Lấy mẫu kiểm tra lần thứ 3 trường hợp bé bị bệnh đầu nhỏ ở Đăk Lăk
Đoàn công tác của VN cùng Giáo sư người Nhật Bản đã lấy 12 mẫu máu của những người thân trong gia đình cháu bé bị bệnh đầu nhỏ ở Đăk Lăk để đi xét nghiệm lần 3.
Để có câu trả lời cho thông tin bệnh đầu nhỏ của cháu bé 4 tháng tuổi ở huyện Krông Búc, tỉnh Đăk Lăk có liên quan đến virus Zika hay không, ngày 01/11, Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng Giáo sư Futoshi Hasebe đến từ Trường Đại học Nagasaki, Nhật Bản đã đến gia đình cháu bé để lấy mẫu kiểm tra lần ba.
Tại đây, đoàn công tác đã lấy 12 mẫu máu của những người thân trong gia đình cháu bé để đưa đi xét nghiệm lần ba. Các mẫu xét nghiệm lần thứ ba sẽ đánh giá kết quả về virus Zika trong mẫu huyết thanh của mẹ và cháu bé.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu huyết thanh của gia đình cháu bé đi xét nghiệm thì phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu của virus Zika và kháng thể trung hòa virus Zika.
Ông Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Ngày 31/10, Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm đối với gia đình cháu bé đầu nhỏ ở huyện Krông Búc, tỉnh Đăk Lăk là dương tính với virus Zika.
Tuy nhiên, bệnh đầu nhỏ của cháu bé có liên quan đến virus Zika hay không cần kiểm tra thực địa và lấy mẫu xét nghiệm lại. Bệnh đầu nhỏ có rất nhiều nguyên nhân gây ra, do đó đoàn công tác xuống lấy mẫu kiểm tra lại và đề xuất Bộ Y tế có hướng xử lý.
Phẫu thuật khối u nặng hơn 0,5kg ở cổ cho bệnh nhân 61 tuổi
http://www.nguoiduatin.vn/phau-thuat-khoi-u-nang-hon-05kg-o-co-cho-benh-nhan-61-tuoi-a304899.html
Suốt 10 năm bà Loan chấp nhận "vác" khối u ở cổ nặng hơn 0,5kg. Các bác sĩ tại bệnh viện Quốc tế Đồng Nai vừa mổ thành công và lấy được khối bướu cổ lớn, nặng hơn 0,5 kg (10 x 8 cm) ra khỏi cổ cho bệnh nhân nữ lớn tuổi.
Bệnh nhân này là bà Trần Thị Loan, 61 tuổi ngụ xã Quảng Biên, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Bà Loan đã "vác" khối u này ở cổ suốt 10 năm qua. Theo bác sĩ Lê Đình Hùng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn (người trực tiếp mổ cho bà Loan) cho biết thời điểm nhập viện khối bướu của bà Loan đã phình to, cao hơn cằm.
Nhưng do bà Loan còn bị bệnh tiểu đường, hơn nữa đường huyết lại quá cao nên các bác sĩ phải hạ đường huyết cho bệnh nhân rồi mới tiến hành phẫu thuật.
Sau nhiều giờ, ca phẫu thuật đã thành công và hiện tại bệnh nhân đã bình phục. Người nhà của bệnh nhân Loan chia sẻ: "10 năm trước, khối bướu ở cổ bắt đầu xuất hiện và ngày càng to dần. Tuy nhiên, gia đình cho rằng khối bướu lành tính, không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt nên trì hoãn việc phẫu thuật. Nhưng đến nay bà Loan thấy khó chịu nên nhập viện và được các bác sĩ phẫu thuật".
Bệnh xá giữa trùng khơi
http://www.baogiaothong.vn/benh-xa-giua-trung-khoi-d174719.html
Bệnh xá trên đảo Trường Sa Lớn thực sự là điểm tựa giúp quân, dân yên tâm bám biển, sinh sống và làm việc trên đảo. Cơn ho rũ rượi cộng thêm những cơn sốt cảm khiến tôi hoa mắt, chóng mặt từ mấy hôm trước còn đang ở trên tàu Hải Đăng 05, dù được nhà tàu cấp thuốc kháng sinh nhưng vẫn không khỏi. Tàu cập đảo Trường Sa Lớn, đồng chí Chính trị viên Nguyễn Văn Tuấn thấy tôi có vẻ mệt mỏi, cười hiền bảo: “Nhà báo cứ yên tâm, trên đảo có bác sỹ giỏi lắm sẽ chữa dứt điểm nhanh thôi”. Bệnh xá đảo nằm dưới tán mấy cây bàng khá yên tĩnh. Khác với lúc ở trên tàu Hải Đăng 05 từng cuộn gió biển táp vào người lồng lộng, ở trên đảo gió nhẹ xạc xào lá, se lạnh như mùa thu ở đất liền. Đồng chí Chính trị viên “bàn giao” tôi cho Bác sỹ Chuyên khoa I, Đại úy Trương Đức Cường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn không quên “quảng cáo”: “Đây là bác sỹ giỏi nhất của đảo. Nhà báo chỉ cần vài viên thuốc là lại khỏe ngay”.
Bác sỹ Cường khám, soi họng tôi khá kỹ rồi chẩn bệnh: “Viêm xoang, viêm họng cấp, đề nghị không tiếp tục ngủ trên boong tàu nữa, phải ngủ trong phòng kín gió. Uống thuốc theo đơn đầy đủ nhé”. Rồi bác sỹ Cường cấp cho tôi mấy vỉ thuốc đặc trị yêu cầu uống ngay để dịu bệnh.
Tại khu vực Trường Sa, ngoài các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ còn có công nhân làm việc ở các trạm hải đăng, trạm khí tượng hải văn, người dân sống trên đảo, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải và đặc biệt là rất nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Chính vì có bệnh xá đảo Trường Sa Lớn nên các chiến sỹ, công nhân, ngư dân và người dân yên tâm khi làm việc trên biển.
Và quả thật sáng hôm sau khi ngủ dậy, cổ họng bớt đau, người đỡ sốt, cơn đau ở hốc mũi cũng đỡ nhiều khiến tôi khỏe khoắn hơn. Tôi gặp bác sỹ Cường để cảm ơn, hỏi chuyện mới biết anh ra đây công tác theo chương trình luân chuyển y, bác sỹ hàng năm của Bệnh viện Quân y 175. Mới ra đảo được vài tháng nhưng anh đã quen với công việc.
“Gần như ngày nào cũng có bệnh nhân đến cấp cứu, khám và điều trị. Ngoài khám bệnh cho quân, dân, công nhân trạm hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn, bệnh xá còn khám cho bà con ngư dân. Trung bình mỗi tháng khoảng 200 - 300 bệnh nhân”, bác sỹ Cường nói rồi dẫn tôi đi thăm bệnh xá. Dù ở đảo, nhưng bệnh xá được trang bị những thiết bị y tế hiện đại với máy siêu âm, chụp X quang, xét nghiệm máu tại chỗ. Trường hợp nào nặng vượt khả năng điều trị của bệnh xá mới phải hội chẩn qua truyền hình trực tiếp với Bệnh viện Quân y 175.
Câu chuyện đang dang dở bỗng có một trường hợp vào cấp cứu. Bệnh nhân là Lê Giang Thành, SN 1992, quê ở Thanh Hóa, làm việc trên một tàu đánh bắt hải sản ở khu vực Trường Sa, có biểu hiện đau bụng từ đêm hôm trước. Cơn đau dai dẳng khiến thủy thủ đoàn quyết định đưa bệnh nhân lên đảo cấp cứu. Bác sỹ Lê Thanh Liêm trực tiếp siêu âm, xét nghiệm máu cho bệnh nhân cho biết, thông thường nhiều ngư dân cũng hay lên bệnh xá khám, chữa bệnh và xin thuốc. “Sau khi khám, lần sau trở lại, nhiều người còn mang theo cá, mực biếu anh em bác sỹ khiến chúng tôi rất cảm động”, bác sỹ Liêm chia sẻ.
Theo biên chế, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn có ba bác sỹ chuyên khoa ngoại, cấp cứu và khoa nội. Bác sỹ Cường cho biết thêm, những ca nặng sẽ hội chẩn trực tiếp từ đất liền nên dù lượng bệnh nhân đến khám khá đông, nhưng công việc cũng không đến nỗi quá tải. Thông thường, ngư dân hoạt động trên biển và cả quân nhân trên đảo hay gặp các dạng bệnh như ở đất liền. Tuy nhiên, do tính chất đi biển có khi phải mất nhiều thời gian mới đến được đảo nên những bệnh nhẹ lại bị nặng hơn. Nguy hiểm nhất là bệnh viêm ruột thừa và tai biến, đột quỵ.
Bác sỹ Cường nhớ lại những ngày đầu tiên mới ra đảo cách đây 5 tháng. Ngay đêm đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ ở bệnh xá, anh đã xử lý hai ca cấp cứu nặng. Trường hợp ngư dân tên Lợi, làm việc trên một tàu cá, bị viêm ruột thừa cấp ở giờ thứ 30. Bệnh này khi ở đất liền xử lý rất dễ, có thể mổ nội soi, nhưng do đang đi biển nên bệnh nhân đến đảo muộn. Các bác sỹ sau khi hội chẩn kỹ lưỡng đã quyết định mổ mở để cứu bệnh nhân. Dù tự tin vào kinh nghiệm của mình, nhưng bác sỹ Cường vẫn lo lắng trong lần cứu người đầu tiên ở môi trường mới. Nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Ca mổ kết thúc thành công lúc 2h sáng.
Chưa kịp nghỉ ngơi, khoảng 4h sáng, các bác sỹ lại tiếp nhận một bệnh nhân khác đang làm việc trên tàu kiểm ngư, cũng bị viêm ruột thừa ở giờ thứ 42. Đây là trường hợp rất nặng và nguy kịch, có biểu hiện vỡ, nhiễm trùng. Một mặt ê-kíp chuẩn bị mổ cấp cứu cho bệnh nhân, một mặt báo cáo hội chẩn với lãnh đạo Bệnh viện 175. Cấp trên đồng ý chuyển bệnh nhân vào bờ bằng máy bay trực thăng, nhưng sau khi hội chẩn lần cuối, bệnh nhân được giữ lại mổ tại bệnh xá.
“Ca phẫu thuật hôm đấy kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Vết mổ lớn và muộn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Bệnh nhân không có người nhà chăm sóc, nên các y, bác sỹ phân công nhau chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu phẫu, từ việc đánh răng cho đến các sinh hoạt khác. Thật mừng là sau ba ngày, bệnh nhân khỏe dần lên. Anh em vui lắm, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến”, bác sỹ Cường kể.
Có một bệnh nhân khiến các bác sỹ ở bệnh xá trên đảo nhớ và day dứt mãi. Đó là lần cấp cứu cho ngư dân Phùng Bá Hưng, quê Quảng Ngãi, được chẩn đoán đuối nước và chấn thương sọ não hồi tháng 8. Bác sỹ Cường nhớ lại, ban đầu khi vớt lên nạn nhân trong tình trạng hôn mê, mạch không ổn định, nước trong phổi nhiều, lơ mơ... Bệnh nhân được cấp cứu tích cực hai ngày nhưng chuyển biến không tốt. Các bác sỹ quyết định hội chẩn và chuyển bệnh nhân bằng máy bay về Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân sau đó được cấp cứu điều trị tích cực nên dần hồi tỉnh.
Ngư dân Lê Giang Thành cho biết, những lần đau ốm khi đang đi biển, anh em thủy thủ lại lên đảo khám bệnh và xin thuốc. Các bác sỹ ở đảo nhiệt tình, khám bệnh cẩn thận, dặn dò uống thuốc kỹ lưỡng và cả cách phòng, tránh bệnh tật trên biển. Thuyền viên xa nhà cả mấy tháng trời, lênh đênh trên biển như thế, cũng may ở đảo có các bác sỹ nên yên tâm bám biển.
Còn ông Vũ Duy Minh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn tâm sự, công nhân gác đèn biển như chúng tôi xa gia đình cả nửa năm trời, khi bệnh tật, đau ốm đã có các bác sỹ ở bệnh xá nên hoàn toàn yên tâm làm việc, yên tâm gác đèn khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước.
Chưa có cơ sở xác định ngộ độc thực phẩm tại doanh nghiệp ở Bình Dương
Liên quan đến hàng trăm công nhân Công ty TNHH Apparel Far Eastern nhập viện cấp cứu, sáng nay 2-11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Bình Dương cho biết, chưa có cơ sở xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm. Hiện, Chi cục tiếp tục thực hiện các bước kiểm tra, điều tra tiếp theo để có kết luận chính thức nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, ngày 1-11, tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern, hoạt động sản xuất hàng may mặc với 5.000 công nhân tại thị xã Thuận An (Bình Dương), trong buổi cơm chiều vào lúc 17 giờ có 1.512 người ăn với thực đơn gồm: cơm, canh chua bạc hà, đu đủ xào, chả cá sốt cà, gà kho xả, bún bò Huế và một số món chay.Sau khi ăn khoảng 15 đến 30 phút, một số công nhân có biểu hiện ngứa tê họng, buồn nôn, chóng mặt, một số ít có nôn. Đến 19 giờ cùng ngày, nhiều công nhân cũng có biểu hiện tương tự.
Tất cả trường hợp có biểu hiện trên đều được chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Thuận An, Phòng khám đa khoa Bình An, Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo với tổng cộng là 310 người nhập viện theo dõi. Đến 21 giờ cùng ngày, tất cả công nhân đều xuất viện.
Theo nhận xét ban đầu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương, tuy chưa xác định được tác nhân gây ngộ độc cụ thể do đang trong quá trình tiếp tục điều tra nhưng trong sự cố này, có dấu hiệu phản ứng dây chuyền tâm lý vì hầu hết công nhân là nữ và vào viện đều khai ngứa họng, buồn nôn, chóng mặt và sau đó được cho xuất viện sau khoảng 1 giờ 30 phút nhập viện.
Từ những nhận xét trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương kết luận sơ bộ: Bữa ăn nguyên nhân là bữa ăn chiều, thức ăn nguyên nhân là canh chua bạc hà. Còn tác nhân gây ngộ độc thì chưa xác định vì chờ kết quả xét nghiệm nên chưa có cơ sở xác định được đây là vụ ngộ độc thực phẩm. Hiện, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương tiếp tục thực hiện các bước kiểm tra, điều tra tiếp theo để có kết luận chính thức nguyên nhân vụ việc trong những ngày tới.
Chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trên 27.000 trẻ em Việt Nam
FedEx Express, trực thuộc tập đoàn FedEx (NYSE: FDX), một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới, đã phối hợp với Quỹ Tài Trợ VinaCapital tổ chức các chuyến thăm Bệnh Viện Tim Hà Nội và tỉnh Bến Tre nhằm đem dịch vụ chăm sóc tim miễn phí đến cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình “FedEx Mang Nhịp Đập Đến Trái Tim”.
Chương trình khám sàng lọc, chuẩn đoán và điều trị đã được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của các bệnh viện uy tín tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Đội ngũ tình nguyện viên FedEx cũng có mặt trong các chuyến thăm khám, giúp bệnh nhân đăng ký lượt khám, và hỗ trợ các em cùng gia đình trong quá trình hậu phẫu.
Năm nay, phòng khám lưu động FedEx Mang Nhịp Đập Đến Trái Tim đã cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 27,526 trẻ em Việt Nam, bao gồm tiến hành các xét nghiệm lâm sàng, chữa trị và sắp xếp danh sách chờ mổ khi cần thiết. Những em đã được hỗ trợ phẫu thuật bởi chương trình Nhịp Tim Việt Nam cũng được khuyến khích đến phòng khám lưu động để tái khám sau mổ, giúp giảm bớt chi phí và công sức đến tái khám tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Qua 236 phòng khám lưu động được tổ chức từ năm 2011, chương trình đã đưa hơn 1,036 bác sĩ và nhân viên y tế đến hơn 43 tỉnh thành trên toàn quốc và cung cấp dịch vụ chăm sóc tim miễn phí cho hơn 60,767 trẻ em.
Chương trình FedEx Mang Nhịp Đập Đến Trái Tim cũng đánh dấu năm thứ 9 của dự án FedEx Cares. Đây là một sáng kiến toàn cầu, bao gồm hơn 15,000 tình nguyện viên FedEx tình nguyện đóng góp năng lực và thời gian để hỗ trợ các dự án cộng đồng trên toàn thế giới.
Hàng trăm công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
http://cand.com.vn/Xa-hoi/Hang-tram-cong-nhan-nhap-vien-nghi-ngo-doc-thuc-pham-415115/
Thực đơn bữa ăn chiều tại Công ty gồm cơm, chả cá, đồ xào, thịt, bún bò, canh chua, suất ăn của các công nhân được công ty thuê 1 đơn vị mang từ ngoài vào...
Tối 1-11, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH APPAREL FAR EASTERN VIETNAM (tọa lạc KCN VSIP 1, thị xã Thuận An, Bình Dương) có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, rát cổ sau bữa ăn chiều tại công ty. Các công nhân đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ghi nhận thực tế, lúc 22h tối 1-11, hàng trăm công nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo (Bình Dương) để cấp cứu trong tình trạng đau bụng, chóng mặt, nôn ói, rát cổ.
Theo các công nhân: Lúc 17h cùng ngày, hơn 1.000 công nhân thuộc xưởng 2 và một số xưởng khác đi ăn cơm. Khoảng 15 phút sau, nhiều công nhân có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngứa cổ rồi sau đó ngất xỉu hàng loạt.
Thực đơn bữa ăn chiều tại Công ty gồm cơm, chả cá, đồ xào, thịt, bún bò, canh chua, suất ăn của các công nhân được công ty thuê 1 đơn vị mang từ ngoài vào. Do Bệnh viện Hoàn Hảo bị quá tải nên nhiều công nhân khác được chuyển sang các bệnh viện lân cận như Quân đoàn 4, Trung tâm y tế Dĩ An...
Người đàn ông 38 tuổi tử vong vì bị loài ấu trùng bé bằng đầu kim đốt
Người đàn ông bị sốt cao, đau đầu, nôn…Sau tự điều trị ở nhà không khỏi, bệnh nhân chuyển đến viện thì đã ở tình trạng suy đa tạng và không qua khỏi, dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca nhập viện vì sốt mò. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Nông Văn D., 38 tuổi (trú tại Chân Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện ngày 24/10 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn. Bệnh nhân đã tự điều trị hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh trở nặng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị.
Tại đây, các bác sỹ thăm khám thấy bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vai và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đã bị suy đa tạng. Mặc dù đã được các bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Mới đây nhất, ngày 29/10 bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân Đặng Văn T., 40 tuổi, ở Minh Hương, Hàm Yên, Tuyên Quang. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, trước khi nhập viện bệnh nhân T. đi rừng, bị côn trùng đốt 1 nốt vào vùng bẹn, vết đốt ngứa, tấy đỏ và sưng đau hạch.
Bệnh nhân bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Yên để điều trị trong 3 ngày, sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. BSCKI Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua thăm khám bệnh nhân T., phát hiện bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vùng bẹn và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân đã bị tổn thương gan cấp, tràn dịch đa màng...
Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, các bác sỹ đã dùng các thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị cho bệnh nhân T. Hiện tại, bệnh nhân đã đỡ đau đầu, giảm sốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Cảnh báo về căn bệnh sốt mò, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia tsuisugamushi có trong mò gây ra. Loại mò này thường đốt bệnh nhân 1 nốt ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến những trường hợp nặng, do tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nếu phát hiện và điều trị không kịp thời.
Vết đốt có viêm tấy đỏ, đau, ngứa và khó chịu. Cuối cùng bọc nước vỡ ra để lại một vết loét đặc hiệu có giá trị trong chẩn đoán bệnh. Ấu trùng mò chỉ ký sinh ở vật chủ một lần, nó chích hút máu cho no mới rời khỏi vật chủ.
Để phòng bệnh sốt mò, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khánh Hòa: Dịch sốt xuất huyết gia tăng
http://nongnghiep.vn/khanh-hoa-dich-sot-xuat-huyet-gia-tang-post179220.html
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh đã ghi nhận trên 4 ngàn ca mắc bệnh SXH, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch SXH trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 với số ca nhiễm bệnh mới tăng trên 200 ca, riêng trong tháng 10 đã tăng lên đến 282 ca. Một số địa phương có số người mắc bệnh SXH cao như: TP Nha Trang, Cam Ranh và TX Ninh Hòa. Bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết, trung bình mỗi ngày, chúng tôi điều trị từ 25 đến 40 ca SXH, có những ngày cao điểm lên đến gần 50 ca. Chỉ trong tháng 10, BV đã tiếp nhận gần 200 ca, tăng gấp 3 lần so với các tháng trước, các y bác sĩ phải kê thêm giường xếp cho bệnh nhân nằm, trưng dụng cả phòng hành chính, phòng họp làm nơi điều trị cho bệnh nhân
Số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng cao ở đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 1.11, ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 1.100 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015.
Các địa phương có nhiều ca mắc SXH là TX.Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề. Cùng ngày, ông Bùi Quốc Năm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cũng cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 709 ca mắc bệnh SXH, tăng khá cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ chủ động phòng ngừa nên tình hình bệnh SXH được các địa phương kiểm soát chặt, không để lây lan ra diện rộng.
Tại Cần Thơ, theo BS.CK2 Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Cần Thơ, từ đầu năm đến nay trên địa bàn phát hiện 676 ca SXH (1 tử vong), tăng 192 ca so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 27.10, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết hiện BV có 70 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH) đang điều trị. Trong đó, có 4 trẻ rất nặng, một trẻ vừa được cứu sống, 3 trẻ khác đang được lọc máu trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Tại Cà Mau, từ đầu tháng 10 đến nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Riêng ngày 31.10, toàn tỉnh ghi nhận có 18 ca mắc SXH, tăng 10 ca so với ngày hôm trước. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau, đến cuối tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận có 1.553 ca mắc bệnh SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2015; trong đó có 3 ca tử vong.
Tại An Giang, tính đến ngày 27.10, toàn tỉnh có 2.594 ca mắc SXH, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó có 2 ca tử vong do nhập viện cấp cứu muộn. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết tình hình dịch bệnh SXH đã có dấu hiệu chựng lại. Tại các huyện Châu Phú, Thoại Sơn, trước đây số ca mắc bệnh SXH tăng nhanh nhưng trong 3 tuần gần đây không phát sinh thêm. Tuy nhiên, do hiện đang trong mùa mưa, muỗi sinh sôi phát triển mạnh nên ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống, thả cá bảy màu tiêu diệt lăng quăng, ngủ mùng để hạn chế bị mắc bệnh.
Hà Nội: Bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika
http://suckhoedoisong.vn/ha-noi-bat-muoi-xet-nghiem-tim-ca-the-muoi-nhiem-vi-rut-zika-n124428.html
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 1/11 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 1/11 đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức hoạt động bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika nhằm chủ giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh. Hoạt động này được thực hiện tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) và xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) nhằm bắt được nhiều muỗi nhất để các chuyên gia xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm vi rút Zika.
Theo các chuyên gia, loại muỗi truyền vi rút Zika chính là muỗi lây bệnh sốt xuất huyết. Đặc điểm loại muỗi này là có màu đen, thân và chân có những đốm trắng nên được gọi là muỗi vằn. Khi muỗi đã nhiễm vi rút, nó có thể truyền bệnh. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà, khu xây dựng như: Ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp, hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây…
Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng, bọ gậy đã được Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã giám sát, phát hiện 55 trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc virus Zika, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Theo Sở Y tế, trung bình 1 ngày có khoảng 50-60 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 7.000-8.000 hành khách nhập cảnh vào Hà Nội qua sân bay quốc tế Nội Bài. Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sân bay Nội Bài đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện sớm hành khách có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Zika.
Về dịch bệnh do vi rút Zika, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đắk Lắk mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm virus Zika.
Liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika, TS Trần Đắc Phu bày tỏ quan ngại, dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Các bà mẹ không nên hoang mang nhưng phải biết cách chủ động phòng bệnh. Các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng vẫn được đẩy mạnh nhưng không thể đảm bảo không có con muỗi nào, vì thế quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cá nhân: mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày… Tuy nhiên, TS Phu cũng trấn an người dân không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi. Tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ.
Các chuyên gia cho biết thêm, vi rút Zika chỉ gây nguy hiểm đối với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu. Từ tuần thứ 14 trở đi, nếu thai phụ có nhiễm Zika cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi, nhất là trí tuệ. Điều đáng lo ngại là việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ thường ở giai đoạn rất muộn và không có biện pháp can thiệp điều trị nào ngoài đình chỉ thai nghén.
Để có thể giúp chẩn đoán sớm biến chứng đầu nhỏ ở thai nhi, điều quan trọng là các thai phụ cần đi khám đúng theo lịch hẹn đã quy định, đặc biệt là từ tuần 16 đến tuần thứ 22 để đo cấu trúc hệ thần kinh.
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên, từ ngày 22/10 đến nay, trên địa bàn Thôn 5, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên đã xuất hiện 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 05 trường hợp cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết dengue.
Hiện nay đã có 03 bệnh nhân khỏi bệnh, 03 bệnh nhân đang được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, 02 bệnh nhân theo dõi điều trị tại Trạm Y tế xã. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở đây người dân vẫn chủ quan lơ là, chính quyền địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kịp thời xuống tận hiện trường nơi xẩy ra dịch kiểm tra công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Tại đây, Đoàn đã xuống các hộ gia đình có bệnh nhân sốt xuất huyết thăm hỏi, động viên, đồng thời kiểm tra, giám sát dịch tễ gây bệnh. Qua kiểm tra cho thấy, người dân tại đây chủ yếu dùng bể chứa đựng nước mưa để sử dụng và hầu hết các bể chứa đựng nước mưa đều không có nắp đậy kín; không thả cả vào bể nước để diệt lăng quăng; một số vật dụng chứa nước không cần thiết như: chai, lốp xe, lu, vại xung quanh nhà đều có chứa lăng quăng… công tác tuyên truyền vận động người dân trong việc vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch sốt xuất huyết chưa được chính quyền và người dân quan tâm, còn ỉ lại cho cán bộ y tế, điều này cho thấy nguy bùng phát dịch sốt xuất huyết tại đây là rất lớn.
Sau khi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại xã Cẩm Lĩnh, Bác sĩ Lê Ngọc Châu - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Trạm Y tế xã Cẩm Lĩnh cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên loa truyền thanh xã để toàn thể nhân dân biết về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng tránh; chính quyền địa phương cần huy động các lực lượng ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, kịp thời dập dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Đặc biệt, phải bảo đảm xử lý triệt để các ổ bọ gậy tại các hộ gia đình, các dụng cụ phế thải, các ổ đọng nước tại khu vực chợ, trường học; theo dõi sát sức khỏe các bệnh nhân mắc đang điều trị tại các cơ sở y tế, đồng thời thu dung sớm các bệnh nhân mới có dấu hiệu Sốt xuất hiện để có phương pháp điều trị kịp thời; Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Cẩm Xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng sớm trên địa bàn toàn xã để hạn chế sự lây lan của sốt xuất huyết. Đồng thời, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành đối với công tác phòng phòng chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan và kéo dài, không phát sinh thêm bệnh nhân mới.
Việc xuất hiện ổ dịch đầu tiên là dấu hiệu cảnh báo dịch có thể bùng phát nếu không kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế
thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức vệ sinh của người dân để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, vì sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và ngủ màn phòng muỗi đốt.
Hà Tĩnh: Ăn phải nấm độc, cả nhà nhập viện
http://suckhoedoisong.vn/ha-tinh-an-phai-nam-doc-ca-nha-nhap-vien-n124438.html
Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc của 5 người trong gia đình chị Phan Thị Nguyệt 37 tuổi, ở xóm 8 xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau gần 5 giờ tích cực điều trị rửa ruột và truyền dịch, tất cả 5 nạn nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn đang được theo dõi điều trị vì sức khoẻ còn yếu.
Bác sỹ Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, sau khi ăn phải một loại nấm mọc gần đống rơm của gia đình, cả 5 người đều có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, chóng mặt, huyết áp tụt may mắn được hàng xóm đưa lên Bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê cấp cứu kịp thời.
Đây là một trong nhiều vụ ngộ độc nấm được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê, cảnh báo mọi người không nên ăn các loại nấm lạ nguy hiểm đến tính mạng.
Thu hồi 3 sản phẩm mỹ phẩm của công ty TNHH Châu Âu Việt Nam
http://suckhoedoisong.vn/thu-hoi-3-san-pham-my-pham-cua-cong-ty-tnhh-chau-au-viet-nam-n124427.html
Qua kiểm tra hậu mãi sản phẩm mỹ phẩm tại Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam, Cục Quản lý Dược phát hiện, ba sản phẩm mỹ phẩm của công ty này có tên, công thức sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố...
Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc hàng loạt các lô mỹ phẩm do tên, công thức sản phẩm trên nhãn ghi không đúng với hồ sơ công bố. heo đó, qua kiểm tra hậu mãi sản phẩm mỹ phẩm tại Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam (tại địa chỉ: 214/19/26 Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) Cục Quản lý Dược phát hiện, ba sản phẩm mỹ phẩm của công ty này có tên, công thức sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố, do vậy tại công văn số 19905/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước và Công ty TNHH châu Âu Việt Nam, Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH châu Âu Việt Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và nhập khẩu.
Cụ thể, sản phẩm mỹ phẩm Phytomer- Gommge Corps Tonifiant Aux Cristaux De Sels Marins (số công bố 96991/14/CBMP-QLD cấp ngày 5/9/2014) bị thu hồi vì mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tên sản phẩm ghi trên nhãn Gommge Corps Tonifiant Toning body scrub và công thức sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
Sản phẩm mỹ phẩm Roberto Vizzari – Vizzari White Women – Eau de parfum (số công bố 480/15/CBMP-QLD cấp ngày 6/11/2015) bị thu hồi vì mỹ phẩm lưu thông có tên sản phẩm ghi trên nhãn Roberto Vizzari – Vizzari White Women –
Trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã liên tục quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi nhiều loại mỹ phẩm
Sản phẩm mỹ phẩm Evafor – Whisky Men Sliver – Eau de Toilete (số công bố 481/15/CBMP-QLD cấp ngày 6/11/2015) bị thu hồi vì mỹ phẩm lưu thông có tên sản phẩm ghi trên nhãn Evafor – Whisky Men Sliver – Eau de Toilete không đúng như hồ sơ đã công bố
Cục quản lý Dược yêu cầu công ty TNHH Châu Âu Việt Nam báo cáo việc thu hồi các lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định trên về Cục trước ngày 5/11/2016. Sở Y tế Hồ Chí Minh và Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát việc thu hồi mỹ phẩm không đáp ứng quy định, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam. Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng đã có quyết định số 499/QĐ-QLD về việc thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với cả 3 sản phẩm mỹ phẩm kể trên do Công ty TNHH Châu Âu Việt Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và nhập khẩu vì lý do mỹ phẩm nhập khẩu và lưu thông có tên, công thức sản phẩm ghi trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
Không điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế trong năm 2016
http://suckhoedoisong.vn/khong-dieu-chinh-tang-gia-dich-vu-y-te-trong-nam-2016-n124425.html
Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu về công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm
Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 19/10/2016. Theo đó, tại thông báo kết luận nêu rõ, từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá còn nhiều áp lực do các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; giá xăng dầu có xu hướng hồi phục. Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng dự kiến sẽ tác động tới tình hình lạm phát. Do đó, công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Gữ ổn định lạm phát cơ bản dưới 2%
Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo để ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, ổn định lãi suất huy động, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng. Điều hành tín dụng nhịp nhàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất cần thiết, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, nhà ở xã hội. Chú ý mức độ tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực có yếu tố rủi ro. Quản lý có hiệu quả hơn thị trường ngoại hối. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu
Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giữ ổn định giá bán lẻ điện trong những tháng còn lại của năm 2016; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để không tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cân đối cung cầu thị trường các mặt hàng khác thuộc chức năng quản lý trong đó có vấn đề về điều hành linh hoạt hạn ngạch nhập khẩu, nhất là đối với mặt hàng đường góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi để có giải pháp điều hành phù hợp. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết 31 tháng 12 năm 2016 theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 30/4/2015 của Chính phủ và tính toán kịch bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành sau khi hết thời hạn bình ổn giá.
Các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, các Bộ liên quan đến sản xuất chỉ đạo các cơ quan của Bộ và phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tổ chức triển khai việc đấu thầu giá thuốc để kéo giá thuốc giảm xuống.
Năm 2016 không điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương và phụ cấp) đối với nhóm không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả; Bộ Y tế hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuẩn bị kỹ kịch bản, tính toán lộ trình và mức tăng trong năm 2017.
Đối với giá dịch vụ y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan xem xét, tính toán kỹ việc điều chỉnh giá có tính tiền lương và phụ cấp đối với các địa phương còn lại với liều lượng và thời điểm thích hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề xuất phương án báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ trước khi điều chỉnh.
Thi ảnh ‘Việt Nam quyết tâm chiến thắng bệnh lao’
http://daidoanket.vn/suc-khoe/thi-anh-viet-nam-quyet-tam-chien-thang-benh-lao/131833
Cuộc thi do Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam và BV Phổi Trung ương tổ chức, diễn ra từ 31/6/2016-28/2/2017, hướng tới đối tượng là mọi công dân Việt Nam.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 2/11, Ban tổ chức cuộc thi cho hay, các tác phẩm dự thi là ảnh, phóng sự ảnh hoặc nhóm ảnh chưa sử dụng hoặc được sử dụng trong thời gian trên các phương tiện thông tin truyền thông cả nước trong thời gian diễn ra cuộc thi.
Chủ đề cuộc thi phản ánh công cuộc đẩy lùi và tiến tới thanh toán hết bệnh lao trên cả nước.
Ban Tổ chức chỉ tiếp nhận các tác phẩm dự thi bằng files với kích thước ảnh tối thiểu 3Mb, định định dạng có đuôi JPG.
Tác giả có thể gửi tác phẩm dự thi dưới dạng đĩa, USB theo địa chỉ: Bệnh viện Phổi trung ương - 463 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội và ghi rõ bên ngoài phong bì: Dự thi “cuộc thi ảnh Việt Nam Quyết tâm chiến thắng bệnh Lao” hoặc gửi lên Facebook fanpage: http://www.facebook.com/cuocthianhphongchonglao2016/ hoặc gửi qua Email: http://www.vietnam@gmail.com.
Tác phẩm dự thi phải được ghi đầy đủ những thông tin cần thiết như: Tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, địa chỉ email của tác giả.
Trong cơ cấu giải thưởng, có 1 giải nhất trị giá 9 triệu đồng, 2 giải nhì, mỗi giải 7 triệu đồng, 3 giải ba, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 5 giải khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng.
Trong cơ cấu giải thưởng cho phóng sự ảnh/nhóm ảnh, có 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng, 2 giải nhì, mỗi giải 8 triệu đồng, 3 giải ba, mỗi giải 6 triệu đồng và 5 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có một số các giải phụ như: Giải do khán giả bình chọn nhiều nhất, giải ảnh có ý nghĩa lịch sử nhất, giải ảnh gây xúc động nhất…
Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra 50 - 70 tác phẩm để triển lãm.