Phạt tiền, thu hồi nhiều loại thuốc không được phép mua bán
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết vừa ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về buôn bán dược phẩm; ra quyết định thu hồi nhiều loại thuốc; tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc…
Công ty Công ty TNHH Philavida (địa chỉ: 770, 770A, đường Sư Vạn Hạnh (nối dài), phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng do có hành vi bán buôn thuốc Cofdein cho cơ sở không được phép mua thuốc đó theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, công ty này bị phạt bổ sung tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 1052/HCM-ĐKKDD do Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh cấp ngày 27/11/2013.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Philavida thực hiện thu hồi toàn bộ thuốc Cofdein đã bán cho cơ sở không được phép mua thuốc đó, thực hiện hủy thuốc theo đúng quy định.
Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Hà Lan (địa chỉ: Lô A2CN7 cụm công nghiệp Từ Liêm, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cũng bị phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng do các hành vi bán buôn thuốc Reyoung Streptomycin cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc. Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty thu hồi toàn bộ thuốc Reyoung Streptomycin đã bán cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc, thực hiện hủy thuốc theo đúng quy định hiện hành.
Công ty này cũng bị tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số 01-0617/HNO-ĐKKDD do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 05/12/2016 cho Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Hà Lan trong thời gian 4,5 tháng, trừ việc cung cấp các thuốc đã trúng thầu vào các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các Sở Y tế theo kết quả đấu thầu năm 2016-2017.
Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hoàng Hà (địa chỉ: số 15A, hẻm 475/20/49, đường Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bị phạt do hành vi bán buôn thuốc Mystrep lg cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc.
Đồng thời tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số số 01-0766/HNO-ĐKKDD do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 12/08/2015 cho Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hoàng Hà trong thời gian 4,5 tháng, trừ việc cung cấp viên uống tránh thai Anna, SĐK VN-18270-14 cho Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015-2020.
Công ty này sẽ phải thu hồi toàn bộ thuốc Mystrep lg cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc, thực hiện hủy thuốc theo đúng quy định đúng quy định hiện hành.
Công ty cổ phần dược phẩm Green (địa chỉ: Số 26, tổ 30A, khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cũng bị phạt 30 triệu đồng, về hành vi bán buôn thuốc Mystrep lg cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc và buộc thu hồi toàn bộ thuốc Mystrep lg đã bán cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc, thực hiện hủy thuốc theo đúng quy định hiện hành
Cục Quản lý Dược ra quyết định và tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc số OI-OI8I/HNO-ĐKKDD do Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 29/11/2013 cho Công ty cổ phần dược phẩm Green trong thời gian 4,5 tháng, trừ việc cung cấp các thuốc đã trúng thầu vào các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các Sở Y tế theo kết quả đấu thầu năm 2016- 2017.
Công ty TNHH Best World Việt Nam (địa chỉ: số 152+150/4 đường Võ Thị Sáu, Phường 8, Quận 3, TP Hồ Chí Minh) bị phạt 165 triệu đồng, về hành vi kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Aestier AR Essence; Kinh doanh mỹ phẩm “sản phẩm Aestier Age Arrest; Aestier AR Essence; Aestier Total Base” có công thức không đúng với hồ sơ đã được duyệt quy định; Kinh doanh mỹ phẩm “sản phẩm Aestier Age Arrest; Aestier AR Essence; Aestier Eye Cream có nhãn ghi không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật quy định.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH Best World Việt Nam thu hồi và tiêu hủy 3 sản phẩm mỹ phẩm (Aestier Age Arrest; Aestier AR Essence; Aestier Total Base) có công thức không đúng với hồ sơ đã được duyệt. Bóc bỏ ngay toàn bộ nhãn phụ sản phẩm Aestier Eye Cream thiếu nội dung lưu ý về an toàn khi sử dụng đang tồn trong kho, in và dán lại nhãn phụ mới có nội dung đầy đủ thông tin trên nhãn theo đúng quy định.
Lại lo vỡ quỹ BHYT
http://www.sggp.org.vn/lai-lo-vo-quy-bhyt-465815.html
Cùng với mở rộng BHYT là nỗi lo về tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh rất lớn khiến quỹ BHYT bội chi nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ.
Đến hết tháng 8-2017, cả nước có khoảng 78,39 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt độ bao phủ 84,2% dân số. Với tốc độ tăng này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam dự tính tới hết năm nay, 85% dân số sẽ có BHYT. Tuy nhiên, cùng với mở rộng BHYT là nỗi lo về tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh rất lớn khiến quỹ BHYT bội chi nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ.
59/63 tỉnh, thành bội chi BHYT
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cùng với việc gia tăng độ bao phủ của BHYT, trong 8 tháng qua, quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho hơn 104 triệu lượt người, với số chi gần 52.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của BHXH Việt Nam, hiện nay việc cân đối quỹ BHYT - một trong các điều kiện quan trọng đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT - vẫn đang là vấn đề rất đáng lo ngại, thậm chí báo động. Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, tốc độ tăng chi phí sử dụng quỹ BHYT thời gian qua rất lớn, tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ BHYT cả năm của tỉnh (như Quảng Nam, Quảng Trị).
Dự báo với tốc độ sử dụng như hiện nay, hết năm 2017, quỹ BHYT cả nước sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính có tới 59 tỉnh, thành bị bội chi BHYT, nhiều nơi dự kiến bội chi 500 - 1.000 tỷ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... Hiện nay, cả nước chỉ còn 4 địa phương cân đối được quỹ BHYT là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đắk Lắk. Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho biết, trong điều kiện từ nay đến năm 2020 chưa tăng mức đóng BHYT, thì bắt đầu từ năm 2018 trở đi, nguồn kết dư, dự phòng của quỹ BHYT sẽ dần cạn kiệt, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ.
Trục lợi, lạm dụng nghiêm trọng
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, ngoài lý do tăng giá viện phí, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT (như nâng mức hưởng của BHYT, miễn đồng chi trả khi tham gia 5 năm liên tục…) thì tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng bội chi ở nhiều địa phương.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh dù không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh, kê thêm giường, thống kê dịch vụ kỹ thuật không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nhằm “rút ruột” quỹ BHYT một cách hợp pháp. Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, qua công tác giám sát, giám định, BHXH Việt Nam đã phát hiện chỉ trong vài tháng mà có nhiều bệnh nhân BHYT đi khám bệnh hàng trăm lần để trục lợi thuốc men. Cùng với các thủ đoạn trục lợi trên, không ít bệnh viện (BV) cũng lợi dụng quỹ BHYT bằng cách kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân. Chẳng hạn, BV Sản nhi Đà Nẵng có số ngày điều trị nội trú bình quân là 5,9 ngày - cao hơn mức của các BV chuyên khoa đối với trường hợp sau sinh thường.
Cụ thể, tại BV Phụ sản Trung ương là 3,4 ngày; BV Phụ sản Hà Nội 2,2 ngày; các BV phụ sản trên toàn quốc 3,7 ngày; tức BV Sản Nhi Đà Nẵng chênh lệch 2,2 ngày/bệnh nhân. Thậm chí, kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số BV tại Nghệ An chỉ định 100% bệnh nhân phục hồi chức năng, y học cổ truyền đến khám bệnh vào điều trị nội trú.
Trước thực trạng bội chi quỹ BHYT đang nghiêm trọng, nhiều người lo ngại rằng quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, BHXH không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này.
Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết; sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế… Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho rằng, để chống trục lợi quỹ BHYT, cần có sự chung tay của cả người dân chứ không phải chỉ riêng ngành BHXH. Theo quy định pháp luật, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, mà còn có cả Bộ Y tế, các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm ổn định chính sách an sinh xã hội.
Tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 9 nhằm tìm giải pháp xử lý vấn đề bội chi quỹ BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Đồng thời, yêu cầu BHXH Việt Nam cấp tài khoản truy cập hệ thống cho giám đốc BHXH, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành để nắm được số liệu thống kê; tin học hóa toàn bộ hệ thống quản lý khám chữa bệnh BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu trục lợi BHYT. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đề xuất các giải pháp chấn chỉnh tình trạng bội chi BHYT.
Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết đã giảm
http://thuonghieucongluan.com.vn/ha-noi-dich-sot-xuat-huyet-da-giam-a41542.html
Từ ngày 28/8 – 3/9, Hà Nội ghi nhận 2.605 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 307 trường hợp so với tuần từ ngày 21/8 – 27/8 và giảm 973 trường hợp so với tuần cao điểm từ ngày 6/8- 13/8).
Địa phương có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai (354), Đống Đa (271), Thanh Xuân (250), Hà Đông (232), Hai Bà Trưng (232), Cầu Giấy (187), Thanh Trì (229), Ba Đình (147), Nam Từ Liêm (97), Thanh Oai (79).
Trong tuần không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.
Lũy tích từ ngày 1/1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 24.264 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.
Số bệnh nhân đã khỏi là 22.176 (chiếm 91%). Hiện còn 2.088 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện.
Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới) 3.036/3.622 ổ (chiếm 83,8%).
Theo PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, Hà Nội đã chi bổ sung gần 20 tỷ đồng để mua hóa chất, máy phun đeo vai, bồi dưỡng cho cán bộ phun thuốc…
Hiện nay dịch có xu hướng lan ra các huyện ngoại thành, do một số lao động bị mắc sốt xuất huyết trên thành phố về quê nghỉ ngơi đã lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay, do thời tiết diễn biến thất thường và chưa phải là đỉnh điểm của dịch nên tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn phức tạp, người dân vẫn cần chủ động phòng chống dịch, diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, phối hợp với các lực lượng chức năng để họ phun thuốc diệt muỗi, phòng chống dịch, ông Hạnh khuyến cáo.
Hoành hành khắp nội thành, sốt xuất huyết lại "tấn công" ngoại thành
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) không còn tăng mạnh nhưng vẫn cao. Hà Nội vẫn đang là địa phương đứng đầu về số ca mắc SXH. Ngoài ra, SXH đang có xu hướng lan ra các huyện ngoại thành sau một thời gian hoành hành ở nội thành Hà Nội.
Theo báo cáo của Hà Nội, toàn thành phố đã có gần 25.000 ca mắc SXH và 7 trường hợp tử vong. Các quận có số ca mắc cao là Hoàng Mai (3.756), Đống Đa (3.578), Hai Bà Trưng (2.164), Thanh Xuân (2.014).
Mặc dù số ca mắc mới có xu hướng giảm, nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp và việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy chưa triệt để thì nguy cơ số ca mắc vẫn có thể gia tăng. Đáng chú ý, hiện SXH đang có dấu hiệu lan ra các huyện ngoại thành Hà Nội và có thể sẽ phức tạp hơn khi năm học mới đã bắt đầu. Trong hai ngày 2 và 3.9, Hà Nội đã ghi nhận gần 400 ca mắc mới.
Báo cáo của 30/30 quận huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số ca mắc SXH đều giảm. Trong các tuần gần đây, số trường hợp mắc SXH giảm. Cụ thể, trong tuần cuối của tháng 8 đã giảm tới 861 trường hợp so với tuần đầu của tháng. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện hiện cũng giảm, hiện trung bình còn 2.200 bệnh nhân/ngày (tuần trước đó là 2.500 bệnh nhân/ngày).
Tất cả các xã phường, trường học đều được phun hóa chất diệt muỗi và đã tuyên truyền, phát động người dân vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về dịch SXH. Tuy nhiên, qua giám sát và đánh giá của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội cho thấy, khoảng 60% hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc và hầu hết các hộ gia đình khi được kiểm tra đều phát hiện có loăng quăng, bọ gậy. Các đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động hiệu quả chưa cao, không được trang bị dụng cụ, kỹ năng phát hiện và xử lý bọ gậy. Dù số ca mắc có giảm nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch SXH.
Qua kiểm tra, trung bình vẫn còn gần 18% hộ còn phát hiện bọ gậy. Một số đơn vị có tỷ lệ cao khi kiểm tra như: Thanh Oai (hơn 44%); Mỹ Đức (gần 38%); Bắc Từ Liêm (gần 24%); Tây Hồ (hơn 20%)...
Thả muỗi vằn mang Wolbachia để diệt dịch sốt xuất huyết: Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nói gì?
Chiều 5/9, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Y tế đã báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trong tuần qua và thông tin về việc thả muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia để diệt dịch.
tác kiểm tra phải thường xuyên, không chỉ dừng lại kiểm tra ở quận, huyện mà còn phải kiểm tra tận các phường, xã. Phải đảm bảo kinh phí cho các tổ giám sát và giữ vững tinh thần diệt dịch một cách quyết liệt nhất.
Những tuần qua, tình hình dịch sốt xuất huyết ở trung tâm TP Hà Nội đã giảm nhưng ở các huyện, xã lại có chiều hướng gia tăng. Nhiều người lo ngại việc cấp sở thì tích cực nhưng lãnh đạo ở các địa phương còn thờ ơ với tình hình dịch bệnh sẽ khiến việc chống dịch sốt xuất huyết không hiệu quả.
Về vấn đề này, ông Hạnh phân tích: "Các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh... rõ ràng đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh do họ đi làm ở khu vực nội thành nhưng khi bị bệnh lại về quê nên bệnh mới có nguy cơ lây lan ra các huyện ngoại thành".
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số loại thuốc diệt muỗi giả. Người dân lo ngại liệu những loại thuốc giả này trà trộn vào các đợt phun muỗi của Sở Y tế.
Trả lời vấn đền này, vị Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: "Chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc được Bộ Y tế cho phép. Hiện nay, tôi thấy một số báo nói có thuốc giả. Chúng tôi đã huy động công an, quản lý thị trường xử lý tất cả các trường hợp bán thuốc giả, nếu có".
Về giải pháp chống dịch sốt xuất huyết bằng muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia như một số nước Nam Mỹ đã làm, ông Hạnh khẳng định: "Trên thế giới, các nhà khoa học đã thả ra hàng triệu muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia trong người.
Mục đích là đàn muỗi nhiễm bệnh này sẽ sinh sôi nảy nở và phát tán mầm bệnh để hạn chế khả năng lây virus sốt xuất huyết cũng như virus Zika từ muỗi sang người. Tuy nhiên, giải pháp này chúng ta đã nghiên cứu 10 năm nay ở Khánh Hòa nhưng chưa có hiệu quả nên Sở Y tế Hà Nội chưa áp dụng được".
"Cho đến giờ phút này, trên thế giới vẫn còn khó khăn với việc phòng chống sốt xuất huyết. Vì chúng ta chưa có vắc xin nên vẫn phải dựa vào cộng đồng. Có một số nước nghiên cứu vắc xin nhưng chỉ bảo vệ được 65%", ông Hạnh nói.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp (giảm 307 trường hợp so với tuần trước). Một số quận. huyện có tỷ lệ mắc cao trong tuần như: Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông... Trong tuần cũng không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Tính từ 1/1 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp đã tử vong do sốt xuất huyết. Số bệnh nhân đã khỏi là 22.176 (chiếm 91%). Hiện vẫn còn 2.088 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Nghi sốt xuất huyết cần đến sớm bệnh viện để xét nghiệm
Sốt xuất huyết Dengue dễ phát hiện qua xét nghiệm nhất trong trong 3 ngày đầu, vì thế người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm ngay khi có biểu hiện sốt cao đột ngột để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Để phát hiện sớm sốt xuất huyết, người dân cần chú ý, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột 39- 40 độ C, phải đi khám ngay tại bệnh viện gần nhà nhất để được test nhanh sốt xuất huyết. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương: Hiện nay, việc xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết đã được phổ cập đến bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân không nên đổ xô lên bệnh viện tuyến trên. Với các trường hợp bệnh nặng hay có dấu hiệu cảnh báo nhân viên y tế sẽ tự chuyển bệnh nhân lên để tránh tình trạng quá tải. Theo các chuyên gia, hiện nay có hai xét nghiệm để chuẩn đoán vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết đó là: Xét nghiệm NS1 để xác định sốt xuất huyết thường chỉ nhạy trong 3 ngày đầu; và xét nghiệm huyết thanh chuẩn đoán Dengue thường chỉ nhạy từ ngày thứ 6 và ngày thứ 7 trở đi. Vì thế nếu đi khám vào ngày thứ 4, thứ 5 thì không dùng được hai xét nghiệm trên để chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Khi đó sẽ phải theo dõi diễn biến tiếp để xác định có phải sốt xuất huyết Dengue hay không.
Với sốt xuất huyết Dengue, trong ba ngày đầu, bệnh nhân thường sốt cao nhưng vẫn có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy ngày thứ 4,5,6 bệnh nhân bắt đầu giảm sốt nhưng có thể xảy ra biến chứng trong giai đoạn này. Vì vậy giai đoạn này nên cho bệnh nhân đi khám và làm các xét nghiệm để phát hiện sớm các biến chứng nếu có. Nếu bệnh nhân sốt cao, ăn, uống kém hoặc nôn nhiều dễ dẫn dễ đến thiếu dịch, có thể đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến quận, huyện gần nhất đế các bác sĩ cân nhắc việc truyền dịch. Người nhà bệnh nhân cũng cần biết các dấu hiệu cảnh báo nặng của bệnh sốt xuất huyết để đưa người bệnh nhập viện kịp thời như: Người bệnh sốt trên 2 ngày, có biểu hiện đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi đại tiện phân đen, tay chân lạnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ngay trung tâm TPHCM vẫn bị chết vì sốt xuất huyết
http://www.sggp.org.vn/ngay-trung-tam-tphcm-van-bi-chet-vi-sot-xuat-huyet-465839.html
Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12 là những quận huyện có người bị SXH nhiều. Trong đó, quận 12 là địa phương có tỷ lệ người bị SXH tăng cao nhất, đến 135%.
Ngày 5-9, tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 8-2017 và 8 tháng đầu năm 2017, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM nhận xét dịch sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng trong mùa mưa. Ông Ngọc Anh khuyến cáo các ngành, các địa phương cần có giải pháp để phòng chống.
Tính từ đầu năm 2017 đến 15-8, tại TPHCM có 12.406 ca sốt SXH, tăng hơn 27,7% so với cùng kỳ. Trong số này, có đến 4 ca tử vong ở các quận 5, 12, quận Bình Tân và Bình Thạnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, số ca nghi ngờ SXH nhập viện ở TPHCM trong tháng 8-2017 là 2.261 ca, tăng 12,8% so với tháng trước (tháng trước có 2.004 ca). Mặc dù không có ca nào tử vong nhưng số ca nghi ngờ SXH nhập viện tăng hơn 100% so với cùng kỳ (cùng kỳ có 1.130 ca).
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhận xét tình trạng SXH trên địa bàn TPHCM tạm thời đã dừng nhưng ở mức cao với cùng kỳ là 26% (cả nước tăng 43%).
“Các địa phương có người bị SXH nhiều là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và quận 12. Trong đó, quận 12 là địa phương có tỷ lệ người bị SXH tăng cao nhất, đến 135%”, ông Tăng Chí Thượng thông tin.
Để ngăn ngừa, giảm thiểu SXH, Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết TPHCM đã xây dựng đề án mạng lưới cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch SXH.
Ngoài ra, Sở Y tế, Sở TN-MT và Thành đoàn TPHCM đã ký kết kế hoạch liên tịch về hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng chống SXH hàng tuần từ nay đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác điều trị đối với bệnh SXH.
“Hàng tuần, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan ra quân tổ chức diệt mũi, lăng quăng. Bằng các biện pháp này, theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, dịch SXH đã chựng lại. Hy vọng trong thời gian tới, số ca bị SXH cũng sẽ giảm xuống”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng khuyến cáo trong thời điểm đang có dịch SXH như hiện nay thì nếu có triệu chứng sốt nên đến các cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm.
Sau đó, khi đã xác định sốt do nguyên nhân gì thì bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị theo nguyên nhân.
Khi dùng thuốc hạ sốt, chỉ được dùng paracetamol, không dùng các thuốc khác như aspirin hay ibuprofen vì nếu mắc SXH, sẽ làm tình trạng xuất huyết nặng thêm.
Tương tự, trong tháng 8-2017, số ca nghi ngờ tay chân miệng nhập viện gần 700 ca, tăng 27% so với tháng trước và tăng 71,3% so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2017 đến ngày 15-8 thì tổng số ca nghi ngờ tay chân miệng nhập viên là 3.051 ca, giảm 3,6% so với cùng kỳ và không có ca tử vong.
Ngoài ra, trong tháng 8-2017, TPHCM không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Zika. Đồng thời, TPHCM cũng khống chế các bệnh gây dịch khác như quai bị, thủy đậu và không để lan rộng trong cộng đồng.
Các sai lầm "chết người" của người bị SXH
- Giảm sốt là hết bệnh:
SXH thường kéo dài từ 7-10 ngày. Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường bị sốt cao (có khi tới 39 hoặc 400C), đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không có các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà và chỉ cần hạ sốt, uống orezol.
Từ ngày thứ 4 người bệnh thường không có biểu hiện của sốt nên nhiều người cho rằng bệnh đã bớt. Tuy nhiên, đây thời điểm nguy hiểm nhất, dễ bị biến chứng gây ra tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu làm bệnh nhân chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Vì vậy, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm để điều trị.
- Uống thuốc aspirin và ibuprofen:
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt... nhiều người thường nghĩ bị cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.
Tuy nhiên, aspirin và ibuprofen sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo đối không tự ý uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.
- Chữa sốt xuất huyết bằng tía tô, kinh giới:
Mạng facebook xã hội đang lan truyền bài thuốc chữa SXH bằng tía tô, kinh giới với lời giới thiệu “gia đình làm thuốc nam nhiều đời nên mách để cứu giúp dân tình”. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định tía tô, kinh giới không có giá trị gì trong chữa SXH. Với bệnh SXH, muỗi truyền thẳng virus vào máu, không qua đường hô hấp. Nếu nhiều người tin làm theo và không may gặp SXH biến chứng thì có thể mất mạng.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã quy định chỉ điều trị theo Đông y với SXH độ 1, độ 2. Khi SXH ở độ 3, độ 4 thì cấm điều trị theo Đông y vì khi tiểu cầu xuống dưới 50.000 hay có dấu hiệu cảnh báo như mất nước hay cô đặc máu thì không điều trị Đông y.
Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-kho-phan-biet-thuoc-diet-muoi-that-gia-1183719.tpo
Những tháng qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại Hà Nội khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thuốc diệt muỗi về phun với hy vọng “né” được dịch. Vì thế nhiều cơ sở bán hóa chất diệt muỗi trở nên đắt hàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều thuốc diệt muỗi giả lại đang được bán công khai nhưng người dân khó phân biệt thật - giả.
Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, nhiều cơ sở bán thiết bị y tế và hóa chất đều có bán những loại thuốc diệt muỗi thông dụng nhất trên thị trường hiện nay mà các trung tâm y tế dự phòng hay dùng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu bao bì, bán với nhiều mức giá, nhưng lại cùng một nhãn hiệu, cùng một công ty sản xuất. Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học, diệt côn trùng. Tức là có những hoạt chất, hóa chất độc.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, một số loại thuốc tồn lưu nhưng ở nồng độ cho phép, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu dùng đúng quy định, đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng điều đó. Bên cạnh đó nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, sử dụng thuốc diệt côn trùng càng tác dụng nhanh càng tốt nên muốn lựa chọn sản phẩm tác dụng ngay tức thì. Nhưng theo các chuyên gia dịch tễ, côn trùng càng chết nhanh thì nồng độ hóa chất trong thuốc càng mạnh. Như vậy con người cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được.
Theo các bác sĩ, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Với những loại thuốc này, cơ quan chuyên về thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không. Theo quy định, ngành y tế cấp phép quản lý, mua bán thuốc diệt côn trùng nhưng kiểm tra thuốc bán trên thị trường lại là cơ quan quản lý thị trường. Trước đây, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe.
Hà Nội: Hơn 35 nghìn lượt khám chữa bệnh trong kỳ nghỉ lễ
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 3 ngày nghỉ lễ, các bệnh viện Hà Nội đón tiếp hơn 35 nghìn lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh, trong đó khám cấp cứu trên 5.400 trường hợp.
Trong 3 ngày trực, các bệnh viện thuộc Hà Nội bố trí các kíp trực đảm bảo đúng theo quy định, các trường hợp cấp cứu được các tổ cấp cứu đáp ứng kịp thời.
Trung tâm cấp cứu 115 mỗi ngày phân công 18 kíp cấp cứu ứng trực 24/24h tại Trung tâm và các Trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn Thành phố. Từ ngày 02/09/2017 đến ngày 04/9/2017 đã tiếp nhận 299 lượt yêu cầu, đáp ứng 299 lượt yêu cầu. Tổng số người bệnh cấp cứu 203, chuyển đến bệnh viện 155, để lại nhà 35, người bệnh tử vong tại nhà 13; tổng số người bệnh tai nạn 41, trong đó: 07 do tai nạn sinh hoạt, 03 do đánh nhau, 32 do tai nạn giao thông (12 trường hợp chấn thương sọ não).
Trong hơn 35 nghìn lượt người đến khám từ 2/9 – 4/9 thì có hơn 5.400 trường hợp khám cấp cứu, với hơn 4 nghìn trường hợp phải nhập viện. Các trường hợp đến khám do tai nạn là 789 ca, trong đó tai nạn giao thông là 311 ca, tai nạn sinh hoạt là 317 ca.
Trong kỳ nghỉ lễ cũng không có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Công tác phòng chống dịch SXH vẫn được thực hiện nghiêm túc trong kỳ nghỉ lễ, với sự hoạt động liên tục của các đội xung kích diệt bọ gậy, các đội phun hóa chất diệt muỗi.
Khánh Hòa: Giảm ngoạn mục số ca nhiễm HIV/AIDS
http://dantri.com.vn/suc-khoe/khanh-hoa-giam-ngoan-muc-so-ca-nhiem-hiv-aids-2017090505162978.htm
Từ địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) về số ca mắc HIV/AIDS; thuộc 10 tỉnh trọng điểm dịch HIV/AIDS, thì nay Khánh Hòa đã trở thành địa phương có số mắc HIV/AIDS trung bình.
Ông Trần Văn Tin, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên toàn tỉnh là 3.474 trường hợp. Trong đó có 2.038 trường hợp đã được quản lý tại các địa phương trong tỉnh, 890 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống.
Địa phương có số người nhiễm cao nhất vẫn là thành phố Nha Trang: 1.284 người (chiếm 64,5%), tiếp đến là huyện Diên Khánh: 195 người (chiếm 9,8%), thành phố Cam Ranh: 181 người (chiếm 9,1%), thị xã Ninh Hòa: 134 người (chiếm 6,8%), huyện Vạn Ninh: 114 người (chiếm 5,7%)…
Theo BS Tin trong những năm qua số nhiễm mới HIV giảm, số tử vong mới giảm, số điều trị cũng khá tốt (76% bệnh nhân HIV được điều trị), tuy nhiên công tác phòng chống còn nhiều thách thức.
Bởi tại Khánh Hòa tình trạng mua bán dâm khó thống kê. Báo cáo của nhân viên tiếp cận cộng đồng tổng hợp hàng năm cho thấy địa phương này có từ 3500 – 4000 người có xu hướng mại dâm. Trước đây lây truyền HIV chủ yếu qua ma tuý, nay 70% là qua đường tình dục.
Hay trong nhóm đồng giới nam Khánh Hoà có lúc lên 4000, nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS ở nhóm đồng giới là rất cao.
Sở Y tế Khánh Hòa dự báo số trường hợp nhiễm mới HIV hiện vẫn còn có xu hướng tăng ở nhóm MSM, người có quan hệ tình dục với nhiều người, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV nếu biện pháp can thiệp kém hiệu quả.
5 năm không tuyển được bác sĩ
BS Tin cho biết khó khăn lớn nữa là về kinh phía. Trước đây Khánh Hòa có khoảng 11 tỷ phòng chống AIDS, trong đó có nguồn từ các dự án tài trợ. Năm 2016 là năm phần lớn nguồn kinh phí dự án tài trợ kết thúc, trong khi đó kinh phí Trung ương cấp chậm, ngân sách tỉnh hạn hẹp, ngân sách từ ủy ban nhân dân cấp huyện và xã/phường rất hạn chế... Chính vì vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS rất khó khăn, chật vật để triển khai các hoạt động, tác động đến tính bền vững của chương trình...
Vì thế, để duy trì thành quả của công tác phòng chống HIV/AIDS áp lực rất lớn. Một số cán bộ viên chức không nhiệt tình như trước, xin chuyển công tác nhiều.
Tại Trung tâm hiện đang điều trị cho 350 người dùng methadone, gần 100 bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV nhưng chỉ có 2 người làm chuyên môn gồm một bác sĩ điều trị và giám đốc. “Tôi vừa là giám đốc vừa là bác sĩ điều trị”, BS Tin nói.
“5 năm trở lại đây, chúng tôi đề nghị tuyển bác sĩ cho trung tâm nhưng không ai nộp hồ sơ xin về”, BS Tin cho biết.
Hiện tại Nha Trang có 3 Trung tâm điều trị Methadone là Nha Trang, Cam Ranh và Khánh Hòa, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người nghiện có điều kiện tiếp cận thuốc điều trị.
Trước tình hình trên, trong thời gian tới, ngành y tế Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, quản lý, hỗ trợ can thiệp các nhóm đối tượng: sử dụng ma túy, mua bán dâm, dân di biến động, người nhiễm HIV/AIDS; Củng cố, duy trì hiệu quả mô hình phối hợp hỗ trợ, can thiệp giữa y tế với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị chức năng tại địa phương...
Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực sẽ được ngành y tế của tỉnh đẩy mạnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (tỉnh/huyện/xã). Bên cạnh đó là việc triển khai chi trả dịch vụ từ bảo hiểm y tế và tự chi trả một phần của người sử dụng dịch vụ, tiếp tục mời gọi hỗ trợ của dự án trong nước và quốc tế...
Trước thực trạng người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 36% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, lãnh đạo Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, sắp tới hội đồng sẽ trình kế hoạch mua thẻ BHYT cho người nhiễm trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu báo cáo vụ sản phụ tử vong tại bệnh viện
http://thanhnien.vn/suc-khoe/yeu-cau-bao-cao-vu-san-phu-tu-vong-tai-benh-vien-872402.html
Ngày 4.9, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh báo cáo vụ việc sản phụ Phan Thị Thủy (33 tuổi, ngụ P.Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) tử vong sau khi sinh mổ tại bệnh viện này.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ 40 phút ngày 3.9, sản phụ Thủy được người nhà đưa tới nhập viện ở khoa sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) vì có hiện tượng chuyển dạ, sắp sinh. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết sản phụ đã chuyển dạ, cổ tử cung mở 2 cm, sắp sinh thường.
Khoảng 10 phút sau, khi sản phụ Thủy đang nằm theo dõi trên bàn sinh thì xuất hiện cơn co tử cung mạnh, vỡ ối, sau đó rơi vào tình trạng lơ mơ, kích thích, gọi hỏi không đáp ứng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Các bác sĩ khoa sản lập tức mời lãnh đạo bệnh viện, trực lãnh đạo, trực khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức, tiến hành hội chẩn với chẩn đoán: “ngừng tuần hoàn, theo dõi tắc mạch ối, thai đủ tháng chuyển sinh con thứ 2, tiên lượng rất nặng, đe dọa tử vong”. Vì vậy, các bác sĩ thông báo cho người nhà phải mổ sinh gấp để cứu con. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, ca mổ thành công, sản phụ qua cơn nguy kịch, được chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, đến hơn 16 giờ cùng ngày, sản phụ lên cơn co giật rồi tử vong. Trước cái chết bất ngờ của sản phụ, người nhà nạn nhân đã tập trung tại bệnh viện yêu cầu bác sĩ giải thích nguyên nhân.
Theo giải thích của bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng khoa sản (Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh), qua các triệu chứng lâm sàng, bước đầu xác định sản phụ Thủy tử vong có thể do tắc mạch ối. Đây là một tai biến sản khoa rất nặng, bất khả kháng. Hiện hội đồng khoa học của bệnh viện đang tiến hành kiểm thảo, tìm nguyên nhân.
Vợ 41 tuổi được chồng đỡ đẻ ngay trên taxi
http://khoe365.net.vn/quang-binh-vo-41-tuoi-duoc-chong-do-de-ngay-tren-taxi-p42781.html
Khi chỉ còn cách bệnh viện 15 phút, người vợ 41 tuổi tại Quảng Bình bất ngờ lên cơn đau đẻ dữ dội và sinh con ngay trên xe với sự giúp đỡ của chồng.
Cụ thể, chiều 3/9, thai phụ Hoa 41 tuổi ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, mang thai lần thứ ba có dấu hiệu chuyển dạ. Gia đình đưa chị đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới để sinh. Thế nhưng chị Hoa lên đau để quá nhanh, khi chỉ cách bệnh viện 15 phút thì em bé đã chào đời.
Chồng chị Hoa đi cùng trên chiếc taxi buộc phải trở thành bà đỡ bất đắc dĩ. Anh kể: "Tôi vừa hối tài xế chạy nhanh vừa lấy chăn và khăn để đỡ con. Khi bé lọt ra tôi đỡ trên tay và lấy khăn lau sạch vùng mặt rồi quấn chặt con vào chăn thẳng tới bệnh viện”.
Khi tới bệnh viện, các bác sĩ cấp cứu khẩn trương xử lý rốn và ủ ấm cho em bé vcũng như cấp cứu sản phụ. Bé trai khỏe mạnh nặng 2,9kg. Hiện sức khỏe của hai mẹ con đã ổn định và được chăm sóc theo dõi sau sinh. Các bác sĩ cảnh báo, sản phụ đẻ rơi có thể gặp một số nguy cơ biến nguy hiểm như: rách âm đạo và tầng sinh môn, băng huyết đờ tử cung. Còn với em bé dễ ngạt và hít ối, hạ thân nhiệt.
Vì vậy, trường hợp sản phụ chuyển dạ ngay trên xe thì nên đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất trên đường di chuyển để sơ cứu, tránh ảnh hưởng đến tính mạng mẹ con.
Bác sĩ chủ quan trong vụ cô gái tử vong sau nâng ngực
http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/bac-si-chu-quan-trong-vu-co-gai-tu-vong-sau-nang-nguc-927255.html
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP HCM vừa có thông tin chính thức về cô gái tử vong sau nâng ngực thẩm mỹ.
Sáng ngày 31-8, liên quan đến vụ cô gái trẻ tử vong sau nâng ngực, Sở Y tế TP HCM đã có thông tin chính thức. Hội đồng chuyên môn do PGS-TS-BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, làm chủ tịch cùng các thành viên là các chuyên gia đầu ngành về nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, phẫu thuật thẩm mỹ, sản phụ khoa...
Sau khi phân tích làm rõ, hội đồng chuyên môn có kết luận về nguyên nhân tử vong. Theo đó, đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống tiềm ẩn trên bệnh nhân có thai 17 tuần không đáp ứng điều trị. Yếu tố góp phần thúc đẩy đợt bùng phát cấp tính của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống cho cô gái là có thai, phẫu thuật, sử dụng kháng sinh.
Trong quá trình điều trị, Bệnh viện Hóc Môn là nơi tiếp nhận và điều trị ban đầu khi bệnh nhân đến khám vì mệt, khó thở sau uống thuốc, đã xác định tình trạng bệnh nhân nặng, xử trí và chuyển viện kịp thời. Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi bệnh nhân tiếp nhận và điều trị bệnh nhân do Bệnh viện Hóc Môn chuyển đến, đã chẩn đoán đúng, xử trí tích cực nhưng bệnh diễn tiến nặng, không đáp ứng điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh là nơi điều trị phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, phẫu thuật viên không có sai sót trong kỹ thuật đặt túi ngực. Tuy nhiên, đã không phát hiện bệnh nhân có thai mặc dù trong quá trình khai thác bệnh sử, khám thấy ngực hơi căng, bác sĩ có hỏi bệnh nhân nhưng bệnh nhân và người nhà khẳng định chưa có chồng, kinh nguyệt đều và sắp đến ngày có kinh nên bác sĩ đã loại trừ khả năng có thai.
Các chuyên gia là thành viên của hội đồng chuyên môn cho rằng về mặt chuyên môn, lời khai của bệnh nhân là để bác sĩ tham khảo, nhưng yêu cầu bác sĩ vẫn cần phải khám toàn diện bệnh nhân trước khi ra y lệnh điều trị, bổ sung phiếu danh sách những công việc cụ thể cần thực hiện trong phẫu thuật với nội dung "kỳ kinh cuối".
Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các qui trình liên quan đến phâu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật. Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ cần định kỳ phổ biến rút kinh nghiệm cho các hội viên về những sai sót chuyên môn để tránh lặp lại và phổ biến về các quy định của pháp luật trong khám chữa bệnh…
Leo cầu thang nhà nhiều lần, cô gái bị thoái hóa khớp gối
http://dantri.com.vn/suc-khoe/leo-cau-thang-nha-nhieu-lan-co-gai-bi-thoai-hoa-khop-goi-.htm
Thường xuyên leo lên, leo xuống cầu thang nhà, chị T. bất ngờ cảm thấy khớp gối của mình bị đau nhức. Lúc đầu chỉ đau khi vận động, sau đó không vận động khớp gối chị cũng đau nhức. Các bác sĩ phát hiện, chị bị thoái hóa khớp gối ở độ tuổi còn rất trẻ.
Theo chị Nguyễn Thị T.(27 tuổi, ngụ tại TP.HCM) sau khi sinh con được 1 năm nhưng cân nặng của chị vẫn không giảm so với lúc đang mang thai. Thấy vậy chị lo lắng cho vóc dáng của mình nên đã đi tìm hiểu thông tin về cách giảm cân nhanh, và biết được một bài tập có chức năng giảm cân rất nhanh đó là leo bộ lên xuống cầu thang.
“Theo một bài hướng dẫn trên mạng, tui được biết leo cầu thang là phương pháp giảm cân “thần tốc” so với việc chạy bộ bình thường. Vì vậy, mỗi ngày 2 buổi, tui đều leo lên, leo xuống cầu thang bộ ở căn nhà 4 tầng đến 10 lần. Sau 1 tháng tui thấy mình giảm được 3kg, nhưng sau đó đầu gối bị đau, càng tập càng đau nhức, nhất là khi ngồi xổm. Ban đầu chỉ đau lúc vận động, sau đó cả lúc ngủ cũng đau”, chị T. thuật lại.
Ngày 4.9 PGS.TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược cho hay, các bác sĩ đã kiểm tra lâm sàng và làm các kỹ thuật cận lâm sàng thì phát hiện chị T.bị thoái hóa khớp gối sớm do tập luyện thể thao không đúng cách.
“Chúng tôi đã đề nghị bệnh nhân nghỉ ngơi, thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế đi lại nhiều và leo cầu thang, nếu không thuyên giảm có thể sử dụng thêm các phương pháp điều trị nội khoa khác”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo bác sĩ Khanh thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương các cấu trúc trong khớp, trong đó quan trọng nhất là sụn khớp và xương dưới sụn. Đồng thời, cơ thể xuất hiện các phản ứng viêm hình thành nên các cytokin và enzym cũng tham gia vào sự phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn. Đây là bệnh mạn tính chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người có tuổi, nhưng vẫn có thể xảy ra ở người trẻ khi tập luyện thể thao quá mức với phương pháp tập luyện không hợp lý gây tổn thương sụn khớp, xương dưới sụn.
Các môn thể thao tạo áp lực nhiều lên khớp như leo cầu thang, đá banh, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ,…Sau thời gian tập luyện, các khớp cần có thời gian để phục hồi nên nếu tập luyện quá mức sẽ làm các cấu trúc trong khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn gây nên thoái hóa khớp.
Bác sĩ Khanh cho biết ngay cả tập yoga, môn thể thao được xem là rất “lành tính” này cũng có trường hợp sau thời gian tập yoga bị đau lưng cấp. Điều này là do người tập yoga co gập không đúng cách.
“Tập luyện thể thao là tốt cho sức khỏe, nhưng phải tập luyện đúng phương pháp, và có thời gian nghỉ ngơi để tránh thoái hóa khớp sớm”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Cứu người mẹ trẻ bị ung thư dạ dày
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/cuu-nguoi-me-tre-bi-ung-thu-da-day-516969
Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành phẫu thuật bắt con và cắt dạ dày cho chị Vũ Thị D, bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, để cứu sống hai mẹ con. Chị D sinh năm 1987, ở Chư Sê, Gia Lai, là giáo viên tiểu học.
Theo lời kể của anh Thịnh, chồng chị D, trong ba tháng đầu có thai, chị D nôn ói rất nhiều, sụt gần 3kg. Gia đình cứ nghĩ đây chỉ là triệu chứng nghén thông thường nên không đi khám. Cho đến tuần thứ 27 của thai kỳ, tình trạng nôn ói của chị D không thuyên giảm, cơ thể của chị D gầy đi rất nhanh. Chị đi khám tại địa phương, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để làm các xét nghiệm chuyên sâu. Tại đây, chị được nội soi dạ dày và phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn muộn, hẹp môn vị dẫn tới không ăn uống được và nôn ra máu.
"Lúc nhận được kết quả chẩn đoán của bác sĩ, vợ tôi hoảng loạn, suy sụp tinh thần hoàn toàn. Thai nhi lúc đó chỉ mới gần 30 tuần tuổi. Vợ tôi khóc nhiều lắm, nhờ có các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện ngày nào cũng vào thăm hỏi, động viên nên vợ tôi cũng bớt đi lo âu”-anh Thịnh chia sẻ.
Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi phải thường xuyên cho người đến tư vấn tâm lý, động viên và đưa ra hướng điều trị để tâm lý chị D ổn định hơn, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để chị yên tâm điều trị”. Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Đây là trường hợp đầu tiên mà chúng tôi tiếp nhận, khi bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối và mang thai. Nếu kéo dài thai nhi, tế bào ung thư sẽ phát triển thêm. Khó khăn nhất là làm sao đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển và mẹ đủ sức khỏe để phẫu thuật trong khi mẹ không ăn được”.
Cuộc hội chẩn liên chuyên khoa giữa khoa ngoại tiêu hóa, dinh dưỡng, hóa trị ung thư, phụ sản và nhi đã được tổ chức khẩn cấp để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Chị D được điều trị nội, truyền máu và chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nâng đỡ thai, truyền chất hỗ trợ phổi cho thai nhi và tăng cường sức lực cơ thể vì chị D không thể ăn uống qua đường miệng được nữa. Khi thai được 31 tuần, các bác sĩ của khoa phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã tiến hành phẫu thuật bắt con, là bé trai nặng 1,5kg và tiến hành cắt toàn bộ dạ dày của chị D. Cuộc phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ, cứu sống cả hai mẹ con trong niềm vui mừng của cả ê-kíp y sĩ, bác sĩ bệnh viện và gia đình chị D. Con chị D do sức khỏe yếu nên được Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 để chăm sóc. Đến nay, bé đã thôi thở máy và tự bú được. Sức khỏe chị D cũng ổn định, lạc quan hơn. Chị D tâm sự: “Khi ôm con vào lòng, tôi khát khao được sống hơn bao giờ hết. Tôi mong cuộc sống của tôi có thể kéo dài hơn để được chăm sóc con, để nhìn thấy con lớn lên từng ngày”.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Long, hướng điều trị tiếp theo cho chị D là hóa trị với hy vọng sẽ kéo dài sự sống thêm có thể cho người bệnh. Cũng có nhiều trường hợp cắt toàn bộ dạ dày như chị D và kéo dài sự sống được 5-7 năm.
Sau nghỉ lễ, nhiều người nhập viện do TNGT
http://nld.com.vn/suc-khoe/sau-nghi-le-nhieu-nguoi-nhap-vien-do-tngt-20170905170356425.htm
Trong 3 ngày nghỉ lễ đã có 190 trường hợp bị TNGT đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, trong đó trên 70% bị chấn thương sọ não.
Ngày 5-9, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay sau 3 ngày nghỉ lễ (từ ngày 2 đến 4-9) bệnh viện này đã tiếp nhận gần 900 ca cấp cứu, trong đó 425 ca nội khoa, 456 ca ngoại khoa. Trong đó, tai nạn sinh hoạt, đả thương do ẩu đả, đâm chém khoảng 50 ca. Riêng số bị tai nạn giao thông (TNGT) được đưa vào cấp cứu là 190 trường hợp, trong đó 132 (hơn 70% ) ca chấn thương sọ não; số bị TNGT nhiều nhất rơi vào ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, ngày 2-9. Tổng lượng máu sử dụng trong các ngày này là 245 đơn vị máu.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, những ngày nghỉ lễ nhưng người bệnh còn nằm viện còn khá đông. Trong các ngày qua, số bệnh nhân nằm viện điều trị nội trú chiếm trung bình gần 95% công suất giường bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy (2.367/2.503).