Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 30/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Từ Dũ đón 10 bé chào đời trong 10 phút đầu năm mới Đinh Dậu 2017; Tết ở bệnh viện viện tuyến cuối; Tết đoàn viên của bệnh nhi bị thủng thực quản; Dấu ấn 500 ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Bộ trưởng Bộ Y tế: 5 nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2017; Cảnh báo nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam; ...

 

Bệnh viện Từ Dũ đón 10 bé chào đời trong 10 phút đầu năm mới Đinh Dậu 2017

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/benh-vien-tu-du-don-10-be-chao-doi-trong-10-phut-dau-nam-moi-dinh-dau-2017-633836.bld

Khi kim đồng hồ chuyển dịch đúng thời khắc giao thừa cũng là lúc Bệnh viện Từ Dũ đón chào 3 em bé chào đời – những công dân đầu tiên của năm Đinh Dậu 2017. Cặp bé trai sinh đôi được gia đình đặt tên là Đức Thiện và Đức Nhân là con của sản phụ Thanh Thúy, sinh năm 1986 tại Đăk Nông. Hai bé nặng 2,3 và 2,6kg chào đời bằng sinh mổ. Đúng lúc kim đồng hồ chuyển sang 0h, sau hơn 15 phút được các y bác sĩ đỡ đẻ, một bé trai nặng 3,7kg cũng cất tiếng khóc chào đời bằng hình thức sinh thường.  Bé là con của sản phụ sinh năm 1984. Mẹ bé nhập viện ngày cuối năm và chuyển dạ vào thời khắc chuyển giao năm mới.Trong 10 phút đầu năm mới, Bệnh viện Từ Dũ đón 10 bé ra đời. Những ngày cuối năm, mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 150 bé chào đời. Đêm giao thừa, khoảng 300 nhân viên y tế của bệnh viện túc trực chăm sóc cho hơn 850 bệnh nhân cùng nhiều ca cấp cứu.

Lãnh đạo TPHCM  và đại diện Sở Y tế TP HCM đã đến chúc Tết các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và chia sẻ niềm vui mẹ tròn con vuông với các gia đình. TS.BS Phan Trung Hòa, Trưởng Khoa Sản Bệnh, trưởng kíp trực đêm giao thừa chia sẻ: “Hơn 30 năm trong ngành, ông đã trải qua nhiều lần trực đêm giao thừa nhưng cảm giác đỡ sinh giờ phút này thường xúc động khó tả hơn. Thường ngày y bác sĩ rất vui khi đón các bé chào đời khỏe mạnh, song được chia sẻ niềm hạnh phúc vượt cạn thành công vào thời khắc thiêng liêng vẫn rất đặc biệt”.

 

Tết ở bệnh viện viện tuyến cuối

http://plo.vn/xa-hoi/tet-o-benh-vien-vien-tuyen-cuoi-679644.html

Theo số liệu của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho đến ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu, tức ngày 28-1, tại bệnh viện Bạch Mai có hơn 800 bệnh nhân phải ở lại điều trị do bệnh nặng. Riêng khoa Thần kinh có tới hơn 100 bệnh nhân/175 giường.

Giáo sư Lê Văn Thính, trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa có hơn 100 cán bộ, nhân viên (kể cả nhân viên làm hợp đồng). Đây chuyên khoa tuyến cuối của cả nước nên ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân.

Cũng theo GS. Thính, ngày Tết số bệnh nhân nhập viện tăng hơn ngày thường. Riêng phòng cấp cứu của Khoa, ngày 30 Tết luôn có khoảng 50 bệnh nhân nặng vào cấp cứu. Các bệnh nhân đều trong tình trạng bệnh nặng, phải điều trị dài ngày như: tai biến mạch máu não (đột quỵ não), u não, nhiễm khuẩn thần kinh…

“Trong những ngày Tết chúng tôi vẫn làm việc như ngày thường. Bệnh nhân nặng không thể điều trị nhanh khỏi được mà quan trọng là tập trung chẩn đoán chính xác, khi bệnh nhân ổn định thì chuyển về tuyến dưới để bệnh nhân đỡ vất vả và tránh quá tải không cần thiết”- GS Thính cho biết.

Điều dưỡng Bùi Thị Liên, khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân ở đây rất đông, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng có lúc vẫn phải nằm ghép 2 người/giường. Không chỉ bệnh nhân vất vả vì bệnh tật mà nhân viên y tế cũng làm việc rất căng. Mỗi tua trực của Khoa có 4 nhân viên chính mà phải phụ trách tới gần 40 bệnh nhân. Theo điều dưỡng Liên, ngày Tết các y, bác sỹ của Khoa vẫn chăm sóc bệnh nhân như ngày thường, vệ sinh cá nhân, tiêm và truyền thuốc cho bệnh nhân ngày 2 lần. Mỗi tua trực 12 tiếng và lặp lại sau 4 ngày, do vậy trong dịp nghỉ Tết 7 ngày, mỗi nhân viên của khoa phải trực từ 2 đến 3 ngày. Làm việc hết công suất nên ai cũng mệt phờ sau mỗi ca trực, về đến nhà là nghỉ cho lại sức chứ không ai còn nghĩ đến đi chơi Tết nữa…Anh Hoàng Văn Minh, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, có mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng, 70 tuổi, đang điều trị tại Khoa Thần kinh cho biết, mẹ anh bị tai biến lần một, vào viện từ ngày 24-1, bệnh khá nặng nên phải ở lại điều trị qua Tết.

Bố anh đã già nên ở nhà chăm sóc các cháu, còn chị em anh thay phiên nhau ra Hà Nội chăm mẹ. Anh Minh ngậm ngùi cho biết, đây là năm đầu tiên anh phải Tết ở bệnh viện.Tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, với bệnh nhân suy thận mãn, việc lọc máu theo chu kỳ (chạy thận nhân tạo) được thực hiện 3 lần/tuần. Nếu ngày Tết mà y, bác sỹ nghỉ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do vậy, khoa bố trí để bệnh nhân chạy thận theo lịch như ngày thường, liên tục ngày 3 ca từ 6h30 đến 23h30.

Theo BS. Dũng, năm nay, theo nguyện vọng của bệnh nhân, các bác sỹ đã đẩy thời gian bắt đầu ca 1 của ngày 30 Tết sớm hơn, chạy thận từ 3 giờ sáng nên đến 3 giờ chiều đã giải quyết hết các ca để bệnh nhân kịp về nhà đón giao thừa.

Tuy nhiên, Khoa cũng đã bố trí một kíp trực, sẵn sàng làm việc khi có bệnh nhân phát sinh. Vì sức khỏe của người bệnh, các bác sỹ không quản ngày giờ, lễ Tết, luôn túc trực tại bệnh viện để chăm sóc người bệnh. Tết với họ là giúp các bệnh nhân vượt qua cơn bạo bệnh. Và trong thâm tâm, các bác sỹ luôn mong ngày Tết vắng bệnh nhân…

 

Những chuyện buồn đầu năm trong bệnh viện

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/nhung-chuyen-buon-dau-nam-trong-benh-vien-679655.html

Tối 28-1 (mùng 1 tết), Pháp Luật TP.HCM đã có mặt tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) để ghi nhận hoạt động của khoa Cấp cứu trong ngày đầu năm.

Nằm trên giường bệnh, anh NVM (34 tuổi, ở TP.HCM), kể: “Nghe vợ nói thèm vịt kho gừng nên tôi lấy con vịt làm sẵn bỏ trong tủ lạnh hai ngày mang kho gừng. Sau đó cả nhà mang ra dùng trong buổi cơm chiều. Do thằng con năm tuổi không khoái vịt kho gừng nên chỉ ăn cơm với thịt heo kho trứng”.

Anh M cho biết ăn cơm xong chưa được bao lâu thì vợ than đau bụng, da lạnh, mặt xanh, nôn ói, tiêu chảy… Do đang mang thai mới tám tháng nên anh M nghĩ vợ không phải chuyển dạ mà có lẽ đau bụng vì lý do khác.

“Tôi vừa gọi điện thoại cho mẹ vợ xong thì bụng tôi đau âm ỉ, ói hết thức ăn, chóng mặt, liên tục đi cầu. Nhìn sang con thì thấy nó vẫn vui chơi bình thường. Lúc này tôi nghĩ vợ chồng tôi có lẽ bị ngộ độc do ăn vịt kho gừng nên vội kêu xe vô bệnh viện (BV). Tôi đang lo lắng không biết đứa con trong bụng có bị ảnh hưởng gì không. Chậc, đầu năm xui xẻo hết sức”.

Sau khi đưa tới BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, vợ anh M được chuyển thẳng vô phòng cấp cứu sản, còn anh M đưa tới phòng cấp cứu nội. “Ghi nhận bước đầu cho thấy vợ chồng anh M có biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Do vợ anh M đang mang thai 8 tháng nên BV giữ lại để theo dõi, đề phòng trường hợp sản phụ co thắt khi bị đau bụng rất dễ sinh non” – BS Phạm Tiến Ngọc (trực ca cấp cứu) cho biết.

Một trường hợp khác cũng tại BV Nhân dân Gia Định, anh TML (22 tuổi, TP.HCM) đang hết sức lo lắng cho vợ mình. Anh kể: “Vợ tôi 19 tuổi, mới mang bầu được 20 tuần tuổi. Do lần đầu sắp được làm cha nên tôi dứt khoát không để vợ đụng tay đụng chân bất cứ chuyện gì. Vậy mà chiều nay tôi vừa xách xe ra ngoài chưa được 10 phút thì ba ruột gọi điện thoại báo vợ tôi té ngã úp xuống đất, bụng bầu cấn lên khúc gỗ. Tôi liền gát mọi công chuyện chạy xe nhanh về nhà”.

“Vợ tôi kể do thấy mấy khúc gỗ để ở góc phòng khách gây vướng víu nên định mang xuống nhà bếp. Sơ sẩy thế nào vợ tôi trượt chân ngã chúi và nằm sóng soài trên đất, bụng bầu đè lên một khúc gỗ. Tôi quýnh quáng kêu xe chở thẳng vợ vô BV” – anh L kể tiếp.

Sau khi khám, BS Định Thị Mỹ Hiền, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, chuyển vợ anh L sang phòng sản. “Mọi tai nạn liên quan sản phụ ít nhiều ảnh hưởng thai nhi. Do vậy, BV phải giữ vợ anh L trong vài ngày để theo dõi sức khỏe cả mẹ và đứa con trong bụng” – BS Hiền nói.

Cũng trong đêm 28-1, một phụ nữ tên VTTM (30 tuổi, TP.HCM) được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, nồng nặc mùi rượu.Người nhà cho biết đầu năm bạn bè đến chơi nên chị M bày bàn nhậu đãi khách. Vốn là “đệ tử lưu linh” nên chị M không bỏ qua ly rượu tây, rượu đế nào, tới tua là “ực”. Khi bạn bè gục trên bàn thì chị M cũng “quắc cần câu”. Thấy chị M có biểu hiện khác thường như lơ mơ, nói nhảm nên người nhà đưa tới BV.

BS Nguyễn Đức Chánh (trực ca cấp cứu) cho biết chị M bị ngộ độc rượu khá nặng nên BV giữ lại điều trị.Không lâu sau đó, bà TTS (80 tuổi, ở TP.HCM) được người thân đưa vào BV trong tình trạng bàn tay phải băng bó kín. Người thân cho biết trong nhà có nuôi con chó khá dữ nên luôn xích lại. Chiều cùng ngày, trong lúc bà S khum xuống lấy đôi dép bất ngờ con chó “táp” mạnh bàn tay.“Chẳng hiểu sao ngày thường bà S và con cho thân nhau lắm. Bà S thường cho chó ăn, tắm rửa chó. Bỗng nhiên đầu năm con chó “nổi điên”, cắn bà S nát bấy bàn tay” – người thân nói. Theo BS Nguyễn Đức Chánh, bàn tay bà S buộc phải rửa sạch để tránh nhiễm trùng, sau đó chích thuốc ngừa phong đòn gánh. Tiếp theo, bà S phải đến trung tâm y tế dự phòng chích thuốc ngừa dại.

 

Tết đoàn viên của bệnh nhi bị thủng thực quản

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tet-doan-vien-cua-benh-nhi-bi-thung-thuc-quan-679650.html

"Thật là vượt ra ngoài hi vọng của gia đình, thế là năm nay nhà cháu lại có Tết" - chị Nguyễn Thị Hảo, mẹ bé Ngọc Anh không giấu được niềm vui khi trò chuyện cùng các y bác sĩ khoa Phẫu Thuật Nhi. Đã hai cái Tết, cả gia đình chị Hảo không được vui Tết mà chỉ sống trong lo lắng vì sức khoẻ của con. Năm 4 tuổi, trong mọt lần chơi đùa cùng các bạn, bé Ngọc Anh đã vô tình nuốt và hóc một miếng đồ chơi bằng nhựa. Mọi việc tưởng chừng đơn giản nhưng sau một vài tháng, bé có biểu hiện ho, khó nuốt tăng dần. Tưởng con bị viêm phổi, viêm họng, chị Hảo đưa con đến bệnh viện khám nhiều lần nhưng điều trị mãi không khỏi.

Sau gần một năm điều trị, các bác sĩ cho bé nội soi họng mới phát hiện miếng đồ chơi nhựa tuy đã được lấy ra nhưng để lại một lỗ thủng rất lớn trong thực quản của bé. Gia đình đã cho bé đến rất nhiều bệnh viện nhưng không bệnh viện nào điều trị được cho bé. Bệnh trở nặng đến mức bé Ngọc Anh không ăn uống được qua đường miệng, các bác sĩ phải đặt một ống thông qua thành bụng vào dạ dày, hàng ngày mẹ phải bơm cháo, sữa để nuôi con.

Khoảng tháng 10-2016, bé Ngọc Anh được bố mẹ đưa đến khoa Phẫu thuật Nhi bệnh viện Việt Đức. TS. Nguyễn Việt Hoa - Trưởng khoa Nhi, cho biết khi nhập viện, bé Ngọc Anh bị suy dinh dưỡng, thân hình gày gò, tay lúc nào cũng cầm một cái cốc có sẵn miếng giấy ăn để nhổ nước bọt trong miệng vì không thể nuốt xuống được. Ống thông dạ dày thì cáu bẩn, được dán hờ trên thành bụng.

Cũng theo TS. Hoa, tình trạng bệnh của bé Ngọc Anh khi ấy rất nặng, lỗ thủng thực quản rất lớn, lại thông vào khí quản, chỉ cần bé nuốt một chút nước bọt sẽ vào phổi ngay, bé sẽ bị ho sặc sụa. Lâu dần bé sợ nên không dám nuốt.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với những trường hợp như thế là phải mổ để xử lí lỗ thủng - rò thực quản - khí quản. Có thể sẽ phải cắt toàn bộ thực quản, đưa dạ dày hoặc đại tràng lên thay thể đoạn thực quản hỏng. Tuy nhiên, đây lại là một ca mổ cực kì lớn, rất nặng đối với một bé 4-5 tuổi suy dinh dưỡng, thể trạng suy kiệt. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia trong và nước ngoài, tìm kiếm tài liệu tham khảo, nhiều phương án điều trị được đặt ra nhưng TS. Hoa vẫn chưa thấy có phương án tối ưu.

Cuối cùng, phẫu thuật vẫn là phương án duy nhất mà cả bác sĩ và gia đình phải chấp nhận mọi nguy cơ để điều trị cho bé. TS Hoa phân tích: "Đây là một ca mổ cực khó. Ngoài việc thể trạng bé rất kém, điều quan trọng là vị trí tổn thương rất phức tạp, nằm ngay cạnh quai động mạch chủ và phía sau tim. Hơn nữa thực quản ít mạch máu nuôi, phải liên tục hoạt động nên khả năng liền vết mổ và phục hồi chức năng của thực quản tương đối khó khăn. Ca mổ đối diện với rất nhiều nguy cơ rủi ro, có thể thất bại, mà đã thất bại thì tính mạng bệnh nhân cực kì nguy hiểm".

Tuy nhiên, với quyết tâm của cả tập thể y bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi, dù chỉ có một phần hi vọng vẫn phải cố gắng, ca mổ đã được tiến hành. Với sự giúp đỡ của PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, bé Ngọc Anh được sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo, làm cho tim và phổi ngừng hoạt động hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bộc lộ thực quản và khí quản.

TS Nguyễn Việt Hoa đã thực hiện kĩ thuật cắt đoạn thực quản bị tổn thương và nối trực tiếp hai đầu thực quản lành với nhau. Ca mổ kéo dài năm tiếng nhưng kết quả nằm ngoài mong đợi của các bác sĩ. Chỉ hai ngày sau mổ, bé Ngọc Anh đã tỉnh và có thể tiếp xúc với bố mẹ. Sau ba tuần phẫu thuật, bé đã có thể uống nước, uống sữa mà không gặp trở ngại nào. Niềm vui và sức sống đã trở lại trên nụ cười của cô bé sáu tuổi. Chiều 30 Tết - ngày cuối cùng của năm, bé Ngọc Anh được các bác sĩ BV Việt Đức cho ra viện. Gặp bé đang tíu tít cùng bố mẹ thu dọn đồ đạc để về quê ăn Tết, ai cũng thấy vui lây. Thành công của ca mổ không chỉ đem lại niềm vui vô bờ bến sau hai năm tưởng như mất hết hi vọng cho gia đình bé Ngọc Anh, mà đó còn là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là mốc đánh dấu cho sự phát triển về mặt chuyên môn của tập thể các bác sĩ khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện HN Việt Đức.

 

Dấu ấn 500 ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy

http://infonet.vn/dau-an-500-ca-ghep-than-tai-benh-vien-cho-ray-post219828.info

Hai bệnh nhân ghép thận đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1992, hiện một người định cư nước ngoài, một người khỏe mạnh ở tuổi 59. Sau 24 năm, bệnh viện đã ghi dấu ấn với ca ghép thận thứ 500. Ngày 23/4/2008, ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên là trường hợp con trai bị tai nạn giao thông tặng mẹ ruột quả thận được thực hiện tại bệnh viện.

Năm 2010, 4 ca ghép thận từ 2 người cho chết não không có quan hệ huyết thống đầu tiên trên cả nước cũng được thực hiện tại đây. Đến nay số lượng người nhận tạng từ người cho chết não trong cả nước đã vượt 100.

Tháng 6/2015 bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 người nhận từ người cho tim ngừng đập, mở ra một nguồn tạng hiến mới để tăng số lượng tạng hiến tại Việt Nam. Sự ra đời của đơn vị điều phối ghép tạng đã góp phần tăng nguồn hiến từ người cho chết não, thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt thời gian qua.

Theo TS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân sau khi ghép thận đã lập gia đình, sinh con khỏe mạnh. Người cho thận đầu tiên là trường hợp bố cho con gái cũng đang sống khỏe mạnh ở tuổi 83. Tỷ lệ sống sau 10 năm của bệnh nhân đạt trên 95%.

PGS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 24 năm kể từ hai ca đầu tiên, ghép thận đã trở thành phẫu thuật thường quy của khoa Ngoại tiết niệu. Hiện trung bình mỗi tuần bệnh viện thực hiện 4 ca ghép thận từ người cho sống.

PGS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, 500 ca ghép thận trong vòng 25 năm không phải là con số lớn so với thế giới. Tuy nhiên đây là niềm tự hào, là kết quả của sự cố gắng không ngừng của tập thể nhân viên bệnh viện, các nhà khoa học trong chuyên ngành ghép thận nói riêng và ghép mô tạng nói chung. Sự thành công của chương trình ghép thận là tiền đề để bệnh viện triển khai các hoạt động ghép tạng và mô khác như ghép gan, ghép giác mạc, ghép tủy xương, chuẩn bị các đề tài ghép tim và ghép phổi. Trong tương lai, kỹ thuật ghép đa tạng, ghép thận cho bệnh nhân không tương hợp nhóm máu sẽ được nghiên cứu triển khai.

 

"Chí Phèo" nhập viện và mong ước xóa sổ say xỉn rượu bia ngày Tết

http://infonet.vn/chi-pheo-nhap-vien-va-mong-uoc-xoa-so-say-xin-ruou-bia-ngay-tet-post219378.info

Cứ dịp Tết đến, xuân về là số người nhập viện vì rượu lại tăng lên. Không chỉ nhập viện do tai nạn giao thông mà nhập viện do chảy máu tiêu hoá, viêm tuỵ cấp... Tất tần tật đủ thứ bệnh đến từ rượu.

TS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, hầu như năm nào cũng thế, 29 – 30 Tết, bệnh nhân ra viện về nhà bớt, khoa thưa vắng hơn nhưng chỉ được 1 – 2 ngày lại ùn ùn bệnh nhân nhập viện do biến chứng của rượu.

TS Khanh cho biết, biến chứng nặng nhất của những ma men ngày Tết đó là viêm tuỵ cấp. Ngày xưa, viêm tuỵ cấp thường do sỏi mật, giun thì giờ đây viêm tuỵ cấp chủ yếu do rượu.

Viêm tuỵ cấp là bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, bởi bệnh dễ gây ra các biến chứng suy đa phủ tạng. Bệnh nhân điều trị khoẻ lại thì nguy cơ tái phát cũng rất cao và có thể gây viêm tuỵ mãn, teo tuyến tuỵ, ảnh hưởng tới việc tiết insulin gây ra bệnh đái tháo đường tuyp 2.

Cùng với viêm tuỵ cấp, khoa Tiêu hoá của Bệnh viện Bạch Mai ngày Tết cũng tấp nập hơn với những bệnh nhân nhập viện vì xơ gan do rượu dẫn đến chảy máu tiêu hoá.

TS Khanh kể, những bệnh nhân này đã có tiền sử xơ gan nhưng không kiêng rượu và vẫn uống dẫn đến xuất huyết tiêu hoá. Có bệnh nhân sáng mùng 2, mùng 3 Tết đã nôn cả lít máu, người nhà vội vàng đưa vào viện cấp cứu, truyền máu rồi nội soi cầm máu. Nhưng sang đến ngày thứ 2, thứ 3 khi không được uống rượu, cảm giác thèm rượu lên, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng sảng rượu. Nó là dạng rối loạn tâm thần. Lúc này, các bác sĩ phải buộc chặt chân tay bệnh nhân. Những bệnh nhân la hét phải tiêm thuốc an thần. Nhưng bệnh nhân có dấu hiệu suy gan, liệt gan thì không thể tiêm thuốc an thần được. Khi đó, bác sĩ vô cùng vất vả vì vừa điều trị chảy máu tiêu hoá vừa điều trị sảng rượu. Tết Nguyên đán năm 2016, chỉ từ ngày 29 tới mùng 5 Tết, cả nước có 22.826 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó có tới 80% trường hợp do bia rượu gây nên. Vì thế, với những bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, cứ vào dịp lễ Tết là họ ám ảnh bởi lúc này đây, bệnh viện như một đại nhà thương. Điều dưỡng Toàn của khoa Cấp cứu chia sẻ, mỗi người bị tai nạn kéo theo cả 4 – 5 người nhà vào theo và ai cũng sặc hơi men. Nếu bác sĩ, điều dưỡng hỏi han, họ sẵn sàng bị "truy sát" vì cái tội hỏi người say.

Dù ai cũng biết nỗi khổ khi cấp cứu ma men nhưng với các bác sĩ ở đây, nó trở thành nỗi ám ảnh. Họ chỉ mong sao bỏ được, cấm được bia, rượu ngày Tết, để bác sĩ không phải chứng kiến những cảnh đau lòng, người thân không bị đau khổ, mất mát.

 

Cụt tay, mù mắt do đốt pháo

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/cut-tay-mu-mat-do-dot-phao-1116260.tpo

Bất chấp lệnh cấm đốt pháo của các cấp, các ngành; hai đối tượng ở huyện Chi Lăng lén lút đốt pháo trong đêm giao thừa. Hậu quả, người thì bị cụt tay, người mù mắt rất thương tâm.

Bác sỹ Hoàng Tiến Ninh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa cho biết: Chiều  28/1/2017 (tức mùng một tết Đinh Dậu), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 2 bệnh nhân từ Trung tâm Ytế huyện Chi Lăng chuyển đến.

Bệnh nhân thứ nhất là Hoàng Văn O (31 tuổi), trong lúc đốt pháo vào giao thừa đã bị cụt ½ cẳng tay phải, chảy rất nhiều máu. Sau hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ để cắt lọc mỏm cụt bị dập nát, khâu da tạo hình.

Bệnh nhân thứ hai là Hoàng Văn Nh (28 tuổi), hàng xóm với gia đình anh O. Khi anh O đốt pháo bị thương vào tay, anh Nh đứng bên cạnh bỗng nhiên không nhìn thấy gì, mắt trái chảy nhiều máu. Qua thăm khám, mắt trái vỡ nhãn cầu.

Sau khi tai nạn xảy ra, các gia đình đã đưa các bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Theo bác sỹ Ninh, sau một ngày cấp cứu tích cực, thể trạng các bệnh nhân đã dần ổn định nhưng để lại những di chứng nặng nề. Vụ việc trên một lần nữa cảnh báo hậu quả do việc đốt pháo nổ gây ra.

 

55 người thương vong do tai nạn trong ngày mùng 1 Tết

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/55-nguoi-thuong-vong-do-tai-nan-trong-ngay-mung-1-tet-1116264.tpo

Trong ngày 28/1 (mùng 1 Tết), cả nước xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 23 người, 32 người bị thương. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, tình hình tai nạn giao thông ngày 28/1, tức mùng 1 Tết Đinh Dậu, toàn quốc xảy ra 36 vụ, làm chết 23 người, làm 32 bị thương.

Số liệu được Ủy ban ATGT quốc gia trích dẫn cho thấy, trong đó, đường bộ, xảy ra 36 vụ, làm chết 23 người, bị thương 32 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 1.388 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước 370 triệu đồng, tạm giữ 4 xe ô tô, 469 xe mô tô và tước 68 giấy phép lái xe. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ toàn quốc đã tập trung xử lý 2 trường hợp, nộp kho bạc 2 triệu đồng.

Mùng 1 Tết, số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận đã giảm đáng kể so với những ngày trước, cụ thể đã có 16 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé, và tình hình trật tự an toàn giao thông tại một số khu vực; sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh.

Ủy ban ATGT quốc gia cho hay, từ chiều ngày 27/1 (30 Tết) đến sáng ngày 28/1 (mùng 1 tết) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trên hầu hết các tuyến phố mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.

Đêm giao thừa ngày 27/1 (30 tết), tại Hà Nội hàng vạn người dân đã đổ về Hồ Hoàn Kiếm và Nhà Hát lớn để đón giao thừa. Tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lực lượng Công an Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: 5 nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm 2017

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-y-te-5-nhiem-vu-trong-tam-se-thuc-hien-trong-nam-2017-1116248.tpo

Năm 2017 ngành y sẽ nỗ lực phát triển giảm quá tải bệnh viện, điều chỉnh giá dịch vụ y tế với đối tượng không có thẻ BHYT và thu hút các nguồn lực xã hội phát triển y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc trả lời báo chí nhân dịp năm mới, trong đó có những nỗ lực của ngành y để xây dựng một ngành phát triển hơn nữa phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Với chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ” ở giai đoạn mới này, với tư cách tổng tư lệnh ngành Y tế, Bộ trưởng có thể cho biết những dự kiến về bước tiến mới của ngành y tế trong thời gian tới?

Về kiến tạo: Bộ Y tế tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để hoàn chỉnh hệ thống các luật, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của ngành y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo hành lang pháp lý để các đơn vị hoạt động cũng như thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế.

Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng đang ấp ủ những đột phá gì trong chỉ đạo điều hành để toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong năm tới?

Trong thời gian vừa qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố đã đi 2, 3 lần, tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/bệnh viện huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh và thấy rằng đúng là ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số vấn đề sau cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.

Thứ nhất: Hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí, vừa làm quá tải tuyến trên.

Thứ hai: Mặc dù chúng ta nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện tốt chủ trương này, chưa nói đến hiện nay là phải nâng cao sức khỏe để hạn chế bệnh tật, tư tưởng "có bệnh mới chữa" vẫn còn. Nhiệm vụ của ngành y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực.

Thứ ba, chúng ta có hệ thống hơn 11.000 trạm y tế xã nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.

Thứ tư là cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể để tư duy quản lý bệnh viện thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bệnh viện phải xanh – sạch – đẹp, là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh.

Thứ năm là bảo hiểm y tế toàn dân: với một xã hội phát triển thì tôi mong ước rằng mọi người dân đều có BHYT, khi đi khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua BHYT thì nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT.

Còn nhiều vấn đề nữa nhưng tôi nghĩ rằng không thể làm ngay hết được, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo đúng phương châm: chủ trương một, biện pháp mười, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Có thể thấy việc nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế là một trong những giải pháp trong việc đổi mới phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế. Vậy Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này như thế nào?

Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo” nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải được gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ y tế. Bộ Y tế đã quan tâm và tiếp tục thực hiện:

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại...

- Quan tâm, triển khai thực hiện lộ trình nâng giá viên phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

- Đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính.

- Hướng dẫn, yêu cầu các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.

- Việc triển khai, yêu cầu cán bộ y tế phụ vụ tốt, có tinh thần trách nhiệm với quyền lợi của từng cá nhân.

 

25 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/25-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-trong-ngay-mung-2-tet-dinh-dau-1116362.tpo

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong ngày 29/1 (tức ngày mùng 2 tháng Giêng Tết Nguyên đán Đinh Dậu), toàn quốc xảy ra 42 vụ, làm chết 25 người, làm 36 bị thương.

Trong số đó, đường bộ xảy ra 42 vụ, làm chết 25 người, bị thương 36 người. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.358 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 502 triệu đồng, tạm giữ 2 xe ôtô, 546 xe môtô, tước 40 giấy phép lái xe các loại. Bên cạnh đó, thống kê chung tai nạn giao thông 3 ngày (từ ngày 27-29/1 - tức ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán Đinh Dậu), theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, toàn quốc xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 112 người, đều là tại nạn đường bộ; đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

“So với 3 ngày tết cùng kỳ năm 2016 tăng 05 vụ (+4,8%), không tăng không giảm người chết (64/64), tăng 14 người bị thương (+14,2%),” ông Thái nhấn mạnh. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 5.079 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 1,87 tỷ đồng, tạm giữ 10 xe ôtô, 1.546 xe môtô, tước 248 giấy phép lái xe các loại.

Theo ông Thái, ngày 29/01 (mùng 2 Tết) số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận đã giảm rất nhiều so với những ngày trước. Trong 3 ngày 27, 28, 29/01, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp nhận được khoảng 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng vận tải hành khách như tự ý tăng giá vé, lấy phụ thu cao quá quy định, nhồi nhét khách một số tuyến ngắn đường; xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh.

“Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh,” ông Thái khẳng định.

Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra nhiều.

Do đó, Ủy ban An toàn giao thông kiến nghị Công an tỉnh, thành phố tiếp tục huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Trong những ngày cuối của dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, mật độ người tham gia giao thông đổ về các đền chùa để du xuân, cầu may sẽ ngày một đông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông, yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

Cảnh báo nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam

http://vov.vn/xa-hoi/canh-bao-nguy-co-cum-ah7n9-xam-nhap-tu-trung-quoc-vao-viet-nam-589562.vov

Trước tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp trên người và trên đàn gia cầm tại Trung Quốc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, dịch bệnh này đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Virus cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người và có thể lây từ người sang người. Mặc dù, nhiều năm qua Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như đàn gia cầm nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào nước ta là rất lớn.

Từ tháng 12/2016 đến gần giữa tháng 1/2017, tại Trung Quốc ghi nhận ít nhất 83 trường hợp nhiễm cúm AH7N9, trong đó có gần 30 người tử vong vong vì căn bệnh này. Dịch cúm AH7N9 bùng phát tại Trung Quốc từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được. Trong khi đó, việc giao lưu đi lại giữa người dân 2 nước Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới vẫn xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi tại các điểm giám sát cúm trọng điểm và thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện kịp thời các ca bệnh. Tuy nhên, điều đáng lo ngại là trong mùa Đông Xuân, khí hậu lạnh ẩm là điều kiện thuận lợi bùng phát các dịch cúm nguy hiểm như cúm A/H5N1, H7N9 với nguy cơ biến chủng của virus cúm rất cao: “Khi khí hậu lạnh, ẩm thì bệnh cúm thường phát triển và lây lan mạnh. Có một vấn đề đáng quan tâm ở bệnh cúm là sự biến chủng của virus gây bệnh rất lớn và rất nhanh.

Trên thế giới đã từng xảy ra những đại dịch cúm, gây tử vong hàng triệu người nên rất đáng lo ngại. Bệnh cúm A ở người có 2 tuýp N và H tạo nên nhiều chủng cúm khác nhau. Từ năm 2003 đã bùng phát dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Đến năm 2009 thì xuất hiện đại dịch cúm A/H1N1 và đến năm 2013 thì dịch cúm A/H7N9 cũng rất nguy hiểm”- ông Trần Đắc Phu nói.

Để chủ động phòng chống cúm A/H5N1, H7N9…ở người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.  Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

 

130 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ trong ngày Tết

http://suckhoedoisong.vn/130-truong-hop-kham-cap-cuu-do-phao-no-trong-ngay-tet-n127578.html

Chiều ngày 29/1 (chiều mùng 2 Tết), Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu tính đến ngày 29/1 gửi Văn phòng Chính phủ

Chiều ngày 29/1 (chiều mùng 2 Tết), Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh về công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu tính đến ngày 29/1 gửi Văn phòng Chính phủ

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong ngày 29/ 1 (tức mồng 2 Tết), cả nước không ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm; không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A(H5N1), A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới… Tuy nhiên báo cáo của Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh ghi nhận một số ca mắc mới bệnh tay chân miệng trong đó có một trẻ 19 tháng tuổi ở huyện Châu Thành, Trà Vinh tử vong do bệnh tay chân miệng (ngày 28/1). Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh đã thông báo trung tâm y tế huyện Châu Thành giám sát và xử lý dịch theo quy định. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch. Báo cáo cũng cho biết, đã ghi nhận 39 trường hợp mắc, nhưng không có trường hợp nào tử vong.

Báo cáo của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ ngày 29/1 cũng nói rõ, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước tổ chức thường trực đầy đủ bốn cấp thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 71 nghìn trường hợp, trong đó có hơn 16 nghìn  trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 4.858 người bệnh phải chuyển viện. Các bệnh viện thực hiện 6.331 ca phẫu thuật, trong đó 164 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 2.562 cháu bé chào đời và điều trị khỏi cho xuất viện hơn 53 nghìn  người bệnh. Các bệnh viện thực hiện tốt thường trực cấp cứu ngoại viện, có 1.817 lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương của bệnh viện.

Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 16.700  trường hợp (tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh), trong đó có 8.936 trường hợp va chạm nhẹ đến kiểm tra được xử trí và cho về trong ngày, có 5.055 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, có 1.251 trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 73 người. Riêng từ 7h sáng ngày 28/1-7h sáng ngày 29/1, trên cả nước xảy ra 5.450  trường hợp tai nạn giao thông.

Cũng theo báo cáo này, các bệnh viện tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, 28 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác. Tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 2.203 trường hợp, trong đó có 990 ca phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Tuy chưa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh viện tiếp nhận khám cho 1.167 người bị rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu, trong đó có 391 người ngộ độc (say) rượu, có một trường hợp tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên vì ngộ độc thuốc diệt cỏ.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôi chưa hài lòng với chất lượng phục vụ!

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-truong-bo-y-te-toi-chua-hai-long-voi-chat-luong-phuc-vu-20170125102400751.htm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm qua ngành y tế đã nỗ lực để đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Sự hài lòng của người dân đã tăng, nhưng cá nhân Bộ trưởng vẫn chưa thực sự hài lòng về chất lượng phục vụ.

Thưa Bộ trưởng, trong năm qua, bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của ngành y trong nâng cao chất lượng bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh?

Từ thời điểm tháng 6/2015, khi tôi ký ban hành Quyết định số 2151/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ngành y tế đã quyết liệt triển khai nhiều hoạt động cho mục tiêu này.

Theo đó, đã tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các địa phương, đơn vị với trên 1000 công chức, viên chức các bệnh viện từ Trung ương tới các bệnh viện tuyến huyện; 100% cán bộ y tế đã được ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục phục vụ; Củng cố đường dây nóng với 1 số duy nhất 1900.9095, sử dụng phần mềm xử lý thông tin cuộc gọi đường dây nóng để quản lý tất cả các cuộc gọi đường dây nóng y tế…

Công tác kiểm tra giám sát cũng được quan tâm đặc biệt. Bộ Y tế thành lập 08 đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất; xây Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 2151 với các chỉ số chấm điểm cụ thể, quan tâm đến sự hài lòng của người bệnh.

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể chia sẻ kết quả đạt được trong nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh?

Bộ mặt ngành y, đặc biệt về tinh thần thái độ phục vụ đã có sự thay đổi tích cực. Kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra cho thấy số thư khen ngợi tinh thần thái độ tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cán bộ y tế đã giảm. Nhiều người bệnh đã cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành y tế, thời gian chờ đợi của người bệnh đã giảm, cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.

Theo kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến TW, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) trong thời gian gần đây cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh đã tăng lên.

Theo đó, 81,1% người bệnh hài lòng về thời gian khám bệnh (tuyến TW: 77,9%; tuyến tỉnh: 87,3%; tuyến huyện: 77,5%).

89,8% người bệnh hài lòng với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế (tuyến Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7%)

Các bệnh viện đã tận tình, chu đáo hơn trong hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh, địa điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, cũng như các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường được cải thiện xanh sạch đẹp. Số đông bệnh viện nơi chờ khám có ghế ngồi, nước uống, báo đọc, quạt mát… Dịch vụ căng tin và các dịch vụ hỗ trợ khác trong bệnh viện cũng đã được cải tiến theo xu hướng vừa đảm bảo chất lượng vừa hợp lý về giá cả.

Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng lý giải kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho tại một số bệnh viện có cơ sở vật chất tốt nhưng tỷ lệ người bệnh hài lòng lại rất thấp? Như tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 3 khang trang tỷ lệ bệnh nhân hài lòng chỉ đạt gần 52%?

Tại Bệnh viện K, mức độ hài lòng của người bệnh cho kết quả cơ sở 1 (dù chật hẹp nhất, xuống cấp nhất) cao nhất 87,5% và cơ sở 3 là thấp nhất 51,7%.

Theo tôi, tỷ lệ này phản ánh một cách trung thực, khách quan, đúng với thực tế. Vì cơ sở 1 mặc dù rất chật chội, nhưng sau buổi kiểm tra đột xuất của Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Y tế đã có sự đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh về tổ chức đón tiếp người bệnh, về quy trình khám, điều trị người bệnh. Còn tại cơ sở 3 có cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng cách sắp xếp, tổ chức khoa phòng chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bệnh, đặc biệt còn tình trạng nằm ghép.

Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là tinh thần thái độ phục vụ, cơ chế “xin-cho”, “mang ơn” của cán bộ y tế, hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh.

Theo như chia sẻ, ngành y tế đã dần thay đổi, hoàn thiện để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Với cá nhân Bộ trưởng, Bộ trưởng đã hài lòng với chất lượng phục vụ của ngành y tế?

Như trên đã nêu, bước đầu ngành Y tế đã có những chuyển biến tích cực nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà người bệnh đã bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh.

Vì vậy, cá nhân tôi chưa thể hài lòng được, vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục quan tâm thực hiện, thực hiện quyết liệt, phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành Y tế và cả người dân.

Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, khi chưa nâng cao được thu nhập cho cán bộ y tế, rất khó để thay đổi được phong cách thái độ, phục vụ tại cơ sở y tế. Quan điểm của Bà về vấn đề này như thế nào? Ngành y tế sẽ làm gì để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh? Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo” nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải được gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập cho cán bộ y tế. Bộ Y tế cũng đang có những phương hướng để nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ y tế. Gắn quyền lợi của từng cá nhân với việc thay đổi thái độ, phong cách phục vụ.

Ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh, giảm tải, đổi mới cơ chế tài chính, kí cam kết thực hiện…

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn do tình trạng quá tải bệnh viện, sự xuống cấp, thiếu thốn của trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu trầm trọng nhân lực y tế…

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa triệt để với quyết tâm cao nhất; vẫn nặng về cơ chế bao cấp ngày xưa.

Một số cán bộ y tế nhận thức chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, tâm lý “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ … nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc); thói quen trong giao tiếp, ứng xử, có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, thái độ không phù hợp, không thân thiện, không mang bản chất nhân văn của người cán bộ y tế.

Về phía người dân, có nhiều người bệnh, gia đình người bệnh có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (kể cả khi chờ làm các xét nghiệm cần phải có đủ thời gian mới có kết quả); không thông cảm với ngành Y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc…

Tôi rất mong sự chia sẻ, cộng tác của cả nhân viên y tế, người bệnh để việc chăm sóc sức khỏe người bệnh ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, mang đến sự hài lòng cao nhất của người bệnh.

 

Khám cấp cứu hơn 71.000 bệnh nhân, đón 2.562 cháu bé chào đời

http://baotintuc.vn/xa-hoi/kham-cap-cuu-hon-71000-benh-nhan-don-2562-chau-be-chao-doi-20170129233937330.htm

Bộ Y tế cho biết trong ngày 29/1 (tức mồng 2 Tết), cả nước không ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm; không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A(H5N1), A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới…

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ghi nhận một số ca mắc mới bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, trong đó có một trẻ 19 tháng tuổi ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, tử vong do bệnh tay chân miệng (ngày 28/1). Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh đã thông báo trung tâm y tế huyện Châu Thành giám sát và xử lý dịch theo quy định. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ và chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra.

Theo Bộ Y tế, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước tổ chức thường trực đầy đủ bốn cấp thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 71.000 trường hợp, trong đó có hơn 16.000 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 4.858 người bệnh phải chuyển viện. Các bệnh viện thực hiện 6.331 ca phẫu thuật, trong đó 164 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón 2.562 cháu bé chào đời và điều trị khỏi cho xuất viện hơn 53 nghìn người bệnh. Các bệnh viện thực hiện tốt thường trực cấp cứu ngoại viện, có 1.817 lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương của bệnh viện.

Đáng chú ý, tổng số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 16.700 trường hợp (tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh), trong đó có 8.936 trường hợp va chạm nhẹ đến kiểm tra được xử trí và cho về trong ngày, có 5.055 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 1.251 trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 73 người.

Các bệnh viện tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, 28 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác. Tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 2.203 trường hợp, trong đó có 990 ca phải nhập viện điều trị nội trú, 14 trường hợp tử vong. Các bệnh viện tiếp nhận khám cho 1.167 người bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và rượu, trong đó có 391 người ngộ độc (say) rượu, một trường hợp tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên vì ngộ độc thuốc diệt cỏ.

 

Cảnh sát biển cứu nạn thành công ngư dân đảo Thổ Châu vào mùng 2 Tết

http://suckhoedoisong.vn/canh-sat-bien-cuu-nan-thanh-cong-ngu-dan-dao-tho-chau-vao-mung-2-tet-n127574.html

Người ngư dân bị thương ngoài biển đã được cảnh sát biển Việt Nam đưa vào bờ cấp cứu kịp thời ngay trong sáng mùng 2 Tết Đinh Dậu.

5h sáng nay (29/1, mùng 2 Tết),  Đại tá Phạm Quang Oánh, Chính uỷ Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: đơn vị vừa cứu nạn thành công 1 ngư dân từ xã đảo Thổ Châu đưa về cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc.

Theo đó, vào lúc 23h30 ngày 28/1 (mùng 1 Tết Đinh Dậu), Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 nhận được đề nghị của UBND Xã Thổ Châu cấp cứu ngư dân bị nạn trên đảo.

Bộ tư lệnh Vùng đã điều động Tàu CSB 4039 đang làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực khẩn trương cơ động, tiếp nhận nạn nhân và đến 4h sáng nay nạn nhân đã được đưa về bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc để điều trị.

Nạn nhân là anh Phạm Thành Thảo, 31 tuổi, thường trú tại ấp Bãi Ngự, Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang.

Được biết, khi nạn nhân bị thương, người dân đã dùng xuồng chở vào đất liền nhưng mới đi được 12 hải lý thì xuồng bị chết máy. Lúc này CSB đã dùng tàu gần đó đưa vào Phú Quốc. Khi tàu cập đảo, đơn vị đã dùng xe đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Đây là việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sỹ BTL Vùng Cảnh sát biển 4, góp phần củng cố mối đoàn kết gắn bó quân dân, làm sâu đậm hơn hình ảnh Người chiến sỹ Cảnh sát biển trong lòng nhân dân trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.

 

Hàng ngàn trường hợp ẩu đả, tai nạn giao thông nhập viện trong 3 ngày Tết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hang-ngan-truong-hop-au-da-tai-nan-giao-thong-nhap-vien-trong-3-ngay-tet-20170129234854533.htm

Trong các ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên Đán 2017, hệ thống y tế trong cả nước ghi nhận hàng ngàn ca ẩu đả, tai nạn giao thông cùng hàng trăm ca ngộ độc rượu, tai nạn do pháo nổ...

Báo cáo nhanh của Bộ Y tế tổng hợp trong 3 ngày 27 – 29/1 (tức ngày 30, mùng 1, mùng 2 Tết) con số bệnh nhân được đưa đến viện khám, cấp cứu như trên rất đáng báo động, tăng cả số ca ẩu đả, số tử vong vì ẩu đả so với dịp Tết 2016 với 2.203 ca ẩu đả trong đó 50% phải nhập viện, trong đó có 14 trường hợp tử vong.

Trước đó, 3 ngày Tết Nguyên đán 2016, số bệnh nhân phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu vì đánh nhau là 1.971 trường hợp, trong đó 10 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, số khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông cũng lên đến 16.700 trường hợp (Tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện).

Trong đó có 8.936 trường hợp va chạm nhẹ đến kiểm tra được xử trí và cho về trong ngày, có 5.055 trường hợp (30%) phải nhập viện điều trị nội trú, có 1.251 trường hợp chuyển tuyến trên điều trị (7%). Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 73 trường hợp.

So với năm 2016, số ca tai nạn giao thông thông và tử vong đều giảm. Con số bệnh nhân tai nạn giao thông trong 3 ngày Tết Nguyên đán 2016 là 17.278 trường, trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não, 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não. Số ca tử vong do TNGT kể cả trước viện và tiên lượng tử vong xin về là 88 trường hợp.

Theo BS trực cấp cứu ngày mùng 2 Tết tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), ngày mùng 2 Tết là ngày kỉ lục số bệnh nhân được đưa tới viện trong 3 ngày nghỉ Tết. Chưa kịp có con số thống kê, nhưng các bác sĩ liên tục phải sơ cứu, chuyển bệnh nhân đến các khoa chuyên môn để giải phóng giường bệnh, tiếp nhận ca cấp cứu mới. Trong số bệnh nhân nhập viện, các ca đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn liên quan đến rượu rất nhiều.

Trong 3 ngày Lễ, cũng có đến 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện), không có trường hợp tử vong. Có 28 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác, không có ca tử vong.

Ngộ độc thực phẩm cũng là vấn đề nổi cộm trong ngày Tết với tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn và rượu là 1.167 trường hợp, trong đó 391 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (33%), có 01 trường hợp tử vong tại bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hưng Yên vì ngộ độc thuốc diệt cỏ.

Theo Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân ở còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7h sáng ngày 29/01/2017 (Mùng 2 Tết) là 79.190 người bệnh.

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 71.308 trường hợp, trong đó: có 16.382 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 4.858 trường hợp phải chuyển viện. Thực hiện 6331 ca phẫu thuật, trong đó164 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân).

Đỡ đẻ/mổ đẻ thành công đón 8.052 cháu bé chào đời và điều trị khỏi cho xuất viện 53.210 người bệnh. Các BV thực hiện tốt thường trực cấp cứu ngoại viện, có 1.817 lượt vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương của bệnh viện. Tổng số lượng máu còn dự trữ tại các bệnh viện là 6.556 lít.

Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm (63/63 tỉnh/thành phố, 5 Viện khu vực trên toàn quốc) và cả trên phương tiện thông tin đại chúng, tính từ 07h00 sáng ngày 28/01/2017 đến thời điểm 14h00 ngày 29/01/2017, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang