Bệnh viện Việt Đức đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật mổ nhầm chân
http://dantri.com.vn/su-kien/benh-vien-viet-duc-dinh-chi-toan-bo-kip-phau-thuat-mo-nham-chan-20160720100626828.htm
Sáng 20/7, GS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết đã đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật mổ nhầm chân bệnh nhân. GS Giang cũng thay mặt bệnh viện xin lỗi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về lỗi sai sót nghiêm trọng này.
Trưa 19/7, bệnh nhân T.V.T (37 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội) lên bàn mổ phẫu thuật chân trái bị liệt thần kinh mác chung T tại khoa Chấn thương 3 - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tuy nhiên sau ca mổ, bệnh nhân tá hoả vì thấy mình "được" mổ... chân phải!
Ngay trong đêm 19/7, bệnh viện đã yêu cầu lãnh đạo khoa Chấn thương chỉnh hình 3 và bác sĩ trực tiếp mổ gặp xin lỗi bệnh nhân và gia đình.
Trong sáng 20/7, Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã họp, đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật này. Đồng thời thành lập hội đồng chuyên môn để rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán, phẫu thuật, tìm ra các điểm sơ hở để khắc phục.
Hội đồng kỷ luật của bệnh viện căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ họp và đưa ra hình thức kỷ luật.
GS Giang cho biết, với bệnh nhân T., bệnh viện giao khoa Chấn thương chỉnh hình 3 chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất về chuyên môn, thuốc men, trang thiết bị, đảm bảo kết quả hậu phẫu tốt nhất cho người bệnh. Bệnh viện cũng miễn phí toàn bộ viện phí cho bệnh nhân.
Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, vết mổ hồi phục tốt. Bệnh viện Việt Đức và khoa Chấn thương chỉnh hình 3 có trách nhiệm theo dõi về chức năng hoạt động của chi thể người bệnh sau này.
GS Giang chia sẻ thêm, sự việc này cũng đã được đưa ra giao ban toàn thể bệnh viện để rút kinh nghiệm, tránh sai sót về sau.
Anh trai bệnh nhân cùng có mặt trong cuộc họp sáng nay, chia sẻ, khi em trai đi chữa bệnh thì chỉ mong được khỏi bệnh. Nay gặp sự cố như thế này, sai sót đã xảy ra rồi, bệnh viện cũng đã nhận lỗi rồi, ông chỉ mong em mình sẽ hồi phục, khoẻ mạnh hơn trước khi đi chữa bệnh.
Tại cuộc họp sáng 20/7, GS Giang một lần nữa xin lỗi gia đình người bệnh và hứa sẽ tập trung chuyên môn, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân T.
Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định thêm, sai sót lần này là lỗi do con người. Những phẫu thuật viên đã được giao cầm dao mổ đều là những người qua quá trình đào tạo chặt chẽ. Viện sẽ lập hội đồng chuyên môn để đánh giá và đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với kíp phẫu thuật; đồng thời tìm ra kẽ hở để khắc phục, không để sự cố tương tự tái diễn.
Được biết bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân T. là bác sĩ Bộ môn Giải phẫu bệnh Đại học Y Hà Nội.
“Đây là trường hợp sai sót rất hi hữu, chúng tôi thấy rất đáng tiếc!”, GS Giang nói.
Cùng giống nội dung bài viết trên, còn có các báo sau đưa tin:
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/7/427775/
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160720/dinh-chi-toan-bo-kip-mo-chan-trai-lon-sang-chan-phai/1140058.html
http://congluan.vn/benh-vien-viet-duc-dinh-chi-toan-bo-kip-mo-nham-chan/
http://news.zing.vn/benh-nhan-bi-mo-nham-chan-xin-giam-nhe-ky-luat-cho-bac-si-post667309.html
Mổ nhầm chân bệnh nhân, BV Việt Đức họp báo khẩn
http://plo.vn/suc-khoe/mo-nham-chan-benh-nhan-bv-viet-duc-hop-bao-khan-641767.html
http://plo.vn/suc-khoe/benh-nhan-bi-mo-nham-chan-toi-da-bao-voi-bac-si-viec-mo-nham-641821.html
(PLO)- Thay vì mổ chân trái, phẫu thuật viên đã mổ chân phải cho bệnh nhân. Sau đó phải tiến hành phẫu thuật lại.
Sáng nay (20-7), BV Hữu Nghị Việt Đức đã tổ chức cuộc họp báo thông tin tới báo chí về trường hợp hi hữu, bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân. Cuộc họp được chủ trì bởi GS-TS Trần Bình Giang (Phó Giám đốc bệnh viện).
Tại cuộc họp GS Trần Bình Giang khẳng định sự cố mổ nhầm chân này là vô cùng hi hữu trong lịch sử 110 năm thành lập của BV Việt Đức.
Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân 35 tuổi đã từng nhập viện vào năm 2015 do chấn thương sọ não, gãy xương đùi bên phải nên đã phải mổ đùi phải. Lần này, bệnh nhân nhập viện vì liệt thần kinh, chân trái bị rụt dẫn tới tổn thương vận động. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện chuyển cơ sau sang cơ trước để khôi phục vận động.
Trưa 19-7, trong khi mổ đã xảy ra sự cố. Theo đó, phẫu thuật viên thay vì mổ chân trái tổn thương thì đã mổ chân phải. Sau khi phát hiện sự cố, phẫu thuật viên đã mổ lại chân trái.
Trước đó, có thông tin cho rằng phẫu thuật viên đã yêu cầu gia đình chi trả cả viện phí mổ nhầm chân kể trên. Tuy nhiên, tại cuộc họp thông tin này bị bác bỏ.
Tại đây lãnh đạo bệnh viện thông tin tối 19-7, sau khi xác nhận thông tin sự việc, bệnh viện đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ kíp phẫu thuật mổ cho bệnh nhân, yêu cầu từng cá nhân làm bản tường trình kiểm điểm, tìm ra khâu xảy ra sai sót.
Đồng thời bệnh viện cũng đã thành lập Hội đồng chuyên môn rà soát lại toàn bộ quy trình chẩn đoán, chuẩn bị mổ, quy trình phẫu thuật để tìm ra các điểm sơ hở, khắc phục ngay.
Bệnh viện cũng khẳng định sẽ miễn phí toàn bộ cho bệnh nhân trong toàn bộ quá trình điều trị.
'Bác sĩ mổ nhầm chân bệnh nhân là người có chuyên môn giỏi'
http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/bac-si-mo-nham-chan-benh-nhan-la-nguoi-co-chuyen-mon-gioi.html
Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Viết Tiến cho biết bác sĩ Phan Văn Hậu, phẫu thuật viên chính mổ nhầm chân bệnh nhân Trần Văn Thảo, nhiều năm cầm dao mổ và rất giỏi chuyên môn.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, bác sĩ Hậu không thuộc biên chế nhân sự hay hợp đồng lao động ở Bệnh viện Việt Đức mà công tác tại một trường đại học y, song thường xuyên tham gia công tác phẫu thuật tại Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú Bệnh viện Việt Đức. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Hậu là người có chuyên môn giỏi và đã nhiều năm tham gia mổ cho bệnh nhân.
"Sự việc mổ nhầm chân cho bệnh nhân Thảo là trường hợp hy hữu đối với bệnh viện và cả với chính bác sĩ Hậu", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết. Tuy vậy quan điểm của Thứ trưởng Tiến là dù không mong muốn sự việc không may này, lãnh đạo bệnh viện vẫn có trách nhiệm với bệnh nhân và có hình thức kỷ luật ê kíp mổ khi xác định rõ trách nhiệm.
Chiều 20/7 Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật đối với bác sĩ Hậu do vi phạm nội quy, quy định chuyên môn của bệnh viện dẫn đến sự cố đáng tiếc. Bác sĩ Hậu có trách nhiệm phối hợp với hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân sự cố. Thông tin đình chỉ ê kíp mổ trong đó có bác sĩ Hậu đã được lãnh đạo bệnh viện công bố trong họp báo sáng cùng ngày.
Bệnh nhân Thảo được đưa vào phòng mổ hôm 19/7 với chỉ định phẫu thuật chân trái do liệt thần kinh mác chung nên đi tập tễnh, cần mổ đưa cơ chày từ sau ra trước để phục hồi chức năng vận động. Bác sĩ Hậu đã mổ chân phải thay vì chân trái bệnh nhân. Nhầm lẫn được bệnh nhân phát hiện khi tỉnh dậy. Ngay trong ngày bác sĩ đã mổ lại chân trái cho anh Thảo.
Sau sự việc, bác sĩ Hậu đã xin lỗi bệnh nhân. Tường trình của bác sĩ Hậu với lãnh đạo bệnh viện cho thấy khi vào phòng mổ, kíp phụ mổ đã chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân và phủ vải chỉ chừa chân mổ nên bác sĩ tiến hành thao tác phẫu thuật mà không kiểm tra bệnh án.
Mặc dù bị mổ nhầm, hai chân phải băng bó và đang chịu đau, bệnh nhân Thảo vẫn chia sẻ rủi ro nghề nghiệp của bác sĩ Hậu. "Đây là sai sót y khoa không mong muốn, bệnh viện và bác sĩ đã nhận lỗi. Tôi cũng không trách móc gì thêm, chỉ mong bệnh nhanh khỏi để về nhà. Mong lãnh đạo bệnh viện đưa ra hình thức kỷ luật nhẹ nhất để bác sĩ có cơ hội cống hiến cho ngành y”, cả bệnh nhân Thảo lẫn người thân đều cho biết.
Lần đầu tiên chạy thận nhân tạo tại... trạm y tế phường
http://dantri.com.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-chay-than-nhan-tao-tai-tram-y-te-phuong-20160720120535401.htm
Lần đầu tiên trên cả nước, kỹ thuật chạy thận nhân tạo diễn ra tại trạm y tế phường. Ngành y tế kỳ vọng, sáng kiến đặt phòng khám của bệnh viện quận tại trạm y tế sẽ góp phần giải quyết triệt để trình trạng quá tải bệnh viện đang xảy ra.
Ngày 20/7, Sở Y tế thành phố phối hợp với bệnh viện Quận Thủ Đức, khai trương phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm y tế phường Bình Chiểu nhằm giải quyết tình trạng quá tải cục bộ do mỗi ngày đón tiếp 5.000 bệnh nhân.
Đây là cơ sở cách xa bệnh viện, giáp ranh với tỉnh Bình Dương, gần với nhiều khu công nghiệp, dân cư đông nên nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết, bệnh viện quyết định đầu tư phát triển Trạm Y tế phường Bình Chiểu thành Phòng khám Đa khoa vệ tinh của bệnh viện sau những thành công ban đầu thu hút được nhóm đối tượng mắc bệnh mạn tính hoặc những bệnh cảm cúm thông thường chữa trị tại trạm y tế.
Ngoài hệ thống phòng Cấp cứu; khám Nội – Ngoại ; Sản – Nhi; Tai mũi họng; Răng hàm mặt; Phục hồi chức năng, da liễu, Siêu âm, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh… Điểm nhấn quan trọng của phòng khám trên là hệ thống máy chạy thận nhân tạo của bệnh viện phục vụ người bệnh, đặt tại trạm y tế phường.
TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Đây là một sáng kiến rất quan trọng của bệnh viện quận Thủ Đức, ngoài việc triển khai chạy thận nhân tạo tại trạm y tế phường thì việc lập phòng khám Đa khoa trực thuộc bệnh viện quận tại trạm y tế phường là những giải pháp giảm tải lần đầu tiên được triển khai trên cả nước.”
“Hiện nay, mô hình khám chữa bệnh của Việt Nam đang đi theo hình tháp ngược, bệnh nhân dồn về tuyến cuối trong khi tuyến y tế cơ sở lại chỉ chiếm 4% đến 6% người bệnh tới khám và điều trị. Việc đưa các chuyên khoa sâu và nhân lực chuyên môn của bệnh viện về trạm y tế phường sẽ góp phần thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên để tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu”.
TS Tăng Chí Thượng cho biết thêm, mô hình của bệnh viện quận Thủ Đức trong phát triển y tế cơ sở thời gian qua đã đạt được nhiều thành công. Sở Y tế sẽ từng bước nhân rộng mô hình ra các bệnh viện khác.
Trước mắt, để phòng khám Đa khoa vệ tinh của bệnh viện Quận Thủ Đức hoạt động thuận lợi, Sở Y tế sẽ bàn bạc với Bảo hiểm Xã hội thành phố triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm và đảm bảo quyền lợi theo hướng có lợi nhất cho người bệnh.
Cứu nạn nhân bị đạn bắn thấu ngực
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/7/427760/
(SGGP).- Ngày 19-7, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết vừa kịp thời cứu sống một nạn nhân bị đạn súng hoa cải bắn xuyên phá nhiều mạch máu lớn ở vùng ngực.
Nạn nhân là Trịnh Minh Hoàng (29 tuổi, ngụ tại Nha Trang, Khánh Hòa), được nhập cấp cứu trong tình trạng vùng cằm và vùng ngực bị thương nặng do bị găm nhiều viên đạn bi, suy hô hấp, mất máu… Ê kíp bác sĩ hội chẩn xác định nạn nhân bị đạn xuyên thấu ngực làm vỡ 2 lỗ ở tĩnh mạch, thủng động mạch dưới đòn, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã cầm máu, truyền 6 đơn vị máu, cắt đôi tĩnh mạch nối lại, đồng thời khâu vị trí động mạch bị xuyên thủng. Sau khi mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dần bình phục, hiện đã tự ngồi, tiếp xúc tốt.
Thông tin ghi nhận trước đó, em của anh Hoàng bị nhiều người đánh tại một tiệm tạp hóa trên địa bàn phường, phải bỏ lại xe máy để chạy thoát thân. Biết tin, anh Hoàng đến để nhận lại xe gắn máy và xác minh xem chuyện gì đã xảy ra, nhưng vừa đến thì bị bắn 3 phát súng liên tiếp trúng ngực, gục xuống, bất tỉnh.
TP.HCM ra mắt trạm y tế đa chuyên khoa đầu tiên
http://plo.vn/suc-khoe/tphcm-ra-mat-tram-y-te-da-chuyen-khoa-dau-tien-641898.html
(PL)- Sáng 20-7, trạm y tế đa chuyên khoa đầu tiên trên cả nước ra mắt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức.
Đây là một trong những mô hình BV vệ tinh được Sở Y tế TP.HCM triển khai trong thời gian qua nhằm giảm tải cho các BV tuyến trên.
Việc lựa chọn Trạm Y tế phường Bình Chiểu là nơi thí điểm đầu tiên do đây là nơi có nhiều KCN như KCN Bình Chiểu, KCN Linh Trung 2, có mật độ dân cư đông nhưng đi lại khó khăn do có quốc lộ cắt ngang và thường xuyên kẹt xe.
BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết: “Hiện tại, trạm y tế đa chuyên khoa đầu tiên này đã có 11 bác sĩ, nhiều điều dưỡng và kỹ thuật viên làm việc, 15 bệnh nhân đang lọc thận. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được BHXH TP.HCM thanh toán chi phí lọc thận nhân tạo theo đúng quy định”.
Có mặt tại buổi lễ, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét thực tế nhiều năm qua cho thấy phần lớn người bệnh tìm đến BV tuyến cuối khám bệnh dẫn đến quá tải. Nếu mô hình này thành công, sắp tới Sở Y tế sẽ từng bước nhân rộng ra các BV khác.
Bệnh nhân đòi bồi thường vì bác sĩ chẩn đoán thiếu chính xác
http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-nhan-doi-boi-thuong-vi-bac-si-chan-doan-thieu-chinh-xac-20160720163503074.htm
Một bệnh nhân bị đau bụng phải đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa, tuy nhiên trong quá trình mổ phát hiện bệnh nhân không bị viêm ruột thừa mà nang buồng trứng đang chảy máu, buộc bác sĩ phải cắt nang, cầm máu gấp. Nhưng sau đó người nhà cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai và xảy ra thưa kiện.
Trong đơn gửi báo chí, anh Nguyễn Văn Lành cho biết, ngày 16/7/2016 vợ anh là chị Nguyễn Thị Mỹ Phương bị đau bụng nên anh đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán vợ anh bị ruột thừa và yêu cầu ký cam kết mổ.
Khoảng 2 tiếng sau khi chị Phương vào phòng mổ, bác sĩ mời anh Lành vào phòng và cho biết chị Phương không bị viêm ruột thừa mà bị xuất huyết nang buồng trứng, hiện ca phẫu thuật đã thành công và chị Phương đang hồi phục.
Sau đó, anh Lành gọi điện thoại cho Giám đốc bệnh viện báo sự việc và được Giám đốc chỉ đạo Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện là bác sĩ La Văn Phú lên giải thích cho anh Lành hiểu sự việc. Khi anh Lành hỏi tại sao chẩn đoán ruột thừa nhưng mổ thì không phải và yêu cầu BV phải có trách nhiệm thì bác sĩ Phú giải thích rằng việc chẩn đoán là bệnh này nhưng khi mổ phát hiện bệnh kia là chuyện có thể gặp trong y khoa. Ở trường hợp này bác sĩ đã mổ và xử trí đúng bệnh.
Không hài lòng với cách giải thích này, anh Lành làm đơn và đưa ra các yêu cầu: Bệnh viện phải bồi thường thỏa đáng số tiền ông đã chi trả và chi phí điều trị cho đến khi vợ ông lành bệnh xuất viện; Sau này sức khỏe vợ ông có ảnh hưởng do vết mổ thì bệnh viện phải chữa trị (miễn phí).
Liên quan đến vụ việc, chiều 29/7, tiếp xúc với PV bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương, (ở Phú Hữu - Châu Thành - Hậu Giang) nhập viện vì đau hố chậu phải, ấn đau, xét nghiệm bạch cầu tăng, có sốt 38 độ, được siêu âm 2 lần đều thấy có dịch, hồng cầu không giảm… nên các bác sĩ nghĩ đến viêm ruột thừa là đúng.
Tuy nhiên, khi mổ ra thì lại là xuất huyết nội do vỡ nang buồng trứng phải (bụng có khoảng 300ml máu loãng và máu cục, các bác sĩ đã xử lý đúng bằng nội soi, lấy mẫu giải phẫu bệnh lý. Trước và sau mổ, bác sĩ đều giải thích cho người nhà rõ và cũng không khẳng định 100% là viêm ruột thừa. Sau mổ bệnh diễn biến thuận lợi, sức khỏe ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Bác sĩ Nghĩa cũng khẳng định, đây không phải sai sót chuyên môn vì bác sĩ đã làm đúng quy trình quy định trong chẩn đoán. Đây cũng không phải tai biến chuyên môn do không có tai biến nào xảy ra. Đây chỉ là chẩn đoán trước khi mổ chưa chính xác, nhưng lại là trường hợp bệnh nhân được cấp cứu thành công. Bác sĩ phẫu thuật đã dành hết lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc cho bệnh nhân.
Tại buổi tiếp xúc phóng viên nêu câu hỏi, tại sao khi mổ phát hiện bệnh nhân bị nang buồng trứng đang chảy máu. Bác sĩ không ngừng cuộc mổ để giải thích cho người nhà?
Bác sĩ La Văn Phú, Trưởng khoa ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP, cho rằng: Cả quá trình phẫu thuật và điều trị cho chị Phương chúng tôi đã thực hiện đúng phác đồ. “Nếu trách chúng tôi không giải thích ngay lúc đó cho người nhà bệnh nhân thì chúng tôi xin chịu vì trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy việc xử lý u nang là việc cần phải làm ngay, hơn nữa việc này không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân, không để lại di chứng, biến chứng gì. Lúc này, cứu bệnh nhân là quan trọng nhất, chúng tôi không thể đóng ổ bụng lại, ra giải thích với người nhà trong lúc máu của bệnh nhân đang chảy”, bác sĩ Phú nói.
Cùng ngày, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tổ chức họp Hội đồng chuyên môn kiểm tra lại toàn bộ quy trình và báo cáo Sở Y tế đồng thời trả lời các cơ quan báo chí.
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Lâm Đồng
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguy-co-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-o-lam-dong-20160720155115449.htm
Ngày 19/7, Trung tâm Y tế dự phòng Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh đang có gần 300 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể đến nay, tại địa bàn thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã có 188 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 173 ca so với cùng kỳ năm 2015. Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc đã phun hóa chất xử lý 15 ổ dịch.
Huyện Bảo Lâm đã có 35 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, số ca mắc tập trung chủ yếu tại các địa phương dọc Quốc lộ 20. Trong khi đó, tại huyện Cát Tiên đã có gần 60 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến Trung tâm y tế huyện điều trị, tăng 100% so với năm 2015.
Theo ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân của tình trạng trên là do khí hậu mưa, nắng thất thường khiến lăng quăng, muỗi phát triển mạnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng cao, ngành y tế tỉnh Lâm Đồng đã thông báo giám sát muỗi tại các điểm thuộc 12 huyện, thành phố. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu các đội y tế dự phòng tuyên truyền và vận động trực tiếp người dân tham gia tích cực thu gom, loại bỏ các vật phế thải có chứa nước, không để muỗi đẻ trứng.
Cơ quan chức năng cũng vận động toàn dân vệ sinh môi trường, ngủ mùng, diệt loăng quăng, khơi thông nước ở các khu dân cư...
Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu bị sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ... thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Nghệ An: Kỷ luật bác sĩ và kíp mổ nhầm tay
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160720/nghe-an-ky-luat-bac-si-va-kip-mo-nham-tay/1140319.html
TTO - Chiều 20-7, ông Hoàng Văn Hảo, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An có báo cáo hình thức kỷ luật bác sĩ và ê kíp “mổ nhầm tay bệnh nhân”.
Theo đó, đối với bác sĩ Trần Văn Tuấn (người tiến hành ca mổ) bị kỷ luật với hình thức “Cảnh cáo trước toàn bệnh viện, đình chỉ hoạt động trong vòng một tháng và phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nếu có di chứng do cuộc phẫu thuật gây ra”.
Đối với kíp mổ, kỷ luật khiển trách và xếp lao động hạng C trong vòng 6 tháng (theo quy định của bệnh viện sẽ bị trừ 20% lương).
Trước đó ngày 16-6, bác sĩ Tuấn tiến hành phẫu thuật lấy đinh ở tay phải cho bệnh nhân Phạm Thành Luân (SN 2010, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Tuy nhiên, Bác sĩ Tuấn tiến hành rạch 1,5cm da ở tay trái bệnh nhân, khi không nhìn thấy đinh thì khâu vết mổ lại và chuyển sang thực hiện phẫu thuật rút đinh ở cẳng tay phải cho bệnh nhân.
Sau việc mổ nhầm và sợ bị bệnh viện kỷ luật Bác sĩ Tuấn giải thích với người nhà bệnh nhân không rõ ràng và không đúng với thực tế cuộc phẫu thuật, gây bức xúc cho người nhà bệnh nhân.
Sau khi có phản ánh từ người nhà bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa 115 có quyêt định tạm đình chỉ công tác với Bác sĩ Tuấn đồng thời thành lập Hội đồng kỷ luật nhằm xác định trách nhiệm những người liên quan.
Bệnh viện cũng tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng cho gia đình bệnh nhân. Theo bệnh viện đa khoa 115, việc đình chỉ công tác bác sĩ Tuấn hết hiệu lực vì bị đình chỉ ngay sau khi phát hiện sai sót.
Khó mổ tách rời cặp song sinh ở Hà Giang
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160720/kho-mo-tach-roi-cap-song-sinh-o-ha-giang/1140175.html
TTO - “Đây là trường hợp song sinh dính nhau phức tạp: chung tim, các mạch máu nằm lạc chỗ, gan dính nhau, đường mật trong gan tách rời nhưng ngoài gan chưa kiểm soát được, một bé có khả năng bị teo ruột sơ sinh".
Ông Trần Bình Giang, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đã đánh giá về cặp song sinh dính nhau chuyển về từ Hà Giang như vậy. Hai bé đang được cộng đồng đặc biệt quan tâm sau câu chuyện về bác sĩ ra chợ xin tiền đưa hai bé về Hà Nội điều trị khởi đăng trên các báo.
Siêu âm trước sinh không phát hiện
Sáu ngày từ khi chào đời và chuyển về Hà Nội, tình trạng hai bé sơ sinh dính nhau được đặt tên là Bàn Văn Đương và Bàn Văn Trung khá hơn hôm mới vào viện nhưng vẫn đang thở máy, tri giác lơ mơ, xung huyết và tím nhẹ toàn thân. Các phần dính nhau đã thăm dò cho thấy hai bé dính tim, gan, dính ngực, bụng... Theo ông Giang, đây là trường hợp khó nhưng vẫn le lói hi vọng.
Anh Bàn Văn Thiệp, cha hai bé, chia sẻ từ đầu năm 2016 anh đã để dành từng vài ngàn đồng tiền công những buổi làm thuê ít ỏi để đưa vợ đi sinh. Tổng cộng khoản tiết kiệm ấy được 2,5 triệu đồng.
Đến khi vợ sinh con, anh và vợ vô cùng hoảng hốt khi thấy con dính nhau từ ngực đến bụng. Lúc này, trong túi anh chỉ còn 200.000 đồng, vay thêm hàng xóm 400.000 đồng, anh lo không biết làm thế nào về Hà Nội.
Nhưng anh Thiệp đã gặp một nghĩa cử bất ngờ đầy xúc động: bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung - phó giám đốc Bệnh viện huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi hai con anh được sinh ra - và ba đồng nghiệp khác đã ra chợ, xin cho anh hơn 7 triệu đồng đưa con đi Hà Nội.
Theo anh Thiệp, dù rất nghèo nhưng trong thời gian vợ anh mang thai, vợ anh Thiệp siêu âm thai hai lần khi thai nhi ở tuần thứ 16 và tuần 32, nhưng chỉ phát hiện chị có song thai, không phát hiện ra hai bé dính nhau. Theo ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế và là chuyên gia về sản khoa, nếu chẩn đoán sơ sinh ở tuyến dưới tốt hơn thì có thể phát hiện các dị tật này từ sớm hơn.
Hi vọng le lói
Bệnh viện Việt Đức đang nỗ lực chăm sóc hai bé Trung, Đương, nhưng khi đi thăm hai bé ngày 19-7, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế, đã yêu cầu mời thêm các chuyên gia về sơ sinh, theo bà Tiến là dinh dưỡng rất quan trọng. "Ngày điều trị thứ 6 tôi thấy các bé có khá hơn, đặc biệt là bé Đương. Nên mời thêm các chuyên gia vì đây là trường hợp rất khó"- bà Tiến nói.
Trong những giây phút khó khăn này, điều khiến mọi người thấy là tình người. Các nhà hảo tâm đến Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ cho hai bé trên 162 triệu đồng, tài khoản cá nhân của gia đình cũng đã nhận được trên 100 triệu đồng từ những người hoàn toàn xa lạ, một người xa lạ khác đã trả tiền cho cha và ông nội các bé có chỗ ở miễn phí. Những điều gia đình anh Thiệp không tưởng tượng được khi rời quê nhà Vị Xuyên, Hà Giang.
Đã có một chuyên gia về tim của Đài Loan tới hội chẩn cho hai bé Trung và Đương, các thầy thuốc giỏi nhất Bệnh viện Việt Đức được huy động, chuyên gia về tách song sinh dính nhau Nguyễn Thanh Liêm cũng sẵn sàng hỗ trợ. Nếu được nuôi dưỡng và hồi sức tích cực, vượt qua được giai đoạn khó khăn này và được 5-6 tháng tuổi, hai bé có thể được mổ tách và có cuộc đời của riêng mình, dù hi vọng chỉ là le lói.
Bệnh viện mổ nhầm chân: Trưởng khoa nhận lỗi, phó khoa hù doạ?
http://www.nguoiduatin.vn/benh-vien-mo-nham-chan-truong-khoa-nhan-loi-pho-khoa-hu-doa-a250990.html
Trao đổi với gia đình, ông Quang, người xưng là phó khoa CTCH3 ban đầu tỏ thái độ cầu thị, nhưng sau lại nói ý, để chuyện này bung bét ra chỉ còn cách dựa vào luật để giải quyết.
Trưởng phòng CTXH: Mong gia đình cùng bệnh viện dắt tay nhau đi qua…
Tham dự cuộc trò truyện với gia đình người bệnh bị cắt nhầm chân Trần Văn Thảo (37 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội) vào tối ngày 19/7 có ông Sơn, Trưởng phòng Công tác xã hội. Trao đổi với người nhà, ông khá nhã nhặn cho biết, Bệnh viện Việt Đức có truyền thống hàng trăm năm nay, việc này nên có sự cầu thị rõ ràng.
Ông Sơn nói, không ai muốn làm việc này ầm ĩ cả, mong gia đình cùng bệnh viện dắt tay nhau đi qua việc này cho dễ dàng nhất.
“Em có đề đạt gì em cứ nói, bọn anh sẽ có hướng cùng gia đình, tạo ra sự đồng thuận để bước qua chuyện này. Bọn anh cũng không có quyền can thiệp cái mong muốn của em. Nhưng nếu em thiện chí thì bọn anh cũng sẽ hết sức thiện chí.” – ông Sơn nói với gia đình bệnh nhân.
Ông cũng cho hay, cần nhìn nhận vấn đề nghiêm túc, dứt khoát, không bao che cho lỗi này. Lỗi đâu phải xử lý đến đấy. Đồng thời phải có những động viên, chia sẻ kịp thời với gia đình nạn nhân.
“Cái chi phí phát sinh chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn trả gia đình. Cái thứ 2 chúng tôi sẽ chăm sóc bệnh nhân hiệu quả. Chị hình dung tai nạn giao thông ngoài đường cũng là tai nạn không ai mong muốn cả, cũng phải có 1 bên bồi thường và đây cũng giống vậy, chúng tôi sẽ đáp ứng đề đạt của gia đình với chúng tôi.”
Tuy nhiên, ông Sơn cũng bày tỏ sự lo lắng: “Đây là bác sĩ trẻ, triển vọng, mai anh ấy bị kỷ luật, bị stress tâm lý rồi cả đời anh ấy không cầm được dao mổ, bản thân anh ấy rất trăn trở.
Trưởng khoa nhã nhặn, Phó khoa hù dọa?
Trưởng khoa nhã nhặn, Phó khoa hù dọa?
Khi nói về trách nhiệm của Khoa trong việc giải quyết vụ mổ nhầm chân cho bệnh nhân, ông Lê Mạnh Sơn – Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình 3 cho hay, về mặt chuyên môn phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không phải chỉ lần này mà còn tránh những lần sau, tuyệt đối không để có chuyện này lần hai, mặc dù điều này không ai mong muốn.
Thứ 2 sẽ phải có những cái động viên, hỗ trợ thăm hỏi gia đình đầy đủ để làm sao đoạt được sự thoải mái từ 2 bên, cùng giúp nhau bước qua việc này. Mong sao giải quyết êm thấm giữa bệnh viện với gia đình, tránh việc làm to khiến công việc càng khó khăn hơn.
Và mong gia đình bệnh nhân hợp tác để tránh chuyện nó rùm beng. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng khoa sẽ thể theo nguyện vọng của gia đình giải quyết.
Trong khi ông Sơn trao đổi rất thiện chí Thì ông Quang, người tự xưng là phó khoa CTCH3 lại khăng khăng: “Chốt lại chúng ta vì bệnh nhân đã, còn chi phí bệnh nhân nằm đây bao nhiêu lúc đó chúng ta sẽ nói.
Muốn giải quyết vấn đề tình nghĩa với nhau thì chúng tôi rất sẵn sàng, thiện chí cùng gia đinh giải quyết. Nhưng gia đình cũng phải ngược lại một tí, chúng tôi thiện chí thì gia đình cũng phải thiện chí. Chứ còn nếu đã bung bét ra rồi thì lúc đấy cũng khó, lúc đấy lại phải dựa vào luật. Luật thì nó phải có thời gian. Nếu gia đình có thiện chí thì xin phép gia đình không nên phổ biến lớn. Lúc đấy lại phải dựa vào luật”.
Tuy nhiên, tới sáng ngày 20/7, trong cuộc họp báo lãnh đạo khoa CTCH3 đã xin lỗi bệnh nhân, gia đình và dư luận. Thái độ thách thức được thay thế bằng sự hối lỗi chỉ sau một đêm...
Cấp cứu hai thí sinh nước ngoài dự thi Olympic sinh học Quốc tế tại Việt Nam
http://dantri.com.vn/suc-khoe/cap-cuu-hai-thi-sinh-nuoc-ngoai-du-thi-olympic-sinh-hoc-quoc-te-tai-viet-nam-20160720212134278.htm
Hai thí sinh nước ngoài đang ở Việt Nam, một người bất ngờ lên cơn co giật, người còn lại bị sốt, rối loạn tiêu hoá phải nhập viện.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E Trung ương, chi biết, khoảng trưa ngày 19/7, Bệnh viện E đã tiếp nhận 2 bệnh nhân đặc biệt, là hai thí sinh nước ngoài đến Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic sinh học Quốc tế.
Theo đó, thí sinh nam người Slovakia vào viện trong tình trạng co giật, có tiền sử động kinh và một thí sinh nữ người Latvia vào viện trong tình trạng sốt, rối loạn tiêu hóa. Hai bệnh nhân đã được cấp cứu, thăm khám kịp thời, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Sáng 20/7, đại diện Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh và PGS.TS Đặng Xuân Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sự phạm Hà Nội, Phó BTC kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 –IBO 2016 đang diễn ra tại Việt Nam đã đến thăm hai bệnh nhân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị BV E tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc và điều trị cho 2 thí sinh.
Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 - IBO 2016 năm nay có 251 học sinh và 238 giáo viên từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trước đó để đảm bảo công tác y tế phục vụ sự kiện này, Ban Tổ chức IBO 2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành Kế hoạch về công tác y tế phục vụ Kỳ thi.
Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện bố trí các Tổ y tế, bệnh viện để xử trí các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương và chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp bất thường xảy ra.
Sàng lọc trước sinh để trẻ ra đời khỏe mạnh
http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/sang-loc-truoc-sinh-de-tre-ra-doi-khoe-manh-2070139-b.htm
GD&TĐ - Em bé sinh ra bị đa dị tật ở Gia Lai hay cặp song sinh ở Hà Giang dính liền từ ngực đến bụng, chung dây rốn và nhiều bệnh khác như down, nứt đốt sống, tim, sứt môi hở hàm ếch... là những dị tật có thể rơi vào bất kỳ trẻ nào.
Những dị tật trên đều có thể hạn chế hoặc phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp nếu như người mẹ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình trước, trong thời gian mang thai cũng như thực hiện việc sàng lọc trước sinh tại cơ sở y tế.
Những đứa trẻ kém may
Những ngày qua, thông tin về hai bé sơ sinh dính liền nhau người Hà Giang thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Hai bé sinh ngày 13/7 tại Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên bằng phương pháp mổ do thai đôi, ngôi đầu, ối vỡ sớm và có dấu hiệu suy thai. Trong khi mổ các bác sĩ phát hiện 2 bé dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4.900gr.
Qua thăm khám sơ bộ, các bộ phận tim phổi thận của hai cháu vẫn tách rời. Để đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe, 2 bé được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên các bác sĩ Bệnh viện Vị Xuyên phải quyên góp và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để gia đình có kinh phí chuyển viện. Hiện các bác sĩ vẫn tiếp tục chiến dịch ủng hộ để 2 bé có cơ hội được tách rời khi sức khỏe cho phép.
Trước đó, tại Gia Lai, một sản phụ cũng bất ngờ khi bác sĩ thông báo con mình sinh ra bị đa dị tật do chứng bệnh hiếm gặp Treacher chollins. Điều đáng nói ở chỗ, trước đó mẹ bé có đi siêu âm 2 lần và cả hai lần bác sĩ đều không phát hiện bất thường về hình thể. Liên quan đến phòng khám trên, lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai đã có văn bản kết luận phòng khám Thảo Nguyên (phường Tây Sơn, TP Pleiku) nơi siêu âm cho sản phụ có thai nhi mắc đa dị tật chưa đảm bảo chuyên môn về siêu âm, chẩn đoán hình thái học thai nhi, siêu âm sàng lọc các dị tật cho thai nhi. Thanh tra Sở Y tế tỉnh này đang tổ chức kiểm tra, xem xét về chuyên môn, năng lực của phòng khám Thảo Nguyên để đề xuất hướng xử lý.
Thực hiện các đợt kiểm tra cần thiết
Hiểu biết về các loại dị tật bẩm sinh sẽ giúp mẹ bầu chủ động trong việc phòng ngừa dị tật cho bé, đồng thời cũng an tâm và bình tĩnh hơn khi đối diện với những nguy cơ cảnh báo dị tật được phát hiện trong những lần thăm khám tiền sản suốt thai kỳ và cả sau khi sinh bé. Năm 2015, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Từ Dũ (TPHCM) đã tiến hành phẫu thuật tim cho em bé vừa chào đời. Trước đó, ở tuần thứ 25, bé được phát hiện bị tim bẩm sinh, nếu không phẫu thuật sẽ khó qua khỏi. Vì vậy, ngay khi ra khỏi bụng mẹ ở tuần 37, các bác sĩ tiến hành hồi sức, phẫu thuật, đặt máy tạo nhịp để nâng nhịp tim từ 38 lên 136 lần/phút. Bé đã được cứu sống ngoạn mục.
Tương tự, một ca mổ đặc biệt tại Bệnh viện E (Hà Nội) để đón em bé chào đời và phẫu thuật tim khi em được 10 giờ tuổi. Qua khám sàng lọc, bé được phát hiện mắc bệnh tim ở tuần thứ 28.
Theo GS. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, em bé bị teo van động mạch phổi vách liên thất nguyên vẹn. Đây là một bệnh tim bẩm sinh vô cùng nặng, đòi hỏi cần phải can thiệp ngay sau khi sinh bằng thuốc, hoặc bằng can thiệp tim mạch, hoặc phẫu thuật tim, nếu không bé có thể tử vong trong vài giờ đầu hoặc vài ngày đầu sau sinh; đặc biệt là tử vong hết sức đột ngột.
GS Thành cho biết: Dị tật tim bẩm sinh trong bào thai gần như không có biểu hiện, thai vẫn phát triển bình thường, trừ trường hợp suy tim nặng gây phù thai nên phần lớn mọi người và cả bác sĩ siêu âm thường chủ quan. Bởi vậy, một lưu ý với chị em là cần chú ý đến các lần khám thai, siêu âm cũng như xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra bất thường của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ; nhằm có hướng điều trị kịp thời nếu chẳng may phát hiện sự phát triển bất thường của thai nhi.
Dị tật bẩm sinh là một chủ đề khá nhạy cảm mà ít mẹ bầu nào muốn nhắc đến. Tuy nhiên trong khoảng 1 triệu trẻ em chào đời mỗi năm vẫn có nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh chứng tỏ những khuyết tật này có thể rơi vào bất kỳ em bé nào. Đây là lý do các bác sĩ luôn khuyên bà bầu cần phải quan tâm hơn đến các nguyên nhân gây dị tật cho bé ngay trước hoặc trong thai kỳ, để phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra bởi có khoảng 60 – 70% dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ yếu tố môi trường hoặc di truyền.
Phụ nữ có thể truyền Zika sang nam giới?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-nu-co-the-truyen-zika-sang-nam-gioi-20160720155058103.htm
Ca bệnh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục từ nữ sang nam đầu tiên đã được ghi nhận ở thành phố New York, làm tăng khả năng vi rút có thể lan rộng hơn vượt khỏi những quốc gia đang có dịch và chủ yếu lây truyền qua muỗi.
Đã có mối lo ngại ngày càng tăng về sự nguy hiểm của lây truyền qua đường tình dục, nhưng cho đến nay vi rút mới chỉ được cho là lây truyền từ nam sang nữ hoặc từ nam sang nam.
"Đây là báo cáo đầu tiên của lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục từ nữ sang nam," báo cáo hôm thứ Sáu của CDC và Phòng Y tế và và vệ sinh tâm thần thành phố New York cho biết.
Cách thức hoạt động của vi rút Zika vẫn còn nhiều bí ẩn và vẫn là một thách thức trong việc phát hiện; 80% số người nhiễm không có triệu chứng. Đối với những người bị bệnh, bệnh thường nhẹ, và chưa có thuốc điều trị.
Nhưng Zika có thể gây nguy cơ nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai. Nó tác động vào các tế bào thần kinh đang phát triển ở thai nhi và có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh gọi là tật đầu nhỏ. Vi rút cũng có thể gây ra các vấn đề về phát triển sau khi sinh.
Zika chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Nhưng 11 quốc gia đã ghi nhận những trường hợp lây truyền qua đường tình dục từ nam sang nữ. Trong số 1.130 người có chẩn đoán Zika ở lục địa Hoa Kỳ, bao gồm 320 phụ nữ mang thai, CDC đã báo cáo 15 trường hợp lây truyền qua đường tình dục.
Đã có ít nhất 7 trẻ bị dị tật bẩm sinh và 5 trường hợp sảy thai liên quan đến Zika tại Mỹ. Chi phí chăm sóc suốt đời ước tính là 10 triệu đô la cho mỗi em bé bị bệnh.
Ca bệnh ở New York là trường hợp đầu tiên trong đó nam giới bị lây nhiễm từ phụ nữ, và làm tăng triển vọng rằng những nam giới khác - không có tiền sử đến những vùng có Zika và do đó không có lý do để nghi ngờ họ có thể nhiễm vi rút - có thể bị lây nhiễm và truyền vi rút, tạo ra một chuỗi lây truyền mới.
Ca lây nhiễm hy hữu
Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một nam thanh niên độ tuổi 20 tuổi và không đi ra ngoài nước Mỹ trong năm trước khi bị bệnh, đã nhiễm vi rút sau khi quan hệ không dùng bao cao su với một phụ nữ gần đây mới trở về từ một nước có dịch Zika.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp này có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm: Chàng trai không cắt bao quy đầu, cô gái đang trong giai đoạn đầu của bệnh khi lượng vi rút ở mức cao, và cũng đang bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Người phụ nữ, được mô tả là ở độ tuổi 20 và không có thai, quan hệ với bệnh nhân vào ngày trở về thành phố. Báo cáo không cho biết tên nước mà cô gái đã đến, nhưng vi rút hiện đang lan khắp gần 50 nước ở Nam Mỹ và vùng Caribbe.
Cô gái cho biết bị đau đầu và đau bụng trong khi ở sân bay trước khi trở về New York. Ngày hôm sau, cô gái đã xuất hiện một số triệu chứng liên quan với Zika, bao gồm sốt, mệt mỏi, phát ban, đau lưng, sưng các chi, và tê bì ở bàn tay và bàn chân.
Cô gái cho biết kinh nguyệt cũng bắt đầu từ ngày hôm đó, và nhiều hơn so với bình thường.
Bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cô gái đã gửi các mẫu máu và nước tiểu đến phòng xét nghiệm của Sở y tế thành phố và của bang để xét nghiệm. Các xét nghiệm đã phát hiện thấy vi rút nhưng không thấy kháng thể, gợi ý đây là trường hợp nhiễm mới; thường thì phải mất bốn hoặc năm ngày để cơ thể bắt đầu sản xuất kháng thể.
7 ngày sau khi quan hệ, chàng trai bị sốt, tiếp theo là một phát ban, đau khớp và viêm kết mạc. Báo cáo cho biết trước đó chàng trai không có bất kỳ bạn tình nào khác, cũng như không bị muỗi đốt trong vòng một tuần trước khi phát bệnh.
Ba ngày sau đó, chàng trai đã đi khám bác sĩ, người đã chẩn đoán Zika ở cô gái. Bác sĩ đã gửi các mẫu nước tiểu của chàng thanh niên đi xét nghiệm và vi rút đã được phát hiện.
Chưa rõ vi rút lây qua máu kinh nguyệt hay qua dịch âm đạo. Nếu vi rút truyền qua dịch âm đạo, có rất ít thông tin về thời gian vi rút tồn tại ở đó hoặc nguy cơ lây truyền trong khi quan hệ lớn đến mức nào. Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu gần đây trên khỉ, trong đó vi rút hiện diện trong dịch âm đạo của những con cái không có thai đến 7 ngày sau khi phơi nhiễm.
Zika trước đây đã được biết là có thể lây truyền qua tinh dịch, nơi nó có thể tồn tại nhiều tháng. Các hướng dẫn hiện hành nói rằng nam giới có thể đã phơi nhiễm nên kiêng quan hệ hoặc sử dụng bao cao su trong 6 tháng.
Phụ nữ có thai hoặc đang cố gắng thụ thai được cảnh báo không quan hệ tình dục không an toàn với nam giới đã từng ở trong vùng có vi rút lây lan trong thời gian đó.
Mặc dù chỉ là một trường hợp, song việc bệnh có thể lây từ nữ sang nam sẽ phải được tính đến trong đáp ứng từ các cơ quan y tế công cộng .
Muỗi Aedes aegypti vẫn là đường lây truyền chính. Tại Mỹ, loài muỗi này được tìm thấy chủ yếu ở miền Nam và Tây Nam , mặc dù phạm vi của nó có thể mở rộng vào mùa hè. Muỗi không có ở New York , nhưng một loài tương tự là muỗi vằn châu Á về mặt lý thuyết có thể đặt ra hiểm họa lây truyền bệnh.
Đáp lại, thành phố New York đã tăng cường kiểm soát và giám sát muỗi, và sẽ sớm bắt đầu một chiến dịch giáo dục cộng đồng mới để nêu bật các nguy cơ do muỗi đồng thời nhấn mạnh nguy cơ lây truyền qua đường tình dục.
Thử nghiệm văcxin HIV mới ở Nam Phi
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201607/thu-nghiem-vacxin-hiv-moi-o-nam-phi-2716815/
5.400 người Nam Phi được thử nghiệm văcxin HIV mới vào tháng 11, mở ra hy vọng về loại văcxin HIV đầu tiên trên thế giới.
Văcxin trên có tên ALVAC-HIV/gp120, là phiên bản cải tiến của văcxin RV144 do Thái Lan sản xuất đã được chứng minh làm giảm 30% nguy cơ nhiễm HIV. Theo City Press, thử nghiệm diễn ra trên 5.400 tình nguyện viên âm tính với virus tại 15 điểm thuộc lãnh thổ Nam Phi. Năm ngoái, ALVAC-HIV/gp120 đã được dùng cho 252 người và thu về kết quả "vượt quá mong đợi".
"Chúng tôi đã thay đổi lượng tá dược để tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, đồng thời thêm một mũi nhắc lại để kéo dài thời gian bảo vệ", Linda-Gail Bekker, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV Desmond Tutu ở Cape Town cho biết. Trong vòng 12 tháng, các tình nguyện viên sẽ nhận 5 mũi tiêm. Thời gian theo dõi để xác định tác dụng của văc xin là 2 năm.
Các chuyên gia đánh giá ALVAC-HIV/gp120 tỏ ra rất hứa hẹn, đáp ứng tốt với cơ địa người châu Phi và không gây tác dụng phụ. "Đây là cuộc thử nghiệm quan trọng có thể dẫn đến loại văcxin HIV đầu tiên được cấp phép ở Nam Phi nói riêng và toàn thế giới nói chung", Larry Corey, thanh tra viên cuộc thử nghiệm nhận định.