Sản phụ chết bất thường khi chờ sinh?
http://dantri.com.vn/suc-khoe/binh-dinh-san-phu-chet-bat-thuong-khi-cho-sinh-20161029124024017.htm
Được chẩn đoán sức khỏe bình thường, chờ đẻ thường, nhưng sản phụ L. đột ngột lên cơn co giật, sùi bọt mép, các bác sĩ phải mổ cứu thai nhi nhưng người mẹ đã tử vong khiến gia đình rất bức xúc.
Ngày 29/10, đại diện Sở Y tế Bình Định cho biết đang phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành thẩm định theo quy định của ngành để làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ T.H.T.L (25 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định) đột ngột tử vong tại Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Trước đó, sáng 28/10, trong lúc đang chờ sinh thường tại khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, sản phụ L. đột ngột lên cơn co giật, sau đó qua đời khiến người nhà sản phụ này rất bức xúc và họ từ chối đưa thi thể về lo hậu sự vì cho rằng các bác sĩ tắc trách.
Theo bệnh án, tối 27/10, chị L. được đưa vào khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định với tình trạng sức khỏe bình thường, thai nhi 40 tuần tuổi. Đến 1h55 ngày 28/10, bệnh nhân đang nằm trên bàn khám thì lên cơn sùi bọt mép, co giật, tím toàn thân; mạch, huyết áp không đo được, ối vỡ… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc ối/thai lần II đủ tháng chuyển dạ, ối vỡ sớm nên. Chị L. được mổ lấy thai lúc 2h 20 sáng. Đến 3h, bắt đầu hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng mạch và tử vong lúc 7h 30 cùng ngày.
Bà Hồ Thị Lý - dì của nạn nhân, cho biết đây là lần sinh thứ 2 của chị L. Lần sinh trước là sinh thường, mẹ và con đều khỏe mạnh. Khi nhập viện, bác sĩ thăm khám sức khỏe bình thường, chờ sinh thường. Đến khoảng 1h sáng ngày 28/10, chị L. bị ra máu nên được đưa qua phòng mổ.
“Trước khi mổ, bệnh viện không thông báo cũng như không được đưa giấy ký mổ cho đến khi gia đình nhận thông báo cháu tôi đã chết. Mà lúc nhập viện, cháu tôi khỏe mạnh, bác sĩ khám cũng nói bình thường nhưng tại sao cháu tôi chết oan ức vậy”, bà Ly bức xúc.
Liên quan đến vụ việc trên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định Hồ Việc Mỹ, cho biết hơn 1h sáng ngày 28/10, sản phụ T.H.T.L. bất ngờ lên cơn co giật, sùi bọt mép khi đang trong quá trình theo dõi độ mở của tử cung để quyết định sinh thường hay sinh mổ. Sản phụ cũng chưa được sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Tuy nhiên, do sự việc diễn biến quá nhanh buộc các bác sĩ phải mổ gấp cứu thai nhi.
“Nguyên nhân chính xác chỉ được xác định khi có kết quả giải phẫu tử thi. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện cũng đã yêu cầu các thành viên của kíp trực làm tường trình; sau đó thực hiện kiểm thảo tử vong theo quy định”, ông Mỹ thông tin.
Người thân tố bác sĩ tắc trách?
Cho rằng bác sĩ tắc trách dẫn đến cái chết của sản phụ L. xảy ra tại khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, người thân không nhận xác mà yêu cầu mổ tử thi làm rõ nguyên nhân.
Liên quan đến cái chết của sản phụ T.T.H.L (25 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định), ngày 29/10, ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết bệnh viện đã có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế về vụ việc sản phụ L. tử vong và đã niêm phong hồ sơ của sản phụ này, gửi một bản cho bên công an, một bản bệnh viện giữ lại.
Theo chẩn đoán ban đầu từ khoa nguyên nhân tử vong là do thuyên tắc ối. Tuy nhiên, ông Mỹ cho rằng phải sau 7 - 10 ngày nữa, khi có kết quả giải phẫu tử thi, thì mới xác định chính xác nguyên nhân.
Người thân sản phụ L. yêu cầu mổ giám định tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết bất thường của người mẹ xấu số
Riêng cháu bé con sản phụ L. hiện vẫn còn lên cơn co giật, vẫn chưa tự thở được, phải thở máy. Theo tiên lượng của bác sĩ khoa Nhi sơ sinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, dù được các bác sĩ nỗ lực chăm sóc nhưng nguy cơ tử vong rất cao.
Theo người thân sản phụ L. cho biết đây là lần thứ 2 chị L. sinh con, đứa đầu sinh thường. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết cháu tôi và thai nhi đều bình thường, chờ để sinh thường. Đến hơn 1h sáng 28/10, chị L. kêu đau lưng, khát nước và muốn rặn đẻ. Chưa kịp uống nước thì L. bị co giật nhẹ, được đưa ngay vào phòng sinh rồi chuyển qua phòng mổ. Khoảng hơn 2h sáng, em bé được đưa ra khỏi phòng mổ để chuyển lên khoa Nhi sơ sinh trong tình trạng tím tái toàn thân, co giật mạnh. Sau đó, L. được đưa ra ngoài để chụp Xquang.
Bà Hồ Thị Lý - dì ruột của sản phụ T.T.H.L bức xúc: “Vô lý cháu tui khỏe mạnh lắm nhưng đùng cái bác sĩ thông báo đã chết. Ngay từ lúc đưa cháu tôi đi chụp X-quang có thể lúc đó nó cũng sắp chết rồi vì tôi thấy chân tay lạnh ngắt, mắt đứng tròng.
Khi đưa L. vào phòng mổ gia đình tui cũng không nhận được thông báo về tình hình hoặc ký giấy đồng ý mổ chứ. Tại sao suốt mấy tiếng đồng hồ như vậy mà chúng tui không có một thông tin nào cho tới khi nghe là con mình đã chết.
Sau đó, họ bảo ký vào biên bản nhận xác nhưng gia đình quá búc xúc yêu cầu các cơ quan chức năng mổ tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết. Nếu không làm rõ nguyên nhân gia đình tôi sẽ kiện lên các cơ quan cấp cao hơn vì cháu tôi chết oan quá”.
Cháu bé con sản phụ L. dù được mổ cấp cứu nhưng hiện sức khỏe đang nguy kịch đang phải thở máy
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, khoảng 20h30 ngày 27/10, sản phụ T.T.H.L (25 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định) có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Theo bệnh án, tối 27/10, chị L. được đưa vào khoa Sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định với tình trạng sức khỏe bình thường, thai nhi 40 tuần tuổi. Đến 1h55 ngày 28/10, bệnh nhân đang nằm trên bàn khám thì lên cơn sùi bọt mép, co giật, tím toàn thân; mạch, huyết áp không đo được, ối vỡ… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc ối/thai lần II đủ tháng chuyển dạ, ối vỡ sớm nên. Chị L. được mổ lấy thai lúc 2h 20 sáng. Đến 3h, bắt đầu hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng mạch và tử vong lúc 7h 30 cùng ngày.
Hàng trăm công nhân đau bụng, nhập viện sau bữa trưa
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hang-tram-cong-nhan-o-sai-gon-nhap-vien-sau-bua-an-trua-336807.html
http://www.baomoi.com/hang-tram-cong-nhan-nhap-vien-sau-bua-trua-o-sai-gon/c/20697791.epi
Sau bữa ăn trưa khoảng một giờ, hàng trăm công nhân thuộc Công ty Worldon - KCN Đông Nam H.Củ Chi, TP.HCM bất ngờ bị đau bụng, nhức đầu, nôn mửa phải nhập viện cấp cứu.
Thông tin ban đầu, vào chiều 29-10, rất đông công nhân Công ty Worldon đã được chuyển tới các phòng khám địa phương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi để cấp cứu sau khi ăn bữa trưa tại công ty.
Chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân đang phải nằm viện cho biết bữa trưa nay các công nhân được ăn cơm với chả cá ram tép khô, canh rau củ, cà tím xào thịt bằm, khổ qua xào trứng.
“Sau khi ăn cơm được một tiếng thì nhiều công nhân có dấu hiệu bị đau đầu, đau bụng dữ dội. Bản thân tôi cũng bị như trên và thấy buồn nôn. Sau đó chúng tôi được xe công ty đưa vào viện” - chị Thảo nói.
Theo ghi nhận vào lúc 19g cùng ngày tại phòng khám Tân Quy (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) vẫn còn rất nhiều công nhân đang được truyền dịch và điều trị.
Bà Nguyễn Tuyết Vân - giám đốc phòng khám Tân Quy cho biết phòng khám bắt đầu tiếp nhận công nhân vào cấp cứu lúc 15g với các triệu chứng đau bụng, đau đầu, nôn ói.
Hiện tại phòng khám ghi nhận khoảng 80 trường hợp đã được đưa vào điều trị, trong đó có một trường hợp có thai đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi để điều trị chuyên sâu.
“Việc ưu tiên hàng đầu bây giờ là phải điều trị cho các công nhân, sau đó chúng tôi sẽ xem kết quả xét nghiệp để có kết luận chính xác nguyên nhân vụ việc" - bà Vân nói.
Hiện tại Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm đã phối hợp với Phòng Y tế địa phương tiến hành điều tra sự cố trên.
Được biết, công ty Worldon là công ty chuyên về may mặc có khoảng 6.000 công nhân. Trước đó từ ngày 12 đến 14-5, tại công ty này cũng đã xảy ra sự việc tương tự sau buổi ăn trưa khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin hành khách Nhật Bản bị ngộ độc
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra làm rõ thông tin về vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên chuyến bay của Vietnam Airlines đi Tokyo (Nhật Bản) ngày 28/10/2016.
Theo thông tin báo chí (Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao động, Báo Lao động Thủ đô, Báo Giáo dục, Báo Ashahi của Nhật Bản...), có 34 học sinh của Nhật Bản là hành khách trên chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Narita (Tokyo) sáng 28/10 mang số hiệu VN300 của Vietnam Airlines gặp vấn đề về sức khỏe ngay sau khi máy bay cất cánh.
Theo biên bản được xác nhận trên chuyến bay, đại diện trường học ở Nhật Bản khẳng định, trước khi xảy ra vấn đề sức khỏe, cả đoàn đã ăn tối tại một khách sạn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hành khách có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối tại khách sạn.
Về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra làm rõ thông tin nêu trên, xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 11 năm 2016./.
Người cuối cùng xuất viện
http://danviet.vn/y-te/34-hanh-khach-nhat-ngo-doc-nguoi-cuoi-cung-xuat-vien-719167.html
Thông tin cập nhật từ phía đại diện của nhóm hành khách Nhật Bản, hành khách cuối cùng được giữ lại theo dõi tại bệnh viện đã về nhà chiều 29/10.
Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa phát đi thông báo thông tin mới nhất về vụ 34 hành khách Nhật Bản có biểu hiện ngộ độc trên chuyến bay hãng này.
Theo VietNam Airlines, sau khi xảy ra vụ việc, tàu bay mang số hiệu VN300 (hành trình TP. Hồ Chí Minh- Tokyo, Nhật Bản) đã được giám sát theo Luật kiểm dịch Nhật Bản và không phát hiện vấn đề gì bất thường, không liên quan đến sự việc các hành khách gặp vấn đề về sức khỏe.
Sau đó, Trung tâm Y tế sân bay Narita (Nhật Bản) cũng thông báo không cần kiểm tra thực phẩm cung cấp trên chuyến bay của VietNam Airlines. Máy bay sau đó đã bay về Việt Nam, hạ cánh lúc 13h29 (giờ địa phương) ngày 28/10/2016.
"Thông tin cập nhật từ phía đại diện của nhóm hành khách thì hành khách cuối cùng được giữ lại theo dõi đã ra viện chiều 29/10", đại diện VietNam Airlines thông tin
Trước đó, ngày 28/10, theo phản ánh của báo chí, 34 học sinh người Nhật Bản là hành khách trên chuyến bay VN300, khai thác bằng tàu bay Boeing 787, cất cánh từ TP.HCM lúc 0h35, hạ cánh tại Narita (Tokyo, Nhật Bản) lúc 7h45 (giờ địa phương) đã gặp vấn đề về sức khỏe. Cùng ngày 33 hành khách đã ra viện về nhà. 1 hành khách ở lại bệnh viện theo dõi thêm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hành khách có dấu hiệu ngộ độc sau bữa ăn tối tại khách sạn ở TP Hồ Chí Minh.
Sau can thiệp thải độc chì, nhiều trẻ em vẫn nhiễm độc
Dù được can thiệp với hơn 65% trẻ (77/118) có nồng độ chì máu giảm, nhưng vẫn còn tới 29 trẻ có hàm lượng chì trong máu giữ nguyên và thêm 12 trẻ có hàm lượng chất độc này trong máu tăng lên, cho thấy nguy cơ tiếp xúc với chì vẫn còn cao.
Người dân làng Đông Mai có tỉ lệ nhiễm chì trong máu cao do công việc tiếp xúc nhiều với nguồn chì khi thu gom, xử lý ắc quy cũ, hỏng. Ảnh: H.Hải
Ngày 28/10, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm đến làng tái chế chì thôn Đông Mai kiểm tra. Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 9/2016, một số người dân có hàm lượng chì trong máu cao đã được tham gia chương trình thải độc chì trong máu.
Theo đó, trước khi tiến hành can thiệp đã có 250 đối tượng được xét nghiệm, trong đó 78 đối tượng là người lao động.
Sau can thiệp, có 142 đối tượng được xét nghiệm, trong đó có 118 trẻ em và 43 người lớn được xét nghiệm cả 2 lần.
Kết quả xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho thấy ở trẻ em, 65,25% (77 trường hợp) có nồng độ giảm; hơn 10% có nồng độ chì máu tăng và còn lại giữ nguyên.
Như vậy, nồng độ chì máu trung bình đã giảm từ 20,94 µg/dL xuống còn 16,52 µg/dL, tương đương 21,1%. Còn ở những trẻ hàm lượng chì trong máu chưa giảm, hoặc tăng là do một số trẻ em không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm và có thể còn tiếp tục tiếp xúc với chì.
Trong khi đó, ở nhóm đối tượng tuổi lao động (n=43), 100% có nồng độ chì máu giảm với mức trung bình từ 43,79 µg/dL xuống còn 31,83 µg/dL, tương đương 27,32% so với trước can thiệp.
Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khuyến nghị cần tiếp tục đánh giá hiện trạng môi trường khu dân cư và có biện pháp cải thiện nếu còn ô nhiễm. Đặc biệt cần cải thiện điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất tái chế chì, trang bị cho người lao động mũ, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, giày dép và tắm rửa sạch sẽ sau ca làm việc. Tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống nhiễm độc chì cho trẻ em, người lao động và cộng đồng.
Ngoài ra, cần duy trì khám sức khỏe và xét nghiệm nồng độ chì máu định kỳ cho trẻ em và người lao động. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức khỏe cho trẻ em và người lao động bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất (ăn nhiều hoa quả, uống sữa, sử dụng sản phẩm hỗ trợ thải độc chì…).
Dùng thuốc nội hay không là do thầy thuốc
http://toquoc.vn/thoi-su-y-te/dung-thuoc-noi-hay-khong-la-do-thay-thuoc-216806.html
Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt hay không tùy thuộc vào thầy thuốc, bởi người bệnh không nghe người bán hàng mà nghe thầy thuốc.
Đây là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Nguyễn Thiện Nhân khi cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện Cuộc vận động tại Bộ Y tế và một số cơ sở sản xuất dược, bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, chiều 29/10.
Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2012, Bộ Y tế đã thực hiện tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Tổng kết giai đoạn I (2012-2015) của đề án này, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng lên. Cụ thể, tỉ lệ trung bình tại tuyến huyện năm 2015 đạt 67,89%, so với 61,5% vào năm 2010 còn tại tuyến tỉnh là 35%, tăng so với con số 33,9% vào năm 2010. Tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, tỉ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện đạt trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%.
Hơn nữa, tại một số bệnh viện tuyến cuối, tỉ lệ tính theo giá trị thì không cao nhưng nếu tính theo số lượng mặt hàng thì lại đạt khá bởi thuốc sản xuất trong nước có giá thành hợp lý, thấp hơn nhiều so với thuốc nhập ngoại. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, dù được quan tâm, chỉ đạo sát sao cùng với những chính sách cụ thể, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến Trung ương năm 2015 vẫn thấp (khoảng 11%), tại một số bệnh viện thậm chí còn dưới 5% do đặc thù riêng. Lý do là ngành công nghiệp dược trong nước dù đã sản xuất được phần lớn thuốc generic (thuốc hết thời hạn bảo hộ), nhưng nhiều thuốc chuyên khoa, đặc trị (tim mạch, tiểu đường, khối u…) và thuốc nguồn gốc sinh học vẫn đang là thế mạnh của các nước phát triển nên vẫn phải sử dụng hàng nhập khẩu.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để phát triển sản xuất thuốc dược liệu trong nước bởi được đánh giá có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú (đứng thứ 16/25 nước có đa dạng sinh học), có kinh nghiệm, truyền thống sử dụng y học cổ truyền.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh việc Bộ Y tế đã có chủ trương sớm, đồng bộ và quyết liệt trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc hiện thực hóa “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam” và khẳng định “đây là một trách nhiệm chính trị với đất nước”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt. “Nếu được lựa chọn thì tôi mua cái rẻ hơn, giá như nhau thì tôi mua cái tốt hơn. Nếu yêu nước thì chọn lựa hàng Việt với giá tương đương, chất lượng tương đương”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là sản phẩm đưa ra phải tốt, tiếp thị hàng hóa phải sâu sát, giới thiệu hàng hóa cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết rõ tác dụng.
“Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc. Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc Việt Nam. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, y tế là ngành đặc thù, là ngành chữa bệnh cứu người, vì vậy yếu tố công nghệ, kỹ thuật là rất quan trọng. Đơn cử như nội soi phải dùng robot, công nghệ nước ngoài. Do đó, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, “không nên gây ấn tượng cái gì cũng phải dùng hàng nội”.
Vì thế, để đẩy mạnh việc người Việt dùng hàng Việt, phải làm từng bước để vận động. Phải xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông. Trong đó, truyền thông là rất quan trọng, bởi nếu không có truyền thông, người dân không biết thuốc tốt ở đâu mà mua hoặc không biết được đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
Khẳng định chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” là một sáng kiến tốt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế cần biểu dương những tấm gương sáng, đồng thời đánh giá sát về chính sách, kế hoạch triển khai và truyền thông để rút ra những bài học trong Cuộc vận động này.
* Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã đến thăm Công ty Dược TRAPHACO và Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm hiểu vấn đề đầu tư, nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc cũng như giải pháp xây dựng phác đồ chuẩn, hạn chế thuốc đắt tiền, tránh lạm dụng việc kê đơn thuốc tại một bệnh viện tuyến cuối.
Sẽ lùi điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần 4 sang năm 2017
http://toquoc.vn/y-te/se-lui-dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-lan-4-sang-nam-2017-216765.html
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn vừa cho biết như vậy tại buổi họp cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí.
Theo ông Sơn, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 cũng nhằm mục đích điều chỉnh chỉ số CPI của cả nước theo mục tiêu kinh tế vĩ mô. Bộ Y tế đã ban hành những đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính thêm cơ cấu tiền lương, nhưng nếu áp dụng luôn sẽ làm tăng CPI nên đã giãn thành 4 đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Ông Sơn cho biết, đến nay đã có hai đợt điều chỉnh áp dụng giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương đối với 32 tỉnh, thành phố. Đây là những địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao từ 85% trở lên. Nhờ việc quản lý tốt, Quỹ bảo hiểm y tế có được tích lũy từ năm 2010, nên đã chủ động được nguồn tài chính để chi trả cho chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng lên do điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Theo lộ trình dự kiến, tất cả 63 tỉnh, thành phố sẽ được thực hiện giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương. Đợt 3 sẽ điều chỉnh tại 16 tỉnh (vào tháng 11/2016) và đợt 4 điều chỉnh tại 15 tỉnh (vào tháng 12/2016). Tuy nhiên, bước điều chỉnh thứ 3 vào tháng 11/2016 sẽ phải cẩn trọng, còn bước điều chỉnh thứ 4 sẽ phải tạm dừng lại để ưu tiên cho điều chỉnh giá các mặt hàng khác.
Ông Sơn cho rằng, quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là ủng hộ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho tới hướng tính đúng, tính đủ, đúng lộ trình đến năm 2018 để đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của cả nhà cung cấp dịch vụ và người tham gia bảo hiểm y tế .
Việc chuẩn bị cho tăng giá dịch vụ y tế có thời gian chuẩn bị khá dài, nguồn lực tương đối đầy đủ, đảm bảo dù có điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. BHXH Việt Nam đã cam kết với Chính phủ hết năm 2017 không đề cập đến việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế và vẫn đảm bảo đủ nguồn lực.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế cho biết, đúng ra việc tính tiền lương giá dịch vụ y tế phải được thực hiện đầy đủ từ 1/7. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tính toán, nếu đưa cả tiền lương vào giá dịch y tế, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm cân đối được. Tuy nhiên, điều này liên quan đến việc tăng chỉ số CPI nên mới áp giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương ở những tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao.
Theo Bộ Y tế, từ 1/1/2017 giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương sẽ áp dụng hết tại 63 tỉnh, thành phố và năm 2018 sẽ đưa thêm vào cơ cấu giá dịch vụ y tế bao gồm khấu hao về thiết bị máy móc, thực hiện đúng lộ trình tính đúng, tính đủ./
Nhiễm virus Zika, coi chừng nhầm là... cảm cúm
http://danviet.vn/y-te/nhiem-virus-zika-coi-chung-nham-la-cam-cum-719011.html
Có từ 1-10% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ sinh ra con mắc hội chứng đầu nhỏ. Trong khi đó, nguy cơ dịch do virus Zika lan rộng đang hiện diện tại Việt Nam.
Khó phát hiện sớm dị tật
Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trẻ em mắc hội chứng đầu nhỏ không chỉ chậm phát triển trí tuệ mà còn vận động khó khăn, co giật, khó ăn uống… Khi người mẹ bị mắc virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ trẻ mắc dị tật này là từ 1-10%. Tại Brazil (châu Mỹ) - nước có dịch bệnh do virus Zika đứng đầu thế giới đã có hơn 1,5 triệu ca mắc và gần 4.000 trẻ mắc bệnh đầu nhỏ bị nghi ngờ có liên quan đến việc mẹ bị nhiễm virus Zika.
TS Phu cho biết, thai nhi bị dị tật do virus Rubella (khi mẹ mắc Rubella) có thể phát hiện ở những tuần đầu của thai kỳ bằng phương pháp siêu âm. Khi đó, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên nên giữ hay đình chỉ thai nghén đối với thai nhi bị dị tật. Tuy nhiên, đối với dị tật đầu nhỏ chỉ có thể phát hiện ở tháng cuối thai kỳ, khi thai đã quá lớn. “Do đó, việc phòng ngừa, dự phòng virus Zika cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ hoặc phụ nữ đang dự định có thai là rất quan trọng” – TS Phu cho biết.
TS Phu phân tích, hiện Việt Nam mới phát hiện 9 ca mắc virus Zika (TP.HCM 5 trường hợp; các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi 1 bệnh nhân). Bệnh lại có triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng nên nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng trong việc phòng ngừa virus Zika. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh, hàng chục trẻ bị bệnh đầu nhỏ sẽ là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại cả nước đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với virus Zika, tuy nhiên không loại trừ còn nhiều ca bệnh chưa phát hiện. “Bệnh do virus Zika có biểu hiện rất nhẹ (sốt, phát ban, mệt mỏi, đau khớp, đỏ mắt) do đó rất dễ nhầm lẫn sang cảm cúm. Thậm chí, nhiều người còn không có biểu hiện bệnh. Bệnh cũng không nặng như sốt xuất huyết mà hầu hết các ca bệnh đều tự khỏi, người bệnh không đến cơ sở y tế khám nên không phát hiện được” - TS Phu cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 4 người mắc mới có 1 người có triệu chứng bệnh.
TS Phu đánh giá, hiện nay bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay đang vào thời điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika phát triển mạnh. Do đó, nguy cơ cả hai dịch bệnh này bùng phát là rất lớn.
Không nên hoang mang
TS Phu khuyến cáo, các bà mẹ mang thai từ 3 tháng trở xuống hoặc chuẩn bị mang thai phải đề phòng muỗi đốt, không đi đến vùng có dịch. Khi có thai mà có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, lại đi qua vùng có dịch hoặc gần gũi người mắc bệnh thì nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn.
Lo sợ về virus Zika, chị Nguyễn Thị M (Cầu Giấy, Hà Nội) mang thai được 5 tuần lúc nào cũng đi tất dày, ban ngày nếu ở nhà thì chị lên giường ở lỳ trong màn vì sợ bị muỗi đốt, lây nhiễm virus Zika. Còn lúc đến cơ quan thì không chỉ toàn thân bôi thuốc chống muỗi mà bên cạnh lúc nào cũng lăm lăm bình xịt muỗi. Tuần trước, chị bị đau bụng, đi khám, các bác sĩ cho biết chị bị động thai do căng thẳng, khẩn trương quá mức. Không những vậy, chị còn nằng nặc đòi xét nghiệm máu xem mình có nhiễm Zika hay không. “Chẳng nhẽ tôi xin nghỉ ngồi trong màn luôn. Tôi luôn nghe thấy tiếng muỗi vo ve bên tai” - chị M lo lắng.
TS Phu khuyến cáo, người dân không nên quá sợ hãi, hoang mang về virus Zika, tuy nhiên luôn phải nâng cao cảnh giác. Phụ nữ có thai cũng không nên lo hoảng khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng. “Chỉ những phụ nữ mang thai từ 3 tháng trở xuống mà đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp cận với người mắc bệnh mới nên đi khám để được tư vấn và chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, cũng cần đề phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, không đi vào những vùng có nhiều muỗi, bôi thuốc chống muỗi đốt. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng ở trong nhà và sân vườn xung quanh” – TS Phu nhận định.
TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cũng cho biết, ngoài virus Zika, nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh còn có thể do nhiễm trùng, do ký sinh trùng, Rubella, di truyền - tổn thương gen, nhiễm sắc thể và nhiễm độc- chiếu xạ, một số hóa chất. Tuy nhiên các ca bệnh này rất ít gặp trong chẩn đoán trước sinh. TS Cường khuyến cáo, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà nghi ngờ mắc virus Zika nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Theo TS Cường, phát hiện thai nhi bị dị tật trước 22 tuần tuổi có thể đình chỉ thai nghén, còn nếu trên 32 tuần tuổi thì khá khó khăn.
Diễn biến thời tiết phức tạp, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát
Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên dịch Cúm gia cầm nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống.
Cục Thú y cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm do diễn biến thời tiết phức tạp (Ảnh minh họa internet).
Cụ thể, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với dịch Lở mồm long móng (LMLM): Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Theo Cục Thú y, dịch lợn tai xanh hiện nay vi rút tai xanh có thể vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn lợn dễ làm phát sinh dịch bệnh. Trong thời gian tới, có thể tiếp tục xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Về công tác phòng chống dịch, lãnh đạo, chuyên viên của Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng và các Trung tâm chuyên ngành tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định.
Theo số liệu thống kê ngày 27/10 của Cục Thú y cho biết, hiện nay, cả nước có 5 ổ dịch LMLM, cụ thể: 2 ổ dịch xảy ra tại xã Jang Re'h và Ea Trul của huyện Krông Bông (típ A); 1 ổ dịch xảy ra tại xã Cư Mlan của huyện Ea Súp (chưa xác định được típ gây bệnh) và 2 ổ dịch xảy ra tại xã EaWer (típ O) và xã Krong Na của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chưa qua 21 ngày.
Miền Trung tích cực phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=380647
Sau lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm là điều kiện để bùng phát các dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Ngành y tế đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ như dịch tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...
Xử lý môi trường sau lũ
Trong tháng mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo hàng loạt dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ. Theo TS. Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), sau bão lũ, vấn đề trọng tâm trước mắt đối với y tế là xử lý môi trường, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nước ăn uống sinh hoạt, phát hiện sớm và ngăn ngừa không để dịch bệnh xảy ra. Chủ động bao vây và dập tắt dịch kịp thời. Để làm tốt công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Cục đã khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm (ATTP) sau những ngày mưa lũ. Cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, ngành Y tế Hà Tĩnh đã huy động nhân lực, trang thiết bị xuống trực tiếp từng nhà dân vùng ngập lụt hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, thau rửa nguồn nước... Sở Y tế Hà Tĩnh cũng giao các đơn vị ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, các cơ sở y tế. Đặc biệt giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện dự báo sớm tình hình dịch bệnh nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để dịch lan rộng. Tăng cường giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, phải tăng cường công tác kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Đối với Quảng Bình, các ngành, các cấp cũng khẩn trương vào cuộc. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, các địa phương về việc tăng cường công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Trong đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học chủ động huy động lực lượng thu gom, vệ sinh, xử lý xác động vật, rác thải trên các tuyến phố, ven sông, kênh mương, khu vực công cộng. Cùng với việc chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp phát 5 tấn thuốc Cloramin B khử trùng diệt khuẩn và 10 tấn thuốc PAC lọc nước cho các địa phương. Sở cũng đồng thời đẩy mạnh giám sát việc chôn lấp gia súc, gia cầm bảo đảm đúng quy trình.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Ngành y tế các địa phương chủ động giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…
Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có những biện pháp quyết liệt giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện, dự báo sớm tình hình dịch bệnh nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch không để dịch lan rộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn xử lý nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, phương tiện phục vụ công tác xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong bệnh viện. Tăng cường khám sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm để cách ly và phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Riêng với Quảng Bình, sau lũ, 100% cơ sở y tế bị ảnh hưởng, một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho thu dung điều trị bệnh nhân bị hư hỏng, một số kho thuốc của các đơn vị bị ướt. Khoảng 90/159 trạm y tế xã/phường/thị trấn bị ngập nước. Trước thiệt hại đó, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình vẫn khẳng định: "Ngành sẽ làm hết sức mình để bảo đảm vệ sinh sau lũ và ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh".
Trục lợi bảo hiểm y tế giảm mạnh
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=380619
Trong 9 tháng năm 2016, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho 104,7 triệu lượt người, tăng 10,7 triệu lượt người (11,4%) so với cùng kỳ năm 2015. Tín hiệu đáng mừng là so với thời điểm 6 tháng đầu năm, trong quý III.2016, hiện tượng trục lợi BHYT đã giảm mạnh.
Ngăn chặn hiệu quả hành vi lạm dụng
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho báo giới vừa qua, trả lời câu hỏi về kết quả ngăn chặn vấn nạn trục lợi BHYT trong thời qua, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH phấn khởi cho biết, hiện nay tình hình kiểm soát trục lợi BHYT đang được làm tốt hơn; những biểu hiện trục lợi ở cả y tế công lập và ngoài công lập đã được khắc phục. Điều này chứng tỏ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT đã có hiệu quả rõ rệt.
Theo số liệu của cơ quan BHXH, lũy kế trong 9 tháng, quỹ khám chữa bệnh BHYT tại 38 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, có 6 tỉnh có số bội chi trên 200 tỷ gồm Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi là do sự gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT. Cùng với đó là việc áp dụng giá BHYT theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc. Ngoài ra cơ chế thông tuyến đã được triển khai cũng dẫn đến việc tăng đối với chi phí y tế. Cơ quan BHXH cũng thừa nhận có nguyên nhân khác như sử dụng nhiều dịch vụ y tế mới, sử dụng thuốc bất hợp lý.
Trước tình trạng trên, BHXH Việt nam đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc trục lợi BHYT. Đó là đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí, gắn trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu; triệu tập họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương. BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tăng cường quản lý chi tiêu BHYT
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn, nhờ công tác kiểm tra quyết liệt, hiện nay hiện tượng thu gom bệnh nhân như trước đây đã không còn. Vấn đề chỉ định thuốc, dịch vụ y tế tại các bệnh viện đã được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, đặc biệt sau khi các bệnh viện phải kết nối và cập nhật kết quả khám chữa bệnh hàng ngày với cổng thông tin giám định BHYT. Đến nay, đã có 99% BHXH các tỉnh, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh kết nối thành công vào cổng thông tin giám định BHYT điện tử, 94% đã liên thông và 50% liên thông hàng ngày.
Trong thời gian tới, BHXH tiếp tục tiến hành các biện pháp để ngăn ngừa việc trục lợi BHYT như tăng cường kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường giám định viên thường trực tại các cơ sở KCB; bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu tại tất cả các cơ sở KCB hàng ngày… và sẽ kiên quyết từ chối các chi phí sai quy định, chi phí không hợp lý, chi phí do chủ quan gây vượt quỹ, vượt trần đa tuyến - ông Sơn nói.
Trong 9 tháng năm 2016, toàn ngành thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 178,8 nghìn tỷ đồng, đạt 76,1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2015. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 12,5 triệu người; BH thất nghiệp là 10,7 triệu người; BHXH tự nguyện là 194 nghìn người và BHYT là 74,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,8% dân số.
Quản lý chặt, chi tiêu hợp lý
www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=380620
Bảo hiểm y tế (BHYT) trước năm 2017 sẽ không có gì thay đổi nhằm hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đặc biệt, không có chuyện “vỡ” quỹ bảo hiểm như dư luận nêu - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định.
Cảnh giác với bội chi BHYT
Theo BHXH Việt Nam, trong 9 tháng, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các tỉnh, thành phố vẫn được bảo đảm, dự kiến cả năm nay, mức chi vượt thu có thể lên tới 6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài một số trường hợp bội chi Quỹ BHYT vì bị lạm dụng, trục lợi; về cơ bản chi Quỹ BHYT đang được quản lý chặt và chi tiêu hợp lý. Những phần tăng chi BHYT so với trước đây là hợp lý vì BHYT đang tăng chi cho người bệnh có BHYT trả các khoản dịch vụ y tế chất lượng cao theo hướng tính đúng, tính đủ và không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Đầu tiên, Liên bộ Tài chính và Bộ Y tế đã điều chỉnh mức tăng viện phí 30% từ tháng 3.2016 đối với hơn 1.800 dịch vụ y tế do BHYT thanh toán với mức tăng từ 2 đến 7 lần. Trong đó, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Từ 12.8.2016, 16 tỉnh đầu tiên tiếp tục được tăng viện phí thông qua việc tính thêm yếu tố tiền lương nên số tiền chi trả BHYT tăng theo. Theo kế hoạch, từ ngày 1.1.2017, mức tăng viện phí 30% đối với người không có thẻ BHYT sẽ được chính thức áp dụng trong cả nước.
Dù vậy, theo các cơ quan chức năng, việc bội chi Quỹ BHYT vẫn xác định có các hiện tượng cơ sở khám, chữa bệnh có những hoạt động trục lợi BHYT như việc sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý; chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; áp giá thanh toán không đúng quy định; thống kê thanh toán không đúng quy định. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan siết chặt quản lý chi tiêu Quỹ BHYT không để bội chi bất hợp lý nhằm bảo đảm ổn định và phát triển quỹ BHYT.
Phát triển bền vững Quỹ BHYT
Theo BHXH Việt Nam, chính sách thu BHYT trước năm 2017 sẽ không có gì thay đổi nhằm hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đặc biệt, không có chuyện “vỡ” quỹ bảo hiểm như thông tin không chính thức.
Nguyên nhân chính của việc gia tăng đột biến chi phí của Quỹ BHYT là do gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT, quỹ khám chữa bệnh BHYT, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính, thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Hơn nữa, 2 Quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm ổn định và không ngừng phát triển vì đây là một trong những trụ cột an sinh xã hội của đất nước.
Được biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Hiện nay, cả nước có 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT nhưng vẫn chưa kiểm soát được tình trạng trục lợi BHYT. Từ năm 2017, những cơ sở chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, cơ quan bảo hiểm sẽ không ký hợp đồng BHYT hoặc ngừng thanh toán BHYT.
Thăm làng hiến máu cứu người
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tham-lang-hien-mau-cuu-nguoi-20161029100342143.htm
Quanh năm chân lấm tay bùn, gắn mình cùng ruộng đồng, nhưng mỗi khi nghe tin có người cần máu cấp cứu là người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) luôn sẵn sàng hiến tặng.
Nhiều năm về trước, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có một cảnh tượng hiếm thấy: Cả làng đi xe đêm khuya đến hiến máu cứu người. Nhờ những giọt máu nghĩa tình ấy mà bà Nguyễn Thị Nuôi (mắc bệnh ung thư máu) được cấp cứu kịp thời.
Khi ấy bà Nuôi mang nhóm máu AB cần cấp cứu kịp thời, nhưng bệnh viện lại hết nhóm máu này. Tình hình khẩn cấp, gia đình bà vội gọi điện về quê xã Đại Cường để xin hỗ trợ. Vậy là trong đêm khuya, gần 20 người dân tình nguyện ra Đà Nẵng để truyền máu. Tất cả những người đến đều được xét nghiệm nhưng chỉ có ít người có cùng nhóm máu, nhờ những bịch máu kịp thời đó mà bà Nuôi đã qua cơn bạo bệnh.
Toàn xã Đại Cường có 2.300 hộ dân, năm nào cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ ở đây đều có người từng đi cho máu. Tại 7/9 thôn của xã đã có câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Quảng Đại 1, Quảng Đại 2, Gia Bắc, Ô Gia Nam… những thôn này đều có hơn 40 tình nguyện viên là nông dân đăng ký hiến máu mỗi năm hai lần.
Ngoài ra, bất kể khi nào có người cần máu thì các thành viên đều sẵn sàng hiến tặng. Hai CLB “Ngân hàng máu sống” tại hai thôn Trang Điền và Quảng Đại 2 ước tính có 60 tình nguyện viên, và dự kiến sẽ thành lập thêm một “Ngân hàng máu sống” tại thôn 8.
Bà Đỗ Thị Ngọc Thu - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường nhìn nhận: “Nhiều tình nguyện viên đã không phải chờ tới khi có đợt vận động, mà còn thường xuyên hỏi thăm thông tin để được ghi tên vào danh sách cho máu. Qua 5 năm, chúng tôi đã vận động được hơn 300 đơn vị máu từ những tấm lòng vì cộng đồng này”.
Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đại Cường - cho biết thêm, trên thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động vì tình người của người dân Đại Cường. Đơn cử như vợ chồng ông Lê Văn Cẩn (thôn Trang Điền), ông Trần Rê (thôn Quảng Đại 2)…
Khi CLB hiến máu thôn Trang Điền ra đời, vợ chồng ông Cẩn bà Diệp vừa là thành viên sáng lập, vừa trực tiếp tham gia hiến máu cứu người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Hai vợ chồng ông bà mỗi người hiến máu tình nguyện trên 10 lần, có những lần hiến máu cứu sống bệnh nhân khi đang cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp, máu dự trữ trong bệnh viện đã cạn.
Chuyện bà Diệp hiến máu cứu bà Nguyễn Thị Huệ (hơn 87 tuổi, xã Đại Thắng, Đại Lộc) bị ung thư dạ dày phải phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và cần gấp nhóm máu AB ai cũng biết.
Ngay sau khi nhận tin, ông Cẩn và bà Diệp lập tức dọn hàng và chở xe máy qua bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm cho bà Diệp, các bác sĩ bảo bà ngồi chờ để theo dõi tình trạng của bệnh nhân Huệ. Chờ đến 11 giờ trưa, bà Huệ vẫn chưa mổ nên vợ chồng ông trở về nhà. Khi vừa về đến nhà thì nhận được điện thoại sức khỏe bà Huệ rất yếu phải phẫu thuật gấp nên ông Cẩn lại tức tốc chở vợ quay lại bệnh viện. Vừa đến bệnh viện là bà Diệp vào hiến máu ngay, nhờ những giọt máu nghĩa tình của bà mà bà Huệ được cứu sống.
Trong thôn Quảng Đại 2, hiện có 5 gia đình tham gia tích cực trong câu lạc bộ hiến máu xã Đại Cường. Phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa khắp các tổ đoàn kết, toàn dân tự nguyện đăng ký tham gia, bởi ngoài việc tuyên truyền vận động, người dân còn chứng kiến những chuyện thực tế xảy ra trên quê hương, mà nếu không được hiến máu kịp thời thì có người trong thôn sẽ chết.
Đó là trường hợp của anh T. (người cùng thôn), bị tai nạn giao thông nặng mất rất nhiều máu. Khi nghe tin, nhiều người dân trong thôn đã đến bệnh viện nơi anh T cấp cứu để cho máu. Nhờ những giọt máu nghĩa tình của bà con quê hương mà anh T tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh trở lại.
Có những trường hợp tham gia hiến máu mới biết mình mắc bệnh, nhất là bệnh liên quan đến vi rút viêm gan siêu vi B. Như trường hợp của chị N. sau khi xét nghiệm để hiến máu tình nguyện, các bác sĩ khuyến cáo chị đi kiểm tra vì nghi ung thư gan. Chị N. lập tức đi kiểm tra và phát hiện ung thư gan giai đoạn đầu. Nhờ phát hiện và cứu chữa kịp thời nên chị đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Thực tế, công tác hiến máu và vận động hiến máu xã Đại Cường đã mang lại những hiệu quả thiết thực, năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn vượt mức đưa ra từ 20-30%. Tiếp tục vận động hiến máu thường xuyên, nhất là những nhóm máu hiếm để cứu giúp được nhiều người hơn nữa”.
Ông Lê Bích Hảo - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Đại Lộc - cho biết: “Một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”, hiểu được điều này nên toàn thể cán bộ, nhân dân Đại Lộc luôn sẵn sàng trao đi những giọt máu quý giá để cứu chữa kịp thời cho người cần”.
Người nữ đảng viên trẻ hơn 60 lần hiến máu cứu người.
http://www.vietnamplus.vn/nguoi-nu-dang-vien-tre-hon-60-lan-hien-mau-cuu-nguoi/413276.vnp
Tôi ấn tượng khi tới Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, hỏi bác bảo vệ để gặp chị Nam làm công tác vận động hiến máu. Khá bất ngờ, khi bác nhoẻn cười và hỏi: “Gặp 'Nam còi' chuyên hiến máu đấy hử?” Do chưa gặp chị lần nào, tôi chỉ biết trả lời vâng. Bác tủm tỉm cười và bảo: “Lên tầng 6 nhé!”
Chị Lê Thanh Nam (36 tuổi) – một đảng viên trẻ hiện công tác tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương. Cho đến nay, người đảng viên trẻ ấy đã hiến máu đã được 64 lần, cả toàn phần (hiến máu) và từng phần (hiến tiểu cầu) khiến nhiều người khâm phục.
Mỗi năm 4 lần hiến máu
Chị đặt lịch hẹn với tôi vào một chiều thứ Bảy, tôi thắc mắc ngày nghỉ chị vẫn đi làm? Chị nói qua điện thoại với tôi rằng, với chị hầu như không có ngày nghỉ, nhất la vào Thứ Bảy và Chủ Nhật thì chị và nhóm vận động hiến máu càng phải đi làm để tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến máu nhân đạo.
Gặp chị, tôi cứ ngờ ngợ, hỏi có đúng chị là chị Nam không? Bởi, như bác bảo vệ giới thiệu thì chị với biệt danh "còi" mà, còn người đứng trước mặt tôi lại khá đầy đặn với phong thái trẻ trung trong màu áo đỏ đậm đặc trưng của Hội thanh niên vận động hiến máu.
Giải đáp thắc mắc cho tôi, chị bảo: "Bác bảo vệ vui tính, toàn trêu chị đấy. Chị và phòng chị làm vận động hiến máu nên có rất nhiều bạn trẻ đến liên hệ nên bác hay trêu khách của chị như vậy."
Người nữ Đảng viên 36 tuổi này không chỉ có một thành tích "khủng" về số lần hiến máu mà hàng ngày, hàng tháng, hàng năm chị đang làm công việc vận động để có nguồn máu cứu sống cho nhiều bệnh nhân nguy cấp.
Chị Nam kể, lần đầu tiên chị tham gia hiến máu là vào năm 1999, khi chị 19 tuổi và khi đó chị cảm thấy khá hồi hộp.
"Hai ngày đầu hiến máu xong mình cứ ngẩn ngơ, lắng nghe cơ thể mình xem có gì thay đổi không. Nhưng mình vẫn thấy bình thường không sao cả và sau đó mình cứ khỏe là đi hiến máu, hiến tiểu cầu," chị Nam hồi tưởng lại những cảm xúc đầu tiên mình đến với công tác hiến máu.
Cho đến nay, chị duy trì đều đặn mỗi năm hiến máu 4 lần, trong đó có ba lần hiến máu và một lần hiến tiểu cầu.
Chị Nam kể, trước kia, cứ gần đủ ngày hiến máu là sẽ có người của Viện nhắc chị đi hiến máu. Còn giờ không cần ai phải nhắc nữa vì mình đã nhớ trong đầu như lịch đi làm.
Đặc biệt, với chị, hiến máu như là một thói quen đầu năm cần phải làm. Năm nào cũng thế, mùng 3 Tết thắp hương ở nhà xong chạy vào viện hiến tiểu cầu.
Mối duyên hiến máu
Chia sẻ về công việc của mình, chị Nam tâm sự, khi về Viện huyết học truyền máu Trung ương làm việc, gặp cảnh nhiều người mắc các bệnh về máu luôn cần máu, điều này càng thôi thúc, khiến chị có thêm động lực để giúp đỡ mọi người hơn.
"Tôi nhớ vào năm 2010, có một đợt dịch sốt xuất huyết kéo dài. Sau sốt xuất huyết, bệnh nhân cần truyền tiểu cầu rất nhiều. Thời điểm đó, cán bộ công nhân viên của viện được vận động để hiến máu hỗ trợ cho bệnh nhân. Hai tháng liên tiếp trong dịch sốt xuất huyết đó, tôi đều tham gia hiến tiểu cầu cho bệnh nhân," chị Nam trầm ngâm kể lại.
Đặc biệt, khi về viện công tác chị có một may mắn hơn nhiều người khác đó là được làm xét nghiệm thêm nhiều hệ nhóm máu khác và kết quả cho thấy chị thuộc nhóm máu hiếm. Nhóm máu này rất cần thiết cho các bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Viện.
Trước đây nhóm máu của chị chỉ trùng với một bệnh nhân nhưng càng về sau này bệnh nhân ngày càng đông và nhóm máu của chị trùng nhóm máu với ba bệnh nhân khác. Sau đó, cứ định kỳ ba tháng, chị lại tham gia hiến máu cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh.
"Có người hỏi tôi rằng bệnh nhân nhận máu của mình là ai không? Hay bệnh nhân đó già hay trẻ? Với tôi, việc hiến máu là để giúp cho người bệnh có cơ hội được duy trì sự sống, được khoẻ mạnh, còn người đó là ai thì tôi nghĩ tôi không cần phải biết, vì nếu mà mình biết tự dưng mình lại có một chút lăn tăn. Rồi lại tự hỏi nếu người ấy khỏe thì như thế nào? rồi người ấy ốm thì có ảnh hưởng tới mình hay không?," chị Nam bộc bạch.
Khi về viện công tác, công việc chính của chị là công tác vận động hiến máu. Ý thức được vai trò cử mình một đảng viên, trong công việc chị làm chị chỉ mong sao có những đóng góp nhiều hơn nữa, từ việc hỗ trợ chia sẻ nguồn máu đào của mình cho những người bệnh mắc bệnh máu hiểm nghèo đang cần máu.
Đề cập đến công việc, chị cười bảo: "Nhiều người chúng tôi vẫn nói đùa nhau rằng, mình làm công tác vận động hiến máu như làm kinh doanh bảo hiểm. Đó là vận động trên sự từ chối. Mặc dù mọi người có thể nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều rằng hiến máu không có hại, đôi khi việc làm này còn tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên để vận động được một người tham gia vận động hiến máu khá khó khăn."
Chị Nam nhớ lại, có gia đình khi chị đến vận động, họ từ chối luôn rằng nếu ủng tiền thì họ sẵn sàng còn việc hiến máu thì họ xin thôi.
"Chúng tôi xác định vận động trên sự từ chối, cứ đến là họ nói không, từ chối với mình. Sau đó chúng tôi mới cố gắng thuyết phục, đưa ra những lý do, phân tích lợi ích của việc tham gia hiến máu đối với chính bản thân những người hiến máu, dần dẫn mới thuyết phục được lãnh đạo các đơn vị và chính những người tham gia hiến máu," chị Nam cho hay.
Trong gia đình chị Nam, mẹ chị cũng tham gia hiến máu được 12 lần, chị gái hiến máu được 12 lần còn em trai của chị đã hiến máu được 38 lần.
Chia tay người nữ đảng viên trẻ ấy, câu nói chân tình của chị cứ bám riết lấy tâm trí tôi. Một phần là sự ngưỡng mộ, một phần là sự cảm phục ở tấm lòng của chị.
"Tôi không tìm hiểu và cũng không bao giờ hỏi bệnh nhân nhận máu của mình là ai, họ già hay trẻ, họ khỏe hay yếu. Chỉ cần biết ở thời điểm tôi hiến máu thì có một bệnh nhân được chuẩn bị về với gia đình," chị Nam cởi mở.
Đó là niềm tự hào khi hàng tháng, hàng năm nhờ nguồn máu chị hiến, đã có biết bao con người được hồi phục sức khỏe, về vui vẻ quây quần bên gia đình./.
Xây dựng trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày hiện đại
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/439138/
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày.
Trung tâm có tổng vốn đầu tư 664 tỷ đồng, với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Công trình được xây dựng trên diện tích 5.696m², nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai và được tổ chức phân chia thành các khu vực chức năng chính như sau: khu khám và điều trị ngoại trú khoảng 6.000 lượt/ngày; khu điều trị trong ngày 100 giường; khu chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng với 3 máy CT, 3 máy MRI và 10 máy X-quang và sân đỗ máy bay trực thăng.
Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất thuốc đông y không phép
http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/439160/
Sáng 29-10, Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa phát hiện một cơ sở sản xuất trái phép thuốc đông y dạng viên không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn tổ dân phố Tân Phong, phường Kỳ Thịnh.
Trước đó, ngày 28-10, lực lượng Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã Kỳ Anh phối hợp với Công an phường Kỳ Thịnh tiến hành khám xét ngôi nhà ở tổ dân phố Tân Phong, phường Kỳ Thịnh, do đối tượng Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi, quê quán ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) thuê để sản xuất thuốc đông y trái phép.
Tại đây, Công an đã phát hiện, thu giữ hàng chục bao bì đóng sẵn, cùng hàng trăm hộp đã được đóng hàng ngàn viên thuốc đông y dạng tròn có màu đen cho vào thùng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, còn phát hiện hàng loạt bao bì đựng bột bắp rang, bột nếp, mật mía… là nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc đông y và nhiều vật dụng khác đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là hàng ngàn chai lọ sắp đống để chờ đóng hàng, nhiều dụng cụ sản xuất hen gỉ, hôi hám không đảm bảo vệ sinh...
Tại thời điểm Công an kiểm tra, Nguyễn Thị Thảo không xuất trình được các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến thuốc chữa bệnh.
Cơ sở sản xuất thuốc đông y này hoạt động rất tinh vi nên rất khó để phát hiện, bắt quả tang. Số thuốc đông y sau khi được chế biến đóng thành từng hộp sẽ được vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện Công an thị xã Kỳ Anh đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thuốc, hiện vật nói trên, đồng thời tiếp tục điều tra, xử lý.
Vạch trần sự thật cấy phấn trên da chỉ là chăm sóc da bằng serum?
Thực hư của việc “cấy phấn lên da” giúp da trắng đẹp chỉ trong "một nốt nhạc" vẫn là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra...
Khi trào lưu “cấy phấn lên da” giúp chị em phụ nữ trắng hồng chỉ sau một thời gian siêu ngắn ra mắt vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi, chúng tôi đã liên hệ với chị Vũ Lê Mai – Giám đốc Spa Adama, Hà Nội.
Chị Mai cho biết thời gian gần đây chị gặp nhiều nạn nhân của hình thức cấy phấn làm đẹp này. Theo chị Mai, không có biện pháp nào là cấy phấn vì hiện nay người dùng đang bị nhiều nơi đánh lừa, họ cứ nghĩ như là xăm phấn lên cho da đẹp.
Theo chị Mai, “Các loại phấn bình thường mình sử dụng cho da đã không tốt nếu cấy phấn cho da thì thực sự là điều “tồi tệ” cho da của mỗi người”.
Chị tiết lộ, thực ra đây là công nghệ chăm sóc da mặt bằng một loại serum. Phương pháp này là làm trắng da bằng mesotherapy kết hợp với serum, làm trắng da khiến da có màu trắng như phấn.
Giống như tiêm filer làm đẹp, phương pháp này cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm nhất là chất lượng serum và khả năng của kỹ thuật viên thực hiện.
Nói về các serum này, chị Mai cho biết có rất nhiều loại serum khác nhau và chất lượng khác nhau.
Đặc biệt, chị Mai t đã gặp khá nhiều người là nạn nhân của các loại serum hàng fake với những nhãn hàng chuyên về serum này. "Hàng nhái nhiều khi người sử dụng cũng không nhận ra bởi nó rất giống hàng thật. Nếu không có kinh nghiệm thì rất khó để có thể nhận ra được nó". Chính vì thế, để đảm bảo, những phụ nữ làm đẹp cần cẩn trọng các địa chỉ tin cậy.
Hiện nay để thực hiện biện pháp này, các kỹ thuật viên phải được đào tạo qua khóa đào tạo của doanh nghiệp nhưng con số này ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nếu không có kỹ thuật khi lăn kim chỉ cần lăn sâu qua tác động tới biểu bì da có thể gây dị ứng, viêm da… hoặc nếu chọn không đúng mẫu kim, chất lượng kim thì hậu quả cũng chưa biết thế nào.
Để có cái nhìn khách quan nhất giữa hàng chính hãng và hàng fake, chị Mai đã thử làm trắng da trên gương mặt mình bằng 2 sản phẩm. Kết quả cho thấy, bên mặt sử dụng hàng fake nổi mẩn đỏ như hầu hết các trường hợp đang bị ảnh hưởng của dịch vụ này.
Theo TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tới điều trị do “tác dụng phụ” khi sử dụng sản phẩm để làm đẹp theo phương pháp được gọi là “cấy phấn”.
TS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, hiện nay kỹ thuật cấy phấn này đang được quảng cáo rầm rộ. Về mặt chuyên môn, bác sĩ Doanh khuyên chị em nên cân nhắc bởi bất cứ loại mỹ phẩm nào khi sử dụng cũng có thể gây ra dị ứng bởi cơ địa mỗi người.
Việc dùng kim châm dù nhỏ cỡ nào cũng gây tổn hại nhất định đối với làn da, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm da, thoái hóa da...
5 cấm kỵ sau khi uống rượu, quý ông nào cũng PHẢI BIẾT
http://www.nguoiduatin.vn/5-cam-ky-sau-khi-uong-ruou-quy-ong-nao-cung-phai-biet-a304451.html
Đôi khi đó chỉ là những thói quen thông thường nhưng chúng cũng đủ gây tổn hại tới sức khỏe của các quý ông, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu không giữ gìn.
Khi tham gia vào các cuộc vui, đa số quý ông đều nhiệt tình hết mình. Tuy nhiên, đôi khi vì những thói quen thông thường, các quý ông vô tình làm hại tới sức khỏe của mình. Thậm chí, nếu thiếu hiểu biết, quý ông có thể “rước họa” bất ngờ từ những thói quen này.
Sau đây là 5 điều cấm kỵ các quý ông nên ghi nhớ không bao giờ được phạm phải sau khi uống rượu bia.
Uống thuốc sau khi uống bia, rượu
Rượu thường gây ra phản ứng hóa học với các loại thuốc, sinh chất độc hại. Đặc biệt nếu uống thuốc hạ sốt, thành phần trong thuốc sản sinh ra các chất độc hại có thể gây viêm gan hoặc tổn thương vĩnh viễn tại gan.
Trong trường hợp, nếu đang uống thuốc quý ông nên từ chối những cuộc vui. Hoặc bất đắc dĩ thì nên uống trước một giờ trước bữa sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, các loại thuốc như kháng sinh, hạ sốt đường huyết, thuốc hạ áp cũng nên nói không sau khi đã dùng rượu bia.
Đi ra lạnh
Khi uống rượu, quý ông đã nạp một lượng cồn nhất định trong cơ thể. Chính cồn là yếu tố kích thích làm cho mạch máu giãn nở, tuần hoàn máu tăng khiến da mẩn đỏ, thân nhiệt tăng vì vậy dễ mắc bệnh do gặp lạnh sau khi uống rượu.
Chẳng hạn, sau khi uống rượu đi ra ngoài dễ bị cảm và lạnh cóng.Sau khi uống rượu dùng nước lạnh rửa mặt dễ bị mọc mụn, sau khi uống rượu ngồi dưới quạt dẽ trúng gió, sau khi uống rượu nằm ở ngoài trời dễ bị chứng tê liệt và có mùi ở chân.
Uống cà phê, trà, nước có ga
Theo các chuyên gia, sau khi uống rượu cơ thể sẽ bị mất nước. Vì thế, các quý ông không nên uống nhiều cà phê để tránh thiếu nước trầm trọng hơn. Không uống trà vì làm tim quá hưng phấn, không có lợi cho thận vốn đang vất vả đào thải cồn từ bia rượu. Lúc này cũng không nên uống nước có ga vì làm tăng tốc độ hấp thụ rượu của cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến gan và gây ra viêm dạ dày cấp tính.
Đắp chăn điện khi ngủ
Sau khi uống rượu, cơ thể bị rối loạn chức năng điều chỉnh nhiệt độ. Có thể quá nóng, hoặc quá lạnh. Lúc này chúng ta không nên đắp chăn điện. Đặc biệt với những ngườicó bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn bông ấm, uống một ít nước ấm nhưng không được quá nóng để tránh bị sốt nhiệt.
Tắm sau khi uống bia, rượu
Sau khi uống bia rượu không được tắm bất kể nước nóng hay nước lạnh. Bởi việc tắm sẽ sẽ tăng nhanh tiêu hao chất đường tích trữ trong cơ thể, làm cho đường huyết hạ thấp, thân nhiệt giảm nhanh.
Hơn thế, chất cồn còn ngăn chặn sự phục hồi tích trữ của đường đối với gan gây nên hiện tượng choáng. Bởi thế, sau khi uống rượu không nên lập tức đi tắm để tránh gây hại cho cơ thể. Ngoài ra có một báo cáo cho biết, sau khi uống rượu lập tức đi tắm dễ mắc các bệnh về mắt, thậm chí làm cho huyết áp tăng cao.
Trẻ sơ sinh chết vì viêm phúc mạc cấp
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161028/tre-so-sinh-chet-vi-viem-phuc-mac-cap/1209436.html
Một trẻ sơ sinh 1 tháng rưỡi ở Kiên Giang qua đời sau phẫu thuật do viêm phúc mạc cấp gây nhiễm trùng ổ bụng nặng.
Ngày 28-10, bác sĩ Trương Công Thành - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết vừa có một trường hợp trẻ sơ sinh 1 tháng rưỡi nhập viện và qua đời sau phẫu thuật do viêm phúc mạc cấp gây nhiễm trùng ổ bụng nặng.
Theo bác sĩ Thành, bé sơ sinh nói trên được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng tím tái toàn thân, hô hấp và huyết áp thấp. Các bác sĩ đặt nội khí quản, nâng huyết áp. Hình ảnh CT và kết quả chọc hút dịch ổ bụng cho thấy nhiễm trùng quá nặng. Sau khi hội chẩn nhanh, bệnh viện trao đổi với gia đình và quyết định phẫu thuật nhưng tiếc là không cứu được bé.
Chị H. - mẹ ruột của cháu bé nói trên - cho hay trước khi bệnh tình của con mình trở nặng, bé có biểu hiện quấy khóc về đêm, hay bị ọc sữa sau khi bú.
Gia đình chị H. sinh sống tại TP.HCM, sau khi sinh con, chị H. cùng chồng đưa bé về Kiên Giang thăm họ hàng thì xảy ra sự việc đau lòng.
Bác sĩ Thành cho biết thêm nguyên nhân viêm phúc mạc cấp do bé bị dị tật xoắn ruột bẩm sinh. Tới khi phát hiện thì đã quá muộn để có thể cứu chữa.
Bác sĩ Thành cảnh báo các bậc cha mẹ có con sơ sinh cần phải hết sức để ý những biểu hiện khác thường ở trẻ như: khóc nhiều, hấp thu dinh dưỡng kém, hay bị nôn ói (dân gian gọi là ọc sữa)…
Khi thấy trẻ có biểu hiện như vậy phải đưa vào cơ sở y tế ngay, tuyệt đối không được sử dụng các phương pháp dân gian để cố chữa trị tại nhà.
Mở rộng mạng lưới cấp cứu khắp huyện Củ Chi
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/mo-rong-mang-luoi-cap-cuu-khap-huyen-cu-chi-661696.html
Nhiều bệnh nhân do sơ cứu ban đầu không đạt hiệu quả, quá trình di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện quá xa dẫn đến tử vong đáng tiếc.
Theo BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV Củ Chi TP.HCM, kể từ khi thành lập các khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh từ TP về bệnh viện huyện, chỉ trong sáu tháng bệnh viện đã tiếp nhận 6.292 trường hợp cấp cứu. Trong đó, cấp cứu tập trung nhiều vào các bệnh tim mạch, thần kinh, sản phụ khoa…
Đặc biệt, các trường hợp cấp cứu do chấn thương, tai nạn mỗi lúc một tăng cao trong các dịp lễ, nhất là các tỉnh lân cận giáp ranh huyện Củ Chi như Bình Dương, Đồng Nai.
“Nhưng đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với các bệnh nhân gặp tai nạn do quá trình di chuyển từ nơi tai nạn đến bệnh viện quá lâu, đoạn đường xa, sơ cứu ban đầu không đúng cách dẫn đến mất đi thời gian vàng trong cấp cứu, khiến bệnh nhân chấn thương nặng, thậm chí tử vong” - BS Giang nói.
Trước tình hình đó, BV huyện Củ Chi đã đề xuất thành lập trạm cấp cứu vệ tinh 115 dưới sự thẩm định của Sở Y tế TP, tư vấn thành lập của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM để nhanh chóng hòa vào mạng lưới cấp cứu vệ tinh TP.
Qua đề xuất, ngày 28-10, Trạm Cấp cứu vệ tinh (TCCVT) 115 được chính thức thành lập tại BV huyện Củ Chi.
TCCVT 115 huyện Củ Chi đi vào hoạt động với ba xe cấp cứu chuyên dụng, nâng số xe cấp cứu tại bệnh viện lên năm xe. Đồng thời, TCCVT 115 sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Củ Chi đặt hai xe cấp cứu bệnh nhân ở hai địa điểm cách nhau thuận lợi nhất nhằm sơ cứu các bệnh nhân ở xa bệnh viện, không để các trường hợp hy hữu xảy ra do khoảng cách.
Đồng thời lên kế hoạch tập huấn thường xuyên cho nhân viên TCCVT 115 nhằm nâng cao khả năng cấp cứu người dân an toàn cho bà con sáu xã phía bắc huyện Chi.
Đi khám vì tưởng đau bụng kinh, bất ngờ… sinh con
Không còn kịp để chuyển viện hay làm các bước kiểm tra trước sinh thông thường, ê kíp của khoa Sản – Bệnh viện Quận Gò Vấp (TP HCM) đã quyết định cho nữ bệnh nhân sinh thường dưới sự theo dõi của bác sĩ cấp cứu.
Sản phụ xin giấu tên sinh năm 1993, nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Gò Vấp lúc 9 giờ sáng 29-10. Chị được một người thân đưa đến khám vì “đau vùng hạ vị”. Chị cũng cho biết rằng hôm qua thấy ra máu âm đạo và bắt đầu đau bụng nên nghĩ là đau bụng kinh, ra nhà thuốc mua uống vài viên “điều hòa kinh nguyệt”, đến sáng nay thấy đau dữ dội hơn nên đi khám.
Qua quan sát và thăm khám sơ bộ, bác sĩ trực cấp cứu Trần Hoàng Minh nghi ngờ bệnh nhân có thai nên đưa đi siêu âm khẩn cấp. Kết quả cho thấy bệnh nhân… mang thai đến tuần thứ 36 và đang chuyển dạ. Bác sĩ đã chuyển ngay xuống khoa Sản và một bé trai đã chào đời chỉ vài phút sau đó. Người thân đi theo cũng không hề biết chị này có thai bởi chị có dáng người mập mạp từ trước, vùng bụng cũng khá nhỏ so với thai phụ thông thường.
Ca sinh được đánh giá là có nhiều nguy cơ, bởi theo sản phụ, chị không hề biết mình mang thai nên suốt thai kỳ chưa từng đi khám và có thể đã từng có những thói quen không phù hợp việc mang thai. Trên cơ thể chị cũng có một vết mổ lấy thai cũ cách đây vài năm. “Hai nguy cơ lớn nhất mà chúng tôi lo ngại ở sản phụ này đó là vỡ tử cung do nứt vết mổ cũ và băng huyết sau sinh. Tuy nhiên ca sinh đã diễn ra thuận lợi và sau khi theo dõi vài giờ đồng hồ, mẹ và bé đều ổn. Bé trai tuy sinh non vài tuần nhưng vẫn khỏe mạnh, nặng 3,1 kg. Hiện cả hai mẹ con vẫn đang được theo dõi sát tại khoa Sản” - bà Nguyễn Thị Thanh Tú, nữ hộ sinh trưởng Khoa Sản, cho biết.
Các bác sĩ, nữ hộ sinh cũng cho biết họ rất mừng vì ca sinh thành công, mẹ tròn con vuông. Đáng lẽ những ca không biết mình mang thai này phải được chuyển lên tuyến trên vì người đỡ sinh sẽ khó lòng tiên lượng các nguy cơ đối với một sản phụ chưa từng được theo dõi thai kỳ. Tuy nhiên, do sản phụ khi nhập viện đã sắp sinh nên buộc lòng phải xử lý tại chỗ với sự theo dõi của bác sĩ cấp cứu ngay tại phòng sinh, bởi nếu lỡ chị “sinh rớt” trên xe chuyển viện thì còn nguy hiểm hơn.
HDBank tài trợ 300 triệu đồng cho Sở y tế TP Hồ Chí Minh
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/hdbank-tai-tro-300-trieu-dong-cho-so-y-te-tp-ho-chi-minh-491305
Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa ký kết hợp tác hỗ trợ song phương. Theo đó, HDBank cam kết hỗ trợ ngành y tế TP Hồ Chí Minh về chi phí, cải thiện thiết bị y tế cho hoạt động tuyến dưới và công tác xã hội trong giai đoạn 2016- 2020 và tài trợ nguồn vốn cho công tác phát triển chung của đơn vị.
Theo đó, HDBank sẽ hỗ trợ phương tiện di chuyển cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để phục vụ cho các chuyến công tác chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ cho y tế tuyến dưới. Về cơ sở vật chất cho bệnh viện địa phương, HDBank tài trợ khoản kinh phí 300 triệu đồng để trang bị các giường bệnh mới cho bệnh viện huyện Củ Chi nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, HDBank cũng sẽ dành những gói sản phẩm dịch vụ tài chính ưu đãi và phù hợp nhất cho cán bộ nhân viên thuộc Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh, như: Ưu đãi mở và sử dụng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng HDBank, ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến của HDBank, dịch vụ Bankplus, ưu đãi lãi suất cho vay...
Việc hợp tác giữa HDBank và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh với mục tiêu nâng cao cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm giúp người dân được khám chữa bệnh một cách tốt nhất…
Bên cạnh việc kinh doanh hiệu quả, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao cuộc sống, HDBank luôn hướng đến cộng đồng xã hội bằng những hoạt động thiết thực như: hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền mặt cấp thiết cho bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình; hiến máu nhân đạo; đồng hành ngư dân trẻ ra khơi; tài trợ 1000 ca mổ mắt cho người mù nghèo; trao nhà tình nghĩa; trao thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nghèo và cận nghèo; tài trợ học bổng; thăm hỏi tặng quà cho mái ấm, trung tâm bảo trợ trẻ em, cô nhi khuyết tật...
Đẩy mạnh ứng dụng châm cứu trong điều trị bệnh tự kỷ
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/day-manh-ung-dung-cham-cuu-trong-dieu-tri-benh-tu-ky-491313
Sáng 29-10, tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Thực tiễn ứng dụng điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não và các bệnh lý nhi khoa bằng các phương pháp châm cứu Việt kỹ thuật cao”.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận: Bệnh lý tự kỷ dưới góc nhìn xã hội, Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tự kỷ, báo cáo thực tiễn và vai trò “Châm cứu Việt trong điều trị bệnh lý tự kỷ”… của các chuyên gia tâm lý học, châm cứu hàng đầu Việt Nam. Các tham luận cho rằng, vấn đề điều trị hỗ trợ bệnh lý tự kỷ trẻ em không chỉ đơn thuần là vận dụng kiến thức y khoa mà còn là một nghệ thuật phối hợp nhiều chuyên ngành như: y học hiện đại, tâm lý học, khoa học hành vi, y học cổ truyền… Trong đó, các phương pháp kỹ thuật cao của châm cứu Việt đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Châm cứu có tác dụng làm giảm mức độ nặng của các dấu hiệu lâm sàng chính về kỹ năng tương tác xã hội, ngôn ngữ và các hành vi bất thường. Chẳng hạn, tỷ lệ trẻ chơi một mình giảm từ 90% xuống còn 54%, có hành vi lạ giảm từ 86% xuống còn 50%, không biết chỉ bộ phận cơ thể từ 90% còn 40%...
Theo các đại biểu, nguyên nhân bệnh tự kỷ phần lớn các ca bệnh là do yếu tố gen nên việc “sửa chữa” gen này là không thể. Khâu điều trị này sẽ giúp trẻ có thể tự chủ cuộc sống. Tùy theo ca bệnh mà các bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị cụ thể với phương pháp điều trị, công thức huyệt, điện châm kết hợp với thủy châm, cùng với xoa bóp bấm huyệt và giáo dục kỹ năng sống...
Sáng cùng ngày, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật cao “Tư vấn, điều trị hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, người thiểu năng não” và gói kỹ thuật cao “Điều trị, chăm sóc đặc biệt cho người liệt”. Nhân dịp này, Viện tổ chức khám, điều trị miễn phí cho 100 lượt người dân bằng thủ thuật không dùng cho các bệnh lý về nội thần kinh, cột sống, bệnh lý do di chứng tai biến mạch máu não…