Dịch bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục bùng phát
“Virus Zika đã lưu hành ở Việt Nam và sẽ tiếp tục lưu hành. Vì thế, dịch bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục bùng phát, số ca mắc không chỉ ngừng ở 9 người”, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.
Đến thời điểm này, TP HCM đã công bố dịch bệnh do virus Zika sau khi lãnh đạo thành phố thị sát tình hình chống dịch. Như vậy, cho đến nay, cả nước đã có 9 trường hợp dương tính với virus Zika (5 ở TP HCM, 1 ở Long An, 1 ở Bình Dương, 1 ở Phú Yên, 1 ở Khánh Hòa).
Ca bệnh gần đây nhất là ngày 19/10 tại TP HCM tiếp tục ghi nhận ca nhiễm bệnh thứ 5, ca bệnh này là một người đàn ông sống tại quận 5. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân nam đầu tiên nhiễm virus Zika.
Trao đổi với phóng viên chiều 24/10, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo: “Virus Zika đã lưu hành ở Việt Nam và sẽ tiếp tục lưu hành. Vì thế, dịch bệnh do virus Zika sẽ tiếp tục bùng phát, số ca mắc không chỉ ngừng ở 9 người”.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở phía Bắc đang tương đối “yên ắng”, nhưng Zika vẫn có thể bùng phát vì có sự giao thương liên tiếp.
PGS.TS. Trần Đắc Phu lý giải, cũng giống như dịch sốt xuất huyết, virus Zika nếu đã xuất hiện thì sẽ lây lan.Tuy nhiên, virus này cũng khá lành tính, thường tự khỏi sau 4 - 5 ngày điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Tại TPHCM, ngay sau khi phát hiện thêm trường hợp người đàn ông nhiễm virus Zika, thành phố này đã công bố dịch do virus Zika ở quy mô xã, phường. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đây là việc làm cần thiết, rất có giá trị, bởi ngoài việc cảnh báo cho người dân biết cách phòng chống, chính quyền hỗ trợ phòng chống dịch, việc công bố cũng để các cấp xem xét, theo dõi, có các biện pháp để đáp ứng.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng chống cá nhân đối với virus Zika, bằng cách mặc áo dài tay, bôi kem xua muỗi…
Với phụ nữ có dự định mang thai, hay đang có thai, khuyến cáo không nên tới vùng có dịch. Trong thời kỳ mang thai, nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…), cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.
Cũng theo ông Phu, hiện Việt Nam đã có đủ khả năng đáp ứng các loại xét nghiệm phát hiện Zika. Tại TPHCM, các bệnh viện quận, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do virus Zika đến hết năm 2016.
“Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do virus Zika sẽ được xét nghiệm và tìm virus miễn phí.”, ông Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tới đây sẽ mở rộng lấy mẫu xét nghiệm phát hiện virus Zika ở người trên toàn quốc, tập trung những vùng nguy cơ cao ở Khánh Hòa, TPHCM, Tây Nguyên…
http://danviet.vn/tin-tuc/dich-benh-do-virus-zika-se-tiep-tuc-bung-phat-717896.html
Tiểu thương TP HCM cản trở phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh Zika
Một số tiểu thương kinh doanh ăn uống ở chợ An Đông phản đối lực lượng phun thuốc diệt muỗi phòng Zika, một ngày sau mới đồng ý.
Chiều 23/10, nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 phun xịt thuốc diệt muỗi quanh khu vực sinh sống của người đàn ông 32 tuổi vừa được phát hiện bệnh Zika. Đây là bệnh nhân Zika thứ 8 ở Việt Nam và thứ 5 ở TP HCM.
Theo ông Lâm Sanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 5, khu vực phải phun xịt thuốc diệt muỗi này có chợ An Đông, một số gia đình kinh doanh ăn uống không cho phun xịt thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thức ăn. Nhân viên y tế và chính quyền địa phương phải mất một ngày để tuyên truyền, thuyết phục tiểu thương nên việc phun xịt thuốc chậm so với tiến độ.
"Mùi thuốc phun xịt nồng nặc nên tôi ảnh hưởng đến thức ăn bán cho khách", chủ một hộ kinh doanh ở quận 5 giải thích. Người này cho biết: "Họ dọa sẽ xử phạt nếu không chấp hành phòng dịch nên tôi buộc phải đồng ý cho phun thuốc".
Ông Hùng cho biết thêm, sẽ tiếp tục phun xịt thuốc và vận động tiểu thương làm vệ sinh chợ. Cùng với quận 5, ngành y tế quận 2 và 12 nơi có 2 bệnh nhân nhiễm Zika cũng đồng loạt phun xịt thuốc diệt muỗi, tuyên truyền người dân dọn vệ sinh môi trường, tránh để nước tù đọng cho muỗi phát sinh.
Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất 5 ca, Long An, Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một bệnh nhân. Chiều 18/10, TP HCM công bố dịch Zika cấp phường xã, gồm phường An Phú quận 2, phường Hiệp Thành quận 12 và phường 8 quận 5.
Dự báo dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết lan rộng từ nay đến cuối năm, ngành y tế tăng cường các giải pháp diệt muỗi và loăng quăng trong cộng đồng. Bộ Y tế khuyến cáo bà bầu khám thai định kỳ, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Phụ nữ dự định có thai, đang có thai đi đến vùng dịch thì phải thực hiện các biện pháp phòng chống, khi về nước có triệu chứng bệnh phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay.
Virus Zika được cho là gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, khoảng 1-10% thai phụ mắc bệnh sẽ dẫn đến di chứng cho con. Việt Nam đã phát hiện một em bé 4 tháng tuổi bị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika. Hiện mẫu bệnh phẩm của bé đã được gửi sang Nhật để kiểm tra virus Zika.
Thời tiết giao mùa, cảnh giác với dịch bệnh
Thời tiết giao mùa từ thu sang đông là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Các dịch bệnh như Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp… có thể có diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao nếu không cảnh giác và có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Gia tăng số ca nhập viện
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện (BV) Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong số đó có khoảng 35%-40% mắc các bệnh về hô hấp. Phó Giám đốc BV Trần Minh Điển cho biết, thời tiết giao mùa thu - đông làm cho sức đề kháng ở trẻ giảm - điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp bùng phát. Bệnh nhân vào viện chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi, đa số bị nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản phổi. Ở thời điểm này, những bệnh lý mạn tính về hô hấp dễ tái phát. Trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. BV đã chủ động mở thêm 1 đơn vị với 40 giường dành riêng cho các bệnh nhi vừa và nặng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, không phải nằm ghép. Mặt khác, BV Nhi trung ương cũng đã có hệ thống BV vệ tinh, đã chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến tỉnh, trong đó có cả kỹ thuật điều trị bệnh hô hấp. Do vậy, người dân nên cân nhắc kỹ khi cho trẻ đến thẳng BV tuyến trung ương để tránh được tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo.
Những ngày này, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), khoảng 2/3 số trẻ vào khám là do bị viêm phổi, viêm phế quản. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho rằng, tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ. Kiểu thời tiết ngày nắng nóng, sáng và đêm se lạnh, độ ẩm trong không khí tăng khiến sức đề kháng của trẻ giảm, số trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi được một tuần, chuẩn bị xuất viện thì lại bị viêm tiểu phế quản phổi…
Còn tại BV Đa khoa Xanh Pôn, những ngày gần đây, số bệnh nhi nhập viện tăng khoảng 25%-30% so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, tại đây có khoảng 700 - 800 bệnh nhân nhập viện, trong đó có 200 - 220 bệnh nhi. Khoa Nhi tổng hợp có 45 giường bệnh, ngày cao điểm phải tiếp nhận khoảng 60 - 65 bệnh nhi. Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, BV cũng ghi nhận những ca mắc tay chân miệng. Các bác sĩ cảnh báo, thời điểm giao mùa, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng cao nên phụ huynh không được lơ là với con trẻ, nhất là khi bệnh này chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.
Cũng trong thời điểm này, dịch đau mắt đỏ có dấu hiệu gia tăng. Theo bác sĩ Hoàng Cương (Khoa Khám bệnh - BV Mắt trung ương), bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào cuối thu, rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người nên người dân cần chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các trường mầm non, tiểu học.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, đặc biệt là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu - đông. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào vì kể cả bệnh cúm thường - căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa - cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Riêng với bệnh do vi rút Zika, dù Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca mắc tại một số địa phương trong thời gian gần đây nhưng người dân không nên quá hoang mang. Lý do là bởi bệnh do vi rút Zika thường ở mức độ nhẹ, còn nhẹ hơn cả bệnh sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm Zika có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu vì biến chứng liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong số các bà mẹ mang thai mắc Zika, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu hệ thống y tế dự phòng và điều trị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nước, dịch bệnh ngoại nhập (như Zika, sốt rét...), cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh cả về nhân sự, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn và vật tư hóa chất. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh, nhất là vào dịp cuối năm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, mọi nỗ lực của Ngành Y tế, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh lúc giao mùa là chưa đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, để phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện đầy đủ những khuyến cáo mà Ngành Y tế đưa ra. Cụ thể là thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mặc đủ ấm, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Người dân cần lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Riêng đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Mọi người cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi bị bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, nhất là với thuốc kháng sinh.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/852800/thoi-tiet-giao-mua-canh-giac-voi-dich-benh-
Sức khỏe của bệnh nhân nhiễm virus Zika ở Long An đã ổn định
Ngày 24/10, Sở Y tế tỉnh Long An đã thông tin về trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế Long An đã nhận được thông báo kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mẫu xét nghiệm của bé gái 4 tuổi sống tại thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) dương tính với virus Zika. Đây là trường hợp nhiễm virus Zika thứ 11 tại Việt Nam và là trường hợp nhiễm đầu tiên tại tỉnh Long An. Qua thời gian theo dõi, điều trị, đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã trở lại bình thường.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur, ngành y tế Long An đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, điều tra ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế khống chế dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các khu vực trọng điểm; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Sở Y tế Long An khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus Zika; chủ động diệt muỗi, lăng quăng; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị./.
http://www.vietnamplus.vn/suc-khoe-cua-benh-nhan-nhiem-virus-zika-o-long-an-da-on-dinh/412417.vnp
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/438716/
Bệnh đầu nhỏ do Zika chỉ phát hiện vào cuối thai kỳ
Ngày 24.10, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh đầu nhỏ ở thai nhi do mẹ mắc virus Zika chỉ phát hiện ở cuối thai kỳ, khiến trẻ sinh ra có thể bị mắc nhiều khiếm khuyết.
TS Phu cho biết, thai nhi bị dị tật do virus Rubella (khi mẹ mắc Rubella) có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ, có thể xử lý nếu siêu âm thấy thai nhi có dị tật. Còn bệnh đầu nhỏ (teo não) của thai nhi do virus Zika lây từ mẹ sang chỉ có thể phát hiện ở tháng cuối thai kỳ. Lúc này, người mẹ chỉ có thể giữ thai để sinh. “Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi trẻ bị dị tật đầu nhỏ không chỉ bị thiểu năng trí tuệ mà còn bị khuyết tật vận động, bị liệt và nhiều bệnh khác” – TS Phu cho biết.
TS Phu phân tích, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Nếu chỉ 10-20 thai phụ nhiễm virus Zika và 1-2 ca mắc bệnh đầu nhỏ thì người dân có thể chưa nhìn thấy tính nghiêm trọng của dịch bệnh. “Nhưng nếu hàng nghìn ca bệnh, hàng trăm ca đầu nhỏ thì sẽ là một vấn đề rất lớn. Trong khi đó, dịch Zika vẫn đang “tiềm ẩn” rất khó lường. ” – TS Phu nhận định. Theo WHO, nước Brazil (Châu Mỹ) đã ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh Zika và gần 3.000 trường hợp đầu nhỏ nghi do virus Zika.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. “Bệnh do virus Zkia có biểu hiện rất nhẹ (sốt, mệt mỏi, một số ít trường hợp có phát ban đỏ dưới da) do đó dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, người dân có thể tự mua thuốc cảm cúm điều trị hoặc không điều trị mà không đến các cơ sở y tế, do đó không phát hiện được” – TS Phu cho biết.
Đồng thời, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch bệnh. “Muỗi mang mầm bệnh Zika cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết. Loại muỗi này có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, do đó, nguy cơ lây nhiễm cả 2 loại bệnh này rất khó lường” – TS Phu nhận định.
TS Phu khuyến cáo, các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch sốt xuất huyết (Zika) hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn tỉnh, thành phố lần thứ 2 (trong tháng 10 và tháng 11 năm 2016) nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch.
http://danviet.vn/y-te/benh-dau-nho-do-zika-chi-phat-hien-vao-cuoi-thai-ky-717915.html
Dịch sốt xuất huyết vẫn tái phát do đâu?
Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn Aedes đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Kiến thức về bệnh mọi người dân đều biết và có thể phòng, ngăn chặn nhờ công tác vệ sinh môi trường. Tuy vậy hiện nay dịch vẫn tái phát ở nhiều nơi.
Hàng năm, cứ vào tháng 9 dương lịch, ở một số địa phương của Nghệ An lại bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đây là lúc thời tiết nắng mưa thất thường, độ ẩm cao, muỗi vằn phát triển mạnh. Năm 2016, địa điểm xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên là ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu).
Cụ thể, vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 30/9/2016, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu đã phát hiện 2 ca nghi ngờ sốt xuất huyết. Đó là ông Hoàng Văn Nghĩa, 59 tuổi và chị Tạ Thị Huế, 20 tuổi cùng ở xóm 11 B, xã Diễn Thịnh.
Triệu chứng bệnh trước khi nhập viện của hai người giống hệt nhau: bị sốt cao, đau đầu, đau mình mẩy. Sau khi điều trị tại nhà không khỏi, ông Nghĩa nhập viện điều trị ngày 27/9, chị Huế nhập viện điều trị ngày 28/9. Nghi ngờ 2 trường hợp này mắc bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi lên cấp trên. Đến 16 giờ cùng ngày, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có kết quả xét nghiệm trả lời 2 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với sốt xuất huyết.
Ông Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: Ngay sau khi có kết quả, trung tâm đã làm việc cùng UBND xã, Trạm y tế xã Diễn Thịnh thông báo tình hình dịch, giám sát kiểm tra thực địa và triển khai các biện pháp phòng chống dịch như khoanh vùng, cung cấp hóa chất và máy phun diệt muỗi tại xóm có dịch; chỉ đạo trạm y tế tổ chức thu dung điều trị.
Qua việc thường trực khám, phân loại, tư vấn phòng chống dịch, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được phát hiện ngày càng nhiều. Ngày 1/10, phát hiện thêm 6 bệnh nhân mới; ngày 2/10, phát hiện thêm 3 bệnh nhân mới...
Nhận định là dịch lưu hành nội tại, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu đã yêu cầu 39 xã, thị thực hiện vệ sinh môi trường, huy động nguồn xã hội hóa mua hóa chất phun phòng. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp về 150 lít hóa chất Bermethrin để xử lý môi trường phun diệt muỗi toàn bộ các xóm xã Diễn Thịnh. Đến ngày 12/10, dịch đã được kiềm chế. Hiện tại, tất cả các bệnh nhân đều đã khỏi bệnh. Và 10 ngày nay, huyện không phát hiện thêm ca mắc mới nào.
Điều đáng nói là ở Diễn Châu, năm nào dịch sốt xuất huyết cũng hoành hành. Năm 2015, vào cuối tháng 9, ở xã Diễn Ngọc phát hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên tại xóm Trung Thành, và sau đó 19 bệnh nhân khác được phát hiện thêm. Tính đến ngày 7/10/2015, tại các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thịnh có 43 ca mắc sốt xuất huyết.
Trên phạm vi toàn tỉnh, bên cạnh huyện Diễn Châu, dịch sốt xuất huyết còn thường tái xuất hiện ở các huyện Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu. Năm 2013, Diễn Châu có 52 ca mắc sốt xuất huyết, Quỳnh Lưu 4 ca và Hưng Nguyên 40 ca. Năm 2015, Quỳnh Lưu có 14 người mắc sốt xuất huyết, Hưng Nguyên ghi nhận 37 trường hợp mắc. Các xã trọng điểm dịch ở huyện Hưng Nguyên là Hưng Lĩnh, Hưng Long, còn ở huyện Quỳnh Lưu là Quỳnh Ngọc, Quỳnh Liên, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Tiến Thủy, Quỳnh Thọ... |
Nguyên nhân của việc tái lặp dịch sốt xuất huyết ở các địa phương nói trên nằm ở sự hạn chế của người dân trong vệ sinh môi trường và công tác đốc thúc phòng chống dịch bệnh của các cấp chính quyền.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị y tế tại chỗ và ý thức phòng bệnh của người dân. Và nhìn sâu xa hơn là do chúng ta làm công tác phòng chống dịch bệnh chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Thực tế cho thấy, ở những trọng điểm của dịch sốt xuất huyết do công tác vệ sinh môi trường ở đây còn nhiều hạn chế”.
Dẫu là vùng lưu hành dịch, nhưng nguy cơ sốt xuất huyết hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu việc phòng chống được chú trọng. Năm nay, Quỳnh Lưu thực hiện khá tốt công tác này.
Bác sỹ Vũ Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, trung tâm đã triển khai các kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết xuống tận cơ sở; chỉ đạo các trạm y tế kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân phòng bệnh”. Đến nay nhận thức của người dân đã được nâng cao.
Lâu nay, Nghệ An đã thực sự làm tốt trong việc phát hiện sớm, bao vây, dập dịch và điều trị tốt cho bệnh nhân. Song điều này cũng mới chỉ như “mất bò mới lo làm chuồng”. Phòng bệnh cần được làm thường xuyên và với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201610/dich-sot-xuat-huyet-van-tai-phat-do-dau-2748152/
Không có chuyện 'vỡ quỹ' BHYT vì lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh
Ngày 22.10, chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Lương Sơn - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định bảo hiểm y tế trước năm 2017 sẽ không có gì thay đổi và cũng không có chuyện "vỡ" quỹ bảo hiểm như thông tin không chính thức.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 80% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỉ đồng. Tính đến năm 2017, BHXH vẫn đảm bảo được nguồn quỹ để chi trả cho các hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.
Về điều chỉnh mức đóng, ông Phạm Lương Sơn khẳng định BHXH Việt Nam sẽ cố gắng để trước năm 2017, mức đóng BHYT sẽ không thay đổi và hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
“Nguyên nhân chính của việc gia tăng đột biến chi phí của Quỹ BHYT là do gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT, quỹ khám chữa bệnh BHYT, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính, thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc…”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, thời gian qua BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tất cả các cơ sở y tế có biểu hiện lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh BHYT gia tăng bất thường, tần suất bệnh nhân khám chữa bệnh tăng. Sau kiểm tra, nếu phát hiện kiên quyết thu hồi chi phí khám chữa bệnh sử dụng sai quy định.
Vấn đề đặt ra hiện nay là vì sao đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT mà đến nay vẫn chưa kiểm soát được tình trạng trục lợi BHYT? Về việc này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng khâu quan trọng nhất để kiểm soát là phải liên thông dữ liệu, chuẩn hoá các danh mục dùng chung giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm, nhưng đến nay, ngành y tế và các cơ sở y tế chưa hoàn thành được. Từ năm 2017 những cơ sở chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, cơ quan bảo hiểm sẽ không ký hợp đồng BHYT hoặc ngừng thanh toán BHYT.
"Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần rằng chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm" - ông Sơn cho hay.
Những bất cập trong chi trả BHYT vẫn là thách thức đối với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vì một bên thực hiện các dịch vụ y tế, chịu những biến đổi liên tục về giá cả vật tư, thuốc men và yêu cầu cập nhật kỹ thuật y tế hiện đại, còn một bên giữ Quỹ BHYT luôn muốn chi đúng quy định và Quỹ có kết dư.
"Đến thời điểm này cả nước đã có 96% bệnh viện kết nối liên thông hệ thống dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, trong đó 70% bệnh viện đã cập nhật thông tin bệnh nhân nhập ra viện hằng ngày lên hệ thống. Với dữ liệu được kết nối toàn quốc, bệnh viện có thể biết hết các danh mục điều trị, dịch vụ, chi phí thuốc... mà BHYT chi trả, nhằm minh bạch quyền lợi của người dân tham gia BHYT, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT" - ông Sơn thông tin thêm.
Chất tạo nạc cysteamine có thể được nhập lậu
Sáng 24-10, qua trao đổi về tình trạng chất cysteamine đang bị sử dụng sai mục đích, dùng làm chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết:
Hiện ở Việt Nam không có bất kỳ thuốc thành phẩm, thuốc nhập khẩu nào có hoạt chất cysteamine và từ trước đến nay cũng không nhập khẩu nguyên liệu cysteamine về làm thuốc.
đại diện Bộ Y tế khẳng định cysteamine không được nhập khẩu theo đường chính thống nhưng thời gian qua phía Bộ NN&PTNT phát hiện việc các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và người nuôi sử dụng cysteamine để làm chất tạo nạc, có thể chất này đã được nhập lậu. Nếu người ăn thịt heo có tồn dư chất tạo nạc mới này trong thời gian dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, chất tạo nạc, tăng trọng mới này có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện đang được sử dụng tràn lan tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La...
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/chat-tao-nac-cysteamine-co-the-duoc-nhap-lau-660660.html
Nạn côn đồ ở phòng cấp cứu
(PL)- Nghề bác sĩ trực cấp cứu nhọc nhằn nhưng còn khổ hơn nữa là nơm nớp lo côn đồ có thể hành hung bất cứ lúc nào.
Chiều 24-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Võ Hùng Cường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết vụ hỗn chiến xảy ra trước khoa Cấp cứu của BV đêm 23-10 thực sự vượt tầm kiểm soát của lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, nhờ sự xử lý nhạy bén của kíp bảo vệ và hỗ trợ kịp thời của công an địa phương nên tình huống xấu không xảy ra.
“Ngày mai ra viện lấy tí huyết”
“Khi thấy hai nhóm thanh niên cầm hung khí xông vô BV, một bảo vệ nhanh chóng gọi điện thoại cho công an địa phương. Song song đó, một bảo vệ khác la lớn “công an tới, công an tới”. Nghe tới công an, cả hai nhóm ngưng đánh và nhìn dáo dác một hồi khá lâu. Do không thấy bóng dáng công an, hai nhóm tiếp tục lao vào đánh. Tuy nhiên, ngay lúc đó công an địa phương xuất hiện nên cả hai nhóm bỏ chạy” - BS Cường kể.
Theo BS Cường, trước đó BV Đa khoa Xuân Lộc có tiếp nhận ba người bị thương do đánh nhau. Cả ba sau đó đã được chuyển viện. “Người bị thương và những người trong hai nhóm đánh nhau có quan hệ hay không đang được công an làm rõ. Mặc dù vụ việc đánh nhau lần đầu xảy ra tại đây nhưng tâm lý nhân viên y tế của BV hơi lo lắng. Quan trọng là làm sao để sự việc tương tự đừng tái diễn” - BS Cường nói.
Trước đó, khoảng 23 giờ một ngày giữa tháng 10-2016, khoa Cấp cứu BV Đa khoa Bình Dương tiếp nhận một nạn nhân máu me đầy người do xô xát, mình mẩy xăm chằng chịt.
Nạn nhân được một người bạn ở trần “hộ tống”. Người này cũng dính đầy máu, lưng xăm con rồng to tướng đi nghênh ngang trong phòng cấp cứu. Sau khi thăm khám cho nạn nhân, một chị điều dưỡng đưa người ở trần tờ giấy đóng tiền. Thấy tay người này dính máu, chị điều dưỡng đề nghị rửa tay để không làm dơ tờ giấy. “Giấy tờ đâu, cứ đưa tôi. Dính một ít máu me có gì mà sợ” - người ở trần gằn giọng.
Chị điều dưỡng tiếp tục yêu cầu người ở trần rửa tay. Tuy nhiên, người này tỏ thái độ thách thức. Một điều dưỡng khác nói nhỏ với chị điều dưỡng: “Đụng phải thứ dữ rồi. Thôi, chị đưa giấy cho anh ta đi để khỏi mang họa”.
Cầm tờ giấy, người ở trần không đi đóng tiền mà cứ đứng gần nạn nhân. Sau khi cả hai nhỏ to, người ở trần lớn tiếng cốt để mọi người trong phòng cấp cứu nghe được: “Mày yên tâm, tụi tao “rải” người quanh đây (trước phòng cấp cứu BV - PV) hết rồi, tụi nó không dám xông vô đâu. Hôm nay nó xin mày ít máu, ngày mai ra viện mày lấy tụi nó lại tí huyết”.
Mặc dù người ở trần không đóng tiền nhưng bác sĩ trực vẫn cho nạn nhân chụp CT Scan, MRI, uống thuốc… Hơn hai tiếng sau, cả nạn nhân và người ở trần ngang nhiên bỏ về, không thanh toán số tiền điều trị gần 800.000 đồng. “Họ dữ dằn và ngang tàng lắm, bác sĩ và điều dưỡng yên lặng là hơn. Buộc họ đóng tiền có khi gặp chuyện không hay. Số tiền họ không đóng cuối cùng BV phải chịu. Nhưng điều đáng sợ là nạn nhân bị dân anh chị vào tận phòng cấp cứu truy sát. Khi đó nhân viên y tế rất dễ bị vạ lây” - bác sĩ trực lắc đầu.
Mang hung khí vô phòng cấp cứu
PV Pháp Luật TP.HCM từng tận mắt chứng kiến cả nạn nhân lẫn dân chơi mang dao, cây sắt vô phòng cấp cứu của BV Đa khoa Đồng Nai.
Khoảng 1 giờ ngày 2-10, một thanh niên độ 30 tuổi máu me đầy đầu, xăm trổ nửa người nằm bất động trên băng ca được điều dưỡng đẩy thẳng vô khu vực dành cho bệnh nặng. Nạn nhân lập tức được cho thở máy, đo nhịp tim, truyền dịch… Thấy túi quần nạn nhân cộm cộm, bảo vệ BV đưa tay vô và lôi ra con dao bấm sắc lạnh. “Chuyện này chúng tôi gặp hoài. Sẵn dao trong người, khi có chút rượu là hung hăng đâm chém” - anh bảo vệ nói.
Vài phút sau, một thanh niên trạc 28 tuổi, người đầy máu cũng được đưa vô cấp cứu. Trong lúc nhân viên y tế đang chăm sóc nạn nhân này thì một thanh niên độ 25 tuổi xăm trổ đầy người từ ngoài ngông nghênh tới thẳng chỗ nạn nhân.
Thấy anh này đi qua đi lại, hỏi người nhà nạn nhân câu này câu nọ, lại đưa cặp mắt dữ dằn nhìn quanh. Một bảo vệ BV phát hiện điều này liền báo thêm vài bảo vệ khác để kịp thời ứng phó nếu chuyện không hay xảy ra.
Một lúc sau anh này bước ra ngoài. Nghe kể lại chuyện vừa chứng kiến, một điều dưỡng nói mặc dù thấy anh thanh niên mang hung khí vô phòng cấp cứu nhưng vẫn chú tâm xử lý vết thương nạn nhân. “Chúng tôi cũng sợ bị chém nhầm hoặc vạ lây lắm chứ. Nhưng biết làm sao bây giờ, trách nhiệm chúng tôi là cứu sống nạn nhân mà” - điều dưỡng này nói.
Phòng cấp cứu không phải là nơi để “xử” người Thông thường, phòng cấp cứu chỉ cho người nhà bệnh nhân vào trong, người ngoài thì không. Thế nhưng nhiều lúc bệnh nhân quá đông, bảo vệ lại ít nên người ngoài len lén vô phòng cấp cứu. Chúng tôi phải nhỏ lời mời họ ra ngoài. Đối với những thanh niên mang hung khí chúng tôi càng phải giải thích kỹ càng. Cư xử không khéo dễ xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Nói thật phòng cấp cứu BV là nơi cứu người. Nhưng đôi khi lại là nơi dân anh chị tìm đến để… “xử” người. Điều này thật đáng sợ! Một bảo vệ BV Đa khoa Đồng Nai Để tránh ảnh hưởng tính mạng của mọi người nói chung và nhân viên y tế nói riêng khi có những tình huống xô xát xảy ra trong BV, từ lâu BV có sự phối hợp chặt chẽ với công an xã và công an huyện. Thực tế cho thấy khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ phía BV, công an địa phương có mặt kịp thời và giải quyết vụ việc nhanh chóng, không ảnh hưởng bất kỳ ai. BS VÕ HÙNG CƯỜNG, |
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/nan-con-do-o-phong-cap-cuu-660662.html
Cứu sống 2 bệnh nhân nhờ báo động đỏ nội viện
BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vừa cứu sống hai nạn nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng thông qua quy trình báo động đỏ nội viện. Nếu cấp cứu trễ, hai nạn nhân có nguy cơ tử vong.
Chiều 24-10, TS-BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Xuyên Á, cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên.
Trước đó, ngày 22-10, ông PTP (36 tuổi, ở Long An) được đưa vào BV Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng hôn mê do sốc mất máu nặng, cơ thể nhợt nhạt có nhiều vết xây xát, mạch và huyết áp không đo được do TNGT. Lập tức, các bác sĩ thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, tiến hành cấp cứu ban đầu. Đồng thời thực hiện cận lâm sàng và hội chẩn tại giường bệnh.
Kết quả chẩn đoán cho thấy tình trạng của ông P. rất xấu. Cụ thể, ông bị dập vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận trái và xuất huyết nội lượng nhiều. Hơn năm phút sau, ông P. nhanh chóng được đưa đến phòng mổ cấp cứu.
Khi tiến hành mở bụng, các bác sĩ thấy hơn 2.000 ml máu đỏ sậm và đóng cục hiện diện khắp ổ bụng. Chưa hết, lách bị vỡ nát cực dưới, rốn lách chảy nhiều máu. Ngoài ra, thận trái rách 1/3 giữa cả hai mặt trước và sau đến sát cuống thận, vết rách chảy máu phun thành vòi. Các bác sĩ tiến hành cắt lách cầm máu, khâu bảo tồn thận trái cho nạn nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền bốn đơn vị máu và hai đơn vị huyết tương. Sau một giờ phẫu thuật, ông P. đã được cứu sống. Hiện sức khỏe của ông đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại khoa Ngoại tổng quát.
Ông P. cho biết bị xe tải chạy từ sau ép tới khiến ông té văng vào lề đường, đau bụng dữ dội không đứng nổi rồi lơ mơ ngất đi. May mắn được những người xung quanh gọi xe cấp cứu 115 đưa tới bệnh viện.
Cũng trong ngày 22-10, BV Đa khoa Xuyên Á tiếp nhận ông TVT (29 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) trong tình trạng sốc mất máu, lơ mơ, mất một mảng da đùi lớn lộ cả cơ, máu chảy nhiều, mạch và huyết áp không đo được do TNGT.
Các bác sĩ đã nhanh chóng khởi động quy trình báo động đỏ nội viện. Kết quả chẩn đoán cho thấy nạn nhân bị nhiều tổn thương nặng nề, gãy phức tạp xương khung chậu, vỡ bàng quang niệu đạo, vỡ trực tràng ngoài phúc mạc, xuất huyết nội lượng nhiều.
Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Ngoại cơ xương khớp, Ngoại tổng quát và Ngoại tiết niệu phối hợp thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân được cắt lọc, làm sạch vết thương, cầm máu, đặt bất động ngoài khung chậu, nối trực tràng, khâu bàng quang và đặt dẫn lưu. Ca phẫu thuật phức tạp diễn ra hơn bốn giờ, bệnh nhân được truyền 12 đơn vị hồng cầu lắng và 10 đơn vị huyết tương tươi. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tình trạng sức khỏe ổn định và đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực.
Điều đáng nói ông T. không có thân nhân và giấy tờ tùy thân khi được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, do chấn thương quá nghiêm trọng, chậm cấp cứu sẽ tử vong nên BV Đa khoa Xuyên Á quyết định phẫu thuật để cứu ông.
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuu-song-2-benh-nhan-nho-bao-dong-do-noi-vien-660512.html
Đình chỉ điều dưỡng ‘chẩn đoán’ cụ ông mang thai
BV Đa khoa huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã đình chỉ công tác điều dưỡng Lê Thị Nga (công tác tại khoa Nội) để viết tường trình vì tự ý viết giấy ra viện và nhập nhầm mã bệnh cho một bệnh nhân.
VNE ngày 23-10 dẫn lời ông Võ Viết Quang, Giám đốc bệnh viện này, cho biết như trên.
Trước đó, sáng 10-10, ông Nguyễn Đình Trương (67 tuổi, ở xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) thấy mệt nên đi khám ở BV Đa khoa huyện Lộc Hà. Chẩn đoán sau khi thăm khám ghi ông bị hen “chưa xác định rõ gây biến chứng cho thai nghén, khi đẻ và sau khi đẻ…”.
Ông Trương sau đó được đưa vào khoa Nhi lây cấp cứu vì huyết áp cao rồi được chuyển lên BV Đa khoa Hà Tĩnh chữa trị nhưng tử vong. Người nhà ông Trương cho rằng BV Đa khoa huyện Lộc Hà chẩn đoán bệnh “khôi hài”, bất hợp lý nên yêu cầu làm rõ. Theo giám đốc bệnh viện, hôm xảy ra sự việc, thay vì viết giấy chuyển viện, điều dưỡng Nga đã tự ý viết giấy ra viện cho bệnh nhân Trương. Việc chẩn đoán ông Trương “bị thai nghén” là do lỗi hành chính khi vào mã bệnh.
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/dinh-chi-dieu-duong-chan-doan-cu-ong-mang-thai-660384.html
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/438636/
Cà Mau: Thu hồi giấy phép phòng khám của Giám đốc bệnh viện huyện
Ngày 24/10, tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan này vừa thu hồi giấy phép hoạt động một cơ sở khám, chữa bệnh tại huyện Đầm Dơi vì vi phạm quy định của Bộ Y tế.
Theo đó, phòng khám này mở tại nhà (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) do ông Dương Quốc Thống chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Sở Y tế thu hồi giấy phép bởi ông Thống chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật 2 cơ sở khám, chữa bệnh. Ông Thống hiện là Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đầm Dơi và đã chịu trách nhiệm chuyên môn tại bệnh viện này.
Theo Thông tư số 41/2011 của Bộ Y tế quy định, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám, chữa bệnh, không được đồng thời làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ 2 cơ sở khám, chữa bệnh trở lên.
“1 lần hiến máu, giúp được 3 người”
Các chuyên gia cho biết 1 túi máu được sản xuất thành 3 chế phẩm máu. Bởi vậy, chỉ cần 1 lần hiến máu, bạn đã giúp được hẳn 3 người.
Máu là khởi nguồn của sự sống, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu dùng cho điều trị các chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, cho người mắc các bệnh cần truyền máu. Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu này, nguồn máu dự trữ tại các trung tâm y tế và bệnh viện không đủ để cung ứng khi nhu cầu được truyền máu tăng cao. Từ đó, nhiều sự kiện hiến máu nhân đạo được tổ chức nhằm kêu gọi những tấm lòng nhân ái, chia sẻ và trao tặng những giọt máu hiến, góp phần nhỏ bé của mình cho những người kém may mắn.
Trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Roche - tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dược phẩm và chẩn đoán tại Việt Nam đã phối hợp với TT Truyền máu Chợ Rẫy và Tòa nhà e.town tổ chức những ngày hiến máu nhân đạo với thông điệp “Một lần hiến máu, giúp được Ba người” (một túi máu được sản xuất thành ba chế phẩm máu, có thể giúp được ba người) với mục tiêu góp phần gia tăng nguồn máu dự trữ cho cộng đồng.
Hàng ngàn nhân viên nhiệt tình tham gia, không kể người Việt Nam hay nước ngoài, nam hay nữ, và dù phải cố gắng sắp xếp công việc bận rộn, chờ đợi cho đến lượt… Tinh thần của sự kiện đã và đang tiếp tục được hàng nghìn nhân viên làm việc tại tòa nhà e.town lan tỏa thông qua việc sử dụng thông điệp “Một lần hiến máu, giúp được ba người” thành câu khẩu hiệu kêu gọi mỗi khi rủ nhau tham gia các sự kiện hiến máu nhân đạo. Tất cả điều này thể hiện tình nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với những bệnh nhân đang cần đến nguồn máu an toàn của người Việt Nam nói chung và nhân viên văn phòng, giới trẻ nói riêng.
“Hoạt động rất là ý nghĩa và tạo điều kiện cho các công nhân viên chức không có thời gian đến các trung tâm hiến máu vẫn có thể nhân cơ hội này làm điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng,” anh Vi Đặng Anh Khoa - nhân viên của Công ty BOSCH chia sẻ khi đến với chương trình.
Ngoài những phần quà dinh dưỡng cơ bản, người hiến máu cũng được thăm khám sức khỏe và tiến hành các xét nghiệm máu cần thiết như: nhóm máu, các nguy cơ bệnh truyền nhiễm như HIV, giang mai, viêm gan B,C... bằng xét nghiệm sàng lọc kết hợp huyết thanh học và kỹ thuật khuyếch đại axit nucleic (NAT) tiên tiến của Roche nhằm đảm bảo nguồn máu được hiến tặng an toàn để sử dụng, và cũng giúp người hiến máu nắm bắt được tình trạng sức khỏe của chính mình để kịp thời theo dõi và điều trị nếu cần thiết.
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/1-lan-hien-mau-giup-duoc-3-nguoi-335705.html