Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 06/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội ghi nhận 175 ca/ngày mắc sốt xuất huyết, phấn đấu giảm xuống 70 ca/ngày; 249 quyết định xử phạt vi phạm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; Bộ Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi 1 tuổi; Điểm mặt các chất độc hại gây hàng loạt bệnh trong khói thuốc lá; Không có chuyện hàng loạt học sinh TP Hồ Chí Minh bị ngộ độc thịt lợn tiêm thuốc an thần; ...

 

Hà Nội ghi nhận 175 ca/ngày mắc sốt xuất huyết, phấn đấu giảm xuống 70 ca/ngày

http://moitruong.net.vn/ha-noi-ghi-nhan-175-cangay-mac-sot-xuat-huyet-phan-dau-giam-xuong-70-cangay/

Hà Nội vẫn ghi nhận 175 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mỗi ngày, trước tình trạng đó thành phố đặt hy vọng, trong 3 tuần tới, dịch SXH được kiểm soát, số mắc giảm xuống chỉ còn khoảng 70 ca mắc/ngày.

Chiều qua 4/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố đã chủ trì giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh SXH với 30 quận, huyện, thị xã.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH liên tục giảm trong 7 tuần gần đây. Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 25/9 đến 1/10), thành phố ghi nhận 1.228 trường hợp mắc SXH (giảm 376 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.341 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8/2017).

Trong đó, 23/30 quận, huyện có số mắc giảm; 4/30 quận, huyện có số mắc tăng (gồm: Mỹ Đức, Mê Linh, Thường Tín và Long Biên); 3 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước (gồm: Đan Phượng, Hoàn Kiếm và Ứng Hòa). Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 31.902 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, qua nghiên cứu tình hình dịch sốt xuất huyết 5 năm gần đây, trung bình số mắc tăng cao vào tháng 11 với khoảng 500 ca mắc/tuần. Do vậy, nếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trùng xuống thì nguy cơ dịch SXH vẫn bùng phát trở lại. Bởi vậy trong tuần tới, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục duy trì đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, rà soát lại tất cả các hoạt động chống dịch để điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, đồng thời hạn chế thấp nhất tỷ lệ sót ổ bọ gậy, tỷ lệ phun hóa chất không triệt để. Đặc biệt, với những quận/huyện có số mắc cao (hơn 100 bệnh nhân/tuần) phải tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các ổ dịch quy mô xã/phường và các ổ dịch phức tạp, kéo dài. Hy vọng trong 3 tuần tới, dịch sốt xuất huyết được kiểm soát, số mắc giảm xuống chỉ còn khoảng 70 ca mắc/ngày.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng số ca mắc SXH đã giảm, nhưng số ca mắc hiện nay vẫn ở mức 175 bệnh nhân/ngày, hơn 1.200 ca mắc/tuần, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch của những năm trước. Qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn triển khai công tác phòng, chống dịch chưa tốt. Cụ thể, 7/15 điểm phun thuốc không triệt để, 8/15 điểm có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy (hơn 20% số hộ).

Do vậy, Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan và yên tâm trước xu thế ca mắc giảm như hiện nay, đồng thời toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt 7 biện pháp phòng chống dịch, tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch, tổ chức phun thuốc triệt để, đúng quy định, đúng liều lượng và thời gian, thực hiện tốt việc diệt bọ gậy tại hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học.

 

249 quyết định xử phạt vi phạm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

http://thanhnien.vn/suc-khoe/249-quyet-dinh-xu-phat-vi-pham-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-882392.html

Đây là thông tin do bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tại cuộc giao ban công tác phòng chống dịch bệnh 24 quận, huyện trên địa bàn TP do Sở Y tế TP tổ chức hôm qua 4.10. Theo bà Nga, từ đầu năm đến nay, TP có 15.468 ca mắc SXH, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016; tử vong 5 ca, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2016.

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi 1 tuổi

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-yeu-cau-lam-ro-nguyen-nhan-tu-vong-cua-benh-nhi-1-tuoi-20171005150929931.htm

Sáng 5/10, Sở Y tế Gia Lai cho biết Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm (nếu có) đối với vụ việc trẻ 13 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Theo đó, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đề nghị sở Y tế Gia Lai báo cáo gấp diễn tiến vụ việc, nguyên nhân cháu P.Đ.P. tử vong hôm 2/10. Nếu cán bộ nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Ngoài ra, vụ còn yêu cầu các tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua sự cố đáng tiếc.

Như báo Dân trí đã đưa tin, đêm 27/9, cháu P. nhập viện và bị chẩn đoán "đầy hơi, chướng bụng". Sức khỏe P. diễn biến ngày càng xấu, gia đình xin chuyển viện nhưng không được đồng ý và cháu đã tử vong sau đó. Người nhà cho rằng cháu P. tử vong là do lỗi bác sĩ.

Theo báo sĩ Lý Minh Thái, Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai, trước đây, cháu P. từng nhập viện vì bị lồng ruột. Khi tiến hành tháo lồng ruột thì cháu có dấu hiệu choáng tim, suy tim.

Lần nhập viện này, P. cũng bị chẩn đoán bệnh liên quan đường ruột, do có dấu hiệu choáng tim trước đó nên lo ngại khi can thiệp sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng trên. Khi bác sĩ đang theo dõi bệnh thì cháu P. tử vong đột ngột.

 

Vụ bệnh nhân tử vong do tiêm thuốc cản quang, Bộ Y tế nói gi?

http://vietq.vn/vu-benh-nhan-tu-vong-do-tiem-thuoc-can-quang-bo-y-te-noi-gi-d130739.html

Liên quan tới vụ bệnh nhân Trần Thị L. tử vong sau tiêm thuốc cản quang, Bộ Y tế cho đánh giá rằng, đây là sự cố đáng tiếc và hy hữu, hiếm xảy ra tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh.

Chiều ngày 4/10, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các đại diện phòng Nghiệp vụ Y dược Bệnh viện, Phòng Quản lý Chất lượng bệnh viện của Cục đã làm việc với bệnh viện K về trường hợp tử vong do thuốc cản quang tại bệnh viện.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện cùng các cán bộ chuyên môn khoa Hồi sức Cấp cứu, Chẩn đoán Hình ảnh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Khoa Dược báo cáo thêm về tình hình tiếp đón, chỉ định, cấp cứu điều trị, công tác tử thi, công tác xã hội sau khi bệnh nhân Trần Thị L. 45 tuổi, quê Nghệ An tử vong.

Theo đó, ngày 29/9, nghi ngờ ung thư tái phát, nữ bệnh nhân 45 tuổi ở Nghệ An được tiêm thuốc cản quang ultravist 80 ml tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K Trung ương để chụp cắt lớp vi tính bụng -tiểu khung.

Sau khi chụp xong, bệnh nhân được theo dõi tại khoa. Khoảng 10 phút sau, bệnh nhân đột ngột tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ, phù nề, khó thở… Xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang, các bác sĩ cấp cứu ngay.

Sau năm giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng tình trạng vẫn nặng. Sáng 30/9, bệnh nhân diễn biến xấu, được cấp cứu hô hấp tuần hoàn nhưng không cải thiện và tử vong sau đó.

Nguyên nhân bệnh nhân tử vong bước đầu được xác định là sốc phản vệ do thuốc cản quang tĩnh mạch không hồi phục trên nền theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát.

Sau khi nghe báo cáo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, ca tử vong đối với bệnh nhân Trần Thị L. là sự cố đáng tiếc và hy hữu, hiếm xảy ra tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đề nghị bệnh viện nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát lại tất cả các quy trình chuyên môn đối với bệnh nhân Trần Thị L. nói riêng và với tất cả bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện cần thực hiện nhanh công tác kiểm thảo tử vong và phối hợp chặt chẽ với  cơ quan pháp y thực hiện các công việc theo yêu cầu, đồng thời sớm gửi kết quả  báo cáo về Bộ Y tế. Các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện cần tiếp tục ổn định tinh thần, đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện.

 

Điểm mặt các chất độc hại gây hàng loạt bệnh trong khói thuốc lá

http://dantri.com.vn/suc-khoe/diem-mat-cac-chat-doc-hai-gay-hang-loat-benh-trong-khoi-thuoc-la-20171005072342385.htm

Theo báo cáo năm 2010 của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Thế nhưng nhiều người hút thuốc vẫn mơ hồ về tác hại thực sự của thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cảnh báo, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, trung bình 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có một người hút thuốc. Hút thuốc gây tử vong và tàn tật. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống.

Trong nhóm bệnh lý hô hấp, 3 bệnh thường gặp nhiều nhất liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Trong đó bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tới 80 – 90% là do thuốc lá gây ra.

Dưới đây, chúng tôi xin điểm mặt một số chất độc hại trong thuốc lá và nguy cơ của nó với sức khỏe để bạn đọc có thể nhận biết sự độc hại của thuốc lá. Cũng cần lưu ý, thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút, mà khói thuốc lá còn tác động đến người hút thuốc lá thụ động (ngửi phải khói thuốc) không khác gì người hút thuốc. Vì thế, khi bạn hút thuốc, con của bạn, vợ của bạn vô tình cũng hít phải khói thuốc và khói thuốc đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cả gia đình bạn.

Nicotine – chất gây nghiện mạnh tương tự Heroin

Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Sau mỗi lần hít một hơi thuốc lá, Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.

Cơ quan Kiểm soát Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự Heroin và Cocain.

Khi Nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể Nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh được phóng thích gây ra một loạt các phản ứng hóa học tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức.

Tuy nhiên cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ Nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ.. vì vậy để có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc.

Ở những người sử dụng thuốc lá, Nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ. Đối với những người hút trên 15 điếu thuốc một ngày, nồng độ Nicotine trong máu luôn ở mức cao làm cho việc cai thuốc trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nhiều hóa chất đi kèm nhằm tăng độ hấp thu Nicotine vào cơ thể.

Hắc ín (Tar)

Hắc ín hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Carbon monoxide (khí CO)

Khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim.

Khí CO góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch đồng thời làm suy giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.

Benzene

Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng Benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng Benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn.

Nitrosamines

Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong khói thuốc và cả trong các sản phẩm thuốc lá không khói.

Ammonia

Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng tăng cường khả năng hấp thụ Nicotine của niêm mạc đường hô hấp, vì thế cùng một lượng khói thuốc hít vào, lượng Nicotine được hấp thụ tăng lên.

Formaldehyde

Formaldehyde là chất được tìm thấy trong khói thuốc lá và đây cũng là một dung dịch dùng trong ướp xác. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.

Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH)

Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác

Ngoài những chất độc kể trên, còn hàng nghìn các chất độc hại khác của thuốc lá. Vì thế, trước khi hút một điếu thuốc hãy nhớ, khói thuốc gây hại không chỉ cho bản thân bạn, mà cho cả những người thân xung quanh.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.

Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Ngoài ra, trẻ phải ngửi khói thuốc thụ động cũng hay mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm.

Tại Việt Nam, thuốc lá giết người còn kinh khủng hơn cả đại dịch AIDS và TNGT, vì nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của 40.000 người Việt.

 

Kỷ luật, cảnh báo kíp trực vụ trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ

http://khoe365.net.vn/ky-luat-canh-bao-kip-truc-vu-tre-so-sinh-tu-vong-tai-benh-vien-da-khoa-huyen-quan-ba-p43811.html

Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác đối với kíp trực vụ trẻ sơ sinh tử vong tại viện hôm 6/9.

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hà Giang có báo cáo về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Trước đó, ngày 11/9, Sở Y tế tỉnh thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá về vụ việc và đưa ra đánh giá, kết luận.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hà Giang, trong quá trình tiếp nhận, chẩn đoán, xử trí, cấp cứu của ê kíp còn nhiều hạn chế về chuyên môn và sai sót kỹ thuật.

Cụ thể, vì lần đầu tiên gặp trường hợp mắc vai nên nữ hộ sinh đã mời bác sĩ trực cùng xử lý tuy nhiên, bác sĩ đa khoa không có chuyên khoa về Sản. Bác sĩ và hộ sinh khi xử lý mắc vai chưa đúng đắn dẫn đến thai không sổ ra ngoài được, đến khi thai sổ ra ngoài trẻ đã bị ngạt nặng.

Về thực hiện quy chế chuyên môn, kết luận nêu rõ: Nữ hộ sinh tự truyền dịch (Glucozo 5%) cho sản phụ khi chưa có y lệnh của bác sĩ. Công tác bàn giao tại bệnh viện chưa nghiêm túc. Công tác chuẩn bị các phương tiện cấp cứu tại phòng đẻ chưa đầy đủ. Công tác chuẩn bị cho cuộc đẻ chưa tốt, đến khi trẻ bị ngạt nặng không có phương tiện cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra trong quá trình tiếp đón cùng như khi thăm khám sản phụ, nữ hộ sinh chưa tư vấn, giải thích rõ cho gia đình về tình trạng của sản phụ, bác sĩ trong giờ trực không mặc đúng trang phục quy định của ngành vi phạm quy chế trực.

Báo cáo kết luận của Sở Y tế tỉnh Hà Giang vụ việc trẻ sơ sinh tử vong ở BVĐK huyện Quản Bạ

Căn cứ kết luận trên, Sở Y tế Hà Giang chỉ đạo BVĐK huyện Quản Bạ áp dụng hình thức kỷ luật. Ông Hoàng Thành Nho, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp (bác sĩ xử lý ca đẻ) bị kỷ luật khiển trách. Với bà Lệnh Thị Hồng, Điều dưỡng Trưởng khoa phụ sản (người trực tiếp đỡ đẻ) bị kỷ luật cảnh cáo.

Ngày 26/9, BVĐK huyện Quản Bạ quyết định áp dụng kỷ luật 2 viên chức trên và cho chuyển vị trí công tác khác.

Như đã đưa tin, rạng sáng ngày 6/9, chị Cháu Thị Tính (SN 1987, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ khi có dấu hiệu sắp sinh. Chị Tính vào viện trong tình trạng sức khỏe tốt con vẫn đạp bình thường, chưa có cơn co tử cung. Tuy nhiên, sau khi trình bày tình tình hình với nữ hộ sinh trong ca trực, chị Tính được yêu cầu lên bàn đẻ.

Khi vào phòng đẻ, nữ hộ sinh tên Hồng đã kiểm tra và nghe tim thai rồi bảo là tim thai bình thường. Sau đó, chị Tính vẫn tiếp tục nằm trên bàn và đợi nữ hộ sinh chuẩn bị đồ giúp mình vượt cạn.

Trong lúc đang nằm trên bàn đẻ thì một bác sĩ tên Nga vào trong phòng, thúc bụng và yêu cầu chị Tính rặn đẻ nhưng chị trình bày là mình chưa có cơn. Lúc đó, chị Tính đã được nữ hộ sinh truyền dịch và bắt đầu thấy xuất hiện cơn đau đẻ.

Sau gần 30 phút vượt cạn, cháu bé được sinh ra nhưng có dấu hiệu bất thường. Các bác sĩ trong ca trực đã lập tức gọi điện lên khoa Nhi hỗ trợ nhưng không kịp.

Theo thông tin từ anh Dương Ngọc Khánh (chồng của sản phụ Tính), đến khoảng 2h36 cùng ngày, bác sĩ Nho thông báo, con gái anh đã mất do hai vòng dây rốn cuốn cổ. Tuy nhiên, bác sĩ Nho không phải là người trực tiếp đỡ đẻ cho vợ anh mà chỉ vào hỗ trợ lúc vợ anh khó sinh.

Trong khi đó, nữ hộ sinh tên Hồng – người trực tiếp đỡ đẻ cho vợ anh lại thông báo với gia đình là cháu tử vong do mắc vai không sổ được thai.

Gia đình sản phụ cho rằng, ê kíp bác sĩ làm việc tắc trách dẫn tới việc bé sơ sinh bị ngạt. Sau khi sự việc xảy ra, Hội đồng chuyên môn bệnh viện có kết luận ban đầu nhưng gia đình sản phụ không đồng ý và có đơn kiến nghị lên Sở Y tế tỉnh Hà Giang.

 

Xử phạt, đình chỉ 3 phòng khám nha khoa hoạt động không phép ở TP.HCM

http://khoe365.net.vn/xu-phat-dinh-chi-3-phong-kham-nha-khoa-hoat-dong-khong-phep-o-tphcm-p43805.html

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện, xử phạt và yêu cầu ngưng hoạt động đối với 3 phòng khám nha khoa không phép ngang nhiên hoạt động trên địa bàn quận Tân Bình.

Qua thời gian tiếp nhận phản ánh của người dân về việc hoạt động trái phép, Thanh tra Sở Y tế Thành phố đã kiểm ta đột xuất 3 phòng khám gồm: Phòng khám nha khoa Ánh Linh (số 57 Bành Văn Trân, Phường 7), Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt Phương An (số 95 Bàu Cát, Phường 14) và Phòng khám nha khoa Nhân Tâm (số 22 Phạm Văn Bạch, Phường 15).

Tại thời điểm kiểm tra, các cá nhân tham gia điều trị tại 3 phòng khám trên đều không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn và giấy phép hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cả 3 phòng khám về hành vi không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ không có giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Đồng thời, Thanh tra ngành y tế cũng yêu cầu 3 phòng khám này dừng ngay hoạt động khám, chữa bệnh và thực hiện che chắn biển hiệu cho đến khi bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Song song với việc kiểm tra phòng khám nha khoa, Thanh  tra Sở Y tế TP.HCM cũng vừa tiến hành kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn và phát hiện một số doanh nghiệp vi phạm các lỗi: kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) lưu tại doanh nghiệp không đáp ứng quy định của pháp luật; thay đổi nội dung sau khi công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng chưa được chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Thanh tra y tế thành phố đã xử phạt 2 công ty. Đó là công ty TNHH dịch vụ sản xuất Mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên (trụ sở chính ở 116 Cầu Xéo, phường Tân Quý, quận Tân Phú) bị phạt 125 triệu đồng. Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại xuất nhập khẩu mỹ phẩm Tùng Ân (có địa chỉ 113 Lê Lâm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) bị phạt 80 triệu đồng do vi phạm các lỗi trên.

Công ty TNHH Lợi Phong (địa chỉ F2/44B đường Liên ấp 6-2, ấp 6, xã Vĩnh  Lộc A, huyện Bình Chánh) bị phạt 60 triệu đồng do vi phạm lỗi sản xuất mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).

 

Kiểm tra vụ tử vong ở Bệnh viện K

http://cand.com.vn/y-te/Kiem-tra-vu-tu-vong-o-Benh-vien-K-461052/

Sau khi Bệnh viện K có báo cáo nhanh về trường hợp tử vong của cô giáo Trần Thị L. (45 tuổi, ở Nghệ An) với chẩn đoán ban đầu là sốc phản vệ do thuốc cản quang tĩnh mạch (Báo CAND đã đưa tin ngày 3-10), Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đến Bệnh viện để trực tiếp kiểm tra và nghe báo cáo về vụ việc này.

PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cùng các cán bộ chuyên môn các Khoa Hồi sức Cấp cứu, Chẩn đoán Hình ảnh, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Khoa Dược của Bệnh viện K đã báo cáo cụ thể về quá trình tiếp đón, chỉ định, cấp cứu điều trị, công tác tử thi, công tác xã hội sau khi bệnh nhân Trần Thị L. tử vong.

Sau khi xem hồ sơ bệnh án, kiểm tra các công tác cấp cứu, điều trị, đặc biệt là qui trình với bệnh nhân Trần Thị L., PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã đánh giá ca tử vong của bệnh nhân Trần Thị L. là sự cố đáng tiếc và hy hữu.

Vì thế, Bệnh viện cần rút kinh nghiệm, đồng thời rà soát lại tất cả các quy trình chuyên môn không chỉ đối với bệnh nhân Trần Thị L. mà còn với tất cả bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện. Bệnh viện cũng cần thực hiện nhanh công tác kiểm thảo tử vong và phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp y thực hiện các công việc theo yêu cầu. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bệnh nhân về sự cố không mong muốn này.

Trao đổi thêm về vấn đề sốc phản vệ, TS. Nguyễn Tiến Quang (Trưởng Khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện K) đã cho biết: Sốc phản vệ là một sự cố không mong muốn trong y khoa. Sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng”, nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác.

"Cơ địa” là đặc tính cơ thể của từng người, đây là yếu tố người thầy thuốc điều trị không thể xác định và tiên đoán. Do vậy không nên nghi ngờ hay vội vàng giải thích thiếu thận trọng các sự cố y khoa, đặc biệt các sự cố gây chết người do sốc phản vệ, là vì sai sót hay quy trách nhiệm cho người thầy thuốc. Phải nói rằng trong những sự cố nghiêm trọng, sốc phản vệ cướp đi tính mạng của người bệnh luôn là nỗi kinh hoàng, ám ảnh và là điều không mong muốn, ngoài năng lực dự đoán của tất cả các bác sĩ.

Cũng theo TS. Quang, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, nguy kịch và dễ nguy cơ tử vong, phát sinh khi có sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể. Sốc phản vệ có đặc điểm tăng tính thấm thành mạch, phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột ) dẫn đến truỵ tim mạch, suy hô hấp và rất dễ gây tử vong. Sốc phản vệ 2 pha là sốc phản vệ tái phát sau khi hết triệu chứng ban đầu, mà không tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, chiếm tỉ lệ khoảng 20% các trường hợp sốc phản vệ. Sốc phản vệ pha 2 thường quay lại sau 1-8 giờ, có thể kéo dài 5 – 32 giờ. Độ nặng của sốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cá thể, hàm lượng, thời gian và tốc độ hấp thu các kháng nguyên.

Theo TS. Nguyễn Tiến Quang, nguyên nhân gây sốc phản vệ thường có 4 nhóm chính: Thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất, trong đó sốc phản vệ do thuốc cản quang chiếm tỉ lệ 1/5000); Thức ăn; Nọc côn trùng; Dị nguyên theo đường hô hấp (như phấn hoa). Trong đó, dị ứng qua đường tiêm và đường tiêu hoá, trong đó đường tiêm tĩnh mạch, là phổ biến nhất.

Về tỉ lệ sốc phản vệ do thuốc cản quang Ultravist dùng trong chẩn đoán hình ảnh, theo một thống kê quốc tế cho biết có 10 trong số 1142 bệnh nhân bị dị ứng, trong đó có tới 7 bệnh nhân tử vong trong vòng khoảng 5 ngày sau xuất hiện sốc.

 Phần lớn tử vong do sốc phản vệ là không thể dự báo trước được. Đấy là lý do bệnh nhân luôn phải ký cam kết trước mọi thủ thuật, can thiệp và trong nghề y không thầy thuốc nào có thể nói trước được 100% các can thiệp chẩn đoán, điều trị sẽ thành công, không xảy ra tai biến” - TS. Nguyễn Tiến Quang nhấn mạnh.

 

Phòng khám nha khoa ngang nhiên hoạt động không phép

http://infonet.vn/phong-kham-nha-khoa-ngang-nhien-hoat-dong-khong-phep-post238830.info

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa phát hiện, xử phạt đối với 3 phòng khám nha khoa không phép ngang nhiên hoạt động.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế Thành phố đã kiểm tra đột xuất 3 phòng khám gồm: Phòng khám nha khoa Ánh Linh (số 57 Bành Văn Trân, Phường 7), Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt Phương An (số 95 Bàu Cát, Phường 14) và Phòng khám nha khoa Nhân Tâm (số 22 Phạm Văn Bạch, Phường 15). Tại thời điểm kiểm tra, các cá nhân tham gia điều trị tại 3 phòng khám trên đều không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn và giấy phép hoạt động.

Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính cả 3 phòng khám về hành vi không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ không có giấy phép hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Lực lượng thanh tra ngành y tế cũng yêu cầu ngưng ngay hoạt động khám, chữa bệnh và che chắn biển hiệu cho đến khi bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Trong tuần qua, Thanh  tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn, phát hiện và xử phạt Công ty TNHH dịch vụ sản xuất Mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên (có trụ sở chính ở 116 Cầu Xéo, phường Tân Quý, quận Tân Phú) 125 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại xuất nhập khẩu mỹ phẩm Tùng Ân (có địa chỉ 113 Lê Lâm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) 80 triệu đồng do kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) lưu tại doanh nghiệp không đáp ứng quy định của pháp luật; thay đổi nội dung sau khi công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng chưa được chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Lợi Phong (địa chỉ F2/44B đường Liên ấp 6-2, ấp 6, xã Vĩnh  Lộc A, huyện Bình Chánh) cũng bị phạt 60 triệu đồng do vi phạm lỗi sản xuất mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).

 

Bộ Y tế yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm khiến 3 người tử vong sau khi ăn cỗ

http://baophapluat.vn//camera-benh-vien/bo-y-te-yeu-cau-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-khien-3-nguoi-tu-vong-sau-khi-an-co-358955.html

https://laodong.vn/suc-khoe/bo-y-te-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-vu-ngo-doc-o-ha-giang-568379.ldo

Bộ Y tế yêu cầu xác định rõ nguyên nhân vụ việc, truy xuất nguồn gốc thực phẩm khiến 3 người ở Hà Giang tử vong.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị điều tra, xử lý và tăng cường kiểm soát ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Việc làm này xuất phát từ sự cố liên quan đến bữa cỗ ăn hỏi tại gia đình ông Lý Seo Hỏa (thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) khiến 3 người chết, nhiều người phải cấp cứu.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, đề nghị cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Trước đó, từ 7h-14h ngày 1/10 tại gia đình ông Lý Seo Hỏa tổ chức ăn hỏi cho con trai. Bữa cơm có khoảng 60 người tham gia, thức ăn gồm thịt lợn xào, canh xương nấu đu đủ, uống rượu gạo và cơm tẻ. Sau khi ăn cơm ở đám ăn hỏi xong, đến 4h sáng 3/10 có 3 người xuất hiện triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng và nôn ra thức ăn, kèm theo dịch và lẫn máu sau đó tử vong.

Ba nạn nhân tử vong được xác định là ông Lý Seo Hòa (59 tuổi); ông Vừ Seo Sử (42 tuổi) và ông Kháng Minh Pao (47 tuổi) đều là dân tộc Mông, thường trú tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên.

Sau khi 3 nạn nhân tử vong, đã có 51 bệnh nhân được đưa vào nhập viện với các triệu chứng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực, đau bụng, buồn nôn.

Hiện Ngành y tế Hà Giang đã lấy mẫu thức ăn và bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm trên.

Bên cạnh đó, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên, Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên tổ chức khám sàng lọc, tiên lượng bệnh nhân, kịp thời đưa bệnh nhân vào Trạm Y tế xã Thượng Sơn sơ cứu ban đầu, sau đó đưa đến bệnh viện để xử lý cấp cứu, điều trị theo phác đồ chống độc.

 

Xử lý hình sự các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng

 

http://www.sggp.org.vn/xu-ly-hinh-su-cac-truong-hop-vi-pham-an-toan-thuc-pham-nghiem-trong-473599.html

UBND TPHCM đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 13/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, thời gian này, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng TPHCM đã lấy mẫu và xác định hơn 28% không đạt yêu cầu về ATTP. Những mẫu không đảm bảo ATTP được chuyển cho các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý.

Tính chung, trong 9 tháng, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện đối với 31.449 trường hợp và phát có gần 9.420 trường hợp vi phạm, chiếm gần 30%.

Lực lượng chức năng xử phạt 3.083 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 12,5 tỷ đồng và tiêu hủy khoảng 13.636 con gia súc, gia cầm (chưa kể đầu tháng 10-2017, UBND TP quyết định tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ); hơn 9,6 tấn thịt gia súc, gia cầm; hơn 14 tấn rau củ quả và thực phẩm các loại...

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn để cung cấp cho người dân; thực hiện giải pháp kiểm tra nguồn gốc thịt heo, rau. Tuy vậy, UBND TPHCM nhận xét công tác đảm bảo ATTP vẫn nhiều còn khó khăn. Hiện chưa có quy định tạm giữ hàng trong lúc chờ kết quả phân tích định lượng nên khi có kết quả định lượng thì lô hàng đã được bán hết, đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể phạt tiều đối với hàng nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối.

Về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu, tiêu hủy thực phẩm độc hại không thể thực hiện được. Ngoài ra, tình trạng sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng vì lợi nhuận vẫn còn tồn tại. Vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Nếu có đủ chứng cứ thì khởi tố hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và công khai thông tin cho người tiêu dùng.

 

Không có chuyện hàng loạt học sinh TP Hồ Chí Minh bị ngộ độc thịt lợn tiêm thuốc an thần

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/879718/khong-co-chuyen-hang-loat-hoc-sinh-tp-ho-chi-minh-bi-ngo-doc-thit-lon-tiem-thuoc-an-than

http://baotintuc.vn/phan-hoi-phan-bien/khong-co-chuyen-hang-loat-hoc-sinh-tp-ho-chi-minh-bi-ngo-doc-thit-lon-tiem-thuoc-an-than-20171005161811545.htm

Chiều 5-10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, đã bác bỏ thông tin hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần được đưa trên một trang thông tin điện tử.

Theo đó, ngày 4-10, một trang thông tin điện tử đã đăng tin: "Khẩn cấp: Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần" với nội dung: "Ngay trong đầu giờ chiều ngày 4-10, hàng loạt trẻ mầm non tại các trường S.C, trường mầm non H.M và trường tiểu học N.Đ.C trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhập viện cấp cứu trong tình trạng mạch máu bị giãn, rối loạn hô hấp và ói mửa. Xét nghiệm ban đầu từ các trẻ nhập viện cho thấy các bé đều có dấu hiệu bị ngộ độc với chất acepromazin, đây là chất có trong thuốc an thần thường được tiêm cho lợn trước khi mổ. Hiện đã có 63 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, số lượng các trẻ nhập viện cấp cứu ngày một tăng cao".

Từ thông tin trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc. Theo đó, kết quả kiểm tra, xác minh khẳng định trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể nào vào ngày 4-10-2017. Do đó, nội dung tin đăng trên trang thông tin điện tử là sai sự thật.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã kịp thời có văn bản báo cáo sự việc đến Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh để xem xét và có ý kiến chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xác định thông tin và có thông tin sự việc nêu trên trong buổi họp giao ban báo chí định kỳ.

 

Cục ATTP thu hồi 03 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bogan Actiso Forte

http://vtc.vn/cuc-attp-thu-hoi-03-lo-san-pham-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-bogan-actiso-forte-d354469.html

Ngày 29/9 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 743/QĐ-ATTP.

Theo đó, 3 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bogan Actiso Forte của Công ty Cổ phần Dược phẩm Liên doanh Việt Pháp bị thu hồi theo Quyết định số 743/QĐ-ATTP.

03 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bogan Actiso Forte bị thu hồi có Giấy xác nhận công bố số 19330/2015/ATTP-XNCB, Lô sản xuất 020417, NSX:040617, HSD: 060420; Lô sản xuất 01/06/2016; Lô sản xuất: 010516, NSX: 260516, HSD: 280519) của Công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp, địa chỉ: Số 69C1, Khu đô thị Đại Kim Định Công, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội.

Lý do 3 lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên bị thu hồi vì lý do vi phạm về ghi nhãn.

Thời hạn thực hiện thu hồi sản phẩm là 14 ngày kể từ ngày 29/9/2017.

Cục ATTP yêu cầu Công ty Cổ phần dược phẩm liên doanh Việt Pháp chịu trách nhiệm tự tổ chức thu hồi và xử lý sản phẩm vi phạm, báo cáo kết quả thu hồi về Cục An toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm đã thông báo các lô sản phẩm thuộc diện thu hồi nêu trên đến Sở Y tế/ Chi Cục ATVSTP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM để giám sát thu hồi; việc xử lý cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện nghiêm theo quy định.

 

Bị nhiễm trùng huyết, suy nội tạng do ăn tiết canh lợn

http://baotintuc.vn/suc-khoe/bi-nhiem-trung-huyet-suy-noi-tang-do-an-tiet-canh-lon-20171005141718143.htm

http://dantri.com.vn/suc-khoe/sau-an-tiet-canh-lon-4-ngay-benh-nhan-soc-vi-nhiem-trung-mau-20171005083619095.htm

Sau khi ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông T.Q.N (57 tuổi, ở Thái Bình) có biểu hiện bị sốc, sốt cao, đi ngoài; được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.

Theo thông tin từ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn.

Bệnh nhân là ông T.Q.N (57 tuổi, ở Thái Bình). Sau khi ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông N. đã xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao, đi ngoài phân lỏng và được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh. Nhưng ngay sau đó, ông N. có biểu hiện sốc nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vào ngày 1/10.

Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán ông N. bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn, bị suy đa tạng và hiện đang phải hồi sức tích cực.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh phải nhập viện. Dù đã được cảnh báo, nhưng hiện nay nhiều người vẫn ăn tiết canh lợn, nếu vô tình ăn phải tiết canh lợn nhiễm liên cầu thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có người không qua khỏi.

Bệnh liên cầu lợn có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tùy vào cơ địa từng người, có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày sau mới diễn biến nặng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, biểu hiện của người bị nhiễm liên cầu lợn có 2 thể: Thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân… dẫn đến tử vong rất nhanh.

Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ.

Bên cạnh đó, còn có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng đưa ra các dấu hiệu của bệnh như: Ban đầu bệnh thường khó phát hiện vì biểu hiện sốt cao dễ nhầm với các bệnh khác. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ... có thể khó thở thì người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

Ngoài tiết cạnh, mầm bệnh còn nằm trong các món ăn hàng ngày như: Nem chua, thịt tái sống… đây được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người.

Để phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, nem chua, nem chạo...); Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang