Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 27/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Sau phun hóa chất vẫn có muỗi, ngành Y tế nói gì?; Chưa hạ nhiệt sốt xuất huyết tay chân miệng đã tăng nhanh; Bé gái đối mặt với cái chết vì biến chứng ho gà phải lọc máu; Hà Nội: Sốt xuất huyết lan dần ra ngoại thành; Bệnh lao kháng thuốc; Bác sĩ ‘đánh cược’ cứu bệnh nhân nghèo; Cụ bà liệt 2 chân được phẫu thuật thành công; Đảo An Bang cấp cứu ngư dân bị nạn khi lặn biển; ...

 

Sau phun hóa chất vẫn có muỗi, ngành Y tế nói gì?

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/sau-phun-hoa-chat-van-co-muoi-nganh-y-te-noi-gi/315049.vgp

Chiều tối 25/8, Bộ Y tế tiếp tục có cuộc họp với Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch SXH. Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, hóa chất phun diệt muỗi hiện nay đạt tiêu chuẩn, là hóa chất trong danh sách đầu bảng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên dùng.

Tuy nhiên, lý giải về việc xuất hiện muỗi sau phun, ông Trần Như Dương cho biết, đó là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó.

Qua đánh giá, từ ngày 14 - 21/8, ba đội cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun. Tại quận Hoàng Mai, Viện chọn phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa chọn phường Khương Thượng, quận Hai Bà Trưng chọn phường Thanh Lương, trước khi phun thuốc, mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.

Nhưng có tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để.

“Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nên sau phun chỉ vài giờ lại nở thành muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy”, ông Trần Thanh Dương nhấn mạnh.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ cũng cho biết, Hà Nội hiện dùng thuốc phun Delta Metrin diệt muỗi, đây là loại thuốc được WHO khuyến cáo dùng, đứng đầu danh mục các thuốc nên dùng để diệt muỗi truyền bệnh SXH. Loại thuốc này đã được Bộ Y tế, hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng.

Cụ thể, năm 2017, từ ngày 20/6 – đến 1/7, Viện Vệ sinh dịch tễ đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm thuốc tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì tỷ lệ muỗi chết là 97,8%, theo đánh giá của WHO thì chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt.

“Hiện Hà Nội áp dụng hình thức phun sương (phun trong không gian), hình thức này diệt ngay muỗi ở các giá thể quần áo, muỗi đang bay. Hình thức phun tồn lưu (phun vào nơi côn trùng ẩn nấp, trú đậu và đẻ trứng) thì tốt hơn vì có hiệu lực trong vài tháng nhưng thường áp dụng phun trong dịch sốt rét, trong SXH thì phun sương là cần thiết”, ông Dương cho biết.

Tại buổi họp, đại diện Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Bởi trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều và hơn 1 triệu học sinh, sinh viên sắp nhập học, Hà Nội cần đảm bảo 100% trường học được phun thuốc diệt muỗi ít nhất 3 lần, không còn ổ bọ gậy.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước đã ghi nhận trên 100.000 ca mắc SXH, trong đó hơn 84.000 trường hợp nhập viện.

Tại Hà Nội, có gần 20.000 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện trên 2.300 trường hợp và có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày).

 

Chưa hạ nhiệt sốt xuất huyết tay chân miệng đã tăng nhanh

http://dantri.com.vn/suc-khoe/chua-ha-nhiet-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-da-tang-nhanh-20170826072709905.htm

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo bên cạnh đối phó với dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn căng thẳng trên cả nước, ngành y tế không được lơ là với tay chân miệng bởi đã bắt đầu vào mùa bệnh, với hơn 51 nghìn ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã vượt con số 100.000, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, với 26 người tử vong. Trong đó, Hà Nội lần đầu tiên trong lịch sử vượt TP Hồ Chí Minh về số ca mắc SXH, với gần 20 nghìn ca và đứng đầu cả nước.

Dự báo số bệnh nhân SXH tiếp tục tăng cao bởi miền Bắc chính thức bước vào thời kỳ cao điểm mùa dịch (từ tháng 9 đến tháng 11), nhiều khả năng số bệnh nhân SXH trong năm 2017 trên cả nước sẽ vượt đỉnh năm có số ca SXH nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy phải tập trung đối phó với SXH, GS Long nhắc nhở các địa phương không được chủ quan với các dịch bệnh khác. Hiện bắt đầu vào mùa bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 51.000 ca tại 63 tỉnh thành; tăng hơn 3%.

Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang vi rút nhưng không biểu hiện bệnh), rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-tháng 5 và tháng 9- tháng 10.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng bệnh tay chân miệng, mọi người cần thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; sau khi hắt hơi, hỉ mũi... Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...

 

Bé gái đối mặt với cái chết vì biến chứng ho gà phải lọc máu

http://dantri.com.vn/suc-khoe/be-gai-doi-mat-voi-cai-chet-vi-bien-chung-ho-ga-phai-loc-mau-20170826072413094.htm

Bé gái 16 tháng tuổi (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, khò khè, khó thở và được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phế quản phổi cấp do ho gà. Bệnh nhi nhanh chóng rơi vào trạng thái suy hô hấp, phải lọc máu, điều trị tích cực liên tục 20 ngày.

Chiều 25/8, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, bé gái Hà Thị T. (16 tháng) trải qua 20 ngày điều trị tích cực đã qua được tình trạng nguy hiểm.

Trước đó, bệnh nhi bị ho, sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà được chẩn đoán theo dõi bạch cầu cấp. Tuy nhiên bệnh nhi dùng thuốc không đáp ứng, có dấu hiệu trở nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh điều trị.

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phế quản cấp trên bệnh nhân thiếu máu và theo dõi ho gà. Đúng như chẩn đoán ban đầu, kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao bất thường (108.900/mm3), phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà…

Trước tình trạng trẻ bị suy hô hấp, viên phế quản cấp phổi, thiếu máu và ho gà, bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tích cực do số lượng bạch cầu trong máu quá cao, các bác sĩ chỉ định thay máu ngay trong đêm cho bé.

Đáng nói, dù được thay máu, điều trị tích cực nhưng diễn biến của bệnh nhân ngày càng nặng lên. Bệnh nhân rơi vào tình trạng li bì, sốt trên 41 độ, nhịp tim nhanh 200 nhịp/phút, tăng trương lực cơ toàn thân, bạch cầu máu tăng, tiên lượng bệnh nhân rất nặng.

Bác sĩ Phạm Ngọc Mười, khoa Hồi sức tích cực cho biết, trước diễn biến càng lúc càng xấu đi của bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa lần 2 và chỉ định thay máu lần 2 cấp cứu trẻ. Sau khi được lọc máu liên tục lần 2 và cho dùng thuốc thì bạch cầu, mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn.

Sau 20 ngày được điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, không sốt, không ho, đại tiểu tiện bình thường, dự kiến xuất viện trong thời gian tới.

Bác sĩ Phạm Ngọc Mười cho biết, tại bệnh viện tiếp nhận rải rác ca mắc ho gà. Đáng nói, phần lớn trẻ mắc ho gà nhập viện và có diễn biến tăng nặng đều chưa tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh ho gà nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh.

Trong khi đó, ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp. Vi khuẩn ho gà có trong dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí qua ho, hắt hơi, ôm hôm… nên tốc độ lây truyền cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Những cơn ho như rút ruột, rút gan trẻ, ho mạnh có thể gây biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi do ho quá mạnh. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt và con ho dữ dội, kéo dài, suy hô hấp đe dọa tính mạng.

Vì thế, với trẻ em khi xuất hiện những cơn ho kéo dài mà chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà cần nghĩ đến nguy cơ này để đưa trẻ đi khám điều trị sớm. Tuyệt đối không tự điều trị, đến lúc trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.

Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.

 

Chuyên gia y tế dự phòng: Chỉ diệt muỗi mà không diệt loăng quăng, bọ gậy thì sẽ có ngay muỗi mới

http://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-y-te-du-phong-chi-diet-muoi-ma-khong-diet-loang-quang-bo-gay-thi-se-co-ngay-muoi-moi-n135600.html

Nhiều người lầm tưởng rằng phun hóa chất một lần là có thể diệt được muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của hóa chất diệt muỗi...

Tuy nhiên, trên thực tế các chuyên gia nhấn mạnh: Phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh. Còn nếu chúng ta không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra.

ThS.BS Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh SXH truyền qua muỗi và hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh ở Việt Nam cho nên biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy.

“Muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà và biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời bởi vì muỗi truyền SXH không đậu lên tường cho nên biện pháp phun hóa chất để diệt muỗi chúng ta không dùng biện pháp phun lên tường mà phun lên không gian với các hạt thể tích nhỏ bay lơ lửng trong không gian và khi muỗi bay ra thì sẽ bám vào và tiêu diệt muỗi.

Biện pháp này chỉ có tác dụng từ 1-2 tiếng khi các hạt hóa chất còn lơ lửng trên không gian sau đó rơi xuống đất và hết tác dụng nên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh. Còn nếu chúng ta không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra”- ThS. Khoa phân tích.

2 chỉ định phun thuốc diệt muỗi

Theo các chuyên gia, hóa chất để phun diệt muỗi thì không thể nào làm muỗi khỏe lên mà chỉ có thể làm yếu đi hoặc chết. Nếu phun không liều lượng, thời gian thì có thể không hạ gục được muỗi hoặc tỉ lệ hạ gục thấp đi; còn nếu phun đủ liều lượng, thời gian sẽ có tác dụng tốt. Yếu tố làm cho hiệu quả là bao phủ, liều lượng không gian, thời gian muỗi hoạt động vào sáng sớm, chiều tối. Chúng ta đồng thời phải diệt bọ gậy.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì có 2 chỉ định để phun diệt muỗi, đó là khi có ổ dịch tức là khi có 2 bệnh nhân có chẩn đoán lâm sàng hoặc 1 bệnh có khẳng định bằng xét nghiệm trong khu dân cư trong 14 ngày thì đó gọi là ổ dịch, lúc đó sẽ có chỉ định phun thuốc diệt muỗi, bán kính phun 200m.

Chỉ định thứ hai đó là chỉ định vector truyền bệnh khi ở khu vực có tỷ lệ mật độ muỗi cao 0,5 con/nhà, hoặc chỉ số dụng cụ có nhiều bọ gậy thì chúng ta sẽ chỉ định phun hóa chất diện rộng, phun từ 2-3 lần, lần thứ nhất phun sau đó cách 7 -10 ngày phun lần 2, sau đó kiểm tra lại vector để phun lần 3. Sau khi phun thì ngày hôm sau có thể nảy sinh ra đàn muỗi mới. Cần phun hóa chất kèm diệt bọ gậy, hộ gia đình có thể sử dụng hóa chất mà Bộ Y tế cấp phép, hoặc của nhà sản xuất, phun đồng bộ các nhà.

Cũng theo ThS, Khoa, hiệu quả của phun hóa chất phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất có đồng bộ để diệt hết đàn muỗi không, yếu tố thứ hai là các hộ có để cán bộ y tế phun hết các phòng không, yếu tố thứ ba là có diệt đồng thời bọ gậy.

"Mọi người cứ nghĩ hóa chất đó không có tác dụng nhưng thực ra đó là đàn muỗi khác từ nơi khác hoặc từ trong gia đình sinh ra. Nếu dùng nhiều hóa chất sẽ sinh ra đáp ứng tự nhiên, ở Hà Nội cũng có một vài chỗ, chúng ta có khảo nghiệm và thấy muỗi có thể tăng sức chịu đựng lên một chút nhưng  chưa đến mức độ khá, chúng ta vẫn có thể dùng được hóa chất. Hóa chất hiện nay chúng ta đang dùng có hai nhóm. Ở Hà Nội thì chúng ta đang dùng và có hiệu quả trong diệt muỗi, đây là hóa chất được Bộ Y tế cấp phép"- ông Khoa cho hay.

Để đảm bảo hiệu quả thì các cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi cần đóng kín lại. Trước khi phun cần thu dọn dụng cụ thực phẩm để không nhiễm hóa chất, gia cầm, gia súc cần ra ngoài và quay lại trong vòng 60 phút. Một số người có thể mẩn ngứa ngoài da. Đối với các trường này cần có các biện pháp như nếu vào mắt thì phải rửa bằng nước sạch, súc miệng, rửa ngoài da để trôi hóa chất. Đối với người quá nhạy cảm không đỡ thì phải đến cơ sở y tế.

 

Vì sao vẫn còn muỗi SXH sau khi phun thuốc?

http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-van-con-muoi-sxh-sau-khi-phun-thuoc-d222507.html

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ khẳng định, sau phun, vẫn còn muỗi SXH không phải do chất lượng thuốc.

Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh chiều ngày 25/8, trả lời câu hỏi “sau phun tại sao vẫn còn nhiều muỗi, liệu có phải do chất lượng thuốc diệt muỗi có vấn đề?”, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, không phải do chất lượng thuốc diệt muỗi. Theo đánh giá độc lập về hoạt động “dập dịch” ở HN của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong khoảng thời gian từ 14-21/8 tại 3 khu vực được xác định ổ dịch trọng điểm, thì chỉ số muỗi trưởng thành sau phun thuốc diệt muỗi đều về 0, tuy nhiên, các chỉ số về bọ gậy lại chỉ giảm như vẫn tồn tại. Cụ thể như tại khu vực Thịnh Liệt, chỉ số bọ gậy trước phun 26, sau phun còn 12; tương tự ở Thanh Lương 40 – 30… Kết quả này cũng tương ứng với đánh giá của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương khảo sát tại các trọng điểm dịch SXH khác trên địa bàn Hà Nội.

“Chính vì vậy hiệu lực của thuốc là tốt, nhưng do bọ gậy không hết lại nảy nở muỗi… Việc phun chỉ diệt trong thời hạn ngắn, quan trọng phải diệt được bọ gậy, nếu không bọ gậy già ngày có thể nở ngay ra chỉ sau vài giờ sau phun thuốc”, ông Dương khẳng định.

Ông Dương cho biết thêm, loại thuốc hiện dùng là loại thuốc gần như đầu bảng của WHO. Loại này đã được kiểm tra đánh giá đầy đủ hiệu lực và tính an toàn. Đồng thời cách phun sương diệt muỗi SXH như hiện nay là phương pháp chuẩn xác, đẩy mạnh hiệu lực diệt muỗi SXH.

Giải thích thêm về nguyên nhân khiến sau phun thuốc vẫn xuất hiện muỗi, đại diện Viện Ký sinh trùng cho rằng, nếu phun diện hẹp từng hộ gia đình thì muỗi SXH có thể từ nơi khác tràn đến, bởi thuốc phun chỉ có tác dụng trong 1 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, thời tiết thất thường như hiện nay sẽ khiến xuất hiện nhiều ổ bọ gậy có khả năng phát triển thành muỗi SXH.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm hơn 100.417 mắc với hơn 84 nghìn nhập viện và 26 ca tử vong. Tăng so với cùng kỳ năm trước 47%, bắt đầu từ tuần 20, tăng sớm hơn so với năm 2016. Miền Bắc, miền Nam cùng tăng mạnh, Tây nguyên giảm. Riêng tại Hà Nội, số mắc vượt quá 20 nghìn ca. Hiện có xu hướng giảm ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu giấy, nhưng lại tăng ở ngoại thành như Hà Đông, Thanh Trì, Nam Tư Liêm, Thanh Oai… Tình hình thời tiết như hiện nay vẫn cần đề phòng, không chủ quan.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện các ca bệnh SXH vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Riêng Hà Nội cần tập trung ở các khu giáp ranh. Đặc biệt với các địa phương có lao động mắc bệnh từ HN dễ là nguồn lây nhiễm ổ dịch.

Cũng cần lưu ý, Hà Nội đứng đầu cả nước về có số mắc và tử vong. Việc kiểm soát khó khăn. Hà Nội cần lưu ý mùa nhập trường, phải chạy đua với thời gian để đảm bảo không có ổ dịch tại các trường học. Hà Nội cần kiên quyết không để mắc đối với các trường học. Do vậy nếu không quyết liệt sẽ rất khó khăn để kiểm soát.

“Bên cạnh dịch SXH, chúng ta cũng tiếp tục đối mặt với dịch tay chân miệng và một số dịch khác như H7N9 ở vùng giáp biên…. Do vậy đồng thời tăng cường phòng chống cùng lúc nhiều dịch bệnh”, ông Long lưu ý.

 

Hà Nội: Sốt xuất huyết lan dần ra ngoại thành

http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-sot-xuat-huyet-lan-dan-ra-ngoai-thanh.aspx

Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội vẫn nóng từng ngày. Công tác phun thuốc diệt muỗi được tiến hành trên diện rộng song hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng và dịch đang có xu hướng lan ra ngoại thành.

Chưa thể kiểm soát được dịch

Chiều 25/8, Bộ Y tế tiếp tục có cuộc họp khẩn về tình hình dịch sốt xuất huyết. Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cả nước đã ghi nhận trên 100 nghìn ca mắc SXH, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số mắc SXH so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp. Tại Hà Nội, có gần 20.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện trên 2.300 trường hợp và có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày).

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Hà Nội trả lời câu hỏi vì sao, vì sao phun thuốc xong, muỗi vẫn bay đầy nhà? Phun hoá chất diệt muỗi có thực sự hiệu quả?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, diễn biến dịch phức tạp, rất đáng lo ngại. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dù số ca mắc có xu hướng chững lại nhưng chưa có dấu hiệu nào khẳng định là đã kiểm soát được dịch.

Thứ thưởng Bộ Y tế cho rằng, việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết mới chỉ nóng ở cấp thành phố chứ quận huyện thì chưa, phường thì bình chân như vại. Các hộ gia đình, nóc nhà, rãnh nước, các bãi đất trống... còn nhiều bọ gậy.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Bởi trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều và hơn 1 triệu học sinh, sinh viên sắp nhập học, Hà Nội cần đảm bảo 100% trường học được phun thuốc diệt muỗi ít nhất 3 lần, không còn ổ bọ gậy, loăng quăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chất vấn Hà Nội về tính hiệu quả của các đội xung kích. Phải chăng đội xung kích tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy chưa hiệu quả.

Liệu có phải chất lượng thuốc phun muỗi “có vấn đề”?

Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Bộ Y tế về phun thuốc của Hà Nội, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả giám sát của 3 tổ cán bộ của Viện về hoạt động phun hóa chất của Hà Nội khẳng định hóa chất hiệu quả, muỗi bị tiêu diệt.

Theo ông Trần Như Dương, trong tuần từ ngày 14 đến ngày 21/8/2017, 3 đội phụ trách đã đánh giá trước và sau phun thuốc diệt muỗi. Kết quả tại Quận Hoàng Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ chọn phường Thịnh Liệt. Viện đánh giá trước và sau phun muỗi. Kết quả cho thấy, sau phun 24h giờ, muỗi trưởng thành về 0.

Tương tự, tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng; phường Khương Thượng, Đống Đa, muỗi trưởng thành cũng chết hết sau khi phun thuốc muỗi.

Cũng theo ông Dương, theo đánh giá sau phun thuốc muỗi, bọ gậy có giảm nhưng không giảm hết bởi phun chỉ là phun mang tính nhất thời, chỉ diệt thời gian ngắn mà cái gốc là phải tiêu diệt loăng quăng bọ gậy. Thế nên sau khi phun thì bọ gậy lại nở thành muỗi lại tràn vào nhà.

“Vấn đề mang tính quyết định không phải là phun thuốc là hết muỗi ngay mà là diệt loăng quăng, bọ gậy ở các gia đình chứ không phải do thuốc không hiệu quả”, ông Dương khẳng định.

Nhiều người băn khoăn về chất lượng thuốc, ông Dương khẳng định, Hà Nội đang sử dụng thuốc deltamethrine. Đây là thuốc được sử dụng giống như tất cả các tỉnh thành khác, thuốc đó là thuốc đầu bảng được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo đầu tay sử dụng diệt muỗi.

Chưa kể, hàng năm, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster đều có đánh giá về hiệu quả của thuốc. Viện đã bắt muỗi và thấy hiệu lực diệt muỗi là 98%. Theo phân loại của WHO thì đây là hiệu lực tốt.  Đối chiếu về hiệu quả diệt muỗi của Hà Nội thì thấy rằng muỗi trưởng thành đều chết trên 98%.

 

Bác sĩ lên tiếng về tin đồn thuốc trị sốt xuất huyết từ cây mùi ta

http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/bac-si-len-tieng-ve-tin-don-thuoc-tri-sot-xuat-huyet-tu-cay-mui-ta-922932.html

Một bài thuốc chữa sốt xuất huyết dùng cây mùi ta được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người thắc mắc không biết thực hư như thế nào.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện bài thuốc trị sốt xuất huyết được cho là hiệu quả nhanh, nhận được nhiều bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.

Theo bài thuốc dân gian này, nguyên liệu cực kỳ đơn giản, chỉ với 2 lạng mùi ta rửa sạch rồi xay sinh tố, sau đó cho thêm nước ấm, đường phèn (cho dễ uống) chia uống ngày 2-3 lần. Sau khi, uống xong nước sinh tố rau mùi thì uống một cốc nước nóng, vừa thổi vừa uống để giúp toát mồ hôi.

Để đạt được hiệu quả, người chia sẻ bài viết còn lưu ý khi sốt cao cần uống nhiều nước, bù điện giải theo dõi phản ứng của cơ thể để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ Đông y lên tiếng

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho biết, trong các bài thuốc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết không có bài thuốc nào dùng tới nguyên liệu của cây mùi ta. Cây mùi được dùng trong bài thuốc để điều trị thủy đậu sẽ chính xác hơn.

Theo Đông y, mùi có tính hơi nóng, có tác dụng phát tán, thúc đậu, sởi mọc, trừ khí, khu phong, ngoài ra còn dùng làm thuốc giúp tiêu hóa tốt hơn, chữa ho, người ít sữa.

Nói về bài thuốc dân gian trên, Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định không có tác dụng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết nhưng nó có thể có khả năng tán nhiệt để hạ sốt.

“Kể cả trong trường hợp sốt cao, để hạ sốt người ta cũng không dùng, vì rau mùi có tính hơi nóng. Người sốt cao cần giảm nhiệt độ nhưng nếu uống nước rau mùi vào sẽ không tốt. Khi đọc bài thuốc dân gian trên, tôi thấy phù hợp chữa cảm lạnh, cảm cúm hơn là bài thuốc để chữa sốt xuất huyết. Vì trong bài thuốc còn khuyên cả uống một cốc nước nóng để toát mồ hôi”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Sốt xuất huyết là do vi rút dengue gây ra, người khỏe chỉ mắc khi bị muỗi mang virut đốt. Bệnh thường biểu hiện sốt cao đột ngột và khó dứt. Trong y học cổ truyền, bệnh nhân bị sốt xuất huyết là do vi rút thâm nhập làm cho các nhiệt độc trong cơ thể bị phát tán. Vì vậy, với điều trị sốt xuất huyết trong Đông y, hạ sốt và thanh nhiệt giải độc cho cơ thể bệnh nhân là rất quan trọng.

“Một bài thuốc điều trị sốt xuất huyết không phải đều sử dụng được. Khi khám cho bệnh nhân tùy theo thể trạng bệnh nhân có thể thêm bớt những vị thuốc để giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Hiện nay, diễn biến dịch sốt xuất huyết đang rất phức tạp, Lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo không nên thực hiện theo các bài thuốc chia sẻ trên mạng xã hội. Có thể bài thuốc đó đã chữa khỏi được cho bệnh nhân này nhưng không thể chữa khỏi cho mọi bệnh nhân, vì phụ thuộc vào yếu tố cơ địa từng người. Việc tự ý áp dụng theo các bài thuốc dân gian vô căn cứ có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Còn theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Trường khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh sốt xuất hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu nhẹ có thể điều trị tại nhà và có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Khi có triệu chứng sốt cao đột ngột thì nên đi tới bệnh viện khám loại trừ nguy cơ bệnh sốt xuất huyết. Có thể dùng các bài thuốc dân gian đã được kiểm chứng dùng xen kẽ với thuốc hạ sốt trong trường hợp sốt cao không dứt.

 

Hai người ngộ độc nặng sau khi ăn ốc lạ

http://doisongvietnam.vn/hai-nguoi-ngo-doc-vi-an-phai-oc-la-27674-9.html

Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận vừa tiếp nhận một bệnh nhân nguy kịch được xác định do ăn phải ốc có độc tố.

Bệnh nhân ngộ độc là bà Nguyễn Thị Chiểu, 69 tuổi ở phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Bà Chiểu được người nhà đưa đến viện trong tình trạng trụy tim, tê chân tay, suy hô hấp.

Ngộ độc nghi do ốc bùn bóng

Theo người thân của bệnh nhân, trưa ngày 22/8, gia đình có đến chợ Mỹ An mua 1kg ốc về ăn. Đến 16h chiều cùng ngày, bà Chiểu có dấu hiệu ngộ độc, trong khi hai người thân khác cũng ăn ốc lại không việc gì. Bà Chiểu đã trải qua một ngày điều trị tích cực nhưng vẫn hôn mê.

Theo cơ quan chức năng, loại ốc gia đình bà Chiểu đã ăn là ốc bùn bóng hoặc ốc bùn răng cưa. Đây là những loại hải sản có độc tố Tetrodotoxin như cá nóc, có thể gây tử vong nhanh khi ăn phải.

Ngày 19/8, một bệnh nhân khác là anh Đào Văn Quang ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cũng mua 0,5 kg ốc ở chợ Thanh Sơn về ăn và sau đó bị ngộ độc phải đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Được biết, lẫn trong số ốc mà gia đình anh mua về có 6 con ốc bùn bóng.

Sơ chế kỹ thì sẽ hạn chế được ngộ độc

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có rất nhiều loài ốc biển; đa số được sử dụng làm thực phẩm nhưng một số loài có khả năng gây ngộ độc nặng. Tùy từng loài ốc biển mà có độc tố khác nhau.

Có những loài ốc luôn chứa chất độc gây ngộ độc cho người ăn, có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn nhưng lại có thể “đột nhiên” trở nên độc (do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc không rõ nguyên nhân).

Có 2 loại độc tố chính trong ốc biển là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Trong đó, Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc tram... Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển...

Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin. Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu nhất là kích thích cho bệnh nhân nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Đồng thời bệnh nhân được điều trị triệu chứng, hỗ trợ hô hấp (thở ô xy, thở máy…), hỗ trợ tuần hoàn (truyền dịch, trợ tim mạch…).

Để dự phòng ngộ độc do ốc biển độc, mọi người tuyệt đối không sử dụng các loại ốc biển nghi ngờ có độc như các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma) để chế biến thành thức ăn.

Khi sử dụng ốc biển làm thức ăn, phải sơ chế thật kỹ: ngâm, thả vào nước muối nhạt, nước vôi nhạt hoặc dấm ăn để kích thích ốc đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Khi ăn phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái,  ăn mà không qua sơ chế kỹ.

Nếu sau khi ăn ốc biển mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Bệnh lao kháng thuốc

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/benh-lao-khang-thuoc-383574.html

Bệnh lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao không bị tiêu diệt bởi các loại thuốc đặc trị. Điều này gây khó khăn và tốn kém hơn nhiều trong việc điều trị bệnh lao.

Lao kháng thuốc đang trở thành nỗi lo sợ của nhiều bệnh nhân mắc lao. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp lao kháng thuốc trong đó có đến 5 - 7% lao siêu kháng thuốc. Đây là mối đe dọa cho công tác phòng và chống căn bệnh xã hội này.

Nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc

Tình trạng kháng thuốc thường là do việc điều trị bằng thuốc không đúng quy định.  Đó có thể do đơn thuốc kê không đúng, thuốc trị lao không đảm bảo chất lượng hoặc do bệnh nhân không dùng đủ liều lượng hàng ngày, điều trị không đủ thời gian... Việc kiểm soát điều trị lao hiện nay chưa chặt chẽ dẫn tới việc khó kiểm soát được sự tuân thủ của bệnh nhân với liệu trình điều trị dẫn đến vi khuẩn lao kháng thuốc.

Vi khuẩn lao kháng thuốc chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải vi khuẩn lao từ việc ho khạc, hắt hơi của người mắc lao phổi.

Sự nguy hiểm của lao kháng thuốc

Nếu không điều trị sớm và triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có thể tử vong và bệnh nhân có thể lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh gây ra những hậu quả khôn lường.

Việc điều trị lao kháng thuốc khó khăn hơn rất nhiều. Thời gian và chi phí chữa trị cũng tăng hơn nhiều so với bệnh lao thông thường. Đặc biệt, bệnh lao kháng thuốc khó khỏi hơn nhiều so với bình thường và bệnh nhân có thể gặp những phản ứng tiêu cực cần xử lý kịp thời trong quá trình điều trị.

Những biểu hiện của lao kháng thuốc

Bệnh nhân lao trong quá trình điều trị không giảm các triệu chứng như ho, khạc đờm, sốt sau một thời gian điều trị. Có thể, các triệu chứng trên giảm đi rồi lại xuất hiện trở lại và có dấu hiệu tăng cao hơn so với trước đây.

Người bệnh vẫn có xét nghiệm dương tính sau khoảng 2 đến 3 tháng điều trị lao hoặc được kết luận là thất bại sau 5 tháng điều trị có nguy cơ lao kháng thuốc.

Những người bị nhiễm HIV, người tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ cao nhiễm lao kháng thuốc. Ngoài ra, những người nghi lao nhưng có tiền sử dùng thuốc chống lao trên một tháng.

Chẩn đoán và điều trị lao kháng thuốc

Bệnh lao nói chung, lao kháng thuốc nói riêng được chuẩn đoán và điều trị miễn phí tại các bệnh viên chuyên khoa từ trung ương tới địa phương.

Việc chẩn đoán lao kháng thuốc có thể có kết quả sau 2 giờ làm xét nghiệm. Thời gian điều trị lao kháng thuốc là khoảng 20 tháng trong đó 8 tháng tiêm thuốc là giai đoạn tấn công, 12 tháng uống thuốc là giai đoạn duy trì.

Người bệnh được dùng thuốc 6 ngày/tuần dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế trong suốt quá trình điều trị. Tỉ lệ khỏi bệnh rất cao nếu điều trị đúng cách. 

Ở nước ta, tỉ lệ điều trị khỏi lao kháng thuốc chiếm khoảng 70 - 75%. Việc tuân thủ điều trị là điều kiện quyết định kết quả điều trị lao kháng thuốc.

 

Cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân: Địa phương cùng vào cuộc

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cung-cap-phuong-tien-tranh-thai-cho-nguoi-dan-dia-phuong-cung-vao-cuoc-3715707-b.html

Phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí giảm dần và tiến tới việc phải chủ động trong việc cung cấp phương tiện trên cho người dân. Điều này không chỉ đòi hỏi cơ quan quản lý đẩy mạnh xã hội hóa để người dân có nhiều lựa chọn, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.

Tại các địa phương, tùy vào điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội có bước đi phù hợp để PTTT đến tất cả đối tượng trong độ tuổi, có nhu cầu.

PTTT ngày càng hiện đại

Nếu như trước kia, chị em phụ nữ có duy nhất biện pháp tránh thai là đặt vòng, hiện đại hơn một chút là bao cao su thì ngày nay, PTTT gồm nhiều chủng loại, đáp ứng được yêu cầu của từng đối tượng sử dụng.

Dạo một vòng trên thị trường sẽ thấy, PTTT phổ biến hiện nay và được nhiều người tin dùng là dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, viên uống tránh thai và bao cao su… Tính sơ sơ, chị em có khoảng 17 lựa chọn để tránh thai. Phương pháp tránh thai phổ biến nhất với phụ nữ có gia đình là viên uống tránh thai và loại mới là thuốc đặt âm đạo.

Trong vài năm gần đây, que cấy tránh thai đã được nhiều phụ nữ Việt Nam lựa chọn. Thị trường nước ta hiện nay cũng đã có miếng dán ngừa thai, mang đến nhiều lựa chọn về đường dùng thuốc tránh thai cho phụ nữ. Đặc biệt các thuốc tránh thai nhóm nội tiết luôn chú trọng đến việc tăng các lợi ích ngoài tránh thai như bảo vệ cơ thể chống lại một số ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ngừa và điều trị mụn trứng cá, làm đẹp da, không gây tăng cân.

Miếng dán ngừa thai là phương pháp được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đây là loại chứa hormon, có thể dán lên vùng bụng dưới, rốn, hay lưng, vai. Eestrogen và progestin được phóng thích từ miếng dán trong 1 tuần. Sau 1 tuần, bạn gỡ và thay 1 miếng dán khác. Nếu bạn không muốn dùng estrogen trong thời gian dài, bạn có thể chọn các biện pháp tránh thai chỉ có progestin gồm que cấy dưới da. Có kích cỡ như que diêm được cấy dưới da vùng cánh tay. Loại này có tác dụng ngừa thai đến 3 năm. Tác dụng phụ thường gặp gồm ra huyết bất thường, nhức đầu, trầm cảm và không khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân ung thư vú.

Phương tiện tránh thai rẻ tiền, dễ tiếp cận nhất hiện nay là loại màng chắn như bao cao su (nam và nữ), mũ cổ tử cung, màng chắn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng. Hiệu quả ngừa thai được đánh giá đạt 80%, vì vậy với các biện pháp này, để bảo đảm hiệu quả ngừa thai cho bạn, tốt nhất bạn chỉ có 1 bạn tình và biết trước khi nào bạn sẽ có quan hệ tình dục. Nên cảnh giác nếu bạn có nhiều bạn tình, hãy luôn dùng bao cao su, bất kể bạn đã có và đang áp dụng một biện pháp ngừa thai khác. Bao cao su là biện pháp duy nhất bảo vệ bạn tránh khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Với phụ nữ đã sinh đủ con và không có nhu cầu sinh thêm, triệt sản là phương pháp được khuyến khích. Phương pháp này có thể thực hiện ở 2 giới với tỷ lệ tránh thai hiệu quả trên 99%. Theo bác sĩ sản khoa Trần Kim Phượng, trong quá trình quản lý thai kỳ cho chị em, bác sĩ thường tư vấn luôn biện pháp tránh thai ngay sau sinh. Với chị em không có nhu cầu sinh thêm con, tuổi đã cao, có thể lựa chọn triệt sản trong quá trình mổ bắt con. Còn với phụ nữ sinh thường, dụng cụ tử cung là lựa chọn hợp lý.

Địa phương cùng vào cuộc

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hiện một phần PTTT vẫn được miễn phí để cung cấp cho người dân ở nông thôn, vùng khó. Tuy nhiên, trong năm 2017 sẽ không có bao cao su miễn phí từ nguồn Trung ương. Bên cạnh đó, số viên thuốc tránh thai miễn phí cũng giảm so với các năm trước và dự báp tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này tạo điều kiện cho công tác xã hội hóa được đẩy mạnh phù hợp với xu thế và phát triển bền vững của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Cao Bằng, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại của tỉnh là 72,5%, tương ứng hằng năm có 27.000 - 28.000 cặp vợ chồng có nhu cầu sử dụng các BPTT hiện đại theo hướng xã hội hóa. Để làm tốt công tác này, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã xây dựng Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, việc đa dạng hóa PTTT và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản sẽ theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các PTTT hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường. Truyền thông chuyển đổi hành vi để nâng cao hiểu biết từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của từng người.

Tương tự, ngành dân số Quảng Bình cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% phường, thị trấn triển khai xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản. Trước mắt, giai đoạn 1 (2017 - 2018), đề án xã hội hóa PTTT được thí điểm tại 25 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện, chính sách khuyến khích xã hội hóa việc cung cấp PTTT, đẩy mạnh hoạt động truyền thông thay đổi hành vi để hoàn thiện văn bản và tiến tới thực hiện đại trà.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020 sẽ cần 106.025 dụng cụ tử cung, 3.100 liều thuốc cấy, 5.957.900 vỉ viên thuốc tránh thai và 55,9 triệu chiếc bao cao su theo diện xã hội hóa. Như vậy, ngoài chính sách kêu gọi đầu tư, đưa ra chuẩn chất lượng từ phía cơ quan chức năng, các địa phương cũng cần chủ động vào cuộc.

 

Bác sĩ ‘đánh cược’ cứu bệnh nhân nghèo

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bac-si-danh-cuoc-cuu-benh-nhan-ngheo-723670.html

Bệnh tình có thể đến bất cứ lúc nào, không nên vì một thẻ bảo hiểm y tế mà gây khó khăn cho chính mình và gia đình, vô tình bỏ đi cơ hội được điều trị.

Thời gian gần đây, khoảng 2/3 các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, nhập viện tại khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đều thuộc hoàn cảnh hết sức khó khăn. Điều này khiến các bác sĩ BV luôn cố gắng vừa điều trị vừa xin tiền hỗ trợ.

Bệnh nặng, nhà nghèo, không BHYT

Mới đây nhất, BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, chia sẻ với các đồng nghiệp về trường hợp bệnh nhân Trần Văn Em (27 tuổi, ở Bình Thuận). Anh này là công nhân, trên đường đi làm thì ngất xỉu, sau đó rơi vào nguy kịch nên các bác sĩ BV đa khoa Bình Thuận chuyển thẳng lên BV Chợ Rẫy cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị viêm cơ tim, phù phổi, loạn nhịp tim, ngưng tim…

Tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ xác định cách duy nhất để cứu sống bệnh nhân là dùng kỹ thuật ECMO. Tuy nhiên, để sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi một chi phí rất lớn trong khi gia đình bệnh nhân lại rất khó khăn.

Trước tình hình đó, bác sĩ khoa ICU đã xin ý kiến lãnh đạo BV và trong vòng 45 phút các bác sĩ cho bệnh nhân đặt máy, chạy kỹ thuật ECMO. Đồng thời bệnh nhân được lọc máu liên tục vì suy thận, phù phổi. Đến nay bệnh nhân đã hồi phục tim nhưng thận chưa có nước tiểu. Dự kiến sẽ phải liên tục lọc thận trong thời gian tới cho đến khi phục hồi.

 “Bệnh nhân này dù đã có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng chi phí điều trị đến thời điểm hiện tại đã gần 300 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả cho 1/2 số này. Số tiền còn lại gia đình phải chật vật vay mượn khắp nơi, phần khác BV nhờ phòng công tác xã hội liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ. Trường hợp này còn tạm đỡ, có nhiều trường hợp khác chúng tôi gặp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng lại không có BHYT, đây mới đúng là những thách thức lớn của đội ngũ bác sĩ” - BS Linh cho biết.

Bệnh nhân Phan Thị Bích Loan (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) mà BV tiếp nhận gần đây cũng trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, vật vã, tím tái, huyết áp thấp, mạch nhanh, thở máy chế độ cao. Chỉ có thể sử dụng phương pháp ECMO ngay cho bệnh nhân mới tránh nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, số tiền điều trị quá lớn mà Bích Loan vừa học xong lớp 12, BHYT hết hạn cuối tháng 5-2016. Vì vậy bệnh nhân và gia đình không được hưởng chế độ thuốc và dịch vụ tính theo BHYT, đành cắn răng xin về chờ chết. Nhìn thấy bệnh nhân vẫn còn hy vọng, các bác sĩ ngay trong đêm đã liên hệ các khoa, phòng và quyết định cứu bệnh nhân, sau đó mới lo chi phí. Đến nay bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.

“Đánh cược cứu người”

Theo BS Linh, những trường hợp bệnh nhân nghèo, cần kỹ thuật cao vào BV Chợ Rẫy hiện không hiếm, số lượng tăng lên khá nhiều. Riêng những ca bệnh nặng cần dùng tới kỹ thuật ECMO, có đến 2/3 là bệnh nhân nghèo, khoảng 20%-30% bệnh nhân không có BHYT.

“Thông thường những trường hợp như thế này khoa đều xin ý kiến lãnh đạo BV, sau đó giải thích với người nhà khả năng của bệnh nhân để cố gắng tối đa có thể. Hầu như tất cả đều được BV hỗ trợ và chữa trị nếu còn cơ hội. Có những trường hợp bệnh nhân vào nửa đêm, chúng tôi cũng liên hệ mọi cách để làm sao chắc chắn có tiền cứu bệnh nhân mà không để bệnh nhân đánh mất cơ hội. Nhiều lúc chúng tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, xin tiền khắp nơi điều trị nhưng bệnh nhân qua đời hoặc khỏi bệnh xong bệnh nhân đi mất thì bác sĩ cũng đành gồng gánh thêm khoản nợ” - BS Linh bày tỏ.

Với những bệnh nhân điều trị kỹ thuật cao, vấn đề BHYT như một cứu cánh vô cùng lớn. Trước đây, một số kỹ thuật cao chưa được BHYT thanh toán nhưng một năm trở lại đây BHYT đã chi trả một phần khá nhiều. Do đó việc mua BHYT trong người dân bây giờ cực kỳ quan trọng.

“Bệnh tình có thể đến bất cứ lúc nào, không nên vì một thẻ BHYT mà gây khó khăn cho chính mình và gia đình, vô tình bỏ đi cơ hội được điều trị” - BS Linh nhắn nhủ.

 

Cụ bà liệt 2 chân được phẫu thuật thành công

http://www.sggp.org.vn/cu-ba-liet-2-chan-duoc-phau-thuat-thanh-cong-464092.html

Chiều 26-8, Bệnh viện quận Thủ Đức thông tin vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân lớn tuổi bị liệt 2 chân. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã vận động trở lại.

Bệnh nhân là cụ T.T.K.H (70 tuổi, ngụ quận 9) nhập viện tại bệnh viện quận Thủ Đức ngày 2-8 trong tình trạng liệt 2 chân kèm mất cảm giác từ ngực trở xuống, nhiễm trùng đường tiểu, táo bón, không đi tiêu, đi tiểu được từ trước đó 2 tuần.

Sau khi thăm khám và thực hiện chỉ định chụp MRI, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối u lớn, gây chèn ép tủy ngực D4, hẹp đốt sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm L3-L4, L4-L5, nhiễm trùng tiểu, táo bón, kèm theo bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Tại khoa Ngoại Tổng quát, bệnh nhân được điều trị phẫu thuật mở bàng quang, mở hậu môn nhân tạo để giải quyết vấn đề nhiễm trùng đường tiểu và táo bón. Hai ngày sau, bệnh nhân được chuyển lên khoa Ngoại Thần kinh để tiếp tục điều trị và phẫu thuật nhằm giải quyết vấn đề gây liệt 2 chân và mất cảm giác.

Phẫu thuật lần đầu giải phóng tủy ngực D4 bị chèn ép dưới kính vi phẫu. Phẫu thuật lần hai sau đó 10 ngày, bệnh nhân được lấy khối thoát vị và làm rộng ống sống lưng, đặt dụng cụ nẹp vít kết hợp bơm xi măng vào thân đốt sống giúp cố định và thay đĩa đệm nhân tạo L3-L4, L4-L5.

Cả 2 cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Bệnh nhân H đã ổn định, có cảm giác trở lại, vận động được 2 chân, đi tiêu, đi tiểu bình thường. Bệnh nhân được chỉ định tập vật lý trị liệu tích cực để hồi phục khả năng đi lại và được xuất viện vào chiều ngày 25-8.

 

20 bệnh nhân huyện Tân Kỳ được phẫu thuật mắt miễn phí

http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201708/20-benh-nhan-huyen-tan-ky-duoc-phau-thuat-mat-mien-phi-2838080/

Ngày 26/8, với sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện mắt Trung Ương, Trung tâm y tế Tân Kỳ đã triển khai mổ Phaco cho 20 bệnh nhân bị đục thuỷ tinh thể.

Trước đó, từ ngày 19 - 24/4, Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ đã tổ chức Chương trình khám mắt miễn phí cho người già có hoàn cảnh khó khăn bị đục thủy tinh thể tại địa phương. Các bệnh nhân được khám sàng lọc, đo nhãn áp, đo Javal, siêu âm mắt A-B, tính công suất thuỷ tinh thể nhân tạo IOL, xét nghiệm tiền phẫu, khám nội khoa...

Sau khi khám sàng lọc, đoàn bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương và Trung tâm y tế Tân Kỳ tiến hành phẫu thuật Phaco miễn phí, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách sử dụng thuốc sau mổ, cách phòng tránh các bệnh về mắt có thể gây mù cho 20 bệnh nhân của huyện Tân Kỳ.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật Phaco là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay với những ưu điểm như: thời gian mỗi ca mổ chỉ kéo dài 5 - 10 phút, không đau, không chảy máu, vết mổ rất nhỏ, thị lực hồi phục chỉ sau 2 giờ…

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ chống mù lòa trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hướng tới Năm Thị giác Thế giới vào năm 2020.

 

Quảng Ninh: Cứu sống bé gái 16 tháng tuổi bị ho gà kèm biến chứng

http://congly.vn/xa-hoi/giao-duc/quang-ninh-cuu-song-be-gai-16-thang-tuoi-bi-ho-ga-kem-bien-chung-223524.html

Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã cấp cứu thành công cho bé gái Hà Thị T. (16 tháng tuổi), trú tại thôn Vằng Chè, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bị mắc bệnh ho gà kèm biến chứng nặng phải lọc máu liên tục và điều trị.

Sau 20 ngày được điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, không sốt, không ho, đại tiểu tiện bình thường, dự kiến xuất viện trong thời gian tới.

Trước đó, trẻ có ho, sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà được chẩn đoán theo dõi bạch cầu cấp. Sau thời gian dùng thuốc không đỡ, trẻ có dấu hiệu nặng lên, sốt cao, khò khè, khó thở, uống thuốc không giảm và được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bé bị viêm phế quản cấp nên bệnh nhân bị thiếu máu và phải theo dõi triệu trứng của bệnh ho gà.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bạch cầu tăng cao bất thường (108.900/mm3), phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà… Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị Suy hô hấp, viên phế quản cấp phổi, thiếu máu và ho gà. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển  đến khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tích cực do số lượng bạch cầu trong máu quá cao, các bác sĩ chỉ định thay máu ngay trong đêm cho bé.

Tuy nhiên, tình trạng trẻ vẫn diễn biến nặng hơn (li bì, sốt trên 41 độ, nhịp tim nhanh 200 ck /ph, tăng trương lực cơ toàn thân, bạch cầu máu tăng 79.9 G/l, tiên lượng bệnh nhân rất nặng…). Các bác sĩ tiến hành hội chẩn chuyên khoa lần 2 và chỉ định thay máu lần 2 cấp cứu trẻ. Sau khi được lọc máu liên tục lần 2 và cho dùng thuốc thì bạch cầu, mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn.

Kíp trực và điều trị tích cực cho bé do Bs Đinh Thị Lan Oanh, Bs Dương Văn Linh, Bs Hoàng Tùng, Bs Trương Văn Thế, Bs Phạm Ngọc Mười và các kỹ thuật viên khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện tiến hành.

Sau 20 ngày điều trị liên tục bằng pháp đồ hợp lý, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, trẻ tự thở, không sốt, không ho, sức khỏe ổn định. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng thời gian tới.

Bác sĩ Phạm Ngọc Mười cho biết: "Đa số các bé nhập viện và có diễn biến tăng nặng đều chưa tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh ho gà nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh, bệnh tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80 - 90%".

Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 đến 3 tháng tuổi vì dễ gây biến chứng nặng.

Bác sĩ Mười khuyến cáo: "Để phòng bệnh ho gà ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắcxin trước khi mang thai".

Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắcxin dịch vụ phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván ở tuần thai thứ 20 để tạo miễn dịch cho mẹ và cho con.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

 

Khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi

http://moitruong.net.vn/kham-benh-va-cap-phat-thuoc-mien-phi-cho-nguoi-cao-tuoi/

Để chào mừng Quốc khánh 2/9, mới đây, đội thầy thuốc tình nguyện Sở Y tế thành phố Cần Thơ tổ chức buổi tư vấn, khám bệnh, siêu âm và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Thạnh Nhựt và Bình Nhì, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Tại đây, có hơn 350 lượt người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn về sức khỏe như: chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục dưỡng sinh, cách uống thuốc, cách nhận biết về các dấu hiệu bệnh thường gặp và tự chăm sóc sức khỏe…

Đồng thời, các cụ được khám bệnh, đo huyết áp, bắt mạch, siêu âm và phát thuốc miễn phí hỗ trợ điều trị các bệnh thấp khớp, thần kinh, cao huyết áp, tiêu hóa, đau xương khớp… với tổng số kinh phí 50 triệu đồng.

 

Mổ cứu sống bé bệnh nặng bị gia đình bỏ rơi

http://thanhnien.vn/suc-khoe/mo-cuu-song-be-benh-nang-bi-gia-dinh-bo-roi-869544.html

Ngày 25.8, bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết bác sĩ của BV vừa mổ thành công khối u thoát vị rất nặng, cứu sống bé gái 2 ngày tuổi.

 Ngày 20.7, bé gái được gia đình chuyển từ Kiên Giang lên BV Nhi đồng 1, bé có khối u kích thước 10 x 15 cm phía sau gáy, trong khối u phần lớn là nước và dịch não tủy đã thoái hóa, kèm nhiễm trùng viêm màng não.

Người nhà đưa bé đến BV Nhi đồng 1 rồi bỏ đi đâu không rõ; BV đã cố gắng liên hệ với gia đình bệnh nhi để phẫu thuật cứu bé nhưng không được. Ngày 17.8, bác sĩ phẫu thuật bóc tách khối u, đóng khối xương khiếm khuyết 3 cm ở sọ não và tái tạo da ở vùng thoát vị. Hiện sức khỏe cháu bé dần ổn định.

 

Đảo An Bang cấp cứu ngư dân bị nạn khi lặn biển

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/dao-an-bang-cap-cuu-ngu-dan-bi-nan-khi-lan-bien-516126

Lúc 19 giờ 30 ngày 25-8, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã kịp thời cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Thảo (quê ở Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa), bị nạn khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Trước đó vào lúc 14 giờ 25-8, đảo Thuyền Chài đã nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá KH 91818TS do ông Phan Cảo (quê ở Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa)  làm chủ tàu, đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa về tai nạn của anh Nguyễn Văn Thảo, 48 tuổi, là ngư dân trên tàu. Ngay lập tức, các bác sĩ tại đảo Thuyền Chài đã tiến hành sơ cứu ban đầu và chuyển bệnh nhân sang bệnh xá đảo An Bang để có điều kiện cứu chữa tốt hơn.

Sau khi thăm khám, các y, bác sĩ đã nhanh chóng xác định bệnh nhân bị Hội chứng hạ liệt không hoàn toàn do giảm áp mức độ nặng. Ngay sau đó các y, bác sĩ đã tiến hành xử trí bất động, cho thở oxy, truyền dịch, đặt sonde tiểu, theo dõi chức năng thận, giảm đau. Hiện tại bệnh nhân dần tỉnh và tiếp xúc tốt.

Được biết, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 25-8, anh Thảo lặn bắt cá ở độ sâu 18 mét, ngoi lên nhanh đột ngột, khi lên tàu thấy hoa mắt, chóng mặt, yếu liệt hai chân, đau nhức toàn thân, nặng nhất vùng thắt lưng hông.

Chỉ huy đảo An Bang đã kịp thời thăm hỏi, động viên đối với bệnh nhân và các ngư dân trên tàu, đồng thời đề nghị chủ tàu cử 1 người của tàu ở lại cùng với các y, bác sĩ và đảo chăm sóc bệnh nhân và hướng dẫn tàu cá vào neo đậu an toàn.

 

Vòng bụng càng to, vòng đời càng ngắn

http://thanhnien.vn/suc-khoe/vong-bung-cang-to-vong-doi-cang-ngan-869683.html

Béo phì là một đóng góp cho nguy cơ ung thư, theo một nghiên cứu mới của Đại học tiểu bang Michigan (Mỹ).

Trang Sciencedaily dẫn nghiên cứu trên cho thấy một loại protein được giải phóng khỏi chất béo trong cơ thể có thể làm tế bào không ung thư trở thành ung thư. Cụ thể, một lớp chất béo bụng dưới, khi so sánh với chất béo dưới da, là thủ phạm nhiều hơn, giải phóng nhiều protein hơn và khuyến khích sự phát triển của khối u.

Bà Jamie Bernard, tác giả chính và trợ lý giáo sư về dược lý học và độc tính cho biết: "Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhưng số ca mới mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. Điều quan trọng là phải hiểu được nguyên nhân để làm giảm ca ung thư bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hoặc can thiệp điều trị".

Ước tính có hơn một 1/3 dân số là người béo phì. Bệnh béo phì có liên quan đến một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt, tử cung và thận.

Có hai lớp mỡ bụng. Lớp trên cùng, được gọi là chất béo dưới da, nằm ngay dưới da. Sau đó đến lớp chất béo nội tạng, là chất có hại hơn.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Oncogene và được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ.

 

Phần Lan phát hiện lượng nhỏ chất Fipronil trong trứng nhập khẩu

http://www.vietnamplus.vn/phan-lan-phat-hien-luong-nho-chat-fipronil-trong-trung-nhap-khau/463096.vnp

Ngày 25/8, Đài Phát thanh quốc gia Phần Lan cho biết các phòng thí nghiệm của lực lượng hải quan nước này đã phát hiện một lượng nhỏ chất Fipronil hàm lượng thấp trong các sản phẩm từ trứng nhập khẩu vào Phần Lan.

Một lượng nhỏ chất Fiprofen, một chất được phân hủy từ Fipronil được tìm thấy trong sản phẩm bánh ngọt và nước xốt. Cơ quan hải quan không cho biết các sản phẩm này có xuất xứ từ nước nào.

Vụ bê bối trứng "bẩn" nhiễm Fipronil đã gây hoang mang khắp châu Âu từ đầu mùa Hè này. Những lô trứng nghi nhiễm Fipronil không được nhập khẩu vào Phần Lan.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan nước này bắt đầu kiểm tra các chế phẩm từ trứng nhập vào nước này.

Các thử nghiệm được nhắm vào các sản phẩm bánh ngọt từ Estonia, Thụy Điển, Pháp và Anh và xốt từ Thụy Điển, Đức và Latvia.

Do sản phẩm chỉ nhiễm ở mức thấp, Hải quan Phần Lan cho rằng các sản phẩm này vẫn phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.

Vụ bê bối trứng "bẩn" hiện đã lan rộng tới 17 nước châu Âu, trong đó Bỉ, Hà Lan và Đức là ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

Hà Lan cũng từng là tâm điểm của vụ bê bối thực phẩm "bẩn" hồi năm 2013 với vụ thịt ngựa giả thịt bò được bày bán khắp châu Âu.

 

Khiêu vũ khiến não bộ ngừng lão hóa

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/khieu-vu-khien-nao-bo-ngung-lao-hoa-723778.html

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontier of Human Neuroscience cho thấy những người thường xuyên khiêu vũ giúp não bộ không bị lão hóa nhanh, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Nghiên cứu được tiến hành trên một nhóm người có độ tuổi trung bình là 68 và được chia làm hai nhóm vận động là khiêu vũ và tập thể dục thông qua những bài tập rèn luyện sức bền. Nhóm người thực hành khiêu vũ cũng sẽ được cho thử nghiệm trên nhiều loại giai điệu khác nhau như jazz, latinh hay nhạc dance… Sau 18 tháng, kết quả cho thấy cả hai loại vận động đều có tác dụng ngăn chặn lão hóa não nhưng những người thường xuyên khiêu vũ mang lại một dấu hiệu khả quan hơn.

TS Kathrin Rehfeld, tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết: “Khiêu vũ làm chậm hoặc thậm chí làm ngừng quá trình lão hóa, cả thể chất lẫn tinh thần”.

Cụ thể hơn, vùng hippocampus (một phần trong não trước, có chức năng lưu giữ ký ức và chi phối tâm trạng) sẽ gia tăng kích thước khi bạn khiêu vũ, điều đó có nghĩa bạn sẽ có một trí nhớ tốt hơn cũng như cân bằng tâm trạng tốt hơn. Ngoài ra, việc khiêu vũ khiến cơ thể bạn vận động liên tục, các cơ bắp cũng sẽ có cơ hội được luyện tập đều đặn khiến cơ thể trở nên săn chắc, thon gọn và khỏe khoắn.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang