Đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030
http://dantri.com.vn/suc-khoe/day-lui-dai-dich-hiv-aids-vao-nam-2030-20171126213147169.htm
Mặc dù tình trạng lây nhiễm HIV vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có những thành tựu ngoạn mục trong công cuộc phòng, chống HIV, cứu được hàng trăm ngàn sinh mạng thoát khỏi tử vong do liên quan đến AIDS.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện trên Thế giới có 36,7 triệu người nhiễm HIV còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong từ đầu vụ dịch.
Tại Việt Nam, nam giới nhiễm HIV chiếm 70%, nữ giới chiếm 30%, tập trung ở độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Nguy cơ lây chính là từ các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM).
Phát biểu tại lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Ở Việt Nam, căn bệnh này được phát hiện muộn hơn so với Thế giới 10 năm, tính đến nay đã có 250.000 người nhiễm bệnh, trong đó có 92.000 người tử vong. Nhưng trong suốt 9 năm vừa qua, những con số này đều được giảm đáng kể, đó là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đảng ủy, chính quyền và nhân dân cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế”.
Bà Marie Odile Emon – Giám đốc Quốc gia Cơ quan phối hợp của Liên hiệp quốc về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam (UNAIDS) cũng khẳng định, năm 2017 là một năm ghi nhận các thành tựu đầy ấn tượng về công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người được điều trị kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cam kết thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức và vô vàn công việc phải hoàn thành.
Phó Thủ tướng nhắc về đại dịch HIV xuất hiện cách đây 35 năm đã gây ra hoảng loạn ở rất nhiều quốc gia. “Trước đây, đại dịch HIV lây lan rất nhanh chóng vì không có thuốc chữa trị, thậm chí còn bị gắn với vấn đề đạo đức. Nhưng hiện nay, công việc cấp thiết cần làm là phải nâng cao nhận thức để toàn dân hiểu đây là một căn bệnh chứ không phải tội lỗi hay điều xấu xa. Ở Việt Nam, cứ 100 người bị nhiễm HIV thì có 75 người đi khám và phát hiện bệnh. Tỉ lệ này nhìn chung đã cao hơn so với Thế giới”.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV cũng được đề cập và chú trọng. Được biết, 90% người bệnh được điều trị có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường, thậm chí kết hôn, sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Trước đây, hầu hết kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là thuốc ARV là do nguồn viện trợ của quốc tế. Nhưng trong thời gian sắp tới, chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách, đồng thời cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cả xã hội cần tạo điều kiện để những người đã lây nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm không bị kỳ thị, được điều trị, giúp đỡ kịp thời. Chúng ta phải chung tay để thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90, không nơi lỏng nỗ lực để đẩy xa hoàn toàn đại dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi.
Sau lễ mít tinh buổi sáng ngày 26/11, các học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang đã tham gia diễu hành nhằm tạo ra phong trào sâu rộng, khẳng định sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng nhân dịp này, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS Bộ Y tế cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ, tặng quà cho các em nhỏ đang điều trị tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hải Dương.
Đầu tư bị cắt giảm, đại dịch HIV/AIDS có nguy cơ quay trở lại!
http://www.sggp.org.vn/dau-tu-bi-cat-giam-dai-dich-hivaids-co-nguy-co-quay-tro-lai-484651.html
Bộ Y tế cảnh báo sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống...
Ngày 26-11, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10-11& 11-12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12) năm 2017 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Tới dự và phát biểu tại buổi Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS, góp phần làm giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong. Trước đây, 90% kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí này đang dần bị cắt giảm. Trước tình hình này, cùng với nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam sẽ dành thêm ngân sách cho hoạt động này, cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để họ tiếp tục được khám và điều trị bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc. Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tiên là Việt Nam cần tiếp tục kiên trì trong hoạt động phòng bệnh do căn bệnh này. Mọi người cần nhận thức được đây là một căn bệnh và người nhiễm HIV là một bệnh nhân. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền cần được tăng cường và có các biện pháp để tất cả những người nhiễm HIV đều được điều trị thuốc ARV. Tạo điều kiện để tất cả những người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ lây nhiễm không bị kỳ thị, được cảm thông, chia sẻ và chăm sóc, điều trị.
Phó Thủ tướng kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay để thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong suốt những năm qua, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, hoạt động phòng chống HIV ở nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện nay mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh bảo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cảnh báo sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống, nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp, nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh.
Trong khi đó, theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho đến nay thế giới đang có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch.
Đối với Việt Nam, năm 2017 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Vào "mùa" bệnh sởi, nhiều người gặp biến chứng nguy hiểm
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/vao-mua-benh-soi-nhieu-nguoi-gap-bien-chung-nguy-hiem-235120.html
Các chuyên gia y tế cảnh báo hiện nay tình hình sốt xuất huyết đã giảm đáng kể, tuy nhiên một số dịch bệnh mùa Đông Xuân đang có xu hướng nổi lên như bệnh sởi.
Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì bệnh sởi có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Lớn, nhỏ đều "dính" bệnh
Khi nói đến sởi người ta hay nghĩ đến trẻ con nhưng các chuyên gia cảnh báo người lớn cũng có thể mắc sởi. Từ đầu tháng 11, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi.
Hiện tại, bệnh nhân Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) đã nhập viện sau 4 ngày với chẩn đoán bị sởi, xuất hiện ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng. Ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều.
TS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục, kèm theo các dấu hiệu viêm long. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.
Có những chấm nhỏ khoảng 1mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 - 18 giờ.
Sau khi sốt 3 - 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi.
Thường thì 3 - 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Cần phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng (trẻ thường phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...).
Trẻ em không được tiêm vắc xin phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có nguy cơ. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Điều đáng sợ nhất của sởi là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 9 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 3 ca dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 66 ca dương tính với sởi (tăng 64 ca so với năm 2016), trong đó có 1 ca tử vong.
Đánh giá về nguy cơ bệnh sởi bùng phát, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn so với sốt xuất huyết. chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là mầm bệnh sẽ phát tán ra xung quanh. Trong điều kiện thời tiết lạnh, dễ có mưa như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi lây lan và bùng phát.
Cũng theo ông Cảm, để phòng bệnh sởi, quai bị chỉ có biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm chủng. Hiện thành phố còn tới hơn 30.000 trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, đây là nguy cơ tiềm ẩn dễ gây bùng phát thành dịch.
Đồng quan điểm, TS Cường cũng cho rằng, tiêm vắc xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa bệnh này.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…).
Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
Rét về, "lộ diện" nhiều bệnh tấn công sức khỏe
https://laodong.vn/suc-khoe/ret-ve-lo-dien-nhieu-benh-tan-cong-suc-khoe-578271.ldo
Miền Bắc đã bắt đầu xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại đầu tiên. Một số dịch bệnh mùa đông xuân đang có xu hướng nổi lên (sởi, quai bị, cúm, thủy đậu..)... Tuy là các bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị đúng cách dễ có biến chứng.
Đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai, Hà Nội), bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào viện từ ngày 20.11 với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện. Điều đáng nói là trước đó, con trai 5 tuổi và chồng bệnh nhân đều mắc quai bị nhưng bệnh nhân chủ quan tự mua thuốc về điều trị. Uống kháng sinh 5 ngày mà không đỡ, có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, chị H mới vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, xét nghiệm dịch màng não tủy, bệnh nhân được xác định viêm màng não do virus.
Cũng tại khoa Truyền nhiễm, từ đầu tháng 11 đến nay đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi. Hiện tại, bệnh nhân Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) đã nhập viện sau 4 ngày với chẩn đoán bị sởi, xuất hiện ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng. Ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều.
Theo TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...
Cũng theo TS. Đỗ Duy Cường, trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, kể cả tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng có nguy cơ. Bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Điều đáng sợ nhất của sởi là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.
Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vaccine ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Nhiều tác nhân gây bệnh ung thư đối với nông dân
Cuộc sống của người nông dân đang gặp nhiều tác nhân gây ung thư bởi có đến 80% nguyên nhân gây bệnh đến từ các yếu tố môi trường bên ngoài.
Theo nghiên cứu của các bác sỹ tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, từ năm 2014 - 2016, bệnh viện tiếp nhận hơn 10.000 trường hợp nhập viện, trên 84% trong số này là bệnh nhân ung thư. Trong số các bệnh nhân, nông dân chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này không có nghĩa nghề nông dẫn đến bệnh ung thư nhưng cho thấy, người nông dân phải đối mặt với nhiều tác nhân gây bệnh
Việc đồng áng lấy đi sức lực của ông Lê Văn Bảo, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Lo lắng về bệnh tật, mỗi năm ông đi khám sức khỏe hai lần nhưng không bỏ thuốc lá. Không riêng gì ông Bảo, với nhiều nông dân khác, thuốc lá được xem là vật bất ly thân và không thể từ bỏ.
Trong khi đó, theo các bác sỹ tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư và các bệnh lý mãn tính. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn tới bệnh ung thư. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể, nhiều người cho rằng, có sự liên quan giữa môi trường sống ô nhiễm và các căn bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư.
Chất độc nguy hiểm trong thuốc lá điện tử tác động lên cơ thể như thế nào?
PGS.TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai phân tích một số chất độc trong thuốc lá điện tử, cũng như những tác hại của nó với từng bộ phận cơ thể con người.
Chất Propylene Glycol có trong thuốc lá điện tử cũng thường được dùng trong các máy tạo khói hoặc sương mù nhân tạo trên sân khấu, có thể gây kích ứng phổi và mắt, có thể gây hại cho những người bị bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; giãn phế quản.
Còn với Glycerin, đây là một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Đến nay, nhiều hãng sản xuất vẫn không công bố thành phần chi tiết của các chất tạo mùi này với lý do đó là "bí mật thương mại".
Thế nhưng, PGS Phương dẫn chứng một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử có chứa diacetyl - một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các hạt nhỏ và kim loại: Các nhà khoa học tìm thấy cả các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân.
Diethylene Glycol là một chất độc hóa học độc hại được sử dụng trong chất chống đông.
Ngoài ra, khi hút thuốc lá điện tử, tinh dầu nóng lên và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc… Trong thuốc lá truyền thống cũng có chứa các hạt bụi nhỏ này và có thể gây ra các tổn thương mạch máu, viêm, các hiệu ứng thần kinh,.... Mật độ các hạt bụi trong thuốc lá điện tử là tương tự như thuốc lá thật nhưng cho tới nay, chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức độ an toàn/nguy hiểm của việc hút các hạt bụi do thuốc lá điện tử tạo ra.
Một số loại thuốc lá điện tử còn chứa nicotin - chất gây nghiện được đưa vào thuốc lá điện tử nhằm tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn. Vậy nên nếu sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài cũng có thể gây nghiện cho người sử dụng.
"Nicotin qua thuốc lá điện tử vào cơ thể con người (dạng nicotin lỏng được đốt cháy) vẫn là nicotin giống thuốc lá điếu. Nicotin là chất độc thần kinh và khiến cho não bộ dần phụ thuộc từ đó gây ra hiện tượng nghiện cùng các tác hại đối với người hút (chủ động và thụ động).
Tác động đến cơ thể như thế nào?
Khi hút thuốc lá điện tử sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể, trong đó có thể kể đến các cơ quan sau:
Miệng: Những người sử dụng thuốc lá điện tử thường bị khô, ngứa cổ họng và ho. Một nghiên cứu y học về thuốc lá điện tử cho thấy việc hấp thụ chất nicotine có thể xảy ra ở lớp lót trong của miệng hoặc đường hô hấp trên.
Phổi: Chấy popylene glycol và glycerin vốn rất an toàn trong thực phẩm nhưng lại không an toàn khi có trong thành phần của thuốc lá điện tử. Người ta lo ngại khi những chất này xâm nhập vào phổi sẽ gây ra chứng viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
Ngoài ra khói thuốc lá điện tử cũng gây tổn hại các tế bào biểu mô ở đường hô hấp, khiến chúng bị nhiễm trùng do các chất lỏng chứa nicotine trong thuốc lá điện tử ức chế hệ miễn dịch tại phổi.
Tim: Một vài nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng không tốt tới hệ tim mạch. Bởi khi hút thuốc, nicotin trong điếu thuốc nhanh chóng kích thích tuyến thượng thận, làm cơ thể tiết ra hormone adrenaline, gây tăng huyết áp và nhịp tim.
Não: Tương tự cơ chế tác động với tim, khi hút thuốc lá điện tử chứa nicotin chất này sẽ đi vào não làm cho nồng độ Dopamine, một chất truyền thần kinh tăng lên.
Thai nhi: Nicotin có thể gây hại cho thai nhi nếu bà mẹ hút thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai. Không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của phổi và não em bé, chất này còn gây sinh non, trẻ nhẹ cân và thậm chí là chết lưu.
PGS Phương cảnh báo, không chỉ người hút thuốc lá điện tử bị ảnh hưởng, mà người hít phải khói thuốc điện tử thụ động cũng có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật do khói thuốc, trong đó nhiều bệnh lý nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… Nhẹ hơn là các vấn đề ảnh đến chất lượng cuộc sống như: vô sinh, liệt dương, bệnh lý răng miệng, bệnh lý đại tràng, dạ dày... vì thế tuyệt đối không lạm dụng thuốc lá điện tử cũng như thuốc lá điếu thông thường.
Sun Pharma thu hồi hai loại thuốc điều trị tiểu đường do nhiễm bẩn vi sinh vật
Tập đoàn dược phẩm lớn nhất của Ấn Độ Sun Pharma tại Hoa Kỳ tự nguyện thu hồi hai loại thuốc tiểu đường "Riomet" do nhiễm bẩn vi sinh vật.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ( FDA ), đây là một trong những cuộc thu hồi tự nguyện mà công ty đã thực hiện trong năm nay với các sản phẩm khác nhau.
Sun Pharmaceutical Industries, Inc (SPII), công ty con của Sun Pharma, đã quyết định thu hồi rất nhiều thuốc Riomet với cả các nhà bán lẻ. Đây được coi như là một phần của cuộc thu hồi 'Class II' sau khi công ty này phát hiện số thuốc bị nhiễm vi khuẩn Scentediopsis brevicaulis.
Sun Pharma đã công bố vào thứ sáu rằng Riomet được chỉ định để điều trị đái tháo đường týp 2 ở người lớn và trẻ em trên 10 tuổi. Sản phẩm được sản xuất cho SPII bởi một nhà sản xuất theo hợp đồng.
Công ty này cho biết sự nhiễm bẩn vi sinh đã được phát hiện trong quá trình chuẩn bị mẫu thử nghiệm về hiệu quả bảo vệ chống vi khuẩn (AMPET), là một phần nghiên cứu thời gian ổn định 12 tháng của thuốc.
Theo FDA Hoa Kỳ, việc thu hồi đối 'Class II' xảy ra trong trường hợp sử dụng hoặc tiếp xúc với sản phẩm có thể dẫn đến các hậu quả có hại tạm thời hoặc có thể phục hồi về mặt y khoa cho sức khỏe.
Sun Pharma cho biết việc sử dụng Riomet có khả năng gây nhiễm trùng, đặc biệt ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
"Con đường phổ biến để Screprirazis brevicaulis xâm nhập là đường hô hấp, nơi nó có thể gây ra viêm phổi, viêm xoang và các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm. Đến nay, SPII đã không nhận được bất kỳ báo cáo về các trường hợp bị ảnh hưởng liên quan đến thu hồi này."
Theo báo cáo của FDA tại Hoa Kỳ, bên cạnh Riomet, SPII đã tiến hành tám lần thu hồi tự nguyện trong năm nay, trong đó bao gồm 3 lần thu hồi Class II.
Vào tháng giêng, công ty này đã bắt đầu thu hồi toàn quốc Class II với 22.915 chai chai alfuzosin hydrochloride dung tích 10 mg do chất lạ được tìm thấy trong viên thuốc, và được xác định là một mảnh vỡ dây từ thiết bị sản xuất. Các viên thuốc này được chỉ định để điều trị các triệu chứng của "tăng sản tuyến tiền liệt lành tính" (không phải ung thư), căn bệnh liên quan đến tuổi tác, tăng kích thước của tuyến tiền liệt có thể gây ra khó khăn khi tiểu tiện.
Trong cùng tháng, SPII bắt đầu thu hồi lại Class II với 8,537 chai carbidopa 25mg và levodopa 250mg do "các thông số giải thể không thành công". Thuốc này được chỉ định trong điều trị hội chứng Parkinson, có thể gây ra tình trạng nhiễm độc carbon monoxide hoặc ngộ độc mangan.
Vào tháng 3, công ty cũng đã bắt đầu thu hồi lại Class II với 83,188 bình chứa dung dịch testosterone cypionate 200mg / ml do "sự hiện diện của chất độc phân tử". Loại thuốc tiêm này được chỉ định để điều trị thay thế ở nam giới trong điều kiện có liên quan đến triệu chứng thiếu hụt hoặc không có testosterone nội sinh.
Những hệ lụy đáng tiếc do phẫu thuật nâng mũi mang lại
http://khampha.vn/lam-dep/nhung-he-luy-dang-tiec-do-phau-thuat-nang-mui-mang-lai-c37a593135.html
Nâng mũi thất bại chưa chắc đã hoàn toàn là do thực hiện tại cơ sở không uy tín, mà chính là...
Nâng mũi để giúp mình có khuôn mặt hài hòa, thanh tú hơn là chuyện đã có từ hàng trăm năm trên thế giới. Với người Việt Nam vốn bẩm sinh “mũi tẹt, da vàng”, chuyện nâng mũi cũng không hề xa lạ. Đặc biệt là thế hệ trẻ, chiếc mũi S-line, cặp mắt hai mí và chiếc cằm V-line chuẩn Hàn Quốc luôn là điều các chị em mong muốn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được một chiếc mũi đẹp, bởi trên thực tế, có rất nhiều biến chứng thường xảy ra sau khi nâng.
1. Sống mũi bị lệch
Nâng mũi là loại phẫu thuật tưởng như ai cũng làm được, nhưng thực sự là một thách thức nghề nghiệp cho mọi bác sĩ thẩm mĩ. Dù nâng mũi theo kĩ thuật nào thì rắc rối thường gặp nhất vẫn là chuyện sống mũi lệch vẹo, có thể biểu hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc vài tuần. Sống mũi bị lệch có thể do bác sĩ đặt lệch khi phẫu thuật hoặc đặt thẳng mà băng nẹp cố định không tốt hoặc do bệnh nhân vận động di chuyển quá mức làm chấn động di lệch. Để giải quyết thường phải can thiệp sớm ngay khi hết sưng đau để đặt lại sống mũi với sự chú ý tránh lặp lại những nguyên nhân đã gây ra lệch vẹo.
Sau khi nâng mũi, bạn nên có chế độ chăm sóc mũi cẩn thận và đúng cách, bởi đây là khâu cuối cùng giúp bạn có được một chiếc mũi đẹp và an toàn nhất có thể. Bạn có thể nhờ các bác sĩ tư vấn thật kĩ và tuân thủ đúng các phương pháp chăm sóc mũi tại nhà, đồng thời uống thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả nâng mũi cao nhất.
2. Vết mổ không lành
Rắc rối thứ hai là chuyện vết mổ không lành. Niêm mạc mũi thường rất mỏng manh, nhất là ở 2 bên vách ngăn. Nếu kĩ thuật mổ mà đi qua hoặc tác động trực tiếp lên niêm mạc mũi cộng với lực tì đè của chất liệu cấy ghép có thể dẫn đến hệ quả vết mổ khó lành, thậm chí không lành. Vết thương lâu lành còn có thể do nhiễm khuẩn, nhưng nếu nhiễm khuẩn đơn thuần và được điều trị kịp thời có thể bảo tồn được sống mũi ghép. Biểu hiện của nó là vết mổ thấm dịch kéo dài có thể gây sưng nề gốc mũi hoặc toàn bộ tháp mũi. Trong trường hợp này, dù có cố gắng điều trị bảo tồn thì cuối cùng thường vẫn phải tháo bỏ chất liệu sống mũi cấy ghép để nếu muốn làm lại hay không cũng phải chờ sau 1 - 2 tháng khi vết thương đã lành.
3. Vết thương ửng đỏ
Biến chứng thứ 3 là đầu mũi đỏ hoặc toàn bộ sống mũi. Rắc rối này xảy ra muộn có khi sau nhiều tháng đến một vài năm. Đây có thể là phản ứng tại chỗ của cơ thể với vật lạ cấy ghép và cũng phải xử lý bằng cách lấy bỏ sống mũi cấy ghép để sau khi lành sẽ làm lại bằng phương pháp khác.
4. Lộ sống mũi ghép
Một biến chứng khác đòi hỏi phải giải quyết mổ lấy bỏ sống mũi càng sớm càng tốt ngay khi có dấu hiệu là biến chứng trồi lộ sống mũi ghép, mà thường bị nhất là đầu mũi hoặc chân sống mũi ở phía trong tiểu trụ. Nguyên nhân có thể là do di chuyển dịch sống ghép theo trọng lực, có thể do sự teo nhanh mô mềm sau khi ghép hoặc do sống mũi ghép bị đặt ở lớp quá nông. Đặc biệt là ở đầu mũi, có khi xảy ra muộn sau một vài năm với biểu hiện đầu mũi nhô ra, da mỏng dần, thậm chí có khi do không có điều kiện tái khám nên khi bệnh nhân đến thì da đã bị thủng lòi đầu sống mũi ghép ra ngoài.
5. Quan điểm không đồng nhất giữa bác sĩ và khách hàng
Biến chứng cuối cùng ở đây là sự nhận định kết quả phẫu thuật về mặt thẩm mĩ, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại rắc rối tới tâm lý bệnh nhân khiến cho bệnh nhân và cả bác sĩ thực hiện đều không hài lòng, do đó cũng phải phẫu thuật lại để có kết quả tốt hơn. Có đôi khi nhận định của bác sĩ và bệnh nhân không thống nhất, bác sĩ thấy mũi đẹp mà bệnh nhân không chấp nhận. Trường hợp này thường phải có thời gian để bác sĩ kiên nhẫn thuyết phục bệnh nhân, tạo sự thông cảm để có thể dung hòa ý kiến, còn nếu không “hòa giải” thì lại phải làm lại hoặc lấy bỏ theo yêu cầu để làm hài lòng khách hàng.
Bài viết tham khảo ý kiến của hai vị Ths.BS. Cao Ngọc Bích và Gs.TS. Lê Gia Vinh
Đã có thiết bị mới giúp phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung
Tại hội thảo ra mắt kỹ thuật mới áp dụng tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, phó giám đốc bệnh viện, đã giới thiệu kỹ thuật mới trong sàng lọc tầm soát ung thư cổ tử cung đó chính là thiết bị "ThinPrep Integrated Imager". Đây chính là chiếc máy đọc hình ảnh tế bào tự động Thinprep tích hợp kỹ thuật quét tiêu bản, tự động định vị và kính hiển vi để vừa lấy được mẫu, vừa đọc được kết quả.
Chế độ định vị tự động cùng trình diện 22 vùng quan sát theo thứ tự, đảm bảo sự chính xác khi sàng lọc, cho phép bác sĩ tập trung chẩn đoán kết quả hơn là tìm vị trí tế bào bất thường, giảm thời gian di chuyển mâm kính.
Bên cạnh đó, hệ thống chẩn đoán tự động giúp khắc phục các nhược điểm trong quá trình đọc mẫu, chỉ ra 22 điểm cần đọc. Giúp các nhà giải phẫu bệnh giảm thiểu thời gian đọc mẫu, tăng hiệu quả làm việc, giúp các bác sĩ xác định được sớm nhất dấu hiệu ung thư, mối liên hệ giữa HPV - ung thư cổ tử cung. Từ đó, đưa ra các phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Dự kiến khi đưa vào sử dụng thiết bị này, bệnh viện giảm tải áp lực và khả năng chẩn đoán sàng lọc của bác sĩ chuẩn xác hơn.
Được biết, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là loại bệnh rất thường gặp. Gây ra bởi Human Papilloma Virus (HPV) - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra UTCTC, sát thủ đối với phụ nữ. Nhưng đây là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả và ngăn ngừa được nếu được phát hiện sớm.
Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ học bệnh phát hiện có 5.146 ca mắc trong năm 2012, trong đó 2.432 ca tử vong. Tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung cần được làm sớm từ độ tuổi 21 ở phụ nữ, nếu trong độ tuổi từ 30 tới 65 cần làm xét nghiệm ( Pap và HPV test).
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên làm mỗi 3 năm/lần nếu tầm soát Pap nhúng dịch.
Triển khai thành công kỹ thuật bắt vít cột sống qua da bằng hệ thống sextant
Theo các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị chấn thương cột sống - vỡ đốt sống L1 mất vững bằng kỹ thuật bắt vít cột sống qua da bằng hệ thống sextant.
Bệnh nhân may mắn trong trường hợp trên tên P.B.C, 40 tuổi, nhập viện cấp cứu ngày 20/11 do tai nạn lao động ngã thang từ độ cao 4m dẫn đến bị chấn thương cột sống.
Theo các bác sĩ cho biết, thông thường với tổn thương như vậy, bệnh nhân sẽ phải mổ để cố định cột sống theo phương pháp phẫu thuật mổ kinh điển. Bệnh nhân phải trải quả một cuộc phẫu thuật thông thường từ 2-3h, mất nhiều máu do vết mổ dài từ 20-25cm, thời gian hồi phục sau mổ có thể trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Khả năng trở lại công việc sau phẫu thuật cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, mổ hở tạo ra một sẹo cơ lớn rất mất thẩm mỹ, bệnh nhân thường bị đau lưng, đau vùng mổ mỗi khi trái gió trở trời.
Nhưng nhờ áp dụng phương pháp phẫu thuật cố định cột sống bằng vít qua da bằng hệ thống Sextant, các bác sĩ đã rút ngắn thời gian phẫu thuật chỉ còn 1,5h thay vì 2-3h như trước đây. Ca mổ thành công ngoài mong đợi, chỉ sau chưa đầy 48 tiếng, bệnh nhân C. đã có thể đi lại bình thường, không chút đau đớn hay khó khăn. Đường mổ thẩm mỹ với vis qua da chỉ dài tổng cộng khoảng 4cm giúp người bệnh mau chóng hồi phục.
Anh C. được ra viện chỉ 3 ngày sau phẫu thuật. Việc áp dụng kỹ thuật mới giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện xuống chỉ còn 1 nửa, từ 3-5 ngày so với 7-10 ngày như trước đây.
Ths. Bs.Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Xu thế phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng phát triển trong phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật cột sống, biến một cuộc mổ phức tạp thành đơn giản, không mất nhiều máu và an toàn”.
Ngày 6 tháng 11 năm 2017, Bệnh viện Xanh Pôn nhận chuyển giao kỹ thuật bắt vít cột sống qua da bằng hệ thống Sextant từ TS. Patrick Suen, Khoa phẫu thuật cột sống dịch vụ, Trung tâm y tế Kaiser San Jose, Mỹ.
Đây là một trong những kỹ thuật ít xâm lấn trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Chỉ 2 tuần sau khi nhận chuyển giao, Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Bệnh viện Xanh Pôn đã phẫu thuật thành công cho 5 bệnh nhân bằng kỹ thuật tiên tiến này.
Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết, tới đây, bệnh viện sẽ áp dụng kỹ thuật mới điều trị ung thư cổ tử cung.
http://www.nguoiduatin.vn/ap-dung-ky-thuat-moi-dieu-tri-ung-thu-co-tu-cung-a348637.html
Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm cho biết, theo thống kê, ung thư cổ tử cung thường gặp nhất tại phụ nữ ở các nước nghèo và đang phát triển. Tại Việt Nam, năm 2012 có hơn 5000 ca ung thư cổ tử cung phát hiện mới, có 2.423 ca tử vong.
Do đó, tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng với phụ nữ. Tới đây, bệnh viện áp dụng kỹ thuật mới trong tầm soát ung thư cổ tử cung.
Đó là thiết bị đọc hình ảnh tế bào tự động ThinPrep Integrated Imager là sự kết hợp giữa công nghệ hình ảnh hiện đại và kinh nghiệm của con người, được cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt sử dụng trên làm sàng tháng 6/2003.
Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam trang bị hệ thống đọc tự động hình ảnh tế bào cổ tử cung.
Thiết bị này có khả năng quét toàn bộ hình ảnh tế bào trên tiêu bản, định vị ra 22 vùng khả nghi nhất dựa trên công nghệ hình ảnh và thuật toán tích hợp trong phần mềm, gọi là đọc lần 1. Sau đó các nhà tế bào học sẽ đọc 22 vùng được chọn đó và đưa ra kết luận cuối cùng gọi là đọc lần 2.
Với công nghệ Dual Review (đọc 2 lần) mang lại cho người bệnh kết quả chẩn đoán chính xác nhất, giảm tỷ lệ âm tính giả 39% số với phương pháp đọc thông thường đồng thời tăng tỷ lệ phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung mức độ cao lên 38%. Bởi, dù trên tiêu bản chỉ có 1 tế bào bất thường máy cũng có khả năng phát hiện ra và định vị lại.
Thiết bị có chế độ định vị tự động, đảm bảo tính chính xác khi sàng lọc, cho phép bác sĩ tập trung chẩn đoán kết quả. Hệ thống còn giúp khắc phục các nhược điểm trong quá trình đọc mẫu, giúp bác sĩ sớm tìm ra dấu hiệu ung thư cổ tử cung, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm khuyến nghị, tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu làm từ độ tuổi 21 trở lên. Phụ nữ từ độ tuổi 21 -29 chỉ cần làm xét nghệm tế bào học và làm mỗi 3 năm một lần.
Phụ nữ từ độ tuổi 30 -65 nên làm xét nghiệm contesting (Pap +HPV test) khuyến nghị tầm soát mỗi 5 năm nếu làm contesting hoặc 3 năm nếu tầm soát bằng Pap nhúng dịch…
Siêu vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện nhiều ở bệnh viện là loại nào?
Nhiều bé sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh được phát hiện nhiễm vi khuẩn Acinetobacter, loài vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh thường gặp ở khoa Hồi sức Tích cực ở các bệnh viện và là siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Bệnh viện Nhi trung ương đón 11 trẻ từ Bắc Ninh chuyển sang sau sự cố y khoa, trong đó 3 trẻ bị nhiễm chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, trong hai ngày 20 và 21-11, bệnh viện đã đón tổng cộng 11 trẻ chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh sau sự cố y khoa làm bốn trẻ sơ sinh tử vong.
Qua xét nghiệm kiểm tra, có 3/11 cháu nhiễm chủng vi khuẩn bệnh viện có tên acinetobactor đã kháng lại các kháng sinh thông thường, bệnh viện đang phải sử dụng công thức kháng sinh phối hợp để cứu chữa các cháu.
Acinetobacter là một nhóm vi khuẩn thường được tìm thấy trong đất và nước. Nhóm Acinetobacter có rất nhiều loại và tất cả đều có thể gây bệnh cho người. Acinetobacter baumannii chiếm khoảng 80% các ca nhiễm được báo cáo.
Sự bùng phát của nhiễm Acinetobacter thường xảy ra trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở bệnh nhân bị bệnh nặng. Nhiễm khuẩn Acinetobacter hiếm khi xảy ra ở bên ngoài cơ sở y tế.
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Acinetobacter
Acinetobacter gây ra nhiều loại bệnh, từ bệnh viêm phổi, nhiễm trùng máu nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng vết thương, và các triệu chứng khác nhau tùy theo bệnh. Acinetobacter cũng có thể "định cư" hoặc sống trên một bệnh nhân mà không gây ra nhiễm trùng hoặc các triệu chứng, đặc biệt là trong các dụng cụ mở khí quản hoặc vết thương hở.
Lây truyền Acinetobacter
Acinetobacter đặt ra rất ít nguy cơ đối với người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người đã suy giảm hệ thống miễn dịch, bệnh phổi mãn tính, bệnh tiểu đường thì dễ bị nhiễm trùng hơn với Acinetobacter.
Bệnh nhân nhập viện, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh nặng phải dùng máy thở, những người có một thời gian nằm viện kéo dài, những người có vết thương hở, hoặc bất kỳ người nào với các thiết bị xâm lấn như ống thông tiểu sẽ có nguy cơ nhiễm cao hơn với Acinetobacter.
Acinetobacter có thể lây lan cho những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Phòng lây nhiễm Acinetobacter
Acinetobacter có thể sống trên da và có thể tồn tại trong môi trường xung quanh trong nhiều ngày. Chú ý cẩn thận đến các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, chẳng hạn như vệ sinh tay và vệ sinh môi trường, có thể làm giảm nguy cơ lây truyền .
Điều trị nhiễm Acinetobacter
Acinetobacter thường là kháng với nhiều loại kháng sinh thường được kê đơn. Quyết định điều trị các bệnh nhiễm trùng với Acinetobacter nên được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, do thầy thuốc điều trị trực tiếp cho người bệnh kê đơn.
Nhà hàng dùng cây ráy làm lẩu, 9 người nhập viện
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/nha-hang-dung-cay-ray-lam-lau-9-nguoi-nhap-vien-235064.html
http://vietq.vn/9-nguoi-bi-ngo-doc-do-an-phai-cay-ray-trong-noi-lau-o-thai-nguyen-d133893.html
Vụ việc xảy ra tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khiến 9 người nhập viện trong tình trạng rộp lưỡi, đau cổ họng, nôn…
Thông tin ban đầu, tối ngày 25/11, 9 bệnh nhân này đều ăn tối ở nhà hàng Lẩu cua đồng (ở tổ 5, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên).
Sau bữa ăn, 9 người có biểu hiện nôn, miệng đau, rộp lưỡi, đau rát vùng thượng vị nên được đưa ngay vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.
Qua thăm khám xác định, nhà hàng lẩu trên đã sử dụng cây ráy để chế biến thức ăn.
Cây ráy có than giống với cây dọc mùng. Lá và thân ráy sống có thể gây ngứa và dị ứng với da. Hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy chính là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi lưỡi và cứng hàm.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, Sở Y tế, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên đã lấy mẫu thực phẩm các bệnh nhân sử dụng trong bữa ăn để điều tra, đồng thời kiểm tra các tủ tục hành chính đối với nhà hàng trên để có biện pháp xử lý.