Đến hẹn lại… lo ngộ độc thực phẩm cận Tết Nguyên đán
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM, số vụ ngộ độc thực phẩm liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2016, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 544 người mắc, tăng 1 vụ và 276 người mắc so với năm 2015. Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người với nguyên nhân chính là do vi sinh vật gây bệnh.
Hiểm họa từ suất ăn chưa đạt chuẩn
Hồi chuông cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gióng lên từ lâu, với diễn biến ngày càng phức tạp và đây dường như là câu chuyện dài không có hồi kết. Mới đây nhất, đầu tháng 12-2016, trên địa bàn quận 7 đã xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm khiến cho 32 công nhân Khu chế xuất Tân Thuận nhập viện: Sau khi ăn cơm với các món nấm, sườn chay ram, canh rau dền nấu mướp thì các công nhân bắt đầu có các triệu chứng choáng váng, nôn ói, tiêu chảy..., phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Hay trước đó, hàng trăm công nhân Công ty Worldon (Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi) bất ngờ đau bụng, nôn mửa, nhức đầu sau khi ăn bữa trưa do công ty nấu gồm các món khổ qua xào trứng, chả cá tép khô, cà tím xào thịt bằm và canh rau củ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP, nguyên nhân khiến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong thời gian qua một phần là do những doanh nghiệp sản xuất thường chọn bữa ăn giá rẻ, chỉ 10.000 - 15.000 đồng/suất, thời gian vận chuyển và điều kiện của phương tiện vận chuyển thức ăn không đảm bảo an toàn... Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất phó mặc cho các cơ sở cung cấp suất ăn, dẫn đến tình trạng chế độ dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn của công nhân không được bảo đảm. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu để chế biến các suất ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn do hộ gia đình, tư nhân cung cấp, khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Thậm chí có những cơ sở chế biến cố tình mua những nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, khiến nguy cơ ngộ độc từ nguyên liệu là rất lớn.
Siết chặt công tácthanh tra, kiểm tra
Vào những ngày cận tết, danh sách cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM bị Chi cục ATVSTP xử phạt ngày càng dài, số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu là: Sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường; không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có đủ trang thiết bị phù hợp theo quy định để xử lý nguyên liệu, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất; cống rãnh ở khu vực nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép…
Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm trong dịp này, bà Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế TP sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP tại các cơ sở, bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại các cơ sở sản xuất bữa ăn công nghiệp… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức về ATVSTP, đặc biệt tập trung vào nhóm cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể… để thể kịp thời phát hiện, xử lý các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP trước khi tới tay người tiêu dùng.
Mặc dù, vấn đề ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng, người lao động, nhưng hiện nay việc kiểm soát mới chỉ chạm đến phần ngọn. Để răn đe tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm, các biện pháp chế tài được đưa ra, nhưng hình thức phạt hành chính chẳng thấm vào đâu. Để có giải pháp lâu dài kiểm soát vấn đề ATVSTP các bữa ăn cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động”. Nghị quyết quy định rõ, mức chi cho suất ăn ca tối thiểu bằng 0,6% mức lương tối thiểu và khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp. (Sài gòn giải phóng trang 1).
Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân được mổ lấy panh sau 18 năm
Nhân dịp năm mới 2017, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã thay mặt Bộ Y tế đến thăm hỏi bệnh nhân bị quên panh trong bụng cách đây 18 năm vừa được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên.
Trước đó, theo phản ánh của ông Ma Văn Nhật (55 tuổi, trú tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), năm1998 ông bị tai nạn giao thông và được các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn phẫu thuật.
Sau khi mổ, ông Nhật vẫn không thăm khám lại. Thời gian đầu ông thấy không ảnh hưởng gì, nhưng gần đây, ông thấy đau bụng âm ỷ và khi khám tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, các bác sỹ đã phát hiện trong bụng ông có một chiếc panh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã yêu cầu Sở Y tế Bắc Kạn khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn xác định tình trạng hiện tại của người bệnh, hướng xử lý để can thiệp kịp thời lấy dị vật ra khỏi cơ thể bảo đảm an toàn.
Nhưng theo nguyện vọng của bệnh nhân muốn được mổ tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên và Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã bàn bạc và thống nhất mời các chuyên gia giỏi nhất của Bệnh viện Việt Đức lên mổ cho ông Ma Văn Nhật.
Ca mổ diễn ra vào ngày 31-12, do GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức và PGS.TS Công Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức trực tiếp tiến hành. Sau 1 tiếng 30 phút, chiếc panh dài 15cm đã được lấy ra khỏi bụng của bệnh nhân. Hiện sức khoẻ người bệnh đã ổn định.
Theo PGS Khuê qua sự việc trên là bài học cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn nói riêng và cho các bác sỹ và các cơ sở khám chữa bệnh nói chung trong việc thực hiện đảm bảo an toàn người bệnh. “Trong mọi hoàn cảnh, bệnh viện trước tiên phải là nơi an toàn cho người bệnh” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã thăm hỏi và chuyển quà tặng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới người bệnh, đồng thời chia sẻ những rủi ro mà người bệnh gặp phải.
Gia đình ông Ma Văn Nhật cảm ơn các bác sĩ đã phẫu thuật thành công lấy dị vật ra, đồng thời bày tỏ thông cảm về sự cố cố đáng tiếc, không mong muốn xảy ra này và cho biết sẽ không khiếu kiện gì. (Công an nhân dân trang 2).
Trong năm 2017: Việt Nam sẽ khống chế được virus viêm gan B?
Phải tăng tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ, Việt Nam mới đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017. Đó là một trong những quyết tâm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia trong năm tới.
Cán bộ y tế cũng “sợ” tiêm vắc-xin viêm gan B
Tại buổi họp báo thông tin về điểm nhấn trong công tác tiêm chủng mở rộng và những thách thức trong năm 2017, TS. Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, hiện nay tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp. Người dân thiếu lòng tin từ một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin. Đa phần các bà mẹ đồng ý cho con tiêm là vì tin bác sĩ chứ chưa thực sự hiểu vì sao phải tiêm ngay trong 24h đầu sau sinh.
Ngoài ra, một số bệnh viện còn ngần ngại, thậm chí còn có cán bộ tiêm chủng sợ tiêm vắc-xin này. Bà Hồng cho rằng, đây là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mà mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần. “Việt Nam cần phải tăng tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ mới đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017”, bà Hồng cho hay.
Theo TS. Dương Thị Hồng, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vắc-xin mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai.
“Vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm, nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, TS. Dương Thị Hồng thông tin.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, trong đó mũi thứ nhất phải được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-xin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mạn tính, 80% trường hợp dẫn tới ung thư gan và xơ gan do liên quan đến viêm gan B mạn tính. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm virus này.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, ngoài các hoạt động trong tiêm chủng thường xuyên, chương trình TCMR cần triển khai các hoạt động trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu: Tiếp tục duy trì thành quả Thanh toán bệnh bại liệt, Loại trừ bệnh UVSS. Tiếp tục ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tỉ lệ, chất lượng tiêm chủng tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Tăng cường hoạt động nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi trong thời gian tới, duy trì tỉ lệ cao vắc xin sởi và vắc xin sởi-rubella cho trẻ em trong tiêm chủng thường xuyên, tăng cường công tác giám sát bệnh để phát hiện và đáp ứng kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lây lan.
Tiếp tục bảo vệ thành quả của tiêm chủng mở rộng
Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả Thanh toán bại liệt và Loại trừ Uốn ván sơ sinh. Bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỉ lệ mắc chết nhiều bệnh trong TCMR tiếp tục giảm trong năm 2016.
Đến hết tháng 10 năm 2016, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 83,4%. Tỉ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 79,1%. Tháng 6.2016 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella đối tượng nam nữ 16-17 tuổi trước khi bước vào đại học và đi làm. Gần 1,8 triệu đối tượng 16-17 tuổi đã được tiêm phòng vắc xin sởi-rubella, đạt tỉ lệ 94,9%. Nhờ vậy, trong năm 2016 chỉ ghi nhận 34 ca mắc sởi, giảm 442 lần so với năm 2014 và giảm 8 lần so với năm 2015.
Để duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, tháng 7.2016 Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức thành công chiến dịch uống vắc bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn 120 huyện nguy cơ cao thuộc 19 tỉnh/thành phố, đạt tỉ lệ 95,3%.
Thực hiện khuyến cáo của WHO, trong tháng 5.2016 Việt Nam đã cùng với 155 quốc gia thực hiện chuyển đổi từ vắc xin bại liệt 3 týp sang sử dụng vắc xin 2 týp (bOPV) để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. (Lao động trang 8).
Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nghèo: Sẽ hết nhiêu khê?
Những ngày cuối năm, tại một góc bệnh viện, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (có người chờ chết) vẫn chật vật nhiêu khê với bao thủ tục. Thậm chí, đang chữa trị cũng phải dừng để chạy thủ tục chuyển tuyến lại. Sự nhiêu khê của thủ tục hành chính đang hành những người bị trọng bệnh.
Bệnh viện K cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 12/2016, hàng chục bệnh nhân và người nhà đang xếp hàng đợi làm thủ tục mượn lại thẻ BHYT. Năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối năm khi thẻ BHYT sắp hết hạn, người bệnh phải làm đơn xin mượn lại thẻ để về quê làm lại thủ tục nhập viện, chuyển tuyến mới để được hưởng quyền lợi BHYT.
Thông thường, những bệnh nhân được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2 này đều đã được xác định là ung thư giai đoạn cuối. Có bệnh nhân bị trả về nhưng vẫn xin được chữa trị theo kiểu “còn nước còn tát”. Dù bệnh tình nguy cấp, họ vẫn phải chạy vạy để lo thủ tục đổi thẻ mới, chạy lại thủ tục chuyển tuyến từ dưới lên để chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, có đủ thủ tục đó mới thanh toán chi phí chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Nhung (51 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam) kể, đã 4 năm nay, cứ cuối năm bà lại phải viết đơn mượn lại thẻ BHYT cũ để về quê làm lại thủ tục nhập thẻ mới và chuyển tuyến lại từ đầu. Dù hồ sơ bệnh án không có gì thay đổi, thậm chí tôi đang điều trị tại bệnh viện trung ương vẫn phải thực hiện những quy trình đó. “Về đợi có thẻ mới rồi ra bệnh viện huyện, tỉnh làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện K để nhập vào hồ sơ đang lưu tại bệnh viện. Muốn chuyển được còn phải mất thêm tiền, nếu không bệnh viện tỉnh sẽ giữ lại, vì họ nói bệnh này ở tỉnh cũng chữa được”, bà Nhung kể.
Bà Nhung bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, đã di căn vào xương, 20 ngày lại lên Bệnh viện K cơ sở 2 điều trị, mỗi lần 1-2 ngày. Bà nhẩm tính, 4 năm qua đã mất khoảng 300 triệu đồng tiền chữa bệnh. Trong 2 năm đầu, mỗi lần lên Hà Nội xạ trị, bà Nhung đều có người nhà đi cùng, nhưng từ 2 năm nay phải tự đi 1 mình, vì còn phải để con cái lo làm việc kiếm tiền. “Ốm đau bệnh tật thế sao người ta không nhân nhượng cho chuyện thủ tục, giấy tờ. Đã xác định vào K là hết rồi, làm sao cho người ta tâm lý thoải mái. Sống chẳng được bao nhiêu mà...”, bà than thở.
Bà Phạm Thị Bình (60 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) cũng điên đảo vì thủ tục nhiêu khê. Tuyến dưới tự tin chữa được không cho bà được chuyển lên tuyến trên. Bà kể, bà bị ung thư đại tràng, nhưng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An điều trị mãi, chẩn đoán hết dạ dày rồi sang mổ ruột thừa nhưng vẫn không khỏi. Chỉ đến khi người nhà nhờ cậy lãnh đạo bệnh viện này, cuối cùng mới được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và phát hiện ung thư. Những ngày cuối năm, bà nghe đến việc quay lại bệnh viện cũ để hoàn thiện thủ tục; bà mất vía. Chưa kể, thẻ BHYT của bà còn bị người ta làm nhầm (đóng tiền hàng chục năm, nhưng chỉ ghi đóng từng năm một).
Nỗi sợ tuyến dưới
Những trường hợp như bà Nhung, bà Bình không hiếm, việc chạy thủ tục chuyển viện với họ đã thành quen. Bà Phạm Thu Thủy (60 tuổi, ở Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) kể, bà bị ung thư xương, đã điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 2 hơn 2 năm nay. Đây cũng là lần thứ 2 bà phải làm thủ tục để rút hồ sơ nhập viện, chuyển tuyến lại từ đầu. “Tôi nhập viện ở quận, rồi xin chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (bệnh viện khu vực - PV) thì dễ. Nhưng từ bệnh viện ở Hà Đông chuyển lên Bệnh viện K Trung ương phải mất phí cho cò. Bệnh viện gần nhà, nhưng phải đi đúng tuyến mới được bảo hiểm thanh toán 80%, tự đi chỉ được 30%, nên chấp nhận mất ít cho cò vẫn hơn. Giờ xác định ung thư rồi, bác sĩ cũng bảo chẳng được bao lâu nữa vẫn phải chạy ngược chạy xuôi với giấy tờ cũng mệt”, bà Thủy hổn hển nói.
Còn chị Lý Hồng P. (ở Lạng Sơn) cho biết, người nhà chị đang nằm ở Khoa Xạ trị, Bệnh viện K cơ sở 2. Dù vẫn phải nằm lại viện chữa trị, nhưng do thẻ hết hạn, bác sĩ hướng dẫn mượn lại thẻ để về tuyến dưới làm lại thủ tục chuyển viện sau lên bổ sung vào hồ sơ cho đầy đủ. Những bệnh nhân đang điều trị ở đây, hết năm ai cũng chung một nỗi lo thủ tục. (Tiền phong trang 5).
Ngành y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian tới, vào dịp cuối năm và mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng. Vì vậy, có nguy cơ mắc cúm gia cầm trên người nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi-rút từ gia cầm sang người.
Ðể chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Không ăn gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc cũng như các sản phẩm chế biến từ gia cầm ốm, chết; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà-phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Trong năm 2016, nhất là trong những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã ghi nhận các bệnh nhân mắc các chủng cúm A(H5) độc lực cao như: A(H5N1), A(H5N6) tại một số nước… Ðáng chú ý, ngày 24-12-2016 Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp người mắc cúm A(H9N2) tại Quảng Ðông và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. (Nhân dân trang 8).