Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hiệp hội dược liệu Việt Nam
Chiều 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng một số lãnh đạo các bộ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hiệp Hội dược liệu Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội dược liệu Việt Nam Tạ Ngọc Dũng cho biết do không đáp ứng được nhu cầu trong nước nên 80% dược liệu sử dụng hiện nay là nhập khẩu. Sản xuất dược liệu trong nước còn thiếu quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn Hệ quản lý chất lượng GACP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện Việt Nam chỉ có 18 trong số 300 cây dược liệu được cấp chứng chỉ GACP.
Công tác quản lý về chất lượng dược liệu còn bất cập, đe dọa an toàn đối với người sử dụng, nhất là có sự lẫn lộn về dược liệu đảm bảo chất lượng và không đảm bảo chất lượng; không truy xét được nguồn gốc xuất xứ; thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc; thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Hiệp hội dược liệu Việt Nam đánh giá tiềm năng cây dược liệu Việt Nam rất lớn, nhiều cây dược liệu quý, như sâm Ngọc Linh được đánh giá có chất lượng cao hơn sâm của nước ngoài. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng đó, phải "giải bài toán" về vấn đề chất lượng dược liệu và đầu ra cho sản phẩm dược liệu. Chính sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch đã khiến đầu ra chất lượng thấp và ngay doanh nghiệp sản xuất trong nước không mua sản phẩm dược liệu của nông dân.
Để khuyến khích sản xuất dược liệu, đại diện Hiệp hội cho rằng các bác sỹ cũng cần kê đơn thuốc được sản xuất từ dược liệu trong nước nếu có chất lượng tốt và tác dụng chữa bệnh thay vì chỉ kê thuốc tây.
Theo Bộ Y tế, sản phẩm đầu ra của dược liệu chủ yếu là sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc y dược cổ truyền nhưng không phải dễ tiêu thụ. Do sản xuất còn manh mún nên chất lượng sản phẩm đầu ra có giá thành cao.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ về tiềm năng to lớn và điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở Việt Nam, một nước nhiệt đới, nhiều núi rừng.
Đặt vấn đề loại cây trồng, vật nuôi nào mà Việt Nam có lợi thế so sánh, có thể mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập thì phải làm cho tốt để mang lại lợi ích cho người dân, Thủ tướng cho rằng trong số đó có cây dược liệu.
Tuy vậy, trong phát triển cây dược liệu ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn. Thủ tướng chỉ ra quy hoạch sản xuất dược liệu chưa chỉ ra được trồng loại cây gì và ở đâu, nhất là với các cây dược liệu phong phú ở miền Bắc và miền Trung. Việc cần làm là tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng cũng thống nhất quan điểm động lực của phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường và lấy kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở một số vùng, miền để sản xuất có quy mô lớn.
Nhấn mạnh việc phải coi trọng chất lượng, thương hiệu dược liệu Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cần quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất dược liệu; ngăn chặn có hiệu quả nạn nhập lậu, buôn lậu hàng dược liệu giả, phá hoại thị trường trong nước; có biện pháp tăng cường quản lý chất lượng dược liệu phù hợp với bộ tiêu chuẩn dược liệu và các biện pháp quan trọng khác, trong đó có biện pháp gắn với chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ dược liệu.
Thủ tướng cũng cho rằng cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền, những bài thuốc của các thầy thuốc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Sự kết hợp này phải từ trường học, các ngành, các cấp và đặc biệt trong ngành y tế.
Thực tế, thời gian qua có một số cây dược liệu quý bị biến mất do không biết giữ gìn nguồn gene. Thủ tướng cho rằng biện pháp quan trọng là bảo vệ nguồn gen dược liệu quý và rất quý ở Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ nghiên cứu đưa ra dự thảo các thể chế, chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu để trình bày tại hội nghị sắp tới.
Bộ Y tế cũng cần lắng nghe ý kiến của Hiệp hội dược liệu Việt Nam để nắm được thực trạng phát triển ngành dược liệu Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra.
Tại buổi làm việc này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu. Ngoài việc chuẩn bị báo cáo về thực trạng phát triển cây dược liệu ở Việt Nam hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có những tham luận thiết thực, có giá trị.
Thủ tướng cho rằng bước đi tiếp theo là bàn biện pháp để cây dược liệu trở thành sản phẩm hàng hóa quý của đất nước, vừa góp phần chữa bệnh, vừa sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống của người dân.
Nếu cấy lúa cho năng suất thấp trong khi trồng cây dược liệu có hiệu quả cao hơn mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực thì Chính phủ đồng ý chuyển đổi sang trồng một số cây dược liệu; hoặc có thể tính đến biện pháp phát triển trồng rừng gắn với trồng cây dược liệu.
Phát triển đảng viên trong ngành y
http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32457402-phat-trien-dang-vien-trong-nganh-y.html
Phát triển đảng viên trong ngành y tế TP Hồ Chí Minh chưa tương xứng với số lượng thầy thuốc, nhân viên y tế đông đảo. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân, từ quan niệm của những người chỉ muốn làm chuyên môn đến sự quan tâm chưa đúng mức của một số cấp ủy tổ chức đảng...
Chú ý đặc thù nghề nghiệp. Trong ngành tiết niệu, GS, TS, bác sĩ Trần Ngọc Sinh ở Bệnh viện Chợ Rẫy được nhiều người biết đến. Là chuyên gia đầu ngành và đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ y, bác sĩ trẻ, GS Trần Ngọc Sinh trở thành đảng viên khi tuổi đã cao. Đại diện Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân ở đây là do cách nhìn của một vài đảng viên trong chi bộ có phần khắt khe, cho rằng “giáo sư ít dành thời gian cho hoạt động xã hội”.
Cũng phấn đấu, làm việc và cống hiến cho người bệnh xương cơ khớp một thời gian dài, nhưng gần đây, PGS, TS, BS Bùi Hồng Thiên Khanh ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa được kết nạp vào Đảng. Nhiều người biết việc này chia sẻ nguyên nhân là do bác sĩ Khanh mải nghiên cứu khoa học, chỉ tập trung hoàn thành công tác chuyên môn.
Khác với hai trường hợp nêu trên, PGS, TS, BS Tạ Thị Tuyết Mai, người đã nghiên cứu và tạo ra loại sữa đặc biệt, giúp người bệnh kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông sớm hồi phục sức khỏe không muốn vào Đảng. Bác sĩ Mai năm nay 52 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có “lý lịch đỏ”, nhiều lần được Bí thư Đảng ủy cơ quan động viên làm đơn xin vào Đảng nhưng còn phân vân vì “chỉ mong có thời gian nghiên cứu khoa học và chăm lo người bệnh”.
Các trường hợp nêu trên đều có danh vị và là những nhà khoa học nổi tiếng nhưng con đường để trở thành đảng viên của họ khác nhau. Không ít thầy thuốc giỏi không muốn phấn đấu vào Đảng bởi quan niệm “làm khoa học là đủ”. Hiện nay, Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế có 1.865 đảng viên, sinh hoạt tại 26 tổ chức cơ sở đảng. Năm 2016, Đảng ủy Khối kết nạp 104 đảng viên, so với con số hàng chục nghìn y, bác sĩ, người lao động trong Khối thì con số này còn ít ỏi.
Tạo môi trường thuận lợi
Theo Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Khôi, năm 2016, có nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy đã mở rộng công tác từ thiện, xã hội, tham gia hoạt động cộng đồng. Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện, phát quà cho những gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh. Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực vận động các nhà hảo tâm, giúp giảm viện phí cho nhiều lượt người bệnh với số tiền hơn hai tỷ đồng, hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hàng nghìn lượt người… Qua đó, đã phát hiện những nhân tố tích cực trong đội ngũ thầy thuốc để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tuy nhiên, số lượng phát triển đảng viên mới chưa tương xứng với nguồn phát triển của các đảng bộ. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số tổ chức đảng còn chung chung, chưa xây dựng được các mô hình cụ thể, cách làm hay, nhân tố tích cực có sức lan tỏa.
Bên cạnh những khó khăn của đội ngũ y, bác sĩ cao tuổi, quá trình phấn đấu vào Đảng của những đảng viên trẻ nhanh hơn thông qua hoạt động Đoàn, Hội. Chánh Văn phòng Hội Sinh viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Cao Thị Nghiêm đã có gần một năm tuổi Đảng. Thành tích của chị được ghi nhận bởi sự nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội, làm Đội trưởng Công tác xã hội của trường, Tổng thư ký Chiến dịch Mùa hè Xanh của trường và nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Hay hai trường hợp Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Hòa là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016 và Phó Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tú đều được kết nạp Đảng khi tuổi còn khá trẻ. Năm 2015, có 25 đoàn viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh được kết nạp Đảng, trong số hơn 10,5 nghìn đoàn viên, thanh niên của trường. Theo Đảng ủy Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2010 - 2016, Đảng bộ kết nạp 152 đảng viên, trong đó 53 người là sinh viên. Nhận xét về kết quả này, đồng chí Ngô Đồng Khanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế cho rằng, một số chi bộ chưa thật sự tích cực trong công tác phát triển đảng viên, mặc dù có giới thiệu đoàn viên, thanh niên, công đoàn viên tích cực đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng việc bồi dưỡng phát triển đảng viên còn hạn chế.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung cho rằng, công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ thầy thuốc và sinh viên ngành y chưa tương xứng với nguồn lực hiện có. Thời gian tới, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế, Đảng ủy Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho đội ngũ và kịp thời nắm bắt tư tưởng của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đảng ủy cần nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề hoặc kế hoạch về phát triển đảng viên của đơn vị, trong đó phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm, xác định đối tượng ưu tiên phát triển đảng viên để thực hiện. Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo và hoạt động các tổ chức đoàn thể phải đổi mới theo hướng linh hoạt, bám sát nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Cần đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước năm 2017, tuyên dương các gương điển hình tiên tiến gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực… để các thầy thuốc trẻ phấn đấu noi theo, cống hiến, hy sinh, nâng cao y đức, sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Việt Nam có xu hướng gia tăng số lượng người mắc bệnh lao
Năm 2016, Việt Nam phát hiện 105.839 ca bệnh mắc lao, tăng về số ca bệnh mắc lao các thể khoảng 3.163 người bệnh so với năm 2015, trong đó tăng mạnh nhất là số người bệnh lao phổi AFB (-) với 1.822 người bệnh.
Theo báo cáo tổng kết hoạt động Chương trình chống lao quốc gia (Bộ Y tế), mặc dù trong năm 2016 nguồn kinh phí từ ngân sách Chính phủ cho công tác phòng chống lao được phê duyệt muộn nhưng mạng lưới phòng chống lao trên toàn quốc vẫn duy trì và đảm bảo chất lượng hoạt động. Theo đó, 100% dân số tiếp cận phổ cập với các dich vụ phòng chống lao, số người bệnh phát hiện là 105.839, vượt chỉ tiêu cả năm 2016 (102.292) là 3,5%. Duy trì tỷ lệ điều trị thành công đạt mức rất cao, đạt 92,4% với lô người bệnh lao phổi dương tính mới.
Trong tổng số 105.839 người mắc lao được phát hiện năm 2016, có 50.621 người bệnh lao phổi AFB (+) (Trực khuẩn kháng cồn kháng toan) mới chiếm 47,8%, tỷ lệ phát hiện lao phổi AFB (+) mới là 54/100.000 dân. Tỷ lệ lao phổi AFB dương tính khác (bao gồm cả lao phổi AFB (+) tái phát, điều trị lại) là 7,7%, giảm so với năm 2015 (8,3%).
So sánh với năm 2015, số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện trong năm 2016 tăng đáng kể với 519 bệnh nhân (1,04%). Số bệnh nhân lao phổi AFB âm tính phát hiện tăng so với năm 2015 là 1.822 bệnh nhân (8,09%). Tổng số người bệnh tăng 3.163 ca bệnh so với cùng kỳ năm 2015.
Một số tỉnh có tình hình phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước như Quảng Nam (26%), Lai Châu (25%), Gia Lai (22%).
Ngược lại, bệnh nhân lao phổi AFB (+) tái phát và điều trị lại có xu hướng giảm (tổng cộng 329 bệnh nhân) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số tỉnh có tình hình phát hiện bệnh nhân lao phổi AFB dương tính có xu hướng thay đổi rõ rệt, tăng giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước như Quảng Bình (giảm 34%), Hà Tĩnh (giảm 26%), Hà Nam (giảm 24%), Vĩnh Phúc (giảm 22%), Quảng Nam (tăng 26%), Lai Châu (tăng 25%), Gia Lai (tăng 22%).
Về mặt thực hiện so với kế hoạch chỉ tiêu năm 2016 đã đặt ra, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể đạt 101,6% chỉ tiêu và tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao AFB(+) mới đạt là 98,2%. Kết quả này thể hiện những nỗ lực và đóng góp rất lớn cho công tác chống lao đến từ các tỉnh, thành và các tuyến trên cả nước.
Đến nay, chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tăng cường mở rộng hoạt động phát hiện quản lý bệnh lao và lao kháng thuốc tới các nhóm đối tượng nguy cơ. Nghiên cứu, triển khai thí điểm các thuốc, phác đồ, kỹ thuật và các sáng kiến mới trong công tác phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị bệnh nhân lao. Bảo đảm không thiếu thuốc chống lao tại tất cả các tuyến trên toàn quốc.
Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện nay, 45/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Việt Nam cũng đứng thứ 15 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Những lý do được chỉ ra, là Việt Nam hiện nay chưa tầm soát hết các đối tượng nghi kháng đa thuốc (MDR), tỷ lệ người được xét nghiệm GeneXperttrong số nghi MDR còn hạn chế tại nhiều địa phương. Công tác phối kết hợp trong hoạt động phối hợp y tế công - tư/công công (PPM) còn hạn chế. Hầu hết sự phối hợp hiện nay vẫn chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện.
Bên cạnh đó, sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh, huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực. Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; thiếu trang thiết bị chẩn đoán, đặc biệt lao kháng đa thuốc.... Trong khi đó, tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu mà Chương trình chống lao quốc gia đặt ra, là sẽ giảm số người người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 người dân. Giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 người dân. Khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
Bệnh viện Việt Đức lắp máy xét nghiệm ung thư hiện đại
http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-viet-duc-lap-may-xet-nghiem-ung-thu-hien-dai/438395.vnp
Chiều 29/3, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã đưa vào lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm tự động VENTANA HE 600 phục vụ việc điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh nhân ung thư.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho hay, đây là hệ thống máy hiện đại nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Hệ thống trên được lắp đặt tại khoa Giải phẫu bệnh.
Hệ thống máy xét nghiệm tự động VENTANA HE 600 - là hệ thống máy nhuộm H&E duy nhất thực hiện xét nghiệm H&E trên từng tiêu bản độc lập với hóa chất pha sẵn, giúp đảm bảo tiêu bản được nhuộm với chất lượng cao và luôn ổn định.
Hệ thống máy xét nghiệm hiện đại trên giúp chẩn đoán sinh thiết sau ghép thận, ghép gan và đặc biệt chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung bướu.
Bên cạnh đó, khoa Giải phẫu bệnh cũng đưa vào lắp đặt và sử dụng máy xét nghiệm Cobas Z480 xác định gene đột biến EGFR, KRAS, BRAF và BenchMark XT xác định khuếch đại gene Her2/neu.
Phương pháp xét nghiệm Hematoxylin và Eosin (H&E) theo nguyên tắc nhúng tiêu bản hiện nay có nhiều nhược điểm như: khả năng nhiễm chéo hóa chất, nhiễm chéo mẫu mô, chất lượng không ổn định, sử dụng hóa chất độc hại cho kỹ thuật viên thực hiện.
Việc tự động hóa các xét nghiệm giải phẫu bệnh, đặc biệt là các xét nghiệm thường quy như nhuộm H&E sẽ khắc phục các hạn chế và sai sót của phương pháp thủ công, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh nhân ung thư, bác sỹ lâm sàng rất cần có chẩn đoán chính xác về đặc điểm bệnh học của từng bệnh nhân ung thư.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 chỉ sau các bệnh tim mạch. Hàng năm thế giới có trên 6 triệu người mắc bệnh và khoảng 5 triệu người chết vì ung thư.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm phát hiện khoảng 150.000 ca ung thư mới mắc và có 75.000 ca ung thư tử vong.
"Kỳ tích" mới ở Bệnh viện 198 Bộ Công an
http://cand.com.vn/y-te/Ky-tich-moi-o-Benh-vien-198-Bo-Cong-an-434496/
Các thầy thuốc BV 198 Bộ Công an vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân bị chấn thương cột sống tủy sống nặng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình, đồng thời cũng khẳng định sự phát triển vững chắc về chuyên môn, sự đoàn kết phối hợp làm việc tốt của các thầy thuốc.
Khoảng 15h30’ ngày 22-3-2017, anh Quàng Văn Đ, 21 tuổi, quê quán xã Mường Lầm, huyện Sông Mã (Sơn La) đang làm việc ở tầng 1 công trường xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy , Hà Nội, bất ngờ bị 1 thanh sắt lớn rơi từ tầng 8 công trình đập vào lưng.
Sau tai nạn bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 198 trong tình trạng sốc chấn thương, liệt và mất cảm giác hoàn toàn 2 chân, biến dạng cột sống thắt lưng.
Kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp chống sốc, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính… và hội chẩn.
Các bác sỹ đã xác định: Đây là 1 trường hợp chấn thương cột sống tủy sống nặng: gãy phức tạp 5 đốt sống thắt lưng, trật hoàn toàn đốt sống L5-S1, liệt và mất cảm giác hoàn toàn từ 2 chân trở xuống.
Bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu để giải ép thần kinh và cố định vững đoạn cột sống bị gãy- trật hoàn toàn, tránh di chứng tàn phế sau này.
Ca mổ được tiến hành hồi 19h ngày 22 đến 1h ngày 23-3. Sau 6h khẩn trương và tích cực trên bàn mổ, kíp mổ do Ths_Bs CKII Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa cùng tập thể các bác sỹ khoa Phẫu thuật thần kinh, khoa Gây mê hồi sức đã hoàn thành mục tiêu công việc đề ra.
Theo dõi sau phẫu thuật 12h, bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục thần kinh trở lại. Ba ngày sau phẫu thuật bệnh nhân Q.V.Đ đã có thể tự nhấc được 2 chân lên khỏi mặt giường, các dấu hiệu thần kinh khác đang có chuyển biến tốt.
Thành công của ca phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương cột sống tủy sống nặng đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bệnh nhân và gia đình, đồng thời cũng khẳng định sự phát triển vững chắc về chuyên môn, sự đoàn kết phối hợp làm việc tốt của các thầy thuốc Bệnh viện 198- Bộ Công an.
8 ngày giành giật sự sống cho bé trai bị lỗi nhịp tim hiếm gặp
http://cand.com.vn/y-te/Phau-thuat-thanh-cong-ca-benh-hiem-gap-tren-the-gioi-434596/
Ngày 29-3, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết, sau 8 ngày phẫu thuật, bệnh nhi bị chuyển gốc động mạch kèm bất thường điện tim Wolff-Parkinson-White vô cùng phức tạp và nguy kịch đã được xuất viện.
Đây là là thành công mới của BV Nhi Trung ương trước căn bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp, thậm chí, là lần đầu xuất hiện trên thế giới. Cách đây hơn 2 tuần, BV đã tiếp nhận một bệnh nhi ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mới 10 ngày tuổi trong tình trạng đã hết sức nguy kịch, thân thể tím tái, suy hô hấp nặng…
Gia đình cho biết sau khi sinh được 10 ngày cháu quấy khóc, bỏ bú và tím tái nhanh chóng, nên đã đưa đến BV đa khoa khu vực trước khi chuyển lên BV Nhi Trung ương.
Các bác sĩ chẩn đoán cháu mắc một loại bệnh tim bẩm sinh là chuyển gốc động mạch. Theo PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, với bệnh này, nếu không được phẫu thuật sớm, tỉ lệ tử vong tới 50%, còn với trẻ sơ sinh, 90% tử vong trong năm đầu đời.
Các bác sĩ đã dùng thuốc gây mở ống động mạch tái lập lại nguồn cung cấp oxy cho cháu bé để chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Tuy nhiên, ngay sau khi dùng thuốc, bệnh nhi bị ngừng thở, phải cấp cứu thở máy và can thiệp tim mạch để tạm thời duy trì sự sống cho bé.
Với các phương pháp hồi sức tích cực, sức khỏe cháu bé khá dần. Nhưng khi chuẩn bị phẫu thuật, các bác sĩ bất ngờ phát hiện cháu bé còn bị bất thường điện tim. Việc kết hợp hai loại bệnh phức tạp và nguy hiểm này khiến việc cứu chữa cho cháu bé càng trở nên nan giải, khi y văn trên thế giới còn chưa có trường hợp nào tương tự để tham khảo.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định thăm dò điện sinh lý để đánh giá mức độ nguy cơ rối loạn nhịp do đường dẫn truyền bất thường có thể gây ra. Sau khi gây mê và bắt đầu thủ thuật, cháu bé lại bị một cơn tim nhanh nguy kịch đột ngột xuất hiện, khiến cháu tím tái, huyết áp gần như không có.
Sau đó, các cơn tim nhanh khác lại nối tiếp nhau xuất hiện, thử thách các bác sĩ. Các bác sĩ đã khẩn trương quyết định triệt đốt nhanh, gọn, hạn chế kích thích cơ học gây cơn tim nhanh, hạn chế xâm nhập gây sang chấn. Thật bất ngờ khi chỉ sau 15 phút can thiệp, mong muốn đã được thực hiện. Sau khi can thiệp lần hai, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục nhanh chóng.
Với thành công đó, 3 ngày sau, các bác sĩ tiếp tục hồi sinh nốt phần khiếm khuyết còn lại của trái tim bệnh nhi.
Bất cập trong tự chủ chi thường xuyên tại Bệnh viện HNĐK tỉnh
Sau 3 tháng thực hiện tự chủ chi thường xuyên, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của Bệnh viện chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động. Hiện tại so với quy định của Bộ Y tế về tổ chức bộ máy của bệnh viện đa khoa hạng I thì bệnh viện còn thiếu 9 khoa lâm sàng.
Trong khi chế độ, chính sách nói chung trong KCB còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ, nhiều quy định lạc hậu chậm được đổi mới nên phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về giá thu dịch vụ KCB chưa được điều chỉnh phù hợp và thống nhất giữa các đối tượng bệnh nhân: Đối tượng BHYT thực hiện theo giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT trong khi giá áp dụng cho người bệnh không có BHYT vẫn theo Quyết định số 125/2014/QĐ-UBND. Những năm trước, Bệnh viện được tỉnh cấp ngân sách nhà nước/giường bệnh theo định mức quy định còn có nguồn kinh phí để bù đắp phần chênh lệnh giá giữa 2 nhóm đối tượng bệnh nhân.
Tuy nhiên, từ năm 2017, Bệnh viện không được ngân sách nhà nước cấp, trong khi tiến độ bao phủ BHYT còn chậm, giá thu của bệnh nhân không có BHYT chưa điều chỉnh kịp lộ trình tăng giá dịch vụ KCB. Việc chênh lệch giá gây khó khăn lớn cho Bệnh viện khi thực hiện tự chủ tài chính. Bệnh viện đề nghị đẩy nhanh thực hiện công bằng về giá giữa đối tượng BHYT và không có BHYT - Thạc sỹ - Bác sỹ Tôn Thất Hậu - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đề xuất.
Một khó khăn của đơn vị khi thực hiện tự chủ đó là Bệnh viện tỉnh là tuyến cuối, có chỉ tiêu BHYT đăng ký KCB ban đầu rất ít (gần 2.200 thẻ), bệnh nhân BHYT đến khám và điều trị tại Bệnh viện tỉnh bắt buộc phải đúng quy trình chuyển tuyến khi vượt quá khả năng của cơ sở KCB tuyến dưới, trong khi cơ sở KCB tuyến giới luôn có xu hướng giữ bệnh nhân và hạn chế chuyển lên tuyến trên.
Nếu bệnh nhân vượt tuyến đến khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh thì chỉ được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú và không được hưởng BHYT nếu vượt tuyến trong KCB ngoại trú. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện và quyền lợi của người bệnh khi có đến gần 50% bệnh nhân điều trị ngoại trú tại Bệnh viện HNĐK tỉnh là bệnh nhân tự nguyện (không có thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh vượt tuyến).
Qua kiến nghị của Bệnh viện cho thấy, quyết tâm cao nhưng gặp nhiều khó khăn, Bệnh viện chưa đảm bảo các yếu tố, chưa phù hợp với tiến trình tự chủ thường xuyên. Vậy, Bệnh viện có nên thực hiện thực hiện tự chủ thường xuyên không? - đồng chí Nguyễn Đình Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh phát biểu.
Trả lời những vấn đề thành viên Đoàn giám sát quan tâm, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Viết Bình - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh khẳng định: Bệnh viện có thực hiện tự chủ hay không là quyết định số bệnh nhân. Để bệnh nhân lựa chọn mình là nơi đến khám chữa bệnh thì Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã triển khai kỹ thuật chuyên môn sâu, không ngừng nâng cao chất lượng KCB. Bệnh viện đã thực hiện tự chủ về chi thường xuyên từ đầu năm 2017 nhưng đến nay đề án này vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt nên rất khó khăn cho đơn vị.
“Việc tự chủ là xu thế tất yếu của các bệnh viện, vì vậy Bệnh viện mong muốn UBND tỉnh sớm phê duyệt đề án “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2017-2019” cho Bệnh viện sớm đưa vào ứng dụng, thực hiện” - bác sỹ Nguyễn Viết Bình kiến nghị.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả công tác KCB cho nhân dân và chủ động trong thực hiện tự chủ của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Đồng chí đề nghị Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh tuyên tuyền việc thực hiện tự chủ để cán bộ và người lao động nắm rõ; hoàn thiện quy chế hoạt động của đơn vị; rà soát bố trí hợp lý, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, người lao động. Thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để ngày càng nâng cao chất lượng công tác KCB. Về các kiến nghị đề xuất của Bệnh viện, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, kiến nghị với các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đơn vị.
Lo mất tiền, bệnh viện ‘loay hoay’ gửi thống kê khám bệnh điện tử
Chưa nắm vững kỹ thuật, các danh mục kỹ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao chưa chính xác, đầy đủ, đặc biệt là lo “mất tiền”... nên nhiều bệnh viện vẫn “loay hoay”, chậm gửi thống kê dữ liệu khám chữa bệnh điện tử cho BHXH Việt Nam. Do đó, làm ảnh hưởng đến việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.
Nơi bảo “khó”, chỗ nói “không”
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lạm dụng quỹ BHYT, nhất là khi đã thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh (từ tuyến xã lên tuyến huyện).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), gần 3 tháng qua, tỷ lệ gửi dữ liệu trong ngày bệnh nhân ra viện của các cơ sở y tế lên Hệ thống thông tin giám định BHYT chỉ đạt khoảng 40%. Do đó, khó thực hiện được việc quản lý thông tuyến khám chữa bệnh, nhất là kiểm soát những thẻ BHYT đi khám nhiều lần hoặc chỉ định trùng lặp giữa các lần khám bệnh.
Vậy tại sao đến nay, các cơ sở vẫn chậm trễ trong việc gửi dữ liệu khám chữa bệnh điện tử trong ngày cho ngành BHXH Việt Nam? Trao đổi về vấn đề này, đại diện nhiều bệnh viện “than” ngoài bất cập về phần mềm, danh mục kỹ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao chưa chính xác, đầy đủ… thì còn do khối lượng hồ sơ thanh quyết toán BHYT hàng ngày quá nhiều, nhất là những bệnh viện lớn.
“Nên có chế độ xử lý, phản hồi ngay các lỗi dữ liệu mà mà các cơ sở y tế đã gửi lên cổng thông tin của BHXH VN. Mặt khác, cũng cần bổ sung nhân lực để khi dữ liệu gửi đi có sự cố thì phản hồi sớm cho các cơ sở y tếkịp thời chỉnh sửa, tránh việc “treo” hồ sơ trên hệ thống”, ông Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cũng phản ánh.
Cũng theo ông Lê Lâm, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đang cố gắng thực hiện quy định chuyển dữ liệu trong vòng 24 giờ, tức là sáng hôm sau sẽ chuyển dữ liệu bệnh nhân ra viện của ngày hôm trước. Bởi đơn vị cần thời gian để kiểm soát, tránh mất tiền của Viện cũng như của BHYT…
Tuy nhiên, bên cạnh những bệnh viện than khó, vẫn có những bệnh viện thực hiện tốt việc chuyển dữ liệu khám chữa bệnh điện tử ngay trong ngày với tỷ lệ suất toán BHYT rất thấp.
Ths Ngô Thị Diệu Thúy, phụ trách công nghệ thông tin Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, cho biết: “Tại Bệnh viện, mỗi ngày có 600 bệnh nhân và chúng tôi đều thực hiện gửi dữ liệu hồ sơ ra viện đúng trong ngày mà luôn bệnh nhân, số tiền khớp với hệ thống, hồ sơ không bị cảnh báo lỗi”.
Theo Ths Diệu Thúy, để có kết quả này, ngoài vấn đề về trang bị phần mềm, tất cả các khoa, phòng bệnh viện đều có trách nhiệm, khoa nào cho cho bệnh nhân ra viên thì khoa đó thì chịu trách nhiệm về số liệu thanh toán.
Đáng nói, đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện cũng rất thành thạo trong triển khai và và vận hành phần mềm. Trước đó, Bệnh viện đã phân lại tất cả bộ mã dịch vụ kỹ thuật trên hệ thống phần mềm (VD siêu âm có mã là UL). Sau đó, chuyển bảng mã ký hiệu về các khoa phòng nên hiện tại các điều dưỡng đều thuộc, có thể đọc ngay các mã dịch vụ trong phần mềm. Công việc của các cán bộ IT nhờ vậy cũng nhẹ đi rất nhiều.
“BV thực hiện đúng hướng dẫn của BHXH, đó là chuyển dữ liệu lên 2 lần: lần 1 lên cổng tiếp nhận, lần thứ 2 là chuyển thanh toán giám định BHYT trong ngày. Ở lần 1, nếu các khoa, phòng cần chỉnh sửa số liệu thì gọi cho bộ phận công nghệ thông tin để sửa trong ngày. Đến cuối ngày, khi không còn chỉnh sửa gì nữa thì chúng tôi mới bấm chuyển giám định và thanh toán BHYT”, bà Thúy chia sẻ.
Cần sự quyết tâm của lãnh đạo các bệnh viện
Trước sự chậm trễ của các bệnh viện trong việc chuyển gửi dữ liệu ngay trong ngày bệnh nhân ra viện lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã yêu cầu đại điện BHXH Việt Nam: “Các bệnh viện vẫn “loanh quanh” vì gửi lên đúng thời hạn thì hồ sơ không đủ thông tin, mà thiếu là liên quan đến tiền nong của bệnh viện, vậy cần giải thích cho rõ tại sao phải gửi dữ liệu lên trong ngày?”.
Giải đáp vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khẳng định: Việc gửi dữ liệu lên cổng thông tin trong ngày bệnh nhân ra viện sẽ phục vụ việc kiểm soát thông tuyến, ngăn chặn lạm dụng quỹ BHYT. Nếu cần, bệnh viện vẫn có thể chỉnh sửa số liệu trước khi bấm nút chuyển giám định, thanh toán BHYT.
Theo ông Mạnh Hùng, nếu cơ sở không gửi ngay dữ liệu trong ngày bệnh nhân ra viện thì cơ quan BHXH không thể phát hiện ngay trường hợp bệnh nhân một ngày khám bệnh tới 4 - 5 lần tại 4 cơ sở khác nhau như ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây.
“Hiện nay, rất nhiều bệnh viện nói khó thực hiện việc chuyển gửi dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT trong ngày, nhưng thực tế, Bệnh viện Y học cổ truyền và một số bệnh viện khác đã thực hiện rất tốt và không trục trặc gì. Điều đó có nghĩa, nếu lãnh đạo bệnh viện quyết tâm thì sẽ tìm cách để thực hiện tốt việc gửi dữ liệu khám chữa bệnh lên hệ thống thông tin giám định BHYT”, ông Vũ Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh và giám định, thanh toán BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt giải quyết khó khăn đảm bảo thực hiện đúng lộ trình: 100% cơ sở khám chữa bện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương thực hiện gửi dữ liệu khám chữa bệnh iên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 30/6/2017; đối với tuyến huyện hạn chót là ngày 31/8/2017.
Về phía Bộ Y tế, sẽ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, cũng sẽ thành lập Tổ hỗ trợ giải đáp chính sách BHYT, hướng dẫn sử dụng vận hành khai thác Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh BHYT; thiết lập đường dây nóng, website hỗ trợ cho các bệnh viện trong quá trình thực hiện…
Vì sao mô hình bác sĩ gia đình tại TP.HCM hoạt động cầm chừng, không hiểu quả?
Mặc dù được quan tâm, phát triển tại cả hệ thống khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập nhưng đến nay, hệ thống bác sĩ gia đình tại TP.HCM vẫn là một bức tranh khá ảm đạm.
Nỗ lực phủ kín bác sĩ gia đình
Là một trong những địa phương thực hiện thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình, từ năm 2013 đến nay, TP.HCM đã có 19/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh; 191/319 trạm y tế phường, xã thuộc 24 quận huyện triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, một số phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động độc lập với công tác của trạm y tế.
TP.HCM hiện có 8 phòng khám bác sĩ gia đình nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân; 17 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập và 1 phòng khám bác sĩ gia đình thuộc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa mới thành lập.
Bộ môn Y học gia đình ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đào tạo 46 bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình; 232 bác sĩ định hướng chuyên khoa Y học gia đình; 391 bác sĩ được bồi dưỡng kiến thức về Y học gia đình trong 3 tháng; 343 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa bác sĩ gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Duy – Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm 2016, toàn bộ các phòng khám bác sĩ gia đình của TP.HCM thực hiện được 652.262 lượt khám, chữa bệnh, trong khi tổng số lượt khám tại các bệnh viện là hơn 35 triệu lượt; chỉ có 2,8% số người bệnh được lập hồ sơ quản lý tại các trạm y tế.
Ông Nguyễn Ngọc Duy thẳng thắn thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến với phòng khám bác sĩ gia đình của trạm y tế. Người dân chưa quan tâm đến việc quản lý sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện bệnh tật mà chỉ khám, chữa bệnh khi có dấu hiệu bệnh.
Trạm y tế chưa lồng ghép được việc quản lý sức khỏe cho người dân như quản lý sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Việc thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông phòng bệnh, tiêm chủng tại các phòng khám bác sĩ gia đình còn hạn chế, chưa được đưa vào hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình mà còn tách biệt trong nhóm hoạt động khác của bệnh viện hoặc trạm y tế.
Hiện nay, các phòng khám bác sĩ gia đình chủ yếu khám, chữa bệnh đối với bệnh lý nội khoa mạn tính (COPD, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), các hoạt động chuyên môn khác như sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính đa khoa chưa được phát huy.
Trạm y tế không giữ được bác sĩ
BS Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Bình thẳng thắn cho biết, các phòng khám bác sĩ gia đình tại Tân Bình hoạt động rất không hiệu quả.
Toàn quận chỉ có 10 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu, 5 trạm y tế không có bác sĩ do đã nghỉ việc hết, chỉ có 2 trạm y tế được ký hợp đồng bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội thành phố. Các trạm y tế của Tân Bình vẫn chưa được áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân nên chưa thể kết nối với các bệnh viện tuyến trên.
BS Trang thẳng thắn: “Với mức thu 30.000 đồng một lần khám bác sĩ gia đình trong khi khám thường chỉ 7 – 10.000 đồng thì không có người dân nào chịu khám. Có bệnh nhân nào là chúng tôi “chộp” ngay bệnh nhân đó. Người dân thì không muốn đến khám, bác sĩ thì nản vì máy móc thiết bị có mà không có bệnh nhân”.
BS Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 1 cho biết, từ khi áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế (tháng 3/2016), bệnh nhân đều lên bệnh viện quận để khám và lấy thuốc. Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe khó triển khai, vẫn phải làm thủ công, chưa có phần mềm quản lý.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú, một trong những quận huyện phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình cho biết, để đảm bảo mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ, vì không thể tuyển dụng được bác sĩ nên quận đã chuyển hướng tuyển y sĩ, sau đó cho đi đào tạo, như vậy mới có đủ số bác sĩ như hiện nay.
Tại quận Gò Vấp, phòng khám bác sĩ gia đình chỉ hoạt động tại các bệnh viện còn tại các trạm y tế hầu như không có hiệu quả.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, hiện có 151/ hơn 300 trạm y tế của TP.HCM ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội nhưng trên 70 trạm y tế đã ký hợp đồng không có bệnh nhân.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, dường như một số địa phương đang có sự hiểu nhầm hoặc hiểu chưa đúng vì Bộ không yêu cầu phải thành lập phòng khám bác sĩ gia đình bên trong trạm y tế, mà đây là tích hợp hoạt động của bác sĩ gia đình tại trạm y tế.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt câu hỏi, vì sao số lượng trạm y tế ký hợp đồng bảo hiểm y tế chưa được 50% trong khi trạm y tế là tuyến đầu, có thể giải quyết 70% nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu? Việc tích hợp bác sĩ gia đình vào trạm y tế nhằm mục đích nâng cao chất lượng của trạm y tế, là giải pháp căn cơ để giảm tải, tiết kiệm chi phí.
Làm việc với Sở Y tế TP.HCM về bác sĩ gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ trương của chính phủ là tăng cường y tế cơ sở nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, giảm tử vong, kéo dài tuổi thọ, trong đó có tích hợp trạm y tế xã, phường theo mô hình bác sĩ gia đình.
Muốn phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình cần phải có sự phối hợp giữa bệnh viện và trạm y tế triển khai bác sĩ gia đình, không thể để mặc trạm y tế tự bơi. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 (sửa đổi) về thí điểm bác sĩ gia đình, trong đó quy định rõ những danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản dùng cho các trạm y tế xã - phường.
Những điều khoản sửa đổi sẽ hướng trạm y tế đến mục tiêu vừa thực hiện chức năng phòng dịch, phòng bệnh lây nhiễm, đồng thời phòng cả những bệnh không lây nhiễm, kết hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện, điều trị những bệnh nhẹ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được bảo hiểm y tế chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường. Trong tương lai,những gói dịch vụ về quản lý sức khỏe toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng sẽ được bảo hiểm y tế chi trả”.
Vì sao trẻ tiêm đủ 3 mũi vắc-xin vẫn mắc ho gà?
http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-tre-tiem-du-3-mui-vac-xin-van-mac-ho-ga-a319991.html
Trong số 257 trẻ mắc ho gà được khảo sát năm 2016, có 4,3% các cháu đã tiêm chủng đủ 3 mũi nhưng vẫn mắc bệnh.
Kết quả khảo sát được báo cáo tại Hội nghị tiêm chủng toàn quốc tổ chức ngày 27/3 cho thấy, có trên 54% trẻ mắc bệnh chưa được tiêm chủng, 23% tiêm chưa đủ mũi. Đặc biệt có 4,3% các cháu đã tiêm chủng đủ 3 mũi nhưng vẫn mắc bệnh.
3 tháng đầu năm 2017, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 57 trẻ mắc ho gà, trong đó 5 trẻ đã tử vong. Số ca mắc và tử vong do ho gà đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và đa số các cháu chưa được tiêm chủng.
Lý giải về việc 4,3% các cháu mắc bệnh dù đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin, TS. Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế) cho rằng tiêm đủ 3 mũi có hiệu quả bảo vệ 90-95%, số còn lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm theo thời gian vậy nên trẻ cần được tiêm nhắc khi 18 tháng tuổi.
TS. Trần Đắc Phu nhận định, những năm qua, nhờ làm tốt công tác tiêm chủng, số ca mắc ho gà, bạch hầu giảm rất nhiều nhưng không phải không có. Trong khi đó, những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ.
"Các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, không nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn hiện nay. Để phòng bệnh ho gà, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắc-xin trước khi mang thai để có kháng thể bảo vệ cho trẻ sơ sinh, giai đoạn chúng chưa đến tuổi tiêm ngừa", TS. Trần Đắc Phu tư vấn.
Cũng theo TS. Phu, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắc-xin dịch vụ phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để tạo miễn dịch cho cả 2 mẹ con. Vắc-xin này được tiêm cho người trong độ tuổi 6-64.
Theo nhà sản xuất, loại vắc-xin này có thể tiêm phòng cho thai phụ ở tuần thai thứ 20. Dù vậy, bộ Y tế đang giao cho cục Quản lý Dược, chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm… Không nhất thiết thai phụ nào cũng cần phải tiêm.
Bệnh lao kháng thuốc gây chết người hàng đầu Việt Nam
Việt Nam hiện xếp hạng 14 trên 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc mới và 16.000 người tử vong.
Tại Hội nghị hưởng ứng ngày chống lao thế giới tổ chức ở TP HCM ngày 28/3, tiến sĩ Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết sau 73 năm tìm ra thuốc chữa, lao hiện vẫn là bệnh gây chết người hàng đầu. Tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng khiến việc chữa bệnh gặp nhiều thách thức.
Năm 2015 ước tính có khoảng 10,4 triệu trường hợp mắc lao trên thế giới, trong đó có 1,2 triệu người đồng nhiễm lao và HIV. Khoảng 480.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 1,4 triệu ca tử vong do lao trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đã xây dựng chiến lược chấm dứt bệnh lao với mục tiêu đến năm 2030 giảm 80% người mắc lao mới, giảm 90% bệnh nhân tử vong do lao.
Mỗi năm nước ta có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc và khoảng 16.000 người tử vong. Bệnh nhân không có miễn dịch với bệnh sau khi đã mắc bệnh. Những năm qua Việt Nam đã nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao với tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm giảm khoảng 4 đến 5%.
"Tuy nhiên cuộc chiến chống lao với mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh xuống còn 20/100.000 dân vào năm 2030 vẫn còn nhiều thách thức", bác sĩ Lân nhấn mạnh. Việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Việc tài trợ cho điều trị bệnh lao ít hơn so với HIV và sốt rét, dù ảnh hưởng đến sức khỏe dân số lớn hơn nhiều.
Tiến sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM cho biết từ năm 2014 hội đã phối hợp cùng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Trung tâm Y tế dự phòng Quận Gò Vấp triển khai chương trình "Chăm sóc đúng". Đến năm 2016, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao ở Gò Vấp tăng lên 11% và tỷ lệ bỏ trị giảm xuống còn 0,8%, so với trước khi thực hiện chương trình là 7%.
Số mắc lao mới tại TP HCM ước tính 20.000 người mỗi năm, chương trình tiếp tục được mở rộng tại quận 8, Bình Chánh. Thành phố sẽ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh lao, tăng tỷ lệ phát hiện bằng các kỹ thuật xét nghiệm mới, đặc biệt chú trọng phát hiện lao trẻ em để điều trị và hạn chế nguồn lây lan trong cộng đồng.
Khánh thành 2 phòng khám chuẩn Singapore tại TP HCM
Phòng khám nội tổng hợp, phòng khám chẩn đoán hình ảnh quy tụ hơn 40 bác sĩ và điều dưỡng giỏi, tiếp nhận tối đa 40 người mỗi ngày, không lưu bệnh quá 24h.
Hai phòng khám trực thuộc hệ thống trung tâm tầm soát sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh của Tập đoàn Dịch Vụ Y tế Tích hợp châu Á (Asia Integrated Medical Service) tại HongKong, Malaysia và Indonesia.
Ở Việt Nam, phòng khám tọa lạc tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1, TP HCM), bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 29/3.
Phòng khám nội tổng hợp cung cấp dịch vụ tầm soát sức khỏe đạt chuẩn quốc tế, được điều hành bởi đội ngũ chuyên gia y tế Singapore và Việt Nam. Nhờ trang bị hệ thống chẩn đoán hình ảnh từ xa, nên khi cần hội chẩn, bác sĩ sẽ gửi kết quả X-quang, cắt lớp CT, cộng hưởng từ MRI của bệnh nhân đến các chuyên gia đầu ngành tại Singapore và khu vực.
Ngoài đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước, phòng khám còn hợp tác với hệ thống phòng xét nghiệm Quest Lab tại Singapore (đạt chuẩn ISO 15189) và nhà cung cấp thiết bị hình ảnh học Radlink, Singapore. Các kết quả xét nghiệm và hình ảnh học được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Bệnh nhân điều trị ngoại trú có thể chuyển tuyến lên các bệnh viện liên kết với phòng khám khi cần thiết.
Tuỳ theo độ tuổi, giới tính và tiền sử gia đình, phòng khám sẽ đưa ra các gói khám tổng quát phù hợp với bệnh nhân, nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý nguy hiểm. Các gói tầm soát sức khỏe tổng quát hoặc chuyên sâu (tim mạch, tiền liệt tuyến, viêm gan siêu vi…) có giá trên một triệu đồng.
Nhân lực và trang thiết bị hiện đại cũng là lợi thế của phòng khám chẩn đoán hình ảnh. Hệ thống máy chụp cộng hưởng từ (MRI) Sigma 1.5 tesla của GE; máy quét CT 128 lát của IBM cho hình ảnh chất lượng cao; máy chụp cắt lớp hệ tim mạch; phòng xét nghiệm tại chỗ; máy chụp CT; X-quang kỹ thuật số; siêu âm; nhũ ảnh và máy đo mật độ xương... đều được lắp đặt tại phòng khám.
Đặc biệt, nơi đây trang bị máy chụp cắt lớp 128 lát thế hệ mới nhất của GE (Mỹ), cho phép kiểm tra toàn diện và chuyên sâu về não, hàm mặt, cột sống, cơ xương khớp, tim mạch, ung thư. Bác sĩ thu được hình ảnh có độ phân giải cao, đồng thời giảm được liều tia xạ, giúp bệnh nhân hạn chế nhiễm xạ trong quá trình chụp.
Tại phòng khám, các khâu xét nghiệm và khám bệnh được thiết kế theo trình tự hợp lý, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian tầm soát sức khỏe. Trong thời gian chờ, bệnh nhân có thể ngồi thư giãn trong không gian thoáng đãng và thân thiện với tường, bàn ghế sơn màu vàng, trắng, cam.
Ông Eng Aìk Meng - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Tích hợp Việt Nam cho biết, dự án phòng khám được đầu tư từ tháng 2/2015 nhưng đến nay mới chính thức ra mắt. Quãng thời gian 2 năm đủ để công ty tìm hiểu thấu đáo mong muốn và nhu cầu của người dân Việt Nam.
"Nhiều gia đình Việt đã bỏ ra số tiền lớn để trải nghiệm dịch vụ y tế tại các nước phát triển ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, HongKong... Chất lượng cao, song chi phí quá lớn là rào cản không nhỏ đối với nhiều người quan tâm đến sức khoẻ bản thân và gia đình. Do đó, chúng tôi muốn mang đến môi trường chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn Singapore ngay tại Việt Nam", ông Eng Aìk Meng nói.
Đại diện công ty cho biết, sẽ tiếp tục cho ra mắt các phòng khám chuyên khoa theo mô hình này trong thời gian tới, để nhiều người được tiếp cận với dịch vụ tầm soát sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao.
Hà Tĩnh ra mắt điểm sơ cấp cứu đầu tiên
http://dantri.com.vn/tu-van/ha-tinh-ra-mat-diem-so-cap-cuu-dau-tien-20170329214037459.htm
Sáng 29/3, Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh đã ra mắt điểm sơ cấp cứu tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Đây là điểm sơ cấp cứu đầu tiên được thành lập tại Hà Tĩnh.
Theo đó, khi bị nạn hoặc gặp người bị nạn nhất là những trường hợp dọc quốc lộ 1A đoạn qua Can Lộc, chỉ một cú điện thoại tình nguyện y tế tại cơ sở này sẽ trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay hiện trường trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Điểm sơ cấp cứu là một trong những nội dung thuộc dự án "Xây dựng cộng đồng an toàn trước biến đổi khí hậu và rủi ro thảm họa tại Việt Nam" triển khai từ năm 2016 do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại Hà Tĩnh, hoạt động chính của dự án là đầu tư trang thiết bị để thành lập 1 mô hình điểm sơ cấp cứu đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và tổ chức 3 khóa tập huấn sơ cấp cứu tại xã Tiến Lộc, Vượng Lộc và thị trấn Nghèn; cung cấp túi sơ cấp cứu.
Thanh Hóa: Vụ tử vong khi truyền đạm: Người dân hoang mang
http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-tu-vong-khi-truyen-dam-nguoi-dan-hoang-mang-20170329101008371.htm
Sau khi vụ tử vong trong khi truyền đạm chưa có kết luận từ hội đồng chuyên môn, người dân nơi đây rất hoang mang bởi đây không phải lần đầu bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống xảy ra việc bệnh nhân chết bất thường này.
Trước đó vào năm 2013, bệnh nhi N.T.T (SN 2012, thôn Vạn Thành, xã Thăng Long, huyện Nông Cống) được điều trị viêm phổi tại bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống. Thấy điều trị không có tiến triển, gia đình bệnh nhi đã xin bệnh viện được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, phải đến khi cháu bé có biểu hiện tím tái, nguy kịch, bác sĩ tại đây mới đồng ý. Hậu quả là khi ra đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được 10 phút thì cháu bé tử vong.
Quá bức xúc vì cho rằng Bệnh viện cố giữ cháu bé ở lại đến khi cháu bé nguy kịch mới cho chuyển tuyến, gây ra cái chết tức tưởi, hàng trăm người nhà bệnh nhân đã bao vây bệnh viện. Sau đó bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống cũng đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để bồi thường cho gia đình cháu bé.
Hơn 2 năm sau, vào giữa năm 2016, sản phụ Nguyễn Thị Oanh (SN 1976) xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung do ra nhiều máu. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chị Oanh bị ứ niệu phù nề do bị tê liệt hoàn toàn vùng ngày. Khi gia đình đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu mới biết người thân của mình đã bị cắt đứt toàn phần niệu quản trước đó. Phía lãnh đạo bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống đã thừa nhận sai sót này và Phó Giám đốc BV huyện Nông Cống (Thanh Hóa), người trực tiếp phẫu thuật và cắt nhầm niệu quản của sản phụ, đã bị cảnh cáo toàn ngành, đình chỉ phẫu thuật 3 tháng.
Chưa đầy 1 năm sau thì xảy ra trường hợp bệnh Mạch Văn Hà (57 tuổi, xã Công Liêm, huyện Nông Cống). Bệnh nhân này sốc phản vệ lần thứ nhất trong khi truyền đạm ngày 27/3 và đã được kíp trực cấp cứu qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh viện không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mà tiếp tục cho về khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Chỉ sau ít giờ đồng hồ, bệnh nhân lại tiếp tục tái sốc và tử vong sau 30 phút.
Những vụ việc trên đã khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về trình độ cũng như trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ tại đây.
Chị Đỗ Thị Thảo, một người dân huyện Nông Cống cho biết: “Thấy bệnh viện liên tục có những trường hợp rủi ro xảy ra khiến người dân chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng khi đến đây điều trị. Đành rằng việc xảy ra rủi ro là không ai mong muốn nhưng có quá nhiều vụ xảy ra trong một thời gian ngắn thì cần phải xem xét lại trình độ của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Nghề cứu người mà thế này thì còn ai dám đến bệnh viện chữa bệnh nữa”.
Nêu quan điểm về việc, tại sao trong một thời gian ngắn nhưng bệnh viện liên tiếp để xảy ra rủi ro, ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống cho biết: “Chúng tôi cũng rất đau buồn khi để xảy ra những việc trên, tuy nhiên tai biến y khoa thì ở đâu cũng có, đều là những tai nạn đáng tiếc và không mong muốn. Chúng tôi chỉ mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của mọi người”.
Cũng theo ông Khanh thì trong các vụ việc, đội ngũ y bác sĩ cũng đã làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng quy trình.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống có tổng 175 cán bộ y bác sĩ, tuy nhiên số bác sĩ trong biên chế chỉ hơn 20 người.