Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 23/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế thị sát phát hiện nhiều vi phạm tại phòng khám tư; Bộ trưởng Bộ Y tế lên án hành vi hành hung bác sĩ; Bộ Y tế đề nghị các trường loại bỏ ngay cây độc; Bệnh nhân bị bó chặt vì thông tư của Bộ Y tế; Nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng đáng sợ; Đẩy mạnh phòng bệnh quai bị trong cộng đồng; Nhiều người nguy kịch do nhiễm uốn ván từ vết thương “cỏn con“; ...

Bộ trưởng Y tế thị sát phát hiện nhiều vi phạm tại phòng khám tư

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/456067/

Ngày 21-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã bất ngờ kiểm tra hoạt động của một số phòng khám tư nhân trên địa bàn Hà Nội và phát hiện nhiều vi phạm.

Tại phòng khám Thiên Tâm (ở số 212 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội), qua kiểm tra phát hiện bộ phận xét nghiệm của phòng khám này chỉ có một máy soi vi sinh, không có máy xét nghiệm sinh hóa như trong biên bản thẩm định cấp giấy phép hoạt động. Ghi chép sổ sách bệnh án cũng không đầy đủ, các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Đặc biệt, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động nhưng chỉ có bệnh án, đơn thuốc bằng tiếng Việt mà không có bệnh án được ghi bằng tiếng Trung. Đáng chú ý, tại phòng khám này có một số dịch vụ được niêm yết thực hiện tại phòng khám như khám nam khoa nhưng chưa được Sở Y tế phê duyệt, điều này đồng nghĩa với việc phòng khám hành nghề vượt quá phạm vi cho phép. Nghiêm trọng hơn, phòng khám đã vi phạm quảng cáo trên internet khi chưa được xác nhận nội dung và vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được cho phép.

Trước những vi phạm trên, bác sĩ Lê Quang Sơn, phụ trách chuyên môn Phòng khám Thiên Tâm cho biết, do bác sĩ nghỉ ốm nên cơ sở tranh thủ mang máy xét nghiệm đi bảo dưỡng. Phụ trách phòng khám này cũng cho biết có tổng cộng 8 bác sĩ, trước đây trung bình mỗi ngày 1 bác sĩ khám khoảng 5 bệnh nhân nhưng hiện trung bình một ngày 1 bác sĩ chỉ còn khám khoảng 2 bệnh nhân. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cuối năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và phát hiện phòng khám này thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Vì vậy, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. Phòng khám vừa mới được hoạt động trở lại cách đây chưa lâu.

Làm việc với quản lý phòng khám và thành viên đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, qua kiểm tra cho thấy phòng khám chưa đạt yêu cầu, chưa đảm bảo quy chế chuyên môn, trang thiết bị y tế không quá sơ sài. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu phòng khám này phải khẩn trương khắc phục những tồn tại, vi phạm nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân khi tới khám chữa bệnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội giám sát chặt chẽ, xử lý vi phạm tại khám này và tuyệt đối yêu cầu phòng khám chỉ được thực hiện các kỹ thuật đã phê duyệt, không thực hiện quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật không được phép.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác tiếp tục tới Phòng khám Đa khoa trực thuộc Công ty TNHH Phòng khám gia đình Hà Nội ( ở 298 Kim Mã, Hà Nội). Đây là phòng khám có tới 13 bác sĩ nước ngoài nhiều quốc tịch, hoạt động nhiều năm. Qua kiểm tra cho thấy, phòng khám này tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế, trang thiết bị đầy đủ, cơ sở vật chật đảm bảo công tác khám chữa bệnh.

Ngay sau khi thị sát bất ngờ hai phòng khám tư trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tê đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác quản lý y tế trên địa bàn. Tại buổi làm việc, ông Hoàng Đức Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, hoạt động của nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố còn tồn tại và vi phạm. Việc chấp hành pháp luật một bộ phận người hành nghề, các doanh nghiệp chưa nghiêm túc. Thậm chí có những cơ sở đã bị xử lý phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, hoặc cơ sở đang trong thời gian đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành mà vẫn lén lút hoạt động.

Trong năm 2016 và quý I/2017, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 170 lượt cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt cơ sở, với số tiền phạt gần 2,6 tỷ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở. Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay đã kiểm tra 26 cơ sở, trong đó thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ Trung Quốc tại Phòng khám đa khoa Thái Hà do hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế lên án hành vi hành hung bác sĩ

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-truong-bo-y-te-len-an-hanh-vi-hanh-hung-bac-si-20170421223543657.htm

Chiều 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và động viên bác sĩ Lê Quang Dương - người bị bố của bệnh nhi hành hung. Bà cũng lên án hành vi hành hung bác sĩ, mong muốn người dân có sự chia sẻ, cảm thông đối với nhân viên y tế, những người đang hàng ngày, hàng giờ điều trị, cứu sống nhiều người bệnh.

Tại thời điểm Bộ trưởng đến thăm, BS Dương vẫn phải nằm trên giường bệnh, vết thương trên đầu vẫn đang phải băng bó, đau đầu nhiều và buồn nôn.

Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất báo cáo với Bộ trưởng về tình hình của bác sĩ Lê Quang Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sau khi bị bố của bệnh nhi dùng cốc thuỷ tinh ném vào đầu.

Từ hôm 16/4, ngay sau khi được cấp cứu, khâu 7 mũi trên đầu, đến nay bác sĩ Dương đã khoẻ khoắn, tỉnh táo hơn nhưng còn tình trạng đau đầu, buồn nôn. Bác sĩ đã chỉ định chụp CT và làm một số xét nghiệm, không phát hiện tụ máu não, nhưng các bác cho rằng vết thương vùng đỉnh đầu sẽ gây chấn động não, có thể để lại di chứng về trí nhớ.

BS Dương cũng bày tỏ lo lắng sau sự việc xảy ra. Lo lắng người nhà bệnh nhân gây khó dễ trong thời gian công tác tại bệnh viện.

BS Dương cho biết, sau sự việc đáng tiếc xảy ra 2 ngày, cậu của bệnh nhi đã đến xin lỗi bác sĩ Dương. Tuy nhiên cũng có một người khác tự nhận là người nhà của cháu bé cũng có ý đe dọa anh.

Trước tình trạng sức khoẻ, tinh thần của BS Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế động viên bác sĩ Dương yên tâm chữa bệnh để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, quay lại phục vụ bệnh nhân.

Cũng theo Bộ trưởng, đây là một tai nạn nghề nghiệp không ai muốn. Nhưng đây cũng là một hành động cần phải lên án. Bà cũng mong muốn người dân chia sẻ, cảm thông đối với nhân viên y tế bởi nhân viên y tế, bác sĩ luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, nguy hiểm đang hàng ngày, hàng giờ cứu sống và điều trị cho nhiều người bệnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Bệnh viện đa khoa Thạch Thất tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc, điều trị cho BS Dương.

Bộ trưởng cũng đề nghị ngành y tế Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Thạch Thất phối hợp với cơ quan điều tra để sớm làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi hành hung cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ để răn đe các hành vi tương tự và để đảm bảo sự an toàn cho người thầy thuốc khi hành nghề.

Theo, ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc đáng tiếc này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi Công an Thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo Công an huyện Thạch Thất điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi sai phạm của người nhà bệnh nhân. Hiện người hành hung bác sĩ vẫn đang bị công an tạm giữ điều tra.

Trước đó, trưa 16/4, bác sĩ Lê Quang Dương phó khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bất ngờ bị bố bệnh nhi đang điều trị tại BV đập thẳng cốc thuỷ tinh vào đầu. Sau cú đập, anh Dương ngã bất tỉnh, phải khâu 7 mũi.

 

Bộ Y tế đề nghị các trường loại bỏ ngay cây độc

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-y-te-de-nghi-cac-truong-loai-bo-ngay-cay-doc-3333804/

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị các trường học rà soát, loại bỏ ngay các cây chứa hợp chất gây độc như trúc đào, đai vàng, bông tai...

Theo cơ quan Bộ Y tế, thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.

Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.

Vì thế, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương triển khai các biện pháp xử trí, xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả của ngộ độc gây ra.

Bên cạnh đó, Cục cũng có công văn đề nghị một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp khẩn trương triển khai một số các biện pháp cấp bách trên toàn quốc, cụ thể như sau:

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.

Một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngó, cây cà độc dược… có chứa alcaloid độc.

Cây Trúc đào, cây Thông thiên, cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh), Bông tai... có chứa Glycosid tim.

Cây thầu dầu, cây Ngô đồng… có chứa Protein độc (Toxalbumin).

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.  

Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

 

Đua nhau bòn rút bảo hiểm y tế

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/456111/

Không ít cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng với nhiều xét nghiệm không cần thiết, sử dụng thuốc giá cao, kéo dài thời gian điều trị nội trú đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, nhiều người có thẻ BHYT cũng đua nhau đi khám bệnh tới hàng chục lần một tháng chỉ để lấy thuốc, dù chẳng mệt mỏi, đau ốm...

“Ngàn lẻ một” mánh khóe trục lợi

Không khỏi lo lắng sau khi đi khám theo BHYT tại Bệnh viện (BV) Giao thông Vận tải, bà Nguyễn T.H. cho biết: Tôi bị bệnh glôcôm nên thường xuyên phải đi kiểm tra, khám mắt theo định kỳ tại BV Mắt trung ương. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi, do ngại đường xa và tôi có BHYT tại BV Giao thông Vận tải nên tôi đã tới đây khám. Ai ngờ vừa mới vào khám được ít phút, bác sĩ đã yêu cầu tôi phải nhập viện để mổ mắt thay thủy tinh thể ngay vì mắt kém lắm. Bất ngờ và rất lo trước yêu cầu trên, hôm sau tôi đã tới chuyên khoa Glôcôm tại BV Mắt trung ương khám lại, thì được các bác sĩ kết luận mắt của tôi 5 - 10 năm nữa cũng không phải mổ thay thủy tinh thể. “Thì ra do tôi có BHYT tại BV của họ nên họ chỉ muốn tôi nhập viện, chữa trị dài ngày để thu được nhiều tiền BHYT dù bệnh chẳng nghiêm trọng”, bà H. chia sẻ.

Trong khi đó, cũng là một bệnh nhân có BHYT, ông Hùng sau 3 ngày nằm viện điều trị tán sỏi thận tại một BV của Hà Nội đã được ra viện. Sau một tuần, ông Hùng quay lại làm thủ tục thanh toán ra viện thì nhận được một bảng kê dài hơn 3 trang giấy về chi phí hàng loạt thuốc men cho 10 ngày nằm viện, dù thực tế ông Hùng chỉ phải nằm viện có 3 ngày.

Trên đây chỉ là một trong số ít các mánh khóe để BV “rút ruột” Quỹ BHYT qua việc tận thu khám chữa bệnh người có thẻ BHYT. Đặc biệt đáng lo ngại, từ khi chính sách thông tuyến khám chữa bệnh được áp dụng, hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT có xu hướng gia tăng.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trên hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy, trong vòng 8 tháng, từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017, có tới hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng. Qua giám định, phát hiện có 12 bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT và lấy thuốc tới trên 100 lần, cá biệt có người trên 300 lần khám tại 23 cơ sở. Số tiền mà Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân này cao nhất là gần 74 triệu đồng, thấp nhất là 13,5 triệu đồng. Điển hình như bệnh nhân Nguyễn Gia H. (ở TPHCM), trong vòng 8 tháng đã sử dụng thẻ BHYT 308 lần khám chữa bệnh tại 23 nơi (trung bình 38,5 lần/tháng), số tiền mà BHYT đã chi cho bệnh nhân này hơn 51 triệu đồng…

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Tình trạng nhiều địa phương, BV và cả người bệnh đang đua nhau “rút ruột” khiến Quỹ BHYT bị thâm hụt, mất cân đối, gây ảnh hưởng hàng triệu người bệnh. Phân tích từ các trường hợp khám chữa bệnh bất thường, ông Dương Tuấn Đức, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam, cho biết sở dĩ nhiều bệnh nhân lựa chọn đến khám ở các BV tuyến quận/huyện là vì đây là tuyến áp dụng quy định thông tuyến, không cần có giấy chuyển viện, chi phí thanh toán thường dưới 15% lương cơ sở (không phải cùng chi trả) nên người bệnh được hưởng lợi nhiều khi đi khám chữa bệnh. Đơn cử một bệnh nhân tên N.T.H., được cấp thẻ BHYT ở Lâm Đồng nhưng trong vòng 3 tháng đã tới khám chữa bệnh hơn 100 lần tại TPHCM và được trên cấp 10.600 viên, lọ, chai, vỉ thuốc, với số tiền mà cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 25 triệu đồng. Trong khi đó, bệnh nhân này tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng chỉ hơn 600.000 đồng/năm nhưng trong một tháng, số tiền thanh toán BHYT gấp nhiều lần.

Trước thực trạng, nhiều người có thẻ BHYT đua nhau đi khám bệnh, thậm chí chẳng đau ốm gì cũng đi khám bệnh như đi “chợ phiên” chỉ để được hưởng chính sách thuốc men BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thẳng thắn đánh giá chính sách BHYT thông tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân có BHYT khi đi khám chữa bệnh, nhưng cũng là kẽ hở để không ít người lợi dụng chính sách nhằm trục lợi BHYT. Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp khám chữa bệnh nhiều lần lại gặp khó khăn do chưa có quy định xử lý.

Đại diện BHYT Việt Nam cũng chỉ rõ, dấu hiệu trục lợi không chỉ xuất hiện ở người tham gia BHYT mà còn gia tăng ngay cả ở các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, BV như: tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, sử dụng thuốc giá cao, kéo dài thời gian điều trị nội trú. Mới đây, BHXH Việt Nam đã kiểm tra một BV có 300 hồ sơ của khoa da liễu thì 100% có chỉ định thực hiện siêu âm, dù hồ sơ bệnh án không có biểu hiện gì.

Để giải quyết tình trạng trục lợi BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, một trong các giải pháp quan trọng là đưa vào sử dụng hệ thống giám định điện tử trên toàn quốc. Lịch sử khám chữa bệnh của người tham gia BHYT sẽ được lưu vào hệ thống, qua đó sẽ kiểm soát được tình trạng người có BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần tại một hoặc nhiều cơ sở, tránh được chỉ định trùng thuốc, trùng xét nghiệm.

Cùng với đó, cơ quan bảo hiểm cũng sẽ tạm dừng hợp đồng đối với các BV nếu phát hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đối với cá nhân người có thẻ BHYT trục lợi sẽ xem xét tạm ngừng cấp thẻ BHYT. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế xây dựng phác đồ chuẩn và các quy định cụ thể về việc chỉ định chụp X.quang, xét nghiệm, nội soi, siêu âm... để làm cơ sở cho cơ quan BHXH xác định có lạm dụng hay không.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2016, tổng thu Quỹ BHYT là 63.800 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi BHYT là 70.800 tỷ đồng, bội chi đến 7.000 tỷ đồng và con số bội chi vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

 

Bệnh nhân bị bó chặt vì thông tư của Bộ Y tế

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/benh-nhan-bi-bo-chat-vi-thong-tu-cua-bo-y-te-657765.bld

Mặc dù được kê đơn thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, sở y tế và bệnh viện thông qua, nhưng nhiều bệnh nhân bỗng dưng không được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đồng chi trả một số loại thuốc đắt tiền.

Nguyên nhân là do Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành có nội dung “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp, sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”.

Bỗng dưng BHYT “nghỉ” trả tiền

Có con đang điều trị ngoại trú bệnh Lupus ban đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chị Hồng (quận 6, TPHCM) đã phải bật khóc sau khi đọc thông báo của bệnh viện về việc từ ngày 10.4, BHYT sẽ không thanh toán thuốc Cellcept 250mg Cap (Mycophenolate mofetil) và Prograf (Tacrolimus). Thông báo được bệnh viện dán vào ngày 7.4, thế nhưng, vì con chị cứ mỗi 28 ngày mới phải vào phòng khám A5 của bệnh viện để khám và nhận thuốc nên giờ chị mới đọc thông báo: “Quá sốc. Mỗi ngày, bé phải uống 6 viên Cellcept 250mg Cap. Giá mỗi viên gần 28.000 đồng/viên. Mỗi lần khám, bác sĩ thường kê đủ 28 ngày thuốc. Nếu được BHYT chi trả 80% như trước đây, mỗi tháng tiền thuốc của bé chưa đến 1 triệu. Thế nhưng, lần lấy thuốc này, BHYT không thanh toán nữa, tôi phải chi hơn 4,6 triệu đồng”.

Nếu áp dụng đúng Thông tư 40 của Bộ Y tế, dựa trên hướng dẫn chỉ định của nhà sản xuất thì thuốc CellCept chỉ được BHYT thanh toán khi điều trị cho dự phòng thải ghép thận, dự phòng thải ghép tim, dự phòng thải ghép gan và điều trị thải ghép tạng khó điều trị. Thuốc Tacrolimus cũng chỉ dùng trong phòng ngừa đào thải cơ quan ghép ở bệnh nhân ghép thận hoặc gan dị sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã gửi công văn đến Sở Y tế TPHCM và các cơ quan chức năng để giải quyết cho những bệnh nhi đang có phác đồ điều trị hai loại thuốc trên.

Bệnh nhân lĩnh đủ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng thẳng thắn nêu ra sự vô lý của Thông tư 40 của Bộ Y tế: “Quy định phải dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng đang làm khổ nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng. Bởi trong hướng dẫn của thuốc Gama globulin không có trị bệnh tay chân miệng. Trong khi đó, hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế thì phải dùng thuốc này để cứu sống bệnh nhân”. Theo BS Khanh, thực tế, tùy theo cân nặng của trẻ mà một bệnh nhi bị tay chân miệng có thể phải dùng từ 10-20g. Mỗi lọ 5g có giá từ 2,5-5 triệu đồng. Như vậy, vì không được BHYT chi trả nên mỗi bé có thể tốn chục triệu đồng cho loại thuốc này.

Một vị bác sĩ đang làm việc tại Đồng Nai vô cùng bức xúc với Thông tư 40 của Bộ Y tế khi mà nhiều trường hợp thuốc điều trị được sử dụng theo đúng phác đồ điều trị (của Bộ Y tế, sở y tế, bệnh viện), nhưng bệnh nhân không được Quỹ BHYT thanh toán. Nguyên nhân chỉ vì bệnh không có trong nội dung chỉ định sử dụng thuốc của nhà sản xuất.

Vị bác sĩ này, nêu ví dụ như các thuốc PPI (thuốc ức chế bơm proton) trong tờ hướng dẫn của nhà sản xuất không có chỉ định ngừa loét dạ dày. Nhưng thực tế, rất nhiều tình huống bệnh nhân phải dùng thuốc này để điều trị bệnh loét dạ dày. Đặc biệt là những bệnh nhân nặng có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do stress.

Việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng “bó chặt” các bác sĩ trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Ví dụ thuốc kháng Cefepim nếu dùng điều trị trong một số bệnh nhân nặng, vi khuẩn kháng thuốc, phải dùng 6g/ngày, nhưng tờ hướng dẫn dùng 4g/ngày.

Theo phân tích của bác sĩ này, khi BHYT cứng nhắc trong thanh toán, thì người bệnh chịu thiệt.

Điểm đ, khoản 2, Điều 4, Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17.11,2015 của Bộ Y tế (hướng dẫn danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT và công văn 7086/BYT-BH của Bộ Y tế về thanh toán thuốc BHYT) quy định: “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp: Sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”.

 

Nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng đáng sợ

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/nhiem-khuan-benh-vien-ngay-cang-dang-so-330968.html

Những con số đau thương là một bài học xương máu cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhân bị lây chéo, nhân viên y tế cũng bị lây bệnh từ bệnh nhân…

Năm 2003, dịch SARS tại Việt Nam làm 37 nhân viên y tế nhiễm bệnh và dịch cúm A (H1N1) làm hàng chục nhân viên y tế nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế. Năm 2014, dịch sởi đã làm gần 150 trẻ tử vong…

Gánh nặng y tế

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) lại nhớ NKBV làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại các nước phát triển, có khoảng 5 - 10% người bệnh nằm viện bị NKBV.

Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết kết quả điều tra năm 1998 trên 901 bệnh nhân trong 12 bệnh viện toàn quốc cho thấy tỷ lệ NKBV là 11.5%, trong đó nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% ; năm 2001 điều tra trên 5.396 bệnh nhân ở 11 bệnh viện toàn quốc (6 BV trung ương, 5 BV tỉnh) thì phát hiện 369 bệnh nhân với tỷ lệ NKBV là 6.8%, trong đó nguyên nhân do viêm phổi chiếm 41.8%; năm 2005 tỷ lệ NKBV trong 19 bệnh viện toàn quốc cho thấy là 5.7% và nguyên nhân do viêm phổi chiếm 55.4%.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương năm 2013, khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ NKBV là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ NKBV cao hơn và tác nhân hàng đầu NKBV tương tự các mầm bệnh.

Chưa có những nghiên cứu quốc gia đánh giá chi phí của NKBV, nhưng theo một nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy thì NKBV làm kéo dài thời gian nằm viện 15 ngày với viện phí trung bình mỗi ngày là 192.000 đồng và tổng chi phí phát sinh do mắc NKBV khoảng 3.000.000 đồng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ngày nằm viện gia tăng do nhiễm khuẩn vết mổ là 11,4 ngày, nhiễm khuẩn huyết là 24,3 ngày và nhiễm khuẩn hô hấp 7,8 ngày với tổng chi phí phát sinh trung bình tăng thêm lần lượt là 1,9 triệu đồng, 32,3 triệu đồng và 23,6 triệu đồng.

Kết quả điều tra tại một số bệnh viện phía Bắc (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Trung ương), tỷ lệ NKBV hàng năm từ 3-7% chủ yếu là nhiễm trùng hô hấp, vết mổ và tiết niệu.

Nhắc đến NKBV lại nhớ năm 2003, dịch SARS tại Việt Nam làm 37 nhân viên y tế nhiễm bệnh và dịch cúm A (H1N1) làm hàng chục nhân viên y tế nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế. Năm 2014, dịch sởi đã làm gần 150 trẻ tử vong. Những con số đau thương trên là một bài học xương máu cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhân bị lây chéo, nhân viên y tế cũng bị lây bệnh từ bệnh nhân…

Làm thế nào để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện?

Trước những gánh nặng do NKBV gây ra, nhiều hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong toàn quốc. Báo cáo tại hội thảo khoa học về kiểm soát NKBV trong các cơ sở khám, chữa bệnh vừa diễn ra mới đây cho thấy hiện có đến 72,6% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn (GSNK) hàng năm nhưng việc thực hiện GSNK bệnh viện vẫn còn thấp.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, mới chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận GSNK chuyên trách. Việc triển khai GSNK kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Hoàng Văn Thành, các bệnh viện hiện tại chưa quan tâm đúng mức đến công tác GSNK bệnh viện, chưa chú ý kiện toàn bộ phận GSNK bệnh viện. Cụ thể, trong năm 2016 chỉ có 37,39% số bệnh viện thực hiện GSNK  hiện mắc trong toàn bệnh viện; 23,84% thực hiện GSNK mắc mới tại các khoa trọng điểm; 28,63% bệnh viện thực hiện giám sát NKBV hiện mắc tại các khoa trọng điểm hoặc nhóm bệnh trọng điểm. Tỷ lệ bệnh viện thực hiện GSNK đối với các bệnh trọng điểm thấp.

Trong số 121 bệnh viện việc thực hiện GSNK vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%). Trong tổng số 93 bệnh viện có thực hiện GSNK hiện mắc năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 3,6% (cao nhất tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%).

Giám sát vi sinh và vi khuẩn kháng thuốc dù tăng so với năm 2015 (8,1%), ở mức 13,45%, nhưng vẫn ở mức thấp. 40,97% bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Nhận định GSNK là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình NKBV, nhiều chuyên gia y tế đưa ra đề nghị, cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống GSNK quốc gia. Bộ Y tế cần chỉ đạo, hỗ trợ cho sáu bệnh viện gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về KSNK. Trong đó, hoàn thiện hoạt động giám sát NKBV trước hết là GSNK huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu.

Tuy nhiên, trước khi hệ thống GSNK được phê duyệt, xây dựng và đưa vào hoạt động thì tình trạng NKBV vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát. Cách đơn giản nhất để người bệnh và nhân viên y tế tránh được NKBV là thực hiện theo khuyến cáo của WHO, vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn.

Tỷ lệ NKBV và tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay ở nhân viên y tế có mối liên quan nghịch, nếu tuân thủ vệ sinh tay càng tăng thì NKBV càng giảm và ngược lại, nhiều nghiên cứu cũng xác định sát khuẩn tay là biện pháp quan trọng nhất để dự phòng lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế.

Tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ...) và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa như: phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa bổ sung (dựa theo đường lây truyền bệnh); tổ chức thực hiện các hướng dẫn và kiểm tra các biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn theo tác nhân, cơ quan và bộ phận bị NKBV. Một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành cách ly nhằm ngăn ngừa sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà, khách thăm...

 

Bộ Y tế lên tiếng về tình trạng ngộ độc do ăn quả ngô đồng

http://baotintuc.vn/suc-khoe/bo-y-te-len-tieng-ve-tinh-trang-ngo-doc-do-an-qua-ngo-dong-20170422154227678.htm

Ngày 22/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa có trong khuôn viên tại các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.

Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải. Gần đây nhất là vụ hơn 50 học sinh ở Nghệ An bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng.

Để chủ động dự phòng ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ sở giáo dục tại các địa phương rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc (được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại) trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cơ sở đó cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này.

Theo đó, một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón (Gelsemium elegans), cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc; cây Trúc đào (Nerium oleander L.), cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.), cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.), Bông tai (Asclepias curassavica L.)… có chứa Glycosid tim; cây Thầu dầu (Ricinus communis L.), cây Ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa Protein độc (Toxalbumin).

Đồng thời, các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh; tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Đặc biệt, tuyên truyền để các học sinh tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.

Địa phương thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Ngoài nguy cơ ngộ độc do độc tố tự nhiên ở một số loài cây, hoa thì thời điểm này tại một số địa phương cũng thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc.

Chính vì vậy, ngay khi người bệnh có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời (bằng biện pháp như: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm); đồng thời đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để dự phòng ngộ độc nấm, người dân chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

Mọi người không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu. Nấm tươi ăn được khi mới hái nên nấu ăn ngay; nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Các cán bộ y tế cần tìm hiểu, xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 tiếng, điều trị cho người bệnh ở xã, huyện; nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu để điều trị kịp thời.

 

37 học sinh ở Nghệ An ngộ độc do ăn quả ngô đồng

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/37-hoc-sinh-o-nghe-an-ngo-doc-do-an-qua-ngo-dong-368117.html

Nhiều em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu (Nghệ An) phải nhập viện điều trị vì ăn quả ngô đồng.

Hôm nay, thông tin từ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Quỳ Châu cho biết, có 37 học sinh theo học ở trường bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng. Các triệu chứng của các em mắc phải là nôn mửa, đau đầu và đi ngoài vào đêm 21/4.

Ngay sau sự việc, một số học sinh đã vào phòng trực giáo vụ để xin thuốc uống trước triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài và phát hiện các em ăn phải quả ngô đồng. Học sinh bị ngộ độc chủ yếu là khối 6 và 7.

Giáo vụ nhà trường đã rà soát được tổng 37 học sinh có triệu chứng như trên. Đồng thời đưa ngay các em đến nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu.

Các bác sỹ đã trực tiếp thăm khám, truyền dịch và theo dõi.

Đến 3h ngày 22/4, 32 em đã tỉnh và ổn định sức khỏe, 5 em đã bình phục và đang theo dõi.

Sau khi kiểm tra, phân tích, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do các em đã ăn hạt của quả cây ngô đồng trong trường.

Theo bác sỹ Vi Văn Thắn - PGĐ Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết, hạt cây ngô đồng có tính dầu, ăn bùi. Tuy nhiên ăn hạt này vào làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy.

Trường hợp nặng bị xuất huyết đường tiêu hóa, thực môn thì hạt này không ăn được.

Đến thời điểm này, 37 học sinh đã ổn định sức khỏe trở lại bình thường

 

Đẩy mạnh phòng bệnh quai bị trong cộng đồng

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/456115/

Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 vừa tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh quai bị cho nhân viên y tế tại các phường, các trường học.

Trước đó, sau khi điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh quai bị tại các trường tiểu học Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 đã tiến hành phun xịt hóa chất, khử khuẩn, tuyên truyền biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho học sinh.

Tại đợt tập huấn, bác sĩ Vũ Đức Diễn (Trung tâm Y tế dự phòng quận 12) nhấn mạnh: Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho hoặc nhảy mũi. Bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị có nguy cơ sẩy thai, dị dạng thai nhi, sinh non...

Dịch bệnh thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá… Người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang và chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh quai bị. Riêng người bệnh phải nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày, kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.

 

Hàng chục người dân Thừa Thiên-Huế ngộ độc sau khi ăn bánh tét

http://vov.vn/tin-24h/hang-chuc-nguoi-dan-thua-thienhue-ngo-doc-sau-khi-an-banh-tet-616380.vov

Hàng chục người dân Thừa Thiên-Huế ngộ độc sau khi ăn bánh tét. Đa số, người dân nhập viện với các triệu chứng nôn mửa, đau bụng đi ngoài...

Đến sáng 22/4, 21 trong tổng số 23 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh tét vẫn đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước đó, trưa ngày 19/4, người dân thôn Phú Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc đến dự đám tang của gia đình ông Hồ Đắc Hiếu. Tại đây, họ được gia đình mời ăn bánh tét, một số người dùng tại chỗ, còn lại mang về ăn cùng gia đình.

Sau khi ăn xong khoảng 7 tiếng thì xuất hiện triệu chứng nôn mửa, đau bụng đi ngoài… được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy cấp cứu. Ngay sau khi nhận thông tin về vụ ngộ độc, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử cán bộ về xã Lộc An, huyện Phú Lộc để lấy mẫu, tìm nguyên nhân.

Bác sỹ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Đến sáng nay, sức khỏe của các bệnh nhân đã hồi phục, 2 người đã được xuất viện, số còn lại đang được theo dõi, điều trị.

Ngày 21/4, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử cán bộ chuyên trách về xã Lộc An, huyện Phú Lộc và Trung tâm Y tế Hương Thủy để phối hợp với điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý cấp cứu vụ ngộ độc tập thể do ăn bánh tét.

Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng nôn mửa, đau bụng đi ngoài, chủ yếu do ăn bánh tét. Trẻ con ăn cũng bị, người lớn cũng bị. Có những trường hợp mất nước nhiều thì được truyền dịch mà đa số do uống orezol. Hiện các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Sáng 22/4, bệnh viện cho 2 người xuất viện, còn số khác thì ngày thứ Hai cho xuất viện.

 

Nhiều người nguy kịch do nhiễm uốn ván từ vết thương “cỏn con“

http://toquoc.vn/Thoi_su/nhieu-nguoi-nguy-kich-do-nhiem-uon-van-tu-vet-thuong-con-con-236271.html

Trong 15 trường hợp đang chữa trị tại khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới vì uốn ván thì có tới 10 ca phải thở máy.

Chị Điểu Thị Nguyệt (16 tuổi, đồng bào S’tiêng ngụ tại Bù Đăng, Bình Phước) đang điều trị tại Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (TP.HCM) trong tình trạng mê man, thở máy, chân tay co cứng. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 3/4, Nguyệt gặp tai nạn giao thông, bị một vết thương ở mu bàn chân trái, thương tích không nặng nên tự chăm sóc tại nhà và không chích ngừa uốn ván.

5 ngày sau, Điểu Nguyệt đột nhiên lên cơn gồng giật, co quắp chân tay, tím tái, không ăn uống gì được, gia đình vội chuyển đến bệnh viện tỉnh. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm uốn ván thể nặng nên lập tức chuyển lên TP.HCM chứa trị.

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, khi dùng thuốc an thần nhưng không có tác dụng, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã quyết định mở khí quản hỗ trợ thở máy cho người bệnh kèm kết hợp dùng thuốc giãn cơ, thuốc kháng sinh.

Tuy vậy, qua gần 2 tuần điều trị, dù tình trạng sức khỏe Điểu Nguyệt có tiến triển nhưng tiên lượng vẫn rất nặng.

Trường hợp khác là anh Kim Tuấn Anh (27 tuổi, đồng bào Khơ me, ngụ tại Cà Mau) nhập viện ngày 11/4 trong tình trạng cứng hàm cứng cơ, cứng cổ, gồng giật.

Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện ít ngày, Tuấn Anh bị thương ở chân và tự ở nhà chăm sóc. Sau đó vết thương sưng tấy, chảy mủ và toàn thân cứng đờ, lên cơ nên gia đình chuyển lên BV Nhiệt Đới cấp cứu.

Theo BS Nguyễn Thành Nguyên - Phó khoa Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn BV Bệnh Nhiệt Đới, đây cũng là trường hợp chưa từng được chích ngừa uốn ván. Bệnh nhân hiện đang phải thở máy, điều trị kháng sinh tích cực nhưng có biểu hiện của biến chứng rối loạn thần kinh, tiên lượng điều trị khá khó khăn.

Trong 30 giường bệnh tại khoa thì có tới 15 người bị uốn ván, trong đó có tới 10 ca phải thở máy. Các trường hợp này đều là những lao động chính của gia đình ở các địa phương lân cận. Khi bị vết thương nhỏ nên không để ý, tự ở nhà chữa trị nên bị uốn ván - BS Nguyên cho hay.

Các BS cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani ) gây ra. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 21 ngày.

Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ, xuất hiện các cơn co giật.

Bệnh có thể gấy tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim. Bệnh có thể ngừa bằng tiêm chủng vắc-xin.

Người bị thương, dù vết thương nhỏ cũng nên tới cơ sở y tế để được chăm sóc đúng cách, đồng thời tư vấn chích ngừa uốn ván - BS Nguyên khuyến cáo.

 

Phẫu thuật ca giãn phế quản do lao phổi

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/4/456121/

Bệnh viện Xuyên Á vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi), bị ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải.

Trước đó, ông C. từng bị bệnh lao phổi kèm theo đái tháo đường, đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Qua thăm khám và các xét nghiệm chi tiết, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên và có máu tươi chảy ra từ phế quản thùy trên.

Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí gây tử vong.

Sau 2 giờ phẫu thuật (ảnh), các bác sĩ quyết định cắt thùy trên và thùy giữa phổi phải điển hình, khâu mỏm cắt phế quản thùy trên và giữa, khâu nhu mô phổi thùy dưới, khâu cầm máu các mỏm cắt động mạch phổi và tĩnh mạch phổi thùy trên, giữa.

Hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

 

Thực hư về kem Vaseline chứa chất gây ung thư

http://www.nguoitieudung.com.vn/thuc-hu-ve-kem-vaseline-chua-chat-gay-ung-thu-d57218.html

Vaseline từ lâu đã là một sản phẩm mà nhiều người sẽ nghĩ tới ngay khi gặp những triệu chứng như môi nứt nẻ, phát ban (do dùng tã) hay làn da khô ráp. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số thông tin cho rằng sản phẩm phổ biến này lại có hại nhiều hơn những công dụng lợi ích của nó. Vậy đâu là sự thực?

Sáp dầu (Petroleum Jelly) là gì?

Sáp dầu là sản phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất dầu thô và, đây là sản phẩm mà chúng ta vẫn hay tdùng để bôi trơn máy móc. Có nghĩa nó là sản phẩm không bền vững, không thân thiện với môi trường sinh thái và tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng nó.

Tuy đã qua quá trình xử lý tinh luyện nhưng nguy cơ nhiễm những tạp chất độc hại từ dầu thô của sáp dầu là có thể. Nếu thực sự bị nhiễm tạp chất, sử dụng các sản phẩm có chứa sáp dầu cũng có thể gây ung thư.

Theo thông tin trên bao bì và những thông tin an toàn khác, tất cả các thành phần có hại trong sáp dầu sẽ được loại bỏ trước khi nó được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp, song một số nguồn cho rằng nó vẫn chứa một số thành phần gây hại.

Cơ chế hoạt động của Petroleum Jelly

Vaseline có rất nhiều sản phẩm, từ sản phẩm dành cho trẻ em đến kem dưỡng da cho người lớn với rất nhiều công dụng.

Công dụng đầu tiên và cũng là công dụng được nhiều người biết đến nhất là bảo vệ da và giữ ẩm. Sáp dầu có đặc tính là bao kín lỗ chân lông khi được bôi lên da, nó tạo ra một lớp màng mỏng trên da khiến cho hơi nước không thoát ra được. Chính vì vậy, chúng tạo cho người sử dụng cảm tưởng như là da mình mềm và ẩm hơn.

Tuy nhiên, thực chất đây lại là một quá trình có hại cho làn da, vì khi đó da bị bịt kín khiến cho các độc tố, chất thải không thể thoát ra ngoài thông qua các lỗ chân lông. Đặc biệt, với những người bị mụn, sử dụng các sản phẩm có chứa sáp dầu sẽ càng tạo ra nhiều mụn đầu trắng và đầu đen hơn.

Ngoài ra, trang Healthiest Alternative còn nêu ra một số tác hại nữa mà kem Vaseline, nói đúng hơn là chất sáp dầu trong loại kem này gây ra cho người sử dụng. Thứ nhất, làn da của chúng ta không thể chuyển hóa sáp dầu, vì vậy khi bôi lên da chất này sẽ nằm lì cho đến khi bị bào mòn. Chính quá trình này sẽ ngăn không cho cơ thể đạt được bất kỳ lợi ích nào từ việc trao đổi chất qua da. Một nghiên cứu trong năm 2011 đã chỉ ra rằng hydrocacbon có trong sáp dầu ở sản phẩm Vaseline chứa tạp chất gây ô nhiễm lớn nhất với cơ thể con người.

Thứ hai, do sáp dầu sẽ tạo ra một lớp màng mỏng nằm lì trên da nên một số người lo ngại rằng nó có thể sẽ dẫn đến sự phá hủy collagen trong da và cuối cùng là gây lão hóa da. Về cơ bản, khi sáp dầu được phủ lên da, nó sẽ ngăn chặn khả năng tự nhiên của da trong việc điều hòa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này có thể làm chậm quá trình tái tạo tế bào da, từ đó dẫn đến sự suy thoái collagen theo thời gian (nếp nhăn).

Thứ ba, sáp dầu góp phần làm tăng mức estrogen (nội tiết tố nữ). Khi cơ thể dư thừa estrogen sẽ liên quan đến chứng vô sinh, các vấn đề về kinh nguyệt, lão hóa nhanh, dị ứng và các vấn đề tự miễn dịch cũng như thiếu chất dinh dưỡng, giảm chất lượng giấc ngủ và thậm chí gây ra một số loại ung thư.

Và cuối cùng, do cơ thể con người không có khả năng tự loại bỏ chất nên nếu hít phải một lượng đáng kể sáp dầu thì rất có thể sẽ bị viêm phổi.

Chuyên gia nói gì?

Đồng quan điểm về cơ chế hoạt động của sáp dầu; tuy nhiên, theo Tiến sĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Da liễu Lê Thái Vân Thanh của Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thì mọi chuyện không quá phức tạp như những thông tin ở trên.

Bác sĩ Vân Thanh cho biết: Vì đã trải qua quá trình chiết xuất kỹ lưỡng và về căn bản sáp dầu là chất không màu, không mùi nên có thể coi nó là chất trơ, không gây tác hại gì đáng kể cho bề mặt da. Vì thế, sản phẩm này có thể dùng được cho cả trẻ em và những đối tượng đặc biệt khác.

Tuy vậy, bác sĩ Vân Thanh lưu ý không nên lạm dụng kem Vaseline có chứa sáp dầu để bôi lên những vùng niêm mạc, như: Môi, âm đạo, hậu môn... bởi nguy cơ nhiễm nấm Candida sẽ cao hơn những người không dùng.

Cuối cùng, vì cơ chế hoạt động của sáp dầu là gây bít lỗ chân lông, ngăn cản quá trình trao đổi chất qua da nên bác sĩ Vân Thanh cũng khuyên chỉ khi nào thực sự cần thiết thì chúng ta mới nên dùng sản phẩm này và phải xem xét kỹ tình trạng của da trước khi sử dụng sản phẩm và cuối cùng, nếu cảm thấy nghi ngờ về bệnh lý da của mình thì không được tự ý dùng sản phẩm này mà nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Phạt cơ sở sản xuất chả có hàn the 35 triệu đồng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-co-so-san-xuat-cha-co-han-the-35-trieu-dong-20170421220216764.htm

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất nem, chả của bà Nguyễn Thị Kim Bảo (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) số tiền 35 triệu đồng vì phát hiện chứa hàn the trong chả.

Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng phối hợp với Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Đà Nẵng, Phòng Kinh tế quận Hải Châu tiến hành thanh tra đột xuất cơ sở sản xuất nem, chả của hộ bà Nguyễn Thị Kim Bảo.

Đoàn thanh tra đã lấy một mẫu chả thịt gửi phòng kiểm nghiệm được chỉ định để kiểm tra hàn the. Kết quả thử nghiệm phát hiện mẫu chả thịt (loại chả que) có chứa hàn the nằm ngoài danh mục được phép sử dụng để chế biến thực phẩm.

Với hành vi vi phạm nêu trên, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất nem, chả của bà Nguyễn Thị Kim Bảo số tiền 35 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong thời gian 3 tháng theo quy định của pháp luật.

 

Hiểm họa từ chất gây ung thư có trong sản phẩm tắm gội

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/hiem-hoa-tu-chat-gay-ung-thu-co-trong-san-pham-tam-goi-98581/

Các thượng nghị sĩ Mỹ hiện đang kêu gọi lệnh cấm sử dụng một chất gây ung thư có mặt trong hầu hết các sản phẩm tắm gội như dầu gội, sữa tắm, xà phòng rửa tay.

Hai thượng nghị sĩ New York (Mỹ) là Charles Schumer và Kirsten Gillibrand mới đây đã kêu gọi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cấm sử dụng một loại hóa chất độc hại có mặt trong nhiều sản phẩm tắm gội.

Chất gây ung thư nói trên chính là hóa chất 1,4-dioxane, được sử dụng trong một số sản phẩm tắm gội bao gồm hầu hết các loại sữa tắm, dầu gội đầu và thậm chí là xà phòng rửa tay.

1,4-dioxane là một chất lỏng trong suốt dễ dàng hòa tan trong nước. Nó được sử dụng chủ yếu như một dung môi trong sản xuất hóa chất và là một loại thuốc thử trong phòng thí nghiệm (chất được sử dụng để gây ra phản ứng hóa học).

Dù 1,4-dioxane đã được xác định là chất gây ung thư nhưng các công ty hiện vẫn không bị bắt buộc liệt kê loại hóa chất này trên bao bì sản phẩm của họ.

Chất gây ung thư 1,4-dioxane có liên quan đến ung thư mũi, gan và ngực được tìm thấy trong một số sản phẩm tắm gội như dầu gội, sữa tắm, xà phòng.

Hóa chất độc hại này được tạo ra thông qua một quá trình gọi là Ethoxyl hóa, trong đó ethylene oxide – một chất gây ung thư vú đã được biết đến – được thêm vào những hóa chất khác để làm cho chúng ít khắc nghiệt hơn.

Trong khi FDA khuyến khích các nhà sản xuất loại bỏ chất 1,4-dioxane thì luật pháp liên bang vẫn không yêu cầu điều này.

Dù vẫn còn hạn chế về mặt số lượng nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những con chuột thí nghiệm từng hít hơi 1,4-dioxane suốt cuộc đời chúng đã phát triển ung thư bên trong mũi và khoang bụng.

Ngoài ra, chuột thí nghiệm uống nước có chứa chất 1,4-dioxane cũng đã bị ung thư gan. Vì lý do này, Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ cho rằng 1,4-dioxane là chất gây ung thư ở người.

Nhóm Công tác Môi trường (Mỹ) đã thống kê được ít nhất 8.000 sản phẩm trên thị trường nước này có thành phần chứa 1,4-dioxane. Mặc dù không được chủ ý thêm vào phần lớn các sản phẩm, hóa chất này có thể xuất hiện như một sản phẩm phụ trong một số thành phần được sử dụng.

Một cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy, 1,4-dioxane có mặt trong 46% các sản phẩm chăm sóc cá nhân được thử nghiệm. Một số công ty đã đồng ý ngưng sử dụng 1,4-dioxane.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang