Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Người nghèo, người có thẻ BHYT được lợi nhiều nhất trong điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng vào cuối năm 2015 đang là vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của người dân và được công đồng hết sức quan tâm. Vậy giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng như thế nào, điều này có ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của người dân, nhất là người dân nghèo. Giá dịch vụ y tế tăng liệu có đi đôi với việc nâng cao chất lượng phục vụ hay không? Những thắc mắc trên đã được PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế giải đáp trong Chương trình: “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối ngày 1/11/2015
Vì sao phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế?
PV: Thưa Bộ trưởng, vừa qua liên bộ Tài Chính, Y tế và Bảo hiểm xã hội đã đưa ra dự thảo Thông tư về việc điều chỉnh tăng giá viện phí vào cuối năm nay Bộ trưởng có thể cho biết dựa trên cơ sở nào mà liên Bộ quyết định tăng giá như vậy?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Liên bộ Tài chính, Y tế và Bảo hiểm xã hội dự kiến ban hành thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế dự định thực hiện vào cuối năm 2015 dựa trên những căn cứ như sau:
Thứ nhất, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã quy định là liên bộ Tài chính, Y tế phải ban hành 1 thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế thống nhất đối với các BV đồng hạng trên toàn quốc.
Thứ hai, Dựa vào Nghị quyết Trung ương số 63 của Trung ương 11 là điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ và chuyển ngân sách của nhà nước từ chỗ cấp cho BV thì chuyển sang mua thẻ BHYT và ủng hộ hỗ trợ, chính sách cho người nghèo, người thuộc diện chính sách
Cùng với đó, dựa vào Nghị định 16 của Chính phủ ban hành vào tháng 2/2015 là giao quyền tự chủ cho các BV và giá dịch vụ phải điều chỉnh trong lộ trình từ năm 2015, và đến 2020 thì tất cả các yếu tố giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ.
Đấy là những căn cứ về pháp lý, ngoài ra thực tế là khi chúng ta không tính giá dịch vụ đúng, đủ thì chất lượng dịch vụ y tế không thể đảm bảo. Cũng như một cái cốc giá 100 đồng, nhưng mà chỉ cho phép thanh toàn 50 đồng. Như vậy còn 50 đồng nữa là người dân và BV không thể bỏ vào đấy được đầy đủ. Chính vì vậy, trả giá dịch vụ y tế đúng với giá trị thực của nó thì mới tạo ra được giá trị thực của chất lượng khám chữa bệnh
Người chưa có thẻ BHYT chịu tác động lớn nhất trong việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế
PV: Thưa Bộ trưởng, tôi là người dân nghèo ở vùng nông thôn, tôi được biết sắp tới đây thì sẽ tăng giá dịch vụ y tế vào cuối năm nay. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết mức điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế dự kiến là bao nhiêu. Và việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đối tượng, nhất là những người dân nghèo như chúng tôi?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính với các chi phí trực tiếp như thuốc, vật tư tiêu hao điện, nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì cũng như lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học.
Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố đó. Ngay một số địa phương chỉ đạt 60 - 70% giá trị thực trong 3 yếu tố đó. Vì thế thì Liên Bộ xây dựng điều chỉnh giá dịch vụ thống nhất các BV đồng hạng trên toàn quốc với 1.800 giá dịch vụ và chủ yếu điều chỉnh ở giá tiền khám bệnh và tiền giường sẽ phân ở các hạng BV khác nhau. Như vậy, theo lộ trình này thì trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT, chưa phải với người chưa có thẻ BHYT. Tiếp theo, từ nay đến hết năm thì phải điều chỉnh giá dịch vụ để tính đủ chi phí trực tiếp mà chi phí điều chỉnh này đã ban hành từ năm 2012 đến nay vẫn chưa đủ, cộng thêm phụ cấp đặc thù như tiền trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Từ năm 2016 thì giá đó cộng thêm tiền lương của người lao động và đến năm 2020 thì phải đính đúng 7 yếu tố giá dịch vụ đó.
Như vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ tác động như thế nào, thứ nhất là đối với người dân, đặc biệt đối với người nghèo thì việc tăng giá này được hưởng lợi rất nhiều. Thay vì trước kia tất cả các cầu thành không được kết cấu vào giá thì người bệnh và người nghèo phải trả thêm phần chưa được tính già và tự bỏ tiền túi ra. Hiện này đối với Luật BHYT sửa đổi vì người nghèo thì được nhà nước mua 100% thẻ BHYT và không phải đồng chi trả. Tất cả những mức chi ở trong BHYT được thanh toán 100%. Còn đối với các đối tượng diện chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người sống vùng biển đảo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì cũng được hưởng như người nghèo. Đối với người cận nghèo, nhà nước đã hỗ trợ mua 70% và rất nhiều địa phương đã mua nốt 30% cho người cận nghèo. Như vậy, đồng chỉ trả hiện nay cũng chỉ còn 5%. Cho nên tác động này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người cận nghèo.
Tác động lớn nhất trong việc điều chính này là đối với người chưa có thẻ BHYT đến năm 2016 và cuối năm 2016 tùy theo tình hình nếu như điều chỉnh cả giá dịch vụ đối với những người không có thẻ BHYT thì đây là vấn đề lớn. Chúng tôi nghĩ rằng sức khỏe là vốn quý nhất của con người và tham gia bảo hiểm là sự chia sẻ cộng đồng giữa người bệnh và người khỏe, giữa những thành viên trong gia đình thì cách tốt nhất là tham gia BHYT để xây dựng một nền y tế công bằng, hiện đại và phát triển.
Đối với BV khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ mới có đủ nguồn để chi phí trực tiếp và các chi phí khác thì chất lượng khám chữa bệnh bắt buộc phải tăng lên và có điều kiện để đầu tư máy móc và mua đủ trang thiết bị, không bắt buộc người dân phải đi mua bổ sung thêm phần mà không được tính. Tiếp đến, thay vì phải bao cấp nhưng cái chi phí chưa được tính vào giá cho cả người giàu và người nghèo thì dùng tiền đó để mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và những đối tượng chính sách xã hội khác. Như vậy cũng làm tăng thêm quyền lợi cho những người nghèo, người diện chính sách và những đối tượng cần được bảo trợ khác.
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chất lượng KCB sẽ nâng lên?
PV: Thưa Bộ trưởng, khi tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng dịch vụ có được tăng hay không. Được biết Bộ Y tế đang triển khai đề án đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết một số giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong đề án này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi điều chính giá dịch vụ tăng lên theo phương hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn là chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng thêm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ quyết liệt đã và đang thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Thứ nhất, là quyết liệt giảm tải và nâng cao cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước, chính quyền các cấp và huy động mọi nguồn lực của xã hội, kể cả y tế tư nhân và kết hợp công tư. Thứ hai, là ban hành những tiêu chuẩn về chất lượng và các bệnh viện phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng này. Thứ ba, là cải cách các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi và bớt giảm tải cho bệnh nhân. Tiếp nữa, là phải đổi mới toàn diện thái độ phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh như đổi mới cả về trang phục để người bệnh có thể nhận rõ chức danh của người cán bộ y tế. Thứ năm, là tập huấn toàn bộ hệ thống từ giám đốc BV cho đến nhân viên thu tiền và bảo vệ về cái quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trên tinh thần "bệnh nhân đến niềm nở, bệnh nhân ở tận tình, bệnh nhân về phải chu đáo". Tổ chức các đợt cán bộ trẻ tình nguyện cũng như thầy thuốc trẻ hướng dẫn các thủ tục khám chữa bệnh cho người bệnh. Thành lập các phòng công tác xã hội, các đơn vị chăm sóc khách hàng để hướng dẫn và thực hiện các công tác xã hội cho người bệnh.
Bộ Y tế tiếp tục triển khai công tác giám sát để lắng nghe phản ánh từđường dây nóng đã triển khai được hơn 2 năm và có những hiệu quả rất tốt. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục thực hiện thông tư thùng thư góp ý và tăng cường công tác kiểm tra giám sát, khen thưởng cũng như kỷ luật nghiêm minh các trường hợp sai phạm nếu bị phát hiện qua phản ứng của bệnh nhân và cán bộ y tế.
Thêm giải pháp khá cơ bản đó là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong đó tính tiền phụ cấp đặc thù cũng như là tiền lương thì phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế vì đã có thu nhập của họ được cải thiện và tăng thêm để tái tạo sức lao động. Như vậy, trách nhiệm tăng thêm và khi BV tự chủ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập, nên bặt thuộc BV phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút bệnh nhân. BV nào phục vụ tốt thì công ty bảo hiểm mới ký hợp đồng. Khi cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu của BHYT thì bắt buộc phải đổi mới toàn bộ để phục vụ và đổi mới tư duy từ chỗ ban ơn trở thành người phục vụ bệnh nhân và coi bệnh nhân là trung tâm của sự phục vụ và chúng tôi cũng hi vọng rằng việc này không thể một sớm một chiều, nhưng chặc chắn là chất lượng dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
PV: Như vậy có thể thấy khi mà tăng viện phí thì việc tính đúng, tính đủ sẽ tạo áp lực lên một số BV muốn thu hút bệnh nhân thì sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ để lương của nhân viên y tế sẽ cao, nhưng như vậy có tạo lên áp lực chủ trương của Bộ Y tế từ trước đến giờ là chúng ta đang muốn giám quá tải BV hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đối với giảm tải BV, điều đầu tiên phải tăng số giường bệnh trên 10 nghìn dân. Thứ hai, là phải có chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để các tuyến bệnh viện tỉnh, huyện làm được các ca đòi hỏi kỹ thuật cao thì bệnh nhân sẽ không phải đi xa, đỡ tốn thời gian phiền phức và cả tiền bạc mà vẫn được thụ hưởng các dịch vụ cao ngay tại địa phương mình. Tiếp đến, là phân tuyến kỹ thuật, thông thường mà chất lượng tốt thì người ta có thể khám chữa bệnh ngay ở trạm y tế xã, phường và BV huyện. Ví dụ như sinh đẻ thường không cần phải chuyển lên tuyến trên này, vừa tốn kém, vừa mất thời gian, vừa nhiễm trung chéo bệnh viên và đặc biệt là nhiễm khuẩn chéo BV là một trong những nguyên nhân gây tử vong và kéo dài thời gian điều trị như hiện nay. Đây là vấn đề không phải là thách thức đối với các nước đang phát triển mà còn đối với các nước đã phát triển thì vấn đề nhiễm trùng chéo, nhiễm khuẩn chéo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Sức khỏe đời sống (trang 1)
Lý do trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem gần đây: Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói gì?
Sau 2 ca tử vong liên tiếp sau tiêm vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin 5 trong 1, tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng) trong thời gian gần đây, nhiều người lo ngại về tính an toàn của vắc-xin này, tuy nhiên, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các kết quả điều tra ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy đa số trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác mà trẻ đã mắc gây tử vong tại thời điểm tiêm chủng hoặc không rõ nguyên nhân.
Theo ông Phu, từ đầu năm 2015 đến nay, có hơn 3,5 triệu mũi tiêm vắc-xin Quinvaxem, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng (tím tái, khó thở, sốt cao) sau tiêm, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ (tại Nghệ An ngày 20/10/2015). Có sự trùng hợp là vắc-xin được sử dụng tại Nghệ An và Hải Dương cùng lô số 1453322.03. Liên quan đến trường hợp trẻ tử vong sau tiêm ở Hải Dương ngày 25/10/2015, được biết các chuyên gia đang xác định nguyên nhân tử vong, hiện nghi ngờ là do nhiễm trùng. Đồng thời Bộ cũng đánh giá lại các trường hợp phản ứng phụ sau tiêm khác thật rõ ràng, nguyên nhân tử vong như thế nào.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, mục đích của tiêm chủng là bảo vệ cộng đồng, nếu tỷ lệ tử vong nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới thì vẫn phải tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát. Cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận trẻ tử vong do tiêm vắc-xin dịch vụ nhưng cũng không thể so sánh như thế được bởi mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-200.000 mũi vắc-xin vô bào được sử dụng, trong khi vắc-xin có thành phần toàn tế bào Quinvaxem tới hơn 5 triệu liều. Từ đầu năm đến nay, chỉ 1 trẻ tử vong có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem là cháu bé ở Nghệ An nhưng lý do vì cơ địa của trẻ quá mẫn. Không thể vì thế mà ngừng tiêm vắc-xin cho cả triệu trẻ khác. Nếu không tiêm, dịch bệnh bùng phát sẽ có nhiều trẻ tử vong. Bài học từ vụ dịch sởi gần đây là một ví dụ. Vắc-xin nào cũng có phản ứng phụ - viêm gan B, BCG phòng lao cũng thế.
Về phương án tìm vắc-xin thay thế, TS. Trần Đắc Phu cho biết, không thể cứ có tai biến nặng là nói thay vắc-xin mà phải có quy trình, nguồn vắc-xin. Bộ Y tế xem xét trên tinh thần độc lập khách quan minh bạch và mong muốn trẻ em được sử dụng vắc-xin tốt, quan trọng nhất là vấn đề an toàn, miễn dịch, sau đó mới tính đến khía cạnh tài chính. Tuy nhiên, loại nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định; không ai dám khẳng định là thay vắc-xin thì sẽ không có tử vong.
Vắc-xin Quinvaxem với thành phần toàn tế bào nên các phản ứng như sốt, sưng, đau, thậm chí tím tái nhiều hơn vắc-xin vô bào. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong của 2 loại này là tương đương. Cơ quan này cũng đánh giá vắc-xin toàn tế bào đáp ứng miễn dịch tốt hơn loại vô bào.
Liên quan đến vấn đề vắc-xin dịch vụ, ông Trần Đắc Phu cho biết, các nhà sản xuất vắc-xin có thành phần ho gà vô bào đang thay đổi công nghệ sản xuất nên đã ngừng sản xuất vắc-xin để phục vụ các lô hàng đơn lẻ. Từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Với các loại vắc-xin “xách tay”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng vì đây là nguồn hàng trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Sức khỏe đời sống (trang 12), Thanh niên (trang 20), Nhân dân (trang 5), Công an nhân dân (trang 1), Phụ nữ Việt Nam (trang 1)
An ninh bệnh viện quan trọng như khám chữa bệnh
Dù các bệnh viện (BV) đã có những biện pháp tăng cường an ninh trật tự (ANTT), nhằm ngăn ngừa côn đồ tấn công nhưng nguy cơ và nỗi bất an vẫn đang thường trực với các nhân viên y tế. Thực tế cho thấy, liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế, đặc biệt tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành trong BV có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nguy hiểm.
Không thể chủ quan
Đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh cũng như y, bác sĩ tại các BV là một vấn đề rất cần thiết và quan trọng. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc cần phải có một lực lượng an ninh chuyên biệt tại BV nhằm đối phó với những sự việc bất ngờ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều BV lớn, do số lượng bệnh nhân thường xuyên ở mức quá tải nên các tệ nạn như: hành hung cán bộ y tế và bệnh nhân, mạo danh y, bác sĩ, cò mồi, trộm cắp... vẫn thường xuyên xảy ra. Mới nhất, vào chiều ngày 27/10, tại BVĐK Quảng Ngãi, nhóm 3 thanh nhiên xộc thẳng vào phòng cấp cứu của BV dùng dao chém nhiều nhát vào bệnh nhân Nguyễn Duy (32 tuổi, trú phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) và chém cả bảo vệ BV. Vụ việc đã gây náo loạn cả BV, ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân và y bác sĩ đang làm việc. Trước đó, hàng loạt vụ việc đã xảy ra tại nhiều BV trên cả nước khiến cho tình hình an ninh tại các BV đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Cụ thể như, vụ việc xảy ra ngày 7/10, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), Đỗ Văn Bình đang nằm trên cáng cứu thương đã vùng dậy hành hung bác sĩ chỉ vì bố của Bình bị nhắc nhở khi có hành động xúc phạm bác sĩ trực; vụ việc tấn công nhân viên y tế ở BVĐK khu vực Thủ Đức (TP. HCM). Tiếp nữa là vụ việc một bệnh nhân tâm thần làm náo loạn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 18/9 làm nhiều người và các y, bác sĩ hoảng sợ suốt nhiều giờ đồng hồ...
Trên thực tế, công tác an ninh trong các BV đang hết sức lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các BV đều có đội ngũ bảo vệ nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trông ôtô, xe máy, còn vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa được chú trọng. Rõ ràng câu chuyện an ninh tại các BV đang trở nên vô cùng cấp thiết, bởi nhiều kẻ gian lợi dụng sơ hở của người bệnh, của bác sĩ để trộm cắp, lừa đảo, thậm chí đâm chém, thanh toán lẫn nhau ngay trong BV.
Liên quan đến ANTT tại các BV, nhiều hội nghị đã được tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tìm ra một giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết một cách tối đa tình trạng mất ANTT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp đang được áp dụng như sử dụng thiết bị camera giám sát an ninh, sử dụng thẻ từ, nâng cao khả năng ứng trực của nhân viên an ninh; tăng cường phối hợp với công an phường và cảnh sát trật tự 113; dán thông báo, phát loa nhằm nâng cao nhận thức cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế... chỉ được xem là giải pháp tình thế chứ chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề.
Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ
Từ đầu năm đến nay, tại các BV trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ liên quan đến mất an toàn, an ninh trong BV. Là địa bàn có nhiều BV lớn, tình hình ANTT tại các BV rất phức tạp, Thượng tá Nguyễn Ngọc Biên - Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, tình hình ANTT tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, mọi thông tin liên quan đến ANTT tại các BV thường xuyên được trao đổi, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, nhân viên, y bác sĩ, người dân chủ động phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong thời gian qua, Công an quận Hai Bà Trưng đã tiếp nhận và xử lý kịp thời nhiều thông tin liên quan đến ANTT tại các BV thông qua đường dây nóng. Bên cạnh những kết quả đó, chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại trong công tác thực hiện quy chế như: Có cơ sở y tế khi xảy ra vụ việc bất ổn về ANTT đã chưa kịp thời thông báo đến cơ quan công an hoặc hướng dẫn người bị hại trình báo. Một số công an phường chưa chủ động, nhạy bén khi tiếp nhận, xử lý thông tin còn chậm chạp. Tại một số khu vực cổng BV vẫn tồn tại hàng rong, xe ôm, trông giữ xe lấn chiếm lòng, hè đường.
Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự tại các BV, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, cho rằng: Cần phải coi trọng an toàn, an ninh BV như công tác khám chữa bệnh. Tình trạng mất ANTT tại BV có thể chỉ ra mấy nguyên nhân chủ yếu như: tình hình chung của trật tự an ninh xã hội phức tạp, trong khi các biện pháp bảo đảm an ninh ở nhiều BV chưa được quan tâm đúng mức; sự quá tải ở một số BV đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi; lực lượng an ninh chưa “đủ mạnh” cả về số lượng và chất lượng; hệ thống kỹ thuật an ninh hỗ trợ chưa có, hoặc chưa đủ; y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc; các sự cố y khoa do nguyên nhân khách quan và chủ quan; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan khi có vụ việc xảy ra chưa đồng bộ...
Một trong những hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác đảm bảo ANTT là Bộ Y tế đã đưa ANTT tại BV là một trong 83 tiêu chí đánh giá trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV được ban hành theo Quyết định 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013. Điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ Y tế với công tác an ninh BV, coi nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế cần được coi trọng không kém với công tác đảm bảo chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh. Sức khỏe đời sống (trang 12)
Nguy cơ dịch bạch hầu từ Lào vào Việt Nam
Trước tình hình dịch bạch hầu đang diễn ra tại 6/17 tỉnh thành phố của Lào với 11 trường hợp đã tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu của Lào và thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp.
Đây là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp trong khi giữa Việt Nam và Lào lại có chung đường biên dài. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các trạm y tế và cơ sở y tế tại địa phương để được tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ mũi để phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Tiền phong (trang 2)
Xem xét tính phí xử lý môi trường vào giá dịch vụ y tế
Chính phủ vừa giao cho Bộ Y tế chủ trì, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung tháo gỡ, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các bệnh viện, đồng thời, nghiên cứu, xem xét việc tính chi phí xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vào giá dịch vụ y tế.
Đây là một nội dung chỉ đạo của Chính phủ nhằm hoàn thành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chây ỳ, quá thời hạn xử lý phải thực hiện ngay các biện pháp đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật; theo dõi, cập nhật sát sao tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dư luận biết tình hình xử lý: Danh sách các cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để; các cơ sở chưa hoàn thành; nêu đích danh tên cơ sở chưa xử lý; thời hạn xử lý. An ninh thủ đô (trang 1)
Châm cứu để... cai nghiện thuốc lá
Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 10 tháng đầu 2015 đã có 53.000 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận, tại 54/63 tỉnh thành.
34 người trong đó đã tử vong. Các tỉnh thành TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa… vẫn là các địa phương có số mắc sốt xuất huyết cao nhất.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện có 9 quốc gia ASEAN đang có dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng, trong đó Philippines có khoảng 110.000 người mắc, Myanmar 36.000 người…
Cục Y tế dự phỏng cảnh báo năm 2014 số mắc sốt xuất huyết giảm thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây nhưng năm nay có thể là năm khởi đầu cho một chu kỳ dịch mới, một phần do thời tiết khô nóng. Tuổi trẻ (trang 8)
53.000 ca sốt xuất huyết
Tới dự buổi lễ khai trương phòng tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư vừa diễn ra tuần qua, bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, nhiều bệnh viện đã thành lập các trung tâm tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá, thí điểm đường dây nóng cai nghiện thuốc lá, đồng thời tổ chức tập huấn các tư vấn viên về cai nghiện thuốc lá… “Rất nhiều người muốn cai nghiện thuốc lá nên đã tự bỏ thuốc nhiều lần không thành công. Đó là vì họ chưa biết cách cai nghiện, nóng vội hoặc chưa có đủ kiến thức về cai nghiện nên lo lắng tăng cân, ho nhiều… Tất cả các vấn đề này đều được giải quyết bằng cách cai nghiện đúng” – bác sĩ Hải cho biết.
Năm 2015, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tư vấn cai nghiện qua điện thoại. Kết quả cho thấy, rất nhiều người dân quan tâm đến cai nghiện thuốc lá. Tính riêng Trung tư Vấn cai nghiện thuốc lá (Bệnh viện Bạch Mai), lúc mới thành lập (tháng 8.2015), mỗi ngày trung tâm chỉ nhận được 200-300 cuộc gọi xin tư vấn về tác hại thuốc lá và cai nghiện thuốc lá, đến nay, số cuộc gọi đã tăng lên 7.000-8.000 cuộc/ngày. Để đáp ứng số lượng cuộc gọi lớn, đội ngũ tư vấn cũng phải tăng từ 2-10 người.
Bác sĩ Đào Hữu Minh – Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ cai nghiện – Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư) cho biết, ngoài tư vấn về tác hại thuốc lá, cách thức cai nghiện, bệnh viện sẽ hỗ trợ những bệnh nhân đến cai nghiện bằng các phương pháp “không dùng thuốc”. “Đối với những bệnh nhân gặp các hội chứng sau cai nặng (buồn bực, trầm cảm, mệt mỏi), các bác sĩ đông y sẽ tiến hành châm cứu để giảm cơn thèm thuốc, giảm các triệu chứng nhạt miệng, khó ngủ. Nếu bệnh nhân ho nhiều cũng có thể châm cứu để bớt ho hoặc dùng thêm một số thuốc đông y để long đờm, làm sạch phổi” – bác sĩ Minh cho biết.
Theo bác sĩ Minh, người cai nghiện có thể được hướng dẫn tập dưỡng sinh để điều hòa cơ thể, nâng cao thể trạng, giữ gìn cân nặng đồng thời nâng cao được ý chí của mình để quyết tâm bỏ thuộc. “Dưỡng sinh giúp bệnh nhân tập trung hơn, ít có thời gian nhàn rỗi để nghĩ đến thuốc lá” – bác sĩ Minh giải thích.
Tổng đài tư vấn miễn phí cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư sẽ có 2 hình thức tư vấn: Tư vấn qua điện thoại miễn phí theo số: 043 6321959; 043 8263616 từ 8 giờ đến 22 giờ các ngày trong tuần (trừ ngày nghỉ lễ) và tư vấn trực tiếp tại phòng khám số 201, khoa Khám bệnh từ 8 đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần". Nông thôn ngày nay (trang 4)