Không để thiếu thuốc sốt xuất huyết, tay-chân-miệng
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/khong-de-thieu-thuoc-sot-xuat-huyet-taychanmieng-661634.html
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có công văn chỉ đạo để đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay-chân-miệng do sự thay đổi thất thường của thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo đó, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc trên địa bàn.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh.
Sắm xe chuyên dụng để kiểm tra thực phẩm bẩn
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/sam-xe-chuyen-dung-de-kiem-tra-thuc-pham-ban-661632.html
Ngày 28-10, UBND TP Đà Nẵng cho biết để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
TP đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATVSTP.
Đặc biệt, Sở Y tế phải chủ trì nghiên cứu và báo cáo đề xuất UBND TP phương án trang bị xe chuyên dụng, xét nghiệm lưu động thực phẩm để kịp thời phát hiện, xử lý và cảnh báo thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng. UBND TP cũng yêu cầu người đứng đầu chính quyền, các ngành chức năng thường xuyên đi cơ sở, kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm… ít nhất một lần/tuần.
Bệnh viện Bạch Mai có sân đỗ trực thăng
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bv-bach-mai-co-san-do-truc-thang-661602.html
Sáng 28-10, BV Bạch Mai, Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Khám bệnh và điều trị ban ngày nhằm giảm tải cho khoa Khám bệnh.
Đây là một trong số ít bệnh viện được phê duyệt thiết kế sân đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà, đáp ứng việc cấp cứu, điều trị các trường hợp khẩn cấp, nhất là khi có thiên tai, thảm họa.
Trung tâm Khám bệnh và điều trị ban ngày của BV Bạch Mai có tổng mức đầu tư 664 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước, vốn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Công trình gồm chín tầng nổi, ba tầng hầm, một trung tâm kỹ thuật và có sân đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà.
Dự kiến công trình hoàn thành vào quý I-2018, với quy mô 6.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày và 100 giường điều trị trong ngày. Công trình sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt này. Khi công trình đi vào hoạt động, người bệnh sẽ giảm được thời gian chờ khám khoảng 40 phút so với hiện nay.
Hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận hơn 9.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú. Thời gian trung bình một bệnh nhân phải chờ để được khám là hơn một tiếng đồng hồ. Trong bối cảnh ngày càng đông bệnh nhân như hiện nay, bệnh viện chưa thể cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Bộ Y tế và lãnh đạo bệnh viện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Cơ sở 2 BV Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam, dự kiến hoàn thành trong vài năm tới để khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân.
Tổng kết Chương trình thải độc chì cho trẻ em và người lao động
Sáng 28/10, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp Môi trường, Bộ Y tế đã tổng kết, công bố kết quả hỗ trợ thải độc chì cho trẻ em và người lao động tại thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên).
Chương trình do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Công ty TNHH Pectin Technology phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm tổ chức. Đây là một trong những hoạt động của Viện để hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Phòng chống nhiễm độc chì từ ngày 23-29/10/2016, do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Tổ chức YT Thế giới phát động.
Trước đó, viện đã xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho 333 trẻ em và 107 người lao động ở làng tái chế ắc quy Đông Mai. Các nghiên cứu chỉ rõ, tại địa phương dù các cơ sở tái chế ắc quy được di dời ra khỏi khu dân cư, nhưng tình trạng nhiễm độc chì vẫn chưa được cải thiện triệt để. Các cơ sở tái chế vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vệ sinh lao động. Người dân khu vực có hàm lượng chì trong máu ở mức cao.
Chương trình cung cấp miễn phí sản phẩm Pectin Complex cho toàn bộ trẻ em và người lao động được xét nghiệm chì máu. Đây là sản phẩm hạn chế hấp thu và tăng đào thải chì ra ngoài cơ thể. Thời gian sử dụng trong 2 tháng (từ ngày 3/6/2016 đến ngày 3/8/2016).
Đồng thời, phát tờ rơi, bài truyền thông trên đài truyền thanh thôn Đông Mai hướng dẫn về phòng chống nhiễm độc chì, công dụng và hướng dẫn sử dụng sản phẩm Pectin Complex để nâng cao nhận thức cho người dân.
Đánh giá kết quả trên những đối tượng được xét nghiệm cả trước và sau can thiệp cho thấy: Nồng độ chì máu trung bình đã giảm từ 20,94 µg/dL xuống còn 16,52 µg/dL, giảm được 4,42 µg/dL, tương đương 21,1%. Người lao động có nồng độ chì máu trung bình của người lao động (n=43) giảm từ 43,79 µg/dL xuống còn 31,83 µg/dL , giảm 11,96 µg/dL, tương đương 27,32% so với trước can thiệp.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết: Để khắc phục, thải độc chì cho trẻ em và người lao động có hiệu quả cần tiếp tục đánh giá hiện trạng môi trường khu dân cư và có biện pháp cải thiện nếu còn ô nhiễm. Cải thiện điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất tái chế chì, trang bị cho người lao động mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, giày dép và tắm rửa sạch sẽ sau ca làm việc.
Tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống nhiễm độc chì cho trẻ em, người lao động và cộng đồng. Định kì khám sức khỏe và xét nghiệm nồng độ chì máu. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất (ăn nhiều hoa quả, uống sữa, sử dụng sản phẩm hỗ trợ thải độc chì pectin…).
Cứu sống bé trai bị thanh sắt đâm xuyên từ sau ra trước
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cuu-song-be-trai-bi-thanh-sat-dam-xuyen-tu-sau-ra-truoc-661571.html
“Sức khỏe bệnh nhi HVNM (nam, năm tuổi, ở TP.HCM) bị thanh sắt nhọn đâm khi té từ lầu ba đã ổn định. Kết quả chụp CT Scan cho thấy không còn máu tụ, tim và phổi hoạt động bình thường”.
Chiều 28-10, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thông tin trên.
Theo BS Hiếu, hiện BV Nhi đồng 1 tiếp tục theo dõi tình trạng thần kinh và đôi chân của bé M. vì có biểu hiện hơi yếu.
Trước đó, ngày 26-10, bé M. rơi từ lầu ba và bị một thanh sắt nhọn trên tường rào đâm từ sau lưng ra trước ngực.
Bé được người nhà chuyển đến BV Thống Nhất (TP.HCM) trong tình trạng sốc nặng, cơ thể tím tái. Kết quả chẩn đoán cho thấy bé M. bị vết thương sau lưng và vùng ngực bên phải nên bị chảy máu rất nhiều. Các BS nhanh chóng khâu vết thương, hồi sức tích cực nhưng huyết áp của bé không ổn định, có lúc ngưng tim, ngưng thở. Trước tình huống trên, lãnh đạo BV Thống Nhất khởi động quy trình báo động đỏ ngoại viện với BV Nhi đồng 1.
Khoảng 10 phút sau, BS Đào Trung Hiếu có mặt tại BV Thống Nhất để cùng hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị. Lúc này, bé M. vẫn trong tình trạng sốc nặng, da nhợt nhạt do máu vẫn còn chảy nên các BS quyết định tiến hành phẫu thuật.
Khi mở lồng ngực, các BS phát hiện màng tim có một vết rách khoảng 3 cm khiến máu liên tục ào ra nên tiến hành cầm máu.
Sau đó, các BS tiếp tục phát hiện một vết rách ở vùng tâm nhĩ bên phải, tại phổi có hai vết rách khoảng 3 cm ở thùy dưới bên phải khoảng 3 cm nên đã nhanh chóng khâu lại. Sau đó, bé M. được chuyển đến BV Nhi đồng 1 để tiếp tục được chăm sóc.
Xót xa những nạn nhân của mỹ phẩm rởm
http://plo.vn/suc-khoe/lam-dep/xot-xa-nhung-nan-nhan-cua-my-pham-rom-661493.html
Quá tin vào những lời giới thiệu, quảng cáo của người quen hay người bán hàng, không ít người đã rước bệnh vào người vì những loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc mỹ phẩm rởm.
Sử dụng chất độc trên da mà không hay biết
Hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc, phục hồi da, BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh (Nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết hàng trăm bệnh nhân đã tìm đến chị với những tổn thương nặng nề sau khi dùng mỹ phẩm có chứa các chất độc hại, đặc biệt là corticoid.
Có những bạn còn rất trẻ, chỉ 18-20 tuổi nhưng cả gương mặt sần sùi, mụn nổi thành từng đám đỏ, ngứa buốt.
Cô gái T. T.T.R (29 tuổi, ngụ Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cả khuôn mặt bị biến dạng. Chỉ sau khoảng ba tháng bôi liên tục loại thuốc trị ngứa và mụn trên cơ thể, lúc đầu, gương mặt T.R hết mẩn ngứa và có phần láng mịn nhưng sau đó, khuôn mặt cô ngày càng bị dày cứng, lục cục, biến dạng, trông già nua như bà lão 70. Qua quá trình thăm khám, soi da và dùng các phương pháp thử cho thấy, T.R bị chứng lão hóa do hậu quả của việc lạm dụng thuốc bôi có chứa corticoid.
BS Cẩm Anh thông tin: “Corticoid là chất độc bảng B (theo quy định của Bộ Y tế) và bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đã cho corticoid vào sản phẩm chăm sóc da để làm đẹp nhanh và thu lợi bất chính”.
Có nhiều thể viêm da do nghiện corticoid như viêm da kích thích, viêm da tăng tiết nhờn và nổi mụn, thể đỏ da giãn mạch kéo dài, viêm da dạng phồng rộp…
Theo BS Cẩm Anh, việc điều trị những thể loại viêm da do corticoid là rất khó khăn và kéo dài nhiều tháng, có những trường hợp phải điều trị vài năm.
Khôi phục lòng tin người tiêu dùng
Hàng loạt sai phạm về sản xuất mỹ phẩm đã được kiểm tra, phát hiện và đưa ra trước dư luận. Đây chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người tiêu dùng đồng thời cũng là cảnh báo cho các doanh nghiệp đang đùa giỡn trên sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước cần suy nghĩ thấu đáo hơn rằng muốn tồn tại và phát triển bền vững phải đầu tư và kinh doanh nghiêm túc để có các sản phẩm chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Đã có không ít doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, có nhiều hoạt động để bảo vệ người tiêu dùng. Và trên hết là những nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đạt được những quy chuẩn vươn ra thế giới. Một trong những chứng nhận uy tín hiện nay phải kể đến là chứng nhận CGMP do Bộ Y tế cấp.
Ông Hoàng Minh Hoàng - Giám đốc Nhà máy Hoa Thiên Phú Bình Dương (thuộc Công ty CP Dược Phẩm Hoa Thiên Phú) là một trong ít các đơn vị đạt chứng nhận CGMP, cho biết: “Hiện nay, chứng nhận CGMP trong sản xuất mỹ phẩm là yếu tố then chốt để khẳng định mỹ phẩm đó đảm bảo chất lượng. Mục đích quan trọng nhất khi các doanh nghiệp áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng mỹ phẩm tuân thủ theo các điều khoản của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN là trong bất cứ trường hợp nào tính an toàn và chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu và phải đạt các tiêu chuẩn phù hợp nhất, đảm bảo sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng”.
Để đạt được chứng nhận CGMP các đơn vị sản xuất phải xây dựng và áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt, khắt khe gồm các tiêu chuẩn về nhân sự - đào tạo, nhà xưởng - máy móc thiết bị, vệ sinh, thẩm định - đánh giá, hồ sơ tài liệu, các quy trình thao tác chuẩn, kiểm tra chất lượng và đảm bảo chất lượng cũng như giải quyết khiếu nại của khách hàng...
Công nhân Công ty May Panko lại tiếp tục nhập viện
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/cong-nhan-cong-ty-may-panko-lai-tiep-tuc-nhap-vien-661514.html\
Sáng 28-10, nhiều công nhân may của Công ty TNHH MTV Panko (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) tiếp tục nhập viện trong tình trạng khó thở, ngất xỉu chưa rõ nguyên nhân.
Theo ghi nhận, sáng nay tại BV Minh Thiện (Tam Kỳ) tiếp tục đón nhận thêm nhiều bệnh nhân là các nữ công nhân may của công ty nói trên nhập viện trong tình trạng đau đầu, ói mửa, khó thở và ngất xỉu.
Theo một công nhân cho hay, sáng nay khi vào giờ làm việc thì nghe có mùi lạ khét lẹt bốc vào mũi. Sau đó có người khó thở ngất xỉu. Sau đó nhiều người cũng bị ngất theo và được chuyển xuống bệnh viện bằng xe khách, xe máy và cả taxi. Công nhân tại xưởng làm việc vô cùng hoảng loạn.
Tại BV Minh Thiện, số lượng công nhân nhập viện ghi nhận được khoảng 20 trường hợp. Các nữ công nhân có biểu hiện như trên khi nhập viện. PV liên hệ công ty trên để tìm hiểu sự việc, tuy nhiên không thể vào được bên trong và phía công ty này cũng từ chối cung cấp thông tin.
Một đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cho hay đã cử cán bộ xuống kiểm tra và hiện chưa xác nhận được nguyên nhân chính xác.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chiều 27-10, hàng chục công nhân Công ty TNHH MTV Panko nhập viện Minh Thiện trong tình trạng tương tự.
Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai: Tiên phong dùng kỹ thuật hiện đại cứu người
Đây là cơ sở đầu ngành trên cả nước điều trị các bệnh về hô hấp. Trong những năm qua, các bác sĩ tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai hàng loạt kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân hiểm nghèo.
Cứu sống bệnh nhân ngoạn mục
Mới đây các bác sĩ Trung tâm Hô hấp phối hợp với ê kíp Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức- Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện 2 ca đặt stent khí quản qua lỗ mở khí quản và đặt đồng thời 2 stent: Khí quản và thực quản. Đây được đánh giá là thành công vượt bậc của các bác sĩ, khi lần đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng sáng tạo cải tiến kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó y văn thế giới mới chỉ ghi nhận 2 ca đặt stent qua lỗ mở khí quản được thực hiện tại Nhật Bản.
Bệnh nhân L.C.S. bị ung thư thực quản typ biểu mô vảy, phát hiện tháng 9/2015 đã điều trị hóa chất 8 đợt, xạ trị 28 liều, xuất hiện khó thở tăng dần. Các bác sĩ Trung tâm Hô hấp đã phối hợp với chuyên khoa Tai Mũi Họng đặt stent vào khí quản để giữ cho khối u không đè vào khí quản gây khó thở đồng thời ngăn ngừa nguy cơ thủng thực quản, thức ăn có thể theo lỗ thủng rơi từ thực quản vào đường thở và phổi gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân S. cho biết, quá trình xạ trị trước đó làm biến dạng vùng cổ, gây xơ hóa trung thất và vùng cổ, rất khó đặt nội khí quản và đặt ống nội soi cứng. Các bác sĩ đã mở khí quản để đặt stent thì phát hiện khối u tiến triển gây thủng thực quản. Ê kíp phẫu thuật đã phối hợp với chuyên khoa nội soi tiêu hoá can thiệp đặt stent thực quản, bít lỗ thủng.
Với việc đặt stent khí quản và stent thực quản, giúp bệnh nhân được cải thiện chất lượng sống, giảm khó thở, giảm đau. GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp đánh giá, đây là ca cứu bệnh nhân ngoạn mục vì lần đầu tiên kỹ thuật đặt stent qua lỗ mở khí quản được áp dụng tại Việt Nam và lần đầu tiên đặt đồng thời stent kép: stent khí quản và stent thực quản được áp dụng. Khó khăn rất lớn khi bệnh nhân mắc bệnh nặng, cổ xơ hóa do xạ trị kéo dài khiến bác sĩ rất khó để đút ống nội soi cứng theo đường trên qua miệng, họng. Lúc này bắt buộc bác sĩ phải nghĩ đến việc đặt stent qua lỗ mở khí quản của bệnh nhân. Thành công có được là nhờ sự phối hợp rất tốt giữa các chuyên khoa Hô hấp- Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức.
Trung tâm Hô hấp cũng là nơi đầu tiên chẩn đoán và ứng dụng kỹ thuật rửa phổi toàn bộ điều trị thành công cho bệnh nhân mắc bệnh tích protein phế nang. Các bác sĩ đưa một lượng nước lớn (10 – 20 lít) vào từng bên phổi (trong khi thông khí bên phổi còn lại được duy trì hoàn toàn bình thường). Biện pháp được chỉ định chủ yếu trong bệnh tích protein phế nang - một rối loạn gây tích tụ chất dạng lipoprotein ở phế nang làm cản trở quá trình thông khí và trao đổi khí.
Bệnh nhân nam 49 tuổi, vào điều trị tại Trung tâm Hô hấp vì ho kéo dài, suy hô hấp nặng với hình ảnh tổn thương phổi kẽ - phế nang trên X quang và CT scan phổi. Dịch rửa phế quản phế nang trắng đục như sữa. Bệnh nhân được rửa toàn bộ từng phổi qua ống nội khí quản hai nòng, hai phổi rửa cách nhau một tuần. Theo dõi ngay sau rửa phổi tình trạng suy hô hấp được cải thiện nhanh chóng. Kiểm tra sau 1 năm X quang phổi và chức năng hô hấp hoàn toàn bình thường.
Nỗ lực vì bệnh nhân
Trung tâm Hô hấp đã thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị khó như: nội soi phế quản, nội soi phế quản can thiệp cắt đốt khối u, sẹo hẹp và đặt stent nội khí phế quản, nội soi màng phổi, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính. Đồng thời áp dụng các kỹ thuật mới với các cải tiến sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của nền y tế Việt Nam.
Trung tâm Hô hấp luôn trong tình trạng quá tải, trung bình có 150 bệnh nhân nằm điều trị, nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy khiến các bác sĩ và điều dưỡng luôn ở trạng thái làm việc căng thẳng, giành giật sự sống với những ca bệnh nặng. GS.TS Ngô Quý Châu cho biết Trung tâm đã xây dựng và củng cố hoạt động phòng chăm sóc hô hấp tích cực với 9 giường bệnh, thực hiện việc thở máy không xâm nhập cho bệnh nhân suy hô hấp cấp và mạn, tránh cho bệnh nhân không phải đặt nội khí quản góp phần giảm tải cho khoa Hồi sức tích cực, giảm chi phí và tránh được nhiễm trùng bệnh viện do phải đặt nội khí quản.
Cùng với việc hội chẩn nội bộ, từ nhiều năm nay Trung tâm đã tổ chức và duy trì buổi hội chẩn liên chuyên khoa, liên bệnh viện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành 1 tuần một lần và đã có hàng ngàn ca bệnh khó được hội chẩn và được chữa trị kịp thời.
Với 35 năm thành lập và phát triển, ngoài việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân thuộc chuyên khoa hô hấp tuyến cuối, Trung tâm Hô hấp còn đào tạo, giảng dạy các lớp trung học, đại học và sau đại học. Đây cũng là đầu mối quản lý, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu y tế phòng chống các bệnh hô hấp không lây nhiễm, chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế. Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực các bệnh hô hấp trên các tỉnh thành phố.
Chiến sĩ quân y: biển xanh, áo trắng và trái tim hồng
Chương trình “Chiến sĩ quân y giữa trùng khơi” tối 28-10 gây xúc động khi tôn vinh những đóng góp thầm lặng của những chiến sĩ Quân y trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương trình “Chiến sĩ quân y giữa trùng khơi” do Bệnh viện Quân y 175, Đài truyền hình TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mang đến cho người xem góc nhìn đầy cảm động về những người thường được gọi là “Những thầy thuốc mặc áo lính” đang ngày đêm góp sức mình cùng quân và dân cả nước canh giữ biển trời Tổ quốc.
Đến dự có ông Lê Thanh Hải - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM cùng lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Bệnh viện Quân y 175, Đài truyền hình TP.HCM và lãnh đạo báo Tuổi Trẻ...
Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Quốc phòng ở phía Nam. Ngày 28-10-2016 là dịp kỷ niệm tròn 25 năm kể từ ngày Tổ quân y đầu tiên của Bệnh viện Quân y 175 cùng với các lực lượng quân y khác trong toàn quân ra đảo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công tác quân y cho Trường Sa.
Trong suốt một phần tư thế kỉ qua, việc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho Trường Sa được các thế hệ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 cùng các bệnh viện khác của quân đội thực hiện hết tâm sức.
Sự có mặt của các những Thầy thuốc mặc áo lính nơi tuyến đầu Tổ quốc tạo thêm niềm tin cho các cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Giữa biển cả mênh mông, mối lo thường trực nhất của quân và dân Trường Sa là mỗi khi chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, chấn thương nặng… cần đến những bàn tay của người thầy thuốc, phải can thiệp bằng phẫu thuật trong điều kiện cách xa đất liền khoảng 400 hải lý.
Các thế hệ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 đã giành giật sự sống của bệnh nhân với tử thần, lập nên những kỳ tích của đội ngũ thầy thuốc nơi đây.
Suốt nhiều năm qua, có rất nhiều câu chuyện kì diệu xảy ra. Các bác sĩ quân y đã cứu chữa thành công cho hàng trăm trường hợp, từ chiến sĩ bị chấn thương não đến các ngư dân gặp nạn nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Kim Hương (ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là mẹ của ngư dân Lê Quang Minh gặp nạn được các bác sĩ quân y cấp cứu và chữa thành công năm 2014. Chị bày tỏ niềm vui khi con mình khỏe mạnh và mong muốn gặp lại người bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho Minh để nói lời cảm ơn.
Chị Hương hết sức hạnh phúc và toại nguyện khi gặp lại Đại tá, tiến sĩ, bác sĩ Cù Xuân Thanh (Chủ nhiệm Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Quân y 175) chính là người trực tiếp mổ cho con của chị Hương cách đây 2 năm. Chị Hương tặng Đại tá - bác sĩ Thanh "món quà quê" là chai nước mắm làm tại nhà.
Bác sĩ Thanh chia sẻ: "Tôi rất mừng khi thấy Minh khỏe mạnh, trưởng thành. Với chúng tôi thì cứu sống bệnh nhân là niềm vui và điều đó bù đắp cho những vất vả của các y, bác sĩ".
Chương trình cũng kết nối tín hiệu với Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh xá thị trấn Trường Sa để giúp khán giả chứng kiến một ca hội chẩn trực tiếp từ hai nơi qua hệ thống Telemedicine.
Chương trình có các tiết mục biểu diễn đặc sắc của NSƯT Thanh Thúy (Bâng khuâng Trường Sa), ca sĩ Đức Tuấn (Giữa trùng khơi), Nhóm Lạc Việt, nhóm 135, nhóm múa ABC (Chiến sĩ Quân y trên đảo Trường Sa), NSƯT Vân Khánh - Quốc Đại (Tâm tình gửi anh lính đảo), Trang Nhung (Sức sống Trường Sa),Võ Hạ Trâm (Sinh ra ở Trường Sa), Nguyễn Phi Hùng (Hoàng Sa Trường Sa)...
Đến với chương trình, nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc cũng gửi gắm tình cảm của mình qua những vần thơ: "Chăm sóc cho đồng đội/Bằng tất cả tấm lòng/ Bằng y đức sáng trong/Của người thầy thuốc giỏi...". Bà cho biết chưa từng đến Trường Sa nhưng đã đến bằng “trái tim và cái đầu” qua rất nhiều tập thơ viết về người lính, đặc biệt là người lính quân y Bệnh viện 175.
Cũng trong chương trình, khán giả rơi nước mắt khi được gặp lại hai bé sinh mổ đầu tiên ở Trường Sa là Nguyễn Ngọc Trường Xuân, Thái Bình Hải Thùy cùng các bác sĩ đang có mặt ở bệnh viện Quân y 175, bệnh xá Trường Sa và các y bác sĩ trực tiếp thực hiện cho các bé.
Với mong muốn cùng chung tay hoàn thiện bệnh xá để người lính yên tâm làm nhiệm vụ, ngư dân vững tin bám biển, nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ đã đóng góp 29,5 tỉ đồng để mua sắm các trang thiết bị y tế cho trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (do bệnh viện Quân y 175 và báo Tuổi Trẻ xây dựng) chuẩn bị khánh thành.
Kiên Giang: 14/20 mẫu măng chua, dưa cải nhuộm vàng ô
Ngày 28-10, thông tin từ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang) cho biết 14/20 (70%) mẫu măng chua và dưa cải bị tẩm chất vàng ô.
Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các mẫu được lấy tại 4 khu chợ: Rạch Sỏi (TP Rạch Giá), chợ trung tâm huyện An Minh, Châu Thành, Tân Hiệp trong 2 tháng 9 và 10-2016.
Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kiên Giang đã truy xuất nguồn gốc, tịch thu, tiêu hủy, buộc các cơ sở kinh doanh cam kết không tái phạm. Đồng thời phát văn bản cảnh báo đến các cơ quan chức năng, các ban quản lý chợ trên toàn địa bàn để người dân cảnh giác.
Theo cơ quan này, măng chua, dưa cải nhuộm vàng ô sẽ trở nên vàng bóng, giòn, ngâm vào nước có màu vàng sẽ lan ra, đưa lên mũi ngửi sẽ bị sặc hoá chất.
Vàng ô (Auramine O, tên hóa học là Diarylmethane) là chất được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, quét tường…chỉ cần một lượng nhỏ, các cơ sở kinh doanh đã có thể “phù phép”, biến măng, dưa cải… kém chất lượng thành măng chua tươi, giòn, màu vàng sẫm để qua mắt người tiêu dùng.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC), đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Nếu tiếp xúc với chất vàng ô, người tiêu dùng có thể gặp những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Vùng da tiếp xúc trực tiếp có thể bị sưng phồng, rộp, đau hay tấy đỏ... Nếu hít phải chất này có thể gây khó thở.
Nhiều bệnh viện sẽ phải giảm số giường dịch vụ?
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161028/nhieu-benh-vien-se-phai-giam-so-giuong-dich-vu/1209058.html
Trao đổi với báo chí, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết bệnh viện này đã giảm mạnh số giường dịch vụ của toàn bệnh viện xuống, chỉ còn khoảng 345 giường trên tổng số 2.300 giường.
Tại các khu vực quá tải nhất, tỉ lệ giường dịch vụ đã buộc phải giảm từ 54% xuống còn 15%/276 giường.
“Các giường dịch vụ theo yêu cầu phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ chất lượng cao thực sự, không phải thu hẹp khu điều trị chung để người bệnh thấy quá chật chội, bắt buộc họ phải thuê giường dịch vụ” - ông Hùng chia sẻ.
Thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện bị tố cáo để người bệnh nằm ghép nhưng lại dành quá nhiều giường cho dịch vụ.
Trong số này có Bệnh viện Nhi T.Ư. Bệnh viện này đang dành trên 20% số giường cho dịch vụ theo yêu cầu, giá giường dịch vụ tại Bệnh viện Nhi T.Ư có thể từ 750.000-2.000.000 đồng/giường, giá khám bệnh dịch vụ cao nhất lên tới gần 600.000 đồng/lượt khám, mổ dịch vụ phải nộp thêm tối đa 30 triệu đồng/ca ngoài viện phí chung...
Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện này báo cáo về mức giá dịch vụ, nhưng cho đến nay đã quá thời hạn được yêu cầu mà bệnh viện vẫn chưa trả lời thỏa đáng về lý do tổ chức khám chữa bệnh dịch vụ, để giá giường dịch vụ quá cao.
Theo dự thảo quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ tại khu vực theo yêu cầu ở các bệnh viện (vừa được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến rộng rãi), Bộ Y tế dự kiến quy định bệnh viện chỉ được tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu khi đã đảm bảo 50 bệnh nhân/buồng khám bệnh/ngày, đảm bảo giường bệnh cho người không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và không để bệnh nhân nằm ghép.
Trường hợp đã kê thêm giường bệnh mà vẫn còn trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2 người/giường thì đơn vị không được tổ chức buồng bệnh theo yêu cầu.
Bộ Y tế cũng dự kiến phòng bệnh dịch vụ phải đảm bảo có đủ 10 loại thiết bị sinh hoạt và 10 loại thiết bị y tế, không phải chỉ là phòng bệnh thường và kê thêm tủ lạnh, tivi như hiện nay rồi thu giá dịch vụ.
Gần 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì vẫn chưa rõ nguyên nhân?
http://giadinhphapluat.vn/gan-1-trieu-chai-c2-rong-do-nhiem-chi-van-chua-ro-nguyen-nhan-p42235.html
2 lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của công ty URC có hàm lượng chì cao hơn mức công bố theo quy định hiện hành của Bộ Y Tế, đã bị Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định thu hồi tuy nhiên nguyên nhân vẫn bị “ỉm”.
Như đã đưa tin, 2 lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của công ty URC có hàm lượng chì cao hơn mức công bố theo quy định hiện hành của Bộ Y Tế, đã bị Thanh tra Bộ Y tế ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến thời điểm hiện tại, vụ việc xảy ra đã lâu nhưng nguyên nhân thì vẫn là một dấu hỏi to đùng, vô cùng khó hiểu?
Nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Trung Quốc
Vừa qua, Công ty TNHH URC đã bị Bộ Y tế xử phạt 5,8 tỷ đồng do các vi phạm trong sản xuất và tiêu thụ 2 lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố. Trong đó, có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà URC phải thu hồi.
Tuy nhiên, URC chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, số còn lại là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tức là có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức có đang trôi nổi trên thị trường đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng. Về vấn đề này, vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thanh tra toàn diện các nhà máy, cơ sở sản xuất của các Cty URC trực thuộc URC Việt Nam.
Việc thanh tra được tiến hành toàn diện từ nguyên liệu đầu vào, dây chuyền sản xuất, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là tại kết luận thanh tra dày tới 42 trang này của Bộ Y tế không có dòng nào chỉ rõ nguyên nhân C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì là do nguyên liệu đầu vào kém chất lượng hay do quy trình sản xuất. Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra thì URC Hà Nội đã sử dụng tới 23 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất. Trong đó có nhiều loại nguyên liệu của nhà cung cấp từ Trung Quốc…
Về sự mập mờ trong nguyên nhân nhiễm chì của sản phẩm, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, cần phải được cơ quan thanh tra y tế làm rõ. Nếu là do nguyên liệu đầu vào thì phải trả lời rõ cho công luận được biết số nguyên liệu này được cung cấp bởi đơn vị nào, quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, Cty URC Hà Nội đã dùng hết số nguyên liệu ấy vào sản xuất chưa, nếu chưa thì phần còn lại sẽ được tổ chức tiêu hủy như thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về môi trường. Bởi nếu không làm rõ nguyên nhân, ai sẽ là người đứng ra đảm bảo rằng các lô sản phẩm tiếp theo của doanh nghiệp này sẽ không có khả năng nhiễm chì?
Sức khoẻ người tiêu dùng đang bị “xem nhẹ”?
Trả lời phỏng vấn về mức độ nguy hiểm của gần 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì của Công ty TNHH URC đến sức khoẻ người sử dụng, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: Chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể.
Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ thì không có tác động ngay lập tức, nhưng nếu để tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây phá hủy dần tủy xương – bộ phận sản xuất ra hồng cầu. Nếu không có biện pháp đào thải khi chì đã vào trong cơ thể thì chì khó 'ra ngoài'. Nếu không có phương pháp điều trị đặc biệt, bệnh nhân sẽ tử vong. Đối với trẻ em, việc nhiễm độc chì của trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn. 'Đơn cử, nếu sữa mẹ có nhiễm chì, khi cho con bú, lượng chì nhiễm vào trong con sẽ cao hơn trong sữa mẹ, bản thân đứa trẻ sẽ bị ngấm chì'- PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh.
Trong tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của Việt Nam có những quy định về hàm lượng chì trong nước ăn, uống. Nếu hàm lượng chì trong các sản phẩm thực phẩm thấp hơn mức quy định thì không ảnh hưởng. Nếu cao hơn, chắc chắn sẽ có tích lũy.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cũng cho biết, chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh … gây bệnh cho trẻ. Vì có tác hại nên hàm lượng chì được quy định nghiêm ngặt trong sản phẩm thực phẩm, thuốc uống.
Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất thuốc đông y dạng viên không phép
Sáng ngày 28/10, Đội cảnh sát kinh tế công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phối hợp với công an phường Kỳ Thịnh, bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc đông y dạng viên không rõ nguồn gốc. Khám xét cơ sở lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn viên thuốc chuẩn bị đưa đi tiêu thụ và nhiều lượng bột ngô, mật mía… nghi là nguyên liệu để sản xuất loại thuốc này.
Theo đó, vào lúc 10h ngày 28/10, được sự tố giác của quần chúng nhân dân, Đội cảnh sát kinh tế phối hợp với công an phường Kỳ Thịnh tiến hành khám xét ngôi nhà ở tổ dân phố Tân Phong, phường Kỳ Thịnh, do Nguyễn Thị Thảo (SN1987, trú huyện Đức Thọ) thuê để sản xuất thuốc đông y trái phép.
Tại cơ sở, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản thu giữ hàng chục bao bì đóng sẵn, cùng hàng trăm hộp đã được đóng thành viên dạng tròn cho vào thùng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Qua khám xét, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng loạt bao đựng bột ngô, bột nếp, mật mía và một số loại không rõ nguồn gốc, kèm theo đó là hàng ngàn chai lọ sắp đống để chờ đóng hàng.
Khi cơ quan công an kiểm tra, Nguyễn Thị Thảo không xuất trình được một giấy tờ liên quan nào cho phép để cơ sở này đảm bảo sản xuất dạng thuốc trên.
Thêm vào đó, các dụng cụ sản xuất tại đây đã hen gỉ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Được biết, sau khi số thuốc trên được đóng thành từng hộp, Thảo sẽ cho xe vận chuyển đi tiêu thụ ở một số địa phương trong cả nước.
Hiện Công an thị xã Kỳ Anh đã lập biên bản, niêm phong số thuốc trên, đồng thời làm rõ chất lượng, thành phần để tiến hành xử lý đối với cơ sở này.
Tranh cãi về nơi đặt hệ thống xử lý rác y tế: Chờ chỉ đạo của UBND tỉnh
Sáng 28/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hệ thống xử lý rác thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này vẫn chưa thể triển khai do bị người dân phản đối vì cho rằng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Hiện Sở Y tế đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh này.
Liên quan đến dự án này, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, vừa thực hiện vận hành sử dụng thiết bị xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng Sterilwave tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa. Đây là bệnh viện đầu tiên ở Khánh Hòa vận hành sử dụng công nghệ này, do hãng Berlin (Pháp) sản xuất.
Theo đó, thiết bị Sterilwave sẽ xử lý được 15kg chất thải rắn y tế trong thời gian 30 phút/lần. Trong quá trình hoạt động, chất thải rắn y tế được nghiền cắt tích hợp trong khoang xử lý lò vi sóng. Trong thời gian 30 phút, thiết bị vận hành đầu phát vi sóng sẽ nâng nhiệt độ tiệt khuẩn đến 100-115 độ C.
Sau thời gian 30 phút, thiết bị Sterilwave vận hành xử lý chất thải rắn y tế kết thúc hoạt động. Lúc này cửa lấy rác được mở khóa, nhân viên y tế mở cửa lấy rác, kéo thùng chứa ra và lấy hết rác đã xử lý.
“Quá trình chạy thử rất tốt, không gây ô nhiễm không khí, môi trường bên ngoài. Sở Y tế đang báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa và chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo”, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa nói.
Được biết, trước đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa tiêu hủy chất thải lây nhiễm bằng lò đốt Mediburn. Tuy nhiên, hiện lò đốt này đã xuống cấp nghiêm trọng, sửa chữa nhiều lần, khí thải không đạt tiêu chuẩn. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng chất thải rắn y tế của bệnh viện này gần 15.500 kg.
Liên quan đến dự án này, trước đó như Dân trí đã phản ánh, do bị người dân phản đối nên hệ thống xử lý rác thải rắn y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tạm dừng, chưa lắp đặt máy.
Trước việc bị người dân phản ứng, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, tuyên truyền cho người dân nhưng hiện chưa tìm được tiếng nói chung. Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng (vốn vay ODA của ngân hàng thế giới là hơn 48 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh khoảng 7 tỷ đồng). Dự án có công suất xử lý 500kg/ngày (gồm 2 máy xử lý)…
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, vị trí đặt thiết bị ở bệnh viện tỉnh này cách nhà dân tối thiểu 32m, đảm bảo được an toàn về môi trường. Trong khi tại Pháp, toàn bộ các mẫu kiểm nghiệm cách 5m đều đạt quy chuẩn; tại Anh, toàn bộ các chỉ tiêu trong và ngoài 10m đều đạt tiêu chuẩn và không gây ô nhiễm không khí.
Được biết, ngoài bệnh viện tỉnh Khánh Hòa (2 máy), tại các Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh, Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ninh Hòa mỗi nơi đặt 1 máy. Trước đó, dự án này thực hiện gần 40 tỉnh, thành trên cả nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, việc hệ thống xử lý nói trên tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa chưa thể triển khai nên rác được đưa vào kho lạnh lưu trữ nhiều ngày, tiềm ẩn nguy cơ phát tán ra môi trường, đồng thời tốn kém hàng tỷ đồng/năm tiền thuê đơn vị thu gom, đưa vào Bình Dương xử lý.
Cấp cứu thành công ca vừa chuyển dạ vừa bị tắc ruột
Ngày 28/10, nguồn tin từ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống thai phụ sắp sinh bị tắc ruột rất nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, thai phụ Nguyễn Thanh Ng. (24 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ) mang thai ở tuần thứ 37 nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, bụng chướng, khó tiểu tiện. Thai phụ có tiền sử lúc 5 tuổi được mổ bướu túi mật.
Qua thăm khám, dựa trên các dấu hiện lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân chuyển dạ sanh, suy thai, tắc ruột do dính nên hội chẩn viện, mời bác sĩ ngoại khoa của BV Đa khoa TP Cần Thơ đến hỗ trợ phẫu thuật, gỡ dính ruột giúp mẹ tròn con vuông.
Ê kíp phẫu thuật cho biết, đây là trường hợp khó vì bệnh nhân mang thai nên dấu hiệu của tắc ruột do dính bị che lấp bởi quá trình đau chuyển dạ. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị hoại tử ruột, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé.
Ngoài ra, thai phụ vừa trải qua cuộc mổ bắt con, các bác sĩ gỡ dính ruột phải hết sức thận trọng, vì dễ xảy ra biến chứng.
Bệnh viện E ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt
Cùng hưởng ứng việc chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt từ trận lụt lịch sử vừa qua, Bệnh viện E đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.
Cùng hưởng ứng việc chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt từ trận lụt lịch sử vừa qua, Bệnh viện E đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.
GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cùng lãnh đạo các đơn vị, khoa phòng, các cán bộ, công chức, viên chức của Bệnh viện đã tham gia ủng hộ với mức 1 ngày lương trở lên đối với mỗi cán bộ, nhân viên. Ngoài số tiền ủng hộ của các cán bộ, viên chức, công đoàn Bệnh viện E tiếp nhận quyên góp các nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày như quần áo, chăn màn, dụng cụ học tập, sách vở... để gửi tới đồng bào miền Trung.
Phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” hướng tới cộng đồng và vì cộng đồng, những đóng góp quý báu và thiết thực của tập thể cán bộ, người lao động tại Bệnh viện E hy vọng góp phần nhằm chung tay cùng cộng đồng làm giảm bớt những hiệt hại về người và của cải vật chất của người dân miền Trung đang phải gánh chịu sau trận lũ lụt vừa qua.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã phát động cán bộ công nhân viên chức ngành y tế chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lụt. Tại cơ quan Bộ Y tế đã diễn ra lễ quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung thu hút sự tham gia của hàng trăm cán bộ, công nhân viên chức cơ quan Bộ. Ngay sau đó, tại các đơn vị trực thuộc Bộ cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bằng rất nhiều hình thức khác nhau.
Giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế
http://suckhoedoisong.vn/gian-thoi-gian-dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-n124260.html
Việc tăng giá viện phí có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, nên mặc dù Quỹ bảo hiểm y tế có thể chi trả được theo mức mới, nhưng hiện lộ trình điều chỉnh điều chỉnh giá dịch vụ y tế (có kết cấu tiền lương) có thể phải giãn lại
Theo lộ trình dự kiến trước đây, từ tháng 11 tới sẽ điều chỉnh viện phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT thêm 30-50% so với hiện hành tại 16 địa phương, đến tháng 12/2016 sẽ áp dụng mức phí này tại các địa phương còn lại. Tuy nhiên theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, việc tăng giá viện phí có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, nên mặc dù Quỹ bảo hiểm y tế có thể chi trả được theo mức mới, nhưng Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đợi chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ.
Thông tin rõ hơn về những tác động trong hai đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 32 địa phương, ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi ra hơn 10.000 tỷ đồng ngoài số thu trong năm được sử dụng để đáp ứng cho việc tăng chi phí khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Dự toán ban đầu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị 16.000 tỷ đồng để chi thêm cho các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nếu thực hiện điều chỉnh giá đợt 3, Quỹ bảo hiểm y tế phải chuẩn bị thêm 1.900 tỷ đồng để bù đắp vào nguồn kinh phí được sử dụng trong năm. Nếu điều chỉnh lần thứ 4, số phải bổ sung thêm sẽ là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đợt này còn chờ vào sự chấp thuận của Chính phủ.
Ông Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ, quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là ủng hộ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho tới hướng tính đúng, tính đủ, đúng lộ trình đến năm 2018 để đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của cả nhà cung cấp dịch vụ và người tham gia bảo hiểm y tế .
“Việc chuẩn bị cho tăng giá dịch vụ y tế có thời gian chuẩn bị khá dài, nguồn lực tương đối đầy đủ, đảm bảo dù có điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”- ông Sơn thông tin.
Cũng về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, lẽ ra việc tính tiền lương giá dịch vụ y tế phải được thực hiện đầy đủ từ 1/7/2016. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tính toán, nếu đưa cả tiền lương vào giá dịch y tế, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm cân đối được. Tuy nhiên, điều này liên quan đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng nên hiện mới áp giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương ở những tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao. Theo dự kiến, từ 1/1/2017 sẽ áp dụng hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2018 sẽ đưa thêm vào cơ cấu giá dịch vụ y tế bao gồm khấu hao về thiết bị máy móc nhằm thực hiện đúng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Đến hết tháng 9/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 74,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 79,8% dân số. 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người (tương đương 11,4%) so với cùng kỳ năm trước. Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng tính đến hết 30/9 là 45.768 tỷ đồng nhưng thực chi là 49.300 tỷ đồng.
Tăng cường phòng chống dịch khu vực Tây Nam Bộ
http://cand.com.vn/y-te/Tang-cuong-phong-chong-dich-khu-vuc-Tay-Nam-Bo-414539/
Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, các dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS-CoV, Zika và bệnh sốt xuất huyết, sốt rét tăng mạnh ở nhiều nước và cũng nhiều nguy cơ xâm nhập, bùng phát ở trong nước, Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực Tây Nam Bộ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trong khi vệ sinh môi trường còn yếu kém, chính quyền một số địa phương còn chủ quan trước việc phòng chống dịch.
Thời gian tới, biện pháp quan trọng nhất là tập trung phòng chống dịch bệnh với sự vào cuộc của các cấp chính quyền; đẩy mạnh chiến dịch diệt loang quăng, bọ gậy. Khi phát hiện ổ dịch ngành y tế lập tức khoanh vùng và dập dịch; giám sát và xây dựng kế hoạch phòng dịch; tập huấn công tác điều trị không để tử vong do sốt xuất huyết.
Các đại biểu cũng thảo luận về chăm sóc, theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai trong tình hình dịch bệnh do virus Zika; các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; công tác phòng chống dịch Rubella tại các khu công nghiệp vv…
Người nhà phản ứng với bác sĩ sau khi sản phụ tử vong
http://cand.com.vn/y-te/Nguoi-nha-phan-ung-voi-bac-si-sau-khi-san-phu-tu-vong-414485/
Sáng 28-10, một tổ công tác của Công an TP Quy Nhơn đã được điều đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để can thiệp, bảo vệ trật tự, vì rất nhiều người tụ tập trước Khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức phản đối sự cố sản phụ Trần Hồ T.L, 25 tuổi, trú ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn tử vong.
Người dì ruột của sản phụ Trần Hồ T.L là bà Hồ Thị Lý cho biết : “Dáng dấp cháu tôi cao khỏe, lần trước nó sinh thường rất nhanh, lần này cháu mang thai đứa thứ hai, được gia đình đưa vào bệnh viện khoảng 20h30’ đêm 27-10. Sau khi khám, bác sĩ cho biết sức khỏe sản phụ bình thường và được lưu lại Khoa sản để chờ sinh.
Bất ngờ đến khoảng 1h sáng ngày 28-10, cháu L ra máu rất nhiều nên được đưa qua phòng mổ, rồi đưa cháu bé sang cấp cứu Khoa nhi sơ sinh, đến khoảng 3h30’ sáng cùng ngày cháu L mới được đưa ra khỏi phòng mổ để chụp X.quang. Lúc đó tôi có chạy theo nắm tay cháu L và cảm thấy lạnh ngắt, mắt mở nhưng không động. Một lát sau bác sĩ thông báo hung tin cho người thân trong gia đình biết, sản phụ đã tử vong”.
Trong tâm trạng bức xúc, bà Lý cho rằng có dấu hiệu tắc trách từ phía y – bác sĩ Khoa sản nên sản phụ tử vong.
Liên quan vụ việc nêu trên, Bác sĩ Hồ Việt Mỹ - Giám đốc Bệnh viên đa khoa Bình Định cho biết, hơn 1h sáng 28-10, sản phụ Trần Hồ T.L bất ngờ lên cơn co giật, sùi bọt mép khi bác sĩ đang theo dõi độ mở cửa tử cung để chỉ định sinh thường hay sinh mổ. Đến thời điểm này, các y – bác sĩ chưa can thiệp bằng bất kỳ loại thuốc nào, ê kíp trực khẩn trương chuyển sản phụ vào phòng mổ để đưa đứa bé sang Khoa nhi sơ sinh chăm sóc tích cực vì sức khỏe của bé diễn biến xấu.
Để có kết luận khách quan và khoa học về nguyên nhân sản phụ Trần Hồ T.L tử vong, trong buổi sáng 28-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã trưng cầu giám định pháp y để các bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Quảng Ninh: Tạm dừng dùng sữa bị “tố” không rõ nguồn gốc để kiểm tra
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh ở các trường mầm non tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh “tố” con em mình đang uống loại sữa không rõ nguồn gốc. Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hoành Bồ đã cho tạm dừng việc sử dụng loại sữa này và đưa mẫu đi kiểm tra.
Trao đổi với Báo Lao Động hôm nay (28.10), ông Lý Ngọc Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoành Bồ - cho biết, tôn trọng ý kiến của các bậc phụ huynh, phòng đã cho dừng việc sử dụng loại sữa bị “tố” là không có nguồn gốc tại tất cả các trường mầm non trong huyện. Cùng với đó, phòng cũng đã chuyển mẫu sữa đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh để xét nghiệm làm rõ. Dự kiến, đến ngày 1.11 sẽ có kết quả chính thức.
Trước đó, theo các bậc phụ huynh, qua tìm hiểu thì thấy loại sữa này do một công ty cung cấp cho các trường mầm non tại Hoành Bồ không rõ nguồn gốc; tra cứu, tìm hiểu trên mạng, qua các đại lý, các chuyên gia thì cũng không thấy có loại sữa này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị cung cấp sữa cho các trường mầm non ở huyện Hoành Bồ là Cty TNHH Sản xuất - Thương mại Vân An. Cty này đã được Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Sở Kế hoạch-Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
“Cty này có đầy đủ giấy phép kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh và các loại sữa cung cấp cho các trường cũng đủ các điều kiện. Chúng tôi chỉ căn cứ vào đó để cho phép họ cung cấp sữa cho các trường. Các bậc phụ huynh thắc mắc cũng là chính đáng thôi. Tôn trọng ý kiến của các bậc phụ huynh, chúng tôi cho tạm dừng sử dụng các loại sữa của Cty trên và chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên môn” – ông Nam cho biết.
Bác sĩ hai bệnh viện phối hợp mổ khẩn cấp cứu bé trai ngã lầu
Bé trai nguy kịch với vết thương thủng tim phổi, nếu chuyển viện chắc chắn tử vong nên Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) nhờ cứu viện từ bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1.
3 ngày sau cuộc mổ sinh tử, bé trai 4 tuổi vẫn còn đang thở máy và được theo dõi tích cực trong phòng hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1. Ca mổ cấp cứu giành sự sống cháu bé có sự tham gia của hơn 20 y bác sĩ vốn không chuyên về nhi tại Bệnh viện Thống Nhất. Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chỉ đạo kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện.
Đêm 26/10, cháu bé được đưa vào viện cấp cứu với hai vết thương sau lưng và một vết thương trước ngực. Trước đó bé ngã từ lầu 2 xuống đất bị hai thanh sắt hàng rào đâm trúng ở tư thế nằm ngửa. Người nhà nhanh chóng bế cháu khỏi vật nhọn và đưa vào Bệnh viện Thống Nhất. Kết quả siêu âm cho thấy có dịch màng phổi bên phải. Bệnh nhi được đưa thẳng vào phòng phẫu thuật. Thống Nhất là bệnh viện chuyên về điều trị người lớn, không có y dụng cụ lẫn kinh nghiệm gây mê phẫu thuật trẻ em nên các bác sĩ đề nghị chuyển bệnh nhân qua viện nhi.
"Không được chuyển viện, bằng mọi giá phải tiến hành phẫu thuật ngay tại đây vì nếu di chuyển bệnh nhân chắc chắn sẽ chết trên đường", giáo sư Nguyễn Đức Công quyết định. Tận dụng thiết bị dành cho trẻ con ở khoa cấp cứu và những dụng cụ phẫu thuật cỡ nhỏ, các y bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê và đặt nội khí quản cho bé. Ngân hàng máu được huy động vì bệnh nhân mất máu quá nhiều. Bác sĩ có kinh nghiệm về phẫu thuật lồng ngực cũng phối hợp khâu các vết thương, cầm máu.
Giữa lúc kíp cấp cứu đang tất bật trong cuộc chiến giữ tính mạng bệnh nhi, giáo sư Công cầu viện bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong quá trình dẫn lưu dịch màng phổi, bệnh nhi ngưng tim trên bàn mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã bóp tim, hồi sức cho tim đập lại. Khi bác sĩ Hiếu có mặt sau cuộc gọi chừng 10 phút, với kinh nghiệm ngoại nhi, ông đề nghị bỏ qua siêu âm tim mà tiến hành mở ngực ngay.
"Dù được bơm máu nhưng da niêm bệnh nhân vẫn nhợt nhạt, chứng tỏ tình trạng chảy máu đang tiếp diễn, phải vừa hồi sức vừa mở ngực ngay thì mới có cơ may cứu sống", bác sĩ Hiếu nhận định. Sau một phút thảo luận ngay trên bàn phẫu thuật, cuộc mổ bắt đầu. Kết quả mở ngực cho thấy ở vùng tâm nhĩ bên phải bé có vết rách khoảng 3 cm, máu chảy ra rất nhiều. Các bác sĩ dùng tay bịt lỗ thủng của tim để cầm máu, sau đó dùng phương tiện phẫu thuật kẹp lại cầm máu, khâu vết thủng ở tim. Tiếp tục thám sát phổi, kíp mổ phát hiện có 2 vết rách ở phổi.
Nửa đêm, cuộc mổ hoàn tất trong sự thở phào của các y bác sĩ, sử dụng tổng cộng 5 đơn vị máu. Lượng máu mất quá nhiều, không thể truyền kịp nên các bác sĩ phải hút máu từ bịch đẩy trực tiếp vào cơ thể bệnh nhi. Sau khi khâu tất cả vết thủng tim, phổi, bệnh nhân qua cơn nguy kịch nhưng các chỉ số sinh hiệu vẫn chưa ổn định. Bệnh viện Thống Nhất không có máy móc trang thiết bị hồi sức nhi, bệnh nhân được chuyển sang hồi sức tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngay trong đêm.
Kết quả kiểm tra chiều 28/10 cho thấy khoang lồng ngực bé sạch, không có máu tụ, tim hoạt động tốt, những chỗ khâu không có vấn đề. Tuy nhiên chân bé hơi yếu, phim X-quang ghi nhận tình trạng gãy thân đốt sống ngực số 8, nghi ngờ dập tủy nên xuất hiện triệu chứng yếu hai chi. Ngoài ra, bệnh nhi còn gãy xương sườn số 9, 10 ở khung sau bên trái. Cháu bé được tiếp tục theo dõi sát để có những xử lý tiếp theo.
"Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ nên mổ, gây mê những trường hợp nguy cấp đòi hỏi kinh nghiệm ngoại nhi như thế này sẽ vô cùng khó khăn đối với phẫu thuật viên chuyên về người lớn", bác sĩ Hiếu chia sẻ. Ông cũng nhận định nếu ngay từ đầu các đồng nghiệp Bệnh viện Thống Nhất cho chuyển viện mà không nỗ lực cấp cứu và nhờ đến sự phối hợp liên viện kịp thời thì bệnh nhân sẽ khó qua khỏi.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng phát triển nhiều kỹ thuật sản khoa chuyên sâu
http://baophapluat.vn/song-khoe/benh-vien-phu-san-hai-phong-phat-trien-
Với nỗ lực đổi mới từ tư duy đến hành động, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Trong đó, việc tập trung phát triển những kỹ thuật sản khoa chuyên sâu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
"Gieo" thêm hy vọng cho gia đình hiếm muộn
Dự kiến cuối năm 2016, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hải Phòng sẽ áp dụng kỹ thuật Chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), nhằm phát hiện bất thường trong phôi, giúp tăng khả năng thụ thai, hạn chế những dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, bác sỹ Vũ Thị Bích Loan, Phó khoa Hỗ trợ sinh sản khẳng định kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) là một kỹ thuật mới với khả năng chọn lọc sâu, có thể loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ mang lại hy vọng cho các cặp vợ chồng tiền sử sinh con bất thường, hay sảy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân hoặc những phụ nữ cao tuổi nhưng vẫn có mong muốn sinh con.
Theo thống kê, tỉ lệ hiếm muộn ở độ tuổi sinh sản của Việt Nam chiếm gần 10%. Trong khi đó, tỉ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm chỉ khoảng 50%. Bởi vậy, việc áp dụng thành công kỹ thuật PGD còn mở ra hy vọng cho những cặp vợ chồng thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại nhiều lần. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm, ngoài niêm mạc, khả năng chấp nhận của người mẹ thì việc chẩn đoán di truyền tiền làm tổ sẽ giúp người mẹ yên tâm hơn về việc mang thai khỏe mạnh, giảm tỷ lệ dị tật.
"Thay vì chọn lọc dựa vào hình thái của phôi, kỹ thuật này cho phép đi sâu phân tích bản chất di truyền bên trong của phôi để chọn được những phôi bình thường về hình thái và di truyền, đảm bảo khả năng thành công cao. Chỉ những phôi khỏe mạnh mới được chuyển vào tử cung, ở giai đoạn phôi nang, do đó giảm tỷ lệ thai bất thường", bác sỹ Loan lý giải.
Tuy nhiên, để triển khai được kỹ thuật chuyên sâu này đòi hỏi Bệnh viện phải trang bị máy móc hiện đại và có đội ngũ y, bác sỹ với trình độ chuyên môn cao. Do đó, ngay từ những năm 2012-2013, các bác sỹ tại khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hải Phòng đã được tiếp cận và thực hành kỹ thuật trên thông qua các hoạt động hợp tác, chuyển giao kỹ thuật với các bệnh viện nước ngoài, học hỏi từ các giảng viên tại Đài Loan, Singapore, Úc, Đan Mạch.
Về điều này, Tiến sỹ Vũ Văn Tâm, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng vui mừng cho biết, đến nay, mọi công việc đã triển khai được khoảng 80%. Tất cả máy móc được huy động theo nguồn kinh phí xã hội hóa sẽ được lắp đặt sớm nhất. Hiện tại, PGD mới được triển khai tại BV Phụ sản Trung Ương. Do vậy, các y, bác sỹ tại khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản Hải Phòng cũng đã lên "dây cót" tinh thần để phát triển kỹ thuật chuyên sâu này với hy vọng mang hạnh phúc đến những gia đình hiếm muộn không chỉ trên địa bàn Hải Phòng mà còn cả các tỉnh lân cận.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Ngoài việc triển khai kỹ thuật chuyên sâu PGD, nhiều năm nay, BV Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch hợp tác để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các BV có nền y học hiện đại, tiên tiến tại Pháp, Mỹ. Điều này đã mở ra những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác quốc tế của BV Phụ sản Hải Phòng về tiếp nhận khoa học hiện đại trong y học từ những nước tiên tiến.
Đến hẹn lại lên, tháng 10/2016, các bác sỹ tại BV Rouen (Pháp) tiếp tục chuyển giao công nghệ về kỹ thuật nội soi, siêu âm cho các đồng nghiệp tại BV Phụ sản Hải Phòng. Hoạt động này đã giúp các cán bộ tại BV Phụ sản Hải Phòng từng bước nâng cao trình độ, năng lực khám chữa bệnh. Thời gian tới, hai đơn vị sẽ xây dựng hệ thống hội chẩn qua mạng. Những bệnh án khó của bệnh nhân sẽ được truyền dữ liệu qua mạng để các đồng nghiệp quốc tế hội chẩn giúp đưa ra hướng điều trị hợp lý nhất.
Từ việc hợp tác trên, trong nhiều năm nay, không có trường hợp nào mắc dị tật khi thực hiện quản lý thai nghén tại BV Phụ sản Hải Phòng. Đây không chỉ thành tích đáng khích lệ mà còn là niềm vui của gia đình bệnh nhân cũng như cán bộ, nhân viên tại đơn vị.
Hy vọng rằng, thời gian tới, với nỗ lực đổi mới từ tư duy đến hành động, BV Phụ sản Hải Phòng sẽ từng bước triển khai nhiều kỹ thuật sản khoa chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh.
Ngành dược tăng cường công khai, minh bạch
http://danviet.vn/y-te/nganh-duoc-tang-cuong-cong-khai-minh-bach-718770.html
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thời gian quan Cục Quản lý dược luôn đặt trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Được biết, năm 2008, Cục Quản lý dược là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào công tác tác nghiệp. Việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận một cửa, xây dựng và công khai checklist nhận hồ sơ đối với từng thủ tục hành chính đảm bảo công khai minh bạch trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giúp doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Đến nay, Cục Quản lý dược đang thực hiện 101 thủ tục hành chính và được công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược và được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa. Cũng tại bộ phận một cửa đã cập nhật các thông tin liên quan tình trạng hồ sơ đăng ký thuốc, góp phần công khai minh bạch trong đăng ký thuốc và giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, tra cứu.
Cục Quản lý dược đã phối hợp Trung tâm Giải pháp chính phủ - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tiến hành xây dựng các phần mềm tác nghiệp và triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Năm 2015, Cục Quản lý dược bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tính đến thời điểm này, Cục Quản lý dược đã công bố và triển khai 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bao gồm: Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu; lĩnh vực đăng ký thuốc; lĩnh vực kê khai, kê khai lại giá thuốc; tiếp nhận hồ sơ thông tin thuốc và xác nhận nội dung quảng cáo thuốc. Việc triển khai áp dụng các dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tối ưu hóa thời gian và hiệu quả làm việc cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược: Việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp trực tuyến vào các hoạt động quản lý nhằm giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước; giúp đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành.
Với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc, thanh toán phí và lệ phí, theo dõi quá trình xử lý và nhận kết quả xử lý hồ sơ hoàn toàn qua mạng. Với hoạt động kê khai, kê khai lại giá thuốc, toàn bộ quá trình tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ và công bố, trả lời doanh nghiệp được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Đối với hoạt động đăng ký thuốc, toàn bộ hồ sơ kỹ thuật, các hồ sơ hành chính và thông tin sản phẩm (đơn đăng ký, thông tin sản phẩm, mẫu nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng, giấy tờ pháp lý và các giấy tờ liên quan) được nộp trực tiếp theo phần mềm. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc bắt đầu áp dụng trong quý I.2016 và tiến hành thí điểm trong thời gian 6 tháng.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tránh gián đoạn hoạt động trong giai đoạn đầu triển khai, các doanh nghiệp vẫn được phép nộp hồ sơ đăng ký, hồ sơ kê khai giá thuốc bằng bản giấy như quy định hiện đang thực hiện. Hai hệ thống đăng ký thuốc và kê khai giá trực tuyến bằng file mềm và đăng ký hồ sơ bằng file cứng được xem xét, xử lý độc lập và đồng thời…”.
Vụ “asen trong nước mắm”: Sự cố truyền thông và trách nhiệm của báo chí
Thông tin báo chí phải trung thực, khách quan. Nếu thông tin bị bóp méo, cắt xén, xuyên tạc sẽ đưa đến những hậu quả xã hội khôn lường…
Kinh doanh nỗi sợ hãi
Trong vô vàn nỗi lo sợ thì nỗi lo ăn phải thực phẩm bẩn đe dọa tính mạng, sức khỏe luôn thường trực với mỗi người tiêu dùng. Và, chính nỗi lo sợ này lại trở thành mảnh đất màu mỡ để một số doanh nghiệp dùng làm chiêu bài để kinh doanh.
Vào tháng 7/2005, thông tin nước tương chứa 3-MCPD có nguy cơ gây ung thư trên một số tờ báo đã khiến dư luận rất hoang mang. Sau đó, hàng loạt nhãn nước tương truyền thống và công nghiệp được đưa đi thử nghiệm và ra kết quả: chỉ có một nhãn hàng không chứa chất 3-MCPD, trong khi đại đa số nhãn nước tương truyền thống chứa chất này ở mức vượt ngưỡng.
Điều đáng nói, trước đó chính nhãn hàng nước tương (được xác định không chứa chất 3-MCPD) nói trên từng bị một tổ chức ở Bỉ cáo buộc có chất 3-MCPD, nhưng sau đó thông tin này biến mất trên một số tờ báo mạng, thay vào đó là quảng cáo cho nhãn hàng này. Với đòn đánh vào nỗi sợ hãi của người dân về an toàn thực phẩm cộng với sự trợ giúp của một số cơ quan báo chí, nhãn hàng nước tương này thắng lớn, nhanh chóng thống lĩnh thị trường.
Tháng 10/2016, thông tin “nước mắm chứa thạch tín” còn gây sốc hơn, vì thạch tín vốn là thứ chất cực độc gây chết người. Lần này, khơi mào thông tin là Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Mặc dù không phải là cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm, nhưng cơ quan này đã nhiệt tình mang cả trăm mẫu mắm đi kiểm nghiệm. thạch tín (asen). Kết quả theo cơ quan này công bố là nước mắm truyền thống có chỉ số asen vượt ngưỡng: “Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”.
Đáng nói ở chỗ, cơ quan này không hề giải thích giữa hai loại asen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại. Đồng thời nhấn mạnh “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Những thông tin này lập tức xuất hiện trên báo chí.
Vài ngày sau khi hội này công bố hàm lượng asen trương nước mắm, một doanh nghiệp đưa ra quảng cáo ồ ạt việc hàm lượng asen trong nước mắm của mình an toàn. Đây cũng chính là doanh nghiệp đã hưởng lợi từ vụ 3-MCPD cách đây 11 năm. Tuy nhiên, lần này dư luận, người tiêu dùng không dễ mắc lừa. Một chiến dịch “truyền thông bẩn” với sự cấu kết của doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí, truyền thông đã và đang bị phanh phui. Tờ báo đăng bài và quảng cáo cho sản phẩm nước mắm này đã phải gỡ bài và cáo lỗi trước bạn đọc.
Từ sự cố truyền thông nói trên cho thấy, trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang tồn tại những khoảng tối. Người có lỗi trong sự cố này, không chỉ có doanh nghiệp mà còn là vấn đề tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đạo đức người làm báo. Một số tờ báo vì doanh thu, lợi nhuận đã bỏ qua tôn chỉ mục đích, sắn sàng đăng bài “đánh” doanh nghiệp chỉ để khai thác quảng cáo, hoặc trở thành công cụ của doanh nghiệp này để chèn ép, hạ bệ doanh nghiệp kia. Tuy nhiên, hậu quả của những bài báo này không chỉ là thiệt hại của một doanh nghiệp mà còn gây phương hại đến an ninh kinh tế, lợi ích của nhân dân, của đất nước. Như trong vụ “truyền thông nước mắm” nói trên, thiệt hại không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống mà còn ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước, xuất khẩu và niềm tin của người tiêu dùng.
Trách nhiệm của báo chí
Một trong những trách nhiệm xã hội của báo chí là trách nhiệm trong cung cấp thông tin. Thông tin tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, nó ảnh hưởng trực tiếp tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người; do đó, làm thay đổi nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi của con người. Nó tạo ra dư luận và áp lực xã hội đối với một hiện tượng, sự kiện cụ thể. Vì vậy, thông tin báo chí phải trung thực, khách quan và có tính định hướng xây dựng cao.
Nếu thông tin bị bóp méo, cắt xén, xuyên tạc sẽ đưa đến những hậu quả xã hội khôn lường, sẽ làm tổn hại đến uy tín cá nhân, cơ quan, đoàn thể, làm phá sản các doanh nghiệp và khiến hàng ngàn lao động mất việc làm... Thông tin báo chí, xét đến cùng, là hướng tới giúp xã hội, con người ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, cao đẹp hơn. Vì vậy, những thông tin dẫn đến những hậu quả trái với điều này đều là phản tuyên truyền, độc hại, chống lại con người.
Trong một bài viết trên Báo Nhân dân, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh các đóng góp tích cực của báo chí, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây ra tác động khôn lường.
Bộ trưởng đã cảnh báo hiện tượng: Một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác...
Cũng theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù… Đây thực sự là mối quan hệ tiêu cực, méo mó giữa doanh nghiệp và báo chí.
Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí và nhà báo, xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nhà báo một cách nghiêm ngặt. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần thanh tra, kiểm tra lại quy trình xuất bản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.