Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 20/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Dự thảo tăng Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả; Huế: Thu giữ gần 1.000 ống hóa chất không nguồn gốc để sản xuất giá đỗ; Trẻ em sẽ có mã số riêng để theo dõi tiêm chủng; Đang uống nước, nam thanh niên đột ngột ngã quỵ; Đắk Nông: Chuyện những bác sĩ làm công việc se duyên cho bệnh nhân nhiễm HIV

 

Dự thảo tăng Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/862564/du-thao-tang-goi-dich-vu-y-te-co-ban-do-quy-bhyt-chi-tra

http://infonet.vn/tang-goi-dich-vu-y-te-co-ban-do-quy-bhyt-chi-tra-post221178.info

http://www.baomoi.com/goi-dich-vu-y-te-co-ban-dam-bao-tot-hon-quyen-loi-nguoi-dan/c/21562060.epi

Gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) cho tuyến y tế cơ sở là một phần của gói quyền lợi, sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân, do sẽ được sử dụng các dịch vụ y tế đa dạng và chất lượng ngay tại cộng đồng.

Đó là phát biểu của PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị góp ý về Dự thảo Thông tư “Quy định chi tiết về gói DVYTCB”, diễn ra ngày 16/2 tại TP Hồ Chí Minh. Gói DVYTCB được xây dựng trên cơ sở gói quyền lợi hiện nay, nhằm bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng DVYT khi có nhu cầu, không phân biệt giữa các nhóm đối tượng, phù hợp với khả năng chi trả, đáp ứng được khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và Ngân sách Nhà nước, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Gói DVYTCB chú trọng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó mở rộng các dịch vụ cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã.

Việc Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Thông tư quy định Gói DVYTCB cho tuyến y tế cơ sở không ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT, các dịch vụ y tế ngoài gói DVYTCB cho tuyến y tế cơ sở mà hiện nay đang được pháp luật quy định và các cơ sở y tế đang cung cấp dịch vụ thì được chi trả theo quy định hiện hành. Theo Ban Soạn thảo, gói DVYTCB sẽ bao gồm các dịch vụ y tế cho chăm sóc sức khỏe ban đầu như: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ y tế dự phòng; được cung ứng bởi trung tâm y tế quận/huyện, trạm y tế xã/phường, phòng khám bác sĩ gia đình. Và sẽ được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và có chất lượng... Gói DVYTCB cho các dịch vụ khám chữa bệnh sẽ do Quỹ BHYT chi trả; Ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác sẽ chi trả cho các dịch vụ dự phòng cơ bản.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá, để gói DVYTCB được cung ứng một cách có chất lượng và hiệu quả đúng nhưkỳ vọng thì cần phải ưu tiên đầu tư nhân lực và vật lực cho y tế cơ sở nói chung và đặc biệt là trạm y tế xã.

Theo ông Tuấn, có những trạm y tế hiện cung cấp dịch vụ rất tốt, sáng tạo, người dân tin tưởng, cho nên, đầu tư và tạo nền tảng cho tuyến y tế cơ sở là hướng đi cần thiết, kiên trì, và điều này sẽ giảm tình trạng quá tải bệnh viện, giảm chi phí y tế cho hộ gia đình… Dự kiến, Dự thảo sẽ được hoàn thiện và thi hành vào trung tuần tháng 4/2017.

 

Trẻ em sẽ có mã số riêng để theo dõi tiêm chủng

http://suckhoedoisong.vn/tre-em-se-co-ma-so-rieng-de-theo-doi-tiem-chung-n128230.html

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo dự thảo, việc quản lý đối tượng tiêm chủng sẽ được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Theo lộ trình, đến ngày 31/12/2018, cơ sở tiêm chủng phải hoàn thiện thí điểm phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng do Bộ Y tế cung cấp. Từ ngày 1/1/2019, cơ sở tiêm chủng phải triển khai chính thức phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng.

Trẻ em sẽ có mã số riêng để theo dõi tiêm chủngSẽ triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và dự kiến đến cuối năm 2018, các điểm tiêm chủng sẽ chính thức thực hiện. Hiện nay, phần mềm trên đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phần mềm tiêm chủng sẽ quản lý rõ ràng và chi tiết từng đối tượng tiêm chủng. Theo đó, mỗi người sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời với các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm.

 

Đang uống nước, nam thanh niên đột ngột ngã quỵ

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/tin-moi-dang-uong-nuoc-nam-thanh-nien-dot-ngot-nga-quy-356569.html

Đang uống nước cùng bạn bè, nam thanh niên đột ngột ngã quỵ, mất ý thức dù trước đó vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai mới cứu sống một trường hợp khá hy hữu khi bị ngừng tim đột ngột sau 6 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân là Sằm Văn T. (39 tuổi, Vị Xuyên, Hà Giang). Sau khi viếng đám ma, anh T. ngồi uống nước cùng bạn bè gần cổng BV Đa khoa huyện Vị Xuyên thì bất ngờ ngã quỵ, mất ý thức. Sau vài phút, bệnh nhân được chuyển vào BV đa khoa huyện cấp cứu trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn (hôn mê, ngừng thở, tím toàn thân, mạch bẹn mất, đồng tử 2 bên giãn và không có phản xạ với ánh sáng).

Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, tuy nhiên sau 5-7 phút, tim đã đập lại nhưng không có huyết áp. Bệnh nhân tiếp tục được ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện 2 lần và tiêm thuốc thì nhịp tim mới về xoang.

Dù bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử 2 bên co lại nhưng vẫn có nhịp tự thở nên các bác sĩ đã quyết định chuyển xuống BV Bạch Mai cấp cứu. Sau gần 6 giờ di chuyển, bệnh nhân xuống đến khoa Cấp cứu A9. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy ngay trong đêm.

Sau 3 ngày kết thúc liệu trình điều trị, bệnh nhân đã có thể tự thở, có ý thức, nhận ra được người thân. Bệnh nhân đã có thể giao tiếp, sức khỏe ổn định, rút được ống nội khí quản. Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Nguyễn Tấn Đạt cho biết, đây là trường hợp được cứu sống hết sức hy hữu. Khi nhập viện bệnh nhân tiên lượng rất xấu do hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài. Theo BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, đột tử không rõ nguyên nhân (hội chứng Brugada) lần đầu tiên được mô tả trong tài liệu y khoa vào năm 1917. Đây là tình trạng rối loạn dẫn truyền thần kinh tim di truyền, dẫn đến rối loạn nhịp nhanh thất, rung thất và ngừng tim. Khi xuất hiện nhịp nhanh thất, rung thất thì bệnh nhân bị ngất và có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi khoảng 30, có tính di truyền. Khoảng 60% bệnh nhân trẻ bị đột tử có kèm các đặc điểm như hình ảnh điện tâm đồ điển hình của hội chứng Brugada, có người thân bị đột tử hoặc điện tâm đồ bất thường.

 

 Đắk Nông: Chuyện những bác sĩ làm công việc se duyên cho bệnh nhân nhiễm HIV

http://dantri.com.vn/suc-khoe/chuyen-nhung-bac-si-lam-cong-viec-se-duyen-cho-benh-nhan-nhiem-hiv-20170219063700509.htm

“Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và người nhiễm HIV (H) cũng vậy. Có những người do lầm lỗi, nhưng cũng có người vô tình mà nhiễm ở độ tuổi xuân xanh nhất nên nhiều khi họ khát khao hạnh phúc hơn cả người bình thường”.

Đó là lời chia sẻ của bác sĩ Trần Đức Phú, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Nông, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc se duyên cho những cặp đôi nhiễm H. Nhưng hỏi ra mới biết, tại Trung tâm này, ngoài công việc chuyên môn, các ý bác sĩ ở đây ai cũng từng là “ông tơ bà nguyệt”, tác hợp cho nhiều hoàn cảnh đến với nhau.

Bác sĩ Phú được mọi người gọi bằng cái tên thân mật Phusida (Phú si đa), một trong những người đầu tiên về trung tâm cũng là người đầu tiên nảy ra ý tưởng se duyên cho những người nhiễm H. Anh bộc bạch: “Ai mang trong mình án tử vô hình đều rơi vào trạng thái hoang mang, chán nản thậm chí là tuyệt vọng, muốn tự tử. Bệnh nhân đến đây không chỉ nhiễm H mà họ còn chịu gánh nặng về tâm lý, sống khép mình và tự dằn vặt bản thân, đặc biệt là những người trẻ, chưa lập gia đình. Vì vậy Trung tâm không chỉ là nơi khám, điều trị và cấp phát thuốc mà còn là nơi tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân này”. Từ ngày làm công việc điều trị H cho các bệnh nhân đến nay, bác sĩ Phú đã có thành tích mai mối cho hơn 50 cặp. Mỗi cặp là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ấn tượng nhất đối với anh là vợ chồng chị N.T.X và anh N.V.H (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức). Cả hai đến với nhau khi đã trải qua một cuộc hôn nhân, người thì nhiễm HIV từ chồng, người thì bị vợ lây nên họ đến với nhau không chỉ bằng tình yêu mà còn bằng sự thông cảm đồng cảnh ngộ.

Nói đoạn, anh Phú lấy từ trong túi ra chiếc điện thoại có lưu giữ hình ảnh gia đình chị X., anh cho biết, cuộc hôn nhân này không chỉ mình anh ủng hộ mà toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của trung tâm ra sức vun đắp. Vì vậy thời gian đầu, trung tâm cũng chính là nơi “hò hẹn” của cả hai người, mỗi tháng họ hẹn nhau lên đây lấy thuốc rồi nhân cơ hội đó gặp mặt, trò chuyện.

“Để cho hai người chính thức gặp mặt, trước đó chúng tôi đã tư vấn tâm lý và đả thông tư tưởng cho cả hai. Ban đầu chỉ là những cuộc nói chuyện xã giao tại trung tâm, nhưng trải qua một thời gian dài, số lần tiếp xúc cũng tăng lên. Hiểu được hoàn cảnh của nhau, có lối suy nghĩ tích cực nên cả hai anh chị ấy quyết định tiến tới hôn nhân. Bây giờ ngoài hai người con riêng, họ có thêm một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh”, y sĩ Võ Thị Hằng, phòng khám chuyên khoa HIV cho hay. Theo những y bác sĩ đang làm việc tại trung tâm này, phần lớn người bệnh đều khát khao tình yêu và có nhu cầu ân ái như những người bình thường khác, nhiều người mong muốn trở thành cha, thành mẹ nhưng căn bệnh thế kỷ chính là rào cản lớn nhất của họ. Những lúc như thế, ngoài việc trò chuyện để họ hiểu rõ về căn bệnh của mình, các y bác sĩ còn trực tiếp đi tìm những đối tượng phù hợp để ghép đôi.

Không chỉ góp phần đưa những số phận bất hạnh đến với nhau, cho họ trải nghiệm tình yêu mà nhiều y bác sĩ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn trở thành người gỡ rối, hòa giải cho những cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.

Bác sỹ Ndong Brưm, Phó giám đốc trung tâm, kể lại câu chuyện mà ông bảo, có lẽ cả cuộc đời này ông không thể quên. Đó là một buổi chiều mưa cuối tháng 8 cách đây gần chục năm, một người phụ nữ tên P.T.P (huyện Đắk Song) trạc tuổi 30 tìm đến trung tâm với hai con mắt đỏ hoe, thân hình xơ xác không còn sức sống.Ngày đó, ông còn làm tại phòng khám, nghe người phụ nữ này tâm sự, ông mới biết chồng chị nghiện hút, rồi nhiễm HIV từ bạn bè. Anh này lại không hề thông báo với vợ trong suốt thời gian bị bệnh, chỉ đến lúc chị P. xét nghiệm máu để chuẩn bị sinh, mọi người trong gia đình mới vỡ lẽ.

“Ngày sinh con, cũng chính là ngày cô ấy nhận án tử, tinh thần hoảng loạn, tuyệt vọng lắm. Rất may cháu bé sinh ra không nhiễm HIV nên cô ấy được an ủi phần nào” bác sĩ Brưm nhớ lại.

Vị bác sĩ rơm rớm nước mắt, kể tiếp câu chuyện của gia đình người phụ nữ này. Thời điểm P. đến trung tâm cũng là lúc căn bệnh của cô ấy chuyển nặng, cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm nghiêm trọng. Trong lòng cô ấy lại chất chứa mối hận thù sâu sắc, cứ mỗi lần nhắc đến chồng là hai mắt của P. đầy vẻ giận giữ, phẫn uất.

Nhưng mỗi lần tâm sự, các bác sĩ tại trung tâm lại khuyên cô ấy chấp nhận chồng, cùng đồng hành với anh ta trong việc điều trị bệnh, cùng nhau nuôi dạy đứa con. Trớ trêu thay, ngày P. thay đổi thái độ sống với chồng, yêu thương anh ta trở lại, cũng là lúc anh ta rời bỏ cuộc đời. “Cô ấy đau khổ, tự dày vò bản thân vì những tháng ngày hắt hủi, trách móc, thù hận anh ta. Rồi một vài tháng sau, cô ấy cũng đi theo chồng, bỏ lại đứa con nhỏ dại, chưa một lần cất tiếng gọi mẹ”. Theo chia sẻ của Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Ndong Brưm, từ khi thành lập năm 2011, ngoài việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV, trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm, tạo điều kiện cho các bệnh nhân gặp gỡ với nhau, tạo cơ hội để họ tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Riêng đối với các cán bộ trung tâm, hàng tháng mọi người đều trích một ít tiền lương, ủng hộ vào quỹ nội bộ, mỗi khi có cặp bệnh nhân nào nên duyên vợ chồng, trung tâm sẽ trích quỹ để giúp đỡ họ bắt đầu cuộc sống mới.

 

Huế: Thu giữ gần 1.000 ống hóa chất không nguồn gốc để sản xuất giá đỗ

http://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-giu-gan-1000-ong-hoa-chat-khong-nguon-goc-de-san-xuat-gia-do-20170219131723836.htm

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/thua-thien-hue-phat-hien-hon-800kg-gia-do-ngam-hoa-chat-358571

Ngày 19/2, tin từ Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an thành phố Huế cho biết đơn vị đã phát hiện và thu giữ 980 ống hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ được dùng để sản xuất giá đỗ trên địa bàn.

Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị đã phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ tại địa chỉ 57 Tôn Thất Thiệp, phường Tây Lộc, thành phố Huế do bà Vương Thị Mỹ Hạnh làm chủ sử dụng chất kích thích tăng trưởng có tên là Benzylaminopurine để ủ giá đỗ. Loại hóa chất này có dạng lỏng được chứa trong các ống nhựa, bên ngoài nhãn mác đều ghi bằng chữ nước ngoài. Khi được yêu cầu bà Hạnh đã không xuất trình được bất kỳ các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hóa chất này. Gần 1000 ống hóa chất dạng lỏng sử dụng chất kích thích tăng trưởng Benzylaminopurine để ủ giá đỗ không rõ nguồn gốc thu giữ tại nhà bà Hạnh. Công an thành phố Huế đã lập biên bản tịch thu 980 ống hóa chất nói trên và 11 sọt giá đỗ có trọng lượng hơn 800kg đã được tẩm hóa chất. Hiện Công an thành phố Huế đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 Dịch cúm gia cầm áp sát biên giới Việt Nam: Không đợi có dịch mới ứng phó

http://anninhthudo.vn/doi-song/dich-cum-gia-cam-ap-sat-bien-gioi-viet-nam-khong-doi-co-dich-moi-ung-pho/718629.antd

Tại Trung Quốc, 2 tháng qua đã ghi nhận hơn 340 ca bệnh cúm gia cầm A/H7N9, vì thế nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trước diễn biến dịch cúm A/H7N9 ngày càng lan rộng với số ca mắc tăng nhanh tại Trung Quốc, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh cúm A /H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, tại nước này đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc cúm gia cầm A/H7N9. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Trong khi đó, tại một nước láng giềng khác với Việt Nam là Campuchia, tháng 1-2017 vừa qua cũng đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại Sveyrieng - tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam… Vì vậy, khả năng dịch xâm nhập vào nước ta là rất cao.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc vừa diễn ra giữa tuần này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích, lý do khiến dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào là do nhu cầu giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với những nước láng giềng rất lớn. “Hơn nữa, thời điểm hiện tại lại là thời điểm của cúm mùa, cúm gia cầm gia tăng mạnh nhất trong năm. Dù năm 2016, Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm nhưng cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với 3 chủng cúm A/H3N3 (chiếm 45%), cúm B (chiếm 43%), cúm H1N1 (chiếm 12%)”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích.

Lo ngại trước nguy cơ các dịch cúm gia cầm kể trên xâm nhập, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất, ngoài phòng chống dịch thì ngành Y tế cũng cần sớm chủ động mua sắm thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh dịch này. “Năm ngoái, khi xuất hiện một số ca mắc cúm mùa, chúng tôi đã chuyển kho dự trữ thuốc Tamiflu cho một số tỉnh, thành phố. Do vậy, năm nay, Bộ Y tế cần sớm mua bổ sung thuốc để phòng dịch, nếu không khi dịch xâm nhập, số mắc tăng nhanh thì khó có thể xoay xở kịp”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.

“Dịch cúm đang gia tăng mạnh ở châu Mỹ, châu Âu cũng đã xuất hiện ca bệnh. Riêng Trung Quốc đã ghi nhận cúm A/H7N9 nên xu hướng xâm nhập vào nước ta rất lớn. Để phòng dịch xâm nhập, nhiều nước đã cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch”. Còn về công tác phòng chống dịch, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần nhận diện, đánh giá cho được những dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lưu hành trên địa bàn. Từ đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể theo từng năm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, kinh nghiệm xây dựng kịch bản đối phó từng dịch bệnh từ nhiều nước trên thế giới cho thấy khi triển khai chống dịch sẽ rất hiệu quả. Do đó, điểm mới trong công tác phòng chống dịch năm nay là chúng ta sẽ xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể (khi không có ca bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh xảy ra) đối với từng dịch bệnh trên địa bàn. Tuyệt đối không để khi có dịch mới loay hoay ứng phó. Cũng liên quan đến các dịch bệnh này, ngày 17-2, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Mặt khác, tăng cường giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Hơn 50 lần hiến máu cứu người

http://anninhthudo.vn/doi-song/hon-50-lan-hien-mau-cuu-nguoi/718627.antd

Nhiều năm nay, hai cha con ông Nguyễn Văn Khánh (53 tuổi, ở thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) luôn sẵn lòng sẻ chia những giọt máu của mình để cứu chữa người bệnh.

Thời trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh nhập ngũ, làm cán bộ quân y ở Bệnh viện Quân y 21 tại mặt trận 579. Ngày ấy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, để có đủ máu kịp thời cấp cứu những chiến sĩ bị thương, các cán bộ, nhân viên bệnh viện đều tình nguyện cho máu và  ông Khánh cũng không ngoại lệ.

Năm 1987 là lần đầu tiên ông Khánh cho máu. Đến khi xuất ngũ năm 1989, ông đã 4 lần hiến máu cứu sống đồng đội. Ông cho biết: “Hồi ấy, chứng kiến đồng đội bị thương, mất máu nghiêm trọng, có người gục ngã tại chiến trường, tôi không khỏi đau xót nên tự mình lấy máu mình rồi cứu đồng đội, rồi vận động anh em cùng nhau hiến máu giữa bom đạn của kẻ thù. Từ đó, lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng sẽ hiến máu cứu người cho dù có khó khăn thế nào đi nữa”.

Tinh thần sẻ chia sự sống, giúp đồng đội, đồng chí qua cơn hiểm nghèo ở chiến trường theo ông Khánh về quê hương. Và dù ở vị trí nào, công tác thanh niên, Chữ thập đỏ, Hội Nông dân hay là Bí thư Đảng ủy xã Cát Tân, ông vẫn tích cực tham gia hiến máu cứu người.

“Từng tham gia  ngành y nên tôi hiểu hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần cho máu là mỗi lần cơ thể được kích thích quá trình tái tạo máu mới. Song điều quan trọng là có rất nhiều người bệnh đang cần máu để hồi sinh sự sống. Ý thức được điều đó nên tôi đi đầu trong phong trào nhân đạo hiến máu cứu người để những người khác thấy vậy làm theo. Có vậy thì anh em, đồng bào mình mới có được lượng máu cấp cứu kịp thời”, ông Khánh tâm sự, Chỉ tính riêng từ năm 1994 đến nay, ông Khánh đã có 32 lần hiến máu tình nguyện. Nhưng mỗi khi nhắc đến con số này, ông thường lắc đầu, bảo “chưa thấm vào đâu” với những tấm gương khác trên cả nước. Ông kể, năm 2012, dự lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc, ông mới hiểu, sự tình nguyện của mình còn nhỏ bé lắm. Nhiều đại biểu tuổi đã ngoài 60 vẫn tham gia hiến máu; nhiều đại biểu có số lần hiến máu hơn 50 lần.

Sinh ra trong một gia đình truyền thống, học hết bậc phổ thông, anh Nguyễn Hồng Phong (34 tuổi, con trai ông Khánh) đi nghĩa vụ quân sự. Sau ngày xuất ngũ, anh về tham gia hoạt động ở đoàn thanh niên của địa phương, rồi học thêm hệ đại học tại chức. Bây giờ anh là cán bộ tư pháp xã Cát Tân. Tuy công việc rất bận rộn nhưng mỗi khi có đợt hiến máu tình nguyện anh lại tranh thủ tham gia, hay khi những người bệnh cần máu gấp anh cũng sẵn sàng cứu giúp.

Anh Phong chia sẻ: “Lúc đầu tôi thấy hiến máu cũng sợ nhưng một lần, ba của một người bạn thân bị xuất huyết dạ dày cần truyền máu gấp mới có thể cứu được tính mạng. Khi ấy, gia đình bạn đông người nhưng không ai có thể cho máu được vì người thì không cùng nhóm máu, người cùng nhóm máu thì không đủ điều kiện. Lúc đó, tôi được sự động viên của cha nên đi hiến máu cứu người. Từ đó, tôi bắt đầu hiến máu theo định kỳ và những người bệnh nào cần tôi đều sẵn sàng giúp đỡ” “Lãnh đạo thì càng không được ngại, mình phải đi tiên phong thì anh em mới làm theo. Tới đợt hiến máu tập trung, tôi luôn đi đầu, qua đó khích lệ tinh thần cán bộ, nhân viên, bà con địa phương”.

12 năm nay, anh Nguyễn Hồng Phong là cái tên rất quen thuộc trong phong trào hiến máu tình nguyện ở huyện Phù Cát. Anh Phong cho biết: “Tôi tham gia hiến máu từ năm 2005. Thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện ở Phù Cát chưa phát triển mạnh, công tác tuyên truyền, tư vấn chưa được sâu rộng như bây giờ. Hồi đó, tôi đi hiến máu cũng chỉ nghĩ đơn giản mình là thanh niên nên phải tiên phong”. Được biết, anh Phong đã có 22 lần hiến máu được ghi nhận trên sổ sách. Mỗi lần như vậy là một cảm xúc khác nhau. Anh Phong cho biết: “Mỗi khi tham gia hiến máu và nhận được giấy chứng nhận, tôi thấy vui vì mình đã làm được một việc có ích cho xã hội. Nhưng lần hiến máu đáng nhớ là có lần người bệnh cần truyền huyết thanh nên phải lấy máu từ người mình để lọc lấy huyết thanh sau đó lại truyền trả lại vào người. Lần đó phải ngồi 3 tiếng đồng hồ nên rất mệt”.

Câu chuyện này xảy ra cách đây đã hơn 4 năm, bây giờ mỗi khi nhớ lại, anh Phong luôn cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã đưa ra một quyết định đúng, bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Nhiều lần chứng kiến con người ở lằn ranh sinh tử, anh Phong hiểu rõ ý nghĩa những giọt máu mà bản thân mình hiến tặng. Không chỉ vận động người trong nhà, trong dòng họ, thời gian qua, hai cha con ông Khánh cũng vận động cán bộ cơ quan, thanh niên địa phương, công nhân, viên chức trẻ, bà con địa phương tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều cái tên mới đã xuất hiện và được UBND huyện Phù Cát tôn vinh, khen thưởng, góp phần xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện địa phương.

Cách đây gần nửa năm, ông Khánh mắc bệnh cao huyết áp và không còn đủ điều kiện để hiến máu. Nhiều người tiếc cho một “hạt nhân” của phong trào hiến máu tình nguyện địa phương, nhưng ông Khánh bảo: “Không có tôi thì còn anh em, con cháu trong gia đình, rồi bà con địa phương. Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn hôm nay đã mạnh hơn trước nhiều rồi. Và dù không tham gia hiến máu, tôi vẫn có mặt tại các lễ phát động, các ngày hiến máu tập trung. Tham gia tuyên truyền ý nghĩa của việc hiến máu cứu người”. “Điều đáng mừng là việc làm của hai cha con tôi được gia đình ủng hộ”, anh Phong phấn khởi nói. Anh Phong luôn cảm thấy vui vì những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện không chỉ có trong lực lượng đoàn viên thanh niên mà còn được mọi thành phần trong xã hội ủng hộ, tham gia. Năm nào ở xã Cát Tân cũng có rất đông tình nguyện viên tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này. 22 lần tham gia hiến máu cứu người đã trở thành minh chứng thuyết phục giúp anh tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ và người dân địa phương dễ dàng hơn.  Theo ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát, gia đình ông Khánh là điển hình tiên tiến trong phong trào hiến máu tình nguyện của huyện. “Cả hai cha con ông Khánh đều rất nhiệt tình với phong trào này. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, hai cha con ông luôn sẵn sàng san sẻ những giọt máu của mình mong cứu giúp được một mảnh đời bất hạnh. Người dân địa phương ai cũng quý tấm lòng của hai bố con ông Khánh”, ông An cho biết.

 

Hà Tĩnh: Lần đầu phẫu thuật Miles nội soi cắt ung thư trực tràng thấp

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/ha-tinh-lan-dau-phau-thuat-miles-noi-soi-cat-ung-thu-truc-trang-thap-197968.html

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, vừa tiến hành phẫu thuật Miles nội soi cắt ung thư trực tràng thấp thành công cho 1 bệnh nhân bị ung thư giai đoạn T3N1M0. Theo đó, bệnh nhân Đậu Thuyết (66 tuổi, ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc) bị bệnh cách đây 4 tháng với các biểu hiện đi đại tiện ra máu đỏ tươi, nhưng không đi khám. Gần đây, bệnh nhân có dấu hiệu đi đại tiện ra máu đỏ tươi nhiều, thể trạng gây sút, mệt mỏi… nên gia đình đã đưa vào viện để kiểm tra. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, anh Thuyết được chẩn đoán bị ung thư trực tràng thấp, giai đoạn T3N1M0.

Ngay sau khi có kết quả, anh Thuyết được các bác sĩ tư vấn về phương pháp phẫu thuật Miles nội soi và gia đình đã đồng ý. Sau 3 giờ đồng hồ ca mổ diễn ra thành công. Bác sĩ Nguyễn Trọng Đoàn - Khoa Điều trị theo bệnh yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Sau mổ 2 ngày bệnh nhân đã có thể ăn nhẹ, hồi phục nhanh, ít đau. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 1 tuần điều trị tại đây và hẹn tái khám sau 1 tháng để tiếp tục điều trị ung thư trực tràng bằng hóa chất”. Ưu điểm của phẫu thuật Miles nội soi ổ bụng tránh được đường mở bụng, thuận lợi khi tiến hành cắt toàn bộ mạc theo trực tràng vì nó giúp phẫu thuật viên quan sát rõ hơn cấu trúc giải phẫu mạch máu vùng tiểu khung bảo tồn thần kinh tiết niệu sinh dục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống sau mổ của bệnh nhân ung thư trực tràng. "Ngoài ra, với phương pháp phẫu thuật Miles nội soi bệnh nhân đau sau mổ ít hơn, hồi phục nhanh hơn, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ ít hơn, mang lại giá trị thẩm mỹ hơn mổ mổ truyền thống", bác sĩ Nguyễn Trọng Đoàn cho biết thêm.

 

Dịch H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Bộ Y Tế ra công điện khẩn

http://vietq.vn/dich-h7n9-dien-bien-phuc-tap-o-trung-quoc-bo-y-te-ra-cong-dien-khan-d115348.html

http://danviet.vn/tin-tuc/chung-virus-cum-doc-luc-cuc-cao-chua-tung-thay-co-the-tran-vao-vn-746771.html

Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch H7N9 khi dịch bệnh này đang có những diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ra công văn khẩn vào ngày 17/2 gửi 63 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Riêng trong hai tháng qua, tại Trung Quốc đã có hơn 340 trường hợp mắc tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng về việc dịch này lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1/2017, một số ổ dịch cúm A(H5N1) đã xảy ra trên gia cầm tại Svay Rieng (Campuchia) vốn là tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam. Vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.  Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép; không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người. Đối với các Sở Y tế, chỉ đạo tại các cửa khẩu, tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong. Sở tài chính có kế hoạch cấp sớm kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát, phòng, chống dịch chủ động. Bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm lây sang người và trên diện rộng.

 

Mổ cận thị không chạm vào mắt lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam

http://vietq.vn/mo-can-thi-khong-cham-vao-mat-lan-dau-tien-ung-dung-tai-viet-nam-d115375.html

Mổ cận thị không chạm vào mắt áp dụng với tất cả tật khúc xạ, cả trường hợp giác mạc mỏng không thể điều trị được ở những phương pháp trước. BS Phan Hồng Mai, Trưởng Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TPHCM trả lời báo Lao động, phương pháp mới SmartSurfACE là phẫu thuật laser bề mặt không chạm vào mắt, không cần tạo vạt giác mạc. Trước kia các phương pháp cũ phải bóc biểu mô giác mạc bằng tay hoặc bằng máy. Kỹ thuật này bệnh nhân nằm trên bàn mổ, máy tự định vị và mọi thứ được thực hiện hoàn toàn bằng laser chiếu qua khoảng 1-2 phút.

“Chính vì không vạt giác mạc nên bệnh nhân bớt stress hơn, hợp tác tốt với bác sĩ và độ thành công cao hơn, giảm nguy cơ biến chứng, thời gian hồi phục ngắn hơn. Phương pháp này ít tổn thương đến thần kinh của giác mạc nên ít khô mắt sau mổ” – BS Mai cho biết. Kỹ thuật áp dụng điều trị tất cả tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị ở bệnh nhân trên 18 tuổi, đặc biệt trong cả trường hợp giác mạc mỏng không thể điều trị được bằng những phương pháp trước.

Bệnh viện Mắt TP HCM là nơi đầu tiên ở Việt Nam trang bị thiết bị thực hiện kỹ thuật này và thứ 2 tại Đông Nam Á sau Singapore. Hiện bệnh viện đã phẫu thuật hơn 10 bệnh nhân, giai đoạn đầu được hỗ trợ nên chi phí mổ 2 mắt khoảng 20 triệu đồng, báo VnExpress đưa tin.

 

Vụ ngộ độc thực phẩm tại Lai Châu: Huy động nhiều bác sĩ tuyến trung ương

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-lai-chau-huy-dong-nhieu-bac-si-tuyen-trung-uong-639213.bld

http://suckhoedoisong.vn/lien-quan-den-vu-ngo-doc-tai-lai-chau-gan-5000-lit-ruou-khong-ro-nguon-goc-da-duoc-tieu-huy--n128257.html

Đến ngày 17.2, các bệnh nhân trong vụ ngộ độc khiến 8 người tử vong và nhiều người phải nhập viện tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn tiếp tục phải điều trị. Theo chỉ thị của Bộ Y tế, đoàn bác sĩ BV Bạch Mai với đầy đủ các chuyên khoa: Tiêu hóa, thần kinh, chống độc, mắt, tim mạch... thăm khám cho bệnh nhân.

Liên quan đến vụ ngộ độc tại bản Tả Chải - xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu, ông Đỗ Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của 10 bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu tại bản Tả Chải do Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện cho thấy, có 8 mẫu có nồng độ methanol trong máu cao hơn cho phép.

“Nồng độ methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng, nhưng trong 8 mẫu trên, có trường hợp nồng độ methanol lên tới 326mg/dL. Chỉ có 1 trường hợp là nữ được xét nghiệm âm tính với methanol và 1 ca có mức nồng độ thấp hơn 20mg/dL”- BS Giang nói.

Ông Đồng Xuân Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết, các bệnh nhân đang được cấp cứu bị ngộ độc thực phẩm thì chắc chắn. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được tất cả các bệnh nhân trên đều bị ngộ độc methanol.

Lý giải điều này, ông Linh cho rằng, trong số những bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm, hầu hết nam giới đều uống rượu, nhưng có 6 phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu thì cũng bị ngộ độc. Khi trao đổi với đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai, một số nữ bệnh nhân như chị Giàng Tả Mẩy (53 tuổi); chị Tô Si Son (25 tuổi); chị Phu A Gồ (27 tuổi); chị Nù Tả Mẩy (58 tuổi) và bệnh nhi Hờ Ơ Seo (7 tuổi) cũng khẳng định chưa từng uống rượu.

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã lấy mẫu rượu tại địa điểm trên để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol là 970mg/l cồn 1000, 556.000mg/l cồn 1000 và 475.000mg/l cồn 1000. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013) hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/l cồn 1000. Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần.

Huy động bác sĩ tuyến trung ương

Theo chỉ thị của Bộ Y tế, đoàn bác sĩ BV Bạch Mai với đầy đủ các chuyên khoa: Tiêu hóa, thần kinh, chống độc, mắt, tim mạch... thăm khám cho BN tại Lai Châu. Trong ngày 16.2, đoàn công tác của BV Bạch Mai đã tiến hành thăm khám cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang được điều trị tại BV Đa khoa Lào Cai, BV Đa khoa Lai Châu và Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ.

Kết quả cho thấy, những bệnh nhân nặng đã qua cơn nguy kịch. Những bệnh nhân nhẹ vẫn tiếp tục được theo dõi đề phòng xuất hiện những biến chứng và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Nói về công tác cấp cứu của bác sĩ tuyến dưới của Lai Châu, GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: Các bác sĩ tuyến dưới đã có phác đồ điều trị đúng. Sự phối hợp chặt chẽ và cập nhật về thời gian đã là yếu tố quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân. Không một bệnh nhân nào phải chuyển về Hà Nội là thành công lớn trong việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế tuyến dưới. Được biết, đến nay, 13 bệnh nhân nặng của vụ ngộ độc này đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đều đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục chạy thận, truyền dịch giải độc, không còn bệnh nhân nào phải thở ô xy.

Liên quan đến vụ ngộ độc này, theo thông tin phát đi chiều 16.2 của UBND tỉnh Lai Châu, thì tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm 49 ca, trong đó có 8 ca tử vong, gồm 7 ca tử vong đã được báo cáo, và 1 ca tử vong trưa ngày 15.2.2017. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, ca tử vong thứ 8 tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ không phải là một trong 4 trường hợp nặng đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh mà chết tại nhà. Trường hợp này có ăn uống tại đám tang ông Phu Vần Lẻng trong các ngày từ 11-13.2, được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động khi có biểu hiện bệnh phải đến cơ sở y tế để được cứu chữa. Tuy nhiên gia đình chủ quan, khi đi làm nương về thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Trước đó, ngày 10.2 khi gia đình ông Phu Vần Lèng, sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22h tối cùng ngày ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự của ông Lèng trong 3 ngày 11-13.2; theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều ngày 13.2 xảy ra hiện tượng nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn dãn đồng tử và tử vong. Các nạn nhân đều uống rượu, ăn một số thực phẩm khác.

Được biết, món ăn người dân ăn trong những ngày đám tang ông Lèng gồm rau cải, đậu phụ, thịt lợn (thịt từ dịp tết) và rượu.

 

 Lễ hội Xuân hồng 2017: Tiếp nhận hơn 10.000 đơn vị máu

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/le-hoi-xuan-hong-2017-tiep-nhan-hon-10000-don-vi-mau-358456

Ngày 18/2, tại Hà Nội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân hồng 2017.

Với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, Lễ hội Xuân hồng năm nay có ý nghĩa rất quan trọng đánh dấu tròn 10 năm Lễ hội Xuân hồng được tổ chức ở Việt Nam với nhiều thành công và kết quả xuất sắc.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Xuân hồng 2017 có khoảng 30.000 người tham gia, tiếp nhận được tối thiểu 10.000 đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại hơn 170 bệnh viện. Đây cũng là lễ hội hiến máu tình nguyện lớn nhất cả nước được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008 đến nay.

Trước đó trải qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận được gần 51.000 đơn vị máu, góp phần quan trọng đảm bảo lượng máu cho điều trị dịp ngay sau Tết Nguyên đán, nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện, thay đổi quan điểm hiến máu đầu xuân.

Cùng với hoạt động chính là hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện, Lễ hội Xuân hồng 2017 còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa như: các chương trình nhạc hội “10 năm vũ khúc Xuân hồng”, triển lãm “Khoảnh khắc Xuân hồng 10 năm”, sân khấu lưu động “ Xuân hồng Battle”, hội trại “10 năm ấn tượng Xuân hồng”… với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng.  

 

Xử phạt 2 cơ sở y tế tư nhân hành nghề trái phép

http://thanhnien.vn/suc-khoe/xu-phat-2-co-so-y-te-tu-nhan-hanh-nghe-trai-phep-792834.html

Ngày 18.2, Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở hành nghề y tế tư nhân của ông Nguyễn Thanh Long và bà Nguyễn Thị Thanh Nga (đều ở H.Sơn Tịnh), mỗi cơ sở 50 triệu đồng về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động.

Sáng 16.2, Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra đột xuất đã phát hiện tại 2 cơ sở trên có rất nhiều kim tiêm, bình nước truyền và thuốc điều trị. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận việc tự ý sử dụng các dịch vụ y tế nhưng không đăng ký giấy phép hoạt động và thực hiện nhiều dịch vụ vượt quá thẩm quyền của y sĩ như kê đơn thuốc cho người bệnh.

Theo ông Nguyễn Thành, Chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh có 320 cơ sở hành nghề y tế tư nhân được cấp phép thì chỉ có 5 cơ sở đăng ký dịch vụ tiêm thuốc, thay băng. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa chấp hành các quy định theo luật Khám, chữa bệnh, tự ý cung cấp các dịch vụ về tiêm chích và kê đơn bán thuốc, gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. “Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề y trái phép”, ông Thành nói.

 

Bảo hiểm y tế: Ngày càng dễ thở

http://plo.vn/xa-hoi/bao-hiem-y-te-ngay-cang-de-tho-683593.html

Người bệnh đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã có cái nhìn tích cực hơn và đa số người dân TP đã yên tâm mua bảo hiểm y tế.Vài năm gần đây, ngành bảo hiểm y tế (BHYT) đã không còn tình cảnh đi khám chữa bệnh BHYT bị phân biệt đối xử, ngồi chờ vất vưởng, bác sĩ lơ là, thuốc men thì được cấp phát loại thứ cấp… Kể cả địa điểm khám, chữa bệnh cũng linh động hơn, như đăng ký nơi này nhưng khi cấp bách cũng có thể thăm khám, chữa bệnh nơi khác. Một anh chạy xe ba bánh Trung Quốc bảo hôm trước Tết anh bị tai nạn giao thông, bầm dập cả người khi xe anh chở quá tải, bị bể bánh lật nghiêng. Vào bệnh viện, vợ anh đưa thẻ BHYT được các nhân viên phòng cấp cứu tiếp chu đáo; các y, bác sĩ cũng tận tâm; không bị phân biệt đối xử như trước kia. Anh nằm bệnh viện mất năm ngày, cộng thuốc men, kháng sinh loại tốt mà khi về vợ anh chỉ đóng có mấy trăm ngàn. Anh mừng hết biết. Khi anh bị tai nạn, nhà hết tiền vì mới mua sắm Tết và cho tiền con gái đưa bà ngoại về quê ngoài Trung. Vợ anh phải chạy đi vay nóng chục triệu phòng khi bác sĩ kêu mua thuốc men hay phẫu thuật, vậy mà khi xuất viện về còn nguyên tiền vay, chỉ mất vài trăm tiền lãi thôi. Nghỉ hơn hai tuần, coi như nghỉ Tết luôn. Sau Tết anh đã có thể chạy xe chở hàng. Chưa hết hạn BHYT mà vợ anh liên tục hối thúc anh đi mua cái mới, kẻo trễ. Anh cười phấn khởi: “Không cần vợ bảo, tôi cũng lo mua”.

Tại bàn bán BHYT phường, nhiều người đang chờ tới lượt, ngồi nói chuyện với anh chàng lái xe ba bánh, tôi vừa nhìn ngắm những người đi mua BHYT. Họ thuộc đủ thành phần, tuổi tác. Chị bán cháo gà mà tôi vẫn ăn gật đầu chào. Ông Tám “xe ôm” đứng ở đầu hẻm thỉnh thoảng chở tôi có vẻ nôn nóng. Ông Tám bảo sắp tới giờ đi đón con đi học về mà sợ để mai mốt lại trễ mua, BHYT đứt đoạn thời gian sẽ phiền lắm.

Sau Tết, mới đầu năm mà cả nhà bà Tư “cơm tấm” kéo nhau bệnh. Cũng may, năm nay bà Tư coi ngày khai trương trễ vào mùng 10. Ông Tư mấy ngày Tết nhậu quá, đau bao tử quằn quại. Con Út Ni Tết đi chơi quá nên cảm cúm, nằm bẹp dí. Còn bà Tư lo đi chùa Bà, chùa Ông ở Bình Dương, chen lấn hít bụi, ngửi khói nhang về cũng ho hen khù khụ. Mùng 6 Tết, “cả nhà kéo nhau đi khai trương bệnh viện quận” - bà Tư nói. Cũng may là cả nhà đều có bảo hiểm, bệnh viện cho nội soi bao tử ông Tư, thử máu con Út coi có bị sốt siêu vi không, X-quang chụp hình phổi bà Tư, rồi mỗi người được phát 5-7 ngày thuốc nhưng tất cả chỉ phải trả hơn 300.000 đồng. Bà Tư thở phào, BHYT trả gần hết, nhà bà chỉ trả 20%. “Mà mua cả nhà lại được bớt nữa chớ” - Bà Tư phấn khởi.

Nhờ thuốc BHYT mà cả nhà bà Tư tạm khỏe kịp ngày khai trương quán cơm tấm. Ông Tư hứa bỏ nhậu để giúp bà dọn dẹp quán xá chứ “bả cũng có tuổi rồi mà một mình loay hoay nấu nướng, xoay xở dọn từ trong nhà ra đầu ngõ từ 5, 6 giờ sáng, thấy tội quá!”. Tôi nghĩ bà Tư chắc nghe ông nói vậy cũng đã mát lòng, hết mệt. Bà phân công: Ông già rồi, dậy sớm phụ khiêng đồ đạc xong được đi uống cà phê tán dóc với mấy ông hưu trí, con Út còn nhỏ ham ăn ham ngủ cho nó ngủ tới 6 giờ dậy ra phụ chạy bàn bưng bê. Bà chưa khỏe hẳn nhưng phải ngậm kẹo ho, không dám ho sợ khách người ta sợ không ăn thì khổ. Nhưng dù sao bà Tư bảo: “Cũng cám ơn BHYT. Không có nó thì khổ cả nhà”.

Trường hợp một bạn thân của tôi có mẹ già hơn 80 tuổi, từ quê lên TP thăm con cháu, bị trượt té trong nhà vệ sinh, gãy xương bánh chè. Bà cụ nhập viện, bác sĩ bảo phải mổ thay khớp háng, bạn tôi vốn đang thất nghiệp, hoảng hốt vì sợ chi phí cao. Nhưng dĩ nhiên giá nào thì cũng phải chạy lo cho mẹ. Anh gọi điện thoại bảo tôi chuẩn bị cho anh mượn tiền vì không biết hỏi ai. Tôi bảo sẽ lo chạy cho bạn 10 triệu đồng trước. Nhưng hơn 10 ngày nằm viện thay khớp háng cùng nhiều thứ thuốc, khi xuất viện bạn tôi chỉ phải đóng chưa tới 5 triệu đồng. Đó là với bảo hiểm ở khác vùng chứ nếu đúng tuyến thì có thể còn ít hơn nữa hay miễn cả 100%. Bạn tôi vốn là người bi quan, hay phê phán xã hội đủ thứ nhưng đã thốt lên: “Hoan hô BHYT! Mình sẽ mua BHYT cho cả nhà mình cho yên tâm”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang