Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Cần hiểu rõ về virus Zika để tránh hoang mang; Bé trai 5 tuổi bị thủng tim đã khỏe mạnh xuất viện; TPHCM: Thêm 2 quận huyện mới ghi nhận ca nhiễm Zika ; 9 thai phụ mắc Zika: 6 ca hoàn toàn bình thường ; Gần 70.000 học sinh ở 4 địa phương được tẩy giun miễn phí; ...

Cần hiểu rõ về virus Zika để tránh hoang mang

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/11/442225/

Ngày 29-11, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM đã làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ về công tác phòng chống, theo dõi và truyền thông về tình hình dịch bệnh do nhiễm virus Zika trên địa bàn thành phố.

Buổi sáng Đoàn làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đến thời điểm hiện tại bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận người bệnh nhiễm virus Zika. Tuy nhiên bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra, như: Triển khai khám lọc bệnh nhiễm virus Zika; triển khai khu cách ly khoa nhiễm khi có bệnh nhân nhiễm virus Zika; riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ, nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại Khoa Sơ sinh.

Bệnh viện chủ động tổ chức lớp huấn luyện cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng về hướng dẫn tiếp cận, chẩn đoán, xử trí phòng ngừa bệnh nhiễm virus Zika và một số bệnh lây qua đường hô hấp.

Về quy trình xử trí đối với trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do nhiễm virus Zika, bệnh viện sẽ đo vòng đầu cho các trẻ khi được nhập viện. Đối với trẻ rơi vào tiêu chuẩn tật đầu nhỏ, bệnh viện sẽ thông báo cho Viện Pasteur và Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM để tiến hành xét nghiệm người mẹ. Nếu mẹ dương tính với virus Zika sẽ tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ. Khi ổn định, trẻ sẽ được khám thính lực và đánh giá sự phát triển tâm thần vận động.

Ngoài ra, bệnh viện còn tuyên truyền với nhiều hình thức, như treo băng rôn tuyên truyền, thông tin phòng chống virus Zika trên website của bệnh viện.

Cũng trong buổi làm việc, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cách phòng ngừa nhiễm virus Zika bằng cách phun thuốc diệt muỗi, ngủ mùng, mặc đồ sáng màu. Tuy nhiên, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là người dân dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ các vật dụng có chứa nước. Bởi vì trứng muỗi nhiễm virus Zika có thể sống trong điều kiện bình thường từ 3 đến 4 tháng, khi gặp nước là sẽ nở thành muỗi.

Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa Xã hội tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ về tình hình dịch bệnh do  virus Zika. Trong buổi làm việc còn có đại diện của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và bệnh viện Hùng Vương TPHCM.

Báo cáo với Đoàn, BSCK1 Phạm Thanh Hải, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, bệnh viện đang quản lý 9 trường hợp dương tính với virus Zika (1 trường hợp được phát hiện tại bệnh viện, 8 trường hợp còn lại được chuyển đến từ các bệnh viện khác), trong đó có 1 trường hợp sẩy thai tự nhiên, 1 trường hợp xin bỏ thai theo đúng quy định của pháp luật, 1 trường hợp thai chậm tăng trưởng từ trước khi có triệu chứng Zika. Trường hợp này thai phụ đã sinh em bé và đang được chăm sóc tại bệnh viện.

Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, trong số hơn 26.000 người đến khám thai chỉ có 6 người rơi vào tiêu chuẩn xét nghiệm nhiễm virus Zika, trong số 6 trường hợp này, có 2 bị sốt xuất huyết, 2 âm tính, 1 chưa có kết quả, 1 dương tính với virus Zika (tỷ lệ khoảng 1/25.000).

Đường lây truyền virus Zika từ người sang người có thể lây qua muỗi đốt có nhiễm virus Zika; từ mẹ sang con trong quá trình mang thai; qua đường sinh dục, truyền máu hay phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm hoặc cơ sở điều trị bệnh. Tuy nhiên, đường lây truyền phổ biến nhất và khiến dịch Zika bùng phát trên thế giới là do muỗi đốt.

Trong buổi làm việc, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, muỗi sau khi hút máu bệnh nhân bị nhiễm virus Zika sẽ ủ bệnh trong thời gian 10 ngày và nếu còn sống mới có thể lây nhiễm virus Zika cho người khác.

Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhấn mạnh: “Người phụ nữ mang thai được xác định bị nhiễm virus Zika thì cũng chưa khẳng định thai nhi bị nhiễm virus Zika. Thai nhi bị nhiễm virus Zika cũng chưa thể khẳng định là sẽ bị bệnh Zika bẩm sinh gây triệu chứng đầu nhỏ. Bởi vì bị chứng đầu nhỏ còn do nhiều yếu tố khác. Do vậy, các thai phụ không nên quá lo lắng khi thấy có triệu chứng nghi nhiễm bệnh do virus Zika”.

Cùng quan điểm trên, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM chia sẻ, nếu so sánh với thai phụ nhiễm virus Zika thì thai phụ bị nhiễm sốt xuất huyết khi chuyển dạ có nguy cơ tử vong ngay trên trên bàn sanh. Đây là  một trong những điều chúng tôi lo ngại nhất.

Kết thúc một ngày làm việc, đồng chí Thi Thị Tuyết Nhung, ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM nhận định, sau khi làm việc tại hai bệnh viện, chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống, theo dõi và truyền thông về tình hình dịch bệnh do nhiễm virus Zika tại các bệnh viện được thực hiện kỹ lưỡng. Giúp thai phụ an tâm, tĩnh dưỡng, đây là điều rất quan trọng.

Ngày 18-10-2016, UBND TPHCM đã chính thức công bố dịch Zika ở cấp xã, phường.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM tính đến 08 giờ ngày 29-11-2016 đã 19/24 quận huyện ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika. Như vậy thành phố Hồ Chí Minh đã có 85 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó có 11 thai phụ đang được theo dõi và chăm sóc thai kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo nhận định của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, mầm bệnh virus Zika đang lưu hành tại TPHCM. Những quận, huyện chưa có trường hợp mắc bệnh không có nghĩa là không có mầm bệnh, vì 80% trường hợp mắc bệnh này không có triệu chứng.

 


TPHCM: Thêm 2 quận huyện mới ghi nhận ca nhiễm Zika

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tphcm-them-2-quan-huyen-moi-ghi-nhan-ca-nhiem-zika-1078681.tpo

Hai địa phương vừa ghi nhận các ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên là quận 7 và huyện Củ Chi. Cả 2 trường hợp mới này đều là thai phụ. Như vậy đã có 19/24 quận huyện tại TPHCM có ca bệnh do vi rút Zika.

Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM vừa cho biết, tính đến 8h sáng nay 29/11, có thêm quận 7 và huyện Củ Chi, mỗi nơi ghi nhận 1 ca nhiễm Zika đầu tiên trên địa bàn. Cả 2 trường hợp này đều là thai phụ.

Như vậy, tại TPHCM đã có 85 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định. Trong đó, có 11 thai phụ đang được theo dõi và chăm sóc thai kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa.

Theo khoa, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên, người dân - đặc biệt là thai phụ - cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

 

9 thai phụ mắc Zika: 6 ca hoàn toàn bình thường

http://nld.com.vn/suc-khoe/9-thai-phu-mac-zika-6-ca-hoan-toan-binh-thuong-20161129145742426.htm

Trong 9 ca thai phụ mắc Zika Bệnh viện Từ Dũ đang quản lý, có 1 ca được chính bệnh viện này phát hiện trong quá trình thăm khám thai, 1 ca đến từ Bệnh viện Quận 2, 1 ca từ Bệnh viện Quận Bình Thạnh, 3 ca từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và 2 ca từ Viện Pasteur TP HCM.

Chiều 29-11, Bệnh viện Từ Dũ đã báo cáo tình hình quản lý 9 thai phụ được phát hiện mắc Zika tại TP HCM tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – xã hội, Hội đồng Nhân dân TP HCM do bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa- xã hội chủ trì.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, trong 9 ca này có 2 ca nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu, trong đó 1 ca đã sảy tự nhiên, 1 ca xin bỏ thai. 7 ca còn lại có 4 ca nhiễm trong 3 tháng giữa, 3 ca nhiễm trong 3 tháng cuối và trong đó có 1 ca thai chậm tăng trưởng từ trước khi có triệu chứng Zika. 9 thai phụ này đều có biểu hiện rõ ràng của bệnh như sốt, phát ban.

Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo rằng các thai phụ không nên quá lo lắng vì tỉ lệ nhiễm bệnh rất thấp. Trong hơn 26.000 thai phụ đến khám trong tháng 10, chỉ có 6 thai phụ hội đủ các yếu tố để xét nghiệm Zika và trong đó chỉ có 1 người được xác định là có bệnh.

Tại buổi làm việc, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng báo cáo tình hình phòng chống Zika. Ông khuyến cáo rằng, Zika không mới, có thể nó đã có từ lâu với một tỉ lệ rất thấp trong cộng đồng. Đây cũng là căn bệnh không nặng ở người không mang thai, tỉ lệ mắc thấp nên người dân không nên quá lo lắng.

Trong khi đó, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhấn mạnh rằng, theo các báo cáo, tật đầu nhỏ có tăng lên ở các nước thuộc vùng dịch tễ Zika, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng y học gì khẳng định đầu nhỏ hoàn toàn là do Zika. Bệnh đầu nhỏ này còn liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nữa. Nếu phát hiện thai nhi có tật đầu nhỏ, bệnh viện sẽ tiến hành các biện pháp tầm soát và xác định nguyên nhân của bệnh, phương hướng quản lý thai. Hiện chưa phát hiện thai nào bị tật đầu nhỏ trong các thai phụ được phát hiện mắc Zika tại TP HCM.

TS-BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ khẳng định: cho dù 1 thai phụ được xác nhận mắc Zika, chưa chắc em bé bị nhiễm bệnh. Và cho dù em bé có nhiễm, chưa chắc bé sẽ mắc hội chứng Zika bẩm sinh, trong đó có tật đầu nhỏ. Có nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn là Zika, ví dụ như Rubella, mà thai phụ cần đề phòng. Có rất nhiều thai phụ đã vội vàng xin bỏ thai khi nghi ngờ bệnh, lo sợ con bị ảnh hưởng, điều đó là hoàn toàn không cần thiết.

 

Gần 70.000 học sinh ở 4 địa phương được tẩy giun miễn phí

http://suckhoedoisong.vn/gan-70000-hoc-sinh-o-4-dia-phuong-duoc-tay-giun-mien-phi-n125375.html

Chiến dịch tẩy giun hàng loạt diễn ra trong 2 ngày (28 và 29/11) cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An.

Trong 2 ngày 28-29/11, ngành y tế tỉnh Hòa Bình tổ chức cho tất cả học sinh các tiểu học trên địa bàn tỉnh uống thuốc tẩy giun miễn phí đợt 2 năm 2016.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đường đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân” được Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và Tổ chức Đông Tây Hội ngộ triển khai tại 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An trong năm nay. Như vậy sẽ có hàng chục nghìn học sinh miền núi được tẩy giun miễn phí.

Chiến dịch tẩy giun hàng loạt diễn ra trong 2 ngày (28 và 29/11) cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính tại nước ta có hơn 8,5 triệu trẻ em bị nhiễm hoặc có nguy cơ bị nhiễm các loại giun truyền qua đất như giun đua, giun, giun tóc, giun móc. Bị nhiễm giun truyền qua đất là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi- nơi có tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; vẫn thói quen sử dụng phân tươi để bón ruộng; ít có thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc không sử dụng giầy, dép, dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất. Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm trẻ nhiễm giun tại Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An thuộc diện cao nhất các tỉnh miền Bắc nên Bộ Y tế lựa chọn 4 tỉnh này để triển khai Dự án phòng chống các bệnh giun truyền qua đường đất.

Chị Bùi Thị Hằng, nhân viên y tế Trường Tiểu học Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biế, mỗi năm trường tôi tổ chức tẩy giun 2 lần cho các học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5, tức là từ 6 đến 11 tuổi, để phòng tránh các bệnh do giun sán gây ra trong đó phòng chống suy dinh dưỡng cho học sinh miền núi. Nguồn kinh phí tổ chức cho Bộ Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tài trợ. Các em học sinh không phải đóng tiền

Ông Bùi Văn Phón, Giám đốc Trung tâm phòng chống bệnh sốt rét và ký sinh trùng tỉnh Hòa Bình cho biết thêm, thực hiện Dự án của Bộ Y tế, việc tẩy giun đợt 1 vào giữa năm nay đã có hơn 69.000 học sinh tiểu học ở tỉnh Hòa Bình được uống thuốc tẩy giun miễn phí và trong 2 ngày 28 và 29/11 đã cấp gần 72 liều thuốc tẩy giun cho các trường tiểu học để thực hiện đợt 2.

 “Tại Hòa Bình thì thuốc tẩy giun được Viện Sốt rét- Ký sinh trùng Côn trùng trung ương cấp miễn phí đến 2020. Theo khảo sát của Viện tại 2 điểm trường thì thì tỷ lệ trẻ nhiễm giun tại Hòa Bình là 6,4%, tuy nhiên, tỷ lệ của toàn tỉnh chắc sẽ còn cao hơn vì nơi khảo sát chưa phải vùng lõm về nhiễm giun”- ông Phón nói

Theo các chuyên gia nhiễm giun có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nhiễm giun đũa cấp tính có thể gây tắc ruột, giun chui ống mật. Nhiễm giun mãn tính làm cản trở việc hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.

Vì vậy, mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ nhiễm các bệnh giun truyền qua đất, nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ y tế và cộng đồng về phòng chống các bệnh giun truyền qua đất và cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, sau 5 năm tẩy giun định kỳ cho các nhóm nguy cơ cao, gồm: trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, nếu tỷ lệ nhiễm giun chỉ còn dưới 1% thì không cần thực hiện chiến dịch tẩy giun. Nếu tỷ lệ này từ 1% đến dưới 10% thì chỉ cần tẩy 2 năm/ lần. Nếu từ 10% đến dưới 20% thì tẩy giun 1 năm/ lần; từ 20% đến 30% cần tẩy giun 2 lần/ năm và nếu tỷ lệ trên 50% thì tẩy giun 3 lần/ 1 năm.

Việc thực hiện chiến lược tẩy giun theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới giúp định hướng cho việc ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo việc phòng, chống nhiễm giun ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất.

 

BV Nhi đồng 1 sẽ đo vòng đầu trẻ sơ sinh khi nhập viện

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bv-nhi-dong-1-se-do-vong-dau-tre-so-sinh-khi-nhap-vien-668177.html

Sáng 29-11, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát công tác phối hợp chăm sóc bệnh nhi Zika tại BV Nhi đồng 1.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết phòng chống bệnh do virus Zika là phải diệt lăng quăng. Hiện đang vào mùa khô, nhiều người cho rằng muỗi không thể phát triển trong thời tiết nắng nóng này nên dễ chủ quan.

“Có một điều nhiều người không biết đó là trứng muỗi có thể tồn tại trong môi trường hơn ba tháng. Chỉ cần có ít nước là số trứng này phát triển thành muỗi. Hiện nay, chắc chắn nhiều địa phương vẫn còn tồn tại rất nhiều trứng muỗi. Số trứng này sẽ phát triển thành muỗi khi gặp nước tưới cây, hoa kiểng và có khả năng truyền bệnh Zika” - BS Khanh lưu ý.

Theo BS Khanh, BV Nhi đồng 1 đã thực hiện tầm soát những biến chứng của trẻ nhưng chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm Zika. BV cũng đang tiến hành khảo sát tỉ lệ trẻ bị dị tật đầu nhỏ trước và sau khi xảy ra dịch bệnh Zika để tìm các mối liên quan.

BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết BV đã thành lập Ban chuyên trách phòng chống dịch bệnh Zika. BV cũng triển khai phòng khám lọc bệnh Zika tại khoa Khám bệnh.

“BV cũng đã triển khai khu cách ly khoa Nhiễm khi có bệnh nhi nhiễm virus Zika cần điều trị nội trú. Riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại khoa Sơ sinh” - BS Hùng nói.

BS Hùng cho biết thêm BV cũng đã xây dựng quy trình xử trí trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do Zika. Theo đó, tất cả trẻ sơ sinh nhập viện đều được đo vòng đầu. Nếu phát hiện trẻ bị tật đầu nhỏ, BV sẽ thông báo cho Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để tiến hành xét nghiệm mẹ.

“Trong trường hợp mẹ nhiễm Zika, sẽ tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ sơ sinh. Khi ổn định, trẻ sẽ được khám thính lực và đánh giá sự phát triển tâm thần vận động” - BS Hùng cho biết.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đến thời điểm hiện tại TP.HCM đã có 83 trường hợp nhiễm Zika tại 17/24 quận, huyện.

 

Không gây hoang mang cho phụ nữ mang thai

http://baotintuc.vn/suc-khoe/khong-gay-hoang-mang-cho-phu-nu-mang-thai-20161129203508985.htm

Cần thực hiện truyền thông đồng thời tư vấn kỹ cho phụ nữ mang thai, tránh tâm lý hoang mang, đổ xô yêu cầu xét nghiệm không cần thiết.

Đây là yêu cầu của bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tại buổi giám sát công tác phối hợp xây dựng quy trình chăm sóc, theo dõi thai phụ bị nhiễm bệnh do vi rút Zika tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ chiều 29/11. 

Bác sỹ Phạm Anh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, trong tháng 10 đơn vị này đã thực hiện xét nghiệm cho 6 thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ và xác định 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, bệnh viện đã và đang quản lý, theo dõi 9 trường hợp mang thai nhiễm vi rút Zika, trong đó có 8 trường hợp chuyển đến từ các bệnh viện khác.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 17 trường hợp nghi ngờ và xác định 3 thai phụ nhiễm vi rút Zika. Cùng với 2 trường hợp chuyển từ các địa phương khác đến, bệnh viện này đang theo dõi 5 thai phụ nhiễm bệnh. 

Như vậy, theo báo cáo của 2 bệnh viện phụ sản đầu ngành, đến nay TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 thai phụ nhiễm vi rút Zika, trong đó đã có 2 thai phụ đã sinh con an toàn và 2 trường hợp thai lưu, bị sẩy thai, 1 trường hợp chủ động chấm dứt thai kỳ. Hiện vẫn còn 9 thai phụ nhiễm vi rút Zika đang được chăm sóc, theo dõi tích cực tại 2 bệnh viện này. 

Bác sỹ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho biết, thời gian qua số lượng thai phụ yêu cầu tư vấn, xét nghiệm tăng đột biến do quá hoang mang, lo lắng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ cho các bác sỹ và bệnh viện. Thậm chí có một số thai phụ yêu cầu tự trả chi phí để được xét nghiệm mặc dù không có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika. Tuy nhiên, bác sỹ Thanh cho rằng, với phụ nữ mang thai, vi rút Zika chưa chắc đã nguy hiểm bằng các loại bệnh khác như rubella, sốt xuất huyết. 

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay kinh phí phòng chống dịch, xét nghiệm vẫn do Ủy ban nhân dân Thành phố chi trả nhưng chỉ đạo các đơn vị chỉ thực hiện xét nghiệm khi có các dấu hiệu nghi ngờ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Trước tình hình này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện phụ sản, khoa sản của các bệnh viện cần tư vấn kỹ cho thai phụ tránh tình trạng thai phụ đổ xô đi xét nghiệm, giảm áp lực cho bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện cũng cần tư vấn cho cả người thân trong gia đình có thai phụ nhiễm vi rút Zika. 

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong ngày 29/11 đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm vi rút Zika tại quận 7 và huyện Củ Chi, nâng số ca nhiễm trên toàn Thành phố lên 85 ca. Như vậy, đến nay đã có 19/24 quận, huyện có sự xuất hiện của vi rút Zika.

 

Bội chi quỹ bảo hiểm y tế hàng trăm tỉ đồng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/boi-chi-quy-bao-hiem-y-te-hang-tram-ti-dong-20161128222426248.htm

Trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh Quảng Nam có trên 2,5 triệu lượt khám chữa bệnh với tổng chi phí hơn hơn 1 ngàn tỷ đồng, đẩy quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh bội chi trên 361 tỷ đồng.

Ngày 28/11, Bảo hiểm xã hội Quảng Nam đã có báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đến nay toàn tỉnh có trên 1,36 triệu dân đăng ký tham gia BHYT (tăng 90.031 người so với cuối năm 2015; chiếm 91% dân số toàn tỉnh) và cao hơn 2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2016 (89%).

Đến nay, tổng số thu BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt trên 858 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện số nợ BHYT cũng lên đến gần 140 tỉ đồng.

BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2015, cơ quan BHXH đã giám định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 3,3 triệu lượt người khám chữa bệnh ngoại trú, điều trị nội trú với tổng chi phí hơn 1 ngàn tỷ đồng, bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT hơn 204 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 2,5 triệu lượt khám chữa bệnh, tổng chi phí hơn 1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chi phí khám chữa bệnh nội tỉnh hơn 791 tỷ đồng, chi phí đa tuyến đi ngoại tỉnh hơn 252 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2016 nay, Quỹ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh bị bội chi trên 361 tỷ đồng (Quỹ khám chữa bệnh BHYT là 682,73 tỷ đồng).

BHXH Quảng Nam cũng cho biết, số thẻ BHYT bị cấp trùng đã giảm. Theo đó, năm 2011 phát hiện 9.575 thẻ BHYT cấp trùng; năm 2012: 16.972 thẻ; năm 2013: 11.124 thẻ và năm 2014: 9.039 thẻ, năm 2015: 1.408 thẻ.

Để khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT; BHXH Quảng Nam đã triển khai phần mềm kiểm tra dấu hiệu trùng thẻ tại đơn vị và 18/18 BHXH huyện, thị xã, thành phố để thực hiện. Khi cơ quan BHXH phát hiện từ 2 người trở lên có họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ giống nhau thì thông báo bằng văn bản kèm theo danh sách gửi đến cơ quan lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng.

Cơ quan đề nghị cấp thẻ BHYT có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu và thông báo lại cho cơ quan BHXH bằng văn bản, trong đó khẳng định các đối tượng đó có phải trùng thẻ hay không để cơ quan BHXH có cơ sở cấp thẻ BHYT hay không cấp (nếu đã có thẻ BHYT). Ngoài ra, cơ quan BHXH thường xuyên rà soát, kiểm tra dữ liệu đã cấp thẻ BHYT, nếu phát hiện thẻ trùng thì phối hợp với các cơ quan liên quan thì hồi ngay theo đúng quy định.

 

Hạn chế 99% nguy cơ liệt sau phẫu thuật cột sống nhờ hệ thống cảnh báo đặc biệt

http://dantri.com.vn/suc-khoe/han-che-99-nguy-co-liet-sau-phau-thuat-cot-song-nho-he-thong-canh-bao-dac-biet-20161129002146639.htm

Với việc ứng dụng hệ thống Cảnh báo rễ thần kinh trong phẫu thuật cột sống, các bác sĩ của bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công 2 ca có tiền sử bệnh cột sống với nhiều lần phẫu thuật, có nguy cơ tai biến rất cao trong ngày 28/11.

Hai ca bệnh lựa chọn đều có bệnh án khá đặc biệt và đều được tiến hành phẫu thuật vào chiều ngày 28/11.

Ca thứ nhất là bệnh nhân nam 53 tuổi đã mổ tổng cộng 3 lần trong 15 năm qua, trong đó 2 lần là ở vị trí cột sống, 1 lần là ở cổ. Tuy nhiên, hiện chỉ có vùng cột sống cổ hồi phục còn vùng thắt lưng vẫn đau, gây khó khăn cho đi lại và có chỉ định mổ tiếp để giải phóng chèn ép rễ thần kinh cột sống và thay đĩa đệm nhân tạo.

Do bệnh nhân đã mổ cột sống nhiều lần, rất dễ tổn thương thần kinh, do đó bệnh nhân đã được lựa chọn trong ca mổ đầu tiên có sự hỗ trợ của hệ thống cảnh báo rễ thần kinh.

Trước khi mổ cột sống, phẫu thuật viên sẽ kiểm tra trường mổ bằng mắt và bằng hệ thống cảnh báo rễ thần kinh. Khi màn hình báo màu đỏ hoặc vàng, phẫu thuật viên sẽ phải tìm đường khác có báo xanh để thao tác.

Và quả đúng như dự đoán, trong suốt gần 2 tiếng phẫu thuật, PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa và TS.BS Nguyễn Vũ cùng ê kíp phẫu thuật khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình đã nhiều lần nhận được cảnh báo chạm vào rễ thần kinh thông qua hệ thống điện cực gắn ở đùi và cẳng chân.

Với sự hỗ trợ của chức năng kiểm tra tính hiệu quả của ca phẫu thuật ngay sau mổ, khi bệnh nhân chưa tỉnh của hệ thống cảnh báo, PGS.TS. Đình Hùng cho biết: “Nếu bình thường thì sẽ dễ đụng chạm rễ thần kinh bởi trong quá trình phẫu thuật, máy cảnh báo liên tục khi phẫu thuật. Hiện ca mổ diễn ra tốt đẹp đúng như dự kiến, bệnh nhân sẽ tỉnh sau 1-2 tiếng và sẽ có thể ra viện sau khoảng 4-5 ngày tới”.

Ca thứ 2 diễn ra ngay sau đó trên bệnh nhân nữ đã 82 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Nữ bệnh nhân này có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường. Nhiều năm nay, bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng lan 2 chân và đến gần đây thì đau tăng lên và đau ở chân phải nhiều hơn chân trái. Bệnh nhân đi bộ chỉ được tối đa 10-20m và phải vẹo người. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị chèn ép rễ thần kinh L5 2 bên, hẹp ống sống L4L5, mất vững cột sống và bị loãng xương.

Với tình trạng này, các bác sĩ chỉ định loại bỏ đĩa đệm, bơm xi, bắt 4 vít ở 2 vị trí. Ca phẫu thuật diễn ra ngay sau khi ca đầu tiên thành công. Sau 1,5 tiếng, ca mổ đã hoàn tất và thành công với sự hỗ trợ của hệ thống cảnh báo rễ thần kinh. Dự kiến bệnh nhân cũng sẽ xuất viện sau 1 tuần nữa.

Với sự hỗ trợ của hệ thống này, những bệnh nhân u tủy, chấn thương cột sống, gù vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, thoái hóa sẽ phải trả thêm khoảng 15-20 triệu đồng cho mỗi phẫu thuật. Hệ thống này cũng chống chỉ định với những người có đặt điện cực trong não như bệnh Parkinson, những người đặt điện cực kích thích tim… do máy sẽ bị nhiễu sóng.

PGS.TS. Hùng cũng cho biết, mỗi ngày tại Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình có khoảng 20 bệnh nhân cột sống đến khám, trong đó có khoảng 3-4 bệnh nhân có chỉ định mổ nhưng chỉ rất ít bệnh nhân đồng ý mổ vì sợ biến chứng.

Trước đó, mặc dù tỉ lệ mổ cột sống thành công là 90-9%, phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của phẫu thuật viên nhưng nếu đã bị biến chứng sẽ rất nặng, như liệt 2 chi, liệt cả 4 chi.

 

Thuốc nội tốt, chưa đủ!

http://www.sggp.org.vn/thuoc/2016/11/442180/

Thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, khái niệm sử dụng thuốc Việt đã bắt đầu hình thành trong tiềm thức của nhiều người dân và cán bộ y tế khi đau ốm, bệnh tật. Tuy nhiên, trong thực tế, thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng xứng đáng trên thị trường, cũng như trong suy nghĩ của người sử dụng.

Trầy trật vào bệnh viện

Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận trên 2.000 bệnh nhi tới khám, chữa bệnh với nhiều loại hình bệnh tật khác nhau, nên lượng thuốc được BV sử dụng rất lớn. Để giảm chi phí điều trị, BV có chủ trương và khuyến khích bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc sản xuất trong nước cho người bệnh, nhưng thực tế số lượng thuốc nội được sử dụng vẫn chiếm một tỷ rất khiêm tốn so với thuốc ngoại nhập. 

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương, chia sẻ dù BV rất muốn sử dụng nhiều loại thuốc sản xuất trong nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh nhưng do BV là tuyến cuối tập trung nhiều bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, nan y, đòi hỏi nhiều loại thuốc đặc trị mới có thể điều trị khỏi bệnh. Trong khi phần lớn thuốc nội lại là các loại thuốc phổ thông, đơn giản nên khó có thể đem lại hiệu quả điều trị.

Trong khi đó, là doanh nghiệp hàng đầu trong việc sản xuất thuốc, nhất là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, Công ty cổ phần Traphaco đang gặp nhiều khó khăn khi đưa các sản phẩm của mình vào BV. Thậm chí, kể cả khi doanh nghiệp này được Bộ Y tế lựa chọn đồng hành cùng chương trình “Con đường thuốc Việt” và đoạt được giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” thì sản phẩm của Traphaco cũng chỉ bán chạy tại các nhà thuốc, còn vào BV vẫn rất... trầy trật. 

Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Traphaco, cho biết không ít sản phẩm tốt của công ty doanh thu bị sụt giảm từ 20% - 60% tại hệ thống cơ sở điều trị, như: Hoạt huyết dưỡng, Boganic, Didicera... Trong đó, nguyên nhân chính là do các quy định về đấu thầu thuốc còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng chọn những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chi phí đầu tư cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, dẫn tới giá thành cao hơn. 

Cũng là một trong những doanh nghiệp dược liệu và sản xuất thuốc dược liệu, ông Đặng Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bình Minh, chia sẻ: “Chúng tôi biết có những BV phải đấu thầu mua tới 1 triệu đồng/kg đương quy ngoại nhập để phục vụ khám chữa bệnh, nhưng khi chúng tôi chào hàng sản phẩm đương quy của Bình Minh chất lượng cao theo tiêu chuẩn GACP - WHO với giá thành bằng một nửa hàng ngoại thì chỉ nhận được cái lắc đầu”.

Xóa dần tâm lý sính ngoại

Theo Cục Quản lý dược, sau hơn 3 năm triển khai đề án vận động người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại nhiều BV đã tăng rõ rệt. Ở BV tuyến huyện vào thời điểm năm 2012 trước khi triển khai đề án, việc sử dụng thuốc Việt chỉ đạt tỷ lệ khoảng 61%, tới nay đã tăng lên 69,3%; còn tại tuyến tỉnh tăng từ 31% lên gần 35%. Tuy nhiên, kết quả đó chưa thấm vào đâu so với kỳ vọng đặt ra. Thực tế, tại các BV tuyến trung ương, việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước vẫn rất thấp, chỉ đạt trung bình 11%, thậm chí không ít BV tuyến cuối chỉ sử dụng dưới 5%.

Lý giải về việc này, TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết việc sử dụng thuốc nội ở tuyến trung ương vẫn rất thấp là do đặc thù riêng của BV tuyến cuối, khi các bệnh nhân lên tuyến cuối điều trị thì phần lớn đều từng qua việc điều trị ở tuyến huyện và tỉnh nhưng chưa đạt hiệu quả, nên khi lên tuyến trung ương điều trị phải sử dụng biệt dược nhiều hơn. Bên cạnh đó là thói quen của nhiều người trong việc sử dụng thuốc ngoại, kể cả bác sĩ cũng chưa thực sự tin dùng thuốc nội và có thói quen kê đơn thuốc ngoại. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác truyền thông về thuốc nội, vì nếu thuốc trong nước được sản xuất có chất lượng tốt, giá thành phù hợp nhưng không được tuyên truyền rộng rãi, phổ biến thì người dân, thậm chí là bác sĩ cũng chưa hiểu hết được tính ưu việt trong sử dụng thuốc nội. Ngay các doanh nghiệp nếu sản xuất được các sản phẩm thuốc tốt, giá thành phù hợp, nhưng lại yếu trong khâu marketing thì sản phẩm cũng khó có thể tạo được vị thế xứng đáng.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, mục tiêu từ nay tới năm 2020 phải đạt được tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước ở mức 80% tại các BV. Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện, do lâu nay, người dân chưa tin tưởng nhiều vào thuốc nội. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu nói trên, Bộ Y tế mới đây đã có Thông tư số 10, nhằm ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, trong đó ban hành danh mục 146 sản phẩm thuốc nội có tỷ lệ sử dụng rất lớn trong BV. 

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, đây được xem là cú hích cho công nghiệp dược trong nước, vì nếu doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp thì chúng ta sẽ không nhập khẩu các loại thuốc tương tự. Đồng thời, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn về việc đấu thầu thuốc, trong đó có các quy định và chính sách ưu tiên, khuyến khích các BV sử dụng thuốc trong nước, nhất là thuốc y học cổ truyền, thuốc có nguồn gốc dược liệu, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh của thuốc Việt đối với thuốc ngoại nhập. “Tất nhiên, hữu xạ tự nhiên hương! Chúng ta phải nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng thuốc nội để người dân tin dùng thuốc nội hơn, để bác sĩ kê đơn dùng thuốc trong nước thì người dân khỏi bệnh. Muốn vậy, phải chứng minh được bằng hiệu quả thực tế, bằng chứng khoa học, hay chứng minh tương đương sinh học, nghĩa là thuốc trong nước tương đương sinh học, tương đương khả năng điều trị và tương đương chất lượng với thuốc ngoại...”, ông Cường nhấn mạnh.

 

Bé trai 5 tuổi bị thủng tim đã khỏe mạnh xuất viện

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/be-trai-5-tuoi-bi-thung-tim-da-khoe-manh-xuat-vien-668093.html

Sáng 28-11, tại BV Nhi đồng 1, bé trai Hồ Viết Nhật Minh, sinh năm 2012, té từ trên lầu xuống bị hàng rào sắt đâm thấu tim phổi, đã khỏe mạnh xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và êkíp các bác sĩ.

Như tin đã đưa, khoảng 20 giờ ngày 26-10, BV Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi trong tình trạng bất tỉnh, mạch khó bắt, máu chảy nhiều. Gia đình bệnh nhi cho biết bé té từ tầng ba xuống và bị hai thanh sắt hàng rào xuyên từ sau ra trước ngực, phải gỡ ra mới đưa được bé đi cấp cứu.

Sau khi nhận được tín hiệu báo động đỏ, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, đã có mặt tại phòng mổ BV Thống Nhất sau 10 phút. Ngay lập tức bé được phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương thủng tim (nhĩ phải), khâu vết thương thủng thùy dưới phổi phải, dẫn lưu màng phổi hai bên và hồi sức tích cực.

Sau đó, BV Nhi đồng 1 đã tổ chức hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật cấp cứu lần hai với mục đích thám sát, lấy máu tụ và đánh giá tổn thương tim.

Ngoài các vết thủng, các bác sĩ xác định bé bị gãy xương sườn và một đốt sống lưng. Tổn thương này khiến hai chân bé bị yếu nhưng hiện cháu bé đã hồi phục hoàn toàn, chạy nhảy như trẻ bình thường.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá đây là một ca khó nhưng cháu bé đã được cứu sống ngoạn mục nhờ sự phối hợp liên viện một cách nhịp nhàng và kịp thời giữa BV Thống Nhất và Nhi đồng 1. Sở Y tế đã khen tặng cho tập thể và các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhi nhờ quy trình báo động đỏ liên viện.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang