Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 21/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Trời chuyển rét đậm, trẻ nhập viện tăng! Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế!; Hơn 1.400 người Việt đăng ký hiến tạng…

Trời chuyển rét đậm, trẻ nhập viện tăng!

Do tiết trời chuyển rét sâu nên nhiều ngày qua, lượng trẻ nhỏ đến các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh khám và điều trị tăng mạnh.

Bác sĩ Trần Anh Pháp – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cho biết: trong khoảng tuần nay, lượng trẻ đến khámtại đơn vị tăng cao. Bình quân mỗi ngày có 60 – 70 trẻ đến điều trị ngoại trú, trong khi bình thường chỉ khoảng 30 – 40 trẻ/ngày. Tỷ lệ trẻ nhập viện cũng tăng, bình quân trên 10 bệnh nhi/ngày.

Cũng theo bác sĩ Pháp, bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp (viêm hô hấp trên, viêm phế quản), tiêu hóa (chủ yếu là tiêu chảy) và nhiễm khuẩn ở trẻ em gái. Tại thời điểm gần cuối giờ chiều 19/12, số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại bệnh viện là 53, trong khi biên chế chỉ 35 giường. Vì thế, khoa đã phải kê thêm giường để đảm bảo nhu cầu điều trị của người bệnh.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong tuần, bình quân mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận thêm 15 – 20 bệnh nhi đến điều trị, nâng tổng số bệnh nhi điều trị tại khoa lên 80 – 90 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, theo định biên, khoa chỉ có 45 giường bệnh. Trước thực tế đó, khoa đã phải kê thêm giường, đồng thời kê đơn cho những bệnh nhi đã thuyên giảm hoặc chuyển về tuyến huyện điều trị tiếp. Kèm theo đó, lãnh đạo khoa đã phải bố trí thêm cán bộ làm việc vào những ngày nghỉ.

Tại BVĐK huyện Thạch Hà, bác sĩ Hoàng Văn Sinh - Trưởng phòng Khám cho hay: số trẻ đến khám bệnh những ngày này bình quân 50 – 60 trẻ/ngày, trong khi bình thường chỉ mức 30 – 35 trẻ.

Bác sĩ Trần Anh Pháp khuyến cáo, việc chăm sóc trẻ đóng vai trò rất quan trọng, có tác dụng phòng ngừa cao. Do đó, cần giữ ấm, làm sạch đường hô hấp, tăng cường cho trẻ uống nhiều nước; hạn chế trẻ tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài; bổ sung các chất dinh dưỡng, nhất là những thức ăn chứa nhiều đạm, bổ sung thêm nước hoa quả ấm.

Đối với những bà mẹ cho con bú, cần tăng cường ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé; thường xuyên theo dõi để nhận biết các biểu hiện về sức khỏe của trẻ nhỏ, khi có dấu hiệu bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn vì các chứng bệnh về hô hấp ở trẻ thường diễn biến nhanh, phức tạp.

 

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế!

Sự xuất hiện của các kỹ thuật cao trong y tế đem lại những bước tiến mạnh mẽ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Với việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại như CT scan, MRI, nội soi siêu âm ba chiều v.v… giúp cho việc chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác và đương nhiên, giúp cho công tác điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Không chỉ thế, các kỹ thuật cao còn góp phần hạn chế những biến chứng trong điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay còn khá phổ biến tình trạng việc các bệnh viện lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết, nhất là với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từng chỉ ra các hình thức lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT bằng các xét nghiệm kỹ thuật cao không cần thiết chính là một nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối Quỹ BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật bất hợp lý đang phổ biến ở nhiều bệnh viện, như việc chụp các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền như MRI, ST scanner được chỉ định như là quy trình khám và chẩn đoán. Nhiều dịch vụ chồng chéo, gây lãng phí như chụp X-quang nhiều tư thế, hay đã chụp X-quang nhưng lại còn chỉ định chụp CT dù kết quả như nhau, hay đã cho siêu âm ổ bụng, lại còn cho chụp CT ổ bụng. Các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện nhiều lần nhưng kết quả không khác biệt, không có tác dụng theo dõi, không có tác dụng phục vụ điều trị, chẩn đoán hoặc kiểm soát, gây lãng phí.

Đáng nói nữa là trong khi việc lạm dụng siêu âm khá phổ biến ở các bệnh viện, thì phần lớn cán bộ y tế lại chưa có bằng cấp chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh, nhưng vẫn thực hiện dịch vụ và đọc kết quả. Với cách thức và trình độ như vậy, việc các kết quả giống nhau, dù là người lớn hay trẻ em, hoặc mô tả chung chung không có giá trị phục vụ điều trị là điều không có gì ngạc nhiên. Ở nhiều bệnh viện, các xét nghiệm sinh hóa và xét nghiệm cận lâm sàng được làm cho gần như tất cả các bệnh nhân, dù là bệnh gì. Các chỉ số sinh hóa máu được chỉ định như những xét nghiệm cơ bản ngay khi người bệnh vào viện.

Có những trường hợp các kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường, nhưng vẫn được chỉ định làm lại chỉ trong một thời gian ngắn, vừa gây tốn kém cho BHYT, vừa mất thời gian của bệnh nhân, đồng thời tạo áp lực tâm lý cho người bệnh. Một con số thống kê ngẫu nhiên đã chỉ ra, thông thường, các bệnh nhân BHYT bị lạm dụng làm các xét nghiệm nhiều hơn: Theo một khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì trong 442 ca MRI, có tới 435 đối tượng BHYT, đối tượng sử dụng dịch vụ chỉ có 7 ca.

Khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho thấy, tình trạng bác sĩ chỉ định thuốc “vung tay” nên tốn kém và bất hợp lý, không hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh đắt tiền trong điều trị dự phòng rất phổ biến, đặc biệt trong sản khoa, dù chỉ là đẻ thường. Theo quy định của Bộ Y tế, các thuốc kháng sinh không dấu (*) là thuốc hạn chế sử dụng, khi sử dụng phải hội chẩn, nhưng ở nhiều nơi, loại thuốc này vẫn sử dụng không đúng quy định. Chính việc sử dụng kháng sinh vừa bãi chỉ nhằm đạt hiệu quả tức thời mà không nghĩ lâu dài cho người bệnh, khiến cho không chỉ tổn hại Quỹ BHYT, mà còn khiến cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, việc điều trị cho bệnh nhân ngày càng khó khăn vì “nhờn thuốc”.

Không chỉ thế, nhiều bác sĩ còn cố tình tăng cường chỉ định thuốc ngoại nhập, biệt dược đắt tiền vì lý do cá nhân. Nhiều trường hợp xét nghiệm không có vấn đề gì cũng được chỉ định sử dụng đạm truyền. Con số mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từng kiểm tra đã cho thấy: Tại  một bệnh viện đa khoa huyện, có tới 90,48% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm, bất kể bệnh gì.

Lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm dụng dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, TS Nguyễn Hoài Nam (Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Do chưa hiểu biết đầy đủ, người bệnh và thân nhân thường có áp lực về tâm lý, ảo tưởng về phương pháp chẩn đoán và điều trị mới. Cũng chịu không ít áp lực, người thầy thuốc sẵn sàng cho làm những xét nghiệm, hay giới thiệu bệnh nhân đi làm các phương pháp điều trị mang tính kỹ thuật cao, dù thâm tâm họ biết chỉ định chưa thật hoàn hảo do ngại bị kiện cáo.

Một nguyên nhân nữa là, ở phòng khám một số bệnh viện thường xuyên quá tải, nên bác sĩ đã chỉ định nhiều loại cận lâm sàng để “giải phóng” nhanh số người khám bệnh khỏi khu vực, cho dù có những dịch vụ y tế không thật sự cần thiết. Hoặc chỉ định sử dụng dịch vụ xã hội hóa để nhận hoa hồng chênh lệch, hay có những bệnh viện khoán thu cho từng khoa, nên các bác sĩ cũng tăng cường chỉ định các dịch vụ chưa thật sự cần thiết để đảm bảo mức khoán.

Tuy nhiên, còn một lý do nữa được ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho hay: Nhiều bệnh viện đầu tư máy móc hiện đại theo phương thức xã hội hóa nên đã tăng cường chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật để vừa tăng nguồn thu, vừa nhanh khấu hao máy móc, dẫn đến tình trạng chỉ định nhiều xét nghiệm quá mức cần thiết, nhất là các dịch vụ kỹ thuật như: siêu âm màu, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, điện não đồ, nội soi tai mũi họng...

TS Nguyễn Hoài Nam cũng đưa ra thêm những nguyên nhân lý giải cho việc lạm dụng kỹ thuật cao trong các bệnh viện là, hiện đang hình thành một khuynh hướng chạy đua kỹ thuật giữa các bệnh viện. Nhiều bệnh viện coi kỹ thuật cao là bộ mặt, là niềm tự hào, mặc dù công suất sử dụng có khi chỉ chưa đến 1/4. Áp lực về việc phải chẩn đoán đúng, điều trị đúng và dư luận đè nặng lên vai của người thầy thuốc, trong khi việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần phải có thời gian để theo dõi sát và nắm các diễn tiến của bệnh. Sự hiểu biết về các phương tiện chẩn đoán và điều trị mới của người dân còn hạn chế, nhất là về chỉ định và đối tượng áp dụng. Vì thế, người bệnh và thân nhân họ thường có áp lực về tâm lý, ảo tưởng về phương pháp chẩn đoán và điều trị mới.

Tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật không chỉ tạo nên nguy cơ vỡ Quỹ BHYT, đồng thời còn khiến người bệnh mất nhiều thời gian, tiền bạc (nếu phải đồng chi trả BHYT) khi phải làm nhiều xét nghiệm không cần thiết. Ngành y tế đã có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao bằng việc xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn, các bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng thuốc và điều trị, đơn vị giám sát để kiểm soát, bình bệnh án. Song, để chống lạm dụng trong điều trị, vấn đề căn cốt là phải thay đổi cơ chế chi trả BHYT theo hình thức trọn gói và theo nhóm bệnh, đi kèm với việc xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, để BHYT chỉ giám sát quy trình kỹ thuật điều trị thay vì giám sát việc chi đúng hay sai như hiện nay.

Phương thức thanh toán định suất là một giải pháp nhằm bảo toàn Quỹ BHYT và tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời với phương thức giám định hồ sơ theo tỷ lệ xác suất. Một vấn đề cũng được các nhà quản lý quan tâm trong việc chống lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao là người dân cũng cần có những kiến thức y học tối thiểu, để hiểu biết và không gây áp lực tâm lý cho thầy thuốc. Có kiến thức tối thiểu, bệnh nhân có thể đề nghị thầy thuốc giải thích rõ ưu, nhược điểm và giá thành khi được giới thiệu một phương pháp chẩn đoán và điều trị mới, để có sự thông cảm giữa thầy thuốc và bệnh nhân, tránh lam dụng trong chẩn đoán và điều trị. http://petrotimes.vn/nguy-co-vo-quy-bao-hiem-y-te-362791.html

 

Hơn 1.400 người Việt đăng ký hiến tạng

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Học viện Quân y và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp tổ chức Ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015”.

Phát biểu khai mạc ngày hội, GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ: “Hiến mô, tạng là một việc làm nhân đạo, nhân văn nhằm chia sẻ sự sống với những người bệnh đang từng ngày giành giật sự sống với tử thần. Với sự phát triển của y học hiện nay cũng như các thành tựu đã đạt được, nếu có nguồn mô, tạng, hàng chục nghìn người sẽ được cứu sống mỗi năm. Một người không may chết não, nguồn tạng hiến có thể cứu hàng chục người, từ tim, gan, thận, giác mạc, phổi... Thế nhưng trên thực tế, số người được ghép tạng từ nguồn tạng hiến bởi người cho chết não còn rất hạn chế. Có rất nhiều người bệnh đã không thể chờ đến ngày có tạng hiến để ghép vì người hiến tạng chết não rất ít”.

GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nếu vận động, lan tỏa được việc hiến tặng mô, tạng ra khắp mọi miền đất nước thì hành động nhân văn này sẽ ngày càng có nhiều người ủng hộ, vừa giúp cứu chữa những bệnh nhân suy tạng, vừa giúp nghiên cứu, phát triển nền y học Việt Nam ngày càng phát triển, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Con số hơn 1.422 người đăng ký hiến tạng và cơ thể người của mình sau khi chết não giúp người bệnh và nghiên cứu khoa học không còn là điều xa vời.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những “cánh chim đầu đàn” như BV Việt Đức, Chợ Rẫy, BV 103...

Tuy nhiên sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 40 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc trong khi cả nước có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Nguyên nhân do nguồn tạng quá hạn chế. Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô, tạng. http://vnmedia.vn/suc-khoe/201512/hon-1400-nguoi-viet-dang-ky-hien-tang-514758/

 

Y tế Bình Dương: Kết quả khám chữa bệnh nổi bật từ việc ứng dụng khoa học

Ngành y tế Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhờ được đầu tư trang thiết bị, ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại và chú trọng đào tạo nhân lực.

Theo Sở Y tế Bình Dương, hiện nay, các đơn vị trong ngành từ tỉnh đến trạm y tế cơ bản đều được đầu tư trang thiết bị y tế theo quy định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị tiếp tục đầu tư bổ sung, thay thế, nâng cấp trang thiết bị như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế TX.Bến Cát...

Bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hàng năm, BVĐK tỉnh đều tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên phục vụ công tác khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại bệnh viện.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da từ Bệnh viện Đại học (ĐH) Y dược TP.Hồ Chí Minh; kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm từ Bệnh viện Bình Dân TP.Hồ Chí Minh; khảo sát kỹ thuật lọc máu liên tục và hóa trị ung thư từ Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh; chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống và nắn trượt cột sống thắt lưng, phẫu thuật gãy cột sống thắt lưng phức tạp có tổn thương thần kinh từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh...

Y tế Bình Dương: Kết quả khám chữa bệnh nổi bật từ việc ứng dụng khoa họcY tế Bình Dương: Kết quả khám chữa bệnh nổi bật từ việc ứng dụng khoa học

Một trong những kỹ thuật hiện đại được BVĐK tỉnh triển khai áp dụng thành công trong thời gian qua là phương pháp can thiệp mạch vành. Trước đây, khoa Tim mạch BVĐK tỉnh chủ yếu khám bệnh về tim mạch thông thường, nhưng khoảng 2 năm nay, khoa đã áp dụng thành công phương pháp chẩn đoán và điều trị can thiệp mạch vành. Từ ngày triển khai đến nay, ê kíp mạch vành của BVĐK tỉnh đã cấp cứu kịp thời, cứu sống hàng trăm ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Nhờ có phương pháp này, nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời mà không phải chuyển lên tuyến trên như trước đây. Điều đáng ghi nhận là ngoài cấp cứu thành công, hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc có thể dẫn đến với nhiều bệnh nhân, việc áp dụng phương pháp này tại BVĐK tỉnh còn góp phần tiết kiệm viện phí, chi phí đi lại, thời gian... cho nhiều bệnh nhân bị mạch vành trên địa bàn tỉnh.

 

Sau rất nhiều năm phải tác nghiệp trong một cơ sở chật chội, xuống cấp, cách đây không lâu, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa mới khu bệnh nội trú, khám và điều trị ngoại trú. BS Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc trung tâm cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trung tâm cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS.

Cụ thể, trung tâm đã được trang bị nhiều máy móc hiện đại về siêu âm, chẩn đoán và triển khai kỹ thuât mới để người dân tiếp cận như: xét nghiệm sàng lọc sơ sinh phát hiện dị tật trước sinh và sau sinh cho trẻ, siêu âm chẩn đoán tiền sản, kỹ thuật lọc rửa và bơm tinh trùng trong điều trị vô sinh…

Những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị tại tỉnh Bình Dương đã khiến công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân được nâng lên rõ rệt. So với nhiều năm trước, ngành y tế Bình Dương đã thực sự phát triển nhiều mặt.  http://vietq.vn/y-te-binh-duong-ket-qua-kham-chua-benh-noi-bat-tu-viec-ung-dung-khoa-hoc-nsc-d78404.html

 

Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca sốt xuất huyết

Theo thống kê của Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 14.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH).

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết số mắc có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, Sở Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và hạn chế tử vong do SXH. Theo đó, TTYT dự phòng TP và TTYT các quận, huyện tiếp tục triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh SXH, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm xử lý sớm, triệt để ổ dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền cho công tác cấp cứu và điều trị. TP đã thực hiện 660 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với gần 1,6 triệu hộ gia đình được kiểm tra, hơn 112.000 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; tổ chức 142 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh với hơn 221.000 hộ gia đình đã được phun xử lý. http://thanhnien.vn/thoi-su/ha-noi-ghi-nhan-gan-14000-ca-sot-xuat-huyet-648686.html

http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/hon-1400-nguoi-dang-ky-hien-tang-xac-lap-ky-luc-viet-nam-a125208.html

 

Bệnh viện tư xây dựng khu y tế kỹ thuật cao

 

Sáng 19-12, Bệnh viện Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) khởi công khu y tế kỹ thuật cao trong khuôn viên bệnh viện với tổng chi phí đầu tư 550 tỉ đồng, diện tích xây dựng là 22.000m2, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2016.

Trong đó, trung tâm can thiệp mạch máu tim mạch và thần kinh là điểm nhấn của khu này. Theo TS.BS Nguyễn Văn Châu - tổng giám đốc Bệnh viện Xuyên Á, khi khu y tế kỹ thuật cao đi vào hoạt động, Bệnh viện Xuyên Á sẽ có đầy đủ các chuyên khoa, đáp ứng được các yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

* Cùng ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã ký kết hợp tác hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và hợp tác giảm tải với Bệnh viện Xuyên Á.

Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các bác sĩ của Bệnh viện Xuyên Á trong hai lĩnh vực chuyên khoa sâu là ngoại thần kinh và tim mạch can thiệp.

Đồng thời, Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á một số bệnh nhân của các chuyên khoa đang trong tình trạng quá tải, phù hợp với khả năng điều trị của bệnh viện và theo yêu cầu của bệnh nhân. http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151220/benh-vien-tu-xay-dung-khu-y-te-ky-thuat-cao/1023982.html

 

Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ không liên quan đến vaccine

 

Gầy đây sự kiện trẻ em tử vong sau tiêm chủng vaccine đã gây ra sự lo lắng trong cộng đồng, đặc biệt với các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ em ở những tháng tuổi đầu đời.

Câu hỏi thường xuyên được đặt ra sau mỗi sự kiện: Có thể phân biệt được nguyên nhân tử vong là do vaccine hay do thực hành tiêm chủng hoặc do trùng hợp ngẫu nhiên với các nguyên nhân gây tử vong khác? Nhằm có thêm thông tin góp phần lý giải về nguyên nhân tử vong của trẻ nhỏ dưới một tuổi, bài viết này nói về một hội chứng được ghi nhận phổ biến trong y văn có tên "Hội chứng đột tử trẻ nhỏ” (Sudden Infant Death Syndrome - SIDS).

Trước hết cần hiểu rằng một đứa trẻ đẻ sống tới khi được 12 tháng tuổi là cả một chặng đường “nguy nan” với nhiều nguy cơ tiểm ẩn mắc bệnh và tử vong. Số liệu của Hoa Kỳ, 1990-2006 cho thấy tỉ suất tử vong không mong đợi trên 100.000 trẻ đẻ sống có thể lên tới 160 (0,16/1000 trẻ). Có ít nhất ba nhóm nguyên nhân cho tử vong đột ngộ của trẻ em, trong đó hội chứng đột tử trẻ nhỏ chiếm hàng đầu (Hình 1).

SIDS: Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh, UNK: Chết không rõ hoặc không xác định được nguyên nhân, ASSB: Chết ngạt tình cờ trên giường.SUID: Tử vong ở trẻ em đột ngột không mong đợi.

Hội chứng đột tử trẻ nhỏ SIDS được định nghĩa là một trẻ dưới một tuổi tử vong không tìm ra nguyên nhân sau khi đã điều tra toàn diện các nguyên nhân bao gồm điều tra thực địa, điều tra tiền sử lâm sàng và khám nghiệm tử thi.

Nguy cơ cao của hội chứng này được cho là rơi vào các tháng đầu tiên sau sinh. Tại Hoa Kỳ tỉ lệ tử vong do SIDS trong vòng bốn tháng đầu đời chiếm tới 72% tổng số tử vong đột ngột ở trẻ đẻ sống dưới một tuổi (Hình 2). Đây cũng chính là lứa tuổi trẻ nhận được nhiều mũi tiêm dự phòng bắt buộc như bại liệt, viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do HiB, tiêu chảy do Rota vi rút…

Mặc dù không tìm được nguy nhân cụ thể, các nhà khoa học cho rằng hội chứng này được gây ra do đa yếu tố hay đa nguyên nhân, có tính chất tương tác phối hợp. Sau đây là một vài giả thuyết được biết đến; (1) Sự trì hoãn hoặc phát triển bất thường của các tế bào não có vai trò điều hòa hệ tim mạch và hô hấp. Người ta đã khám nghiệm bộ não của những trẻ tử vong và tìm thấy một số bất thường của tế bào não có chức năng điều hòa nhịp tim, nhịp thở, huyết áp. Giả thuyết này đã được nghiên cứu khá nhiều trong thập niên 90's của thế kỷ 20. Chính tiến triển âm thầm mang tính vi thể trong sự trưởng thành của các tế bào thần kinh có chức năng điều hòa hoạt động sống này đã dẫn đến việc tử vong không đoán trước được. (2) Tư thế ngủ. Khi trẻ nằm ngủ, mặt có thể úp xuống và việc hạn chế đường thở là một nguyên nhân gây thiếu ôxy trong quá trình ngủ, thậm chí tắc đường thở trong lúc ngủ. Đặc biệt là tư thế nằm sấp và nằm nghiêng - sấp có nguy cơ cao. (3) Tăng thân nhiệt. Việc quấn quá nhiều áo cho bé có thể gây nên một hiện tượng tăng thân nhiệt nhanh gây nên tăng nhịp chuyển hóa và dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.

Tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh đã từng bị nghi ngờ gây ra nhiều cái chết cho trẻ em ở Hoa Kỳ những năm 90 của thế kỷ trước. Cụ thể, từ tháng 1-1991 tới 10-1998 có 18 trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B liều sơ sinh trong tổng số 1.771 ca phản ứng nghiêm trọng sau tiêm. Phân tích chi tiết nguyên nhân tử vong cho thấy có tới 12 (chiếm 67%) trường hợp chết do hội chứng SIDS, ba trường hợp do nhiễm trùng cấp tính, một trường hợp do xuất huyết não trong, một trường hợp ngạt thở, còn lại một trường hợp do tim bẩm sinh. Như vậy, hội chứng đột tử trẻ nhỏ rất có thể là "thủ phạm chính" gây tử vong chứ không phải là do tiêm vaccine viêm gan B ở Hoa Kỳ trong giai đoạn này.

Từ phân tích các trường hợp hội chứng SIDS, một số đặc điểm đã được đưa ra: Hội chứng này không có dấu hiệu cảnh báo trước nên rất khó phán đoán và dự phòng; hội chứng không thuộc nguyên nhân nhiễm khuẩn và cũng không phải do di truyền. Dưới ngóc nhìn của dịch tễ học đây là một hội chứng có đa nguyên nhân, có tính đan xen phức tạp. Nhằm bóc tách các yếu tố nguy cơ, nhiều nghiên cứu dịch tễ đã đưa ra các yếu tố có thể can thiệp được nhằm giảm tỉ lệ tử vong do SIDS gây ra. Theo đó nguyên nhân gồm hai nhóm chính: (1) nhóm không thể hoặc rất khó can thiệp, gồm giới tính, chủng tộc, tập tục văn hóa chăm sóc trẻ. (2) nhóm có thể can thiệp, gồm tư thế nằm, khói thuốc, ngủ chung giường với trẻ, quấn tã, khăn quá chặt.

Từ các nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của hội chứng này, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra các khuyến cáo nhằm làm giảm tỉ lệ tử vong. Tư thế ngủ được cho là có thể thay đổi tình hình. Mục tiêu là tăng tỉ lệ cho trẻ ngủ tư thế nằm ngửa, trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng thay vì cho trẻ năm sấp hoặc nằm nghiêng. Các nghiên cứu tâm lý cha mẹ cũng chỉ ra rằng quan niệm của cha mẹ cho rằng trẻ nằm sấp ngủ ngon hơn và ít thức giấc hơn. Rất tiếc, việc thức giấc của trẻ là một phản xạ có lợi đặc biệt trong những tháng đầu đời. Do đó, các chiến dịch y tế cộng đồng nhằm can thiệp vào yếu tố tư thế nằm ngủ của trẻ đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Kết quả là ở Mỹ từ năm 1992 đến 2001, tỉ lệ tử vong đột ngột giảm từ 120/100.000 xuống 56/100.000 trẻ đẻ sống. Rõ ràng, trong đa yếu tố nguyên nhân của hội chứng này thì tư thế nằm là một yếu tố độc lập góp phần gây ra tử vong ở trẻ. Tuy nhiên, tiếp tục theo dõi xu hướng giảm này trong giai đoạn 2001-2006, tỉ lệ tử vong không có xu hướng giảm nữa, những nguyên nhân khác đã được khảo sát và coi là nguyên nhân nổi trội hơn.

Một số lời khuyên mà Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ - AAP đưa ra năm 2013 và được phê chuẩn bởi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ như sau: Những ngày đầu sau sinh nên cho trẻ nằm ngửa. Khi trẻ đã biết lật từ nằm ngửa sang nằm sấp và ngược lại thì có thể để cho trẻ tự chọn tư thế yêu thích; nằm trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng, không có phần cứng lồi lõm; ga trải giường mỏng mềm và gọn gàng (không quá rộng so với cũi và giường); không dùng chăn mềm dày và gối mềm để lót cho trẻ; tránh phủ chăn, quấn tã quá nhiều; lúc trẻ ngủ nên cho ngậm núm vú giả; nhớ nguyên tắc: ngủ chung phòng chứ không ngủ chung giường với trẻ (mẹ có thể nằm ở một giường khác tách khỏi giường/cũi của con nhưng ở gần và có thể sờ hoặc với tới con lúc cần); nuôi con bằng sữa mẹ; tiêm vaccine được chứng minh là một yếu tố bảo vệ đối với hội chứng đột tử trẻ em. Một nghiên cứu của Vennemann và cộng sự đã chỉ ra rằng tiêm vaccine cho trẻ những tháng đầu đời sẽ giảm tỉ lệ tử vong xuống 50%.

Ở Việt Nam do thực trạng đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều phong tục tập quán nuôi dưỡng trẻ nhỏ rất lạc hậu nên tình trạng tử vong đột ngột, không giải thích nổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh còn khá phổ biến. Theo thống kê của Bộ Y tế hằng năm nước ta có khoảng 27.000 trẻ nhỏ tử vong tự nhiên (tỉ lệ tử vong khoảng 18/1.000 trẻ đẻ sống). Như vậy mỗi ngày có khoảng 75 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tử vong đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau, tập trung chủ yếu ở những tháng đầu đời. Y văn trên thế giới đã ghi nhận các ca trẻ chết mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

Trong bối cảnh có một số ca tử vong ở trẻ em sau tiêm vaccine ở nước ta thì việc tìm hiểu về các nguyên nhân gây tử vong mà không liên quan tới tiêm chủng là điều cần thiết để nhân viên y tế, các bậc cha mẹ và những người quan tâm có cái nhìn khoa học và bình tĩnh hơn. Không thể vì thiếu hiểu biết mà mất lòng tin, ảnh hưởng tới hoạt động tiêm chủng dự phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con em mình. http://phapluattp.vn/suc-khoe/hoi-chung-dot-tu-o-tre-nho-khong-lien-quan-den-vaccine-602292.html

 

Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội

Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Sử dụng kháng sinh không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc mất hiệu quả.

Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sỹ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.

 

Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.

Theo báo cáo năm 2013 của World Crisis trung bình mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc.

Hiện nay, nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Bà Socorro Escalante, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau” và coi đây là ”quả bom hẹn giờ,” cần có các hoạt động mạnh mẽ để tương lai không đối mặt với nguy cơ không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm...

Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ dự kiến đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người tử vong do kháng thuốc mỗi năm

Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.

Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy trong số 10 loại thuốc được dùng biến nhất thì tỷ lệ tiêu dùng kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm trong đầu danh sách. Nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng...

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng kháng thuốc, trong đó có nguyên nhân là sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.

Bên cạnh đó còn một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. Thói quen tự "chữa trị" và “bắt chước” đơn thuốc của người dân, việc mua kháng sinh quá dễ dàng và đơn giản ở bất kỳ hiệu thuốc nào, việc người bán thuốc dễ dãi bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc hoặc tự kê đơn khi người mua có yêu cầu đã dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc.

Ngoài ra, việc dễ dãi trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Dược đã tạo cơ hội cho các nhà thuốc tự ý kê đơn, bán thuốc mà không có đơn của bác sỹ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng lạm dụng thuốc và kháng kháng sinh...

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, không thể đổ lỗi cho người dân trong việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý. Trước hết, những người bác sỹ, dược sỹ là phải tuân thủ quy định trong việc kê đơn và bán thuốc theo đơn.\

Bên cạnh đó các cơ quan y tế cũng phải tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân có thêm những hiểu biết về kháng sinh và sử dụng kháng sinh. Trách nhiệm chính vẫn là của bác sỹ và dược sỹ.

Cơ quan quản lý trực tiếp là thanh tra về dược phải tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở, nhà thuốc vi phạm. Các bệnh viện phải tăng cường việc triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh ở bệnh viện, xây dựng các phác đồ điều trị và tăng cường giám sát việc kê đơn kháng sinh, có phản hồi với bác sỹ trong trường hợp kê chưa hợp lý để điều chỉnh./. http://www.vietnamplus.vn/khang-thuoc-moi-quan-tam-va-thach-thuc-cua-toan-xa-hoi/361912.vnp

 

Nỗi nhọc nhằn của bác sĩ hồi sức cấp cứu

 

Mỗi tháng 3.000 ca cấp cứu, tổng một năm có gần 35.000 ca bệnh mà chỉ cần có 1 ca tiên lượng không tốt là báo chí sẵn sàng nhảy vào mổ xẻ.

Ngày xưa không hiểu tại sao mình đi nội trú hồi sức cấp cứu, nói chung ai cũng gàn, ai cũng bảo sao ngu thế, đâm đầu vào đấy vừa vất vả, vừa nghèo lại đầy rẫy những bất an. Mình bỏ ngoài tai tất cả, quyết tâm đi bằng được với anh mắt ái ngại của những người đi trước, chỉ vì thích.

Từ lúc quyết định lựa chọn con đường này cho đến bây giờ vị chi đã được 7 năm, thời gian chưa đủ nhiều những cũng làm cho cái lưng mình còng xuống vì áp lực công việc và kiến thức. Bệnh viện luôn luôn quá tải, quá tải 1 cách khủng khiếp. Có những khoa có thời điểm nằm đến 5 bệnh nhân 1 giường, mà trời nóng thế này đến mình còn nhão ra nữa là người bệnh.

Mình nhớ, hồi còn sinh viên nhi đồng thối tai lơ ngơ mới ra thành phố, đường phố quang đãng chẳng mấy khi tắc, lúc đó Hà Nội chỉ có chừng đó bệnh viện với chừng đó giường. Đến bây giờ làm giảng viên, lần nào về trường giảng bài cũng đi qua con đường đó 1 cách chậm chạp vì đông không thể tả, ngày nào cũng tắc. Và Hà Nội cũng chỉ chừng đó bệnh viện với số giường tăng không xi nhê gì với dân số. Đường đi tắc, trường học tắc và bệnh viện cũng tắc nốt. Bác sĩ có phải chịu trách nhiệm về việc này không, chắc là không.

Hồi mới vào nội trú, mỗi ngày mình và đồng nghiệp tiếp nhận 70-90 ca bệnh từ các tỉnh chuyển lên, hầu hết là bệnh nặng và phức tạp. Hùng hục làm việc phờ râu, hôm nào cao điểm lên đến 100 bệnh nhân thì tối về gào lên với bọn cùng phòng là hôm nay quá tải khủng khiếp. Đến bây giờ, mỗi ngày 90-100 bệnh nhân vào cấp cứu là chuyện thường, số lượng tăng dần theo từng năm. Trong khi số lượng bác sĩ gần như không thay đổi, lắm lúc mệt đến mức không muốn làm nữa nhưng mình không làm thì ai làm. Bệnh nhân thấy quá tải, bác sĩ cũng quá tải. Lắm lúc phải người nhà củ chuối thì phát rồ lên, mình cũng là người nên chẳng thể nào 1 ngày nhăn nhở mà cười với hàng trăm lượt bệnh nhân và gấp đôi thế người nhà được.

Làm cấp cứu khổ nhất là mặt bệnh đa dạng, áp lực bệnh nhân đông nhưng không được phép gặp sai lầm. Nếu không xử trí nhanh và giải quyết nhanh thì bệnh nhân ùn lại thì vỡ khoa mất. Mỗi tháng mình sơ sơ tính khoảng gần 3000 lượt bệnh nhân từ cả miền Bắc vào cấp cứu với 16 bác sĩ vừa làm hồi sức bệnh nặng vừa làm chẩn đoán. Tối về mình hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức, thế mà vẫn thấy mình dốt. Có lẽ ngành y là một trong những ngành phải học cả đời, cái đầu mình hữu hạn, y học cũng hữu hạn nhưng vẫn mênh mông đối với loài người, có những cái vượt qua sự hiểu biết thông thường của khoa học thì đành chịu.

Một thầy giáo mình từng nói, các cậu phải học cho tốt để trước hết gia đình mình được nhờ, sau đó xã hội được nhờ. Mình, cũng như các bác sĩ khác trong khoa, hùng hục học đến 11 năm liên tục, gia đình nuôi báo cô hoàn toàn cho đến khi đi làm, cũng chưa 1 ngày nào gia đình được nhờ cả. Mình đi làm xa, bố mẹ, anh chị em mỗi lần ốm chẳng bao giờ mình có mặt ở nhà. Lắm lúc bị nói mát nuôi nó bao nhiêu năm trời chẳng nhờ được ngày nào, ốm toàn nhờ vả người khác. Đến ngay cả khi mẹ mình ốm, rồi lúc cụ mất mình cũng chẳng có mặt. Nhiều lúc nghĩ ngành y bạc, bạc lắm.

Hồi trước, có cô bạn bên đài truyền hình nhờ hợp tác làm chương trình cấp cứu cộng đồng, khi đến khoa tham gia 1 thời gian cô lè lưỡi bảo không hiểu các anh làm việc kiểu gì, bệnh nhân đông thế này làm sao làm nổi, cái máy tính hành chính nhà anh còn liên tục treo nữa là người. Mình cười, bảo cái máy có thể treo được chứ cái đầu thì không được phép, bọn anh đâu phải con người. Cô em lắc đầu bảo kinh quá, không là người thì là gì.

Chẳng có nơi nào như nhà mình, cái gì cũng ngược. Hôm trước có 1 bạn vào cấp cứu vì thở nhanh. Vừa mới vào đã gào lên tôi là nhà báo đây, các cô làm cho tôi cái nọ làm cho tôi cái kia, người nhà tôi nặng lắm. Mình bảo nhà báo cũng chỉ như những bệnh nhân thông thường khác, chúng tôi phân loại bệnh nhân theo bệnh chứ không phân loại theo nghề, rồi mình cho xuống khoa tâm thần khám theo đúng quy trình sau khi loại trừ bệnh lý thực thể.

Với sự ích kỉ như hiện nay, có lẽ chỉ trong ngành mới hiểu được sự vất vả và những khó khăn gặp phải. Ngành nào cũng thế chẳng riêng gì ngành mình. Gần đây các bài báo chỉ nhăm nhăm tìm cái xấu để bới móc chứ chưa bao giờ nhìn thấy những khó khăn của người khác. Bởi người ta nhìn ra cái xấu của người khác nhanh và hấp dẫn hơn cái tốt. Mình chỉ lấy ví dụ nho nhỏ, mỗi tháng 3.000 ca cấp cứu, tổng một năm có gần 35.000 ca bệnh mà chỉ cần có 1 ca tiên lượng không tốt là báo chí sẵn sàng nhảy vào mổ xẻ. Họ không cần biết đến hàng chục ngàn ca khác thế nào. Và mục đích chính chỉ cần câu khách.

Ngạn ngữ có câu "chó cứ sủa còn người cứ đi", nghề đã trở thành nghiệp ăn vào máu không thể bỏ được. Những ngày đi công tác, ăn ở an nhàn lại thấy nhớ không khí nháo nhào trên khoa. Cuối cùng, đâu là sự nhẫn tâm hãy để cho mỗi người tự cảm nhận lấy. http://news.zing.vn/Noi-nhoc-nhan-cua-bac-si-hoi-suc-cap-cuu-post612315.html

 

 

Đình chỉ lưu hành hàng loạt thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng

 

Thuốc Cefixime 50mg, viên nén Youngil Captopril và viên bao phim tan trong ruột Neo-Payrazon (Diclofenac Sodium 50mg) của các doanh nghiệp vừa bị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế thông báo đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Mới đây, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã thông báo đình chỉ lưu hành với nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, thuốc Cefixime 50mg, số lô 020515 HD: 140517, SĐK: VD-11622-10 do Công ty CP Dược phẩm Minh Dân sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Sản phẩm này bị đình chỉ lưu hành và trong 5 ngày, doanh nghiệp sản xuất ra loại thuốc này phải thông báo thu hồi trên toàn quốc.

Thuốc viên nén Youngil Captopril (Captopril 50mg), SĐK: VN-8978-09, số lô:1405, ngày SX 16/4/2014, HD 15/4/2017 do Công ty Young-il Pharm, Korea sản xuất, Công ty CP dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu. Sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Sản phẩm này bị đình chỉ lưu hành sau khi Trung tâm Kiểm nghiệm dược mỹ phẩm tỉnh Bình Phước lấy mẫu tại Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ dược phẩm Hoàng Long địa chỉ 73, 75 Điểu Ông, Phường Tân Bình, Đồng Xoài, Bình Phước mang đi kiểm nghiệm. Kết quả sản phẩm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng như công bố.

Sản phẩm viên bao phim tan trong ruột Neo-Payrazon (Diclofenac Sodium 50mg) số lô 502421, ngày SX 20/3/2015, HD 19/3/2017 do Công ty TNHH United International Pharma địa chỉ số 16 VSIP II đường số 7, KCN Việt Nam - Singapore II, tỉnh Bình Dương sản xuất. Thuốc này được kiểm nghiệm và phát hiện tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan trong môi trường đệm pH7,5 không đạt. http://vietq.vn/dinh-chi-luu-hanh-hang-loat-thuoc-khong-dat-tieu-chuan-chat-luong-d78478.html

 

 

Hàng nghìn bệnh nhân đang chờ nguồn tạng hiến

Con số hơn 1.400 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tại ngày hội "Chung tay vì sự sống" do Học viện Quân y phối hợp với Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức ngày 19-12, tại Học viện Quân y thực sự là một điều cao quý rất đáng ghi nhận. Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng - một kỹ thuật đặc biệt phức tạp, tuy nhiên, nguồn tạng khan hiếm vẫn là bài toán khó.

Nhiều lần được đưa tin về các hoạt động ghép tạng ở Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) có một trăn trở của các y bác sĩ mà chúng tôi ghi nhận được là: Trình độ chuyên môn của Bệnh viện Quân y 103 và một số bệnh viện lớn khác trên cả nước hoàn toàn có thể thực hiện được việc ghép tạng, tuy nhiên, nguồn tạng lại vô cùng khan hiếm. Việc cho, hiến tạng vẫn là điều rất khó ở nước ta. Một phần do tâm lý người Việt, một phần do chúng ta chưa tạo được thói quen tốt đẹp này. Ở Việt Nam đa số các ca ghép tạng là của người thân cho nhau.

Trong một lần trao đổi với Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y (khi đó Thiếu tướng Đỗ Quyết còn đang là Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103), ông cho biết: “Hiện ở nước ta có hàng nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng hiến để ghép. Chúng ta đủ điều kiện, khả năng để thực hiện ghép tạng nhưng chưa thể chủ động được nguồn tạng”

GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhấn mạnh, nếu có nguồn mô, tạng, hàng chục nghìn người sẽ được cứu sống mỗi năm. Có rất nhiều người bệnh đã không thể chờ đến ngày có tạng hiến để ghép vì người hiến tạng chết não rất ít.

 

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đã ghép được thận, gan, tim, giác mạc, ghép đa tạng (tụy-thận). Một số bệnh viện đang tiến hành nghiên cứu để có thể ghép được phổi cũng như nhiều thể loại tạng khác. Việc ghép được tạng tại Việt Nam không chỉ khẳng định trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ trong nước đã tiệm cận được với trình độ tiên tiến trên thế giới mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Người bệnh chỉ phải trả chi phí rẻ bằng 1/3 so với việc ra nước ngoài ghép tạng.

Ghép tạng là một kỹ thuật mới, một công nghệ cao và phức tạp. Trong thế kỷ XX, ghép tạng là 1 trong 10 thành tựu khoa học lớn của nhân loại. Mục đích của ghép tạng là để cứu sống người bệnh bị bệnh lý tạng giai đoạn cuối mà đã điều trị nhiều biện pháp không kết quả. Như vậy, đối với những bệnh nhân này, ghép tạng là biện pháp duy nhất và cuối cùng để điều trị và giúp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, trong đó đặc biệt nhất là chất lượng cuộc sống.

Thiếu tướng PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết: Để có được thành công của những ca ghép tạng đầu tiên tại Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 đã phải tiến hành nhiều đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước về ghép tạng. Trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu khoa học nói trên, việc ghép tạng thực nghiệm với hàng chục trường hợp ghép thận trên chó, hàng trăm trường hợp ghép gan và ghép tim trên lợn đã được triển khai nhằm nghiên cứu ứng dụng các mô hình ghép, giúp rèn luyện tay nghề cho các kíp ghép cũng như hoàn thiện công tác tổ chức ghép tạng... Ngoài tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học về ghép tạng, Bệnh viện và Học viện đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khoa học về ghép tạng với sự tham dự của các đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế; đã cử nhiều đoàn cán bộ khoa học sang học tập và tham quan về ghép tạng tại nhiều nước như Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ và nhiều nước khác; đồng thời có sự hợp tác của nhiều cơ sở y tế trong và ngoài nước. Hiện nay, bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật phức tạp này.

Trên thế giới, những nghiên cứu về ghép tạng đã được tiến hành lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XX, sau đó đã thực hiện thành công ghép thận (1954), ghép gan (1963), ghép tim (1967) và nhiều tạng khác. Đối với Việt Nam, ngày 4-6-1992 là dấu mốc quan trọng, khi đó Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép thận trên người đầu tiên tại Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. Người được ghép thận là quân nhân Vũ Mạnh Đoan, công tác tại Quân đoàn 3, bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, có chỉ định ghép thận. Người cho thận là anh Vũ Mạnh Toàn, 29 tuổi là em ruột của bệnh nhân.

Ngày 20-7-1993 trường hợp ghép thận đầu tiên do các thầy thuốc Việt Nam tự lực tiến hành thành công. Đó là bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, 33 tuổi ở Tuy Hòa, Phú Yên; người cho thận là chị ruột Lê Thị Như 40 tuổi. Đây là ca ghép thận thứ 7 của Bệnh viện Quân y 103 và là ca thứ 9 của Việt Nam. Bệnh nhân Nghiêm đến nay sau 22 năm ghép thận sức khỏe và chức năng thận ghép vẫn ổn định. Sau ghép thận, anh Nghiêm đã tốt nghiệp đại học, tham dự Festival những bệnh nhân ghép tạng tại Sydney, Australia (1997), ngoài ra hai vợ chồng đã sinh thêm 1 cháu bé nữa khỏe mạnh.

Từ đó đến nay, các bệnh viện trên cả nước đã thực hiện khoảng 1.500 ca ghép thận. Riêng tại Bệnh viện Quân y 103, ghép thận đã trở thành kỹ thuật thường quy, được thực hiện ở Bộ môn-Khoa, Ban giám đốc chỉ giám sát. Hiện nay bệnh viện có thể tiến hành cùng lúc 3 đến 4 cặp ghép thận. Năm 2015, bệnh viện đã tiến hành 34 ca ghép thận. Trong số các trung tâm trên cả nước đã ghép được thận hiện nay, rất nhiều trong số đó đã được Bệnh viện Quân y 103 chuyển giao kỹ thuật này, như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Bệnh viện 198 (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec…, mới đây nhất là Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

Một trong những thể ghép tạng rất phức tạp là ghép gan cũng đã được Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ngày 31-1-2004. Đây cũng là ca ghép gan trên người đầu tiên ở Việt Nam. Bệnh nhân được ghép gan là cháu Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, bị bệnh teo đường mật bẩm sinh, gan xơ, đã có biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và chảy máu tiêu hoá nhiều lần, nếu không được ghép gan sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Người cho gan là bố đẻ của cháu Diệp. Đây là ca phẫu thuật lớn tiến hành kéo dài gần 17 giờ liên tục (bắt đầu từ 8 giờ 30 phút ngày 31-1-2004, kết thúc 1 giờ sáng ngày 1-2-2004) với trên 100 giáo sư, bác sĩ tham gia.

Hiện nay ở nước ta đã có một số bệnh viện lớn thực hiện được kỹ thuật ghép gan, số bệnh nhân được ghép vẫn còn khá khiêm tốn với khoảng vài chục bệnh nhân. Cái khó nhất là không có nguồn tạng này để tiến hành ghép.

Ca ghép tim đầu tiên trên người ở Việt Nam cũng đã được Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ngày 17-6-2010. Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, quê ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ IV. Trái tim ghép cho anh Nam được lấy từ một bệnh nhân chết não, 29 tuổi. Mới đây nhất, ngày 1-3-2014, Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép tụy - thận đầu tiên từ người cho chết não. Bệnh nhân là anh Phạm Thái Huyên, công tác tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La, bị đái tháo đường tuýp 1, tụy không hoạt động, suy thận độ 2. Ca ghép tụy-thận được thực hiện kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ, huy động hơn 150 các y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia. Hiện nay, bệnh nhân Phạm Thái Huyên đã được ra viện.

 

Đến nay, ở nước ta đã có khoảng gần 20 bệnh viện tiến hành ghép thận, tiêu biểu là các bệnh viện: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng II, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Kiên Giang, Bệnh viện 198, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện 198 (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên... Chúng ta cũng đã có 4 trung tâm thực hiện ghép gan gồm: Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Việt Đức; 3 bệnh viện đã tiến hành ghép tim gồm: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức.

Trong những năm gần đây công tác ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Hy vọng rằng, với truyền thống tương thân tương ái, chung tay giúp sức của cả cộng đồng, nguồn tạng hiến sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Hàng nghìn bệnh nhân sẽ được cứu sống nhờ vào chính sự chia sẻ cao cả của cộng đồng. http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/hang-nghin-benh-nhan-dang-cho-nguon-tang-hien/393931.html

 

Bộ trưởng, thứ trưởng cũng khổ vì bệnh sán

Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên trưởng bộ môn ký sinh trường trường Đại học Y Hà Nội, người đầu tiên nghiên cứu về bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn nhầm tưởng với ung thư.

Giáo sư Nguyễn Văn Đề không thể nào quên được hình ảnh những người bệnh tưởng ung thư gan nhưng đến khi ông khám lại thì lại là sán lá gan lớn chứ không phải ung thư. Trong số hàng nghìn bệnh nhân lầm tưởng là bệnh ung thư, giáo sư Đề cho biết cách đây hơn chục năm, ông cũng từng điều trị cho vị Bộ trưởng tên K bị sán lá gan lớn.

Bệnh nhân đặc biệt này sau khi đi khám ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô phát hiện khối u lớn trong gan. Bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm cũng chẩn đoán là ung thư gan. Lúc này, gia đình và bản thân bệnh nhân cũng lo lắng. Trong buổi hội chẩn, bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã mời giáo sư Đề sang. Ông nhìn phim và trực tiếp đứng làm các xét nghiệm ký sinh trùng. Ông nhìn bệnh nhân cười lớn bảo “không phải ung thư đâu là ổ áp xe do sán lá gan lớn”.

Bệnh nhân cũng không tin nhưng sau đó bác sĩ Đề đã cho ông một đơn thuốc và chỉ một đơn thuốc vị bộ trưởng này đã khỏi, đến nay vẫn khỏe mạnh và ám ảnh ung thư đã không còn.

Sau khi điều trị cho vị bộ trưởng này xong, Giáo sư Đề cho biết vài tháng sau, một tổng giám đốc nữa cũng tìm đến ông với chẩn đoán ung thư gan ở bệnh viện 108. Lúc này, giáo sư Đề nhìn phim và cũng làm xét nghiệm Elisa và bằng kinh nghiệm của riêng mình, ông khẳng định đây không phải là bệnh ung thư mà bệnh giống của vị bộ trưởng kia. Cũng một đơn thuốc là bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Đến nay, ông giám đốc này đã lên thứ trưởng. Giáo sư Đề cho biết cách đây hơn mười năm điều trị sán lá gan lớn còn khó khăn. Lúc ấy, thuốc chỉ có bên Pháp và phải được bác sĩ Pháp viết đơn mới có thể mua được. Nhưng nay đã khác điều trị sán là gan lớn không còn khó khăn như trước nữa.

Theo giáo sư Đề, bệnh sán là gan lớn là do loài sán lá lớn Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica gây nên. Loài sán này chủ yếu ký sinh và gây bệnh ở động vật ăn cỏ như trâu, bò... và cũng gây ra bệnh ở người.

 

Tại Việt Nam, sán là gan lớn ở người và gia sức được thu thập tại Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Tp.HCM để đưa vào xác định loài. Loài sán được xác định bằng hình thái học và thẩm định bằng sinh học phân từ là Fasciola gigentica ở mức độ phân tử.

Sán là gan lớn có trưởng thành có hình giống chiếc lá, thân dẹ và bờ mỏng. Con sán có kích thước chiều dài khoảng 2 - 3 cm, chiều rộng khoảng 1 cm, màu trắng hồng hoặc xám đỏ, hấp khẩu miệng nhỏ, hấp khẩu bụng to. Ở người, sán ký sinh trong đường mật bất thường có thể ký sinh lạc chỗ như cơ bắp, dưới da, phúc mạc. Sán trưởng thành để trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán là gan lớn có kích thước lớn nhất trong các loài.

Sán thường tạo nên tổ chức viêm và xơ hóa, ký sinh trùng có thể canxi hóa hoặc trở thành mảnh vụ trong các hạt nhỏ. Sán là gan lớn ký sinh trong gan tạo nên những ổ áp xe nhỏ, làm sung huyết gan, ống mật dày lên biến dạng gây viêm và xơ hóa. Những hình ảnh này quan sát rõ trên siêu âm là những ổ âm hỗn hợp. Khi sán là gan lớn ký sinh ở các cơ quan khác trên cơ thể, chúng gây nên những ổ áp xe tại đó.

Yếu tốt nguy cơ trong dịch tễ học sán lá gan lớn, tập quán ăn sống rau thủy sinh hầu hết người dân đều có ăn sống rau thủy sinh tại các vùng nhiệt đới trong đó có việt nam. Một điều tra tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa năm 2002 cho thấy tỷ lệ ăn rau sống trong cộng đồng là 99%. Rau thủy sinh bị nhiễm ấu trùng sán là gan lớn nhiều loài ra thủy sinh đã phát hiện ấu trùng sán là gan lớn như rau ngổ, cải soong, rau cần, rau rút, rau răm, cải xanh.

Để phòng bệnh sán lá gan lớn, bác sĩ Đề cho biết người bệnh không nên ăn các loại rau thủy sinh sống và tái. Các loại sán đều chết ở nhiệt độ cao khi nấu chín vì thế nên ăn chín, uống sôi nhất là ở các tỉnh có vùng dịch tễ. http://infonet.vn/bo-truong-thu-truong-cung-kho-vi-benh-san-post186248.info

 

Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên

 

Vị thành niên, thanh niên là đối tượng được quan tâm hàng đầu đối với sự phát triển của xã hội. Bảo vệ quyền của vị thành niên, thanh niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, kỹ năng sống hiệu quả và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục toàn diện là hết sức cần thiết.

Kết quả điều tra gần đây cho thấy ở nước ta có hơn 1/3 thanh niên ở nhóm từ 16 - 24 tuổi chưa được đáp ứng về nhu cầu các phương tiện tránh thai; gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục trước hôn nhân; quan hệ tình dục không an toàn; nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên; lạm dụng các chất gây nghiện; dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS; mang thai ngoài ý muốn; phá thai không an toàn… trong độ tuổi thanh niên còn cao và có xu hướng trẻ hóa. Kết quả điều tra cũng nêu rõ, bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn; lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, khu vực. Tâm lý yêu thích, coi trọng con trai hơn con gái đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong khi đó, nước ta chưa có chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản riêng biệt cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên nhất là vị thành niên, thanh niên dễ bị tổn thương. Đồng thời, số liệu khảo sát, đánh giá về vị thành niên, thanh niên ít được cập nhật và chủ yếu mang tính quốc gia. Việc thực thi các chính sách hiện có, trong đó có chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với vị thành niên, thanh niên chưa đáp ứng kịp nhu cầu của lứa tuổi này.  

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên là do các em thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục; thiếu kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể gặp phải bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Thực tế hiện nay cho thấy, khi nói đến việc giáo dục giới tính thì các bậc phụ huynh còn e ngại và cho rằng việc đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Trong đó công tác giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục về phòng tránh thai, tình dục an toàn và lành mạnh cho đối tượng này còn hạn chế và bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế, giáo dục các cấp. Tuy trong chương trình giáo dục hiện nay có lồng ghép các bài giảng về giới tính nhưng thực sự chưa chuyên sâu, mặt khác giáo viên giảng dạy cũng chưa được đào tạo bài bản và còn e ngại khi đề cập đến các vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trong khi đó, sự tiếp cận các biện pháp tránh thai ở vị thành niên hạn chế và chưa dễ tiếp cận.

Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc trang bị cho các em những kiến thức khoa học về giới tính là điều cần thiết. Theo Phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Hảo, thời gian tới cần ưu tiên cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản kịp thời, phù hợp, chính xác cho vị thành niên, thanh niên và tận dụng lợi thế của các mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan, cung cấp dịch vụ thân thiện và cung ứng phương tiện tránh thai cho vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên dễ bị tổn thương; tăng cường phối hợp đa ngành triển khai, can thiệp các chương trình cho vị thành niên, thanh niên. Đồng thời, để cung cấp thông tin, truyền thông và dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương tiếp tục xây dựng các mô hình thân thiện, dễ tiếp cận; tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ cho vị thành niên, thanh niên; tận dụng và thu hút các sáng kiến của thanh niên trong việc cung cấp thông tin và dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục…

Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Thanh Hóa Lương Ngọc Trương cho rằng, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành giáo dục để triển khai các hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong nhà trường; tuyên truyền, tạo môi trường thuận lợi để các em tiếp cận đầy đủ thông tin. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho các hội viên của mình. Tăng cường hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua tư vấn tại trung tâm; sản xuất tài liệu, giới thiệu các dịch vụ.

Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, thì gia đình và xã hội cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Gia đình và xã hội hãy thông cảm, chia sẻ, tôn trọng, ứng xử đúng với vị thành niên, thanh niên; hướng dẫn các em trong mối quan hệ xã hội; cung cấp, hỗ trợ để các em tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản. Trang bị kỹ năng sống cũng như cách bảo vệ sức khỏe sinh sản; tạo cơ hội để các em có thể tìm hiểu những kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như tiếp cận đến những dịch vụ tin cậy, an toàn. http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=364363

 

Trao quyền sự sống

Sống để yêu thương và ra đi cũng làm những điều tốt đẹp. Đó là điều mà Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thế người Nguyễn Hoàng Phúc đã chia sẻ tại ngày hội Chung tay vì sự sống 2015 được tổ chức mới đây.

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thế người, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi… Đi kèm theo đó, không chỉ là gáng nặng cho từng đó gia đình, người thân của những người bệnh đang sống trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tật bệnh… mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng, xã hội và ngành y tế phải nỗ lực ưu tiên chăm sóc, cứu chữa người bệnh.

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết nào hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Hiến tặng mô tạng chính là món quà vô giá, là cơ hội mang lại sự sống cuối cùng cho người bệnh.

Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Trịnh Hồng Sơn cho biết, mặc dù thời gian qua, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều người. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, với khoảng hơn 1.000 ca ghép thận, hơn 30 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, hơn 1.000 ca ghép giác mạc, trong khi đó, nhu cầu người bệnh chờ được ghép là rất lớn.

Chính vì những ý nghĩa cao cả của việc đăng ký hiến mô, tạng, ngày 26.10.2015, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô tạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người 2015, với hy vọng sẽ có nhiều món quà hồi sinh cuộc sống cho người bệnh hơn nữa.

 “Ngày hội Chung tay vì sự sống 2015 đã có hơn 1.400 đơn đăng ký hiến tạng. Đây là một ngày hội đặc biệt, truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người trước hết là sinh viên ngành y hãy đăng ký hiến mô tạng. Sống để hiến tặng, nếu không may ra đi thì cũng có thể giúp ích cho nhiều người. Đây là kỷ lục về tình yêu thương lòng nhân ái của những trái tim tình nguyện.” Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.

Tuy nhiên, có một thực tế là từ trước đến nay, tại Việt Nam, quan niệm về cái chết toàn thây vẫn còn là một rào cản rất lớn đối với không ít người. Chia sẻ tại Ngày hội Chung tay vì sự sống 2015, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, theo Bồ Tát, khi con người mất đi sẽ không còn toàn thây. Chỉ trong vòng 24 giờ, xác thịt sẽ phân hủy, tiêu tan. Và Bồ Tát cũng dạy rằng, kể cả chết rồi, còn làm gì giúp cho con người hay con vật thì vẫn nên làm. Đây là việc sẽ hồi sinh cho cả một con người thì càng nên làm.

Cũng chia sẻ về những rào cản này, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, trên thực tế cũng có rất nhiều người mong muốn hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý chính vì vậy mong muốn hiến tạng của họ không được trọn vẹn. Mặc dù trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộp phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ, người từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự có quyền đăng ký hiến tặng mô tạng, cả trong quy định của Pháp luật cũng như trong mẫu đơn Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể cũng không bắt buộc có ý kiến của gia đình nhưng nếu không có sự đồng ý của gia đình thì các cơ sở y tế cũng không nhận vì đây là vấn đề đạo đức.

Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc hy vọng, trong tương lai gần sẽ dấy lên một phong trào tận hiến, đó là hiến tặng tất cả những gì có thể cho cuộc đời ngay khi ra đi, đó là sống ý nghĩa và chết có ý nghĩa. http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=364375

 

Bộ Y tế đã tổ chức “Giải thể thao Công đoàn Bộ Y tế mở rộng năm 2015”.

Ngày 19/12/2015, Bộ Y tế đã tổ chức “Giải thể thao Công đoàn Bộ Y tế mở rộng năm 2015”. Tham gia Hội thi có các vận động viên đến từ các đơn vị Bộ Nội Vụ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các đơn vị thuộc Bộ Y tế

Hội thi được tổ chức với các môn thi đấu như: bóng bàn, tennis, cầu lông,…với hàng trăm vận động viên trong độ tuổi từ 25 đến 55. Hội thi đã diễn ra với không khí rất sôi động và náo nhiệt. Để góp phần mang lại thành công cho Hội thi, Cục An toàn thực phẩm tham gia các môn thi tennis và cầu lông. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa không chỉ về mặt tinh thần cho các cán bộ, nhân viên của Bộ Y tế cũng như các đơn vị mà còn là nơi các đơn vị, các vận động viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Chúc cho các vận động viên thi đấu tốt và Hội thi thành công tốt đẹp./. http://vfa.gov.vn/tin-tuc/bo-y-te-da-to-chuc-giai-the-thao-cong-doan-bo-y-te-mo-rong-nam-2015-2854.vfa

http://suckhoedoisong.vn/300-van-dong-vien-tham-gia-giai-the-thao-cong-doan-bo-y-te-mo-rong-nam-2015--n109916.html

http://vovgiaothong.vn/van-hoa/khai-mac-giai-the-thao-cong-doan-bo-y-te-mo-rong-2015-/184782

 

Phẫu thuật thành công: 30 polyp đường tiêu hóa ở bệnh nhi 10 tuổi

 “Thấy con cứ sụt cân mà không rõ nguyên nhân, đưa con đi khám ở rất nhiều nơi mà không ra bệnh, gia đình tôi vô cùng hoang mang, lo lắng.

“Thấy con cứ sụt cân mà không rõ nguyên nhân, đưa con đi khám ở rất nhiều nơi  mà không ra bệnh, gia đình tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Khi đến Bạch Mai, được các bác sĩ thăm khám tận tình, tìm ra bệnh cho con gái, lại cho cháu tiền để chữa bệnh, chúng tôi vui lắm và không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai”.

Đó là lời tâm sự vô cùng chân thành, mộc mạc của chị N.T.M., là mẹ của cháu B.T.L.Ph. (10 tuổi, ở Yên Hòa, Yên Mô, Ninh Bình) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo lời chị N.T.M., khoảng 1 năm trước, cháu Ph. bắt đầu xuất hiện triệu chứng chán ăn, hay bị đau bụng âm ỉ và sút cân không rõ nguyên nhân. Lúc đó, cháu Ph. đang học lớp 4 Trường tiểu học Yên Hòa, Yên Mô, Ninh Bình. Sốt ruột, bố mẹ đã cho con đi khám khắp nơi mà không tìm ra bệnh. Từ một cô bé phổng phao, cân nặng 37kg, đến nay cháu chỉ còn 24kg, xanh xao và ốm yếu.

Bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho cháu Ph. cho chúng tôi biết: Qua nội soi đại trực tràng, chúng tôi phát hiện cháu Ph. bị polyp hồi tràng và đa polyp đại trực tràng. Nội soi đại tràng cho thấy hồi tràng có polyp kích thước 0,6cm. Dọc đại trực tràng có nhiều polyp cuống to kích thước 0,5 - 3cm. Đây là một trường hợp tương đối đặc biệt. Bệnh nhân có nhiều polyp to nên khó thực hiện và chi phí tốn kém, gia đình cháu lại rất khó khăn. Tuy nhiên, để kịp thời cứu chữa cho cháu, các bác sĩ đã tích cực tìm nguồn tài trợ và tiến hành cắt các polyp qua nội soi.

Nếu không xử lý kịp thời, các polyp sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến cháu bé ngày càng còi cọc, sụt cân và không thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Hơn nữa, nếu để lâu sẽ dẫn đến các nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa kiểu tiêu chảy, chảy máu tiêu hóa, thậm chí có thể bị ung thư hóa. Bệnh nhân có nhiều polyp cuống to nên sợ nhất là vấn đề cầm máu trong khi làm thủ thuật. Các bác sĩ đã phải dùng 06 kẹp clip và 02 thòng lọng endoloop để cầm máu cho bệnh nhân.

Ngồi chăm con bên giường bệnh, chị M. vẫn chưa hết vui mừng khi ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi của các bác sĩ và gia đình: 30 chiếc polyp đã được cắt bỏ khỏi hồi tràng và trực tràng của bệnh nhân. Tình hình sức khỏe của cháu đã ổn định và đang hồi phục tốt. Chỉ cần theo dõi thêm một vài ngày nữa là cháu Ph. sẽ được xuất viện, trở về với mái nhà thân yêu và trường học cùng thầy cô và các bạn. Trong câu chuyện của chị, chúng tôi thấy toát lên là niềm cảm kích và biết ơn đối với các y bác sĩ của Khoa Thăm dò chức năng nói riêng và Bệnh viện Bạch Mai nói chung - những người đã mang lại mạng sống cho con gái chị lần thứ hai. http://suckhoedoisong.vn/phau-thuat-thanh-cong-30-polyp-duong-tieu-hoa-o-benh-nhi-10-tuoi-n109943.html

 

Đình chỉ lưu hành, thu hồi hai sản phẩm mỹ phẩm dưỡng tóc

 

Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi do Cục Quản lý Dược đưa ra do là mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tên sản phẩm, công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc hai sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, sản phẩm bị thu hồi là tinh dầu dưỡng tóc với tên: Nioxin Scalp Renew Density Protection và Wella Professionals Enrich Moisturizing Conditioner For Dry And Damaged Hair (Normal/Thick).

Hai sản phẩm này do Công ty cổ phần tập đoàn Phú Thái, địa chỉ: Phòng 1801, Tòa nhà Văn phòng Trung Tâm Hà Nội, 44B Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội phân phối.

Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi do Cục Quản lý Dược đưa ra do là mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tên sản phẩm, công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.

Trước đó không lâu, cũng vì mỹ phẩm lưu thông có công thức ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố nên Cục Quản lý Dược- Bộ Y cũng đã gửi các văn bản đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với một số sản phẩm mỹ phẩm.

Đó là  sản phẩm mỹ phẩm Toothpaste Siberian proplis Natural oral care- Số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược cấp 81866/13/CBMP- QLD ngày 22/12/2013 do Công ty Organic Pharmaceuticals LLC- Liên bang Nga sản xuất; Công ty TNHH Siberian Health Việt Nam (Số 6, lô 2 A, phố Vũ  Phạm Hàm, tổ 62, phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). 7 sản phẩm mỹ phẩm do công ty

Được biết, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo quốc gia chống hàng giả, gian lận thương mại (389), Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu hồi, cấm lưu hành hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng, có hại cho sức khỏe người sử dụng. http://suckhoedoisong.vn/dinh-chi-luu-hanh-thu-hoi-hai-san-pham-my-pham-duong-toc-n109918.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang