Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 27/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Tự chủ bệnh viện công - Người cười nụ, kẻ khóc thầm; Mở rộng dịch vụ chăm sóc người già; Bí thư Thăng truy giám đốc Sở Y tế TP.HCM vụ xây dựng BV Củ chi; Hai bệnh nhân viêm phổi nặng, một mắc cúm A/H1N1, một chưa rõ nguyên nhân....

Tự chủ bệnh viện công - Người cười nụ, kẻ khóc thầm

Làm việc với ngành y tế TP mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tự chủ hoàn toàn tại các bệnh viện công lập, giao quyền và trách nhiệm tối đa. Tuy nhiên trong thực tế, thực hiện tự chủ có bệnh viện sống được nhưng cũng có bệnh viện… khó sống!

Bệnh viện quận tự chủ “sống khỏe”

Mới 6 giờ sáng nhưng khuôn viên Bệnh viện quận Bình Thạnh TPHCM đã chật cứng người bệnh. Tất cả các bộ phận tư vấn, tiếp nhận người bệnh đều được đặt ra ngoài hành lang để tiện cho bệnh nhân tiếp xúc. Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, bệnh nhân đến khám tăng lên có lúc 3.000 lượt/ngày (năm 2014 và 2015 dao động từ 2.000 - 2.500 lượt bệnh/ngày). Theo BS Quí thì đa số bệnh nhân có bảo hiểm y tế (chiếm 85%) với khoảng 260.000 thẻ. “Từ lúc tự chủ hoàn toàn đến nay thì lượng bệnh nhân tăng lên thấy rõ.

Các công việc điều hành cũng được sắp xếp lại trôi chảy”, BS Quí phấn khởi cho biết. Là một trong những bệnh viện cấp quận hạng 2 thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ đầu năm 2015, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút và làm hài lòng người bệnh. Bệnh viện đã áp dụng quy trình khám chữa bệnh một chiều từ tiếp nhận, xét nghiệm, lãnh thuốc… tại chỗ, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. “Ngoài chuyên môn kỹ thuật được nâng lên, bệnh viện nêu cao thái độ phục vụ, hướng tới làm hài lòng người bệnh”, BS Quí nói. Điều đáng nói, qua tự chủ tài chính, Bệnh viện quận Bình Thạnh vẫn đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ, y bác sĩ, có tích lũy. “Từ nguồn tích lũy, bệnh viện đang xây thêm khu dịch vụ kỹ thuật cao và sắp đưa vào sử dụng, đáp ứng hơn nhu cầu của người bệnh”, BS Quí cho biết.

Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay đã có 7 bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính, 43 bệnh viện tự chủ một phần, 3 bệnh viện phải “uống sữa” bao cấp. Những bệnh viện tự chủ được áp dụng theo Nghị định 43/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Nghị định 43 là giá thu chưa được tính đủ chi phí, mặc dù là đơn vị tự chủ hoàn toàn (không nhận ngân sách nhà nước) nhưng trong giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí) của các bệnh viện này chưa được kết cấu hai chi phí quan trọng là chi phí tiền lương và khấu hao tài sản. Do đó, trong một thời gian dài, bệnh viện không có nguồn thu để tái đầu tư, phải xã hội hóa trang thiết bị, phải tổ chức hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu để có nguồn tài chính bù đắp. Từ đó, bắt đầu nảy sinh tình trạng tự tung tự tác, lạm dụng dịch vụ tràn lan. Hầu hết các bệnh viện công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc…

Không tự chủ được thì… chết

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên bệnh viện công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. “Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; nếu không, người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng, coi như bệnh viện tự chết!”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhìn nhận. Theo quyết định của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2016, giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Y tế), giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện.

Do đó, bệnh viện không thu hút được người bệnh thì BHXH cũng không ký hợp đồng. Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực kể từ 6-4-2015 cũng chỉ rõ mục tiêu hướng tới là các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao. Thực tế, với việc Bộ Y tế liên tục điều chỉnh viện phí tăng lên và tiến tới thu đúng, thu đủ, việc các bệnh viện công phải tự chủ tài chính là tất nhiên. Thế nhưng, hiện vẫn còn phần lớn các bệnh viện yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh nên khả năng tự chủ gặp rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo một bệnh viện quận thì bệnh viện vẫn đang là hạng 3, yếu kém về mọi mặt nên rất khó tạo được nguồn thu! “Bảo hiểm y tế đã liên thông thì bệnh nhân cứ chọn bệnh viện tốt mà vào. Đương nhiên, các bệnh viện yếu kém thì càng yếu kém”, giám đốc một bệnh viện quận ngậm ngùi…

Mới đây, tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh, các đơn vị y tế công lập phải tiến tới tự chủ hoàn toàn. Thậm chí được giao quyền tự chủ trong tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đào tạo… nhằm nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lộ trình của Bộ Y tế là đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý và cả khấu hao tài sản. Từ đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định một mức giá chung đối với mỗi loại dịch vụ y tế, áp dụng chung cho hệ thống tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc. Vì vậy, việc các bệnh viện phải tự chủ hoàn toàn là tất yếu!

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/4/419224/

Mở rộng dịch vụ chăm sóc người già

TPHCM có khoảng 500.000 người già. Tốc độ già hóa dân số của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra mạnh. Trong khi đó, kết quả khảo sát của các chuyên gia cho thấy, 90% phụ nữ lấy chồng không muốn ở cùng cha mẹ chồng và con cái, họ có thể chu cấp chứ không muốn sống chung với cha mẹ. TPHCM sẽ làm gì để người già được chăm sóc tốt hơn?

Phát triển dịch vụ dưỡng lão

Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Sở LĐTB-XH TPHCM) đang chăm sóc 134 người già. Trong đó, có 57 người thuộc diện chính sách có công, được chăm sóc miễn phí. Ngoài ra, Sở LĐTB-XH TPHCM còn có 2 cơ sở là Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, chăm sóc tổng cộng 594 người già theo diện bảo trợ (miễn phí). Hai cơ sở này không có dịch vụ chăm sóc người già có thu phí. Toàn TPHCM chỉ có một cơ sở công lập có dịch vụ này là Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc trung tâm, cho biết nhu cầu gửi người già vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè rất nhiều, nhưng trung tâm không thể đáp ứng hết, cơ sở vật chất và nhân lực không cho phép. Đến nay, chỉ có 77 người được trung tâm cung cấp dịch vụ này với mức giá khoảng 2,7 triệu đồng/người/tháng. Các cụ được sử dụng dịch vụ cũng ưu tiên là thân nhân người có công, cha mẹ công nhân viên chức chứ chưa thể đáp ứng đông đảo nhu cầu của các gia đình.

Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH, nhu cầu gửi người già vào các cơ sở dưỡng lão ở thành phố hiện nay rất nhiều. Các gia đình thường là hoàn cảnh con cái đi làm liên tục, trong khi cha mẹ lớn tuổi, chưa có điều kiện chăm sóc tốt. Bản thân nhiều cụ cũng muốn vào viện dưỡng lão để được chăm sóc và bầu bạn với người cùng tuổi. TPHCM cũng luôn mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các viện dưỡng lão nhưng số cơ sở có dịch vụ chăm sóc người già vẫn còn quá ít. Trong khi dịch vụ chăm sóc người già có thu phí do nhà nước cung cấp mới phục vụ được 77 người thì đến nay, thành phố cũng có hơn 130 người già sử dụng dịch vụ chăm sóc của 3 cơ sở dưỡng lão tư nhân. Trong đó, cơ sở bảo trợ xã hội Phước Ân (quận Bình Tân) đang chăm sóc 30 người; chi phí khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Công ty cổ phần Đầu tư an dưỡng Bình Mỹ (huyện Củ Chi) đang chăm sóc khoảng 100 người với nhiều loại mức giá khác nhau, từ 3 đến 5 và 10 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, cơ sở Nghỉ dưỡng thôn Kinh Đông lại hướng đến đối tượng khá giả hơn, dịch vụ ở đây có giá 15 - 25 triệu đồng/người/tháng.

Nên chăm sóc bán trú, theo giờ

Theo ông Lê Chu Giang, người già được chăm sóc tại cộng đồng bao giờ cũng tốt hơn là vào trung tâm dưỡng lão. Bởi ở môi trường cộng đồng, mối quan hệ xã hội của người già rộng, các cụ sẽ duy trì các hoạt động thường xuyên, cuộc sống đầy đủ hơn về văn hóa tinh thần. Hiện nay, các trung tâm dưỡng lão nhà nước và tư nhân cũng có đầy đủ các dịch vụ nhưng môi trường giao tiếp trong trung tâm hạn hẹp hơn rất nhiều so với cộng đồng. Sở LĐTB-XH cho biết thành phố đang kết hợp cả hai hướng: vừa phát triển các cơ sở dưỡng lão, vừa đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người già tại cộng đồng.

Tín hiệu tích cực nhất, từ tháng 4-2016, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM phối hợp cùng 3 trung tâm bảo trợ xã hội tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội. Vào những ngày cuối tuần, các tình nguyện viên sẽ đến dạy hát karaoke, tập thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, Dưỡng lão Thị Nghè. Ông Trần Bá Cường, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên, cho biết các tình nguyện viên đến các trung tâm thực hiện các hoạt động trên nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Đây là mô hình đã phát triển ở các nước trên thế giới song là lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và TPHCM là nơi đầu tiên mở dịch vụ này. Thời gian đầu, mô hình sẽ thực hiện tại 2 trung tâm bảo trợ xã hội có chăm sóc người già như trên và 1 trung tâm trẻ em. Nếu nhận được sự tham gia góp sức của đông đảo tình nguyện viên, mô hình sẽ triển khai rộng tại các trung tâm bảo trợ xã hội và tiến tới hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội đối với người già, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt sinh sống ở cộng đồng. Điều khó khăn cần chia sẻ nhất hiện nay, theo ông Trần Bá Cường, để phát triển mô hình này, trung tâm rất cần sự góp sức của nhiều tình nguyện viên.

Cùng với hình thành mạng lưới tình nguyện viên, ông Lê Chu Giang cho rằng, các trung tâm dưỡng lão cũng nên có thêm hình thức bán trú (sáng gửi, chiều đón về) và mở rộng các hoạt động chăm sóc tại gia đình, tại cộng đồng như dịch vụ tư vấn, trò chuyện, chăm sóc y tế hay trông người già theo giờ... “Hiện nay, các cơ sở mới có dịch vụ chăm sóc nội trú với giá thành nhìn chung còn cao, chưa thu hút được nhiều người sử dụng thì các cơ sở nên linh hoạt trong khai thác các dịch vụ, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Sở LĐTB-XH TPHCM cũng nhận thấy người già đang rất cần dịch vụ chăm sóc bán trú và chăm sóc theo giờ”, ông Lê Chu Giang gợi ý.

Trên địa bàn thành phố hiện nay có 14 cơ sở chăm sóc người cao tuổi: 3 cơ sở do Nhà nước thành lập, 3 cơ sở tư nhân thành lập có thu phí. Ngoài ra, còn có 8 cơ sở do tổ chức, cá nhân, cơ sở tôn giáo mở, đang chăm sóc 453 người già (không thu phí), chủ yếu thuộc diện neo đơn, khuyết tật…

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/4/419218/

Bí thư Thăng truy giám đốc Sở Y tế TP.HCM vụ xây dựng BV Củ chi

Sáng 26-4,  Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã truy giám đốc Sở Y tế TP.HCM khi chứng kiến Bệnh viện Củ Chi đã xây xong nhưng nhiều phòng không đón được bệnh nhân vì chưa có thiết bị y tế.

Bệnh viện Củ Chi vừa xây tại xã An Nhơn Tây với quy mô 300 giường, khánh thành tháng 1-2016 nhưng cho đến nay gói thiết bị y tế trị giá 110 tỉ chỉ mới chuẩn bị đấu thầu. Bệnh viện cần 60 bác sĩ nhưng chỉ có 14 bác sĩ. Đi dọc một số hành lang, phòng ốc vừa mới xây nhưng trống vắng bệnh nhân vì chưa có thiết bị y tế, ông Đinh La Thăng thốt lên: “Quá lãng phí!”.

Báo cáo với Bí thư Thành ủy, chủ tịch huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết sớm nhất đến tháng 8-2016 mới có thiết bị.

Lý do chậm trễ là trước đây quyền đấu thầu thiết bị y tế do Sở y tế nắm. Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, quyền này được giao về lại cho các bệnh viện huyện và mới bắt đầu lập hồ sơ đấu thầu từ tháng 3-2016.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh lý giải thêm việc mở thầu chậm trễ là do chưa xây dựng được cấu hình thiết bị riêng cho Bệnh viện Củ Chi.

Ông Đinh La Thăng hỏi ông Nguyễn Tấn Bỉnh: “TP.HCM có bao nhiêu bệnh viện có 300 giường?”. Ông Bỉnh đáp: “Thưa 31 bệnh viện. Sở y tế cũng có hỗ trợ để xây dựng cấu hình nhưng chưa kịp”.

Bí thư Thành ủy truy vấn: “Vậy tại sao các anh không lấy cấu hình của các bệnh viện tương tự, chỉnh sửa thêm cho phù hợp? Anh làm chậm mà còn đổ cho cấp dưới là sao? Vai trò của anh ở đâu? Anh đừng nói hỗ trợ mà trách nhiệm của các anh là phải làm”.

Tiếp tục truy vấn, ông Đinh La Thăng cho rằng trước đây Sở Y tế nắm đấu thầu, như vậy thì đã có hồ sơ rồi, tại sao bây giờ xây dựng xong rồi mà vẫn làm lại hồ sơ mời thầu thiết bị? Ông cho rằng Sở Y tế chỉ lo đối phó, giám đốc Sở Y tế phải xem lại. Bí thư Thành ủy nói dân Củ Chi, rồi dân vùng giáp ranh ở Bình Dương, Tây Ninh đang cần bệnh viện tại An Nhơn Tây nhưng người có trách nhiệm thì lại đùn đẩy. Thành ủy yêu cầu kiểm tra làm rõ trách nhiệm nhưng không kiểm tra báo cáo gì.

 “Tôi nói các anh, có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Chậm là vì các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của giám đốc Sở Y tế. Anh kiểm điểm xem, anh có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không? Vừa chăm sóc sức khỏe cho dân vừa lo đầu tư cơ sở vật chất. Anh có làm được không?” - Bí thư Đinh La Thăng hỏi giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

Ông Đinh La Thăng yêu cầu Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ Đảng viên liên quan đến việc đầu tư xây dựng bệnh viện Củ chi, dẫn đến chậm vận hành, chậm phục vụ dân; chậm nhất 15-5 phải báo cáo Thường trực thành ủy, UBND TP và phải xác định trách nhiệm, phải xử lý người có liên quan. Từ lãnh đạo Sở y tế đến các cơ quan có liên quan ai chậm đều  phải xử lý.

“Không thể trách nhiệm chung chung, không có chuyện trên đổ dưới, dưới đổ trên, chỉ có dân là thiệt, tiền thì bỏ ra rồi” - Bí thư Thành ủy nói.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160426/bi-thu-thang-truy-giam-doc-so-y-te-vu-xay-dung-bv-cu-chi/1090918.html

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-dinh-la-thang-truy-trach-nhiem-giam-doc-so-y-te-tp-hcm-3393792.html

Phát hiện ca nhiễm cúm A H1N1 đầu tiên trong năm 2016

Bệnh nhân sốt cao 5 ngày, đau nhức toàn thân, khó thở, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp. Kết quả chẩn đoán dương tính với cúm A H1N1…

 Bệnh viện Q.Thủ Đức vừa cho biết trên địa bàn vừa có một ca bệnh đương tính với cúm A H1N1. Cụ thể, bệnh nhân là anh Nguyễn Đức L. (sinh năm 1958, ngụ P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp do đã sốt cao 5 này, lạnh run, đau nhức toàn thân, tiêu chảy, ho đàm vàng, khó thở ngày càng tăng…

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp X Quang phổi phát hiện tổn thương lan tỏa 2 bên (phải nhiều hơn trái), chẩn đoán vào viện là bị viêm phổi nặng chưa rõ tác nhân, chẩn đoán chuyên viện là cúm A H1N1 pdm 2009 bội nhiễm.

Bệnh nhân sau khi nhập viện được điều trị kháng sinh, hỗ trợ hô hấp và điều trị triệu chứng. Đến ngày 23.4 thì có kết quả PCR cúm dương tính.

Sau khi có kết quả dương tính với cúm A H1N1, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt Đới để tiếp tục điều trị. Hiện tại, bệnh nhân L. đã tỉnh, tình trạng suy hô hấp đã được cải thiện.

http://danviet.vn/tin-tuc/phat-hien-ca-nhiem-cum-a-h1n1-dau-tien-trong-nam-2016-676356.html

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/xuat-hien-ca-mac-cum-ah1n1-o-tphcm-997329.tpo

Hai bệnh nhân viêm phổi nặng, một mắc cúm A/H1N1, một chưa rõ nguyên nhân

Ngày 26-4, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết nơi này đã tiếp nhận bệnh nhân NĐL (58 tuổi, quận Thủ Đức) trong tình trạng sốt cao, lạnh run, đau nhức toàn thân, tiêu chảy, ho đàm vàng, vào bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp.

Kết quả xét nghiệm, hội chẩn với BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM khẳng định bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1, viêm phổi nặng. Bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị từ ngày 23-4.

Cùng ngày, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), cho biết sức khỏe bệnh nhân L. đã ổn định và chuẩn bị xuất viện. Cũng theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sáng 26-4, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm phổi nặng do BV quận Thủ Đức chuyển đến. Bệnh nhân bị viêm phổi chưa rõ nguyên nhân nhưng không có yếu tố dịch tễ để nghi ngờ mắc cúm gia cầm. Bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu người lớn và đang chờ kết quả xét nghiệm vi sinh.

http://plo.vn/suc-khoe/hai-benh-nhan-viem-phoi-nang-mot-mac-cum-a-h1n1-mot-chua-ro-nguyen-nhan-625639.html

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-nhan-tp-hcm-dau-tien-nhiem-cum-h1n1-3393662.html

Thờ ơ với dịch sốt xuất huyết

Mặc dù Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã tăng cường chiến dịch truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng theo tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 22-4 cho biết, một bộ phận chính quyền cơ sở cũng như người dân vẫn còn thờ ơ!

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số người mắc bệnh SXH trên địa bàn thành phố đã tăng tới 88% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, môi trường, cơ quan giám sát dịch bệnh thừa nhận có sự thờ ơ trong công tác phòng bệnh ở cả cấp chính quyền và người dân. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố có 6.116 ca mắc SXH phải nhập viện điều trị (1 trường hợp tử vong). Tính riêng trong tháng 3, trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 250 ca SXH được ghi nhận. Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, nguyên nhân khiến SXH ở mức cao như hiện nay là do đỉnh dịch của năm 2015 đến trễ. Bệnh SXH đang bước vào giai đoạn cuối mùa dịch, số ca bệnh giảm đều ở các quận huyện, các ổ dịch được khống chế… Tại khu vực các tỉnh, thành phía Nam, bệnh SXH diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, theo phân tích của những nhà chuyên môn thì loại bệnh này thường gia tăng mạnh vào mùa mưa. Nhưng thực tế thì trong giai đoạn mùa khô của năm 2015 bệnh đã bùng phát, kịch bản tương tự lại tiếp tục diễn ra trong 3 tháng đầu của năm 2016.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, SXH khó kiểm soát trong những năm qua là do sự tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện môi trường bị ô nhiễm trong quá trình đô thị hóa, tình trạng di dân. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự gia tăng muỗi truyền bệnh, gia tăng số người mắc bệnh không thể không nói đến yếu tố con người. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chỉ ra, thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại một số địa phương có sự thờ ơ, buông lỏng, người đảm nhận nhiệm vụ phòng dịch bệnh chưa đi sâu, bám sát thực tế địa bàn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt gần như không được quan tâm. Các nguyên nhân trên đã tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển trên diện rộng. Ngành y tế và chính quyền địa phương đã bước đầu áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với các công trình xây dựng, hộ gia đình để xảy ra tình trạng vật liệu phế thải chứa nước làm nơi sinh sôi phát triển của muỗi. Tuy nhiên, hình thức xử phạt mới chỉ mang tính chất răn đe và chưa phổ biến, nên các điểm sai phạm vẫn tái phạm. Cán bộ y tế dự phòng đến khảo sát tại các hộ gia đình, khi phát hiện muỗi, lăng quăng, đa phần là… năn nỉ người dân tăng cường các giải pháp phòng chống!

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/4/419217/

Nghỉ làm đưa con đi chữa bệnh do nắng nóng

Do nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày qua tại TP. HCM và các địa phương lân cận đã khiến trẻ em nhập viện điều trị tăng không ngừng. Các ông bố bà mẹ cũng vì con bệnh nặng mà nghỉ làm để đưa con đi chữa trị.

Có mặt tại nơi tiếp nhận, bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM, PV ghi nhận bệnh nhi đến khám và phòng chờ khám về bệnh tiêu hóa, tay chân miệng rất đông. Trong đó, trẻ sơ sinh vài tháng tuổi đến 4-5 tuổi chiếm đông nhất, được các bậc cha mẹ bồng bế trên tay, che khăn chống nắng hay áo khoác để mát cho con.

Đặc biệt, không chỉ có các trường hợp phụ huynh cư trú trên địa bàn TP. HCM mà còn có nhiều tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... đưa con đến chữa trị.

Chị Thụy Miên (36 tuổi, làm công nhân tại Bình Dương) cho biết, con chị được 3 tuổi, điều kiện ở nhà trọ không được tốt, lại do thời tiết nắng nóng nhiều ngày qua nên khiến bé lên cơn sốt, nóng mê man. Nghĩ con bị cảm nắng nên hai vợ chồng ra hiệu thuốc mua cho con uống nhưng 2 ngày vẫn không khỏe lại. Thấy con ho khò khè, ăn rất ít mà sờ vào người lại thấy khô như mất nước nên hai vợ chồng xin nghỉ làm đưa con lên bệnh viện Nhi đồng 1 khám.

Không chỉ có con chị Miên, anh Thuê (34 tuổi, ngụ tại quận 1, TP. HCM) cũng đưa con đến khám trong tình trạng tương tự là người sốt, sổ mũi, biếng ăn, đi ngoài lỏng lại ho.

“Con bị đau đã 2 ngày, tôi xin nghỉ làm để đưa con đi khám bệnh chứ uống thuốc mua ngoài không thấy khỏi mà sợ con lại bệnh nặng hơn”, anh Thuê nói.

Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa khám bệnh - bệnh viện Nhi đồng 1, đó là một trong nhiều trường hợp trẻ bị bệnh do thời tiết nắng nóng. Khoa khám bệnh tiếp nhận khám và chữa trị trong tuần qua mỗi ngày 5.000 đến 6.000 bệnh nhi, cao điểm đến hơn 7.000 bệnh nhi bị bệnh về tiêu hóa, hô hấp và tay, chân, miệng trong mùa nắng.

http://eva.vn/tin-tuc/nghi-lam-dua-con-di-chua-benh-do-nang-nong-c73a264871.html

Người Việt phải chi trên 54% phí y tế từ tiền túi

Đây là kết quả nghiên cứu về gánh nặng chi phí y tế tại VN từ 1992-2014 của nhóm tác giả thuộc ĐH Y tế công cộng Hà Nội và Tổ chức Y tế thế giới tại VN, được công bố ngày 25-4.

Theo đó, chi phí y tế từ tiền túi người dân ở VN là trên 54% tổng chi phí, cao hơn trên 3 lần so với mức chi tương tự toàn cầu (gần 18%) và cao hơn so với các nước có mức thu nhập trung bình thấp tương tự VN (trên 52%).

Trong số 7 nước Đông Nam Á có thống kê, VN đứng thứ 3 về mức chi từ tiền túi người dân cho y tế, chỉ thấp hơn Lào, Campuchia và cao hơn nhiều so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Cũng theo báo cáo, dù số hộ gia đình bị nghèo hóa do chi phí chữa bệnh đắt đỏ đã giảm mạnh tính từ năm 1992 - 2014, tuy nhiên năm 2014 vẫn có 1,7% số hộ, tương đương với trên 400.000 gia đình, trở nên nghèo do chi phí y tế.

Phần lớn trong đó là các gia đình có người già và sống ở nông thôn. Nghiên cứu này cho rằng tác động bảo vệ của những chính sách tài chính y tế (nhằm bảo vệ người dân khỏi bị chi phí y tế làm nghèo hóa) là chưa rõ ràng.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160426/nguoi-viet-phai-chi-tren-54-phi-y-te-tu-tien-tui/1090579.html

Bình Thuận: Sản xuất giá đậu xanh bằng thạch cao, vôi đá và hóa chất

Vào khoảng lúc 5 giờ ngày 26.4, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng PC49, công an tỉnh Bình Thuận và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm & thủy sản Bình Thuận, đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất giá đậu xanh của ông Lưu Văn Hùng ( 50 tuổi ) và cơ sở của ông Trần Văn Cang ( 54 tuổi ) tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc ( Bình Thuận ). Qua kiểm tra, phát hiện các cơ sở này đang sản xuất giá với công nghệ bằng thạch cao, vôi đá và ngâm tẩm hóa chất trước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại cơ sở của của ông Lưu Văn Hùng, đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở này sản xuất giá theo quy trình dùng hạt đậu xanh ngâm nước 2 giờ , sau đó cứ 7 kg đậu xanh xanh thì trộn trực tiếp với 100g thạch cao, sau đó đưa ủ trong thời gian khoảng 4 ngày để thành giá. Đặc biệt trước khi đem bán, cơ sở này đem giá ngâm vào bể nước pha hóa chất để giá có độ giòn, trắng, đẹp.

 Ông Hùng giải trình với đoàn kiểm tra, hóa chất pha vào hồ nước ngâm giá là chất tẩy rửa được ông mua tại chợ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Tổ kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 0,65 kg bột hóa chất màu trắng, có mùi hôi nồng giống thuốc rầy (thuốc trừ sâu) không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tiến hành làm rõ đây là loại hóa chất gì. Đồng thời tạm giữ 6,5 kg thạch cao tang vật mà cơ sở này dùng để sản xuất giá.

Còn tại cơ sở của ông Trần Văn Cang (54 tuổi ) đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang sản xuất giá bằng cách ngâm đậu xanh với bột đá vôi trong khoảng thời gian 7 giờ trước khi ủ giá. Ông Cang cho biết, bột đá vôi ngâm giá ông mua tại một cửa hàng vật liệu xây dựng tại Phan Rang (Ninh Thuận).

 Được biết, hằng ngày, 2 cơ sở này sản xuất ra hàng trăm kg giá thành phẩm và đưa đi tiêu thụ tại huyện Hàm Thuận Bắc và TP.Phan Thiết. Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất trong điều kiện chưa đãm bảo an toàn thực phẩm như khu sản xuất gần khu chăn nuôi, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất làm phụ gia chế biến thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nguồn nước tù đọng do trong mùa khô cạn kiệt lấy từ đáy con sông ở gần đó để sản xuất.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/binh-thuan-san-xuat-gia-dau-xanh-bang-thach-cao-voi-da-va-hoa-chat-545458.bld

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/an-toan-thuc-pham/301671/rung-minh-cong-nghe-san-xuat-gia-bang-thach-cao-va-hoa-chat.html

Nghệ An: Một người nhập viện sau khi ăn cá nục kho

Sau khi ăn hết nửa bát cơm và phần đuôi cá nục kho, ông La cảm thấy miệng, cổ bị bỏng rát. Sau 1 ngày, phần cổ, mặt sưng phù, nổi ban đỏ, miệng lở loét nên ông La được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Chiều ngày 26/4, bác sỹ Lưu Đình Bình, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tp Vinh (Nghệ An), cho biết, sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Như La (SN 1965, trú tại phường Vinh Tân, Tp Vinh, Nghệ An) đang hồi phục, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt.

Trước đó, vào hồi 1h30 ngày 22/4, Bệnh viện đa khoa Tp Vinh tiếp nhận bệnh nhân Trương Như La trong tình trạng bị sốt, đau bụng, người nổi ban (đặc biệt ở vùng mặt, cổ), ngứa, miệng bị loét, không nuốt được.

Ông Trương Như La cho biết, vào chiều ngày 20/4, người nhà ông mua 5 con cá nục ở chợ Vinh về kho. Trong bữa cơm, vợ và con ông La ăn hết hai con cá, ông La không ăn. Đến khoảng 12h đêm, do có triệu chứng hen suyễn nên ông La ăn cơm để uống thuốc.

“Khi ăn được nửa bát cơm với phần đuôi cá nục kho thì tôi thấy miệng, má phía trong bỏng rát nên không ăn nữa. Một lát sau thì miệng sưng lên, phồng rộp và có cảm giác ngứa. Sau đó tôi có uống 2 viên thuốc chống hen (thỉnh thoảng ông La vẫn uống thuốc này do có tiền sử bệnh hen – PV). Đến sáng hôm sau tình trạng cũng không đỡ hơn. Mặt, miệng, cổ sưng phù, nổi ban dày đặc. Phía trong miệng và vòm họng bị lở loét”, bệnh nhân Trương Như La cho hay.

Sáng ngày 21/4, gia đình đưa ông La đến 1 cơ sở chữa bệnh tư nhân và được truyền dịch. Đến tối, tình trạng sức khỏe không khá lên, ông La được người nhà là nhân viên y tế truyền dịch, cho uống thuốc chống phù nề và tiêm một mũi tiêm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, ông La tức ngực, khó thở, cổ họng đau không nuốt được, các vết ban dày đặc lan xuống ngực và lưng nên được đưa gia đình đưa đến bệnh viện.

“Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khai thác từ người nhà và những biểu hiện bệnh thì chúng tôi nhận định bệnh nhân bị dị ứng, chưa loại trừ dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó bệnh nhân vừa ăn cá biển, vừa uống thuốc chống hen nên khó xác định là di ứng thuốc hay dị ứng thực phẩm do ăn cá biển”, bác sỹ Lưu Đình Bình cho hay.

Sau khi thấy triệu chứng bất thường của ông Trương Như La, cho rằng có liên quan đến số cá biển vừa kho người nhà ông đã đổ hết cá và đun nước sôi nhiều lần để “khử độc”. Bác sỹ Bình cho rằng do không còn mẫu thức ăn nên việc xác định nguyên nhân có phải là do cá biển bị nhiễm độc tố hay không là rất khó.

Hiện bệnh nhân Trương Như La đang được tiếp tục theo dõi.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-ca-nuc-kho-20160426194439885.htm

Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức cảnh báo da cam ảnh hưởng sức khỏe

Trước thông tin Tổng cục Môi trường quan trắc phát hiện có thủy ngân trong không khí Hà Nội, các chuyên gia cảnh báo, người dân không thể lơ là vì thủy ngân cực độc, sẽ vô cùng nguy hại nếu hít phải.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) gần đây nhất tính theo tuần từ 8/4 đến ngày 14/4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178.

Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), AQI mức độ tốt là dưới 50 và ký hiệu màu xanh. Chỉ số AQI ở mức 51-100 thuộc nhóm trung bình với cảnh báo vàng, khuyến cáo người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài. AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém. Như vậy độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức da cam, tức mức khuyến cáo người nhạy cảm cần hạn chế ở ngoài, theo thang này. Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp.

Mới đây thiết bị đo đạc quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong bầu không khí thủ đô, song chưa xác định được chỉ số cụ thể. Thủy ngân có trong không khí mới đo được ở một địa điểm tại Hà Nội nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này, song theo các chuyên gia không thể lơ là bởi thủy ngân cực độc, sẽ vô cùng nguy hại nếu con người hít phải không khí có chứa chất này.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, thủy ngân nguyên tố lỏng ít độc, nếu ở dạng hơi hay hợp chất, muối thì rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não, gan khi con người tiếp xúc, hít thở, ăn phải. Không khí ở nhiệt độ phòng có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép. Nếu hít phải khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương.

Phó giáo sư Côn cho rằng hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân nhiều.

Ngoài ra, thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì hình thành các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là dimetyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Chứng bệnh minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các rủi ro hay khuyết tật đối với các thai nhi.

Vị chuyên gia này cho biết, có nhiều khả năng thủy ngân đo được trong không khí Hà Nội được sinh ra từ các lò đốt rác thải y tế hoặc rác thải công nghiệp, các địa điểm sản xuất vàng bạc, các trung tâm nha khoa... Con người không thể can thiệp nếu thủy ngân có trong không khí, song có thể ngăn chặn tình trạng này nếu phát hiện ra nguồn sinh ra nó.

Ông Côn khuyến cáo, thủy ngân cần được tiếp xúc một cách cực kỳ cẩn thận. Các đồ chứa thủy ngân phải đậy nắp chặt chẽ để tránh rò rỉ và bay hơi. Việc đốt nóng thủy ngân hay các hợp chất của nó phải tiến hành trong điều kiện thông gió tốt và người thực hiện phải đội mũ có bộ lọc khí. Ngoài ra, người dân nên cẩn trọng với các vật dụng trong gia đình chứa thủy ngân như nhiệt kế. Khi bị ngộ độc thủy ngân, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng và khẩn cấp đưa tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.

http://plo.vn/suc-khoe/khong-khi-ha-noi-o-nhiem-o-muc-canh-bao-da-cam-anh-huong-suc-khoe-625541.html  

21 quốc gia sẽ không còn bệnh sốt rét vào năm 2020

Nhân ngày Quốc tế phòng chống sốt rét 25-4, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố  báo cáo ước đoán rằng sẽ có 21 quốc gia sẽ không còn bệnh sốt rét vào năm 2020. Trong đó, có sáu quốc gia châu Phi và bảy nước châu Á.

Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2030 của WHO là tiêu diệt căn bệnh này trong ít nhất 10 nước cho đến năm 2020. Thông cáo "Chiến lược công nghệ toàn cầu chống sốt rét 2016-2030" kêu gọi loại trừ những nguồn lây lan bệnh sốt rét trong 10 quốc gia đến 2020,  WHO ước tính rằng sẽ có 21 nước khó khả năng đạt được mục tiêu này, bao gồm cả sáu nước châu Phi, nơi bệnh sốt rét nghiêm trọng nhất.

21 nước trong thông báo của WHO bao gồm: Algeria, Belize, Bhutan, Botswana, Cabo Verde, Trung Quốc, Comoros, Costa Rica, Ecuador, El Salvador, Iran, Malaysia, Mexico, Nepal, Paraguay, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Suriname, Swaziland và Timor-Leste.

WHO hoan nghênh những nước này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải tiêu diệt những nguồn lây lan bệnh, đặc biệt ở châu Phi, với mục tiêu đầu tiên là cứu người.

Từ năm 2000, tỉ lệ bệnh sốt rét toàn cầu đã giảm xuống đến 60%. Nhưng để loại trừ hoàn toàn căn bệnh này không dễ dàng. Gần nửa dân số thế giới gần 3,2 tỉ người vẫn nằm trong nguy cơ mắc sốt rét. Chỉ trong năm 2015, 214 triệu ca bệnh trong 95 quốc gia với 400.000 người tử vong đã được báo cáo.

Theo WHO, để đạt mục tiêu loại trừ bệnh cần có những chính sách mạnh mẽ cùng nguồn tài chính dồi dào. WHO đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ nguồn lực từ 2,5 tỉ USD hiện có đến 8,7 tỉ USD vào năm 2030.

http://plo.vn/suc-khoe/21-quoc-gia-se-khong-con-benh-sot-ret-vao-nam-2020-625493.html

Ứng dụng phát hiện sớm vi rút HIV, viêm gan B, C giai đoạn cửa sổ

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ứng dụng một kỹ thuật mới giúp phát hiện, sàng lọc các vi rút nguy hiểm như vi rút viêm gan B, C, HIV ngay từ giai đoạn mà xét nghiệm thông thường hiện nay không phát hiện ra.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, NAT là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất, cho phép phát hiện sớm hơn sự hiện diện của các vi rút nguy hiểm trên trong máu từ giai đoạn cửa sổ, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc trong 10 năm triển khai (từ 1998 - 2008) tại 37 quốc gia ở các châu lục, sàng lọc HCV và HIV với khoảng 300 triệu túi máu, HBV (trên 100 triệu túi máu) đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh bằng kỹ thuật NAT, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được (khoảng 0,003%).

BS Chuyên khoa II Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, trong năm 2015 Viện đã tiếp nhận 1.160.726 đơn vị máu toàn phần và khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến máu. Qua xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật Huyết thanh học đã phát hiện 32.866 mẫu có nhiễm HBV, HCV, HIV, giang mai, sốt rét,… tương ứng với tỷ lệ HBV 4,4%, HCV 0,58% và HIV 0,11%.

Sau khi tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT phát hiện 417.893 đơn vị máu (chiếm 36,0% tổng số máu tiếp nhận) giúp phát hiện thêm được 442 mẫu máu nhiễm bệnh mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện.

BS Dương giải thích, sự “không phát hiện” này là vì các bệnh lý trên đang ở giai đoạn cửa sổ, khi mà tải lượng vi rút còn quá thấp, kỹ thuật xét nghiệm thông thường không phát hiện ra. Nhưng với kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử NAT được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc các vi rút này cho độ chính xác, độ nhạy cao, đặc biệt là rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các bệnh vi rút.

Và kỹ thuật NAT phát hiện trực tiếp sự hiện diện của vi rút thông qua nhân bản đoạn gen đặc hiệu của vi rút (dù lúc này trong máu lượng vi rút còn khá thấp do mới nhiễm) tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác vi rút đã nhiễm, cho kết quả có độ nhạy cao.

Từ đó, so sánh với sàng lọc huyết thanh, kỹ thuật NAT giúp rút ngắn giai đoạn cửa sổ đáng kể. Cụ thể với vi rút viêm gan C kỹ thuật huyết thanh học phát hiện từ trên 85 ngày kể từ thời điểm nhiễm vi rút, thì với NAT ở ngày 23 đã phát hiện (rút ngắn được 60 ngày). Tương tự, vi rút viêm gan B sàng lọc huyết thanh phát hiện từ giai đoạn nhiễm trên 60 ngày, với NAT phát hiện từ ngày 34 (rút ngắn được 25 ngày). Với HIV sàng học huyết thanh 21 ngày, thì NAT còn 10 ngay (rút ngắn 10 ngày).

Theo GS Trí, trong giai đoạn cửa sổ, việc không phát hiện được các vi rút nguy hiểm này bằng xét nghiệm thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót, máu sẽ không an toàn khi truyền cho người bệnh.

Kỹ thuật NAT là giải pháp bổ sung ngăn chặn nguy cơ lây truyền bệnh, phát hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ. Viện Huyết học – Truyền máu là đơn vị đầu tiên trong cả nước chính thức cung cấp tất cả các đơn vị máu, chế phẩm máu đều được sàng lọc bằng NAT.

Tiếp đến, xét nghiệm này sẽ được cung cấp tại các trung tâm truyền máu của BV Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy, BV Huyết học – Truyền máu Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2018 kỹ thuật NAT sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị hiến máu trên toàn quốc, nhằm đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho người dân.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ung-dung-phat-hien-som-vi-rut-hiv-viem-gan-b-c-giai-doan-cua-so-20160426160707307.htm

Vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Bình: Bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định

Ngày 26/4, ông Nguyễn Minh Tuấn – Chi cục trưởng chi cục VS - ATTP tỉnh Quảng Bình - cho biết: Sức khỏe 49 người dân bị ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc tại nhà hàng tiệc cưới Bảo Quốc xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã ổn định.

Trước đó, vào lúc 11h ngày 21/4, nhà hàng tiệc cưới Bảo Quốc thuê người nấu ăn phục vụ khai trương với số lượng khách tham dự là 200 người.

Thực đơn của bữa tiệc bao gồm các món Cua gạch hấp, mực lá trộn thập cẩm, Cá Bớp hấp, Ốc mỡ hấp, Lợn rừng nướng, Cháo, Xôi thập cẩm và sữa chua.

Tuy nhiên, sau khi dự tiệc về đến 15h cùng ngày thì xuất hiện ca ngộ độc thực phẩm đầu tiên với các triệu chứng lâm sàng như: đau bụng, buồn nôn, sốt… Đến 21h cùng ngày thì bắt đầu có bệnh nhân vào điều trị tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch.

Có tất cả 49 người bị ngộ độc trong đó có 27 người được đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Đến 15h ngày 24/4, toàn bộ bệnh nhân được điều trị ổn định và xuất viện; không ghi nhận thêm ca ngộ độc thực phẩm nào xuất phát từ bữa tiệc tại nhà hàng Bảo Quốc.

Nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc tập thể này đang được cơ quan chức năng làm rõ và các mẫu thức ăn đã được lấy và gửi đi kiểm nghiệm. Cơ quan chức năng yêu cầu nhà hàng Bảo Quốc dừng hoạt động và phối hợp khắc phục hậu quả từ vụ ngộ độc thực phẩm này gây nên.

Được biết, nhà hàng Bảo Quốc hiện chưa được cấp giấy phép chứng nhận Vệ sinh ATTP.

http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-quang-binh-benh-nhan-da-hoan-toan-on-dinh-1820180-c.html

Suýt mất mạng vì tưởng khối u trên mũi là vết muỗi đốt

Cậu bé Matthew Kirk may mắn được cứu chữa kịp thời sau khi phát hiện vết muỗi đốt trên mũi là khối u lạ, triệu chứng của bệnh ung thư hiếm gặp.

Ban đầu, Matthew Kirk, 11 tuổi ở Anh nghĩ vết sưng trên mũi là do muỗi cắn. Tuy nhiên nó ngày càng sưng to như quả bóng tennis khiến em đau nhức và khó thở.

Theo bác sĩ, vết muỗi cắn trên mũi của Matthew thực chất là một khối u. Khối u này chính là dấu hiệu của bệnh ung thư mô liên kết, một là loại ung thư hiếm gặp trong các mô liên kết của cơ thể. Mỗi năm chỉ có tối đa 10 người tại Anh mắc phải căn bệnh ung thư này.

Khối u đã phát triển lớn và di căn về phía mắt và phần môi của cậu bé nên không thể thực hiện điều trị bằng xạ trị thông thường. Vì vậy Matthew được chuyển đến bệnh viện chuyên môn ở Mỹ.

“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ con bị muỗi cắn bình thường vì chúng tôi mới đi nghỉ mát về. Nhưng sau vài tuần nó đã to như quả bóng, tôi rất lo sợ nên đưa thằng bé đến bệnh viện ngay”, chị Joanne Kirk, mẹ cậu bé chia sẻ.

“Khi kiểm tra sơ bộ bác sĩ cho rằng con tôi bị nhiễm khuẩn nhưng khi khám kĩ lưỡng thì phát hiện đó là khối u hiếm đã phát triển đến giai đoạn ung thư, có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng.”

“Bác sĩ nói rằng thằng bé cần phải hóa trị ngay lập tức. Lo lắng và sợ hãi có thể mất con khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Nó đang khỏe mạnh và năng động như bao đứa trẻ khác.”

Chị Joanne Kirk cho biết dù phải chịu hóa trị cực khổ, khuôn mặt và miệng bỏng rộp nhưng Matthew vẫn quyết tâm chịu đựng. Cậu bé nói rằng đó là hi vọng duy nhất để có thể sống và được vui chơi cùng bạn bè như trước nên cố gắng vượt qua.

May mắn, sau 9 tháng hóa trị cậu bé Matthew đã bình phục và có thể trở lại trường học.

http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/neu-thay-mui-co-dau-hieu-nay-thi-nen-di-kham-ngay-a142998.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang