Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 25/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Vụ 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn: Đại biểu Quốc hội "vạch lỗi"; Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin bệnh nhân chết sau mổ cắt dạ dày; Xác minh vụ phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng ở Hà Nội; Bộ Y tế chấn chỉnh việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế; ...

 

Vụ 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn: Đại biểu Quốc hội "vạch lỗi"

http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/vu-20000-vien-thuoc-dac-tri-ung-thu-het-han-loi-do-dau-a191223.html

Vụ tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã khiến dư luận xôn xao, Ban Thanh tra TP phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.

Được biết số thuốc ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ chính nhà sản xuất nước ngoài.

Theo vnexpress, kết luận Thanh tra TP HCM thì việc những viên thuốc đặc trị đắt tiền trị giá gần 14 tỷ đồng này bị quá hạn là do những nguyên nhân sau:

1. Lỗi do phía bệnh viện

Ông Nguyễn Anh Trí, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tối 23/5 Ủy ban đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và các cơ quan liên quan tới vụ việc trên.

"Trách nhiệm chủ yếu thuộc về Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM do đã dự trù không sát thực tiễn, không tiên lượng được khả năng đồng chi trả của bệnh nhân", ông Trí cho biết.

Datviet đăng bài phát biểu của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Có nguyên nhân khách quan là khi bệnh viện lập kế hoạch để xin thuốc tài trợ thì dự trù cho 200 người bệnh ung thư máu đang nằm điều trị ở bệnh viện được sử dụng. Nhưng khi làm kế hoạch thì chỉ 50 người bệnh đăng ký vì dùng thuốc tài trợ này người bệnh vẫn phải đồng chi trả một khoản 5%, khoảng 42 triệu đồng trong 1 năm nên khó khăn. Đến khi đưa thuốc về kho bệnh viện thì chỉ có 26 người bệnh được sử dụng. Ở đây lỗi đầu tiên là bệnh viện đã xác định, lập kế hoạch không chuẩn. Lỗi thứ hai, khi lô thuốc tài trợ sắp hết hạn sử dụng mà vẫn tồn nhiều vậy, bệnh viện lại không báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng để xin chủ trương điều chuyển nhằm sử dụng có hiệu quả” – ông Lợi phân tích.

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cũng được cho là không kịp thời rà soát, kiểm tra kho thuốc của mình. Đây là loại thuốc đặc biệt, có hạn sử dụng ngắn, thủ tục nhập khẩu mất thời gian khiến khi thuốc về tới kho thì đã cận hạn dùng.

2. Lỗi do thủ tục rườm rà

Theo news.zing, đây là nội dung bản báo cáo do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa giải trình với Bộ Y tế. Theo nội dung báo cáo, Sở Y tế TP, từ lúc BV bắt đầu tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc Tasigna của công ty viện trợ đến khi hoàn tất thủ tục của chương trình hiến tặng thuốc là 13 tháng 8 ngày. (Riêng thủ tục qua lại giữa Bệnh viện và Novartis ở giai đoạn đầu mất trên 4 tháng 11 ngày)

Giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược mất 25 ngày, bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế mất 1 tháng 7 ngày. Thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM xử lý hồ sơ mất 3 tháng, UBND TP.HCM xử lý hết 10 ngày làm việc.

Đến ngày 14/7/2014, Cục Quản lý Dược đã có công văn đồng ý cho bệnh viện tiếp nhận số thuốc nêu trên và lúc được cấp phép thì hạn dùng của số thuốc này là gần 10 tháng, đến tháng 5/2015 thì hết hạn.

Sau hơn 1 tháng làm thủ tục, đến ngày 27/7/2014, số thuốc này đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất nhưng Hải quan Tân Sơn Nhất không cho bệnh viện nhận thuốc do hạn dùng dưới 12 tháng. Sau đó, Bệnh viện đã có công văn gửi Chi cục Hải quan và Sở Y tế để nhờ hỗ trợ.

Đến ngày 13/8/2014, số thuốc trên đã được về kho bệnh viện và còn lại 8,5 tháng sử dụng. Trước khi hết hạn khoảng 6 tháng, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã đề nghị công ty Novartis mở rộng phạm vi chương trình đến các bệnh viện trên toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML tuy nhiên công ty không đồng ý.

Quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc đến đến khi hoàn tất thủ tục bị kéo dài, trong khi thuốc Tasigna có hạn sử dụng ngắn.

Theo kết luận Thanh tra TP HCM, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài.

Bệnh viện giải trình tháng 7/2013 nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất, ngày 28/11/2013 bệnh viện có văn bản gửi Cục Quản lý Dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên. Ngày 27/12 năm ấy bệnh viện có giấy phép lưu hành lô thuốc với hạn dùng 24 tháng. Ngày 30/12/2013 bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM xin chấp thuận được thực hiện chương trình thuốc. Sau khi Sở trình lên UBND, tháng 6/2014 bệnh viện nhận được phê duyệt tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna, hạn dùng đến tháng 5/2015.

Tuy nhiên lúc này Hải quan TP HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do theo quy định hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng. Bệnh viện và Sở Y tế TP HCM đã đề nghị hải quan xem xét, hỗ trợ, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện nhập kho lô thuốc trên thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng. Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn.

Liên quan đến vụ việc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM nhận lỗi đã không đánh giá đúng nhu cầu người bệnh khi lập kế hoạch xin tài trợ thuốc. Cục Quản lý Dược cho rằng đã cấp phép trong 21 ngày theo quy định. Hải quan bác trách nhiệm vì đã cho thông quan số thuốc chỉ một ngày sau khi mở tờ khai nhập khẩu. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM trả lời 3 tháng không nhận được hồ sơ xin phê duyệt nhập thuốc do bệnh viện gửi.

 

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin bệnh nhân chết sau mổ cắt dạ dày

http://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-yeu-cau-khan-truong-xac-minh-thong-tin-benh-nhan-chet-sau-mo-cat-da-day-n131994.html

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đề nghị Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc bệnh nhân chết sau khi mổ cắt một phần dạ dày tại bệnh viện này...

Ngày 24/5/2017, Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế đã có văn bản số 666/KCB-QLCL gửi giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc bệnh nhân chết sau khi mổ dạ dày tại bệnh viện này…

Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương xác minh thông tin, làm rõ sự việc báo chí đã nêu, thành lập Hội đồng chuyên môn theo đúng quy định tại Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn; Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Đồng thời công khai thông tin và kết quả giải quyết sự việc nêu trên, đồng thời báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 31/5/2017 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam có đăng bài “Bệnh viện Trung ương Huế: Bệnh nhân chết sau khi mổ dạ dày, bác sỹ có tắc trách?”, nội dung bài báo phản ánh về việc người bệnh Nguyễn Thị Huê sinh năm 1935, trú tại thôn 6B, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị tử vong sau khi mổ dạ dày và người nhà Bà Huê cho rằng nguyên nhân của vụ việc trên là do các bác sỹ kíp mổ của Bệnh viện tắc trách.

 

Xác minh vụ phẫu thuật thẩm mỹ bị biến chứng ở Hà Nội

http://cand.com.vn/y-te/yeu-cau-lam-ro-vu-phau-thuat-tham-my-bi-bien-chung-442513/

Ngày 24-5, báo chí đã đưa thông tin về việc bà Ngô Ngọc L. ở Hoàn Kiếm, Hà Nội bị biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi tại Bệnh viện CK Phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B.

Chiều 24-5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế Hà Nội xem xét nội dung phản ánh, kiểm tra, xác minh sự việc và khẩn trương báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các điều kiện hoạt động của Bệnh viện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn vàyêu cầu Bệnh viện bảo đảm an toàn cho người bệnh đến sử dụng dịch vụ tại Bệnh viện.

Sở Y tế thành phố Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện CK Phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ gia đình bà Ngô Ngọc L. trong quá trình chăm sóc, điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

 

Bộ Y tế chấn chỉnh việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/869641/bay-so-y-te-buoc-phai-lam-ro-thong-tin-ve-hieu-qua-dau-tu-trang-thiet-bi

Ngày 24/5, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu 7 Sở Y tế: Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, An Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai và 12 bệnh viện Trung ương gồm: Lão khoa Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Hữu nghị Việt Đức, Mắt Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Da liễu Trung ương, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Nhiệt đới Trung ương, C Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương báo cáo về hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế tại địa phương, đơn vị.

Đây là việc làm kịp thời của Bộ Y tế nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế, ngay khi có thông tin trên báo chí.

Trước đó, ngày 22/5/2017, trên trang Báo điện tử Vietnamnet đăng bài viết với nội dung "Bỏ trăm tỷ mua máy chữa bệnh rồi… cất kho, bỏ hỏng" có phản ảnh về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 tại một số cơ sở khám chữa bệnh.

Để làm rõ sự việc nêu trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trên rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc tổ chức quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang thiết bị y tế (thiết bị và hóa chất, vật tư tiêu hao y tế) tại đơn vị mình; giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm (nếu có).

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và bệnh viện có tên trên báo cáo về thuận lợi, khó khăn đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế trong thời gian tới; khẩn trương chấn chỉnh, có phương án khắc phục các nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Với mục tiêu tăng cường quản lý trang thiết bị y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định về quản lý trang thiết bị y tế. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có các chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn để phổ biến các quy định của pháp luật và chấn chỉnh các hoạt động đầu tư, quản lý khai thác sử dụng trang thiết bị y tế.

 

Đề nghị xử lý việc đầu tư lãng phí trang thiết bị y tế

http://plo.vn/xa-hoi/de-nghi-xu-ly-viec-dau-tu-lang-phi-trang-thiet-bi-y-te-704237.html

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/32963102-yeu-cau-7-so-y-te-12-benh-vien-giai-trinh-dau-thau-mua-sam-va-su-dung-trang-thiet-bi-y-te.html

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, đã ký hai công văn đề nghị các đơn vị làm rõ thông tin về hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Chiều tối 24-5, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, đã ký hai công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 12 bệnh viện được cơ quan kiểm toán Nhà nước nêu trong kết luận kiểm toán, đề nghị làm rõ thông tin về hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, những ngày gần đây, nhiều trang báo đã đăng bài viết với nội dung phản ảnh về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Tài liệu kiểm toán cho thấy, hàng trăm tỉ đồng được các BV chi để mua máy chữa bệnh về… cất kho, hoặc mua nhưng chưa sử dụng đã hỏng…, gây lãng phí nghiêm trọng.

Để làm rõ sự việc nêu trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đề nghị các đơn vị rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc tổ chức quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang thiết bị y tế (thiết bị và hóa chất, vật tư tiêu hao y tế) tại đơn vị mình.

Giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có. Đặc biệt lưu ý những trường hợp cụ thể đã được cơ quan kiểm toán Nhà nước nêu.

Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị nêu những thuận lợi, khó khăn đồng thời đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế trong thời gian tới; và khẩn trương chấn chỉnh, có phương án khắc phục các nội dung theo kết luận của kiểm toán Nhà nước.

Vụ này đề nghị 12 Giám đốc Bệnh viện gồm: BV Lão khoa Trung ương; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện Mắt Trung ương; Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương; Bệnh viện Da liễu Trung ương; Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Huyết học truyền máu Trung ương khẩn trương triển khai các nội dung đã nêu và gửi báo cáo về Bộ Y tế trong ngày 29-5-2017.

Đồng thời đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung đã nêu và gửi báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 31-5-2017.

 

Phạt Công ty Nhựa Cầu Vồng 25 triệu đồng

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/phat-cong-ty-nhua-cau-vong-25-trieu-dong_t114c9n119417

Ngày 24/5, Thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Nhựa Cầu Vồng 25 triệu đồng.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, công ty trên đã không thực hiện việc kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đang được nhập khẩu, kinh doanh, vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 26 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Nhựa Cầu Vồng chấm dứt hành vi vi phạm nêu trên, thực hiện kiểm nghiệm định kỳ đầy đủ đối với các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Lãng phí hàng trăm tỷ đồng vì thiết bị y tế "tồn kho"

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/32961002-lang-phi-hang-tram-ty-dong-vi-thiet-bi-y-te-ton-kho.html

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố những số liệu giật mình về thực tế mua sắm và sử dụng kém hiệu quả trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện, địa phương.

Trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Kiểm toán Nhà nước thông tin nhiều thất thoát trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) năm 2015

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch dài hạn về đầu tư mua sắm TTBYT để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Đấu thầu mua sắm còn nhiều bất cập

Kiểm toán Nhà nước cho biết, về công tác đấu thầu, Bộ Y tế chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT. Đặc biệt, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập như chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Do đó, dẫn tới có vật tư có giá chênh nhau tới 6,7 lần. Ví dụ, giá một cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức là 1.090 đồng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng. Có loại gấp 4,8 lần như một dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000 đồng.

Về hóa chất, có loại chênh gấp 5,8 lần. Một hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương là 16.718.000 đồng, Bệnh viện Thống nhất 2.874.375 đồng. Có hóa chất chênh giá gấp 3,1 lần như một hộp Cleaning Solution Clean A, 1x500ml tại Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng. Có hóa chất chênh gấp 3 lần như một thùng Diff Timepac, 2x2075ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương là 42.607.000 đông, Bệnh viện Chợ Rẫy là 14.163.950 đồng.

Tại tỉnh Gia lai, Đắc Nông, Kon Tum, công tác xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định

Cá biệt, qua kiểm toán, phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước.

Lãng phí hàng trăm tỷ vì thiết bị y tế tồn kho

Qua kiểm toán tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước thấy một số đơn vị sử dụng TTBYT kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực như: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được. Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên có máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X Quang Tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa. Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương Hà Nội có nồi hấp tiệt trùng. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica... đã bị hỏng.

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (68,554 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (151,763 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (151,519 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng có hai thiết bị là lò nung, tủ hút an toàn hoá học được dự án ADB thuộc Cục Y tế dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán (năm 2016) vẫn để trong phòng làm việc, sử dụng làm tủ đựng tài liệu.

Tại Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt có một máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12-2014); Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ có 1 máy X-Quang đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện đang tồn kho.

Tỉnh Bình Dương có 34 thiết bị của Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát, Thuận An được cấp từ những năm 2010 mới 100% nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu. Tại An Giang có 133 thiết bị tại 9 Trung tâm Y tế chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng Trung tâm Y tế huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát.

Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum mua 3,157 tỷ đồng về cũng không hoạt động được do công nghệ lò đốt không đảm bảo các điều kiện về môi trường…

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn, quy định đối với hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đặt máy bán hóa chất xét nghiệm chỉ để bán hóa chất nên trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Bộ Y tế đang kiểm tra thông tin

Trả lời về những thông tin mà Kiểm toán Nhà nước công bố, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang kiểm tra thông tin để có cơ sở chấn chỉnh và xử lý những sai phạm của các đơn vị này.

“Chúng tôi đã từng tổ chức nhiều hội thảo, trong đó nhấn mạnh đơn vị sử dụng cuối cùng là bệnh viện. Do đó, trách nhiệm mua sắm, tiếp nhận, kiểm tra là của lãnh đạo bệnh viện. Anh là người sử dụng, anh phải có kỹ năng quản lý, biết trang thiết bị đó có hồ sơ đầy đủ hay không. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng, đặc biệt là lãnh đạo và đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong các bệnh viện và các cơ sở y tế” - ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, muốn quản lý tốt trang thiết bị, các cơ sở y tế phải có đấu thầu mua sắm công khai, minh bạch. Muốn sử dụng tốt vật tư thì phải kiểm tra khi nhận trang thiết bị y tế; phải xem máy đó có đủ điều kiện để sửa chữa bảo dưỡng hay không.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ đồng bộ đấu thầu mua sắm để siết chặt quản lý lĩnh vực này, nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng.

 

Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội tăng cường kiểm soát các cơ sở thẩm mỹ

http://kinhtedothi.vn/bo-y-te-yeu-cau-ha-noi-tang-cuong-kiem-soat-cac-co-so-tham-my-288858.html

Chiều 24/5, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khẩn trương làm rõ vụ việc chị Ngô Ngọc L. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi tại Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B (Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các hoạt động của Bệnh viện này theo quy định của  Luật khám chữa bệnh, các văn bản hướng dẫn và  yêu cầu của Bệnh viện đảm bảo an toàn cho người bệnh đến sử dụng dịch vụ tại bệnh viện. Yêu cầu Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ gia đình chị L. trong quá trình chăm sóc, điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, chị L. được nâng ngực và mũi tại bệnh viện thẩm mĩ vào ngày 13/5, dịch vụ do bác sỹ Hàn Quốc Ha Jae Sung thực hiện. Tuy nhiên, sau đó chị L. có biểu hiện sưng tấy, áp xe ở ngực. Được biết, đến thời điểm này, vị bác sĩ người Hàn Quốc Ha Jea Sung đã về nước.

 

Sở Y tế Hà Nội vào cuộc vụ bệnh nhân hỏng ngực sau phẫu thuật thẩm mỹ

http://kinhtedothi.vn/so-y-te-ha-noi-vao-cuoc-vu-benh-nhan-hong-nguc-sau-phau-thuat-tham-mi-288838.html

Ngày 24/5, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Dương Trung cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc chị Ngô Ngọc L. (sinh năm 1981, quận Hoàn Kiếm) gặp biến chứng sau khi nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ K.C (Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoàn Thanh tra Sở Y tế đã đến làm việc tại cơ sở này vào ngày 23/5.

Theo biên bản thanh tra, chị L. được nâng ngực và mũi tại bệnh viện thẩm mỹ vào ngày 13/5, dịch vụ do bác sĩ Hàn Quốc Ha Jae Sung thực hiện. Qua lịch theo dõi và biên bản thanh tra, bệnh viện đã theo dõi vết mổ cho khách hàng L. hàng ngày, từ khi chị L. được nâng mũi và ngực đến ngày 21/5.

Đoàn thanh tra cũng cho biết bệnh viện có đủ các giấy tờ pháp lý để hoạt động. Về nghi vấn chị L. có biến chứng sau nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ này, đoàn thanh tra yêu cầu bệnh viện tiếp tục chăm sóc và điều trị cho chị L. theo đúng quy chế chuyên môn, tiếp nhận và giải quyết những thắc mắc của chị L. Đồng thời yêu cầu trong trường hợp chị L. có những biến chứng liên quan đến phẫu thuật, yêu cầu bệnh viện tổ chức hội chẩn, chuyển tuyến nếu cần thiết và báo cáo thanh tra Sở Y tế Hà Nội.

Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền thông và hình ảnh chị L. với bầu ngực bị biến chứng nặng nề sau khi nâng ngực.

Được biết, chị L. đã được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Quân đội 108 và đang tiếp tục được các bác sĩ tại đây theo dõi. Qua chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân L. có biểu hiện sưng tấy, áp xe ở ngực cần được hút dịch tụ và điều trị các vết máu bầm. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bao xơ quanh túi ngực. Số tiền chị L. chi cho cuộc thẩm mỹ này là 13.000USD (khoảng 300 triệu đồng), trong đó 7.000USD chi cho nâng ngực và 6.000USD chi cho nâng mũi.

Đại diện truyền thông Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, sáng cùng ngày phía bệnh viện cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với nữ bệnh nhân phẫu thuật nâng ngực cùng với luật sư của bệnh nhân này. Trong buổi làm việc hôm nay cơ bản đã giải tỏa những bức xúc của bệnh nhân.

Theo vị đại diện này, ban đầu bác sĩ cũng đã giải thích do cơ địa của mỗi người khác nhau nên bệnh nhân có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ tác dụng phụ dẫn đến ngực bị sưng tấy. "Sáng nay, bác sĩ cũng có chăm sóc và khám cho bệnh nhân, chúng tôi hẹn bệnh nhân chiều 24/5 tới chăm sóc lại. Có thể do cách ăn nói của nhân viên làm việc tại bệnh viện khiến khách bức xúc, để khách nghĩ rằng phía bệnh viện từ chối không khám cho khách khi có biến chứng. Trong chiều nay, chúng tôi sẽ họp kiểm điểm nhân viên", đại diện Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C. cho biết.

 

Hết cảnh nhập thuốc giá dưới đất, bán giá... trên trời?

http://laodong.com.vn/suc-khoe/het-canh-nhap-thuoc-gia-duoi-dat-ban-gia-tren-troi-667715.bld

Một thực tế đang tồn tại trên thị trường tân dược hiện nay là thiếu những quy định về kê khai, niêm yết giá thuốc bán lẻ khiến người bệnh phải mua thuốc với giá cao hơn hẳn so với giá nhập. Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.7.2017 sẽ góp phần giải quyết tình trạng này để minh bạch giá thuốc chữa bệnh cũng như giảm đi gánh nặng kinh tế đối với người bệnh.

Loạn giá thuốc, người tiêu dùng chịu thiệt

Cơ quan chức năng quản lý giá thuốc không theo giá cố định mà quản lý theo giá trần và giá sàn. Giá trần nghĩa là giá cao nhất được phép bán. Giá sàn là giá thấp nhất được phép bán. Mỗi sản phẩm đều quy định giá trần và giá sàn, cửa hàng thuốc muốn bán giá bao nhiêu thì phải niêm yết. Trong khoảng đó, bán giá bao nhiêu thì bán, cứ không bán quá giá trần và quá giá sàn là được, kể cả nhà thuốc cấp nào đi nữa. Đó là lý do có việc đến 2 nhà thuốc khác nhau, mua cùng 1 hộp thuốc nhưng giá thì không giống nhau.

“Mỗi nhà thuốc bán giá khác nhau vì đường đi của thuốc khác nhau. Mà mua thuốc có ai mặc cả đâu. Cũng không có cụ thể là qua bao nhiêu cấp thì thuốc mới đến tay người tiêu dùng vì mỗi cửa hàng thuốc có đường đi riêng. Cty sản xuất đến đơn vị phân phối, người kinh doanh, nhà thuốc… rồi mới đến tay người tiêu dùng. Qua nhiều khâu thì giá càng cao, quá ít khâu thì giá thấp. Và điều đó không thể quản lý được” - anh Tuấn Anh, nhân viên một Cty phân phối thuốc cho biết.

Năm ngoái, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đưa ra câu chuyện đau lòng: “Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200 USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng”.

Trong khi đó, cũng tại phiên thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi), đại biểu Thảo luận về quản lý giá thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần hạn chế các tầng lớp trung gian trong phân phối thuốc, độc quyền nâng giá thuốc, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa với gần 2.000 Cty phân phối. Lý do, qua quá nhiều trung gian thì khi đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao.

Niêm yết, khống chế giá thuốc - giảm gánh nặng cho người bệnh

Nghị định 54 dành riêng Chương VIII để quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc. Theo đó, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức thặng số bán lẻ của dược phẩm trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dao động từ 2-15%. Điều này cũng sẽ góp phần giảm tình trạng “chặt chém” tại các quầy thuốc bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Mặc dù quy định như vậy nhưng có ý kiến cho rằng, để Nghị định 54 thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát. Thực tế bắt buộc niêm yết giá thuốc đã có nhưng không phải đại lý nào cũng thực hiện.

Nên thu hồi giấy phép nếu bán không đúng giá niêm yết

Trao đổi với Lao Động chiều 23.5, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa - cho biết: Để thực hành giá thuốc tốt thì phải có sự công khai giá thuốc, giá nhập khẩu, xuất khẩu, giá bán buôn, bán lẻ. Thực tế hiện nay chỉ duy nhất ngành y tế, mặt hàng khám chữa bệnh, thuốc men là không có ngã giá, cửa hàng thuốc, bệnh viện họ bán giá bao nhiêu thì người bệnh phải mua bấy nhiêu chứ hầu như không có chuyện mặc cả và bản thân người bệnh cũng không thể biết được giá thuốc ra sao để mặc cả. Theo tôi phải có quy định về giá thuốc rất minh bạch, giá nhập vào bao nhiêu, giá bán ra bao nhiêu thì cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát gắt gao, để kiểm soát được để giá thuốc không bị đội lên quá cao, lợi nhuận ở trong ngưỡng chấp nhận được, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.

Sau khi Bộ Y tế - Tài chính - Công thương ban hành được thông tư hướng dẫn về thực hành thuốc như trên, bắt buộc ở nơi kinh doanh dược phẩm phải có niêm yết giá thuốc cụ thể. Nếu nơi nào không thực hiện niêm yết đầy đủ, không chấp hành quy định thì phải có chế tài, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu vi phạm nhiều lần thì có thể phải rút giấy phép hành nghề.

Quy định về bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua vào ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ tính bằng mức thặng số bán lẻ nhân với giá mua vào. Cụ thể:

- Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) - Giá mua vào.

- Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được mua thuốc trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuốc đã trúng thầu được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế trong vòng 12 tháng tính đến trước thời điểm mua thuốc với giá mua vào theo quy định như sau:

- Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau:

a) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%;

b) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 (một nghìn) đồng đến 5.000 (năm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%;

c) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 (năm nghìn) đồng đến 100.000 (một trăm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%;

d) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 (một trăm nghìn) đồng đến 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%;

đ) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

 

Yêu cầu làm rõ vụ bổ nhiệm”thần tốc” chức vụ cho con trai giám đốc

http://dantri.com.vn/suc-khoe/yeu-cau-lam-ro-vu-bo-nhiemthan-toc-chuc-vu-cho-con-trai-giam-doc-20170524145029304.htm

Liên quan đến vụ giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bổ nhiệm chức phó khoa cho con trai một cách “thần tốc”, ngày 24/5, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan xác minh làm rõ.

Cụ thể, văn bản số 143 của văn phòng UNND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: “Yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc này. Nếu có sai phạm phải kiên quyết xử lý trách nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10/6/2017".

Cùng ngày, trao đổi với báo chí, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, Ban Giám đốc Sở đã thành lập đoàn gồm thanh tra, công tác cán bộ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình để xác minh làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh về việc ông Phạm Nông bổ nhiệm "thần tốc" con trai làm Phó trưởng khoa. Khi có kết luận Sở Y tế sẽ có thông tin chính thức bằng văn bản gửi tới các cơ quan báo chí.

Ngoài thông tin ông Nông bổ nhiệm con trai vội vàng và có nhiều con cháu đang làm việc tại bệnh viện thì bạn đọc báo Dân trí còn cung cấp thêm hồ sơ cho thấy ông Nông giữ chức giám đốc bệnh viện đã 14 năm, trong quá trình đảm nhận chức giám đốc, ông Nông đã để xảy ra một số sai phạm, dẫn đến năm 2007 UB kiểm tra Huyện ủy Thanh Bình đã ra Quyết định kỷ luật ông Nông với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng. Tuy nhiên sau đó vụ việc rơi vào im lặng và ông Nông vẫn giữ chức giám đốc cho tới nay.

Nói về việc bị kỷ luật đảng, ông Phạm Nông thừa nhận và phân trần, “Năm 2007 bị kỷ luật là do tôi thiếu kiểm tra đôn đốc để anh em cấp dưới vi phạm 1 số quy chế và tôi đã thừa nhận rồi. Tuy nhiên, Sở Y tế cho rằng những sai phạm của cá nhân tôi không phải trực tiếp, mà chỉ ở mức thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, nên chỉ tổ chức kiểm điểm, phê bình”, ông Nông nói.

Trong một diễn biến khác, ông Phạm Nông còn bị tố ký và đóng dấu giấy chuyển viện trước, sau đó các bác sĩ tuỳ ý ghi thông tin.

Tuy nhiên, ông Phạm Nông đã phủ nhận thông tin này, ông Nông khẳng định “hoàn toàn không có chuyện này. Tất cả văn bản tôi không bao giờ ký trước vì đối với giấy tờ văn bản, tôi rất kỹ”, ông Nông nói.

 

'Cắt nát' bệnh nhân để tính dịch vụ thanh toán với Bảo hiểm y tế

http://thanhnien.vn/doi-song/cat-nat-benh-nhan-de-tinh-dich-vu-thanh-toan-voi-bao-hiem-y-te-838091.html

Tại nhiều bệnh viện có hiện tượng 'cắt nát' bệnh nhân để tính thanh toán với BHYT. Trên một phim X.Quang chụp cẳng chân bệnh nhân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối... nhưng có BV yêu cầu thanh toán 3 dịch vụ khác nhau.

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), qua phân tích dữ liệu toàn quốc, cơ quan này đã phát hiện những bất thường trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, như kéo dài ngày nằm viện trong hồ sơ thanh toán, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, tách nhỏ dịch vụ để thanh toán nhiều lần.

“Phẫu thuật thay thủy tinh thể một mắt đơn thuần chỉ cần nằm viện một ngày nhưng tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa mất 7,1 ngày, BV Mắt Thái Nguyên 6,3 ngày, BV Mắt Sơn La 7,5 ngày, chênh lệch tiền giường trên 1,9 tỉ đồng", ông Đức cho biết.

Đáng nói là trong nhóm bệnh nhân dịch vụ thực hiện kỹ thuật này, chỉ có bệnh nhân bảo hiểm y tế mới bị kéo dài ngày nằm viện. Có bệnh viện cùng phẫu thuật này, nhưng bệnh nhân mổ dịch vụ theo yêu cầu thì ngày nằm viện chỉ 1 ngày, trong khi bệnh nhân BHYT 5 - 7 ngày.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng “cắt nát” bệnh nhân để tính dịch vụ thanh toán với BHYT. Ông Phúc dẫn chứng, trong hồ sơ, trên một phim X.Quang chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương chẳng chân, xương gót, nhưng có BV đã yêu cầu BHXH thanh toán 3 dịch vụ khác nhau: chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân.

Thậm chí tại một cơ sở y tế ở Nghệ An, có bệnh nhân trong một lần điều trị răng được trám cổ chân răng 24 lần cho một lần điều trị. “Không thể kiểm được số vết trám cổ răng trên bệnh nhân nhưng về thời gian thì không thể đủ để bác sĩ thực hiện số lần như vậy”, ông Phúc bình luận.

Có cơ sở y tế thiếu nhân lực khám nên cử bác sĩ đông y ra khám cho người bệnh, nhưng sau đó bác sĩ đa khoa đứng tên ký kết quả, chẩn đoán để hợp thức hóa chuyên môn. Còn tại một bệnh viện đa khoa của Nghệ An, một bác sĩ khám đến 150 - 180 bệnh nhân/buổi, trong khi Bộ Y tế đề nghị không quá 35 bệnh nhân để đảm bảo có thời gian tư vấn, khám kỹ cho người bệnh.

“Nếu bệnh nhân đông cần tăng thêm nhân lực. Khám kiểu thế chân hay “thần tốc” như vậy rất khó có thể khẳng định đảm bảo chất lượng, thiệt thòi thuộc về người bệnh", ông Phúc nhận xét.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết sẽ kiến nghị bổ sung quy định chấm dứt hợp đồng khám BHYT với các cơ sở bị phát hiện lạm dụng dịch vụ y tế. Trong các tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạm dừng thanh toán 200 tỉ đồng với các cơ sở y tế lạm dụng dịch vụ xã hội hóa, do các đơn vị này cam kết với đối tác đầu tư về số lượng dịch vụ phải chỉ định cho người bệnh sử dụng; không đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang