Bộ Y tế thông báo kết quả xét chọn TTDN, TTƯT lần 12
Theo quy định, danh sách này là những thầy thuốc đạt ít nhất 90% số phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú (TTND, TTƯT) lần thứ 12. Danh sách này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú.
Trước đó, ngày 13/01/2017, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT lần thứ 12 đã họp dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế-Chủ tịch Hội đồng.
Sau khi nghe báo cáo quy trình xét tặng danh hiệu TTND, TTƯT lần thứ 12 và báo cáo tình hình tiếp nhận các ý kiến phản hồi, các thành viên Hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu kín đối với từng cá nhân được đề nghị xét tặng hai danh hiệu này. Cụ thể, số hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu TTND là 150 người, số hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu TTƯT là 1.691 người.
Theo quy định tại Nghị định số 41/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, các thầy thuốc đạt ít nhất 90% số phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên Hội đồng theo Quyết định thành lập mới được đưa vào danh sách trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu TTDN, TTƯT.
Theo đó, danh sách kết quả xét chọn danh hiệu TTDN, TTƯT lần 12 có 135 TTND và 1657 TTƯT.
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết, thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 12, Hội đồng thông báo đến các Hội đồng xét tặng danh hiệu TTDN, TTƯT cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội đồng xét tặng danh hiệu TTDN, TTƯT cấp Bộ/ngành, các Hội đồng xét tặng danh hiệu TTDN, TTƯT các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để biết và tiếp nhận ý kiến phản hồi.
Các ý kiến phản hồi gửi về Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, trước ngày 08/02/2017.
Thêm số điện thoại tiếp nhận phản ánh thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế tiếp tục thông báo thêm số điện thoại di động tiếp nhận phản ánh thực phẩm bẩn dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, khi phát hiện thực phẩm bẩn người dân có thể phản ánh theo hai số điện thoại cố định và di động là: 043.232.1556 và số di động bổ sung 091.181.1556.
Bên cạnh đó, người dân có thể phản ánh thông tin vi phạm an toàn thực phẩm về địa chỉ email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn .
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, khi nhận được những thông tin này, Cục An toàn thực phẩm luôn báo nhanh cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, xác minh.
“Dù thông tin có thể đúng, có thể chưa đúng như phản ánh nhưng bắt buộc phải xuống xác minh thông tin để có trách nhiệm với người tiêu dùng. Trên thực tế, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm mà người dân phản ánh”, ông Phong cho biết.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định, trong dịp Tết, cơ quan chức năng sẽ nỗ lực hết sức đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và cũng mong sự cộng tác từ phía người dân để phát hiện các vụ vi phạm thực phẩm bẩn.
Bên cạnh hại số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh thực phẩm bẩn của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân trong việc phát hiện các vi phạm trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm với số điện thoại: 08.042.526 hoặc 0917808113 hoặc hòm thư điện tử: thongtinvipham@mard.gov.vn
Tại Hà Nội, người dân có thể phản ánh thông tin về thực phẩm bẩn vào 3 số điện thoại: 043.9985765 (Sở Y tế), 043.3800 115 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 1900. 585826 (Sở Công thương).
Những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ vào y học Việt Nam
Trong báo cáo tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ của ngành y tế năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự hài lòng với những thành tựu nổi bật trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực y tế.
Nghiên cứu ứng dụng thành công các công nghệ sinh học, kỹ thuật tiên tiến góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh hiểm nghèo, bệnh khó, đưa công nghệ một số lĩnh vực y học đạt tầm thế giới là một bước tiến của ngành y học Việt Nam trong năm qua.
Trong năm 2016, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng. Tính đến tháng 9-2016, cả nước đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim thành công. Việt Nam cũng đã thành công trong việc trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân, trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh. Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỷ lệ nguyên liệu dược chất trong nước, phát huy ưu thế, tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền.
Chúng ta cũng thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot tại Bệnh viện Bình dân. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam (năm 2013 đã cấp cho Bệnh viện Nhi Trung ương), cho phép tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công bước đầu một số công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người. Đã thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phối hợp sởi - rubella được Nhật Bản chuyển giao công nghệ. Vắc xin này dự kiến sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục duy trì và hoàn thiện Chức năng giám sát thử nghiệm lâm sàng vắc xin sau khi được được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn vào tháng 7-2015.
Ghi nhận những thành tựu của ngành y tế, năm qua có bốn công trình đã đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (đợt 5, năm 2016) gồm “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” (Tác giả GS, TS Phạm Minh Thông); “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chuẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” (của GS, TS Mai Trọng Khoa); “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số bệnh nguy hiểm” (của GS, TS Nguyễn Gia Bình); và “Cụm công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa” (của GS, TS Nguyễn Anh Trí và nhóm tác giả Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương).
Ngành y học cũng có một công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2016 là Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên và cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch về “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất văcxin phòng bệnh cho người". Ba công trình đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên trong điều trị ung thư đại trực tràng” của Bệnh viện Trung ương Huế, “Nghiên cứu áp lực nội sọ trong hồi sức cấp cứu và đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế” của Bệnh viện Trung ương Huế.
Với những kết quả khả quan trong việc ứng dụng khoa học công nghệ này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế.
Không để bệnh nhân thiếu Tết
http://danviet.vn/tin-tuc/khong-de-benh-nhan-thieu-tet-741422.html
Ngày 28 Tết (25.1), Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã đi thăm và tặng quà cho các bệnh nhân ở lại trong dịp Tết. Cùng đó, nhiều bệnh viện cũng đã thăm hỏi và tổ chức nhiều hoạt động để các bệnh nhân và người nhà ấm áp hơn trong lúc năm mới đến.
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi đảm bảo tất cả các bệnh nhân ở lại viện trong dịp Tết này đều có quà. Ngoài ra, các bệnh nhân cũng được bệnh viện cung cấp bữa ăn miễn phí trong 4 ngày Tết, mỗi ngày 3 bữa (ngày 30, mùng 1, 2, 3). Món quà tuy ít ỏi nhưng bệnh viện mong muốn chia sẻ tình cảm với bệnh nhân trong dịp Tết đến Xuân về”.
Theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai), dự tính năm nay có khoảng 900-1.000 bệnh nhân sẽ ở lại viện ăn Tết. Con số này có thể giảm xuống 700-800 người vào ngày 30 Tết, tuy nhiên từ mùng 1 trở đi, lượng bệnh nhân cũng sẽ tăng trở lại vì gia tăng các ca cấp cứu nhập viện. Mỗi ngày Tết vẫn sẽ có hơn 400 nhân viên y tế trực để khám và điều trị cho các bệnh nhân. Không chỉ trực cấp cứu mà khoa Khám bệnh cũng vẫn có bàn khám bệnh như bình thường.
TS Hùng chia sẻ, nếu giống như các năm trước, mỗi ngày vào dịp Tết, bệnh viện sẽ tiếp nhận từ 100-130 ca cấp cứu… “Càng nghỉ Tết dài thì số bệnh nhân cấp cứu càng gia tăng. Năm nay nghỉ Tết ngắn nên tôi hy vọng số bệnh nhân cấp cứu cũng sẽ giảm” – TS Hùng cho biết.
Theo TS Nguyễn Văn Chi – Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), năm nào vào dịp lễ, Tết, khoa Cấp cứu cũng là nơi “đầu sóng ngọn gió”, đón nhận rất nhiều các ca bệnh nặng, phải thở máy, lọc máu… Đặc biệt vào ngày mùng 2 Tết thường là “đỉnh” của số ca nhập viện với nhiều ca bệnh là “hậu quả” của việc ăn chơi Tết quá đà, quên chăm sóc sức khoẻ như tai biến mạch máu não, tim mạch, ngộ độc rượu…
Trong dịp Tết, các khoa phòng trong bệnh viện đều chia nhau trực Tết để có ngày nghỉ đón Tết với gia đình. Riêng khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai) không hề có ngày Tết. TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, khoa có hơn 600 bệnh nhân phải chạy thận thường xuyên, chia làm 4-5 ca mỗi ngày. Do đó, các bác sĩ trong khoa không có ngày nghỉ Tết mà chỉ có thể phân nhau trực theo ca.
“Cả nước nghỉ riêng chúng tôi làm việc bình thường. Vì nếu bác sĩ nghỉ thì máy lọc máu nghỉ mà các bệnh nhân suy thận không được lọc máu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng tức thì” – TS Dũng cho biết.
Trước đó, tại BV K Trung ương đã diễn ra nhiều hoạt động tặng quà, tổ chức các sự kiện vui chơi do bệnh viện và nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện thực hiện. Đồng thời, BV K T.Ư cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), Bộ Y tế và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng đã tổ chức Chương trình Tết sum vầy cho bệnh nhân.
Ăn Tết sớm với những món ăn truyền thống quen thuộc như bánh chưng, giò lụa, thịt gà, canh măng, hành muối…, bệnh nhân Phạm Thị Hồng (49 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng cảm thấy ấm áp hơn. Bà cho biết, bà bị điều trị ung thư vú được 7 năm và vừa phẫu thuật lần 2 để xử lý khối u di căn. Càng gần ngày Tết, lòng bà càng nóng như lửa đốt. Nhờ sự động viên của các bác sĩ mà bà nguôi ngoai phần nào.
Theo PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc BV K T.Ư, số bệnh nhân ở cả 3 cơ sở là hơn 1.000 người. Tuy nhiên, trong dịp Tết ước tính còn khoảng hơn 200 bệnh nhân. Tuy nhiên, đây đều là các bệnh nhân nặng, do đó, bệnh viện chủ trương cắt cử các bác sĩ, nhân viên y tế trực đảm bảo cho việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân chu đáo.
BV Nhi T.Ư cũng đã tổ chức chương trình ca nhạc, ảo thuật “Xuân yêu thương” dành cho các bệnh nhi, đồng thời trao nhiều phần quà cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Phẫu thuật thành công cho bé sơ sinh có nội tạng nằm ngoài bụng
http://danviet.vn/y-te/phau-thuat-thanh-cong-cho-be-so-sinh-co-noi-tang-nam-ngoai-bung-741375.html
Bé gái chỉ nặng có 2,4kg, kèm thoát vị chân rốn, toàn bộ ruột non, đại tràng lộ ngoài thành bụng kèm dị dạng ruột quay dở dang… Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã phẫu thuật thành công, đem Tết đến sớm cho gia đình bé.
Ngày 25.1, Khoa Sản đẻ - Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận sản phụ Nguyễn Phương L, 18 tuổi, thường trú tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Sản phụ L vào viện trong tình trạng thai 35 tuần, có biểu hiện đau bụng từng cơn...
Trước đó ở tuần thai thứ 28 được khoa Chẩn đoán trước, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán có khe hở thành bụng, khối thoát vị bờ không đều… nên được theo dõi và hẹn vào Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh để sinh con.
Qua hội chẩn các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu. Ca mổ đẻ tiến hành 10 phút sau đó, sản phụ sinh ra 1 bé gái, nặng 2,4kg, kèm thoát vị chân rốn, toàn bộ ruột non, đại tràng lộ ngoài thành bụng kèm dị dạng ruột quay dở dang, mạc treo chung, dây chằng Ladd... Nếu không phẫu thuật ngay thì cháu bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật - cho biết, bé bị thoát vị chân rốn sơ sinh, lộ tạng toàn bộ ruột non, đại tràng... Tình trạng này của thai nhi có thể chẩn đoán được trong thời kỳ tiền sản khi mẹ siêu âm thai; nếu không cũng sẽ được chẩn đoán dễ dàng khi bé chào đời.
Thoát vị rốn là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng lồi ra ngoài tại lỗ rốn như ruột, mạc nối… Các cơ quan này vẫn còn được che phủ bởi một màng rốn mỏng (ở trẻ sơ sinh) hay màng da mỏng (trẻ lớn hơn). Nguyên nhân thường là do bẩm sinh, cơ thành bụng tại lỗ rốn bị khiếm khuyết và không đủ sức giữ các tạng dưới áp lực của ổ bụng.
Ca phẫu thuật khó vì nhiều dị dạng phức tạp, cháu bé lại quá nhỏ, sức yếu, tiên lượng rất phức tạp. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã lên hết các phương án ứng phó. Ca phẫu thuật đã mổ cấp cứu cắt dây chằng Ladd, mở rộng mạc treo chung, cắt ruột thừa và sắp xếp lại toàn bộ ruột non, đại tràng, phục hồi thành bụng cho bé.
Sau 2 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, sức khỏe của bé đã tạm ổn định, bé được theo dõi đặc biệt tại Phòng Hậu phẫu bệnh viện.
Tiêu hủy 414 loại thực phẩm vi phạm chất lượng
http://thanhnien.vn/doi-song/tieu-huy-414-loai-thuc-pham-vi-pham-chat-luong-786648.html
Hơn 5.600 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị phát hiện trong đợt thanh, kiểm tra dịp tết Đinh Dậu.
Ngày 25.1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của 6 Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm T.Ư tại 12 tỉnh, thành phố và 42/63 địa phương, đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã tập trung thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.
Trong số 40.238 cơ sở được kiểm tra, phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 13,96%; đã xử lý 2.990 cơ sở (chiếm 53,19% số cơ sở vi phạm), trong đó, phạt tiền 2.311 cơ sở với số tiền phạt hơn 8,1 tỉ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động (22 cơ sở); đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm; tiêu hủy 414 loại thực phẩm của 400 cơ sở do không đảm bảo chất lượng (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).
Tại TP.Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 426 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 1,899 tỉ đồng. Sở Y tế kiểm tra 65 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền phạt 89,9 triệu đồng.
Các đoàn chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các cấp đã thanh tra, kiểm tra 537 cơ sở, qua đó phát hiện 58 cơ sở vi phạm; tiêu hủy hơn 20 kg sản phẩm động vật và 4 kg hạt tiêu không rõ nguồn gốc.
Ông Phong lo ngại tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương, sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.
“Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp tết và lễ hội Xuân, duy trì thường trực theo dõi tình hình ngộ độc thực phẩm và đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm trong và sau tết”, ông Phong khẳng định.
Tổ chức xe đưa bệnh nhân về quê ăn Tết
http://thanhnien.vn/doi-song/to-chuc-xe-dua-benh-nhan-ve-que-an-tet-786646.html
Sáng nay 25.1 (27 tết Đinh Dậu), những chuyến xe đưa bệnh nhân về quê ăn tết đã xuất phát từ Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Hà Nội.
Đây là 3 chuyến xe đưa gần 30 bệnh nhân về quê ăn tết do Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức cho người bệnh. Các chuyến xe được phân tuyến để phù hợp với những miền quê nơi các bệnh nhân trở về. Trong đó, 2 xe đi về phía Nam qua các tỉnh: Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa và Thái Bình - Nam Định. Chuyến còn lại đi về phía Bắc lên các tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, đây là những người bệnh và người nhà bệnh nhân nghèo mắc bệnh về máu, nằm viện điều trị lâu ngày; những gia đình bệnh nhân ở xa bến xe của địa phương hay những người bệnh không mua được vé xe về quê ăn tết và là những bệnh nhân đến ngày hôm nay (27 Tết) mới kết thúc phác đồ điều trị.
Trước khi tạm rời bệnh viện, các bệnh nhân còn được nhận quà từ lãnh đạo Viện và nhiều y bác sĩ xuống tận nơi tặng.
Bà Phan Thị Sáng (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có cháu nội là Hoàng Hữu Tiến 5 tuổi, bị bệnh về máu, điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, rưng rưng: “Chúng tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ của Viện và các nhà hảo tâm đã quan tâm tặng quà tết cho các cháu, đồng thời tổ chức chuyến xe cho chúng tôi về quê ăn tết. Rất xúc động và phấn khởi trước sự quan tâm này. Xin cảm ơn rất nhiều!”.
“Chỉ biết cảm ơn các bác ở Viện thôi”, là câu nói mộc mạc của những người bệnh và thân nhân trước khi xe lăn bánh. Trên gương mặt nhiều người còn phần nào xanh xao do bệnh mãn tính nhưng những mệt mỏi phần nào được khỏa lấp bởi nụ cười khi bệnh nhân được đón nhận sự quan tâm thiết thực nhất mà lãnh đạo và nhân viên của Viện dành cho.
Để có được những chuyến xe ngày cuối năm, các anh, chị công tác tại Phòng Công tác xã hội của Viện đã rất chu đáo trong việc phối hợp với các khoa, phòng điều trị lên danh sách, phân tuyến đường... với mong muốn người bệnh về quê được thuận lợi, bình an.
“Người khỏe mạnh đi tàu xe ngày Tết đã vất vả, bệnh nhân nặng chắc khó đủ sức, do đó Viện cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ với mong muốn chuyến đi được thuận lợi hơn, góp thêm niềm vui nhỏ với bệnh nhân trong ngày sum họp đón năm mới”, các anh, chị bày tỏ.
Quảng Nam: Phù chân nặng, phát hiện bệnh hiếm gặp
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-chan-nang-phat-hien-benh-hiem-gap-20170126071628152.htm
Nhập viện trong tình trạng phù chân, chỉ sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân Nguyễn Thị Ba (43 tuổi) chuyển biến nặng, phù toàn thân, mạch huyết áp không đo được. Xét nghiệm máu cho thấy máu bệnh nhân cô đặc ở mứ cao, albumin máu thấp...
Ngày 25/1, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, vừa cứu thành công một bệnh nhân nữ mắc “hội chứng Clarkson” (Hội chứng thoát quản mô toàn thân) hiếm gặp.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Ba (43 tuổi, trú phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị phù chân được người thân gia đình đưa vào nhập Khoa Nội thận - nội tiết của bệnh viện này cấp cứu.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân Ba có dấu hiệu nặng hơn, toàn thân bị phù, mạch, huyết áp không đo được nên chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện để điều trị tiếp.
Tại đây, các y, bác sĩ đã xét nghiệm máu của bệnh nhân Ba thấy tình trạng cô đặc máu cao, albumin máu thấp (do thẩm lậu qua thành mạch máu). Ngay sau đó, các y bác sĩ khẩn trương xử lý, lập phác đồ điều trị cùng các loại thuốc đặc trị khác thì sức khỏe bệnh nhân Ba khỏe lại và có thể ăn uống bình thường.
Theo Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, “hội chứng Clarkson” là hội chứng hiếm gặp, chưa từng nghe nhắc đến tại Quảng Nam. Còn theo y văn thế giới, kể từ khi hội chứng này được phát hiện khoảng thập niên 1960, đến nay trên toàn thế giới chỉ có chưa đến 200 trường hợp tương tự. Tại Việt Nam, hồi tháng 1/2016 Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng cứu sống một trường hợp tương tự.
Dự kiến, ngày 26/1, bệnh nhân Ba sẽ xuất việu về nhà với gia đình đón Tết cổ truyền của dân tộc.
DHG Pharma kiên định tầm nhìn “vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn”
Ngày 25/1, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tổ chức tổng kết năm 2016 và Hội nghị người lao động 2017.
Năm 2016, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty đạt 3,782 tỷ đồng (doanh thu thuần), đạt 101% so với kế hoạch. Phía Công ty cho biết, năm 2016 là thời điểm DHG Pharma có nhiều thay đổi, thay đổi cả chiến lược trong sản xuất, cũng như định hướng xây dựng dây chuyền nhà máy. Tuy nhiên, vượt lên các thách thức, khó khăn, bằng quyết tâm, đồng lòng của tập thể, mỗi cá nhân, đơn vị DHG Pharma vượt chỉ tiêu doanh thu, hoàn thành việc tái đánh giá và đánh giá mới tất cả các dây chuyền sản xuất, kho, phòng kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn GMP, GSP, GLP, ISO/IEC. Đặc biệt, nhằm đảm bảo yêu cầu của Cục Quản lý Dược, Công ty In Bao Bì DHG 1 cũng phấn đấu đạt ISO theo quy định của Bộ Y tế và cũng đã cấp bao bì trực tiếp thuốc...
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong năm 2016 DHG Pharma cũng để lại nhiều dấu ấn khi dành gần 5,6 tỷ đồng thực hiện các chương trình thiết thực vì cộng đồng như: khám bệnh phát thuốc miễn phí; ủng hộ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho bệnh nhân nghèo; ủng hộ người dân miền Trung bị thiên tai, lũ lụt; ủng hộ “Ngày Vì người nghèo”, Quỹ “Tấm lòng vàng”; tặng quà cho học sinh nghèo; hiến máu nhân đạo; hướng dẫn người tiêu dùng thông qua các chương trình như: Sức khỏe và Cuộc sống, Sống khỏe đẹp, chuyên đề Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, chương trình gameshow đầu tiên trong ngành y “Đặc nhiệm Blouse trắng” phát trên Đài truyền hình HTV thu hút sự quan tâm rất lớn của người xem bởi yếu tố nhân văn, mới lạ.
Năm 2017, DHG Pharma phấn đấu doanh thu thuần đạt 4,369 tỷ đồng; tiếp tục xây dựng hình ảnh Công ty trở thành biểu tượng mang tính nhân văn trong việc đóng góp cho xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời kiên định tầm nhìn “vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn”.
Bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân dịp Tết
http://vov.vn/tin-24h/benh-vien-khong-duoc-tu-choi-tiep-nhan-benh-nhan-dip-tet-588846.vov
Bộ Y tế chỉ đạo trong 7 ngày Tết, các bệnh viện phải đảm bảo công việc cấp cứu, khám, điều trị cho bệnh nhân diễn ra như bình thường.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết cổ truyền Đinh Dậu, công việc cấp cứu, khám và điều trị cho bệnh nhân phải đảm bảo diễn ra như bình thường. Các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân, các cơ sở y tế đều ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.
Đặc biệt, với những bệnh viện tuyến Trung ương và chuyên khoa đầu ngành năm nào cũng phải có các phương án tiếp nhận và điều trị những trường hợp cấp cứu do tai biến, ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra.
Cùng với việc triển khai trực Tết theo 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ, Bệnh viện Việt Đức đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cấp cứu bệnh nhân khi số ca tai nạn giao thông nhập bệnh viện này có khả năng sẽ tăng cao trong dịp trước và sau Tết. Trong 3 tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca tai nạn giao thông nhập Bệnh viện Việt Đức đã tăng khoảng 20% và dự báo 2 ngày trước Tết và từ mùng 3 Tết đến ngày cuối của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, số trường hợp tai nạn nhập viện còn tăng gấp nhiều lần. Bệnh viện đã chủ động duy trì 5 bàn mổ cấp cứu trong dịp nghỉ Tết và nếu cần sẽ huy động thêm.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, là đơn vị đầu ngành về ngoại khoa, Bệnh viện còn bố trí nhiều kíp trực cơ động để chi viện cho các tuyến dưới khi cần thiết. Những thầy thuốc giỏi, kinh nghiệm lâu năm hiện là cố vấn chuyên môn của các khoa thì túc trực ở nhà, có việc cần, gọi điện là huy động được ngay: “Bao giờ bệnh viện cũng duy trì 2 kíp trực, 1 kíp ở bệnh viện và một kíp ở nhà nhưng khi có tình huống phải cấp cứu ngoại viện thì kíp ở bệnh viện lên đường và gọi kíp ở nhà đến thay thế. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn xe cấp cứu dự trù thuốc, dịch truyền, vật tư y tế. Toàn bộ bệnh viện mỗi ngày có 400 y bác sỹ trực hoặc ứng trực tại tất cả các khoa phòng. Các bác sỹ trực ở phòng khám và khu hồi sức, còn điều dưỡng trực tại các khoa, khi cần bác sỹ sẽ đến”.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán là cấp cứu bệnh nhân bị tai biến, ngộ độc, tai nạn… Do vậy, đội ngũ y, bác sĩ của Khoa cấp cứu và Trung tâm Chống độc được tăng cường lịch trực dày hơn. Nghỉ Tết nhưng lịch chạy thận không cho phép gián đoạn nên các thầy thuốc ở khoa Thận nhân tạo vẫn duy trì bốn ca chạy thận mỗi ngày như bình thường để duy trì sức khỏe cho những bệnh nhân suy thận. Trong trường hợp có thảm họa, phải cấp cứu hàng loạt, bệnh viện sẽ điều 3 đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cho biết, mỗi ngày nghỉ Tết vẫn có gần 400 nhân viên y tế của bệnh viện trực cấp cứu, khám, chữa bệnh. Đối với những bệnh nhân phải đón Tết ở bệnh viện, sẽ được tặng các suất ăn miễn phí từ ngày 30 đến hết mùng 3 Tết.
Cũng lên kế hoạch chăm sóc tận tình, chu đáo, mang hương vị Tết cho bệnh nhân, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã yêu cầu lãnh đạo các khoa phòng, điều dưỡng trưởng không được tắt điện thoại di động trong những ngày nghỉ Tết, đảm bảo công tác khám chữa bệnh được thông suốt. Bệnh viện còn tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thêm không khí Tết đầm ấm cho bệnh nhi.
Còn tại Bệnh viện K Trung ương, số lượng bệnh nhân phải ở lại điều trị trong dịp Tết không nhiều, nhưng bệnh viện vẫn chủ động các phương án cấp cứu những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Giám đốc Bệnh viện K Trung ương Trần Văn Thuấn cho biết: “Hiện tại số người bệnh đang điều trị tại 3 cơ sở của bệnh viện là trên 1000 người. Nhưng trong những ngày nghỉ Tết chỉ còn gần 200 bệnh nhân. Bệnh viện có chủ trương cùng với các bác sỹ trực, các nhà hảo tâm cố gắng lo tối đa cho người bệnh và người nhà bệnh nhân để tạo một không khí đầm ấm giúp họ vơi đi nỗi nhớ gia đình”.
Các bệnh viện lớn khác tại Hà Nội cũng đang sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và “chi viện” cho các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trước Tết, Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị trực Tết của một số bệnh viện, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa chủ động các phương án. Trong dịp nghỉ Tết, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất hơn nữa. Bộ đã yêu cầu tất cả các đơn vị y tế đều có cán bộ trực Tết 24/24 giờ và phải công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và của Bộ Y tế. Nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, hoặc gây phiền hà cho người bệnh, hãy gọi đến đường dây nóng 1900.9095, Bộ Y tế sẽ vào cuộc kịp thời./.
Đình chỉ lưu hành và thu hồi loại thuốc tim mạch, huyết áp
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc đối với thuốc viên nén chữa trị tim mạch, huyết áp.
Cụ thể, thuốc viên nén bị đình chỉ lưu hành, thu hồi có tên Miratel 40 (Telmisartan 40mg), số lô 16: MIV05; HD: 05/02/2018, SDK: VN-12172-11 do Công ty Miracle Labs (P) Ltd. (India) sản xuất, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Yteco) nhập khẩu.
Theo Cục Quản lý Dược, nguyên nhân thu hồi loại thuốc này là do không đạt chất lượng về các chỉ tiêu khối lượng trung bình viên và độ hòa tan.
Trước đó, mẫu thuốc này đã được Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Huy Thông, gian 7, 344 Tô Hiến Thành, P.14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm.
Cục Quản lý Dược đã gửi thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi loại thuốc này tới các Sở Y tế trên toàn quốc. Cơ quan này cũng yêu cầu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Yteco) phải phối hợp với nhà cung cấp và phân phối khẩn trương gửi thông báo thu hồi của Cục đến các địa điểm phân phối và sử dụng thuốc viên nén Miratel 40 (Telmisartan 40mg) thuộc số lô trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc này.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 13/2/2017, hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc.
Những bệnh nhân đón tết trong bệnh viện
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nhung-benh-nhan-don-tet-trong-benh-vien-633305.bld
Tết càng đến gần, với những bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, tin vui đối với họ là kịp ra viện để về nhà đón tết. Thế nhưng, vẫn còn những bệnh nhân nằm mê man trên giường bệnh, hoặc phải phụ thuộc vào chiếc máy chạy thận hay những bình thuốc… Các bác sĩ, điều dưỡng là những người đón tết với họ.
“Bà mua áo mới cho con chưa?”
“Mẹ khỏe lắm Tun à. Con đừng lo cho mẹ nhé! Con ở nhà trông em giỏi, vài bữa qua tết cha mẹ về. À, bà đã mua áo mới cho con chưa?” - nói đến đây, anh Hà Văn Mơ (quê ở Long An) rơm rớm nước mắt, nhưng cố kiềm chế tiếng sụt sùi để con gái không “phát hiện” ra cha đang nói dối. Thực ra, vợ anh, chị Nguyễn Thị Diễm Thúy vẫn đang liệt nửa người, nằm mê man trên giường bệnh của khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị bị tái phát bệnh xuất huyết não, giảm tiểu cầu từ tuần trước. Với tình trạng bệnh như thế này, bác sĩ vẫn chưa nói bao giờ vợ anh được xuất viện. Hồi chị Thúy chưa đổ bệnh, hai vợ chồng anh sống bình yên bên hai con, bên ruộng lúa nhỏ: “Làm siêng thế nào cũng đủ ăn và lo cho hai đứa nhỏ chỉn chu, cũng áo mới đón tết cho bằng người ta. Giờ nghĩ đến hai đứa nhỏ mà thắt ruột, tết này buồn lo đã đành lại thêm nhớ con quá chịu không thấu”.
Mỗi lần vợ anh phát bệnh phải nhập viện, hai con gửi bà ngoại trông, ruộng lúa bỏ không nên mất trắng. Con bò cái hai cái vợ chồng cố dành dụm mua được tính làm giống cũng chết đói vì chẳng ai cho ăn. Để có tiền điều trị cho vợ, anh Mơ phải đi vay 100 triệu của người quen. Tiền lãi 30 ngàn đồng/1 triệu/1 tháng: “Xa nhà lâu nhớ con quá, tết này cũng muốn bắt xe cho hai đứa nhỏ lên bệnh viện chơi thăm mẹ mà chẳng có tiền, cũng sợ bọn nhỏ buồn lo khi nhìn thấy mẹ nằm mê man như vầy” - anh Mơ buồn bã.
Cũng chịu cảnh “ông chăm bà” ở khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Thạch Bi (quê ở Vĩnh Long) âu sầu, chỉ biết bóp tay cho vợ mỗi lần bà than đau. Bà Thạch Thị Thi, vợ ông phát hiện bệnh ung thư hạch lympho vào hồi tháng 5.2016. Vợ bệnh, chỉ có ông túc trực ở bệnh viện từ tháng này qua tháng khác: “Bác sĩ bảo tình trạng của bả phải truyền thuốc xuyên tết, mà bả yếu lắm, vào thuốc nôn ói miết, có về nhà cũng chẳng yên tâm” - ông Bi kể.
Khi bác sĩ, điều dưỡng là người thân
Tại khu Săn sóc đặc biệt của Khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ rẫy, bác sĩ trưởng khoa Ngô Đức Hiệp - cho biết đang cố gắng sắp xếp mổ cho nhiều bệnh nhân để lành lặn, yên tâm về quê ăn Tết. Lịch mổ của các bác sĩ dày đặc, mỗi ngày phải đứng mổ cho 10-12 ca: “Nhìn những nét mặt bệnh nhân còn phải ở lại bệnh viện trong những ngày giáp tết như thế này, tôi thấy rõ nỗi buồn chất chứa của họ” - BS Hiệp chia sẻ.
Đi bệnh viện trong tình trạng không có người thân, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Thanh Huy (quê ở Cần Thơ) ngồi buồn xo, nhìn đăm chiêu qua khung cửa kính buồng bệnh. Huy cho biết, bị bỏng trong một lần sử dụng bếp ga mini. Không biết bình ga đang bị xì hơi, Huy dùng hộp quẹt để mồi lửa thì bất ngờ ngọn lửa phụt vào người. Huy được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy với tình trạng bỏng 70%, bỏng sâu.
Sau 3 tuần điều trị, anh được xuất viện nhưng được vài bữa, các bác sĩ lại thấy Huy nhập viện trở lại vì vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng. Huy nói với bác sĩ: “Em ở nhà, ở có mình ên, chẳng ai chăm sóc nên dễ nhiễm trùng lắm. Em vô lại bệnh viện có khi lại vui hơn mà yên tâm nữa”. Bác sĩ hỏi người thân của Huy đâu, anh hồn nhiên trả lời: “Em làm gì có người thân”.
Các bác sĩ của khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình phải nhờ đến sự giúp đỡ của các mạnh thường quân để có tiền lo viện phí cho Huy. Phần vệ sinh, chăm sóc cá nhân, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của khoa thay nhau giúp đỡ Huy. Có lúc Huy lại nhờ thân nhân ở giường bên cạnh: “Bây giờ, bệnh viện là nhà. Vào bệnh viện, mình cảm thấy ấm áp tình người hơn là ở nhà” - Huy bộc bạch.
Anh Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiểu được nỗi lòng của bệnh nhân nghèo đang phải đối mặt với bệnh tật, lại không thể về nhà đoàn tụ cùng người thân, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã thăm hỏi, tặng 400 phần quà đến những bệnh nhân nghèo lưu trú, điều trị tại bệnh viện. Mỗi phần quà trị giá từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng bao gồm bánh, nước ngọt và tiền mừng tuổi. Với những bệnh nhân không quá nặng, bệnh viện sẽ cố gắng giúp họ mua được vé tàu xe về quê. Những bệnh nhân nặng không thể xuất viện, Bệnh viện thường chuẩn bị các bữa ăn từ thiện có món đặc trưng của ngày tết (bánh chưng, bánh tét) để phần nào giúp bà con vơi nỗi nhớ nhà.
Phạt 8,2 tỉ đồng các cơ sở thiếu an toàn thực phẩm Tết
Trong số hơn 40.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết được kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngày 25-1, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết báo cáo của 6 đoàn thanh tra, kiểm tra trung ương và 42 địa phương cho thấy trong đợt thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, trong số hơn 40.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đã phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 14%). Trong số này đã xử lý 2.990 cơ sở (chiếm 53,19% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 2.311 cơ sở với số tiền gần 8,2 tỉ đồng
Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, đình chỉ hoạt động 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm, số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm là 400, tiêu hủy 414 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 426 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 1,899 tỉ đồng.
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 65 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền 89.900.000 đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội thanh tra, kiểm tra, xử phạt và yêu cầu các cơ sở vi phạm tiêu hủy hơn 20 kg sản phẩm động vật và 4 kg hạt tiêu không rõ nguồn gốc.
Theo ông Phong, các vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 là về điều kiện vệ sinh cơ sở như trang thiết bị, dụng cụ, vi phạm về con người. Ngoài các nội dung vi phạm chủ yếu trên, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng...
"Qua kiểm cho cho thấy tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... vẫn phức tạp. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì sẽ có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa"- ông Phong lo ngại.
Quận Hai Bà Trưng thực hiện công tác an toàn thực phẩm:
Hiệu quả từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Nằm ở trung tâm Hà Nội với dân số đông trên 35 vạn người, trình độ dân trí không đều, di biến động dân lớn, lại có nhiều chợ cóc, chợ tạm, bệnh viện, trường đại học, với hơn 2.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, quận Hai Bà Trưng gặp khá nhiều khó khăn trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP).
Dù vậy, nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, cùng nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra giám sát, nhiều mô hình sáng tạo…, nên gần đây, công tác đảm bảo ATTP tại quận đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo
Nhận thức đúng vai trò ngày càng quan trọng của công tác ATTP, hàng năm, UBND quận đều tổ chức điều tra, quản lý 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn phổ biến quy định pháp luật ATTP cho các thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) chăm sóc sức khỏe Nhân dân, BCĐ ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm, BCĐ phòng chống dịch bệnh quận, BCĐ tại 20 phường; ban giám hiệu, cán bộ y tế trường học, cơ quan, DN; ban quản lý (BQL) chợ, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Phòng Y tế quận với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho quận về công tác ATTP cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các cơ sở chấp hành tốt quy định ATTP.
Năm 2016, thực hiện phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020, UBND quận đã nhanh chóng kiện toàn BCĐ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận gồm 24 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND quận trực tiếp là Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND quận là Phó ban Thường trực, Trưởng Phòng Y tế và Trưởng Phòng Kinh tế quận là 2 Phó ban. Định kỳ họp 1 lần/quý, BCĐ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận xác định rõ nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, đề xuất UBND quận về chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; tham mưu UBND quận chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các ngành, đoàn thể, các phường, cơ quan, tổ chức trong bảo đảm ATTP… Đặc biệt, UBND quận đã chỉ đạo 20 phường, các chợ, cơ sở giáo dục triển khai cam kết: 100% hộ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, gia cầm lông; 100% hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Đồng Tâm, chợ Hôm, Trung tâm thương mại (TTTM) Chợ Mơ không kinh doanh phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, là hàng cấm kinh doanh; 100% cơ sở giáo dục chấp hành pháp luật ATTP và ký hợp đồng với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc...
Đáng chú ý, một kết quả nổi bật trong chỉ đạo điều hành công tác ATTP là cuối tháng 8/2016, UBND quận đã phê duyệt và triển khai Đề án “Mô hình điểm ATTP tại phường Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành và bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận năm 2016 - 2018”. Trong đó, Phòng Y tế là cơ quan thường trực tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án, sẽ tham mưu các giải pháp can thiệp làm thay đổi nhận thức, hành vi của chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân; triển khai giải pháp đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đẩy mạnh ứng dụng tin học vào quản lý ATTP… Mục tiêu chính của Đề án là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và lãnh đạo, nhà quản lý ATTP, các phường và cơ sở giáo dục tại quận; nâng cao nhận thức, kiến thức về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng và người quản lý cơ sở, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến…
Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên
Nhằm thực hiện nghiêm công tác ATTP trên địa bàn, năm qua, hoạt động kiểm tra, giám sát được quận Hai Bà Trưng xác định là nhiệm vụ thường xuyên, được coi trọng hàng đầu. UBND quận đã duy trì 2 đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm kiểm tra công tác quản lý ATTP dịp Tết, kiểm tra ATTP tại 20 phường, các chợ, TTTM, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong năm, 3/3 TTTM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP đợt cao điểm phục vụ Tết và triển khai tới các hộ kinh doanh; 20/20 phường và 2/2 BQL chợ đã kiện toàn BCĐ, đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm; xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP đợt cao điểm phục vụ Tết... Đoàn liên ngành quận cũng thường xuyên làm việc với các phường để kịp thời tháo gỡ khó khăn; duy trì kiểm tra công tác ATTP tại bếp ăn tập thể, căng tin các cơ quan, DN, trường học.
Đặc biệt, để xác minh thông tin báo nêu về thực phẩm chay ngậm hóa chất, dai như cao su, đoàn liên ngành kiểm tra quận đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh mặt hàng khô tại TTTM Chợ Mơ, trong đó, cả 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm chay không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua bán của 17 sản phẩm thực phẩm chay, một số thực phẩm chay không có tem nhãn, hạn sử dụng, với khối lượng 28kg. Ngay lập tức, 4 cơ sở đã làm đơn tự tiêu hủy 28kg thực phẩm này trước sự chứng kiến của đoàn kiểm tra liên ngành và BQL TTTM Chợ Mơ. Cũng từ sự kiểm tra, giám sát nghiêm, 19/19 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chay đã ký cam kết với quận, phường không kinh doanh, sử dụng hóa chất ngoài danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, hóa chất không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP...
Tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2016, Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm quận đã kiểm tra 95 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó, xử phạt 464.750.000 đồng/65 cơ sở; phạt cảnh cáo 1, tạm dừng hoạt động 21 cơ sở. Đồng thời, Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra 71 cơ sở, xử phạt 357.650.000 đồng/71 cơ sở; Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm 20 phường kiểm tra 4.618 lượt cơ sở, xử phạt 93.100.000 đồng/68 cơ sở. Riêng trong “Tháng hành động vì ATTP”, đoàn liên ngành và Đội Quản lý thị trường quận kiểm tra 33 cơ sở, xử phạt 141.700.000 đồng/33 cơ sở. Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP ở 169 cơ sở giáo dục tại quận năm học 2015 - 2016, cho thấy không xảy ra ngộ độc thực phẩm, 90% cơ sở đã thành lập (kiện toàn) BCĐ ATTP, xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP theo năm học.
Cảnh giác trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết nguyên đán
Trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết nguyên đán, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm, đồng thời tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan.
Vừa qua, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các đơn vị liên quan và các Tổ chức quốc tế (WHO, FAO, USCDC, USAID) tổ chức cuộc họp rà soát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và đánh giá nguy cơ dịch tại nước ta trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10-2016, tập trung chủ yếu ở 04 tỉnh: Triết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy. WHO cũng ghi nhận số mắc mới dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc và Hồng Công lên tới 809 trường hợp.
Tại Việt Nam, trong hai năm 2015-2016, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia A (H5N1), chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A (H7N9) và cúm A (H5N6).
Các nhà quản lý chức năng cho rằng, dù Việt Nam đã triển khai những phương án phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người rất tốt, nhưng thực tế mầm bệnh cúm gia cầm vẫn đang tồn tại trong môi trường và có xu hướng gia tăng vào cuối năm, đặc biệt trong dịp tết khi nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm gia tăng. Do đó, cần phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi rút từ gia cầm sang người.
Để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cúm trên gia cầm và ở người, trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tiếp tục cảnh báo tới tất cả các cán bộ trong ngành không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và dịp đầu năm 2017.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng, ... tăng cường kiểm tra việc nhập lậu gia cầm, xử lý việc vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc; Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và ở người, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; chủ động khai thác các bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tiền sử đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm để áp dụng các biện pháp điều trị, quản lý một cách phù hợp.