Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 21/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế họp khẩn bàn biện pháp chống dịch cúm gia cầm lớn nhất từ 2013; Lai Châu: Thêm một trường hợp tử vong nghi ngộ độc rượu; Quảng Ngãi khẩn trương khoanh vùng dập dịch cúm A/H5N6

Bộ Y tế họp khẩn bàn biện pháp chống dịch cúm gia cầm lớn nhất từ 2013

http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-y-te-hop-khan-ban-bien-phap-chong-dich-cum-gia-cam-lon-nhat-tu-2013/718809.antd

http://www.baohaiquan.vn/pages/hop-khan-ung-pho-voi-cum-gia-cam.aspx

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32112902-bo-y-te-hop-khan-ban-phuong-an-doi-pho-dich-cum-a-h7n9.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-doi-mat-voi-2-dich-cum-chet-nguoi-20170220193737546.htm

Chiều 20-2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC) – Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9, trước diễn biến dịch đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc.

Báo cáo tình hình dịch cúm A/H7 N9 đang lây lan rộng tại Trung Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh đây là đợt dịch thứ năm (đợt dịch đầu tiên ghi nhận năm 2013) của dịch cúm A/H7N9 và cũng là đợt dịch lớn nhất nhất từ trước đến nay.

Chỉ tính từ tháng 10-2016 tới 19-2-2017, tổng số đã có 425 trường hợp mắc được ghi nhận (nhiều nhất so với 4 đợt dịch trước đó) và hiện số mắc vẫn đang gia tăng rất nhanh, địa bàn có dịch đang lan rộng.

Tuy so với 4 đợt dịch trước đó (tổng số 775 ca mắc), tỷ lệ tử vong do mắc cúm A/H7N9 ở đợt dịch thứ 5 này thấp hơn, là 29% so với 40,8%, song chưa thể nhận định trước điều gì với diễn biến dịch đang phức tạp như hiện tại. Trên 90% bệnh nhân mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó 35% là người làm nông nghiệp, 10% làm nội trợ.

Ở Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm A/H7N9, A/H5N8, A/H5N1 trên người song vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1, H5N6 trên gia cầm. Riêng cúm A/H5N1, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại 3 xã ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An và Nam Định. Đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đều nhận định nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam thời điểm này là hoàn toàn có thể.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt câu hỏi: Mầm bệnh cúm A/H7N9 ở đợt dịch này không có sự thay đổi, vậy tại sao tốc độ gia tăng dịch ở Trung Quốc lại nhanh như vậy? Công tác phòng chống dịch ở nước ta đã đáp ứng đủ yêu cầu chưa? Làm sao để phát hiện sớm được những trường hợp mắc cúm gia cầm trên người ở Việt Nam trong thời gian tới nếu có?

Ngoài các giải pháp đã chỉ đạo trong mấy ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương ngay sau cuộc họp này phải mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

“Tới đây, ngành y tế sẽ tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực biên giới với Trung Quốc. Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối…” - ông Long yêu cầu.

 

Lai Châu: Thêm một trường hợp tử vong nghi ngộ độc rượu

http://baotintuc.vn/xa-hoi/lai-chau-them-mot-truong-hop-tu-vong-nghi-ngo-doc-ruou-20170220121609449.htm

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-ngo-doc-o-lai-chau-them-nan-nhan-thu-9-tu-vong-sau-nhieu-ngay-dieu-tri-tich-cuc-20170220150254058.htm

http://khampha.vn/suc-khoe/8-nguoi-tu-vong-bat-thuong-o-dam-ma-them-1-nguoi-chet-du-khong-uong-ruou-c11a500162.html

Trong khi số nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang dần được kiểm soát thì tối 19/2, lại có thêm một nạn nhân tử vong sau nhiều ngày được cấp cứu.

Nạn nhân mới tử vong là ông Chẻo Sìn Hào, 51 tuổi, dân tộc Dao, ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ. 

Trước đó, khi biết thông tin đã có một số người chết sau khi ăn uống tại đám tang ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, khoảng 7 - 8 người dân ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (cách xã Ma Ly Chải khoảng 10 km), trong đó có ông Hào đã bỏ trốn lên lán nương vì cho rằng ở địa phương đã có dịch bệnh. Theo người nhà nạn nhân, khi đi nhóm của ông Hào có mang theo can rượu trước đó được mua tại khu vực chợ Sì Lở Lầu để uống. 

Ông Chẻo Sìn Hào được người thân phát hiện và đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu vào ngày 16/2 trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn to. Sau khi được cấp cứu ban đầu, ông Hào được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và các bác sỹ giỏi của bệnh viện Bạch Mai tiến hành lọc máu, chạy thận, truyền dịch giải độc theo phác đồ điều trị ngộ độc mathanol. Tuy nhiên, do lượng độc tố trong người quá lớn, nên sau 5 ngày được điều trị ở chế độ đặc biệt, nạn nhân đã tử vong. 

Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, đây là nạn nhân duy nhất ngộ độc và tử vong đến thời điểm này không ăn uống ở đám tang, nhưng có sử dụng nguồn rượu mua tại khu vực chợ Sì Lở Lầu. Hiện số người có triệu chứng liên quan đến ngộ độc rượu trong và ngoài đám tang là 126 người, xuất hiện ở 5 xã, trong đó có 9 người tử vong. 

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thu giữ, tiêu hủy và vận động nhân dân tiêu hủy gần 4.800 lít rượu không rõ nguồn gốc tại 8 xã trên địa bàn huyện Phong Thổ, trong đó người dân tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương gần 1.000 lít. 

Ngoài ra, chính quyền huyện Phong Thổ cũng khẳng định là trên địa bàn không có dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền người dân sớm ổn định cuộc sống, giao nộp rượu không có nguồn gốc xuất xứ. 

Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể tại bản Tả Chải, hiện nay đã có một số nạn nhân xuất viện trở về địa phương, lao động sản xuất bình thường. Còn 1 bệnh nhân nặng là ông Chang A Hờ, 67 tuổi, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải đang được chạy thận, lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Theo các bác sĩ ở đây, ngoài ngộ độc ông Hờ còn mắc các triệu chứng bệnh về phế quản, tai biến, nên có thể không nên có thể không qua khỏi.

 

Quảng Ngãi khẩn trương khoanh vùng dập dịch cúm A/H5N6

http://baotintuc.vn/xa-hoi/quang-ngai-khan-truong-khoanh-vung-dap-dich-cum-ah5n6-20170220162409691.htm

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32111902-ngan-chan-dich-cum-gia-cam-h5n6-o-quang-ngai.html

Liên tục từ ngày 9 - 20/2, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện và tiêu hủy 4 ổ dịch cúm gia cầm cúm A/H5N6 tại 3 địa phương là thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và huyện Đức Phổ.

Vì vậy, việc khoanh vùng, khử trùng, tiêu độc tích cực dập dịch đang được thực hiện, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch và tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh của gia đình anh Nguyễn Cao Tuấn, thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi, cán bộ y tế thành phố Quảng Ngãi đã tiến hành rắc vôi, phun hóa chất bảo vệ môi trường trong vùng dịch. Ngoài các ngành chức năng, các hộ dân khu vực xung quanh cũng đã tự mua thuốc về phun thêm để khử trùng môi trường. 

Chị Lê Thị Kim Nương, ở thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, có trang trại khoảng 3.500 con gà nằm sát ổ dịch của 2 hộ vừa bị tiêu hủy, cho hay khi biết gia cầm của trang trại bên cạnh bị nhiễm cúm A/H5N6, chị đã liên tục phun thuốc khử trùng để đàn gà của mình không bị lây bệnh. Cũng chỉ mong tai qua nạn khỏi, chứ số gà vịt là toàn bộ tài sản của gia đình.

Bên cạnh việc cấp phát thuốc khử trùng khẩn cấp, ngành chức năng cũng tổ chức phun xử lý toàn bộ khu vực chăn nuôi có vi rút cúm gia cầm cũng như nhiều khu dân cư lân cận. Ông Trần Dương, Phó Ban chỉ huy Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố Quảng Ngãi, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang triển khai tiêm vắc xin cho các trang trại trong vùng dịch tại thành phố Quảng Ngãi. Toàn bộ những hộ chăn nuôi gia cầm trong vùng dịch đã được cấp phát thuốc khử trùng Cloramin B và được hướng dẫn sử dụng cụ thể”. 

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trong sáng ngày 20/2, chúng tôi vừa phát hiện thêm ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn. Do đó, việc khoanh vùng dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng đang được tích cực triển khai. 

Cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, khi phát hiện gia cầm chết bất thường thì gửi mẫu xét nghiệm, nếu đúng là cúm thì tiêu hủy toàn bộ số gia cầm theo đúng quy định; tiến hành tiêm phòng toàn bộ gia cầm quanh địa bàn phát hiện dịch, hiện nay đang tiến hành tiêm 86.000 liều văc xin; kiểm soát các điểm giết mổ gia súc gia cầm; hạn chế việc mua bán, vận chuyển gia cầm vùng dịch tới các địa phương khác”. 

Ngành chức năng Tỉnh Quảng Ngãi cũng tăng cường kiểm tra, rà soát đàn gia cầm để hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch. Ngoài ra, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng quanh khu vực phát hiện dịch bệnh nhằm phòng chống ổ dịch lây lan ra diện rộng.

 

Ổ dịch cúm gia cầm lớn nhất thế giới ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập Việt Nam

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/o-dich-cum-gia-cam-lon-nhat-the-gioi-o-trung-quoc-co-nguy-co-xam-nhap-viet-nam-639972.bld

Chiều nay (20.2), Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn về phòng chống dịch bệnh cúm A H7N9.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đề cập đến những diễn biến phức tạp của cúm A H7N9, đặc biệt là hai nước có đường biên giới chung với nước ta là Campuchia, Trung Quốc và nguy cơ bùng phát tại Việt Nam như thế nào.

Theo ghi nhận thực trạng diễn biến bệnh dịch, Trung Quốc hiện nay được xem là ổ dịch lớn nhất thế giới và đã có gần 200 ca tử vong, tập trung ở 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đặc biệt hai tỉnh này tiếp giáp Việt Nam. “Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận cúm A H7N9”, Thứ trưởng Long cho hay.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng nêu ra những vấn đề đáng ngại mà chúng ta phải đối mặt chính là virus cúm A H7N9 không biểu hiện rõ trên gia cầm. Gà, vịt khoẻ mạnh nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm virus.

Cũng tại cuộc họp này, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục thú y - Bộ NN&PTNT cho biết, ngay trong sáng nay, cơ quan chức năng đã phát hiện một ổ dịch H5N1 tại 3 hộ dân xã Trực Thuận, Trực Ninh, Nam Định, buộc tiêu huỷ hơn 4.600 con vịt. Ngoài ra còn 2 ổ dịch H5N1 tại huyện Phú Đông, tỉnh Bạc Liêu và 1 ổ tại Diễn Châu, Nghệ An.

Cũng trong thời gian này, đã ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Trước nguy cơn dịch bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường kiểm soát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để các ổ dịch nếu có, đồng thời chia sẻ thông tin với các sở y tế.

Các ngành công thương, nông nghiệp phát triển nông thôn, công an, bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép.

Đặc biệt, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế và cộng đồng.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y, chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

Ngoài ra, các cơ quan thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây sang người, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế…

 

Ăn 80 ngàn tấn gà Trung Quốc thải loại: Ám ảnh dịch bệnh

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/an-80-ngan-tan-ga-trung-quoc-thai-loai-am-anh-dich-benh-357386.html

Dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại 13 tỉnh của Trung Quốc. Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam nhập 70 - 80 ngàn tấn gà thải loại từ nước này. Nhiều người lo lắng gà cúm từ Trung Quốc sẽ tuồn vào Việt Nam qua con đường nhập lậu nếu không được kiểm soát chặt.

Gà thải loại Trung Quốc: Ăn 70-80 ngàn tấn/năm

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi công văn khẩn tới UBND 63 tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Bởi, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố (Vân Nam, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô,... ) với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), gấp 4 lần so với cùng kỳ những năm trước.

Trước thông tin trên, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều tỏ ra lo lắng gà cúm, gà bệnh từ Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam bằng các con đường khác nhau, sau đó tìm mọi cách tuồn ra chợ, trà trộn vào các loại gà khác bán cho người tiêu dùng. 

Hiện nay, gà Trung Quốc và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, gà Trung Quốc và các sản phẩm gia cầm vẫn tìm mọi cách để có thể nhập lậu vào Việt Nam. Bởi, theo các chuyên gia trong ngành, việc buôn bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc có mức lợi nhuận ngang với việc buôn bán ma túy.

Đơn cử vào thời điểm cuối tháng 11/2016, tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đội Quản lý thị trường huyện Hoành Bồ bắt giữ và tổ chức tiêu hủy hơn 1,6 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường tuồn vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ.

Hay những ngày đầu năm nay, tại Hải Phương cũng đã phát hiện, bắt giữ gần 40.000 quả trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc.

Trước đó, vào năm 2012-2013 - thời kỳ gà lậu tung hoành ở Việt Nam, dân buôn không chỉ thuê người cõng gà, thuê xe máy chở gà qua những con đường mòn về nội địa mà nhiều trường hợp còn chở gà lậu bằng xe Mercedes, xe Toyota Camry hay giấu dưới gầm xe khách chất lượng cao,...

Trong khi đó, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam hiện đã giảm nhưng vẫn chưa bịt được dứt điểm.

Theo ông Khanh, có 3 loại gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc thường xuyên nhập lậu về Việt Nam qua các tỉnh biên giới là gà thải loại, gà giống, nội tạng. 

Riêng với gà thải loại, dù không có con số chính xác nhưng lượng gà thải nhập lậu về Việt Nam mỗi năm cũng ước đạt khoảng 70-80 ngàn tấn.

Cần siết chặt đường biên

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gia cầm tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang giảm mạnh. Đơn cử, giá gà lông trắng xuất chuồng hiện chỉ ở mức 16.000-17.000 đồng/kg, gà lông màu giá 25.000 đồng/kg.

“Giá gà giảm mạnh vào thời điểm này là quy luật chung của thị trường hàng năm,  vì vào tháng Giêng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt gà ít hơn nên giá giảm”. Song, ông Ngọc cũng cho hay, đó chỉ là một phần nguyên nhân, phần nguyên nhân khác khiến giá gà giảm là do gà đông lạnh nhập từ các nước lại tràn ngập thị trường và đang được ưa chuộng do giá rất rẻ.

Thời điểm hiện tại này, một số doanh nghiệp nước ngoài đang chào bán sản phẩm gà công nghiệp với giá chỉ 13.000 đồng/kg. Theo ông Ngọc, giá cả thường tương đồng với chất lượng thịt, theo đó, gà giá rẻ sẽ có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn so với thịt gà giá đắt.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, tuy nước ta kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nhất là đối với các sản phẩm gia cầm nhập, song, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở các nước láng giềng có cùng biên giới với Việt Nam, nhất là dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc nên cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt các tỉnh biên giới, tránh trường hợp gia cầm nhập lậu mang bệnh cúm tuồn vào Việt Nam làm lây bệnh ra đàn gia cầm trong nước.

Ông Trần Duy Khanh cũng lo lắng, Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9, trong khi gà lậu vẫn âm thầm về Việt Nam mà không được kiểm soát chặt về vấn đề dịch bệnh.

Dân buôn họ chỉ buôn gà để kiếm lợi cao, không thể biết được đàn gà nào bệnh đàn gà nào không. Nếu không kiểm soát chặt gà lậu tại biên giới thì nguy cơ lây cúm từ Trung Quốc qua con đường nhập lậu là rất cao.

Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định Bộ kiên quyết phối hợp với các bộ, ngành nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới giáp với Trung Quốc.

Đặc biệt, các cư dân biên giới không được tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu để tuồn vào tiêu thụ trong nước.

Bộ NN-PTNT đang cùng hải quan, quản lý thị trường, công an,... tại các tỉnh biên giới kiểm soát chặt đến từng thôn, bản, khu vực tập kết buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm và các sản phẩm gia cầm để phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

 

An Giang xuất 2 triệu liều vắcxin phòng cúm gia cầm H5N1

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170220/an-giang-xuat-2-trieu-lieu-vacxin-phong-cum-gia-cam-h5n1/1267798.html

UBND tỉnh An Giang vừa xuất trên 2 triệu liều vắc xin cúm gia cầm H5N1 từ nguồn dự phòng với tổng số tiền trên 700 triệu đồng để tiêm miễn phí khẩn cấp cho đàn gia cầm tại khu vực nguy cơ cao, xã giáp ranh biên giới Campuchia.

Ngày 20-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tiến Hiệp, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, cho biết dự kiến đến ngày 25-2 tới sẽ tiêm phòng hết đợt 1.

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện có trên 3,3 triệu con gia cầm nhưng tỉnh mới xuất trên 2 triệu liều vắc xin. “Chúng tôi đã kiến nghị xin tỉnh thêm kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng cho số gia cầm còn lại”, ông Hiệp nói.

Trước đó, ngày 7-2, đàn vịt trời 809 con do ông Võ Thành Long, ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân nuôi cùng đàn bồ câu để bán, nhưng có gần 300 con có triệu chứng bệnh lạ và sau đó có 238 con chết.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính cúm gia cầm H5N1, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Phú Tân và chủ hộ đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm còn lại,đồng thời thực hiện tiêu độc toàn bộ cơ sở nuôi.

Theo ông Huỳnh Phước Tường - trưởng Trạm thú y huyện Phú Tân, huyện cũng vừa hoàn tất việc phun xịt thuốc khử trùng và tiêm phòng vắc xin dịch cúm gia cầm H5N1 cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện.

“Đến thời điểm này huyện đã tiêm phòng xong 160.000 con gia cầm. Rất may là trong thời điểm này huyện chưa thu hoạch lúa, nếp nên không có tình trạng vịt chạy đồng ”, ông Tường nói.

 

Lo dịch ho gà ở trẻ em

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170220/lo-dich-ho-ga-o-tre-em/1267627.html

Trong gần 2 tháng đầu năm 2017, số trẻ mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi trung ương điều trị cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2016. Điều đáng lo là nhiều bé ở độ tuổi sơ sinh.

Lo dịch ho gà ở trẻ em

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, đa số các cháu mắc ho gà năm nay từ 1 tháng đến 3,5 tháng tuổi, thuộc nhóm chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi, trong khi trẻ dưới 6 tháng mắc ho gà thường có nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Gia đình chị Lê Thị N. ở Hà Nội có con nhỏ hơn 2 tháng tuổi mắc ho gà từ sau Tết Nguyên đán vừa qua vào điều trị tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư. Theo chị N., con chị thuộc nhóm có biến chứng, bệnh biến chuyển rất nhanh, chỉ sau vài ngày có ho đã biến chứng viêm phổi và cháu phải điều trị trong phòng cách ly 3 ngày.

“Ngày đầu tiên cháu ho rất ít, gia đình cứ nghĩ là ho thông thường do thời tiết, nhưng hôm sau thì ho tăng dần và sau đó nữa thì cháu ho rất nhiều, có lúc tím cả người. Vì cháu còn nhỏ nên chúng tôi rất lo lắng” - chị N. cho biết.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm - trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, con chị N. là một trong số 38 trẻ ho gà đã vào bệnh viện trong thời gian chưa đầy 2 tháng đầu năm 2017 (ngoài khoa truyền nhiễm, các cháu mắc ho gà thể nặng được điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu). Hai tháng đầu năm 2016 chỉ có 12 ca mắc ho gà vào viện.

Ông Lâm cũng lưu ý bệnh nhi mắc ho gà vào khoa này phần lớn đều chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.

“Những năm trước đây chúng tôi chỉ tiếp nhận vài chục ca mắc ho gà mỗi năm, nhưng năm 2016 riêng Bệnh viện Nhi T.Ư đã có trên 300 bệnh nhi ho gà nhập viện. Đây đều là các cháu bị nặng hoặc có biến chứng” - ông Lâm cho biết.

Theo ông Trần Minh Điển, ho gà vẫn là bệnh lưu hành ở VN và khi môi trường có mầm bệnh, trẻ chưa có miễn dịch thì có khả năng mắc bệnh, nhất là so với các bệnh khác thì kháng thể truyền từ mẹ sang con để bảo vệ khỏi bệnh ho gà có yếu hơn.

Mẹ, con nên tiêm chủng

Trong trường hợp trẻ có ho và các dấu hiệu như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được khám và điều trị, nhiều gia đình khi thấy trẻ ho lại cho uống một vài loại xirô hoặc lá cây mà chưa cho trẻ đến cơ sở y tế ngay nên đã làm trẻ chậm được khám và can thiệp - ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết một trong những lý do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc ho gà là do kháng thể truyền từ mẹ sang con yếu. Bà Hồng khuyến cáo phụ nữ có thai cũng có thể tiêm ngừa bệnh ho gà để có kháng thể phòng bệnh cho con ở giai đoạn sơ sinh.

Tại Hà Nam, nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có nghiên cứu tiêm ngừa cho 50 phụ nữ mang thai 20-32 tuần bằng văcxin phối hợp có thành phần ngừa ho gà (cùng với thành phần ngừa uốn ván và bạch hầu), thay vì chỉ tiêm ngừa uốn ván như thông thường.

Hiệu quả cho thấy kháng thể ngừa ho gà cho bà mẹ và bé sơ sinh ở nhóm được tiêm ngừa cao hơn 6 lần nhóm không được tiêm ngừa. Nhóm nghiên cứu cũng đã theo dõi sau tiêm và không ghi nhận phản ứng có hại ở nhóm thai phụ được tiêm chủng bằng văcxin phối hợp.

Ở trẻ em, hiện lịch tiêm chủng của Bộ Y tế quy định tiêm văcxin có thành phần ngừa ho gà mũi đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi. Theo ông Lâm, nếu trẻ được tiêm đủ 3 mũi thì có khả năng bảo vệ trên 90% các cháu, số còn lại nếu có mắc bệnh thì biểu hiện cũng sẽ nhẹ hơn.

Trước năm 2015 ít người nghĩ rằng VN vẫn có người bệnh ho gà, nhưng từ năm 2015 trở lại đây ho gà có gia tăng, ngoài Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có 11 tỉnh thành khác có người bệnh ho gà trong gần 2 tháng đầu năm 2017.

Ngoài ra, còn có người bệnh ở một số tỉnh phía Nam. Phòng bệnh bằng tiêm văcxin đúng lịch cho trẻ và có thể là cho cả mẹ để phòng căn bệnh này.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, so với các chứng ho khác thì ho gà có một số đặc trưng là trẻ ho theo cơn, có thể kèm theo thở khò khè, thậm chí trẻ có thể tím, lịm đi hoặc có cơn ngừng thở, sau khi ho trẻ có nôn (ói) ra đờm trắng, dính nhưng sau cơn ho trông trẻ có vẻ bình thường.

Tuy nhiên ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì bệnh có thể biến chuyển nhanh và dễ có biến chứng, như trẻ có thể viêm phổi sau ho gà.

 

Hà Nội: Nhiều thanh niên lo “sốt vó” khi bị virus tấn công tinh hoàn

http://khampha.vn/suc-khoe/ha-noi-nhieu-thanh-nien-lo-sot-vo-khi-bi-virus-tan-cong-tinh-hoan-c11a500163.html

Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, quai bị (do virus paramyxovirus gây nên) có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, vô sinh...

Nhiều trường hợp mắc quai bị gây biến chứng

Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện E Trung ương cho thấy, từ đầu mùa Đông Xuân tới nay nhiều căn bệnh truyền nhiễm có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong thời gian qua liên tục ghi nhận những trường hợp mắc bệnh quai bị, thậm chí đã có trường hợp bị biến chứng viêm tinh hoàn, tăng men tụy...

Điển hình như trường hợp bệnh nhân T.V.A (28 tuổi, ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau góc hàm 2 bên, tinh hoàn bên trái sưng đau. Các bác sĩ ở khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E tiến hành khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, xác định bệnh nhân A bị quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn bên trái.

Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện dịch trong màng tinh hoàn, tinh hoàn bên trái có kích thước to hơn bình thường. Được biết, 5 ngày trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với một người bạn mắc quai bị. Một ngày sau, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau góc hàm bên phải, sau đó bệnh lan xuống tinh hoàn bên trái. Nhưng bệnh nhân tự điều trị tại nhà không khỏi.

Nằm điều trị bên cạnh giường bệnh nhân A là bệnh nhân Đ.T.V (63 tuổi, ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cũng nhập viện do mắc quai bị từ 5 ngày trước đây. Bệnh nhân V nhập viện trong tình trạng sưng đau góc hàm bên phải, sau đó lan sang bên trái.

Bác sĩ tiến hành siêu âm, tuyến nước bọt mang tai 2 bên có kích thước to hơn bình thường. Kết quả xét nghiệm men tụy trong máu (amylase) tăng cao gấp 2,5 lần so với bình thường. Khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, bệnh nhân không rõ nguồn lây từ đâu, vì người thân trong gia đình không có ai mắc bệnh. Bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị.

Còn tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai, cũng mới tiếp nhập nam bệnh nhân (23 tuổi), bị mắc quai bị sau khi tiếp xúc với một người bạn mắc căn bệnh này. Ban đầu bệnh nhân có biểu hiện sưng đau tuyến mang tai hai bên, từ phải sang trái; sốt cao. Vài ngày sau, bệnh nhân thấy sưng đau tinh hoàn bên trái, quá lo lắng nam thanh niên này đã nhập viện điều trị. Hiện bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, đặc biệt là khả dẫn đến vô sinh hay không.

Nam giới dễ vô sinh, bà bầu dễ sảy thai

Đánh giá về bệnh quai bị, Ths.BS Vũ Mạnh Cường – Phó khoa Bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện E cho biết, từ đầu năm tới nay có gần 20 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Theo BS Cường, bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Người bệnh có thể gặp các biến chứng sau: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn với tỷ lệ 20-35%, ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.

 “Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

Biến chứng gây viêm buồng trứng, có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh. Đặc biệt, bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu”, BS Cường cảnh báo.

BS Cường khuyến cáo cách phòng và điều trị bệnh quai bị hiệu quả, cần cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Đối với trường hợp viêm tinh hoàn, bệnh nhân cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi, hạn chế vận động.

 

Tiêu hủy gần 5.000 lít rượu độc khiến 8 người chết sau ăn cỗ đám ma

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tieu-huy-gan-5-000-lit-ruou-doc-khien-8-nguoi-chet-sau-an-co-dam-ma-3543897.html

http://danviet.vn/y-te/vu-8-nguoi-chet-o-lai-chau-tieu-huy-5000-lit-ruou-khong-ro-nguon-goc-747047.html

Nhà chức trách Lai Châu đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc được cho là gây ngộ độc cho 126 người, trong đó 8 người đã chết.

Trong số 5.000 lít rượu này có 1.000 lít do người dân tự nộp và tiêu hủy. Loại rượu này được cho là đã dùng trong bữa cỗ đám ma ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu, chứa lượng cồn công nghiệp methanol vượt ngưỡng hàng nghìn lần khiến hàng trăm người ngộ độc và 8 người chết.

Theo chính quyền huyện Phong Thổ, đến chiều 19/2, tại 5 xã biên giới của huyện, số nạn nhân vụ ngộ độc đã lên tới 126. Nhiều người có biểu hiện ngộ độc đã chủ động đến các cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu hiện còn 3 bệnh nhân nặng, còn lại những người khác sức khỏe đã tiến triển tốt. Một số bệnh nhân được chuyển sang khoa Mắt hoặc Phục hồi chức năng để điều trị các di chứng.

Ngày 10/2, ông Phu Vần Lèng sinh năm 1957 ở xã Ma Ly Chải, ăn cơm uống rượu. Tối cùng ngày ông Lèng đau đầu, buồn nôn và tử vong ngay sau đó. Gia đình tổ chức hậu sự cho ông Lèng trong 3 ngày 11-13/2, theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Sau bữa cỗ, chiều 13/2 bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiều người bị đau đầu, buồn nôn, giãn đồng tử.

Kết quả kiểm nghiệm ngày 15/2 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy các mẫu rượu lấy tại bữa cỗ đám ma đều có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngộ độc rượu phổ biến nhất là ngộ độc rượu thực phẩm - ethanol, nguy hiểm hơn là ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol. Số vụ ngộ độc methanol có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Các nạn nhân thường ngộ độc nặng, dễ tử vong.

Sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Những trường hợp nặng cứu được thì cũng sẽ để lại di chứng.

Để phòng ngộ độc rượu, người dân nên hạn chế uống rượu và phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không trả lời, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… là dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

 

Xác định nguyên nhân vụ ngộ độc khiến hơn 200 học sinh nhập viện

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/xac-dinh-nguyen-nhan-vu-ngo-doc-khien-hon-200-hoc-sinh-nhap-vien-1122889.tpo

Chiều 20/2, ông Nguyễn Quang Phụng- Chi cục trưởng An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long cho biết, sau khi xét nghiệm các mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc khiến hơn 200 học sinh tiểu học nhập viện, Viện vệ sinh y tế Công cộng TP.HCM xác định nguyên nhân gây ngộ độc xảy ra vào chiều ngày 10/2 là do thức ăn thành phẩm đã bị nhiễm vi sinh.

Theo đó, các mẫu cơm dương châu, súp thịt bằm và mẫu bệnh phẩm đều bị nhiễm 3 loại vi sinh là Ecoli, Coliforms và tụ cầu khuẩn với tỉ lệ cao. Các loại vi sinh này gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy cho người sử dụng phát sinh trong quá trình chế biến và bảo vệ thực phẩm.

Trước đó, vào khoảng hơn 15 giờ 30 phút ngày 10/2, sau khi học sinh bán trú của 3 trường tiểu học Trương Định, Chu Văn An và Thị trấn Long Hồ dùng bữa cơm chiều thì có biểu hiện đau bụng, nhức đầu, nôn ói. Những học sinh này được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long để tiến hành cấp cứu và điều trị.

Cơ sở Vĩnh Xương (phường 1 thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là nơi cung cấp thức ăn thành phẩm cho 3 trường tiểu học nêu trên

 

Vụ 2 người chết sau gây mê ở BV Trí Đức: Công an chờ… Bộ Y tế

http://danviet.vn/y-te/vu-2-nguoi-chet-sau-gay-me-o-bv-tri-duc-cong-an-cho-bo-y-te-746987.html

Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang chờ kết luận giám định của Bộ Y tế về vụ việc 2 người tử vong sau khi gây mê ở Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

Bệnh viện đa khoa Trí Đức.

Liên quan đến vụ 2 người tử vong sau khi tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức hôm 25.12, trao đổi với PV sáng nay (20.2) Đại tá Đinh Huy Hoàng – Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, công an quận vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng.

“Chúng tôi chưa kết luận điều tra được vì phải chờ kết quả giám định của Bộ Y tế, việc này là đúng theo quy định”, Đại tá Hoàng nói.

Khi được hỏi, quy trình khám chữa bệnh và sử dụng thuốc gây mê của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức có sai sót gì không? Đại tá Hoàng cho biết, cơ quan điều tra đang chờ kết luận của Bộ Y tế.

Trước đó, sáng 25.12, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa này, bước đầu chẩn đoán nghi sốc phản vệ. Tuy vậy, nguyên nhân chính xác phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm pháp y với hai bệnh nhân này.

Mới đây, chị Vũ Hà Giang (ở Phú Xuyên, Hà Nội) vợ của anh H.V.T ( một trong hai người tử vong sau gây mê ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức) chia sẻ với phóng viên, chị rất bức xúc vì đến giờ gia đình chưa biết nguyên nhân vì sao anh T tử vong.

Theo chị Giang, anh T khi còn sống là trụ cột của gia đình. Từ khi anh qua đời, mẹ con chị Giang phải về Phú Xuyên nhờ người thân hỗ trợ. Một mình chị Giang phải lo tất cả mọi việc, từ con cái cho đến kinh tế gia đình. Con nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi nên chị Giang vô cùng vất vả.

 

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng y học hạt nhân trong khám, chữa bệnh

http://baotintuc.vn/xa-hoi/viet-nam-chia-se-kinh-nghiem-ve-ung-dung-y-hoc-hat-nhan-trong-kham-chua-benh-20170220135944313.htm

Ngày 20/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã đăng cai tổ chức Hội thảo Quốc tế về Y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị và Kỳ họp đánh giá Dự án hợp tác kỹ thuật IAEA TC RAS/06/083 về nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và năng lực các cơ quan chính phủ trong chương trình hợp tác Y học hạt nhân vùng (RCA).

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn Bức xạ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Ủy ban năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA, Ủy ban năng lượng nguyên tử Việt Nam; Văn phòng hợp tác vùng cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (RCARO), Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cùng đại diện của 17 nước thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết chương trình hợp tác giữa bệnh viện Bạch Mai và Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA đã được triển khai từ nhiều năm.

Trong đó, Dự án hợp tác kỹ thuật IAEA TC RAS/06/083 với nhiệm vụ nâng cao nhận thức về các quy trình y học hạt nhân thông qua mạng lưới chuyên gia, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và năng lực các cơ quan chính phủ trong chương trình hợp tác Y học hạt nhân vùng (RCA). Từ đó nâng cao được năng lực y tế đặc biệt trong các bệnh lý không lây nhiễm như ung thư, tim mạch và cuối cùng, người bệnh là đối tượng thụ hưởng lợi ích cao nhất từ dự án này. 

Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng Y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện có 3.100 giường bệnh, hàng ngày tiếp nhận 6.000 bệnh nhân đến khám bệnh. 

Trong đó, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai có hơn 200 giường bệnh hiện đang quản lý và điều trị cho hàng ngàn người bệnh. Việc ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân, công nghệ phóng xạ và dùng các dược chất xạ chiếu, hóa chất xạ trị trong thời gian qua đã giúp Trung tâm chẩn đoán và điều trị các loại ung thư hiệu quả cao cho người bệnh... 

Trong thời gian từ ngày 20-24/2, các đại biểu sẽ có những phiên họp về đánh giá Dự án RAS/06/083, bàn về kế hoạch hoạt động trong các năm 2017, 2018 và chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị ung thư của các nước tham dự. 

 

Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam không dùng giấy tờ khám chữa bệnh

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-vien-dau-tien-o-viet-nam-khong-dung-giay-to-kham-chua-benh-3541975.html

Đang ra ngoài họp hành hay đi công tác, bác sĩ giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức vẫn có thể trực tiếp phê duyệt giấy tờ bằng chữ ký số thông qua phần mềm chuyên dụng của bệnh viện.

Hàng loạt tin nhắn thông báo được gửi tới điện thoại bác sĩ giám đốc Nguyễn Minh Quân với những nội dung hiển thị như "Có hợp đồng gửi từ Khoa khám bệnh, cần phê duyệt", "Có đơn từ tên bác sĩ... ,cần phê duyệt"... Tất cả đều được bác sĩ Quân xử lý trực tuyến thay vì phải có mặt trực tiếp tại bệnh viện để ký vào giấy tờ. Nếu không kịp thời phê duyệt, hệ thống tin nhắn sẽ tự động nhắc nhở liên tục trên điện thoại cho đến khi nào xử lý xong.

Quy trình giám đốc phê duyệt trực tuyến này nằm trong đề án "Bệnh viện không giấy" mà Bệnh viện Quận Thủ Đức đang tiên phong thực hiện trên cả nước. Tâm huyết của vị bác sĩ đứng đầu bệnh viện xuất phát từ việc tìm hiểu tài liệu quản lý bệnh viện, tham quan học tập các cơ sở y tế nước ngoài. Bệnh viện thành lập vào năm 2007 đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Từ tháng 7/2015, nơi này là bệnh viện duy nhất được Bộ Y tế cấp phép thí điểm bệnh án điện tử sau quá trình khảo sát, chọn lựa khá khắt khe. Sau gần 2 năm thực hiện thành công, bệnh viện đang hoàn tất hồ sơ báo cáo Sở và trình lên Bộ để xin thẩm định chính thức.

Hồ sơ bệnh án bằng giấy phải được lưu trữ ít nhất 10 năm và một số trường hợp phải đến 15, 20 năm theo quy định pháp luật. Các bệnh viện hiện chi phí khá tốn kém cho việc thuê nhiều kho lưu trữ, bảo vệ canh giữ. Khi có vấn đề cần kiểm tra lại bệnh án, việc tìm kiếm trong kho vô cùng vất vả và tốn thời gian. Với bệnh án điện tử, các thông tin tại Bệnh viện Quận Thủ Đức được số hóa và lưu trữ trên Internet, không in ra giấy nữa, việc tìm kiếm theo mã số rất dễ dàng.

"Trong hồ sơ bệnh án bằng giấy, nhiều bác sĩ còn ghi diễn biến bệnh chưa đầy đủ, ghi chép sai sót hoặc chữ viết của bác sĩ khó đọc có thể dẫn đến nhiều rủi ro, nhầm lẫn trong điều trị", bác sĩ Quân phân tích. Bệnh án điện tử đảm bảo sạch đẹp, đầy đủ các yêu cầu, quản lý được sự tuân thủ theo phác đồ, không còn sai sót trong việc thống kê sai số lượng thuốc, tránh được sao chép sai, chỉ định không phù hợp về thời gian... Đặc biệt bệnh viện không in rửa phim chụp giúp tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn, không gây ô nhiễm môi trường, nặng nề trong quá trình lưu trữ. Hình ảnh phim trên máy tính có thể phóng to thu nhỏ, chỉnh sáng dễ dàng, có sẵn công cụ đo lường thuận tiện trong chẩn đoán, hội chẩn.

Các bước trong quy trình khám chữa bệnh từ lúc bệnh nhân vào viện đến ra viện cũng được số hóa tối đa, rút ngắn thời gian chờ đợi. Mỗi lần đến khám, bệnh nhân chỉ cần quẹt mã vạch bảo hiểm y tế vào máy để lấy số thứ tự thay vì cầm sổ giấy xếp hàng chờ đợi. Khi bác sĩ chỉ định đi siêu âm hay xét nghiệm, số thứ tự cũng đã được sắp xếp sẵn thay vì phải xin số lại từ đầu. Các bảng tra cứu thông tin, bảng chỉ dẫn đặt ở tiền sảnh, khu vực tiếp tân, bảng hiển thị tên điện tử hỗ trợ tối đa cho người bệnh. Bảng giá, lịch làm việc của bác sĩ hàng tuần đều được cập nhật trên website bệnh viện. Khi bệnh nhân xuất viện, tổng đài bệnh viện tự động nhắn tin dặn dò tái khám, uống thuốc.

Ngoài cải tiến quy trình khám chữa bệnh thông minh giúp ích cho người bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế các vấn đề tiêu cực, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý bệnh viện. Mỗi bác sĩ, lãnh đạo khoa phòng có những phân quyền riêng trong việc xét duyệt hay trình giấy tờ của hệ thống phần mềm của bệnh viện. Đơn giản nhất như việc xin nghỉ phép, hồ sơ đi học đều được giải quyết hiệu quả trên điện thoại, máy tính thay vì in ra rồi trực tiếp mang đi các nơi để trình. Đơn thuốc điện tử cũng góp phần ngăn chặn tình trạng bác sĩ kê toa thuốc, chỉ định cận lâm sàng tràn lan, không phù hợp, vượt ngưỡng quy định.

Phần mềm theo dõi sử dụng thuốc của bác sĩ.

"Bệnh viện không giấy không có nghĩa là vào bệnh viện không hề có giấy tờ, mà những gì có thể ứng dụng công nghệ thông tin thì triển khai thực hiện, giảm tối đa giấy tờ không cần thiết", bác sĩ Quân chia sẻ.

Là đơn vị đi đầu, bệnh viện không ít lần làm sai phải sửa đổi, điều chỉnh liên tục để đi vào nề nếp, không áp dụng một cách cứng nhắc, máy móc. Đội ngũ kỹ thuật của bệnh viện gồm 17 thành viên đảm bảo cho quá trình vận hành của hệ thống, giải quyết những vấn đề phát sinh. Điểm hạn chế của bệnh án điện tử là người dùng phải mang thiết bị token USB để thực hiện y lệnh. Mất token USB, quá trình làm lại mất vài ngày nên ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện đang xây dựng các app (ứng dụng) trên smartphone giúp bệnh nhân dễ dàng tra cứu thông tin điều trị.

Quy trình khám chữa bệnh theo bệnh án điện tử

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết bệnh án điện tử là hướng phát triển trong thời gian tới. Mô hình thành công tại Bệnh viện Quận Thủ Đức sẽ được nhân rộng, trước mắt ở các bệnh viện đầu ngành thành phố và sau đó là toàn bộ cơ sở y tế, tiến tới quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Bệnh án điện tử đòi hỏi phải số hóa hồ sơ, yêu cầu bệnh viện phải trang bị hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh, với nguồn nhân lực, hạ tầng, kinh phí được tập trung đầu tư, là xu hướng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

 

Dùng dao lam cắt rốn, trẻ sơ sinh nguy kịch

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dung-dao-lam-cat-ron-tre-so-sinh-nguy-kich-20170220151549028.htm

Sau khi cho sinh tại nhà, bà đỡ đã dùng dao lam cắt rốn khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván, nguy kịch.

Ngày 20-2, bác sĩ Lê Đình Nhân, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Y Đa Phúc (10 ngày tuổi, ngụ xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng uốn ván.

Theo bác sĩ Nhân, bệnh nhân Y Đa Phúc nhập viện vào chiều 19-2 trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sốt, co giật toàn thân, bỏ bú. Người nhà cho biết, sau khi sinh tại nhà, bé Y Đa Phúc được người thân dùng dao lam cắt rốn. Trên cơ sở kết quả thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, cháu Y Đa Phúc bị nhiễm trùng uốn ván rốn ủ bệnh 7 ngày. “Hiện cháu Y Đa Phúc được cách ly chăm sóc, đã giảm tình trạng co giật, thở đều nhưng phản xạ thấp” - bác sĩ Nhân cho biết thêm.

Theo Bệnh viên Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, từ đầu 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván do các bà đỡ dùng dao lam cắt rốn sau khi sinh tại nhà. Trong đó, 2 trường hợp đã tử vong, 2 đang điều trị tại bệnh viện.

 

Thực hư bệnh "bỗng dưng nứt hộp sọ" và bác sĩ cũng đầu hàng

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/thuc-hu-benh-bong-dung-nut-hop-so-va-bac-si-cung-dau-hang-93931/

Trên mạng xã hội đang xôn xao về căn bệnh lạ: trẻ bỗng dưng... nứt hộp sọ và ngủ li bì, bỏ bú. Nhiều người đưa tin rằng, không nên đưa tới bệnh viện vì bệnh này tây y cũng "bó tay". Sự thật ra sao?

Con gái chị B.T. chưa đầy 3 tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản cấp, nhiều ngày phải vào bệnh viện (BV) để hút đờm. Nhưng khoảng bốn ngày trước, bé có biểu hiện lạ, ngủ li bì, dù tìm nhiều cách đánh thức nhưng bé vẫn không chịu dậy.

Sau nhiều giờ, bé vẫn trong tình trạng mơ hồ, vừa ngủ vừa bú và bú được rất ít, chỉ từ 10-20ml. Trước những lời mô tả bệnh của chị B.T., hàng trăm bình luận cho rằng, em bé đã bị mắc một căn bệnh kỳ lạ có tên là “mở khóa đầu”.

Căn bệnh ngay lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều bà mẹ khẳng định, khi trẻ ngủ li bì, trên hộp sọ sẽ xuất hiện vết nứt dọc đầu, chạy từ ấn đường (giữa hai lông mày) tới gáy. Độ nặng của bệnh tùy thuộc vào rãnh này có chiều sâu, dài, rộng như thế nào, nếu bệnh nhẹ thì phần rãnh này sâu bằng chiếc đũa.

“Khi thấy trẻ bỏ bú, ngủ liên miên không muốn dậy hoặc đã dậy là quấy khóc lạ thường thì phải nghĩ ngay tới bệnh này, vì nếu không để ý, bé sẽ nguy kịch vì bỏ bú do cứng xương hàm”, đây là thông tin được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Giải thích về nguyên nhân của bệnh, hầu hết những người tin vào căn bệnh lạ này đều cho rằng, đó là thân nhiệt tăng quá cao, bốc lên não khiến hộp sọ “mở ra” để thoát nhiệt.

Thuc hu benh

Đặc biệt, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, căn bệnh “mở khóa đầu” được cho là khiến giới Tây y... đầu hàng và chỉ có thể điều trị bằng cách đốt ngải. Theo đó, lá ngải phải phơi khô và đốt lên, hơ vào các huyệt trên cơ thể em bé, từ đó tác động vào dây thần kinh làm đứa trẻ tỉnh dậy và hộp sọ dần khép lại.

Trên thực tế, căn bệnh “mở khóa đầu” đã từng khiến dư luận xôn xao tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang... Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), khi thấy trẻ có hiện tượng ngủ li bì, trên đầu xuất hiện rãnh, nhiều người dân lại tìm đến thầy lang để đốt ngải. Tương tự, tại Móng Cái, ngoài hơ ngải, nhiều gia đình lại chọn cách tìm thầy lang để đắp lá thay vì đi tới các BV.

Trẻ nguy hiểm tính mạng vì… lời đồn

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, BS Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản - Nhi Quảng Ninh cho biết, mặc dù trong dân gian có nhắc tới căn bệnh “mở khóa đầu”, song thực tế, các BS chưa gặp ca bệnh nào có những triệu chứng “nứt đầu” như mô tả. “Đó chỉ là cách gọi của dân gian, trong Tây y không có căn bệnh nào được gọi là “mở khóa đầu”, BS Hùng nhấn mạnh.

BS Hùng cho hay, hầu hết các trường hợp bị cho là “mở khóa đầu” đều không vào BV thăm khám mà tự ý chữa trị tại các thầy lang, do đó, các BS càng khó khăn khi tiếp nhận thông tin về căn bệnh này.

BS Cao Vũ Hùng - Trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương cũng cho biết, trong y văn không có căn bệnh nào có tên là “mở khóa đầu”. Tuy nhiên, BS Hùng khẳng định, việc bỗng dưng... nứt hộp sọ là điều “không tưởng”: “Hiện tượng mở xương sọ chỉ có thể xảy ra khi có các chấn thương tới sọ não”.

Giải thích về hiện tượng trẻ có những rãnh sâu trên hộp sọ, BS Hùng cho biết, đó là hiện tượng xảy ra ở trẻ khi xương sọ chưa phát triển hoàn thiện. Nói cách khác, đó là các đường khớp của xương sọ tạo thành rãnh, ở nhiều trẻ nhỏ, rãnh này chưa mất đi khiến nhiều bậc phụ huynh ngộ nhận đó là hiện tượng “nứt hộp sọ”!

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc ngộ nhận trẻ bị “mở khóa đầu” khi xuất hiện triệu chứng ngủ li bì, bỏ bú là vô cùng sai lầm, nguy hiểm. “Trẻ bỏ bú, ngủ triền miên không phải là một căn bệnh, mà giống như trẻ bị sốt, đó chỉ là một dấu hiệu của bệnh.

Dấu hiệu này có thể là của nhiều căn bệnh khác nhau như viêm màng não, chấn thương sọ não, xuất huyết não... dẫn đến trẻ có biểu hiện rối loạn về tri giác. Thậm chí, khi trẻ bị tiêu chảy, mất nhiều nước cũng có thể dẫn đến những triệu chứng này”, BS Hùng nhấn mạnh. Ngay với trường hợp của chị B.T., sau khi “bất chấp” nhiều lời khuyên về căn bệnh “mở khóa đầu”, chị vẫn đưa con tới cơ sở y tế và kết quả là con chị bị rối loạn ion điện giải trong máu.

Các BS khuyến cáo: không nên tìm đến các phương pháp chữa trị như đắp lá, đốt ngải, những biểu hiện trên không đủ để xác định chính xác được một căn bệnh. “Đó là cách chữa hoàn toàn mang tính chất tự phát, đôi khi các gia đình bị kẻ xấu lợi dụng để kiếm tiền.

Đáng lo nhất là nếu không đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám thì dễ dàng bị bỏ sót các bệnh lý, mà trong đó, có nhiều bệnh có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ”, BS Hùng nói. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đốt ngải, đắp thuốc cũng rất nguy hiểm, bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt. Việc đắp lá có thể khiến da trẻ bị dị ứng, viêm nhiễm... thậm chí, trẻ có thể bị xuất huyết não, dãn thành mạch.

 

Miễn nhiệm chức vụ 'bác sĩ đòi chi đủ hoa hồng'

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/mien-nhiem-chuc-vu-bac-si-doi-chi-du-hoa-hong-683856.html

Liên quan đến vụ việc một BS BV quận 5 (TP.HCM) móc nối với công ty dược nhận “hoa hồng” và kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc cho bệnh nhân, Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo việc kiểm tra thông tin và xử lý việc này.

Theo nội dung báo cáo, BS này đã vi phạm quy định về kê đơn thuốc cho bệnh nhân, có biểu hiện lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình khám, chữa bệnh. BV quận 5 đã xử lý kỷ luật với BS, hạ bậc thi đua xuống bậc C trong ba tháng, khiển trách trước toàn đơn vị, miễn nhiệm chức vụ phó khoa liên chuyên khoa và điều chuyển công tác khác, không cho tham gia kê đơn điều trị.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã có công văn nhắc nhở các BV trực thuộc tăng cường phổ biến những quy định về kê đơn thuốc của Bộ Y tế, cùng với đó là đẩy mạnh giám sát sự tuân thủ của BS đối với quy chế chuyên môn và phác đồ điều trị. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục về y đức và quy tắc ứng xử cho nhân viên ngành y tế.

 

Cứu nam thanh niên ộc ra máu mỗi lần 1 đến 2 lít

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/tin-moi-benh-nhan-khong-co-tien-mo-va-hanh-dong-bat-ngo-cua-benh-vien-357392.html

http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/cuu-nam-thanh-nien-oc-ra-mau-moi-lan-1-den-2-lit-56899.html

http://thanhnien.vn/suc-khoe/thung-mach-mau-tren-mat-ca-nam-moi-duoc-phat-hien-793180.html

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/2/449955/

Bị tai nạn giao thông cách đây khoảng 1 năm nhưng sau đó sức khỏe ổn định, bệnh nhân được cho xuất viện về nhà.Tuy nhiên bất ngờ khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh nhân này lại thường xuyên bị ộc máu mũi, mỗi lần ộc từ 1 đến 2 lít máu, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Ngày 20.2 thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh nhân trên là anh Trương Bá Linh (27 tuổi, quê Nghệ An, tạm trú phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Bệnh nhân này được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa trong tình trạng chảy máu mũi tự nhiên hơn 1 tháng qua.

Bác sĩ Hoàng Bá Dũng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau khi tiến hành chụp CT phát hiện bệnh nhân bị dò động mạch cảnh xoang hang, trong tình trạng rất nguy hiểm.

“Bệnh nhân chỉ cần cử động nhẹ hoặc huyết tăng là có thể khiến máu trong mũi ộc ra từ 1 đến 2 lít máu, tử vong bất cứ lúc nào”, bác sĩ Dũng cho hay.

Theo bác sĩ Dũng muốn cứu chữa bệnh nhân thoát khỏi tình trạn trên, buộc phải can thiệp nội mạch ngay với chi phí từ 60 – 120 triệu đồng. Tuy nhiên gia cảnh của bệnh nhân Linh rất nghèo không thể nào đáp ứng được số tiền trên để có thể điều trị.

Trước hoàn cảnh trên, Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn quyết định phải chữa trị ngay cho bệnh nhân, chi phí tính sau. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội mạch bằng cách đặt bóng cho người bệnh.

“Phương pháp này ngay lập tức đã phát huy tác dụng, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định, không có bất kỳ biến chứng nào. Hiện bệnh nhân đã ăn, ngủ và có thể đi lại bình thường. Nếu không có gì thay đổi, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong những ngày tới”, bác sĩ Dũng cho biết.

Theo như lời chị Nguyễn Thị Thùy (26 tuổi, vợ anh Linh) cách đây 1 năm, khi đang trên đường đi làm về, anh Linh bị tai nạn xe máy, mặt đập xuống đường. Sau quá trình chữa trị ở bệnh viện, sức khỏe dần ổn định anh Linh  được cho về nhà chăm sóc.

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, anh Linh đột ngột bị ộc máu từ mũi với lượng lớn nên người nhà đưa vào bệnh viện điều trị, và được truyền 3 đơn vị máu. Sau đó anh lại thường xuyên bị ộc ra máu với số lượng ngày càng nhiều hơn. Gia đình đưa anh trở lại Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa nhưng các bác sĩ không phát hiện được bệnh nên mới chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

 

Cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-nhoi-mau-co-tim-cap-1122757.tpo

Ngày 20/2, Ths.Bs Nguyễn Thiện Ái, trưởng Khoa cấp cứu và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết: Khoa vừa can thiệp cứu sống bệnh nhân Trần Thị Trình, sinh năm 1936, trú thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp.

Khoảng 8h 50 phút ngày 17/2, bệnh nhân Trình được chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện Krông Ana lên bệnh viện tỉnh trong tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, mạch chậm, nhịp tim mờ, mạch quay yếu. Chẩn đoán bệnh nhân bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp vùng dưới, rối loạn nhịp tim, các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, chụp và can thiệp động mạch vành. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân bị ngưng tim. Bệnh nhân được đặt nối khí quản, bóp bóng, nâng huyết áp và tiếp tục điều trị nội khoa tích cực.

Sau 2 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, mạch và huyết áp ổn định. “Những trường hợp ngưng tim như thế này tỷ lệ cứu sống rất thấp, nếu không được can thiệp kịp thời nguy cơ tử vong cao đến 100%”, bác sĩ Ái cho hay.

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam mổ cận thị không chạm vào mắt

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/lan-dau-tien-tai-viet-nam-mo-can-thi-khong-cham-vao-mat-198154.html

http://thanhnien.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-tai-viet-nam-mo-can-thi-khong-can-cham-vao-mat-793179.html

Thông tin từ Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa ứng dụng phương pháp mổ các tật khúc xạ như cận, loạn, viễn thị không cần chạm vào mắt.

Trả lời báo chí, trưởng Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, BS Phan Hồng Mai cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật hơn 10 ca bị các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn bằng phương pháp mới SmartSurfACE không cần chạm vào mắt hay tạo vạt giác mạc. Sau hơn một tháng điều trị, các kết quả kiểm tra hậu phẫu cho thấy thị lực của bệnh nhân phục hồi rất tốt. 

Theo đó, phương pháp SmartSurfACE là phẫu thuật laser bề mặt, không cần chạm vào mắt hay tạo vạt giác mạc. So với các phương pháp cũ phải bóc biểu mô giác mạc bằng tay hoặc máy thì với kỹ thuật này bệnh nhân nằm trên bàn mổ, máy sẽ tự định vị và mọi thứ được thực hiện hoàn toàn bằng laser chiếu trong 1-2 phút. Laser đi qua lớp không khí, hoàn toàn không đụng chạm gì vào bề mặt mắt của bệnh nhân.

Cũng theo BS Phan Hồng Mai, việc không chạm vào mắt bệnh nhân giúp ca mổ điều chỉnh thị lực an toàn, nhẹ nhàng. Đồng thời, giảm nguy cơ biến chứng, thời gian phục hồi ngắn hơn. Bệnh nhân cũng ít bị khô mắt sau mổ vì phương pháp này ít tổn thương đến thần kinh của giác mạc. 

Đặc biệt, kỹ thuật này được áp dụng điều trị cho tất cả tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị ở bệnh nhân trên 18 tuổi. Kể cả trường hợp giác mạc mỏng không thể điều trị bằng các phương pháp trước. Ở nước ta, Bệnh viện Mắt TP.HCM là nơi đầu tiên được trang bị thực hiện kỹ thuật này và thứ 2 tại Đông Nam Á sau Singarpore. 

 

Tác dụng phụ 'kinh hoàng' của thuốc trầm cảm

http://vietq.vn/tac-dung-phu-cua-thuoc-tram-cam-khien-cuoc-doi-benh-nhan-lui-bai-d115397.html

Hàng trăm bệnh nhân sử dụng thuốc chữa trầm cảm Abilify đã gặp phải những tác dụng phụ khiến cuộc sống của họ hoàn toàn thay đổi.

Abilify làm một loại thuốc được kê đơn để chữa bệnh trầm cảm đem lại nguồn lợi nhuận khủng cho ngành Dược tại Mỹ. Tuy nhiên, hàng trăm bệnh nhân sử dụng loại thuốc này cho rằng thuốc này khiến cho họ nghiện cờ bạc, quan hệ tình dục, thích ăn và đi shopping.

Các bệnh nhân tại Mỹ đã từng sử dụng loại thuốc này yêu cầu Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có câu trả lời chính xác về việc họ có che giấu những tác dụng ngược của loại thuốc chữa trầm cảm Abilify hay không.

Một người phụ nữ giấu tên trong trong buổi phỏng vấn với tờ FOX31 cho biết, cô bắt đầu sử dụng thuốc Abilify để chữa bệnh trầm cảm của mình từ năm 2008. Từ đây, cuộc đời cô tụt dốc. Sau một thời gian dùng thuốc, cô bị buộc phải rời khỏi nhà vì không thể ngừng chơi cờ bạc. Người mẹ của hai đứa con đã bị tước quyền nuôi con và quyền sở hữu nhà vì nghiện cờ bạc. Sống tại Las Vegas – Thủ đô giải trí của thế giới, nơi nổi tiếng với những sòng bạc và khu nghỉ dưỡng, tuy nhiên chỉ đến khi bắt đầu dùng thuốc chữa trầm cảm, người phụ nữ mới rơi vào vòng xoáy cờ bạc.

Cô ước tính thói cờ bạc của mình đã tiêu tốn của cô khoảng 1 triệu đến 2 triệu đô la Mỹ trong vòng 5 năm. chi phí của cô giữa $ 1 triệu và 2 triệu $ trong ít hơn năm năm. Thậm chí, bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc Abilify đã trở thành gái mại dâm. Nữ bệnh nhân cho biết tình trạng của mình chỉ trở nên tốt hơn khi được đưa tới Colorado vào năm 2012, nơi mà các bác sĩ không kê thuốc Abilify cho cô. 

Luật sư Mike McDivitt là luật sư đại diện cho gần 200 khách hàng trong vụ kiến chống lại Bristol-Myers Squibb và Otsuka Pharmaceuticals, các nhà sản xuất của Abilify. Ông cho rằng thuốc chữa trầm cảm đã gây ra những tác dụng ngược, khiến cho người sử dụng luôn khao khát tìm kiếm những niềm vui như chơi cờ bạc, mua sắm, ăn quá nhiều, ham muốn tình dục.

Năm 2002, FDA chấp thuận cho các bác sĩ sử dụng Abilify để điều trị tâm thần phân liệt. Theo thời gian, Abilify được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực, chứng rối loạn trầm cảm dễ bị tự kỷ, rối loạn Tourette. 

Trong tháng 5 năm 2016, FDA đã đưa ra một thông báo an toàn rằng việc sử dụng thuốc chống loạn thần (bao gồm Abilify, Abilify Maintena, Aristada) gây ra tình trạng ham muốn đánh cờ bạc, rượu chè, ham muốn tình dục không thể kiểm soát. Những ham muốn này chỉ dừng lại khi không còn sử dụng thuốc chữa trầm cảm. .Tác dụng phụ khác được báo cáo bao gồm ợ nóng, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, nhìn mờ và thậm chí đột quỵ ở người già.

FDA cho biết vào năm 2015 rằng 1,6 triệu người Mỹ sử dụng Abilify hoặc thuốc chống loạn thần. Bristol-Myers Squibb tại Mỹ và Otsuka Pharmaceuticals tại Nhật Bản không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về những tác dụng phụ của thuốc chữa trầm cảm.

Trầm cảm có thể do các yếu tố nội sinh, sang chấn tâm lý, căng thẳng tâm lý kéo dài, do tâm lý - xã hội, do các bệnh ở não, suy nhược..., trừ một số trầm trọng phải nằm viện, số còn lại thường chữa tại nhà. Người bệnh, người nhà cần biết về thuốc và tác dụng phụ để dùng đúng chỉ dẫn mới có hiệu quả và tránh tai biến.

Trong quá trình dẫn truyền thần kinh, các chất serotonin, dopamin, adrenalin, noradrenalin có giai đoạn bị "khử hoạt tính" do "sự nắm bắt" và "tái nắm bắt neuron". Khi các chất này bị giảm sút quá mức sẽ tạo ra trạng thái ức chế (giảm khí sắc, giảm năng lượng, giảm hoạt động) gọi là trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm ức chế "sự nắm bắt" và "tái nắm bắt" neuron (có hay không chọn lọc) nên chống lại được trạng thái này.

Tuy cơ chế tác dụng gần như nhau nhưng trong lâm sàng mỗi thuốc chỉ đáp ứng trên một số trạng thái trầm cảm nhất định. Ví dụ, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin) dùng trong trầm cảm nội sinh (loạn tâm thần hưng trầm cảm); exffexor dùng trong rối loạn ưu tư lan rộng; fluoxetin dùng trong trầm cảm rối loạn ám ảnh-bức bách. Người bệnh, người nhà không thể tự nhận biết, phân biệt được nên phải khám chuyên khoa từ đầu cũng như tái khám (khi có diễn biến) để được chỉ định đúng thuốc.

Với thuốc chữa trầm cảm, người bệnh nên dùng bắt đầu với liều thấp, tăng dần đến đạt yêu cầu, rồi duy trì liều đó, nhưng cũng có khi thấy xuất hiện các hiện tượng như quá liều (do người bệnh tăng tính nhạy cảm hay do gan thận giảm chức năng) lại phải giảm liều, hoặc lúc trạng thái bệnh có thay đổi phải điều chỉnh liều hoặc thay thuốc. Không tăng hay giảm liều một cách đột ngột để tránh các phản ứng bất lợi. Môi trường sống, môi trường gia đình - xã hội rất quan trọng với người bệnh trầm cảm, cần chú ý phối hợp. Tuy nhiên cần biết rõ khi bị bệnh thì nhất thiết phải chấp nhận việc dùng thuốc và không bỏ dở khi chưa đủ liệu trình. Người bệnh trầm cảm thường phải dùng nhiều thuốc trong thời gian dài, khó chủ động làm tốt các việc này. Người nhà cần làm cho người bệnh thông suốt, giúp nhận quản lý và cho họ uống thuốc đúng chỉ dẫn. Mặt khác phải theo sát và cùng người bệnh phát hiện với thầy thuốc những bất thường (diễn biến bệnh, tác dụng phụ) để xử lý kịp thời.

Thuốc chống trầm cảm khó dùng nhưng do đặc thù chữa bệnh thường được cho dùng tại nhà, vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ giữa người bệnh - người nhà- thầy thuốc giúp cho việc dùng thuốc hiệu quả an toàn hơn.

 

Phẫu thuật thành công ca ghép mặt hiếm gặp trên thế giới

http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/phau-thuat-thanh-cong-ca-ghep-mat-hiem-gap-tren-the-gioi-828112.htm

Một chàng trai người Mỹ mất cằm, mũi, toàn bộ hàm răng đã được phẫu thuật ghép mặt thành công. Đây là ca phẫu thuật được đánh giá là hiếm gặp và khó khăn nhất thế giới.

Andy Sandness, từ Wyoming, Mỹ, bị trầm cảm và cố gắng tự tử bằng súng trường vào hai ngày trước lễ Giáng sinh năm 2006. Andy đã thoát chết một cách kỳ diệu và nhận ra giá trị của cuộc sống. Nhưng cái giá phải trả là khuôn mặt anh đã bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Sau gần 10 năm sống chung với gương mặt biến dạng, chàng trai 31 tuổi đã được tiến hành phẫu thuật ghép mặt, một trong những ca phẫu thuật có độ khó cao hiếm gặp nhất trên thế giới. Ca phẫu thuật được tiến hành bởi các bác sĩ tại Mayo Clinic, một tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu thế giới, chuyên hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc y tế, có trụ sở chính tại bang Minnesota, Mỹ.

Andy được chữa trị tại hai bệnh viện trước khi chuyển đến Mayo Clinic. Ở đó, tiến sĩ Samir Mardini, một bác sĩ chuyên thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình khuôn mặt, đã hứa sẽ chỉnh hình khuôn mặt của Andy tốt nhất có thể.

Các bác sĩ đã đánh giá tình trạng của Andy, anh không có mũi, cằm và chỉ còn lại hai cái răng. Trải qua hơn 4 tháng cùng 8 ca phẫu thuật, Andy đã có thể trở về nhà.

Sau những biến cố trên, Andy rất ngại giao tiếp và thường tránh tiếp xúc với trẻ em vì không muốn làm chúng sợ. Nếu có ai đó hỏi chuyện gì đã xảy ra, Andy sẽ nói dối rằng mình bị một tai nạn khi đang đi săn.

“Đó là quãng thời gian khó khăn thực sự của Andy”, ông Reed Sandness, cha của Andy chia sẻ.

Vào đầu năm 2012, Andy nhận được một cuộc gọi từ tiến sĩ Mardini, thông báo rằng Mayo Clinic đang có ý định tiến hành một ca ghép mặt và Andy có thể sẽ được lựa chọn để phẫu thuật. Cùng với sự động viên và hỗ trợ của gia đình và bạn bè, Andy đã được bổ sung vào danh sách chờ nhận hiến tạng vào tháng 1/2016.

Ngày 16/6/2016, Andy trải qua ca phẫu thuật cấy ghép mặt kéo dài 56 tiếng cùng với một đội ngũ khoảng 60 người bao gồm các chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật, y tá, gây mê... Các bộ phận được tiến hành cấy ghép bao gồm mũi, má, miệng, môi, hàm, cằm và răng. Những bộ phận này được hiến tặng từ một người đàn ông cùng độ tuổi với Andy có tên là Calen Ross.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, sau 8 tháng, Andy đã xuất hiện với khuôn mặt hoàn toàn mới, khuôn mặt sẽ không khiến trẻ nhỏ sợ hãi nữa.

Hiện giờ, anh là một công nhân điện với hy vọng sẽ sớm kết hôn và có một gia đình nhỏ của riêng mình.

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang