Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 25/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ thanh niên 16 tuổi bị cắt chân oan sau ngã xe; Bệnh viện mở cửa sớm hơn 1h30 để loại bỏ 'cò'; Nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh; Ngừa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học ; Giám đốc bệnh viện K: 35% ung thư do ăn uống; Nối mật ruột thành công cho bé gái 3 tháng tuổi; Nhân viên y tế đối mặt với phơi nhiễm HIV từ người bệnh; ...

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ thanh niên 16 tuổi bị cắt chân oan sau ngã xe

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-yeu-cau-bao-cao-vu-thanh-nien-16-tuoi-bi-cat-chan-oan-sau-nga-xe-20170424192053266.htm

Ngày 24/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã kí công văn yêu cầu Sở Y tế Đồng Tháp báo cáo về vụ việc em Trần Trúc Giang (16 tuổi) bị cắt chân sau điều trị.

Theo đó, thông tin trên báo chí phản ánh về trường hợp bệnh nhân Trần Trúc Giang (16 tuổi) phải cắt cụt 1/3 chân sau khi được bác sĩ nẹp chân do ngã xe.

Trước đó, em Giang được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tân Hồng lúc 17 giờ ngày 11/4 sau ngã xe, được chuẩn đoán trật khớp gối, theo dõi chèn ép động mạch khoeo chân.

Sau khi được điều trị tại đây hơn 10 tiếng đầu hồ, em được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Tại đây, BV Đa khoa Đồng tháp đưa ra chẩn đoán tương tự, theo dõi, điều trị bệnh nhân chỉ hơn 3 giờ đồng hồ rồi chuyển em lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Chợ Rẫy.

Tại đây, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo bệnh nhân phải cắt chân vì hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch khoeo phải, trật khớp gối phải.

Trước vụ việc này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng cần khẩn trương xác minh sự việc; Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Đồng Tháp cần công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông. Báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 03/5/2017 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trước đó hơn 1 năm, sự việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, Đắc Lắc) cũng bị cắt chân sau khi được bó bột tại bệnh viện Cư Kuin trong tình trạng vỡ mâm chày xương cẳng chân khiến dư luận hoang mang.

Sau 5 ngày được điều trị tại BV huyện, bệnh nhân được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ kết luận bệnh gãy kín mâm chày, chèn ép khoang cẳng chân ngày thứ 5, rối loạn cảm giác, vận động chân, chỉ định phẫu thuật, có nguy cơ đoạn chi. Không đồng ý phẫu thuật cắt chân, người nhà yêu cầu chuyển lên BV Chợ Rẫy nhưng các bác sĩ không thể cứu được chân cho nữ sinh, phải phẫu thuật cắt chân.

 

Vụ cắt chân oan uổng: Bệnh viện thiếu bác sĩ chuyên khoa

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170424/vu-cat-chan-oan-uong-benh-vien-thieu-bac-si-chuyen-khoa/1303560.html

Sở Y tế Đồng Tháp đã có nhận định ban đầu về trường hợp em Trần Trúc Giang bị cắt 1/3 chân phải sau khi nẹp chân ở bệnh viện tuyến huyện. 

Bệnh viện huyện hạn chế chuyên môn

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện đa khoa Tân Hồng tiếp nhận Giang vào khoảng 17h ngày 11-4 với chẩn đoán trật khớp gối, theo dõi chèn ép động mạch khoeo chân.

Sau 11 giờ điều trị ở bệnh viện đa khoa Tân Hồng Giang được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Với chẩn đoán tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp điều trị bệnh nhân trong 3 giờ 30 phút thì chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Chợ Rẫy.

Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết đã xem xét báo cáo, bệnh án và biên bản họp Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đa khoa huyện Tân Hồng và Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp.

Theo đó, bệnh viện Bệnh viện đa khoa Tân Hồng đã chẩn đoán phù hợp. Tuy nhiên, do là bệnh viện tuyến huyện, thiếu bác sĩ chuyên khoa chấn thương, chỉnh hình nên hạn chế về mặt chuyên môn.

Ngoài ra, theo nhận định của hội đồng chuyên môn, đây là trường hợp chấn thương nặng ở khớp lớn, có tổn thương mạch máu gây chèn ép, không thể điều trị bảo tồn được.

Theo ông Thuận, song song với việc thành lập hội đồng chuyên môn, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa huyện Tân Hồng thăm hỏi, động viên gia đình và bệnh nhân.

Riêng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tích cực điều trị và miễn giảm tất cả chi phí điều trị cho bệnh nhân nhằn giảm bớt khó khăn cho gia đình.

“Sau khi có kết luận chính thức, Sở Y tế sẽ cho kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân liên quan, ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó”, ông Thuận khẳng định.

Theo giấy ra viện của Bệnh viện Chợ Rẫy, Giang được chẩn đoán hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch khoeo phải, trật khớp gối phải, đã nắn.

Mong con có chân giả để tự xoay sở

Đã 10 ngày sau cuộc phẫu thuật cắt chân, cả Giang và cha mẹ em đều chưa vượt qua được cú sốc. Ông Trần Văn Hiền, cha Giang, cho biết hằng ngày, ông bán đậu hũ và thu mua ve chai dạo. Thấy cha cực khổ Giang đang học lớp 9 đã xin nghỉ ngang để đi làm phụ giúp gia đình.

Cách đây 4 tháng, Giang xin làm việc trong một cơ sở giao gas ở huyện Tân Hồng. Trung bình mỗi ngày Giang giao từ 3 - 4 cuốc xe. Tiền lương mỗi tháng 3,5 triệu đồng, Giang đều đưa hết cho cha.

“Bác sĩ thông báo con tui phải cắt chân. Tui chỉ biết “đứng chết trân”!”, ông Hiền rưng rưng.

Nguyện vọng của gia đình Giang là em được hỗ trợ lắp chân giả để có thể tự đi lại. “Mong sao con có chân giả rồi ít ra cũng có thể tự xoay sở mà lo được cho bản thân”, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ Giang, bùi ngùi.

 

Đình chỉ kíp trực khiến nam thiếu niên bị cắt chân oan uổng

http://news.zing.vn/dinh-chi-kip-truc-khien-nam-thieu-nien-bi-cat-chan-oan-uong-post740635.html

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, Bệnh viện Đa khoa Tân Hồng thiếu bác sĩ chuyên khoa chấn thương nên tiếp nhận, xử lý, tiên lượng những trường hợp nặng, phức tạp còn hạn chế.

Ngày 24/4, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, đã ký văn bản yêu cầu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tân Hồng đình chỉ công tác của kíp trực bệnh nhân Trần Trúc Giang (16 tuổi, ngụ xã Bình Phú, huyện Tân Hồng), bệnh nhân bị tháo khớp chân phải do biến chứng y khoa.

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, bệnh nhân nhập viện vào chiều 11/4, do tai nạn giao thông. BVĐK Tân Hồng chẩn đoán, bệnh nhân trật khớp gối, chèn ép động mạch khoeo chân. Trưa hôm sau, bệnh nhân được chuyển đến BVĐK Đồng Tháp và được chẩn đoán trật khớp gối, tắc mạch chi.

Chiều cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy và được chẩn đoán là ổn thương động mạch khoeo chân, trật khớp gối phải. Do biến chứng nặng ở khớp gối, không thể điều trị bảo tồn được nên bệnh nhân được tháo khớp gối chân bên phải.

Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân chuyển về điều trị tiếp tại BVĐK Đồng Tháp. Từ phản ánh của người nhà vào sáng 15/4, Sở Y tế Đồng Tháp đã khẩn trương chỉ đạo BVĐK huyện Tân Hồng thăm hỏi, động viên bệnh nhân và hỗ trợ gia đình. Đồng thời, yêu cầu BVĐK Tân Hồng họp Hội đồng chuyên môn xem xét, rà soát quy trình điều trị.

Sở Y tế nhận định về thực hiện quy trình chuyên môn, BVĐK Tân Hồng đã tiếp nhận, chẩn đoán, xử trí, chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình nằm điều trị, BVĐK Tân Hồng là bệnh viện tuyến huyện chưa có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nên gặp hạn chế về chuyên môn.

BVĐK Tân Hồng còn thiếu bác sĩ chuyên khoa Ngoại chấn thương nên việc tiếp nhận, xử lý, tiên lượng những trường hợp chấn thương nặng, phức tạp còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Cũng theo ông Thuận, đối với êkíp trực bệnh nhân Giang vào ngày 11/4, sau khi có kết luận chính thức của Hội đồng chuyên môn ngành y tế, Sở Y tế sẽ có hướng xử lý, kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân liên quan.

Sở Y tế cũng chỉ đạo BVĐK Tân Hồng, tiếp tục thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện tốt nhất trong điều trị cho người bệnh mau hồi phục và hỗ trợ gia đình vuột qua khó khăn.

 

Bệnh viện mở cửa sớm hơn 1h30 để loại bỏ 'cò'

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170424/benh-vien-mo-cua-som-hon-1h30-de-loai-bo-co/1303629.html

Bệnh viện K đang thí điểm và từ tháng 5 tới sẽ chính thức đón tiếp bệnh nhân từ 5h30 sáng, đồng thời mở hai khu khám tại cơ sở Quán Sứ (Hà Nội) từ 6h sáng hàng ngày. 

Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn hôm 24-4 cho biết giờ khám kể trên là sớm hơn 1h30 phút so với giờ khám bệnh đang áp dụng hiện hành. Đây là một trong những hoạt động của bệnh viện để loại “cò” ra khỏi bệnh viện K.

“Chúng tôi đã công khai trên loa, ngoài ba cơ sở ở Quán Sứ, Tân Triều và Thanh Trì, chúng tôi không liên kết với phòng khám nào ngoài bệnh viện, không chấp nhận kết quả xét nghiệm của các phòng khám tư, không hợp tác với cá nhân nào để nhận xét nghiệm. Những người chào mời bệnh nhân ra khám bên ngoài đều là cò mồi” - ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn, từ khi triển khai thí điểm khám sớm thêm 1h30 kể trên, mỗi ngày có thêm 100 - 200 bệnh nhân vào khám tại bệnh viện K cơ sở Quán Sứ, tức là trước đây mỗi ngày có 100 - 200 bệnh nhân bị “cò” đưa ra các phòng khám bên ngoài.

Hiện các khu khám bệnh của bệnh viện này tiếp nhận khám tối đa được 2.000 bệnh nhân/ngày. Ông Thuấn cũng cam kết sẽ thường xuyên rà soát để tránh tình trạng “cò bệnh viện” và sẽ kiểm tra khả năng có cò là nhân viên bệnh viện.

 

Nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh

http://thanhnien.vn/suc-khoe/nhieu-truong-hop-tu-vong-do-dich-benh-828809.html

Báo cáo công tác y tế tháng 4.2017 của Bộ Y tế cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước có hàng chục người tử vong do mắc các loại dịch bệnh.

Nhiều nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết với gần 21.000 trường hợp mắc, trong đó có 8 trường hợp tử vong.

Bệnh ho gà có 220 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong. Bệnh viêm não do vi rút có 129 trường hợp mắc và 5 trường hợp tử vong. Bệnh liên cầu lợn ở người làm 34 trường hợp mắc và 3 trường hợp tử vong.

Bệnh viêm não do não mô cầu có 11 trường hợp mắc và 2 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng có gần 11.000 trường hợp mắc; bệnh do vi rút Zika có 21 trường hợp mắc, trong đó TP.HCM chiếm đến 15 ca, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 2 ca...

 

Phát hiện 17kg tôm sú bơm tạp chất chờ xuất khẩu sang Trung Quốc

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-17kg-tom-su-bom-tap-chat-cho-xuat-khau-sang-trung-quoc-20170424171233544.htm

Nguồn tin từ Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, chiều 24/4, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, A86 (Bộ Công an), Công an tỉnh Kiên Giang, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã phát hiện tại Công ty cổ phần Thủy sản Vinh Cường bơm tạp chất vào tôm sú với số lượng 17kg.

Đoàn thanh tra, đã niêm phong toàn bộ lô hàng trên để xử lý. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) - cho biết, đây là lô hàng gia công của doanh nghiệp trên cho một công ty của Trung Quốc, đang chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.

Liên quan đến vấn nạn bơm tạp chất vào tôm, trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết, đề án “kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất” vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không thu mua tôm tạp chất.

Ông Tiệp khẳng định, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về tạp chất. Chính phủ cũng đã giao các bộ liên quan rà soát để có thể áp dụng xử lý hình sự với hành vi này.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - cho biết, trong năm 2017, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra và phạt nặng các cơ sở vi phạm. Dự kiến đợt thanh tra sẽ được tiến hành vào tháng 4, tháng 5 với sự tham gia của Bộ NN&PTNT và Bộ Công an.

 

Ngừa ngộ độc từ cây, hoa trong trường học 

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170424/ngua-ngo-doc-tu-cay-hoa-trong-truong-hoc/1303281.html

Chỉ trong vòng 10 ngày tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra ba vụ ngộ độc tập thể làm gần 70 em học sinh nhập viện cấp cứu do ăn phải hạt của quả cây ngô đồng trồng trong trường học.

Bộ Y tế vừa có công văn khuyến cáo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc với các loại cây có độc tố tự nhiên.

“Thấy bạn khen ngon nên ăn theo”

Hơn 20h tối 21-4, thầy Phạm Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu, Nghệ An, nhận được cuộc điện thoại của giáo viên phòng trực giáo vụ báo tin “sau giờ ăn tối một số học sinh ở nội trú đến xin thuốc uống do các em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... chưa rõ lý do”.

"Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở nội trú 24/24 giờ tại trường. Khi chúng tôi tìm hiểu mới biết các em cùng ăn hạt của quả cây ngô đồng vào buổi chiều sau giờ tan học" - thầy Hùng kể.

Tổng cộng có 37 em học sinh ở khối lớp 6, 7 của Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu đều có triệu chứng bị ngộ độc được các thầy cô nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu ngay trong đêm. Hiện các em đã ổn định, trở lại lớp học.

Em Lữ Thị Ý, học sinh lớp 6A3, kể lại sau giờ tan học Ý thấy một số bạn nam trong lớp nhặt quả cây ngô đồng chín rụng ở trong sân trường rồi đập vỡ, lấy hạt bên trong để ăn. Có em ăn một hạt, có em chỉ ăn nửa hạt.

“Vì đói bụng, thấy các bạn ăn trước khen ngon, bùi như hạt lạc nên em cũng ăn theo chứ không nghĩ đây là hạt cây có độc”, Ý thật thà nói.

Trước đó, chiều 20-4 trong giờ ra chơi, một nhóm học sinh khối 2 Trường tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An rủ nhau đập quả cây ngô đồng lấy hạt bên trong để ăn. Thấy vị của loại hạt này thơm, bùi nên nhiều học sinh cùng ăn.

Sau đó, một số giáo viên phát hiện nhiều học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn mửa liền đưa các em đến Trạm y tế phường Nghi Hòa cấp cứu. 20 học sinh bị nặng hơn được chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Cửa Lò chữa trị.

Ngày 10-4, cũng có 9 học sinh Trường tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh có triệu chứng ngộ độc được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu do đập một số quả cây ngô đồng rụng trong sân trường lấy hạt ăn.

Mặc dù chưa có học sinh nguy kịch đến tính mạng song các vụ ngộ độc tập thể của học sinh liên tiếp này là lời cảnh báo cho các nhà trường về việc trồng cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Loại bỏ cây, hoa có độc trong trường học

Qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều trường tiểu học, THCS ở các địa phương như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, TP Vinh (Nghệ An), hiện đang có nhiều cây ngô đồng được các nhà trường trồng tạo bóng mát bên cạnh các cây xanh khác như cây bàng, xà cừ, xoài... Phần lớn các cây ngô đồng này đều có tuổi 
đời hơn 10 năm.

Bác sĩ Vi Văn Thắng, phó giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu, Nghệ An, cho biết hạt của quả cây ngô đồng có tính dầu, ăn bùi. Tuy nhiên khi ăn hạt này vào làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng bị xuất huyết đường tiêu hóa, thực môn. Hạt này không ăn được.

Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho hay phía sở đã ra công văn chỉ đạo các cơ sở trường học rà soát, loại bỏ ngay, không trồng các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong 
khuôn viên trường học.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, trong đó khuyến cáo các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thông thiên, câu đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng.

Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc 
nghi ngờ gây độc để ăn uống.

Cảnh giác nhiều loại cây cảnh

Ở VN cây ngô đồng còn gọi là cây vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Có hai loại cây ngô đồng là ngô đồng cảnh và ngô đồng thân gỗ. Ngô đồng thân gỗ được người dân và các trường học trồng nhiều nhằm che bóng mát. Loại cây này thân có gai, lá hình tim, hơi ba cạnh, nhựa và hạt cây có chứa chất dầu, có độc. Quả cây này lúc chín có màu nâu sậm, bên trong có nhiều hạt.

Theo ông Phạm Thanh Kỳ - nguyên hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, hiện đang có nhiều loài cây có lá, hoa đẹp, được trồng làm cảnh rất rộng rãi nhưng có thể gây ngộ độc như cây trúc đào, cây thông thiên có hoa đẹp nhưng có thể gây độc. “Cây sừng trâu có quả giống sừng con trâu, lá và quả rất đẹp nhưng cũng có thể gây độc” - ông Kỳ cho biết.

Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục toàn quốc rà soát, loại bỏ ngay các loài cây có nguy cơ gây độc, đồng thời không trồng mới các loài cây này.

 

Gần 20.000 người Việt tử vong do ung thư phổi mỗi năm

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/gan-20000-nguoi-viet-tu-vong-do-ung-thu-phoi-moi-nam-697699.html

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng ung thư phổi có khả năng diễn biến nghiêm trọng hơn.

Tại Hội thảo khoa học chuyên đề “Dấu ấn Ung thư – công cụ hữu ích trong quản lý bệnh nhân ung thư” ngày 24-4 do công TNHH Roche Việt Nam và các cơ quan y tế đã cùng tổ chức PGS.TS.Hoàng Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Hóa sinh Y học Việt Nam cho biết, ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất với 1,8 triệu người mắc mới mỗi năm trên toàn thế giới, khiến 1,6 triệu người tử vong do căn bệnh này. Hiện tỷ lệ bệnh cao nhất ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi có khả năng diễn biến nghiêm trọng hơn. Cụ thể, mỗi năm có thể có đến 10 triệu trường hợp tử vong và 15 triệu trường hợp mắc mới. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 ca tử vong do ung thư phổi, ước tính đến năm 2020 con số sẽ tăng lên đến 34.000 ca. 

Thuốc lá được biết đến như nguyên nhân chính gây nên ung thư phổi. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 270.000 ca mắc mới hàng năm có thể liên quan đến những yếu tố khác như bức xạ, nguy cơ từ bệnh nghề nghiệp đối với người làm việc trong một số ngành nhất định có rủi ro cao tiếp xúc với các chất gây ung thư, ô nhiễm không khí...

Hiện nay, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều này dẫn đến việc điều trị rất khó khăn. khả năng sống sau năm năm kể từ khi phát hiện bệnh của bệnh nhân rất thấp, chỉ 18% cho bệnh nhân ung thư phổi so với 91% đối với bệnh nhân ung thư vú. 

Theo GS.TS. Mai Trọng Khoa – Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), đối với ung thư phổi, việc bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm rất quan trọng. Xét nghiệm Dấu ấn ung thư giúp hỗ trợ chẩn đoán sớm cùng với chẩn đoán hình ảnh và giúp theo dõi điều trị một cách hiệu quả, giảm gánh nặng y tế cho xã hội.

"Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao để có được tư vấn y khoa kịp thời, đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mình.” – ông Khoa nhấn mạnh.

 

Giám đốc bệnh viện K: 35% ung thư do ăn uống

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/giam-doc-benh-vien-k-35-ung-thu-do-an-uong-368455.html

Giám đốc bệnh viện K nhấn mạnh hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý là 2 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây ung thư.

Vì sao ung thư ngày càng nhiều?

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, ung thư ngày càng gia tăng trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam là 69.000. Hiện tại, con số này tăng lên 126.000, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp tử vong.

Tỉ lệ mắc ung thư ở cả 2 giới là 140/100.000 dân, đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm.

5 loại ung thư thường gặp nhiều nhất ở nữ gồm: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày.

5 loại ung thư nhiều nhất ở nam giới gồm: Ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đầu trực tràng và ung thư thực quản.

Trong đó có 4 nguyên nhân chính khiến ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng:

Thứ nhất: Tuổi thọ người Việt ngày càng cao, hiện đạt 73,4 tuổi. Tuổi càng cao, tỉ lệ phơi nhiễm với các nguy cơ ung thư càng lớn.

Thứ hai: Do nhận thức, tuyên truyền tăng lên, người dân đi khám ngày càng nhiều hơn.

Thứ ba: Các phương tiện chẩn đoán ngày càng tốt hơn, tỉ lệ phát hiện bệnh cao hơn.

Thứ 4: Do tác động của các nguyên nhân hiện hữu gồm nguyên nhân bên ngoài và bên trong.

Chỉ có 10% do rối loạn cơ thể

“Ung thư là bệnh lý gây ra do nhiều nguyên nhân kết hợp, trong đó chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, 80% do liên quan yếu tố môi trường sống”, PGS Thuấn thông tin.

10% nguyên nhân bên trong bao gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền.

Ví dụ trong gia đình có mẹ, chị em gái mắc ung thư vú thì người đó có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần người bình thường. Con số này gấp 2-4 lần ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai liên tục hơn 10 năm. Hoặc những trường hợp đa polip sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn...

“Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường, hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư”, PGS Thuấn nhấn mạnh.

- Hút thuốc: Là nguyên nhân gây ra 30% trong tổng số các loại ung thư như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quan, tuỵ, vú, dạ dày, cổ tử cung...

- Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm: Chiếm khoảng 35%. Trong đó chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít rau quả làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư vú.

Các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển và sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men (cà, dưa muối) gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như: Dạ dày, gan, đại tràng, thực quản...

Theo PGS Thuấn, các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia... có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não... nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.

“Do đó nói thực phẩm bẩn gây ra ung thư là không có căn cứ. Muốn khẳng định, cần có thời gian dài theo dõi, nghiên cứu với số lượng mẫu đủ lớn. Ngay như để khẳng định tác hại của hút thuốc với ung thư phổi, các nhà khoa học cũng phải mất tới 30 năm”, PGS Thuấn nhấn mạnh.

- Ô nhiễm môi trường: Chiếm 2-8%. Trong đó thuốc diệt cỏ là yếu tố nguy cơ ung thư vú và một số ung thư khác.

- Tia phóng xạ: Loại nguyên nhân này chiếm khoảng 3%, phát ra từ các máy chụp X-quang, các chất phóng xạ có khả năng gây tổn gen và sự phát triển tế bào gây u hạch, giáp trạng, máu...

- Tia cực tím: Gây ung thư da.

- Nhiễm virus, vi khuẩn: Virus gây u nhú là nguyên nhân gây 70% ung thư cổ tử cung, virus viêm gan B gây ung thư gan nguyên phát, virus HP gây ung thư dạ dày, sán máng gây ung thư bàng quang...

Theo PGS Thuấn, với các nguyên nhân kể trên cũng cần thời gian tiếp xúc nhất định, lâu dài mới phát triển thành bệnh ung thư.

 

Tạm giữ lô hàng shisha không rõ nguồn gốc

http://thanhnien.vn/thoi-su/tam-giu-lo-hang-shisha-khong-ro-nguon-goc-829011.html

Chiều 24.4, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng tạm giữ một lô hàng shisha không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, khoảng 15 giờ cùng ngày (24.4), Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu kiểm tra hành chính cơ sở của ông Lưu Minh Giang (40 tuổi, ngụ 172/3 đường Ông Ích Khiêm, Q.Hải Châu), phát hiện ông Giang tàng trữ 40 cây thuốc, 34 bình thuốc, 164 gói đầu nhựa hút shisha, 15 chai tinh dầu thuốc lá điện tử, 25 đầu thuốc lá điện tử, 10 hộp buồng đốt và 20 bộ sạc pin.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Giang không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ của số hàng trên. Khi đội Cảnh sát kinh tế lập biên bản, ông Giang bất hợp tác, không chịu ký vào biên bản làm việc.

Hiện Công an Q.Hải Châu đang tạm giữ tang vật để tiếp tục điều tra làm rõ.

 

Nguy cơ độc hại từ bát đĩa nhiều hoa văn

http://plo.vn/an-sach-song-khoe/nguy-co-doc-hai-tu-bat-dia-nhieu-hoa-van-697350.html

Hoa văn làm cho bát đĩa thêm phần bắt mắt nhưng nó lại tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chì rất cao, đặc biệt là với các sản phẩm chất lượng kém.

Hiện nay trên thị trường tràn lan những sản phẩm gốm sứ trôi nổi, có nguồn gốc không rõ ràng. Những sản phẩm này thường có hàm lượng chì vượt mức quy định, vì những cơ sở trên thường chạy theo lợi nhuận nên đã cắt giảm năng lượng trong quá trình nung. Thông thường nhiệt độ nung ở mức khoảng 1.200- 1.500 độ C nhưng vì lợi những một số cơ sở chỉ nung ở mức 800- 1.000 độ. Những sản phẩm gốm sứ nhiễm chì trên có khả năng gây nhiễm độc cao cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm gốm sứ càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.

Những sản phẩm nhiễm chì, nếu đựng đồ ăn nóng hoặc đựng thức ăn chua sẽ làm chì nhanh chóng giải phóng, thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể. Hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và khi cầm nắm sản phẩm người dùng cũng có thể bị nhiễm chì.

Trẻ em nhiễm chì có thể có thể bị ảnh hưởng ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học. Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp…

Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Ngoài ra, ở người trưởng thành nếu tiếp xúc với chì cũng có thể tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp, suy giảm đến chức năng thận hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Theo các chuyên gia, chúng ta  nên mua bát đĩa, đồ dùng bằng gốm sứ màu trắng, ít hoa văn, nên mua ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên sử dụng bát đĩa gốm sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng. Hạn chế sử dụng bát đĩa tráng các lớp men màu sắc quá sặc sỡ. Khi sử dụng nếu bát, đĩa bị sần sùi, bong tróc lớp men hoặc bị rạn chúng ta nên thay mới.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thực hiện thải độc chì liên tục hàng năm, tiến hành thành nhiều đợt liên tục. 

 

Nối mật ruột thành công cho bé gái 3 tháng tuổi

http://cand.com.vn/y-te/BV-San-Nhi-Quang-Ninh-Noi-mat-ruot-cho-benh-nhi-moi-3-thang-tuoi-438194/

Ngày 24-4, bác sĩ Bùi Hải Nam (Trưởng khoa Ngoại và Chuyên khoa - Bệnh viện (BV) Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, BV vừa phẫu thuật thành công cho bé ba tháng tuổi bị nang ống mật chủ và nối mật ruột quai Y vào ngày 23-4. Hiện sức khỏe của bé đang dần ổn định.

Đó là bé A (phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng vàng da, vàng mắt, đại tiện phân bạc màu... Các bác sĩ đã cho bé làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp. 

Kết quả cho thấy ống mật chủ bị giãn thành nang, thành mỏng. Các bác sĩ khẩn trương tiến hành hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán bé bị nang ống mật chủ có rối loạn đông máu, nên đã chỉ định phẫu thuật cắt nang ống mật chủ và nối mật ruột quai Y cho bệnh nhi.

Kíp mổ do TS. Phạm Duy Hiền, Ths. Bùi Hải Nam đã tiến hành ca phẫu thuật trong hơn ba giờ đồng hồ, dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Cuối cùng bệnh nhi đã được cắt nang ống mật chủ và nối mật ruột quai Y thành công.

Bác sĩ Phạm Duy Hiền cho biết, đây là ca bệnh đặc biệt khó với trẻ nhỏ do phẫu trường rất nhỏ, khó thao tác. Nang ống mật chủ là do bẩm sinh, bệnh nhân bị dị dạng đường mật. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ bị viêm nhiễm, có thể dẫn đến sỏi mật, tắc mật và lâu dài dẫn đến xơ gan và có nguy cơ bị biến chứng như viêm tụy cấp, viêm mật cấp, viêm phúc mạc.

 

Nhân viên y tế đối mặt với phơi nhiễm HIV từ người bệnh

http://infonet.vn/nhan-vien-y-te-doi-mat-voi-phoi-nhiem-hiv-tu-nguoi-benh-post226013.info

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, tại bệnh viện đã có gần 200 nhân viên y tế bị phơi nhiễm với máu và dịch tiết từ người bệnh.

Tại Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện Chợ Rẫy 2017, ThS.BS Đặng Thị Vân Trang, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, từ năm 2014-2016 đã có 191 trường hợp nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy bị phơi nhiễm với máu và dịch tiết từ người bệnh. Trong số đó có 43 bác sĩ, 55 điều dưỡng, 8 kỹ thuật viên, 73 sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, 12 nhân viên làm sạch.

Đáng chú ý, BS Vân Trang cho biết, trong số 191 nhân viên y tế bị phơi nhiễm thì phơi nhiễm trên bệnh nhân có HIV dương tính chiếm 9,9%; không rõ nguồn gốc chiếm 8,4%. Các trường hợp phơi nhiễm xảy ra chủ yếu là do kim hoặc dao đâm (chiếm 85,4%). Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm do máu và dịch tiết bắn vào mắt.

Nhân viên y tế có thể bị phơi nhiễm từ những thao tác nhỏ nhất như tiêm truyền, rút máu, đậy nắp kim, hủy kim, thao tác phẫu thuật và thu gom rác. BS Trang cho biết, chỉ cần một thao tác bất cẩn hoặc không tuân thủ phòng hộ theo quy định cũng có thể khiến nhân viên y tế bị phơi nhiễm.

Tất cả các nhân viên y tế bị phơi nhiễm với HIV và không rõ nguồn gốc đều được điều trị phác đồ với thuốc trong 4 tuần và theo dõi trong 1 năm. Các trường hợp chưa có kháng thể hoặc kháng thể thấp với viêm gan B đều được tiêm ngừa ngay sau phơi nhiễm. Đa số các trường hợp phơi nhiễm được điều trị đều cho kết quả tốt.

Không chỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tại các bệnh viện có điều trị HIV khác, nguy cơ phơi nhiễm của các bác sĩ cũng khá cao. Một nữ bác sĩ làm việc tại một bệnh viện chuyên chăm sóc điều trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Bình Phước cũng bày tỏ những lo sợ bị nhiễm HIV. Đa số các bệnh nhân ở đây đều bị gia đình kỳ thị và từng nghiện ma túy, do đó tâm lý bệnh nhân cũng không ổn định lắm.

Hàng ngày, y bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh lao và các bệnh lây qua đường máu khác. Biết vậy nên ai cũng rất cẩn thận, một phần là để phòng bệnh cho mình, phần kia là phòng bệnh cho các bệnh nhân vì sức đề kháng của họ yếu, rất dễ mắc thêm bệnh.

Bệnh viện 09, nơi điều trị cho những người bị AIDS giai đoạn cuối tại Hà Nội, cán bộ y tế làm việc trong môi trường 100% bệnh nhân HIV thì nguy cơ phơi nhiễm không chỉ với HIV mà tất cả các bệnh về đường hô hấp rất cao, cao hơn đối với việc phơi nhiễm trong cộng đồng. Chỉ một sơ suất nhỏ trong công việc cũng có thể gặp rắc rối. Nơi đây đã từng có vài nhân viên bị phơi nhiễm như vậy.

Theo các bác sĩ, khi bị phơi nhiễm, người bị phơi nhiễm cần xử lý vết thương tại chỗ, để máu chảy tự nhiên, không nặn bóp tránh làm đụng dập vết thương, xối vết thương dưới vòi nước sạch, rửa sạch bằng xà phòng.

Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc, nhỏ mắt liên tục bằng nước muối sinh lý hoặc xúc miệng, họng bằng nước muối sinh lý. Sau đó cần cần báo cáo cho người phụ trách, ghi rõ thời gian, hoàn cảnh xảy ra phơi nhiễm, gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ vết thương, xác định mức độ nguy cơ phơi nhiễm, làm xét nghiệm HIV...

 

Phó giáo sư tim mạch chiến thắng ung thư phổi giai đoạn cuối

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/pho-giao-su-tim-mach-chien-thang-ung-thu-phoi-giai-doan-cuoi-331215.html

Cách đây hơn 5 năm, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng - nguyên Trưởng phòng C7 - Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi khi đã di căn lên não. Đã có lúc ông nghĩ đến việc điều trị chỉ để cầm cự nhưng với sự hiểu biết, niềm tin và ý chí, ông đã chiến thắng căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối một cách ngoạn mục. 

Phải có tinh thần lạc quan

Nhắc lại thời điểm phát hiện mình mắc bệnh ung thư, PGS Hùng nói rằng bất cứ ai dù là bác sĩ hay kỹ sư, người mạnh mẽ cũng như yếu đuối, tin đó đều là sét đánh ngang tai. Hơn nữa, ông còn phát hiện bệnh khi đã ở vào giai đoạn cuối. Thực sự là quá đỗi bàng hoàng. 

Gia đình ông ai cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an còn PGS Hùng thì nghĩ đến chuyện điều trị để cầm cự. Nhưng rồi ông nhớ lại quãng thời gian mấy chục năm làm bác sĩ của mình, chữa cho biết bao bệnh nhân, đối diện với cái chết không biết bao nhiêu lần và ông nghĩ nếu mình gục ngã lúc này thì quả là đã khước từ cơ hội sống của chính mình. Thế là, ông bình tâm suy nghĩ, đón nhận và quyết không gục ngã trước căn bệnh ung thư quái ác. 

Trước, trong và sau khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi, PGS Hùng luôn khuyên những bệnh nhân của mình rằng, phải có một tâm lý vững vàng, một niềm tin, ý chí sắt đá thì mới có thể chiến thắng được bệnh tật. Bởi bi quan, chán nản đồng nghĩa với việc đầu hàng, chịu thua và chết.

Khi bản thân mắc bệnh hiểm nghèo ông đã áp dụng đúng những gì đã từng khuyên bệnh nhân của mình. Trong suốt quá trình điều trị, PGS Hùng tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời tự lên mạng tìm tòi thêm những phương pháp hỗ trợ điều trị sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, ông cũng như tất cả các bệnh nhân mắc ung thư khác khi phải điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa trị đều gặp phải những tác dụng phụ như: Tóc rụng, nổi mụn nhọt, lở loét, mệt mỏi, chán ăn…. 

PGS Hùng tâm sự, có những lúc tưởng chừng như không sống nổi.Nhưng nhờ phương châm “quên bệnh mà sống” mà ông đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Theo PGS.TS Đỗ Quốc Hùng có niềm tin và ý chí là có thể chiến thắng 50% bệnh tật.

Có bệnh thì vái tứ phương

Bác sĩ, PGS Hùng cũng như tất cả những người bệnh trên đời này, khi có bệnh thì đều “vái tứ phương” với mong muốn được chữa khỏi bệnh. Ông không chỉ điều trị Tây y mà ông còn kết hợp cả Đông y để đẩy lùi căn bệnh ung thư. Cụ thể, ngoài những loại thuốc đặc trị và các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, ông còn kết hợp với các bài thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư. 

Khi đã áp dụng và đạt được những kết quả tích cực, PGS Hùng khẳng định những bài thuốc Đông y, giúp ông giảm bớt, loại bỏ được những tác dụng phụ khủng khiếp do thuốc men, hóa chất gây ra trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, có điều là trong một mớ hỗn độn thông tin thì người bệnh phải biết chắt lọc thông tin, và dùng những bài thuốc, vị thuốc có cơ sở khoa học.

PGS Hùng nêu ví dụ: Khi chán ăn, mệt mỏi thì nên dùng các loại sâm, đặc biệt là sâm ngọc linh; Khi lở loét thì nên uống nước đậu đen; Khi điều trị hóa chất thì nên kết với việc sử dụng tam thất, vị thuốc này sẽ giúp tái tạo tế bào máu bù vào lượng tế bào máu bị hóa chất tiêu diệt…

Với quan điểm “bệnh tật từ miệng mà ra”, nên PGS.TS Đỗ Quốc Hùng hết sức chú trọng đến thực phẩm và chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh. Ông cho rằng thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư và mang lại sức khỏe giúp người bệnh chiến đấu với bệnh tật. Vì thế ngay cả việc ăn uống cũng phải hết sức khoa học để phòng tránh và chữa được bệnh.

Với PGS Hùng rau, hoa quả là thực phẩm quan trọng hàng đầu trong chữa bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Vì rau, hoa quả cung cấp nhiều vitamin. Các loại vitamin đều rất tốt cho cơ thể, có thể phòng chống được nhiều bệnh.

Theo PGS Hùng mắc bệnh ung thư phổi nên dùng các loại rau như: rau chân vịt, cải bó xôi, sup lơ, củ cải đỏ...; Các loại quả như: cam chanh, mãng cầu xiêm, bơ, táo… PGS.TS Đỗ Quốc Hùng đặc biệt lưu ý, người bệnh phải dùng rau và hoa quả sạch. Để có rau sạch ăn, ông đã tự trồng rau trên sân thượng nhà mình.

Về thịt, ông khuyên, các loại thịt đỏ nói chung thì người bị ung thư nên hạn chế. Tuyệt đối không nên ăn thịt bò, chó, trâu…bởi các tế bào ung thư ưa môi trường axít sợ môi trường kiềm trong khi đó các loại thịt đỏ lại tạo ra môi trường axít. Các loại thịt gia gia cầm, hải sản người bị bệnh ung thư có thể ăn bình thường.

Tập luyện thể dụng thể thao được xem là phương pháp không thể thiếu giúp người bệnh duy cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nếu bệnh tật mà nằm 1 chỗ sẽ dẫn đến, trì trệ, không tiêu hao năng lượng nên ăn, ngủ không ngon, các cơ sẽ nhão nhoét vì không hoạt động. Vấn đề ở đây là phải lựa chọn môn thể thao nào phù hợp với thể trạng người bệnh. “Với những người bệnh trọng nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ hoặc tập yoga, tập thiền…”, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng nói.

Cuối cùng PGS.TS Đỗ Quốc Hùng kết luận, bí quyết để ông chiến đấu với căn bệnh ung thư là 4 chữ T: Tâm lý, Thuốc, Thức ăn và Thể dục thể thao.

Quả thực, bí quyết chiến đấu với căn bệnh ung thư và kỳ tích chữa khỏi căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối của PGS.TS Đỗ Quốc Hùng đã giúp nhiều người bệnh có thêm nghị lực, niềm tin vào một ngày không xa mình cũng sẽ được chữa khỏi bệnh. Và, ung thư quái ác sẽ không còn là căn bệnh vô phương cứu chữa. 

 

Trung Quốc: Tỉnh Cát Lâm ghi nhận ca nhiễm H7N9 đầu tiên trong năm 2017

http://bnews.vn/trung-quoc-tinh-cat-lam-ghi-nhan-ca-nhiem-h7n9-dau-tien-trong-nam-2017/42176.html

Theo Tân Hoa xã ngày 24/4, tỉnh Cát Lâm (Jilin), Đông Bắc Trung Quốc đã thông báo ca nhiễm virus cúm gia cầm đầu tiên ở người.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cát Lâm cho hay bệnh nhân là nam giới, 34 tuổi, đến từ thành phố Thông Hóa (Tonghua). Nạn nhân đã nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng và đang được điều trị.

Trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 đầu tiên ở người tại Trung Quốc được ghi nhận vào tháng 3/2013. Các ca nhiễm bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông và mùa Xuân.

Các chuyên gia khẳng định H7N9 không thể lây giữa người với người, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống và chết, nên mua các sản phẩm gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch./. 

 

WHO thử nghiệm vắcxin Mosquirix chống sốt rét tại châu Phi

Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết lần đầu tiên một loại vắcxin phòng sốt rét sẽ được thử nghiệm trên diện rộng với 360.000 trẻ em tại các quốc gia châu Phi. 

Bắt đầu từ năm 2018, trẻ em dưới 5 tuổi tại các quốc gia gồm Ghana, Kenya và Malawi sẽ được tiêm chủng vắcxin RTS,S hay còn được gọi là Mosquirix. 

Đây là sản phẩm được hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) bào chế.

Tuy không mang lại hiệu quả phòng bệnh triệt để trong các thử nghiệm lâm sàng nhưng Mosquirix vẫn được cấp phép thử nghiệm trên người và cũng là loại vắcxin chống sốt rét đầu tiên được các cơ quan chức năng cấp phép thử nghiệm. Trẻ em, đặc biệt là ở nhóm trẻ từ 5 đến 17 tháng tuổi, được yêu cầu tiêm đủ 4 mũi để có tác dụng tốt nhất. 

Sốt rét vốn là nguyên nhân gây ra 429.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó 92% các nạn nhân ở châu Phi và chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. WHO sẽ dựa trên kết quả kết quả thử nghiệm để cân nhắc xem có nên đưa loại vắcxin này vào gói các biện pháp chống sốt rét khuyến nghị hay không. 

Nếu thành công, việc tiêm phòng Mosquirix cùng với các biện pháp can thiệp phòng và trị sốt rét hiện tại sẽ giúp cứu được hàng nghìn mạng người châu Phi mỗi năm. 

Suốt 15 năm nỗ lực phòng và trị bệnh, số người thiệt mạng vì căn bệnh do muỗi gây ra này đã giảm thiểu 60% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015.

Sở dĩ Malawi, Kenya và Ghana được WHO chọn thử nghiệm vì đây là các quốc gia có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất và cũng là các quốc gia có nhiều chương trình chống sốt rét hiệu quả. 

Các quốc gia này có thể tự quyết định các địa điểm thử nghiệm trong đó các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao được ưu tiên. 

Chương trình dự kiến diễn ra từ năm 2018 đến năm 2020. Hồi tháng 11/2016, WHO đã cam kết tài trợ 100% vốn cho giai đoạn đầu thử nghiệm./.

 

Quả chanh có tới 22 hợp chất chống ung thư?

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/qua-chanh-co-toi-22-hop-chat-chong-ung-thu-206690.html

Nghiên cứu các nhà khoa học Viện Ung thư Anh phát hiện trong một trái chanh có khoảng 22 chất chống ung thư bao gồm limonene, citrus pectin, glycosides flavonnol, vitamin C...

Các nhà nghiên cứu khẳng định quả chanh có thể giảm tới 50% nguy cơ ung thư. Chúng cũng có khả năng đẩy nhanh tốc độ thải độc.

Citrus pectin, một chất chiết xuất từ quả chanh có khả năng ngăn ngừa hoặc ức chế ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Các dưỡng chất thực vật trong quả chanh rất có hiệu quả. Nghiên cứu chỉ ra rằng vỏ chanh có khả năng giảm cholesterol, tăng cường miễn dịch và cũng ngăn ngừa một số loại ung thư.

Vỏ chanh chứa một số hợp chất được gọi là limonoid. Chúng có khả năng kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư. Nhìn chung, chanh được cho là chứa khoảng gần 22 hợp chất khác nhau có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa ung thư.

Trước đó, có hơn 20 nghiên cứu về chủ đề này đều khẳng định hợp chất limonoids đặc biệt có tác dụng với bệnh ung thư vú, nó hiệu quả gấp 10.000 lần so với adriamycin - một loại thuốc được sử dụng để hóa trị chống ung thư trên toàn thế giới. Tuy nhiên nếu tác dụng phụ của adriamycin phá hủy cả các tế bào lành xung quanh thì limonoids không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh, do đó nó rất an toàn.

Mới đây limonoids được chứng minh lâm sàng có tác dụng tích cực trong điều trị các loại ung thư như ung thư đại trực tràng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, gan, bệnh bạch cầu. Theo các nhà khoa học của CSIRO, một quả chanh có thể phòng chống đến 50% các loại ung thư.

Họ khuyên mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 150 g vỏ cam hoặc chanh mỗi tuần để phòng chống ung thư. Việc đông lạnh sẽ giúp vỏ chanh giữ nguyên các chất chống oxy hóa và tinh dầu bên trong và quan trọng hơn là bạn dễ dàng sử dụng.

Ngoài ra, nước ép chanh như một cấu trúc nguyên tử tương tự như nước ép tiêu hoá dạ dày nên giúp ích cho đường tiêu hóa. Cytam từ nước chanh có là chất chống oxy hóa giúp chống lại các tổn thương gốc tự do. Điều này có thể giúp da khỏe mạnh, trẻ trung. 

 

Số người chết vì bệnh gan nhiều hơn AIDS và lao

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/so-nguoi-chet-vi-benh-gan-nhieu-hon-aids-va-lao-206684.html

Trong báo của tổ chức Y tế Thế giới, số người chết vì viêm gan do siêu vi đang tăng nhanh.

Theo đó, số người tử vong do bệnh viêm gan - căn bệnh do lạm dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích… đang gia tăng đáng kể.

Virus viêm gan đã gây nên 1,34 triệu ca tử vong chỉ riêng trong năm 2015, bằng với số ca tử vong do bệnh lao và HIV/AIDS gộp lại. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ tử vong của cả bệnh lao và HIV/AIDS đều đang có xu hướng giảm, số ca tử vong do viêm gan lại có xu hướng gia tăng. Tính từ năm 2000 đến nay, số ca tử vong do viêm gan đã gia tăng tới 22%.

Hai dạng viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) là phổ biến nhất, gây ra tới 96% số ca tử vong  do viêm gan. HBV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn và tiếp xúc với các chất dịch cơ thể. Tin đáng mừng là các ca nhiễm viêm gan B mới đang giảm nhờ 84% trẻ sơ sinh trên toàn thế giới đã tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết trong năm 2015, số ca phát hiện nhiễm mới HCV là 1,75 triệu người, nâng tổng số người nhiễm virus này trên toàn cầu lên 71 triệu người. Trong năm này, tỷ lệ nhiễm mới HBV và HCV tăng lần lượt 9% và 20%, trong khi số người có phác đồ điều trị ngay khi phát hiện chỉ chiếm 8% số ca nhiễm mới HBV và 7% đối với ca nhiễm mới HCV (1,1 triệu người).

Ông Gottfried Hirnschall, Giám đốc Chương trình Phòng chống HIV và Viêm gan Thế giới của WHO cho biết: “Nhiều quốc gia đang thực hiện các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan khá đắt đỏ. Chính vì vậy chúng ta cần có các biện pháp giải quyết vấn đề này để kiểm soát căn bệnh viêm gan siêu vi tốt hơn”. 

Trước đó, vào tháng 5/2016, WHO đã nhanh chóng đưa ra các chiến lược bao gồm mục tiêu giảm các trường hợp mới của bệnh viêm gan B và C xuống 30% vào năm 2020 và giảm 10% tỷ lệ tử vong. WHO khẳng định, các nước và các tổ chức cần phải mở rộng các chương trình tiêm chủng, tập trung vào việc ngăn chặn lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con và tăng cường tiếp cận điều trị viêm gan B và C để đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang