Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 29/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Ra quân chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết; Vì sao Việt Nam chưa có vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết?; Cảnh báo dịch tay chân miệng dễ bùng phát mùa tựu trường; Sốt xuất huyết tại ĐBSCL: Coi chừng bùng phát dịch; Nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Bị phạt hơn 100 tỉ đồng do vi phạm an toàn thực phẩm; ...

 

Hà Nội thành lập hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy chống sốt xuất huyết

http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33925202-ha-noi-thanh-lap-hon-26-nghin-doi-xung-kich-diet-bo-gay-chong-sot-xuat-huyet.html

Ngày 28-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tính đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thành lập được hơn 26 nghìn đội xung kích diệt bọ gậy chống sốt xuất huyết (SXH), với tổng số hơn 63 nghìn người tham gia; thành lập 4.638 tổ giám sát phòng, chống dịch SXH, với 9.340 người tham gia. Ðây là lực lượng nòng cốt cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tham gia vào công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch SXH tại cộng đồng.

Các đội xung kích và các lực lượng khác đã kiểm tra được hơn ba triệu lượt hộ gia đình, hơn 5,6 triệu dụng cụ chứa nước, trong đó xử lý được gần 700 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy... Ngoài ra, các đội xung kích, tổ giám sát còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại gia đình và cộng đồng, nhất là thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến cáo mà các cơ quan chuyên môn đưa ra trong phòng, chống dịch bệnh SXH

★ Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Ðiện Biên, hiện trên địa bàn tỉnh có 61 người nghi mắc SXH, trong đó có 37 người đã lấy được mẫu xét nghiệm và có 20 người mắc SXH. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Ðiện Biên đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các đơn vị trực thuộc; trạm y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát các người bệnh SXH trên địa bàn và khống chế không để dịch xảy ra.

 

Ra quân chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết

http://www.sggp.org.vn/ra-quan-chien-dich-phong-chong-sot-xuat-huyet-464287.html

Sáng 27-8, tại huyện Bình Chánh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thành Đoàn TPHCM tổ chức “Lễ ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM”. 

Phát biểu tại lễ ra quân, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, giảm các điểm nguy cơ sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố; đảm bảo hiệu quả của phun hóa chất diệt muỗi và duy trì tính bền vững của hoạt động phòng chống SXH dựa vào cộng đồng.

Chiến dịch sẽ diễn ra đồng loạt từ nay đến Tết Nguyên đán 2018 trên toàn TP. 

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 8 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp SXH nhập viện (tăng 26% so với cùng kỳ 2016) - là địa phương có số ca mắc SXH thứ 2 trong cả nước.

Năm nay, dịch SXH đến sớm và diễn biến bất thường. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, số ca bệnh nhập viện hàng tuần đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Tại huyện Bình Chánh, từ đầu năm đến nay huyện có 979 ca mắc bệnh SXH, tăng 411 ca so với cùng kỳ năm 2016.

 

Vì sao Việt Nam chưa có vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết?

http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-viet-nam-chua-co-vac-xin-phong-chong-sot-xuat-huyet-800187.html 

Trước số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng gia tăng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Bộ Y tế cũng rất chú ý đến vắc-xin phòng chống bệnh này.

Ngày 28/8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết với nội dung: Ở nước ta nhiều người vẫn chưa biết rằng đã có vắc-xin phòng sốt xuất huyết. Theo đó, tháng 6/2016, vắc-xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới có tên gọi là Dengvaxia đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị đưa vào sử dụng. Vắc-xin có hiệu lực phòng bệnh khoảng 60%, tương đương vắc-xin phòng chống cúm, tuy nhiên, hiệu lực giảm nhẹ bệnh đạt tới 84%.

Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, tới tháng 3/2017, đã có 14 quốc gia đưa vào sử dụng vắc-xin này, bao gồm 3 nước ASEAN như:  Thái Lan, Singapore, Phillipines. Ở Phillipines có thể mua vắc-xin này không cần đơn tại chuỗi cửa hàng sức khỏe Watson.

Trước thông tin này, trao đổi với phóng viên, GS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết tại Châu Mỹ.

“Tính miễn dịch của vắc-xin phòng sốt xuất huyết chưa cao, vì vậy thế giới vẫn còn dè dặt khi đưa loại vắc-xin này vào thử nghiệm. Ngành y tế Việt Nam sẽ xem xét trong việc ứng dụng sao cho hiệu quả, an toàn”, ông Phu cho hay.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế rất chú ý đến vắc-xin này. Việc ứng dụng vắc-xin phòng sốt xuất huyết là cần thiết bởi cả nước đã ghi nhận trên 100 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số ca mắc sốt xuất huyết so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp.

Tuy vậy, muốn được lưu hành tại Việt Nam thì vắc-xin này phải trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục dự kiến sẽ kéo dài hàng năm.

Trước đó, theo thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vắc-xin phòng sốt xuất huyết Dengue đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là vắc-xin Dengvaxia (CYD-TDV) do Sanofi Pasteur sản xuất.

Đây là là loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết Dengue đầu tiên trên thế giới được đăng ký (tại Mexico vào tháng 12 năm 2015). CYD-TDV là vắc-xin tái tổ hợp được tiêm 3 mũi theo lịch trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III..

Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức y tế thế giới (SAGE) đã họp từ ngày 12 đến 14/4/2016 tại Thụy Sỹ. Sau khi xem xét, nhóm đã đưa ra khuyến cáo các nước cân nhắc đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng ở những khu vực dịch lưu hành cao.

 

Cảnh báo dịch tay chân miệng dễ bùng phát mùa tựu trường

http://anninhthudo.vn/doi-song/canh-bao-dich-tay-chan-mieng-de-bung-phat-mua-tuu-truong/739589.antd

 Trong khi dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đã có dấu hiệu “đi ngang” thì số ca nhập viện vì mắc tay chân miệng lại có chiều hướng tăng.

Thời điểm này, Hà Nội đang chạy đua với thời gian trong phòng, chống dịch SXH trước thềm năm học mới với mục tiêu hoàn thành việc phun hóa chất ở 100% trường học. Song theo cảnh báo từ Bộ Y tế, nếu chỉ dồn sức chống SXH thì nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là tay chân miệng sẽ có nguy cơ bùng phát vào mùa tựu trường.

Số mắc đang tăng nhanh

Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến ngày 21-8, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 20.063 ca phải nhập viện điều trị. Thế nhưng, con số mới nhất vừa được Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu thông báo thì đến nay, số mắc tay chân miệng đã tăng lên trên 51.218 trường hợp, 23.272 trường hợp phải nhập viện, tức là chỉ trong khoảng 1 tuần qua cả nước ghi nhận thêm hơn 8.000 ca mắc, hơn 3.000 trường hợp nhập viện. 

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do tay chân miệng năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi bước vào mùa tựu trường. Thời điểm này cũng là mùa của dịch tay chân miệng theo chu kỳ. 

“Hiện vẫn đang cao điểm dịch SXH, tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng đi việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu”.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ… “Chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào”, ông Trần Đắc Phu nói.

Tại Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 12 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu năm đến nay lên 123 ca mắc, chưa có tử vong. Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, không được phép chủ quan với dịch bệnh này. “Hiện vẫn đang cao điểm dịch SXH, tuy nhiên nếu đổ toàn lực vào SXH mà lãng đi việc phát hiện, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm A thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh này là hiện hữu”, ông Nguyễn Thanh Long cảnh báo. 

Phun thuốc muỗi xong ở 2.669 trường học trước 5-9

Để phòng chống dịch SXH bùng phát vào mùa tựu trường, hiện nay, Hà Nội đang chạy đua với thời gian trong việc hoàn thành mục tiêu phun hóa chất diệt muỗi ở 100% trường học trước ngày khai giảng năm học mới. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, cùng với việc tiếp tục tổ chức phun thuốc tại ổ dịch và diện rộng ở khu vực công cộng, Hà Nội cũng đang huy động tối đa 22 máy phun hóa chất công suất lớn, hoàn thành việc phun thuốc diệt muỗi tại 2.669 trường học trước ngày 5-9. Cùng đó, ngành y tế cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các trường học để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa tựu trường, đặt biệt là bệnh tay chân miệng.

Trong khi đó, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, thường gặp ở nhóm trẻ mầm non dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang virus nhưng không biểu hiện bệnh) nên rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh thường tăng mạnh vào hai thời điểm trong năm là từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng từ tháng 9 đến tháng 10.

Đây là bệnh vẫn chưa có vaccine dự phòng. Do vậy, để phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và rửa sạch bàn tay người trông trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ; sau khi hắt hơi, hỉ mũi. Cần thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến trường học, nhà trẻ trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi bệnh...

 

Sốt xuất huyết tại ĐBSCL: Coi chừng bùng phát dịch

https://laodong.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-tai-dbscl-coi-chung-bung-phat-dich-551731.ldo

Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có 42.761 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, các  tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng cao đáng ngại.

Phát hiện chậm, nguy cơ sẽ lớn

Sáng 28.8, tại BV Nhi đồng Cần Thơ chật kín bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh. Tình trạng nằm ghép đã diễn ra. 

Điều dưỡng Phạm Kim Bé –  Trưởng khoa điều dưỡng SXH (BV Nhi đồng Cần Thơ) - cho biết: Mỗi ngày, khoa tiếp nhận vài chục bệnh nhân SXH, có nhiều trẻ nhập việ  trong tình trạng nôn ói, sốt cao… Có ngày khoa tiếp nhận và điều trị nội trú cho 150 trẻ. Để giảm tải, các bác sĩ trong khoa phải tăng cường lọc bệnh. Đối với bệnh nhẹ, tỉnh táo, ăn uống được, bác sĩ sẽ tư vấn với gia đình rồi cho điều trị ngoại trú và hẹn tái khám.

“SXH năm nay diễn biến phức tạp bởi lượng bệnh quá đông, không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… cũng được đưa về điều trị tại bệnh viện. Phần lớn bệnh nhân đều rơi vào trường hợp đã sốt 3-5 ngày, chẩn đoán muộn nên đưa đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng”, điều dưỡng Bé cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Y Tế Cần Thơ - cho biết, năm nay, bệnh SXH đến sớm hơn tại Cần Thơ. Thông thường, đỉnh của dịch rơi vào tháng 9, 10, nhưng năm nay tháng 2 đã có người mắc bệnh, số bệnh nhân cũng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện còn 260 ca đang điều trị tại BV Nhi Đồng Cần Thơ. Năm nay, SXH không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng không tránh khỏi, từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi tuần có khoảng 50 ca nhập viện, có cả bệnh nhân nặng ở độ  tuổi người lớn, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), có bệnh nhân 25 tuổi ghi nhận tử vong do SXH. 

Phối hợp phòng chống sẽ hiệu quả hơn

ĐBSCL trong xu thế đô thị hóa, mật độ dân cư cao, điều kiện vệ sinh môi trường nhiều bất cập nhất là ở những bãi đất trống, ngõ hẻm, khu nhà chưa có người ở, công trình xây dựng chứa nước,…. đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Ths.Bs Huỳnh Thanh Tân – Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long - cho biết, thời điểm này, Vĩnh Long có 124 ổ dịch, nơi được xác định là ổ dịch được triển khai xử lý ngay trong vòng 48 giờ, để khống chế ổ dịch không lây lan trên diện rộng.

Sau khi xử lý ổ dịch, chính quyền địa phương, nơi xảy ra ổ dịch thông báo cho người dân địa phương biết tình hình bệnh SXH tại địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tiến hành vậng động bà con diệt lăng quăng trong bán kính 200m, tính từ ca bệnh. Người dân được ngành y tế hướng dẫn diệt lăng quăng ở những nơi chứa nước, sau đó tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, để cắt đứt đường lây truyền của bệnh SXH. 

Trước tình hình bệnh SXH đang lan nhanh, ngành y tế các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông trên địa bàn để thông tin thường xuyên các biện pháp phòng tránh đến từng hộ dân.

 

Muỗi ‘ăn hiếp’ bọn trẻ nhà nghèo

http://dantri.com.vn/suc-khoe/muoi-an-hiep-bon-tre-nha-ngheo-20170828070351229.htm

Hầu hết bệnh nhân sốt xuấthuyết nằm đầy các bệnh viện là dân nghèo, điều kiện sốngthiếu thốn... Đã nghèo lại còn khổ hơn với ốm đau của concái...

Tại hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, năm nay dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao so với mấy năm trước mặc dù phần lớn kênh rạch trong TP đã được cải tạo, nạo vét, cảnh dân sống trên các kênh nước đen hôi hám chỉ còn lác đác.

Biết vậy nhưng đành để bọn nhỏ tự lo

Biết là dịch SXH đang lan tràn, nhiều người dù rất lo nhưng phải để con cái ở nhà để đi làm hay chạy chợ kiếm ăn. Kiểu may nhờ rủi chịu.

Gia đình đứa em tôi vợ đi lấy chồng khác, chồng gà trống nuôi con. Cha làm công nhân nhà máy trộn bê tông tận bên quận 9, phải đi từ sáng sớm, để hai đứa con ở nhà tự lo ăn uống rồi đi học. Con chị 10 tuổi lo cho thằng em 7 tuổi. May mà hai chị em cùng học một trường tiểu học gần nhà. Nhà trong con hẻm sâu hun hút ở đường Tôn Đản (quận 4), chỉ rộng hơn 10 m2, tối tăm, chật chội, muỗi mòng.

Thằng bé bị SXH mà chị không biết, tối cha đi nhậu về thấy con sốt cao hoảng hốt đưa đi bệnh viện quận, rồi chuyển qua BV Nhi đồng. Cha phải nghỉ làm để lo cho con, mọi chuyện cơm nước chợ búa ở nhà giao một tay con gái mới 10 tuổi đầu.

Tôi phải thường vào coi thằng bé thay giúp chú em để chú chạy về nhà tắm giặt, ăn uống. Tại bệnh viện, tôi gặp nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn cả chú em tôi. Một chị chừng trên dưới bốn mươi, nhà ở tận Nhà Bè, có cả hai đứa con cùng bị SXH. Đứa lớn bị nhẹ đã đỡ xin về sớm; đứa nhỏ do phát hiện quá trễ, còn đang nằm điều trị.

Chị bảo ở bên Nhà Bè kênh rạch nhiều, muỗi dày đặc, nhiều khi phải mắc mùng ăn cơm. Lũ nhỏ tối ngồi học bài mà hai tay phải đập muỗi liên tục.

Nhà có duy nhất cái quạt phải để chỗ cha nó nằm vì anh bị gãy chân, đang bó bột nằm nhà. Anh làm phụ hồ, bị té khi trèo lên thang chuyển gạch làm thang ngã đổ.

Chị nói chị bán rau, anh phụ hồ, hai vợ chồng cùng làm thì tạm đủ, “nhưng hai tuần nay ổng gãy chân nằm nhà, coi như “treo mỏ” - chữ dùng của chị”. Chị bảo gom hết mấy trăm đóng viện phí, nhà không còn tiền mua gạo. Tôi còn hơn trăm ngàn, móc hết đưa cho chị. Chị ngại ngùng nhưng vẫn cầm vì khổ quá, rồi lí nhí cảm ơn. Tôi không dám hỏi chuyện tiếp những người thân nuôi bệnh bên cạnh vì sợ nghe kể khổ, mình chịu không nổi.

Sốt xuất huyết và nỗi ám ảnh muỗi

Chính quyền và các cơ sở y tế ở cả Hà Nội và TP.HCM đang cật lực đối phó với SXH bằng nhiều cách: Phun thuốc diệt muỗi các hang cùng ngõ hẻm, các khu vực nhiều muỗi, rồi phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy... nhưng có vẻ như bọn muỗi đã đề kháng các loại thuốc hay sao mà chúng vẫn “tung hoành” khắp nơi.

Ở Nha Trang (Khánh Hòa), cơ quan y tế đã phối hợp với Viện Pasteur nghiên cứu thả ra một loại muỗi không mang vi trùng SXH để tiêu diệt bọn muỗi độc, nghe đâu đã có kết quả. Hy vọng nay mai Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh/thành khác cũng thử nghiệm cách diệt muỗi độc bằng biện pháp sinh học này để hạn chế căn bệnh SXH cho bà con nghèo được nhờ. Bọn muỗi chỉ “ăn hiếp” bọn trẻ con nhà nghèo (bởi trẻ nhà giàu ở nhà rộng rãi, thoáng mát, phòng ốc máy lạnh cửa kính muỗi khó vào).

Hôm thằng cháu tôi hết bệnh, chú em tôi đưa nó về nhà, chưa kịp lo cho nó ăn uống, bồi dưỡng gì đã phải vội vào công ty vì đã nghỉ hơn tuần.

Chú gọi điện thoại cho tôi nhờ sang thăm nom cháu giúp chú vài hôm. Chú bảo nghỉ lâu quá sợ bị mất việc khi tôi bảo “Sao không xin nghỉ thêm vài hôm hẵng đi làm” vì thấy chú thức nhiều đêm chăm cháu trong bệnh viện, mặt mày hốc hác, bơ phờ.

Rồi còn con bé lớn nữa, tôi rất lo khi qua đến nơi thấy ban ngày mà muỗi bám đầy quần áo, hốc tủ, gầm giường. Tôi vội vàng đi mua chai thuốc xịt muỗi và hộp nhang muỗi. Tôi đang dặn con cháu lớn cách xịt thuốc và đốt nhang muỗi thì cụ già nhà bên thò đầu ra cửa, nói lớn: “Bộ anh đuổi muỗi qua nhà tui để nó đốt cháu tui hả?”.

Tôi khá bất ngờ vì cái cách suy nghĩ của ông cụ. Tôi nói giả lả: “Không phải vậy đâu bác, cháu nó xịt muỗi để nó đừng bám vào đồ đạc mấy cháu, chứ sao lại xua muỗi qua nhà bác”. Nói vậy nhưng tôi hiểu nỗi ám ảnh muỗi của ông cụ, tôi đi mua thêm một bình xịt muỗi và hộp nhang muỗi đem qua biếu ông cụ.

Ông cười móm mém cám ơn, nói: “Cha mẹ thằng cháu nội đi làm, bỏ nó ở nhà với tui. Thằng nhỏ 10 tuổi mà khờ lắm, bị bệnh đao điếc gì đó, tui phải lo cho nó ăn uống, cả ngày đuổi muỗi sợ nó bị SXH thì khổ cả nhà...”.

 

Nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33916402-nhieu-thach-thuc-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi.html

https://laodong.vn/suc-khoe/viet-nam-la-quoc-gia-co-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh-bac-nhat-tren-the-gioi-551718.ldo

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Vì thế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Ngày 28-8, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2017 - 2025.

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người.

“Sự chuyển đổi nhân khẩu lớn lao này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương, tới mọi cộng đồng và mỗi gia đình, đòi hỏi hệ thống chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi phù hợp” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp; đời sống vật chất còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sức khỏe của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Gánh nặng bệnh tật kép (khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền). Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng này.

“Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác” - Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 đã được Bộ Y tế ban hành từ ngày 30-12-2016 trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về người cao tuổi, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao người cao tuổi gặp khó khăn, dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng bày tỏ, để giải quyết những thách thức hiện nay và trong tương lai, các ngành, các cấp và các địa phương cần nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số và lồng ghép, triển khai các hoạt động chăm sóc người cao tuổi vào các chương trình, chính sách phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

Ngày 22-3, trong hướng dẫn kế hoạch về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) năm 2017, Bộ Y tế giao chỉ tiêu cơ bản 15% người cao tuổi được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Đồng thời, tăng thêm 10% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm.

Ngày 24-3-2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1439/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về xây dựng và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế (đầu mối là Chi cục DS - KHHGĐ) phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án/kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện. Hiện nay, đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị, Tổng cục DS-KHHGĐ cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai Đề án, đôn đốc, kiểm tra, giám sát triển khai các hoạt động cả Trung ương và địa phương.

“Bệnh viện Lão khoa cần tiếp tục phát huy vai trò là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về Lão khoa, là tuyến cao nhất trong hệ thống thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong cả nước” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ đề nghị các tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Những tỉnh, thành phố còn lại khẩn trương tham mưu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động để triển khai thực hiện.

Tại sự kiện này, Tổng cục DS - KHHGĐ và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2020.

 

Châm cồn nướng tôm ở đám cưới, 8 người bị bỏng nặng

http://thanhnien.vn/suc-khoe/cham-con-nuong-tom-o-dam-cuoi-8-nguoi-bi-bong-nang-870200.html

Chiều 28.8, BSCK2 Tần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện đang huy động toàn bộ lực lượng của khoa để điều trị tích cực cho những bệnh nhân bị bỏng cồn nước đang nằm tại khoa.

Trước đó, khoảng 9 giờ 30 sáng cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận 9 ca bị bỏng đang trong tình trạng hoảng loạn, phỏng lột da từng mảng, được chuyển ra từ xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ. Đây là những bệnh nhân vừa tham dự một đám cưới và bị bỏng cồn nước.

Để xử trí vết bỏng da nhẹ, các thứ sau có sẵn trong nhà bếp được liệt kê sau đây rất hữu ích, theo boldsky. Tất nhiên, nếu bỏng nặng thì bạn phải đến ngay bệnh viện.

Sau khi cấp cứu, một ca bị bỏng quá nặng trên 50% là ông Tr.V.U, 62 tuổi, đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Một ca ổn định được cho về. Còn lại 7 ca lần lượt bị bỏng từ 17% (2 ca); 21% (2 ca); 30%; 32% và 47% được chuyển lên điều trị tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Ông Ph.V. D, 47 tuổi, bệnh nhân bị phỏng nhẹ nhất 17% bàng hoàng kể lại: “Sự việc xảy ra khi bàn tiệc của tôi đang ăn món tôm nướng. Lúc đó hết cồn nên mới kêu bồi bàn châm thêm. Họ đến cầm cái can cồn 5 lít châm vào bếp. Cứ tưởng lửa đã tắt rồi, ai ngờ lửa phựt lên dữ dội. Bồi bàn phát hoảng buông can cồn rồi cả bàn đều bị phỏng. Riêng tôi may mắn lúc châm cồn đang đứng nên bị nặng ngực, bụng, hông…”.

Xui xẻo nhất là bà L.Th.K.C (bị phỏng 32%). Bà C. đang ra về đi đến bàn tiệc kể trên thì “gặp hoạ”.

BSCK2 Tần Ngọc Sơn cho biết các bác sĩ đang phải theo sát tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân. Đặc biệt là ca nặng 32% và 47% phải theo dõi trong 24 giờ các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ, nước tiểu… “Hiện tại chúng tôi đang cho truyền dịch điện giải, kháng sinh và tiêm giảm đau cho các bệnh nhân. Ngay trong đêm nay, các điều dưỡng sẽ phải thay băng bỏng cho tất cả bệnh nhân”. Cũng theo tiên lượng của BS Sơn, nhiều khả năng sẽ có ít nhất 3 ca nặng phải điều trị ghép da.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, thời gian cửa bóng là khoảng thời gian tính từ lúc người bệnh được đưa đến cửa bệnh viện cho đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng.

 

Bị phạt hơn 100 tỉ đồng do vi phạm an toàn thực phẩm

http://nld.com.vn/thuoc-dinh-duong/bi-phat-hon-100-ti-dong-do-vi-pham-an-toan-thuc-pham-20170828141524514.htm

Nhiều doanh nghiệp bị phạt hàng trăm tỉ đồng do vi phạm an toàn thực phẩm vừa được Bộ Y tế công bố.

Con số này được Bộ Y tế công bố tại diễn đàn an toàn thực phẩm (ATTP) với chủ đề "Phát triển thị trường cho hàng Việt" do Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức sáng ngày 28-8, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, hiệp hội cùng 300 doanh nghiệp. 

Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP-Bộ Y tế, trong 5 năm, từ 2011-2015, qua công tác thanh kiểm tra hơn 3 triệu lượt cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 620.000 lượt cơ sở vi phạm, trong đó hơn 46.000 lượt cơ sở bị phạt với tổng số tiền hơn 100,6 tỉ đồng. Đáng chú ý, số lượng cơ sở vi phạm phát hiện ngày càng ít dần nhưng số tiền phạt ngày càng cao. Chẳng hạn, trong năm 2015 đã xử phạt hơn 25 tỉ đồng đối với gần 7.000 cơ sở vi phạm, trong khi năm 2011 trước đó số tiền phạt chỉ hơn 14 tỉ đồng nhưng số cơ sở vi phạm là gần 10.500.  Các vi phạm chủ yếu là: điều kiện vệ sinh cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ; con người; ghi nhãn quảng cáo thực phẩm; thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… 

Trong khi đó, qua kiểm tra đánh giá việc thực hiện kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trái cây, rau, thảo mộc và gia vị để xuất khẩu sang châu Âu do Trung tâm Eurofins Sắc ký Hải Đăng tiến hành trong tháng 3-2017, kết quả chỉ ra rằng tại Việt Nam dù có quy định thiết lập hệ thống kiểm soát  thuốc BVTV. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong việc áp dụng biện pháp kiểm soát. Hậu quả là không có hệ thống kiểm soát thuốc BVTV hiệu quả cho thực phẩm xuất khẩu sang châu Âu và cơ quan có thẩm quyền cũng không thể đảm bảo sản phẩm của Việt Nam tuân thủ các yêu cầu quốc tế về mức dư lượng tối đa thuốc BVTV, trong đó có quy định của châu Âu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên chưa được đánh giá cao về mặt chất lượng, giá trị, khả năng cạnh tranh và thường bị các nước nhập khẩu trả về vì lý do ATTP. Tình hình này cần được cải thiện và cần cải tiến hệ thống ATTP, chia sẻ trách nhiệm…

 

Tác hại kinh khủng của hàn the với sức khỏe

http://plo.vn/an-sach-song-khoe/tac-hai-kinh-khung-cua-han-the-voi-suc-khoe-724027.html

Bún, giò chả,…là những loại thức ăn thường chứa nhiều hàn the. Sử dụng nhiều hàn the sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Tên hóa dược của hàn the là  Borax. Chất này thường được sử dụng trong các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng. Nhưng hiện nay nhiều người vẫn dùng hàn the cho  vào để bảo quản và chế biến thực phẩm.

Hàn the là chất mà Bộ Y tế  cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều người đã cho chất này vào một số loại thực phẩm như bún, giò, chả để tạo độ dai, giòn, trắng cho thực phẩm, làm thực phẩm lâu hỏng. Việc cho hàn the vào thực phẩm làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe với người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Trương Hoài Anh, hàn the có tác hại rất lớn đối với sức khỏe: Trường hợp cơ thể hấp thụ hàn the với một lượng lớn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá, nôn ói, tiêu chảy; Tổn thương da; Suy thận ; Triệu chứng thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Còn trường hợp cơ thể hấp thụ một lượng ít, nhưng tích luỹ dần dần trong các mô, có thể gây ra các tác hại mạn tính như : Tổn thương hệ tiêu hoá, cản trở sự hấp thu, chuyển hoá và chức năng các cơ quan; Tổn thương gan và thoái hoá bộ phận sinh dục.  Ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú, hàn the sẽ theo nhau thai hoặc đi theo đường sữa mẹ gây nhiễm độc cho bé.

Tại Điều 6 Nghị định 178/2013 của Chính phủ quy định: Thứ nhất, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng. Thứ hai, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. Thứ ba, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại.

 

Chữa ung thư không chính thống, tử vong tăng 2 – 5 lần

http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/chua-ung-thu-khong-chinh-thong-tu-vong-tang-2-5-lan-923622.html

Khi mắc ung thư, không ít người tìm ngay đến những phương pháp chữa trị không chính thống như dùng cây này, con nọ, áp dụng chế độ ăn đặc biệt…

Nghiên cứu của Yale xác nhận

Nghiên cứu do các nhà khoa học của đại học Yale danh giá (Hoa Kỳ) thực hiện bằng cách theo dõi 280 người được chẩn đoán mắc ung thư vào năm 2004 và chữa trị bằng các phương pháp thay thế (alternative medicine), và so sánh họ với 560 bệnh nhân ung thư được chữa trị bằng các phương pháp chính thống (conventional medicine) như hoá trị, xạ trị và phẫu thuật.

Nghiên cứu phân tích những dạng ung thư khác nhau gồm ung thư vú, phổi, tiền liệt tuyến và đại tràng. Kết quả sau năm năm, người ta thấy 78,3% người lựa chọn điều trị bằng phương pháp chính thống vẫn còn sống, trong khi ở nhóm chữa không chính thống tỷ lệ này chỉ là 54,7%.

Cụ thể hơn, các nhà khoa học phát hiện bệnh nhân ung thư phổi có nguy cơ tử vong tăng gấp đôi nếu họ chọn những giải pháp không chính thống để chữa trị ung thư. Ở bệnh nhân ung thư đại tràng, nguy cơ này là bốn lần; còn ở bệnh nhân ung thư vú, nguy cơ tăng đến… năm lần! Nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín Journal of the National Cancer Institute của hội Ung thư quốc gia Hoa Kỳ.

TS Skyler Johnson, tác giả chính của nghiên cứu, nói: “Chúng tôi có bằng chứng cho rằng việc chọn lựa điều trị thay thế thay cho điều trị chính thống chỉ mang lại kết quả tệ hại hơn mà thôi. Hy vọng thông tin này có thể được bệnh nhân và thầy thuốc sử dụng trước khi đưa ra những quyết định điều trị ung thư có ảnh hưởng đến thời gian sống còn của bệnh nhân”.

Bình luận về nghiên cứu này trên Facebook cá nhân, bác sĩ người Việt TN Trung, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ: “Đây là một nghiên cứu rất hữu ích vì chưa có nhiều số liệu chứng minh tác dụng của các phương pháp thay thế. Quyết định dùng biện pháp điều trị nào đôi lúc rất khó khăn. Người bệnh và bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố. Nghiên cứu này cho thấy ít nhất là không nên bắt đầu điều trị ung thư, đặc biệt khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, bằng các phương pháp thay thế”.

Vì sao y học không chính thống vẫn có đất sống?

T., 40 tuổi, ngụ tại TP.HCM, cách đây ba năm bị ung thư họng và điều trị tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Nhưng chỉ sau sáu tháng điều trị anh chuyển sang tập thiền, yoga cũng như tuân thủ một chế độ ăn đặc biệt. Gặp lại T. cách đây một tháng, anh cho biết mình đã khoẻ lại và tiếp tục làm nghề xây dựng. Không dấu hiệu nào cho thấy đây từng là một bệnh nhân ung thư.

BS Lê Tuấn Anh, phó giám đốc trung tâm Ung bướu kiêm trưởng khoa hoá – xạ trị bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, giải thích: “Ở Mỹ các phương pháp yoga, xoa bóp, âm nhạc liệu pháp, châm cứu, ăn uống… được xếp vào phương pháp điều trị ung thư thay thế. Thay thế không phải là thay cho các phương pháp điều trị ung thư chính thống, mà có nghĩa là “điều trị khác”, “điều trị còn lại”. Một ngày nào đó, một phương pháp “điều trị khác” có thể được chứng minh giá trị khoa học thật sự và ngoi lên thành phương pháp điều trị chính thống, hoặc cũng có thể nó chỉ nằm yên ở nhóm đó đóng vai trò điều trị hỗ trợ cho nhóm điều trị chính thống”.

Khó liệt kê hết hàng trăm phương pháp tự nhận mình là điều trị ung thư thay thế, nhưng theo trang web Mayo Clinic uy tín của Hoa Kỳ, có mười phương pháp nói chung là an toàn, vì có một số bằng chứng cho thấy chúng cũng mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư. Đó là thiền, châm cứu, liệu pháp mùi hương, tập luyện, thôi miên, xoa bóp, yoga, âm nhạc, thái cực quyền và các kỹ thuật thư giãn.

Không thầy thuốc nào khuyên bệnh nhân ung thư chọn điều trị không chính thống như giải pháp đầu tiên, thế nhưng chúng vẫn tồn tại vì mang lại một sự điều trị toàn diện cho bệnh nhân.

Theo chuyên gia của Mayo Clinic, chẳng hạn nếu bệnh nhân lo âu, họ có thể thử áp dụng phương pháp xoa bóp, thiền, thôi miên, thư giãn; nếu bị nôn, buồn nôn, có thể áp dụng châm cứu, liệu pháp mùi hương hay âm nhạc; còn nếu bị rối loạn giấc ngủ có thể tập luyện, tập yoga và những kỹ thuật thư giãn.

BS Tuấn Anh nói tiếp: “Ở Úc và châu Âu có một số trung tâm phục hồi ung thư rất hiện đại, tại đây bệnh nhân gặp vấn đề khi điều trị bằng phương pháp chính thống sẽ được bổ sung bằng các phương pháp thay thế. Điều này giúp bệnh nhân sống lâu hơn, chất lượng hơn so với bệnh nhân không áp dụng phương pháp thay thế. Nhưng cần nhấn mạnh, điều trị thay thế không thay được điều trị chính thống”.

Một khía cạnh về điều trị thay thế cũng đáng phải lưu ý, đó là tình trạng kinh doanh, lạm dụng lòng tin bệnh nhân. John Bridgewater, chuyên gia ung thư của bệnh viện University College London (Anh) nói: “Cây cỏ và khẩu phần ăn dường như không quá đắt đỏ, nhưng khi chúng được cung cấp qua nhà phân phối thì giá đội lên rất nhiều lần. Đó là một ngành công nghiệp tỉ đôla. Người ta bỏ tiền cho điều trị thay thế còn nhiều hơn cả điều trị chính thống”.

 

Tin mới Trưởng khoa nhi bệnh viện bị cây phượng 40 tuổi ngã đè

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/truong-khoa-nhi-benh-vien-bi-cay-phuong-40-tuoi-nga-de-gio-ra-sao-395655.html

http://news.zing.vn/no-luc-cuu-bac-si-bi-cay-de-tran-mau-mang-phoi-post775299.html

Lúc được chuyển lên ở TP.HCM, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang bị tổn thương phổi, tràn máu màng phổi hai bên, khó thở, gãy đốt sống.

Bệnh viện Chợ Rẫy đang tích cực cứu chữa cho bác sĩ Trương Công Đầy (53 tuổi, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang) - người bị cây phượng ngã đè vào sáng hôm qua.

Thời điểm được chuyển vào Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy, bác sĩ Đầy bị tràn máu màng phổi hai bên, khó thở, gãy đốt sống D11, D12, tổn thương phổi…

Theo BS Lê Minh Huân, sau khi tiếp nhận, ê-kíp đã đặt dẫn lưu màng phổi. Hiện nạn nhân đã tiếp xúc được, sinh hiệu ổn.

Tuy nhiên do phổi bị tổn thương nặng, nên bác sĩ Đầy vẫn đang được theo dõi liên tục. Khi sức khỏe ổn định, sẽ tiến hành mổ cột sống.

Trước đó, lúc 7h hôm qua, bác sĩ Trương Công Đầy đang chạy xe máy trên đường Học Lạc, phường 3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thì bất ngờ cây phượng khoảng 40 năm tuổi trước Công ty Cổ phần In Tiền Giang ngã ra đường đè trúng.

 

Hành trình kiếm con đau đáu của người không có tinh binh

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/vo-sinh-hanh-trinh-kiem-con-dau-dau-cua-nguoi-khong-co-tinh-binh-393244.html

Người đàn ông đi tới đâu cũng bị chẩn đoán vô sinh vì không có tinh trùng. Anh đã điều trị rất nhiều nơi, hầu hết đều kết luận khó có con. Không ngờ một ngày, điều kỳ diệu lại đến. 

Một ngày giữa tuần Hà Nội mưa gió, 11h trưa, người tới khám ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện Phụ sản TƯ vẫn đông nườm nượp. 

Chỉ vào chồng hồ sơ bệnh nhân xếp cao trên bàn làm việc, BS Hồ Sỹ Hùng - Phó giám đốc Trung tâm cho hay, mỗi ngày có khoảng 100 cặp vợ chồng tới đây điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Quá nửa đời người, vợ chồng anh Nguyễn Văn Khang (46 tuổi, Điện Biên) vẫn chưa được tận hưởng niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Dù đã chữa trị rất nhiều, thử rất nhiều cách khác nhau nhưng với họ, niềm hy vọng có con ngày càng mong manh. Sự thất vọng chán chường như đến tận cùng khi tới bất kỳ nơi đâu, vợ chồng anh đều nhận được cái lắc đầu của bác sĩ.

Đã có lúc anh động viên chị tìm kiếm gia đình mới, nhưng chị nhất định không chịu, kiên cường động viên chồng trong hành trình tìm con đằng đẵng. Nghe ở đâu có thuốc tốt, cách chữa hay, anh chị không quản xa xôi tìm đến. Nhưng mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng.

Nỗ lực "bắt" tinh trùng

Bác sĩ Hùng kể, anh Khang vô sinh vì không có tinh trùng. Tình trạng này xảy ra ở một cặp vợ chồng quan hệ bình thường mà không thấy có thai. Khi đi khám và làm xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng trong tinh dịch.

Với trường hợp của anh Khang, các bác sĩ điều trị đã kết luận anh không có tinh trùng (vô tinh). Vô sinh do không có tinh trùng như anh Khang chiếm tỉ lệ 10-15% các trường hợp vô sinh nam.

Khi đến với Trung tâm, vợ chồng anh Khang đã khá lớn tuổi, việc xác định phương pháp điều trị càng trở nên khó khăn. Hai người chấp nhận số phận ở vậy với nhau, cũng không muốn xin con nuôi hay xin tinh trùng.

Các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho vợ chồng anh với lượng tinh trùng ít ỏi tìm kiếm được trong mào tinh, người vợ được chọc hút trứng, sau đó tinh trùng được tiêm vào bào tương trứng. Phôi hình thành được nuôi cấy và chọn lọc để chuyển vào buồng tử cung.

Lần thụ tinh nhân tạo đã thành công. Anh khóc ngay trước mặt các bác sĩ khi được báo kết quả. 9 tháng chị mang thai triền miên nằm viện để theo dõi, anh sống trong sự hy vọng, lo lắng, phập phồng, mong mỏi.

Rồi hành trình kiếm con của vợ chồng anh tới đích. Ở tuổi 47, vợ chồng anh Khang đón bé gái xinh xắn vào thời điểm mọi thứ tiền tài, hy vọng của họ dường như cạn kiệt...

Vì đâu vô tinh?

Bác sĩ Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người đàn ông không có tinh trùng khi xét nghiệm tinh dịch đồ: Do bất thường về cấu trúc gen; Bẩm sinh không có ống dẫn tinh 2 bên; Tắc đường dẫn tinh; Suy tinh hoàn…

Không có tinh trùng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nam giới, nhưng không phải là không chữa được.

“Với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay ở Việt Nam, khoảng 70% nam giới không có tinh trùng vẫn có thể có con của chính mình chỉ với một ít tinh trùng tìm thấy. Càng khám, chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng thành công càng cao”, ông nhấn mạnh.

Phương pháp điều trị vô sinh cho các trường hợp không có tinh trùng hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng lấy được từ mào tinh hoặc tinh hoàn. Tỷ lệ noãn thụ tinh sau tiêm tinh trùng lấy từ mào tinh hoặc tinh hoàn có thể lên đến 70-80%.

 

Đắk Nông: Tặng bằng khen bác sĩ cứu sống bé trai bị dao găm giữa trán

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-bang-khen-bac-si-cuu-song-be-trai-bi-dao-gam-giua-tran-20170828204524911.htm

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lưỡi dao rộng khoảng 4cm găm thẳng giữa trán gây chấn thương sọ não. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã đưa chiếc dao này ra khỏi đầu nạn nhân.

Ngày 28/8, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1380/QĐ-UBND tặng thưởng Bằng khen cho hai bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông vì đã có thành tích trong việc cấp cứu, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Huỳnh Thanh Tùng (12 tuổi).

Trước đó, bệnh nhân này nhập việc trong tình trạng một lưỡi dao rộng khoảng 4cm, găm sâu khoảng 3cm vào giữa trán của nạn nhân dẫn đến chấn thương sọ não nên phải phẫu thuật gấp để lấy dao ra. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã đưa thành công con dao ra khỏi đầu của bệnh nhân Tùng.

Các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân được khen thường gồm: bác sĩ Bùi Vĩnh Hảo, Khoa Ngoại tổng hợp và bác sĩ Trương Đình Phú, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

Theo đó, tối 12/7, Tùng (tạm trú thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) cùng một người em họ sử dụng một con dao của gia đình để chơi đùa. Trong lúc đùa nghịch, con dao trên tay người em chẳng may bị tuột cán nên đã găm thẳng vào trán của bệnh nhân..

Được biết, việc tặng bằng khen thể hiện sự quan tâm sát sao của UBND tỉnh và là nguồn động viên tinh thần kịp thời đối với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế để tiếp tục nỗ lực, cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Lâm Đồng: Một sản phụ tử vong bất thường tại Trung tâm y tế

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-san-phu-tu-vong-bat-thuong-tai-trung-tam-y-te-2017082812221031.htm

Một sản phụ ở Lâm Đồng tử vong bất thường tại Trung tâm y tế huyện, khiến gia đình vô cùng bức xúc. Cho rằng Trung tâm y tế tắc trách khiến sản phụ tử vong nên người thân đã mang di ảnh đi khiếu nại.

Sáng ngày 28/8, tin từ Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng thanh tra ngành và các bộ phận có liên quan phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân một sản phụ tử vong khi sinh con tại Trung tâm y tế huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Trước đó, chiều ngày 25/8, gia đình chị Cao T. P. (30 tuổi, ngụ tại thôn 3, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đưa chị này tới Trung tâm y tế huyện Đơn Dương để chờ sinh.

Đến sáng hôm sau, chị P. có diễn biến bất thường như thở nấc, nhịp tim rời rạc, mạch quay không bắt được sau khi vỡ ối. Được các bác sĩ nơi đây chẩn đoán suy hô hấp, suy tuần hoàn nghi thuyên tắc ối.

Ngay sau đó, trung tâm y tế Đơn Dương đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực, chỉ định giác hút khi phát hiện có dấu hiệu suy thai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Trung tâm y tế huyện Đơn Dương đã cứu sống được bé gái 2,9kg. Riêng, sản phụ Cao T. P. sau khi hồi sức tích cực được chuyển bên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng đã tử vong.

Tuy nhiên, theo người nhà sản phụ, kíp trực sản, trung tâm y tế Đơn Dương có trách nhiệm về sự cố này. Bởi trước đó, khi thấy sản phụ khó sinh, gia đình đã yêu cầu bệnh viện mổ lấy thai nhưng bệnh viện không thực hiện.

Tiếp đó, khi thấy sức khỏe của sản phụ P. rất yếu, tiên lượng xấu, nhưng Trung tâm y tế huyện Đơn Dương không cho chuyển viện kịp thời. Cho rằng Trung tâm y tế tắc trách khiến sản phụ tử vong nên người thân đã mang di ảnh đi khiếu nại.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra ngành và các bộ phận có liên quan phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sản phụ P. bị tử vong.

 

Quyết tâm của nữ tiến sĩ nano khi thấy ung thư quá nhiều

http://dantri.com.vn/suc-khoe/quyet-tam-cua-nu-tien-si-nano-khi-thay-ung-thu-qua-nhieu-201708280743594.htm

Với quyết tâm chế tạo sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ung thư thương hiệu Việt từ nguồn thảo dược trong nước, TS Hà Phương Thư đã quyết định về nước sau nhiều năm nghiên cứu tại tại viện Công nghệ Tokyo Nhật Bản và Trung tâm Năng lượng nguyên tử CEA của Pháp.

“Làm khoa học là phải hướng đến cộng đồng”

Đến Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, không khó để tìm gặp TS Hà Phương Thư, Viện Khoa học vật liệu. Ở đây chị được gọi với cái tên trìu mến “Thư nano”, một phần vì chị đang giữ chức Trưởng phòng Nano Y sinh, phần vì suốt quãng thời gian làm công tác nghiên cứu, chị đều dành để nghiên cứu về công nghệ nano.

Chị bảo: “Tôi quyết định về Việt Nam vì thấy công nghệ nano ở nước ta còn khá mới mẻ, với nguồn dược liệu phong phú, mà chỉ dùng dưới dạng thô thì không thể phát huy hết công dụng. Hơn nữa, người Việt Nam bây giờ ung thư nhiều quá”.

Nói rồi, chị ngồi xuống kể cho tôi nghe về những câu chuyện của người thân, bạn bè, những người đã, đang sống chung với bản án tử hình ung thư với đôi mắt đau đáu, đôi bàn tay đan chặt. “Tôi có một người bạn thân là nhà báo, đang độ tuổi đẹp nhất, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, rồi bỗng nhiên nhận tin dữ ung thư vú di căn xương. Tôi đã thấy không biết bao nhiêu giọt nước mắt, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần của bạn, thậm chí của cả gia đình trên con đường giành giật lại sự sống từ tay tử thần đầy gian truân. Thế rồi tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì từ công nghệ nano, làm gì để xoa dịu bớt nỗi đau mà bạn tôi, và hàng ngàn bệnh nhân ung thư khác đang phải chịu đựng?”

Những câu hỏi đó luôn thôi thúc nữ tiến sỹ trẻ tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời nhiều công trình khoa học xuất sắc, hướng tới cộng đồng, trong đó phải kể đến đề án “Nghiên cứu quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư” được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới.

Đề án này xuất phát từ ý tưởng mới là sử dụng các vật liệu kích thước nano làm phương tiện mang, tạo thành phức hệ Nano đa chức năng, kết hợp nhiều hoạt chất nhằm hiệp đồng tác dụng, tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động đến tế bào lành.

Tự hào ứng dụng thực tiễn

Với mong muốn ứng dụng kết quả đề tài vào thực tiễn chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sau nhiều năm nghiên cứu, TS Hà Phương Thư, cùng Viện Khoa học vật liệu đã ký kết chuyển giao nguồn nguyên liệu Phức hệ Nano FGCcho công ty Dược mỹ Phẩm CVI trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội tại Techmart Hà Nội 2016.

Ngày 11/10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC dùng trong phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu” với hệ dẫn gồm 3 chất Curcumin, Fucoidan, Notoginseng ở kích thước nano.

Theo TS. Hà Phương Thư, lâu nay việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp.

Do đó, “Tôi tự hào khi những thành quả của mình đã bước đầu được ứng dụng vào thực tiễn thành sản phẩm CumarGold Kare. Điểm đột phá của Phức hệ Nano FGC là sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam: tam thất, nghệ vàng và rong biển, giúp cải thiện độ tan, bảo vệ hoạt chất khỏi những rào cản sinh học, tăng sinh khả dụng, tập trung hoạt chất tại vùng khối u thông qua hai cơ chế hướng đích: thụ động và chủ động”.

Bước đầu, CumarGold Kare được thử nghiệm tại Học Viện Quân y trên dòng tế bào ung thư phổi, đại tràng cho thấy, Phức hệ NanoFGC có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỉ lệ sống sót và tăng cường đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu so với nhóm chứng.

Công trình nghiên cứu chế tạo phức hệ Nano FGC có trong sản phẩm CumarGold Kare đã giúp TS Hà Phương Thư lọt Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 do tạp chí Forbes, tạp chí uy tín hàng đầu thế giới bình chọn.

TS Hà Phương Thư tâm sự: “Sau tròn 10 năm dồn hết tâm huyết và sự kỳ vọng, tôi cũng nhìn thấy những thành quả của mình được đền đáp xứng đáng. Hy vọng CumarGold Kare sẽ là món quà sức khỏe ý nghĩa để chung tay cùng cộng đồng xoa dịu nỗi đau ung thư”.

 

Đây chính là nguyên nhân khiến phụ nữ mắc ung thư vú cao

http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/day-chinh-la-nguyen-nhan-khien-phu-nu-mac-ung-thu-vu-cao-923786.html

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/ung-thu/nguyen-nhan-nao-dan-den-benh-ung-thu-vu-386467.html

Chính tốc độ lão hóa của mô vú là một trong nguyên nhân hàng đầu khiến ung thư vú trở thành bệnh ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất ở phụ nữ.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học California tại phân hiệu Los Angeles, trong cơ thể phụ nữ, mô vú là bộ phận có tốc độ lão hóa nhanh nhất.

Giáo sư Stephen Hovart của Trường Y khoa David Geffen cũng chỉ ra rằng, "đồng hồ sinh học" có thể đo tương đối chính xác tốc độ lão hóa của mô trong cơ thể. Theo ông, tốc độ của đồng hồ sinh học không cố định, trước tuổi 20 nó chuyển động tương đối nhanh, nhưng sau tuổi 20 nó sẽ chậm dần với độ tăng lên của tuổi tác.

Ông phát hiện ra, tốc độ lão hóa của mô vú thường nhanh hơn 2-3 năm so với các bộ phận khác trên cơ thể.

Đối với những phụ nữ bị ung thư vú, những mô khỏe mạnh nằm gần khối u sẽ có tốc độ lão hóa nhanh hơn 12 năm so với các phần mô khác.

Đồng thời, đồng hồ sinh học cũng đo được mức độ lão hóa của khối u vú sẽ nhanh hơn khoảng 36 năm so với mô khỏe mạnh khác trên cơ thể.

Kết quả của nghiên cứu này cũng có thể giải thích được phần nào nguyên do khiến ung thư vú trở thành căn bệnh ung thư có tỉ lệ cao nhất ở phụ nữ. Nó cũng giải thích tại sao tuổi tác chính là một yếu tố quan trọng gây nguy cơ mắc bệnh ung thư này ở phụ nữ

Điều đáng nói, giáo sư Hovat cũng chỉ ra đồng hồ sinh học có thể theo dõi các tế bào gốc đa năng tiềm năng của cơ thể con người - loại tế bào có thể tăng sinh vô hạn, cũng như có thể phát triển thành mọi loại tế bào trong cơ thể (như tế bào thần kinh, tim, tuyến tụy và gan), và phân chia các tế bào gốc mới. Ông cũng phát hiện, khi tế bào trong cơ thể chuyển thành tế bào gốc đa tiềm năng thì đồng hồ sinh học sẽ được đặt ở chế độ "0".

Vì vậy, đây cũng là cơ sở để chứng minh đồng hồ sinh học sẽ khống chế được quá trình lão hóa của cơ thể con người. Nó cũng trở thành một trong những chỉ số sinh học quan trọng để nghiên cứu "thuật trẻ hóa" đối với cơ thể con người.

 

Cô gái trẻ ung thư buồng trứng bị bác sĩ chẩn đoán đau ruột thừa

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu/co-gai-tre-ung-thu-buong-trung-bi-bac-si-chan-doan-dau-ruot-thua-3633586.html 

Kritsen Larsen 24 tuổi (Australia) bị ung thư buồng trứng khi còn rất trẻ, đang sống chung và chiến đấu với căn bệnh suốt 3 năm qua.

21 tuổi Kritsen Larsen ở London thường bị đau bụng dưới nhưng nghĩ đó là do kinh nguyệt. Khi cơn đau ngày càng dữ dội kèm theo nôn mửa, Kritsen mới gặp bác sĩ. "Lúc đầu họ nghĩ tôi đang mang thai, nhưng xét nghiệm thì không phải", cô gái nói. 

Theo Cosmopolitan, các bác sĩ cho rằng Kritsen bị viêm ruột thừa và chỉ định phẫu thuật ngay. Thế nhưng khi mổ họ đã không phát hiện ra đoạn viêm ruột thừa nào cả mà thay vào đó là những khối u mọc chi chít ở khắp ổ bụng. Kết quả sinh thiết cho thấy Kritsen mắc ung thư buồng trứng. Cô được các bác sĩ cho lựa chọn ở lại London điều trị hoặc trở về quê nhà. Cô gái quyết định ở lại London.

Ung thư đã lan rộng. Bác sĩ chẩn đoán bệnh đã ở giai đoạn ba. Kritsen chỉ có một vài tháng để sống nếu cơ thể không đáp ứng hóa trị liệu. Cô gái trẻ may mắn khi cơ thể đáp ứng điều trị. Cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 11 giờ cắt bỏ toàn bộ tử cung vì ung thư đã lan khắp mọi nơi, từ bụng đến gan và khắp ruột. Các khối u đã được loại bỏ, Kritsen bắt đầu phục hồi. "Tôi rất yếu, nhưng cuối cùng bệnh tình cũng đã thuyên giảm", cô gái trẻ nhớ lại.

Kritsen dự định đi du lịch khắp châu Âu nhưng lại lỡ hẹn vì ung thư tái phát. Các khối u xuất hiện xung quanh phổi, ngực và bụng. Cô gái trẻ phải phẫu thuật một lần nữa, sau đó hóa trị và tham gia thử nghiệm lâm sàng với một vài loại thuốc. "Bây giờ bệnh tình của tôi cũng đã thuyên giảm, dù hóa trị nhưng các khối u vẫn không hết hẳn", Kritsen nói.

Kritsen muốn chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao cảnh giác cho mọi người. "Cuộc sống rất quý giá và mọi thứ có thể thay đổi qua một đêm", cô gái nói. Ở độ tuổi còn quá trẻ, ung thư là một cú sốc lớn đối với cô. Kritsen đã đối diện và chiến đấu với nó suốt 3 năm qua. "Tôi có thể không đủ khả năng lên kế hoạch cho tương lai quá xa phía trước nhưng cố gắng tận hưởng thật nhiều niềm vui trên hành trình", Kritsen chia sẻ.

Có 1.500 phụ nữ Australia được chẩn đoán ung thư buồng trứng mỗi năm và khoảng 1.000 người tử vong. Đây là một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang