Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 09/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Phòng khám 168 Hà Nội từng mắc nhiều sai phạm liên tiếp; Có gì trong khô, mắm mà ruồi cũng không dám đậu?; Vụ ruồi ‘chê’ khô mắm: Bạn đọc thắc mắc như bà hội đồng...

 

Phòng khám 168 Hà Nội từng mắc nhiều sai phạm liên tiếp

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/phong-kham-168-ha-noi-tung-mac-nhieu-sai-pham-lien-tiep-687370.html

http://www.vietnamplus.vn/vu-thai-phu-chet-nao-sau-dieu-tri-dinh-chi-phong-kham-168-ha-noi/434746.vnp

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/dinh-chi-phong-kham-lam-chet-nao-benh-nhan-di-kham-thai-323281.html

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-hon-me-khi-dieu-tri-phu-khoa-bac-si-dieu-tri-tung-bi-tuoc-chung-chi-hanh-nghe-20170308155833754.htm

Liên quan đến vụ việc một sản phụ mang thai 21 tuần tuổi bị hôn mê sâu sau khi khám bệnh tại Phòng khám 168 Hà Nội, chiều 8-3, Sở Y tế TP Hà Nội đã có quyết định đình chỉ hoạt động của phòng khám này.

Theo đó, ngày 5-3, sản phụ TTTT mang thai 21 tuần tuổi sau khi được khám bệnh bởi một bác sĩ (BS) người Trung Quốc tại Phòng khám 168 Hà Nội đã bị hôn mê sâu, phải chuyển sang điều trị tại BV Bạch Mai. Đáng lưu ý, ngay sau khi xảy ra sự việc, BS người Trung Quốc khám cho sản phụ T. đã bỏ trốn.

Được biết BS khám và điều trị cho chị T. là bà Trịnh Túc Vinh (người Trung Quốc), hiện là BS phụ khoa Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội. Bà Vinh là BS chuyên về sản, phụ khoa và đã được Bộ Y tế cấp phép hành nghề tại Việt Nam.

Trước đó, năm 2015, bà Vinh đã từng bị Sở Y tế TP Hà Nội đình chỉ hành nghề sáu tháng do vi phạm chuyên môn. Sau khi trở lại hành nghề sau thời hạn bị đình chỉ chưa đầy một năm, bà Vinh tiếp tục gây ra sự việc đáng tiếc trên.

Ngày 7-3, đại diện phòng khám là ông Phương Văn Soạn đã giải trình sự việc. Theo ông Soạn, khoảng 16 giờ ngày 5-3, bệnh nhân T. tìm đến phòng khám đăng ký khám phụ khoa. Bệnh nhân cũng cho biết bị ra nhiều khí hư và đang có thai 21 tuần tuổi.

Phòng khám đã làm các xét nghiệm cần thiết cho chị T. như xét nghiệm máu, siêu âm bụng kết hợp khám lâm sàng và kết luận bệnh nhân viêm âm đạo, có thai 22 tuần tuổi. Sau đó phòng khám đã tư vấn cho chị T. trị dứt điểm bệnh phụ khoa, tránh để ảnh hưởng đến thai nhi sau này và chị T. đồng ý.

17 giờ cùng ngày, trong khi nhân viên phòng khám rửa âm đạo cho chị T. thì chị có biểu hiện khó thở, thở dốc. Nhân viên y tế đã dừng điều trị và xử trí bằng cách cho chị thở ôxy, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp rồi gọi xe cấp cứu 115 chuyển đến BV Bạch Mai.

Ông Soạn cho biết thêm đến khi làm thủ tục cho bệnh nhân tại BV Bạch Mai, nhân viên y tế của phòng khám mới phát hiện ra CMND của bệnh nhân nên đã thông báo cho gia đình biết.

Theo thông tin từ BV Bạch Mai, vào thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân T. đã hôn mê sâu, não bị tổn thương nặng toàn phần. Hiện bệnh nhân có tiên lượng xấu, mắt trắng, các chức năng ở não đều không hoạt động. Các BS đang hội chẩn để có kết luận nguyên nhân cuối cùng.

Kể từ năm 2012 thành lập đến nay, Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội đã liên tiếp có nhiều sai phạm:

- Tháng 4-2013, phòng khám bị tố cáo sử dụng BS Trung Quốc núp danh BS trong nước.

- Tháng 7-2014, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ lô hàng gồm các thiết bị y tế và 7.000 ống thuốc các loại không nguồn gốc tại phòng khám này.

- Tháng 10-2015, Sở Y tế TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh và tước chứng chỉ hành nghề trong chín tháng (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) của hai BS người Trung Quốc, đồng thời ra quyết định xử phạt 67,4 triệu đồng đối với Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội.

Tuy nhiên, chỉ sau bốn tháng được quay lại hoạt động, vào tháng 10-2016 phòng khám tiếp tục bị tố cáo việc phá thai vượt phạm vi chuyên môn cho phép…

 

Có gì trong khô, mắm mà ruồi cũng không dám đậu?

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/co-gi-trong-kho-mam-ma-ruoi-cung-khong-dam-dau-687308.html

Khô cá, các loại mắm vốn là những thực phẩm rất thu hút ruồi nhưng tại rất nhiều quầy bán khô, mắm trong chợ ruồi lại không hề dám bén mảng.

“Lạ thật, tôi thấy nhiều sạp bán cá khô và mắm trong chợ tự phát (phường 2, quận 8, TP.HCM) không bóng dáng một con ruồi trong khi chỗ bán thịt, cá cách đó vài bước chân thì ruồi nhặng bu đầy. Tôi không biết cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có biết chuyện này, có lấy mẫu xét nghiệm chưa?”. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, thốt lên như vậy ngay tại buổi khảo sát thực tế công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn phường 2 (quận 8) mới đây.

Một thành viên trong đoàn giám sát HĐND TP.HCM cầm miếng khô cá tra lên, hỏi người bán: “Sao ruồi không đậu trên khô hả chị? Khô này chị mua ở đâu?”. Chị bán hàng trả lời: “Tôi cũng không biết vì sao ruồi “chê” khô, khô này người quen ở Bình Thuận bỏ mối, tôi mua sao bán vậy”.

Tương tự, tại một sạp bán mắm gần đó, một thành viên khác trong đoàn giám sát sau khi quan sát cũng thắc mắc: “Tôi thấy nhiều chị bán cá, thịt, đồ ăn quanh đây… quạt mỏi tay đuổi ruồi, sao ở đây không có một con ruồi nào bu thau mắm?”.

Sau khi rảo quanh vài sạp bán cá khô, mắm trên địa bàn TP, PV cũng ghi nhận tình trạng các hàng bán khô, mắm hiếm thấy bóng ruồi bén mảng. Trong vai một người đi chợ, PV bạo miệng hỏi một người bán khô, mắm tại một chợ quận 5: “Khô tra, lóc, sặc, mắm cá linh… có hóa chất gì hay sao mà ruồi không dám bu vậy chị?”, người bán lườm PV rồi trả lời thản nhiên: “Sao tôi biết được, khô mắm mua sao bán vậy chớ tôi đâu có biết thứ gì trong đó mà trả lời”.

Những thắc mắc này của ban giám sát HĐND và nhiều người tiêu dùng đã được làm rõ tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết kết quả khảo sát trên địa bàn TP.HCM từ năm 2012 đến nay ghi nhận cá khô có chứa trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. “Điều đáng quan tâm là trichlorfon ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe”, TS Nhật nói.

TS Nguyễn Tuần, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết trichlorfon là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. “Người nuôi thủy sản sử dụng trichlorfon để diệt các loại ký sinh trùng trong nước nhưng cá cũng rất dễ hấp thụ chất này. Khi ăn cá còn tồn dư trichlorfon, con người đã vô tình đưa chất này vào cơ thể”, ông Tuần giải thích.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp… “Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì chẳng con ruồi nào dám bén mảng là đương nhiên rồi. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong.

“Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Ngoài ra, sorbitol cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…”, ông Thịnh khuyến cáo.

Đối với chất Cd trong các loại mắm, TS Phan Thế Đồng, Trưởng dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), giải thích Cd (Cadmium) là kim loại nặng, rất độc. “Sở dĩ mắm chứa Cd là do các loại cá được nuôi hoặc sống trong môi trường nước có chứa Cd, mà khi Cd đã thấm vào cá thì không đào thải ra ngoài. Ngoài ra, muối dùng làm mắm được sản xuất lại vùng nước biển có chứa Cd nên mắm có Cd cũng là điều dễ hiểu. Con người ăn mắm có chứa Cd thì cũng sẽ hấp thụ chất này luôn. Cd vào cơ thể có thể gây buồn nôn, đau bụng, tổn thương gan và thận”, ông Đồng lưu ý.

 

Vụ ruồi ‘chê’ khô mắm: Bạn đọc thắc mắc như bà hội đồng

http://plo.vn/ban-doc/ban-doc-viet/vu-ruoi-che-kho-mam-ban-doc-thac-mac-nhu-ba-hoi-dong-687443.html

 Bài “Có gì trong khô, mắm mà ruồi cũng không dám đậu?” đăng trên Pháp Luật TP.HCM online ngày 8-3 đã nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của bạn đọc.

Nội dung bài báo cho biết tại buổi khảo sát thực tế công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn phường 2 (quận 8) mới đây, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, đã lo ngại về an toàn thực phẩm trong cá khô. Bà Nhung nói: “Lạ thật, tôi thấy nhiều sạp bán cá khô và mắm trong chợ tự phát không bóng dáng một con ruồi trong khi chỗ bán thịt, cá cách đó vài bước chân thì ruồi nhặng bu đầy. Tôi không biết cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có biết chuyện này, có lấy mẫu xét nghiệm chưa”.

Những thắc mắc này của ban giám sát HĐND và nhiều người tiêu dùng đã được làm rõ tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết kết quả khảo sát trên địa bàn TP.HCM từ năm 2012 đến nay ghi nhận cá khô có chứa trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. “Điều đáng quan tâm là trichlorfon ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe” - TS Nhật nói.

Sau đây là một số bình luận từ bạn đọc:

• “Trời ơi người dân giờ biết ăn gì để sống? Thịt heo thối tẩm hóa chất thành thịt heo tươi, thịt heo tẩm hóa chất thành thịt bò, khô cá mắm cũng bị hóa chất. Ăn chay cũng không xong vì rau tưới dầu nhớt, thuốc kích thích, tàu hủ làm bằng thạch cao. Trái cây xịt hóa chất trái non, sống thành trái cây chính. Gạo nylon, bỏ hóa chất cơm nở gấp 2…” -ANH BAY

• “Bây giờ tôi ngán ngại ăn khô mắm lắm, con ruồi nó thích khô mắm hạng nhất mà không dám bu, thấy khô mắm nó còn bay trối chết, mà mình ăn vào thì sẽ sớm hết đời…” - NGUYỄN HỮU NGHĨA

• “Mình hóng chủ đề này từ lâu, nay mới thấy báo đề cập tới. Rất mong sẽ có các phản ứng tích cực từ đây” - NIÊN

 

Người thứ 2 của cặp song sinh Việt - Đức được mổ thận

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/nguoi-thu-2-cua-cap-song-sinh-viet-duc-duoc-mo-than-687394.html

“Tôi vừa được các bác sĩ mổ thận vào sáng hôm qua (7-3). Hiện sức khỏe đã ổn định nhiều”.

Nằm trên giường bệnh tại BV Bình Dân TP.HCM, anh Nguyễn Đức (trong cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức) cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên vào chiều 8-3.

Theo anh Nguyễn Đức, cách đây hai ngày (6-3), do bị đau thắt lưng và đầy hơi nên anh vào BV Bình Dân khám. “Bác sĩ cho biết tôi bị máu trong nước tiểu và nhiễm trùng bàng quang độ 3 nên phải mổ” - anh Nguyễn Đức nói.

Một bác sĩ cho biết anh Nguyễn Đức nhập viện trong tình trạng đau lưng bên trái và sốt một ngày trước đó. Sau khi thử máu, chức năng thận, CT tổng phân tích nước tiểu…, các bác sĩ kết luận thận trái anh Nguyễn Đức bị ứ nước nhiễm trùng do bị dị dạng đường tiết niệu (ảnh hưởng sau cuộc phẫu thuật tách đôi hai anh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt).

“Sau khi hội chẩn với nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa, BV Bình Dân quyết định phẫu thuật thận cho anh Nguyễn Đức. Các bác sĩ sử dụng hệ thống dò siêu âm và tiến hành mở thận trái ra da cho anh Nguyễn Đức. Hiện anh Nguyễn Đức được tiếp tục điều trị bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, do bạch cầu máu anh Nguyễn Đức còn cao nên bệnh viện phải điều trị cho thật ổn định” - vị này cho biết.

Hai anh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức sinh ngày 25-2-1981 tại Kon Tum và có chung phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn. Hai anh có hai chân và một chân cụt.

Hai anh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức được mổ tách vào ngày 4-10-1988. Tuy nhiên, đến ngày 6-10-2007 anh Nguyễn Việt qua đời.

Anh Nguyễn Đức hiện đang công tác tại BV Từ Dũ (TP.HCM). Anh đã cưới vợ và có hai con.

 

Hơn 70 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170308/hon-70-cong-nhan-nhap-vien-nghi-ngo-doc-thuc-pham/1276991.html

Sau bữa trưa, hàng loạt công nhân Công ty TNHH may mặc Eecotank đã bị nôn ói, chóng mặt, đau bụng, khó thở, tê tay, chân, tiêu phân lỏng... phải nhập viện. 

Tối 8-3, bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận 74 ca nhập viện nghi bị ngộc độc thực phẩm.

Tất cả bệnh nhân đều là công nhân Công ty TNHH may mặc Eecotank chuyên may gia công hàng xuất khẩu tọa lạc tại xã Nhị Quí, thị xã Cai Lậy.

Các công nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, chóng mặt, đau bụng, khó thở, tê tay, chân, tiêu phân lỏng...

Theo các công nhân, sau khi ăn bữa trưa với các món canh chua, gà kho, đậu đũa xào... nhiều người lần lượt bị các triệu chứng như trên nên công ty đã đưa đến bệnh viện cấp cứu.  

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã đến lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.

Đến tối cùng ngày, một số công nhân bị nhẹ được các bác sĩ cho thuốc uống và được đưa về nhà. Hiện vẫn còn hàng chục công nhân vẫn còn đang nằm ở bệnh viện để tiếp tục điều trị.

 

30.000 tỷ đồng tín dụng để xây dựng hạ tầng và mua sắm trang thiết bị 4 bệnh viện

http://suckhoedoisong.vn/30000-ty-dong-tin-dung-de-xay-dung-ha-tang-va-mua-sam-trang-thiet-bi-4-benh-vien-n128973.html

Đây là số kinh phí mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ dành để phát triển các bệnh viện trung ương và địa phương thông qua chương trình hỗ trợ tín dụng.

 Tối ngày 8/03/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Vietcombank đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng tại các cơ sở khám chữa bệnh góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ của các bệnh viện, đồng thời nhằm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự và chứng kiến lễ ký kết

Theo thỏa thuận được kí kết, Vietcombank dành gói tín dụng ưu đãi “Vietcombank vì sức khỏe cộng đồng” để hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Với tổng giá trị cho vay 30.000 tỷ VNĐ đến hết năm 2019, chương trình tín dụng phát triển ngành Y tế của Vietcombank được thực hiện để cung ứng vốn trung dài hạn.

Với thời hạn vay lên tới 20 năm, chương trình áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong đó ưu tiên các dự án: đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu các máy móc/thiết bị y tế tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh chuyên khoa/cao cấp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và đầu tư mới, cải tạo mở rộng cũng như hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh với mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao tại tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến dưới.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, Ngân hàng Vietcombank đã xây dựng Chương trình tín dụng đầu tư dành cho ngành y tế nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ, tăng cường xã hội hoá, đẩy mạnh hợp tác công tư của Chính phủ.

Theo đó, Vietcombank sẽ hỗ trợ các cơ sở y tế, nhà đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng các bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn, mua trang thiết bị, giúp các cơ sở y tế  nâng cao năng lực  khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện tốt đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, đưa dịch vụ về gần dân để người dân được thụ hưởng, góp phần giảm tải bệnh viện. Theo lộ trình, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao để các bệnh viện vay vốn có nguồn trả nợ; các bệnh viện có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Tại lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Y tế và Vietcombank, đại diện các chi nhánh của Vietcombank  ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác vay vốn hỗ trợ tín dụng với lãnh đạo 4 bệnh viện là bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Hữu nghị và bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Được biết, ngoài gói tín dụng ưu đãi trên, Vietcombank cũng cam kết cung ứng và phục vụ các cơ sở khám chữa bệnh thông qua các giải pháp thanh toán, thu hộ không dùng tiền mặt tiên tiến như thẻ thanh toán kết hợp thẻ bệnh nhân, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trả lương qua tài khoản thẻ, lắp đặt máy ATM trong khuôn viên của các cơ sở khám chữa bệnh, lắp đặt máy thanh toán thẻ tại các quầy thu ngân, và các dịch vụ thanh toán khác.

 

Hà Nội có số ca nhiễm bệnh ho gà cao nhất các tỉnh miền Bắc

http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-co-so-ca-nhiem-benh-ho-ga-cao-nhat-cac-tinh-mien-bac/434697.vnp

Chiều 8/3, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, bệnh ho gà trong hai tháng gần đây có sự gia tăng do thời điểm mùa Đông Xuân lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà xuất hiện nhiều.

Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương gửi về Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam.

Đáng lưu ý, số ca mắc bệnh ho gà nhiều nhất là Hà Nội (với 10 trường hợp), tiếp sau đó là Nam Định (5 trường hợp).

Tính đến chiều 8/3, đã có 5 trường hợp tử vong do mắc ho gà. Các trường hợp tử vong gồm: 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 trường ở Cao Bằng, có 2 trường hợp xin về ở Nam Định và Nghệ An.

Ông Phu lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới ba tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 80%). Đây là các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vắcxin phòng bệnh ho gà. 

Theo các bác sỹ điều trị, đặc biệt, đối với những trẻ dưới 1 tháng tuổi, nếu mắc ho gà thì thường tiến triển bệnh nặng rất nhanh và tỷ lệ tử vong lên đến gần 90%. 

Bên cạnh đó, ho gà thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1 đến 2 tuần nên rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Để phòng bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. 

Người bệnh khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc ho gà, đối với trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.

 

Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Phòng khám bác sĩ gia đình tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của đại học vương quốc Bỉ

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/dai-hoc-y-khoa-pham-ngoc-thach-phong-kham-bac-si-gia-dinh-tiep-tuc-nhan-duoc-su-ho-tro-cua-dai-hoc-vuong-quoc-bi-323190.html

Phòng khám Bác sĩ gia đình trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (461 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh) đã ký kết hợp tác với Khoa Yhọc gia đình Trường Đại học Liège – Vương Quốc Bỉ. 

Theo sự ký kết, Khoa Y học gia đình trường Đại học Liège – Vương Quốc Bỉ sẽ hỗ trợ và đào tạo chuyên môn cho phòng khám Bác sĩ gia đình trực thuộc trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Hai bên sẽ Trao đổi giảng viên, sinh viên; trao đổi chuyên môn; trao đổi kinh nghiệm điều hành phòng khám. 

Được biết sự hỗ trợ này thuộc khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai trường: đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và trường đại học Liège – Vương Quốc Bỉ. Khoa Y học gia đình của trường đại học Liège do Giáo sư Didier Giet làm trưởng khoa đã có sự hỗ trợ cho trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ những năm 2005 thông qua sự việc đào tạo trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên bộ môn Y học gia đình của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng như hỗ trợ triển khai phòng khám Bác sĩ gia đình cho Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại Việt Nam.

Điểm lại quá trình hợp tác, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cảm kích nói về giáo sư Didier Giet, trưởng khoa Y học gia đình của Đại học Liège – người đặt nền móng và gắn bó mật thiết trong mối quan hệ này:

“Để giúp được đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói chung và phòng khám Bác sĩ gia đình của đại học Phạm Ngọc Thạch nói riêng, giáo sư Didier Giet đã phải hi sinh rất nhiều. Mỗi năm đều đặn về Việt Nam làm việc với đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 2 lần. Và tất nhiên lần nào cũng phải sắp xếp và gác lại công việc tại Bỉ. Sự hỗ trợ này đã giúp cho Bộ môn Y học gia đình hình thành và phát triển đội ngũ giảng viên – bác sĩ chất lượng cao.”. 

Ngày 25/02/2017 vừa qua, phòng khám Bác sĩ gia đình của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa được chính thức đưa vào hoạt động. Phòng khám vừa nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân ngoại trú, vừa đào tạo bác sĩ gia đình cung cấp cho toàn quốc.

Sự ra đời của Phòng khám là một môi trường thuận lợi để góp phần phát triển chuyên ngành Y học gia đình trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khoa Y học gia đình Trường Đại học Liège sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách ký kết hợp tác giúp đỡ chuyên môn nhằm đưa phòng khám Bác sĩ gia đình của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đạt tiêu chuẩn Châu Âu. 

Mô hình quản lý gia đình ở Bỉ

Tại buổi lễ ký kết, giáo sư Didier Giet, trưởng khoa Y học gia đình của Đại học Liège giới thiệu 2 phòng khám mà ông đang trực tiếp phụ trách như sau:

2 phòng khám cách nhau 3km, phụ trách tuyến cơ sở cho 7.000 người dân. Tất cả người dân tham gia Phòng khám đều có sự hỗ trợ của Bảo hiểm Y tế.

Nhân lực của 2 phòng khám này có 7 bác sĩ chuyên khoa y học gia đình, 3 bác sĩ nội trú, 9 điều dưỡng, 4 thư ký y khoa và 1 kế toán. 

Phòng khám có máy chủ riêng để quản lý hồ sơ bệnh nhân. Hồ sơ này bao gồm bệnh sử, bệnh án, các loại thuốc bệnh nhân từng uống và từng bị dị ứng...

Năng suất mỗi ngày có thể khám 140 lượt. Bác sĩ sẽ khám tại nhà khi bệnh nhân không có khả năng di chuyển như sản phụ, người già... 

Phòng khám khuyến khích bệnh nhân khám theo định kỳ. 

Giáo sư Didier Giet cũng cho biết ngày trước ở Bỉ cũng mỗi bác sĩ một phòng khám riêng như các phòng khám tư ở Việt Nam bây giờ. Hiện nay thì chính phủ Bỉ gom lại thành phòng khám gia đình. Bằng cách này, Phòng khám có thể tích hợp được đa ngành vào một phòng khám chứ không còn đơn lẻ như trước.

Trong phòng khám còn có đội ngũ điều dưỡng viên – những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Việc phối hợp giữa bác sĩ với điều dưỡng viên sẽ tăng chất lượng chăm sóc bệnh nhân. 

Kết quả hiện tại, có đến 70% dân chúng Bỉ hài lòng với phòng khám gia đình. 

 

Lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo đảm sức khỏe

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/863972/lua-chon-thuc-pham-an-toan-va-bao-dam-suc-khoe

Hội thảo “Sức khỏe và An toàn thực phẩm” do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội hôm 7-3.

Hội thảo là cơ hội để các bà nội trợ và cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ nâng cao nhận thức về vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe thông qua việc lựa chọn nguyên liệu chế biến phù hợp, đồng thời tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng các kiến thức chung để đối phó với nạn thực phẩm bẩn.

Đặc biệt, hội thảo đã phân tích và đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn thực phẩm, nguyên liệu chế biến sao cho mỗi bữa ăn không chỉ an toàn mà còn tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh phổ biến hiện nay như tim mạch, cao huyết áp, ung thư.

Tại hội thảo, PSG.TS Lê Bạch Mai - đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia - đã nêu rõ lợi ích của việc sử dụng một số chất béo trong dầu thực vật, đặc biệt là dầu gạo. Khoa học đã chứng minh đây là loại dầu mang lại những dưỡng chất vượt trội cho cơ thể.

Kết thúc chương trình hội thảo, Cục An toàn Thực phẩm, Hội Chữ thập đỏ và Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo các bà nội trợ nên sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm từ những nhãn hàng uy tín, đã qua kiểm nghiệm, tránh sử dụng mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Bộ Y tế đề nghị nâng mức cảnh báo đối với dịch cúm gia cầm

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bo-y-te-de-nghi-nang-muc-canh-bao-doi-voi-dich-cum-gia-cam-3011847-b.html

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3/2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. 

Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A(H7N9) đang có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô và số lượng mắc. Tốc độ lây lan của bệnh tạo thành đợt dịch thứ 5. 

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận thêm 449 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 96 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, dịch cúm A(H7N9) đang xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) là 2 tỉnh có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam (gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh).

Các địa phương này có các cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc và có lưu lượng người, phương tiện, hàng hoá lưu thông hàng ngày lớn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000 – 10.000 lượt người; 100 - 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu.

Đối với cúm A(H5N1), theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2016, nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố (gồm: Nghệ An, Cần Thơ và Cà Mau)…

Theo nhận định của Cục Thú y về tình hình dịch cúm gia cầm thì nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhập vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - khẳng định: Tại Việt Nam đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người. Đối với cúm A(H5N1), trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017, không ghi nhận trường hợp mắc trên người.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh sát Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9)”; ban hành các chỉ thị, công văn chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm và chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng đáp ứng, xử lý khi có ổ dịch xảy ra; thường xuyên tổ chức họp Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) của Bộ Y tế.

 

5 trẻ tử vong, bà bầu có nên tiêm vắc xin phòng ho gà?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/5-tre-tu-vong-ba-bau-co-nen-tiem-vac-xin-phong-ho-ga-20170308224754258.htm

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm đã có 55 trường hợp trẻ mắc ho gà với 5 trẻ tử vong. Các ca bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ dưới 3 tháng tuổi do không có miễn dịch từ mẹ truyền sang, do chưa tiêm phòng. Vậy bà bầu mang thai có nên tiêm vắc xin để tạo miễn dịch chủ động truyền sang cho trẻ?

80% ca bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh ho gà trong hai tháng gần đây có sự gia tăng do thời điểm mùa đông xuân lạnh và ẩm nên số lượng ca mắc ho gà cũng ghi nhận nhiều hơn.

Hai tháng đầu năm 2017, các ca mắc ho gà rải rác tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 10/55 trường hợp, trong đó một ca tử vong. 4 trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An.

TS Phu cho biết, đại đa số các ca bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin, chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm được một mũi vắc xin.

“Số ca mắc đại đa số là trẻ nhỏ cho thấy, tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin ho gà ở trẻ em là đạt hiệu quả. Vì nếu tỉ lệ tiêm chủng những năm qua không cao, số ca bệnh phải xảy ra ở trẻ lớn nhiều hơn. Tuy nhiên ca mắc đại đa số là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm cho thấy là nhỏ lẻ những trẻ không nhận được miễn dịch từ mẹ”, TS Phu nói.

Theo TS Phu, việc quan trọng nhất trong thời điểm này là tập trung phát hiện ca bệnh sớm để điều trị, giảm tử vong, hạn chế thấp nhất số ca chết.

“Đặc biệt việc phát hiện sớm ở địa phương là quan trọng để điều trị hiệu quả. Cán bộ y tế phải nhạy cảm với dịch tễ. Thấy bệnh nhi ho, viêm phổi trong thời điểm này phải nghĩ đến nguy cơ ho gà chứ chỉ chẩn đoán viêm họng, viêm phổi, viêm amidan… Bộ Y tế sẽ ưu tiên tập huấn cho những vùng phía Bắc có ca bệnh”, TS Phu nói.

Có nên tiêm vắc xin ho gà cho bà bầu?

TS Phu cho biết, miễn dịch của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Những trẻ có miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm nguy cơ mắc bệnh ở giai đoạn này. Vì thế, phải cho trẻ đi tiêm đầy đủ đúng lịch sớm (khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, không nên để 4 - 5 tháng mới tiêm vì miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm, có nguy cơ mắc bệnh). Ngoài ra, mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con.

Vậy thai phụ có nên tiêm ngừa vắc xin để tạo miễn dịch chủ động truyền cho trẻ? TS Phu cho biết, vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn nhà sản xuất khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6 - 64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tại Mỹ năm 2011 cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván nên được tiêm vắc xin ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi/trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ, đặc biêt trong 3 tháng đầu của tuổi đời.

Tuy nhiên, TS Phu cho rằng: “Với người lớn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên khuyến khích tiêm trước khi mang thai. Còn với phụ nữ mang thai cần thận trọng, việc tiêm ngừa chỉ nên thực hiện khi có sự hướng dẫn của cơ quan y tế, với phụ nữ mang thai vùng có dịch”, TS Phu nói.

Hiện Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý Dược, Chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm.

TS.BS. Dương Thị Hồng, Phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Viện đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván ở phụ nữ mang thai tại tỉnh Hà Nam trong giai đoạn từ tháng 2/2012 - 3/2014. Kết quả cho thấy vắc xin là an toàn. Tất cả trẻ em sinh ra từ các phụ nữ có thai đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Việc tiêm ngừa mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ phòng bệnh uốn ván cho mẹ và cho trẻ sơ sinh, mà kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rõ tác dụng phòng bệnh ho gà. Nồng độ trung bình kháng thể bảo vệ bà mẹ và của trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà ngay sau sinh ở nhóm các bà mẹ được tiêm bạch hầu – ho gà – uốn ván cao hơn rất rõ rệt sau khi tiêm chủng là 6,36 lần. Kháng thể bảo vệ phòng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có xu hướng cao hơn trong máu bà mẹ tại thời điểm ngay khi trẻ chào đời.

 

Thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh vẫn trúng thầu

http://baodauthau.vn/phap-luat/thuoc-khong-thuoc-pham-vi-kinh-doanh-van-trung-thau-35056.html

Qua thanh tra đấu thầu thuốc tại Bình Dương, Thanh tra Bộ Y tế phát hiện 2 sinh phẩm y tế mà Công ty CP Dược Pha Nam trúng thầu cung cấp cho các đơn vị không thuộc phạm vi kinh doanh của Công ty.

Cụ thể, 2 sinh phẩm y tế này là Merika Probiotics với số đăng ký QLSP-0808-14 và Merika Fort với số đăng ký QLSP-0807-14. 2 sinh phẩm y tế mà Dược Pha Nam trúng thầu cung cấp thuộc Gói thầu Mua thuốc generic cho các cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế ngoài công lập có hợp đồng bảo hiểm y tế trong tỉnh Bình Dương năm 2015 - 2016.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả trúng thầu năm 2015 - 2016 của Bộ Y tế, Dược Pha Nam trúng thầu cung cấp 2 sinh phẩm trên với giá trúng thầu lần lượt là 1,232 tỷ đồng (đơn giá 2.200 đồng, với số lượng 560.000 gói) và 1,96 tỷ đồng (đơn giá 2.800 đồng với số lượng 700.000 gói).

Một điều đáng chú ý, không chỉ trúng thầu tại Bình Dương, trong 2 năm 2015 và 2016, Dược Pha Nam còn trúng thầu cung cấp 2 sinh phẩm y tế nêu trên cho 6 Sở Y tế của địa phương khác (Bình Phước, Bình Định, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu) và 1 cơ sở khám, chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai). Tổng giá trúng thầu của 2 sinh phẩm y tế này lên tới 7,731 tỷ đồng/55,767 tỷ đồng tổng giá trúng thầu năm 2015 - 2016 của nhà thầu này trên cả nước.

Phản hồi về thông tin này, một cán bộ của Công ty CP Dược Pha Nam thừa nhận, hiện doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh 2 sinh phẩm y tế Merika Probiotics và Merika Fort. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty sẽ đăng ký bổ sung phạm vi kinh doanh sinh phẩm y tế với Sở Y tế TP.HCM.

Cán bộ của Dược Pha Nam cũng cho biết, về bản chất, tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh thuốc là đảm bảo chất lượng thuốc tới người tiêu dùng. 2 sản phẩm Merika Probiotics và Merika Fort có tên gọi là sinh phẩm y tế nhưng thực tế hiện nay, các nhà sản xuất đều yêu cầu bảo quản trong điều kiện thường, không phải bảo quản đặc biệt, bảo quản lạnh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đang phân chia theo dạng bào chế gốc vi sinh vật, gộp chung vắc xin và sinh phẩm y tế - gốc vi sinh vật vào làm một, mà không phân chia theo điều kiện bảo quản. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi đây là quy định cũ từ năm 2007, không hoàn toàn đúng với thực tế bây giờ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty CP Dược Pha Nam có địa chỉ tại 436 Cao Thắng, phường 12, Quận 10, TP.HCM. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là bán buôn dược phẩm và dụng cụ y tế.

 

TP.HCM kiểm tra chất lượng các phòng khám tư nhân

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170308/tphcm-kiem-tra-chat-luong-cac-phong-kham-tu-nhan/1276934.html

Kế hoạch kiểm tra các phòng khám đa khoa tư nhân được Sở Y tế TP.HCM thực hiện trong tháng 3-2017 theo chỉ đạo của PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. 

Theo Sở Y tế TP, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP, với sự tham gia phối hợp của phòng y tế 24 quận, huyện, sẽ kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh của các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố.

Đồng thời đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh của các phòng khám này.

Kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa tư nhân sẽ được sở công khai để người dân có cơ sở lựa chọn khi có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Đối các phòng khám đã kiểm tra đạt điểm thấp về chất lượng sẽ được kiểm tra lại.

Đối với các phòng khám đa khoa tư nhân vẫn cố tình vi phạm các quy định pháp luật khi hoạt động khám, chữa bệnh, ông Thượng đề nghị các đoàn kiểm tra có văn bản chuyển Thanh tra Sở Y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Nữ y tá 15 năm tự nguyện chăm sóc bà mẹ đơn thân

http://vov.vn/xa-hoi/nu-y-ta-15-nam-tu-nguyen-cham-soc-ba-me-don-than-600642.vov

Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vậy mà bao năm nay, chị Nhung còn tự nguyện chăm sóc 2 mẹ già neo đơn trong thôn.

Chồng bệnh nặng ngồi một chỗ, một mình chị vừa chăm sóc chồng bị bệnh, vừa lo cho mẹ chồng gần 100 tuổi và 3 đứa con ăn học nên người. Vậy mà bao năm nay, chị còn tự nguyện chăm sóc 2 mẹ già neo đơn trong thôn. Những việc làm của chị Đoàn Thị Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Phú, cán bộ Trạm y tế xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được mọi người ngưỡng mộ.

Ngôi nhà nhỏ của chị Đoàn Thị Nhung, ở thôn Nam Phú nằm giữa vườn tiêu trĩu hạt. Chị đang bận rộn thu xếp việc nhà trước khi ra Hà Nội dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc. Lần đầu được thăm Thủ đô, chị vừa mừng vừa lo.

Chuyện cơm nước, tắm giặt, thuốc thang... cho chồng và mẹ chồng ở nhà trông cậy 2 đứa con gái. Chị chỉ lo còn "người mẹ” già neo đơn đang bị bệnh không có ai chăm. Chị Nhung mua gạo, mắm, thức ăn, xếp mấy bộ áo quần để đầu giường cho mẹ lúc chị vắng nhà.

Người mẹ không ruột thịt ấy chính là bà Nguyễn Thị Xu, 90 tuổi, 1 trong 2 cụ già neo đơn ở cùng thôn được chị nhận chăm sóc. Chị Nhung kể, bà Xu là 1 trong 10 cô gái Đội du kích xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ năm 1966. Lấy chồng lúc 20 tuổi, qua 2 đời chồng đều lần lượt hy sinh. Bao năm rồi bà ở một mình, không người thân, con cái. Chị Đoàn Thị Nhung trải lòng, đời bà ấy chịu nhiều thiệt thòi, thương cảnh già neo đơn, chị tình nguyện chăm sóc như mẹ ruột mình.

Hơn 30 năm làm y tá xã và nhiều năm làm cán bộ phụ nữ thôn, chị Nhung hiểu rõ cảnh ngộ từng người. Chị kêu gọi phụ nữ trong thôn cùng nhau giúp đỡ các mẹ neo đơn. Chị tự nguyên làm gương, ngày nào cũng vậy, tranh thủ sang giúp bà Xu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, gánh nước.

Chị xin chồng mang cái giường nhà mình sang cho bà nằm đỡ lạnh, vận động chị em góp tiền mua dụng cụ sinh hoạt gia đình tặng bà Xu. Hôm nào có con cá tươi, miếng thịt ngon, chị cũng mang sang cho bà Xu. Năm ngoái, bà Xu đau ruột thừa phải vào Bệnh viện Trung ương Huế mổ, chị lại phải khăn gói đi cùng. Bà Xu rất mừng khi biết chị Nhung được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương phụ nữ tiêu biểu. Bà Xu nói, đời bà chịu nhiều thiệt thòi nhưng bù lại bà có đứa “con gái” hết mực thương yêu, bà cũng thấy ấm lòng.

“Tôi không con, không cái, cực khổ, thấy hoàn cảnh thì có cô ấy giúp nấu cháo, mua đồ cho ăn, rồi giặt rửa, bên cô nuôi hết. Bữa trước, tối nào cô cũng sang. Thời gian này cô bận việc gia đình, còn mẹ già và chồng bị bệnh rồi lo lại trực trên trạm y tế nữa” – bà Xu nói.

Gia cảnh chị Đoàn Thị Nhung cũng hết sức éo le. Chồng chị trước đây làm thợ mộc, trong một lần giúp hàng xóm sửa nhà không may trượt chân, ngã trên mái xuống, anh bị thương nặng chỉ ngồi một chỗ. Cuộc sống gia đình mình chị lo toan. Ngoài khoản thu nhập ít ỏi của cán bộ phụ nữ thôn và y tế xã, chị phải tranh thủ chăn nuôi, trồng trọt, làm đủ mọi việc.

Hàng ngày, chị Nhung tự tay bón từng thìa cơm cho mẹ chồng gần 100 tuổi nằm liệt giường và chăm sóc người chồng bị bệnh. Nhiều hôm mất ngủ, người mệt lả nhưng nghĩ cảnh chồng bệnh tật, 2 mẹ già yếu cần mình, chị lại gắng gượng.

“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, chị Đoàn Thị Nhung được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên hiêp phụ nữ, UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen. Nhưng phần thưởng chị thấy vui nhất là những việc làm của chị đã có sức lan tỏa, thắp lửa cho phong trào “Phụ nữ nhận chăm sóc người già neo đơn ở tỉnh Quảng Trị”.

Bà Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị cho rằng, chị Đoàn Thị Nhung là tấm gương sáng để khơi dậy tinh thần tương thân tương ái: “Chị em rất thán phục, tự hào về hội viên phụ nữ mình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn nhưng chị Đoàn Thị Nhung lại chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Chị cũng là một trong những cán bộ Chi hội hoàn động tích cực. Chúng tôi cũng lấy tấm gương chị Đoàn Thị Nhung giới thiệu trong các buổi sinh hoạt, mong rằng hội viên phụ nữ của Quảng Trị có nhiều việc làm đẹp hơn”.

Vượt lên mọi khó khăn, chị Đoàn Thị Nhung xứng đáng là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu cả nước được tuyên dương tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc năm 2017

 

Nguy cơ bùng phát cúm A/H7N9: Vô tư mua bán gia cầm không kiểm dịch

http://danviet.vn/tin-tuc/nguy-co-bung-phat-cum-a-h7n9-vo-tu-mua-ban-gia-cam-khong-kiem-dich-751535.html

Trong khi các ngành chức năng và người dân đang lo ngại và ra sức ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 trong nước, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi... thì rất nhiều tiểu thương vẫn thản nhiên mua bán gia cầm không qua kiểm dịch. Phóng viên Báo NTNN đã ghi nhận thực tế này ngay giữa Thủ đô.

Vào “thủ phủ” gia cầm giống lớn nhất miền Bắc

Từ nhiều năm nay, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được biết đến như là “thủ phủ” sản xuất giống gia cầm lớn nhất miền Bắc cũng như cả nước. Mỗi ngày, các lò ấp nơi đây xuất đi hàng chục vạn con gia cầm giống đủ loại. Chiều 5.3, trong vai chủ trang trại cần mua gà giống, phóng viên Báo NTNN đã vào một số cơ sở mua bán gia cầm ở Đại Xuyên và tận mắt chứng kiến nhiều người vẫn vô tư mua bán gia cầm không qua kiểm dịch.

Tại lò ấp P.Đ (xóm Mới Cầu Giẽ, xã Đại Xuyên), khi chúng tôi ngỏ lời muốn mua 1.000 con gà giống Lương Phượng, chủ lò nhanh nhảu chào giá 9.000 đồng/con. Theo bà P - chủ lò, cơ sở của vợ chồng bà hoạt động được gần 10 năm. Mỗi ngày, bà P xuất bán đi các nơi hơn 1 vạn gia cầm giống các loại như gà chọi, gà Đông Tảo, Lương Phượng, ngan, vịt siêu trứng, vịt super (siêu thịt)…

“Nhà chị cung cấp con giống khắp từ Bắc tới Nam. Mỗi lần gửi giống vào miền Nam, toàn phải gửi xe khách. Khắp nơi về đây lấy hàng, từ sáng tới giờ chị đã đổ mấy chuyện về Nam Định đấy. Chị có cả khâu vận chuyển, xe ôm chở tới tận nhà. Chú ở đâu, chị chuyển đến tận nhà cho” - bà P quảng cáo.

Khi chúng tôi hỏi về việc kiểm dịch con giống, bà P nói: “Không, cái đấy bọn chị chưa làm, chỉ xuất con giống thôi. Mình cứ ấp nở ra rồi bán con giống, sợ gì”. Khi tôi tỏ vẻ lo ngại về dịch cúm, chủ cơ sở tiếp lời: “Mình chưa bị đâu, khu mình không mưa gió mấy. Ngày nào chị chả có mấy xe vận chuyển con giống đi Thái Bình. Mỗi ngày xuất đi hơn 1 vạn con, đắt rẻ cứ chiều tối là phải hết hàng” - chủ lò nói.

Nằm kề lò ấp P.Đ là lò ấp B.H, cũng như người hàng xóm, bà chủ của lò gia cầm giống này tên B rôm rả chào mời: “Buôn con giống nhanh giàu lắm, lãi 1.000 đồng một con; các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương toàn về đây lấy. Sợ gì kiểm dịch, năm thì mười họa họ mới bắt thôi”.

Bà B không ngại ngần tiết lộ: “Con giống ở đây bán khắp cả nước. Trước gửi xe khách hay bị bắt, giờ chị chuyển sang gửi xe tải. Ngày nào chả gửi đi Gia Lai, Kon Tum, đi cả máy bay vào đồng bằng sông Cửu Long. Nếu gửi máy bay thì làm kiểm dịch. Em lấy bao nhiêu con, không cần phải về đây, cứ alo và đặt tiền, chị cho người chở đến tận nơi”.

Tương tự, tại lò ấp con giống gia cầm Kh.L cách đó không xa, vừa thoăn thoắt nhặt vịt cho khách, bà chủ cơ sở vừa đon đả tiếp chuyện chúng tôi. Bà L- chủ lò cho biết, chẳng cần kiểm dịch, việc vận chuyển vẫn dễ dàng. “Kiểm dịch làm gì cho tốn kém, chú cứ xem đi, ưng lấy bao con thì đặt cọc tiền. Mai có gà chị alo, cho chở tới tận nơi”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xóm Mới Cầu Giẽ có tới hơn 30 hộ theo nghề ấp, sản xuất con giống gia cầm. Do nằm gần Quốc lộ 1A cũ và gần đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, việc vận chuyển gia cầm giống chưa qua kiểm dịch vẫn lén lút diễn ra…

Thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh

Những ngày đầu tháng 3, thông tin dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản, Trực Ninh (Nam Định) khiến dư luận không khỏi lo lắng.

Trước nguy cơ dịch bệnh H5N1 có thể lây lan, và nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 với 4 hành động: Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong. Đồng thời, triển khai các biện pháp giám sát cộng đồng, đặc biệt tại các cửa khẩu.

Cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã có công điện yêu cầu UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc...

Mặc dù các bộ ngành khẩn trương vào cuộc, cảnh báo nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch cúm rất nguy hiểm, thế nhưng nhiều tiểu thương và người dân vẫn thờ ơ với nguy cơ về sức khỏe của chính mình. Ngoài tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm không qua kiểm dịch nói trên, chiều 5.3, tại chợ Hà Vĩ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội), phóng viên ghi nhận bất chấp khuyến cáo sử dụng khẩu trang và găng tay để tránh nhiễm cúm, nhiều tiểu thương vẫn không đeo khẩu trang, thản nhiên dùng tay không tiếp xúc với gia cầm… Không gian đầy lông ngan, vịt rụng bay… “Giờ làm gì đã có cúm mà sợ, ngày nào chúng tôi chả chở vịt đi bán có sao đâu. Bao giờ thông báo có dịch hẵng hay” - một tiểu thương nói…

Bắt buộc phải kiểm dịch, nhưng...

Sáng 8.3, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, TS Nguyễn Văn Duy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi, Bộ NNPTNT) cho biết, quy trình đưa con giống ra thị trường bắt buộc phải kiểm dịch: “Ngoài các đàn giống đã tiêm phòng các loại vaccine, khi đưa ra thị trường phải làm công tác kiểm dịch. Các cơ sở sản xuất giống phải tuân thủ, an toàn vệ sinh phòng dịch là công tác hàng ngày. Không có dịch cũng phải thực hiện”.

Về trách nhiệm quản lý sản xuất con giống và đàn gia cầm trên địa bàn, khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên “vòng vo” cho rằng, địa phương có trách nhiệm kiểm soát phòng dịch đàn giống bố mẹ. Khi con giống xuất ra thị trường phải có cơ quan thú y huyện kiểm tra. Cũng có tình trạng hộ sản xuất giống nhập trứng bên ngoài về sản xuất, nhưng số lượng ít... “Việc kiểm dịch đầu ra của con giống thuộc chức năng của thú y huyện. Họ kiểm tra, đóng dấu cho lưu hành hay không. Bắt buộc phải đủ các thủ tục”… /.

“Tại Thông tư số 25/2016, Bộ NNPTNT quy định cụ thể về kiểm dịch động vật trên cạn. Cụ thể: Trước khi vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh hoặc trạm thuộc chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được ủy quyền. Nội dung kiểm dịch đối với động vật gồm: Kiểm tra lâm sàng; lấy mẫu xét nghiệm bệnh; niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật; hướng dẫn, giám sát chủ hàng thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thông tư cũng quy định: Thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến qua thư điện tử hoặc fax các thông tin sau đây: Số giấy chứng nhận kiểm dịch, ngày cấp, số lượng hàng, Mục đích sử dụng, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển. Thực hiện thông báo ngay sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật vận chuyển để làm giống... 

 

Phẫu thuật lấy khối u não lớn cho nữ bệnh nhân 53 tuổi

http://www.vietnamplus.vn/phau-thuat-lay-khoi-u-nao-lon-cho-nu-benh-nhan-53-tuoi/434712.vnp

Chiều 8/3, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa thực hiện phẫu thuật thành công lấy khối u não lớn có đường kính 5cm, tương đương một quả bóng quần vợt ra khỏi não của một nữ bệnh nhân. 

Bệnh nhân T.Đ, 53 tuổi, quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vào ngày 4/3 trong tình trạng nhức đầu dữ dội, hai chân yếu, mắt mờ. 

Theo người nhà của bà T.Đ. hơn 6 tháng trước bà có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, đã tự mua thuốc uống nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. 

Trong một tháng gần đây, cơn nhức đầu ngày càng dữ dội và đến thường xuyên hơn, thị lực giảm sút, hai chân yếu dần. 

Sau khi thăm khám và chụp MRI, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có một khối u trong não trái lớn có đường kính lên đến hơn 5cm. 

“Do khối u não của bệnh nhân khá lớn, chèn ép gây ảnh hưởng đến các chức năng như: vận động, thị giác, thính giác, nhận thức…Vì vậy cần phải phẫu thuật ngay, nếu không nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao,” bác sỹ Nguyễn Văn Châu nhận định. 

Để thực hiện ca phẫu thuật khá phức tạp này, các bác sỹ đã sử dụng hệ thống gây mê hiện đại, hệ thống hiển vi phẫu thuật điện tử và các trang thiết bị chuyên dụng cho phẫu thuật não. 

Sau nhiều giờ đồng hồ, êkíp phẫu thuật đã bóc tách màng cứng ra khỏi nắp sọ và lấy trọn khối u khỏi não. Sau đó, bệnh nhân được cầm máu, đặt lại nắp sọ và đóng da. 

Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo và đang dần ổn định, thị lực cải thiện và không còn dấu hiệu yếu liệt chi./. 

 

Hà Nội phát hiện 2 mẫu rượu độc

http://thanhnien.v`n/suc-khoe/ha-noi-phat-hien-2-mau-ruou-doc-813008.html

Chiều 7.3, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã họp bàn, triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu chứa methanol.

Theo báo cáo tại cuộc họp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và y tế các quận/huyện phối hợp cơ quan liên quan đã kiểm tra 225 cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn, phát hiện và niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc.

Đáng lưu ý, qua xét nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện 2 mẫu rượu tại P.Mỗ Lao (Q.Hà Đông) và P.Khương Đình (Q.Thanh Xuân) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép từ gần 900 đến hơn 2.000 lần.

Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng cần sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát điều tra để truy tận gốc rượu gây ngộ độc, từ đó xử phạt nghiêm.

Theo ông Long, Hà Nội cần cấm triệt để các cửa hàng kinh doanh rượu trắng không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ 22.2 - 7.3, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận, điều trị 11 bệnh nhân nam từ 40 - 54 tuổi (trong đó 1 trường hợp tử vong) ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol.

 

Bệnh viện 'chuộng' bệnh nhân có BHYT hơn bệnh nhân tự nguyện

http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201703/benh-vien-chuong-benh-nhan-co-bhyt-hon-benh-nhan-tu-nguyen-2789209/

Đây là thông tin do lãnh đạo một số bệnh viện lớn trong tỉnh nêu lên tại cuộc họp sáng 8/3, bàn về tự chủ tài chính ở bệnh viện công lập do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc phản ánh thực trạng: Có tình trạng các y, bác sỹ “chuộng” bệnh nhân có thẻ BHYT hơn. Nguyên nhân là khám, điều trị cho bệnh nhân BHYT thì có thu nhập cao hơn so với khám, điều trị cho bệnh nhân tự nguyện trả tiền mặt, không có BHYT.

Sở dĩ có tình trạng này là do việc thanh toán viện phí ở Nghệ An hiện đang căn cứ vào 2 văn bản pháp quy. Đối với các bệnh nhân có BHYT thì thanh toán viện phí căn cứ vào Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Còn đối với các bệnh nhân tự nguyện (không có thẻ BHYT) thì áp dụng thanh toán theo Quyết định số 125/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về đơn giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong đó, đơn giá theo QĐ 125 thấp hơn đơn giá theo Thông tư liên tịch số 37. Bác sỹ CKII Nguyễn Danh Linh - Giám đốc Bệnh viện HNĐK tỉnh so sánh: Theo Quyết định 125 của UBND tỉnh thì khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 18.000 đồng; Theo Thông tư liên tịch số 37 thì khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 39.000 đồng... Vì vậy, tạo ra tâm lí bệnh viện 'chuộng' bệnh nhân BHYT hơn. Bệnh nhân tự nguyện đến với bệnh viện tức là đặt niềm tin vào bệnh viện. Thành thử, bệnh viện phải bù thêm vào để tạo sự công bằng.

Giải đáp vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho hay: Sau nhiều năm viện phí không đổi, năm 2015, Thông tư liên tịch số 37 ra đời hướng tới việc tính đúng, tính đủ viện phí. Trước đó, để tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 125 với mức viện phí mới ở tỉnh cao hơn mức viện phí cũ (trước thời điểm có Thông tư liên tịch số 37).

Hiện nay, Bộ Y tế đang ban hành thông tư hướng dẫn lại, ngay sau khi có thông tư, UBND tỉnh Nghệ An sẽ sớm ban hành quyết định phù hợp./.

 

Xót xa hình ảnh bệnh nhân run rẩy, bị trói chặt vào giường bệnh

http://dantri.com.vn/suc-khoe/xot-xa-hinh-anh-benh-nhan-run-ray-bi-troi-chat-vao-giuong-benh-20170308225001724.htm

Mắt đờ đẫn, tay run lên liên hồi không thể làm chủ mình, có những người la hét…và họ đều chung cảnh cổ tay, chân buộc cố định vào giường bệnh. Người nhà, bác sĩ đều xót xa, lo lắng, bởi có người hàng chục lần nhập viện nhưng vẫn không từ bỏ được rượu - chất kích thích gây nghiện khiến họ lâm vào hoàn cảnh đó.

Đối mặt với cái chết vẫn vật vã vì rượu

PGS.TS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng Khoa tiêu hóa (BV Bạch Mai) chia sẻ, con số bệnh nhân xơ gan, viêm tụy, xuất huyết tiêu hóa do rượu ngày càng tăng lên. Thời điểm này, tại khoa có đến 50 bệnh nhân đang điều trị vì các bệnh lý này. Đáng nói, nhiều người bệnh dăm bẩy lần đối mặt với cái chết nhưng vẫn không từ bỏ được rượu, khỏi rồi lại uống, uống rồi lại nhập viện đối mặt với hiểm nguy đến từng ngày.

Bệnh nhân Đàm Văn T. ( 57 tuổi, ở Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đang nằm điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai lần thứ 6 do xơ gan giai đoạn cuối.

Mỗi lần ổn định được xuất viện, bác sĩ đều dặn ông phải bỏ rượu và hẹn tái khám định kỳ nhưng ông không thể nào từ bỏ được ma men nên trở thành bệnh nhân quen mặt ở bệnh viện.

Bệnh nhân T. cho biết, ông bắt đầu uống rượu từ năm 20 tuổi, mỗi ngày tôi uống một chai (650ml) rượu. Cứ nhập viện là lại sảng rượu vì đột ngột phải cai, lại vật vã, run rẩy, ảo giác…

Một bệnh nhân khác, anh Đỗ Văn T. (34 tuổi ở Nghĩa Hưng, Nam Định) đang nằm điều trị vì xuất huyết tiêu hóa, xơ gan. Bác sĩ vừa phải điều trị bệnh, vừa phải “cắt cơn” sảng rượu của bệnh nhân vì liên tục nói nhảm, tay chân run rẩy.

TS Nguyễn Công Long, Phó trưởng khoa chia sẻ, tại khoa, với hơn 50 bệnh nhân liên quan đến rượu, trong quá trình điều trị nhiều người bị sảng rượu (do bị bệnh lý phải ngừng rượu đột ngột), kèm theo những hội chứng rối loạn thần kinh do lên cơn thèm rượu, dẫn đến la hét, vật vã dữ dội và bị ảo giác. Có những bệnh nhân sảng rượu cầm dao rượt đuổi vợ vì ghen, ảo tưởng vợ có bồ, rồi từ tầng cao mà cứ ngó nghiêng ban công như đang rà rà mặt đất, rồi hoảng loạn vì thấy rắn rết khổng lồ… vì thế người nhà phải cầu cứu bác sĩ, buộc tay chân bệnh nhân bằng vải mềm vào giường bệnh để họ không gây nguy hiểm cho bản thân cũng như người xung quanh.

Chết vì rượu nhiều hơn tai nạn giao thông

TS Khanh chia sẻ, hình ảnh bệnh nhân vào viện trong tình trạng sảng rượu, co giật, xơ gan, đau đớn khiến không chỉ người nhà mà bác sĩ cũng thấy xót xa. “Đã thế, họ không chỉ đến một lần, ổn rồi, ra viện lại có những lần vật vã trong lần sau nhập viện y như thế”, TS Khanh nói.

Ông chỉ mong muốn, làm sao người dân hiểu được về tác hại của bia rượu, càng hạn chế được càng tốt.

“Những con số tử vong do tai nạn giao thông khiến chúng ta rùng mình, nhưng con số đó là quá khiêm tốn với số lượng bệnh nhân tử vong liên quan đến rượu”, TS Khanh khẳng định.

TS Khanh dẫn chứng, trong năm 2016 khoa điều trị nội trú cho hơn 7200 trường hợp, trong xơ gan do rượu chiếm 50% trường hợp. Một năm có 500 - 700 bệnh nhân viêm tụy do rượu.

“Nếu tính trung bình ở mức thấp, riêng tại khoa mỗi năm điều trị 2500 – 2700 người liên quan do rượu, trong đó xơ gan do rượu, viêm tụy cấp do rượu nhiều trường hợp nặng không qua khỏi, nhiều trường hợp kéo dài sự sống vì xơ gan tiến triển ung thư. Nếu tính chung, một năm có bao nhiêu nghìn người bị ảnh hưởng sức khỏe bởi bia rượu, bị tử vong do bia rượu. Con số tử vong do TNGT quá nhỏ so với phần chìm là do rượu”, TS Khanh nói.

Cùng quan điểm này, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai lo ngại về những tác hại khôn lường của rượu.

“Tại Trung tâm ung bướu (BV Bạch Mai), cứ 10 bệnh nhân nam vào bác sĩ hỏi có uống rượu không thì đến 9 người gật. Không chỉ gây xơ gan dẫn đến ung thư, rượu liên quan đến một loạt các ung thư nguy hiểm khác như ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày... Đừng coi thường ưng thư vòm, ung thư thực quản. Đây là hai loại ung thư rất hay gặp, nhất là ở những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá. Tôi không biết tại các BV khác như thế nào, nhưng đến BV Bạch Mai tỷ lệ rất lớn, nam giới gần như là tuyệt đối có liên quan đến rượu, đặc biệt uống rượu mạnh”, GS Khoa nói.

Có bệnh nhân đang điều trị ung thư gan, vẫn trên giường bệnh điều trị, vẫn giấu bác sĩ kiếm rượu để uống.

“Ung thư là đối mặt, là cận kề cái chết, lẽ ra họ phải sợ, phải từ bỏ mà họ vẫn không từ bỏ. Một bộ phận không nhỏ người bệnh bị lệ thuộc vào rượu. Tôi cho rằng phải cảnh báo cộng đồng mạnh mẽ, không thể để tình trạng sắp chết cũng không bỏ được rượu. Nếu tiếp tục tình trạng bia rượu như này trong 10 – 20 năm tới thì kẻ tàn sát sức khỏe người Việt nhiều nhất là rượu chứ không phải nguyên nhân nào khác”, GS Khoa cảnh báo.

 

Ngộ độc rượu methanol phá hủy cơ thể thế nào?

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/ngo-doc-ruou-methanol-pha-huy-co-the-the-nao-687281.html

Methanol là chất không màu, không mùi, không vị nhưng chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người. 

Methanol là dạng đơn giản nhất của alcohol, có liên hệ rất gần với ethanol (một dạng alcohol thường có trong bia, rượu) nhưng methanol độc hơn rất nhiều và thường xuất hiện trong những loại bia rượu tự làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Methanol hình thành một lượng rất nhỏ trong quá trình lên men, làm rượu từ những sản phẩm thực vật như nước ép trái cây, ngũ cốc… Nó thường xuất hiện một lượng nhỏ trong rượu bia nhưng không đủ để gây ngộ độc. Tuy nhiên, các loại rượu mạnh chưng cất tại nhà như gin hoặc rum có nồng độ cao cả ethanol và methanol.

Rượu công nghiệp thường an toàn vì nhà máy dùng công nghệ đặc biệt để tách methanol khỏi ethanol. Nhưng rượu tự làm thường không được dùng công nghệ ấy và hầu như không có phương cách an toàn nào để tách methanol khỏi ethanol.

Điều đáng lo ngại là nhiều khi rượu tự làm được đưa vào thay thế cho rượu công nghiệp ở các hàng quán vì giá rẻ hơn. Thậm chí rượu tự làm cũng có thể được đóng chai và bán thương mại. Ở nhiều nước, bán rượu tự làm là bất hợp pháp. Do đó, cách an toàn nhất là biết rõ nguồn gốc rượu được bán để tránh bị ngộ độc.

Ngộ độc methanol gây ra các tác hại như suy thận, các vấn đề tim mạch và tuần hoàn, hại gan, rối loạn thị giác như mờ mắt, hẹp tầm nhìn, biến đổi nhận biết màu sắc, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây hại cho thần kinh và não bộ… Thời gian ngộ độc càng lâu, nguy cơ mất thị giác, mất khả năng tư duy và ảnh hưởng đến cả các nội tạng càng cao.

Các triệu chứng của ngộ độc methanol:

Dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc methanol khó phân biệt với chứng say rượu thông thường. Có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu.

Sau chừng 12-24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ. Đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm vì thường mọi người đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ.

Nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp.

Nếu cảm thấy có những triệu chứng bất thường sau khi uống rượu, mọi người nên lập tức khi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chữa ngộ độc methanol bằng ethanol ngăn chặn quá trình hình thành acid formic. Họ cũng có thể sử dụng các loại thuốc như fomepizole ức chế methanol chuyển thành các độc chất vào cơ thể, hemodialysis làm sạch methanol trong máu… 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang