Bệnh ho gà gia tăng, nhiều trường hợp biến chứng nặng
http://laodong.com.vn/suc-khoe/benh-ho-ga-gia-tang-nhieu-truong-hop-bien-chung-nang-643960.bld
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/3/451373/
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170306/tre-mac-ho-ga-va-tu-vong-do-ho-ga-tang-cao/1275716.html
Theo PGS - BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ba tháng gần đây, số mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.
Gần đây, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Các bác sĩ cũng cho biết, đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi). Trong khi đó, trẻ dưới sáu tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng.
Theo PGS - BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ba tháng gần đây, số mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Thống kê trong 2015 cho thấy có 56,5% trẻ mắc ho gà dưới ba tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Riêng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 39 ca ho gà nhập viện tại bệnh viện này (cùng kỳ 2016 có 12 ca; cùng kỳ 2015 có 10 ca). Trong số nhập viện, một số trẻ rất nặng phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.
BS Trần Minh Điển cũng lưu ý, thời tiết miền Bắc hiện là thời điểm có xu hướng tăng các ca mắc ho gà, do đó các cha mẹ cần đưa bé đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 - 3 tháng tuổi vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ dàng phát hiện và dễ gây biến chứng nặng. Phụ huynh không nên qua lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan vì ngay cả khi bé chỉ được chăm sóc tại nhà cũng vẫn có thể lây vi khuẩn ho gà từ thành viên trong gia đình (người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh).
Bộ Y tế: Gia tăng các trường hợp mắc bệnh ho gà
http://bnews.vn/bo-y-te-gia-tang-cac-truong-hop-mac-benh-ho-ga/37253.html
Ngày 6/3, Bộ Y tế cho biết: So với năm ngoái, những tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ho gà, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh khu vực phía Bắc.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ; rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, đặc biệt là vắc xin có thành phần ho gà, tránh bỏ sót đối tượng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở qui mô xã, phường.
Đồng thời, các cơ sở y tế thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng.
Các tỉnh, thành phố chủ động giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, không để dịch bùng phát; tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học, lớp học, nhà trẻ để đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng và giữ vệ sinh cá nhân để phòng nguy cơ lây truyền bệnh.
Các địa phương tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều; bố trí đủ kinh phí để triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chống dịch khi cần thiết; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, tập trung ở các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp...
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ: Bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Khởi đầu, người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để phòng chống bệnh ho gà, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, vi rút viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.
Mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem cho trẻ cụ thể là: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.../.
Trung Quốc: Phát hiện người nhiễm H7N9 tại tỉnh giáp giới Việt Nam
Ngày 6/3, Ủy ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây vừa phát hiện thêm 2 ca lây nhiễm virus H7N9 trên người ở thành phố Bách Sắc và Ngô Châu, qua đó nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại địa phương này trong năm nay lên 8 trường hợp.
Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc dẫn thông báo của ủy ban trên cho biết 2 bệnh nhân mới đều đang trong tình trạng nguy kịch.
Đáng chú ý, thành phố Bách Sắc có vị trí địa lý giáp với 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam.
Mặc dù Trung Quốc vẫn phát hiện thêm một số ca nhiễm bệnh mới nhưng Uỷ ban Y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia (NHFPC) vẫn khẳng định dịch H7N9 tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhẹ sau khi Trung Quốc áp dụng các giải pháp khẩn cấp.
Kể từ ngày 24/2-2/3, Trung Quốc đã ghi nhận 22 trường hợp nhiễm H7N9, trong đó có 4 ca tử vong.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, các khu vực có ca nhiễm virus H7N9 đã đóng cửa các chợ bán gia cầm sống và đình chỉ hoạt động vận chuyển gia cầm sống giữa các khu vực để ngăn dịch bệnh lây lan.
Hiện Trung Quốc đã nghiêm cấm hoạt động buôn bán gia cầm sống tại nhiều địa phương như Nam Xương (tỉnh Giang Tây), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến), Tô Châu (tỉnh Giang Tô), nhiều thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam và Tứ Xuyên, và toàn bộ tỉnh Chiết Giang.
Các chuyên gia khẳng định H7N9 không thể lây giữa người với người, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống và chết, nên mua các sản phẩm gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch và không nghe theo tin đồn./.
Còn nhiều chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/con-nhieu-chong-cheo-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-644166.bld
Ngày 6.3 tại TPHCM, Đoàn Giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 – 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một vấn đề được cả Quốc hội và cử tri quan tâm, vì vậy, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 đã được chọn là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khoá 14.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định, về vấn đề an toàn thực phẩm cần được nhìn nhận ở ba góc độ: Bảo đảm cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; Bảo đảm cho sức khỏe, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm; Bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch. Ông Dũng đánh giá, vài năm qua công tác quản lý an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi đã tiến đến ngưỡng báo động "đỏ".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường, ông Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh - thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này. Ông Tiến cũng nêu khá nhiều con số đáng chú ý, dù chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình. Đó là, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản sử dụng khá tự do; hoóc môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm là phổ biến ở các địa phương, trừ TPHCM là có hệ thống và quản lý tương đối chặt chẽ, cả nước còn 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ. Kết quả giám sát cho thấy, nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ, và quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, TPHCM đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra hơn 283 nghìn cơ sở thực phẩm, phát hiện hơn 73,5 nghìn cơ sở vi phạm. Trong đó, hơn 33 nghìn cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỷ đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23 nghìn tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Theo bà Thu, công tác thực thi chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn TP giai đoạn 2011 -2016 đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn TP vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo ATTP còn thấp; nhân sự còn thiếu; điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế,…
Trên cơ sở vướng mắc trên, TPHCM kiến nghị Chính phủ đánh giá lại Luật ATTP sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các Bộ ngành cũng như địa phương đều cho rằng, việc kiểm soát ATTP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về ATTP hiện vẫn chưa sát với thực tế. Ngoài ra, cần phải phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP đến các địa phương khi ở tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương cần phải làm rõ chất lượng thực phẩm và vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đã đi đôi với nhau chưa, hay còn có khoảng cách. Liên quan đến hệ thống pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể: Hệ thống pháp luật đã đủ chưa, có điểm gì vẫn xung đột; Luật được ban hành đã đi vào cuộc sống chưa; tính khả thi và bảo đảm tính hội nhập; quyền lợi của người sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng... Đây cũng là các nội dung Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu để báo cáo Quốc hội.
Vấn đề an toàn thực phẩm nhiều nơi đã đến ngưỡng báo động đỏ
Nhiều chuyên gia nhận định công tác quản lý an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi đã đến ngưỡng báo động đỏ.
Ngày 6.3 tại TP.HCM, đoàn giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.
Hệ thống chính sách về ATTP chưa sát thực tế
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tham luận cho rằng việc kiểm soát ATTP hiện gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về ATTP chưa sát với thực tế. Ngoài ra, việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đến các địa phương khi ở tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói rằng vấn đề ATTP cần được nhìn nhận ở ba góc độ.
Thứ nhất là ATTP phải đảm bảo cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Thứ hai là bảo đảm cho sức khỏe, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm. Thứ ba là bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch.
Ông Dũng đánh giá trong những năm qua, công tác quản lý ATTP tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi đã tiến đến ngưỡng báo động đỏ.
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Dũng, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, trưởng đoàn Giám sát về ATTP cũng nhận định vấn đề ATTP hiện nay đã đi đến giới hạn đỏ.
Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP diễn ra thường xuyên, kể cả nhân sự và kinh phí hoạt động tại một số địa phương được cung cấp đầy đủ, thế nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng mất kiểm soát về ATTP. Trước tình trạng này, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị các địa phương, ban ngành cung cấp thông tin sát thực tế để đoàn giám sát tập hợp báo cáo Quốc hội nhằm đề ra các giải pháp trong thời gian tới.
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường cho biết trong thời gian qua, đoàn giám sát về ATTP của Quốc hội đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng trong giai đoạn 2011-2016, TP.HCM đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra, kiểm tra hơn 283.000 cơ sở thực phẩm. Kết quả, đoàn đã phát hiện hơn 73.000 cơ sở vi phạm. Trong số này, đã có hơn 33.000 cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỉ đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23.000 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Bà Thu cho rằng công tác thực thi chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn TP giai đoạn 2011-2016 đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý về ATTP vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đơn cử như kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo ATTP còn thấp; nhân sự còn thiếu; điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế…
Trên cơ sở vướng mắc trên, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Chính phủ đánh giá lại Luật ATTP sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2011-2016 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 3 triệu lượt cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%.
Kết quả giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của 6 viện chuyên ngành khu vực và các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trong thời gian này cũng cho thấy 63/1669 mẫu không đạt yêu cầu (tỉ lệ 3,8%). Nước uống đóng chai nhiễm coliforms là 6,7%, nhiễm E.Coli là 2,6%; tỉ lệ mẫu bún, phở phát hiện có hàn the từ 0,6-1,6%, có Formol từ 1,1-4,1%, có Tipnopal từ 4,9-13,7%.
2 trẻ chết tức tưởi vì ngộ độc trứng cóc: “Chúng cháu đói quá không có gì ăn”
Đói bụng, 3 đứa trẻ nhà nghèo rủ nhau đi mò cá về nấu cháo. Ai ngờ, mớ cá bắt được có lẫn trứng cóc khiến 2 trẻ ngộ độc thực phẩm tử vong.
Trao đổi với báo chí vào chiều 6/3, ông Hồ Chí Cường - Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông, Quảng Trị) xác nhận trên địa bàn xã này vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm khiến 2 học sinh tử vong, 1 em khác nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, vụ việc xảy ra vào sáng 5/3, hai em Hồ Văn N. (12 tuổi) và Hồ Văn Ng. (14 tuổi, cùng trú thôn Ra Lu) rủ theo Hồ Văn C. (12 tuổi) ra suối bắt cá về nhà bà nội nấu cho. Không ngờ trong mớ cá đó lẫn rất nhiều trứng cóc mà bà nội mắt mờ, 3 trẻ lại bất cẩn nên cho hết vào nồi.
Sau bữa ăn trưa, đến khoảng 16h cùng ngày, người nhà phát hiện hai em N. và Ng. đã tử vong. Riêng em Hồ Văn C. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng nguy kịch khi nhịp tim chỉ là 40 lần/phút, huyết áp còn 80/60, người lịm đi, bụng đau dữ dội,…
Ngay khi tiếp nhận em C., các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi súc rửa dạ dày, hồi sức cấp cứu tích cực, nâng huyết áp, nâng nhịp tim. Theo lời các bác sĩ, hiện nay C. đã tạm qua cơn nguy kịch nhưng do đây là một ca ngộ độc thực phẩm nặng, độc tố còn tồn tại lâu nên cần tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực.
Đau xót hơn cả là cả 3 nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm đều có hoàn cảnh đặc biệt và thuộc diện khó khăn nhất xã. Chẳng hạn như em N. mồ côi cha, mẹ bỏ về nhà ngoại và hiện đang ở với bà nội. Em C. cũng mồ côi cha, ở với mẹ cùng với 5 anh chị em lóc nhóc.
Chia sẻ về vụ việc, nạn nhân duy nhất còn sống sót sau ca ngộ độc thực phẩm kinh hoàng thều thào kể lại: “Cháu không biết trong mớ cá đó có trứng cóc, bọn cháu đói bụng quá mà không có gì ăn nên cứ thế mà ăn thôi”.
Được biết, trứng cóc có chứa độc tố Digoxin (làm rối loạn nhịp tim, huyết áp) và là nơi chứa độc tố cao nhất trong toàn bộ cơ thể con cóc. Nếu xếp thứ tự về độ độc thì trứng cóc đứng đầu, sau đó mới đến gan cóc, da cóc rồi thịt cóc.
Chuyên gia y tế cho biết, tuyệt đối không được ăn trứng cóc vì gây ngộ độc thực phẩm gần như tức thời và tỷ lệ tử vong rất cao. Trên thực tế, đã có không ít ca ngộ độc thịt cóc song ngộ độc trứng cóc mà lại may mắn sống sót như e C. là rất hiếm gặp.
TP. HCM: Bé trai 5 tuổi tử vong vì hóc thạch rau câu
http://www.nguoiduatin.vn/tphcm-be-trai-5-tuoi-tu-vong-vi-hoc-thach-rau-cau-a317617.html
Bé trai 5 tuổi hút mạnh miếng thạch rau câu khiến vật này chui vào họng, chặn đường thở dẫn đến ngưng tim. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi.
Tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bé trai 5 tuổi (ngụ quận 10, TP.HCM) được gia đình đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 (phường 10, quận 10, TP.HCM) trong tình trạng tím tái.
Theo người nhà nạn nhân, bé đã dùng miệng hút miếng thạch rau câu, khiến vật này chui vào họng. Khi phát hiện bé bị hóc, gia đình đã tìm cách cứu chữa, đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết cơ thể bé đã tím tái, trụy tim mạch. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua khỏi và đã tử vong.
Nguyên nhân khiến bệnh nhi tử vong được xác định là do thỏi rau câu lọt vào đường thở, gây suy hô hấp cấp.
Thông tin về vụ việc, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Khi bệnh nhi hút thạch rau câu vào miệng, nắp thanh quản sẽ mở ra, khiến thức ăn lọt vào đường thở và lúc này nắp thanh quản đóng lại sẽ khiến đường thở bị tắc nghẽn”.
“Khoảng 4 phút đầu sau khi tai nạn xảy ra là thời gian vàng để cứu sống nạn nhân còn sau đó, bệnh nhi sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch, tử vong hay đố mặt với di chứng não”, bác sĩ Phương cho biết thêm.
Gia tăng tình trạng trẻ bị đuối nước, hóc dị vật
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/3/451362/
Sáng 6-3, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM cho biết tình trạng trẻ bị hóc dị vật đường thở và ngạt thở do ngã chúi đầu vào xô nước liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.
Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận trường hợp trẻ 17 tháng tuổi được gia đình đưa vào cấp cứu do bị đuối nước. Tuy nhiên, khi vào tới viện, bệnh nhi đã ngưng tim, dù các bác sỹ cố gắng cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.
Theo người nhà bệnh nhi, trẻ nghịch chậu nước trong nhà và không may bị chúi đầu rồi rơi vào dẫn tới đuối nước. Khi người nhà phát hiện thì trẻ đã tím tái, liền đưa vào bệnh viện.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ khoảng 1 tuổi ở giai đoạn bò, tập đi thường rất thích nghịch nước. Với những chậu, lu nước đầy thì trẻ ít bị ngạt nước nhưng với những chậu nước ít, trẻ thường chúi đầu vào chơi nên dễ té ngã vào trong, dẫn tới tai nạn thương tâm. Thế nên, nếu nhà nào có trẻ nhỏ phải thường xuyên để mắt tới trẻ, không nên cho trẻ chơi một mình. Ngoài ra, không nên để các vật chứa nước trong khu vực trẻ chơi đùa để tránh tai nạn không đáng có.
Cũng theo BS Phương, trường hợp trẻ không may bị đuối nước thì việc quan trọng để cứu mạng trẻ chính là cách sơ cứu của gia đình. Thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ bị đuối nước chỉ có 4 phút. Trong thời gian này, người thân phải cấp cứu để kịp thời hồi sức tim phổi, cung cấp máu, oxy lên não. Nếu quá 4 phút trẻ sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, sau 10 phút thì trẻ chết não. Cho dù cứu được trẻ thì để lại di chứng nặng nề như sống thực vật.
Ngoài đuối nước thì việc trẻ bị hóc dị vật là trường hợp mà Bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên tiếp nhận.
Theo BS Đinh Tấn Phương, gần đây nhất là trường hợp trẻ 5 tuổi (ngụ Q.10) tử vong do bị hóc rau câu. Loại rau câu mà trẻ bị hóc thuộc dạng viên nhỏ, chứa trong hộp nhựa, được bọc bằng lớp bao mỏng phía trên. Khi ăn, trẻ đã tháo nắp đậy và hút mạnh vào miệng. Viên rau câu không may đã rơi vào thanh quản khiến bị trẻ bị hóc, cả người bắt đầu tím tái. Người nhà sau đó đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp khi bệnh nhi đã bị ngưng tim.
Theo BS Phương, trong trường hợp trẻ chẳng may hóc dị vật, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu trước khi đưa tới cơ sở y tế.
Với trẻ dưới 2 tuổi, người lớn nên vỗ lưng ấn ngực, để làm tăng áp lực đột ngột giúp tống dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ trên 2 tuổi thì dùng dùng tay ấn lên lồng ngực, hoặc vùng thượng vị, làm tăng áp lực trong lồng ngực.
Nếu làm cách đó không hiệu quả, trẻ vẫn tím tái thì hà hơi thổi ngạt để cung cấp máu cho não, oxy cho phổi, sau đó nhanh chóng gọi Trung tâm cấp cứu 115.
Thai phụ hôn mê sâu sau khi khám ở phòng khám tư
Một gia đình ở Quảng Ninh đang đề nghị công an xem xét người thân của họ là một phụ nữ có thai 20 tuần tuổi đã hôn mê sâu sau khi đi khám ở một phòng khám tư tại Hà Nội.
Gia đình chị T.T.T.H ở Quảng Ninh chiều 6-3 đã gửi đơn trình báo tới công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, đề nghị công an vào cuộc xem xét việc người thân là T.T.T.T, 29 tuổi (đang có thai 20 tuần) ở Hạ Long, Quảng Ninh, đang hôn mê sâu, tiên lượng xấu.
Chị T đang được cấp cứu tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai sau khi đi khám và điều trị (chưa rõ loại dịch vụ) tại phòng khám tư ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.
Theo chị H., tối ngày 5-3 chị gọi cho em là chị T. nhưng một người lạ nghe điện thoại nói là em chị đang ngất và bị co giật, sau đó chị không liên lạc được với em chị nữa, một giờ sau thì có người gọi báo em chị đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Gia đình tìm hiểu thì được biết trước khi vào Bạch Mai, chị T. có đến khám tại một phòng khám ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ ngày 6-3, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết đã nhận được thông tin về vụ việc.
Ông Cường cho biết ngày 7-3 sẽ tiến hành kiểm tra phòng khám tư mà chị T. đã đến khám vào chiều 5-3 để tìm hiểu nguyên nhân, trong đó có loại thuốc và dịch vụ đã được sử dụng cho bệnh nhân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngất và co giật… ở bệnh nhân.
TPHCM: Phó Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm
http://plo.vn/thoi-su/bo-nhiem-nhieu-nhan-su-moi-o-tphcm-686857.html
Giải quyết bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm, TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm.
Ngày 6.3, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM đã trao quyết định bổ nhiệm PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM làm Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM là mô hình thí điểm để nhập bộ phận quản lý an toàn thực phẩm của 3 sở: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cùng về một đầu mối. Cơ quan này sẽ có phòng kiểm nghiệm, đủ năng lực để xét nghiệm và cho kết quả nhanh các chất độc hại, hóa chất cấm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan được điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, thời gian giữ chức vụ cho đến ngày 6.12.2019. Ông Lê Minh Hải - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp trực thuộc Sở Y tế - giữ chức vụ Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - giữ chức Phó Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, sau khi ổn định bộ máy nhân sự tinh gọn và hiệu quả, việc đầu tiên sẽ triển khai xây dựng đội ngũ thanh tra theo mô hình liên quận - huyện, phát huy tác dụng của từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục những đề án về chuỗi thực phẩm an toàn, về truy xuất nguồn gốc, mô hình chợ an toàn thực phẩm, tạo điều kiện tốt nhất cho những tổ chức cá nhân, những cơ sở, doanh nghiệp muốn làm được thực phẩm an toàn có nhiều cơ hội để tập trung chuyên môn.
TPHCM: Xóa cơ chế “3 bộ cùng quản lý 1 mâm cơm”
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tphcm-xoa-co-che-3-bo-cung-quan-ly-1-mam-com-20170306150040977.htm
Chất lượng thực phẩm không đảm bảo đang trở thành thảm họa đối với sức khỏe, sinh mạng người dân. Để xóa tình trạng quản lý chồng chéo, không mang lại hiệu quả, TPHCM đã lập Ban quản lý thực thi các vấn đề an toàn thực phẩm.
Với đặc thù là địa phương đông dân nhất cả nước (khoảng 10 triệu người), song khả năng TPHCM tự cung ưng thực phẩm chỉ đạt khoảng 20% nên mỗi ngày hàng nghìn tấn thực phẩm đủ loại khắp các tỉnh thành, các quốc gia khác được nhập về để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, lâu nay nguồn thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch vẫn tràn lan trên thị trường bởi thực trạng quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các bộ liên quan bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Công thương.
Người tiêu dùng đang gánh chịu nhiều nguy hại đối với sức khỏe khi ăn phải nguồn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, kháng sinh... nguyên nhân trực tiếp gây ra các loại bệnh nguy hiểm, đặc biệt là căn bệnh ung thư.
Để ngăn chặn thảm họa từ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhằm thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban quản lý được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Công thương.
Thực hiện quyết định trên, sáng 6/3/2017 ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố đã trao quyết định bổ nhiệm nhân sự Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Theo đó, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế, được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ông Lê Minh Hải, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp cùng giữ chức vụ Phó Trưởng ban.
Đây là đơn vị trực thuộc UBND thành phố, có nhiệm vụ thực thi các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trên được thực hiện thí điểm trong 3 năm, nếu thành công sẽ được nhân rộng ra cả nước. Ban quản lý An toàn Thực phẩm ra đời sẽ chấm dứt thực trạng 3 bộ cùng quản lý 1 mâm cơm đã tồn tại lâu nay. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kỳ vọng, mô hình thí điểm này sẽ được triển khai thành công trên tinh thần quyết liệt ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vẫn đề liên quan đến thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện đa khoa Quảng Trị cứu sống một trẻ sinh non, dị tật bẩm sinh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa mổ cứu sống một trẻ sinh non bị suy hô hấp nặng và dị tật bẩm sinh.
Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thảo ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đưa con gái nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị từ ngày 13/2/2017 trong tình trạng bé sinh thiếu tháng, nhẹ cân, bị suy hô hấp nặng kèm dị tật khiếm khuyết thành bụng, ruột bị xoắn và hoại tử. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp cắt ruột non, tái tạo lại thành bụng.
Sau 45 phút phẫu thuật, cháu bé đã được cứu sống. Hiện, bé bú mẹ tốt và đi vệ sinh bình thường. Bác sĩ Trương Vĩnh Quý, Phó Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, nếu không phẫu thuật nhanh, chính xác, trẻ rất dễ hạ nhiệt dẫn đến tử vong.
"Khi mở bụng ra, tôi đánh giá có 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất nếu không đóng bụng được thì phải dùng tấm nhân tạo, tấm nilon của huyết học úp lại sau đó kéo đợi 1 tháng sau mới đóng lại. Trường hợp thứ 2 nếu đóng được thì sẽ bị tổn thương bên trong, phải làm thật tốt, thật nhanh, trẻ con nguy hiểm nhất là hạ thân nhiệt, dễ dẫn đến tử vong", bác sỹ Quý nói./.
ĐÀ NẴNG: Cứu sống bé 15 tháng tuổi rơi từ tầng 5 chung cư xuống đất
Sáng 6.3, bác sĩ Võ Hữu Hội - Trưởng Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết bệnh nhi Dương Tấn Trọng (15 tháng tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bị rơi từ tầng 5 chung cư xuống đất đã qua nguy kịch, đang bình phục tốt và chuẩn bị xuất viện trong thời gian tới.
Sáng 6/3, bác sĩ Võ Hữu Hội, trưởng Khoa Hồi sức nhi (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) – cho biết, bệnh nhi Dương Tấn Trọng (15 tháng tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bị rơi từ tầng 5 chung cư đã qua nguy kịch, đang phục tốt và chuẩn bị xuất viện.
Trước đó, ngày 14.2, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận trường hợp cháu Dương Tấn Trọng được người nhà đưa vào bệnh viện vào sáng cùng ngày trong tình trạng nguy kịch do té từ tầng 5 chung cư xuống đất.
Theo các bác sĩ, cháu Trọng nhập viện khi toàn thân tím tái, biến dạng vùng mặt, thở nấc, bụng chướng, đa chấn thương, biến dạng vùng dưới cánh tay phải và vùng đùi bên trái. Kết quả chụp CT cho thấy có xuất huyết vùng trán bên trái, tụ khí trong não, phù não lan tỏa nặng, vỡ xương sọ trán...
Theo người nhà cho biết, cháu Trọng bị rơi từ tầng 5 khu chung cư , nơi gia đình cháu sinh sống xuống đất.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định chuyển cháu qua Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Tại đây, cháu Trọng được các bác sĩ điều trị tiếp tục hồi sức, cho thở máy, chống phù não và kiểm soát nhiễm trùng, bó bột chân và tay…
Sau thời gian điều trị, hiện cháu đã tỉnh táo, linh hoạt, tự ăn được và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Phẫu thuật thành công ca bệnh hiếm gặp trên thế giới
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/phau-thuat-thanh-cong-ca-benh-hiem-gap-tren-the-gioi-686921.html
Theo y văn thế giới, đây là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ gặp khoảng 3,4% với bệnh nhân trên 50 tuổi và 9,4% với bệnh nhân trên 60 tuổi.
Ngày 6-3, BS Nguyễn Huy Phương, Khoa Chấn chương chỉnh hình, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết phẫu thuật thành công một ca bệnh rất hiếm gặp tại Việt Nam – bệnh hoại tử vô mạch lồi cầu đùi.
Bệnh nhân là Nguyễn Văn Đ, 54 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau chân phải gần 3 tháng, đi lại khó khăn. Ông Đ. có triệu chứng đau khớp gối phải từ trước Tết. Gần ba tháng chịu đựng đau đớn, khó đi lại, ông mới đi khám và phát hiện ra bệnh lý. Cách đây bốn năm, ông Đ cũng được mổ thay khớp háng do bị hoại tử xương khớp háng.
PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, trường hợp bệnh nhân Đ là ca mổ đầu tiên tại BV Xanh Pôn mà người bệnh vừa hoại tử chỏm xương đùi, khớp gối, lại từng thay khớp háng trước đó.
BS Phương, người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết: Sau khi thăm khám, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ thấy có một ổ tiêu xương rất lớn nằm ở vùng lồi cầu đùi trong ở xương đùi phải. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hoại tử vô mạch lồi cầu đùi ở khớp gối phải. Hoại tử vô mạch lồi cầu đùi là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hoá nặng khớp gối, tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Trường hợp bệnh nhân Đ khi phát hiện đã ở giai đoạn cuối của hoại tử xương khớp gối, buộc phải phẫu thuật để thay khớp gối nhân tạo.
Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ thấy phần lồi cầu đùi trong xương đùi của bệnh nhân bị khuyết xương rộng, khoảng 3 đến 5cm nên đã trám một lớp xi măng xương và tiến hành thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân.
Sau 8 ngày, bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, đầu gối có thể gập 45 độ, đã đi lại được và xuất viện trong ngày 6-3. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ phải tập vật lý trị liệu từ 1-2 tháng mới có thể đi lại bình thường.
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, triệu chứng đau đặc trưng của bệnh lý này là đau khớp gối, đau tăng khi vận động cơ học như đi lại, lên xuống cầu thang và đau kể cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Cơ chế bệnh lý của hoại tử khớp gối là do tổn thương mạch máu cung cấp nuôi xương hay còn gọi là nhồi máu xương, xương bị tắc mạch và hoại tử. Khi bị phù xương và tăng áp lực lên tế bào xương làm người bệnh đau đớn, không đi lại được, cần phải khoan giảm áp, để dịch xung quanh tế bào và các tổ chức hoại tử thoát ra, làm giảm áp lực cho tế bào chưa chết.
Nguyên nhân của bệnh lý này chủ yếu là do cơ chế thiếu máu nuôi cầu đùi trong; do mật độ chất khoáng của người bệnh (bệnh nhân càng cao tuổi thì tỷ lệ bệnh lý càng cao).
Theo PGS. TS Trần Trung Dũng, ở Việt Nam hiện nay chưa có tổng kết về bệnh lý này. Tuy nhiên với vài trường hợp mà bác sĩ từng tiến hành phẫu thuật thì bệnh lý này hay gặp ở nam giới ở độ tuổi trung niên.
Hà Nội ra quân xử lý rượu không nhãn mác
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ha-noi-ra-quan-xu-ly-ruou-khong-nhan-mac-643494.bld
Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội đã họp khẩn bàn giải pháp tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm do rượu, sau khi liên tiếp có các nạn nhân cư trú tại Hà Nội phải nhập viện vì ngộ độc rượu. Qua kiểm tra một nhà hàng ăn uống trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm sáng ngày 3.3, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP TP. Hà Nội đã niêm phong 6 chum đựng rượu với khoảng 200 lít rượu không có nhãn mác.
Ngày 2.3, sau khi xác minh có 5 bệnh nhân ở Hà Nội trên tổng số 7 bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc rượu do uống rượu không nhãn mác, Ban Chỉ đạo ATVSTP TP. Hà Nội đã tổ chức họp khẩn để tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu. Một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Nội sẽ triển khai là yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền tác hại do uống rượu, chất có cồn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác. Bên cạnh đó, ngành công thương phải phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là những loại rượu không nguồn gốc và nhãn mác cụ thể. Và người dân khi có biểu hiện nghi có ngộ độc rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Ngay trong sáng ngày 3.3, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 2 TP. Hà Nội đã tiến hành ra quân kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra tại nhà hàng Thu Thắng (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở có 6 chum đựng rượu với khoảng 200 lít rượu nhưng không có nhãn mác. Số rượu này được chủ nhà hàng cho biết là rượu nếp và được lấy của người quen ở huyện Đông Anh (Hà Nội) nên không có hóa đơn chứng từ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ 6 chụm đựng rượu nói trên và yêu cầu chủ nhà hàng tiếp tục làm việc với Phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm để làm rõ nguồn gốc của số rượu này. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung - Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, trong trường hợp nhà hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu và tiêu hủy theo quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã lấy 3 mẫu rượu của nhà hàng, 3 mẫu rau, 10 mẫu bát, đĩa tiến hành xét nghiệm nhanh. Kết quả test nhanh các mẫu rượu, rau đều đảm bảo an toàn nhưng 3 mẫu bát, đĩa không đảm bảo vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở rửa lại toàn bộ số bát, đĩa và không sử dụng bát, đĩa đã cũ để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Liên quan đến các trường hợp ngộ độc rượu trên địa bàn Hà Nội phải vào Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai để cứu chữa, BSCK II Đặng Thị Xuân cho biết, từ tết đến giờ, gặp rất nhiều bệnh nhân ngộ độc methanol, tử vong cũng nhiều. Có ngày 3 - 5 bệnh nhân ngộ độc methanol. Cá biệt, có người hàm lượng methanol trong máu lên đến trên 500 mg/dL, tổn thương não, hoại tử não (nặng hơn cả tai biến mạch máu não), nguy cơ tử vong, tổn thương não do hôn mê kéo dài là rất cao. Đây là lời cảnh báo nguy hiểm đến tất cả mọi người, đặc biệt với người thường uống rượu không rõ nguồn gốc.
ĐBSCL tăng cường phòng chống cúm gia cầm
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/3/451257/
Chiều 5-3, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngành thú y của tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, người chăn nuôi… tăng cường nhiều biện pháp phòng chống. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh đã tiêm phòng trên 2 triệu liều vacxin phòng chống cúm gia cầm. Hiện tại, các huyện, thị tiếp tục kiểm tra đàn gia cầm nhằm tiêm bổ sung đầy đủ, không để sót. Đối với các huyện tiếp giáp biên giới Campuchia như Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm được tăng cường nghiêm ngặt".
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cận Tết Nguyên đán 2017, tỉnh đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà, với 860 con ở hộ ông Nguyễn Văn Toàn, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè và đã tiêu hủy hoàn toàn.
Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm khá lớn với khoảng 12,2 triệu con, tăng 46,7% so cùng kỳ (chủ yếu tăng ở đàn gà 65,4%). Vì vậy, việc phòng chống cúm gia cầm rất được quan tâm. Ngành thú y đang tập trung tiêm phòng cúm A/H5N1 cao điểm đợt 1 đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiêm phòng đạt 79,6% đối với đàn vịt, 90,19% đối với đàn gà. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay và không để dịch lây lan. Đồng thời, thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ nay đến ngày 23-3. Chủ các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, quét dọn, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt, chôn hoặc ủ sinh học… sau đó ngành chức năng sẽ phun xịt hóa chất phòng bệnh…
Tại An Giang, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và lực lượng thú y triển khai nhanh nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức về vận chuyển, buôn bán, sản phẩm gia cầm qua biên giới, khu vực tiếp giáp với Campuchia; đồng thời thưởng nóng 500.000 đồng cho bất cứ ai báo tin chính xác về gia cầm chết hàng loạt hoặc nghi cúm gia cầm, đàn gia cầm không tiêm phòng…
Ở Sóc Trăng, các ngành chức năng cũng tập trung cao cho công tác phòng chống cúm gia cầm bởi dịch bệnh xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn bộ gia cầm bị bệnh đã được tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng; quản lý vùng có ổ dịch; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tăng cường quản lý vịt chạy đồng và đẩy nhanh việc tiêm phòng, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn…
Lấy mẫu gia cầm xét nghiệm cúm A/H7N9
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170306/lay-mau-gia-cam-xet-nghiem-cum-a-h7n9/1275629.html
60 mẫu ngẫu nhiên từ đàn gia cầm đang bày bán tại chợ Giếng Vuông (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn) đã được lấy mẫu để xét nghiệm cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, H5N6 và một số chủng cúm khác.
Sáng 6-3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phối hợp với ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn tiến hành lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm.
Đây là hoạt động của cục Thú y trong đợt cao điểm dịch cúm A/H7N9 tại chợ đầu mối lớn nhất tỉnh biên giới Lạng Sơn và sẽ triển khai công việc này trên toàn quốc trong các ngày tới.
Các ngành chức năng còn tiến hành tiêu độc, khử trùng, kiểm soát gia cầm đang bán tại chợ, xem xét nguồn gốc, xuất xứ gà, vịt.
Từ 1-3, chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn thành lập 5 tổ lấy mẫu giám sát chủ động trên gia cầm sống ở các chợ trên địa bàn thành phố và các huyện biên giới; nhằm sớm phát hiện vi rút xâm nhập để có hướng xử lý kịp thời.
Đồng thời địa phương đã chuẩn bị khoảng 5.000 lít thuốc sát trùng, đảm bảo cấp phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh.
Rủ con uống rượu từ năm 13 tuổi, sau 5 năm người bố biết được sự thật đã muộn màng
Uống rượu một mình buồn chán, người bố rủ con uống cùng khi mới 13 tuổi. Sau 5 năm ông bố biết con sống phụ thuộc vào rượu thì đã quá muộn màng.
Hai bố con dắt nhau vào viện cai rượu
Có mặt tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chứng kiến những bệnh nhân đang phải điều trị cách ly vì loạn thần do rượu, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều người bệnh vẫn còn ở trong độ tuổi rất trẻ và có những trường hợp nhập viện trong tình thế “dở khóc, dở cười”.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, trong số những ca bệnh đã từng nhập viện do rượu, ông nhớ nhất trường hợp cả hai bố con “dắt” nhau vào viện vì nghiện rượu.
“Dù ông bố mới 45 tuổi, nhưng đã có tiền sử nghiện rượu hơn 20 năm. Trước thời điểm nhập viện 5 năm, ông bố này thường xuyên uống rượu 1 mình nên buồn chán, lúc đó con trai đầu của bệnh nhân mới 13 tuổi. Do không nhận thức được những tác hại của rượu, ông bố rủ con trai ngồi nhậu cùng.
Uống nhiều thành nghiện, đến khi con trai 18 tuổi đã thành “con nghiện” và sống lệ thuộc hoàn toàn vào rượu”, TS Phương chia sẻ.
Mọi thứ chỉ thật sự thay đổi khi ông bố này bị rơi vào trạng thái loạn thần, phải nhập viện điều trị nội trú. Những tháng ngày điều trị ở viện, ông bố mới nhận ra: “Nếu không khuyên bảo con ngay từ bây giờ, thì sau này con ông sẽ lại như ông và chắc chắn sẽ không có tương lai gì”.
“Khi nghĩ được điều đó, ông bố đã xin với các bác sĩ cho về nhà đón con xuống viện cùng điều trị để cai nghiện”, TS Phương nói.
Ghen tuông vợ, nhìn thấy sâu bò dưới da vì rượu
Ngoài trường hợp trên, TS Phương cho biết, tại viện cũng đang điều trị cho hai bệnh nhân bị loạn thần do rượu rất điển hình. Một trường hợp là bệnh nhân N.V.T (45 tuổi), tiền sử bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, được đánh giá là người hiền lành, thương vợ con.
Trước đây bệnh nhân có uống rượu, nhưng uống ít và chỉ uống khi có những công việc gia đình. Tuy nhiên, từ khi đi làm thợ xây, bệnh nhân uống rượu ngày một nhiều, người sút cân và có biểu hiện cáu gắt.
“Qua khai thác bệnh sử, chúng tôi được biết, khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân bắt đầu ghen tuông vô cớ với vợ, vợ đi đâu về bệnh nhân cũng tra hỏi, đánh mắng và nghi ngờ hàng xóm theo dõi làm hại mình.
Đặc biệt, bệnh nhân có biểu hiện sợ hãi, không dám đi ra ngoài, uống rượu ngày càng nhiều hơn. Khi gia đình đưa đến viện khám, bệnh nhân được chẩn đoán: Rối loạn loạn thần do rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế. Sau khi được điều trị, bệnh nhân ăn ngủ được, hoang tưởng giảm, cảm xúc hành vi phù hợp”, BS Phương chia sẻ.
Tương tự như bệnh nhân T., bệnh nhân H.N.Đ, (64 tuổi), cũng nhập viện trong tình trạng loạn thần, hoang tưởng luôn sợ người khác sát hại. “2 ngày trước vào viện, bệnh nhân Đ. mệt mỏi nhiều, gia đình không cho bệnh nhân uống rượu, thì bệnh nhân bắt đầu xuất hiện run tay chân, vã mồ hôi nhiều, đêm không ngủ.
Đặc biệt, bệnh nhân còn nhìn thấy sâu bọ bò trên da, nhìn thấy công an đến bắt mình và sợ người khác giết hại mình. Sau khi được gia đình đưa vào viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã rơi vào trạng thái cai rượu, mê sảng”, TS Phương thông tin.
Được biết, bệnh nhân này có tiền sử uống rượu khoảng 30 năm, trung bình mỗi ngày uống 500ml rượu gạo nấu. Trước đó, bệnh nhân đã phát hiện tăng men gan, xơ gan do rượu.
Từ những trường hợp trên, TS Phương cho biết, hiện tình trạng bị loạn thần do rượu đang rất đáng cảnh báo, điều này thể hiện qua những con số rất đáng báo động. “Chỉ tính riên tại Viện Sức khỏe Tâm thần, hiện chúng tôi tiếp nhận 0,8 ca/ngày. Đó là chưa kể những cơ sở y tế khác và những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu cấp tính. Đây thật sự là tình trạng đáng báo động”, TS Phương cảnh báo.
Theo TS Phương, đối với những bệnh nhân loạn thần do rượu, hiện đã có phác đồ điều trị. Tuy nhiên thời gian điều trị sẽ dài và cần sự nỗ lực của bản thân bệnh nhân, sự chăm sóc của người thân và hỗ trợ từ cộng đồng.
1,7 triệu trẻ em chết mỗi năm do môi trường ô nhiễm
http://www.sggp.org.vn/thegioi/2017/3/451309/
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170306/o-nhiem-giet-17-trieu-tre-em-moi-nam/1275350.html
Nước và không khí nhiễm bẩn, khói thuốc, điều kiện vệ sinh thiếu gây các bệnh tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi, mỗi năm làm chết 1,7 triệu trẻ em, chiếm 1/4 tổng số ca tử vong trên toàn cầu của trẻ em dưới 5 tuổi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6-3 công bố báo cáo "Kế thừa một thế giới bền vững: Atlas về sức khỏe của trẻ em và môi trường" cho biết, tiếp xúc gây hại có thể bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ, sau đó tiếp tục nếu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong nhà lẫn ngoài trời hoặc khói thuốc, làm tăng nguy cơ thời thơ ấu mắc bệnh viêm phổi cùng rủi ro suốt đời mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính như hen suyễn cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim, đột quỵ và ung thư khi trưởng thành.
Báo cáo lưu ý rằng trong các gia đình không được tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh, hoặc bị ô nhiễm khói từ các nguồn nhiên liệu bẩn như than đá hoặc phân dùng nấu ăn và sưởi ấm, trẻ em có nguy cơ cao mắc các bệnh tiêu chảy và viêm phổi.
Trẻ em cũng dễ bị phơi nhiễm trước các hóa chất độc hại thông qua thực phẩm, nước, không khí và các sản phẩm xung quanh.
Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan tuyên bố: "Môi trường bị ô nhiễm là một nguyên nhân gây chết người, đặc biệt với trẻ nhỏ. Các cơ quan và hệ thống miễn dịch đang phát triển, cùng cơ thể và đường hô hấp còn nhỏ, đã làm trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương do nước và không khí bẩn".
Maria Neira, chuyên gia WHO về sức khỏe cộng đồng, kêu gọi chính phủ các nước phải có nhiều biện pháp hơn nữa để mọi nơi đều an toàn cho trẻ em.
"Đầu tư vào việc loại bỏ các nguy cơ môi trường với sức khỏe, như cải thiện chất lượng nước hoặc sử dụng nhiên liệu sạch hơn, sẽ đem lại những lợi ích sức khỏe to lớn", Reuters dẫn lời bà Neira.
Cha đẻ ngành cấy ghép gan qua đời
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/cha-de-nganh-cay-ghep-gan-qua-doi-3550937.html
Bác sĩ Thomas Starzl, người tiên phong trong lĩnh vực cấy ghép gan vừa qua đời ở tuổi 90.
Thay mặt gia đình, Đại học Pittsburgh xác nhận bác sĩ Starzl đã qua đời thứ bảy tuần trước tại nhà riêng. Là người thực hiện ca ghép gan đầu tiên trên thế giới vào năm 1963, vị thầy thuốc đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân và được mệnh danh cha đẻ ngành cấy ghép gan. Ông còn tiên phong cấy thận từ tử thi rồi sau đó hoàn thành kỹ thuật này bằng cách sử dụng nội tạng hiến tặng của anh chị em song sinh và sau đó là họ hàng bệnh nhân.
Theo TIME, bác sĩ Starzl sinh ngày 11/3/1926 tại Iowa (Mỹ), có mẹ làm y tá còn cha là một nhà văn khoa học viễn tưởng kiêm nhà xuất bản báo chí.
Ý tưởng cấy ghép gan đến với bác sĩ Starzl nhờ ca mổ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Johns Hopkins. Ông nhận thấy việc phẫu thuật đã điều chỉnh lưu lượng máu xung quanh gan giúp cải thiện chứng tiểu đường của người bệnh. Năm 1963, bác sĩ Starzl tiến hành ca ghép gan đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Đại học Colorado nhưng thất bại. 4 năm sau ông thử lại và thành công.
Năm 1981, bác sĩ Starzl làm việc tại Đại học Pittsburgh với vai trò giáo sư phẫu thuật, bắt đầu nghiên cứu thuốc chống đào thải cấy ghép. Năm 1991, ông đảm nhận vị trí giám đốc dịch vụ cấy ghép thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, sau chuyển thành Viện Cấy ghép Pittsburgh.
Tiết lộ trong cuốn tự truyện Nhân loại bí ẩn: Hồi ký của một bác sĩ cấy ghép, bác sĩ Starzl thừa nhận rất ghét phẫu thuật và luôn đối mặt với sự sợ hãi trước mỗi ca mổ. "Cả đời tôi lúc nào cũng mong mỏi tự do", ông bộc bạch.
Tháng 9/1990, ở tuổi 65, bác sĩ Starzl quyết định rời xa dao mổ, một phần vì vấn đề sức khỏe. Cũng thời điểm này, Stormie Jones, nữ bệnh nhi 14 tuổi được bác sĩ Starzl cùng đồng nghiệp ghép đồng thời tim, phổi qua đời. Cái chết của cô bé tác động mạnh mẽ đến vị thầy thuốc. "Đúng là phẫu thuật cấy ghép cứu sống bệnh nhân nhưng bệnh nhân cũng cứu sống chúng ta và cho chúng ta thấy những việc mình đã hoặc cố gắng làm có ý nghĩa như thế nào", bác sĩ Starzl trải lòng.
Ăn uống thiếu chất dễ mắc ung thư vú
http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/an-uong-thieu-chat-de-mac-ung-thu-vu-c62a858431.html
Theo một nghiên cứu mới của ĐH California - Los Angeles công bố trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention.
Nguy cơ ung thư vú về sau của các bé gái thường xuyên ăn uống thiếu cân bằng, thiếu dinh dưỡng - dù có thể cao năng lượng - cao hơn các bé gái ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng là 41%.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 45.000 phụ nữ trong độ tuổi 27-44 tham gia một nghiên cứu từ năm 1991. Họ trả lời bảng câu hỏi về chế độ ăn uống thời tiền dậy thì.
Chế độ ăn thiếu cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã chia các phụ nữ này theo năm nhóm, dựa vào chỉ số viêm nhiễm trong cơ thể.
Kết quả, tỉ lệ rủi ro ung thư vú của nhóm phụ nữ có chỉ số cao nhất so với nhóm có chỉ số thấp nhất chênh lệch tới 35%. Ở phụ nữ có chỉ số viêm nhiễm cao nhất trong giai đoạn tiền dậy thì, rủi ro ung thư vú cao hơn tới 41%.
Theo các chuyên gia, giai đoạn tiền dậy thì, các tuyến vú phát triển rất nhanh, dễ bị ảnh hưởng vì các yếu tố lối sống. Lúc này cần thiết phải ăn uống cân bằng với nhiều rau, trái, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu hạt; tránh nước có gas và thực phẩm nhiều đường, tinh bột tinh luyện, thịt đỏ và thịt chế biến.
Một số nghiên cứu trước cũng kết luận ăn uống không lành mạnh, đặc biệt thiếu rau, nhiều bột đường, nhiều thịt đỏ và thịt chế biến gia tăng rủi ro mắc nhiều chứng ung thư.