Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 22/11/2016

  • |
T5g.org.vn - TPHCM: Số người nhiễm Zika mỗi ngày một "leo thang" ; TP.HCM: 62 trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika; Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm virus Zika; Hơn 200 bệnh nhi mòn mỏi chờ ghép tạng;

TPHCM: Số người nhiễm Zika mỗi ngày một "leo thang"

http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/suc-khoe-cong-dong/201611/tphcm-so-nguoi-nhiem-zika-moi-ngay-mot-leo-thang-2524619/

Danh sách của nạn nhân nhiễm vi rút Zika mỗi ngày một dài thêm bất chấp nỗ lực phòng chống của ngành y tế. Chỉ trong vòng 4 ngày trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 16 ca nhiễm mới.

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố ngày 21/11 cho biết, tính đến chiều 20/11 thành phố ghi nhận thêm 5 trường hợp nhiễm Zika nâng tổng số người mắc bệnh do loại vi rút này lên 62.

Số người mới mắc bệnh được xác định tại quận Gò Vấp (1 ca); Tân Bình (2 ca); Bình Thạnh (2 ca). Tính đến nay đã có 16/24 quận huyện xuất hiện ca bệnh, trong đó Bình Thạnh (13 ca); quận 2 (10 ca); quận 9; quận 12; quận Tân Phú (cùng 6 ca) là những địa phương có số người nhiễm Zika nhiều nhất.

Bất chấp nỗ lực phòng chống dịch thành phố đang triển khai, số ca bệnh đang ngày càng “leo thang”. Nếu tháng trước, việc xét nghiệm trong một tuần chỉ ghi nhận vài trường hợp thì đến nay, số ca bệnh xuất hiện liên tục và tăng cao. Tính riêng từ ngày 17 đến ngày 20/11, toàn thành phố đã ghi nhận 16 người mới mắc Zika.

Theo nhận định của các chuyên gia, thực tế trên cho thấy, bệnh đang lưu hành rộng trong cộng đồng, số người mắc Zika cao hơn rất nhiều so với số bệnh nhân đã được ghi nhận. Khi tỷ lệ người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm truy tìm vi rút Zika ngày càng nhiều thì số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.

Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, thực hiện các giải pháp phòng chống muỗi đốt như ngủ mùng thường xuyên, sử dụng nhang xua đuổi muỗi, bôi kem chống muỗi, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không sử dụng đến, thả cá 7 màu vào lu nước, bể nước sinh hoạt để tiêu diệt lăng quăng... để ngăn chặn sự sinh trưởng và phát tán của muỗi truyền bệnh.

Zika được xác định là nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh nếu người mẹ nhiễm bệnh trong thai kỳ. Do đó, thai phụ mang thai trong 3 tháng đầu nếu sức khỏe có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, hỗ trợ điều trị kịp thời.

 

TP.HCM: 62 trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika

http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-62-truong-hop-nhiem-benh-do-vi-rut-zika.aspx

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến chiều ngày 20-11, toàn thành phố đã có 62 trường hợp nhiễm vi rút Zika xảy ra tại 16/24 quận huyện.

Trong đó, quận có trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika nhiều nhất là quận Bình Thạnh với 13 ca, quận 2 có 10 ca, tiếp đến là các quận 9, 12 và Tân Phú mỗi quận có 6 ca xác định dương tính với vi rút Zika…

Các trường hợp trên được chẩn đoán xác định qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết Dengue - bệnh Chikungunya - bệnh do vi rút Zika của Sở Y tế TP.HCM và đã được điều tra dịch tễ.

Đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, các biện pháp phòng dịch cụ thể đã được Sở Y tế đưa ra từ lâu nhưng việc thực hiện tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả. Qua giám sát, ngành y tế phát hiện nhiều nơi vẫn còn tồn tại các vật chứa nước, bãi nước đọng có lăng quăng, nhiều người dân chưa quan tâm về dịch bệnh Zika để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống./.

 

Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm virus Zika

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/441453/

http://www.vietnamplus.vn/them-ca-nhiem-virus-zika-tren-dia-ban-tinh-ba-riavung-tau/417181.vnp

http://cand.com.vn/y-te/hai-chi-em-ruot-cung-nhiem-virus-zika-417987/

http://laodong.com.vn/suc-khoe/ba-riavung-tau-phat-hien-truong-hop-thu-2-nhiem-virus-zika-613244.bld

Ngày 21-11, ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm Zika mới. Đây là ca nhiễm virus Zika thứ 2 được phát hiện trên địa bàn tỉnh này.

Theo thông tin từ ngành Y tế của tỉnh, một phụ nữ 22 tuổi, là chị gái ruột và ở cùng nhà với bệnh nhân đầu tiên được phát hiện tại khu phố Tân Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành. 

Ông Phạm Minh An - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 31-10, sau bệnh nhân nam đầu tiên 1 ngày, với các triệu chứng sốt, phát ban nên được khám, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bà Rịa. Tại đây bệnh nhân được xét nghiệm máu và gửi mẫu xét nghiệm lên Viện Paster TP.HCM.
Đến ngày 17-11 Viện Pasteur đã có kết quả là bệnh nhân này dương tính với vi rút Zika.

Trong ngày 21-11, ngay sau khi được Viện Paster thông báo kết quả ghi nhận bệnh nhân thứ 2 dương tính với Zika, ngành Y tế tỉnh đã khoanh vùng ổ dịch, điều tra dịch tễ và xử lý triệt để ổ dịch. Tổ chức diệt lăng quăng, phun hóa chất trong khu vực ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời khám, tư vấn cho 72 phụ nữ có thai tại thị trấn Phú Mỹ và 8 phụ nữ có thai tại khu phố Tân Phú, huyện Tân Thành.

Hiện tại tất cả các phụ nữ có thai trên sức khỏe bình thường. Ngành Y tế cũng đã tư vấn, hướng dẫn các phụ nữ có thai cách phòng chống bệnh do vi rút Zika, thường xuyên khám thai để được chăm sóc thai trước sinh.

 

Ngày nào TP.HCM cũng có người nhiễm virut Zika mới

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161121/ngay-nao-tphcm-cung-co-nguoi-nhiem-virut-zika-moi/1222867.html

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết tính đến ngày 20-11-2016, TP đã có 62 ca nhiễm virut Zika, trong đó có 5 trường hợp mới được phát hiện. 

Những trường hợp mới gồm 1 ca ở Q. Gò Vấp, 2 ca ở Q. Tân Bình, 2 ca ở Q. Bình Thạnh. Trong 5 ca mới có hai ca ở  quận Tân Bình, quận chưa từng có người được phát hiện mắc virut Zika trước đó.  Q.Bình Thạnh vẫn là quận đứng đầu TP với số ca mắc hiện đã lên đến 13 ca, đứng thứ nhì là Q.2 với 10 ca.

Như vậy đến nay, TP đã có 16/24 quận huyện ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika. Liên tục trong 4 ngày qua, ngày 17, 18, 19, 20-11, ngày nào TP cũng có trường hợp nhiễm virut Zika mới được công bố với số ca dao động từ 5-8 ca. 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng,  hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh,  tuy nhiên mọi người, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

 

Hơn 200 bệnh nhi mòn mỏi chờ ghép tạng

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/hon-200-benh-nhi-mon-moi-cho-ghep-tang-666681.html

Ghép tạng cho bệnh nhi vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về kỹ thuật và khó khăn về nguồn tạng, kinh phí quá cao.

Nếu không gặp khó về nguồn tạng, về khoảng cách địa lý thì nhiều gia đình vẫn phải cắn răng đưa con về trước chi phí ghép tạng vượt mức kinh tế gia đình cho phép. Kinh phí lại luôn là trở ngại lớn nhất của các gia đình có con cái đang được chỉ định ghép tạng.

Mỏi mòn chờ đợi

Vào khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 những ngày giữa tháng 11-2016, cậu bé Phạm Đức Bảo (Di Linh, Lâm Đồng) chưa đầy hai tuổi nhưng nước da vàng tái hẳn đi, ánh mắt mệt mỏi nằm trong lòng mẹ cứ chút chút lại khóc, trở mình liên tục. Bé Bảo bị bệnh lý về gan sau sinh kể từ những ngày đầu tháng 3-2015. Đến nay đã hơn một năm hai vợ chồng chị Lê Thị Hoa liên tục đưa con đi tái khám, lấy thuốc và chờ đợi.

Bé Bảo được chỉ định ghép gan từ rất lâu và đó là biện pháp duy nhất có thể giúp Bảo khỏe mạnh lại như bao đứa trẻ khác. Gia đình đã chuẩn bị kinh phí. Thế nhưng việc tìm nguồn gan tương thích cho bé Bảo là điều quá khó.

Tôi đã xin nghỉ việc, sẵn sàng mọi thứ nhưng lại không có nguồn gan. Cả nhà được các BS thử mẫu, xét nghiệm toàn bộ nhưng đều không thể. Nay mỗi tháng lại chạy lên BV vài lần tái khám, lần nào BS điện thoại là lại hy vọng. Vậy mà hơn một năm vẫn phải chờ đợi, không biết thằng bé có chờ được đến lúc có người cho gan không” - chị Hoa ngậm ngùi.

Chị Lương Thị Ngọc Thúy (Đầm Dơi, Cà Mau) trăn trở: “Con tôi bị teo đường mật bẩm sinh, đã hơn một năm bám BV. BS cho biết ghép gan là biện pháp duy nhất. Mặc dù chi phí phẫu thuật đã được BHYT hỗ trợ rất nhiều nhưng những khoản còn lại cũng quá lớn đối với gia đình quanh năm bám ruộng vườn như tôi. Sau phẫu thuật còn phải ở phòng đặc biệt, vô trùng suốt thời gian dài, dùng nhà vệ sinh riêng, cách ly với ô nhiễm…, tôi nghe thôi cũng đã thấy đuối. Giờ chỉ biết nhìn con rồi xin lỗi con. Vì ba mẹ đã cố gắng hết sức rồi cũng không thể mang đến cho con cuộc sống được” - chị Thúy tâm sự.

Cố gắng và hy vọng

Hiện tại khu vực phía Nam, chỉ tính riêng hai BV nhi lớn là BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã có tới hơn 200 ca đang mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng. Cố gắng lắm từ năm 2005 đến nay, nơi có thể thực hiện ghép gan, thận nhi duy nhất khu vực phía Nam là BV Nhi đồng 2 cũng chỉ mới thực hiện được 10 ca ghép gan, 15 ca ghép thận. Theo đánh giá của các BS, con số này là quá ít so với nhu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ThS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc phụ trách chương trình ghép tạng BV Nhi đồng 2, cho biết BV Nhi đồng 2 hiện tại được xem là trung tâm ghép tạng nhi duy nhất tại miền Nam trong khi nhu cầu rất nhiều về các bệnh lý gan, mật, suy thận mạn… cần ghép tạng rất nhiều. Sở dĩ ghép tạng nhi vẫn đang loay hoay là vì nhiều lý do, trong đó lý do về nguồn tạng, về kinh phí, khoảng cách địa lý...

Trung bình chi phí cho một ca ghép tạng khoảng 500 triệu đồng nhưng chi phí chuẩn bị, sau phẫu thuật và tuân thủ quy định an toàn ghép tạng cho bệnh nhi có thể lên đến 1,5-2 tỉ đồng. Con số này không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Mặc dù BHYT hỗ trợ khá nhiều trong phần thuốc ức chế miễn dịch nhưng khó khăn vẫn rất lớn.

Vấn đề thứ hai đang là thách thức chung của ghép tạng cả nước đó chính là nguồn tạng. Theo BS Phạm Ngọc Thạch, hiện tại chưa có một ca ghép gan nào tại BV Nhi đồng 2 được lấy từ người cho chết não, tất cả đều được lấy từ người cho sống và đa phần là từ người trong gia đình. Nguyên nhân là do cách tiếp cận và lấy gan cho trẻ em hoàn toàn khác với người lớn. Để lấy được tạng ghép cho trẻ em đòi hỏi rất nhiều thứ nhưng kỹ thuật này vẫn chưa được hoàn thiện.

Thực tế các ca ghép gan vừa qua đều nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sư người nước ngoài. Thời gian tới BV Nhi đồng 2 sẽ có kế hoạch mời các giáo sư nước ngoài về dạy kỹ thuật, cũng như cử BS sang các nước có kỹ thuật cao để học hỏi, hoàn thiện việc lấy tạng, ghép tạng.

Bé Nguyễn Văn Trí Hào (quận Tân Bình, TP.HCM) là ca ghép gan thứ 10 thành công tại BV Nhi đồng 2. Ca mổ được thực hiện vào ngày 4-10-2016 dưới sự thực hiện của TS-BS Trần Đông A, cùng sự hỗ trợ của các giáo sư nước ngoài. Sau 28 ngày xuất viện, Trí Hào từ một cậu bé có màu da vàng đã khỏe mạnh, lanh lợi và được đánh giá là một trong những ca phẫu thuật xuất viện nhanh nhất từ trước đến nay.

Theo kế hoạch đã được Sở Y tế TP.HCM thông qua, sắp tới BV Nhi đồng 2 sẽ xây dựng trung tâm kỹ thuật cao về ghép tạng. Khi cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người đảm bảo, trung tâm sẽ tiếp cận được nhiều nguồn tạng khác nhau, trẻ em sẽ có nhiều hy vọng hơn. Dự kiến BV Nhi đồng 2 sẽ thực hiện ca ghép gan tiếp theo vào tháng 3-2017.

 

Hỗ trợ khẩn cấp Hà Tĩnh 30.000 liều vắc xin dập dịch tai xanh

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ho-tro-khan-cap-ha-tinh-30000-lieu-vac-xin-dap-dich-tai-xanh-20161121141648342.htm

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Hà Tĩnh 30.000 liều vắc xin phòng bệnh tai xanh cùng hàng chục ngàn lít hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ nguồn dự trữ quốc gia giúp tỉnh này dập tắt ổ dịch tai xanh bùng phát tại nhiều địa phương.

Nguồn tin từ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 19/10, dịch lợn tai xanh bắt đầu phát sinh tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, sau đó dịch lây lan, bùng phát tiếp tại các xã Cẩm Thăng, Cẩm Phúc, Cẩm Dương, và Thạch Bình (TP Hà Tĩnh).

Để khống chế dịch lợn tai xanh hoành hành tại các xã nói trên, Chi cục Thú y tỉnh, Cơ quan Thú y vùng III (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cùng với các địa phương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp chống dịch trực tiếp tại các xã đang có dịch, từ tiêu hủy hơn 1.100 con bị nhiễm bệnh, đến tiêm phòng bao vây vùng dịch và vùng đệm đến xử lý tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Tổng cộng cơ quan chức năng đã cấp hơn 30.000 liều vắc xin tai xanh cho các địa phương tiêm bao vây vùng dịch; cấp 1,1 tấn hóa chất Benkocid phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh – Nguyễn Văn Việt- cho hay, đến thời điểm này về cơ bản Hà Tĩnh đã khống chế được đợt dịch này.

Tuy nhiên, theo ông Việt, trước những nguy cơ dịch tai xanh có thể tái phát trên diện rộng trong khi điều kiện ngân sách hạn chế, nhất là phải tập trung nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt, nên vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 30.000 liều vacxin phòng bệnh tai xanh và 30.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ nguồn dự trữ quốc gia, phục vụ công tác tiêm phòng và xử lý môi trường khẩn cấp, bao vây, khống chế, dập tắt kịp thời các ổ dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo Gám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, từ đề nghị của Hà Tĩnh Thủ tướng đã đồng ý và tỉnh cũng vừa nhận được các lô thuốc nêu trên.

 

Cứu sống bệnh nhân bị đâm xuyên tim do mâu thuẫn trên bàn nhậu

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-bi-dam-xuyen-tim-do-mau-thuan-tren-ban-nhau-185204.html

Ngày 21-11, Bác sĩ (BS) CK2 Phạm Văn Phương - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một nạn nhân bị đâm thủng tim.

Theo đó, rạng sáng 20-11, bệnh nhân T.K.V. (22 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, trong tình trạng vết thương hở ngực trái bị đâm bằng dao.

Bệnh nhân mạch nhanh khó bắt, ngực trái đau dữ dội, người tím tái, khó thở. Theo lời gia đình, anh V. bị bạn nhậu dùng dao bấm đâm thẳng vào ngực do mẫu trong lúc nhậu. Ngay sau đó, gia đình đã đưa anh V. đến bệnh viện cấp cứu.

Ê kíp trực cấp cứu đã chỉ định điện tim, siêu âm tim, chụp X-quang cấp cứu tại giường khẩn cấp. Kết quả, nạn nhân V. bị tràn máu khoang màng tim, có dấu hiệu chèn ép tim cấp. Sau khi hội chẩn bệnh viện, 1 giờ 30 sáng cùng ngày, các BS chuyên khoa ngoại lồng ngực được huy động tiến hành mổ khẩn cấp. 

Bác sĩ mở ngực bên trái vào khoang màng phổi trái thấy màng tim căng chứa đầy máu, mở màng tim có khoảng 500g máu loãng và máu cục, vết thương thủng tim vào tâm thất phải khoảng 1cm, phụt máu theo nhịp đập. Ê kíp phẫu thuật, bịt vết thương tim và khâu lại, rửa sạch khoang màng tim và màng phổi, dẫn lưu màng phổi.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Phương cho biết, bệnh nhân được cứu sống nhờ được cấp cứu kịp thời, có sự phối hợp nhịp nhàng của ê kíp phẫu thuật. Trước đây, có rất nhiều trường hợp bị vết thương tim chết tại hiện trường do cấp cứu muộn.

 

Quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc, phạt 65 triệu đồng 

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161121/quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-la-thuoc-phat-65-trieu-dong/1223041.html

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có quyết định xử phạt Công ty cổ phần Triệu Sơn (P.Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) 65 triệu đồng, do quảng cáo sản phẩm Ancan trên một số website mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung. 

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu Công ty Triệu Sơn gỡ nội dung các quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin trên các website trên.

Trước đó, Công ty Triệu Sơn đã quảng cáo sản phẩm Ancan trên nhiều kênh truyền thông, đặc biệt là trên internet và mạng xã hội khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Nội dung quảng cáo làm người xem hiểu sản phẩm này là thuốc, như “Ancan phòng và hỗ trợ điều trị ung thư”, “VN sản xuất thành công thuốc phòng ung thư”…

Cuối tuần qua, chủ tịch Công ty Triệu Sơn đã gửi “tâm thư” xin lỗi khách hàng và cho rằng quảng cáo sản phẩm quá mức là thuốc phòng ung thư như kể trên là do các đại lý!

 

Phẫu thuật thành công một ca u túi mật 1,2kg

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/441423/

Ngày 21-11, các bác sĩ ở Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết vừa phẫu thuật thành công khối u túi mật hiếm gặp cho một bệnh nhân 62 tuổi.

Theo thông tin, ngày 14-11 bà Ngô Hồng Đức, sinh năm1954, ngụ Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Đồng Nai nhập viện trong tình trạng nôn ói, gầy gò do không ăn được.

Đến ngày 16-11 các bác sĩ tiến hành mổ cho bệnh nhân, sau 3 tiếng đồng hồ ca mổ thành công và các bác sĩ đã đưa ra khối u túi mật nặng 1,2 kg, đường kính 20x15.

Bác sĩ Lê Đình Hùng, PGĐ bệnh viện cho biết: " Đây là dạng u hiếm gặp, 40 năm làm nghề lần đầu tiên tôi thấy khối u túi mật lớn như vậy. Sau khi được mổ đến nay bệnh nhân đã ổn định trở lại, ăn uống được, dự kiến sẽ xuất viện vào ít ngày tới".

 

Báo động tình trạng gia tăng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31336002-bao-dong-tinh-trang-gia-tang-nguoi-lao-dong-mac-benh-nghe-nghiep.html

Người trong độ tuổi lao động chiếm hơn một nửa dân số nước ta và là lực lượng chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hàng triệu người lao động đang hằng ngày, hằng giờ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, dẫn đến suy giảm sức khỏe, ốm đau, bệnh tật và phơi nhiễm với các bệnh nghề nghiệp (BNN). Hàng trăm nghìn người bị mắc BNN nhưng không được khám và điều trị kịp thời, không được giám định để hưởng chế độ bảo hiểm.

Bài 1: Bệnh nghề nghiệp đe dọa sức khỏe người lao động

BNN đang tăng nhanh cả về số người lao động (NLĐ) bị mắc và số bệnh do môi trường lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng và điều kiện lao động không bảo đảm an toàn. Dù không gây tổn hại trước mắt, nhưng BNN để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Sát thủ thầm lặng

Ngồi trước mặt tôi là anh Lương Văn Đức, công nhân khai thác mỏ, 38 tuổi, quê ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), một trong số hơn 30 người bệnh đang điều trị tại khoa Bệnh phổi nghề nghiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương). Dáng người anh to khỏe, vạm vỡ, nhưng nước da xanh tái. Thật khó hình dung ở độ tuổi này, với sức vóc này, mà anh không còn đủ sức lao động, lại phải ngày đêm chiến đấu với căn bệnh bụi phổi si-líc. Trong câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi những cơn đau tức ngực, xen lẫn tiếng thở rít nặng nề, khó nhọc, anh Đức kể: Cách đây gần một năm, thấy xuất hiện những cơn ho kéo dài, tức ngực, khó thở, tôi tự mua thuốc điều trị, nhưng không khỏi. Vào bệnh viện khám, tôi mới biết mình bị mắc bệnh bụi phổi si-líc. Đầu tháng 5-2016, tôi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị tràn khí màng phổi. Qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần tạm ổn được gần ba tháng. Ngày 30-8-2016, tôi lại phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp, viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi. Tôi đã tốn cả trăm triệu đồng để chi phí cho việc đi lại, điều trị, ăn ở, thuốc men. Vợ tôi phải vay mượn tiền nong, rồi bỏ cả việc đồng áng, để lại quê nhà bốn đứa con thơ, ra Hà Nội chăm sóc tôi…

Sau 19 năm làm thợ hồ tại Công ty Xây lắp Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), bác Đinh Thị Hòa, sinh năm 1952, ở tổ 1, phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) buộc phải làm đơn xin nghỉ việc vào năm 1994 vì lý do sức khỏe yếu. Các chứng bệnh đau cơ xương khớp, huyết áp, viêm đường hô hấp cứ mỗi ngày một nặng thêm. Công việc nặng nhọc của người thợ hồ trong điều kiện thời tiết thất thường, môi trường làm việc ô nhiễm, cộng với điều kiện ăn, ở không bảo đảm, thường xuyên phải thay đổi địa điểm, khiến sức khỏe của bác Hòa suy giảm nhanh. Xin nghỉ việc ở tuổi 42 và chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, bác Hòa chỉ được hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động.

Hơn 30 công nhân Công ty Xây lắp Bộ Thương mại hiện đang sinh sống ở tổ 1, phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chung hoàn cảnh với bác Hòa, nghỉ việc do suy giảm sức lao động, nhưng không biết mình mắc BNN. Bác Hoàng Thị Đường cho biết, hầu hết công nhân trong công ty đều xin nghỉ việc ở độ tuổi ngoài 40 và có thời gian làm việc khoảng 20 năm, rất ít người trụ lại được lâu hơn.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong 5 năm qua, tỷ lệ nghỉ ốm ở NLĐ là 24%, cao hơn nhiều so với những năm trước đó. Có tới hơn 70% số công nhân ngành khai thác mỏ và ngành xây dựng có sức khỏe chỉ đạt loại 2 và loại 3. Chỉ tính riêng năm 2015, tỷ lệ NLĐ có sức khỏe yếu (loại 4, loại 5) chiếm hơn 10% tổng số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Cho đến nay, cả nước đã phát hiện 447 trường hợp nghi ngờ mắc các BNN liên quan a-mi-ăng (một hợp chất hóa học được sử dụng phổ biến trong sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ và một số ngành công nghiệp khác), gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng như: ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi a-mi-ăng… Các chuyên gia dự báo, những căn bệnh do a-mi-ăng sẽ tăng cao trong những thập niên tới, do thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 20 đến 30 năm. Như vậy, nhiều NLĐ đến khi về hưu mới phát triệu chứng của bệnh.

Ẩn họa từ môi trường lao động

Sự việc hàng trăm công nhân Công ty giày Hong-fu và Công ty Hồng Mỹ thuộc Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị ngất trong các ngày từ 15 đến 19-5-2014, do hội chứng nhiễm độc thần kinh là trường hợp điển hình về tác động của môi trường làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ. Theo kết luận của ngành y tế và các cơ quan chức năng thì các phân xưởng đều có mặt bằng chật hẹp lại tập trung số lượng lớn công nhân làm việc; hệ thống lưu thông khí gồm quạt gió, quạt đẩy, quạt hút… chưa bảo đảm dẫn đến độ lưu chuyển không khí không tốt. Ngoài ra, dung môi hữu cơ cao, có thể tăng lên nhiều lần trong điều kiện làm việc và môi trường nắng, nóng kéo dài là một trong các tác nhân gây ra tình trạng hàng loạt công nhân ngộ độc cấp tính. Ngày 1-12-2015, hàng chục công nhân Công ty TNHH Hải sản Bền Vững, thuộc Khu công nghiệp Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa) trong khi đang làm việc tại kho đông lạnh thì bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... Tối cùng ngày, có 17 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa xác định, những công nhân này đã bị ngộ độc khí cac-bon mô-nô-xít (CO), một loại khí được dùng trong công nghiệp chế biến thủy sản để làm đông lạnh.

Con số thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp (DN) hoạt động với hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Sự gia tăng nhanh về số lượng DN, cơ sở sản xuất mà phần nhiều có công nghệ lạc hậu, máy móc, dây chuyền chắp vá, nhà xưởng chật chội đã làm tăng nguy cơ tai nạn lao động và BNN. Trong cuộc đua tranh giành thị phần, nhiều DN tìm mọi cách để giảm chi phí, hạ giá thành, kể cả việc sử dụng nguyên liệu bẩn, nhiên liệu bẩn. Các hóa chất độc hại, môi trường làm việc ô nhiễm là ẩn họa đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng triệu NLĐ.

Qua điều tra, khảo sát cho thấy, những ngành có số NLĐ mắc BNN nhiều nhất là: khai thác mỏ, xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất. Với đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn NLĐ, nhiều năm qua, ngành khai thác mỏ giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, công nhân khai thác mỏ cũng chiếm tỷ lệ cao trong số NLĐ mắc các bệnh như: bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, điếc, nhiễm độc và các bệnh về xương khớp. Nguyên nhân được xác định là do môi trường lao động khắc nghiệt và điều kiện làm việc lạc hậu. NLĐ phải hằng ngày tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: bụi than, đá, kim loại, phóng xạ, tiếng ồn, độ rung chuyển và các loại hơi khí độc dưới hầm sâu. Ở tất cả các công đoạn khai thác, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Kết quả đo, kiểm tra môi trường cho thấy, công nhân khai thác mỏ thường xuyên làm việc trong một môi trường có nồng độ bụi toàn phần cao vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 đến 30 lần; nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 đến 11 lần; tiếng ồn có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 18 dBA, vì thế, công nhân muốn tránh cũng “khó thoát” các BNN.

Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có mặt tại Khoa điều trị BNN, Bệnh viện Than - Khoáng sản, vừa lúc anh Vũ Đức Khâm, sinh năm 1973, được chuyển sang phòng hồi sức sau bảy giờ gây mê để rửa hai lá phổi nhiễm bụi. Anh Khâm là công nhân khai thác hầm lò tại Công ty Than Quang Hanh (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) đến nay được 17 năm. Công việc thường xuyên dưới hầm sâu, khiến anh mắc bệnh bụi phổi lúc nào không biết. Đầu năm nay, anh được công ty cho đi khám BNN, kết quả là anh mắc bệnh bụi phổi. “Nước rửa phổi của tôi đen lắm, toàn bụi than, nhìn sợ lắm” - anh Khâm chia sẻ.

Bác sĩ Lê Quang Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Than - Khoáng sản cho biết, tính đến nay bệnh viện đã súc, rửa phổi thành công cho hơn 2.000 người mắc bệnh bụi phổi, hầu hết là công nhân ngành than - khoáng sản. “Bệnh bụi phổi hầu như không chữa khỏi hẳn vì hiện tượng xơ hóa phổi tiến triển. Nếu không được điều trị tốt, bệnh sẽ dẫn tới các biến chứng làm giảm tuổi thọ của người bệnh” - bác sĩ Chung chia sẻ.

Bỏ ngỏ giám sát môi trường lao động

Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Quy định là vậy, nhưng thực tế rất ít DN thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động. Qua khảo sát, hầu hết các DN quy mô nhỏ, sử dụng máy móc thô sơ, công nghệ lạc hậu, nhiều công đoạn sản xuất thủ công, gây ra nhiều bụi, tiếng ồn, bức xạ nhiệt, xả thải nhiều hóa chất độc hại, khí độc, vi sinh vật gây hại nhưng lại không quan tâm việc đo, kiểm tra môi trường lao động. Trực tiếp tham gia thực hiện công tác đo và kiểm tra vệ sinh môi trường lao động, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) TS, BS Nguyễn Văn Sơn cho biết, có rất nhiều DN coi nhẹ môi trường, điều kiện lao động, thiếu các biện pháp bảo vệ sức khỏe NLĐ.

Đánh giá của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng cho thấy, chỉ có từ 5 đến 10% số DN, cơ sở lao động hoạt động có đăng ký trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động. Kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động ở những DN có giám sát đã xác định được nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép như: phóng xạ, từ trường, hơi khí độc, tiếng ồn, bụi, ánh sáng, độ rung… Trước thực trạng môi trường lao động như vậy, thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám BNN, đã phát hiện hàng nghìn NLĐ mắc BNN. Riêng năm 2015, phát hiện 8.966 NLĐ mắc BNN, tăng 31,9% so với năm 2014.
Trong khi hầu hết các DN, cơ sở lao động “phớt lờ” việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì công tác kiểm tra, giám sát gần như bị bỏ ngỏ. Có những DN đã hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh môi trường lao động. Có những địa phương nhiều năm qua chưa xử phạt cơ sở lao động nào do vi phạm... Thực trạng BNN đối với NLĐ đã đến mức báo động, rất cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, khắc phục.

Hiện có gần 29 nghìn NLĐ mắc BNN đã được giám định, hưởng chế độ trợ cấp BNN, trong đó có hơn 75% số người mắc bệnh bụi phổi. Nhưng trên thực tế, số NLĐ mắc BNN ước tính cao hơn 10 lần số người đã được khám, giám định, do phần lớn các DN, cơ sở lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ.

 

Vinmec trang bị máy tầm soát ung thư vú tiên tiến nhất

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/vinmec-trang-bi-may-tam-soat-ung-thu-vu-tien-tien-nhat-341006.html

Từ tháng 11/2016, thiết bị tầm soát ung thư vú tiên tiến nhất thế giới - Invenia ™ ABUS đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) và Vinmec Central Park (TPHCM).

Bước tiến của công nghệ tầm soát ung thư vú ở VN

Đây cũng là thiết bị đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú có độ chính xác lên tới trên 90%.

Hệ thống Invenia ™ ABUS là thiết bị siêu âm duy nhất được Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ công nhận là giải pháp hỗ trợ cho chụp nhũ ảnh nhằm sàng lọc, phát hiện ung thư vú đối với phụ nữ có mô vú đặc.

Ưu điểm vượt trội của Invenia ™ ABUS là tăng tối đa khả năng quan sát, giúp các mô và khối u trở nên rõ ràng hơn, nâng mức độ phát hiện chính xác các tổn thương, bất thường ở phụ nữ có mô vú tuyến đặc lên đến 90%.

Hiện tại phương pháp chụp nhũ ảnh tốt nhất tại Việt Nam có tỷ lệ phát hiện 70%, riêng với phụ nữ có mô vú tuyến đặc, mức độ chính xác giảm mạnh, chỉ còn khoảng 42%. Do đó, hệ thống Invenia ™ ABUS với sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm 3D là một bước tiến lớn cho công nghệ tầm soát ung thư vú tại Việt Nam.

Đặc biệt, Invenia ™ ABUS không phát tia X - quang, thời gian thao tác chỉ 15 phút nên được coi là một trong những phương pháp tầm soát ung thư vú ưu việt, hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Hệ thống Invenia ™ ABUS cũng được sử dụng cho chẩn đoán và hỗ trợ tích cực cho việc tiên liệu khả năng mắc bệnh hay quá trình điều trị.

Hoàn thiện mô hình chăm sóc sức khỏe chuyên sâu

Với mục tiêu tiên phong trong việc phát hiện và điều trị ung thư, trong đó có ung thư vú, tháng 11/2016, hệ thống y tế Vinmec đã chính thức đưa công nghệ kỹ thuật siêu âm 3D Invenia ™ ABUS về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TPHCM). Invenia ™ ABUS sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình chăm sóc sức khỏe đa mô thức chuyên sâu – toàn diện trong lĩnh vực ung bướu của Vinmec; đồng thời mở rộng khả năng tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú tại Việt Nam.

Hiện tỷ lệ mắc ung thư vú tại Việt Nam đang gia tăng và có xu hướng trẻ hóa xuống lứa tuổi 30. Mỗi năm có khoảng 12.000 ca ung thư vú mắc mới, trong đó có 4.000 người tử vong. Phần lớn người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ khỏi dưới 20%. Trong khi nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị khỏi bệnh có thể đạt tới 80 - 90%. Do đó, việc Vinmec tiên phong trang bị máy tầm soát ung thư hiện đại nhất thế giới về Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực ung bướu trong nước, cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ y tế hiện đại và tiên tiến nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Bị u thận không phải cắt toàn bộ thận

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bi-u-than-khong-phai-cat-toan-bo-than-666567.html

Trước đây, với những trường hợp bị u thận, bệnh thận bệnh nhân thường được chỉ định cắt toàn bộ thận để đảm bảo sức khỏe. 

Tuy nhiên, với những bệnh lý u thận, bướu thận phương pháp phẫu thuật cắt bướu, giữ thận hoàn toàn trở thành có ích cho bệnh nhân.

Bị di chứng tai biến mạch não, suy thận mạn tính giai đoạn 1-2. Bệnh nhân Nguyễn Văn U. (64 tuổi), tình cờ phát hiện bướu thận trái 5 cm khi đến khám tại một BV ở TPHCM. Anh U. được đề nghị nên cắt bỏ thận có bướu. Tuy nhiên sau khi cắt thận sẽ có nguy cơ suy thận nặng hơn, thậm chí có thể phải chuẩn bị tâm lý để chạy thận nhân tạo anh U. khá lo lắng.

Sau khi đến khám tại khoa Tiết niệu BV ĐH Y Dược (ĐHYD), bệnh nhân được đề xuất chỉ cắt bướu thận, không cần thiết cắt bỏ toàn bộ thận để bảo tồn tối đa chức năng thận.

Tương tự anh U., chị Trương Thị H. (54 tuổi), 15 năm trước do sỏi thận gây viêm mủ thận đã phải cắt thận trái. Thời gian gần đây chị H. tình cờ phát hiện bướu thận phải 4 cm khi khám sức khỏe tổng quát. Trước lo lắng phải cắt bỏ hoàn toàn thận còn lại, chị H. được tư vấn phương pháp điều trị mới tại khoa Tiết niệu BV ĐHYD là cắt bướu thận, giữ lại thận phải cho bản thân, đảm bảo sức khỏe lâu dài. Nhờ đó chị H. đảm bảo được sức khỏe thận, bình phục tốt sau phẫu thuật.

TS-BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐHYD, cho biết giai đoạn trước năm 2000-2005, khi có bướu thận, phương pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận. Sau đó từ nhiều nghiên cứu trên toàn thế giới, các bác sĩ Niệu khoa nhận thấy việc cắt bỏ toàn bộ thận khi bướu thận kích thước dưới 7 cm là không cần thiết vì hai lý do.

Thứ nhất là không thay đổi tỉ lệ tái phát so với việc chỉ cắt bỏ bướu giữ lại thận. Thứ hai là những người chỉ có một thận dễ bị suy thận mạn hơn những người vẫn còn hai thận. Chính vì vậy, từ sau năm 2005, đối với bướu thận kích thước dưới 7 cm, điều trị hàng đầu là phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận. Phẫu thuật có thể thực hiện qua mổ hở hoặc qua phẫu thuật nội soi. 

Trong những trường hợp người bệnh chỉ có một thận duy nhất, thận còn lại bị bệnh sỏi, bị dị tật bẩm sinh hoặc thận còn lại suy giảm chức năng thì việc phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận là chỉ định tuyệt đối. 

Đối với phẫu thuật cắt bướu giữ lại thận, phẫu thuật nội soi có ưu thế tuyệt đối so với mổ hở vì không có đường cắt thành bụng nên người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe sau mổ. Ngoài ra, khi thực hiện phẫu thuật nội soi, với sự phóng đại của kính soi, khả năng bảo tồn nhu mô thận được tăng cường tối đa, thao tác cắt bướu nhẹ nhàng tinh tế nên kết quả của phẫu thuật rất tốt. Người bệnh có thể xuất viện sau 3-4 ngày nằm viện, không cần hóa trị hay xạ trị bổ sung.

Đa số ung thư thận thường gặp ở độ tuổi 50-70. Ung thư thận ở giai đoạn sớm khi kích thước bướu còn dưới 7 cm, thường không có triệu chứng điển hình. Ở giai đoạn muộn khoảng 30% người bệnh có các triệu chứng đau bụng, tiểu máu, thăm khám thấy có khối u bụng. Do đó để phát hiện sớm ung thư thận, người dân nên kiểm tra định kỳ sức khỏe hằng năm. Phương pháp chẩn đoán bướu thận chủ yếu dựa vào hình ảnh siêu âm và chụp bụng cắt lớp điện toán (CT-scan). Hiện nay, do hiệu quả của việc khám sức khỏe định kỳ nên đa số bướu thận được phát hiện sớm khi kích thước bướu dưới 4 cm.

Theo thống kê tại Mỹ, 90%-95% các u ở thận là ung thư. Ung thư thận là loại ung thư chiếm 3% các trường hợp ung thư ở người trưởng thành, đứng hàng thứ bảy trong các loại ung thư ở nam giới và đứng hàng thứ 10 trong các loại ung thư ở nữ giới. Năm 2015, tại Mỹ có 61.560 trường hợp ung thư thận mới phát hiện và 14.080 trường hợp tử vong vì ung thư thận. 

Hiện tại từ ngày 21-11 đến 21-12, khoa Tiết niệu BV ĐHYD đang có chương trình tư vấn miễn phí về bệnh lý bướu thận và phương pháp điều trị tiên tiến, người bệnh có thể liên hệ theo số điện thoại 01239999666 (trong giờ hành chính) để được TS-BS Nguyễn Hoàng Đức trực tiếp tư vấn.

 

Ðiếc tai do thuốc, vì sao?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/iec-tai-do-thuoc-vi-sao-20161121151216119.htm

Một số loại thuốc có thể gây tổn hại tới thính lực hoặc làm tăng sự nghiêm trọng cho những người có sẵn các vấn đề về thính lực.

Một số loại thuốc có thể gây tổn hại tới thính lực hoặc làm tăng sự nghiêm trọng cho những người có sẵn các vấn đề về thính lực. Sự giảm thính lực có thể cải thiện sau khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều thuốc gây ra sự mất thính lực vĩnh viễn. Mức độ của sự mất thính lực được xác định dựa vào lượng thời gian mà bệnh nhân sử dụng thuốc có thể gây điếc. Tác nhân gây suy giảm thính lực có thể do dùng một số thuốc điều trị bệnh hoặc hoá chất gây suy kém chức năng và tổn thương tế bào tai trong, đặc biệt sau ốc tai và các tế bào thần kinh thính giác.

Nhận biết triệu chứng điếc do thuốc

Thông thường, người sử dụng những thuốc có khả năng gây mất thính lực thường không phát hiện ra những thay đổi của tai ở giai đoạn đầu. Dấu hiệu của suy giảm thính lực thường không xảy ra đột ngột mà có diễn biến từ từ nên người bệnh thường dễ bỏ qua. Triệu chứng dễ thấy khi thuốc gây hại lên thính lực bao gồm ù ở một bên tai hoặc cả hai tai, có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi đi, đứng... Các triệu chứng này có thể xuất hiện tạm thời, không liên tục nên nhiều người lại nghĩ do mệt mỏi hay bị rối loạn tiền đình và cứ thế chịu đựng. Nếu người dùng thuốc cứ âm thầm chịu đựng thì sự mất thính lực càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí điếc hẳn. Điều cần lưu ý là suy giảm thính lực do tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra khi đang dùng thuốc hoặc sau vài tuần, thậm chí vài tháng khi đã ngưng sử dụng. Hơn nữa, có nhiều thuốc có thể gây mất thính lực âm thầm mà không gây nên ù tai. Vì vậy, người dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết các tác dụng phụ của thuốc có thể gây hại cho tai.

Những loại thuốc gây suy giảm thính lực

Thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé

Đây là một nhóm thuốc gây hại nặng nhất cho tai, bao gồm acid ethacrynic, furosemid, bumetanid. Thuốc gây độc mạnh nhất ở người cao tuổi, người suy gan, suy thận. Độc tính gây điếc sẽ tăng thêm khi dùng đồng thời với kháng sinh nhóm aminoglycosid.

Các kháng sinh nhóm aminoglycosid

Kháng sinh nhóm aminoglycoside đứng đầu các thuốc có thể gây điếc. Nguy cơ gây độc cho tai, suy giảm thính lực của các thuốc aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau: Suy yếu chức năng thận, tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, tuổi cao, đã từng dùng aminoglycoside. Neomycin là kháng sinh gây hại nhất trong nhóm này. Khi uống với liều cao để diệt khuẩn đường ruột hoặc dùng liều cao để bôi vết thương là đã có thể gây điếc. Kanamycin và amikacin cũng gây độc hại mạnh như neomycin. Streptomycin gây tổn hại nhanh chóng cho bộ phận tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất cân bằng, loạng choạng, khó bước đi ở nơi thiếu ánh sáng.

Các kháng sinh khác

Một số loại kháng sinh khác cũng có thể gây hại cho tai có thể kể đến trước tiên là erythromycin. Nếu tiêm tĩnh mạch liều cao 4g/ngày (để điều trị viêm phổi cho bệnh nhân cao tuổi, suy gan, thận) thì có thể gây điếc và chóng mặt. Triệu chứng này sẽ giảm và hết nếu ngưng thuốc kịp thời. Ampicillin khi dùng liều cao điều trị viêm màng não do Hemophillus influenzae có thể làm suy giảm thính lực. Chloramphenicol cũng giống như ampicillin, khi dùng điều trị viêm màng não cũng làm giảm sút sức nghe. Các kháng sinh như viomycin, vancomycin, capreomycin cũng có nguy cơ làm suy giảm thính lực, gây điếc. Triệu chứng suy giảm thính lực do các kháng sinh này gây ra cũng tùy từng trường hợp mà bị nghe kém, ù tai tiếng thổi, thỉnh thoảng chóng mặt, nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc thần kinh giác quan không phục hồi, gây hư hại cả ốc tai và tiền đình.

Thuốc chống viêm

Các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, indomethacin, piroxicam… có tác dụng phụ làm suy giảm sức nghe, gây điếc. Aspirin liều cao cũng gây ù tai và giảm thính lực ở tần số cao, thường phục hồi sau khi ngừng thuốc. Các thuốc chống viêm salicylat thường gây ù tai và giảm thính lực, nhưng có khả năng hồi phục.

Ngoài ra, một số loại thuốc trị sốt rét, thuốc chống ung thư cũng có thể gây suy giảm thính lực ở các mức độ khác nhau.

Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lên thính lực, người bệnh nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy gan thận không được dùng các thuốc có khả năng gây độc cho tai mà phải thay thế bằng các thuốc khác có cùng tác dụng. Nếu bắt buộc phải dùng, bệnh nhân cần được đo thính lực và theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình dùng thuốc (đặc biệt là các kháng sinh). Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra và được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.

 

Suốt ngày đi... “chút xíu”!  

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161121/suot-ngay-di-chut-xiu/1222804.html

Nhiều người mắc bệnh này phải nghỉ học, nghỉ làm vì suốt ngày đi tiểu. Có người khủng hoảng tinh thần do chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn đi tiểu 40-50 lần/ngày. 

Chị N.T.A. (23 tuổi, TP.HCM) mắc bệnh này gần hai năm. Chị A. đi chữa trị nhiều nơi, được chẩn đoán bệnh khác nhau, uống rất nhiều thuốc nhưng bệnh không giảm.

Lần đi khám bệnh gần nhất tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, bác sĩ nói bệnh của chị không đáp ứng thuốc, phải can thiệp ngoại khoa mới có thể hết đi tiểu nhiều lần.

Ngày 10-11, chị A. được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân mổ, chích thuốc vào cơ bàng quang để trị bệnh.

Phải nghỉ học vì đi tiểu nhiều lần

Theo chị A., bệnh chị khởi phát tháng 2-2015 với biểu hiện ban đầu là mắc tiểu nhưng không tiểu được, đau buốt bụng dưới. Chị đã phải đi cấp cứu ở một bệnh viện huyện của TP vì không tiểu được. Bác sĩ bệnh viện này chẩn đoán chị bị nhiễm trùng tiết niệu, cho thuốc uống chị mới tiểu được. Sau đó bác sĩ cho chị toa thuốc về uống một tuần.

Uống hết thuốc chị lại chuyển sang đi tiểu nhiều lần. Lúc đầu mỗi ngày chị đi tiểu 20 lần, sau đó số lần đi tăng dần lên thành 30-40 lần/ngày. Từ tháng 3 đến tháng 5-2015 chị đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện tại TP nhưng các bác sĩ lại chẩn đoán khác nhau là nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang, nước tiểu có nấm, viêm kẽ bàng quang, bàng quang tăng hoạt, thậm chí nghi chị bị lao niệu và cho đi xét nghiệm tìm vi trùng lao nhưng kết quả âm tính...

Chị A. cũng thử nhịn uống nước cả ngày nhưng vẫn đi tiểu 25-30 lần. Quá chán nản, chị A. bỏ điều trị, chấp nhận đi tiểu suốt ngày như vậy và xin bảo lưu kết quả học tập tại một trường đại học ở TP vì không thể đến trường.

“Đến tháng 8-2016 tôi đi tiểu cả trăm lần mỗi ngày. Tôi cứ buồn tiểu liên tục, 10-15 phút lại đi. Người tôi từ 48kg, sau hơn một năm mắc bệnh chỉ còn 42kg khiến tôi rất bi quan. Từ tháng 8 đến tháng 10-2016 tôi đi khám và điều trị liên tục ở Bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, cho uống thuốc nhưng tôi vẫn đi tiểu 25-30 lần/ngày. Sau đó bác sĩ chỉ định điều trị cho tôi bằng cách chích thuốc vào bàng quang” - chị A. kể lại.

16% dân số mắc bệnh

Theo ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, đơn vị niệu nữ - bàng quang thần kinh - niệu động học Bệnh viện Bình Dân, chị A. là trường hợp điển hình của hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn. Người bị hội chứng này bị rối loạn chức năng bàng quang, cơ bàng quang hoạt động quá mức bình thường khiến người bệnh mắc tiểu nhiều lần và khó nhịn tiểu.

Ở người lớn, thể tích bàng quang khi giãn căng có thể chứa khoảng 350-500ml nhưng ở người bị hội chứng này thì trong bàng quang chỉ cần chứa một lượng nhỏ nước tiểu đã kích thích người bệnh có cảm giác mắc tiểu. Bác sĩ Phương Mai cho biết theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, châu Âu cho thấy tỉ lệ dân số bị bàng quang tăng hoạt khoảng 16-25%.

Tại VN, một nghiên cứu của Hội Tiết niệu - thận học VN năm 2014 ở ba TP lớn cho thấy tỉ lệ người dân mắc hội chứng này khoảng 16% dân số (trên 8 lần/ngày). Trong đó có người đi tiểu đến 60-70 lần/ngày khiến sức khỏe suy giảm trầm trọng. Tuy bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại khiến người bệnh dễ bị trầm cảm, tự ti, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, làm việc, rối loạn giấc ngủ, có phụ nữ còn không dám gần chồng vì tâm lý mặc cảm.

Nhiều phương pháp điều trị

Theo bác sĩ Phương Mai, bác sĩ cần hỏi bệnh và khám lâm sàng kỹ, cho làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... cần thiết để tìm nguyên nhân gây cho người bệnh đi tiểu nhiều lần. Nếu bàng quang tăng hoạt do các bệnh lý nói trên gây ra, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật có thể sẽ khỏi bệnh. Trường hợp không tìm ra nguyên nhân mới kết luận là hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn.

Về điều trị, ban đầu người bệnh sẽ điều trị không dùng thuốc là thay đổi thói quen sinh hoạt như không hút thuốc lá, hạn chế cà phê, trà, nước ngọt để tránh bàng quang bị kích thích co bóp gây đi tiểu nhiều; tập nhịn tiểu, tập thời gian đi tiểu hợp lý, tập bài tập Kegel để săn chắc vùng chậu, tập kích thích matxa vùng tầng sinh môn giúp bàng quang co bóp lại bình thường...

Nếu không cải thiện, bác sĩ cho thuốc uống khoảng 4-6 tuần để làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, cho kết quả tốt khoảng 80% người bệnh.

Nếu không hiệu quả, người bệnh sẽ được chích thuốc vào thành bàng quang để cơ bàng quang giãn ra, tăng sức chứa, giúp bàng quang không co bóp nhiều.

Trường hợp chích thuốc vẫn đi tiểu nhiều lần, người bệnh sẽ được phẫu thuật nội soi cắt bỏ bàng quang và thay bàng quang mới bằng cách tái tạo bàng quang từ ruột của chính người bệnh.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có bốn triệu chứng chính: tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu dữ dội, không nhịn tiểu được, phải đi liền), tiểu nhiều lần (người bình thường đi 8 lần/ngày, nhưng người bệnh đi 20-40 lần/ngày), tiểu đêm (phải thức dậy để đi tiểu nhiều lần trong đêm khiến người bệnh mất ngủ), và người bệnh có thể kèm theo tiểu gấp không kiểm soát (tiểu són vì không kịp vào nhà vệ sinh).

Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý khác như nhiễm trùng tiểu, viêm đường tiết niệu, tăng sinh tuyến tiền liệt (nam giới), bàng quang thần kinh (do nguyên nhân thần kinh khiến cơ bàng quang hoạt động bất thường), sa bàng quang (ở phụ nữ), bế tắc đường tiểu, có sỏi hoặc u bàng quang, tiểu nhiều sau chấn thương cột sống hoặc sau tai biến mạch máu não...

Tuy nhiên, có rất nhiều người bệnh bị hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn (không tìm ra nguyên nhân).

 

Bức thư xúc động của nữ y tá nhắn gửi cộng đồng

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/buc-thu-xuc-dong-cua-nu-y-ta-nhan-gui-cong-dong-3502179.html

Bỏ dở những ngày quan trọng, làm việc liên tục 12 tiếng và bị tiểu tiện vào người, Caitlin Brassington (Australia) đòi công bằng cho những y tá làm việc vất vả vẫn bị coi thường.

Vào một đêm tháng 10, Caitlin Brassington trở về sau ca trực. Rời nhà lúc 6h, phải giao 3 con gái còn đang ngủ say cho bảo mẫu chăm sóc để đến bệnh viện làm việc và không được ăn trưa khiến cô mệt nhoài. Dừng lại ở cửa hàng sữa, nữ y tá gặp người quen: "Cô ta chưa bao giờ nhìn thấy tôi trong bộ đồng phục và nói không ngờ tôi chỉ là một y tá", Caitlin kể lại với ABC News.

Suốt 18 năm hành nghề, Caitlin đã nghe rất nhiều lần câu nói ấy nhưng chưa bao giờ giận dữ đến vậy. "Có lẽ vì tôi đang kiệt sức cả về cảm xúc lẫn thể chất hoặc vì tôi không thể hiểu tại sao quá nhiều người mở miệng mà không suy nghĩ", cô nói. "Chẳng phải chúng ta nên tôn trọng nghề nghiệp của tất cả mọi người và không đánh giá ai dựa vào tên gọi công việc họ làm hay sao? Liệu cô ta có nói tôi chỉ là một y tá nếu tôi mặc vest và đi giày cao gót không?". 

Không ngừng băn khoăn về lời lẽ của người đàn bà kia cùng với mong muốn nhắc nhở cộng đồng nhận thức đúng vai trò của y tá, Caitlin quyết định viết một lá thư trên Facebook với tựa đề "Tôi chỉ là một y tá". Dưới đây là bản lược dịch những tâm sự của cô.

"Tôi có phải chỉ là một y tá không?

Tôi đã giúp nhiều đứa trẻ đến với thế giới này, rất nhiều em trong số đó cần trợ giúp để thở những hơi đầu tiên. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi đã nắm lấy bàn tay của bệnh nhân, đảm bảo họ được thanh thản đến phút giây cuối cùng. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi đã an ủi những bậc cha mẹ đau đớn vì mất con. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi đã hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân và đưa họ trở về từ cõi chết. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi là đôi mắt, đôi tai, đôi tay của các bác sĩ với khả năng đánh giá, điều trị và quản lý bệnh tật của bạn. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có thể kiểm tra phổi của một em bé sơ sinh và nhận biết chỗ nào thiếu khí. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có thể hướng dẫn bệnh nhân, người chăm sóc và cả những y tá trẻ. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi từng là giảng viên ở trường y, dạy các sinh viên y khoa làm thế nào để khám lâm sàng theo hệ thống. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi là luật sư bảo vệ bệnh nhân giữa hệ thống y tế không phải lúc nào cũng đặt lợi ích người bệnh lên đầu. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi phải bỏ lỡ ngày Noel, sinh nhật các con cùng những buổi nhạc kịch ở trường để chăm sóc cho người thân của bạn. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có thể lấy máu, đặt ống thông và khâu vết thương. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi hiểu sự khác biệt về giải phẫu, sinh lý và tâm lý theo từng nhóm tuổi và ảnh hưởng của những yếu tố ấy đến cách chăm sóc, điều trị cho trẻ. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có thể xử lý cơn ngừng tim ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ lẫn người lớn. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có thể nói cho bạn chính xác liều lượng adrenaline hoặc amiodarone dựa trên trọng lượng cơ thể để cứu sống con bạn. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi đem đến sự thoải mái, tình thương và hỗ trợ tinh thần, xã hội cho bệnh nhân cùng gia đình họ trong những khoảng khắc đen tối nhất. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi làm việc liên tục 12 giờ không nghỉ đi vệ sinh hoặc uống cà phê để chắc chắn rằng bệnh nhân nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi đã từng bị la hét, thậm chí là nôn mửa và tiểu tiện vào người nhưng vẫn đi làm và hoàn thành trách nhiệm. Thế mà tôi chỉ là một y tá.

Tôi có kinh nghiệm và kiến thức để cứu sống người khác. Bởi vậy, tôi vẫn vô cùng tự hào dù chỉ là một y tá".

Đăng trên mạng xã hội, bức thư của Caitlin đã nhận được 26.000 lượt thích, hơn 4.700 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận. "Y tá là những thiên thần", người dùng Facebook Audrey Taylor viết. "Các bạn là chìa khóa của sự sống. Đối với một người bố có con bị ốm như tôi, các bạn không thể nào thay thế. Các bạn là những vị anh hùng", nickname Sharon Knight trải lòng.

Trước những lời chia sẻ chân thành từ cộng đồng, bao gồm cả đồng nghiệp từ khắp thế giới cùng gia đình họ, Caitlin xúc động: "Tôi thực sự choáng ngợp. Tình cảm chân thành, lòng biết ơn, sự tôn trọng và động viên ấy không chỉ dành cho tôi mà dành cho tất cả y tá. Chúng ta không chỉ là y tá, không chỉ là thầy giáo, không chỉ là cảnh sát, không chỉ là mẹ hay bố. Tất cả chúng ta đều đang tạo ra sự thay đổi".

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang