Kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương
http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2346
Ngày 24/11/2017, tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ươngvà đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tới dự Lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; các đồng chí lãnh đạo các Bộ/Ngành Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO); lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực nhãn khoa cùng tập thể lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm, các y, bác sỹ, công chức, viên chức, người lao động các thời kỳ Bệnh viện Mắt Trung ương tham dự Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương tập thể cán bộ công nhân viên Bệnh viện Mắt Trung ương đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân trong 100 năm tồn tại và phát triển. Đồng chí Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ chăm sóc đôi mắt khỏe mạnh và đánh giá cao kết quả mà Bệnh viện Mắt Trung ương đã đạt được. Bệnh viện cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nhãn khoa và đạt được những thành quả rất ấn tượng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập thể cán bộ, công nhân viên bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế, trau dồi chuyên môn để xứng đáng là đơn vị uy tín hàng đầu về nhãn khoa của Việt Nam. Đồng thời đồng chí Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, thành phố Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các Bộ/Ngành liên quan, địa phương quan tâm hơn nữa nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an toàn, trật tự,tạo điều kiện để Bệnh viện Mắt Trung ương hoàn thành nhiệm vụ cao cả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ Y tế luôn sát cánh cùng Bệnh viện Mắt Trung ương phát huy nội lực, sáng tạo,hợp tác quốc tế, mở rộng giao lưu, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp, làm cho bệnh nhân cảm thấy an toàn, yên tâm hơn khi đến Bệnh viện. Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Mắt Trung ương xây dựng Đề án “Bệnh viện Mắt Trung ương cơ sở 2” để từng bước cải thiện trụ sở bệnh viện.
Sau 100 năm tồn tại và phát triển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ một cơ sở khám chữa mắt nhỏ bé là nơi thực hành nhãn khoa trực thuộc Đại học Y khoa Đông Dương, chúng ta đã xây dựng được một bệnh viện mắt Trung ương, một trung tâm nhãn khoa đầu ngành của cả nước, cánh chim đầu đàn của ngành mắt Việt Nam. Là trung tâm nhãn khoa lớn nhất, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận trung bình 500.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Bệnh viện cũng là nôi đào tạo cán bộ nhãn khoa cho cả nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 bác sĩ nhãn khoa đang làm việc cho hệ thống y tế công và tư.Tỉ lệ mù lòa ở người 50 tuổi trở lên đã giảm từ 3,1% vào năm 2007 xuống còn 1,8% vào năm 2015, đã thanh toán bệnh khô mắt do thiếu vitamin và sắp sửa công bố thanh toán bệnh mắt hột…Với những cống hiến không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Mắt Trung ương vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tại buổi lễ, Bộ Y tế đã công bố Chiến lược quốc gia về phòng chống mùa lòa, theo đó, phấn đấu đến năm 2020, giảm tỉ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người trên 1.000 dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bệnh viện Mắt TƯ phải trở thành trung tâm nhãn khoa sánh ngang khu vực và thế giới
Ngày 24.11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ do Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt, 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, khai mạc Hội nghị ngành nhãn khoa Việt Nam 2017 - Hội nghị AECOM 5. Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà bệnh viện đã đạt được trong suốt chặng đường dài vừa qua, nhất là trong công tác phòng, chống bệnh đau mắt hột, chương trình uống Vitamin A trên toàn quốc góp phần chấm dứt mù lòa do khô mắt, hạ thấp tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh được.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu lo lớn, nhưng phía trước của ngành nhãn khoa Việt Nam, của Bệnh viện Mắt Trung ương còn nhiều gian nan và thách thức. "Để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, xây dựng Bệnh viện Mắt Trung ương trở thành trung tâm nhãn khoa của cả nước, sánh vai với các trung tâm nhãn khoa của khu vực và thế giới, tôi mong muốn tập thể y bác sĩ bệnh viện đoàn kết một lòng, vì sự nghiệp chung chăm sóc đôi mắt" - Thủ tướng nói. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận Bệnh viện Mắt Trung ương đã tự chủ về tài chính thành công, đời sống y bác sĩ, người lao động được nâng cao và trang bị hiện đại phục vụ bệnh nhân.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 2.000 bác sĩ nhãn khoa, hơn 5.000 y sĩ đang làm việc trong ngành mắt ở hai hệ thống y tế công và tư; hàng trăm các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trong nước và quốc tế đạt hiệu quả cao trong thực tế. Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt; phẫu thuật cho hàng chục ngàn người bệnh, đem lại ánh sáng và niềm vui cho nhân dân. Thủ tướng mong muốn tập thể y bác sĩ bệnh viện không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, chung tay phấn đấu vì sự nghiệp chung cao cả bảo vệ, chăm sóc đôi mắt.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, TP Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các bộ, ban, ngành liên quan quan tâm tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm an toàn, trật tự, giúp Bệnh viện Mắt Trung ương hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập Hạng Ba cho lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương. Trước khi đến dự buổi lễ, từ sáng sớm, Thủ tướng đã đến thăm Bệnh viện Mắt Trung ương, gặp gỡ, nói chuyện với các bệnh nhân, các BS, các nhân viên của bệnh viện. Cũng trong sáng nay, Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam năm 2017 đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là hội nghị thường niên nhằm đánh giá tổng kết các công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam.
Chung kết Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017”
http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2338
http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2340
Sáng ngày 23/11/2017 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức chung kết Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017”. Tới tham dự cuộc thi có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; cùng đại diện Lãnh đạo các Vụ/Cục/ Tổng cục, Văn phòng Bộ Y tế; các đồng chí lãnh đạo đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Sở Y tế, các cơ sở y tế, các cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn bản 6 tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Gia Lai, Bắc Kạn, Thái Nguyên; cùng các phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo đài và các sinh viên tình nguyện đến từ trường Đại học Y, Đại học Y tế công cộng, Học viện Báo chí tuyên truyền.
Phát biểu khai mạc cuộc thi PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII vừa thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó ngành y tế có 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đây chính là những quyết sách, những chủ trương lớn mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp các ngành và sự chung tay thực hiện của từng người dân và cộng đồng. Với quan điểm “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng...”, chính vì thế vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản đặc biệt quan trọng góp phần vào thành công chung của ngành y tế. Nhân dịp này đồng chí Bộ trưởng gửi lời cảm ơn, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống thôn bản. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn, cuộc thi sẽ được tiếp tục mở rộng với các nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở phát huy khả năng, thể hiện lòng nhiệt huyết với công việc.
Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản được đánh giá là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, góp phần vào thành công chung của toàn ngành y tế. Tuy không trực tiếp làm trong các bệnh viện, trạm y tế nhưng nhân viên y tế thôn bản, khóm ấp luôn bám sát địa bàn tại thôn, xóm, bản để tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế, sơ cứu ban đầu, tham gia thực hiện các chương trình y tế quốc gia... góp phần thay đổi hành vi và ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật của người dân. Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng với những đóng góp thầm lặng ấy chưa được cộng đồng quan tâm, đánh giá cao. Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017”, nhằm tôn vinh vẻ đẹp tri thức, tài năng, y đức, thái độ, phong cách phục vụ người dân của những cán bộ y tế cơ sở, mỗi đội thi sẽ phải trải qua 3 phần thi là Màn chào hỏi, Thi Kiến thức và Ứng xử, Thi Năng khiếu. Nội dung thi bao gồm các nội dung về các quy định pháp luật, chính sách, các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các cấp chính quyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân xoay quanh các chủ đề: Truyền thông, giáo dục sức khỏe; Phòng chống dịch bệnh; Vận động cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; Chăm sóc bà mẹ mang thai; Kế hoạch hóa gia đình; Nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản. Ngoài ra, các phần thi năng khiếu của mỗi đội thể hiện các kiến thức, kỹ năng, thực hành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, xử lý các tình huống giao tiếp, ứng xử, trình bày các sáng kiến trong công tác tư vấn và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở thông qua các tiểu phẩm sân khấu hóa, thuyết trình, đóng vai tư vấn, hùng biện, thơ ca, hò, vè, hát, múa,v.v..
Hội thảo góp ý dự thảo Luật Dân số
http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2348
Ngày 24/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Dân số. Tham dự hội thảo có GS. TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo, chuyên viên của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các Bộ/Ngành liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực dân số.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết đặt ra mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Từ những định hướng chính sách dân số mới, đòi hỏi Pháp luật dân số nói chung và Pháp lệnh dân số cần có những bổ sung, sửa đổi để phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ Y tế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và đang triển khai việc hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo chi tiết Luật Dân số theo đánh giá tác động của chính sách và Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới cũng như lấy kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của Luật. Dự kiến sẽ trình chính phủ vào quý I/2018.
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dân số, đáp ứng yêu cầu cần có khung pháp lý cao nhất để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, Bộ Y tế tiếp tục xin ý kiến Ban soạn thảo và các đại biểu, chuyên gia về toàn bộ nội dung của Dự án Luật Dân số, đặc biệt là về các phương án lựa chọn quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước về dân số.
Thứ trưởng Lê Quang Cường tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cộng hòa Cu Ba, Antonio Corona
http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2347
Sáng 24/11/2017 tại Hà Nội, GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp xã giao ngài Antonio Corona, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, và Đầu tư nước ngoài Cộng hòa Cu Ba cùng đoàn công tác. Tại buổi tiếp hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến sự thúc đẩy hợp tác về y tế giữa hai nước.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường chào mừng Thứ trưởng Antonio Corona đã đến thăm và làm việc với Bộ Y tế Việt Nam. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao sự hợp tác của Cu Ba và Việt Nam về các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Y tế tại Việt Nam. Thứ trưởng Lê Quang Cường chia sẻ: Hiện nay Việt Nam còn thiếu nhân lực y tế từ các tuyến y tế cơ sở, cũng như thiếu chuyên khoa mũi nhọn cho tuyến dưới và những chuyên khoa như y học hạt nhân. Đồng chí Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới CuBa, với những kết quả đã đạt được về y tế của nước mình sẽ hỗ trợ và đồng hành giúp cho hệ thống y tế của Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Trân trọng và cảm ơn Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Lê Quang Cường và các đơn vị của Bộ Y tế đã giành thời gian để tiếp đoàn. Thứ trưởng Antonio Corona mong muốn được tìm hiểu một số cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam đặc biệt là được hợp tác với các bệnh viện công lập tại Việt Nam. Ngài Thứ trưởng tin tưởng rằng với một số thành tựu mà Cu Ba đã đạt được y tế sẽ giúp đỡ cho y tế Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Thứ trưởng Antonio Corona mong muốn thời gian tới, Bộ Y tế Cu Ba và Bộ Y tế Việt Nam sẽ có những sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ./.
Chuyển toàn bộ bệnh nhi tại Sản Nhi Bắc Ninh lên bệnh viện tuyến Trung ương điều trị
Bộ Trưởng Bộ Y tế yêu cầu 3 bệnh viện: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Bạch mai hỗ trỡ nhân lực, vật tư thiết bị để chăm sóc và điều trị một cách tốt nhất cho toàn bộ bệnh nhi chuyển lên từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Ngày 20/11, một sự kiện gây chấn động dư luận khi cùng một lúc 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đồng loạt tử vong không rõ nguyên nhân. Sau khi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng này, ngày 23/11, Bộ Y tế đã có công văn số 6706/BYT-BM-TE gửi Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Theo nội dung công văn, nhằm đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi hiện còn đang điều trị tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh thuộc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu chuyển toàn bộ trẻ sơ sinh lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện huy động tối đa toàn bộ nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhất để hỗ trợ việc chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ được chuyển viện. Bên cạnh đó phải đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc để có thể chăm sóc và điều trị một cách tốt nhất cho tất cả trẻ sơ sinh. Sau khi thực hiện, các bệnh viện phải có báo cáo kết quả gửi về Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) để tổng hợp gửi Bộ Trưởng.
Thông tin sơ bộ VTC News đã đăng tải, bước đầu Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự đã nhận định nguyên nhân gây ra tử vong cho các bệnh nhi là do sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân đẻ non suy hô hấp yếu. Tối 21/11, Hội đồng khoa học đã công bố nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, theo đó cả 4 bệnh nhi đều có chung một tình trạng đó là đều sinh non tháng, nhẹ cân, suy hô hấp sau sinh, nhiễm khuẩn từ 3-5 ngày điều trị, không đáp ứng với phác đồ điều trị. Nguyên nhân được cho là sốc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.
Vi khuẩn đa kháng thuốc là thủ phạm gây nhiễm khuẩn trẻ Bắc Ninh
Trong ba bệnh nhi Bắc Ninh chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, có một bé được phát hiện nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Acinetobacter. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số ba trẻ sơ sinh chuyển đến từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh sau sự cố 4 bé tử vong, có một bé tình trạng rất nặng do xuất huyết não, tim to, bụng trướng. Bác sĩ xác định bé bị nhiễm khuẩn nặng, hạ đường máu liên tục, vàng da ứ mật. Kết quả cấy máu phát hiện bệnh nhi này có vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter.
Acinetobacter là cầu khuẩn gram âm, đang nổi lên là một nhóm sinh vật nghi ngờ gây các bệnh nhiễm khuẩn quan trọng ở bệnh viện trên toàn cầu. Các sinh vật này có khả năng tích lũy những cơ chế kháng thuốc, dẫn đến xuất hiện các chủng kháng mọi loại kháng sinh hiện có. Sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn so với các chủng nhạy cảm khác. Bệnh nhi mang vi khuẩn kháng thuốc này đã được nằm cách ly riêng một phòng, phải thở máy. Hai bé còn lại cũng bị nhiễm khuẩn huyết song tình trạng nhẹ hơn bé kia. Đến sáng 23/11, tình trạng các cháu còn rất nặng, tuy nhiên các chức năng sống đã được kiểm soát.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 10 bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đến cũng có 4 trẻ nhiễm khuẩn, trong đó 2 bé được phát hiện hiện diện vi khuẩn gram âm kháng thuốc trong máu. "Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị các cháu đặt vào tình trạng tối đa. Sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc trong máu rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm khuẩn cho các cháu", Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết.
Vi khuẩn gram âm này kháng với một số kháng sinh thường dùng, nhạy với một số kháng sinh nhóm Carbapenem. Hiện các bé được sử dụng kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ, hy vọng sẽ đáp ứng tốt, ông Điển nói thêm.
Sau khi có kết quả cấy vi khuẩn máu, cả 4 bé được chuyển nằm cách ly hoàn toàn để tránh nguy cơ lây lan vi khuẩn nguy hiểm này toàn bệnh viện. Phó giáo sư Điển cho biết, may mắn vi khuẩn này không phải siêu đa kháng nên việc điều trị bớt khó khăn hơn. Các bệnh nhi được điều trị kháng sinh theo liệu pháp xuống thang và theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn, mức độ nhiễm khuẩn, mức độ đáp ứng kháng sinh. Kết quả cấy vi khuẩn trong môi trường và trên tay bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cũng cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc. Công tác cấy vi khuẩn được bệnh viện Bắc Ninh tiến hành ngay ngày 20/11 sau khi 4 bé sơ sinh tử vong. Bệnh viện đã được hỗ trợ kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây chéo cho các bệnh nhi khác.
Việt Nam là nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và đa kháng thường gặp trong bệnh viện, đặc biệt là khoa Điều trị tích cực và Cấp cứu. Trong đó, các vi khuẩn thường gặp là nhóm vi khuẩn đường ruột như E.coli, Klebsiella pneumoniae..., trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, enterococcus...
Tạm dừng hoạt động Đơn nguyên sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh
Theo news.zing.vn, ngày 24/11, liên quan tới sự việc 4 bé sơ sinh tử vong cùng ngày tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh ngày 20/11, bà Tô Thị Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh vừa cho biết hiện Đơn nguyên Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã tạm dựng hoạt động để tiến hành tổng kiểm soát nhiễm khuẩn, khử khuẩn toàn bộ khu vực này. Tất cả các bệnh nhi cũ và mới tại đơn nguyên này đều được chuyển ngay lên các cơ sở y tế tuyến trên. Từ chiều ngày 20/11 đến ngày 23/11, 20 trẻ sơ sinh non tháng được chuyển từ Đơn nguyên Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đến các Bệnh viện tuyến trung ương gồm Bệnh viện Phụ sản Trung ương 9 bé, Bệnh viện Nhi Trung ương 8 bé và Bệnh viện Bạch Mai 3 bé.
Theo bác sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 9 bé chuyển lên đây là sinh non, cân nặng từ 1-2,8 kg. Trong đó, 7 cháu chuyển đến từ chiều ngày 21/11, chiều ngày 23/11 có thêm 2 cháu nữa được chuyển đến. Các bé được trung tâm tạo điều kiện sắp xếp điều trị và chăm sóc chung một phòng. Hiện, sức khỏe các bé đều tiến triển tốt, không phải thở máy, có 2-3 cháu dự kiến sẽ ra viện trong tuần tới. Đặc biệt có 3 cháu cân nặng 1-1,4 kg phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp từ một đến hai tháng. Trong 9 trẻ chuyển đến Trung tâm, có một trường hợp trẻ sinh đôi.
Theo báo Giao thông, ngày 23/11, kết quả cấy vi khuẩn trên tay y bác sĩ và vị trí các bệnh nhi nằm tại khu vực chăm sóc trẻ sinh non Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã phát hiện có sự hiện diện vi khuẩn đang kháng thuốc nguy hiểm. Kết quả cấy vi khuẩn ở các cháu bé bệnh nặng nhất chuyển về viện Nhi Trung ương và Bạch Mai cũng cho thấy có vi khuẩn đa kháng thuốc. Vi khuẩn này là thủ phạm gây sốc nhiễm khuẩn gây tử vong 4 trẻ sinh non hôm 20/11. Các bé có vi khuẩn đa kháng thuốc được chuyển lên tuyến trên đều được điều trị cách ly phòng riêng ở các bệnh viện Hà Nội để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.
Cũng trong ngày 23/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo chuyển tất cả các trẻ sơ sinh đang được điều trị tại đơn vị hồi sức sơ sinh ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên các bệnh viện: Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bạch Mai để chăm sóc và điều trị. Bộ trưởng đề nghị các bệnh viện này huy động tối đa nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhất, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc để trẻ sơ sinh được chăm sóc và điều trị trong điều kiện tốt.
Trước đó, trong thời gian từ rạng sáng đến 9h30 ngày 20/11, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã xảy ra 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, gồm các trẻ: Vi Thị Phượng (huyện Vân Hồ, Sơn La); Vũ Hải Đăng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định); Vũ Đình Cò (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Hà Vi (TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh). 4 trẻ tử vong tại bệnh viện đều là trẻ sinh non từ 32 đến 34 tuần, có cân nặng khi sinh từ 1,6 kg đến 2,3 kg. Các bệnh nhi này được chẩn đoán suy hô hấp, đẻ non và được xử lý cho nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch và ăn sữa qua ống thông dạ dày, kháng sinh.
Tối ngày 21/11, Hội đồng khoa học đã công bố nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh là sốc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Kíp trực liên quan 4 trẻ tử vong ngày 20/11 bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Điều bất thường cần làm sáng tỏ trong vụ trẻ tử vong ở BV Sản nhi Bắc Ninh
http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/dieu-bat-thuong-can-lam-sang-to-467788/
Trong khi bé trai 2 tháng tuổi tử vong vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thì chỉ sau vài ngày lại có 4 trẻ sơ sinh khác tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sơ sinh là do sốc nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đẻ non yếu suy hô hấp. Ngay khi có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, hàng chục bệnh nhân sơ sinh được chuyển lên tuyến trên trong tình trạng nguy kịch. Người nhà của các cháu bé cho rằng, sự tắc trách, vô trách nhiệm của bác sĩ là một phần nguyên nhân xảy ra sự việc đau lòng này.
Có lẽ chưa khi nào Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lại phải chứng kiến cảnh hỗn loạn và đau thương đến thế. Người nhà của các trẻ sơ sinh tử vong quây kín bệnh viện để yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Họ cho rằng, bệnh viện phải có trách nhiệm trước cái chết của con cháu mình. Trường hợp đầu tiên tử vong là bé Vi Thị Phượng (sinh ngày 13-11-2017) là con của chị Vi Thị Kiều (21 tuổi, Khu công nghiệp Đình Trám – Bắc Giang). Bé Phượng được nhập viện ngày 13-11 với chẩn đoán suy hô hấp. Khi sinh, thai nhi mới được 34 tuần tuổi và phải mổ đẻ. Ngay sau sinh, mẹ bé bị tiền sản giật, còn bé Phượng bị suy hô hấp. Tuy nhiên, bé Phượng có diễn biến suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn từ 22 giờ ngày 19-11-2017. Các bác sĩ đã cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả. Bé Phượng đã tử vong hồi 2 giờ ngày 20-11-2017.
Trường hợp thứ 2 được xác định là bé Vũ Hải Đăng (sinh ngày 12-11-2017), mẹ là Đinh Thị Bích (26 tuổi), công nhân thuộc Khu công nghiệp Tiên Sơn – Bắc Ninh. Khi chị Bích nhập viện, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật để đưa cháu bé ra, khi sinh cháu bé nặng 2,3kg, được xác định là suy hô hấp. Cháu Đăng có diễn biến suy hô hấp nặng hơn từ 22 giờ ngày 19-11 -2017, đã được cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi.
Cùng ngày 20-11, cháu bé Vũ Đình Cò (sinh ngày 13-11-2017), mẹ là Nguyễn Thị Huệ (SN 1989, Tiên Du, Bắc Ninh) cũng tử vong vào hồi 8 giờ 30 phút và được xác định bị suy hô hấp, suy tuần hoàn. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng cháu Cò vẫn không thể qua khỏi. Trường hợp thứ 4 là bé Nguyễn Hà Vi (sinh ngày 16-11-2017), được chẩn đoán suy hô hấp. Khi mới sinh, thai nhi mới được 35 tuần tuổi và suy dinh dưỡng bào thai. Trọng lượng khi sinh bé được 1,6kg. Bé Vi sinh ra được thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF (thụ tinh qua ống nghiệm). Bé Vi diễn biến nặng từ 3 giờ ngày 20 -11-2017; suy tuần hoàn, dù đã được cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả. Cháu bé tử vong hồi 9 giờ 30 phút ngày 20-11-2017. Có thể thấy, đây là hiện tượng hết sức bất thường tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, bởi chỉ từ 2 giờ đến 9 giờ 30 sáng ngày 20-11 đã có tới 4 trẻ sinh non tử vong.
Theo quan sát của phóng viên, tại tầng 5 của Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh có rất nhiều người, chủ yếu là thân nhân của 4 cháu bé đã tử vong. Tất cả mọi người nhất nhất yêu cầu bệnh viện tìm ra nguyên nhân người nhà của mình tử vong. Bà Đặng Thu Hồng bức xúc nói trong nước mắt: “Cháu tôi là Vũ Đình Cò, cháu được 1 tuần tuổi, hiện cháu được đưa xuống nhà xác bệnh viện để chờ khám nghiệm tử thi. Khi sinh cháu, mẹ cháu mang thai được 7,5 tháng, thời điểm sinh ra cháu nặng 1,9kg. Các bác sĩ liên tục thông báo sức khỏe của cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng sáng nay (sáng 20-11), họ lại gọi thông báo cho gia đình là cháu bị nhiễm trùng máu, cháu tôi đã mất lúc 9 giờ sáng. Mẹ cháu không chịu được cú sốc quá lớn này, nó lại bị bệnh tim nên đang được cấp cứu”. Chỉ trong một thời gian quá ngắn đã có tới 4 cháu bé cùng tử vong, chính vì thế các gia đình đã đặt ra nhiều nghi vấn, có sự tắc trách của đội ngũ nhân viên y tế trong quá trình điều trị và chăm sóc trẻ?
“Sau khi sinh xong, các bác sĩ thông báo cho gia đình phổi của cháu chưa phát triển, gia đình mua 2 ống tiêm để phổi trưởng thành, sau đó các bác sĩ bế cháu lên tầng 5 của bệnh viên – nơi chăm sóc trẻ sinh non. Tôi không hiểu tại sao khi mà cháu đang khỏe mạnh, đùng một cái bác sĩ thông báo cháu đã mất, chúng tôi quá bàng hoàng. Trước đó, bác sĩ có nói với chúng tôi, cháu ăn không tiêu nhưng người nhà không phải quá lo lắng gì. Không thể có chuyện trong một thời gian quá ngắn như vậy lại để xảy ra tới 4 cháu bé tử vong. Có hay không việc tắc trách của nhân viên, bác sĩ tại đây? Chúng tôi tha thiết muốn cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra nguyên nhân. Có như vậy các cháu mới an nghỉ được” – anh Vũ Đình Phụng (31 tuổi, bố bé Cò) bức xúc kể lại. Anh Phụng không kìm được nước mắt: “Từ lúc cháu sinh ra đến lúc mất đi tôi chưa được nhìn mặt con. Chỉ khi đi siêu âm, mọi người bảo giống tôi lắm…”.Đứng ở phía xa, với tâm trạng đau đớn, bố của cháu Vi dường như vẫn chưa tin đó là sự thực. Vợ chồng anh cưới nhau được 10 năm, trải qua nhiều lần thụ tinh nhân tạo mới sinh được cháu. “Tôi vẫn chưa dám báo cho vợ biết thông tin này. Nếu cô ấy biết chắc không thể chịu nổi đâu. Chúng tôi đặt bao nhiêu hy vọng vào con bởi sau quá nhiều thời gian, mong mỏi mới sinh được. Cháu sinh được 5 ngày, sức khỏe bình thường. Lúc 5 giờ sáng gia đình tôi vào xem cháu thì đã tím tái hết rồi. Đến 9 giờ 30 thì bệnh viện thông báo cháu đã tử vong. Hôm nay là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cháu cũng là lần cuối cùng”.
Ngay trong chiều 20-11, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh kiểm tra ngay sự việc báo chí nêu và nghiêm túc xử lý các sai phạm (nếu có). Bộ cũng yêu cầu Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh gặp gỡ, chia sẻ, động viên và khẩn trương cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông; nhanh chóng họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của bệnh viện.
Sau khi có kết quả, đề nghị Sở Y tế gặp gỡ, giải thích tới gia đình và cơ quan truyền thông đại chúng. Đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh gửi báo cáo nhanh về Bộ Y tế quá trình theo dõi, diễn biến và quy trình chăm sóc ngày 20-11. Tuy nhiên ngay trong chiều 20-11, Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã tổ chức họp báo vụ việc. Ông Nguyễn Minh Hiệp, Phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh từ chối trả lời câu hỏi và bỏ về khi buổi họp báo vừa diễn ra chưa đầy 1 phút.
Ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc, Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn công tác do PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế về làm việc với bệnh viện. Toàn bộ các dụng cụ, xơ ranh, vỏ thuốc kháng sinh liên quan đến việc điều trị cho 4 cháu đã được niêm phong để phục vụ điều tra.
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã báo cáo cho đoàn kiểm tra, tại bệnh viện có 700 bệnh nhân đang khám và điều trị. Trong đó Khoa Sơ sinh có trên 80 bệnh nhân, hơn 20 bệnh nhân non yếu phải thở máy. Ngoài 4 trẻ sơ sinh đã tử vong ngày 20-11, bệnh viện đã chuyển nhiều trẻ sơ sinh khác đang trong tình trạng nguy kịch đến Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Liên quan đến sức khỏe của các trẻ sơ sinh được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, ông Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận 8 bệnh nhân, trong đó có 6 bệnh nhân sơ sinh và 2 bệnh nhân ngoài sơ sinh. Hai bệnh nhân ngoài sơ sinh đều đẻ non, thở oxy kéo dài, bệnh phổi mạn tính. Vì thế, bệnh viện đã chuyển hai cháu bé này về Khoa Hồi sức hô hấp để sàng lọc và điều trị cẩn thận.
Còn với 6 bệnh nhân nhi sơ sinh được chia làm 2 nhóm. Một nhóm được điều trị và theo dõi thường xuyên. Cụ thể, một cháu được chiếu đèn, sàng lọc nhiễm khuẩn, chiếu vàng da. Với bệnh nhân này, có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhưng chỉ số trong máu không nhiều, nếu tiến triển tốt, ăn, tiêu tốt thì sẽ được giảm chiếu đèn và có thể chuyển lên ghép với mẹ cho bé tập bú. Còn với cháu bé 2 ngày tuổi, có nền bệnh down, sau sinh thở nhanh, hiện được hút thở oxy và ăn tốt. Hiện bệnh viện đang sàng lọc bệnh nhi thêm có bị bệnh tim bẩm sinh hay không.
Còn với nhóm khác, 4 bệnh nhân sơ sinh đang được điều trị trong Khoa Sơ sinh, có 3 bệnh nhân nặng. Đặc biệt có cháu Hoàng Diệu, 8 ngày tuổi, bị bệnh down. Sau khi thăm khám, phát hiện cháu giảm tiểu cầu, phát hiện bệnh lý cấp tính về máu, tình trạng máu nặng. Còn cháu Minh N. hiện đang trong tình trạng da tái, xuất huyết dưới da, tiểu cầu giảm, xác định trước mắt bị nhiễm khuẩn huyết. Cháu thứ ba thì chỉ nặng 1,4kg, vào viện trong tình trạng da tái, tiểu cầu giảm, dịch dạ dày có lẫn máu, chảy máu. Còn cháu thứ tư thì đang sàng lọc tim bẩm sinh, hiện bé khó thở và được thở bằng máy, có tình trạng nhiễm trùng, chế độ điều trị, nhiễm khuẩn huyết, phải hỗ trợ miễn dịch. “Các cháu bé tại Khoa Sơ sinh được chúng tôi theo dõi rất sát, về chỉ số sống, lâm sàng, xét nghiệm. Các bệnh nhân này khi nhập viện đều phải có cách ly (4 bé bị nhiễm khuẩn). Những cháu bé đẻ non bị nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn kèm theo có tỷ lệ tử vong rất cao, ở các nước phát triển lên đến 40-60%, ở các nước đang phát triển có tỉ lệ tử vong cao hơn, lên đến 80%. Đối với Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2010, tỉ lệ tử vong trong nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn khoảng 75% nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn dưới 50% trẻ tử vong”.
Nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong
Những ngày qua, sự việc đau lòng về 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện (BV) Sản Nhi Bắc Ninh gây xôn xao dự luận. Nguyên nhân bước đầu được đề cập đến là do nhiễm khuẩn (NK) BV. Nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong Theo quy định, nhân viên y tế phải rửa tay sát trùng trước khi chăm sóc bệnh nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để khẳng định nguyên nhân chính xác phải chờ Hội đồng chuyên môn cấp bộ, về pháp lý phải chờ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Y tế, bước đầu có thể nghĩ đến NK BV. Bộ trưởng Bộ Y tế đề cập tới ba khả năng gây NK cho các cháu nhỏ: Nguyên nhân thứ nhất, có thể NK từ tác nhân chăm sóc hàng ngày như bàn tay, hơi thở của người chăm sóc, dụng cụ... Nguyên nhân thứ hai, do quá tải BV. Nguyên nhân thứ ba mà Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc tới, là tình trạng quá tải sức lao động của cán bộ y tế BV.
Chia sẻ về công tác kiểm soát NK tại phòng cách ly trẻ sơ sinh, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, BV đã áp dụng quy trình như Bộ Y tế quy định về kiểm soát NK, đặc biệt là với trẻ sinh non. Trẻ sinh non do khả năng miễn dịch của cơ thể yếu kém nên nguy cơ nhiễm trùng BV cao hơn trẻ bình thường. Sau sự cố, ngày nào viện cũng cho cấy vi khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn máy thở, lồng ấp, sàn nhà, bởi khi nguy cơ NK được xác định thì việc đảm bảo môi trường vô trùng phải đặt lên hàng đầu.
Theo các chuyên gia y tế, NKBV là NK xuất hiện và phát triển trong quá trình lưu trú tại BV. Thông thường, NKBV xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện. NKBV không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh; chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế; chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến NKBV. Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu là do không khí trong môi trường BV bị NK. NK BV lây lan theo chất bẩn, hơi nước, hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí; do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị NK; do nhân viên y tế. Ngoài ra, NK BV cũng do sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân hoặc do những người nhà thăm nuôi bệnh nhân vì họ có thể đang trong thời kỳ ủ bệnh. Các NK thường gặp ở BV gồm: Viêm phổi; NK vết bỏng; NK vết mổ; NK đường tiết niệu, NK huyết; NK dạ dày - ruột...
Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trẻ chào đời dưới 37 tuần thai được xem là sinh non. Trẻ sinh non thường gặp các dị tật nhiễm sắc thể, thiếu ôxy hay viêm ruột và đều có nguy cơ NK BV cao hơn trẻ bình thường. Vi khuẩn gây bệnh có thể là các vi khuẩn gram dương và các trực khuẩn Gram (-), nấm, và ký sinh trùng. Tuy nhiên, NKBV do trực khuẩn Gram (-) đa kháng thuốc kháng sinh đã và đang trở thành một tai hoạ thực sự cho các BV. Theo bác sĩ Điển, những bệnh nhi sinh non trên nền bệnh khác như tim bẩm sinh, down,… dễ bị NKBV vì hệ miễn dịch kém. Theo thống kê, tình trạng trẻ sinh non bị NK có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 60%. Còn tại BV Nhi Trung ương, tỷ lệ tử vong với trẻ NK là dưới 50%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, để phòng NK BV cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay. Ngoài ra, với trẻ sơ sinh, người thân hạn chế hôn, nắm tay, xoa má. Đặc biệt là với trẻ sinh non, nguy cơ NK BV rất cao vì những cử tưởng chừng như âu yếm, yêu thương con lại mang vi khuẩn vào trong buồng bệnh và cơ thể các bé.Việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế các BV giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Để phòng NK BV, WHO khuyến cáo, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay.
Theo quy định của Bộ Y tế, khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, sinh non ở BV phải đảm bảo phòng đủ ấm cho trẻ, nhiệt độ khoảng 25-28 độ C, tránh gió lùa, có dụng cụ sưởi ấm. Nhân viên y tế, thân nhân, phải thay áo choàng, rửa tay, thay dép trước khi vào phòng trẻ. Các cơ sở y tế có điều kiện cần bố trí đủ phòng cấp cứu, phòng thủ thuật, phòng thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo. Khoảng cách giữa hai giường bệnh phòng cấp cứu tốt nhất 0,9 m. Phòng chăm sóc trẻ phải có bàn để thực hiện các chăm sóc cần thiết, có góc để tắm trẻ, đèn sưởi ấm, đủ nước sạch, nước nóng, tốt nhất là có hệ thống nước nóng lạnh.
Điều tàu SAR 274 ra đảo cứu bé 8 tháng tuổi nôn ra máu
http://www.sggp.org.vn/dieu-tau-sar-274-ra-dao-cuu-be-8-thang-tuoi-non-ra-mau-484134.html
Đến 12 giờ 30 ngày 23-11, sau nhiều giờ vật lộn với sóng to gió lớn, tàu SAR 274 đã đưa bệnh nhi Trần Hữu Ph., từ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) về TP Đà Nẵng cấp cứu. Trước đó, trong đêm 22-11, cháu Trần Hữu Phúc chưa đầy 8 tháng tuổi, trú xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) bị sốt cao, nôn ra máu. 2 giờ sáng ngày 23-11, cháu Ph., được cấp cứu tại Trạm xá Tân Hiệp nhưng bệnh tình không thuyên giảm, ngày càng sốt cao, co giật, sức khỏe suy yếu trầm trọng.
Khu vực đảo Cù Lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp lúc này đang bị cô lập do chịu ảnh hưởng của gió mùa tăng cường, sóng cao 3 đến 4 mét nên không một phương tiện nào trên đảo có thể rời bến để đưa cháu vào đất liền chữa trị. Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và chính quyền địa phương cấp báo đề nghị cứu nạn.
Trước tình hình nguy kịch của cháu Ph., lúc 9 giờ 35 phút ngày 23-11, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 274 tại Đà Nẵng đi cứu nạn. Sau gần 3 giờ vượt sóng to gió lớn với tốc độ tối đa, tàu SAR 274 tiếp cận Bãi Làng, Cù Lao Chàm để đưa cháu Ph., lên tàu SAR 274 và được các nhân viên cứu nạn tiến hành cấp cứu đồng thời khẩn trương đưa về Đà Nẵng. Đến 12 giờ 30, tàu SAR 274 đã cập cảng Trung tâm II và cháu Ph., được Trung tâm cấp cứu 115 đón và chuyển vào bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Chuyện hy hữu: Cứu được bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột thừa
http://www.sggp.org.vn/chuyen-hy-huu-cuu-duoc-benh-nhan-bi-xuong-ca-dam-thung-ruot-thua-484343.html
Chiều 24-11, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) cho biết, vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp hy hữu là bệnh nhân bị đau bụng liên tục hơn nữa tháng do bị xương cá đâm thủng ruột thừa. Bệnh nhân N.V.Đ. (34 tuổi ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), khoảng hơn nữa tháng nay cảm thấy thường xuyên bị đau bụng, dù đi mua nhiều lần thuốc uống vẫn không khỏi.
Do cơn đau càng lúc càng nhiều hơn, nên bệnh nhân Đ. đến khám ở Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp CT, kết quả cho thấy có 1 xương cá dài 4cm, đâm thủng ruột thừa. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, do xương cá đâm thủng và nhanh chóng được phẫu thuật nội soi để cắt ruột thừa và lấy xương cá.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Rô, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Đ.) cho biết: “Trường hợp xương cá đâm thủng ruột thừa của bệnh nhân Đ. là rất hy hữu. Mảnh xương dài đâm thủng ruột thừa đã khiến cho bệnh nhân đau đớn, gây viêm ruột thừa cấp… Nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng”. Theo bác sĩ Rô, những nguyên nhân làm tắc nghẽn ruột thừa, gây viêm ruột thừa cấp, thường gặp nhất là do sỏi phân (táo bón là nguyên nhân gây sỏi phân); hay do phì đại hạch bạch huyết. Nguyên nhân ít gặp hơn là do dị vật, thường là do nuốt hạt trái cây. Còn đối với trường hợp nuốt xương cá là rất hy hữu. Riêng trường hợp này của bệnh nhân Đ. thì việc phẫu thuật cắt ruột thừa là phương pháp điều trị duy nhất; ít đau và không để lại sẹo lớn.
Phẫu thuật thành công bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng kỹ thuật mới
http://cand.com.vn/y-te/co-hoi-moi-cho-benh-nhan-thoat-vi-dia-dem-cot-song-co-467775/
Ngày 24-11, lần đầu tiên kỹ thuật mổ nội soi cột sống cổ phía trước đã được thực hiện ở Việt Nam, do Viện Chấn thương Chỉnh hình và Khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức) tiến hành. Ca mổ trình diễn có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc về phẫu thuật nội soi cột sống cổ. 2 bệnh nhân đầu tiên được áp dụng kỹ thuật là 2 người bị thoát bị đĩa đệm cột sống cổ đã lâu và nặng, trong đó một người đã bị liệt một tay.
Theo TS.Đinh Ngọc Sơn-Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, phương pháp nội soi là phẫu thuật ít xâm lấn đang là xu hướng phát triển của thế giới, giúp người bệnh hồi phục nhanh, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn chỉ từ 1-2 ngày so với hàng chục ngày trước đây. Tuy nhiên, TS. Sơn cho biết, mổ nội soi cột sống cổ phía trước thường chỉ định với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm gây chèn ép thần kinh ở thể trung tâm hoặc lệch bên, nhưng không bị trượt đốt sống, đĩa đệm, dây chằng không bị vôi hóa và khe đĩa đệm không bị xẹp.
TS. Nguyễn Lê Bảo Tiến- Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình (BV Việt Đức) cho biết, trước khi thực hiện kỹ thuật nội soi, những bệnh nhân bị thoát bị cột sống cổ thường phải mổ mở, thời gian nằm viện kéo dài, có nhiều nguy cơ biến chứng do phần cổ tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu…“Trước đây, khi phải mổ mở, tỷ lệ bệnh nhân phải mổ lại lần sau cao, do cột sống bị tàn phá nhiều mô nên sẽ tiếp tục mất vững, gây đau cổ tái phát và chèn ép dây thần kinh, thậm chí khi cột sống lỏng lẻo sẽ bị sụp đổ”- TS Nguyễn Lê Bảo Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, qua các nghiên cứu trên thế giới và qua giai đoạn cử đoàn chuyên gia sang Đức và Hàn Quốc học tập và đào tạo, cho thấy, kỹ thuật mổ nội soi cột sống cổ phía trước là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu với tỷ lệ thành công hơn 90% và tỷ lệ biến chứng thấp, dưới 1%. Kỹ thuật này còn giúp bệnh nhân phục hồi các hoạt động thông thường trong vòng vài ngày, và sinh hoạt lại bình thường từ 2 đến 6 tuần.Theo TS Đinh Ngọc Sơn, giá thực hiện kỹ thuật này khoảng 60 triệu/ca, vì đây là kỹ thuật cao nên chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán. Trước đó, từ tháng 10/2016, BV Việt Đức cũng là cơ sở y tế đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ nội soi cột sống cổ phía sau. Đây cũng là một kỹ thuật cao, kết quả từ đó đến nay đã có 10 bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ và có hiệu quả rất tốt. Mổ nội soi cột sống cổ phía sau thường chỉ định cho trường hợp thoạt vị đĩa đệm cột sống cổ lỗ liên hợp.
Chiều 24-11, ngay sau khi các ca phẫu thuật kết thúc thành công, TS. Đinh Ngọc Sơn cho biểt bệnh nhân bị liệt tay đã cử động được và bệnh nhân còn lại cũng tiến triển tốt. Chỉ một ngày sau mổ, ngày 25-11, 2 bệnh nhân đã có thể ra viện.
GS.TS. Trần Bình Giang-Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trước đây, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ phải mổ mở, thay đệm nhân tạo hoặc lắp vít, ghép xương, bệnh nhân không chỉ phải nằm viện lâu mà còn nhiều nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, kỹ thuật mới hiện nay trong phẫu thuật nội soi cột sống cổ đã khắc phục tối đa các hạn chế này. Hiện tại, kỹ thuật mổ nội soi cột sống cổ phía trước mới được áp dụng tại một số nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vì đòi hỏi cao về kỹ thuật. Với đội ngũ bác sĩ có trình độ và tay nghề cao, BV Việt Đức đã đi tiên phong trong ứng dụng phương pháp này ở Việt Nam với mong muốn mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Việt Nam có lượng bệnh nhân ung thư chết cao nhất thế giới
“Việt Nam cũng là nước có số lượng bệnh nhân ung thư chết cao nhất thế giới với khoảng 115.000 người chết/năm, tương ứng 315 người chết mỗi ngày” Thông tin trên được nêu tại hội thảo khoa học “Phòng chống ung thư và điều trị một số bệnh không lây nhiễm bằng phương pháp y sinh học” do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp công ty HelenCare tổ chức diễn ra tối 24/11 tại TP.HCM. Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế của Thuỵ Sỹ và Việt Nam, đặc biệt là Tiến sĩ - Bác sĩ Thomas Rau - người nổi tiếng với những đột phá trong điều trị ung thư, bệnh tự miễn dịch, Lyme và nhiều vấn đề sức khoẻ khác.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và có đến khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Do đó, việc tìm kiếm những giải pháp ngăn ngừa ung thư và các bệnh mãn tính ở Việt Nam là rất cần thiết. Tại hội thảo Khoa học, các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm về những tiến bộ y học trong phòng, chống, điều trị các loại bệnh có liên quan đến ung thư và tiêu hóa, đau cơ và sức khỏe xương. Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác về lĩnh vực y dược học giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, đây là lĩnh vực mới trong dự phòng ung thư và một số bệnh không lây nhiễm khác tại Việt Nam ứng dụng bằng các sản phẩm thải độc chất lượng quốc tế đến từ viện Paracelsus.
Hai xét nghiệm giúp loại bỏ sớm tế bào ung thư
Nội soi đại tràng và xét nghiệm phết kính cổ tử cung có thể phát hiện những bất thường có khả năng tiến triển thành ung thư. Bác sĩ Zee Ying Kiat, Trung tâm Ung thư PCC, Singapore, khẳng định hiệu quả của điều trị ung thư phụ thuộc phần lớn vào việc phát hiện ở giai đoạn nào. Bệnh được phát hiện sớm sẽ tăng đáng kể cơ hội chữa khỏi, nhất là ở giai đoạn tiền ung thư. Do vậy, những người lớn tuổi, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao, được khuyên nên chú trọng việc sàng lọc ung thư định kỳ.
Bác sĩ Zee cho biết xét nghiệm sàng lọc ung thư rất đa dạng. Hai loại xét nghiệm sau đây được đánh giá là có ý nghĩa nhất trong việc ngăn ngừa ung thư "từ trong trứng nước": Ung thư ruột già (hay đại trực tràng) là loại ung thư rất phổ biến. Tuy nhiên, đây cũng là loại ung thư dễ điều trị và ngăn ngừa nhất nếu được phát hiện sớm. Một trong những xét nghiệm sàng lọc phổ biến nhất là nội soi đại tràng. Theo đó, một chiếc ống mềm, mỏng, linh hoạt được đưa vào trực tràng bệnh nhân, cho phép bác sĩ quan sát rõ lớp lót bên trong ruột già để phát hiện những bất thường nếu có. Phần lớn ung thư đại trực tràng hình thành do các polyp tuyến xuất phát từ lớp lót màng nhầy ở ruột. Cứ 4 người đàn ông thì có một trường hợp bị polyp khi bước sang tuổi 50. Polyp tuyến thường không gây triệu chứng gì nhưng có thể tiến triển thành ung thư, nguy cơ này gia tăng cùng với độ tuổi. Thời gian để các polyp đại tràng trở thành ác tính thường kéo dài 5 đến10 năm. Thời gian tiền ung thư này tương đối dài, bệnh nhân có thể kịp thời phát hiện và điều trị triệt để các polyp trước khi chúng trở thành ung thư.
Hầu hết polyp có thể được loại bỏ trong quá trình nội soi đại tràng mà không cần phải phẫu thuật. Do vậy, bác sĩ Zee khuyên nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi từ 50 trở đi và nội soi đại tràng 10 năm một lần. Người có nguy cơ cao mắc ung thư này nên sàng lọc ở tuổi trẻ hơn và nội soi đại tràng ba năm một lần. Nhóm có nguy cơ cao thì nội soi đại tràng mỗi năm một lần, bắt đầu từ tuổi thanh niên. Thời gian thực hiện nội soi đại tràng chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Trước đó, ruột của bệnh nhân được làm sạch hoàn toàn. Khâu xổ ruột thường được tiến hành vào hôm trước hoặc buổi sáng khi chuẩn bị nội soi. Bác sĩ kê thuốc uống cho bệnh nhân đại tiện phân lỏng. Lưu ý: Thủ thuật nội soi có thể khiến bạn cảm thấy hơi đau dù có dùng thuốc an thần nhẹ. Sau khi nội soi, bạn ăn theo chế độ bình thường vào cuối ngày, hiếm khi xảy ra bất ổn về sức khỏe.
Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên đã quan hệ tình dục dù chỉ một lần thì nên làm xét nghiệm Pap định kỳ ba năm. Đây là một thủ thuật đơn giản để kiểm tra ung thư cổ tử cung. Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng lấy các tế bào từ cổ rộng của tử cung, gửi mẫu tới phòng thí nghiệm để kiểm tra có thay đổi gì trong tế bào cổ tử cung không.
Hai ngày trước khi kiểm tra Pap, phụ nữ nên tránh quan hệ tình dục, thụt rửa, dùng các thuốc âm đạo hay xà phòng diệt tinh trùng, kem vì chúng có thể làm sạch hoặc che khuất các tế bào bất thường. Tránh xét nghiệm Pap khi đang có kinh nguyệt. Xét nghiệm này chỉ mất vài phút và thường không đau. Bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu vì một thiết bị được đưa vào trong âm đạo và banh rộng ra để bác sĩ nhìn rõ cổ tử cung. Công cụ được dùng là một chiếc mỏ vịt bằng nhựa và bàn chải nhỏ để thu lấy các tế bào cổ tử cung mang đi kiểm tra.
Từ kết quả kính cổ tử cung, nếu phát hiện bất thường tiền ung thư, các bác sĩ sẽ xử trí triệt để trước khi chúng tiến triển thành ung thư xâm lấn. Các nghiên cứu đều chỉ ra ung thư cổ tử cung rất dễ ngăn ngừa bằng cách kiểm tra Pap thường xuyên. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác cũng có ý nghĩa trong việc điều trị ung thư giai đoạn sớm, chẳng hạn như chụp nhũ ảnh vú, xét nghiệm máu và chụp CT. Ung thư được ngăn chặn ngay từ đầu sẽ giúp bệnh nhân mau chóng trở lại với cuộc sống bình thường. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, các tế bào ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác khiến việc điều trị phức tạp hơn. Theo thống kê, 9/10 bệnh nhân ung thư ruột, vú và buồng trứng được điều trị sớm có thể sống trên 5 năm, tỷ lệ này chỉ 1/10 ở những người được chẩn đoán giai đoạn bệnh đã tiến triển.
Xử lý dứt điểm sai phạm 67 tỉ đồng tại Sở Y tế Gia Lai
http://plo.vn/thoi-su/xu-ly-dut-diem-sai-pham-67-ti-dong-tai-so-y-te-gia-lai-741491.html
Kiểm toán nhà nước đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý dứt điểm các vi phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế và đấu thầu thuốc tại các đơn vị thuộc ngành y tế tỉnh Gia Lai từ năm 2010-2015. Ngày 24-11, nguồn tin của Pháp luật TP.HCM cho biết ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ký công văn gửi UBND tỉnh Gia Lai liên quan đến việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm sai phạm trong mua sắm trang thiết bị, đấu thầu thuốc tại sở Y tế Gia Lai.
Được biết, trước đó thực hiện các văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai liên tiếp có những giải trình. Tuy nhiên theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, khoản chênh lệch giữa giá trúng thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) với giá dự toán tạm tính của Đoàn kiểm toán là 56,7 tỉ đồng. Đối với vấn đề này, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm, chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán các gói thầu theo kiến nghị của KTNN; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại công văn 10056/VPCP.V1 (ngày 21-9).
Về việc ban hành Thông báo số 01/TB-UBND chỉ đạo đấu thầu theo hình thức trọn gói trái với Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, KTNN nhấn mạnh: Qua kiểm tra các văn bản cho thấy UBND tỉnh Gia Lai chưa nghiêm túc kiểm điểm và xem xét trách nhiệm người ký, người tham mưu ban hành Thông báo số 01/TB-UBND, gây thất thoát 10,7 tỉ đồng ngân sách. Ngoài ra, KTNT cũng lưu ý UBND tỉnh Gia Lai: "Khắc phục các hạn chế, thiếu sót và xử lý dứt điểm các vi phạm trong việc mua sắm TTBYT và đấu thầu thuốc tại các đơn vị thuộc ngành y tế tỉnh Gia Lai từ năm 2010-2015. Báo cáo kết quả thực hiện về KTNN".
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai phạm 67 tỉ đồng tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai, trong đó có các gói mua sắm trang thiết bị y tế chênh lệch hơn 56,7 tỉ đồng. Đồng thời, sở này đã tham mưu sai dẫn đến Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, ông Ngô Ngọc Sinh (thừa lệnh nguyên Chủ tịch tỉnh Phạm Thế Dũng) ký ban hành Thông báo 01/TB-UBND (ngày 4-1-2013), làm thất thoát 10,7 tỉ đồng ngân sách.
Quảng Nam: 100 người diễn tập xử lý sự cố phóng xạ
http://moitruong.net.vn/quang-nam-100-nguoi-dien-tap-xu-ly-su-co-phong-xa/
Ngày 24/11, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các lực lượng và đơn vị liên quan.Tình huống giả định, tại cơ sở thu mua phế liệu ABC, nhân viên phát hiện một vật thể lạ hình trụ bằng kim loại và đã mở vật thể này, bên trong chỉ có một thanh thép không rỉ và một ít bột.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác xác định mức bức xạ cao bất thường và báo cáo Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của tỉnh. Ban chỉ huy có mặt tại hiện trường, điều động các lực lượng như: Sở Khoa học Công nghệ, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, …cùng tham gia xử lý sự cố. Xác định chất phóng xạ Cesi 137 là chất nhiễm bẩn ít bám dính.
Lực lượng chức năng lập vành đai an toàn, cô lập, xử lý nguồn phóng xạ nhằm ngăn ngừa bức xạ. Các lực lượng kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng bị ảnh hưởng, tổ chức tẩy xạ đối với những người bị nhiễm, đồng thời tiến hành thu gom chất phóng xạ cũng như các vật liệu bị nhiễm. Bất chấp trời mưa lớn, hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị đã tham gia buổi diễn tập. Nhiều trang thiết bị chuyên dụng được huy động nhằm phục vụ diễn tập.
Buổi diễn tập này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, đơn vị về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó. Đây cũng là dịp để đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh đã được phê duyệt với điều kiện thực tế để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Kết thúc diễn tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh biểu dương tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia của các lực lượng. Đồng thời chỉ đạo, các lực lượng rút kinh nghiệm trong quá trình diễn tập, đặc biệt là luôn trong tư thế sẵn sàng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ khi xảy ra.
Nhiều bệnh nhân điều trị sốt rét ở Bình Phước bị kháng thuốc
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 810 ca mắc sốt rét trong đó có 1 ca tử vong. Đáng ngại nhất, tình trạng kháng thuốc đã xuất hiện. 3 điểm nóng về bệnh sốt rét ở Bình Phước là xã Đak Ơ, xã Bù Gia Mập, xã Đak Nhau; trong 10 tháng năm nay ghi nhận 450 ca bệnh. Ngành y tế và người dân địa phương đang lo ngại nguy cơ dịch sốt rét bùng phát trở lại khi tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện. Đây là nơi đầu tiên ghi nhận tình trạng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam, nên những bệnh nhân sốt rét tại Bình Phước bắt buộc phải điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Được biết, cùng kỳ năm 2016 tỉnh này ghi nhận 978 ca mắc sốt rét.
Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sốt rét tại Bình Phước
Tỉnh Bình Phước đang có nguy cơ bùng phát trở lại dịch sốt rét, đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Việt Nam. Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2017, tỉnh này đã ghi nhận 810 ca mắc sốt rét, trong đó có 1 ca tử vong. Có 3 điểm nóng về bệnh sốt rét của tỉnh Bình Phước gồm: xã Đak Ơ, xã Bù Gia Mập, xã Đắk Nhau. Ba xã này có 450 ca bệnh sốt rét được ghi nhận trong 10 tháng qua. Được biết, vào cùng kỳ năm 2016, tỉnh tỉnh Bình Phước đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt rét. So với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ mắc bệnh của tỉnh Bình Phước giảm 17%, tuy nhiên số ca sốt rét ác tính tăng 3 trường hợp và ghi nhận 1 ca tử vong. TP.HCM hiện đã ghi nhận 4 bệnh nhi mắc sốt rét được chuyển đến từ các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông.
Hải Phòng: Hơn 100 sinh viên ngành y bị đình chỉ, đuổi học
Tất cả sinh viên bị đình chỉ, đuổi học, cảnh báo đang học tập ở các khoa của trường và đều thuộc hệ đại học chính quy. Xác nhận sự việc trên với PV vào chiều nay (24/11), TS. Nguyễn Hải Ninh - Phó phòng Đào tạo trường ĐH Y Dược Hải Phòng cho biết: “Cách đây 2 ngày, nhà trường có ra quyết định xử lý 187 sinh viên, trong đó có đình chỉ và buộc thôi học và cảnh cáo mức độ 1”.
Theo đó, ngày 22/11, GS.TS Phạm Văn Thức - Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Hải Phòng ban hành Quyết định số 1274 - QĐ/YDHP về việc xử lý học vụ. Cụ thể, 144 sinh viên bị nhà trường đình chỉ học 1 năm học, 13 sinh viên buộc thôi học và 30 sinh viên bị cảnh báo mức 1 trong năm học 2016 – 2017. Ông Ninh thông tin, tất cả sinh viên bị đình chỉ, đuổi học, cảnh báo đang học tập ở các khoa của trường, nhưng phần lớn thuộc vào ngành y đa khoa và những sinh viên này đều thuộc hệ đại học chính quy.Trong đó, những sinh viên bị đình chỉ, thôi học đều đã có 2 lần thi, ở lần thi thứ nhất sinh viên không đủ điều kiện để qua môn thì sẽ được thi lại lần 2. Tuy nhiên, ở lần thi lại nếu sinh viên không qua được môn học thì phải học lại và điểm tổng kết cả năm học dưới 5,0 nhà trường sẽ đình chỉ học 1 năm. Còn nếu kết quả học tập của sinh viên trong nhiều kỳ quá kém sẽ buộc phải thôi học. Để ra được quyết định này, trường Đại học Y Dược Hải Phòng căn cứ vào Quy chế 25 về tổ chức đào tạo đại học theo hình thức niên chế.
Theo Quyết định, sinh viên thuộc diện cảnh báo học tập mức 1 phải cải thiện kết quả học tập ở kỳ I năm học này. Riêng sinh viên bị đình chỉ học 1 năm sẽ tính từ năm học 2017 -2018, nhưng trong thời gian này sinh viên trả nợ các học phần chưa đạt. Đối với, sinh viên buộc thôi học phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã mượn của trường và bị xóa tên khỏi danh sách sinh viên từ năm học này. Lý giải về vấn đề trên, với đặc thù là ngôi trường đào tạo về ngành y và nặng kiến thức lẫn thực hành. Do đó, trong quá trình học, sinh viên không đáp ứng được chất lượng đào tạo thì sau khi ra trường về các cơ sở y tế lượng sinh viên không được đảm bảo vì nghề này ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Sản phụ đi cấp cứu nhưng đường bị sạt lở, thai nhi tử vong
https://thanhnien.vn/suc-khoe/san-phu-di-cap-cuu-nhung-duong-bi-sat-lo-thai-nhi-tu-vong-903309.html
Đang trên đường đi cấp cứu, đường bị sạt lở khiến công tác cấp cứu bị gián đoạn, thai nhi tử vong do mẹ vỡ tử cung. Lúc 8 giờ sáng ngày 23.11, Bệnh viện (BV) Sản - Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận cấp cứu sản phụ H.T.T (24 tuổi, ngụ xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà) trong tình trạng thai nhi tử vong trước nhập viện do mẹ vỡ tử cung, kéo theo vỡ bàng quang, mất máu.
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 22.11, sản phụ T. có dấu hiệu chuyển dạ sinh con thứ 3 và dự tính sinh tại nhà. Tuy nhiên đến 4 giờ sáng 23.11 thì gia đình đưa sản phụ vượt rừng hơn 2 tiếng đồng hồ đến Trung tâm y tế huyện Tây Trà. Nguyên nhân do thai nhi bị sa tay (tay ra trước và bị kẹt, nếu không mổ kịp thời thì sẽ gây tử vong cả mẹ lẫn con). Tại đây sản phụ được chuyển viện đến BV Sản - Nhi Quảng Ngãi với khoảng cách 100 km. Tuy nhiên, khi đến đèo Eo Chim (huyện Tây Trà giáp ranh huyện Trà Bồng) thì đường bị tắc do mưa lụt gây sạt lở, buộc phải khiêng sản phụ qua mất hết 30 phút. Trung tâm y tế huyện Trà Bồng ở cách đó 50 km được yêu cầu đến hỗ trợ, chuyển tiếp sản phụ đến BV Sản - Nhi. Ca mổ cấp cứu được tiến hành sau đó nhưng chỉ cứu được mẹ. Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 3 lít máu. Đến sáng nay, 24.11, sức khỏe sản phụ ổn định.