Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 27/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Đời khoa học lừng lẫy của Giáo sư Tôn Thất Tùng; Phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí; 2 thai nhi trong thùng rác bệnh viện: Dư luận bất bình với hành vi của người mẹ; Quảng Ninh: Cứu sống thành công một trường hợp bị đứt gân cổ; Bệnh nặng vì dùng sai thuốc; Trời nồm - “sứ giả” của dịch bệnh

 

Đời khoa học lừng lẫy của Giáo sư Tôn Thất Tùng

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/doi-khoa-hoc-lung-lay-cua-giao-su-ton-that-tung-325740.html

Bị kẹp giữa một nền y học yếu kém và chi phối bởi người  Pháp, nhưng với sự chăm chỉ, ham học hỏi, quan sát và thực hành, bác sĩ họ Tôn đã làm rạng danh cho nền y học nước nhà, còn đồng nghiệp trên thế giới, thì lấy làm cảm phục ông... 

Vượt qua tất cả những khó khăn cả về cơ sở vật chất trong y học, cũng như sự tự mãn quá đáng của giới y học Pháp nơi đất Việt, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong giới y học nước nhà, cũng như tên tuổi được ghi nhận trong nền y khoa thế giới.

Một nền Tây y yếu kém

Chính nhờ óc quan sát tinh tường, luôn đặt vấn đề trong thực tế nghề nghiệp, bác sĩ họ Tôn đã phát hiện ra những điều mà bao đồng nghiệp người nước ngoài đã sai. Trong hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, ông cho hay:

“Nhiều lần tôi thấy các thầy tôi sai vì họ đưa cách hiểu biết ở phương Tây vào các nước nhiệt đới. Họ tưởng sỏi mật của ta chỉ nằm trong túi mật thôi, trong khi sỏi lại nằm nhiều trong gan. Quái lạ nhất là con giun đũa, ở đâu trên người chết tôi cũng chạm phải nó, ở ruột thừa, ở ruột non, trong ống mật, trong ống gan, trong phế quản, trong mạch máu! Các thầy tôi thì nghĩ rất giản đơn: Khi người chết, giun chui lung tung mọi chỗ! Dần dần tôi biết quan hệ những triệu chứng của bệnh nhân lúc sống với những thương tổn khi chết”.

Từ thực tế đó, bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra đòi hỏi phải có lời giải đáp. Đó chính là động lực để óc tìm tòi của ông không ngừng nghiên cứu để đi tới chân lý.

Nền Tây y người Pháp du nhập vào Việt Nam theo bước chân xâm lược của họ, buổi ban đầu thực sự lạc hậu, yếu kém, từ trình độ bác sĩ cho đến phương tiện, trang thiết bị y học. Hãy xem miêu tả của chính bác sĩ Tôn:

“Lúc ấy, ngay cả bác sĩ phụ trách mổ xẻ của bệnh viện Phủ Doãn cũng không hề khám cho bệnh nhân trước khi mổ. Thử hỏi vậy có đúng bệnh? Chính vì vậy nên mới có chuyện lạ đời, là trong kết luận của vị bác sĩ này thì “Người bản xứ Việt Nam không đau ruột thừa, không đau tiền liệt tuyến và các bệnh ở Việt Nam đều do giun sán cả”.

Đối với trẻ em, dù có bị bệnh gì, thì chẩn đoán thường chỉ có một loại bệnh, đó là viêm đường ruột. Và để cho phong phú hồ sơ bệnh án, bác sĩ người Pháp, cũng là Phó Giám đốc Đại học Y khoa tìm cách phù phép, gian dối khi ra lệnh cho phụ tá người Việt rằng “Tôi nhờ các anh chẩn đoán luôn luôn cho tôi: sưng phổi, viêm yết hầu, thiếu dinh dưỡng, để cho thống kê của tôi có nhiều màu mè một chút”.

Trong giáo dục, đào tạo bác sĩ của ĐH Y khoa, cũng không khá khẩm hơn bao nhiêu khi thầy dạy giải phẫu lại là một bác sĩ nha khoa, thầy dạy sinh lý thì thích diễn giải trên sân khấu hơn là giảng dạy… Còn trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh, nó cũng tương đồng, kém cỏi như trình độ của bác sĩ vậy. Chứng cứ là các máy X quang thì dây điện không có bọc ngoài, nên có thể giật chết bác sĩ, bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Trong quá trình thực hành nghề, dần dần, bác sĩ Tôn Thất Tùng đúc rút ra được nhiều nhận định cần thiết cho nghề nghiệp. Ông thấy rằng “Quan sát là cơ bản của khoa học”. Chính bởi thế đối với ông “có thể nói rằng những người thầy tốt nhất của tôi là những y tá ở Phủ Doãn, và các bệnh nhân ở đấy”. Cũng chính nhờ việc không ngừng quan sát, học hỏi, mà bác sĩ họ Tôn không ngừng khám phá những điều mà những người đi trước chưa làm được hoặc bỏ qua.

Tỉ như có lần ở viện mổ xác “tôi phát hiện ra một hiện tượng rất kỳ lạ; hàng chục con giun đã chui vào các đường mật ở trong gan, dùng một cái nạo xương gọi là kuya-rét (curette), tôi đã phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan; một việc chưa bao giờ thấy trong các sách lúc bấy giờ”.

Trong khi ông thầy Huard thì cho rằng việc ấy hiếm thấy ở chỗ “hiếm có thấy giùn chui nhiều thế này vào trong gan”, thì bác sĩ họ Tôn lại nghĩ khác. Ông thấy lạ ở chỗ “là tôi đã phẫu tích tất cả các đường mật trong gan, một điều mà chưa ai làm được”. Việc này, đã thay đổi lớn lao cuộc đời khoa học của ông.

Ông cũng nhận thấy “cách đặt vấn đề có thể đưa khoa học vào hai đường khác nhau”. Đồng thời, để có thể tham khảo được các tài liệu, qua đó bổ túc kiến thức ngành nghề, thì “trước hết phải biết các ngoại ngữ”. Nhờ đó ông thấy tài liệu y học của Pháp tỏ ra tự mãn với thành tựu, trong khi tài liệu Anh, Mỹ thì luôn đặt các vấn đề, từ đó mà mở ra cho ông những chân trời của sự tưởng tượng.

Không chỉ hiểu biết về y học, vị giáo sư tương lai của nền y học nước nhà còn thấy rõ tầm quan trọng của khoa học liên ngành, vì công trình của người này đều có thể giúp cho người kia, “Vì vậy ta nên coi trọng sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học”. Và trong khi nghiên cứu, thì nhận định về một điểm nhỏ “có khi có tính quyết định đến giá trị của toàn bộ một công trình”

Mối quan tâm của bác sĩ Tôn, tập trung nhiều vào gan, và dần dần, ông có những phát hiện mới trong lĩnh vực này. Thời gian 1935-1939, ông đã mổ hơn 200 cái gan người chết, và phẫu tích tất cả các gan ấy, đối chiếu để tìm những nét chung. Chính bởi thế ông đã có một kỹ thuật đặc biệt, đó là chỉ trong 15 phút, ông đã có thể phơi trần tất cả các mạch máu trong gan, và “nhờ cách làm việc như vậy sau này tôi có thể cắt gan, không kể bộ phận nào của nó, chỉ không đầy 10 phút”.

Khai mở phương pháp mổ mới

Nói về đóng góp của GS. Tôn Thất Tùng, ta thấy rằng, không chỉ có công lao với nền y học nước nhà, mà những tìm tòi, phát kiến của ông, có giá trị mang tầm thế giới. Thế nên, nhận định dưới đây của GS, BS Daniel Jaeck người Pháp trong bài viết “Giáo sư Tôn Thất Tùng-Một nhân cách lớn, trí tuệ uyên bác và kỹ thuật phẫu thuật tuyệt vời”, cho ta thấy được phần nào điều đó:

“Đối với chúng tôi, Giáo sư vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan. Các công trình của Giáo sư là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật. Giáo sư đã có công lao lớn nhất trong việc tạo dựng và phát triển phương pháp phẫu thuật gan hiện đại phát triển trên toàn thế giới”. Vậy, công lao ấy là gì?

Trong cuộc đời khoa học của mình, GS. Tôn Thất Tùng đã có “123 công trình nghiên cứu của bản thân và nhiều bài viết về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học-công nghệ. Ông là người chẩn đoán và mổ thành công trường hợp đầu tiên viêm tụy cấp do giun chui ống mật, hay đưa ra phương pháp cắt gan mới, từ cắt gan hạ phân thùy đến phân thùy, cắt gan phải, cắt gan trái… Năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn gọi là “phương pháp mổ gan khô”, hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Rồi phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch cũng được ông tiên phong… Ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực mổ tim mạch ở Việt Nam, năm 1958, khi là người đầu tiên mổ tim ở nước ta. Không chỉ thế, GS họ Tôn còn nghiên cứu cả về chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam cùng tác hại của nó, để trên cơ sở đó đấu tranh với Mỹ trong việc không giải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam.

GS Hồ Đắc Di, cũng là một danh y, là bà con với ông, đã hết lời ngợi khen GS họ Tôn là: “Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fields”… “Có vị giáo sư người Pháp đã nói với tôi thế này: “Tôn Thất Tùng là một của báu xa xỉ đối với Việt Nam”

 

2 thai nhi trong thùng rác bệnh viện: Dư luận bất bình với hành vi của người mẹ

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/2-thai-nhi-trong-thung-rac-benh-vien-du-luan-bat-binh-voi-hanh-vi-cua-nguoi-me-326325.html

Ngày 20/3, một nữ hộ lý bàng hoàng khi phát hiện thi thể hai bé song sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ trong thùng rác tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Cái chết của hai sinh linh vô tội khiến dư luận không khỏi bất bình.

Sự việc trên nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, nhiều người bày tỏ niềm tiếc thương cho hai sinh linh vô tội chưa một ngày được sống trọn vẹn, chưa được gọi hai tiếng mẹ cha. Dù không biết diễn biến sự việc cụ thể như thế nào, không biết người bố, người mẹ ấy là ai, không biết là vì lý do gì nhưng dư luận cũng không khỏi xôn xao. Nhiều người cảm thấy bất bình cho cách hành xử trái đạo lý của người đã bỏ rơi hai hài nhi.

“Sao nhẫn tâm vứt bỏ khúc ruột của mình vậy chứ?” 1 bạn đọc tự hỏi. Đồng tình với suy nghĩ đó, bạn Nguyễn Thị Thanh Thư chia sẻ: “Sao mà ác quá vậy, ngoài kia còn bao nhiêu người mơ ước có con mà không được, sao nỡ tước quyền sống của mấy đứa trẻ chứ?”. Nhiều người khác thì chỉ biết thở dài, cầu nguyện cho hai sinh linh vô tội ấy sớm được siêu thoát.

Không biết vì lý do gì, nhưng người mẹ ấy đã “bí mật” vượt cạn một mình, sinh ra hai hài nhi bé bỏng. Dù vậy, điều làm người đời bất bình và lên án mạnh mẽ nhất là tại sao người mẹ đã mang nặng đẻ đau lại không cho các con được quyền sống như bao đứa trẻ khác. Nếu vì một lý do nào đó, người đó không nuôi con thì có thể gửi các con đến một cơ sở, tổ chức từ thiện nào đó. Ở đó, họ sẵn hàng cho các con một cuộc sống làm người.

Trước đó, tại khoa hồi sức cấp cứu Nhi – Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) từng có một vài trường hợp các cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi. Trong đó có những trường hợp các cháu bé sơ sinh được sinh ra tại đây và cả những cháu bé được sinh tại nhà nhưng do tình trạng sức khỏe nên được đưa đến nhập viện rồi bị bỏ rơi.

Những trường hợp này, các bác sĩ đều nắm được một số thông tin cơ bản của người nhà. Khi người thân các cháu bé vì một lý do nào đó bỏ đi, không chăm sóc các cháu, bệnh viện cũng đã cử nhân viên y tế chăm sóc tận tình, cố gắng liên hệ, vận động người nhà hoàn tất các thủ tục bàn giao các cháu đến các cơ sở đáng tin cậy xin nhận nuôi.

Ám ảnh

Như PLVN đã đưa tin: chị Lê Thị Duyên (nữ hộ lý của khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Sáng 20/3, chị làm công việc dọn dẹp tại bệnh viện như thường lệ.

Khi đến gần khu nhà vệ sinh nữ thì phát hiện có mùi hôi bất thường, mở cửa một buồng vệ sinh, chị Duyên phát hiện bên trong nhiều giấy vệ sinh đã qua sử dụng có dính máu. Trên tường và trên nền của nhà vệ sinh cũng bê bết vết máu.

Dù rất ngạc nhiên nhưng chị Duyên nghĩ có thể do bệnh nhân nặng nào đó bị vết thương hở dẫn đến chảy máu. Sau khi đã dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, chị mang rác ra bỏ vào một sọt rác gần đó.

“Vừa mở túi nilon trong sọt rác ra, tôi thấy có vật gì đó tròn tròn, có màu đen giống như đầu của trẻ sơ sinh. Hoảng hốt, tôi liền chạy đi gọi thêm một người nữa. Không ngờ, trong đó đúng là trẻ sơ sinh. Điều tồi tệ hơn là không chỉ có một mà tới hai bé sơ sinh trong túi nilon. Lúc này, các cháu bé đều đã tử vong. Tội nghiệp! đó là hai bé gái và vẫn còn nguyên dây dốn” – chị Duyên chưa hết bàng hoàng.

Vụ việc được các nhân viên y tế trình báo lên lãnh đạo bệnh viện và cơ quan chức năng. Sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi đhoàn tất các thủ tục, thi thể 2 bé gái đã được một tổ chức từ thiện đưa đi chôn cất tại nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Ngày 21/3, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiên (Trưởng khoa Khám - Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk) xác nhận sự việc và cho biết: “Hai bé gái nặng khoảng 2kg, vẫn còn dây rốn, nhau thai chưa được cắt và được bọc kỹ trong túi nilon”. Cũng theo bác sĩ Tiên, có thể sản phụ này khi trở dạ đã lén vào nhà vệ sinh của bệnh viện, sau đó sinh đôi rồi bỏ con vào sọt rác.

Phạm vào tội cố ý giết người

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Năm (Văn phòng luật sư Đức Duy. Địa chỉ: 62 Dương Văn Nga, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk): Trong trường hợp người mẹ sinh con ra nhưng lại cố tình bỏ rơi, không chăm sóc, không nuôi nấng dẫn đến việc trẻ tử vong là đã phạm vào tội Cố ý giết người.

Do đó, có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, quy định tại điều 93, Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta phải chờ kết quả của cơ quan điều tra xác minh làm rõ, khi có đủ bằng chứng, chứng cứ mới có thể có kết luận chính thức.

 

Quảng Ninh: Cứu sống thành công một trường hợp bị đứt gân cổ

http://vov.vn/xa-hoi/quang-ninh-cuu-song-thanh-cong-mot-truong-hop-bi-dut-gan-co-606744.vov

Bệnh nhân nữ, nhập viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng nguy kịch vết thương vùng cổ trái chảy nhiều máu do bị vật sắc chém vào

Sáng 25/3, các y bác sỹ Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật thành công một trường hợp bị chém đứt gân cổ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể, vào lúc 6h45’ sáng ngày 25/3, một bệnh nhân nữ sinh năm 1978, quê tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang nhập viện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, mạch và huyết áp không đo được, vết thương vùng cổ bên trái chảy nhiều máu do bị vật sắc chém vào, tình trạng hết sức nguy kịch. Ngay lập tức bệnh nhân được sơ cứu tại phòng khám và chuyển thẳng lên phòng mổ để nhanh chóng cứu chữa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rách tĩnh mạch cảnh trái, tổn thương đám rối thần kinh trái và đứt gân cơ vùng cổ trái. Ông Trịnh Văn Mạnh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân này bị chém vào mặt bên cổ, bệnh nhân đã được phẫu thuật nối lại mạch máu, phục hội lại toàn bộ các cơ cạnh cổ, và các tổn thương ở phần xoang cảnh, mà xoang cảnh là cái xoang rất nguy hiểm. Hiện tại bệnh nhân đã tạm ổn định”.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch và được chăm sóc tích cực tại phòng mổ.

 

Bệnh nặng vì dùng sai thuốc

http://suckhoedoisong.vn/benh-nang-vi-dung-sai-thuoc-n99519.html

Bé N. được mẹ đưa đến trung tâm y tế trong tình trạng bị nhiễm khuẩn da toàn thân. Nguyên nhân là do bố mẹ của N. thấy bé nổi mấy nốt mụn nhỏ có mủ, nên đã lấy rễ cây để đắp. Tuy nhiên, những vết mụn nhỏ này không khỏi mà còn dẫn đến tình trạng viêm da, chốc lở nặng hơn.

Bác sĩ cho biết trường hợp của bé N. ban đầu có thể do thời tiết nắng nóng cộng với vệ sinh kém dẫn đến viêm da mủ do vi khuẩn, bụi bẩn bám vào gây nên. Tuy nhiên, do bố mẹ đã không đưa con đi khám bệnh và cũng không giữ vệ sinh cho bé sạch sẽ, lại lấy rễ cây giã nhỏ đắp trực tiếp lên các vết tổn thương, nên đã dẫn đến viêm nang lông và mụn nhọt mọc toàn thân. Với biểu hiện nổi mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh. Từ các mụn này bị vỡ ra, dịch chảy tới đâu, vi khuẩn theo dịch tới đó gây viêm nhiễm lan rộng. Tuy đây là một bệnh ngoài da, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.

Chăm sóc da tại chỗ bằng cách rửa sạch vết thương bằng nước muối pha loãng, rồi bôi thuốc sát khuẩn betadin hoặc dung dịch màu (eosin, milian). Nếu có tổn thương nhiều và lan tỏa, ngoài vệ sinh da, bôi thuốc sát khuẩn thì còn phải dùng thuốc kháng sinh bôi tại chỗ (như thuốc mỡ mupirocin 2%, ngày bôi 3 lần) và thuốc kháng sinh dùng toàn thân như cephalexin hoặc cloxacillin... uống.

Lưu ý: Đối với các bệnh nhân sau đây thì cần phải được điều trị tại bệnh viện: Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, rét run, đỏ da. Có tổn thương da nặng, hoại tử lan rộng nhiều nơi, có bóng nước, xuất huyết hoặc da chuyển màu tím tái, có hạch sưng to và đau. Nhiễm khuẩn da có biến chứng áp-xe, viêm mạch bạch huyết, viêm hạch; bệnh nhân có bệnh mạn tính kèm theo hoặc không đáp ứng với điều trị trên sau 2 ngày cũng cần phải nhập viện điều trị. Tốt nhất khi có biểu hiện viêm da mủ nên cho trẻ đến khám và điều trị tại chuyên khoa da liễu để tránh những biến chứng nguy hiểm như trường hợp bé N.

 

Trời nồm - “sứ giả” của dịch bệnh

http://baophapluat.vn/song-khoe/troi-nom-su-gia-cua-dich-benh-326393.html

Kiểu thời tiết sáng mưa phùn, trưa hửng nắng, chiều và đêm trở lạnh không chỉ khiến các cháu nhỏ, các cụ già, những người có sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà còn dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, các bệnh về da như viêm da, nấm, dị ứng… Bên cạnh đó, trời nồm khiến nền nhà bị “đổ mồ hôi”, đi hay trơn trượt khiến các cháu nhỏ dễ bị ngã dẫn đến những chấn thương nguy hiểm.

Những ngày này, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên phải tiếp nhận các trường hợp trẻ bị sốt virus, viêm tiểu phế quản, viêm phổi do trời nồm, thời tiết thay đổi thất thường. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tình hình cũng diễn ra tương tự. Chị Ngô Thị Mai (27 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày nay tôi phải xin nghỉ việc vì cháu bị ốm. Ban đầu, cháu có biểu hiện ho nhẹ, sốt nhẹ. Qua ngày hôm sau, cơn sốt của cháu tăng dần lên 39 độ C, uống thuốc không đỡ, hết tác dụng của thuốc thì cháu lại sốt lại. Cả đêm, cháu ho không ngừng. Đưa cháu đi khám bác sĩ thì được biết cháu bị viêm tiểu phế quản, may chưa nặng đến mức viêm phổi. Thời tiết kiểu này thật khó chịu. Không chỉ các cháu nhỏ dễ bị ốm, các cụ già như mẹ tôi mấy ngày nay cũng đau đầu, đau nhức khắp mình mẩy”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, đứa con trai mới 2 tuổi của anh Nguyễn Văn Ngọc (32 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cũng phải nhập viện để điều trị vì bị sốt vi rút. Theo lời kể của anh Ngọc, vào ngày cuối tuần, gia đình có tổ chức cho cháu đi chơi công viên nhân dịp sinh nhật. Đến tối về, cháu bé bị sốt cả đêm, hai vợ chồng phải thay phiên nhau lau nước ấm cho cháu mới đỡ.

Anh Ngọc kể: “Cháu sốt cao quá, uống thuốc rồi vẫn không thấy hạ nhiều, hai vợ chồng tôi phải lấy nước ấm lau người cho cháu. Nhưng cũng chỉ được một lúc, lát sau cháu lại sốt cao trở lại. Tính ra, cứ 6 tiếng cháu phải uống thuốc hạ sốt một lần kèm theo lau mát mới hạ sốt được. Ngày thứ nhất, thấy cháu vẫn ăn, chơi bình thường nên gia đình để theo dõi thêm. Qua ngày thứ hai, chiều đến cháu có biểu hiện mệt, mắt lúc nào cũng có gèn dử, hay đòi đi ngủ. Thấy cháu như vậy, chúng tôi mới đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo cháu bị sốt vi rút. Bác sĩ phải cho thuốc và truyền nước, qua đến hôm nay thì tình trạng của cháu đã đỡ hơn nhiều rồi”.

Kiểu thời tiết sáng mưa phùn, trưa hửng nắng, chiều và đêm trở lạnh không chỉ khiến các cháu nhỏ, các cụ già, những người có sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà còn dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, các bệnh về da như viêm da, nấm, dị ứng… Bên cạnh đó, trời nồm khiến nền nhà bị “đổ mồ hôi”, đi hay trơn trượt khiến các cháu nhỏ dễ bị ngã dẫn đến những chấn thương nguy hiểm.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Năm nào cũng vậy, cứ hễ trời nồm là nhà tôi nhớp nháp, ướt át, hôi hám khó chịu. Cách đây mấy hôm, con gái 4 tuổi của tôi đang chơi bóng ngoài sân. Chẳng may, cháu đá quả bóng lăn vào trong nhà nên vội chạy theo để nhặt. Vừa mới bước một chân vào trong nhà thì gặp phải nền nhà bị đổ mồ hôi, cháu bị trơn rồi ngã ngửa ra đằng sau, đầu đập xuống đất. Cũng may chỗ cháu ngã có tấm thảm chùi chân nên đầu cháu không bị va đập mạnh, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Đừng chủ quan khi trời nồm

Trời nồm là kiểu thời tiết điển hình của miền Bắc khi độ ẩm không khí lên tới hơn 90%. Trời nồm khiến các bề mặt lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường, đồ vật… gây bất tiện cho sinh hoạt. Sàn nhà ẩm ướt, quần áo phơi mãi không khô, các vật dụng dễ bị nấm mốc, hỏng hóc và gây mùi khó chịu. Quan trọng hơn, trời nồm còn tạo điều kiện cho các loài vi rút, vi khuẩn, nấm mốc… sinh sôi, phát triển khiến con người dễ bị mắc nhiều bệnh lý khác nhau.

Theo các chuyên gia y tế của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết nồm ẩm khiến các bệnh về đường hô hấp, các bệnh về da, các bệnh về đường tiêu hóa dễ bùng phát. Phổ biến nhất là các bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, sốt vi rút, tiêu chảy, thủy đậu, sởi, viêm da, viêm mũi dị ứng…

Theo đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, đưa trẻ đi tiêm chủng phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín hoặc dùng áo mưa bọc trẻ làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.

Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu;…hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Cùng với đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh khi trời nồm. Như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những trường hợp khám vì viêm mũi dị ứng, viêm tiểu phế quản liên tiếp, nhiều trường hợp được xác định do môi trường sống bị ẩm, mốc. Vi khuẩn, nấm mốc có thể có trong chính đồ dùng như chăn, nệm, thảm sàn, rèm cửa, quần áo của trẻ nhỏ do không khí ẩm, đồ giặt không khô. Đặc biệt nhiều gia đình gầm giường thấp, gặp phải trời ẩm, sàn nhà đổ mồ hôi khi lật đệm lên thì cả ổ mốc xanh dưới đệm.

Đây là những yếu tố khiến trẻ tăng kích thích, dễ nhiễm bệnh. Vì thế thời tiết ẩm, các gia đình cần tích cực dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ tránh mọc nấm mốc không biết. Nên đóng kín các của phòng, dùng các khăn thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

 

Bé trai có 2 lỗ tiểu tiện chờ đợi phép màu

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/be-trai-co-2-lo-tieu-tien-cho-doi-phep-mau-326323.html

Hồ Văn Hức sinh ra là con trai nhưng lại đi tiểu tiện như con gái, không những thế em còn có những 2 lỗ tiểu tiện. Ở một xã biên giới giáp Lào như quê em thì dù biết con có bệnh, bố mẹ em cũng đành chịu vì đường xa, nhà nghèo lại không sõi tiếng Kinh…

Hồ Văn Hức năm nay 8 tuổi, người thôn A Tông, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ khi sinh ra cậu bé người dân tộc Pa Kô này đã bị câm, điếc bẩm sinh. Vì thế, ký ức tuổi thơ của Hức là những tháng ngày lầm lũi bên núi rừng phía tây Quảng Trị.

Bạn bè cùng trang lứa thấy Hức chẳng nói cũng ít cười nên không ai chơi. Còn Hức không nói, không nghe được nên cũng chẳng buồn để ý. Cứ thế, Hức chỉ thui thủi một mình lúc quanh nhà, khi thì nơi vách núi. Chỉ có cha mẹ Hức là thấy nhói lòng mỗi khi thấy em chơi một mình.

Hức không chỉ bị câm, điếc mà còn ngồi tiểu tiện như con gái, không những thế lại có tới 2 lỗ tiểu tiện. Sự bất thường này khiến người trong thôn đồn đoán rất nhiều. Người hay đi ra ngoài thì nói Hức bị bệnh, người cả năm không xuống núi thì bảo Hức bị con ma rừng ám.

Thế rồi, trong những lần cho con lên Trạm y tế xã A Xing khám, anh Nguyễn Trung – cán bộ y tế xã đã khẳng định Hức bị bệnh và khuyên gia đình nên đưa con tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm nhất. Từ đó những lời đồn thổi ác khẩu về căn bệnh của Hức mới ngừng hẳn.

Biết con bị bệnh nhưng vốn là hộ “nghèo bền vững” ở nơi gió Lào quanh năm thổi thì bố mẹ Hức không biết lấy đâu ra tiền để đưa con đi chữa bệnh. Cả năm, gia đình Hức gồm 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 1 vụ sắn. Ở A Xing, đất đai khô cằn nên việc trồng lúa nước và ngô là cực khó khăn, vất vả.

Gia đình Hức cũng như bao hộ dân khác ở đây chỉ biết chăm chỉ lên rẫy trồng sắn đổi lấy gạo ăn. Thức ăn hằng ngày chỉ có rau, mắm, muối chứ thịt, cá thì cả năm được ăn vài ba bữa. Cũng vì thế mà nhìn Hức gầy, bé như củ khoai, củ sắn.

Đó là còn chưa kể đến việc bố Hức là anh Hồ Văn Hải, sinh năm 1979 cũng bị khuyết tật từ nhỏ. Do vậy mọi việc lớn bé trong gia đình đều do một tay vợ anh quán xuyến. Anh Hải đi lại khó khăn, còn vợ anh thì đầu tắt mặt tối với nương rẫy nên chẳng mấy khi có cơ hội xuống núi thành ra cả hai vợ chồng chẳng ai rành sỏi tiếng Kinh. Đương nhiên là các con của anh chị cũng thế, tất cả đều trò chuyện, giao tiếp với nhau bằng thứ tiếng của dân tộc mình.

Dù vẫn nhớ lời khuyên của cán bộ y tế xã là nên đưa con tới bệnh viện khám nhưng vì không có tiền cộng với vốn tiếng kinh ít ỏi nên vợ chồng anh Hải vẫn chưa thể thực hiện được việc đó. Còn Hức thì vẫn hồn nhiên như cây cỏ, 7 năm trôi qua em vẫn ngày ngày tiểu tiện y như các bạn gái trong thôn.

Chứng kiến cảnh cậu bé Hồ Văn Hức phải chịu đựng bệnh tật nhiều năm, anh Trung bao đêm trằn trọc suy nghĩ, tìm mọi cách vận động gia đình đưa Hức đi chữa trị. Thế rồi, mưa dầm thấm lâu, bố mẹ Hức đã đồng ý đưa em đi chữa bệnh. Để có tiền đưa con đi viện, họ ngày ngày lao động bằng tất cả sức lực của mình.

Vào năm 2014, một ca phẫu thuật cho bệnh nhân Hồ Văn Hức với chứng bệnh “lỗ thiểu thấp” đã diễn ra ở Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy nhiên, kết quả sau phẫu thuật không được như mong đợi. Cả gia đình Hức buồn rười rượi trở ở về quê với lời hẹn phẫu thuật lần sau.

Tiền mất mà tật thì Hức vẫn mang, khiến anh Trung đau đáu nỗi niềm. Suy nghĩ phải làm sao để chữa khỏi bệnh cho bé Hức luôn hiện lên trong đầu. Và rồi, trong một lần lên mạng, anh Trung đã tìm thấy thông tin về Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thực hiện phẫu thuật miễn phí tái tạo bộ phận sinh dục cho những trẻ em không may mắn do Quỹ phòng chống thương vong châu Á phối hợp với các bệnh viện, bác sĩ trong và ngoài nước thực hiện. Khi biết thông tin này, anh Trung lập tức thông báo cho bố mẹ Hức biết và họ vui như bắt được vàng.

Mọi thủ tục, hồ sơ gửi đi đều do một tay anh Trung lo liệu. Gửi hồ sơ đi từ tháng 3/2015 thì đến tháng 6/2016, Hức được các bác sĩ của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thăm khám tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng. Ngay sau buổi khám đó, Hức đã có tên trong danh sách những em bé khuyết tật bộ phận sinh dục được phẫu thuật miễn phí vào tháng 11 cùng năm.

“Khi gửi hồ sơ cả tôi và bố mẹ cháu Hức đều sợ cháu không được phẫu thuật vì đông bệnh nhân, nhưng cho tới khi nhận được thông báo thì niềm vui như vỡ òa. Ngày Hức lên đường đi phẫu thuật, người trong thôn biết tin ai cũng đến động viên, chúc mừng”, anh Trung nhớ lại. 

Cũng như những lần trước, lần này anh Trung lại đích thân đưa bố con Hức đến bệnh viện và lo liệu mọi thứ. Nhưng lần đi phẫu thuật này gặp nhiều trắc trở hơn do bị lỡ giờ xe, 3 người phải bắt 3 chuyến xe mới đến được Đà Nẵng. Khi đến bệnh viện làm thủ tục thì anh Hải lại để quên giấy tờ ở nhà và anh Trung lại tất tả ngược xuôi gọi điện nhờ người gửi ra bến xe Đà Nẵng. Xoay xở mãi rồi cũng xong phần thủ tục, giấy tờ.

Ngày 2 bố con Hức ở bệnh viện, anh Trung lo từ miếng ăn giấc ngủ.Đợi đến khi phẫu thuật thành công anh Trung mới nhờ các y bác sĩ để ý, trông chừng 2 bố con để tranh thủ về quê lo công việc. Do anh Hải không sõi tiếng kinh nên anh Trung rất lo lắng nhưng vì không thể ở lâu nên anh đành để lại tiền ăn cho 2 bố con rồi về trước.

Do đã dặn các y bác sĩ nên khi Hức hồi phục sức khỏe, được xuất viện họ đã báo cho anh Trung để lên đón bố con Hức về. Nhìn anh Trung lo lắng cho bố con Hức ai cũng nghĩ là anh em ruột thịt. Tiền đi lại, ăn ở đều là do anh Trung tự bỏ tiền túi.

Đây mới chỉ là ca phẫu thuật đầu tiên, theo các y bác sĩ để hoàn thiện bộ phận sinh dục Hức phải qua một ca phẫu thuật nữa.

Hiện, thời gian cũng như địa điểm thực hiện ca phẫu thuật lần 2 chưa được thông báo chính thức nhưng gia đình Hức và anh Trung luôn tin rằng một ngày mai Hức sẽ không còn phải chịu những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cầu cho Hức của ngày mai sẽ lành lặn và bình an.

 

Thủ phạm của 25 bệnh chết người, biết nhưng khó từ bỏ

http://infonet.vn/thu-pham-cua-25-benh-chet-nguoi-biet-nhung-kho-tu-bo-post223856.info

Các chuyên gia chỉ ra rằng, thuốc lá chính là thủ phạm của 25 bệnh, đặc biệt là các bệnh ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, bệnh tim mạch, đái tháo đường và vô sinh. Tuy nhiên không phải ai cũng bỏ được thuốc lá.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Trong đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 82% số người hút thuốc lá trên toàn thế giới và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy: Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, tức là cứ 2 nam giới trưởng thành có một người hút thuốc.

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Các chuyên gia y tế cho biết, trong thuốc lá có các chất nhựa hắc ín, 7000 chất độc hoá học, 50 chất gây ung thư, phụ gia (Amoniắc), Cacbon mônôxít, Nicotin: 1-3mg/điếu.

Thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Tác hại này gây ra cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.

Còn theo ước tính của Hoa Kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư.Theo thống kê của WHO, trong thế kỷ 20 đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Chính vì thế, các chuyên gia đều cho rằng nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện thì trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người. Ngày 16/09/2015, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Bạch Mai thành lập Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí qua đường dây điện thoại 1800.6606 với các mục tiêu: Giải đáp các câu hỏi liên quan đến thuốc lá; Tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí với đội ngũ tư vấn viên có trình độ chuyên môn, hoạt động từ 8h đến 22h hàng ngày với phương châm: “Chúng tôi luôn luôn đồng hành” đã hỗ trợ, tạo niềm tin và hình thành quyết tâm cai nghiện cho những người có ý định bỏ thuốc lá và giúp người đang bỏ thuốc vượt qua rào cản gây tái nghiện. Sau hơn 1 năm hoạt động, tổng đài đã tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi. Tuy nhiên có rất nhiều người họ gọi đến và than thở rằng mình không thể bỏ được thuốc lá dù biết hút thuốc lá rất có hại. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên – Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những người cai nghiện xong rơi vào stress và lại tái nghiện thuốc lá.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng cai nghiện thuốc lá và cai nghiện ma túy gần giống nhau nên không phải ai cũng cai nghiện được. Cai nghiện thuốc lá tỷ lệ tái nghiện còn cao hơn cả cai nghiện ma túy.

Tiếp xúc với quá nhiều người hút thuốc, thạc sĩ Quyên tâm sự, nếu không có quyết tâm thì không thể cai được. 25 căn bệnh trên nếu chưa đủ động lực để cai nghiện thì cần phải biết nó gây ảnh hưởng tới cả những người xung quanh bởi tác hại của hút thuốc lá thụ động.

 

Đà Nẵng: Nhà thuốc không có giấy chứng nhận, bán thuốc không còn nguyên bao bì

http://infonet.vn/da-nang-nha-thuoc-khong-co-giay-chung-nhan-ban-thuoc-khong-con-nguyen-bao-bi-post223940.info

Ngày 25/3, Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, thực hiện quyết định của Giám đốc Sở, Đoàn thanh tra Sở Y tế vừa thanh tra 60 nhà thuốc, quầy thuốc tại 07 quận, huyện. Qua đó phát hiện 13 cơ sở vi phạm, phạt tiền 11 cơ sở hơn 34,3 triệu đồng; cảnh cáo 02 cơ sở!

Theo Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng, 11 cơ sở vi phạm bị phạt tiền chủ yếu do để lẫn sản phẩm không phải là thuộc cùng với thuốc (06 cơ sở); bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ (01 cơ sở); không mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật (03 cơ sở); kinh doanh thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện (01 cơ sở); kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì như hồ sơ đã được phê duyệt.

Trong số này, đáng chú ý Công ty CP Dược – Thiết bị y tế Đà Nẵng có đến 03 nhà thuốc bị xử phạt. Gồm nhà thuốc Dapharco 170 (ở 95 Hải Phòng, quận Hải Châu), nhà thuốc Dapharco 47 (ở 26 Lê Độ, quận Hải Châu) và nhà thuốc Dapharco 196 (ở 321 Hùng Vương, quận Hải Châu); bị xử phạt với cùng hành vi để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc.

Trong khi đó, nhà thuốc Tâm Đức (114 Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn) bị xử phạt cùng lúc hai hành vi vi phạm (để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc và bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ). Kể cả nhà thuốc thuộc bệnh viện tuyến trung ương là Bệnh viện C (ở 122 Hải Phòng, quận Hải Châu) cũng bị xử phạt do không mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định.

Cở sở duy nhất bị xử phạt do kinh doanh thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện là nhà thuốc Phi Long (ở 94 Âu Cơ, quận Liên Chiểu); cơ sở duy nhất bị xử phạt do kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì như hồ sơ đã được phê duyệt là nhà thuốc Nhân Đức (ở 119 Hải Phòng, quận Hải Châu). Theo Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng, đây là những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng.

Ngoài ra, qua thanh tra còn phát hiện nhiều tồn tại như sổ sách theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc ghi chép chưa đầy đủ (47 cơ sở); nhiệt ẩm kế theo dõi bảo quản thuốc chưa được kiểm tra định kỳ hành năm (28 cơ sở); sắp xếp thuốc còn lộn xộn, chưa gọn gàng (44 cơ sở); để trực tiếp các thùng thuốc trên sàn nhà (03 cơ sở); chưa có biện pháp theo dõi thuốc có hạn dùng gần (14 cơ sở); không bảo quản ở khu vực riêng và mở sổ theo dõi thông tin chi tiết khách hàng mua thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện (01 cơ sở)...

Theo Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng, qua thanh tra cho thấy, tỉ lệ vi phạm hành chính đối với các cơ sở bán lẻ thuốc tương đối cao, trong đó tỉ lệ cơ sở vi phạm chiếm 21,67% tổng số cơ sở được thanh tra; tỉ lệ cơ sở vi phạm bị phạt tiền chiếm 18,33% tổng số cơ sở được thanh tra với tổng số tiền xử phạt 34,35 triệu đồng. Đáng chú ý, hầu hết các cơ sở bán lẻ thuộc được thanh tra đều đã được Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc GPP” nhưng trong quá trình hoạt động chưa duy trì thực hiện đầy đủ nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP. Trước tình hình này, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã giao phòng Nghiệp vụ Dược, phòng Quản lý hành nghề tăng cường công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về dược hiện hành cho Hội Dược học và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; đồng thời giao phòng Nghiệp vụ Dược xây dựng kế hoạch tổ chức hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc GPP”.

 

Bệnh viện huyện ở Yên Bái mổ lấy khối u nặng 5,5kg cho bệnh nhân

http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-huyen-o-yen-bai-mo-lay-khoi-u-nang-55kg-cho-benh-nhan/437793.vnp

Bệnh viện đa khoa thuộc Trung tâm y tế huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Đinh Thị Ỉm, 62 tuổi, dân tộc Mường ở Bản Đun, xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Bác sỹ Khang Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Văn Chấn cho biết bệnh nhân Đinh Thị Ỉm nhập viện ngày 15/3, tình trạng gày yếu, đau bụng, bụng to tương đương người mang thai 8 tháng.

Qua siêu âm cho bệnh nhân, các bác sỹ phát hiện khối u kích thước rất lớn, nghi là khối u buồng trứng. Những trường hợp như thế này, bệnh nhân cần được chiếu chụp bằng các phương tiện hiện đại hơn như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI)...

Do điều kiện khó khăn nên bệnh nhân không thể đến các bệnh viện có các phương tiện hiện đại nên gia đình xin được mổ lấy khối u tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn.

Các bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn đã quyết định thực hiện ca mổ vào ngày 17/3. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u đường kính 30 cm, nặng 5,5kg đã được kíp mổ lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân.

Các bác sĩ thực hiện biện pháp điều trị tích cực nhằm phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Bác sỹ Đỗ Lâm Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này cho biết đây là ca phẫu thuật khó do khối u tồn tại đã lâu, có nguy cơ xâm lấn vào các tạng trong ổ bụng, bệnh nhân lại gầy, yếu. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân quá khó khăn, không có đủ kinh phí chuyển lên tuyến trên nên sau khi hội chẩn, tư vấn cho gia đình và bệnh nhân, các bác sỹ đã quyết định thực hiện ca mổ này ngay tại Trung tâm y tế huyện Văn Chấn...

 

Tìm ra nguyên nhân khiến hàng trăm công nhân bị ngất xỉu ở Bình Dương

http://cand.com.vn/Xa-hoi/Vu-hang-tram-cong-nhan-bi-ngat-xiu-o-Binh-Duong-Khong-phai-bi-ngo-doc-thuc-pham-434087/

Chi Cục VSATTP kết luận, nguyên nhân khiến các công nhân ngất xỉu hàng loạt không phải do ngộ độc thực phẩm...

Ngày 26-3, Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP), Sở Y tế Bình Dương đã có kết luận về vụ hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Quốc tế Samil Vina (gọi tắt là công ty Samil Vina) bị ngất xỉu hàng loạt trong hai ngày 9 và 10-3 vừa qua. Theo Chi Cục VSATTP Bình Dương: Lúc 11h30’ ngày 9-3, có 707 công nhân của công ty Samil Vina ăn bữa trưa tại bếp ăn tập thể của công ty.

Khoảng hơn 1 tiếng sau, 319 người có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt và ngất xỉu hảng loạt nên đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Đến sáng 10-3, có 650 công nhân vào công ty làm việc bình thường. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ sau, có 101 người có dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy phẫu thức ăn, mẫu bệnh phẩm và mẫu nước uống của công nhân. Căn cứ trên triệu chứng lâm sàng, diễn tiến của bệnh, kết quả điều tra dịch tễ.

Chi Cục VSATTP kết luận, nguyên nhân khiến các công nhân ngất xỉu hàng loạt không phải do ngộ độc thực phẩm. Đơn vị cung cấp thức ăn cho công ty này là Công ty TNHH Linh Tú (có địa chỉ tại KP Bình Đức 2, phường Bình Hoà, thị xã Thuận An, Bình Dương).

 

Cứu sống bệnh nhân bị đứt gân cổ

http://cand.com.vn/y-te/Benh-nhan-bi-dut-gan-co-da-duoc-cuu-song-434148/

Bệnh nhân được chẩn đoán bị rách tĩnh mạch cảnh trái, tổn thương đám rối thần kinh trái và đứt gân cơ vùng cổ trái, đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang kịp thời cứu chữa. Khoảng 6h30, ngày 25-3, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân nữ N.T.Y. (39 tuổi), quê ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt, mạch và huyết áp không đo được, vết thương vùng cổ bên trái chảy nhiều máu do bị vật sắc chém vào. Bệnh nhân đã được các y bác sỹ Phòng khám khẩn trương sơ cứu và chuyển thẳng lên phòng mổ để kịp thời cứu chữa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rách tĩnh mạch cảnh trái, tổn thương đám rối thần kinh trái và đứt gân cơ vùng cổ trái. Kíp bác sĩ Khoa Chấn thương – Chỉnh hình gồm bác sỹ Lương Toàn Thắng, Trưởng khoa và bác sỹ Trần Mạnh Hà cùng các bác sỹ Khoa Gây mê hồi sức đã nỗ lực xử trí tổn thương cho bệnh nhân. Với chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm, cùng sự tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân, chỉ trong một thời gian ngắn, ca phẫu thuật đã hoàn tất. Hiện bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch và tiếp tục được chăm sóc tại Phòng mổ của Bệnh viện.

 

Nắng nóng đầu mùa ở Sài Gòn khiến nhiều trẻ nhỏ đổ bệnh

http://phununews.vn/tin-tuc/nang-nong-dau-mua-o-sai-gon-khien-nhieu-tre-nho-do-benh-149464/

Các viện nhi mỗi ngày tiếp nhận 4.500-5.000 lượt trẻ khám; bệnh tay chân miệng, thủy đậu có xu hướng tăng nhanh trong thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết dẫn đầu trong số trẻ đến viện là các bệnh về hô hấp, chiếm khoảng 20-30%, tiếp đó là bệnh tiêu hóa. Các bệnh tay chân miệng, thủy đậu đang tăng nhanh, chuẩn bị vào mùa cao điểm.

Theo bác sĩ Hoàng, "vùng nguy hiểm" là khu vực nhiệt độ cao khiến vi trùng phát triển nhanh và mạnh. Những ngày qua nhiệt độ Sài Gòn trung bình ở mức 33-35 độ C, vi trùng có thể phát triển nhân đôi trong vòng 20 phút. Bên cạnh các khuẩn gây bệnh tiêu hóa, tiêu chảy cấp, siêu vi hô hấp trong tiết nắng nóng thì tụ cầu khuẩn Staphylococcus cũng gây bệnh lý tụ cầu, nhiễm trùng da, nhọt, nhiễm trùng huyết, các vụ ngộ độc thực phẩm... Phế cầu khuẩn S. pneumococcus cũng sinh trưởng mạnh ở 30-35 độ C, gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não...

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm tia cực tím từ mặt trời ở mức cao, gây độc hại cơ thể, làm giảm sức đề kháng, tổn thương mắt, mất nước, tăng nhịp tim, tăng chuyển hóa khiến trẻ mau mệt, mau mất sức, dễ bệnh. Nhiệt độ quá cao có thể gây sảng nhiệt, sốc nhiệt, gây tổn thương thần kinh tạm thời, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra nắng, cho uống nhiều nước, ở trong môi trường thoáng mát.

Trời nóng khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều, vi trùng phát triển mạnh trên bề mặt da. Tụ cầu khuẩn có thể gây viêm da, mẩn đỏ, trẻ ngứa ngáy khó chịu gãi dẫn đến nhiễm trùng, mụn mủ lan rộng ra. Nếu ở giai đoạn viêm mô tế bào, vùng da sưng đỏ tấy thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, tử vong nhanh. Khuẩn tụ cầu đa số kháng thuốc nên rất khó khống chế.

Phụ huynh cần chú ý vệ sinh cá nhân, môi trường, vệ sinh bàn tay bà mẹ và người chăm sóc để phòng bệnh cho trẻ. Bên cạnh việc ăn chín uống sôi, cần để ý vệ sinh bàn tay, rửa đồ chơi, không cho trẻ ngậm tay vào miệng. Trẻ đã từng bị tay chân miệng phải khử trùng đồ chơi, khử trùng nhà. Ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt gây sốt xuất huyết. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh cần đi khám sớm. Bệnh lý có thể phòng ngừa như thủy đậu, phế cầu... nên thực hiện chích ngừa.

 

12/34 ca ngộ độc rượu bị mất thị lực hoàn toàn: Vì sao rượu gây mù?

http://www.nguoiduatin.vn/1234-ca-ngo-doc-ruou-bi-mat-thi-luc-hoan-toan-vi-sao-ruou-gay-mu-a319709.html

Tại trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay có đến 12 ca ngộ độc rượu methanol bị mất thị lực hoàn toàn.

Chia sẻ về thực trạng ngộ độc rượu thời gian qua, Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên (trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong số 34 ca ngộ độc rượu methanol được xác định tại trung tâm từ đầu năm đến nay thì có đến 15 ca có tổn thương não, 12 ca mất thị lực hoàn toàn.

BS. Nguyên cho biết, trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol thì riêng tại Hà Nội chiếm đại đa số với 32 ca bệnh. Các nạn nhân đều uống quá nhiều rượu và hầu hết là uống rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nồng độ methanol trong máu của các bệnh nhân đều rất cao, từ trên 20-569mg/dl.

BS. Nguyên dẫn chứng ca ảnh hưởng thị lực rõ nhất là bệnh nhân M., người Bỉ lấy vợ tại Việt Nam. Vốn là một thầy giáo mới 35 tuổi nhưng bệnh nhân này bị mất thị lực do rượu cồn công nghiệp. Dù đã được điều trị, giải độc nhưng tác hại của cồn methanol gây tổn thương thần kinh thị giác nên bệnh nhân đã bị giảm thị lực khá nặng, nhìn kém. Tại trung tâm Chống độc, anh M. được xác định ngộ độc methanol mức độ nặng. Nồng độ methanol trong máu lên tới 77mg/dl, trong khi thông thường ở ngưỡng 20mg/dl đã đe doạ tổn thương thần kinh. Hiện, anh M. được chuyển sang khoa Mắt để tiếp tục điều trị và theo dõi. Điều đáng buồn, anh M. vẫn chưa có phản xạ với ánh sáng ngay cả khi soi thẳng đèn pin vào mắt. Trước hàng loạt những vụ ngộ độc, các bác sĩ cảnh báo, hầu hết các bệnh nhân ngộ độc methanol đều nhập viện trễ, việc cứu chữa hết sức hạn chế. Nguy hiểm nhất là tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng...

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, khi bị ngộ độc methanol, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: Chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn ói và có các biểu hiện thần kinh như: Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, hôn mê, co giật. Kèm theo đó là các triệu chứng về mắt như: Nhìn không rõ, không phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng, giãn đồng tử…

“Chỉ cần 10ml methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% là methanol. Ngoài ra bạn có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới tử vong nếu uống và chỉ đưa 30ml dung dịch methanol nồng độ 40% vào cơ thể”, một chuyên gia cảnh báo. Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt.

Đối với mắt khi bị ngộ độc methanol lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy được khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

 

Bệnh gan nhiễm mỡ và những điều cần biết

http://www.nguoiduatin.vn/benh-gan-nhiem-mo-va-nhung-dieu-can-biet-a319864.html

Có khoảng 20-30% người Việt mắc bệnh gan nhiễm mỡ, thậm chí có cả trẻ nhỏ. Vì vậy, mọi người cần lưu ý những điều dưới đây. Các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm cảnh báo, gan nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Căn bệnh này đã trở thành vấn đề về sức khỏe đáng báo động. Bệnh thường gặp ở những người trưởng thành, người mắc một số bệnh mạn tính và thậm chí trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc bệnh. Lý giải cho hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, do điều kiện sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi rất nhiều, từ đó tỉ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tăng lên và hiện đã đạt con số tương đối cao.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, ước tính khoảng 20-30% người dân Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Có một quan điểm sai lầm đó là người dân thường quan tâm nhiều tới các căn bệnh gây tổn thương gan như viêm gan B, C mà ít để ý đến một căn bệnh cũng gây tổn thương tế bào gan, làm tăng men gan như gan nhiễm mỡ.

Các bác sĩ khuyến cáo, gan là bộ phận quan trọng nhất giúp loại bỏ độc tố của cơ thể. Lối sống ảnh hưởng rất nhiều tới căn bệnh gan nhiễm mỡ. Thói quen ăn quá nhiều chất, đặc biệt là chất béo, ăn các đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn cũng tiềm tàng nguy cơ làm gan bị tích mỡ.

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này với 80% số người béo phì có gan nhiễm mỡ. Ngay cả trẻ em, nếu thừa cân, béo phì cũng rất dễ mắc bệnh, trong khi trước đây bệnh này thường xảy ra với những người trưởng thành. Vì vậy, mỗi người cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không để cân nặng ngoài tầm kiểm soát. Việc uống nhiều rượu bia rất có hại cho gan. Đây là con đường ngắn nhất dẫn tới tổn thương tế bào gan. Thông thường, những người nghiện rượu thường có mức độ gan thoái hóa mỡ rất nặng, thường là độ 3 hoặc độ 4. Nếu không muốn mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tốt nhất bạn nên từ bỏ rượu bia.

Ngoài ra, chúng ta nên tăng cường rau xanh, hoa quả trong bữa ăn hàng ngày để phòng chống bệnh này. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ càng cao. Những bệnh nhân viêm gan virus C type 2 hoặc 3 cần theo dõi, siêu âm và kiểm tra định kỳ chức năng gan bởi những bệnh nhân này thường mắc kèm thêm bệnh gan nhiễm mỡ.

 

Đẫm nước mắt với cô bé 19 tuổi, hiến tạng mẹ cứu 4 người

http://suckhoedoisong.vn/dam-nuoc-mat-voi-co-be-19-tuoi-hien-tang-me-cuu-4-nguoi-n129611.html

“Em xem clip thấy hiến tạng, ghép tạng. Một người hiến tạng cứu sống 7, 8 người. Công nghệ này khó mà Việt Nam làm được rồi.

“Em xem clip thấy hiến tạng, ghép tạng. Một người hiến tạng cứu sống 7, 8 người. Công nghệ này khó mà Việt Nam làm được rồi. Nhưng lấy tạng đâu mà ghép. Mà có tạng có nhiều người lại không có tiền. Mẹ em, tai nạn quá nặng đã không thể sống để che chở cho 3 chị em. Em quyết định hiến tạng mẹ cứu người. Em nghĩ mẹ cũng đồng ý”, người nghe đẫm nước mắt, riêng em - cô bé 19 tuổi, giọng lại rắn rỏi, can trường.  “Khi sống, dẫu khó khăn nhưng mẹ rất hay giúp đỡ người khác. Mẹ vẫn từng nói, chết rồi cũng về với cát bụi. Mẹ không thể sống với tụi em được nữa rồi. Hiến tạng mẹ sẽ cứu được nhiều người, sẽ có nhiều người không phải chịu nỗi đau mất người thân”, em kể mà không khóc. Nhưng đôi tay em lại run lên, lạnh ngắt.

19 tuổi mà em nhỏ thó, ôm em vào lòng ngỡ em ở tuổi 13. Vậy mà quyết định hiến tạng mẹ cứu người của em lại mạnh mẽ, quyết đoán đến không ngờ. “Ngồi chờ được vào thăm mẹ ở phòng hồi sức cấp cứu, em xem được đoạn phim nói về hiến tạng. Một người hiến tạng cứu sống 7, 8 người. Công nghệ này mới mà Việt Nam làm được rồi. Nhưng lấy tạng đâu mà ghép. Rồi có tạng lại có nhiều người không có tiền. Nên khi được bác sĩ thông báo tim mẹ vẫn còn đập nhưng não đã chết, không thể cứu được thì em quyết định dùng tạng mẹ để cứu người”. Với suy nghĩ, quyết định của em ít ai nghĩ em là một cô bé làm công nhân mới học hết lớp 12 đã phải đi làm để phụ mẹ nuôi 2 em nhỏ. TTƯT.TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy kể lại câu chuyện mà không giấu được sự ngỡ ngàng “5 giờ sáng nhận được tin nhắn thông báo có người hiến tạng từ bác sĩ trực cấp cứu. Tôi tức tốc chạy vào Viện. Nhìn vào bản đồng ý hiến tạng. Tôi băn khoăn quá. Đây là người nhà đồng ý hiến tạng người thân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Có khi nào do nỗi đau mất mẹ quá lớn nên em đi đến quyết định khi chưa kịp suy nghĩ?”. Sau khi gặp, trò chuyện với cô gái mọi nghi ngại của TS. Thu tan biến. Em suy nghĩ kỹ, quyết định theo sự hiểu biết và cũng muốn làm theo cách mẹ khi còn sống vẫn làm: giúp đỡ người khác. Không chỉ có em - cô gái 19 tuổi, mà em gái em 17 tuổi cùng với người thân cũng cùng chung quyết định.

Hiến tạng mẹ cứu người là món quà vô giá nên tất cả các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi tham gia vào ca hiến, ghép đều với một quyết tâm: không được phép để xảy ra bất kỳ một sơ suất nào.

“Đây là một ca hiến ghép có quá nhiều điều đặc biệt chưa từng xảy ra. Tất cả các ê kíp đều làm việc trong không khí khẩn cấp nhưng vẫn gắn kết như một gia đình”, TS. Dư Thị Ngọc Thu xúc động nói. TS. Thu kể lại, ngay khi nhận được sự đồng ý hiến tạng của cô gái nhỏ, Giám đốc đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp. Tất cả mọi người họp và làm việc ngay tại chỗ. Người mẹ chết não, có vấn đề về tim, sợ tim có thể ngừng đập bất cứ lúc nào nên bác sĩ hồi sức ngoại thần kinh phải sử dụng vận mạch gấp đôi liều cao nhất để giữ cho tim đập đến lúc tìm được người ghép. “Cùng lúc đó, kíp khác lại lo làm các xét nghiệm, kíp khác nữa lại thay phiên nhau căng thẳng theo dõi màn hình monitor để nắm chỉ số sinh hiệu bệnh nhân. Sự tập trung cao độ thể hiện rõ trên từng khuôn mặt và trên từng bước chân của mỗi y bác sĩ. Thức thâu đêm và ai cũng chỉ có một mong muốn duy nhất, sự sống lại hồi sinh từ món quà thiêng liêng của người mẹ”, giọng BS.Thu  nghẹn ngào.

Bệnh nhân ghép thận đã có sẵn trong danh sách chờ ghép. Riêng gan chỉ có 2 trường hợp ở TP.HCM và Kiên Giang trong danh sách chờ ghép là phù hợp. Trường hợp ở TP.HCM đã có lịch ghép gan từ người cho là con trai nên bệnh nhân ở Kiên Giang được ưu tiên ghép trước. Bệnh viện Chợ Rẫy ngay lập tức liên hệ nhờ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nhanh chóng hỗ trợ xe cấp cứu đưa bệnh nhân từ Kiên Giang lên TP.HCM ngay trong đêm để kịp ghép. Quyết định là vậy nhưng phương án hai cũng được các bác sĩ tính tới: “nếu tình hình người hiến nguy cấp, không để đợi xe đưa bệnh nhân từ Kiên Giang đến Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thì sẽ tiến hành ghép gan cho bệnh nhân tại TP.HCM”.

Sự nỗ lực cố gắng hết sức của các bác sĩ hồi sức đã giữ được nhịp tim của người mẹ cho đến lúc bệnh nhân từ Kiên Giang lên tới Chợ Rẫy. Nhưng khi nghe bác sĩ giải thích do tình hình khẩn cấp ca ghép sẽ do các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện mà không có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc bệnh nhân đã từ chối. Bệnh nhân tại TP.HCM đã được tiến hành ghép lá gan. Các y bác sĩ làm việc thâu đêm suốt sáng, các phòng mổ hoạt động hết công suất và thành quả là đã ghép thành công hai quả thận và lá gan cho 3 bệnh nhân. Ba bệnh nhân thập tử nhất sinh đã tìm thấy sự sống từ tạng hiến người mẹ của 3 đứa con côi cút.

Vơi bớt nỗi đau

Cha đã ly hôn với mẹ từ lâu và cũng đã có gia đình mới. Mẹ không còn, chị cả 19 tuổi, em thứ hai 17 tuổi và em út 17 tháng tuổi côi cút, bơ vơ. Gia cảnh nghèo khó nên các em nhỏ hơn tuổi nhiều lắm. Không ai cầm được nước mắt khi bên trong nhà tang lễ bệnh viện, hủ hài cốt mẹ khói hương nghi ngút, bên ngoài bệnh viện hai người chị mặt còn thất thần với nỗi đau mất mẹ đang dắt em nhỏ vào bệnh viện kiểm tra chấn thương. Tiếng khóc của đứa em út 17 tháng lại như xé lòng người chứng kiến. Không biết em đau do chấn thương hay sự thiếu vắng hơi ấm của mẹ làm đứa trẻ khóc ngất.

Rồi nỗi đau cũng dần vơi bớt nhờ sự tận tâm, chu toàn, những cử chỉ đầy tình yêu thương của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Người mẹ bị tai nạn khi đang bế em út đi ngang đường. Người đi xe máy húc thẳng vào người khiến đứa em văng xa có vết trầy xước phía sau đầu. Sau khi cùng gia đình đưa thi thể người mẹ đi khâm liệm rồi hỏa thiêu. Các y bác sĩ lại lo chăm sóc, kiểm tra chấn thương cho người em út. Em bị chấn thương đầu nên phải chụp CT, 17 tháng tuổi em đâu chịu nằm im trên máy, chích thuốc mê chỉ là phương án sau cùng. “Con có nhớ thường ở nhà em ngủ mấy giờ không? Làm sao cho em dễ ngủ? Chú hỏi để biết cách dụ em ngủ để các bác sĩ chụp CT. Như vậy sẽ không phải chích thuốc mê cho em. Vì chích thuốc mê không tốt cho em con à”, đứng nghe cuộc nói chuyện của Ths.Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy với 2 người chị trong khuôn viên bệnh viện mới thấy ở nơi đây tình người luôn hiện hữu. Sau khi hỏi thăm, thấy xung quanh người chật kín như nêm Ths. Lê Minh Hiển đã tìm nơi yên tĩnh để có thể ru em bé ngủ và tiến hành chụp CT. “Chỉ đạo xuyên suốt của Ban Giám đốc Bệnh viện từ trước tới nay là cứu bệnh nhân trước, viện phí tính sau. Đối với những bệnh nhân khó khăn, Bệnh viện phải có sự quan tâm đặc biệt. Riêng với trường hợp của các em, lãnh đạo bệnh viện đã vô cùng xúc động và yêu cầu phải lo chu đáo nhất cho người mẹ. Đồng thời cũng phải tận tình chăm sóc, hỗ trợ các em”, Ths. Lê Minh Hiển chia sẻ.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã miễn viện phí, hỗ trợ chi phí và xe đưa người mẹ về quê an nghỉ. Bệnh viện cũng muốn giúp đỡ thêm cho các em nhưng cô gái nhỏ đã từ chối. Cô gái nhỏ can trường, ai cũng nhìn thấy đằng sau sự rắn rỏi là cả một nỗi đau nén chặt trong lòng. Chắc mẹ sẽ an lòng, vì em, cô gái 19 tuổi nhưng đã dũng cảm ký đơn hiến tạng mẹ giúp 4 người hồi sinh!

 

Phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/phau-thuat-duc-thuy-tinh-the-mien-phi-361623

Ngày 25/3, Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Mắt Quảng Nam tổ chức chương trình “Vòng tay lớn”- Phẫu thuật mắt cho người nghèo bị đục thủy tinh thể trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm mang lại đôi mắt sáng khỏe cho những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Trong 3 ngày (từ 23 đến 25/3) đã có gần 70 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể được phẫu thuật  miễn phí tại Trung tâm Mắt tỉnh Quảng Nam.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang