virus Zika đã lan đến 23/24 quận huyện, hiện chỉ còn quận 8 là chưa có người nhiễm. Những quận huyện có nhiều người nhiễm bệnh nhất là Bình Thạnh (26 trường hợp), quận 2 (18 trường hợp), quận 12 (13 trường hợp)…
Đến nay, ngành y tế vẫn chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh; tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng bởi tỉ lệ ảnh hưởng đến thai khi nhiễm Zika chỉ vào khoảng 1%-10%. Ảnh hưởng thường nặng nhất trong 12 tuần đầu vì hệ thần kinh lúc này đang được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều.
Vì thế, các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ ít nhất vào các thời điểm 12, 22, 32 tuần ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Hội chứng não nhỏ của thai nhi có thể phát hiện ở quý 2 (sau 18 tuần) bằng siêu âm thai.
Ứng phó với Zika và các bệnh truyền nhiễm: Hãy chủ động phòng bệnh
Hơn 30 câu hỏi về triệu chứng, xét nghiệm, hướng xử trí khi biết mình nhiễm Zika và đặc biệt là cách nào phòng ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho thai nhi đã được các chuyên gia giải đáp chi tiết trong cuộc tư vấn trực tuyến “Làm gì để ứng phó với Zika và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”. Điều thú vị là căn bệnh tuy dễ lây lan nhưng người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Tình hình dịch Zika tại TPHCM
Các ca nhiễm vi rút Zika đang gia tăng, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh với hơn 100 ca mắc. Dù các biểu hiện do Zika gây ra thường khá nhẹ nhàng,đến 80% ca bệnh chỉ biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, phát ban… nhưng với phụ nữ mang thai, chị em vẫn lo lắng vì vi rút có thể gây ra triệu chứng đầu nhỏ cho thai nhi.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỉ lệ ảnh hưởng thai do vi rút Zika gây ra chỉ từ 1-10%. Vì vậy không phải tất cả trường hợp nhiễm Zika đều gây biến chứng trên thai. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về tác động đối với sức khoẻ của vi rút này, tỏ ra lo ngại, hoang mang.
Hơn nữa, vi rút Zika tồn tại trong loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết nên nguy cơ dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng là rất cao.
Bên cạnh đó, các dịch bệnh như thủy đậu, rubella, rồi các loại cúm gia cầm… có thể xảy ra, đe dọa sức khỏe người dân.
Vậy làm thế nào để ứng phó, phòng bệnh Zika và các bệnh truyền nhiễm này?, Bộ Y tế phối hợp với Báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm gì để ứng phó với Zika và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” từ 14 giờ ngày 19/12 nhằm cung cấp cho người dân những kiến thức về cách phòng tránh Zika và các dịch bệnh khác.
Tham dự buổi giao lưu có PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thanh Bình, Phó Trưởng Khoa Điều hành Khoa Chăm sóc Trước sinh Bệnh viện Từ Dũ.
Kỷ luật 7 cán bộ BV K vì vòi vĩnh người bệnh
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/ky-luat-7-can-bo-bv-k-vi-voi-vinh-nguoi-benh-672648.html
Ngày 19-12, Hội đồng Kỷ luật BV K Trung ương đã quyết định kỷ luật sáu cán bộ y tế bằng hình thức nhắc nhở, cắt tiền thưởng, điều chuyển công tác một người.
Sáng cùng ngày, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) K, cho biết sau chuyến thị sát của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ban lãnh đạo BV đã tiến hành chấn chỉnh ngay các hoạt động của BV.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 8-12 vừa qua, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát một số BV tuyến trung ương ở Hà Nội, trong đó có BV K và thấy vẫn còn cảnh bốn bệnh nhân nằm một giường. Điều đáng nói, Bộ trưởng Tiến nhận được phản hồi của bệnh nhân cho biết tại BV này vẫn còn hiện tượng bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân. Theo đó, Bộ trưởng Tiến yêu cầu BV K kỷ luật một loạt cán bộ y tế vi phạm.
Đặc biệt, báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách y tế khảo sát về sự hài lòng của người bệnh cho thấy Cơ sở 3 Tân Triều chỉ đạt 52/100 điểm, thấp nhất trong ba cơ sở. Tại đây vẫn còn tình trạng vòi vĩnh, phân biệt bệnh nhân biếu tiền và không biếu tiền, có tình trạng quát mắng bệnh nhân…
Ông Thuấn thừa nhận để xảy ra sự việc này là do sơ suất của lãnh đạo BV, do thời gian vừa qua quá tập trung vào việc phát triển nóng cả ba cơ sở nên chưa sâu sát các hoạt động. BV đã tiến hành xác minh, lập hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật sáu cán bộ y tế bằng hình thức nhắc nhở, cắt tiền thưởng hằng tháng, trong đó có cả trưởng khoa, điều chuyển công tác một người, không được tiếp xúc với người bệnh. Ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Công tác xã hội, kiêm Trưởng phòng Điều dưỡng của BV K, cho biết thêm định kỳ hằng tháng BV đều lấy phiếu thăm dò bệnh nhân, mỗi tháng ba lần tổ chức họp hội đồng người bệnh, cộng thêm đoàn thanh tra BV kiểm tra tối thiểu 1 lần/tháng, có phát hiện và nhắc nhở, tuyên truyền rất nhiều nhưng không triệt để.
Lãnh đạo BV K cho biết thời gian tới sẽ thành lập ban giám sát để kiểm soát cả chuyên môn lẫn thái độ của cán bộ y tế tại cả ba cơ sở, xây dựng lại quy chế thưởng phạt nghiêm minh; đặt thêm hòm thư góp ý ngay trước cửa phòng giám đốc.
Nói về vấn đề quá tải tại đây, ông Thuấn cho rằng trước khi Cơ sở 3 Tân Triều đi vào hoạt động, BV thường xuyên quá tải ở mức 200%, thậm chí có lúc trên 300%. Nhưng từ cuối năm 2014 đến nay, tình trạng quá tải đã giảm dần.
Tính đến hết tháng 11-2016, công suất giường bệnh tại ba cơ sở BV K đang là 106%, với 17/51 khoa phòng còn nằm ghép, chủ yếu tại khoa Nội. “Ở đây có sự sắp xếp chưa thật sự hợp lý. Việc dồn quá đông bệnh nhân truyền hóa chất vào đầu giờ sáng đã khiến tình trạng quá tải xảy ra” - ông Thuấn lý giải.
Ông Thuấn cho biết để giải quyết tình hình trước mắt, BV đã kê thêm giường nội trú ở các khoa phòng, thu hẹp diện tích phòng giao ban của cán bộ để kê thêm giường nội trú cho bệnh nhân. Ngoài ra, BV sẽ kê thêm 20 ghế truyền, luân chuyển 100 lượt bệnh nhân ngoại trú/ngày để tránh quá tải, đồng thời yêu cầu cán bộ y tế đi làm sớm hơn 30 phút so với trước đây.
7.000-10.000 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm
http://vietq.vn/viet-nam-7000-10000-nan-nhan-bi-ngo-doc-thuc-pham-moi-nam-d111024.html
Việt Nam đang là quốc gia nằm trong vùng nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm với khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm.
Các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm vừa đưa ra các kết quả nghiên cứu mới nhất, các kinh nghiệm trong thực tế, các yêu cầu và đòi hỏi trong chiến lược xây dựng chuỗi thực phẩm sạch. Khuyến cáo các giải pháp hữu hiệu phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa dư lượng độc tố, chủ động trong chọn mua thực phẩm, yên tâm chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, cải thiện chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, thực phẩm không an toàn từ khâu nguyên liệu đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ thực sự đang trở thành vấn nạn nhức nhối đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm trên toàn thế giới. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông công nghiệp, gây kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn.
Trong đó, Việt Nam đang là quốc gia nằm trong vùng nóng về VSATTP với số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng.
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250-500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong. Nguyên nhân được xác định là xuất phát từ thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (33%), thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất (27%), thực phẩm vốn hàm chứa các chất độc tự nhiên (37,5%), thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu (phun hàm lượng cao, không cách ly với ngày thu hoạch) hay các chất phụ gia (hàn the, màu công nghiệp, đường hóa học) với dư lượng độc tố cao,…
Thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm “bẩn” (thực phẩm có sử dụng chất kích thích, chất tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật quá dư lượng). Bên cạnh đó, gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý VSATTP, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm gây không ít khó khăn cho người sản xuất, tạo lo lắng cho người tiêu dùng.
Tại Hội thảo quốc tế “công nghệ xanh cho chuỗi thực phẩm sạch" vừa được tổ chức, các chuyên gia đã giúp người tiêu dùng phân biệt nông sản và thực phẩm an toàn và nhận biết các độc tố, độc chất không an toàn thực phẩm (thuốc ép chín, hóa chất ngâm, tẩm thực phẩm, chất phụ gia,…) bằng cảm quan, các công nghệ mới trong ủ chín trái cây bằng phương pháp nhân tạo (xử lý nhiệt, yếm khí, dùng oxy và ủ bằng khí ethylene,…) bên cạnh phát huy cách ủ chín thực phẩm theo phương pháp dân gian (ủ lá xoan, đất đèn, hương thắp, rượu…), đưa ra các công cụ quản lý và ngăn ngừa rủi ro trong truyền thông về thực phẩm...
Đồng thời khuyến cáo các cơ quan quản lý VSATTP cần gấp rút đầu tư và đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như GC/MS, GS/MS/MS, LC/MS/MS, ICP-OES, ICP/MS… để phát hiện những sản phẩm thực phẩm không an toàn, từ đó loại bỏ ngay những nhà sản xuất thực phẩm bẩn ra khỏi mạng lưới thực phẩm.
Năm 2016,Chi cục Thú y TP.HCM nhận 75 phản ánh thịt bẩn
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/nam-2016chi-cuc-thu-y-tphcm-nhan-75-phan-anh-thit-ban-672589.html
“Năm 2016, Chi cục Thú y TP.HCM tiếp nhận 75 trường hợp phản ánh qua điện thoại liên quan hoạt động giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Theo ông Thảo, tất cả phản ánh của người dân đều được cơ quan thú y TP.HCM triển khai làm rõ. Từ đó, phát hiện nhiều vụ giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt và sản phẩm từ thịt không đảm bảo an toàn.
Trước đó, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra một địa điểm nằm trên đường Bà Hom, phường 13, quận 6 do vợ chồng ông Đào Tấn Đạt (54 tuổi, quận 6, TP.HCM) thuê để quay heo, vịt.
Đoàn kiểm tra ghi nhận ông Đạt kinh doanh trên 650 kg thịt heo, vịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chưa hết, thịt được sơ chế và chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, nguồn nước, người trực tiếp tham gia. Đặc biệt khu vực sơ chế dơ bẩn, nền sàn đọng nhiều nước và máu.
Ngoài phạt 8,5 triệu đồng, Chi cục Thú y TP.HCM còn buộc ông Đạt thực hiện việc kiểm dịch hơn 650 kg thịt heo, vịt nói trên. Tuy nhiên, ông Đạt làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy lô hàng.
“Chi cục Thú y TP.HCM mong muốn nhận được nhiều phản ánh về giết mổ, chế biến, kinh doanh thịt và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm để kịp thời ngăn chặn” - ông Thảo nói.
Đi đẻ thời bao cấp
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/di-de-thoi-bao-cap-3515706.html
Vợ chuyển dạ lúc nửa đêm, ông Hạnh tự chế một chiếc cáng bằng võng dù rồi huy động trai tráng trong làng đến khiêng bà xã tới bệnh xá.
Bao cấp y tế - một thời dân chữa bệnh không mất tiền
Ở tuổi 70, ông Phan Văn Hạnh ngụ tại thôn Hữu Vy, xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, vẫn nhớ như in cuộc sống khó khăn thời bao cấp những năm cuối 1970 đầu 1980. Lúc bấy giờ cả xã chỉ có một bệnh xá mà phương tiện đi lại không thuận tiện như bây giờ, mỗi lần trong làng có phụ nữ sinh nở là rất vất vả.
Năm 1977 vợ ông Hạnh mang thai con đầu lòng và chuyển dạ vào giữa đêm trước Noel. Bên ngoài trời rét mướt, nhà không có xe cộ gì, ông cặm cụi chế một chiếc cáng bằng võng dù, 2 đầu cột vào một khúc tre, sau đó nhờ trai tráng trong làng đến khiêng bà xã tới trạm xá cách đó 5 km. Quãng đường đi cũng lắm gian nan, cả nhóm phải thay phiên nhau vác cáng băng qua cánh đồng lúa lầy lội dưới ánh sáng nhập nhòe hắt ra từ một chiếc đèn bão.
"Sợ ngã, chúng tôi phải bấm mũi chân sâu xuống bùn và men theo vết chân trâu để đi. Vợ tôi khóc lóc kêu đau, cả đội cáng ai cũng mệt, mồ hôi tuôn nhễ nhại nhưng không dám nghỉ bởi sợ bà ấy sinh giữa đường thì chẳng biết làm sao'', ông cụ nhớ lại.
Bà Hạnh sinh con trai đầu lòng suôn sẻ nhưng bị thiếu sữa. Thời buổi khó khăn, mỗi nhà chỉ được phát một lượng tem phiếu nhất định để mua nhu yếu phẩm nên hai vợ chồng không có tiền mà mua sữa cho con. Ngày nào bà cũng phải bế con sang nhà hàng xóm xin bú "rình". Nửa đêm con đói khóc, vợ chồng phải dậy nấu cơm rồi chắt lấy nước cơm vừa thổi vừa đút cho cu cậu.
Ăn uống thiếu thốn lại bệnh tật triền miên, đứa trẻ nào cũng bị suy dinh dưỡng, èo uột. Bà Hạnh sinh cả thảy 7 người con nhưng chết 3 chỉ còn 2 trai, 2 gái.
Với ông Nguyễn Văn Học, ký ức về một thời khốn khó gắn liền với nỗi đau mất đi người bạn đời trong một lần vượt cạn. Thời ấy thiết bị y tế lạc hậu nên chưa có dịch vụ siêu âm tầm soát để theo dõi sức khỏe thai nhi và thai phụ. Vợ của ông Học mang thai đứa con út mà không biết mình bị bệnh tim. Đến khi sinh, bác sĩ mới phát hiện và thông báo bà bị suy tim cần phải mổ gấp nhưng chỉ cứu được mẹ hoặc con chứ không cứu được cả hai.
Người cha của 3 đứa con bùi ngùi nhớ lại: ''Lúc ấy tôi rất khó xử. Vợ tôi thì nằng nặc đòi cứu con. Thế là gia đình và các bác sĩ đành chiều theo bà ấy. Ca mổ kết thúc, các nữ hộ sinh trao con cho tôi và thông báo bà ấy đã qua đời. Tôi suy sụp chỉ biết ôm con mà khóc''.
Còn bà Phan Thị Dung 60 tuổi, sinh con vào giữa thập niên 80, nhớ lại thời bao cấp thích nhất là đi bệnh viện không phải tốn tiền, chi phí sinh con đã có nhà nước lo. Hồi ấy bà là mậu dịch viên tại một cửa hàng ăn uống ở xã Liên Nghĩa (nay là thị trấn), huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Thời ấy, phụ nữ được nghỉ thai sản rất ít, đi làm đến tận ngày lâm bồn. Bà Dung nhớ một buổi trưa năm 1985 đang ở sở làm thì đau bụng và có dấu hiệu vỡ ối. Nhà ở xa lại không có phương tiện công cộng như ngày nay, bà đi bộ ra đường lớn quá giang. May mắn bà gặp một người đi chiếc xe máy 67 dừng lại hỏi: ''Chị đau bụng đẻ hả? Để tôi đưa đi viện''. Người đàn ông tốt bụng phóng thẳng xe vào Bệnh viện huyện Đức Trọng cách đó 3 km. Vừa nằm lên bàn đẻ, bà Dung đã sinh ngay được một bé trai kháu khỉnh.
Người mẹ 2 con đến giờ vẫn còn ám ảnh cảnh nằm viện thời ấy. Sản phụ sinh xong được y tá cho nằm trên một chiếc giường sắt nhỏ kê bộ vạt tre rồi trải chiếu lên. ''Giường chiếu lâu ngày chưa được làm vệ sinh nên có nhiều gián, rận bò lên cắn ngứa. Y bác sĩ không niềm nở mà nói chuyện giống như ra lệnh kiểu 'bước xuống, leo lên giường, cởi áo ra' nên đa phần sản phụ rất sợ'', bà Dung nhớ lại. Không có băng vệ sinh như bây giờ nên những ngày hậu sản ra máu nhiều, sản phụ phải xé vải màn gấp thành từng xấp vuông để thấm máu, sau đó giặt sạch để dùng tiếp. Do vậy vấn đề vệ sinh hậu sản cũng không được đảm bảo.
Sau khi sinh con, bà Dung được nghỉ một thời gian ngắn rồi đi làm trở lại, phải nhờ cô em chồng ở nhà chăm con trai giúp. Thời ấy dịch vụ y tế chăm sóc trẻ em rất thiếu thốn. Trẻ bị bệnh viêm đường ruột, tiêu chảy chỉ cho uống thuốc lá dân gian chứ không biết cách xử trí, đến khi trở nặng mới đưa đến bệnh viện thì đã trong tình trạng nguy kịch. Con trai bà Dung cũng suýt chết vì bị tiêu chảy cấp. Người phụ nữ kể: ''Hôm ấy 2 vợ chồng đều đi trực, về đến nhà thấy con hôn mê mới đưa vào bệnh viện, bác sĩ nói chậm tí nữa là không cứu được''.
Lúc bấy giờ chưa có chương trình chủng ngừa văcxin quốc gia nên rất ít trẻ em được tiêm ngừa sởi, quai bị, bại liệt... Con trai của bà Dung lên 2 tuổi cũng bị bệnh sởi, thể trạng càng gầy.
Khó khăn thiếu thốn là thế song vợ chồng bà Dung động viên nhau cố gắng nuôi dạy con nên người. Con trai bà bị suy dinh dưỡng nhưng từ nhỏ đã tỏ ra là một đứa trẻ năng động, thông minh, một tuổi rưỡi biết nói, 3 tuổi biết hát hò kể chuyện. Hàng ngày, bà Dung lấy nền sân là nơi dạy chữ cho con. Bà dùng than củi viết chữ cái và số lên nền đất rồi chỉ cho con đọc. Cậu bé đến trường học cũng rất sáng dạ, làm bài luôn đạt điểm cao nhất lớp. Chàng trai ấy về sau thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP HCM và trở thành bác sĩ nha khoa, hiện làm việc tại TP HCM.
Đề xuất xử lý một đơn vị tổ chức khuyến mãi thuốc lá
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/de-xuat-xu-ly-mot-don-vi-to-chuc-khuyen-mai-thuoc-la-672580.html
“Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cấm khuyến mãi thuốc lá dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM vừa phát hiện một đơn vị tổ chức chương trình khuyến mãi thuốc lá. Sở Y tế sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét và phạt đơn vị này”.
Sáng 19-12, BS Trịnh Văn Hiệp, Ban Chủ nhiệm phòng, chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên.
BS Hiệp còn cho biết qua kiểm tra tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM mới đây, Sở Y tế phát hiện nhân viên y tế của BV Nguyễn Tri Phương, BV quận 3 và BV huyện Bình Chánh đang hút thuốc lá.
“Chưa hết, đoàn kiểm tra còn ghi nhận căn tin của BV Trưng Vương, BV huyện Bình Chánh và BV Vạn Hạnh bán thuốc lá. Sở Y tế TP.HCM đã lập biên bản sai phạm” - BS Hiệp cho biết thêm.
Theo BS Hiệp, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định phạt những trường hợp vi phạm nói trên. “Trước mắt, Sở Y tế TP.HCM chỉ phạt nhân viên y tế hút thuốc lá. Sau này, Sở Y tế sẽ phạt người bệnh và thân nhân hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện” - BS Hiệp nói.
BS Việt tại Úc cảnh báo tình trạng nguy hiểm đang "gõ cửa" từng gia đình
Bác sĩ Phan Đình Hiệp - bác sĩ gia đình tại Melbourne, Australia cho rằng, việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể sẽ làm người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những vi khuẩn nguy hiểm.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã chỉ ra 3 vấn đề cực kỳ quan trọng của kháng kháng sinh để thấy đây là vấn đề y tế của toàn cầu chứ không của riêng quốc gia nào.
Thứ nhất: Kháng thuốc kháng sinh là một trong những vấn nạn sức khoẻ toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến mọi quốc gia, mọi người, mọi lứa tuổi.
Thứ hai: Mặc dù kháng thuốc kháng có thể xảy ra trong tự nhiên, tuy nhiên, sự lạm dụng hay sử dụng sai các thuốc kháng sinh trên người hay động vật làm tăng nguy cơ này.
Thứ 3: Kháng thuốc kháng sinh làm khó khăn hơn cho việc điều trị bệnh tật do vi khuẩn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người bệnh và tăng cao kinh phí để điều trị.
Thường nếu chúng ta không đủ sức đề kháng, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn sẽ tấn công lên cơ thể tùy theo khả năng của chúng. Lúc đó, cơ thể thường cần kháng sinh để giúp sức trong việc tiêu diệt vi khuẩn này.
Tuy nhiên vi khuẩn cũng có thể có những thay đổi để tồn tại với các kháng sinh này. Càng ngày, vi khuẩn càng trở nên mạnh hơn trong việc đối kháng với các kháng sinh.
Cách đây không lâu, những kháng sinh như Penicilin, Tetracycline được coi là trị bách bệnh. Nhưng bây giờ thì đã bị kháng khá nhiều.
Việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ (như lúc bệnh chưa nặng đã dùng sớm, dùng không đúng loại, chức năng, dùng không hết đơn thuốc)… tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn sớm tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và mau chóng tạo ra cơ chế đề kháng lại tác dụng của thuốc.
Việc lây truyền những loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có thể sẽ làm người chưa từng bị bệnh vẫn có thể bị nhiễm những vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm này. Khi đó việc điều trị cực kỳ khó khăn bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong rất cao dù căn bệnh đơn giản.
Hơn nữa việc tổng hợp sự kháng thuốc của các loại vi khuẩn gây bệnh có thể tạo ra những con Siêu Vi khuẩn (Superbug) có thể gây rất khó khăn cho việc điều trị hay gây hại cho sức khoẻ của nhiều người.
Làm sao để hạn chế nguy cơ này? Tùy vào góc độ của bên liên quan mà có những giải pháp sau:
Ở mức độ cá nhân:
- Theo đúng chỉ định của bác sĩ của bạn về sử dụng kháng sinh.
- Tránh đòi hỏi hay áp đặt điều kiện về sử dụng KS lên nhân viên Y tế.
- Nâng cao khả năng phòng bệnh như vệ sinh cá nhân, rửa tay, tránh khạc nhổ, tiêm phòng đầy đủ…
Ở mức độ Nhân viên Y tế:
- Kê toa hợp lý phù hợp với những hướng dẫn thích hợp.
- Nâng cao nhận thức của bệnh nhân về phòng bệnh.
- Tránh lây nhiễm bằng bảo vệ môi trường làm việc an toàn vệ sinh
Các cơ sở Y tế:
- Đảm bảo nguyên tắc vệ sinh – môi trường.
- Có các biện pháp và quy tắc để ứng phó với những nguy cơ để kiểm soát tình trạng lây nhiễm.
- Xử lý rác thải y tế đúng theo nguyên tắc và có khoa học.
- Giám sát và duy trì các nhân viên trong cơ sở thực thi đúng các nguyên tắc chung về chống nhiễm trùng.
Lĩnh vực Sản xuất, chăn nuôi:
- Sử dụng kháng sinh có kiểm soát bởi chuyên viên Thú y.
- Không để lạm dụng sử dụng kháng sinh để tăng sản lượng hay phòng bệnh.
- Khuyến khích các hình thức tốt nâng cao sức khoẻ gia súc như Tiêm phòng bệnh, hay cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn sức khoẻ gia súc trong chăn nuôi.
Đối với mức độ nhà quản lý:
- Đưa ra các hướng dẫn, các chương trình, các chính sách phù hợp về vệ sinh và an toàn sức khoẻ.
- Tăng cường việc giám sát báo cáo hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở địa phương.
- Phối hợp và cung cấp thông tin kịp thời những thông tin liên quan đến kháng thuốc kháng sinh cho các bên có liên đới.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều trên, ở Việt Nam còn vô vàn khó khăn bởi vì:
1. Việc mua bán kháng sinh còn nhiều bất cập.
2. Nạn thuốc giả (không đủ số/chất lượng) có thể tạo thêm nguy cơ kháng thuốc.
3. Trình độ chuyên môn các y-bác sĩ còn nhiều thiếu sót và các hướng dẫn có thể thiếu thực tế hay mang tính tổng hợp chưa chuẩn xác nhất là trên mặt bằng y tế không đồng đều.
4. Tình trạng dân trí và những đòi hỏi chưa hợp lý của người bệnh (trong khám bệnh, mua và sử dụng thuốc).
5. Nạn lạm dụng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể vừa do yếu kém quản lý, vừa do ý thức của người kinh doanh.
6. Yếu kém về quản lý, có thể còn có những thống kê thiếu trung thực, hay sai sót do chủ quan (bệnh thành tích, cả nể) hay khách quan (trình độ của những nhân viên trong các khâu).
Không dùng đồ nhựa, túi ni lông vì sợ độc nhưng người Việt lại đang "ăn" chì từ 1 thứ khác
Vì sự tiện dụng và tiết kiệm chi phí, chúng ta không biết là đang sử dụng một thứ để gói thực phẩm mà có thể khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn và nhiễm độc chì.
Ấn Độ cảnh báo thực phẩm gói bằng giấy báo đang âm thầm đầu độc người dân
Tại Ấn Độ, tình trạng sử dụng giấy báo để gói thực phẩm rất phổ biến, đặc biệt thường thấy ở những quán hàng rong bên đường. Một mặt là vì tiện lợi và cũng là vì lợi nhuận, bởi người bán hàng tiết kiệm được một khoản tiền mua các loại hộp đựng an toàn hơn.
Thế nhưng, mới đây Cơ quan Tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm của Ấn Độ (FSSAI) đã lên tiếng cảnh báo rằng những chất gây ung thư và vi khuẩn tồn tại trên các tờ báo đang dần dần độc đầu người dân địa phương.
"Hành vi gói thực phẩm trong các tờ báo không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt độc hại nếu thực phẩm đó đã được nấu chín", FSSAI phát lời cảnh báo.
Theo đó, thực phẩm có thể bị dính mực in báo vốn rất nguy hiểm với sức khỏe con người, bởi mực in chứa rất nhiều chất có hoạt tính sinh học.
Giấy in sử dụng mực in có hàm lượng muối chì cao, dễ hòa tan vào trong dung môi nước hay chất béo (dầu, mỡ) trong quá trình gói thực phẩm.
FSSAI nhấn mạnh, ngoài tác nhân hóa học, sự hiện diện của nhiều loại vi sinh vật gây bệnh trong các tờ báo cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Cơ quan này còn cảnh báo rằng người già, thanh thiếu niên, trẻ em và những người bị mắc các bệnh liên quan đến nội tạng hoặc hệ miễn dịch sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ mắc ung thư cao nếu họ thường xuyên ăn các thực phẩm được đóng gói trong báo giấy.
FSSAI đã chỉ đạo các bộ phận an toàn thực phẩm ở các bang và vùng lãnh thổ thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc không nên sử dụng báo giấy để đóng gói, đựng hoặc bảo quản thực phẩm.
Những bằng chứng khoa học "tố cáo" giấy báo gói thực phẩm cực độc
Giấy báo chứa nhiều chất độc, trong đó có chì
Một số nghiên cứu ở Trung Quốc và Đài Loan cho biết ngoài chứa các nguyên tố kim loại nặng như chì, thép crôm, cát-mi-um, thủy ngân, mực in có loại chất độc gọi là PCBs (Polychlorinated Biphenyls) cùng những chất dung môi hữu cơ độc hại như ethanol, isopropanol, toluen...
Mặc dù khi được làm khô, các độc tố này sẽ giảm bớt khả năng gây hại nhưng dư lượng còn sót lại vẫn tiềm ẩn nguy hiểm với sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng.
Do chì không có khả năng hòa tan trong nước cũng như không bị oxy hóa, nên một khi đã vào cơ thể, chất này sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan... hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải ra ngoài.
Theo các nhà nghiên cứu, cứ 1kg giấy sách báo chứa 0,1 - 1mg chất độc của chì. Và người đó bị nhiễm chì nếu cơ thể chứa khoảng 0,5 - 2m.
Lúc đó, biểu hiện nhiễm độc là phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn hoặc nôn...
Khi gặp nhiệt độ cao từ những thực phẩm nóng, chì còn nguy hiểm hơn nữa. Nhiễm độc chì có thể gây biến đổi gen của tế bào, tác động đến quá trình di truyền của cơ thể.
Chì còn gây độc đối với hệ thần kinh, với các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, máu...
Giấy báo chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm
Nhìn các món ăn được gói bằng giấy báo có vẻ sạch sẽ nhưng ít ai biết nguy cơ nhiễm khuẩn từ các tờ giấy này.
Hành trình di chuyển của những tờ giấy báo là đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo, qua tay người đọc, rồi đến các nhà thu mua phế liệu, đồng nát sau đó mới đến tay của những người bán hàng.
Hơn nữa, tờ báo người ta thường sử dụng kê đồ ăn đa số là báo cũ, là nơi có nhiều vi khuẩn nguy hiểm.
Thông thường, tính thấm hút của báo khá mạnh nên vi khuẩn dễ lưu lại trên bề mặt tờ báo. Người xem tờ báo càng nhiều thì vi khuẩn bám vào bề mặt tờ báo càng nhiều.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, giấy in chữ được bán cân, rẻ tiền nên được người dân sử dụng phổ biến, nhưng loại giấy này không thuộc nhóm giấy sử dụng để bao gói thực phẩm.
Giấy màu đã in rồi, dù là tờ quảng cáo, sách vở, tờ lịch.... đều được sử dụng mực in có hàm lượng muối chì cao, dễ hòa tan vào trong dung môi nước hay chất béo (dầu, mỡ) trong quá trình gói thực phẩm (mực in sẽ hòa tan trong thực phẩm).
Sử dụng thức ăn chín được bao gói bằng loại giấy này, vô hình trung người tiêu dùng tự "rước" chất độc (chì) vào cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo không chỉ giấy in, giấy báo có chữ, mà ngay cả giấy trắng được sử dụng để bao gói thực phẩm cũng gây nguy hiểm cho người dùng.
Thay vì sử dụng giấy báo, hãy gói thực phẩm bằng các loại lá
Thời xưa, ông cha ta thường sử dụng một số loại lá cây trồng có sẵn để bao gói thực phẩm. Và ngày nay, các chuyên gia sức khỏe cũng khuyến cáo đây được xem là cách vừa an toàn vừa thân thiện với môi trường nhất.
Lá chuối, lá dong, lá dừa, lá sen... có chứa nhóm nhân phenol gây ức chế vi khuẩn và rất dễ bị phân hủy trong đất.
Các loại lá này rất sạch, có mùi thơm đặc trưng, mềm, mịn, bề mặt trơn nên ít bám bụi và không giữ nước, do đó, chỉ cần rửa qua, lau sạch là có thể dùng để bao gói thực phẩm, rất an toàn.
Nên phơi nắng lá cho héo thì khi gói ít để không khí lọt qua khi gói chả, nem, bánh...
Cần Thơ: Cứu sống một sản phụ mang thai ba bị tiền sản giật
http://www.vietnamplus.vn/can-tho-cuu-song-mot-san-phu-bi-tien-san-giat-mang-tam-thai/421490.vnp
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cap-cuu-thanh-cong-san-phu-sinh-3-thieu-thang-672612.html
http://news.zing.vn/3-be-trai-sinh-non-nhung-khoe-manh-trong-ca-tam-thai-post707015.html
Các bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ vừa cấp cứu thành công, cứu sống một sản phụ mang thai ba bị tiền sản giật.
Cụ thể, Khoa Sản của Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu sản phụ tên Đ.T.L, 39 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Sản phụ L. nhập viện cấp cứu trong tình trạng mắt mờ, huyết áp cao và tiền sản giật nặng.
Qua thăm khám, các bác sỹ Khoa Sản bệnh của bệnh viện chẩn đoán chị L. mang thai ba, thai 33 tuần tuổi, bệnh nhân tăng huyết áp mạnh, dọa sinh non. Đây là lần mang thai thứ hai của sản phụ.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ dùng thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm gò, kích thích trưởng thành phổi và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tiền sản giật.
Ngày 9/12, sau khi hội chẩn, chị L. có dấu chuyển dạ khi thai nhi được 35 tuần, các bác sỹ Khoa Sản của bệnh viện đã quyết định mổ đẻ để cứu sản phụ và các con chị L.
Êkíp phẫu thuật với sự tham gia trực tiếp của bác sỹ chuyên khoa 2 Quách Hoàng Bảy, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cùng các phẫu thuật viên là các bác sỹ Khoa Sản bệnh viện trực tiếp mổ đẻ để cứu sống mẹ con chị L.
Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp với ba bé trai chào đời, cân nặng lần lượt là 2.300gram, 1.700gram và 2.100gram. Hiện tại, cả mẹ và ba bé sức khỏe đều ổn định và được các bác sỹ bệnh viện chăm sóc theo phương pháp kanguroo tại Khoa Sơ sinh bệnh viện (phương pháp chăm sóc con bằng cách ôm bé da tiếp da, đặt con trong túi trước ngực mẹ).
Bác sỹ chuyên khoa 2 Quách Hoàng Bảy, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, cho biết trường hợp mang tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/8.000; đối với các trường hợp đa thai tăng nguy cơ sinh non, tăng nguy cơ tiền sản giật, nguy cơ dễ băng huyết sau sinh sẽ gây nguy hiểm về tính mạng cho mẹ con sản phụ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sỹ Bảy đưa ra lời khuyên các sản phụ đang mang thai đặc biệt mang đa thai nên khám thai định kỳ, nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm, kích thích trưởng thành phổi lúc thai từ 24-34 tuần tuổi để có một thai kỳ khỏe mạnh./.
Cần Thơ: Bệnh viện E xây dựng Khu khám bệnh và điều trị ngoại trú hiện đại
http://www.baomoi.com/suc-khoe-y-te.epi
Ngày 19/12, Bệnh viện E,Bộ Y tế, tổ chức lễ khởi công xây dựng Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú hiện đại; thành lập khoa Nội Nhi tổng hợp.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú sẽ được xây dựng với tổng diện tích hơn 13.000m 2 . Công trình có tổng mức đầu tư 358 tỷ đồng (bao gồm mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc y tế), dự kiến sẽ đáp ứng được 2.000 lượt khám ngoại trú/ngày.
Khoa được bố trí 50 buồng khám bệnh hiện đại với đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao. Tại mỗi tầng khám bệnh, đều được sắp xếp theo mô hình bệnh viện đạt tiêu chuẩn phục vụ người bệnh cao nhất với quy trình khám chữa bệnh khép kín bao gồm khu vực tiếp đón, chỉ dẫn, phát số, buồng bác sĩ khám, thu ngân và nhà thuốc...
Đặc biệt, khu cấp cứu được bố trí 2 phòng mổ được trang bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các phẫu thuật của người bệnh cấp cứu. Khu chẩn đoán hình ảnh với hệ thống máy chụp cộng hưởng từ hiện đại, máy CT Scanner 64 dãy, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm 4 chiều… Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2018, hứa hẹn sẽ giải quyết tận gốc tình trạng quá tải và tạo môi trường khám chữa bệnh thân thiện với người bệnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những bước phát triển nổi trội với nhiều kỹ thuật mới trong y học được ứng dụng tại Bệnh viện E thời gian qua như kỹ thuật mổ nội soi: Ngoại (tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương, soi khớp gối), tai mũi họng, phụ sản; kỹ thuật mổ mở: sọ não, thay khớp háng, khớp gối, vết thương tin, phình mạch vỡ, cắt phổi, cắt tá tụy, gan; sinh tiết gan qua siêu âm; điều trị ung thư biểu mô tế báo gan bằng tiêm A.Ethano qua siêu âm; dẫn lưu và điều trị nang gan không phải mổ; kỹ thuật bán vòng thắt trĩ…
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu khám chữa chữa bệnh chuyên sâu với kỹ thuật cao, Bộ Y tế đã đồng ý cho phép Bệnh viện E đã thành lập với 4 trung tâm: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm tiêu hóa, Trung tâm Cơ xương khớp, Trung tâm ung bướu, trong đó, Trung tâm Tim mạch đã trở thành một cơ sở phẫu thuật tim mạch hàng đầu trong nước, thực hiện được các phẫu thuật phức tạp trong điều trị tim bẩm sinh và mắc phải như tim một thất, bất thường trở về tĩnh mạch hệ thống, tổn thương 3 thân mạch vành…
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cắt băng khánh thành khoa Nội Nhi tổng hợp của Bệnh viện E. Khoa Nội Nhi tổng hợp là khoa lâm sàng, thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu cho trẻ từ sơ sinh đến 15 tuổi. Đội ngũ bác sĩ của khoa Nội Nhi tổng hợp là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao, gồm các tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II và giảng viên Đại học Y Hà Nội…
Cứu sống bệnh nhân suýt tử vong do dao đâm thủng gan
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-suyt-tu-vong-do-dao-dam-thung-gan-672657.html
“BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vừa cứu sống bệnh nhân NĐL (32 tuổi, ở Long An) bị dao dâm thủng gan và gãy xương sườn”.
TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á, cho biết thông tin trên vào chiều 19-12.
Khuya 18-12, BV Đa khoa Xuyên Á tiếp nhận bệnh nhân L trong hình huống nguy kịch với lưỡi dao ghim sâu lún ngực phải. Bệnh nhân hôn mê, da tái nhợt, mạch và huyết áp không đo được.
BV nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, dự trù máu và chuẩn bị phòng phẫu thuật cấp cứu. Bên cạnh đó, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chụp CT 160 lát cho thấy bệnh nhân bị thủng rách gan, tràn dịch màng phổi và xuất huyết nội lượng nhiều. Ngoài ra, cung xương sườn 5 và 6 của bệnh nhân còn bị gãy nứt do lưỡi dao đâm vào.
Các bác sĩ khoa Ngoại tổng quát nhanh chóng thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân được lấy dị vật, khâu cầm máu vết rách tại gan, làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất khoảng 1.500 ml máu. Do mất máu quá nhiều nên bệnh nhân được truyền 6 đơn vị máu. Sau hai giờ phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
“Đây là trường hợp cấp cứu rất khẩn cấp. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao do sốc mất máu” – TS-BS Nguyễn Văn Châu nhận định.
Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra và tiếp thu điều trị cho bé Thiên Phúc
Sau khi nhận được phản ánh về bệnh tình của cháu Đỗ Nguyễn Thiên Phúc đang ngày một xấu đi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp thu và kiểm tra, giúp sức khỏe của cháu khá hơn.
Vừa qua, qua đường dây nóng, tòa soạn đã phản ánh trường hợp của gia đình cháu Đỗ Nguyễn Thiên Phúc, sinh ngày 17/3/2016, ngụ ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang về việc điều trị bệnh “viêm phế quản cấp” của cháu ngày càng trầm trọng so với trước khi đến nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1…
PV đã phản ánh trực tiếp vụ việc đến TS- BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV Nhi đồng 1, sau đó cháu Thiên Phúc được các y bác sĩ Khoa Hô hấp tận tình khám và điều trị, đến nay cháu Thiên Phúc đã chuyển biến tích cực,…
BBT báo ghi nhận sự tiếp thu phản ánh của BGĐ Bệnh viện Nhi đồng 1. Và ngày 30/11/2016, BGĐ Sở Y Tế TP.HCM đã quyết định bổ sung danh mục những bệnh viện bị kiểm tra năm 2016, trong đó có BV Nhi đồng 1, kiểm tra vào ngày 28/12/2016.
Bác sĩ cứu chàng trai khỏi mù trước ngày… cưới
http://laodong.com.vn/suc-khoe/bac-si-cuu-chang-trai-khoi-mu-truoc-ngay-cuoi-621876.bld
5 ngày trước ngày cưới, chàng trai 32 tuổi phải nhập viện vì mắt bỗng dưng giảm thị lực đột ngột. Anh được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM phẫu thuật u nhầy và xuất viện khỏe mạnh trước ngày cưới đúng 1 ngày trong niềm vui khôn tả.
Th.S, BS Nguyễn Minh Hảo Hớn - Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - là người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết, nam bệnh nhân nhập viện ngày 15.12 vì mắt trái nhìn giảm dần hơn 1 năm nay. Bệnh nhân không đi điều trị gì. Anh quyết định nhập viện khi những ngày gần đây thị lực mắt đột ngột giảm nhanh, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ sáng tối.
Bệnh nhân đến khám Bệnh viện Mắt và được chuyển khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám, chụp CT và phát hiện khối u nhầy (mucocele) vùng sàng sau huỷ xương, chèn ép thần kinh thị. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu trong đêm, dẫn lưu khối u nhầy, sau phẫu thuật 1 ngày, mắt bệnh nhân đã nhìn thấy được gần như bình thường. Bệnh nhân được ra viện ngày 19.12 trước ngày đám cưới... 1 ngày trong niềm vui khôn tả.
Theo BS Hảo Hớn, bệnh nhân rất may mắn đến sớm và điều trị kịp thời. Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM từng tiếp nhận bệnh nhân như thế nhưng đến trễ nên thị lực không cứu được và phải chịu mù vĩnh viễn.
Th.S, BS CK II Võ Quang Phúc - Phó Giám Đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - cho biết, u nhầy sàng sau chiếm tỉ lệ rất thấp khoảng 5%, thường nằm ẩn sâu bên trong và nội soi mũi xoang cũng không thể phát hiện được. Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm thì rất dễ bỏ sót.
Bác sĩ Hớn khuyến cáo, những bệnh nhân bị giảm thị lực bất thường sau khi khám mắt không phát hiện bệnh, nên đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt để tránh tình trạng mù mắt đáng tiếc.
BHXH VN: Lần đầu tiên trao Giải báo chí quốc gia về BHXH, BHYT
Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội VN và Hội Nhà báo VN tổ chức Lễ trao “Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016”. Ban tổ chức cũng trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH cho 10 lãnh đạo cơ quan báo chí có nhiều đóng góp thông tin trong lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH VN (giữa) trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH tới lãnh đạo các cơ quan báo chí: (Từ trái sang phải) Ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ; ông Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí; bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam và ông Phan Huy Hiền, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH VN (giữa) trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH tới lãnh đạo các cơ quan báo chí: (Từ trái sang phải) Ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ; ông Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí; bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam và ông Phan Huy Hiền, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân.
Theo Ban tổ chức, đây là lần đầu tiên “Giải Báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016” được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh hoạt động của BXHH VN.
Tại Lễ trao giải, BHXH VN đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp BHXH cho 10 lãnh đạo các cơ quan báo chí có nhiều đóng góp quan trọng, ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển ngành BHXH (trong đó có Báo Dân trí).
Theo ông Trần Bá Dung, Phó Trưởng Ban tổ chức giải báo chí, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội nhà báo VN, Giải thưởng đã thu hút hơn 1.200 tác phẩm từ 131 cơ quan báo chí, đơn vị trong đó có 52 đơn vị trực thuộc Trung ương, 79 đơn vị địa phương trên cả nước tham gia.
"Sau khi qua vòng sơ khảo và chung khảo, từ hơn 1.200 tác phẩm báo chí, Ban tổ chức, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 20 giải Khuyến khích (trong đó có Báo Dân trí) và 4 giải tập thể" - ông Trần Bá Dung cho biết thêm.
Theo Ban tổ chức đánh giá, các tác phẩm dự thi đã phản ánh được nhiều nội dung trên mọi lĩnh vực của ngành BHXH như: Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH; công tác tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; nguyên nhân và giải pháp đối với những hạn chế và bất cập trong thực hiện chính sách BHYT, BHXH; ngăn chặn hành vi trục lợi hưởng BHYT, nợ và trốn đóng BHXH…