Bất cập, lãng phí trong đầu tư thiết bị y tế ở Tây Ninh
Thời gian qua, công tác đầu tư các thiết bị, máy móc y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc phân bổ, cấp phát các thiết bị cho các tuyến đang có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây lãng phí.
Tại TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), nhằm tránh tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên, từ năm 2015, các phường, xã trên địa bàn đã được trang bị một số thiết bị nhập từ nước ngoài khá hiện đại. Tuy nhiên, tần suất sử dụng các thiết bị này đang rất "khiêm tốn". Thí dụ, tại các trạm y tế của phường Ninh Thạnh và xã Bình Minh, các máy siêu âm từ khi được trang bị chưa một lần sử dụng. Hoặc, có xã được trang bị máy điện tim nhưng cả năm, số lần sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, tại trạm y tế phường 1, đơn vị được cấp một máy điện tim từ năm 2015, nhưng cho đến nay, chiếc máy chỉ mới được sử dụng khoảng 20 lần vào việc đo điện tim cho người già và khám nghĩa vụ quân sự trên địa bàn…
Giải trình về những thực tế này với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh khi đơn vị này khảo sát về tính hiệu quả của việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh, đại diện Trung tâm y tế TP Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do số lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã rất ít. Việc trang bị thiết bị y tế không căn cứ vào nhu cầu, thậm chí còn bị chi phối bởi yếu tố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một số xã, phường trên địa bàn.
Trong khi thiết bị y tế ở nhiều đang rơi vào tình trạng không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng với tần suất rất thấp thì tại các cơ sở y tế tuyến trên, các thiết bị y tế lại rơi vào tình trạng quá tải hoặc cũ kỹ, lạc hậu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh được xem là có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ trong hệ thống cơ sở y tế công lập của tỉnh. Hiện, các thiết bị y tế được trang bị đều hoạt động hết công suất, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Thí dụ, bốn máy chạy thận của bệnh viện đang phát huy hiệu quả, hạn chế việc người bệnh vượt tuyến trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tây Ninh Liêu Chí Hùng cho biết, đơn vị đang rất cần sắm thêm một máy chụp cắt lớp do máy hiện tại đã cũ, lạc hậu. Theo lãnh đạo Bệnh viện Ðiều dưỡng - Phục hồi chức năng, ngoài các thiết bị y tế đang sử dụng và phát huy hết công suất thì bệnh viện cần một máy phân tích sinh hóa tự động và hai máy từ trường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh. Trong khi đó, tại Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh, hiện chưa có xe cứu thương, thường xuyên phải nhờ sự giúp đỡ từ các đơn vị khác cùng ngành. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh thì đang có nhu cầu được trang bị thêm một số thiết bị như: Máy đo đường huyết test nhanh, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy X-quang kỹ thuật số phục vụ cho hội chẩn,… Trong khi đó ở nhiều xã, trang thiết bị chưa được sử dụng hết công suất; có máy nhưng thiếu thiết bị, phụ liệu đi kèm cho nên không thể hoạt động. Nhiều nơi, trang thiết bị y tế không được bảo dưỡng, bảo trì, làm ảnh hưởng chất lượng hoạt động, độ chính xác.
Lãnh đạo Sở Y tế Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng nêu trên là do ở các cơ sở y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, nguồn nhân lực bố trí chưa phù hợp. Ngoài ra, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi đến khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Lãnh đạo Sở Y tế đưa ra những giải pháp để khắc phục, như: Khảo sát, bố trí lại trang thiết bị sử dụng chưa hiệu quả ở các tuyến; tổ chức lại khâu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; đẩy nhanh việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở tuyến cơ sở, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị y tế xã theo nguyên tắc ưu tiên nơi cần và có đủ nhân lực.
Báo Nhân Dân đã từng có bài viết đề cập đến sự khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực của ngành y tế, song, đến nay, tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi đang là một bài toán nan giải với Tây Ninh, dù tỉnh đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách, cơ chế đãi ngộ để thu hút. Thậm chí, tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế của tỉnh vẫn diễn ra khá phổ biến. Nếu nguồn nhân lực, không sớm được giải quyết thì việc “cào bằng” trong trang bị thiết bị y tế cho các tuyến sẽ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Bắt đầu kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện toàn quốc
https://www.vietnamplus.vn/bat-dau-kiem-tra-danh-gia-chat-luong-benh-vien-toan-quoc/474167.vnp
Bộ Y tế vừa ban hành nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2017.
Theo đó, tất cả các bệnh viện Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc, viện có giường bệnh điều trị nội trú tự kiểm tra, đánh giá trong tháng 11, các cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, đánh giá: từ 15/11-15/12/2017.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, đánh giá chất lượng bệnh viện là công việc định kỳ hàng năm của ngành y tế để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện. Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện.
Các Bệnh viện tự kiểm tra, đánh giá theo “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” đã được ban hành theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016.
Sở Y tế, Y tế Bộ, ngành tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá cho các bệnh viện công lập trực thuộc Sở, bệnh viện tư nhân, bệnh viện thuộc các trường đại học trên địa bàn và bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn (nếu được Y tế các Bộ, ngành ủy quyền).
Theo ông Khuê, y tế các Bộ, ngành tổ chức đánh giá các bệnh viện do Bộ, ngành quản lý hoặc ủy quyền cho các Sở Y tế kiểm tra, đánh giá (có văn bản ủy quyền) đối với các bệnh viện thuộc địa phương tương ứng.
Đối với việc khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, các bệnh viện sẽ khảo sát hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú và khảo sát sự hài hài lòng nhân viên y tế.
Sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế thành lập đoàn phúc tra của Bộ Y tế (do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối). Đối tượng phúc tra là các bệnh viện và các Sở Y tế có điểm đánh giá cao (so với bệnh viện cùng tuyến, hạng); bệnh viện có những vấn đề chất lượng là tâm điểm của các phương tiện thông tin đại chúng, đang được xã hội quan tâm.
Sẽ phúc tra các bệnh viện được đánh giá điểm cao
http://cand.com.vn/y-te/Se-phuc-tra-chat-luong-cac-benh-vien-duoc-du-luan-quan-tam-465516/
Ngày 7-11, Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu tất cả các bệnh viện (BV) trên cả nước tự kiểm tra, đánh giá chất lượng BV và khảo sát hài lòng từ người bệnh, nhân viên y tế năm 2017.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) cho biết, việc đánh giá chất lượng BV nhằm kiểm tra việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ KCB của BV; đánh giá chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ KCB, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng BV.
Các BV tự kiểm tra, đánh giá theo “Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam”. Riêng với việc khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, các BV sẽ khảo sát người bệnh nội trú, ngoại trú và nhân viên.
Sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng BV, trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn phúc tra với các BV và các Sở Y tế có điểm đánh giá cao (so với BV cùng tuyến, hạng) và những BV có vấn đề về chất lượng được dư luận xã hội quan tâm.
Kon Tum: Nghi ăn đồ từ thiện, 84 học sinh nhập viện cấp cứu
https://thanhnien.vn/suc-khoe/84-hoc-sinh-co-bieu-hien-ngo-doc-thuc-pham-897478.html
Chiều ngày 6/11/2017, ông Trần Đình Huân-Chánh Văn phòng UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ 84 học sinh người dân tộc thiểu số phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Thống kê từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trong số 84 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm như trên, có 48 em là học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành; 1 học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong; 35 em còn lại là học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, khoảng 8h cùng ngày, Khoa cấp cứu đã tiếp nhận nhiều học sinh nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Trung tâm đã huy động các y, bác sỹ thực hiện công tác cấp cứu kịp thời. Hiện tại, 84 bệnh nhi vẫn đăng được điều trị tại Trung tâm, trong đó 36 trường hợp đang được truyền dịch theo dõi.
Được biết, 84 em học sinh trên sống tại làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy. Sáng 6/11/2017, trên đường đến trường, các em được một nhóm người tự xưng đang làm công tác từ thiện cho sữa và bánh. Toàn bộ số học sinh sau khi ăn các thực phẩm của nhóm từ thiện này cho biết đều có biểu hiện khó chịu như đã nêu.
Các loại thực phẩm được nhóm từ thiện phát cho học sinh gồm sữa hộp, bánh bông lan, bánh kem… đều có nguồn gốc nhãn mác, còn hạn sử dụng. Sữa được mua tại hiệu tạp hóa, bánh bông lan được lấy từ cơ sở làm bánh tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Ông Đào Duy Khánh-Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã đến huyện Sa Thầy thăm hỏi, động viên các em học sinh.
Bên cạnh đó, Sở cũng cử một đoàn công tác đến các trường trên địa bàn huyện Sa Thầy tuyên truyền, vận động các trường hợp học sinh đã cùng ăn những thực phẩm như trên đến cơ sở y tế được theo dõi đồng thời chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy các mẫu bánh và sữa để kiểm nghiệm.
“Các trường hợp ngộ độc này nếu em nào có bảo hiểm y tế sẽ được điều trị theo chế độ bảo hiểm, trường hợp không có bảo hiểm, Sở sẽ chỉ đạo điều trị miễn phí”, ông Khánh nói.
Kon Tum: Tất cả 86 học sinh bị ngộ độc đã được xuất viện
https://www.vietnamplus.vn/kon-tum-tat-ca-86-hoc-sinh-bi-ngo-doc-da-duoc-xuat-vien/474200.vnp
Đến sáng 7/11, sức khỏe của tất cả 86 học sinh ở huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu đã ổn định và được xuất viện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy - cho biết 36 trường hợp bị ngộ độc nặng nhập viện ngày 6/11 sức khỏe đã hồi phục ổn định. Trước khi cho các em xuất viện vào sáng 7/11, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành kiểm tra tổng thể sức khỏe. Đối với 50 trường hợp bị ngộ độc nhẹ, từ chiều và đêm 6/11, Trung tâm đã cho các em xuất viện trở về với gia đình.
Trước đó, như tin đã đưa, vào đầu giờ sáng 6/11, trên đường đến trường, các học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Tiểu học Lê Hồng Phong và trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) được một nhóm người tự xưng đang làm công tác từ thiện cho sữa và bánh. Ngay sau khi ăn, uống những thực phẩm này, các học sinh có biểu hiện đau bụng, la khóc, nôn ói và được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện.
Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, thực phẩm mà các học sinh được nhóm từ thiện cho gồm có: sữa hộp Fami, bánh bông lan được mua tại cửa hàng tạp hóa Yến Nhỏ, thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Cơ quan chức năng địa phương đang tích cực xác định nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc.
Ngộ độc sữa ở Hậu Giang: Nước pha sữa lấy từ vòi trong nhà vệ sinh
Theo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hậu Giang, kết quả kiểm tra hoạt động pha chế sữa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC tại thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho thấy điều kiện vệ sinh tại nơi pha chế không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cụ thể, có nhà vệ sinh trong khu vực pha chế, nguồn nước dùng để nấu pha chế sữa được lấy từ vòi nước trong nhà vệ sinh, cho chảy qua ống dẫn đến nồi nấu để pha sữa.
Cùng với đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC chỉ xin phép Sở Y tế phát sữa miễn phí tại các điểm trường học với sản phẩm sữa được pha chế tại Cần Thơ, sau đó được bảo quản, vận chuyển xuống từng điểm trường để phát cho các em học sinh. Nhưng thực tế, công ty đã tổ chức pha chế tại thị trấn Cây Dương và không thông báo để cơ quan có thẩm quyền quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Hậu Giang giám sát quy trình pha chế.
Kết quả điều tra cũng cho biết sữa sau khi pha chế được chứa trong bình inox có vòi và cho nước đá vào vận chuyển đến 2 điểm trường Tiểu học Lái Hiếu và Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy). Riêng điểm Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, do không có đủ trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC đã chiết sữa từ bình inox ra chai 7Up đã qua sử dụng mang đến cho học sinh uống.
Tại thời điểm kiểm tra, nơi pha chế chỉ có 1 bếp điện, 1 nồi lớn dung tích khoảng 60 lít và 4 bình inox khoảng 50 lít, không có bàn kê cao cách mặt đất, không có xà phòng rửa tay, không có khăn lau tay...
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, từ các hành vi vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC, hiện tỉnh Hậu Giang đã đình chỉ hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC về việc pha chế thức uống cấp phát cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho đến khi khắc phục các hậu quả và có xác nhận của các cơ quan chức năng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quản cáo MC chịu mọi kinh phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, xét nghiệm mẫu, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và các chi phí khác có liên quan.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc Truyền thông và Hỗ trợ tiếp thị, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam cho biết, hiện công ty đã cho ngưng toàn bộ việc cấp phát sữa để rà soát lại quy trình nhằm không để xảy ra vụ việc như ở Ngã Bảy nữa. Cho dù nguyên nhân ngộ độc sữa tại Ngã Bảy là do quá trình pha sữa chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì công ty cũng xin lỗi đến gia đình và các em học sinh hai trường tiểu học ở Ngã Bảy, Hậu Giang bị ngộ độc sữa vừa qua.
Thành lập trung tâm tim mạch lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long
Trung tâm Tim mạch có quy mô lớn và hiện đại nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKT.Ư) Cần Thơ vừa chính thức được thành lập.
Ngày 7.11, tại Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ đã diễn ra lễ công bố thành lập Trung tâm tim mạch trực thuộc bệnh viện. Đây là kết quả sau hàng chục năm bệnh viện tuyến cao nhất của ĐBSCL đầu tư mạnh cho lĩnh vực tim mạch.
Theo bác sĩ Hà Bửu Kiếm, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, hiện nay chuyên khoa tim mạch là một trong 5 chuyên khoa được báo động quá tải từ Bộ Y tế. Tại Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ, Khoa Tim mạch có 97 giường nhưng thực tế kê đến 140-160 giường và luôn trong tình trạng sử dụng hết công suất.
Trung tâm Tim mạch được thành lập gồm 3 khoa: Nội Tim mạch, Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim, với chức năng là tiếp nhận, cấp cứu, ứng dụng các kỹ thuật cao, phương pháp trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tim trong khu vực ĐBSCL.
Trước đó, từ năm 2009, xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyên khoa sâu của bệnh viện tuyến cuối khu vực ĐBSCL, Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ đã đầu tư mạnh về nhân lực và cơ sở, trang thiết bị cho tim mạch, và từng bước phát triển thành thế mạnh của bệnh viện, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Từ khi triển khai mổ tim năm 2015 đến nay, phân khoa Phẫu thuật tim đã phẫu thuật cho 91 người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp khó; nhiều bệnh nhân nghèo đã được sự hỗ trợ của nhà hảo tâm. Đặc biệt, Phân khoa Tim mạch can thiệp hiện đã trực can thiệp cấp cứu 24/24 trong suốt 7ngày/tuần. Tính từ năm 2013, phân khoa này đã can thiệp được cho 2.641 bệnh nhân.
BS.CK 2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ, cho biết sự ra đời của trung tâm tim mạch trực thuộc bệnh viện là rất cần thiết để đẩy mạnh hơn những kỹ thuật mới trong điều trị. Sau khi thành lập, những kỹ thuật sẽ tiếp tục được trung tâm triển khai trong thời gian tới như: thăm dò điện sinh lý, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn và thành lập khoa loạn nhịp học (Nội Tim mạch); Đo lưu lượng dự trữ vành, đặt bóng dội ngược động mạch chủ, bít dù thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, khoan mảng xơ vữa trong động mạch vành (Tim mạch can thiệp); Làm cầu nối chủ vành, phẫu thuật tâm nhĩ, phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu, kỹ thuật ô xy hóa máu qua màng, truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật tim, cấy thiết bị lỗ tự thất, phẫu thuật động mạch chủ ngực - bụng… (Khoa Phẫu thuật tim).
“Trung tâm sẽ là cầu nối với các tổ chức từ thiện, Phòng Công tác xã hội để vận động hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân nghèo, không có khẳ năng trị bệnh được được phẫu thuật tim, can thiệp động mạch vành miễn phí...”, BS Vũ nói.
Tại buổi lễ, Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ cũng công bố quyết định phân công bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ, kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch.
Kết luận thanh tra toàn diện Bệnh viện Da liễu TP.HCM
https://thanhnien.vn/suc-khoe/ket-luan-thanh-tra-toan-dien-benh-vien-da-lieu-tphcm-897521.html
Sở Y tế TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện Bệnh viện (BV) Da liễu thời kỳ 2015 - 2016. Theo đó, BV có một số thiếu sót cần khắc phục: một số bệnh án ngoại trú không thể hiện ngày tái khám, thiếu ngày tháng nhập viện...
Một số hồ sơ bệnh án nội trú thiếu phần khai thác tiền sử bệnh; chưa thực hiện sơ kết quá trình điều trị sau 15 ngày; ghi chép, cập nhật sổ sách, biên bản hội chẩn, bình bệnh án chưa thực hiện thường xuyên...
BV không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; không lập tổ thẩm định để thực hiện việc thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu mà giao phó mọi việc cho đơn vị tư vấn đấu thầu. BV đánh giá và dự kiến công suất không sát thực tế dẫn đến công suất hệ thống xử lý nước thải sau khi nâng cấp là 500 m3/ngày đêm, lớn hơn so với lượng nước thải của BV khoảng 185 m3/ngày đêm là chưa sử dụng hiệu quả công suất dự án. Sở Y tế chỉ đạo BV cần có giải pháp vận hành hệ thống xử lý nước thải hiệu quả, tránh lãng phí với chi phí vận hành thấp nhất, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt chuẩn theo quy định...
Bác sĩ vừa cấp cứu mẹ, vừa chăm sóc 2 con của sản phụ
https://thanhnien.vn/suc-khoe/bac-si-vua-cap-cuu-me-vua-cham-soc-2-con-cua-san-phu-897588.html
Chuyện hy hữu này vừa xảy ra tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TP.HCM.
Các y, bác sĩ vừa cấp cứu, đỡ sinh thành công cho sản phụ lại vừa phải chăm sóc 2 đứa con nhỏ mà sản phụ dẫn theo vì không có ai thân thích đi cùng.
Ngày 7.11, TS-BS Nguyễn Anh Dũng cho biết đã 10 ngày trôi qua nhưng sản phụ T.T.H.Y (32 tuổi, ngụ huyện Năm Căn, Cà Mau) vẫn chưa đến nhận con sau khi sinh và gửi lại BV để về quê.
Theo những gì bà Y. khai với bác sĩ thì bà mồ côi ba mẹ từ nhỏ, không họ hàng thân thích. Khi bà đang mang bầu đứa con thứ 3 thì chồng bỏ đi không liên hệ được nữa.
Giữa tháng 10.2017, bà dẫn đứa con trai 8 tuổi và con gái (19 tháng tuổi) đến BV Ung Bướu (TP.HCM) để khám bệnh vì bé gái có khối u nhọt nổi sau gáy. Theo lời bà Y. thì do mang không đủ tiền khám bệnh, nên bà cùng con nằm ngoài hành lang xin cơm từ thiện.
Tuy nhiên, con chưa kịp khám bệnh thì khuya 24.10, bà Y. chuyển dạ sinh con nên đã vào Khoa cấp cứu BV Nhân dân Gia Định sinh trong tình trạng tiền sản giật, băng huyết sau sinh… Do được cấp cứu kịp thời nên sản phụ sinh thường đứa con trai 2,5 kg, nhỏ hơn so với tuổi thai. Em bé sau sinh tím môn, có dấu hiệu nhiễm trùng nên đã được chuyển sang Khoa bệnh lý sơ sinh chăm sóc.
Trong lúc sản phụ đi sinh thì 2 đứa con của bà ở lại Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Từ khuya đến sáng hôm sau, hai bé được các y bác sĩ chăm sóc, mua sữa, cơm phở cho ăn. Nhận thấy tình hình Khoa Cấp cứu có đông bệnh nhân ra vào nên BV quyết định chuyển 2 bé lên Khoa Nhi để làm bệnh nhân “bất đắc dĩ”. Điều đặc biệt là hai bé luôn có bảo vệ túc trực canh chừng vì sợ… đi lạc.
Sau sinh, sản phụ Y. ra phòng bệnh thường thì hai bé con cũng về ở với mẹ. Từ cái tả, miếng ăn, thức uống của ba mẹ con sản phụ đều do các y, bác sĩ phụ trách.
Hai ngày sau sinh thì sản phụ xin xuất viện đưa hai con lớn về nhà, còn đứa con sơ sinh, bà nói khi nào ổn định thì sẽ lên đón. Xuất viện nhưng sản phụ chẳng có đồng xu dính túi, Phòng Công tác xã hội của BV đã vận động các mạnh thường quân giúp đỡ 3 mẹ con sản phụ được 11 triệu đồng để về quê.
Đến ngày 7.11, đứa con mới sinh của sản phụ đã khỏe mạnh hoàn toàn nhưng sản phụ không thấy hồi âm. BV không có số điện thoại của sản phụ. Một điều dưỡng Khoa bệnh lý sơ sinh chỉ vào góc phòng bệnh 4, Khoa Sản bảo: Bé hoàn toàn khỏe mạnh, không cần dùng thuốc nữa! Có lẽ mẹ không đến đón.
Cô điều dưỡng cười, nói thêm: Hiện trong phòng còn 4 trẻ khác bị bỏ rơi, trong đó có ba bà mẹ sinh xong, để con lại BV phải nuôi. Một trẻ khác bị bỏ rơi ngoài đường được công an đưa vào, BV nuôi đã 7 tháng nhưng cũng chẳng ai đến nhận!
Bác sĩ Úc hỗ trợ kỹ thuật mổ định vị thay khớp gối
https://tuoitre.vn/bac-si-uc-ho-tro-ky-thuat-mo-dinh-vi-thay-khop-goi-20171107165045165.htm
Một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị thoái hoá khớp gối vẹo trong dạng nặng mới được phẫu thuật thay khớp gối thành công tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nhờ công nghệ mới từ Úc.
Sáng 7-11, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) TP.HCM đã có ca mổ thị phạm chuyển giao công nghệ mổ thay khớpgối hiện đại bằng máy tính giúp định vị đường mổ cho phẫu thuật viên.
Ca mổ diễn ra với sự hỗ trợ của nhóm GS.BS đến từ Úc và các bác sĩ điều trị khớp gối tại BV Chấn thương chỉnh hình.
Thay khớp gối là một phương pháp mổ chấn thương chỉnh hình hỗ trợ người bị thoái hóa khớp có thể sinh hoạt lại bình thường.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ mổ định vị với sự hỗ trợ của máy vi tính giúp phẫu thuật viên có thể nạp dữ liệu chính xácvà thực hiện chuẩn mực các đường mổ trong mổ thay khớp gối.
Được biết, đây cũng là khóa tập huấn về chiến lược điều trị thoái hóa khớp gối mà bệnh viên CHTH muốn áp dụng trong tương lai.
Công nghệ mới này có sự giúp sức của hệ thống máy tính hiện đại có thể định vị đường mổ một cách chính xác nhất, an toàn và hiệu quả cho người bệnh trước, trong và sau ca mổ, phòng chống các biến chứng cũng như quá trình phục hồi vật lý trị liệu.
Theo đó, phương pháp mổ truyền thống khi chưa có hệ thống định vị hoàn toàn phụ thuộc và kỹ năng và cảm tính của phẫu thuật viên. Hệ thống định vị mới này sẽ giúp đường mổ của phẫu thuật viên chuẩn mực hơn, hiệu quả hơn với người bệnh.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng hệ thống định vị này, Úc là nơi có sử dụng hệ thống này nhiều và hiệu quả nên BV CTCH mời về tập huấn cho BV.
Tuy nhiên, do đây là công nghệ mới nên chưa có trong danh mục BHYT chi trả cho người dân. Thông thường, với các ca mổ khớp gối truyền thống, người bệnh sẽ chi trả trên dưới 100 triệu đồng/ca mổ, BHYT hỗ trợ thanh toán 50%.
Bác sĩ BV huyện lần đầu ra tay cứu sản phụ trong đêm
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bac-si-bv-huyen-lan-dau-ra-tay-cuu-san-phu-trong-dem-738147.html
Ca mổ kéo dài gần 1,5 tiếng đồng hồ, đón em bé 2,5 kg chào đời khoẻ mạnh, mẹ bé được bảo tồn tử cung.
Ngày 7-11, Thông tin từ BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết nơi này vừa cấp cứu thành công một trường hợp thai phụ trẻ tuổi bị vỡ tử cung tiên phát. Được biết đây là lần đầu tiên BV tuyến huyện gặp và xử lý thành công tình huống này.
Cụ thể, tối 6-11, thai phụ xuất hiện các cơn đau bụng, được người nhà đưa đến BV với chẩn đoán thai 37 tuần, trong tình trạng tử cung mềm, mất máu nặng, hội chẩn nhận định bị vỡ tử cung tự phát. Bệnh nhân được chỉ định mổ trong 11 phút sau khi vào viện.
Theo BS Phạm Phi Long, Phó Trưởng khoa Ngoại (BV Đa khoa Thạch Thất), trực tiếp mổ cấp cứu cho bệnh nhân T. cho hay khi mổ, bác sĩ thấy máu chảy đầy bụng bệnh nhân, tử cung có hai đường vỡ. Người nhà bệnh nhân cho biết đây là lần có thai đầu tiên của chị T. Do đó, các bác sĩ đã cố gắng khâu lại tử cung giúp có thể mang thai những lần sau.
Ca mổ kéo dài gần 1,5 tiếng đồng hồ, đón em bé 2,5 kg chào đời khỏe mạnh, mẹ bé được bảo tồn tử cung. Dự kiến vài ngày nữa, bệnh nhân sẽ được ra viện.
BS Vương Trung Kiên, Giám đốc BV Đa Khoa Thạch Thất, cho biết đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân tình trạng vỡ tự cung tự phát khi mang thai của bệnh nhân. “Dù đây là lần đầu các bác sĩ của viện gặp tình huống này nhưng các bác sĩ đã rất bình tĩnh đánh giá tình hình, xử trí nhanh” - BS Kiên nói.
Được biết biến chứng vỡ tử cung có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình mang thai. Nhưng vỡ tử cung thường xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ đẻ, một số trường hợp hi hữu xuất hiện vỡ trong những tháng cuối trước khi chuyển dạ. Hầu hết các trường hợp vỡ tử cung xảy ra khi cơn co dồn dập, sản phụ đau nhiều. Trong trường hợp cơn co tử cung ngày một dồn dập, sản phụ đau tăng lên dữ dội rồi tự nhiên giảm, rất có thể tử cung đã vỡ…
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống vỡ tử cung, sản phụ phải tự giác đến khám thai định kỳ ít nhất ba lần hoặc mỗi tháng một lần (tháng cuối mỗi tuần một lần) để phát hiện trước những nguyên nhân có thể gây vỡ tử cung. Những người có tiền sử đẻ khó phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, phải đến các cơ sở y tế có trung tâm phẫu thuật để theo dõi và đẻ. Trường hợp có vết mổ đẻ cũ, phải tới nằm viện trước khi chuyển dạ 10 ngày để theo dõi sát sao.
Nới quyền lợi cho người dân khám bệnh tại trạm y tế xã
Thuốc chữa hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, hạ đường huyết, tăng huyết áp... được cung cấp ngay tại trạm y tế, người dân không cần lên tuyến trên.
Ngày 7/11, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cùng Sở Y tế Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo triển khai thực hiện thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng trên nguyên tắc tất cả người dân đều có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và chất lượng.
Theo đó, ngay từ tuyến xã, người dân có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo. Chẳng hạn, trạm y tế xã có thể tiến hành hồi sức chống sốc, rửa dạ dày, mở khí quản qua da một thì cấp cứu ngạt thở, lấy dị vật mắt, điện châm, thủy châm... Danh mục thuốc cũng khá rộng với nhiều loại như thuốc gây tê, gây mê, thuốc điều trị bệnh gút, tăng huyết, hen, phổi tắc nghẽn...; thuốc chống co giật, động kinh....
Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm: gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe (theo nhiều nguồn tài chính, các lĩnh vực khác nhau). Điều này góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người dân.
Thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản này sẽ là động lực để y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn, nâng cao năng lực chuyên môn. "Để triển khai thông tư hiệu quả, trước hết cần phải đo năng lực các trạm y tế có thể thực hiện được bao nhiêu dịch vụ trong danh mục, sau đó cần kiểm tra, đánh giá, thẩm định", Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, định hướng của Bộ Y tế là tích hợp y học gia đình trong trạm y tế, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình trong trạm y tế. Vì thế, giai đoạn đầu Bộ tập trung vào tăng cường năng lực điều trị các bệnh mạn tính.
Tại Hà Nội, Đông Anh và Sóc Sơn là hai địa phương thí điểm thực hiện triển khai thực hiện. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đông Anh, trung tâm có 24 trạm y tế xã, thị trấn và năng lực cán bộ đáp ứng được gói dịch vụ y tế cơ bản này. Tuy nhiên, vẫn cần phải có sự hỗ trợ của tuyến trên, phối hợp theo Đề án 1816.
Thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản là một trong những giải pháp giúp việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, tiết kiệm chi phí. 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe có thể giải quyết được từ tuyến y tế cơ sở.
Tỷ lệ chi cho viện phí từ tiền túi của người dân nước ta hiện vẫn khá cao, trên 40%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi viện lên tới trên 50% thì đó là một nền y tế rất mất công bằng. Mức mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra là dưới 30%. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2020 đạt dưới 35%.
Suýt chết vì xương gà đâm vào thực quản
http://infonet.vn/suyt-chet-vi-xuong-ga-dam-vao-thuc-quan-post243689.info
Sáng 7/11, các bác sĩ Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị hóc xương gà đâm vào sâu vào 1/3 dưới thực quản.
Các bác sĩ cho biết vị trí học xương mắc ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy cơ tử vong cho bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.
ThS.BS Đặng Trung Thành – Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E – người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nuốt khó, đau đớn, không ăn được, có kém triệu chứng tức ngực nhưng không khó thở, không sốt, không ho...
Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày, kết quả cho thấy, cách cung răng trên khoảng 20cm có một dị vật xương bám chắc vào hai bên thực quản. Khai thác tiền sử của bệnh nhân, trước đó, 1 tuần, bệnh nhân có ăn thịt gà nhưng không may nuốt phải một mảnh xương. Bệnh nhân đã chữa mẹo cho xương xuôi xuống nhưng kết quả mảnh xương đó mắc lại ở thực quản. Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm thì bệnh nhân lại chữa mẹo dân gian và uống sữa để mong mảnh xương đó… tiêu.
Để xác định mảnh xương xâm lấn vào thực quản của bệnh nhân, các bác sĩ tiếp tục chỉ định cho bệnh nhân chụp CT cho thấy, có hình dị vật ngang đốt sống ngực 3 (vùng trung thất). Tuy nhiên, các bác sĩ xác định đây là ca bệnh rất nguy hiểm bởi di vật hóc xương biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng. Dị vật nằm trên quai động mạch chủ gần vị trí động mạch cảnh trái.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa: tiêu hóa, ngoại, tim mạch, gây mê và xin ý kiến của GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, quyết định xử trí theo chỉ định chuyên khoa tiêu hóa: nội soi gây mê lấy dị vật tại phòng mổ. Các kíp bác sĩ ngoại tim mạch, tiêu hóa, gây mê hồi sức dự phòng sẵn sàng tránh hai biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra: sau khi rút di vật đề phòng chảy máu do dị vật (xương gà) cắm vào, và tràn khí trung thất do di vật gây thủng thực quản.
ThS.BS Thành giải thích thêm: Nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Bởi dị vật là một mảnh xương sắc, có nhiều góc cạnh và đã tồn tại rất lâu trong thực quản. Trong quá trình thực hiện nội soi gắp mảnh dị vật rất dễ gây xước, tổn thương các tổ chức xung quanh như chọc vào mạch máu quai động mạch chủ của bệnh nhân; mạch máu lớn (động mạch cảnh…); gây tràn khí trung thất do thủng thực quản… nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Chính vì thế, kíp bác sĩ thực hiện có đầy đủ các chuyên khoa: tiêu hóa, ngoại, tim mạch, gây mê… như vậy.
Ca mổ diễn ra khoảng 30 phút rất thuận lợi, không có biến chứng nguy hiểm nào xảy ra và dị vật được lấy ra khỏi thực quản của người bệnh là một mảnh xương gà hình chữ L (cắm sâu vào thực quản và gây 2 vết loét đối xứng nhau, trong đó một vết loét sâu qua lớp cơ thực quản nhưng hiện tại chưa gây thủng thực quản. Các bác sĩ tiến hành đặt xông dạ dày nội soi qua vết loét để tránh gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh như trong quá trình đặt không làm tổn thương thêm vết loét. Bệnh nhân được nuôi xông hoàn toàn tránh vết loét nặng thêm và gây các biến chứng tiếp theo.
ThS.BS Thành nhấn mạnh, ca mổ tuy diễn ra thành công nhưng quá trình theo dõi sau mổ đối với bệnh nhân này là rất quan trọng: mạch, huyết áp ổn định; tình trạng hô hấp tốt; đau ngực (do áp xe xâm lấn); sốt cao do nhiễm trùng). Theo BS Thành, dự kiến bệnh nhân này có thể ra viện sau 7 -10 ngày tới nếu không gặp biến chứng và điều trị tốt thuốc khám sinh phổ rộng, chống viêm giảm phù nề, giảm tiết axit dạ dày...
ThS.BS Thành khuyến cáo, đối với các trường hợp bị hóc xương cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời, không tự ý móc, gắp xương ra vì như vậy càng khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản. Tuyệt đối không nên để quá lâu như bệnh nhân này vì vết loét sẽ nhiễm trùng nặng. Nhiều trường hợp đến viện sớm, bác sĩ chỉ làm thủ thuật đơn giản là có thể lấy được dị vật. Bệnh nhân khi bị hóc xương tuyệt đối không chữa mẹo hay bài thuốc dân gian vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Bị bắt mổ vì… xuất tinh sớm, Sở Y tế công khai 17 phòng khám Trung Quốc
Thời gian gần đây, người dân liên tục gửi đơn lên Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để khiếu kiện các phòng khám tư nhân có bác sĩ người Trung Quốc “chặt chém” bệnh nhân.
TS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, TP.HCM có khoảng 250 phòng khám đa khoa đang hoạt động nhưng qua thanh tra, kiểm tra và những phản ảnh, khiếu nại của người bệnh tập trung nhiều vào các phòng khám có người Trung Quốc.
Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế, người dân thường xuyên phản ánh một số phòng khám có người Trung Quốc vẽ bệnh, thu giá trên trời, phóng đại bệnh làm ra vẻ nguy hiểm. Bệnh nhân vào phòng khám, được làm các xét nghiệm đơn giản và được chỉ định phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân được đưa lên bàn mổ. Trong lúc mổ, bác sĩ mới cho biết bệnh nhân bị một số bệnh khác rất nặng. Nếu không mổ, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm, diễn tiến thành ung thư…
Chi phí cho các cuộc mổ này phát sinh có thể lên đến 50-70 triệu đồng. Đa phần, các phòng khám nắm bắt tâm lý người bệnh, tập trung vào các kỹ thuật khám những bệnh nhạy cảm, vùng kín - những bệnh bệnh nhân ngại đi khám ở bệnh viện công.
Phần lớn bệnh nhân nam đến khám vì bị xuất tinh sớm tại các phòng khám như T.L, H.P… đều được các bác sĩ Trung Quốc yêu cầu lên bàn mổ với lý do: Dài bao quy đầu. Sau đó là “kịch bản” được vẽ ra khi các bệnh nhân đang nằm trên bàn mổ là: Viêm tuyến tiền liệt, có u nang ở dương vật… nếu không cắt sẽ vô sinh (!)
Hầu hết các bệnh nhân đều hoảng sợ và lo lắng nên đồng ý phẫu thuật với các mức giá trên trời để sau đó, đi khám lại tại các bệnh viện mới biết mình bị lừa.
Thanh tra Sở Y tế cho biết, mặc dù đã gắt gao thanh kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài này nhưng kết quả rất hạn chế.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã công khai 17 phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc đang hoạt động tại TP.HCM bao gồm:
1. Phòng khám Đa khoa Thành Thái.
2. Phòng khám Đa khoa 3 tháng 2.
3. Phòng khám Đa khoa Quốc tế.
4. Phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi.
5. Phòng khám Đa khoa Phú Khang.
6. Phòng khám Đa khoa Thế giới.
7. Phòng khám Đa khoa Âu Á.
8. Phòng khám Đa khoa Thăng Long.
9. Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương.
10. Phòng khám Đa khoa Đại Đông.
11. Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu.
12. Phòng khám Đa khoa Baylor.
13. Phòng khám Đa khoa Mayo.
14. Phòng khám Đa khoa Hồng Phong.
15. Phòng khám Y học cổ truyền Tâm Đức.
16. Phòng khám Y học cổ truyền Cộng Hòa.
17. Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền (Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Y tế Mai Anh).
Mới đây, Sở y tế TP.HCM đã tiến hành đánh giá chất lượng các phòng khám đa khoa ở TP.HCM. Kết quả đánh giá các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc điểm rất thấp, chỉ đạt dưới 2,5 điểm trên thang điểm 5.
Số mắc sởi ở Hà Nội đang gia tăng
http://cand.com.vn/y-te/so-mac-soi-o-ha-noi-dang-gia-tang-465538/
Những tuần qua, dịch sởi đang gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, đáng lưu ý là có tới 50% số ca mắc bệnh ở Hà Nội và đã có một ca tử vong. Do địa bàn phân bố bệnh ở rải rác nên các chuyên gia lưu ý việc phòng chống dịch càng phải đặc biệt lưu ý, trong đó, việc tiêm phòng là hết sức quan trọng.
Mặc dù Bộ Y tế đang khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thận trọng với các dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhất là bệnh sởi đang gia tăng, nhưng ông Trần Đắc Phu -Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng trấn an rằng, điều này không có gì là bất thường.
“Bệnh sởi thường phát triển mạnh trong mùa xuân. Đặc biệt những năm gần đây chúng ta giải quyết tốt vấn đề bệnh sởi sau khi tổ chức chiến dịch tiêm cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi, không còn ổ dịch lớn nữa. Vừa qua đã xuất hiện các ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương… hầu hết đều là những trường hợp có các bệnh khác nên bệnh nhân không đi tiêm vaccine. Hiện tỉ lệ tiêm chủng của chúng ta đạt 97%; còn lại 3%, nhưng nếu cộng dồn lại trong nhiều năm thì tổng số trẻ chưa được tiêm cũng tăng lên” - ông Trần Đắc Phu cho biết.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội, hiện có 32.634 trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm trên địa bàn. Con số này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi mùa đông xuân đang cận kề. Đặc biệt khi số ca bệnh tăng nhanh trong tháng 9, tháng 10 và số mắc sởi đã xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận, huyện. Các tuần gần đây, số bệnh nhân sởi đang tiếp tục gia tăng, trung bình mỗi tuần có thêm 4-5 ca bệnh dương tính với sởi.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân chú ý phòng chống bệnh sởi, tránh để lại những hậu quả đau lòng như đợt dịch sởi 2014 khiến số mắc và số trẻ tử vong rất cao.
Theo ông Phu, thời gian tới, khí hậu đông - xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như sởi. Mà sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây theo đường hô hấp nên mọi người đều có thể bị mắc, lại dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh sởi cần tiêm vaccine phòng đầy đủ.
Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.