Bộ trưởng Y tế: 'Chưa thể hài lòng với chất lượng nhân viên y tế'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngành y đã có nhiều thay đổi trong phục vụ bệnh nhân, song bà vẫn chưa hài lòng bởi còn nhiều tồn tại dai dẳng.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thay đổi trong phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế trong năm 2016?
- Năm 2012, vấn đề người dân bức xúc nhất là tình trạng quá tải bệnh viện và thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Vì thế, ngành y tế quyết tâm đổi mới toàn diện phong cách phục vụ, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả kiểm tra các bệnh viện năm qua cho thấy số thư từ bệnh nhân và thân nhân khen ngợi tinh thần thái độ cán bộ ngành y tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cũng đã giảm.
Tôi đến nhiều bệnh viện, hỏi thăm nhiều người dân cũng cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành. Thời gian chờ đợi khám chữa bệnh của người dân đã giảm. Cán bộ y tế phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.
Theo kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến trung ương, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) gần đây cho thấy mức độ hài lòng của người bệnh về thời gian khám bệnh nhìn chung đạt trên 81%. Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt gần 90%, trong đó tuyến viện trung ương 88%; tỉnh 94%; huyện gần 86%.
Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường tại khu vực khám bệnh cũng như phòng bệnh ở các viện ngày càng được cải thiện và nâng cấp hơn. Ghế ngồi cho người bệnh chờ khám đã được tăng cường. Các tiện nghi như nước uống, quạt mát phục vụ người bệnh cũng được nhiều bệnh viện quan tâm tổ chức.
- Bộ trưởng đã hài lòng với chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên chưa?
- Bước đầu ngành y đã có những chuyển biến tích cực, nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhân viên y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà bệnh nhân, bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh.
Cá nhân tôi chưa thể hài lòng được. Vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục thực hiện và thực hiện quyết liệt, phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành y tế và cả người dân.
- Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của những tồn tại này?
- Nguyên nhân những tồn tại đó là do tình trạng quá tải bệnh viện, áp lực làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, sự xuống cấp, thiếu thốn của trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu trầm trọng nhân lực y tế… Một số lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt; vẫn nặng về cơ chế bao cấp ngày xưa.
Về phía cán bộ y tế, nhận thức của một bộ phận chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc). Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là hành vi, thói quen trong giao tiếp, ứng xử, nhất là những cán bộ trẻ, có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, thái độ không phù hợp, không thân thiện.
Về phía người dân, nhiều người bệnh, gia đình có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, chỉ định của thầy thuốc…
- Muốn đổi mới phong cách thái độ phục vụ tại các cơ sở y tế thì cần nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
- Điều đó là hoàn toàn đúng. “Có thực mới vực được đạo” nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập.
Bộ Y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại...; thực hiện lộ trình nâng giá viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính. Bộ cũng hướng dẫn, yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.
- Những dự định của Bộ trưởng trong năm 2017 để hướng tới sự hài lòng người bệnh?
- Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh…; đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế như phụ cấp thâm niên, lương khởi điểm của bác sĩ…
Bộ tập trung vào các nội dung quan trọng như: Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; có cơ chế theo dõi, kiểm tra các cam kết; Tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ y tế; Triển khai hoạt động nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện, đội tình nguyện tiếp sức vì người bệnh; Tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế, xây dựng phong cách, văn minh thân thiện; Nâng cao đời sống vật chất của cán bộ y tế.
TPHCM: 6 ca tử vong do sốt xuất huyết
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/1/445843/
Ngày 3-1, tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Đó là trường hợp chị M.T.T. (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) đã tử vong trước khi được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức do SXH kèm viêm phổi nặng… Như vậy, tính cả năm 2016, TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do dịch SXH.
Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thống kê cho thấy đến hết năm 2016, toàn thành phố đã có 21.367 ca mắc SXH, tương đương với năm 2015.
Trong năm qua, đỉnh dịch SXH rơi vào khoảng tháng 10, 11 và hiện đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở một số quận huyện như Thủ Đức, quận 5, quận 3, quận 10, số ca bệnh còn tăng.
Theo khảo sát dịch tễ, trong những năm qua, ổ bọ gậy là nguồn của muỗi gây bệnh SXH đã có nhiều biến đổi, không chỉ xuất hiện ở lu, khạp đựng nước trong các gia đình mà còn có trong nhiều dụng cụ khác.
Tử vong vì sốt xuất huyết do không đi tái khám
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tu-vong-vi-sot-xuat-huyet-do-khong-di-tai-kham-675536.html
“Cuối năm 2016, TP.HCM ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng số trường hợp chết vì bệnh này lên 6. Trong khi số ca tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2015 là 7”.
Trước đó, ngày 17-12-2016, bà MTT (35 tuổi, ở Thủ Đức, TP.HCM) bị sốt, mệt nên ra tiệm mua thuốc tây uống.
Hai ngày sau (19-12), do bệnh tình không giảm nên bà T đến khám tại BV quận Thủ Đức. Kết quả chẩn đoán cho thấy bà T bị sốt xuất huyết và viêm phổi. Do bà T chưa có biểu hiện nguy hiểm nên BV này cho toa thuốc về nhà và dặn bà T ba ngày sau tái khám.
Tuy nhiên đã qua ba ngày nhưng bà T không tái khám. Đến ngày 24-12 bà T mệt nhiều, huyết áp không đo được nên gia đình đưa tới phòng khám tư nhân. Do bệnh tình quá nguy kịch nên phòng khám này chuyển bà T đến BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Tuy nhiên bà T đã chết trước khi tới BV.
Sau khi bà T tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM điều tra và phát hiện khu vực bà T ở có nhiều lăng quăng. Trung tâm đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại khu vực bà T ở, kể cả nơi bà T làm việc.
Gần 1000 trường hợp cấp cứu trong 3 ngày nghỉ lễ
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/gan-1000-truong-hop-cap-cuu-trong-ba-ngay-nghi-le-675542.html
Mặc dù trong những ngày người dân cả nước nghỉ lễ nhưng đội ngũ y, bác sĩ BV vẫn túc trực, tiếp nhận 634 người đến khám bệnh chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, tăng hơn 108% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch 2017, số bệnh nhân cấp cứu do đâm chém, đả thương, tự tử, rắn rít côn trùng cắn ở mức thấp hơn so với năm trước.
Trong khi đó, các bệnh về thần kinh, tai mũi họng, lồng ngực… có số lượng tăng vọt. Có bệnh tăng đến 260% như Tai Mũi Họng, các bệnh về lồng ngực mạch máu tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng trong 3 ngày nghỉ lễ từ 31-12 đến 2-1, do nhu cầu cấp cứu cao, lượng máu sử dụng khá nhiều, với hơn 247 đơn vị máu được sử dụng, tăng gần 105% so với cùng kỳ năm 2016.
TP.HCM kiến nghị triển khai mô hình cấp cứu Paramedic
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tphcm-kien-nghi-trien-khai-mo-hinh-cap-cuu-paramedic-675556.html
Ngày 3-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế cho phép sớm triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện Paramedic tại thành phố.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mô hình cấp cứu ngoại viện Paramedic được triển khai ở Anh, Úc, Canada, Mỹ và một số nước trong khu vực.
"Với mô hình này, hoạt động sơ cấp cứu ngoại viện do trung tâm cấp cứu của thành phố đảm trách với nhiều trạm cấp cứu rải khắp thành phố" - ông Thượng nói.
Ông Thượng cho biết mỗi trạm cấp cứu được trang bị xe cứu thương với các dụng cụ sơ cấp cứu cần thiết, kể cả nhân viên y tế chuyên trách sơ cấp cứu ngoại viện.
"Trong quá trình tiếp cận hiện trường, sơ cấp cứu và vận chuyển người bệnh, xe cứu thương luôn giữ liên lạc với trung tâm điều hành cấp cứu thành phố để được hướng dẫn xử lý trường hợp nặng” – ông Thượng cho biết thêm.
Bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân: “Bệnh viện phải đền bù”
http://danviet.vn/tin-tuc/bo-quen-keo-trong-bung-benh-nhan-benh-vien-phai-den-bu-735641.html
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế sau sự việc bác sĩ Bệnh viện Bắc Kạn bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân suốt 18 năm.
Tháng 6/1998, ông Ma Văn Nhật (Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) bị tai nạn giao thông vào tháng được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn mổ.
Sau khi về nhà, ông Nhật vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường, cũng không thăm khám lại. Đến nay, sau 18 năm, trong một lần đi khám sức khỏe, các bác sĩ phát hiện ông Nhật vẫn có một chiếc kéo trong bụng.
Đến thời điểm này, ông Nhật đã được GS.TS.Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật lấy chiếc kéo ra khỏi ổ bụng.
Về sự việc này, trao đổi với phóng viên ngày 3/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định: “Đây là một sự cố y khoa đáng tiếc đối với ngành y. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng chắc chắn đây là sai sót của kíp mổ. Nhân viên y tế không kiểm tra, đối chiếu, không tuân thủ quy trình thì phải xử lý”.
Ông Quang nói tiếp: Về sự việc này, do thời gian xảy ra sự cố diễn ra quá lâu nên bệnh viện phải đứng ra chịu trách nhiệm và nhận lỗi với người bệnh.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, sau này xác định được cá nhân liên quan thì cá nhân đó và bệnh viện cùng chi trả đền bù, nhưng đó là việc nội bộ của bệnh viện. Ở trường hợp cụ thể của ông Nhật, kể cả trường hợp không tìm được hồ sơ bệnh nhân thì bệnh viện vẫn phải đền bù.
Cũng theo ông Quang, mức độ đền bù tùy thuộc vào thái độ của bệnh viện. Trong trường hợp bệnh viện thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ bệnh nhân, tai biến cũng không nặng nề thì hai bên có thể thỏa thuận.
Qua sự việc, đại diện Vụ Pháp chế khuyến cáo, để hạn chế tối đa sự cố y khoa, nhân viên y tế cần nắm vững các quy trình chuyên môn về phẫu thuật.
“Nếu nắm được rồi thì phải tuân thủ, không được chủ quan, sai sót về mặt chuyên môn”, ông Quang nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực ngoại khoa, nếu không thực hiện đúng quy trình và theo dõi, chẩn đoán chăm sóc chu đáo rất dễ xảy ra tai biến.
“Sự việc bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân là bài học cho Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn nói riêng và cho các bác sỹ và các cơ sở khám chữa bệnh nói chung trong việc thực hiện đảm bảo an toàn người bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Khuê cũng lý giải, xảy ra tai biến y khoa có thể do điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân lực..., cán bộ y tế chưa quan tâm nhiều đến an toàn người bệnh, không chấp hành đúng quy trình chăm sóc, điều trị, thực hành kỹ thuật y khoa….
Tại BV Bạch Mai – Bệnh viện lớn nhất khu vực miền Bắc, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, hiện nay các êkíp liên thông công việc, sau khi nhóm phẫu thuật hoàn tất ca mổ sẽ đếm lại gạc và dụng cụ, sau đó bàn giao dụng cụ cho nhóm rửa dụng cụ.
Nhóm rửa sẽ phải đếm lại dụng cụ lần nữa, lúc đó nếu thiếu họ sẽ chụp X-quang tại giường cho bệnh nhân và xác định quên sót hay không ngay, không để thể như trường hợp của ông Nhật.
Theo ông Dương Đức Hùng, trong tương lai nếu coi ngành y là ngành cung cấp dịch vụ, thì rất cần có luật và quy định rõ ràng về tai biến y khoa, tránh tình trạng các bên đều lúng túng khi không có cơ sở để xử lý theo pháp luật.
Báo quốc tế ‘sốt’ vụ người đàn ông Việt Nam bị bỏ quên kéo trong bụng
Sự việc người đàn ông đến từ tỉnh Bắc Cạn vừa trải qua cuộc phẫu thuật để gỡ bỏ chiếc kéo y tế (panh) bị bác sĩ bỏ quên trong bụng suốt 18 năm qua đang gây “sốt” trên các trang báo quốc tế.
Trên trang trực tuyến của hãng thông tấn BBC (Anh), bài viết có tựa đề “Chuyên gia y tế gỡ chiếc kéo bỏ quên sau 18 năm” đăng tải ngày 2.1 (giờ địa phương) đã đưa thông tin về tình huống hy hữu vừa xảy ra ở Việt Nam.
Bệnh nhân T. được can thiệp đặt stent động mạch thận. Ngay sau ca phẫu thuật, T. đã hết đau đầu, huyết áp trở về bình thường, chức năng thận cũng đã ổn.
BBC miêu tả rằng nạn nhân của sự việc là một người đàn ông 54 tuổi đã đến bệnh viện thăm khám vào tháng trước. Sau khi thực hiện siêu âm ổ bụng, các bác sĩ xác định có một vật thể “sắc bén nằm bên trái bụng”. Theo BBC, vật thể này có chiều dài khoảng 6 inch (khoảng 15 cm).
Cũng theo hãng thông tấn Anh quốc, cuộc phẫu thuật thuật loại bỏ chiếc kéo nằm trong bụng người đàn ông 18 năm đã được các bác sĩ đến từ Hà Nội lên tỉnh Thái Nguyên để thực hiện thành công.
Trong khi đó, bài viết đăng trên mục Sức khỏe của hãng tin 9News (Úc) với tựa đề “Các bác sĩ tìm thấy kéo y tế trong bụng người đàn ông suốt 18 năm” cũng khiến nhiều độc giả “choáng”.
“Các bác sĩ Việt Nam đã gỡ bỏ chiếc kéo bị han rỉ từ dạ dày của một người đàn ông 18 năm sau khi họ để quên nó ở trong đó”, 9News viết.
9News còn chia sẻ thêm rằng chiếc kéo được phát hiện trong bụng của nam bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh Thái Nguyên và điều đáng nói là “ông chưa bao giờ cảm thấy có bất cứ tác dụng phụ nào gây ra từ chiếc kéo”.
Trang Straits Times của Singapore ngày 3.1 cũng đăng tải nội dung bài viết về vụ việc chiếc kéo nằm trong bụng người đàn ông trong 18 năm qua. Trong bài viết của Straits Times đã miêu tả cụ thể thời gian người đàn ông Việt Nam bị các bác sĩ bỏ quên chiếc kéo là vào năm 1998 sau khi ông trải qua cuộc phẫu thuật do tai nạn giao thông.
Straits Times cũng nói thêm “người đàn ông dường như không chịu bất cứ cơn đau nào trong 18 năm qua trừ khi ông xuất hiện cơn đau dạ dày thời gian gần đây”.
Các bài viết liên quan đến vụ việc phẫu thuật lấ y cây kéo 18 năm bị bỏ quên trong bụng bệnh nhân Việt Nam ngay lập tức thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả quốc tế.
Nhiều độc giả cho rằng sau vụ việc này, các chuyên gia trong ngành y tế cần phải cẩn trọng hơn khi thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân để không có sự việc tương tự xảy ra.
Hai bé sinh cực non dưới 800 gram được cứu sống
http://khampha.vn/tin-nhanh/hai-be-sinh-cuc-non-duoi-800-gram-duoc-cuu-song-c4a484992.html
Ngày 3/1, BS Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó trưởng Khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết, đã cấp cứu và điều trị thành công cho hai trường hợp bé sinh cực non dưới 800gram kèm suy hô hấp nặng do bệnh màng trong.
Theo BS Hà, hai bé sinh cực non đó là con của chị N. T. N. (20 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ) và chị T. C. T. (ngụ tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cùng TP. Cần Thơ).
Vào đầu tháng 12/2016, chị N. nhập viện được chẩn đoán thai 27 tuần, ngôi ngang, vỡ ối, nhau tiền đạo trung tâm. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành mổ lấy thai được một bé gái cân nặng chỉ 800 gram. Vài ngày sau, chị T. cũng được người nhà đưa đến nhập viện với chẩn đoán thai 29 tuần, mẹ tăng huyết áp mạn, tiền sản giật. Chị T. lập tức được tiến hành phẫu thuật lấy thai được một bé trai với cân nặng 750 gram.
Sau mổ hai bé được bác sĩ sơ sinh hồi sức nhanh chóng, thở máy và nuôi ăn tĩnh mạch, kháng sinh… Khi ổn định, hai bé được cai máy thở chuyển sang thở NCPAP và dụng phương pháp “Kangaroo” và “da kề da sớm” với mẹ.
Đến ngày 3/1, hai bé đã ngưng thở NCPAP, tự thở tốt, ăn sữa qua thông dạ dày và lên cân khá tốt. Con chị N. từ 800 gram được 1.130 gram, con chị T. từ 750 gram được 880 gram.
Chị N. chia sẻ: “Lúc đầu vợ chồng tôi buồn lắm vì con sinh ra cực non, khó vượt qua được. Thế nhưng nhờ sự điều trị tích cực của bác sĩ, vợ chồng tôi không tin khi con từ 800 gram đã tăng được 1.130gram. Vợ chồng tôi nhìn nhau cười rất vui và cảm thấy đó là một điều thật kì diệu”.
BS Hà chia sẻ, trường hợp bé sinh non và cực non thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm ruột… do cấu trúc, chức năng cơ thể bé chưa trưởng thành.
“Các bà mẹ khi mang thai cần khám thai định kỳ chặt chẽ và tầm soát dọa sinh non vào lúc thai 19 tuần. Những trường hợp có nguy cơ cao sẽ được tầm soát sớm hơn để được điều trị dự phòng và tiêm trưởng thành phổi”, BS Hà khuyến cáo.
Báo động đỏ, cứu sống sản phụ băng huyết, đờ tử cung sau sinh
http://suckhoedoisong.vn/bao-dong-do-cuu-song-san-phu-bang-huyet-do-tu-cung-sau-sinh-n126665.html
Nhờ quy trình báo động đỏ, BV Phụ sản TP Cần Thơ đã cứu sống kịp thời sản phụ bị băng huyết sau sinh, đờ tử cung, rối loạn ý thức.
Theo đó, chiều 3/1, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết, vào lúc 23h00 ngày 31/12/2016, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhận sản phụ L. K. T, sinh năm 1978, trú tại Phụng Hiệp, Hậu Giang bị băng huyết sau sinh nặng, rối loạn ý thức.
Nhận định bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Cấp cứu đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực đồng thời mời các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu bệnh viện và bác sĩ hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học truyền máu tham gia hội chẩn để khẩn trương điều trị cho người bệnh.
Sau hội chẩn khẩn cấp, người bệnh được chẩn đoán băng huyết nặng sau sinh, rối loạn ý thức và được xác định phương án điều trị bằng việc phẫu thuật khẩn cấp để cầm máu. BS. CKII. Quách Hoàng Bảy kíp trưởng phẫu thuật cho biết, khi tiếp nhận cấp cứu, bệnh nhân da, niêm mạc trắng bệch, không bắt được mạch, huyết áp 80/40 mm thủy ngân, bụng mềm, tử cung to qua rốn, gò yếu, âm đạo ra máu đỏ tươi, phù nề vách âm đạo và tầng sinh môn. Khi mổ, bác sĩ phát hiện tử cung bệnh nhân mềm nhão, co rất kém, ra huyết âm đạo đỏ tươi lượng nhiều. Ekip tiếp tục thực hiện hồi sức tích cực, truyền liên tục 6 đơn vị hồng cầu lắng và các chế phẩm máu.
Các bác sĩ đã rất cố gắng để có thể bảo tồn tử cung cho người bệnh, tuy nhiên bệnh nhân mất nhiều máu và rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, tử cung đờ, không co được nên các bác sĩ đã quyết định cắt tử cung, khâu cầm máu để cứu tính mạng người bệnh. Bệnh nhân phải truyền tổng cộng 22 đơn vị máu và chế phẩm của máu. Đến 6h30 ngày 1/1/2017, bệnh tỉnh.
Sau quá trình điều trị tích cực, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, niêm mạc hồng, huyết áp 110/70 mm thủy ngân và mạch 86 lần/phút.
Về trường hợp bệnh lý của người bệnh,BS. CKII. Quách Hoàng Bảy cho biết: “Đây là trường hợp rất nặng, bệnh nhân băng huyết, choáng, nhờ cấp cứu kịp thời theo quy trình báo động đỏ của bệnh viện nên đã cứu được bệnh nhân. Nếu muộn 5 đến 10 phút có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân nếu có dấu hiệu băng huyết (chảy máu âm đạo) sau sinh thì cần báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Sáng ngày 03/01/2017, Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định khen thưởng đột xuất cho ekip phẫu thuật vì thành tích xuất sắc trong việc cấp cứu, bảo vệ tính mạng người bệnh.
Bé sơ sinh kỳ diệu mới chào đời đã tự cầm ống thở khiến triệu người yêu mến
Năm 2017 mới chỉ bắt đầu, nhiều người đã được chứng kiến sự kỳ diệu của cuộc sống.
Wang Yang và Chan Yaping là một cặp vợ chồng 9x người Hàng Châu, Trung Quốc. Như bao cặp đôi khác, họ cũng đang mong chờ ngày đón con đầu lòng. Ngày 25/12 năm 2016, cặp đôi đến bệnh viện phụ sản để kiểm tra ngày dự sinh.
Tại đây, sau khi khám, các bác sĩ thông báo, thai nhi trong bụng người mẹ đang bị cạn ối dần, nếu không sinh sớm sẽ dễ dẫn đến thiếu oxy, nghẹt thở. Mặc dù ngày dự sinh là 14 tháng 1 năm 2017, cặp vợ chồng cuối cùng đã quyết định sinh sớm.
Bé sơ sinh Miao chào đời đúng ngày cuối cùng của năm 2016, nặng 3,2kg, dài 50cm bằng phương pháp sinh mổ.
Tuy vậy, chỉ vài phút sau sinh, các bác sĩ chợt nhận ra Miao không chịu khóc, cơ thể có hiện tượng giảm nhiệt độ. Ngay lập tức, để cung cấp oxy cho Miao, các bác sĩ đã cho bé sơ sinh dùng ống thở trong 2 tiếng đồng hồ. Điều kỳ diệu của cuộc sống lúc này đã bất ngờ xảy ra khi Miao bỗng vươn bàn tay nhỏ bé, nắm chặt lấy ống thở.
Hình ảnh em bé sơ sinh vô tư nắm lấy chiếc mặt nạ oxy, không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai được gia đình Miao chụp lại và chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đúng thời điểm chuyển giao năm mới đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người.
"Một em bé cũng đang nỗ lực hết sức để có thể tồn tại như vậy, liệu trong năm 2017 tới đây, bạn có còn lười biếng được nữa không"....là cảm nghĩ của rất nhiều người sau khi xem bức ảnh.
Phát hiện 1 bộ phận mới của cơ thể người
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-1-bo-phan-moi-cua-co-the-nguoi-20170104001819704.htm
Một giáo sư người Ireland đã lật lại quan niệm giải phẫu thống trị suốt 1 thế kỷ qua bằng cách nhận diện 1 bộ phận mới trong ruột của chúng ta.
Với phát hiện đáng chú ý của GS J Calvin Coffey, chuyên gia về phẫu thuật của ĐH Y Limerick, sách y khoa sẽ phải bổ sung thêm 1 cơ quan mới, hứa hẹn mở ra 1 lĩnh vực y học hoàn toàn mới.
Nghiên cứu của GS Coffey đã dẫn tới việc tái phân loại mạc treo - một phần quan trọng của hệ tiêu hóa, có tác dụng gắn ruột vào thành bụng - như 1 cơ quan trong cơ thể với cấu trúc liên tục.
Trong khi đó, suốt 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học và y học luôn tin rằng đó là một cấu trúc phức tạp bị phân thành nhiều mảnh riêng biệt.
GS Coffey đã công bố những phát hiện của mình trên tạp chí y học hàng đầu thế giới - The Lancet - hồi tháng 11 vừa qua sau 4 năm miệt mài nghiên cứu (2012-2016).
GS Coffey cũng tin tưởng rằng những hiểu biết và nghiên cứu nhiều hơn về mạc treo sẽ góp phần làm giảm phẫu thuật xâm lấn, ít biến chứng và bệnh nhân phục hồi nhanh hơn trong khi chi phí lại thấp hơn.
Ông cũng cho biết lĩnh vực mạc treo cần được nghiên cứu riêng, trở thành 1 khoa tương tự như lĩnh vực thần kinh hay lĩnh vực tiêu hóa. Bởi cho đến nay chưa có khoa màng treo ruột.
Hiện nhóm nghiên cứu của GS Coffey đã thành lập giải phẫu và cấu trúc của cơ quan mới này. Bước tiếp theo sẽ là xác định chức năng của cơ quan này. Và nếu hiểu rõ chức năng, chúng ta sẽ xác định được sự bất thường và từ đó có hướng điều trị.
Đây là 1 hướng hoàn toàn mới trong y học.
Nghiên cứu của ông đã được đưa vào cuốn sách y học nổi tiếng nhất thế giới Gray’s Anatomy.
Mạc treo là một phần của phúc mạc - lớp niêm mạc của khoang bụng - gắn ruột vào thành bụng và giữ cố định ruột. Mô tả sớm nhất về bộ phận này là Leonardo da Vinci nhưng suốt thời gian sau đó, nó đã thường bị bỏ qua và chỉ xem như là 1 bộ phận đính kèm không mấy quan trọng. Và cách đây gần trăm năm, các bác sĩ đã nghiên cứu và coi mạc treo là một cấu trúc phân mảnh riêng biệt và có vai trò khá quan trọng.