Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 07/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Một tháng ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng; Cảnh báo bệnh tay chân miệng lan rộng; Quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề y; Đột biến bệnh nhân vì bia, rượu; Dự kiến giá khám dịch vụ không quá 200.000 đồng/lần

 

Một tháng ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/861776/mot-thang-ghi-nhan-hon-2000-ca-benh-tay-chan-mieng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tháng 1-2017, cả nước ghi nhận 2.088 ca mắc tay chân miệng tại 57 tỉnh, thành phố, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã ghi nhận một trẻ 19 tháng tuổi ở huyện Châu Thành (Trà Vinh) tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dự báo, các ca mắc tay chân miệng có thể tăng trong thời gian tới, đặc biệt vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mỗi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ nhà ở, môi trường sống, nhất là không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

 

Cảnh báo bệnh tay chân miệng lan rộng

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/canh-bao-benh-tay-chan-mieng-lan-rong-357362

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác tại 57 tỉnh, thành phố. Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, nhất là trong các tháng 3 và 5.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…

Người dân cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Với trẻ nhỏ, người lớn cần không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.  

 

Quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề y

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/861768/quy-dinh-moi-ve-cap-chung-chi-hanh-nghe-y

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Nghị định, việc cấp chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với trường hợp cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề; cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khi có thay đổi nội dung trong chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khi người hành nghề đề nghị thêm kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp trong chứng chỉ hành nghề.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện, phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ... Trong đó, bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh.

 

Đột biến bệnh nhân vì bia, rượu

http://kinhtedothi.vn/tang-dot-bien-benh-nhan-vi-bia-ruou-279609.html

Vậy nhưng, từ một nét đẹp văn hóa mà giờ đây bia, rượu đã trở thành “thước đo lòng quân tử” gây nên tình trạng lạm dụng rượu, bia. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu vừa qua.

Ngộ độc nặng vì rượu chứa methanol

368 vụ TNGT, 203 người chết, 417 người bị thương là những con số được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thống kê được trong 7 ngày nghỉ Tết. Điều đáng nói, phần lớn nguyên nhân TNGT được xác định sơ bộ là do người điều kiển lạm dụng bia, rượu, nhất là các vùng nông thôn. Tại các bệnh viện (BV), số ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, bia cũng tăng đột biến trong dịp nghỉ Tết. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng trong 3 ngày Tết từ 30 đến Mùng 2, cả nước đã có gần 400 ca ngộ độc rượu phải cấp cứu tại các cơ sở y tế. Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm  cho biết, riêng trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm Chống độc tiếp nhập 12 ca ngộ độc rượu, trong đó có 3 ca rất nặng (2 ca người nhà xin về tử vong, còn 1 ca đã cứu sống được nhưng bị tổn thương mắt  hiện vẫn đang được điều trị). Đáng chú ý, nhiều ca ngộ độc rượu nặng năm nay có liên quan đến rượu chứa methanol. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do sử dụng rượu cũng tăng lên trong những ngày Tết. Riêng tại TP Hà Nội, trong số 659 người nhập viện vì TNGT thì phần lớn số người nhập viện trong tình trạng say xỉn.

Đã từng kề cận “cánh cửa tử thần” trong một vụ TNGT sau khi uống quá chén, anh Dương Văn C. (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rùng mình khi nhớ lại. Đúng đêm Mùng 1 Tết năm ngoái, trên đường đi chúc Tết bạn bè về, cơn say chuếnh choáng đã khiến anh gây tai nạn làm tử vong một người và bản thân cũng bị chấn thương sọ não, gãy cột sống, liệt nửa người. Nằm viện ròng rã một thời gian dài, khi tỉnh dậy, vợ và con đã bỏ đi, bản thân bệnh tật nên thời gian còn lại trên cõi đời anh sống trong day dứt với những cơn hoảng loạn. Hận chính mình đã không làm chủ được bản thân trước những lời mời mọc của anh em bạn bè, giờ đây mỗi lần chỉ ngửi thấy mùi rượu, anh đã cảm thấy khiếp sợ, căm phẫn.

Không ỷ lại vào thuốc giải rượu

Lo ngại trước những hậu quả khi lạm dụng rượu, bia, nhiều đấng mày râu tìm đến thuốc giải rượu để có thể uống thoải mái. Vậy nhưng, theo bác sĩ Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần, BV 103, không nên ỷ lại vào thuốc giải rượu. Bác sĩ Huy lý giải, hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc giải rượu, nhưng thường kết hợp 2 trong 1 theo hai cơ chế. Thứ nhất, thuốc làm môn vị dạ dày đóng lại trước khi uống rượu. Khi đó, rượu sẽ nằm trong dạ dày, không đi xuống ruột non và khiến người uống có cảm giác không say. Tuy nhiên, đến một thời gian nhất định, môn vị dạ dày cần mở ra, rượu sẽ ồ ạt chảy xuống  khiến mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Vì thế, lượng rượu trong máu quá cao nên đa số người uống thuốc giải rượu không thể dậy nổi vào ngày hôm sau. Thứ hai, thuốc giải rượu góp phần làm chuyển hóa rượu. Nhưng thực tế, không có bất cứ loại thuốc nào giúp chuyển hóa rượu nhanh hơn như nhiều người vẫn lầm tưởng.

 

Dự kiến giá khám dịch vụ không quá 200.000 đồng/lần

http://danviet.vn/y-te/du-kien-gia-kham-dich-vu-khong-qua-200000-dong-lan-743225.html

Bộ Y tế sẽ xem xét việc tính giá dịch vụ khám theo yêu cầu không quá 200.000 đồng/ lần khám.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm 2017 sẽ thanh tra toàn diện việc khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập.

Trong năm 2017, Bộ Y tế sẽ thanh tra về giá dịch vụ y tế, việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện Răng - Hàm -  Mặt Trung ương TP HCM, Bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

“Trong tuần tới, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ họp về Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức hoạt động và khung giá khám, chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu trong các bệnh viện công”, đại diện Vụ Tài Chính Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giá khám dịch vụ hiện nay mỗi nơi thu một kiểu. Hiện nay giá khám chữa bệnh tự nguyện có những nơi thu tiền khám giáo sư có thể từ 300 - 400 nghìn/lượt, thậm chí có bệnh viện thu đến mức giá 690.000 đồng/một lần khám.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, tiêu chí xây dựng giá của phòng khám tự nguyện và khám dịch vụ tại bệnh viện công do cơ sở y tế nơi đó xây dựng. Họ có thể căn cứ vào tiêu chuẩn, hướng dẫn chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh để đưa ra mức giá với bệnh nhân cho phù hợp với thị trường.

Tuy nhiên, trong Thông tư mới, Bộ Y tế sẽ xem xét việc dự kiến tính giá dịch vụ khám theo yêu cầu không quá 200.000 đồng/ lần khám và đưa ra các điều kiện cụ thể đối với việc khám chữa bệnh viện theo yêu cầu.

Thông tư vừa nêu dự kiến được ban hành trong quý I năm nay, nhằm tránh tình trạng chênh lệch quá lớn về khám dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng, đồng thời tránh tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị của phòng điều trị theo yêu cầu không tương xứng với giá tiền mà người bệnh phải bỏ ra.

 

Cứu trồi sụt huyết áp, ngộ độc bất ngờ

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170206/cuu-troi-sut-huyet-ap-ngo-doc-bat-ngo/1260337.html

Dịp Tết Nguyên đán có nhiều trường hợp bị tụt huyết áp, tăng huyết áp khi đang uống rượu trên bàn tiệc mừng năm mới. Bác sĩ tư vấn ra sao về những trường hợp tăng, giảm huyết áp đột xuất?

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có người thân bị ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc rượu phải sơ cứu tại nhà ra sao? Dấu hiệu nào cho thấy người thân đã bị ngộ độc để đưa đi bệnh viện?

Sơ cứu tăng, hạ huyết áp

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rượu, bia khi vào cơ thể làm giãn mạch máu, khi gặp lạnh những mạch máu này bị co lại đột ngột gây nên hiện tượng tăng huyết áp. Nguyên tắc đối với người có tiền sử tăng huyết áp là phải uống thuốc điều hòa huyết áp hằng ngày giúp ổn định huyết áp.

Đối với những trường hợp tăng huyết áp đột ngột, cách sơ cứu tốt nhất là để người bệnh được thư giãn hoàn toàn, không được đi lại, tránh việc nói nhiều, không bôi dầu, day huyệt...

Trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng thuốc hạ áp nhanh như loại viên ngậm đặt dưới lưỡi, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, theo dõi huyết áp. Nếu như người bệnh được xác định bị tăng huyết áp mãn tính cần phải tuân thủ chặt chẽ theo đúng điều trị của bác sĩ.

Hạ huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và tâm trương dưới 60mm Hg, hoặc bị giảm hơn 20 mm Hg so với trị số huyết áp bình thường trước đây. Với những trường hợp bị hạ huyết áp cấp thì rất cần xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp nôn nhiều, tiêu chảy, mất máu... cũng có thể dẫn đến hạ huyết áp. Ngoài ra là các nguyên nhân khác như có tiền sử bệnh tim, trầm cảm, stress, tiểu đường...

Trong những trường hợp hạ huyết áp do nôn, tiêu chảy cần phải bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol, trường hợp mất máu phải cầm máu sau đó phải theo dõi người bệnh, nếu diễn biến xấu phải đến các cơ sở y tế.

Ở một số trường hợp hạ huyết áp khác có thể uống trà gừng, cho bệnh nhân ăn một chiếc kẹo hoặc viên sôcôla, xoa dầu, bấm huyệt..., sau đó cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị.

Sơ cứu ngộ độc rượu, thực phẩm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, quy trình nấu rượu theo đúng truyền thống thì không có methanol, nhưng rượu pha cồn công nghiệp thì nguy cơ ngộ độc rất cao.

Bác sĩ Nguyên cho biết ngay loại rượu thông thường, nếu dùng nhiều rượu dễ mất nước, tổn thương cơ, những người có thể lực yếu, gầy gò dễ bị hạ đường huyết.

Bác sĩ Nguyên cho rằng khi người nhà bị say rượu đã tỉnh hơn và có biểu hiện gọi hỏi được, tự ngồi được thì nên cho ăn uống, nhất là các thức ăn có tinh bột. Nếu say tới mức không ngồi được thì người nhà phải theo sát, trường hợp người say có các biểu hiệu như gọi không biết, thở yếu, khò khè, chân tay lạnh... thì phải gọi cấp cứu ngay.

Trong trường hợp người say rượu có các biểu hiện như nhìn mờ, thở khó hoặc hôn mê thì đó là các dấu hiệu ngộ độc methanol.

Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm chống độc), nếu đã “nhìn thấy” các biểu hiện bị ngộ độc methanol như kể trên là tình trạng ngộ độc đã nặng khó cứu chữa, nhưng nếu người ngộ độc chưa bị hôn mê thì khả năng cứu sống cao hơn.

Trường hợp có người thân bị ngộ độc thực phẩm, nên cho người bệnh uống nhiều nước, sau đó kích thích vào vùng cổ họng để người bệnh có thể nôn ói được. Tuy nhiên chỉ gây nôn ói trong trường hợp người bệnh còn tỉnh, còn nôn trong khi đã hôn mê là hết sức nguy hiểm bởi có thể bị sặc, ảnh hưởng tới đường thở.

Trường hợp ngộ độc thực phẩm dẫn tới tiêu chảy nhiều cần tham vấn ý kiến bác sĩ và nếu pha oresol để bù nước cho người bệnh thì nên pha đúng hướng dẫn trên sản phẩm, không nên pha 1/2 oresol trong gói với 1/2 nước tương ứng.

"Trong lúc chờ cấp cứu ngộ độc rượu, nên để người bệnh nằm nghiêng, tốt nhất là nghiêng về bên phải hay còn gọi là tư thế nghiêng an toàn, để cổ ở tư thế thoải mái để người bệnh dễ thở, nếu trời lạnh phải ủ ấm cho người bệnh, không nên để bị lạnh".Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên

 

Bộ Y tế sẽ thanh tra toàn diện dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

http://laodong.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-se-thanh-tra-toan-dien-dich-vu-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-635809.bld

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bo-y-te-sap-thanh-tra-hoat-dong-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-3536658.html

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/31994502-thanh-tra-viec-kham-chua-benh-dich-vu-tai-cac-benh-vien-cong.html

http://danviet.vn/y-te/bo-y-te-sap-thanh-tra-hoat-dong-kham-chua-benh-theo-yeu-cau-743317.html

http://plo.vn/thoi-su/thanh-tra-toan-dien-nganh-y-te-nam-2017-680705.html

Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã ban hành, trong năm nay sẽ thực hiện thanh tra toàn diện việc thực hiện quy định về giá, khám chữa bệnh theo yêu cầu; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện

Dịch vụ “Khám-chữa bệnh theo yêu cầu” tại bệnh viện: Đắt hơn khách sạn “3 sao”, bệ rạc hơn phòng trọ!

Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Y tế, trong năm nay sẽ thực hiện thanh tra toàn diện việc thực hiện quy định về giá, khám chữa bệnh theo yêu cầu; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt T.Ư TP.Hồ Chí Minh; Bệnh viện Mắt T.Ư và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành thanh tra công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại Bệnh viện E; Thanh tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về tiêm chủng tại một số điểm tiêm chủng của đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời Thanh tra chuyên đề về đầu tư mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế.

Liên quan đến việc khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), trong tuần tới bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp về dự thảo thông tư quy định về tổ chức hoạt động và quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công.

Trong đó xem xét việc tính giá dịch vụ khám theo yêu cầu. Với dự thảo hiện tại, quy định giá không quá 200.000 đồng/lần khám, và giá giường bệnh cao nhất 2,4 triệu đồng/ngày/phòng một giường, thấp nhất là 600.000 đồng/ngày/phòng 4 giường…

Thông tư trên dự kiến ban hành trong quý 1 năm nay, sẽ là lần đầu tiên có quy định toàn diện về hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công.

 

Xét nghiệm máu cho 60 trẻ có nồng độ chì cao

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/xet-nghiem-mau-cho-60-tre-co-nong-do-chi-cao-680740.html

Ngày 6-2, đại diện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết đang tiến hành triển khai can thiệp đợt 2 với xét nghiệm máu chuyên sâu cho 60 cháu có nồng độ chì cao tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Đây là hoạt động thuộc “Nghiên cứu thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em Việt Nam và hiệu quả một số giải pháp can thiệp” cấp quốc gia do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thực hiện. Các nghiên cứu được viện lựa chọn thực hiện tại một số địa bàn: Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn..., có liên quan đến việc khai khoáng, luyện kim màu, chế tạo và tái chế phế thải chứa chì, để tiến hành đánh giá hiện trạng môi trường và sức khỏe trẻ em.

Trước đó, trong đợt một (từ ngày 24 và 25-9-2016), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu máu, tóc và làm một số test nhanh để kiểm tra và tiếp tục kiểm tả sức khỏe, hướng dẫn y tế địa phương và gia đình thực hiện các biện pháp can thiệp giảm nồng độ chì trong máu.

Các trường hợp này được lấy mẫu máu và nước tiểu để đánh giá biến đổi vật chất di truyền, tình trạng oxy hóa, chống oxy hóa ở trẻ em nhiễm chì.

Trong tháng 1 vừa qua, Viện này cũng đã lấy máu xét nghiệm nồng độ cho trẻ em thuộc xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên và xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn.

Thông qua kết quả xét nghiệm, Viện có các hướng dẫn, giúp người dân địa phương có các biện pháp giảm nguy cơ ô nhiễm chì, thực hiện các biện pháp và can thiệp, giảm độc chì với trường hợp nồng độ chì trong máu cao.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, các nguồn chính gây ô nhiễm chì với môi trường bao gồm khai thác mỏ, luyện kim, các hoạt động sản xuất và tái chế, ở một số quốc gia là việc sử dụng sơn pha chì và xăng pha chì.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do độc tính của chì và có thể gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Chì cũng gây ra tác hại lâu dài ở người lớn, tăng nguy cơ cao huyết áp và suy thận. Phụ nữ có thai bị phơi nhiễm chì ở mức độ cao có thể gây sẩy thai, sinh non, sinh thiếu cân…

 

Hiện còn 17 triệu người dân chưa tham gia thẻ bảo hiểm y tế

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=385394

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2016, đã có hơn 75 triệu người tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chung của toàn quốc là hơn 81%, vượt 2,8% so với chỉ tiêu bao phủ được giao và tăng 4,3% so với năm 2015.

Số người chưa có thẻ bảo hiểm y tế bao gồm cả số người chưa tham gia bảo hiểm y tế theo lộ trình do luật quy định và có cả số phải tham gia nhưng không tham gia đầy đủ. Đó là khoảng 3 triệu người lao động trong các doanh nghiệp; 0,4 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế.

 Đặc biệt, mới có hơn 74.000 người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 4,5% so với tổng số người thuộc nhóm đối tượng này.

 Nguyên nhân số người chưa tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều là do tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế. Trong khi đó, công tác thanh tra chuyên ngành về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được kịp thời triển khai do hệ thống các văn bản pháp quy về thành thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam còn đang hoàn thiện.

 Bên cạnh đó, sự phối hợp của các sở, ngành tại một số địa phương trong việc triển khai, áp dụng, thực hiện quy trình lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế chưa chặt chẽ… nên công tác phát triển và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

 Trên toàn quốc, hiện nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuốc Trung ương đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ được giao, chỉ có duy nhất tỉnh Lâm Đồng là chưa đạt được chỉ tiêu.

 Có 18 địa phương tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao trên 90% như Lào Cai, Điện Biên, Sóc Trăng, Thái Nguyên…; 24 địa phương có tỷ lệ bảo phủ bảo hiểm y tế từ 80-90%; 19 địa phương có tỷ lệ bao phủ từ 70 đến 80%; có 2 địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 70% là Kiên Giang (69%) và Bình Thuận (68%).

 Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ mới chỉ tính 4/7 yếu tố.

 Cũng trong năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá dịch vụ y tế có tiền lương đối với người có thẻ bảo hiểm y tế tại 27 tỉnh, thành phố. Dự kiến thực hiện vào quý I, đầu quý II.2017.

 Với việc đưa lương vào tính viện phí, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh tăng giá. Người có thẻ bảo hiểm y tế tiền viện phí được “nhẹ gánh” hơn do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, còn với những người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ phải tự trả tiền với mức giá được điều chỉnh cao hơn.

 

Gần 10 chuyên khoa cùng cứu bé sơ sinh

http://nld.com.vn/suc-khoe/gan-10-chuyen-khoa-cung-cuu-be-so-sinh-20170206111616658.htm

Một dạng bướu máu bẩm sinh khiến lượng tiểu cầu và các yếu tố đông máu của bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị giảm mạnh, tức không thể cầm máu khi có xuất huyết, đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân là bé trai sinh ngày 31-1 năm 2017 tại TP HCM, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau 1 ngày, tức ngày 1-2 (mùng 5 Tết) Bé ra đời nặng 2,5 kg, đủ tháng và cuộc sinh bình thường. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ phát hiện cơ thể bé xuất hiện các bướu máu lan tỏa tàn thân, đặc biệt bên đùi phải có một khối bướu đang to dần lên. Đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu khác rất nặng, đưa đến nguy cơ chảy máu không cầm. Bé còn bị xuất huyết não nặng, nên phải chuyển viện khẩn cấp.

Ngay chiều tối hôm đó, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phải cố gắng tìm loại máu phù hợp, bởi với một sơ sinh mới 2 ngày tuổi, không thể cứ đơn giản là truyền nhóm máu phù hợp với đứa trẻ, mà còn phải truyền máu mới, phù hợp với nhóm máu của cả mẹ lẫn con nếu mẹ và con bất đồng nhóm máu. Bé được điều trị và theo dõi tại khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện.

Theo ThS-BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, đáng lo là sau khi truyền huyết tương và tiểu cầu, các bác sĩ vẫn không ngăn được hiện tượng khó đông máu và bướu máu vẫn lớn dần lên. Vì vậy, 2 ngày sau, tức ngày 3-1, ca bệnh được hội chẩn toàn viện. Cháu bé được quyết định phẫu thuật, tuy nhiên để có thể phẫu thuật, cháu bé cần được truyền một lượng lớn các sản phẩm máu để cầm máu, đồng thời phẫu thuật ngay lập tức. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: ngoại sơ sinh, ngoại thần kinh, đơn vị can thiệp mạch máu, huyết học, phỏng – tạo hình bướu máu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, sơ sinh, hồi sức sơ sinh. Đơn vị tim mạch cũng “tranh thủ” phối hợp để giải quyết dị tật tim bẩm sinh cho bé.

“Đến hôm nay 6-2, tình trạng của bé đã khá ổn, hiện tượng giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu đã được ca mổ giải quyết hoàn toàn và bé không phải truyền thêm bất cứ sản phẩm máu nào nữa. Bé đang hồi phục tốt, dù vẫn đang phải thở máy. Về tiên lượng lâu dài, có thể có một tỉ lệ nhỏ rằng các bướu máu sẽ tái phát” – BS Tâm cho biết. Cháu sẽ tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện một thời gian nữa.

 

Cứu sống bé 3 tuổi bị súng bắn vào mắt

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/cuu-song-be-3-tuoi-bi-sung-ban-vao-mat-680604.html

http://www.nguoiduatin.vn/phau-thuat-thanh-cong-cho-be-trai-3-tuoi-bi-tai-nan-vi-sung-tu-che-a314554.html

http://laodong.com.vn/suc-khoe/be-trai-lanh-tron-vien-dan-vao-mat-vi-duong-nghich-sung-tu-che-635831.bld

Không biết trong khẩu súng tự chế vẫn còn một viên đạn bi, người dượng đã đưa súng lên bắn thử, chẳng may trúng vào mắt cháu bé ba tuổi khiến bé bất tỉnh.

Ngày 6-2, thông tin từ BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết các bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời cứu bé trai ba tuổi bị người nhà dùng súng săn bắn vào hốc mắt.

Theo BS Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị khám mắt - BV Nhi đồng 1, bệnh nhi là bé trai Y Khương Mơ Lo (ba tuổi, ngụ huyện Krông Puk, tỉnh Đắk Lắk). Bé nhập viện Nhi đồng 1 vào ngày 2-2 trong tình trạng rách vùng dưới mắt phải do có dị vật cắm vào hốc mắt. Khi dùng tay đè nhẹ lên mắt thấy có độ căng chứng tỏ nhãn cầu chưa vỡ. Đồng tử mắt không giãn, giác mạc hơi phù nề, không có xuất huyết trong mắt.

Theo gia đình bệnh nhi, gia đình có sử dụng súng tự chế bằng hơi cồn, bắn đạn bi để đi săn thú. Trong lúc đang thử súng, dượng của bé không biết trong súng vẫn còn một viên bi nên đã chĩa súng vào người cháu bé và bắn thử.

“Đạn bắn vào mặt thằng bé khiến nó bất tỉnh, thấy máu chảy đầy mặt nên tôi đưa con lên BV Buôn Hồ, sau đó vào BV tỉnh Đắk Lắk. Các bác sĩ nói có viên đạn bi trong mắt nên phải chuyển ngay lên BV Nhi đồng 1 để mổ lấy ra” - cha bệnh nhi kể lại.

Theo đánh giá của BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, đây là loại súng có độ sát thương lớn, có thể bắn chết một con chồn ở độ xa 30 m. Trường hợp của bé Y Khương được xem là rất may mắn vì viên đạn bi chỉ cắm vào ổ mắt gây tổn thương bờ dưới mắt và xoang hàm bên phải, không vỡ nhãn cầu, không ảnh hưởng đến dây thần kinh và thị giác.

Cũng theo BS Huy, với sự phối hợp giữa các bác sĩ khoa Mắt, Tai Mũi Họng, bệnh nhi đã được mổ bờ dưới mắt, vén toàn bộ nhãn cầu qua một bên để lấy dị vật ra.

“Rất may là xung quanh xương không tổn thương nhiều, không chảy máu nhiều nên mắt của bệnh nhi về sau không bị ảnh hưởng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi phục hồi tốt, hiện vẫn đang được điều trị nội khoa và sớm xuất viện trong thời gian tới” - BS Huy cho hay.

 

Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim

http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-bi-dam-thung-tim-35733

BSCK II Vương Trung Kiên- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cho biết, BV này vừa cứu sống bệnh nhân Đỗ Như T. (Thạch Thất – Hà Nội), được nhập viện cấp cứu ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết) trong tình trạng có vết thương sâu vùng thượng vị, da trắng nhợt, mạch huyết áp không đo được, tiểu tiện không tự chủ...

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức và đưa và phòng mổ. Khi mở bụng kiểm tra các bác sĩ phát hiện vết thương xuyên qua gan, rách cơ hoành, đi về phía trung thất, máu chảy nhiều.

Kíp phẫu thuật nhanh chóng tiến hành mở ngực bệnh nhân, kiểm tra và phát hiện vết thương tim rách ở thành sau tâm thất phải 1cm. Nhận định thấy tình hình bệnh nhân rất nguy kịch, tiên lượng nặng nề, nếu chuyển viện, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao.

Vì vậy, kíp phẫu thuật do BSCK II Vương Trung Kiên cùng với bác sĩ Phạm Phi Long - Phó trưởng khoa Ngoại đã tiến hành phẫu thuật khâu vết thương tim, gan, cơ hoành... Đồng thời, xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (bệnh viện đầu ngành ngoại khoa của Hà Nội).

Sau khoảng một giờ phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu, cơ bản đã giải quyết xong tổn thương cho bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân được hồi sức tích cực bởi bác sĩ gây mê Nguyễn Văn Vĩnh và bác sĩ hồi sức Lê Quang Dương.

Cùng với đó là kíp hỗ trợ của Bệnh viện Xanh Pôn nên tình trạng bệnh nhân ổn định và được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục theo dõi và hồi sức. “Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong tuần tới”, BS Kiên cho hay.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang